Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 15/08/2020

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2020 18:36 // ,

Tin Việt Nam – 15/08/2020

Virus corona: Việt Nam đặt mua hàng triệu liều vaccine từ Nga

Bộ Y tế Việt Nam phát đi thông cáo tối 14/8 cho hay sẽ đặt mua vaccine từ Nga và Anh như một nỗ lực có vaccine Covid-19 để tiêm chủng cho dân.
Theo đó, Việt Nam sẽ mua ít nhất 50 triệu liều vaccine do Nga sản xuất, theo báo Tuổi Trẻ, trong đó một phần do Nga tài trợ.
Bộ Y tế Việt Nam cho hay quy trình thử nghiệm vaccine trước khi đưa vào sử dụng ở Việt Nam đòi hỏi thời gian do phải tuân thủ các quy định chặt chẽ.
Hiện chưa rõ giá của vaccine Nga cũng như thời gian nhập về Việt Nam là khi nào.
Vaccine Covid-19 của Nga có an toàn không?
Hôm thứ Ba (12/8), Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Nga đã có vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới, và rằng ông và con gái ông đã được tiêm vaccine này.
Ông Putin nói rằng các thử nghiệm lâm sàng đã được hoàn thành trong vòng chưa đầy hai tháng và các thử nghiệm giai đoạn ba sẽ được bắt đầu. Và rằng Nga thậm chí có kế hoạch phổ biến vaccine này đại trà ra cộng đồng.
Ông Nguyễn Ngô Quang – phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) nói với báo Tuổi Trẻ rằng hi vọng của nhà sản xuất vaccine Nga là nó khả năng bảo vệ trong 24 tháng, nhưng phía Nga chưa đủ minh chứng, dữ liệu để công bố điều này bởi cần theo dõi 30 tháng mới biết được.
Do đó, ông Quang cho rằng Việt Nam cần kiểm tra, đánh giá thật kỹ vaccine này trước khi nhập khẩu với số lượng lớn và tiêm ngừa rộng rãi cho dân.
Các phản ứng khác
Phản ứng lại tin vaccine của Nga, Tổng tống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu (14/8) nói rằng ông hi vọng vaccine vừa được Bộ Y tế Nga phê duyệt ‘sẽ hiệu quả’, bởi các nhà khoa học và giới chức y tế ‘rất lo lắng về độ an toàn của nó’, theo CNBC.
“Chúng tôi không biết gì nhiều về vaccine này. Hi vọng là nó tốt. Họ đã cắt mất vài khâu thử nghiệm và chúng tôi thấy điều quan trọng là phải thực hiện toàn bộ các quy trình này,” ông Trump nói trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm thứ Sáu 14/8.
Các nhà khoa học và giới chức y tế cộng đồng ngay lập tức bày tỏ sự hoài nghi, nói rằng loại vaccine do Nga sản xuất, có tên là Sputnik V, vẫn cần các thử nghiệm quan trọng để xác định xem nó có an toàn và hiệu quả hay không.
Họ cũng lo ngại nó có thể gây áp lực lên Hoa Kỳ trong việc phê duyệt một loại vaccine trước khi nó thực sự sẵn sàng.
“Tôi nghĩ rằng hầu như mọi chuyên gia về vaccine trên thế giới khi xem xét vấn đề này đều khá lo lắng liệu đây có phải là một quyết định khôn ngoan hay không. Một số người đã gọi đây là trò cò quay của Nga (Russian roulette),” Tiến sĩ Francis Collins, giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, nói với các phóng viên hôm thứ Năm.
Bao giờ Việt Nam có vaccine ngừa Covid-19?
Hiện có bốn nhà sản xuất Việt Nam tham gia tìm kiếm vaccine ngừa Covd-19, trong đó hai nhà sản xuất là IVAC và Nanogen gửi mẫu sang Mỹ để đánh giá chủng, theo báo Tuổi Trẻ.
Trong tháng Tám, đại diện Bộ Y tế Việt Nam dự kiến sẽ cử đoàn đến hai đơn vị này để đánh giá dây chuyền công nghệ và hồ sơ liên quan đến chủng, đến tháng Mười dự kiến hoàn tất hồ sơ giai đoạn tiền lâm sàng, chuyển sang thử nghiệm trên người.
Dự kiến tháng 10/2021 sẽ có vaccine ngừa Covid-19 do Việt Nam sản xuất.

Biện pháp cách ly ‘vô tội vạ’

ảnh hưởng đến cuộc sống người dân

Báo trong nước vào ngày 14/8 dẫn lời ông Nguyễn Đức Sâm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phong Bình, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đưa tin cho hay hiện giới chức huyện đã cách ly kịp thời 2 người F1 của bệnh nhân 833 sau khi cách ly nhầm một người khác trước đó.
Cụ thể, bệnh nhân 833 được Y tế công bố nhiễm nCoV vào ngày 9/8, có khai báo với chính quyền đã đến ăn tại quán cháo Ngọc Lan, xã Phong Bình lúc 19h30 ngày 4/8.
Ngay lập tức, chính quyền huyện Gio Linh đã đưa chủ quán cháo Ngọc Lan đi cách ly tập trung vào ngày 10/8.
Tuy nhiên, sau khi bị cách ly 3 ngày thì bà chủ quán cháo Ngọc Lan mới nhớ ra hôm 4/8 là ngày rằm nên bà đóng cửa quán.
Bệnh nhân 833 sau đó cho hay đã nhớ nhầm quán cháo chị ăn là Ngọc Lý chứ không phải Ngọc Lan.
Sự việc khai báo nhầm địa chỉ khiến người dân phải bị cách ly oan nhanh chóng được lan truyền rộng rãi trên các diễn đàn và các trang mạng xã hội.
Dưới góc nhìn chuyên môn, Tiến sĩ xã hội học Phạm Quỳnh Hương, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng rõ ràng việc cách ly đem lại hiệu quả nhất định trong công tác phòng chống sự lây lan của dịch bệnh SARS-CoV-2 nhưng qua sự việc cách ly oan vừa nêu, có thể nhận thấy hướng giải quyết của giới lãnh đạo:
“Người Việt Nam không nghĩ như những nước khác như Anh, Pháp, Mỹ mà quen nghĩ theo kiểu ‘thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót’. Tức là thà bắt nhầm, giữ nhầm, cách ly nhầm cũng được, còn hơn bỏ sót những người mắc bệnh mà lại lây ra cộng đồng. Nếu họ so sánh giữa cái được và cái mất, thậm chí chết người chẳng hạn thì họ sẽ lựa chọn phương án cách ly. Tôi nghĩ rằng hầu hết người Việt Nam cảm thấy không bưc xúc hay không bất bình gì với những việc đó. Còn (chính quyền) sau khi phát hiện ra nhầm thì cũng thôi chứ không áy náy gì.”
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cũng nhận định rằng chính phủ Hà Nội trong đợt dịch này đã không yêu cầu giãn cách toàn xã hội như trước mà để lãnh đạo các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế mà quyết định. Do đó, các địa phương sẽ tùy thuộc vào mục tiêu kinh tế hay xã hội mà có những phương án phù hợp.
Theo thống kê từ Bộ Y tế được cập nhật vào 9h hàng ngày trên Bản tin dịch COVID-19 trong 24h, tính đến ngày 14/8, cả nước hiện đang có 172.093 người cách ly. Trong đó, số người cách ly tập trung tại bệnh viện là 5.222 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là gần 25.799 người và cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 141.072 người. (https://ncov.moh.gov.vn/-/ban-tin-dich-covid-19-trong-24h-tiep-lua-mien-trung-chong-dich-covid-19)
Một người lao động nước ngoài về nước hiện đang cách ly tại khu cách ly Thanh Trì, Hà Nội không muốn nêu tên vì lý do an toàn cho rằng việc đi cách ly như vậy ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống và cả sinh hoạt gia đình. Do đó, anh đề nghị:
“Em thấy cái này nhà nước phải chịu trách nhiệm. Tự nhiên người ta khai thì phải xác minh sự thật chứ đưa nguyên cái quán đi cách ly xong mới phát hiện quán đó không có thì em thấy vô lý và bất công.”
Giải thích rõ hơn về quyền lợi của người chủ tiệm cháo Ngọc Lan trong sai phạm cách ly lần này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam cho hay:
“Nếu người chủ quán yêu cầu, chứng minh được thiệt hại của họ thì các cơ quan có thẩm quyền đưa đi cách ly theo quy định của Bộ luật Dân sự thì họ phải bồi thường cho người chủ quán nếu người chủ quán có yêu cầu. Theo quy định của luật thì các cơ quan đưa họ đi (cách ly oan) như vậy sẽ phải bồi thường bằng tiền và bồi thường danh dự cho họ.”
Vẫn theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, việc cách ly nhầm người tại Quảng Trị lần này chỉ là một sơ sót trong nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm cố gắng để không bỏ sót người bệnh lây lan cho toàn xã hội. Mặc dù vậy, Luật sư Hậu cũng cho rằng trường hợp này rất khó, không biết xử lý thế nào do bệnh nhân nhầm, nhớ sai địa chỉ nên xảy ra chuyện:
“Trước hết cần phải làm rõ các cơ quan chức năng người ta đang xác minh COVID nhớ sai đến chủ quán nên việc này phải nắm lại Ủy ban Nhân dân xã nguyên nhân việc này là điều rất đáng tiếc. Tôi nghĩ cần phải rút kinh nghiệm, phải chính xác bởi vì sai một ly đi một dặm liền. Vì vậy nên hành vi từ chối hoặc trốn tránh cách ly y tế, hoặc cưỡng chế trong việc cách ly y tế của nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh là phải rất cẩn trọng. Nếu có sai sót làm cho người ta rất khó chịu nên cơ quan y tế và Ủy ban Nhân dân xã cũng cần phải rút kinh nghiệm trong việc này.”
Bên cạnh đó, Luật sư Hậu cho rằng bệnh nhân 833 cũng có nguy cơ bị xử phạt hành chính trong sự việc lần này nếu bị truy trách nhiệm. Ông nói rõ:
“Xử phạt vi phạm hành chính thì phải xem hành vi đó là cố tình hay vô ý. Chính phủ cũng có Nghị định 176 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nên những hành vi có thể đưa vào lan truyền tin tức không đúng sự thật”
Nhằm hạn chế sự lây lan phức tạp của dịch bệnh COVID-19, chính phủ Hà Nội đã ban hành lệnh cách ly đối với tất cả những người có tiếp xúc với các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Đồng thời cũng thực hiện cách ly tập trung công dân Việt hồi hương và du khách nước ngoài đến Việt Nam bằng đường hàng không hay đường bộ.
Tuy vậy, những bất cập về việc cách ly liên tục được truyền thông trong nước nhắc đến thời gian qua, điển hình như những than phiền về vệ sinh, chỗ ở tại các khu cách ly tập trung, chuyện đưa người khác đi cách ly thay, trốn cách ly…
Từ kinh nghiệm thực tế tại khu cách ly Thanh Trì, Hà Nội trong những ngày qua, người lao động nước ngoài về nước giấu tên vì lý do an toàn cho rằng chính sách cách ly vẫn chưa được thực hiện đến nơi đến chốn tại cơ sở này.
“Đưa một đoàn mới về, là chuyến bay từ Mỹ về thì có khả năng bị COVID-19 nhiều hơn nhưng tại sao lại đưa vào chung khu cách ly của tụi em. Lúc sáng đưa vào thì những người đó đi tới đi lui, thay vì thời gian đưa phải thông báo cho tụi em phải ở trong phòng, đưa những người đó đi lên phòng trên thì em đồng ý. Còn đằng này đang ở ngoài sinh hoạt bình thường thì đưa những người đó vào như vậy lỡ có người nào bị COVID-19 thì những người như em sẽ thế nào?”
Riêng trong ngày 14/8, ban quản lý khu cách ly đã không tuân theo nguyên tắc chung khi mua trà sữa đem vào cho các bạn nữ trong một phòng tại lầu 3, dù nơi đây cấm không được mang đồ ăn bên ngoài vào.
“Hôm nay đúng ra trong quy định cách ly là không được mua bất cứ gì ở ngoài vào khu cách ly, sau 14 ngày cách ly thì ra ngoài muốn làm gì thì làm. Nhưng đặc biệt ở đây có một phòng toàn nữ không thì bạn quản lý lầu 3 là lầu tụi em lại mua trà sữa cho mấy bạn bên phòng đó. Em có hỏi thì bạn quản lý lầu 3 thì bạn nói những bạn nữ được đặc cách do anh Tạ Quang Trung, quản lý khu cách ly cho phép do các bạn nữ hôm trước có dọn vệ sinh. Em có liên lạc hỏi anh Tạ Quang Trung thì anh nói có hai bạn nữ có công chăm sóc người già là em thấy 2 lý do khác nhau rồi.”
Trước đó, người lao động nước ngoài giấu tên đang cách ly tại khu Thanh Trì cũng từng phản ảnh về việc ban quản lý không thông báo thời gian đoàn người trên chuyến bay từ Mỹ được đưa vào khu cách ly để những người cách ly cũ ở trong phòng, tránh tiếp xúc vì đoàn cũ chỉ còn 2 ngày nữa là hoàn thành thời gian cách ly.
Trước những sự việc vừa nêu, người lao động nước ngoài đang cách ly tại khu Thanh Trì bày tỏ sự thất vọng trong công tác cách ly hiện nay:
“Thật sự em quá bất mãn từ việc ban lãnh đạo ở đây. Thay vì nhân viên làm sai thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm, đằng này lãnh đạo lại bao che. Đây là nội quy đặt ra phải tuân thủ. Đường dây Bộ Y tế em gọi phản ánh vụ tại sao tụi em chưa ra mà lại đưa thêm người mới vào sinh hoạt chung mà không biết người đó có nhiễm virus corona hay không thì người trực đường dây Bộ Y tế hôm đó lại nói đường dây này dùng để tiếp nhận trường hợp dương tính hoặc thông tin từ bệnh viện, còn chuyện này không tiếp nhận. Em có xin tên trực đường dây nóng anh đó không cho, em xin mã số để biết ai tiếp nhận cuộc gọi của em cũng không cho.”
Báo quốc nội trong ngày 14/8 đăng tin cho hay Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thống nhất nhận định rằng có thể từ giờ trở đi, Việt Nam sẽ không còn những khoảng thời gian yên bình như trước nữa khi có nguy cơ dịch bệnh thường trực tại tất cả các địa phương.
Tính đến ngày 14/8, Việt Nam đã ghi nhận 929 ca nhiễm COVID-19, trong số này có 21 trường hợp đã tử vong.
Trong cùng ngày, Quyền Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam dự định đặt mua từ 50-150 triệu liều vaccine phòng SARS-CoV-2 của Nga.

COVID-19: Việt Nam ghi nhận 23 trường hợp tử vong

Đến chiều ngày 15/8, Việt Nam đã ghi nhận thêm 20 trường hợp nhiễm COVID-19, đưa tổng số người nhiễm bệnh từ tháng 1 đến nay lên 950 ca, trong số này có 23 trường hợp tử vong.
Chỉ riêng trong ngày 15/8, Việt Nam đã ghi nhân liên tiếp 2 ca tử vong, đều là những người lớn tuổi có bệnh lý nền nặng.
Theo Bộ Y tế, các ca tử vong do COVID-19 tính từ ngày 31/7 trở lại đây liên quan đến ổ dịch ở TP Đà Nẵng, hầu hết đều là các bệnh nhân tuổi cao và có bệnh nền. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã có trường hợp bệnh nhân COVID-19 tử vong ở tuổi 33.
Trong số 20 ca bệnh mới công bố tại Việt Nam hôm 15/8, có 11 trường hợp ở Đà Nẵng, 4 ca ở Quảng Nam, 1 ca ở Hải Dương và 4 ca là người nhập cảnh vào Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 15/8, Việt Nam đã có 437 ca COVID-19 khỏi bệnh.

TP.HCM cảnh báo “nóng” sau khi phát hiện

người Trung Quốc nhập cảnh lậu bị nhiễm COVID-19

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), vào tối ngày 14/8, phát đi cảnh báo “nóng” mới về tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, gây nguy cơ lây lan COVID-19 trong phạm vi thành phố.
Truyền thông trong nước cho biết HCDC ban hành cảnh báo “nóng” vừa nêu, ngay sau khi Bộ Y tế công bố 1 ca mắc COVID-19 mới, bệnh nhân số 912 ở TP.HCM là một người Trung Quốc đã nhập cảnh trái phép qua biên giới phía Bắc vào Việt Nam cùng với 7 người khác. Nhóm 8 người Trung Quốc này di chuyển bằng ô tô vào TP.HCM và được đưa đi cách ly tập trung vào ngày 30/7. Kết quả xét nghiệm của nhóm 8 người Trung Quốc được thông báo là cả 3 lần đều âm tính. Tuy nhiên, đến ngày 12/8, sau lần xét nghiệm thứ 4, một người trong nhóm này bị dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Ca nhiễm COVID-19 ở nhóm người nhập cảnh trái phép vừa nêu được ghi nhận là trường hợp đầu tiên được phát hiện tại TP.HCM.
HCDC cảnh báo các cơ quan chức năng, cộng đồng và toàn xã hội phải có biện pháp ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép một cách hiệu quả và phải có chế tài thật nặng đối với nhóm người nhập cảnh trái phép, cần xem xét xử lý hình sự đặc biệt đối với những ai tiếp tay cho nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. HCDC cho rằng nếu như bỏ lọt các trường hợp nhập cảnh trái phép bị mắc COVID-19 thì hậu quả sẽ rất nặng nề và nỗ lực chống dịch không đạt được kết quả như mong muốn.
Trong cùng ngày 14/8, Bộ Y tế cũng có công văn gửi đến các cơ quan y tế của các tỉnh và thành phố, đề nghị tăng cường công tác sàng lọc, phân luồng và cách ly ca bệnh nghi ngờ tại bệnh viện.
Nội dung công văn của Bộ Y tế đề cập đến ca nhiễm COIVD-19 số 867 đã đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Thanh Nhàn khám. Sau hai lần được CDC Hà Nội và Bệnh viện Thanh Nhàn lấy mẫu, đến ngày 11/8 có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2.
Bệnh nhân số 867 được Bộ Y tế công bố mắc COVID-19 vào ngày 12/8. Bệnh nhân này được nói là trú ngụ ở tỉnh Hải Dương và đã đi lại nhiều nơi trước khi được phát hiện mắc bệnh.
Qua trường hợp bệnh nhân số 867, Bộ Y tế yêu cầu toàn bộ bệnh viện trên cả nước thực hiện nghiêm các công điện và hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế ban hành.

Người dân Sài Gòn muốn mua nước sinh hoạt

phải trả tiền sử dụng nước cho nhà cầm quyền

Tin Saigon.- Báo Vnexpress ngày 14 tháng 8 năm 2020 loan tin, sở Xây dựng Cộng sản tại Sài Gòn muốn thu tiền đã sử dụng nước hay còn gọi là tiền thoát nước của người dân thành phố với mức 1,430 đồng cho mỗi m3. Ngoài ra, giá mà người dân phải đóng sẽ được tăng dần theo từng năm, năm sau sẽ phải đóng nhiều hơn năm trước.
Thí dụ, năm 2021 người dân phải đóng mức tiền 2,033 đồng cho mỗi m3, năm 2022 sẽ là 2,694 đồng một m3.
Cơ quan này giải thích, việc thu tiền là để dùng vào đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước thành phố. Cách thu tiền được sở Xây dựng đưa ra là, tổng công ty cấp nước Sài Gòn sẽ căn cứ vào hoá đơn nước sạch hàng tháng để thu. Tức là Công ty này là đơn vị nước sạch cho người dân sử dụng, hàng tháng sau khi thu tiền bán nước sạch của người dân đã dùng, thì sẽ căn cứ vào tổng khối lượng nước của người dân đã tiêu thụ để thu luôn tiền lệ phí mà họ đã sử dụng nước, hay là nước đã thải ra.
Đối với những người dân không sử dụng nước của công ty cấp nước Sài Gòn, mà dùng nước mưa hoặc nước giếng thì nhà cầm quyền sẽ “buộc họ để thu loại tiền khác gọi là lệ phí bảo vệ môi trường.
Theo sở Xây dựng, nếu đề nghị này được thực hiện thì nhà cầm quyền sẽ cộng tiền mua nước với tiền sử dụng nước đã mua vào một lần, với giá bình quân cho mỗi m3 trong năm 2020 là 11,029 đồng, năm 2021 là 12,198 đồng, giá này sẽ tăng dần trong các năm.
Đây là giá nước chưa tính 10% tiền thuế giá trị gia tăng. Được biết, trước đó nhà cầm quyền cũng đã lên phương án thu tiền ngập nước mưa của người dân bằng cách tính trên m2 đất mà người dân sở hữu.
An Nhiên

Chủ tịch thành phố Yên Bái đột tử ở cơ quan

Hiểu Minh
Ông Hoàng Xuân Đán, Chủ tịch UBND TP. Yên Bái được xác nhận đột tử tại sân cơ quan vào chiều 15/8.
Ông Đỗ Đức Minh, Bí thư Thành ủy thành phố Yên Bái cho biết, vào giờ nghỉ trưa, ông Đán đi bộ ra bãi đỗ xe để về nhà thì ngã quỵ giữa sân. Anh em trong cơ quan phát hiện, đưa ông đi cấp cứu nhưng không kịp.
“Sau khi mổ pháp y, cơ quan chức năng kết luận anh Đán tử vong do nhồi máu cơ tim. Gia đình cho hay anh có tiền sử bệnh tim”, ông Minh nói và cho hay sáng cùng ngày ông Đán vẫn xuống cơ sở giám sát việc xây nhà cho hộ nghèo, theo VnExpress.
Ông Hoàng Xuân Đán sinh ngày 11/10/1974, quê quán tại xã Mễ Sở, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Ông Đán là Phó bí thư Thành uỷ thành phố Yên Bái, được bầu giữ chức Chủ tịch TP. Yên Bái từ 1/4/2020.

Tám quan chức ở Quảng Ngãi bị kỷ luật

Tám cán bộ tỉnh Quảng Ngãi bị kỷ luật do liên quan đến các dự án, đất đai, bổ nhiệm nhân sự…
Truyền thông trong nước, vào ngày 14/8 dẫn thông báo từ Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết quyết định kỷ luật 8 lãnh đạo và nguyên lãnh đạo của tỉnh này được ban hành trong cùng ngày.
Cụ thể, ông Nguyễn Phong-giám đốc Sở Xây dựng nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo. 7 cán bộ còn lại nhận hình thức kỷ luật khiển trách bao gồm ông Nguyễn Chín-nguyên trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy, ông Đỗ Minh Hải-giám đốc Sở Tài nguyên môi trường, ông Trần Văn Thanh-nguyên giám đốc Sở Nội vụ, ông Lê Minh Huấn-nguyên chánh văn phòng UBND tỉnh, ông Nguyễn Đăng Lộc-phó giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư, ông Phí Quang Hiển-phó giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường và bà Nguyễn Thị Phương Thảo-trưởng Ban Kinh tế-ngân sách HĐND tỉnh.
Tám lãnh đạo và cựu lãnh đạo của tỉnh Quảng Ngãi bị kỷ luật vì đã có những sai phạm trong công tác quản lý và điều hành một số những dự án cũng như bổ nhiệm nhân sự trong tỉnh.
Hồi trung tuần tháng 6, Bí thư tỉnh Quảng Ngãi, ông Lê Viết Chữ, bị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ra quyết định kỷ luật với hình thức cảnh cáo vì đã vi phạm quy chế làm việc của Tỉnh uỷ và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Trước đó vào đầu tháng 6, Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Ngọc Căng, cũng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật do đã có sai phạm và khuyết điểm tương tự, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi.
Cả hai lãnh đạo cao cấp nhất tỉnh Quảng Ngãi, ông Lê Viết Chữ và ông Trần Ngọc Căng đồng loạt gửi đơn xin thôi giữ chức vụ, sau khi bị kỷ luật.
Lý do hai vị lãnh đạo này trình bày trong đơn xin thôi giữ chức vụ là để tạo điều kiện kiện toàn công tác nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, nhiệm kỳ 2020-2025 sắp tới.

Nhà máy điện gió V1-2 được khởi công tại Trà Vinh

Dự án Nhà máy điện gió V1-2 tại xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đã được động thổ khởi công xây dựng ngày 14/8.
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin cùng ngày.
Nhà máy điện gió V1-2 với tổng mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng do Tập đoàn Trường Thành Việt Nam liên danh với Công ty Sermsang Power Corporation Public (SSP) của Thái Lan.
Báo trong nước dẫn lời ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Điện gió Trường Thành Trà Vinh cho biết nhà máy điện gió V1-2 Trà Vinh sử dụng khoảng 1.220 ha mặt đất, có công suất 48 MWp, bao gồm 12 tuabin gió.
Được biết, nhà máy điện gió V1-2 có sản lượng điện dự kiến gần 163 triệu kWh/năm, đóng góp vào ngân sách của địa phương khoảng 45-50 tỷ đồng mỗi năm, đồng thời giúp tạo thêm nhiều việc làm mới tại địa phương khi được đưa vào vận hành.
Trong quy hoạch đã được Bộ Công thương phê duyệt liên quan đến phát triển điện gió tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, có xét đến 2030, tổng công suất điện gió của Trà Vinh đạt khoảng 1.608 MW.
Hiện tại tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư năm dự án với tổng công suất 270 MW.

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ kêu gọi

Việt Nam tôn trọng nhân quyền

Hoa Kỳ thúc giục chính phủ Việt Nam hành động phù hợp với các chuẩn mực nhân quyền trong Hiến pháp và trong các Công ước quốc tế đã ký kết.
Lời kêu gọi được Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động Robert Destro đưa ra ngày 14/8 trong buổi hội luận trực tuyến ‘Ngày Vận động cho Việt Nam’, một sự kiện thường niên do Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS tổ chức nhằm đánh động sự quan tâm của Hoa Kỳ và quốc tế đến hồ sơ nhân quyền của Hà Nội.
Cuộc họp hôm 14/8 là phiên thảo luận thứ 6 trong chuỗi Hội luận ‘Ngày Vận động cho Việt Nam 2020,’ quy tụ các diễn giả quốc tế đến từ Bộ Ngoại giao Mỹ, Liên hiệp quốc, ASEAN và các tổ chức xã hội dân sự.
Nêu lên các trường hợp gần đây khiến quốc tế quan ngại về nhân quyền tại Việt Nam như vụ xử nhóm Hiến Pháp, vụ bắt giam Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Phạm Chí Dũng cùng các thành viên, và các bản án dành cho các nhà hoạt động vì môi trường như Lê Đình Lượng, Nguyễn Văn Hóa, ông Robert Destro nhấn mạnh:
“Mọi cá nhân tại Việt Nam phải được tự do bày tỏ quan điểm của mình mà không sợ bị trả thù.”
Các nhà hoạt động này ‘bị bắt vì thực hiện các quyền tự do cơ bản của mình,’ Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Robert Destro nói.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam đảm bảo rằng các hành động của họ phải phù hợp với các quy định về quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết,” ông tiếp lời.
Phát biểu tại buổi Hội luận, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên hiệp quốc về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng, Tiến Sĩ Ahmed Shaheed, nhận xét tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ so với cách nay 6 năm khi ông đến Việt Nam.
“Việc thực thi Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng của Việt Nam còn nhiều hạn chế đối với những nhóm tôn giáo chưa được đăng ký.”
Ông lưu ý việc chính quyền Việt Nam sử dụng nhiều điều luật, nhất là điều luật về an ninh quốc gia với những điều khoản rất mơ hồ, nhưng thực tế lại được sử dụng như một công cụ để đàn áp quyền của các nhóm tôn giáo thiểu số trong nước.
“Tất nhiên, còn có các cuộc tấn công của các thành phần xã hội khác nhau của chính quyền nhắm vào các nhóm Tin Lành thiểu số như là một mục tiêu cụ thể, bao gồm tấn công tài sản, tấn công người, đe dọa và bắt bớ, và có thái độ, ngôn từ thù hằn với nhóm tôn giáo này,” ông Shaheed nói.
Bà Desi Hanara, Điều phối viên Khu vực Đông Nam Á cho một dự án chung giữa các Nghị Sĩ ASEAN về Nhân Quyền (APHR) và Ủy Ban Quốc tế của các Nghị sĩ về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng (IPPFoRB), cho biết 65 nghị viên đương nhiệm và cựu nghị viên từ nhiều quốc gia đã cùng ký thư chung gửi đến Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 13/8, yêu cầu trả tự do cho nhà hoạt động tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển, người đang thụ án 11 năm tù với cáo buộc “lật đổ chính quyền.”
“Cùng nhau, chúng tôi đồng lòng đưa ra một ưu tiên. Năm nay, Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Chúng tôi xin thông báo rằng ngày hôm qua chúng tôi đã gửi thư ngỏ đến Thủ tướng Việt Nam. Bức thư được 65 nghị viên từ 28 quốc gia trên khắp thế giới ký tên kêu gọi Thủ tướng ngay lập tức trả tự do vô điều kiện cho ông Nguyễn Bắc Truyển và tất cả những ai bị giam cầm chỉ vì lên tiếng cho nhân quyền một cách ôn hòa.”
Thư ngỏ cũng đồng thời yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội cho phép tất cả các tổ chức tôn giáo độc lập ở Việt Nam được tự do sinh hoạt tôn giáo mà không sợ bị bắt bớ, sách nhiễu, tù đày.
Tiến sĩ Heiner Bielefld, nguyên Báo cáo viên Đặc biệt của Liên hiệp quốc về Tự do tôn giáo, từng đi thực địa đến Việt Nam và tiếp xúc với ông Truyển, nói tại buổi Hội luận rằng ông Truyển ‘thật sự là một nhà yêu nước, chứ không phải là người phản động.’
Trả lời câu hỏi VOA về khả năng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo CPC và các biện pháp trừng phạt nào sẽ được áp dụng đối với quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động Robert Destro nói:
“Tôi không thể đưa ra bình luận về các bước diễn ra bên trong nội bộ Bộ Ngoại giao. Đó là những vấn đề rất nhạy cảm.”
Ông Robert Berschinski, Phó Giám đốc Chính sách của tổ chức Human Rights First, nguyên là Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách thực thi đạo luật Magnistsky Toàn cầu, đưa ra bình luận:
“Các biện pháp trừng phạt chỉ đơn giản là một công cụ, một công cụ hữu ích, nhưng cái chúng cần phải là một phần của một chiến lược lớn hơn.”
Hà Nội lâu nay bác những chỉ trích về vi phạm nhân quyền và một mực khẳng định không bắt giam ai vì bất đồng chính kiến mà chỉ xử lý những người vi phạm pháp luật Việt Nam.

Mỹ ‘‘quan ngại sâu sắc’’ về việc Việt Nam kết án

 8 thành viên nhóm ‘‘Hiến pháp’’

Trọng Thành
Chính phủ Mỹ bày tỏ « quan ngại sâu sắc » về việc tòa án Việt Nam kết án 8 thành viên của một tổ chức xã hội dân sự, với tổng cộng 40 năm tù giam. Bản án được đưa ra hôm 31/07/2020.
Thông cáo của chính phủ Mỹ, ngày 13/08/2020, thừa nhận chính quyền Việt Nam « đã có những tiến bộ về phương diện nhân quyền tại một số khu vực, trong những năm gần đây », nhưng đồng thời khẳng định kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho « tất cả những người bị giam giữ bất công », và kêu gọi Hà Nội « cho phép mọi người dân được bày tỏ tự do quan điểm của mình, mà không sợ bị trả thù ». 
Trong  thông cáo nói trên, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhấn mạnh : « Các xã hội tự do và cởi mở trên thế giới được củng cố khi các cá nhân được thực hiện quyền tự do biểu đạt của mình. Chúng tôi hối thúc chính phủ Việt Nam đảm bảo những hành động của họ nhất quán với những điều khoản về nhân quyền trong Hiến pháp Việt Nam và những cam kết và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam ».
Những người thuộc nhóm Hiến pháp bị kết án tù gồm các ông bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Hoàng Thị Thu Vang, Đỗ Thế Hóa, Hồ Đình Cương, Ngô Văn Dũng, Trần Thanh Phương, Đoàn Thị Hồng và Lê Quý Lộc. Truyền thông Nhà nước Việt Nam gọi đây là một vụ án « phá rối an ninh ». Tám bị cáo bị khép tội « gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn trật tự xã hội, xâm phạm an ninh quốc gia ».
Theo cáo trạng, các bị cáo « là những người có tư tưởng bất mãn với chính quyền, lại thường xuyên tiếp xúc với các thông tin trên có nội dung xấu trên mạng xã hội », « đã chia sẻ các video về Facebook cá nhân để kêu gọi, kích động, lôi kéo người tham gia biểu tình ».

Giải mã một hiện tượng truyền thông

TS. Đinh Hoàng Thắng
Vấn đề cần giải mã ở đây là cái gì đứng đằng sau quyết định chiếu bộ phim về cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc ngày 17/2/1979 vào giờ vàng của VTV1? Phải chăng đây là sự “xoay trục” của Ban Tuyên giáo? Hay đơn giản, đây là thông điệp muốn gửi tới Trung Quốc, hoặc đây chỉ là động thái tuyên truyền như bao ấn phẩm khác, sau khi được các cấp hữu quan bật đèn xanh…
Tối 11/8/2020, nhiều người lính còn sót lại từ cuộc chiến tranh biên giới 17/2/1979 đã khóc khi xem bộ phim “Biên niên sử truyền hình: Năm 1979”. Còn các chuyên gia trong và ngoài nước thì “bình loạn” về mọi chiều kích vốn rất đỗi bình thường nhưng lại rất bất thường liên quan đến một sự kiện lịch sử cách đây 41 năm. Nếu trong xã hội dân chủ thì điều này không có chi là lạ. “Tôi không đồng ý với anh nhưng tôi sẵn sàng sống chết để anh có cơ hội trình bày ý kiến của mình” (Một nhà dân chủ xứ nào đấy từng dạy dỗ như thế). Nhưng ở nước ta, nói khác và nghĩ khác với chính thống thì hệ quả sẽ là còng số tám, nhà tù hay ít nhất cũng tạm giữ điều tra… Vậy thì đích thị đây là một hiện tượng truyền thông rồi. Lời bình trong phim không phải là thứ ngôn ngữ gỗ lâu nay thường nấp dưới các uyển ngữ để che đậy về “nước lạ” hay “quốc gia láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại Quảng Ninh”.
Vấn đề cần giải mã là điều bí ẩn nào đứng đằng sau quyết định “trình làng” bộ phim chiếu vào giờ vàng của Võ Văn Thưởng và Thuận Hữu, tức là từ những nhân vật đứng đầu trong cái “Ban biên tập” của bảy tám trăm tờ báo và tạp chí ở Việt Nam thời nay? Phải chăng: i) Đây là sự “xoay trục” (pivot) của Ban Tuyên giáo Trung ương, thậm chí có thể cao hơn, của một cánh nào đó trong bộ máy quyền lực cấp thượng đỉnh? ii) Hay chỉ đơn giản, đây là một thông điệp gửi tới Trung Quốc, rằng quân đội Trung Quốc không nên vượt qua “làn ranh đỏ” trong bang giao Việt – Trung? và iii) Nói cho cùng, chẳng là gì cả, đó chỉ là một bộ phim để tuyên truyền như bao ấn phẩm khác, chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện” hay khá hơn một chút thì cũng chỉ là một liều dopping trước kỳ Đại hội ĐCSVN lần thứ 13?
Ngược lại với chủ nghĩa chiết trung, tác giả không chia đều xác suất cho mỗi khả năng. Về kịch bản thứ nhất, bản thân không mặn mà lắm với dự báo Việt Nam sẽ có một bước chuyển hay đột phá nào đấy của Ban Tuyên giáo trong chính sách đối với Trung Quốc (vì vậy, chỉ đặt cược khoảng 10% thôi). Bang giao Việt – Trung quá phức tạp, quá gai góc để có thể bất ngờ xuất hiện một Thái Anh Văn trước hoặc sau Đại hội 13 (mà giả sử nếu có thì Madam Tổng bí thư hay Chủ tịch nước ấy buộc phải chuyển giới, vì Việt Nam chưa quen với tập quán người lãnh đạo tối cao là đàn bà). Hà Nội từng nghiên cứu các nguyên tắc của Đài Loan trong quan hệ với Trung Quốc cộng sản: kiên trì hoà bình giữa hai bờ eo biển, bảo vệ được nền dân chủ quốc nội, duy trì đối thoại với đại lục… Tuy nhiên, bang giao Trung – Việt quá giăng mắc và quá chằng chịt để Ba Đình có thể tham khảo con đường của Đài Bắc, bẻ lái “chuyển trục” một cách đơn giản bằng cách cho chiếu một bộ phim lịch sử.
Dẫu việc thay đổi chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc là có thật chứ không phải là một thao tác vận động tranh cử tổng thống, dẫu Mỹ sẽ cứng rắn hơn về cả tuyên bố lẫn hành động trên vấn đề Biển Đông và những vấn đề cốt tử khác trong quan hệ hai nước lớn, Việt Nam vẫn sẽ hết sức thận trọng trong đối sách với Trung Quốc. Theo Giáo sư Trần Ngọc Vương, từ Đại học Quốc gia Hà Nội, “nước xa không cứu được lửa gần”, bất luận các nhân tố ngẫu nhiên hay tất yếu nào sẽ xuất hiện trên thế giới hay trong khu vực hiện nay, những tham vọng bành trướng của Trung Quốc đối với Việt Nam trên đất liền lẫn biển đảo còn lâu mới suy suyển. Điều này, các nhà lãnh đạo Việt Nam thuộc các thế hệ tiền bối cũng như các thế hệ cận đại ý thức rất rõ. Vì vậy, sau thông điệp Thời báo Toàn cầu (Global Times) gửi Hà Nội, các nhà hoạch định chính sách ngồi ở Ba Đình khá tỉnh táo để không “pivot” vào thời điểm đầy sóng gió hiện nay ở trong nước cũng như trên vũ đài quốc tế.
Về kịch bản thứ hai, người viết cũng chỉ đánh cược 20% vào xác quyết, Việt Nam muốn chuyển một thông điệp cụ thể vào một thời điểm cụ thể cho Trung Quốc. Quan hệ Việt – Trung vốn được diễn ra trên rất nhiều kênh. Không ít lần Ba Đình từng phải “ngộp thở” trong cái mớ bòng bong các sự kiện và xu hướng đầy xung đột. Hãy suy ngẫm về một cái tít sặc mùi kim tiền trong quan hệ song phương giữa “thiên triều” và “phiên thuộc”: “Việt Nam quyết đoán hơn về Biển Đông, Trung Quốc cho vay tiền” là một cái tít trên RFI ngày 20/7/2020, một trang mạng từ Pháp (vốn chưa được mang hỗn danh là báo của các thế lực thù địch). Hai vế xung đột chỉ trong một tiêu đề là gì nếu như không hàm ý: Bắc Kinh có ý đồ chiêu dụ Việt Nam sau khi Hoa Kỳ ra tuyên bố coi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông là bất hợp pháp? Ôn lại tuyên bố “Dạy cho Việt Nam một bài học” phải chăng để nhắc nhở về những bài học sắp tới Bắc Kinh có thể sắp “dạy” Hà Nội?
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam nhiều lần lặp lại không vì quan hệ thương mại mà nhân nhượng chủ quyền với Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, quyết tâm ấy không phải lúc nào cũng đứng vững trước những hành động thô bạo và dai dẳng của Trung Quốc trong những lần ngang nhiên và phi pháp xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam trên Biển Đông. Việc Việt Nam vừa mất một khoản tiến lớn để đền bù cho các đối tác nước ngoài khi phải huỷ nhiều hợp đồng làm ăn ra khỏi các EEZ của mình là một dẫn chứng cho sự ưu thắng của tư duy thoả hiệp trong đội ngũ lãnh đạo. Đã đành là ngày 13/7 vừa qua, Mỹ đã hứa những quốc gia ở ĐNÁ nào bị Trung Quốc bắt nạt ngay trên “sân nhà” của mình sẽ được Mỹ bảo vệ và Mỹ cũng đã vạch “làn ranh đỏ” cảnh báo Trung Quốc không nên vượt qua. “Khoát nước theo mưa”, liệu nhân dịp này, Hà Nội có muốn nhắn với Bắc Kinh rằng, để người dân Việt Nam oán hận sẽ nguy hiểm cho chính lợi ích của Trung Quốc?
Tác giả đặt cược 70% cho kịch bản thứ ba: việc chiếu bộ phim ấy vào một dịp mông lung thế này chỉ là một màn diễn. Diễn để khuấy động dư luận đang bế tắc trước các nguy cơ khủng hoảng, từ lòng tin đến kinh tế, từ đại dịch đến ganh đua chiến lược Trung – Mỹ. Trong bối cảnh COVID Vũ Hán mà Bắc Kinh vẫn không tha Việt Nam, vẫn điên cuồng tập trận, điên cuồng doạ nạt chiếm thêm đảo trên Biển Đông thì cảnh tỉnh dư luận bằng câu chuyện lịch sử không phải là thừa. “Khi xem tất cả những thước phim tư liệu ấy… chúng tôi khóc. Tất cả những cái khốn nạn của đất nước mình là đều do sự sắp xếp của các cường quốc và Trung Quốc đã lợi dụng để ép Việt Nam vào con đường phục vụ cho Trung Quốc”, nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc chia sẻ. Vậy từ nay, “cái gì của Caesar hãy trả lại cho Caesar!” Cuốn phim đúng là một liều doping đối với các đầu óc cố lãng quên về cuộc chiến.
*
Chưa bàn đến chuyện Trung – Mỹ đụng nhau, chỉ bàn đến quy trình ứng phó việc Trung Quốc nổ súng để cướp hoặc bao vây một số đảo ở Trường Sa, thì việc “trình làng” bộ phim tư liệu nói trên là rất hữu ích, bất luận ý đồ của những người bật đèn xanh là gì. Theo Charlie Lyons Jones, từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Australia, Trung Quốc hiện đã đặt trọng tâm ngăn cản không cho hải quân Mỹ đi vào vùng Đường lưỡi bò. Ông Jones nhận xét, Trung Quốc đã tăng cường lực lượng phòng không và xây dựng một hàng rào phòng thủ gồm các hỏa tiễn và phi cơ thả bom đặc biệt nhắm đánh các chiến hạm. Khi độc lập, chủ quyền của đất nước bị đe doạ, con cháu các chiến binh từ những chiến trường xưa – Điện Biên Phủ (1954), Hồ Chí Minh (1975), chiến tranh biên giới (1979) – sẽ lại là những người đầu tiên xung phong ra trận. Mặc dầu thế hệ ngày nay biết rõ rằng, sau mọi cuộc chiến, bất luận thắng bại, nhân dân vẫn sẽ là người thua thiệt nhiều nhất.

Điểm tin trong nước sáng 15/8: Phát hiện

người Trung Quốc nhập cảnh lậu mắc Covid-19,

 có lịch trình từ Bắc vào Nam, TP.HCM ra cảnh báo ‘nóng’

Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng thứ Bảy (15/8) của DKN xin gửi đến quý độc giả những nội dung sau:
Thêm 1 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong
Tin cập nhật lúc 6h ngày 15/8 từ Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận 1 ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán, là người từ Nga về được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Đây là “bệnh nhân 930”, nữ, 41 tuổi, địa chỉ tại xã Minh Thuận, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Cũng trong sáng nay, ghi nhận ca tử vong thứ 22 tính từ khi dịch xảy ra ở Việt Nam, là “bệnh nhân 702”, nam, 63 tuổi, có tiền sử suy thận giai đoạn cuối đã chạy thận nhiều năm, tăng huyết áp, suy tim.
Phát hiện người Trung Quốc nhập cảnh lậu mắc Covid-19, có lịch trình từ Bắc vào Nam, TP.HCM ra cảnh báo ‘nóng’
Tối 14/8, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM ra thông báo khẩn liên quan ca bệnh viêm phổi Vũ Hán số 912 vừa được ghi nhận tại TP.HCM, theo Người Lao Động.
Đây là trường hợp nhập cảnh lậu bị nhiễm virus Vũ Hán đầu tiên được phát hiện tại TP.HCM. Người này có lịch trình phức tạp từ Bắc xuống Nam nên có khả năng lây nhiễm cao trong cộng đồng.
Bệnh nhân 912 là nam, 27 tuổi, quốc tịch Trung Quốc. Ngày 27/7, người này cùng 7 người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua biên giới phía Bắc.
Tối 29/7, nhóm 8 người Trung Quốc nói trên đi xe khách xuyên đêm vào TP.HCM với mục đích tìm việc làm và tránh dịch. Cả nhóm đi lang thang tại công viên Hoàng Văn Thụ và được công an phường 2, quận Tân Bình phát hiện, bàn giao cho Trung tâm Y tế Tân Bình và Bệnh viện quận 7 ngày 30/7 để cách ly. Sau 3 lần xét nghiệm âm tính, thì đến lần thứ tư xét nghiệm vào ngày 14/8, thì một người trong số đó bị phát hiện dương tính với virus viêm phổi Vũ Hán.
Đã xác định nguồn lây 2 ca nhiễm ở Hà Nội
Báo Tiền Phong dẫn tin tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán TP. Hà Nội vào chiều 14/8 với các quận huyện, Phó Chủ tịch thành phố, Ngô Văn Quý cung cấp thông tin về nguồn lây của 2 ca bệnh đáng lo ngại vừa qua. Cụ thể:
Ca thứ nhất là trường hợp từ Hà Nội sang Nhật Bản: Nguồn gốc lây bệnh là trên địa bàn TP. Hà Nội. Ca bệnh này có kết quả dương tính khi test nhanh tại Nhật Bản song lại cho kết kết quả âm tính khi xét nghiệm PCR. Dự kiến ca này sẽ xét nghiệm lần 3 vào ngày 15/8.
Ca thứ hai là bệnh nhân 867: Nguồn lây được xác định là từ chùm ca bệnh tại Hải Dương.
Đà Nẵng phong tỏa thêm 5 khu dân cư
Báo VnExpress cho biết, UBND TP. Đà Nẵng đã cách ly y tế thêm 5 khu dân cư với thời hạn 14 ngày để phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, 5 khi các ly gồm: Phường Hoà Khê (quận Thanh Khê), khu Hoà Phú 1 (quận Liên Chiểu). Ngoài ra, còn có hai khu vực được phong toả với quy mô ít hộ dân hơn là tổ dân phố 39 phường Thanh Khê Đông và kiệt 390 thông ra 402 Lê Duẩn, phường Tân Chính (cùng quận Thanh Khê).
Từ 0h ngày 15/8, chính quyền Đà Nẵng cũng quyết định cách ly y tế toàn bộ tổ dân phố 29 và một phần tổ dân phố 30, 43, 44 của phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu)
Tính từ ngày 24/7 đến 18h ngày 14/8, Bộ Y tế công bố tại Đà Nẵng ghi nhận 325 bệnh nhân Covid-19. Trong đó 284 bệnh nhân đang điều trị; tử vong 16 người; ra viện 25 người.
Thành phố đã xác định được hơn 10.000 trường hợp F1 để đưa đi cách ly y tế và cách ly tập trung; lấy gần 10.000 mẫu xét nghiệm nCoV; cách ly hàng chục khu dân cư, bệnh viện, trung tâm y tế phát hiện có ca lây nhiễm.

Điểm tin trong nước tối 15/8: Nghi vấn tàu lớn

tông nghiêng trụ điện cao thế vượt biển;

Thu giữ 2 triệu găng tay y tế tái chế chuẩn bị tiêu thụ

Hiểu Minh
Mục điểm tin trong nước tối thứ Bảy (15/8) của DKN xin gửi đến quý độc giả những nội dung sau:
Thu giữ 2 triệu găng tay y tế tái chế chuẩn bị tiêu thụ
Theo tin trên VnExpress, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Sở Y tế Bình Dương vừa phát hiện lô hàng găng tay y tế đã qua sử dụng, tái chế và chuẩn bị đưa đi tiêu thụ tại Chi nhánh Công ty TNHH McKinley Resource (54 Truông Bồng Bông, tổ 2 , khu 8, phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương).
Bà Phan Thị Hồng Ngọc, đại diện pháp luật của công ty này khai, mua găng tay y tế đã qua sử dụng được tái chế của Công ty TNHH TMDV & XNK Hoàng Anh Phát về phân loại đóng hộp thành phẩm để xuất khẩu.
Tuy nhiên, bà Ngọc cũng như doanh nghiệp này chưa xuất trình được các giấy tờ liên quan đến nguyên liệu đầu vào (găng tay y tế đã qua sử dụng được tái chế), hợp đồng xuất khẩu, bảng công bố chất lượng hàng hóa… Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 1.174 kg găng tay y tế đã qua sử dụng chưa phân loại, không rõ nguồn gốc xuất xứ; hơn 7.367 kg găng tay y tế đã phân loại nhãn hiệu Aumlaxmi do Việt Nam sản xuất; khoảng 1.400 kg găng tay y tế phế phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ cùng 300.000 bộ quần áo vải không dệt.
Nghi vấn tàu lớn tông nghiêng trụ điện cao thế vượt biển Tây
Ngày 15/8, tin từ UBND huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang cho Người lao động biết các đơn vị chức năng đang xác định nguyên nhân trụ điện cao thế vượt biển Tây ra huyện đảo này bị sự cố nghiêng đổ.
Theo đó, vào 0 giờ 15 phút cùng ngày, người dân ở xã đảo Hòn Tre (huyện Kiên Hải) bất ngờ phát hiện trụ điện số 25 (trụ số 2 tính từ bờ phía Hòn Tre) bị lệch về bên trái với góc vuông khoảng 45 độ so với mặt biển nên trình báo chính quyền địa phương.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về sự cố này, UBND huyện Kiên Hải đã yêu cầu đơn vị vận hành lưới điện báo về cho Điện lực Kiên Giang tiến hành ngắt điện khẩn cấp toàn tuyến cáp 22kV đưa điện từ đất liền ra đảo Hòn Tre. Đồng thời, Điện lực Kiên Giang cũng đã cử nhóm công tác phối hợp với các lực lượng chức năng của huyện đến hiện trường để khảo sát mức độ thiệt hại. Tại đây, toàn bộ phần móng bê tông của trụ số 25 đã bị lật nghiêng và có dấu hiệu bị va chạm mạnh bởi phương tiện đi biển có tải trọng lớn.
Đà Nẵng cho phép cơ sở y tế tư nhân được xét nghiệm SARS-CoV-2
Zing đưa tin, ngày 15/8, bà Ngô Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, đã đồng ý cho Trung tâm Chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao Thiện Nhân Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố xét nghiệm sàng lọc bằng phương pháp RT-PCR phát hiện chủng SARS-CoV-2.
Trung tâm Chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao Thiện Nhân Đà Nẵng là đơn vị y tế tư nhân đầu tiên ở Đà Nẵng được tham gia xét nghiệm SARS-CoV-2.
Theo đó, trung tâm này được lấy mẫu bệnh phẩm của người dân trên địa bàn để xét nghiệm. Nếu phát hiện những trường hợp nghi ngờ dương tính sẽ chuyển mẫu và kết quả qua CDC Đà Nẵng để xét nghiệm khẳng định theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ông Ngô Đức Hải, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao Thiện Nhân cho biết có thể xét nghiệm khoảng 250 mẫu bệnh phẩm/ngày.
Việt Nam ‘soán ngôi’ Trung Quốc thành nhà cung cấp ván ép hàng đầu sang Mỹ
Việt Nam vừa vượt qua Trung Quốc để trở thành nhà cung cấp nước ngoài hàng đầu cho thị trường ván ép của Mỹ, theo một báo cáo mới công bố của IndexBox – nhà xuất bản nghiên cứu thị trường hàng đầu trên thế giới.
Từ năm 2018-2019, lượng ván ép thương mại và ván ép cứng của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ tăng vọt, đạt mức 555.000 mét khối, với giá trị lên đến 362 triệu USD.
Trong năm 2019 khối lượng nhập khẩu ván ép vào Hoa Kỳ chỉ đạt tổng cộng 2,8 triệu mét khối, mức giảm đáng kể trong năm thứ 2 liên tiếp vì sự sụt giảm nguồn cung từ Trung Quốc, trong khi lượng sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác vẫn chưa thể bù đắp nổi.
Ở diễn biến liên quan, một số mặt hàng ván ép của Trung Quốc hiện đang chịu mức thuế khá cao của Hoa Kỳ kể từ ngày 4/1/2018.
Những diễn biến trên đã đưa Việt Nam trở thành nhà nhập khẩu hàng đầu của Mỹ với loại sản phẩm này.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.