Đọc báo Pháp – 15/08/2020
«Xinomics», chủ nghĩa tư bản nhà nước kiểu mới của Tập Cận Bình – Thụy My
The Economist cảnh báo « Tập Cận Bình đang sáng tạo ra chủ nghĩa tư bản nhà nước, xin đừng coi thường ». Hoa Kỳ và đồng minh cần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hơi giữa các xã hội rộng mở và « Xinomics ».
Liban, Trung Quốc là hai đề tài chính được các tuần báo Pháp bàn bạc nhiều. L’Obs đặt câu hỏi « Ai là những kẻ đã sát hại Liban ? ». Courrier International đặt vấn đề « Có thể cứu được Liban hay không ? » Các vụ nổ đã tàn phá Beyrouth cho thấy sự phá sản của Nhà nước Liban. Là con tin của các cường quốc khu vực, đất nước này dễ tổn thương hơn bao giờ hết.
Ảnh bìa The Economist tuần này dùng hai màu đen, đỏ, với hình vẽ một con gấu trúc, chạy tựa « Chính sách kinh tế mới của Tập : Đừng đánh giá thấp ». Le Point đặt câu hỏi « Phải chăng Hồi giáo đã chiến thắng ? » nhân dịp sắp đến phiên xử vụ khủng bố tháng Giêng năm 2015. L’Express dành hồ sơ để vạch ra « Những chiêu lừa đảo về liệu pháp thay thế ».
Trung Quốc, đồng minh đã trở nên nguy hiểm cho ASEAN
Về Trung Quốc, Courrier International dịch lại bài viết của Nikkei Asian Review : « Địa chính trị : Trung Quốc, một đồng minh đã trở nên nguy hiểm ». Rất nhiều nước có số phận kinh tế gắn chặt với Bắc Kinh, và ngày nay đã ý thức được mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc.
Khi ASEAN được thành lập năm 1964, các thành viên có cùng mối lo sợ chủ nghĩa cộng sản. Mười nước ASEAN giờ đây là đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Vào thời Đặng Tiểu Bình cải cách kinh tế năm 1978, tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc đã thu hút toàn châu Á và ngày nay Trung Quốc chiếm 20% trao đổi thương mại, trở thành đối tác hàng đầu của khối.
Đã từ lâu các nước Đông Nam Á trông cậy vào Hoa Kỳ để được bảo vệ an ninh, nhưng kinh tế thì lệ thuộc vào Bắc Kinh. Thái độ « đu dây » này chỉ thực hiện được khi Trung Quốc là cường quốc « trỗi dậy một cách hòa bình ». Nay với bàn tay sắt của Tập Cận Bình, các nước châu Á bắt đầu tỉnh thức.
Các chiến đấu cơ Trung Quốc gần như cứ hai ngày một lần lại xâm nhập « vùng nhận diện phòng không » của Đài Loan, một tình trạng chưa từng thấy từ nhiều năm qua. Luật an ninh quốc gia áp đặt lên Hồng Kông khiến người Đài Loan không còn tin chút nào vào « nhất quốc, lưỡng chế ». Hồi tháng Năm, thủ tướng Lý Khắc Cường khi báo cáo trước Quốc Hội, từ « hòa bình » đã biến mất trong chương nói về việc thống nhất Đài Loan.
Trung Quốc không ngừng dương oai diễu võ khắp nơi. Tháng Tư, Bắc Kinh đơn phương lập ra một « quận » hành chính mới tại Biển Đông. Đến tháng Sáu, Bắc Kinh lại gởi một đơn vị chuyên đánh xáp lá cà đến gây hấn với những người lính Ấn Độ. Ý đồ bành trướng này dường như nhằm đoàn kết đất nước vào lúc quan hệ với Hoa Kỳ và Châu Âu trở nên căng thẳng. Khi thủ tướng Úc Scott Morrison đề nghị mở điều tra độc lập về nguồn gốc virus corona, Trung Quốc bèn hạn chế nhập thịt và lúa mì Úc, khuyến cáo công dân không đến Úc học hành và du lịch.
Việc dùng kinh tế để làm áp lực nay cũng được áp dụng với châu Âu : đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming) mới đây cảnh báo nếu Luân Đôn loại Hoa Vi khỏi mạng 5G, Trung Quốc sẽ không tham gia các dự án nhà máy điện nguyên tử và tàu cao tốc.
Nhật : Tâm lý chống Trung Quốc bùng dậy vì các vụ tàu hải cảnh xâm nhập
Mainichi Shimbun nhận định quan hệ Tokyo-Bắc Kinh đã trở nên tệ hại. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung, các vụ tàu hải cảnh liên tục xâm nhập Senkaku đã thách thức Nhật Bản, dù Nhật rất muốn duy trì đối thoại.
Đầu tháng Bảy, hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm phạm hải phận Nhật Bản gần quần đảo Senkaku. Đây là lần thứ 12 kể từ đầu năm, và là thời kỳ kéo dài nhất : 81 ngày liên tiếp trong vùng biển tranh chấp. Trước đó vào tháng Sáu, một tàu ngầm Trung Quốc đi qua quần đảo Amami, một phi cơ thám thính Trung Quốc bay qua eo biển Tsushima, hai oanh tạc cơ bay qua bay lại eo biển Miyako…
Tuy đứng về phía Hoa Kỳ, tỏ ra cứng rắn hơn trước Trung Quốc trong bối cảnh khủng hoảng dịch tễ, Tokyo vẫn muốn mở ra cánh cửa đối thoại với Bắc Kinh. Nhưng các vụ xâm nhập tại Biển Hoa Đông và việc đàn áp Hồng Kông đã thổi bùng tâm lý chống Trung Quốc tại Nhật, và chuyến công du Nhật Bản của Tập Cận Bình không còn được bàn đến.
Đừng coi thường chủ nghĩa tư bản nhà nước của Tập Cận Bình
Trên lãnh vực kinh tế, The Economist cảnh báo « Tập Cận Bình đang sáng tạo ra chủ nghĩa tư bản nhà nước, xin đừng coi thường ».
Hoa Kỳ đang tấn công Trung Quốc trên mọi mặt trận, từ cấm TikTok, WeChat, trừng phạt các nhà lãnh đạo Hồng Kông cho đến gởi một bộ trưởng sang Đài Loan. Một phần là do sắp đến bầu cử, mặt khác là quan điểm của phe diều hâu trong chính phủ Donald Trump. Các nhân vật cứng rắn cho rằng nếu nhanh chóng đẩy lùi Bắc Kinh sẽ đạt được kết quả, vì chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc đã yếu đi.
Logic có vẻ đơn giản : Trung Quốc tăng trưởng nhưng nhờ tín dụng, trợ giá, đánh cắp sở hữu trí tuệ, nếu bị đánh mạnh dễ bị suy sụp và giới cầm quyền sẽ phải nhượng bộ. Tuy nhiên theo tuần báo Anh, kinh tế Trung Quốc chống chọi với cuộc chiến thuế quan và virus corona tốt hơn dự báo, thị trường chứng khoán Thâm Quyến khởi sắc, và chương trình của Tập Cận Bình là một kiểu pha trộn giữa toàn trị, công nghệ và tính năng động.
Giai đoạn sắp tới của chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc đang được tiến hành, được tờ báo đặt tên là « Xinomics ». Từ khi lên cầm quyền, mục tiêu của Tập Cận Bình là siết chặt móng vuốt của đảng, đè bẹp đối lập ở trong và ngoài nước. Chương trình kinh tế của ông được thiết kế để gia tăng sức mạnh Nhà nước, đối phó với các mối đe dọa : nợ công và tư đã lên đến 300% GDP.
« Xinomics » : Siết tín dụng, hành chính hiệu quả, xóa nhòa công tư
« Xinomics » gồm có ba yếu tố. Trước hết là kiểm tra chặt chẽ chu kỳ kinh doanh và cơ chế tín dụng : không còn cho vay bừa bãi, giảm nợ xấu. Ngược với thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008-2009, số tiền bỏ ra để kích cầu trong dịch virus corona khoảng 5% GDP, chỉ bằng phân nửa Hoa Kỳ. Thứ hai là một hệ thống hành chính hiệu quả, các quy định được áp dụng cho toàn bộ nền kinh tế : giờ đây chỉ cần 9 ngày để thành lập công ty.
Thứ ba là xóa nhòa ranh giới giữa công ty quốc doanh và tư nhân. Doanh nghiệp nhà nước phải có lãi và thu hút các nhà đầu tư tư nhân, trong khi đó Nhà nước kiểm soát chặt công ty tư thông qua các tổ chức đảng. Những đơn vị nào hoạt động không tốt sẽ bị cho vào danh sách đen tín dụng. Và thay vì « Made in China 2025 », ông Tập nhắm vào những điểm yếu trong chuỗi cung ứng, cố tự cung tự cấp trong các công nghệ cốt lõi như chất bán dẫn và pin.
« Xinomics » có tác động tốt trước mắt : nợ nần bớt chồng chất, hai cú sốc thương chiến và đại dịch không dẫn đến khủng hoảng tài chính, hiệu năng khu vực công tăng lên và các nhà đầu tư bỏ tiền vào công nghệ mới. Tuy nhiên chỉ có thời gian mới mang lại câu trả lời thực sự. Trung Quốc hy vọng kế hoạch hóa tập trung vào công nghệ mới sẽ thúc đẩy sáng tạo, tuy nhiên lịch sử cho thấy thái độ cởi mở, tự do ngôn luận mới là những yếu tố chính.
Có một điều chắc chắn là khó thể hy vọng đối đầu sẽ dẫn đến việc Bắc Kinh xếp giáp quy hàng. Khác với Liên Xô cũ, nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc có liên quan đến tất cả mọi nơi. Hoa Kỳ và đồng minh cần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài hơn giữa các xã hội rộng mở và chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc.
Liban, « Thụy Sĩ của Cận Đông » rơi vào khủng hoảng
Nhìn sang Trung Đông, Le Point phân tích « Liban, những nguyên nhân của sự bùng nổ ». Trong suốt 30 năm qua, những thủ thuật tài chính đã giúp nước này trụ được, nhưng vụ nổ ở cảng Beyrouth vừa rồi có thể là phát súng ân huệ. L’Express giải thích, « Liban đã rơi vào vực thẳm chỉ trong vòng vài tháng như thế nào ». Le Point gọi sáu thủ lãnh cộng đồng đang lãnh đạo Liban là « Bè lũ sáu tên », còn L’Obs đăng bài phỏng vấn trong đó giám đốc một think tank đòi hỏi sáu nhân vật này phải ra đi.
Cảng Beyrouth đã biến mất, nhường chỗ cho một hố khổng lồ sâu 43 mét và một rừng các đống đổ nát, nơi những ngọn khói vẫn còn bốc lên. Có 171 người đã thiệt mạng, trên 6.000 người bị thương, 300.000 người không còn nhà cửa.
Hai vụ nổ ở Beyrouth đã trở thành biểu tượng cho sự vô trách nhiệm của chính giới Liban, cộng thêm vào khủng hoảng kinh tế đang đè nặng. Trước đây được mệnh danh là « Thụy Sĩ của vùng Cận Đông », kể từ tháng Ba lần đầu tiên trong lịch sử Liban lâm vào tình trạng vỡ nợ : tổng cộng nợ trên 92 tỉ đô la, tương đương 170% GDP, và không còn tiền mặt. Các tài khoản ngoại tệ của người dân bị phong tỏa, việc rút tiền bằng nội tệ bị hạn chế.
Hiệp ước Taef ký tại Ả Rập Xê Út năm 1989 đã kết thúc cuộc nội chiến làm trên 150.000 người chết, nhưng lại tôn giáo hóa Liban. Theo Hiến pháp, chủ tịch nước phải là người Công giáo, thủ tướng theo Hồi giáo Sunni và chủ tịch Quốc Hội là người Hồi giáo Shia. Nhưng trên thực tế quyền lực được chia sẻ giữa sáu thủ lãnh cộng đồng dưới hình thức đảng chính trị.
Hệ thống cai trị thực sự là một kiểu hợp tác xã giữa sáu thủ lãnh, đã cởi bỏ bộ áo dân quân, thay bằng bộ đồ vét để làm giàu. Viên chức các bộ được bổ nhiệm không theo năng lực mà được chọn trong số những người cùng tôn giáo với bộ trưởng. Chính giới và các ngân hàng có mối liên hệ chặt chẽ, không ít trường hợp các quan chức cũng nằm trong hội đồng quản trị ngân hàng.
Trò ảo thuật tài chính hay hệ thống Ponzi ?
Không có nguyên vật liệu lẫn kỹ nghệ đúng nghĩa, Liban hầu như chẳng xuất khẩu được gì cả, 80% lương thực, thực phẩm nhập từ nước ngoài. Sau nội chiến, Liban nợ đầm đìa, được vực dậy phần lớn nhờ một nhân vật là Riad Salamé, thống đốc ngân hàng trung ương 42 tuổi. Để tạo cảm giác ổn định, « nhà ảo thuật » này gắn đồng bảng Liban với đồng đô la theo hối suất cố định cho đến ngày nay : 1.507 bảng Liban đổi 1 đô la, tuy thực tế Liban không có đủ tiền mặt để quy đổi.
Để duy trì hối suất giả tạo này, ông Salamé thu hút tiền gởi tiết kiệm bằng đô la từ nước ngoài bằng lãi suất có khi lên đến…20% số vốn bỏ ra. Sau đó ngoại hối được ngân hàng trung ương cho các ngân hàng thương mại vay. Người gởi tiền và ngân hàng hài lòng, nhưng Nhà nước ngày càng thiệt thòi. Lãi suất quá cao, người dân Liban chỉ cần gởi ngân hàng lấy lãi, không đầu tư, không làm việc. Thống đốc Salamé bị tố cáo là « kiến trúc sư của hệ thống Ponzi quy mô nhất trong lịch sử nhân loại ».
Tình trạng ổn định bề ngoài được duy trì trong hai thập niên nhờ hàng tỉ đô la kiều hối, từ kiều dân Liban ở vùng Vịnh. Nhưng phép lạ đã rơi rụng cùng với cuộc nội chiến nổ ra ở Syria. Việc lực lượng Hezbollah Liban từ năm 2013 tham gia chiến đấu bên cạnh quân đội Bachar Al Assad gây giận dữ cho các vương quốc dầu lửa, vốn ủng hộ phe nổi dậy Syria. Coi phong trào Shia này là cánh tay vũ trang của Iran, Ả Rập Xê Út bèn cắt nguồn tài trợ cho Liban.
Không còn đô la, hệ thống của Salamé sụp đổ dần, kéo theo cả nền kinh tế. Đồng nội tệ mất đến 80% giá trị kể từ tháng 10 năm ngoái, lạm phát vượt 70%. Hàng mấy chục ngàn người đã xuống đường, khiến hai thủ tướng lần lượt từ chức. Tuy nhiên nếu chính phủ thay đổi, những người có quyền quyết định thực sự vẫn còn đó. Chiếc mặt nạ đã rơi nhưng họ quyết giữ đặc quyền đặc lợi.
« Tôi là Charlie », còn bây giờ tôi là ai ?
Về tình hình nước Pháp, năm năm sau các vụ khủng bố Charlie Hebdo, Montrouge và Hyper Cacher năm 2015, phiên tòa sẽ mở ra vào đầu tháng Chín với những bị cáo hạng nhì, vì những kẻ thủ ác đã chết. Le Point điểm qua tình hình và cay đắng tự hỏi : Phải chăng phe Hồi giáo đã thắng ?
Ngày 11/01/2015, ít nhất bốn triệu người đã xuống đường trên khắp nước Pháp để nói không với bạo lực, trên 40 nguyên thủ có mặt ở Paris biểu lộ tình liên đới, những biểu ngữ « Je suis Charlie » xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới.
Nhưng giờ đây Charlie Hebdo vẫn bị đe dọa, sự tự do mà tờ báo trào phúng này đại diện thực ra chỉ là một kiểu quản thúc tại gia. Cô bé Mila 16 tuổi bị dọa giết và hãm hiếp chỉ vì đã chỉ trích đạo Hồi, phải chuyển trường. Nhưng người ta làm ngơ trước nạn nghĩa trang Do Thái bị phá hoại, những tiếng hô kỳ thị trong cuộc biểu tình đòi « công lý » cho Adama Traoré – thanh niên da đen chết sau khi bị câu lưu mà nguyên nhân đã được pháp y kết luận đến ba lần là không phải do hiến binh, còn cảnh sát thì bị căm ghét. « Tôi là Charlie », nhưng bây giờ tôi là ai ???
Kamala Harris, ứng viên ít gây ngạc nhiên
Liên quan đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ở nước Mỹ, The Economist giải thích « Vì sao Kamala Harris là một chọn lựa tốt cho ông Joe Biden ».
Việc chọn bà Harris đứng chung liên danh đã được đoán trước từ khi ông Joe Biden loan báo người phó sẽ là một phụ nữ. Bà Elizabeth Warren quá thiên tả, tuổi cũng lớn gần bằng ông Biden và có thể làm đảng Dân Chủ bị mất đi một ghế ở Thượng Viện (thống đốc Massachusetts tạm thay thế bà, là người của đảng Cộng Hòa). Ngôi sao của phe cấp tiến Stacey Abrams thì chưa bao giờ giữ chức vụ nào lớn hơn dân biểu bang Georgia. Karen Bass, đứng đầu Congressional Black Caucus (gồm các dân biểu da đen) là một người hâm mộ Fidel Castro – một trở ngại cho những lá phiếu ở Florida. Và nhiều người dường như không thích bà Susan Rice, cựu cố vấn an ninh quốc gia thời ông Obama.
Tin tổng hợp
(Bộ Y Tế Việt Nam) – Thêm ca tử vong thứ 23.
Hôm nay, 15/08/2020, chính quyền Việt Nam thông báo người thứ 23 qua đời do Covid-19. Bệnh nhân thứ 69, nam giới, 75 tuổi, cư trú tại thành phố Đà Nẵng « có tiền sử suy thận mạn chạy thận nhân tạo chu kỳ, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, suy tim ». Mục tiêu hàng đầu của bộ Y tế Việt Nam, được bộ Y Tế hôm qua thông báo, là « hỗ trợ toàn diện Hải Dương » « trong việc cách ly, dập dịch và xét nghiệm COVID-19 ».
(CNA) – Covid-19 : Philippines ghi nhận hơn 4.300 ca nhiễm mới.
Ngày 15/08/2020, bộ Y Tế Philippines loan báo đã ghi nhận thêm 4.351 ca nhiễm Covid-19 tại nước này, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 157.918 ca. Số ca tử vong vì dịch bệnh tại Philippines cũng tăng thêm 159 ca trong 24 giờ, nâng tổng số người chết lên thành 2.600 người.
(AFP) – Mỹ chuẩn bị « phát triển một loại virus Covid chủng mới », để sẵn sàng đối phó với các đại dịch.
Viện nghiên cứu quốc gia về các bệnh dị ứng và lây nhiễm Mỹ (NIAD), do bác sĩ Anthony Fauci lãnh đạo, tuyên bố « khởi sự một dự án chế tạo virus chủng mới, có thể được sử dụng để phát triển các thực nghiệm trên người, nếu cần ». Trong giới khoa học Mỹ, có nhiều ý kiến nghi ngờ : bác sĩ David Diermert, giám đốc cơ sở tiến hành thực nghiệm vac-xin ở Đại học George Washington, cho AFP biết ông phản đối loại hình thí nghiệm này với Covid-19, vì hiểu biết của khoa học trong chuyện này vẫn còn giới hạn, và không bảo đảm là các thực nghiệm nãy sẽ giúp chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19 thể nặng.
(AFP) – Đàm phán thương mại Mỹ – Trung bị hoãn.
Hôm qua, 14/08/2020, theo Bloomberg, các thương lượng Mỹ – Trung để điểm lại việc thực thi thỏa thuận thương mại « giai đoạn 1 », tạm ngưng chiến tranh thuế, ký đầu tháng Giêng 2020, bị dời lại. Hiện giờ hai bên chưa đưa ra thời điểm tổ chức lại đàm phán. Hôm qua, trước khi có thông tin hoãn, Bắc Kinh bày tỏ hai bên « phải làm việc cùng nhau để tăng cương hợp tác, vượt qua các khó khăn ».
(AFP) – Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh buộc tập đoàn Trung Quốc ByteDance tách khỏi TikTok.
Tổng thống Donald Trump hôm qua, 14/08/2020, đã ký sắc lệnh buộc ByteDance, chủ nhân ứng dụng TikTok, bán các hoạt động tại Mỹ của mạng xã hội này trong vòng 90 ngày. Từ nhiều tháng qua, chủ nhân Nhà Trắng tố cáo mạng rất được quần chúng ưa chuộng là lấy dữ liệu cá nhân của người Mỹ để phục vụ Bắc Kinh.
(Reuters) – ByteDance kiểm duyệt nội dung bài Trung Quốc ở Indonesia.
Tập đoàn Trung Quốc đã kiểm duyệt những nội dung có tính chỉ trích chính quyền Trung Quốc ở Indonesia từ năm 2018 đến giữa 2020, theo những nguồn thạo tin. Những người quản lý ở Indonesia được chỉ thị từ một ê kíp ByteDance ở Bắc Kinh để xóa đi những nội dung “tiêu cực” đối với chính quyền Trung Quốc trên ứng dụng Baca Berita (BaBe). Baca Berita đã bác bỏ cáo buộc trên.
(Reuters) – Một viên chức Mỹ : Mỹ và Israel tiến gần một thỏa thuận để loại Trung Quốc ra khỏi mạng lưới 5G.
Theo một viên chức Mỹ, Hoa Kỳ và Israel tiến gần đến một thỏa thuận để Israel loại Trung Quốc khỏi hệ thống 5G của Israel. Một viên chức đã cho hãng tin Reuters biết như trên vào hôm qua, 14/08/2020. Theo viên chức này, một biên bản ghi nhớ có thể sẽ được ký kết “trong một vài tuần tới”, xác nhận một tin đăng trên báo Jerusalem Post.
(AFP) – Venezuela : 15 người bị kết án 24 năm tù giam
về tội vượt biển thâm nhập vào Venezuela với vũ khí để lật đổ tổng thống Nicolas Maduro hồi tháng 05/2020. Theo tòa án Venezuela, đây là những kẻ khủng bố, nổi dậy và mưu phản. Chưởng lý Venezuela Tarek William Saab hôm qua 14/08/2020 cho báo giới biết là tất cả các bị cáo đều đã thừa nhận trách nhiệm. Tuần trước, hai cựu binh Mỹ, Luke Alexander Denman và Airan Berry, cũng đã bị kết án vì tội tương tự và bị kết án 20 năm tù giam.
Điểm tin thế giới sáng 15/8:
Những triệu chứng này sẽ xuất hiện đầu tiên
khi nhiễm Covid;
Mỹ và Israel gần đạt thỏa thuận loại trừ Huawei
Quý Khải
Sáng nay, thứ Bảy (15/8), mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Những triệu chứng này sẽ xuất hiện đầu tiên khi bị nhiễm Covid-19
Theo một nghiên cứu được công bố bởi Đại học Nam California trên tạp chí Frontiers in Public Health hôm thứ Năm, khi một người nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán, các dấu hiệu sớm nhất của bệnh có thể lần lượt là: sốt, sau đó là ho và đau cơ, sau đó là cảm giác buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.
Nghiên cứu sinh kiêm trưởng nhóm nghiên cứu Joseph Larsen cho biết: ” “Thứ tự các triệu chứng bệnh rất quan trọng vì có nhiều loại bệnh khác như cúm có triệu chứng giống với Covid-19” nhưng lại có thứ tự xuất hiện khác nhau.
Phát hiện mới nhất này được coi là một bước ngoặt trong việc nghiên cứu Covid-19, vì khi đó có thể nhận biết bệnh nhanh hơn và đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Chẩn đoán sớm là chìa khóa để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng trở xấu. Ngoài ra, việc phát hiện sớm tình trạng bệnh có thể làm giảm thời gian nằm viện.
Mỹ và Israel gần đạt thỏa thuận loại trừ Huawei
Một quan chức Mỹ cho biết hôm thứ Sáu (14/8) rằng Israel và Mỹ sắp đạt thỏa thuận trong đó Israel cam kết sẽ không sử dụng công nghệ Trung Quốc trong mạng lưới 5G của nước này, do đó ngăn cản sự tham gia mạng 5G của Huawei tại Israel.
Quan chức này nói với Reuters rằng Israel và Mỹ có thể sẽ ký một biên bản ghi nhớ về vấn đề này “trong vòng vài tuần”, xác nhận những tiết lộ trước đó của tờ Jerusalem Post.
Trước đó, tờ Jerusalem Post đã dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết Mỹ lạc quan “Israel sẽ … chỉ chọn các nhà cung cấp đáng tin cậy trong việc kiến lập mạng 5G của mình”.
Washington cáo buộc Huawei là công cụ gián điệp của ĐCSTQ và thiết bị của nó có thể bị ĐCSTQ sử dụng để thực hiện các hoạt động gián điệp. Do đó, các quan chức Mỹ đã kêu gọi các đồng minh và đối tác loại trừ việc Huawei tham gia xây dựng mạng 5G.
Google sẽ không trả lời yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng từ chính quyền Hồng Kông
Tờ Washington Post đưa tin hôm thứ Sáu (14/8) rằng Google sẽ ngừng trả lời trực tiếp các yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng từ chính quyền Hồng Kông, theo sau việc ban hành luật an ninh quốc gia mới. Điều này có nghĩa là tập đoàn công nghệ này sẽ đối xử bình đẳng với Hồng Kông và Trung Quốc trong vấn đề này.
Alphabet Inc – công ty mẹ của Google – tuyên bố rằng kể từ khi luật An ninh Quốc gia mới có hiệu lực hồi cuối tháng 6, gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã không tạo ra bất kỳ dữ liệu nào và đã không trực tiếp phản hồi các yêu cầu cung cấp dữ liệu sau đó. Đây là gã khổng lồ công nghệ đầu tiên công bố quyết định này.
“Như trước đây, giới chức trách bên ngoài Mỹ có thể tìm kiếm dữ liệu cần thiết cho các cuộc điều tra tội phạm thông qua các biện pháp ngoại giao”, Google cho biết trong một e-mail. Công ty này xem xét tất cả các yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng và từ chối các “yêu cầu cung cấp dữ liệu rộng” để bảo vệ quyền riêng tư người dùng.
Tờ Washington Post đưa tin Google đã thông báo cho cảnh sát Hồng Kông hôm thứ Năm (13/8) rằng họ sẽ hướng dẫn các quan chức tìm kiếm các yêu cầu cung cấp dữ liệu đến Hiệp ước Tương trợ Tư pháp đã ký với Mỹ, tức là các yêu cầu này sẽ phải thông qua Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.
Iran bán trái phép dầu thô cho Venezuela
Hãng tin Fox News cho hay, Các quan chức cấp cao Hoa Kỳ xác nhận hôm thứ Năm rằng phía Mỹ đã bắt giữ 4 tàu chở dầu của Iran đang trên đường đến Venezuela, nhằm chặn phá một nguồn cung dầu then chốt cho Tehran và Caracas khi hai nước này vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Iran và Venezuela đang cố gắng loại bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách thiết lập quan hệ đối tác dầu mỏ. Lô dầu mỏ bị tịch thu đã trực tiếp vi phạm các lệnh trừng phạt liên quan của Hoa Kỳ.
Tất cả các lô dầu mỏ trên 4 con tàu này đều được thu xếp bởi một doanh nhân ở Anh, có mối liên hệ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), một nhánh của lực lượng vũ trang Iran.
Chính phủ Mỹ đã chỉ định Lực lượng Vệ binh Cách mạng là một tổ chức khủng bố, và lô dầu thô Iran bán cho Venezuela sẽ hỗ trợ tài chính cho hoạt động vũ trang của lực lượng này.
Belarus trấn áp người biểu tình, EU áp đặt các lệnh trừng phạt mới
Chủ nhật tuần trước (ngày 9/8), cuộc bầu cử ở Belarus đã bị chỉ trích vì gian lận. Do đó, liên minh châu Âu EU hôm thứ Sáu (14/8) thông báo rằng họ sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Belarus và chỉ thị cho bộ phận chính sách đối ngoại chuẩn bị một danh sách đen gồm những người phải chịu trách nhiệm cho việc này, theo Reuters.
Tổng thống Belarus ông Alexander Lukashenko hôm thứ Hai (10/8) tuyên bố cuộc bầu cử đã thắng lợi vang dội. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình đã nổ ra chỉ trích nạn gian lận bầu cử. Các cuộc đụng độ đẫm máu đã nổ ra giữa người dân và cảnh sát.
Theo các nguồn tin ngoại giao cho biết, EU sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Belarus theo hình thức cấm thị thực và phong tỏa tài sản của những người bị trừng phạt tại EU, lệnh cấm có thể sẽ được hoàn tất ngay sau cuối tháng này.
EU áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Belarus lần đầu tiên vào năm 2004. Năm 2011, EU đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Belarus vì vi phạm nhân quyền và các tiêu chuẩn dân chủ, bao gồm việc thao túng kết quả bầu cử. Nhưng sau khi Tổng thống Lukashenko thả một số tù nhân chính trị vào năm 2016, nhiều lệnh trừng phạt đã được dỡ bỏ.
Điểm tin thế giới tối 15/8:
Ấn Độ cảnh báo Trung Quốc về biên giới;
Công bố thu nhập năm 2019 của Putin
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Bảy (15/8) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ấn Độ cảnh báo Trung Quốc về biên giới
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm nay cảnh báo Trung Quốc về vụ đụng độ biên giới hồi tháng 6, đồng thời cam kết xây dựng lực lượng quân đội mạnh mẽ hơn, theo AFP.
“Sự toàn vẹn của Ấn Độ là điều tối quan trọng với chúng tôi. Chúng tôi có thể làm gì, binh lính của chúng tôi có thể làm những gì, mọi người đều đã được chứng kiến ở Ladakh”, ông Modi phát biểu trong lễ kỷ niệm Quốc khánh tại New Delhi ngày 15/8, đề cập tới cuộc đụng độ ở biên giới với quân đội Trung Quốc trên dãy Himalaya hôm 15/6.
Thủ tướng Modi nói quan hệ với các nước láng giềng hiện nay phải đi kèm “an ninh, tiến bộ và sự tin cậy”. “Một người hàng xóm không chỉ là người chia sẻ ranh giới địa lý, mà còn là người chia sẻ tình cảm. Khi mối quan hệ song phương được trân trọng, nó sẽ trở nên ấm áp hơn”, ông Modi nói.
Thủ tướng Ấn Độ phát biểu thêm: “Ấn Độ cam kết đảm bảo an ninh và củng cố quân đội, không kém nỗ lực bỏ ra để duy trì hòa bình”, đồng thời nhấn mạnh việc nỗ lực trở nên “tự chủ” trong sản xuất quốc phòng.
Công bố thu nhập năm 2019 của Putin
Trang web của Điện Kremlin hôm 14/8 công bố Tổng thống Putin có thu nhập 9.276.000 ruble (133.400 USD) trong năm 2019.
Ngoài ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin sở hữu một căn hộ diện tích 77 m2, một gara diện tích 18 m2, hai chiếc ô tô cổ điển Volga GAZ M21, một chiếc SUV hiệu Niva và một chiếc xe kéo Skif. Ông hiện sử dụng một căn hộ diện tích 153,7 m2 với chỗ để xe rộng 18 m2. Toàn bộ các tài sản này đều nằm ở Nga.
Năm 2018, thu nhập của Tổng thống Putin là 8,65 triệu ruble.
Tổng thống Trump quyên tặng tiền lương để khôi phục các tượng đài bị phá hủy
Tổng thống Donald Trump hôm 14/8 thông báo trên Facebook cá nhân ông đã quyên tặng toàn bộ tiền lương quý II năm nay để phục hồi các tượng đài, di tích bị phá hủy trong các cuộc biểu tình.
“Tôi đã hứa với mọi người tôi sẽ không nhận một đồng tiền lương tổng thống. Tôi sẽ quyên tặng toàn bộ tiền lương năm là 400.000$! Thật vinh dự khi được trao số tiền lương quý 100.000$ cho Ủy ban Công viên Quốc gia để giúp sửa chữa và khôi phục các Tượng đài Quốc gia TUYỆT VỜI của chúng ta. Việc này rất quan trọng với lịch sử nước Mỹ! Cảm ơn các bạn!”, ông Trump viết trên Facebook.
Hàn Quốc sẵn sàng đối thoại với Nhật Bản
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm nay cho biết chính phủ của ông luôn sẵn sàng đối thoại với Nhật Bản về những tranh chấp lịch sử hiện vẫn chia rẽ hai nước, theo Reuters.
Hai nước đang tranh cãi về quyết định năm 2018 của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu một nhà sản xuất thép Nhật Bản phải bồi thường cho các lao động cưỡng bức trong Thế chiến Hai. Theo đó, Nippon Steel Corp đã được lệnh phải bồi thường 100 triệu won (84.000 USD) cho 4 người Hàn Quốc. Tokyo cho rằng phán quyết này vi phạm luật pháp quốc tế vì tất cả các yêu cầu bồi thường đã được giải quyết theo hiệp ước ngoại giao năm 1965.
Ông Moon phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh: “Chúng tôi đang thảo luận với chính phủ Nhật Bản về một giải pháp thân thiện mà các nạn nhân có thể đồng ý. Cánh cửa đàm phán vẫn rộng mở”.
Trung Quốc phong tỏa trung tâm thương mại vì Covid-19
Reuters cho biết, trung tâm thương mại IBC Mall ở quận La Hồ, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông đã bị phong tỏa tối ngày 14/8, sau khi một ca mắc Covid-19 được phát hiện tại đây.
Tài khoản WeChat chính thức của Ủy ban Y tế Quảng Đông thông báo một người mắc Covid-19 đã được phát hiện tại IBC Mall.
Ca nhiễm là một phụ nữ 41 tuổi làm việc tại siêu thị Freshippo của Alibaba bên trong trung tâm thương mại. Theo nguồn tin am hiểu vụ việc, bệnh nhân là nhân viên giới thiệu sản phẩm nhãn hàng tạm thời và chỉ làm việc tại trung tâm thương mại cho tới ngày 2/8.
Bệnh nhân được chẩn đoán mắc Covid-19 ở quê nhà tại thành phố Lục Phong, tỉnh Quảng Đông. 3 người thân trong gia đình của bà cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
0 nhận xét