Tọa đàm “Vùng biển Bãi Tư chính và Luật pháp quốc tế”: TQ đang xâm phạm chủ quyền của Việt Nam
Giới chuyên gia, học giả tham gia buổi tọa đàm đều khẳng định việc Trung Quốc ngang ngược nói là Bãi Tư chính thuộc chủ quyền của nước này hoàn toàn vô căn cứ và Trung Quốc đang cố tình tạo sóng căng thẳng trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam “hòng đổi trắng thay đen”.
Ngày 6/10, Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (Viện PLD), trực thuộc Liên Hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức tọa đàm khoa học “Vùng biển Bãi Tư chính và Luật pháp quốc tế”. Tham gia Tọa đàm có các chuyên gia, học giả và nhà nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam về luật pháp quốc tế, vấn đề Biển Đông. Giới học giả nhìn chung đều nhận định Trung Quốc đang vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông; nhấn mạnh hành động trên của Bắc Kinh nhằm phục vụ âm mưu độc chiếm Biển Đông. Ngoài ra, giới nghiên cứu cho rằng Phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 liên tục xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam cho thấy những tính toán mới của nước này. Đó là ý đồ biến vùng biển Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam từ vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp; tạo sóng căng thẳng trong vùng biển Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam, hòng thực hiện những ý đồ xấu. Theo giới nghiên cứu, trước những hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam cần tiếp tục đưa vụ việc Bãi Tư Chính lên án tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Bởi điều 51 trong Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định rõ: các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc có quyền tự vệ trước những âm mưu xâm hại, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình. Và Liên Hợp Quốc sẽ có trách nhiệm thực thi các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế bảo vệ các quốc gia yếu thế.
Theo Đại sứ Nguyễn Trường Giang, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Brunei, nguyên Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) trong 6 thập kỷ qua, Trung Quốc luôn tìm mọi biện pháp và kế sách để độc chiếm Biển Đông. Câu chuyện này không còn là mới, nhưng qua thời gian, Trung Quốc càng ngày càng thể hiện họ đang có những tính toán thâm sâu hơn và bất chấp tất cả, kể cả luật pháp quốc tế để đạt mục đích. Đây cũng là lý do khiến Trung Quốc hết lần này tới lần khác xâm phạm chủ quyền vùng biển, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, việc phía Trung Quốc công khai tuyên bố “cái gọi là Bãi Tư Chính thuộc về Trung Quốc” đã liên tục bị dư luận quốc tế phản đối. Bởi xét trên tất cả các phương diện, Trung Quốc đều đuối lý và họ không đưa ra được bất cứ một chứng cứ nào để chứng minh rằng những tuyên bố của họ là có cơ sở. Theo Đại sứ Nguyễn Trường Giang, luật pháp quốc tế là cơ sở để bảo vệ các vùng biển của Việt Nam. Các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 về các vùng biển và quy chế về các vùng biển đồng thời cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta bảo vệ chủ quyền và các quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam. Bãi Tư Chính là bãi ngầm, thực chất là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có vùng chồng lấn. Bởi vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra các yêu sách đối với vùng biển này.
Thạc sĩ Hoàng Việt từ Quỹ nghiên cứu Biển Đông và Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam khẳng định: “Ở đây phải khẳng định rằng Trung Quốc sai. Câu hỏi thứ nhất, Trung Quốc đã có chủ quyền ở quần đảo Trường Sa chưa? Bởi vì Việt Nam tuyên bố chủ quyền và Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý về chủ quyền quần đảo Trường Sa. Thứ hai, trong phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016, Tòa đã khẳng định rằng không có một cấu trúc thực thể nào của Trường Sa thỏa mãn điều kiện là một đảo cả. Và vì thế nó không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa kèm theo. Thứ ba, Bãi Tư Chính không phải là một đối tượng của yêu sách chủ quyền vì nó luôn chìm dưới mặt nước biển. Trong Luật pháp quốc tế cũng như trong Công ước Luật Biển dù không quy định trực tiếp, nhưng lại gián tiếp quy định những thực thể luôn luôn chìm trong mặt nước, thì không thể gọi là có chủ quyền được”.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an nhấn mạnh tình huống hiện nay (nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 xâm phạm ở khu vực bãi Tư Chính) nguy hiểm hơn việc Trung Quốc năm 2014 đưa giàn khoan Haiyang Shiyou-981 xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Bởi vì khu vực bãi Tư Chính, hay rộng hơn là vùng biển Nam Biển Đông, vốn hoàn toàn nằm trong vùng 200 hải lý đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tính từ đất liền. Trung Quốc có nhiều luận điệu về vấn đề Biển Đông. Trong đó, luận điệu quần đảo Trường Sa thuộc về Trung Quốc, là “2 lần sai”, theo thiếu tướng Lê Văn Cương. Cái sai thứ nhất, là theo UNCLOS 1982, quần đảo Trường Sa không được hưởng quy chế quốc gia quần đảo, nên không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý. Và cái sai thứ hai, đương nhiên, là quần đảo Trường Sa không thuộc về Trung Quốc. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo này. Nhiều năm qua, Trung Quốc có rất nhiều luận điệu ngang ngược để đòi độc chiếm Biển Đông. Trong đó, theo một số nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, thì yêu sách “Tứ Sa” là nguy hiểm hơn cả, bởi phạm vi của nó còn rộng lớn hơn nhiều so với yêu sách “đường 9 đoạn” - vốn đã chiếm tới 80% Biển Đông. Minh chứng là vùng hoạt động của tàu Hải Dương Địa chất 8 hiện không nằm trong phạm vi đường 9 đoạn, nhưng nó lại nằm trong yêu sách “Tứ Sa”. Đến thời điểm này, cả Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người phát ngôn Bộ Ngoại giao của nước này Cảnh Sảng đều đã khẳng định yêu sách “Tứ Sa”, thể hiện rõ dã tâm biến Biển Đông thành “ao nhà”. Theo yêu sách này, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 4 nhóm cấu trúc ở Biển Đông mà họ gọi là “Tứ Sa”, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc yêu sách các cấu trúc này là một thực thể pháp lý đơn nhất, đủ điều kiện để có đường cơ sở thẳng bao quanh. Từ đó, Bắc Kinh có thể thiết lập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng của quần đảo, chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tính từ đất liền. Cùng với đó, Trung Quốc cũng yêu sách cả chủ quyền với các thực thể ngầm, như bãi Tư Chính của Việt Nam. Yêu sách của Trung Quốc là trong khu vực này, Việt Nam không có quyền khai thác, quản lý và bảo vệ tài nguyên mà phải “gác tranh chấp cùng khai thác” với Trung Quốc. Với luận điệu như vậy, Trung Quốc có dã tâm biến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trở thành vùng chồng lấn, tranh chấp và lao vào đòi quyền “cùng khai thác”; trong khi theo UNCLOS 1982, đó là đặc quyền, độc quyền của Việt Nam. UNCLOS 1982 quy định ngay cả nếu VN không tiến hành khảo sát, thăm dò, khai thác tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, thì cũng không một quốc gia nào khác có thể tiến hành các hoạt động này mà không có sự cho phép rõ ràng của Việt Nam. Yêu sách này giẫm đạp lên luật pháp quốc tế.
Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng PLD cho biết UNCLOS 1982 đã quy định chỉ có quốc gia quần đảo mới có quyền thiết lập đường cơ sở quần đảo bao quanh và từ đó thiết lập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Quy định của UNCLOS cũng như khái niệm quốc gia quần đảo đã loại trừ khả năng Trung Quốc có thể áp dụng quy chế quần đảo với “Tứ Sa”; chưa kể đến cái gọi là “Tứ Sa” đó không phải chủ quyền của Trung Quốc. Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2006 cũng đã khẳng định Trung Quốc không phải quốc gia quần đảo nên không có quyền thiết lập đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Trường Sa để mà đưa ra yêu sách. Tuy nhiên, vấn đề là dã tâm của Trung Quốc với Biển Đông sẽ không dừng lại. Luật sư Hoàng Ngọc Giao nhận định, Trung Quốc đã vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và điều Việt Nam có thể làm là đưa Trung Quốc ra Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Vì Hiến chương Liên hợp quốc nói rất rõ mà đây là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, là các quốc gia thành viên Liên hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế để chống lại quyền bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia. Hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông từ trước đến nay, và đặc biệt sự việc hiện nay ở bãi Tư Chính, là hành vi vừa đe dọa dùng vũ lực, vừa dùng vũ lực bằng việc các tàu hải cảnh, dân binh... vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Phản ứng của quốc tế cũng nhìn nhận đây là hành vi đe dọa hòa bình, thách thức an ninh khu vực và vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Trung Quốc cũng không chỉ xâm phạm vùng biển Việt Nam, mà còn cả vùng biển của Malaysia và Philippines. Ngoài ra, hành động tôn tạo các đảo, bãi đá ngầm mà Trung Quốc xâm chiếm trái phép cũng gây thiệt hại rất lớn cho tài nguyên môi trường biển, vì đây cũng là lý do có thể kiện Trung Quốc ra tòa. Theo đó, Việt Nam cần tận dụng cơ chế của Hội đồng bảo an, theo Hiến chương Liên hợp quốc từ điều 33.1 - 33.4 và điều 35, Hội đồng bảo an có thẩm quyền theo đề nghị của các quốc gia xem xét những tình huống đe dọa hòa bình, an ninh khu vực, quốc tế. Đây là một cơ chế chúng ta cần tận dụng. Cần đưa câu chuyện về hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ở Biển Đông ra trước Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Ông Trương Triều Dương, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Philippines, cho biết làm chủ Biển Đông sẽ là điều Trung Quốc “cố sống, cố chết” làm, vì đó là con đường duy nhất để Trung Quốc trở thành cường quốc trên biển, cơ sở quan trọng cho tham vọng cường quốc đứng đầu thế giới. Ngoài việc Biển Đông là con đường hàng hải lớn nhất nhì thế giới, là bãi đánh cá lớn nhất thế giới, bể chứa dầu mỏ, thì Đại sứ Trương Triều Dương cho rằng đáy Biển Đông có một trữ lượng đất hiếm cực kỳ lớn mà nếu Trung Quốc chiếm được, đồng nghĩa với việc sẽ nắm giữ toàn bộ trữ lượng đất hiếm trên thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc nắm được “cổ họng” của tất cả các nước, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Thêm vào đó, các rãnh sâu ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng là nơi lý tưởng để tàu ngầm hoạt động.
Ông Nguyễn Quý Bính, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia cho rằng: “Đúng là luật pháp quốc tế không có cơ chế bảo đảm thực thi các phán quyết của cơ quan tài phán như pháp luật quốc tế, việc thực thi, do vậy phụ thuộc vào thiện chí của các bên liên quan. Tuy nhiên, phải xác định rõ ràng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình hiện nay đó là việc tồn tại tranh chấp liên quan yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc. Việc sử dụng biện pháp pháp lý chính là để giải quyết nguyên nhân này. Từ góc độ này, tôi cho rằng việc sử dụng biện pháp pháp lý là hiệu quả, vì phán quyết là cuối cùng và có giá trị ràng buộc đối với các bên tranh chấp, nên về mặt pháp lý sẽ chấm dứt sự tồn tại yêu sách bất hợp pháp. Tất cả các biện pháp khác đều không có được tác dụng như vậy. Ông Bính khẳng định thêm: Một phán quyết có giá trị ràng buộc với Trung Quốc sẽ là cơ sở vững chắc để Việt Nam huy động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Thực tế là trong vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, các quốc gia đều khẳng định phán quyết có giá trị ràng buộc với cả 2 bên; việc phán quyết một phần chưa được thực thi là bởi chính sách và tính toán chính trị của Philippines. Thời gian qua cũng cho thấy Trung Quốc có những kiềm chế nhất định, không có những hành vi thô bạo trái phán quyết, dù tìm mọi cách để bác bỏ giá trị và nội dung của phán quyết.
Từ những phân tích, nhận định và đánh giá của giới chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu cho thấy hành động của Trung Quốc không chỉ vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, mà còn xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Hành động trên của Bắc Kinh là nhằm phục vụ âm mưu độc chiếm Biển Đông. Trước những hành động trên của Trung Quốc, Việt Nam cần tiếp tục đưa vụ việc Bãi Tư Chính lên án tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và cân nhắc khởi kiện Trung Quốc ra các cơ quan trọng tài quốc tế.
0 nhận xét