Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Biển Đông: cần hành động cụ thể chứ không chỉ “vẫy cờ”

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2019 18:25 // ,


Để biển Đông lặng sóng, Mỹ, các nước phương Tây và Australia cần hành động cụ thể, chứ không chỉ dừng lại ở “vẫy cờ” báo hiệu sự hiện diện quân sự

Tàu chiến Mỹ đi vào biển Đông
Cậy thế sức mạnh quân sự vượt trội, Trung Quốc ngày càng có những hành động ngang ngược trên biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế.
Những năm qua Trung Quốc không ngừng bồi đắp, mở rộng nhiều đảo nhân tạo với diện tích lên tới hàng chục km2; đưa vũ khí tối tân ra các đảo họ chiếm đóng trái phép; gây hấn với tàu cá ngư dân các nước trong khu vực, nhất là Việt Nam và Philippines…Năm 2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và chỉ chịu rút khi vấp phải phản đối quyết liệt của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Sự ngang ngược của Trung Quốc khiến nhiều quốc gia phẫn nộ. Phản ứng, nhưng trong thế yếu hơn, đề phòng sự trả đũa của Trung Quốc,các nước này kêu gọi giải pháp cho các tranh chấp trên biển là đối thoại, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật biển 1982; đồng thời, muốn các bên liên quan thông qua bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), hy vọng, với những ràng buộc pháp lý cụ thể, bộ quy tắc này sẽ kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc, giữ biển Đông ổn định.
Dĩ nhiên, mong muốn của ASEAN phù hợp với cách ứng xử của một thế giới văn minh.
Chỉ có điều, ASEAN muốn, nhưng Trung Quốc thì không.Vì mong muốn đó, nếu hiện thực hóa, sẽ khiến Trung Quốc khó khăn trong thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông mà họ đã và đang làm.Vì vậy, Trung Quốc, một mặt tiếp tục các hành động côn đồ trên biển Đông, mặt khác, cố tình trì hoãn, gây trở ngại cho đàm phán COC với các nước ASEAN.
May thay, biển Đông hiện là một trong những tuyến hàng hải thương mại nhộn nhịp nhất thế giới với giá trị hàng hóa qua lại lên tới hơn 5000 tỷ USD. Những nền kinh tế quy mô càng lớn, độ mở rộng, tuyến hàng hải trên biển Đông càng có ý nghĩa quan trọng.
Vì thế, biển Đông, xét tổng thể, không chỉ là vấn đề có tính khu vực, mà còn mang tính toàn cầu; diễn biến căng thẳng khu vực này luôn khiến cộng đồng quốc tế, nhất là các nước lớn quan tâm sâu sắc. Những nước này cho rằng, họ không thể không có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tự do hàng hải cũng như giải quyết các vấn đề biển Đông.
Ausralia, Pháp, Ấn Độ, Singapore, Anh, Mỹ đều đãcó lực lượng hải quân ở khu vực này. Đức, một cường quốc Tây Âu khác, gần đây cũng phát tín hiệu đưa tàu hải quân tới biển Đông.
Trong số các nước nêu trên, Mỹ tỏ ra quyết liệt nhất với những tuyên bố mạnh mẽ cùng sự hiện diện hải quân tần suất cao. ASEAN hy vọng rằng sự mạnh mẽ của Oasinton sẽ kiềm chếmột Bắc Kinh đang ngày càng quá quắt.
Tuy nhiên,gần đây, ASEAN cũng bắt đầu giảm sút niềm tin vào quyết tâm duy trì khu vực tự do thương mại ở khu vưc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Oasinton khi Mỹ đã rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương gần như vào phút chót, bất chấp nỗ lực của các bên tham gia.
Cùng đó, là ứng xử có phần thất thường của người đứng đầu Nhà Trắng - ông Donald Trump - trong các mối quan hệ quốc tế. Đùng đùng bỏ về khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tổ chức tại Hà Nội không đạt kết quả, nhưng ông Trump luôn miệng nói ông có “quan hệ rất tốt với ông Kim Jong Un". Giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cao trào, gặp ông Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vừa qua, ông Trump lại hoan hỉ rằng, ông và ông Tập đã trở thành những người bạn, ngược hẳn với các cuộc đấu khẩu căng thẳng vừa qua giữa hai bên.
Ngoại giao có những trường hợp chỉ là xã giao. Nhưng, trong chừng mực nhất định, ứng xử thiếu nhất quán của ông Trump khiến nhiều người đặt câu hỏi: để biển Đông lặng sóng, ASEAN có hoang tưởng không khi gửi niềm tin và hy vọng vào nước Mỹ tận bên kia bán cầu ?Rằng: trong các tình huống cụ thể, người Mỹ vốn thực dụng, cũng như các đồng minh phương Tây khác, có sẵn sàng chấp nhận rủi ro đối đầu với những hành vi côn đồ của Trung Quốc ?
Cả ông Duterte – tổng thống Philippines - cũng nghi ngờ. Ông Duterte cho rằng Mỹ đã không làm gì ngay cả khi họ biết kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Gần đây, ông Duterte còn “khích tướng”, thách Mỹ và các nước châu Âu tham gia cùng Philippines trong việc phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Phó Đô đốc Hải quân Australia, ông Michael Noonan cũng cho rằng, sự xuất hiện của một vài tàu chiến của nước này (Australia), và của Mỹ, cũng không chắc đã mang lại nhiều niềm tin cho các quốc gia ASEAN khi đặt trong tương quan với Hải quân Trung Quốc.
Ông Michael Noonan nhấn mạnh: nếu Mỹ, các nước phương Tây, Australia muốn xây dựng uy tín thực sự với các quốc gia Đông Nam Á trong nỗ lực cân bằng sức mạnh tập thể với Trung Quốc ở Biển Đông thì cần thể hiện năng lực nhiều hơn là lặp lại những lời hứa mơ hồ.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc Mỹ, các nước phương Tây cũng như Australia đối với việc thể hiện và khẳng định rõ ràng hơnsự sẵn sàng chấp nhận rủi ro chống lại sự hung hăng của Trung Quốc để tạo niềm tin cho các quốc gia ASEAN.
Nói cách khác, để biển Đông lặng sóng, Mỹ, các nước phương Tây và Australia cần hành động cụ thể, chứ không chỉ dừng lại ở “vẫy cờ” báo hiệu sự hiện diện quân sự.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.