Thách thức của ông Trump khi 'khiêu chiến' Iran, TQ cùng lúc
Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2019
18:34
//
Phân tích
,
Slider
Tổng thống Donald Trump đã lôi kéo nước Mỹ vào một cuộc đại chiến nhằm định hình lại cách cư xử thời hiện đại của hai nền văn minh lâu đời nhất thế giới - Ba Tư và Trung Quốc - cùng một lúc.
Điều khiến giới phân tích lo ngại và đánh giá "điên rồ" là Tổng thống Trump quyết định thực hiện điều đó khi không có các mục tiêu xác định chặt chẽ, không có đồng minh để đạt được những mục tiêu đó, không có đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia lớn mạnh và mạch lạc cũng như không có kế hoạch làm thế nào để đồng bộ hóa tất cả các mục tiêu chính sách đối ngoại đầy cạnh tranh của ông.
Rốt cuộc, ông Trump đang đơn phương phá vỡ thỏa thuận phi hạt nhân hóa Mỹ đã ký năm 2015 với Iran, trong khi cố gắng thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tham gia một thỏa thuận giải trừ hạt nhân mà ông cần tin tưởng vào tổng thống Mỹ. Ông Trump đang trừng phạt Trung Quốc về thương mại trong lúc cố gắng tranh thủ sự giúp đỡ của nước này để giải trừ hạt nhân Triều Tiên. Ông cũng đang áp thuế thép và nhôm lên các đồng minh châu Âu của Mỹ trong khi cần sự giúp đỡ của họ để đối đầu với Trung Quốc về thương mại và chống Iran về vấn đề hạt nhân.
Tuần trước, ông Trump suýt đã cho ném bom Iran để trả đũa việc Tehran bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ, nhưng rốt cuộc đã hủy kế hoạch chỉ 10 phút trước thời điểm dự kiến bắt đầu, vào đúng thời điểm nước Mỹ không thể ổn định được tình hình Iraq hoặc rời khỏi Afghanistan mà không để lại sự hỗn loạn phía sau lưng cũng như bỏ qua sự hợp tác của Iran.
Theo cây bút bình luận Thomas L. Friedman của tờ New York Times, lãnh đạo Nhà Trắng đương nhiệm đã làm được một việc: gây đau đớn thực sự cho Iran khi gần như bóp nghẹt toàn bộ hoạt động sản xuất dầu mỏ của nước này bằng các biện pháp trừng phạt, đồng thời gây đau đớn thực sự cho Trung Quốc khi áp thuế nhập khẩu đối với lượng lớn hàng hóa trị giá 250 tỉ USD cũng như ra lệnh cấm hoàn toàn đối với các sản phẩm của Huawei, công ty cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc. Nói tóm lại, Trump đã tạo ra đòn bẩy thực sự cho các thỏa thuận giao dịch hoặc chuyển đổi với cả hai nước.
Vấn đề nằm ở chỗ, ông Trump, người luôn khăng khăng muốn được nhìn thấy mình chiến thắng và đối thủ thua, đang tạo ra những cơn đau ấy mà không có các mục tiêu rõ ràng. Ông muốn thay đổi chế độ ở Iran hay chỉ là sự thay đổi về hành vi? Ông muốn cắt giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc hay chỉ muốn có sự tiếp cận công bằng dành cho các công ty Mỹ?
Câu hỏi lớn đặt ra là liệu tổng thống có thể đủ kỷ luật, đủ kiên nhẫn và đủ khéo léo hay không để biến những cơn đau ông gây ra thành những lợi ích cụ thể, hữu hình và lâu dài cho nước Mỹ? Cái khó nằm ở chỗ Trung Quốc và Iran là hai vấn đề rất khác nhau. Với Mỹ, Trung Quốc tạo nên vấn đề về giá trị, trong khi Iran gây ra các lo lắng đơn thuần.
Trung Quốc đã nhắm đến việc thống trị hai ngành công nghiệp quan trọng nhất của thế kỷ 21: trí tuệ nhân tạo (AI) và ô tô điện. Bắc Kinh dự định sử dụng AI để hoàn thiện quá trình quản lý trong nước cũng như dùng các xe điện và pin để giải phóng Trung Quốc khỏi sự phụ thuộc vào "dầu mỏ kiểu cũ" của thế kỷ trước. Trung Quốc biết rằng dữ liệu là "dầu mỏ mới" nên một đất nước có chính phủ và các công ty có thể nắm giữ được nhiều dữ liệu nhất, phân tích và tối ưu hóa chúng sẽ là siêu cường của thế kỷ này.
Ngược lại, Iran dưới sự dẫn dắt của một giáo sĩ lớn tuổi, chỉ tập trung vào việc thâu tóm công nghệ quan trọng nhất của thế kỷ 20 - vũ khí hạt nhân, để giúp nước này thống trị khu vực, đẩy lui Mỹ và giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với người Ảrập Sunni về việc ai (người Shiite hay người Sunni) là đối tượng thừa kế hợp pháp của nhà tiên tri Muhammad từ thế kỷ thứ 7.
Iran cũng đang phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc bán dầu thô, nguồn cung cấp năng lượng trọng yếu cho thế kỷ 20. Trong khi Mỹ hiện đang là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, chứ không phải Ảrập Xêút, Nga hay Iran. Nếu Iran đánh chìm các tàu chở dầu ở Vịnh Ba Tư, nước này sẽ tác động đến các chuyến chuyên chở năng lượng ở Trung Quốc, chứ không phải Mỹ.
Vì tất cả những lý do trên, Mỹ có thể đạt một thỏa thuận giao dịch với Iran, nhưng nước này cần một thỏa thuận chuyển đổi với Trung Quốc. Khôn ngoan nhất, ông Trump nên nhanh chóng sử dụng đòn bẩy của mình để giành lấy một thỏa thuận hạn chế với Iran. Với việc Mỹ giảm tiếp xúc với Trung Đông như hiện nay, Washington không có lợi ích gì khi lún sâu vào một cuộc chiến tranh với Tehran, chứ đừng nói đến việc "xóa sổ" quốc gia Hồi giáo như ông Trump đe dọa nếu Iran tấn công các lực lượng Mỹ trong khu vực.
Ông Trump cũng nên mời Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc (những nước đối tác từng cùng chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ký thỏa thuận hạt nhân quốc tế năm 2015 với Iran mà ông Trump xé bỏ hồi năm ngoái) cùng Mỹ cải thiện thỏa thuận đó bằng một đề nghị đơn giản: Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận dầu mỏ nếu Tehran đồng ý kéo dài việc hạn chế khả năng chế tạo bom hạt nhân từ 15 năm như ban đầu lên 30 năm, cũng như chấp thuận lệnh cấm thử các tên lửa Iran có tầm bắn vượt ra ngoài Trung Đông.
Giữ cho Iran và các quốc gia Ảrập tránh xa vũ khí hạt nhân trong vài thập kỷ nữa sẽ là một kết quả tốt đẹp. Đó có thể là một giao dịch đơn giản, dễ dàng xác thực và được các đồng minh của Mỹ cũng như Nga và Trung Quốc nhất trí ký vào. Do nỗi đau kinh tế đang phải hứng chịu, khoảng thời gian khó khăn hiện tại khiến Iran khó có thể từ chối thỏa thuận.
Sau đó, Mỹ có thể ngồi chờ sự chuyển đổi xuất hiện từ bên trong Iran, do chính người dân của quốc gia Hồi giáo thực hiện. Tất nhiên, quá trình đó có thể mất nhiều năm, nhưng với tư cách là kẻ ngoài cuộc, Mỹ không thể vội vàng thúc đẩy lịch sử Iran. Cố gắng ép buộc thay đổi chế độ đối với Iran ngay trong hiện tại có thể tạo ra hỗn loạn và các dòng người người tị nạn khổng lồ.
Một khi đã hạn chế chương trình hạt nhân của Iran trong 30 năm, mối quan tâm của Mỹ sẽ không phải là can dự sâu hơn vào các vấn đề của khu vực. Israel có thể tự chăm lo cho nước này. Mỹ cũng có thể vũ trang cho người Ảrập Sunni để kiềm chế Iran. Chắc chắn, Iran là nước tồi tệ trong mắt Washington, nhưng Ảrập Xêút cũng dính líu tới vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi và đang tống giam những người phụ nữ thúc đẩy quyền lái xe.
Ông Trump được tin nên nắm nằm lòng quan điểm sâu sắc của Karim Sadjadpour, một chuyên gia Trung Đông thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, rằng: "Mỹ luôn có các kẻ thù và cả những đồng minh tồi tệ ở Trung Đông".
So với Iran, Trung Quốc tạo ra một thách thức to lớn hơn nhiều. Nói một cách đơn giản, Trung Quốc đã thoát nghèo bằng chiến lược làm việc chăm chỉ, không vội hài lòng, đầu tư thông minh vào cơ sở hạ tầng và giáo dục cũng như đầu tư mạnh tay vào nghiên cứu và sản xuất những đổi mới trong các lĩnh vực khác. Mỹ cũng tin Trung Quốc đã ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của những nước khác, ép buộc các công ty ngoại quốc làm ăn tại nước này phải chuyển giao công nghệ, áp đặt các thỏa thuận thương mại phi lợi nhuận, cung cấp các khoản trợ cấp lớn của chính phủ cho các nhà xuất khẩu của mình và phớt lờ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Theo ông Friedman, nếu Washington cho phép Trung Quốc sử dụng những hành vi từng dùng để chi phối việc sản xuất và lắp ráp hàng hóa có lợi nhuận thấp, khối lượng lớn như trên để cạnh tranh trực tiếp với Mỹ về các công nghệ có giá trị cao và giá trị gia tăng lớn của thế kỷ 21, ví dụ như công nghệ viễn thông 5G, các vật liệu mới, AI, hàng không vũ trụ và vi mạch, đó mới là điều "điên rồ".
Mô hình phát triển hiện tại của Trung Quốc được tin nhằm củng cố sức mạnh cho đảng cầm quyền và Bắc Kinh sẽ không dễ dàng từ bỏ điều đó. Vì vậy, ông Friedman nhận định, thị trường đang đánh giá thấp mức độ khó khăn trong việc đạt được bất kỳ thỏa thuận chuyển đổi nào khiến Trung Quốc từ bỏ hoàn toàn các hành vi lạm dụng. Ngay cả một thỏa thuận giao dịch nhỏ cũng sẽ không giúp ích được nhiều.
Vì tất cả những lí do trên, đây thực sự là thời khắc lớn lao với nước Mỹ. Những gì liên quan đến ông Trump và Trung Quốc sẽ định hình nền kinh tế toàn cầu trong thời gian sắp tới. Và cách ông Trump giải quyết vấn đề Iran sẽ định hình dạng phi hạt nhân hóa toàn cầu trong tương lai gần. Năm 2019 do đó được tin là năm bản lề giống như năm 1945 hay năm 1989 cho nước Mỹ và cả thế giới.
0 nhận xét