TQ cho tàu vây quanh đảo Thị Tứ ở Trường Sa
Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2019
18:18
//
Biển Đông
,
Slider
Từ tháng 12/2018 đến nay, Trung Quốc đã triển khai một đội tàu vây quanh đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa, theo phân tích từ ảnh vệ tinh của tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải CSIS châu Á (AMTI) và báo cáo từ các tàu cá Philippines, Lawfareblog và News đưa tin.
AFP cho biết vào lúc 1 giờ 57 phút sáng thứ Ba (5/3), ngư dân Philippines tố cáo tàu Trung Quốc ngăn chặn không cho họ tiến gần sát với đảo Thị Tứ để đánh bắt hải sản trong vùng đánh cá quen thuộc của họ.
Hành động của Trung Quốc có thể là một phản ứng đối với việc Philippines cho xây dựng và sửa chữa các hạng mục công trình quân sự trên đảo Thị Tứ. Vào ngày 20/12, chính phủ Philippines tuyên bố rằng một đoạn đường nối với bãi biển đang được xây dựng mới, đồng thời chính phủ có kế hoạch sửa chữa doanh trại quân đội và đường băng trên đảo.
Phân tích của AMTI chỉ ra rằng hạm đội tàu mà Trung Quốc cử tới hoạt động gần đảo Thị Tứ bao gồm các tàu của Hải quân, tàu Cảnh sát biển và hàng chục tàu cá giả danh. Tàu Trung Quốc bắt đầu được triển khai tới Thị Từ từ giữa tháng 12, lúc cao điểm nhất, vây quanh hòn đảo này là 95 tàu.
Vào tháng 8/2017, Bắc Kinh cũng điều một hạm đội tàu có quy mô nhỏ hơn tới quấy nhiễu ở khu vực xung quanh Thị Tứ khi chính phủ Philippines thông báo sẽ nâng cấp các cơ sở trên đảo.
Theo ông Roberto del Mundo, thị trưởng của thị trấn Kalayaan, đơn vị hành chính quản lý đảo Thị Tứ, các tàu Trung Quốc đã buộc ngư dân Philippines phải rời khỏi một bãi cát nằm ngoài khơi hòn đảo trong tháng Một và tháng Hai. Ông Del Mundo nói rằng hành động của tàu Trung Quốc đã ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường truyền thống.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana, đã lên tiếng bảo vệ quyết định của chính phủ Philippines về việc đầu tư nâng cấp các cơ sở trên đảo Thị Tứ, sau khi AMTI cho công bố các báo cáo. Ông Lorenzana nói với các phóng viên rằng việc xây dựng của Philippines hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, và rằng “chúng tôi hi vọng các nước khác tôn trọng Philippines và hành xử một cách văn minh, phù hợp với tư cách thành viên của cộng đồng quốc tế”.
Chính phủ Philippines đã từ chối xác nhận các báo cáo của AMTI, mặc dù người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte nói rằng các hành động của Trung Quốc sẽ là “không đúng” nếu họ thực sự ngăn chặn các tàu cá của Philippines tiếp cận với bãi cát gần đảo Thị Tứ.
Bắc Kinh nói rằng hạm đội tàu quanh Thị Tứ là để đánh cá
Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, có bài viết của hai tác giả Jiang Yanchian và Hu Bo nói rằng AMTI đã giải thích sai hình ảnh vệ tinh mà tổ chức này có được về hạm đội tàu Trung Quốc triển khai ở quanh đảo Thị Tứ, và khẳng định các tàu Trung Quốc ở đó không liên quan gì đến việc xây dựng của Philippines, mà tới đó để đánh cả, phục vụ nhu cầu hải sản gia tăng trong dịp Tết Nguyên đán.
Nhà phân tích chính trị Panos Mourdoukoutas trên tờ Forbes đã thảo luận về nỗ lực đẩy lùi Trung Quốc trên Biển Đông của Việt Nam và Indonesia, cho rằng việc đứng lên của những nước này trước hành động bành trướng của Bắc Kinh không dẫn đến chiến tranh. Trong bài viết của mình, nhà báo Mourdoukoutas đã đề cập tới quyết định của Indonesia đối với việc vạch ra một “lằn ranh đỏ”, thiết lập các khu vực đánh cá độc quyền trên Biển Đông và việc Việt Nam đang tìm cách thúc đẩy một hiệp ước ngăn chặn các hoạt động xâm lấn của Trung Quốc trên vùng biển này. Từ những trường hợp điển hình được nêu ra, ông Mourdoukoutas kêu gọi chính phủ Philippines đừng quá vì sợ bị trả thù mà nhún nhường trước Trung Quốc.
Quay lại với Hoa Kỳ
Dưới thời Tổng thống Duterte, Philippines đã thể hiện một chính sách ngoại giao mềm mỏng với Bắc Kinh, ghi “dấu ấn đậm nét” bằng việc ông Duterte phủ nhận lợi thế chiến thắng của chính Philppine trong vụ kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc, và cho rằng phán quyết của tòa án quốc tế tại La Hay chỉ là “tờ giấy”.
Manila đã chọn ngả theo Bắc Kinh, vì thế mối quan hệ Mỹ-Phi dường như cũng trở nên phai nhạt.
Nhưng mọi chuyện dường như sẽ đổi thay vào thời gian tới, khi vào ngày 1/3, trong cuộc họp báo chung ở Philippines với người đồng cấp Teodoro Locsin, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, tuyên bố rằng, bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhắm vào lực lượng, máy bay hoặc tàu của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt nghĩa vụ hỗ trợ quân sự theo Điều 4 của Hiệp ước phòng thủ tương trợ đã được Mỹ-Phi (MDF) ký kết vào năm 1951.
Tuyên bố của ông Pompeo báo hiệu mức độ cam kết cao hơn của Hoa Kỳ đối với nước đồng minh của mình ở Đông Nam Á, vì trước đây Mỹ chưa bao giờ đảm bảo với Philippines rằng họ sẽ viện dẫn MDF để hỗ trợ Philippines trên Biển Đông.
“Những gì ông Pompeo nói là điều mà lực lượng quốc phòng [Philippines] thực sự muốn nghe”, Julio Amador III, một thành viên của Tổ chức Con đường tiến bộ châu Á Thái Bình Dương có trụ sở ở Manila, bình luận.
Tin mới cập nhật từ hãng tin News của Úc, những tàu đánh cá có vũ trang của Trung Quốc đã tháo chạy khỏi đảo Thị Tứ, sau khi hai tàu đổ bộ tấn công USS Ashland (LSD 48) và USS Green Bay (LPD 20) của Mỹ tiến vào khu vực. Sau đó, lực lượng vũ trang của Philippines cũng đã gửi tàu hỗ trợ tiến gần đảo Thị Tứ. Điều này đồng nghĩa với việc lời hứa của ông Pompeo về việc Mỹ sẽ hỗ trợ Philippines trên Biển Đông đã được thực hiện.
0 nhận xét