TQ trả đũa vụ Huawei, ngừng nhập cải dầu Canada?
Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2019
18:20
//
Slider
,
Tin thế giới
Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định có cơ sở chắc chắn cho việc tước giấy phép nhập khẩu cải dầu từ một tập đoàn Canada, nhưng bác bỏ đó là hành động trả đũa vụ giám đốc tài chính Huawei bị Canada bắt giữ.
Càng đến gần ngày giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị xét xử ở Canada, các hành động và những phản ứng của Trung Quốc lẫn Canada càng trở thành những chuyện đáng lưu tâm.
Bà Mạnh, người bị Canada bắt theo yêu cầu của Mỹ, có thể sẽ sớm biết ngày mình bị dẫn độ sang Washington hay không trong phiên tòa dự kiến diễn ra ngày 6-3.
Nhưng trước phiên tòa, một loạt động thái từ Trung Quốc đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về mục đích thật sự đằng sau đó.
Chẳng hạn, hai công dân Canada bị Bắc Kinh bắt giữ sau khi có tin bà Mạnh xộ khám ở Canada, đã bị buộc tội "đánh cắp bí mật nhà nước" Trung Quốc hôm 4-3.
Trong vụ việc mới nhất, nhà chức trách Bắc Kinh đã hủy giấy phép nhập khẩu cải dầu của Tập đoàn Richardson International - nhà xuất khẩu hạt có dầu hàng đầu thế giới của Canada.
Lý do được đưa ra là các mẫu cải dầu của tập đoàn này tại Trung Quốc đã bị phát hiện có "bọ gây hại" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định ngày 6-3, theo báo South China Morning Post.
Hôm 1-3, Cục Hải quan Trung Quốc lặng lẽ thông báo trên trang web rằng cơ quan này đã hủy giấy phép nhập khẩu cải dầu của Tập đoàn Richardson. Việc hủy giấy phép của tập đoàn này theo sau nhiều thông báo khác của chính quyền Trung Quốc nói có vật gây hại hoặc vi khuẩn.
"Quyết định của chính quyền Trung Quốc dựa trên những cơ sở vững chắc. Cũng như các quốc gia khác, chúng tôi có quyền bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người dân" - ông Lục Khảng nhấn mạnh.
Tuyên bố được xem là sự đáp trả phát ngôn cùng ngày 6-3 của Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland.
"Tôi cực kỳ quan ngại về những gì đã xảy ra với Tập đoàn Richardson. Chúng tôi không tin rằng có bất kỳ cơ sở khoa học nào cho những quyết định như vậy. Chúng tôi đang tích cực làm việc với Chính phủ Trung Quốc về vấn đề này" - bà Freeland nhấn mạnh.
Một số học giả Trung Quốc cho rằng việc Trung Quốc tước giấy phép của Tập đoàn Canada không liên quan đến những căng thẳng trong ngoại giao giữa hai nước.
"Cá nhân tôi nghĩ nó liên quan đến chất lượng sản phẩm nhiều hơn. Trong lúc chưa rõ sự tình thế nào, chúng ta không nên liên kết các vụ việc với nhau" - nhà nghiên cứu He Weiwen thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và toàn cầu hóa nói với tờ báo của Hong Kong.
90% lượng cải dầu được tiêu thụ ở Trung Quốc là nhập từ Canada, phần lớn được sử dụng để làm dầu nấu ăn, thức ăn cho cá...
0 nhận xét