Tin Biển Đông – 13/01/2019
Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2019
16:34
//
Biển Đông
,
Slider
Ảnh vệ tinh cho thấy
TQ gia tăng đánh bắt ở Biển Đông
Một phân tích về hình ảnh vệ tinh phát hiện nhiều tàu Trung Quốc xuất hiện ở quần đảo Trường Sa, cho thấy các hoạt động đánh bắt của nước này đang gia tăng ở Biển Đông, theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) có trụ sở tại Washington.
Trong một báo cáo có tên “Chiếu sáng Hạm đội đánh bắt cá đêm ở Biển Đông” được công bố hôm thứ Tư (9/1), giám đốc AMTI, ông Gregory Poling cho biết có “sự hiện diện lớn của các tàu” trong và xung quanh hai tiền đồn lớn nhất của Trung Quốc tại các rạn san hô Đá Subi và Đá Vành Khăn, GMA News đưa tin.
Báo cáo trình bày dữ liệu thu được bằng công nghệ Radar khẩu độ tổng hợp (SAR), cho thấy số lượng tàu Trung Quốc đã gia tăng trong lần quan sát vào tháng 8 và vào tháng 11. Cụ thể, số lượng tàu Trung Quốc hồi tháng 8 xuất hiện xung quanh hai rạn san hô nói trên là 187, vào tháng 11 con số này là 209.
Ông Poling cho biết: “Hai lần [vệ tinh] đi qua Đá Subi vào tháng 8 nhận được 117 lần tín hiệu SAR từ vùng nước quanh rạn san hô đó, và 61 tín hiệu khác tại các vùng biển gần đó, bao gồm cả đảo Thị Tứ do Philippines chiếm đóng chỉ cách đó hơn 12 hải lý”.
Phân tích cho thấy, vào cuối tháng 10, hai lần vệ tinh đi qua cho thấy “số lượng thậm chí còn lớn hơn nhưng phân tán hơn”, với 19 chiếc ở đầm phá và 190 chiếc ở vùng biển gần đó.
Trong khi đó, AMTI cho biết một phân tích về hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao cho thấy “các tàu cá Trung Quốc chiếm số lượng lớn nhất trong số các tàu hoạt động ở quần đảo Trường Sa từ trước đến nay”.
Theo ông Poling, hình ảnh “cho thấy số lượng tàu cá tại Đá Subi và Đá Vành khăn thậm chí còn cao hơn cả [số lượng mà công nghệ] SAR nhận định”. Ông giải thích rằng điều này là do các tàu “thường liên kết với nhau thành các nhóm lớn, nên chúng có vẻ như là một tàu duy nhất theo [phân tích của công nghệ] SAR.”
Trích dẫn bức ảnh quá khứ, ông Poling lưu ý rằng số lượng tàu Trung Quốc tại Đá Subi và Đá Vành Khăn năm 2018 “cao hơn nhiều” so với năm 2017. “Vào tháng 8, dường như là tháng bận rộn nhất, đã có khoảng 300 tàu neo đậu tại hai rạn san hô này tại bất kỳ thời điểm nào”, ông nói.
Ông Poling cho biết : “Việc cải thiện hoạt động giám sát các đội tàu này sẽ rất quan trọng nếu các bên có tuyên bố chủ quyền hy vọng cứu được nghề cá ở Biển Đông và giảm tần suất các sự cố không mong muốn giữa các tàu”.
Ông nhấn mạnh rằng “số lượng tàu dân quân hoạt động trong khu vực thay mặt cho Trung Quốc hiện lớn hơn nhiều và dai dẳng hơn so với mức độ thường được nhìn nhận trước đó”.
Giám đốc AMTI nói thêm: “Các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách tập trung vào Biển Đông sẽ cần dành một phần tương ứng sự chú ý của họ vào các nhân tố này, cũng như vai trò của chúng trong khu vực”.
Học giả TQ cảnh báo
về nguy cơ nổ ra xung đột ở Biển Đông
Một chuyên gia hải quân Trung Quốc cho rằng hoạt động của tàu chiến Mỹ – Trung ở Biển Đông làm gia tăng nguy cơ xảy ra va chạm.
“Các tàu chiến của cả hai nước chắc chắn có lúc di chuyển gần nhau và rất dễ xảy ra hiểu lầm hoặc đánh giá sai tình hình, thậm chí là xảy ra va chạm”, Reuters hôm nay dẫn phát biểu của nhà nghiên cứu Zhang Junshe thuộc Viện nghiên cứu hải quân Trung Quốc. Zhang còn tìm cách đổ lỗi cho Mỹ khi cho rằng Washington sẽ phải chịu trách nhiệm nếu đụng độ nổ ra.
Trong khi đó, chính học giả này lại ngang nhiên tuyên bố rằng Trung Quốc có thể sẽ tăng cường bố trí vũ khí phòng thủ tại các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, theo Independent. Zhang còn khẳng định tàu chiến Trung Quốc còn “được phép xua đuổi” nếu chiến hạm Mỹ tiến gần những khu vực mà Trung Quốc kiểm soát trái phép trên Biển Đông.
Tuyên bố được Zhang đưa ra vài ngày sau khi hải quân Mỹ điều tàu khu trục tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Hoàng Sa của tàu chiến Mỹ đã khiến Bắc Kinh tức tối. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông báo cáo buộc chiến hạm Mỹ “vi phạm luật pháp Trung Quốc và luật pháp quốc tế”, xâm phạm cái gọi là “chủ quyền của nước này”. Bắc Kinh thậm chí còn gọi đây là “hành động khiêu khích” và yêu cầu Washington chấm dứt “ngay lập tức”.
Trung Quốc gần đây tăng cường hoạt động xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp này, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Hồi tháng 9/2018, Trung Quốc từng điều tàu khu trục Lan Châu ngăn cản và chạy cắt mặt tàu chiến Mỹ tuần tra tự do hàng hải ở Trường Sa, buộc chiến hạm Mỹ phải đổi hướng để tránh va chạm.
Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôn trọng hoạt động tự do hàng hải và kêu gọi các nước có những hành động thiết thực đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực.
Pháp-Nhật lên án
“thái độ hung hăng” của Trung Quốc trên biển
Sau kỳ họp ngoại giao-quốc phòng lần thứ năm, theo công thức 2+2 hôm thứ sáu 11/01/2019 tại Brest, Pháp và Nhật cùng phản đối « thái độ hung hăng của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và Biển Đông ». Hai bên thông báo « nâng cao hợp tác giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và các đơn vị quân đội Pháp đóng tại các đảo ở Nam Thái Bình Dương ».
Quyết tâm tăng cường hợp tác an ninh Pháp-Nhật được thể hiện trong cuộc họp báo chung hôm thứ Sáu tại quân cảng Brest, miền tây bắc nước Pháp, theo nhận định của hãng thông tấn NHK. Bốn quan chức cao cấp gồm ngoại trưởng Nhật Bản Kono Taro và bộ trưởng Quốc Phòng Iwaya Takeshi, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và bộ trưởng bộ Quân Lực Florence Parly cùng bày tỏ quan ngại « sâu sắc » và lên án « mạnh mẽ » Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, làm tình hình căng thẳng.
Để đối phó với mối đe dọa này, hai bên quyết định « nâng cao hợp tác » giữa quân đội Nhật và các đơn vị Pháp đóng tại Nam Thái Bình Dương (đảo Nouvelle Calédonie) từ quân sự cho đến khoa học, công nghệ, môi trường và năng lượng.
Hiện nay, hai nước đã và đang chuẩn bị các cuộc tập trận chung và có dự án chế tạo « tàu ngầm tự hành săn thủy lôi ».
Không quân Nhật sẽ trang bị hệ thống phá sóng truyền tin
Về phần Tokyo, để đối phó với nguy cơ bị không quân Trung Quốc và Nga uy hiếp và xâm lăng, máy bay quân sự Nhật sẽ được trang bị hệ thống tấn công điện tử để phá sóng ra-đa và truyền tin đối phương. Mục tiêu thứ nhất là tăng cường khả năng tự vệ chống tên lửa có trang bị hệ thống nhiễu sóng đánh lừa ra-đa Nhật Bản. Mục đích thứ hai là vô hiệu hóa từ xa khả năng tấn công của không quân, hải quân hay bất cứ một lực lượng nào của đối phương muốn xâm lăng nước Nhật.
Kế hoạch này đã được đưa vào ngân sách quốc phòng kể từ năm tới 2020.
Nhật báo Yomiuri thiên hữu cho biết chính phủ rút tỉa bài học Ukraina năm 2014. Khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée, hệ thống truyền tin liên lạc giữa bộ chỉ huy và các đơn vị Ukraina bị Nga phá sóng làm tê liệt. Quân đội Trung Quốc cũng đã trang bị cho các tiền đồn ở Biển Đông loại vũ khí điện tử này.
0 nhận xét