Có một “tiểu Vịnh Hạ Long” trên đất ông Thoại!
Thứ sáu, 06/10/2017 01:02
(AGO) - Từng được nhiều người ví như “tiểu Vịnh Hạ Long” thu nhỏ - khu du lịch Lòng Hồ (thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn) là điểm nhấn đặc biệt, làm nên sức hấp dẫn riêng trên vùng đất ông Thoại. Đến đây, du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp thơ mộng, tiếng gió núi len lỏi qua từng tán cây rừng mà còn được lắng lòng khi nghe chuyện Thoại Ngọc Hầu cùng những công lao với đất và người Thoại Sơn.
Khu du lịch lòng hồ gồm: Hồ số 1, 2 và 3. Trong đó, hồ số 1 hay còn gọi là hồ Ông Thoại là điểm được nhiều người ghé thăm nhất, bởi phong canh non nước hữu tình. Riêng hồ số 2 đang trong thời gian chờ khởi công xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm An Giang nên thỉnh thoảng mới có du khách. Trở lại với hồ Ông Thoại, dù đã được tôn tạo nhưng đến nay, hồ vẫn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ có phần kỳ bí, với dãy núi Sập uy nghi (độ cao 85m, chu vi 3.800m) đang hàng ngày “soi mình” xuống mặt hồ. Du khách đến đây có thể tham quan hồ Ông Thoại bằng 2 cách: “Cuốc” bộ hay đi thuyền, đạp thiên nga. Với diện tích khoảng 9 héc ta và độ sâu 25m, lòng hồ Ông Thoại luôn có những làn sóng lăn tăn gợn, nhẹ nhàng và yên ả. Nơi đây còn là nơi trú ẩn của nhiều loại cá như: Cá vồ cờ (loại cá đặc biệt quý hiếm có tên trong sách đỏ) và cá tra hồng. Tuy nhiên, đàn cá vồ cờ sống ẩn dưới nước, nơi có nhiệt độ lạnh nên rất ít nổi lên mặt nước như các loài cá khác.
Cảnh đẹp hồ Ông Thoại
Giữa hồ là tượng đài Thoại Ngọc Hầu được đặt trang trọng với thế đứng uy nghi lẫm liệt, lưng quay vào núi, tay đang chỉ về phía kênh Thoại Hà. Phía sau tượng Thoại Ngọc Hầu là bản dịch bia Thoại Sơn bằng tiếng Việt được đặt bên triền núi. Du khách đến đây có thể chiêm ngưỡng tấm bia cao 3m và toàn văn bản dịch quá trình đào kênh Thoại Hà: “...Xưa kia, núi này thuộc vùng ranh giới với phiên bang, thường gọi là núi Sập. Từ ngày các triều vua trước mở mang khai thác cõi Nam mới đưa vào bản đồ. Nhưng cây cối hoang dại vẫn che phủ um tùm và là nơi hang ổ cho hươu nai, còn cảnh đẹp thì vẫn bị chôn vùi không biết bao nhiêu năm vậy...”. Ngày nay, du khách đến đây tham quan đều đặt chân đến tấm bia này, một phần để chiêm ngưỡng, một phần để tưởng nhớ đến công lao Thoại Ngọc Hầu và bao vị tiền nhân đã hy sinh trong quá trình khai hoang mở cõi. Cách tượng Thoại Ngọc Hầu không xa là chùa Một Cột, với nhiều nét thâm trầm như điểm thêm cho lồng hồ vẻ đẹp yên bình.
Những hồ được thông nhau bởi các khe núi, trên mặt hồ là các đảo nhỏ nhân tạo nhằm tạo điểm nhấn cho khu du lịch lòng hồ. “Tôi đến hồ Ông Thoại đã nhiều lần. Mỗi lần đi tôi đều đưa các cháu đến đây vui chơi và tham quan. Thị trấn Núi sập cách nhà tôi không xa, hễ ngày lễ là gia đình tôi lại đến đây vì cảnh đẹp, tĩnh lặng, không thua gì những điểm du lịch nổi tiếng khác. Mấy đứa nhỏ nhà tôi rất thích chụp hình dưới chân tượng Thoại Ngọc Hầu và gia đình Mai An tiêm đang trồng dưa hấu. Thông qua tượng gia đình Mai An Tiêm, tôi có dịp kể về truyền thuyết Mai An Tiêm và giáo dục con sống thanh bạch, chăm chỉ lao động bằng đôi tay của chính mình” - chị Trần Thu Tư (30 tuổi, ngụ Châu Thành) chia sẻ.
Ngoài các bức tượng, bia đá, hồ Ông Thoại còn được tô điểm thêm bằng những chiếc cầu nối nhịp: Mai An Tiêm, Vọng Nguyệt, Khoa Bảng đưa bước du khách đến với các đảo nhỏ trên hồ. Nhiều bạn trẻ đến đây chụp hình rồi đăng mạng xã hội để khoe với bạn bè. “Hôm nay, nhóm em đến đây để làm một clip ngắn cho bài tập Anh văn mà thầy giáo ra đề. Bọn em sẽ cùng trò chuyện với nhau bằng tiếng Anh, những cảnh đẹp của hồ sẽ là điểm cộng cho bài tập của bọn em. Vì thầy giáo có nói là sẽ cộng thêm điểm cho những clip hay, có phong cảnh đẹp, thơ mộng. Vì thế, nhóm em đã nghĩ ngay đến khu du lịch lòng hồ và đến đây thực hiện bài tập về nhà” - em Nguyễn Thị Mai (học sinh lớp 11A1, Trường THPT Nguyễn Văn Thoại, Thoại Sơn) háo hức chia sẻ.
Theo Ban quản lý Du lịch và Văn hóa huyện Thoại Sơn, hồ Ông Thoại (Hồ số 1) được xây dựng vào năm 2000. Để tạo thêm điểm nhấn, thu hút khách tham quan, 3 cây cầu Mai An Tiêm, Vọng Nguyệt, Khoa Bảng được lần lượt xây dựng vào năm 2003, 2005. Mỗi tháng, nơi đây đón khoảng 4.000 lượt khách tham quan, khi lễ, Tết, con số ấy lên đến 46.000 lượt. Hàng tuần đều có đội ngũ thu gom rác, vệ sinh lòng hồ để đảm bảo vẻ mỹ quan.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN