Tin Biển Đông – 14/06/2017
Tàu USS Colorado vào ‘thăm kỹ thuật’ Cảng Cam Ranh
Tàu USS Colorado (LCS 4) đang thực hiện bảo dưỡng dự phòng viễn chinh trong khuôn khổ chuyến thăm kỹ thuật tại Cảng Quốc tế Cam Ranh, Việt Nam từ ngày 11 đến 15 tháng 6 năm nay.
Tin tức này được Đại sứ quán Hoa Kỳ cung cấp cho báo chí hôm 14/06 và cũng được đăng trên trang America’s Navy của Hải quân Hoa Kỳ.
Năm 2012 một tàu vận tải của Hoa Kỳ đã vào Cảng Cam Ranh.
Hồi đầu tháng 6 năm nay cũng có một tàu chiến Mỹ vào nơi đây.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, trong thông cáo báo chí bằng tiếng Việt cho hay:
“Chuyến thăm kỹ thuật này đánh dấu lần đầu tiên hoạt động bảo dưỡng viễn chinh được thực hiện cho phiên bản tàu tác chiến ven bờ thuộc lớp Independence triển khai luân phiên.”
Lối vào cho các tàu hải quân Hoa Kỳ tới cơ sở này là yếu tố trọng yếu trong quan hệ Mỹ – ViệtLeon Panetta phát biểu năm 2012
Cũng nguồn này trích Chuẩn Đô đốc Donald Gabrielson, Tư lệnh Nhóm Hậu cần Tây Thái Bình Dương/Lực lượng đặc nhiệm 73, cho biết:
“Chuyến thăm kỹ thuật này nâng cao năng lực bảo dưỡng viễn chinh của chúng tôi và tăng cường quan hệ hợp tác của chúng tôi với Việt Nam.”
Phía Hoa Kỳ, qua lời ông Gabrielson, nói “Chúng tôi đánh giá cao cơ hội hợp tác với Việt Nam và mong muốn làm việc cùng nhau để tăng cường sự ổn định và xây dựng các mối quan hệ cùng có lợi.”
Chỉ trong năm 2017, Hải quân Mỹ hạ thủy chín tàu thế hệ mới nhất gồm USS Colorado (LCS 4) mà tính năng có cả phần phóng các drone không người lái, phá ngư lôi, chống ngầm và hỗ trợ tàu lớn tác chiến chống hạm.
Hôm đầu tháng, khu trục hạm USS John S. McCain lớp Arleigh Burke cũng vào Cảng Quốc tế Cam Ranh.
Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain đã có chuyến thăm đến Việt Nam cùng thời gian và lên khoang chiếc tàu mang tên cha và ông của ông.
Như thế, trong vòng chưa đầy một tháng, hai chiến hạm của Hoa Kỳ đã vào Cảng Cam Ranh, dù cách gọi của hai lần hơi khác nhau.
Chuyến đến của tàu USS John McCaini là “dừng bến kỹ thuật thường lệ” (routine technical stop), còn của USS Colorado thì lên thành “thăm kỹ thuật” (technical visit) nhưng tờ The Diplomat gọi là “để bảo trì” ở Cam Ranh.
Cảng nước sâu Cam Ranh
Các tài liệu quốc tế đánh giá rằng nhờ lối vào hẹp và đáy biển sâu, Vịnh Cam Ranh là nơi có ưu thế tự nhiên cho quân cảng thuộc loại “tốt nhất thế giới”.
Daniel Larter trên trang của Hải quân Hoa Kỳ (05/2016) đã viết rằng đây là quân cảng “dễ phòng thủ lại có lối ra thẳng Biển Nam Trung Hoa” và từng được giới tham mưu và kế hoạch quân sự Mỹ “mến mộ”.
“Hồi tháng 3 năm đó, một cảng quốc tế được mở sẽ đem lại các cơ hội cho Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam,” báo Navy Times của Hoa Kỳ trích Đô đốc Scott Swift phát biểu vào tháng 5/2016.
Hoa Kỳ từng dùng quân cảng Cam Ranh thời chiến tranh Việt Nam cho đến năm 1972.
Sau 1975, chính phủ Việt Nam thống nhất cho đồng minh Liên Xô vào đóng tại đây cho đến 2002.
Năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta nói về Cảng Cam Ranh:
“Lối vào cho các tàu hải quân Hoa Kỳ tới cơ sở này là yếu tố trọng yếu trong quan hệ Mỹ – Việt.”
Hôm 03/06/2012, ông Leon Panetta đã đến thăm tàu vận tải USNS Richard E. Byrd khi tàu này cập cảng ở Vịnh Cam Ranh.
Giới chức Việt Nam phân biệt ra quân cảng Cam Ranh chỉ cho Hải quân nước họ và phần Cảng Quốc tế Cam Ranh để cho các tàu nước ngoài vào sửa chữa.
Tuy nhiên đó chỉ là sự khác biệt về mặt kỹ thuật trong khi đối với các tàu chiến nước ngoài, vị trí đặc biệt của toàn bộ Vịnh Cam Ranh và quyền tiếp cận khu vực này có ý nghĩa chiến lược quân sự đối với Biển Đông.
Hồi cuối năm 2016 có tin Hải quân Nga “trở lại đóng tại Cảng Cam Ranh” nhưng tin này bị Việt Nam bác bỏ.
Cũng vào tháng 10/2016, Việt Nam đón ba tàu hải quân Trung Quốc vào Cảng Quốc tế Cam Ranh.
Thế nhưng tin tức không nói các tàu Trung Quốc có sử dụng các cơ sở bảo trì, sửa chữa gì tại đây hay chỉ thăm để để giao lưu với hải quân nước chủ nhà.
Chuyến thăm kỹ thuật vào Cam Ranh của tàu USS Colorado là một phần trong công tác hỗ trợ triển khai Hoạt động Giao lưu Hải quân với Việt Nam, thuộc một chương trình rộng hơn Hoa Kỳ tiến hành với Bangladesh, Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, theo giới chức Mỹ.
Tàu chiến Mỹ thăm Trung Quốc
Một tàu khu trục có tên lửa dẫn đường của Mỹ cập cảng phía nam của Trung Quốc trong chương trình đã định trước với Hải quân Quân đội Nhân dân Trung Quốc.
Tàu USS Sterett (DDG-104) ngày 12/6 tới Trạm Giang, nơi đặt trụ sở của hạm đội Nam Hải của Trung Quốc, trong một chuyến thăm bao gồm những hoạt động trao đổi cấp thấp với hải quân Trung Quốc, theo thông cáo được USNI News trích dẫn.
“Trong chuyến thăm cảng lần này, thủy thủ sẽ tham gia những hoạt động thể thao, cho phép tham quan tàu và tham dự một sự kiện trao đổi quan hệ với cộng đồng cùng các buổi lễ tân của giới lãnh đạo với hải quân Trung Quốc,” thông cáo về chuyến thăm của tàu Sterett được loan tải hôm 12/6 cho biết.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu Mỹ tới Trạm Giang kể từ năm 2015 và cũng là chuyến thăm đầu tiên của một tàu Hoa Kỳ tới một cảng của Hoa lục trong năm nay.
Trung tá hải quân Claudine Caluori, chỉ huy tàu Sterett, ngày 12/6 tuyên bố: “Chuyến thăm này là một cơ hội tốt để thúc đẩy hợp tác hàng hải và củng cố mối quan hệ giữa hải quân Mỹ với các đối tác bên hải quân Trung Quốc.”
Chuyến thăm diễn ra trong lúc Mỹ tăng cường các cuộc tuần tra trên biển Đông và tái tục thách thức, thông qua hoạt động Tự do Hàng hải, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc xung quanh các đảo nhân tạo đang được quân sự hóa.
Tháng trước, tàu khu trục USS Dewey – cùng hoạt động với tàu Sterett trong nhóm hành động gồm hai tàu từ Trạm hải quân San Diego, California – đã đi vào phạm vi 6 hải lý xung quanh Đá Vành Khăn trong chương trình Tự do Hàng hải đầu tiên dưới tân chính quyền Trump.
Theo công bố hôm 12/6 từ Trạm Giang, nhóm hành động gồm 2 tàu Sterett-Dewey cũng tham gia vào một số các cuộc diễn tập khu vực trong vài tháng qua, phối hợp với các dịch vụ hải quân để tiến hành các cuộc tuần tra thường lệ, các hoạt động an ninh hàng hải và các hoạt động hợp tác an ninh giúp tăng cường an ninh-ổn định khu vực tại Tây Thái Bình Dương.
Quan chức Philippines thúc giục khai thác chung ở biển Đông
Philippines nên tham gia vào chương trình thăm dò dầu khí chung với các nước khác trên biển Đông để tránh một cuộc chiến có thể xảy ra, đặc phái viên phụ trách Đối thoại liên văn hóa, Jose De Venecia, kêu gọi.
Cựu chủ tịch hạ viện Philippines De Venecia được trang mạng Philstar.com dẫn lời cho biết ông đã từng đề xuất ý kiến khai thác dầu chung trên biển Đông từ những năm 1970.
“Tại sao chúng ta lại sẵn lòng tham gia chiến tranh khi mà chúng ta có thể có sự thương lượng về dầu khí một cách thực tế và có thể hình dung được ở biển Đông, nơi mọi người cùng tham gia vì tất cả trữ lượng dầu và vùng biển này là do Chúa ban tặng cho chúng ta,” ông Denecia nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Headstart đầu tuần này.
Vị cựu chủ tịch Hạ viện Philippines nhấn mạnh rằng khu vực biển đang có tranh chấp không thuộc sở hữu của Philippines, Trung Quốc, hay bất kỳ nước nào có tuyên bố chủ quyền tại đây cả.
Ông DeVenecia dẫn dụ rằng các nước khác cũng đã có những thỏa thuận cùng khai thác thành công như thỏa thuận hoạt động chung ở Biển Bắc giữa Na Uy, Đức và Vương quốc Anh.
Vẫn theo lời ông De Venecia, Tổng thống Philippines có thể có những kế hoạch khác để gạt sang một bên phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về tuyên bố đường 9 đoạn trên biển Đông.
“Nếu ông (Duterte) gạt sang một bên phán quyết của Tòa quốc tế, ông ấy ắt phải có lý do, nghĩa là ông ấy đang lên kế hoạch thương lượng một thỏa thuận trong đó Philippines sẽ có một phần đáng kể hễ khám phá được dầu ở biển Đông. Đó là vấn đề cùng chia sẻ dầu khí,” ông De Venecia nói.
Vào tháng 7/2016, Tòa trọng tài quốc tế của Liên Hiệp Quốc ra phán quyết có lợi cho Philippines và không công nhận những tuyên bố quá đáng của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp.
Tòa nói Bắc Kinh đã vi phạm cam kết theo Công ước Luật Biển khi xây các đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Philippines, Trung Quốc và Việt Nam cùng tham gia Thỏa ước Hợp tác Thăm dò Địa chấn biển chung trên biển Đông dưới thời Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo. Thỏa ước này đã được đưa ra chất vấn tại Tòa tối cao Philippines. Tòa không đưa ra được phán quyết về tính hợp pháp của Thỏa ước trước khi nó mất hiệu lực vào năm 2008.
0 nhận xét