Tin khăp nơi – 14/06/2017
Vụ Grenfell Tower đặt câu hỏi về hỏa hoạn ở cao ốc
Ít nhất sáu người đã thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn lớn chưa từng thấy ở tòa nhà chung cư Grenfell Tower phía tây London rạng sáng 14/6, và cảnh sát nói số người tử vong sẽ còn tiếp tục tăng.
Các nhân chứng tả lại nhiều người bị kẹt trong tòa nhà bốc cháy nghi ngút, la hét cầu cứu cho bản thân và con cái họ.
Sau 12 tiếng vật lộn với khói lửa, nhân viên cứu hỏa đã đưa được nhiều người ra khỏi tòa nhà cao 24 tầng này. Họ vẫn đang tiếp tục dập lửa.
Cảnh sát nói nhiều người hiện vẫn chưa được tìm thấy. Tin cho hay “hàng trăm người” đang ngủ khi hỏa hoạn xảy ra ở tòa chung cư được xây dựng năm 1974 này.
Nguyên nhân hỏa hoạn?
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn, nhưng có năm giả thuyết đang được đồn đoán, tờ Daily Telegraph viết.
Nổ ga – Người dân ở khu chung cư nói tòa nhà mới được tu sửa hồi năm ngoái, trong đó có đường ống dẫn ga vào các căn hộ.
Cháy nổ do tủ lạnh – Nhân chứng kể có một người dân nói với hàng xóm về một chiếc tủ lạnh bị hỏng đã dẫn đến vụ cháy.
Đấu dây điện lỗi – Một vấn đề về an toàn người dân nêu lên là việc mắc đường dây điện lỗi. Suýt nữa đã xảy ra vụ hỏa hoạn về nguyên nhân này cách đây bốn năm.
Lớp ốp ngoài tòa nhà – Tòa chung cư Grenfell Tower được ốp một lớp nguyên liệu chống mưa bằng kẽm và lớp tường thủy tinh trong lần tu sửa trị giá 10 triệu bảng năm 2016. Các chuyên gia nói điều này có thể làm cho lửa lan ra nhanh hơn.
Thiếu vòi phun/đường thoát hiểm – Dân biểu Jim Fitzpatrick nói chính phủ Anh đã từ chối không làm theo kiến nghị lắp đặt thêm hệ thống vòi phun trong các tòa nhà cao tầng. Nhóm Hành động Địa phương cũng từng cảnh báo không có đủ lối vào và lối thoát hiểm trong những tình huống tai hại.
Các chuyên gia về an toàn cháy đã nói lớp ốp ngoài tòa nhà có thể là lý do khiến lửa lan nhanh như vậy, và làm cho lửa không chỉ cháy ở một tầng.
Trường hợp cực kỳ khó
Ông Bob Parkin, cựu lính cứu hỏa và nay là cố vấn về an toàn, cho biết thường thì mỗi khi lính cứu hỏa tới các tòa nhà cao tầng, họ sẽ lập điểm tập kết cao hơn nơi xảy ra cháy là hai tầng.
Điều này cho phép họ lập các điểm kiểm soát lên xuống, giúp kiểm tra được số lính cứu hỏa tham gia chữa cháy và quan trọng hơn là kiểm tra các máy thở của họ để biết họ có thể ở trong các khu vực nguy hiểm bao lâu.
Thời gian mỗi lính cứu hỏa có thể chữa cháy trong khu vực nguy hiểm là có hạn và phụ thược vào lượng oxy họ có – mỗi phút họ phải dành ra để trèo lên tòa nhà là một phút lãng phí thời gian dập lửa.
Nhưng vụ hỏa hoạn ở Grenfell Tower là một trường hợp cực kỳ khó, vì lửa đã lan quá nhanh và thiêu đốt gần như toàn bộ tòa nhà, ông nói.
Phải trèo lên hơn 20 tầng để cứu người trong hoàn cảnh này là “khó không thể tin được”. Nếu không có dự trữ oxy để cho người được cứu, việc đưa họ ra khỏi tòa nhà trở nên cực kỳ nguy hiểm.
Đội cứu hỏa còn phải hoạt động từ một tầng rất thấp trong tòa nhà vì lửa đã lan quá xa.
Tại sao có lời khuyên “ở ngay tại chỗ”?
Trước khi xảy ra vụ này, dân cư ở Grenfell Tower lúc đầu đã được khuyên nên ở trong chung cư của họ nếu có hỏa hoạn.
Ikhwan Razali, một kỹ sư về cháy nổ tại công ty Tenable giải thích tại sao họ lại được khuyên như vậy.
“Chúng ta có thể khuyên mọi người ở nguyên tại chỗ nếu ta có một khống chế lửa giữa các tầng, nhưng trong trường hợp này, lời khuyên đó dường như đã sai.”
Trong các vụ hỏa hoạn nhà cao tầng, các bệ trên cao có thể được thiết kế để cho phép lính cứu hỏa hoạt động từ bên ngoài tòa nhà. Nhưng các bệ nâng cao từ xe cứu hỏa của Đội Cứu hỏa London chỉ có thể lên được 32 mét, gây khó khăn cho việc chữa cháy trên cao.
Ở Dubai, nơi các tòa nhà cao tầng như tòa Burj Khalifa cao tới trên 160 tầng, họ có những bệ cao tới hơn 80 mét. Nhưng đường lên dành riêng cho lính cứu hỏa, kể cả các thang máy đặc biệt, là vô cùng quan trọng.
Dân cư trong các tòa nhà cao tầng như Grenfell Tower, nếu căn hộ của họ không bị ảnh hưởng bởi khói hoặc lửa, thường được khuyên ở trong căn hộ vì lính cứu hỏa và cư dân chỉ có một cầu thang để lên xuống, theo lời các chuyên gia về an toàn xây dựng và chữa cháy.
Các tiêu chuẩn an toàn nhằm khống chế hỏa hoạn ở các căn hộ bị ảnh hưởng, và giữ cầu thang và hành lang khỏi bị ngập khói càng lâu càng tốt, cho phép lính cứu hỏa dập lửa và sơ tán người dân cẩn thận, ông Graham Fieldhouse cho biết.
“[Lính cứu hỏa] không muốn hàng trăm người chạy xuống cầu thang khi họ đang tìm cách dập lửa,” ông nói với BBC.
Nhưng tại Grenfell Tower, mọi chuyện rõ ràng đã không diễn ra như dự kiến.
Chính khách cao cấp của Mỹ ‘bị bắn’
Một nghị sĩ cao cấp của Mỹ bị thương, cùng bốn người khác, khi một kẻ xả súng vào các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại buổi tập bóng chày ở Washington DC.
Ông Steve Scalise giữ chức đại diện phe đa số trong Hạ viện, là nhân vật số ba của đảng Cộng hòa.
Tin ban đầu nói ông bị bắn vào hông.
Thượng nghị sĩ Rand Paul nói nếu không có cảnh sát, ông tin rằng đã xảy ra “thảm sát”.
Khoảng 25 nghị sĩ Cộng hòa đang tập bóng chày chuẩn bị cho một trận đấu từ thiện giữa hai đảng.
Hai cảnh sát bị thương khi bắn trả.
Thủ phạm bị nêu tên là James T Hodgkinson, sống ở Illinois, 66 tuổi.
Tổng thống Donald Trump đã thông báo thủ phạm sau đó chết vì các vết thương.
Thượng nghị sĩ bang Arizona Jeff Flake nói vụ tấn công kéo dài ít nhất 10 phút và thủ phạm có nhiều đạn.
Cảnh sát Mỹ nói đang điều tra và một nghi phạm đã bị bắt.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump đang nhận tin tức báo cáo.
Dân biểu Mo Brooks, có mặt tại hiện trường, mô tả đã xảy ra cuộc đấu súng giữa thủ phạm và an ninh bảo vệ ông Scalise.
Năm 2011, dân biểu đảng Dân chủ Gabrielle Giffords bị bắn vào đầu khi gặp cử tri ở Arizona.
Bà sống sót, nhưng sáu người thiệt mạng trong vụ này.
200 nghị sĩ Mỹ
kiện Tổng thống Trump nhận tiền từ nước ngoài
Gần 200 thành viên đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ cùng tham gia đơn kiện Tổng thống Donald Trump vì nhận tiền của các chính phủ nước ngoài thông qua các doanh nghiệp của ông Trump.
Ít nhất 30 thượng nghị sĩ và 166 hạ nghị sĩ tham gia.
Họ cáo buộc ông Trump vi phạm hiến pháp cấm nhận tiền khi chưa có sự đồng ý của quốc hội.
Đơn kiện nói từ khi nhậm chức tổng thống, ông Trump chưa xin quốc hội thông qua các khoản tiền mà các công ty của ông đã nhận từ chính phủ nước ngoài.
Họ nói đây là đơn kiện lớn nhất của các nghị sĩ đối với một tổng thống Mỹ.
Nhiều viên chức nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cũng đang kiện ông Trump trong các vụ tương tự.
Bộ trưởng Tư Pháp tiểu bang Maryland và Quận Columbia cũng đã loan báo đơn kiện hôm thứ Hai.
Nhà Trắng bác bỏ mọi cáo buộc.
Tổ chức toàn cầu của ông Trump gồm đến hơn 500 doanh nghiệp như khách sạn, sân golf, bất động sản, có liên hệ làm ăn với các chính phủ nước ngoài.
Từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã chuyển việc kiểm soát hàng ngày doanh nghiệp cho một quỹ của các con trai.
Nhưng ông không bán các doanh nghiệp và các nhà chỉ trích nói lẽ ra ông phải làm điều này để tránh xung đột lợi ích.
Luật sư của tổng thống nói quy định trong hiến pháp chỉ cấm quan chức nhận quà của nước ngoài, chứ không áp dụng cho các khoản tiền như trả tiền phòng khách sạn.
Hoa Kỳ ‘có thể trừng phạt đồng minh thương mại của Bắc Hàn’
Hoa Kỳ đang cân nhắc trừng phạt các nước làm ăn bất hợp pháp với Bình Nhưỡng, ngoại trưởng Rex Tillerson cảnh báo.
Ông nói rằng Nhà Trắng sẽ sớm quyết định liệu có áp dụng “lệnh thanh trừng cấp hai” với các nước này hay không.
Chính phủ ông Trump đã và đang tìm cách tăng áp lực với Bắc Hàn vì các hoạt động hạt nhân và tên lửa của nước này.
Việc Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa gần đây đã gây quan ngại lớn trong cộng đồng quốc tế.
Bắc Hàn được cho là đang trong quá trình phát triển tên lửa đạn đạo có thể bắn tới Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Rex Tillerson phát biểu tại một phiên điều trần ở Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm thứ Ba.
Ông nói: “Chúng ta đang trong giai đoạn tiến tới nỗ lực là ‘Chúng ta có phải bắt đầu có biện pháp trừng phạt cấp độ hai bởi các nước mà chúng ta cung cấp thông tin cho đã chưa, hoặc không muốn, hoặc không có khả năng làm việc đó?’”
Washington không có trao đổi mậu dịch với Bắc Hàn và đang cân nhắc thanh trừng các nước thứ ba có làm ăn với chế độ Kim Jong-un, là việc vi phạm các nghị quyết của LHQ.
Tuy nhiên, ông Tillerson không nêu tên nước nào.
Ông nói chủ đề Bắc Hàn sẽ được bàn thảo với Trung Quốc, đồng minh chính của Bình Nhưỡng, khi hội đàm cấp cao vào tuần tới.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có làm tròn bổn phận họ cam kết tạo áp lực thêm với Bắc Hàn hay không, ông Tillerson nói: “Họ đã có những bước có thể thấy được và chúng tôi có thể xác nhận các việc làm này.”
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis vào tuần này nói Bắc Hàn là “đe dọa gấp rút và nguy hiểm nhất” cho hòa bình và an ninh.
Trong tài liệu gửi cho Quốc hội trước hôm ra điều trần hôm 12/6, ông Mattis nói chương trình hạt nhân của Bắc Hàn là “nguy hiểm rõ rệt và hiện hữu”.
Ông Mattis cũng nói thế giới đang quay lại sự cạnh tranh của các “đại cường”, thể hiện qua Nga và Trung Quốc.
Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953, ba năm sau khi xung đột nổ ra làm chết khoảng 36.000 lính Mỹ, cùng một triệu thường dân.
Đầu tháng này, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mở rộng lệnh trừng phạt chống Bắc Hàn sau các vụ thử tên lửa.
Từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức tháng Một, Washington đã gia tăng quan tâm tình hình bán đảo Triều Tiên.
Mattis: Mỹ “hiện không thắng” ở Afghanistan
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, Hoa Kỳ hiện không thắng ở Afghanistan. Ông Mattis đã trả lời chất vấn của các nhà lập pháp trong phiên điều trần về ngân sách của Bộ Quốc phòng hôm 13/6.
Sau gần năm tháng cầm quyền, chính quyền của ông Trump vẫn đang tiếp tục xây dựng một kế hoạch mới nhằm ổn định Afghanistan.
Sau gần năm tháng cầm quyền, chính quyền của ông Trump vẫn đang tiếp tục xây dựng một kế hoạch mới nhằm ổn định Afghanistan.
Hôm 13/6, trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, ông Jim Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng, nói: “Tôi tin rằng đến giữa tháng 7, chúng tôi sẽ báo cáo chi tiết với quý ngài. Chúng tôi hiện đang lập kế hoạch, và có những hành động đang được thực hiện để đảm bảo rằng chúng ta không trả giá cho sự chậm trễ”.
Bộ trưởng Mattis nói một phần của kế hoạch là Mỹ đang thu hút sức mạnh từ các đồng minh, việc này cần có thời gian. Có khoảng 13.000 binh sĩ NATO ở Afghanistan. Điều thêm quân tới đang được xem xét.
Ông nói rằng đội ngũ phòng thủ cần phải thay đổi chiến lược hiện tại. Các quan chức đều đồng ý rằng chiến lược này làm cho đất nước bị chiến tranh tàn phá rơi vào thế bế tắc với Taliban ở Afghanistan.
Bộ trưởng Jim Mattis nói: “Chúng tôi hiện không chiến thắng tại Afghanistan ngay lúc này, và chúng tôi sẽ khắc phục điều này càng sớm càng tốt”.
Ông Mattis định nghĩa chiến thắng ở Afghanistan là khi chính phủ Afghanistan đủ mạnh để giảm mức độ bạo lực của đối phương xuống ngưỡng có thể kiểm soát được để các lực lượng an ninh địa phương xử lý.
Ông nói điều đó sẽ cần một lực lượng binh lính Mỹ và đồng minh ở lại, những quân nhân này sẽ huấn luyện người Afghanistan trong khi vẫn duy trì các năng lực an ninh cao cấp.
Bộ trưởng Sessions: nói câu kết với Nga là vu khống kinh tởm
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions nhất mực bác bỏ bất cứ câu kết nào với Nga để làm thay đổi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái. Điều trần trước một ủy ban của Thượng viện, ông Sessions bênh vực quyết định của Tổng thống Donald Trump sa thải giám đốc FBI James Comey, nhưng ông nhiều lần từ chối nói về bất cứ cuộc đối thoại nào có dính líu đến Tổng thống Trump.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ trong cuộc điền trần trước ủy ban của Thượng viện để làm sáng tỏ những bí ẩn bao trùm các cuộc gặp gỡ của ông với đại sứ Nga trong thời gian ông giữa vai trò là nhân vật cao cấp nhất ủng hộ ông Donald Trump tranh cử tổng thống, ông Sessions phản bác rằng ông không thừa nhận điều đó trong phiền điều trần chuẩn thuận cho chức vụ bộ trưởng tư pháp của ông:
“Tôi không gặp gỡ và cũng không nói chuyện với bất cứ người Nga nào hay bất cứ giới chức nước ngoài nào liên quan đến bất cứ hình thức can thiệp nào vào bất cứ cuộc vận động tranh cử nào hay cuộc bầu cử nào của Hoa Kỳ. Ngoài ra, tôi không thừa nhận có bất cứ cuộc nói chuyện nào như vậy của bất cứ ai liên quan đến chiến dịch tranh cử của ông Trump.”
Cựu thượng nghị sĩ Sessions cực lực phản bác bất cứ gợi ý nào cho rằng ông câu kết với Nga:
“Đó là một sự bịa đặt đáng khinh và kinh tởm…”
Bộ trưởng Sessions nói ông không muốn can dự vào cuộc điều tra về vụ Nga là để tuân thủ các quy định chứ không vì ông đã làm điều gì sai.
Ông Sessions điều trần trước Quốc hội chỉ vài ngày sau khi cựu Giám đốc FBI James Comey ám chỉ khó hiểu về những yếu tố phụ khiến cho việc ông Sessions tham gia vào cuộc điều tra Nga sẽ “có vấn đề.”
Thượng nghị sĩ Ron Wyden của Ðảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Thượng viện hỏi: “Những yếu tố đó là gì?”
Ông Sessions trả lời: “Chẳng có yếu tố nào hết. Tôi có thể khẳng định chắc chắn như vậy với quý vị.”
Ông Sessions nói rằng ông đồng tình với quyết định của Tổng thống Trump sa thải ông Comey để khởi sự một thay đổi mới cần thiết cho FBI. Khi bị hỏi dồn liệu cuộc điều tra Nga có phải là nguyên nhân khiến ông Comey bị cách chức, Bộ trưởng Sessions nói ông muốn chính Tổng thống Trump trả lời về chuyện đó.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Dianne Feinstein của Ủy ban Tình báo hỏi: “Như vậy là ông không trao đổi bằng lời nói với tổng thống về việc sa thải ông Comey chứ?”
Bộ trưởng Sessions: “Tôi không thể thảo luận, xác nhận hay phủ nhận với bà về tính chất của các cuộc nói chuyện riêng của tôi với tổng thống.”
Các nghị sĩ Dân chủ phản ứng bất bình. Thượng nghị sĩ Martin Heinrich nói: “Ông đang cản trở cuộc điều tra này.”
Ông Sessions nói rằng tổng thống có quyền giữ bí mật các cuộc nói chuyện của ông, nhưng ông thừa nhận là Tổng thống Trump chưa viện đến quyền đó.
Một số nghị sĩ Cộng hòa bênh vực cho ông Sessions. Một nghị sĩ ví cáo buộc câu kết với Nga nghe như là một tiểu thuyết trinh thám ở một xứ xa xôi nào đó.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton trong Ủy ban Tình báo nói:
“Quý vị có bao giờ, trong những tình huống quái dị này, nghe về một âm mưu thật là buồn cười là một thượng nghị sĩ Mỹ đương chức và một đại sứ của một chính phủ nước ngoài câu kết với nhau kéo cả hàng trăm người khác tham gia làm một chuyện dại dột nhất trong lịch sử gián điệp.”
Các nghị sĩ Dân chủ không thấy thú vị gì trong cách ví von đó.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy nói:
“Tôi không chắc là có sự câu kết giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump với chính phủ Nga hay không, nhưng Thượng nghị sĩ Jeff Sessions của bang Alabama và đại sứ Nga là vấn đề chính hôm nay. Cuộc điều trần này hình như nẩy sinh nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.”
Truyền thông báo chí loan tin rằng Tổng thống Trump đã nổi giận về việc ông Sessions không tham gia cuộc điều tra Nga. Bộ trưởng Sessions không xác nhận mà cũng không phủ nhận thông tin đó.
Ngoại trưởng Mỹ bênh vực đề nghị ngân sách của Trump
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 13/6 cho biết ông ủng hộ các kế hoạch của chính quyền Trump về việc cắt giảm lớn các khoản ngân sách ngoại giao và trợ cấp nước ngoài, trong khi những người chỉ trích cáo buộc rằng những cắt giảm đó chung cuộc sẽ gây hại cho Mỹ.
“Tôi tin chúng ta có thể tăng mức tối đa hiệu quả của những chương trình này và tiếp tục dang tay giúp đỡ thế giới,” ông Tillerson phát biểu tại một buổi điều trần ở Ủy ban Ngoại giao Thượng viện.
Các thành viên của Ủy ban, bao gồm một số thành viên cùng đảng Cộng hòa với Tổng thống Trump, lên tiếng mạnh mẽ chống lại kế hoạch cắt giảm khoảng 1/3 các hoạt động như thế. Các thành viên đảng Cộng hòa chiếm đa số ở cả 2 viện của Quốc hội, nơi định ra ngân sách của chính phủ liên bang.
Thượng nghị sỹ Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban, dự đoán những thay đổi chính trong đề xuất của ông Trump khi được đưa ra Quốc hội rằng “Ngân sách trình bày sẽ không phải là ngân sách mà chúng ta sẽ đối mặt.”
Thượng nghị sỹ Ben Cardin, đảng viên Dân chủ hàng đầu trong Ủy ban, mạnh mẽ lên án kế hoạch của ông Trump. “Ngân sách theo kiểu ‘tham bát, bỏ mâm’ sẽ ảnh hưởng đến mạng sống và gây nguy hại dân Mỹ trong nước.”
Ngoại trưởng Tillerson nói ông hy vọng sẽ có kế hoạch để tái cơ cấu Bộ Ngoại giao vào cuối năm 2017. Ông cho biết một cuộc đánh giá về hoạt động của Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ đang được tiến hành.
Theo kế hoạch của ông Trump cho năm tài khóa bắt đầu vào tháng 10, sự can dự phi quân sự của chính phủ Mỹ ở nước ngoài giảm mạnh trong lúc chính quyền Trump theo đuổi quan điểm “Nước Mỹ trên hết.”
Nhìn chung, đề xuất của ông Trump cắt giảm 32% các nguồn ngân sách ngoại giao và viện trợ của Hoa Kỳ, tương đương khoảng 19 tỷ đô la.
Quân IS chiếm Tora Bora ở Afghanistan
Các phần tử Nhà nước Hồi giáo đã chiếm được nhiều phần trong khu vực Tora Bora của Afghanistan vào tối 13/6, sau nhiều ngày giao tranh với quân Taliban ở Afghanistan và các lực lượng ủng hộ chính phủ.
Khu vực miền núi xa xôi này có nhiều hang động giáp biên giới với Pakistan.
Giao tranh ác liệt bắt đầu nổ ra trong khu vực cách đây gần một tuần, khi các phần tử IS tấn công các vị trí của Taliban.
Ban đầu, Taliban đã cố gắng đẩy lùi cuộc tấn công và buộc IS lui quân.
Các lực lượng dân quân địa phương ủng hộ chính phủ Afghanistan, vốn thường chống Taliban, cũng đã chiến đấu chống IS.
Không rõ họ có chiến đấu cùng Taliban hay chiến đấu riêng rẽ, cũng không rõ liệu hai bên có thực hiện một lệnh ngừng bắn tạm thời trên thực tế trong khi họ chiến đấu chống kẻ thù chung hay không.
Tuy nhiên, các phần tử IS không chỉ thành công trong việc đánh bại cả hai phe nêu trên để chiếm Tora Bora, mà chúng còn bắt đầu một cuộc tấn công vào Pachiragam, một trong 22 huyện của tỉnh Nangarhar. Một phóng viên của ban tiếng Pashto đài VOA có mặt trong khu vực, Zabihullah Ghazi, cho biết cuộc tấn công thật dữ dội và huyện này có thể sắp sụp đổ.
Ataullah Khogyani, phát ngôn viên của tỉnh trưởng Nangarhar, cho biết tình hình ở Pachiragam rất căng thẳng, nhưng từ chối chia sẻ thêm chi tiết.
Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Afghanistan, tướng Dawlat Waziri, không xác nhận việc Tora Bora bị chiếm.
Bắc Hàn theo dõi hệ thống chống phi đạn của Mỹ
Một máy bay không người lái nghi là của Bắc Hàn đã chụp ảnh bệ phóng chống phi đạn tiên tiến của Mỹ tại Hàn Quốc, nhưng trên đường quay về nơi xuất phát máy bay này đã lao xuống đất, quân đội Hàn Quốc cho biết hôm 13/6.
Máy bay không người lái, có trang bị camera, được tìm thấy vào tuần trước gần một bìa rừng giáp với Bắc Hàn. Nó có kích thước và hình dáng tương tự với một máy bay không người lái của Bắc Hàn được tìm thấy vào năm 2014 trên một hòn đảo gần biên giới.
“Chúng tôi xác nhận máy bay này đã chụp 10 bức ảnh” của hệ thống chống phi đạn THAAD, một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói qua điện thoại.
Máy bay không người lái bị nghi xuất xứ từ Bắc Hàn, quan chức này cho biết.
Khu vực Seongju của Hàn Quốc là nơi đặt hệ thống THAAD, cách biên giới với Bắc Hàn khoảng 250km, để đối phó với mối đe dọa phi đạn ngày càng tăng của miền Bắc.
“Chúng tôi sẽ tìm ra những giải pháp để đối phó với các máy bay không người lái của Bắc Hàn,” theo lời một quan chức thuộc Phòng Tham mưu liên quân Hàn Quốc.
Các máy bay không người lái của Bắc Hàn được biết đã vài lần bay sang Hàn Quốc.
Hàn Quốc và Mỹ năm ngoái đồng ý triển khai hệ thống THAAD để đối phó với sự phát triển phi đạn đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.
Trung Quốc mạnh mẽ phản đối hệ thống THAAD, cho rằng radar có công suất lớn có thể xâm nhập vào lãnh thổ của nước này, làm suy yếu an ninh và gây mất cân bằng trong khu vực. Trung Quốc cũng nói hệ thống này không có tác dụng ngăn cản Bắc Hàn.
Hàn Quốc và Mỹ khẳng định THAAD chỉ nhằm phòng vệ đối với các phi đạn từ Bình Nhưỡng.
Nhật muốn bán thêm vũ khí cho Đông Nam Á
Nhật đang tìm cách tăng doanh số thiết bị quân sự tại thị trường Đông Nam Á giữa bối cảnh căng thẳng tăng cao với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, một quan chức quốc phòng Nhật cho biết ngày 12/6.
Đây là một phần trong nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm tăng cường vai trò quân sự và doanh số thiết bị quốc phòng của Nhật, đặc biệt tại Đông Nam Á, nơi Trung Quốc đang mở rộng kinh doanh vũ khí.
Người đứng đầu Cơ quan Mua bán Hậu cần và Công Nghệ thuộc Bộ Quốc phòng Nhật, Hideaki Watanabe, cho biết thứ năm tuần này Nhật sẽ tổ chức cuộc họp với các giới chức quốc phòng từ Hiệp hội các nước Đông Nam Á để thảo luận việc chia sẻ thiết bị và công nghệ.
Phát biểu của ông Watanabe được đưa ra hôm thứ 2 tại cuộc triển lãm vũ khí quốc tế gần Tokyo với sự tham dự của hàng trăm quan chức quốc phòng và lãnh đạo ngành công nghiệp này từ khắp nơi trên thế giới.
Ông Watanabe cho biết thời gian gần đây xuất hiện những nỗ lực mạnh mẽ từ các nước tìm cách thay đổi hiện trạng. Nhận xét này rõ ràng ám chỉ việc xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trên các khu vực tranh chấp ở biển Đông.
Ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản trị giá khoảng 1.800 tỷ Yen (16 tỷ đô la) hàng năm, một phần nhỏ so với ngành công nghiệp ô tô trị giá 52.000 tỷ Yen (470 tỷ đô la) của nước này.
Nhật Bản hạn chế xuất khẩu vũ khí theo Hiến pháp chủ hòa, giới hạn các cuộc nghiên cứu và phát triển chung với Mỹ theo một hiệp ước an ninh song phương.
Kể từ khi nới lỏng các luật lệ này vào năm 2014, Nhật giờ đây đang tham gia các thỏa thuận nghiên cứu chung với Anh, Úc và Pháp.
Nhằm mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng, chính phủ Nhật đã tăng cường tài trợ nghiên cứu tới hơn 10 tỷ Yen (90 triệu đô la Mỹ) trong năm nay.
Anh, Pháp thỏa thuận về Brexit và chống khủng bố
Tối qua 13/06/2017 tại Paris, thủ tướng Anh Theresa May và tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khẳng định tiếp tục lịch trình Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU) như dự kiến, đồng thời loan báo một « kế hoạch hành động chung cụ thể » để tăng cường chống khủng bố.
Trong cuộc họp báo chung tại điện Elysée, bà May mà uy tín đang bị giảm sút nhiều sau thất bại của cuộc bầu cử Quốc Hội mới đây, đã cam đoan duy trì lịch trình thương lượng Brexit sẽ bắt đầu vào tuần tới. Ông Macron nhắc lại mong muốn các cuộc thương thảo này « khởi đầu càng sớm càng tốt ».
Trước đó trong cùng ngày, tổng thống Pháp cũng như bộ trưởng Tài Chính Đức Wolfgang Schäuble đều tuyên bố « cánh cửa vẫn luôn mở » cho Anh quốc ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu, « trong lúc việc thương lượng Brexit chưa hoàn thành ». Nhưng theo ông Emmanuel Macron, « một khi đã bắt đầu thì rất khó thối lui », và ông khẳng định « tôn trọng ý muốn của người dân Anh ».
Về việc hợp tác chống khủng bố, được nêu ra vài ngày sau các vụ tấn công ở Luân Đôn và Manchester, tổng thống Pháp Macron cho biết : « Từ nhiều ngày qua đã bàn bạc với bà May về một kế hoạch rất cụ thể, chủ yếu nhằm tăng cường bổn phận của các nhà cung cấp dịch vụ mạng để xóa bỏ các nội dung kích động hận thù (…). Các dịch vụ nhắn tin không thể là công cụ cho bọn khủng bố ».
Về phía bà Theresa May tuyên bố : « Chúng tôi tung ra một kế hoạch chung Anh-Pháp, để internet không trở thành nơi trú ẩn an toàn cho bọn tội phạm, bọn khủng bố ».
Được biết một trong những điểm chính của dự án này là cân nhắc khả năng truy tố các nhà cung cấp dịch vụ internet « nếu họ không làm những gì cần thiết để xóa đi các nội dung cực đoan ».
Moldova trục xuất 5 nhà ngoại giao Nga
bị nghi tuyển quân cho vùng Donbass
Quan hệ giữa Nga và Moldova, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ lại căng thẳng. Năm nhà ngoại giao Nga đã bị trục xuất vào cuối tháng Năm vừa qua, nhưng mãi đến hôm qua, 13/06/2017, lý do mới rò rỉ : Theo nguồn tin chính quyền Chisinau, những người bị trục xuất không phải là cán bộ ngoại giao đơn thuần mà là mật vụ Nga đặc trách tuyển chiến binh cho vùng Donbass, Ukraina.
Thông tín viên RFI tại Kiev, Stéphane Siohan, cho biết chi tiết :
Lãnh đạo Moldova từ năm 1991 đã quen đi dây giữa Châu Âu và Nga. Matxcơva hậu thuẫn cho một vùng đòi độc lập ở nước này. Nhưng lần này chính quyền Chisinau, thường bị xem là rất mềm mỏng với Nga, đã hành động mạnh bạo và vào ngày 29/05, đã trục xuất 5 nhà ngoại giao Nga.
Thật ra, những người này thuộc cơ quan tình báo quân sự Nga GRU, đặc trách tuyển quân cho vùng chiến sự Donbass, miền đông Ukraina. Những người được tuyển mộ sẽ được bí mật huấn luyện ở Nga, trước khi được đưa qua chiến đấu ở Ukraina trong lực lượng thân Nga.
Tình báo Nga tìm những chiến binh này ở Gagaouzia, một vùng nói tiếng Thổ của Moldova với cư dân nhìn chung là thân Nga. Chính quyền Ukraina đã chận bắt được những chiến binh này, chuyển thông tin đến Chisinau và chính quyền Moldova quyết định hành động để dừng “trò chơi” này của Matxcơva.
Phần Nga thì vẫn tiếp tục các âm mưu lũng đoạn nước cộng hòa Moldova, một khu vực rất nhạy cảm mà việc thao túng những cộng đồng thiểu số không khác gì chơi với lửa.
Nga đã trả đũa ngay hôm 31/05, trục xuất 5 nhà ngoại giao Moldova. Trong một thông cáo bộ Ngoại Giao Nga còn nhắc nhở chính quyền Chisinau về tính chất « phản tác dụng » của các hành động trên.
Canada:
Áp lực gia tăng đòi dừng bán công ty vệ tinh cho Trung Quốc
Theo tin AFP, nhân danh an ninh quốc gia, phe đối lập ở Quốc Hội Canada vào hôm qua, 13/06/2017, đã yêu cầu chính quyền của thủ tướng Justin Trudeau hủy bỏ việc bán công ty thiết bị vệ tinh Norsat International cho Hytera Communications, một tập đoàn Trung Quốc. Thương vụ này đã được chính quyền Ottawa đồng ý vào đầu tháng Sáu, mà theo thủ tướng Trudeau, sau khi cân nhắc kỹ những rủi ro đối với an ninh quốc gia.
Đối với các đảng đối lập Canada, cùng với 2 cựu lãnh đạo ngành tình báo, và một ủy ban Quốc Hội Mỹ, việc bán Norsat cho Trung Quốc rất đáng quan ngại vì trong số khách hàng của công ty Canada, có cả Lầu Năm Góc và quân đội Đài Loan.
Dịch vụ buôn bán này, theo AFP, hiện bị tạm đình chỉ, hôm thứ Hai 12/06, công ty Norsat đã đồng ý xem xét lại đề nghị của một quỹ đầu tư Mỹ muốn mua lại công ty này với giá cao hơn đến 2% so với giá khoảng 66 triệu đô la Mỹ của tập đoàn Trung Quốc.
Lãnh đạo phe đối lập Canada Andrew Scheer vào hôm qua, đã cho rằng thủ tướng Trudeau gây « tổn hại » đến an ninh quốc gia. Theo phe đối lập, chính quyền Canada muốn lấy lòng Trung Quốc để đúc kết một hiệp định tự do mậu dịch, bất kể đến an ninh quốc gia.
Thủ tướng Canada tuy nhiên vẫn chưa muốn bỏ quyết định đã đưa ra. Ông đã phản bác lại rằng : « Các chuyên gia Canada đã đánh giá cả về giao dịch thương mại cũng như vấn đề công nghệ học, và đã đi đến kết luận là không có nguy hại gì cho an ninh quốc gia ». Theo ông Trudeau, ông cũng đã tham khảo ý kiến các đồng minh, và đã trực tiếp thảo luận với Mỹ.
Châu Âu trừng phạt ba nước không tiếp nhận người tị nạn
Sau nhiều lần cảnh cáo không kết quả, Ủy Ban Châu Âu hôm nay 13/06/2017 chính thức khởi động tiến trình tư pháp nhắm vào Hungary, Ba Lan và Cộng Hòa Séc, do ba nước này nhất quyết từ chối tiếp nhận người tị nạn đang tập trung tại Ý và Hy Lạp.
Ủy viên Châu Âu phụ trách nhập cư, ông Dimitris Avramopoulos cho biết : « Chúng tôi đã vận dụng tất cả mọi phương cách trước khi đi đến quyết định này. Tôi hy vọng ba chính phủ trên sẽ thay đổi chủ trương ». Từ Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg, một lần nữa ông kêu gọi cùng chia sẻ gánh nặng di dân.
Lá thư thông báo được gửi đi là bước khởi đầu của tiến trình tư pháp, có thể dẫn đến việc phải ra trước Tòa án Công lý Liên Hiệp Châu Âu và bị trừng phạt.
Ngay trước khi có thông báo chính thức của Ủy ban Châu Âu, ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã tuyên bố đây là một vụ « bắt bí». Đồng nhiệm Ba Lan Witold Waszczykowski khẳng định nước mình không cảm thấy « bị đe dọa » vì nguy cơ trừng phạt mà ông gọi là « bất hợp pháp ». Còn thủ tướng Cộng Hòa Séc Bohuslav Sobotka nói rằng « chế độ quota chỉ khuyến khích nhập cư bất hợp pháp ». Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Filippo Grandi cho biết thất vọng về châu Âu.
Theo kế hoạch được thông qua tháng 9/2015, Liên Hiệp Châu Âu (EU) phân bổ 160.000 di dân đang ở các trại tị nạn Ý và Hy Lạp cho các nước thành viên trong vòng hai năm, theo quota được ấn định cho từng nước. Nhưng cho đến nay chỉ có gần 21.000 người được tiếp nhận, vì có những nước chỉ áp dụng từ từ, hoặc không nhận di dân nào cả.
Slovakia và Hungary thậm chí còn đưa đơn phản đối trước tư pháp châu Âu. Hai nước này cùng với Rumani và Cộng Hòa Séc đã bỏ phiếu chống nhưng vì thiểu số nên buộc phải áp dụng kế hoạch trên. Khi khởi kiện Budapest, Vácxava và Praha, Ủy Ban Châu Âu tập trung vào ba nước chống đối mạnh mẽ nhất. Hungary và Ba Lan không nhận một người tị nạn nào trong hai năm qua, còn Cộng hòa Séc nhận vỏn vẹn 12 người.
Tổng thống Trump giao bộ Quốc Phòng
quyền điều quân đến Afghanistan
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump giao cho bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis quyền quyết định tăng cường quân Mỹ tại Afghanistan. AFP hôm nay 14/06/2017 dẫn lời một viên chức Mỹ cho biết như trên.
Như vậy người đứng đầu Lầu Năm Góc sẽ chịu trách nhiệm ấn định tổng số quân Mỹ triển khai tại Afghanistan, tuy nhiên tướng Mattis hiện chưa có quyết định cụ thể. Theo ước tính, Hoa Kỳ có thế gởi từ 3.000 đến 5.000 quân tăng viện, thêm vào số 8.400 quân nhân đang trú đóng tại Afghanistan. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 2011 số binh lính được tăng lên thay vì rút dần đi.
Các chỉ huy quân sự Mỹ tại Afghanistan từ nhiều tháng qua đã yêu cầu NATO gởi thêm nhiều ngàn quân tăng cường. Hôm qua trước Hạ Viện, tướng James Mattis đã cảnh báo là Taliban đang phát triển, ông nói : « Chúng ta không phải đang trên đà thắng, và phải chỉnh đốn càng sớm càng tốt ».
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ cho rằng cần khẩn cấp xác định lại chiến lược lâu dài tại Afghanistan, sau khi ông Obama tìm cách rút chân khỏi chiến trường này. Theo ông, cần duy trì một lực lượng tinh nhuệ tại chỗ, có khả năng hỗ trợ cho quân địa phương chận đứng ngay những đợt tấn công quan trọng của quân nổi dậy Hồi giáo.
Tướng Mattis cho biết sẽ trình bày với Hạ Viện những chi tiết về chiến lược dài hạn vào giữa tháng Bảy. Lực lượng Mỹ hiện tại chỉ đóng vai trò cố vấn, sắp tới có thể tham gia chiến đấu. Với số lượng quân nhân tăng lên, Mỹ có thể gởi các cố vấn đến tận các đơn vị cơ sở chứ không chỉ các sở chỉ huy. Đồng thời Mỹ cũng yểm trợ nhiều hơn về không quân và pháo binh.
Fin publicité dans 3 s
Phe Taliban vừa tiến hành một loạt vụ tấn công đẫm máu tại Afghanistan nhắm vào các căn cứ quân sự. Hôm thứ Bảy 9/6, một lính Afghanistan – mà theo Taliban là người của phe này len lỏi vào quân đội địa phương – đã giết chết ba lính Mỹ và làm bị thương một quân nhân khác ở Nangarhar (miền đông).
0 nhận xét