Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 14/06/2017

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017 15:57 // , ,

No sub-categories
Tin Việt Nam – 14/06/2017

Ngày 30/9: Người Việt tại Mỹ

tưởng nhớ cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

Các cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ vừa quyết định tổ chức lễ tưởng niệm cố Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu vào ngày 30/9 sắp tới, đánh dấu sự kiện lịch sử cách đây 50 năm khi ông Thiệu được bầu làm tổng thống của nền Đệ nhị Cộng hòa.
Hôm 10/6, các hội đoàn người Việt đã họp mặt tại thành phố Garden Grove, bang California để bàn việc tổ chức lễ tưởng niệm cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Ông Nguyễn Văn Ức, trưởng ban tổ chức, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Điều hành Tập thể Chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa, cho Đài VOA-Việt ngữ biết lý do cộng đồng tổ chức sự kiện này:
“Cho đến ngày hôm nay, sau 42 năm, chúng tôi thấy rằng đa số người dân Việt Nam từ Bắc đến Nam, và đặc biệt giới trẻ, họ có cơ hội tìm hiểu và nhận thấy sự khác biệt giữa Việt Nam Cộng hòa và Cộng sản Việt Nam. Họ đã ca ngợi nền cộng hòa của miền Nam Việt Nam, dù sao nó cũng tốt hơn là chính thể Cộng sản mà họ đã trải qua từ trước đến nay.”
Ông Ức cho biết mục đích của ngày tưởng niệm là để tưởng nhớ đến một vị tổng thống của chế độ Việt Nam Cộng hòa mà ngày nay, sau 42 năm, người Việt trong và ngoài nước đã bắt đầu có cơ sở để “phán xét một cách đúng đắn hơn về hai thể chế dân chủ tự do và Cộng sản độc tài toàn trị”.
Ông nói buổi lễ cũng là dịp để nâng cao “chính nghĩa quốc gia, đoàn kết để bảo vệ chính nghĩa, và chủ nghĩa dân tộc.”
“Dù lịch sử có phán quyết như thế nào, ông vẫn là một người Việt Nam, một vị tổng tống yêu nước thật sự. Ông sẵn sàng đối diện với những kẻ xâm lăng, qua những bằng chứng cụ thể đã xảy ra trong thời gian ông nắm quyền ở miền Nam Việt Nam.”
Ông Nguyễn Văn Ức cho biết, tham dự buổi họp hôm 10/6 có đại diện của các tổ chức cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa, Nữ Quân nhân, Cảnh sát Quốc gia, cộng đồng Los Angeles, Gia đình Phật tử miền Quảng Đức, và cả đại diện thế hệ trẻ từ Tổng Hội Sinh viên Việt Nam miền Nam California.
Ông Ức nhắc lại những năm trước, Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm thời sinh tiền, đã đứng ra mời các đoàn thể tổ chức và cá nhân trong cộng đồng người Việt ở Nam California, cùng nhau làm lễ tưởng niệm cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hàng năm.
Ông Ức cho biết ông Phan Tấn Ngưu, thuộc Tổng Hội Cảnh sát Quốc gia, một người rất quen thuộc với việc tổ chức sinh hoạt trong cộng đồng, được cử làm phó trưởng ban đặc trách tổ chức sự kiện ngày 30/9.
Ông Ức nói về ý nghĩa của ngày tưởng niệm:
“Lễ tưởng niệm cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu năm nay sẽ có nhiều ý nghĩa hơn những lần trước vì với trào lưu và tin tức và sự nghiên cứu qua quá trình sự việc xảy ra trong biến cố 30/4/1975 thì mọi người có thể hiểu được tại sao nó lại xảy ra như vậy và hiểu rõ được tinh thần chiến đấu của quân cán chính của miền Nam Việt Nam, đặc biệt là vị tổng thống có tinh thần yêu nước, và những chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa đã sẵn sàng hy sinh vì chính nghĩa quốc gia.”
Vào tháng 9/1967, tổng cộng 11 liên danh đã ra dự tranh trong cuộc bầu cử tổng thống VNCH, với trên 5 triệu cử tri, Liên danh Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ đắc cử với gần 35% số phiếu.
Khi ấy, được sự hậu thuẫn từ Mỹ và lực lượng đảng Dân chủ do chính ông Thiệu thành lập, ông bầu làm Tổng thống, tuyên bố thành lập nền Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam. Ông giữ chức này cho đến cuối tháng 4 năm 1975.
Thời kỳ này chính phủ Việt Nam Cộng Hòa lệ thuộc vào sự giúp đỡ của Hoa Kỳ nhiều hơn so với chính phủ tiền nhiệm của ông Ngô Đình Diệm.
Vào tháng 1/1974, ngay sau khi quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc tấn công, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh điều 5 phi đoàn chiến đấu F5, gồm 4 phi đoàn từ Biên Hòa, 1 phi đoàn từ Đà Nẵng, ra đối đầu với quân đội Trung Quốc. Tổng thống Thiệu sau đó quyết định hủy kế hoạch không kích này, mà theo phỏng đoán của phi công Nguyễn Thành Trung khi trả lời phỏng vấn báo Thanh niên, là do “sức ép từ phía Mỹ.”
Sinh ngày 5/4/1923 tại một làng chài ở tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Văn Thiệu xuất thân từ một gia đình tiểu địa chủ. Ông là người ủng hộ thuyết thị trường tự do theo chủ nghĩa tư bản và cương quyết chống cộng sản. Khi Sài gòn sụp đổ, ông sang Đài Loan, và sau đó định cư tại Hoa Kỳ cho đến khi qua đời vào ngày 30/9/2001, hưởng thọ 78 tuổi.

Vụ Đồng Tâm: ‘Có thể quyết định đình chỉ vụ án?

Một luật sư hiện diện tại cuộc ký cam kết giữa Chủ tịch Hà Nội và người dân xã Đồng Tâm, Hà Nội trong vụ 38 người ‘thi hành công vụ’ bị dân nhốt giữ nói với BBC ông hy vọng trong vòng vài tháng tới, nhà chức trách sẽ có quyết định ‘đình chỉ vụ án’ mặc dù đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan vụ bắt giữ vào cuối tháng Tư.
Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 14/6/2017, Luật sư Trần Vũ Hải nói:
Tôi tin rằng hậu quả của việc đó sẽ là bất ngờ và thậm chí là bất lợi cho những người mà cho rằng là phải xới lên vụ việc này.LS Trần Vũ Hải
“Chưa thể dự báo được gì cả, nhưng tôi hy vọng sau một thời gian ngắn, có thể hai tháng chẳng hạn, hoặc ba tháng, thì họ sẽ đưa ra một quyết định đình chỉ vụ án.”
Khi được hỏi một quyết định đình chỉ như vậy có thể được dựa trên những căn cứ nào, Luật sư Hải nói:
“Tôi nghĩ cũng có rất nhiều căn cứ, chúng tôi sẽ thảo luận, những người có liên quan và công bố lúc nào sẽ là chuyện mà chúng tôi sẽ có ý kiến.
“Nhưng tôi tin rằng những người thông minh họ đều biết hết thế nào là căn cứ để có thể đình chỉ.”
Trước câu hỏi liệu quyết định khởi tố vụ án mới đưa ra ở Đồng Tâm có phải là một quyết định chính trị hay không, Luật sư Hải nói tiếp:
“Điều đó, tôi không phải là những cán bộ liên quan đến quyết định khởi tố này, nên tôi không được phép bình luận.”
‘Bất ngờ, bất lợi’
Ông Hải cũng đưa ra bình luận về ‘khả năng bản án xấu nhất’ nếu có khởi tố bị can đối với người dân trong vụ việc, ông nói:
“Tôi sẽ không nghĩ đến chuyện đó, mặc dù chúng tôi dự trù nhưng sẽ không nghĩ đến chuyện đó.
“Và tôi tin rằng hậu quả của việc đó sẽ là bất ngờ và thậm chí là bất lợi cho những người mà cho rằng là phải xới lên vụ việc này.
“Tôi cho rằng vụ Đồng Tâm lẽ ra cần khép lại ở việc quan trọng nhất là việc thanh tra về đất đai xem nguyên nhân đúng hay sai.
Ngay từ đầu, tôi đã nhấn mạnh, Đồng Tâm không đơn thuần là một vụ án hình sự. Bởi, nếu chỉ nhìn nhận nó dưới góc độ hình sự thì vụ án đã phải được khởi tố ngay trong ngày xảy raNhà báo, blogger Huy Đức
“Còn những việc liên quan khác, thì có đủ các căn cứ để sau khi xem xét xác minh, không cần khởi tố vụ án hình sự, hoặc nếu có khởi tố vụ án hình sự rồi thì đình chỉ vụ án,” Luật sư Trần Vũ Hải nói với BBC hôm thứ Tư.
Vụ việc ở Đồng Tâm trở lại trung tâm quan tâm của dư luận ở Việt Nam sau khi hôm 13/6, Cơ quan cảnh sát điều tra, thuộc Công an Hà Nội công bố khởi tố vụ án.
Trên trang Facebook cá nhân của mình, nhà báo, blogger Huy Đức cho rằng khởi tố Đồng Tâm là nguy hiểm, ông viết:
Ngay từ đầu, tôi đã nhấn mạnh, Đồng Tâm không đơn thuần là một vụ án hình sự. Bởi, nếu chỉ nhìn nhận nó dưới góc độ hình sự thì vụ án đã phải được khởi tố ngay trong ngày xảy ra (đương nhiên, cùng lúc phải khởi tố việc vi phạm thủ tục tố tụng khi bắt cụ Kình và những người dân Đồng Tâm khác).
“Đồng Tâm là một sự kiện chính trị. Đã là chính trị thì nó không chỉ là chính trị an dân mà còn là chính trị nội bộ. Chắc chắn, cho dù “cam kết” của tướng Chung được đưa ra từ cấp nào thì nó vẫn để lại rất nhiều bất đồng; bất đồng ở cấp TP và cả TW nữa.
“Những người chủ trương cứng rắn không những đã bất chấp những tổn thất chính trị cho chế độ mà quyết định khởi tố chắc chắn mang lại mà còn đã hiểu hình sự rất máy móc. Chưa cần tiếp cận vụ việc theo nền tảng tư duy công lý, Bộ Luật Hình sự VN cũng có một nguyên tắc rất quan trọng, “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”Khoản 4, Điều 8, Bộ luật Hình sự.
“Tất nhiên, khi đánh giá về “tính chất nguy hiểm cho xã hội” trong vụ Đồng Tâm chắc chắn sẽ có bất đồng. Có người sẽ lo không khởi tố có thể nảy sinh tiền lệ xấu; tôi thì cho rằng, khởi tố vụ Đồng Tâm sẽ “gây nguy hiểm cho xã hội” hơn, bởi từ đây nếu xuất hiện một Đồng Tâm thứ hai Chính quyền sẽ không còn cơ may giải quyết xung đột bằng đàm phán nữa,” blogger Huy Đức viết.
“Khởi tố vụ án bắt người ở Đồng Tâm gây xôn xao dư luận. Lẽ ra phải khởi tố những kẻ đã lệnh đưa cảnh sát cơ cộng và các cán bộ tuyên huấn (cảnh sát tư tưởng) đến đàn áp dân Đồng Tâm, nhưng đó là chuyện của dân và tương laiTiến sỹ Nguyễn Quang A
Nguy hiểm cho ai?
Bình luận về ý kiến trên của nhà báo Huy Đức, cũng trên Facebook, Tiến sỹ Nguyễn Quang A viết:
“Không phải nguy hiểm cho xã hội mà là nguy hiểm cho chế độ cộng sản…’
Và ông viết tiếp:
“Khởi tố vụ án bắt người ở Đồng Tâm gây xôn xao dư luận. Lẽ ra phải khởi tố những kẻ đã lệnh đưa cảnh sát cơ cộng và các cán bộ tuyên huấn (cảnh sát tư tưởng) đến đàn áp dân Đồng Tâm, nhưng đó là chuyện của dân và tương lai.
“Một luật sư bảo tôi lúc nước sôi lửa bỏng khi đó rằng họ sẽ không khởi tố bà con đâu, vì sẽ lộ bí mật quốc gia động trời.
“Nay họ đã nuốt lời hứa, chắc họ chả coi cái bí mật động trời ấy của họ là gì.
“Thế thì nói toẹt ra cho dân biết: tất cả 38 người, cảnh sát và quan tuyên huấn, đều bị các phụ nữ bắt. Khởi tố bị can thì hơi ôi cho lực lượng an ninh toàn con trai khỏe, trẻ, có nghiệp vụ bị các chị, các cô bắt dễ dàng, quả không xấu mặt truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu.”
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng bình luận với báo chí Việt Nam về việc Công an Hà Nội quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra dấu hiệu bắt giữ người trái pháp luật ở xã Đồng Tâm.
Ông Lưu Bình Nhưỡng là người chứng kiến cuộc đối thoại của ông Nguyễn Đức Chung với người dân thôn Hoành, Đồng Tâm ngày 21/4, cũng là người ký vào bản cam kết của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
“Nguyên tắc là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu có sự kiện pháp lý xảy ra thì Nhà nước đứng ra xem xét, căn cứ vào mức độ tính chất để có quyết định hợp lý. Điều quan trọng, theo tôi là phải xem xét tất cả mọi việc có lý có tình, công bằng. Công dân hay cơ quan Nhà nước cũng đều bình đẳng trước pháp luật. Không được thiên vị để dư luận nghĩ rằng điều đó không hợp lý.”
“Tôi có rất nhiều cảm xúc xung quanh câu chuyện này. Đầu tiên là tôi nghĩ sẽ không có chuyện khởi tố mà chỉ có việc đưa ra xem xét vấn đề. Tuy nhiên khi khởi tố thì tôi thấy cứ để các cơ quan Nhà nước họ tiến hành.
Điều hy vọng nhất của tôi, với tư cách một đại biểu Quốc hội, một người có chút hiểu biết về pháp luật, tôi cho rằng việc xem xét trên bình diện pháp luật các vấn đề là cần thiết, và cần phải có sự công bằng để bảo đảm quyền, trách nhiệm của tất cả các tổ chức, cá nhân.”
BBC sẽ có chương trình Bàn tròn thứ Năm trực tuyến tuần này về vụ khởi tố bắt người thi hành công vụ ở Đồng Tâm, chương trình được phát từ 19h00 giờ Việt Nam ngày 15/6/2017 trên Facebook của chúng tôi, mời quý vị đón theo dõi.

Vụ Đồng Tâm: ‘Người thông minh sẽ có cách giải quyết’

Luật sư Trần Vũ Hải bình luận kịch bản và hệ quả quyết định của chính quyền thành phố Hà Nội khởi tố vụ án hình sự liên quan vụ bắt giữ 38 người thi hành công vụ tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội.
Trao đổi với BBC hôm 14/6/2017, Luật sư Hải, người hiện diện tại sự kiện ‘giải cứu’ cán bộ, binh sỹ cảnh sát ở Đồng Tâm cuối tháng 4/2017 nói ông hy vọng trong vòng từ 2-3 tháng, chính quyền có thể sẽ có một quyết định đình chỉ vụ án.
Luật sư cũng cho rằng ‘sẽ bất lợi cho những người xới lên vụ việc này’ và ông tin rằng những người ‘thông minh’ sẽ có cách để giải quyết vụ án.
Tuy nhiên ông Hải cũng cho rằng vụ việc Đồng Tâm cần khép lại ở việc thanh tra đất đai và những việc liên quan khác.
Về cam kết của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi giải cứu binh sỹ và cán bộ bị nhốt giữ ở thôn Hoành, Luật sư Trần Vũ Hải cho hay đây là kết quả của một quá trình cân nhắc ‘kéo dài hai tiếng’ đồng hồ.
Ông Hải từ chối bình luận chi tiết thêm về quá trình ‘đàm phán’ và ‘cân nhắc’ của hai bên, chính quyền và người dân, tuy nhiên ông cũng nói trong tương lai, nếu người dân Đồng Tâm yêu cầu, thì chi tiết về diễn biến đàm phán này có thể sẽ được công khai.

Đồng Tâm nóng lên sau tuyên bố của Chủ tịch Chung

Ông Lê Đình Kình nói với BBC hôm 14/6 rằng Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung “phản bội ý kiến và danh dự của chính ông ấy” và khiến “người dân phẫn nộ, Đồng Tâm lại trở thành điểm nóng” sau khi thành phố quyết định khởi tố vụ án bắt 38 cán bộ tại xã này.
Tối 13/6, việc khởi tố vụ án được công bố “nhằm điều tra làm rõ các hành vi bắt giữ người trái pháp luật theo Điều 123 và hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật Hình sự”.
Hôm 15/4, người dân Đồng Tâm đã bắt giữ hơn 30 người gồm cán bộ, cảnh sát cơ động để đòi giới chức thả chín người dân bị công an bắt, đồng thời xử lý các khiếu nại đất đai.
Hôm 14/6, trả lời BBC qua điện thoại từ thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, ông Lê Đình Kình nói: “Tối hôm qua, sau khi có tin Ban An ninh Công an Hà Nội quyết định khởi tố vụ án bắt 38 cán bộ ở Đồng Tâm, tôi có gọi điện ngay cho ông Chung.
Đến giờ phút này, tôi vẫn tin vào Đảng, có Đảng là có tất cả, nhưng nếu cứ tiếp tục để những kẻ tham ô không bị xử lý mà lại đi xử lý người dân tố tham ô thì Đảng có nguy cơ mất quyền lãnh đạo.ông Lê Đình Kình
“Ông Chung nói rằng bản cam kết mà ông ấy ký hôm 22/4 về việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm là ông ấy ký chứ không có con dấu.”
“Ông ấy nói là quyền khởi tố là của cơ quan pháp luật chứ không phải của ông ấy.”
140617_3a
‘Lăn tay’
“Nhưng ông Chung quên rằng, bản cam kết tuy không có con dấu nhưng ông ấy có lăn tay vào đó, và việc điểm chỉ còn đảm bảo hơn vì không ai có vân tay trùng nhau trong khi con dấu nào thì cũng có khả năng bị làm giả được.”
Người được cho là dẫn dắt người dân Đồng Tâm trong vụ việc này, nói thêm: “Mọi sự khởi đầu từ 59 ha đất nông nghiệp tại Đồng Tâm mà phía chính quyền muốn người bên ngoài hiểu rằng đó là đất quốc phòng và người dân tại đây đang cản trở việc thực thi pháp luật.”
“Trong vụ này, người dân Đồng Tâm chỉ vì muốn bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và đối xử tốt, nuôi ăn uống với những cán bộ bị tạm giữ mà đã bị đánh đập, bắt cóc, rồi bây giờ lại bị thổi phồng sự việc, ghép tội hủy hoại tài sản và bắt giữ người trái pháp luật.”
“Xin nhớ rằng chúng tôi đang giữ trong tay bản tường trình viết tay của những cảnh sát cơ động rằng họ được Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội điều động về đàn áp người dân.”
“Bản thân tôi năm nay 82 tuổi, 56 tuổi Đảng mà đến hôm nay, sau vụ bị bắt cóc và đánh đập vẫn chưa hồi phục hẳn, phải nằm ngồi trên giường chứ chưa đi lại được.”
“Lẽ ra hôm 20/6 này là đến hạn công bố kết quả thanh tra vụ việc như cam kết của ông Chung thì lại có tuyên bố hoãn việc này đến 23/8.”
“Việc thanh tra kéo dài như vậy nhằm cố tình gây bức xúc, khống chế quyền lợi của người dân.”
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung không có quyền quyết định tất cả hay dẫm đạp lên thẩm quyền của người khác. Về mặt uy tín với dân, sau vụ khởi tố này, có vẻ như ông Chung đang mất rất nhiều.luật gia Nguyễn Đình Hà
“Tôi khẳng định là sau khi có quyết định khởi tố hôm qua, người dân Đồng Tâm kiên quyết đấu tranh đến cùng trước việc chính quyền định cướp không 59 ha đất nông nghiệp.”
“Chúng tôi đề nghị ông Chung đình chỉ việc khởi tố, công bố kết luận thanh tra về đất đai trước đã, khi đó ai vi phạm gì thì hãy xử lý.”
Ông Lê Đình Kình cũng nói với Ben Ngô của BBC Tiếng Việt rằng “Đến giờ phút này, tôi vẫn tin vào Đảng, có Đảng là có tất cả, nhưng nếu cứ tiếp tục để những kẻ tham ô không bị xử lý mà lại đi xử lý người dân tố tham ô thì Đảng có nguy cơ mất quyền lãnh đạo.”
‘Tư duy xử lý khủng hoảng’
Cùng ngày, Luật gia Nguyễn Đình Hà bình luận với BBC từ Hà Nội: “Dưới góc độ pháp lý, ngay từ khi ông Nguyễn Đức Chung ký vào bản cam kết với người dân Đồng Tâm, tôi đã nói ngay đó là văn bản không có giá trị pháp lý.”
“Trên nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, ai có tội thì sẽ phải chịu trách nhiệm, chứ không có ngoại lệ – bởi điều đó là tiền lệ xấu, bất bình đẳng.”
“Tuy nhiên, tôi đánh giá văn bản cam kết của ông Chung có ý nghĩa về mặt truyền thông và chính trị.”
“Nó giúp giảm căng thẳng giữa người dân và chính quyền khi đó.”
“Xét về nhiều khía cạnh khác, tôi cho rằng, nội bộ chính quyền Hà Nội có nhiều “phe” và ông Chung chỉ là một.”
“Do đó, ông Chung không có quyền quyết định tất cả hay dẫm đạp lên thẩm quyền của người khác. Về mặt uy tín với dân, sau vụ khởi tố này, có vẻ như ông Chung đang mất rất nhiều.”
“Còn về vụ án mà cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố, đó mới chỉ là bước đầu, giống như ném đá dò phản ứng, sau đó còn có thể có nhiều kịch bản khác nhau.”
“Nếu “happy ending” (kết thúc có hậu) thì sẽ không có khởi tố bị can, đình chỉ điều tra vụ án và kết luận người dân Đồng Tâm làm vậy trong thế phòng vệ, bất khả kháng. Còn khả năng xấu nhất, vài người bị bắt và kết án.”
“Nhưng nhìn chung lại, mọi chuyện phụ thuộc vào tư duy xử lý khủng hoảng và thái độ chính trị mà các bên dành cho nhau.”
“Nếu văn bản ông Chung ký với người dân Đồng Tâm là một bản thỏa thuận chính trị, hai bên cùng ký và người ký về phía chính quyền lẽ ra phải là Chủ tịch Trần Đại Quang, thì khi đó may ra người dân Đồng Tâm mới không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Hôm 14/6, BBC gọi điện cho ông Nguyễn Đức Chung nhiều lần nhưng ông không nghe máy. Lần gần nhất liên quan vụ Đồng Tâm, ông bắt máy và nói với phóng viên: “Tôi đang bận họp” rồi cúp máy.

Lại phát hiện sừng tê giác trái phép tại Sân bay Tân Sơn Nhất

Hai người mang quốc tịch Việt Nam, một nam một nữ bị phát hiện vận chuyển sừng tê giác trái phép có trọng lượng gần 4kg với giá trị tương đương 8 tỷ đồng Việt Nam.
Tin từ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết hôm thứ Tư 14 tháng 6. Theo đó, hai nghi can trên đã cất giấu số sừng tê giác trong hành lý cá nhân như hộp mỹ phẩm, ấm đun nước, hộp bánh… khi nhập cảnh trên chuyến bay từ Châu Phi về Việt Nam.
Cơ quan chức năng Việt Nam lâu nay tiến hành chiến dịch vận động người dân không sử dụng sừng tê giác cho mục đích chữa bệnh. Một số nghệ sĩ nổi tiếng được nhờ tham gia tuyên truyền cho dân chúng không nên tin tưởng vào tác dụng y học của các loại như sừng tê giác, vảy tê tê… Mục đích triệt hạ nhu cầu để loại trừ nguồn cung cấp.

Hội cựu giáo chức lên tiếng

vụ tước quốc tịch ông Phạm Minh Hoàng

Theo Hội Cựu giáo chức Chu Văn An thì quyết định do chủ tịch nước Trần Đại Quang ký về việc tước quốc tịch của giáo sư Phạm Minh Hoàng là ngược lại với Bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền; theo đó mọi người đều có quyền có quốc tịch.
Hội Cựu Giáo chức Chu Văn An nói rằng giảng viên Phạm Minh Hoàng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, và đương nhiên ông có quốc tịch Việt Nam mà không có một điều khoản luật pháp nào cho phép nhà nước Việt Nam tước quốc tịch của ông.
Giảng viên – cựu tù nhân lương tâm Phạm Minh Hoàng cũng là một trong những người sáng lập Hội Cựu Giáo chức Chu Văn An.
Chúng tôi đã liên lạc được với thầy giáo Vũ Mạnh Hùng, thuộc Hội Cựu Giáo chức Chu Văn An, nguyên giảng viên trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật thương mại tại Hà Nội, hiện sống ở Hà Nội, và ông cho biết về bản lên tiếng của hội về trường hợp thành viên Phạm Minh Hoàng:
Chúng tôi thấy những điều bất công trong xã hội thì chúng tôi lên tiếng. Để bảo vệ những quyền lợi chính đáng, trước hết là công lý và lẽ phải cho những người thầy giáo dám dấn thân nói lên những lẽ phải và công lý, nói lên sự thật, giúp cho xã hội thay đổi và tiến bộ. Đối với trường hợp thầy giáo Phạm Minh Hoàng thì tôi thấy là việc Chủ tịch nước ông Trần Đại Quang ra cái quyết định đó là trái với luật pháp và đạo lý của dân tộc.”

Nhà hoạt động nhân quyền bị bắt giữ, đánh đập

Tổ chức theo dõi quyền con người Front Line Defenders-Người Bảo vệ Tuyến đầu- vào hôm 13 tháng 6 lên tiếng về trường hợp Nguyễn Đăng Vũ, một thanh niên hoạt động nhân quyền bị công an tỉnh Đak Lak bắt giữ và đánh đập hồi ngày 8/6/2017.
Theo đó trong chuyến đi làm thiện nguyện ở thành phố Buôn Ma Thuộc, anh Nguyễn Đăng Vũ bị những người mặc thường phục lẫn sắc phục đưa về đồn Công an Tân Lập để kiểm tra hành chính. Anh Vũ đã bị đánh và đạp vào bụng trong thời gian bị tạm giữ 31 giờ đồng hồ và sau đó bị ép buộc đưa lên xe đò về lại thành phố Hồ Chính Minh.
Anh Nguyễn Đăng Vũ kể lại diễn tiến ở đồn Công an Tân Lập với RFA ngay sau khi về đến nhà ở Sài Gòn vào tối ngày 9 tháng 6.
Front Line Defenders kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam cần ngay lập tức chấm dứt hành động sách nhiễu đối với Nguyễn Đăng Vũ, trả lại điện thoại cá nhân cho anh Vũ  cũng như phải điều tra vụ việc và công khai kết quả điều tra theo chuẩn mực quốc tế. Đồng thời chấm dứt mọi động thái cản trở nhắm vào các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam, kể cả sách nhiễu về mặt luật pháp.

Các linh mục giáo hạt Thuận Nghĩa

lên tiếng về bất ổn ở Song Ngọc

Các linh mục thuộc Hạt Thuận Nghĩa, giáo phận Vinh vào hôm 13/6/2017 đồng ký tên trong bản tuyên bố khẳng định tình hình bất ổn gần đây tại giáo xứ Song Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An là do chính quyền gây nên.
Trong bản tuyên bố Linh mục đoàn Giáo hạt Thuận Nghĩa nêu rõ sự nghi ngờ của họ về thiện chí của chính quyền địa phương trong việc được gọi là “đảm bảo ổn định trật tự” nhưng thực tế chính quyền đã dung túng những người cố tình gây phạm pháp, kích động thù hằn và chia rẽ lương giáo.
Các linh mục trưng dẫn nhiều bằng chứng cho thấy việc làm của những người này có tổ chức dưới sự chứng kiến của công an và chính quyền, điển hình như dùng bạo lực quấy rối đời sống của giáo dân giáo xứ Song Ngọc, ném đá vào nhà thờ, đe dọa không cho dân chúng địa phương giao thương làm ăn với những gia đình công giáo và dùng sức ép để lấy chữ ký với mục đích trục xuất hai Linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục khỏi huyện Quỳnh Lưu.
Trong bản tuyên bố, chín vị linh mục và giáo dân Hạt Thuận Nghĩa yêu cầu chính quyền tỉnh Nghệ An và huyện Quỳnh Lưu cần tức khắc chấm dứt những hành động khủng bố tinh thần lẫn thể chất đối với giáo dân Song Ngọc, tiến hành điều tra thủ phạm tấn công giáo dân và phải kiến nghị với Chính phủ để bôi thường thỏa đáng cho các nạn nhân của thảm họa Formosa.

Liệu quân đội

có chấm dứt hoạt động kinh tế sau vụ sân golf TSN?

Kính Hòa, phóng viên RFA
Ngày 11 tháng sáu, hơn 40 nhân sĩ trí thức thuộc các nhóm xã hội dân sự gửi thư ngỏ lên Thủ tướng, bày tỏ sự đồng tình với nhiều ý kiến trong quốc hội muốn thu hồi diện tích đất sân golf trả về cho sân bay Tân Sơn Nhất đang bị quá tải, và bày tỏ sự phẫn nộ đối với điều mà họ gọi là sự tham lam của một số thế lực trong quân đội.
Hôm 12 tháng sáu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố quyết định sẽ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, điều đó có nghĩa là có thể sân golf 157 ha nằm phía bắc sân bay đang do quân đội quản lý sẽ được thu hồi để làm đường băng.
Hy vọng và nghi ngờ
Sau quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một cựu ủy viên trung ương đảng không muốn nêu danh tánh nói với đài Á Châu Tự Do rằng sau vụ sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có những nghiên cứu từ đảng và nhà nước Việt Nam về việc tách quân đội ra khỏi những hoạt động thương mại:
“Tôi hy vọng là sau việc này sẽ có chủ trương nghiên cứu về vấn đề đó. Hướng lâu dài tôi cũng tin là sẽ giảm cái việc kinh doanh làm kinh tế của quân đội. Rồi đến lúc quân đội sẽ không làm nữa. Nhưng mà cái đó không thể giải quyết nhanh gọn, sau cái này thì ổn thỏa việc kia đâu. Cái đó nó cũng phải có quá trình.”
Hướng lâu dài tôi cũng tin là sẽ giảm cái việc kinh doanh làm kinh tế của quân đội. Rồi đến lúc quân đội sẽ không làm nữa.
-Một cựu ủy viên trung ương đảng
Những người trong nhóm các nhân sĩ trí thức gửi thư đến Thủ tướng mà chúng tôi tiếp xúc được đều nói là họ phấn khởi vì áp lực công luận đã thắng.
Tuy vậy ông Kha Lương Ngãi, một trong những người ký thư ngỏ, nguyên Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, không hoàn toàn tin rằng sau vụ sân bay Tân Sơn Nhất, chuyện chuyển quân đội ra khỏi việc kinh doanh thương mại sẽ thành công:
“Chừng nào đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam chấp nhận đổi mới thể chế, thì mới hy vọng việc họ thay đổi là quân đội với công an không làm kinh tế nữa là tin tưởng được. Chứ còn bây giờ họ đành chấp nhận trước tình thế dư luận phản đối mạnh mẽ quá thì họ đành lùi một bước vậy thôi. Chứ không biết là họ có thật lòng trả lại sân golf cho sân bay Tân Sơn Nhất hay không, cái đó cũng chưa chắc.”
Việc đổi mới thể chế mà ông Ngãi đề cập là việc chuyển hệ thống chính trị Việt Nam sang đa đảng, trong đó quân đội không phải thề trung thành với đảng cầm quyền như hiện nay. Ông Kha Lương Ngãi cùng nhiều nhân sĩ, trí thức khác đã ký một kiến nghị về việc này, gửi đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam vào năm 2013. Tuy nhiên kiến nghị đó đã không được chấp nhận.
Ông Ngãi nghi ngờ rằng việc nghiên cứu có tư vấn nước ngoài trong quyết định của Thủ tướng về việc xây thêm đường băng sân bay chỉ là kế hoãn binh của quân đội, vì theo lời ông chỉ cần quyết định thu hồi hay không thu hồi số đất đang làm sân golf mà thôi.
Quyết định của Thủ tướng cũng không nói rõ là sẽ xây đường băng ở phía bắc, nơi có 157 ha sân golf, hay là ở phía nam, nơi quân đội đã trao lại hơn 20 ha đất làm nhà đỗ máy bay.
Thiếu tướng Lâm Quang Đại, phó chính ủy quân chủng phòng không không quân đang quản lý đất của sân bay Tân Sơn Nhất, trả lời báo mạng Dân Trí trong nước vào ngày 12 tháng sáu rằng nếu có nhu cầu quốc phòng phát sinh thì sẽ thu hồi phần đất rộng 157 ha ở phía bắc sân bay, hiện là đất ông cho là nhàn rỗi đang được dùng để làm sân golf.
Báo Dân Trí và Thiếu tướng Lâm Quang Đại không làm rõ là nếu làm thêm một đường băng sân bay thứ ba thì đó có phải là một nhu cầu quốc phòng hay không.
Việc quân đội Việt Nam có các đơn vị làm ăn thương mại lớn, cũng như có một quỹ đất lớn để kinh doanh đã được nhiều nhà quan sát trong và ngoài nước nói đến từ lâu, với nhiều quan ngại. Ví dụ như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự sống ở Hà Nội nói với chúng tôi:
“Nguy cơ tham nhũng khủng khiếp ở trong hoạt động của quân đội là luôn xảy ra. Giờ lại lẫn lộn giữa hoạt động quân sự và hoạt động kinh tế, thì đó là sự lạm dụng. Trong những chuyện như thế họ có thể vin đủ thứ để không ai dám đụng đến. Vì là quân đội nên tòa bên ngoài không dám đụng đến thì xác suất, khả năng tham nhũng càng nhiều hơn. Ở đấy hầu như không có sự minh bạch vì họ vin vào đó là lĩnh vực quân sự.”
Tuy nhiên, ông Carl Thayer từ học viện quốc phòng Úc, người đã có nhiều nghiên cứu về quân đội Việt Nam nói với đài Á châu tự do rằng việc kinh doanh của quân đội là rất phức tạp vì họ nuôi sống binh sĩ và gia đình của các binh sĩ của quân đội Việt Nam.
Trong một nỗ lực tách rời hoạt động chuyên ngiệp của quân đội ra khỏi hoạt động kinh tế, vào năm 2007, đảng cộng sản Việt Nam ra nghị quyết trung ương số 4 nói rằng quân đội chỉ có quyền được nắm những công ty có liên quan đến an ninh quốc phòng mà thôi.
Ngay sau nghị quyết này ra đời, nguyên Tổng Bí thư đảng là ông Lê Khả Phiêu có trả lời báo chí Việt Nam rằng cần phải chuyển các đơn vị kinh tế của quân đội sang cho nhà nước quản lý, và việc này theo ông sẽ tạo điều kiện cạnh tranh công bằng của các đơn vị kinh tế không phải quân đội, và quân đội sẽ chuyên tâm vào nhiệm vụ bảo vệ đất nước của mình.
Theo ông Lê Khả Phiêu, những chuyển biến đó phải được thực hiện trong năm 2007.
Tuy nhiên theo sách trắng của bộ quốc phòng Việt Nam năm 2009, thì quân đội Việt Nam cũng có được nhiệm vụ làm kinh tế.
Theo nhận xét của ông Kha Lương Ngãi, nguyên Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, thì từ khi có nghị quyết trung ương số 4 đến nay, hoạt động kinh tế của các công ty của quân đội ngày càng mạnh hơn:
Từ nghị quyết trung ương bốn khóa 11, đã có việc cấm không cho quân đội làm kinh tế. Tôi nhớ như thế. Đã có nghị quyết rồi, nhưng nghị quyết đó cứ bị chìm chìm đi, và quân đội cứ tiếp tục làm kinh tế.
-Kha Lương Ngãi
“Từ nghị quyết trung ương bốn khóa 11, đã có việc cấm không cho quân đội làm kinh tế. Tôi nhớ như thế. Đã có nghị quyết rồi, nhưng nghị quyết đó cứ bị chìm chìm đi, và quân đội cứ tiếp tục làm kinh tế, càng mạnh bạo hơn, lợi dụng chuyện làm kinh tế chiếm đất đai của người dân nhiều hơn.”
Một trong những công ty quân đội làm kinh tế rất hùng mạnh là công ty viễn thông Viettel, cung cấp dịch vụ internet và điện thoại di động rất lớn ở Việt Nam.
Vào tháng tư năm nay, tại xã Đồng Tâm ngoại thành Hà Nội đã bùng nổ một vụ nông dân bắt giữ 38 cảnh sát cơ động cùng với một số quan chức chính quyền để phản đối việc họ cho là quân đội lấy đất canh tác của họ giao cho công ty Viettel kinh doanh.
Giải thích nguyên do của việc không thực hiện được nghị quyết trung ương số 4 khóa 11, ông Kha Lương Ngãi nói:
“Lợi ích nhóm của phe phái quân đội quá mạnh. Trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam. Có một bộ phận phải dựa, phải lôi kéo, một lực lượng với số phiếu rất là đông của quân đội về phía mình cho nên họ không cương quyết thực hiện chủ trương cấm quân đội làm kinh tế. Họ vẫn để cho quân đội thực hiện hoạt động theo lợi ích nhóm của cánh quân đội. Dĩ nhiên là cánh quân đội cũng có cánh trong nội bộ đảng cầm quyền, nhà nước cầm quyền, trong đó họ vì lợi ích nhóm lợi ích phe phái của họ, họ kết với nhau nên cái chủ trương cấm quân đội làm kinh tế không thực hiện được.”
Nhận xét này của ông Kha Lương Ngãi cũng đồng nhất với ý kiến của ông Carl Thayer rằng quân đội hiện đang nắm một số phiếu rất quan trọng trong các cơ quan quyền lực cao của Việt Nam là Bộ chính trị và Trung ương đảng cộng sản Việt Nam.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.