Tin Biển Đông – 08/06/2017
Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017
18:55
//
Biển Đông
,
Nhân Quyền
,
Tin tức'
,
Việt Nam
Biển Đông:
lá bài của ông Trump để thương lượng với Trung Quốc?
Chính phủ Hoa Kỳ đang thách thức vị trí thống lĩnh của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở châu Á, tuy nhiên những động thái của Mỹ, sau nhiều tháng giữ im lặng, được xem là nhằm trấn an các nước Đông Nam Á đang lo âu, hơn là một sự xoay trục, quay lưng lại với Bắc Kinh.
Trong hầu hết thời gian gần nửa năm trong nhiệm kỳ của ông, Tổng thống Donald Trump đã gác sang một bên vấn đề biển Đông giữa lúc ông tìm cách xây dựng mối quan hệ thân thiện với Bắc Kinh, và đặc biệt là vận động Trung Quốc kiềm chế chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.
Nhưng hôm 24 tháng 5, một tàu khu trục của Hải quân Hoa Kỳ đi ngang qua vùng biển gần một đảo nhân tạo do Trung Quốc kiểm soát tại quần đảo Trường Sa. Phát biểu tại cuộc đối thoại Shangri-la, cuộc đối thoại thường niên về an ninh Châu Á hôm thứ bảy, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nói việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo và triển khai quân sự đã tác động tới sự ổn định trong khu vực.
Ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ, nói:
“Các đối tác của Hoa Kỳ trong nhiều tháng qua nóng lòng mong đợi cuộc đối thoại Shangri-la như một cơ hội để ông Mattis trấn an mọi người, rằng chính sách châu Á của Mỹ không bị bỏ mặc như các dấu hiệu bề ngoài cho thấy, kể cả vấn đề Biển Đông.”
Ông Poling nói:
“Diễn giải lạc quan nhất bây giờ là bài phát biểu của ông Mattis và những động thái của Mỹ như điều tàu khu trục đi ngang qua Biển Đông, cho thấy ông Mattis và Ngũ Giác Đài nắm được vấn đề, và do đó khía cạnh an ninh của chính sách của Hoa Kỳ muốn duy trì sự hiện diện ở châu Á, kể cả ở Biển Đông, sẽ tương đối ổn định”.
Trong thập niên qua, Trung Quốc đã thực hiện nhiều công trình lắp đất xây đảo và quân sự hóa một vùng biển nhiệt đới rộng tới 3,5 triệu cây số vuông để khẳng định chủ quyền trên 95% diện tích Biển Đông, một tuyên bố gây nhiều tranh cãi, và chồng lấn với tuyên bố chủ quyền của các nước nhỏ, trang bị vũ khí sơ sài hơn, như Brunei, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam và Philippines.
Dưới quyền cựu Tổng thống Barack Obama, quân đội Mỹ điều tàu qua Biển Đông thường xuyên hơn, bất chấp sự giận dữ của Bắc Kinh. Ông Obama cũng đã giúp Việt Nam và Philippines tăng cường khả năng quân sự.
Dù không có tranh chấp chủ quyền tại vùng biển này nhưng Washington muốn duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không trên vùng biển giàu trữ lượng nhiên liệu hóa thạch, một tuyến hàng hải thiết yếu mà Hoa Kỳ muốn phải mở rộng cho các nước qua lại, chứ không muốn Trung Quốc độc chiếm.
Giáo sư Oh Ei Sun, giảng dạy môn Quan hệ Quốc tế tại trường Đại học Nanyang của Singapore, nói các nước Đông Nam Á tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh mấy lâu nay vẫn thắc mắc liệu ông Trump có chấp nhận nguy cơ bị Trung Quốc từ chối giúp giải quyết vấn đề Bắc Hàn, nếu ông thách thức chính sách bành trướng của Bắc Kinh trong Biển Đông?
Giáo sư Oh mô tả cách tiếp cận của chính phủ Trump đối với vấn đề Biển Đông cho tới nay là “tùy trường hợp” và theo “ngẫu hứng”.
Ông nói:
“Rất nhiều quốc gia trong khu vực háo hức trông đợi một động thái của Mỹ, như một tuyên bố về chính sách rõ rệt hơn ở đây, nhưng cho đến nay chúng ta chưa thấy điều đó diễn ra”.
Ông Oh nói: “Theo tôi, các hoạt động để khẳng định tự do hàng hải trên Biển Đông bây giờ thua xa cả về độ thường xuyên lẫn cường độ, so với các hoạt động đó dưới thời chính quyền Obama.”
Không có hành động phô trương lực lượng của Hoa Kỳ để răn đe Trung Quốc, cường quốc quân sự thứ ba thế giới, các nước Đông Nam Á sẽ xoay chiều chính sách đối ngoại của họ, ngả về hướng Bắc Kinh thay vì về hướng Washington.
Các nhà phân tích nói Trung Quốc rất hăng hái muốn thảo luận và sẵn sàng cấp viện trợ, để đánh đổi lại, nước nhận viện trợ sẽ ngăn cản, không để diễn ra các cuộc biểu tình gay gắt chống lại chính sách bành trướng quân sự của họ trên Biển Đông.
Năm ngoái, Trung Quốc cung cấp cho Philippines 24 tỷ USD tiền viện trợ và đầu tư. Trung Quốc cũng đẩy mạnh kinh tế Việt Nam bằng cách tăng số lượng du khách sang thăm Việt Nam, và đồng thời, thảo luận vấn đề hợp tác hàng hải với Việt Nam.
Trong một hành động nhằm tăng sức ép đối với Trung Quốc, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson hồi tháng trước nói với các bộ trưởng ASEAN rằng, phải chấm dứt các hành động quân sự hóa và xây đảo trên biển trong khi các tranh chấp chủ quyền chưa ngã ngũ.
Tiến sĩ Carl Thayer, Giáo sư danh dự trường Đại học New South Wales, Úc, nói:
“Chính phủ Hoa Kỳ sẽ phải làm rất nhiều việc cùng lúc nếu muốn duy trì sự hợp tác của Bắc Kinh về chương trình hạt nhân Bắc Hàn.”
Giáo sư Thayer nói:
“Tại một thời điểm nào đó, hy vọng là trong năm nay, một chiến lược an ninh quốc gia sẽ xuất hiện trở lại, để từ đó một chiến lược an ninh hàng hải được đưa ra, rồi sau đó những chi tiết sẽ được điền thêm. Có lẽ những lời bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis và Ngoại Trưởng Tillerson là một chỉ dấu của những yếu tố có thể nằm trong một chiến lược an ninh quốc gia.”
Ông nói thêm: “Điều cần được đánh giá, là mức độ Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ như thế nào.
Là đồng minh chính của Bắc Hàn, Trung Quốc qua trung gian truyền thông của Đảng Cộng sản, cho biết sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt có thể dẫn tới việc cắt giảm lượng xăng dầu xuất khẩu sang Bắc Hàn. Nước này tùy thuộc vào Trung Quốc để cung ứng 90% lượng dầu nhập khẩu. Bắc Kinh cũng chỉ ra rằng họ sẽ hạn chế nhập khẩu than từ Bắc Hàn.
Trung Quốc chống đối việc Hoa Kỳ điều tàu khu trục tới quần đảo Trường Sa bằng cách đòi Mỹ giải thích động thái mà họ miêu tả là “xâm nhập” lãnh hải của Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, phản ứng của Trung Quốc về vị thế của chính quyền Tổng thống Trump đối với Biển Đông có vẻ hòa dịu hơn so với thời Tổng thống Obama.
Ông Huang Kwei-bo, giáo sư môn ngoại giao tại Đại học Quốc gia Chengchi của Đài Loan, nói ông Trump biết rằng ông có thể gây áp lực khi cần thiết để có được những nhượng bộ từ Trung Quốc.
Ông Huang nói:
“Biển Đông chắc chắn là một trong những lá bài để ông Trump mang ra thương lượng”. “Vấn đề này sẽ gắn liền với các quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.”
Biển Đông: san hô bị TQ phá hủy khi xây đảo
Hệ sinh thái biển ở một khu vực tại Biển Đông đang bị Trung Quốc tàn phá trầm trọng để xây dựng các đảo nhân tạo nhằm lập căn cứ quân sự, ông Greg Rushford, chủ biên Rushford Report nói với BBC hôm 5/6.
Ông Rushford nói, tình trạng hệ sinh thái biển bị tàn phá này “không phải là một cáo buộc” mà là một trong những thảm hoạ môi trường được báo cáo, ghi nhận chi tiết.
Ông Rushford, người đã có hàng chục năm nghiên cứu, theo dõi tình hình mậu dịch quốc tế và chính trị trong khu vực châu Á cho biết, Trung Quốc nạo vét lòng biển, tàn phá 3000 acre, tức 12,14 km2 rặng san hô để xây dựng các phi đạo cho phi cơ ném bom, loại “có thể bay đến Hà Nội hoặc Manila”.
Tuy nhiên, các tổ chức hoạt động môi trường có vẻ lại ‘im lặng’ trước tình trạng này, theo như bài báo mới nhất của ông Rushford trên tờ Wall Street Journal.
Tình trạng nạo vét lòng biển phá rặng san hô đã diễn ra trong nhiều năm qua.
Cuối năm 2015, phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes đã đi từ phía Philippines đến thăm một số đảo tại Biển Đông và phát hiện các ngư dân Trung Quốc cố tình tàn phá các dải san hô và săn bắt trai biển khổng lồ.
Hồi tháng 7/2016, Tòa Trọng tài Quốc tế nói trong phán quyết về đơn của Philippines cũng nói “Trung Quốc hủy hoại nghiêm trọng môi trường tại rặng san hô” khi xây cất các đảo nhân tạo.
Nhưng nhà báo Rushford trong bài trên Wall Street Journal (29/05/2017) lần đầu tiên trích lời các chuyên gia Philippines và Hoa Kỳ nêu ra con số cụ thể về diện tích san hô bị phá hủy.
0 nhận xét