Tin Việt Nam – 08/06/2017
Hàng chục ngàn doanh nghiệp nợ hơn 2 tỷ USD tiền thuế
Gần 96.000 doanh nghiệp có tổng giá trị các khoản nợ thuế lên tới gần 49.400 tỷ đồng. Tổng Cụ Thuế Việt Nam tính những doanh nghiệp có nợ số thuế từ 10 triệu đồng trở lên.
Bảng danh sách do Tổng cục thuế đưa ra ngày thứ Năm 8 tháng 6. Danh sách này đã được gửi đến cục thuế các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương.
Theo Tổng cục thuế, các doanh nghiệp nợ thuế chủ yếu tập trung ở các 16 địa phương, phần lớn là những trung tâm về kinh tế có nhiều khu công nghiệp.
Báo trong nước nêu cụ thể TP HCM có gần 26.000 doanh nghiệp nợ hơn 9.400 tỷ đồng; Hà Nội có trên 18.800 doanh nghiệp nợ thuế gần 15.400 tỷ đồng; Hải Phòng có hơn 2.300 doanh nghiệp nợ thuế gần 1.600 tỷ đồng; Đồng Nai có gần 3.000 doanh nghiệp nợ trên 976 tỷ đồng.
Báo chí không được dự buổi đánh giá tàu cá vỏ thép
UBND tỉnh Bình Định vừa họp với đoàn công tác Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn về vấn đề tàu cá vỏ thép nhưng không cho báo chí tham dự.
Báo trong nước ngày 8/6 cho biết theo kế hoạch đây sẽ là cuộc họp liên quan chất lượng một số tàu cá vỏ thép được đóng mới và đưa vào sử dụng. Cuộc họp được thông báo trước có sự tham gia của cơ quan liên quan, địa phương và các cơ quan báo chí.
Tuy nhiên khi cuộc họp bắt đầu, các phóng viên bất kể có giấy mời hay không đều bị từ chối, không cho tham dự. UBND tỉnh Bình Định cho biết đây là ý kiến của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp.
Xin nhắc lại, gần đây báo chí đưa tin hàng loạt các tàu cá vỏ thép trị giá hàng 20 tỷ đồng ở Bình Định vừa hạ thủy đã hư hỏng, khiến nhiều chủ tàu lâm vào cảnh khốn khổ vì thua lỗ, nợ nần ngân hàng.
RSF lên án Việt Nam vụ tước quốc tịch ông Phạm Minh Hoàng
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) lên án việc nhà chức trách Việt Nam tước quốc tịch Việt Nam của nhà đấu tranh dân chủ Phạm Minh Hoàng, người cũng mang quốc tịch Pháp.
Giảng viên đại học này hôm 1 tháng 6 đăng một bức tâm thư trên Facebook cho biết ông được Tổng lãnh sự quán Pháp ở Thành phố Hồ Chí Minh mời lên để báo tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký lệnh tước quốc tịch Việt Nam của ông hôm 17 tháng 5, và ông phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Trong bức thư ông Hoàng cũng bày tỏ khát khao được ở lại Việt Nam cùng với gia đình và tiếp tục đấu tranh một cách ôn hòa để giải quyết những vấn đề của đất nước. Sau đó vài ngày ông cho biết ông đã gửi một bức thư đến Đại sứ Pháp ở Hà Nội xin từ bỏ quốc tịch Pháp, thể hiện mạnh mẽ quyết tâm ở lại quê hương.
“Chúng tôi lên án quyết định này và khá bàng hoàng về nỗ lực mới nhất này để hăm dọa một thêm một người bất đồng chính kiến nữa ở Việt Nam,” Margaux Ewen, Giám đốc Vận động và Truyền thông của RSF ở Bắc Mỹ, nói với VOA. “Ông ấy là công dân Việt Nam và cũng là công dân Pháp. Đuổi ông ấy đi khỏi đất nước trái với mong muốn của ông ấy chắc chắc là điều rất đáng lo ngại.”
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với VOA, ông Hoàng nói rằng chính quyền muốn tước quốc tịch nhằm “trả thù” các hoạt động cổ súy ôn hòa vì dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam của ông và của đảng Việt Tân.
“Cách đây bốn, năm tháng, Bộ Công An Việt Nam tố cáo đảng Việt Tân, mà tôi là một thành viên, là một tổ chức khủng bố. Kể từ đó tôi nhận thấy việc đàn áp các anh em Việt Tân, đặc biệt những người có án như tôi, càng lúc càng nhiều,” ông nói.
Hành động của nhà chức trách Việt Nam nhắm vào ông Hoàng “nhất quán” với cách thức mà họ đối đãi với bất kỳ quan điểm bất đồng nào trái với quan điểm của chế độ độc đảng, theo lời bà Ewen.
“Bất kỳ blogger hay nhà báo công dân nào bày tỏ quan điểm khác biệt với chế độ, với bộ máy truyền thông, đều bị đàn áp, thậm chí những tiếng nói ôn hóa như luật sự và blogger nhân quyền Nguyễn Văn Đài, người vẫn bị giam giữ một cách tùy tiện suốt hơn một năm qua.”
Vào tháng 3 năm 2016, công an đã đột ngột xông vào một lớp học về kỹ năng mềm do ông hướng dẫn tại một quán café ở Sài Gòn, cách ly các học viên với ông và thẩm vấn từng người trong nhiều giờ liền.
Trước đó ông từng bị bắt năm 2011 khi đang giảng dạy tại Đại học Bách khoa Sài Gòn.
Tháng 1 năm 2012, ông được trả tự do sau khi được giảm phân nửa bản án ba năm tù về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” vì các bài viết thể hiện quan điểm cá nhân trái với nhà nước.
Bà Ewen nói sự việc mới nhất liên quan tới ông Hoàng cho thấy Việt Nam tiếp tục sa sút trong việc thể hiện sự tôn trọng đối với quyền tự do thông tin trong nước.
“Những vụ trấn áp gần đây diễn ra trong năm 2017 là chỉ dấu cho thấy sự gia tăng đàn áp quan điểm bất đồng chính kiến,” bà nói. “Bước kế tiếp nhằm trục xuất ông Hoàng lại là một chỉ dấu nữa của tình trạng đó.”
Việt Nam là một trong những nước có điểm số thấp nhất trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2017 của RSF, đứng thứ 175 trên 180 nước.
Chưa biết bao giờ mới có luật biểu tình
Quốc hội Việt Nam đã thông qua nghị quyết về chương trình xây dựng luật trong buổi họp hôm ngày 8 tháng Sáu nhưng không ấn định thời gian đối với việc trình luật cho phép lập hội cũng như luật biểu tình.
Đây là cuộc họp xây dựng pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Theo đó, quốc hội đồng ý bổ sung cho ý kiến trong cuộc họp kỳ 4 cuối năm nay những luật sửa đổi liên quan đến luật thuế bảo vệ môi trường, luật phòng chống tham nhũng, luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Riêng thời gian trình luật lập hội và luật biểu tình không được đưa ra.
Tin nói năm 2018 quốc hội sẽ thông qua 21 dự án luật trong đó có luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Phạt 100 triệu đồng hành vi tuyên truyền chống nhà nước
Một trăm triệu đồng tiền phạt đối với hành vi tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Đó là đề nghị được Bộ Thông Tin Và Truyền Thông đưa ra trong dự thảo qui định xử phạt hành chính lãnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng.
Trước đó, đã có Dự Thảo Nghị Định tương tự về những hành vi vi phạm thông tin trên mạng với mức phạt từ 2 triệu đến 50 triệu đồng cho những hành vi như cung cấp thông tin cá nhân không trung thực, vu khống, chỉ trích cá nhân hoặc tổ chức, cơ quan, cung cấp thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước hay đảng, đưa bản đồ không đầy đủ hay thể hiện sai chủ quyền quốc gia.
Trong dự thảo mới Bộ Thông Tin Và Truyền Thông đề nghị mức tiền phạt cao hơn, từ 70 triệu đến 100 triệu Đồng về tội tuyên truyền chống phá nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc mà chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, những vi phạm khác như truy cập tài khoản người khác khi chưa được phép, đưa tin ảnh hưởng không tốt đến trẻ em, xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc trên mạng cũng bị phạt tiền theo qui định.
Báo chí trong nước cho biết đây chỉ là dự thảo qui định đưa ra để lấy ý kiến dân từ giờ cho đến hết ngày 30 tháng Bảy
Luật sư Lê Quốc Quân bị đe dọa sau khi gặp TNS John Mccain
Cựu tù nhân lương tâm, luật sư Lê Quốc Quân, cho biết vào sáng 8 tháng 6 ông bị chừng chục người mặc thường phục chặn tại cổng chính tòa nhà nơi gia đình ông đang sống không cho phép đi đâu và gặp ai nếu không được nhóm người đó cho phép.
Luật sư Lê Quốc Quân đưa ra nhận định về vụ việc bị đe dọa mới nhất:
Bản chất sự việc ở đây là hôm trước tôi gặp (TNS) John Mccain và nó có nhắn tin gọi điện không được gặp, nhưng tôi nhắn tin lại bảo “John Mccain là một người bạn của Việt Nam và là ân nhân của tôi nên tôi phải đi gặp với tư cách là một người bạn, hôm đấy tôi cũng cho cả tùy viên chính trị Mỹ xem những tin nhắn của nó và người ta thấy chuyện ấy vì cuộc gặp rất là nhẹ nhàng, sau đó tôi post lên mạng và chính vì vậy hôm nay nó làm như thế ý là dằn mặt và không cho phép tôi đi gặp các viên chức chính trị và ngoại giao nước ngoài.
Bản thân luật sư Lê Quốc Quân có đơn trình báo sự việc với Công an Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội là cơ quan quản lý an ninh khu vực tại địa bàn nơi có khu nhà của gia đình luật sư Lê Quốc Quân.
Ông nêu rõ trong đơn trình báo rằng bản thân là công dân tự do nên có quyền đi lại và gặp gỡ người khác; biện pháp ngăn cản là vi phạm điều 22, 23 Hiến pháp Việt Nam năm 2013.
Người đe dọa ông có tên là Thắng phạm tội đe dọa giết người qui định tại điều 103 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Xin được nhắc lại, luật sư Lê Quốc Quân, 46 tuổi, bị bắt vào ngày 27 tháng 12 năm 2012 với cáo buộc ‘trốn thuế’ và bị tòa kết án 30 tháng tù. Gia đình ông ở Hà Nội, nhưng ông bị đưa vào giam tại trại An Điềm ở Quảng Nam.
Trước đó ông từng bị bắt một số lần gồm lần giam 3 tháng vào năm 2007 sau khi tham gia khóa học của tổ chức National Endowment For Democracy ở Hoa Kỳ về; tiếp đó là lần vào năm 2011 cùng với bác sĩ Phạm Hồng Sơn khi đến tham dự phiên xử gọi là công khai tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội.
Ngoài những lần bị bắt giam, ông còn bị những đối tượng mặc thường phục hành hung dù rằng theo ông thì không hề có mâu thuẫn với ai.
Bản thân ông tham gia lên tiếng cho công bằng xã hội, chống hoạt động gây hấn, lấn chiếm của Trung Quốc đối với Việt Nam…
Báo chí bảo vệ hình ảnh cảnh sát giao thông?
Lan Hương, phóng viên RFA
Trong một cuộc gặp báo giới sáng ngày 6/6, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông (C67), đại tá Lê Xuân Đức nói rằng ông mong được các nhà báo đồng hành để ngăn ngừa các hành vi chống phá, bôi nhọ cảnh sát giao thông.
Tại sao kêu gọi vào lúc này?
Nhận xét về nguyên nhân vì sao ông Lê Xuân Đức đưa ra lời kêu gọi vào thời điểm này, Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết:
Trong thời gian vừa rồi nhiều người ghi lại được cảnh cảnh sát giao thông có những hành vi tiêu cực. Nhưng trên mạng có một số clip không phản ảnh đúng sự thật nhưng có lẽ là do định kiến ghét cảnh sát giao thông nên họ làm méo mó đi chút để bôi bác ngành đó. Những clip đó có nhưng rất hiếm.
Nhà báo Võ Văn Tạo nhận thấy rằng nhiều năm trở lại đây cảnh sát giao thông Việt Nam thường xuyên có các hành động tiêu cực, bắt bớ người dân phi lý, tạo nên những hình ảnh xấu trong mắt người dân:
Khá phổ biến các hiện tượng tiêu cực như ăn tiền đút lót, hạch sách lái xe, bắt lỗi những chuyện không đáng có để vòi tiền rất phổ biến khắp từ Nam ra Bắc.
- Nhà báo Võ Văn Tạo
Lâu nay cảnh sát giao thông, tôi không dám nói là 100%, nhưng khá phổ biến các hiện tượng tiêu cực như ăn tiền đút lót, hạch sách lái xe, bắt lỗi những chuyện không đáng có để vòi tiền rất phổ biến khắp từ Nam ra Bắc.
Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan cảnh sát giao thông đưa ra những yêu cầu với giới báo chí liên quan đến việc giữ hình ảnh cho họ.
Năm 2013, dư luận cũng từng một phen dậy sóng khi Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (C67) ra công văn số 1042/C67 – P3 với nội dung chính là báo chí nếu muốn quay phim chụp ảnh các hành động của cảnh sát giao thông phải được sự đồng ý của họ. Dư luận lúc đó nói rằng văn bản này vi phạm quyền được giám sát các hoạt động của cơ quan chức năng của người dân. Một số nói rằng văn bản “nặng mùi” bao che cho các hành động sai trái của Cảnh sát giao thông. Cơ quan này sau đó lập tức thu hồi lại công văn đưa ra.
Trong khi đó nhà báo Phạm Thành, chủ trang blog Bà Đầm Xòe cho rằng do việc kêu gọi các hãng như Facebook, Google ngăn chặn các thông tin độc hại của chính phủ không hiệu quả, nên bây giờ cơ quan chức năng xoay chuyển qua “cầu cứu” báo chí và những người sử dụng mạng:
Hiện tượng cảnh sát làm bậy làm bạ trên đường chủ yếu là để móc túi những người tham gia giao thông xảy ra quá phổ biến. Trong mấy năm qua truyền thông xã hội đã quay lại những hành động đó đê lên án. Cho nên bây giờ bên cảnh sát giao thông không thể có cách gì biện minh về những hành động đó.
Trong khi đó Đảng và Nhà nước tìm đủ mọi cách để liên lạc với các ông chủ như Facebook để ngăn chặn truyền thông xấu nhưng không hiệu quả nên bây giờ phải kêu gọi báo chí giúp họ. Đấy là hành động tôi cho là họ đã nhìn ra vấn đề và họ cho rằng những hành động ăn cướp, móc túi của người dân không có cách “dìm” đi được.
Đầu năm nay, Chính phủ Hà Nội đã yêu cầu Youtube gỡ bỏ hơn 2000 video mà Việt Nam cho là “độc hại”. Đồng thời gây áp lực cho các công ty quảng cáo lớn yêu cầu Facebook xử lý các thông tin “xấu”. Sau đó, đại diện bộ Thông tin truyền thông đã gặp mặt đại diện Facebook cũng để bàn bạc vấn đề loại bỏ thông tin xấu, bôi nhọ Đảng, lãnh đạo.
Có khả thi?
Đáp lại câu hỏi về tính khả thi của những kêu gọi này, nhà báo Phạm Thành cho rằng không phải chỉ cần yêu cầu báo chí “dừng bôi nhọ” là giải quyết được vấn đề, theo ông gốc gác nằm ở đạo đức của người cảnh sát giao thông mà ông cho rằng khó có thể thay đổi:
Cái chính là những cảnh sát giao thông không bao giờ tử tế được. Nhiệm vụ của họ vẫn phải phạt. Cơ chế không thành văn đó là những người được quyền phạt vi phạm giao thông một ngày phải phạt bao nhiêu, bao nhiêu vào túi của mình, bao nhiêu vào túi cấp trên, bao nhiêu vào quỹ này quỹ kia. Cho nên lời kêu gọi không thành hiện thực được.
Những người được quyền phạt vi phạm giao thông một ngày phải phạt bao nhiêu, bao nhiêu vào túi của mình, bao nhiêu vào túi cấp trên, bao nhiêu vào quỹ này quỹ kia.
- Nhà báo Phạm Thành
Trong khi đó nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng việc kêu gọi giới báo chí là không đủ mạnh bởi vì theo ông hầu hết các thông tin, clip, hình ảnh về cảnh sát giao thông được người dân ghi lại và đưa lên mạng xã hội:
Tôi cho rằng lời kêu gọi đó không có tác dụng mấy đâu bởi vì thực tế những clip hay những bình luận không hay ho về ngành cảnh sát giao thông do báo chí đăng là không nhiều lắm, mà chủ yếu là những clip do người dân quay được mới phản ánh đúng sự thật. Nhờ cái đó báo chí nhà nước mới bắt được các thông tin này rồi cho phóng viên xác minh đưa lên mặt báo để phê phán.
Mới cuối tháng 3 vừa rồi, viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đã tuyên án tử hình với 3 thanh tra giao thông của địa phương này vì tội danh nhận hối lộ lên đến con số hàng ngàn tỷ đồng.
Cũng trong buổi họp báo hôm 6/6, thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc đấu tranh giữ an ninh trật tự và ổn định chính trị trong nước và nói rằng ‘nếu lực lượng công an muốn trưởng thành thì phải công khai minh bạch và không có bất cứ vùng cấm nào đối với báo chí.’
Việt Nam tiếp tục xiết chặt quản lý thông tin trên Facebook
Thanh Trúc, phóng viên RFA
Việt Nam mới đây đã đưa ra một dự thảo qui định xử phạt hành chính đối với việc cung cấp thông tin không chính xác, tin tức có tính bạo lực, bôi bác cá nhân, cơ quan hay tổ chức trong một nỗ lực nhằm xiết chặt hơn nữa việc kiểm soát mạng xã hội.
Phạt tiền
Theo Dự Thảo Nghị Định về xử phạt vi phạm hành chính trong lãnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin mạng và an toàn thông tin mạng, từ năm 2018 những người sử dụng facebook sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng nếu lợi dụng mạng xã hội để cung cấp thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức, cơ quan, cá nhân.
Đây là lần đầu tiên qui định xử phạt tiền đặc biệt nhắm vào người sử dụng mạng xã hội mà phổ biến nhất và lớn nhất hiện thời là facebook.
Theo thống kê của Facebook công bố hồi đầu năm ngoái, hiện Việt Nam có khoảng 35 triệu người sử dụng facebook, đồng nghĩa với việc 1/3 dân số Việt Nam hiện đang có tài khoản facebook. Việt Nam là quốc gia có lượng người dung Facebook lớn thứ ba ở khu vực Đông Nam Á, sau Thái Lan và Indonesia.
Theo nhà báo tự do Võ Văn Tạo, không cần đợi tới lúc Dự Thảo Nghị Định có hiệu lực trong 6 tháng nữa mà từ trước và ngay bây giờ chuyện chỉ trích hay phê bình một cơ quan hay một tổ chức nào đó trên facebook đã gặp phải sự răn đe rồi.
Đấy là cái cớ thôi, còn nội dung trong Nghị Định này đã thể hiện đầy đủ hết trong Bộ Luật Hình Sự rồi, tội này tội kia là có hết kể cả tội phạm tin học.
- Nhà báo Võ Văn Tạo
Đấy là cái cớ thôi, còn nội dung trong Nghị Định này đã thể hiện đầy đủ hết trong Bộ Luật Hình Sự rồi, tội này tội kia là có hết kể cả tội phạm tin học. Lâu lâu họ lại đưa ra một dự luật hoặc một văn bản dưới luật gọi là Nghị Định, Thông Tư mà nó luộm thuộm, xa lạ với quyền cơ bản của người dân. Những trang cá nhân trên facebook hoặc blog cá nhân thì nó chỉ là nhật ký cá nhân người ta trao đổi với người khác ngoài xã hội, nó khác với báo chí chính thống. Xã hội luôn tồn tại nhiều quan điểm về nhiều góc độ tư duy, quyền lợi, nhận thức, cá tính vân vân… Bây giờ họ lại đẻ ra cái văn bản pháp qui mà nội dung lại dở hơi, theo dõi rình rập hở là phạt, cái đấy là cái rất tệ hại.
Đầu tháng Sáu này, một nữ học sinh Trung Học Phổ Thông Kiến Tường ở Long An, cho báo trong nước biết em bị kỷ luật, bị nhà trường khiển trách và dọa hạ điểm hạnh kiểm từ tốt xuống thành trung bình vì dám lên Facebook chê bệnh viện đa khoa Đồng Tháp Mười từ bác sĩ, y tá, nhân viên đều có cung cách phục vụ kém, nạt nộ bệnh nhân. “Nên chấn chỉnh lại đi các ông các bà…” là một trong những câu em viết trên facebook, lôi kéo sự chú ý đồng tình của một số facebookers khác.
Về qui định xử phạt hành chính đối với những thông tin có tính cách vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín và nhân phẩm của cơ quan, tổ chức hay của cá nhân, chưa kể những thông tin không phù hợp với tình hình đất nước, facebooker Đoàn Bảo Châu nói với đài Á Châu Tự Do:
Mình cũng phải rạch ròi là nếu chính phủ đề ra xử phạt việc bôi nhọ lãnh đạo, nếu đó là tin chính xác rồi mà vẫn bị phạt thì người dân có quyền khởi kiện cơ quan đã phạt mình. Tôi cũng đồng ý với việc không được nói điều gì sai sự thật, vấn đề là khi chính quyền áp dụng những qui định đó thì họ phải công bằng và không được lạm quyền.
Hai nữa, cái câu không phù hợp với lợi ích đất nước là một khái niệm mập mờ rất dễ dẫn đến oan sai. Không phù hợp với lợi ích đất nước nhưng nó là sự thật thì cần phải tôn trọng. Nếu sự thật đấy mà ông lãnh đạo không thích, ông bảo không phù hợp thế là người dân có tội? Riêng câu không phù hợp với lợi ích đất nước tôi hoàn toàn không đồng ý chút nào. Đề ra luật thì phải theo luật và luật đó phải áp dụng cả người dân lẫn quan chức, không ai là ngoại lệ đối với luật pháp cả.
Nhà cầm quyền lo sợ?
Bộ luật hình sự Việt Nam cũng có điều luật 258 áp dụng với tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Đây một trong số những điều luật bị các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích là mù mờ vì cho rằng chính phủ Việt Nam đã dung điều luật này để kết tội những người dám lên tiếng chỉ trích chính quyền.
Nhà báo độc lập Trần Ngọc Quang, cựu biên tập viên báo đảng ở Hà Nội, nhận định rằng chẳng qua sau xã hội dân sự thì nay mạng facebook ngày càng phổ biến làm nhà cầm quyền lo sợ trước sức mạnh và sự nhanh nhạy của nó:
Đó là cái tính tự kỷ cộng sản, là trò chơi quyền lực mà họ nghĩ là họ muốn gì được nấy. Thế nhưng quyền nào cũng có hạn, họ sợ công nghệ thông tin đến múc như vậy thì hết chỗ nói rồi, họ không kiểm soát được mạng xã hội đâu, kỹ thuật số tiêu diệt cả một đế quốc của phim nhựa mà. Chính Marx nói là “ khi công nghệ thay đổi thì toàn bộ cuộc cách mạng ấy làm đảo lộn thế giới chứ không chỉ đảo lộn một nhóm người đâu. Cái nhóm này ngồi trong phòng nó cứ tưởng tượng là kiểm soát được tất cả, đó là sự vô lối của họ thôi.
Tôi cũng đồng ý với việc không được nói điều gì sai sự thật, vấn đề là khi chính quyền áp dụng những qui định đó thì họ phải công bằng và không được lạm quyền.
- facebooker Đoàn Bảo Châu
Dưới mắt một facebooker khác, nhạc sĩ Bùi Thanh Tuấn, Dự Thảo Nghị Định này phản ảnh quan ngại của một chính quyền khi thấy khả năng kiểm soát chính kiến cũng như kềm chế tư tưởng của người dân đã vuột khỏi tầm tay họ:
Những nghị đinh như vậy, cái luật và văn bản dưới luật ở Việt Nam gần như không còn sức thuyết phục nào đối với các facebookers, mỗi ngày họ cứ sử dụng mạng xã hội để kinh doanh, kết giao, trò chuyện, tán gẫu, bày tỏ quan điểm cá nhân … Nghị Định đưa ra mà không thực hiện được, thường là không bao giờ thực hiện được. Mạng xã hội cũng vậy, người ta không sai nhưng nghị định đưa ra bảo họ sai thì trúng ai nấy chịu. Mạng facebook hiện nay như trong tình trạng là mất kiểm soát hoàn toàn. Làm gì có luật nào áp dụng phạt một facebooker phản đối đúng vào tội nói xấu lãnh đạo, nhưng Việt Nam thì đưa ra những cái trái với sự tiến bộ của thế giới như vậy.
Hồi tháng Tư vừa qua, trả lời Uỷ ban thường vụ Quốc hội về quản lý mạng xã hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết hành vi vu khống, bôi nhọ và xúc phạm danh dự các cá nhân, tổ chức đang diễn ra rất nóng. Ông cho biết tính từ đầu năm đến ngày 12 tháng 4, Bộ thông tin và Truyền thông đã xử phạt 10 trường hợp vi phạm.
Mới đây Việt Nam cũng đưa ra thông tư 38 quy định việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới nhằm kiểm soát việc đưa tin trên các trang mạng có yếu tố nước ngoài như Google, Facebook và Youtube. Ông Trương Minh Tuấn cho biết Việt Nam đã yêu cầu Google gỡ bỏ khoảng hơn 2000 clip nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo đảng và nhà nước trên Youtube. Tới nay, Google đã gỡ bỏ 1,000 clips trên Youtube.
Mùa hè nơi vùng biển chết miền Trung
Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Trẻ con nghỉ hè, thường thì phụ giúp cha mẹ làm những công việc nhỏ, từ lặt rau, phụ quét nhà hoặc tập nấu cơm, lớn hơn một chút thì phụ cha mẹ đi chợ, trông nhà hoặc giữ em… Nhưng đó là chuyện trước đây; hiện tại, học sinh trung học đi chợ giúp cha mẹ ngày hè là chuyện hiếm, đặc biệt tại những vùng biển nhiễm độc, trẻ em trải qua một mùa hè vất vả, khổ nhọc!
Không có mùa hè?
Một học sinh cấp 3 tên Thiệt, hiện sống ở Đông Yên, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, chia sẻ: “Chỗ em thì hiện tại ở làng Đông Yên thì có nhiều em nhỏ đang đi học vì học hai năm 3 lớp, học bù cho hai năm trước các em không được đi học. Còn lại nhiều em nghỉ học đi làm ăn. Nhiều em mới lớp 7, lớp 8, thậm chí nhiều em khác bỏ học đi làm thêm để giúp cha mẹ rồi lo cho em sau mình đi học.”
Em Thiệt cho biết thêm là suốt hai năm nay, kể từ khi biển miền Trung bị nhiễm độc, mùa hè đến với em cũng như các bạn cùng lứa là một mùa vất vả, buồn tủi và chẳng có không khí hè. Bởi suốt chín tháng lăn lóc trong lớp học với không biết bao lo toan, thiếu trước hụt sau vì các khoản tiền đến liên tục, chưa kịp mua cuốn tập để ghi chép bài học trên lớp thì đến lúc phải lo tiền để đóng quĩ lớp, đóng phí học thêm, phí học phụ đạo… Chính vì đủ các khoản phí đó mà học sinh vùng biển nhiễm độc như em phải lo đi phụ hồ, đi làm thêm bất kì công việc gì người ta thuê để có tiền mà dành dụm cho năm học mới.
Tình trạng trẻ em học sinh cấp hai và cấp ba, tức cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông tranh thủ mấy tháng hè theo cha mẹ trốn sang Lào để làm thuê. Đương nhiên việc sang Lào làm thuê gặp rất nhiều khó khăn bởi các chủ thuê bên Lào không bao giờ chấp nhận trẻ em vào làm việc trong cơ xưởng của họ. Muốn được làm việc, hầu hết các em dùng thẻ chứng minh nhân dân giả bằng cách chèn hình thẻ vào thẻ chứng minh của người khác đủ tuổi lao động và ép plastic. Đương nhiên là thẻ chứng minh này của người thân trong gia đình.
Có nhiều trường hợp cả hai, ba đứa trẻ trong một gia đình dùng chung một thẻ chứng minh nhân dân khi sang làm thuê ở Lào. Đương nhiên là việc trốn sang Lào không hợp pháp và đi bằng đường chẻ rừng, làm việc theo môi giới của người khác và nhận lương không cao, chấp nhận chi hoa hồng cho người môi giới 10% của 3 tháng lương đầu tiên hoặc trả ngay 2 triệu đồng. Và hầu hết công việc làm thuê bên Lào đều là việc nặng nhọc của người lớn, từ phụ hồ, khuân vác hàng hóa hoặc đi phụ với những tốp thợ mộc. Thiệt cho rằng cũng may mắn là hầu hết trẻ em đi làm chui, không phải đăng ký giấy thị thực, nếu đăng ký thị thực thì chắc chắn chẳng có chủ nào bên Lào chấp nhận trẻ em Việt Nam sang làm thuê.
Khác với đi làm thuê bên Lào, một số trẻ em sang làm thuê bên Trung Quốc thì bất kì độ tuổi nào cũng có thể làm được bởi các chủ thuê người Trung Quốc không quan tâm đến độ tuổi lao động, miễn sao làm được việc thì họ thuê. Nhưng hầu hết trẻ em ở Hà Tĩnh đều chọn Lào để sang làm thuê chứ không chọn Trung Quốc do các em không ưa gì người Trung Quốc. Những trường hợp sang làm bên Trung Quốc chỉ đếm trên đầu ngón tay và thường thì đi chừng nửa tháng để có tiền mà trả cho người môi giới sang Lào làm việc. Bởi trả trước một lần có lợi hơn trả 10% liên tục ba tháng lương.
Thiệt bộc bạch thêm là hầu hết trẻ em trên vùng biển nhiễm độc không có mùa hè. Các em chỉ mong cho mùa hè qua nhanh để được đến lớp. Nhưng khi đến lớp, các em lại mong hè đến thật nhanh để đi làm thuê. Cái vòng lẩn quẩn ấy chi phối các em đã hai niên học rồi!
Bỏ học sớm như là một giải pháp?
Linh Mục Nguyễn Văn Hùng, Giáo xứ Diên Trường , Ba Đồn, Quảng Bình, chia sẻ: “Ở đây đa số các em cấp 2, cấp 3 nghỉ hè đi làm thuê nhiều lắm. Đi Bình Dương, Sài Gòn, Đồng Nai, Hà Nội, đến những nơi có anh chị nó đi trước và vào làm thuê, mỗi tháng được khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu mỗi tháng, trong vòng 2, 3 tháng hè. Ở Quảng Bình này nhiều giáo xứ bị ảnh hưởng nặng lắm, đặc biệt như giáo xứ Cồn Sẻ. Các em đi Bắc, Nam, chủ yếu là đi Nam để lao động, đi làm chui các công việc như osin, trông trẻ hay các nhà may tư nhân, họ tuyển chui, chưa đến tuổi lao động đó.”
Cha Hùng cho biết thêm là hầu hết các giáo xứ trong tỉnh Quảng Bình đều bị ảnh hưởng kể từ sau khi biển miền Trung nhiễm độc, vấn đề là ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp mà thôi. Các giáo xứ gần biển, đặc biệt là giáo xứ Cồn Sẻ bị ảnh hưởng khá nặng, hiện tại, tình trạng học sinh bỏ học để đi làm thuê đã chiếm con số khá lớn. Và mùa hè ở các giáo xứ dường như không có thanh thiếu niên bởi các em đã vào các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn để làm thuê, chủ yếu vẫn là lao động chui vì chưa đủ tuổi lao động.
Với tiền lương mỗi tháng từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng, ba tháng hè cũng giúp các em có thêm tiền để nộp học cho niên khóa tới. Và hầu hết học sinh ở Cồn Sẻ gặp khó khăn bởi người dân Cồn Sẻ chủ yếu làm nghề biển, đánh bắt xa bờ và gần bờ. Từ ngày biển nhiễm độc đến nay, sản lượng cá đánh bắt xa bờ chỉ còn chưa tới 50%, trong khi đó giá thành hải sản lại giảm xuống còn chưa đầy 50% so với trước khi biển nhiễm độc. Như vậy, chung qui thì thu nhập của ngư dân chỉ còn lại ngót nghét 25% so với trước. Đó là chưa kể đến chuyện xăng dầu tăng giá, mọi thứ chi phí đội lên cao ngất. Đời sống thêm bội phần khó khăn.
Mùa hè, đây cũng là thời gian cho học sinh nghỉ giải lao, buông xả mọi lo âu, căng thẳng bởi việc học dồn dập trong môi trường giáo dục hiện tại. Tuy nhiên, với học sinh vùng biển chết, đây là quãng thời gian các em phải bươn chải bằng mọi cách để kiếm tiền phụ giúp cho cha mẹ và trang trải cho bản thân. Có thể nói rằng màu hè trên vùng biển chết miền Trung là một màu hè khổ nhọc, lao lực và đầy tuyệt vọng đối với các em học sinh.
Hà Nội: Nhóm Cây Xanh cáo buộc bị chính quyền ‘cô lập’
Đại diện một tổ chức hoạt động vì môi trường ở Hà Nội cáo buộc rằng “vì chính quyền không thể bôi xấu được nhóm tổ chức phản động nên họ đang làm mọi cách để cô lập và hạn chế khả năng hoạt động của chúng tôi”.
Green Trees, một tổ chức dân sự hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hoạt động tại Hà Nội, đang thúc đẩy trách nhiệm giải trình cũng như tính minh bạch của chính quyền trước đề xuất chặt 1.300 cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng.
Hôm 8/6, dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn, đại diện nhóm Green Trees nói với BBC từ Hà Nội: “Lần này, tôi có dự báo rằng chính quyền sẽ hành xử giống như vụ sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội.”
“Họ đang “làm” dư luận theo chiến thuật tương tự. Chính quyền không thể bôi xấu được nhóm Green Trees là tổ chức phản động nên họ đang làm mọi cách để cô lập và hạn chế khả năng hoạt động của nhóm cũng như mỗi thành viên.”
“Chuyện chính quyền cho người ngăn chặn việc xưng tên nhóm khi viếng đám tang thân phụ một thành viên gần đây, cũng nằm trong hướng ngăn chặn này.”
“Theo như tôi thấy, nguyên do lớn nhất để phải không chặt hai hàng xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng là bởi luôn có phương án phát triển hạ tầng mà không phải chặt cây.”
“Những cây xanh to lớn như vậy cần được coi là tài sản quý, do tích tụ công lao chăm sóc và năng lượng trời đất hàng chục năm trời.”
“Hai hàng cây này liên quan đến môi trường của thủ đô, sức khỏe của người đi đường cũng như dân cư trong khu vực.”
“Do đó, tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng nên ưu tiên chọn phương án xây dựng làm sao để giữ lại được hai hàng cây lớn này.”
‘Im lặng’
“Nếu quan điểm của chính quyền là không thể không chặt cây, thì điều đó phải được làm rõ trên tinh thần công khai, minh bạch.”
“Nhóm chúng tôi xác định rằng cứ làm những việc gì cần làm đúng với tôn chỉ hoạt động bảo vệ môi trường trên tinh thần ôn hoà và phát triển bền vững.”dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn
“Tức là cần có hội thảo mở, đánh giá các phương án thiết kế, với sự tham gia của đông đủ các thành phần xã hội như các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước về lĩnh vực thiết kế, xây dựng, cây xanh đô thị, quy hoạch đô thị, cùng các tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động môi trường.”
“Nội dung chính và kết luận của hội thảo cần được công khai trên báo chí để người dân được biết.”
Đề cập về những lần Green Trees gửi đơn đến cơ quan chức năng về việc đề nghị không chặt cây, bảo vệ môi trường trước đây, ông Anh Tuấn nói: “Chúng tôi chỉ nhận được sự im lặng hoặc “chuyền bóng” qua lại.”
“Do vậy, tôi quan ngại rằng với vụ 1.300 cây xà cừ, chính quyền cũng sẽ dùng sức mạnh của hệ thống chính trị mà áp đặt.”
“Nhóm chúng tôi xác định rằng cứ làm những việc gì cần làm đúng với tôn chỉ hoạt động bảo vệ môi trường trên tinh thần ôn hoà và phát triển bền vững.”
“Và khi làm xong được việc gì thì chúng tôi mới công bố vì nếu nói trước thì có thể sẽ bị ngăn chặn.”
“Ước nguyện lớn nhất của chúng tôi là nếu nhóm Green Trees phát triển tốt thì sẽ góp phần cùng các phong trào xã hội dân sự khác cùng kiến tạo văn minh thông qua các việc thiết lập các kênh đối thoại ôn hòa.”
“Việc này sẽ đẩy lùi các nguy cơ bạo lực trong bối cảnh đầy rẫy các mâu thuẫn xã hội như hiện nay và trong tương lai gần,” ông Anh Tuấn nói với Ben Ngô của BBC Tiếng Việt.
0 nhận xét