Tin khắp nơi – 08/06/2017
Bắc Hàn thử tên lửa lần thứ năm chỉ trong một tháng
Bắc Hàn vừa phóng một loạt tên lửa đất đối hạm từ bờ biển phía đông nước này vào hôm 8 tháng 6.
Đây là lần bắn thử thứ 5 của Bắc Hàn chỉ trong vòng chưa đầy một tháng. Hoạt động này được cho nhằm phản ứng lại sức ép quốc tế đối với chương trình vũ khí của nước này cũng như đáp trả hoạt động tập trận chung vừa rồi giữa Mỹ và Nam Hàn.
Bộ Quốc phòng Nam Hàn cho biết những tên lửa tầm ngắn mà Bắc Hàn phóng đi hôm 8 tháng 6 bay được khoảng 200 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.
Theo Bộ Quốc phòng Nam Hàn, tên lửa rơi đúng vào vùng biển mà tàu USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan của Mỹ vừa rời đi sau cuộc tập trận chung với hải quân Nam Hàn hồi đầu tuần.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nam Hàn Roh Jae-cheon cho biết vụ bắn thử lần này nhằm cho thấy khả năng của Bình Nhưỡng đối với một loạt các loại tên lửa và sự chính xác của chúng khi nhắm tới các tàu.
Kể từ khi Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in lên nhậm chức vào hồi đầu tháng 5 đến nay, Bình Nhưỡng đã bắn thử 3 lần tên lửa đạn đạo, một lần tên lửa đất đối không và loạt tên lửa đất đối hạm vào ngày 8 tháng 6.
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia ngay sau khi Bắc Hàn cho bắn tên lửa đất đối hạm hôm 8 tháng 6, tổng thống Nam Hàn cho biết những hành động này của Bình Nhưỡng chỉ khiến nước này thêm cô lập với cộng đồng quốc tế, gặp thêm khó khăn về kinh tế và sẽ mất đi cơ hội phát triển.
Tổng thống Moon Jae-in là người có chủ trương muốn nói chuyện với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, nói trước Hội đồng An ninh sau vụ bắn thử, ông đã khẳng định Nam Hàn sẽ không lùi dù chỉ là một bước và sẽ không nhượng bộ Bắc Hàn.
Hàn Quốc:
‘Bắc Hàn nên ngừng ngay lập tức những lời khiêu khích’
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm thứ Năm 8/6 nói Bắc Triều Tiên “nên ngừng ngay lập tức những lời khiêu khích về chương trình hạt nhân và tên lửa”, sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa nghi có khả năng chống hạm vào sáng sớm cùng ngày.
Ông Moon nói: “Chính phủ của chúng tôi, như đã nói nhiều lần, sẽ không lùi bước hoặc thỏa hiệp về vấn đề an ninh quốc gia và sự an toàn của người dân. Chính phủ sẽ không ngừng nỗ lực để phi hạt nhân hóa hoàn toàn vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên, thông qua các biện pháp trừng phạt và đối thoại.”
Bộ Tổng Tham mưu Hàn Quốc cho hay Bắc Triều Tiên đã phóng nhiều tên lửa hôm thứ Năm từ thị trấn Wonsan ở phía đông, các tên lửa này bay được khoảng 200 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.
Đây là vụ thử tên lửa thứ tư của Bắc Triều Tiên trong một tháng qua, được thực hiện sau khi Hội đồng Bảo an LHQ áp dụng các biện pháp chế tài mới đối với chính quyền của ông Kim Jong Un vào tuần trước.
Ba vụ thử trước đều liên quan tới tên lửa đạn đạo, điều này cho thấy Bắc Hàn hình như quyết tâm phát triển một loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và có thể bắn tới lục địa Hoa Kỳ.
Ông Bruce Bennett, nhà phân tích của hãng Rand Corporation nói với VOA rằng các tên lửa trong cuộc thử nghiệm hôm thứ Năm có lẽ quá nhỏ để có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Ông Bennett phân tích:
“Các vụ thử nghiệm chứng minh các khả năng mới, cho thấy Bắc Hàn đang có tiến bộ và bao trùm một số khu vực mới, nhưng mặt khác cũng giúp củng cố vị thế ông Kim Jong Un ở trong nước, chống lại các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an và các nước khác, đặc biệt từ Trung Quốc, khi Bắc Kinh ngưng nhập than từ Bình Nhưỡng.
Hành động này cũng cho thấy Bắc Hàn đang cố gắng chứng minh với dân rằng ông Kim Jong Un vẫn là một vị thần, đầy quyền lực và có khả năng làm những việc quan trọng”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc giục Trung Quốc – trong tư cách là đồng minh chủ yếu của Bắc Hàn, sử dụng mối quan hệ này để gây áp lực đối với ông Kim Jong Un và kiềm chế tham vọng hạt nhân của ông Kim.
Trong khi đó, Hàn Quốc tuyên bố sẽ đình chỉ việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đang gây tranh cãi, cho tới khi hoàn tất cuộc đánh giá tác động môi trường mà Tổng thống Moon đã ra lệnh tiến hành.
Cựu Giám đốc FBI:
Tổng thống Trump yêu cầu tôi trung thành
Ngay trong lời đầu bài phát biểu trước Quốc hội vào ngày 7/6, cựu Giám đốc FBI, James Comey, nêu rõ Tổng thống Donald Trump bảo ông rằng: “Tôi cần sự trung thành. Tôi trông đợi lòng trung thành” trong một buổi cơm tối hồi tháng Giêng, theo các tài liệu công bố 1 ngày trước khi ông Comey ra trả lời chất vấn của Ủy ban Tình báo Thượng viện.
Bài diễn văn đã soạn của ông Comey được tiết lộ cho báo giới chiều 6/6.
Trong đó, ông Comey mô tả chi tiết rằng ông và Tổng thống Trump ăn tối riêng với nhau vào tháng Giêng. Dịp này, Tổng thống Trump hỏi ông Comey có muốn tiếp tục giữ chức Giám đốc FBI hay không. Ông Comey đáp ông muốn phục vụ hết 10 năm nhiệm kỳ và ‘không đứng về bên nào xét về mặt chính trị.’
Vẫn theo lời ông Comey, sau đó Tổng thống Trump đã đưa ra những lời lẽ đề cập đến sự trung thành. Ông Comey trả lời rằng ông chỉ có thể cam kết thành thật với Tổng thống. Khi Tổng thống Trump bảo ông ấy muốn ‘một sự trung thành chân thật’, ông Comey đã ngừng một lát rồi đáp rằng “Tôi sẽ dành cho Tổng thống điều đó.’
Ông Comey bị Tổng thống Trump đột ngột sa thải vào tháng trước.
Cựu Giám đốc FBI sắp điều trần:
Thắc mắc cần được giải đáp
Cựu Giám đốc FBI, James Comey, người bị Tổng thống Donald Trump sa thải cách đây gần 1 tháng, sẽ điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện vào ngày 8/6. Ủy ban này đang điều tra sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 cũng như mối liên hệ, nếu có, giữa Moscow với người của Tổng thống Trump.
Đây sẽ là lần xuất hiện trước công chúng đầu tiên của ông Comey kể từ khi ông bị Tổng thống sa thải vào ngày 9/5 vừa qua.
Ông Comey bị đuổi việc trong lúc đang dẫn đầu cuộc điều tra của FBI về sự can dự của Nga vào bầu cử Mỹ và có hay không sự thông đồng giữa những trợ lý trong chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga nhằm giúp ông Trump đánh bại đối thủ Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Vài ngày sau khi ông Comey bị sa thải rộ lên tin ông có ghi chú lại tỉ mỉ chi tiết nội dung trong các cuộc trao đổi với Tổng thống.
Buổi điều trần dự kiến diễn ra lúc 10 giờ sáng ngày 7/6.
Một số những câu hỏi có phần chắc sẽ được nêu lên với cựu Giám đốc FBI:
1. Tổng thống Donald Trump có yêu cầu ông Comey cam kết trung thành với Tổng thống hay không?
Theo tin tức báo chí, các nguồn tin thân cận với ông Comey cho hay ông Trump đã yêu cầu ông Comey hứa trung thành với Tổng thống trong bữa ăn tối tại Tòa Bạch Ốc.
Trong cuộc phỏng vấn với NBC, ông Trump nói ông Comey yêu cầu được gặp Tổng thống vì không muốn bị mất việc. Ông Trump không hề đề cập tới chuyện yêu cầu ông Comey hứa trung thành.
2. Tổng thống Trump có thúc giục ông Comey hủy cuộc điều tra nhắm vào cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn hay không?
Theo báo chí Mỹ, ông Comey cho các thành viên trong nội bộ tin cậy của ông biết rằng Tổng thống Trump tỏ ý hy vọng rằng ông Comey sẽ ngưng cuộc điều tra về ông Flynn và các liên hệ của ông Flynn với các đặc vụ Nga.
“Tôi hy vọng ông sẽ thôi, bỏ qua vụ của ông Flynn,” tờ Times thuật lời Tổng thống Trump nói với ông Comey sau khi bí mật mời ông Comey tới Phòng Bầu Dục. “Ông ấy là người tốt. Tôi hy vọng ông có thể bỏ qua chuyện này.”
3. Ông Comey có nghĩ rằng hành động của ông Trump là tìm cách cản trở cuộc điều tra về Nga hay không?
Ông Comey có phần chắc sẽ không có câu trả lời dứt khoát. Theo dự kiến, ông Comey sẽ mô tả các sự kiện và để người khác phân tích các khía cạnh pháp lý.
4. Có hay không chuyện ông Comey đã nhiều lần nói với Tổng thống rằng Tổng thống không bị điều tra?
Trong thư gửi ông Comey thông báo quyết định sa thải, Tổng thống Trump viết rằng “Tôi hết lòng cảm kích ông đã thông báo với tôi, trong ba lần khác nhau, rằng tôi không bị điều tra” về vụ Nga.
5. Ông Comey có thể trưng ra bằng chứng gì cho thấy có sự thông đồng giữa người nội bộ của ông Trump với các giới chức Nga hay không?
Liệu các phụ tá tin cậy của ông Trump có bí mật hợp tác với Nga trong âm mưu gây hại cho chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton hay không-đó là trọng tâm của các cuộc điều tra của liên bang lẫn của Quốc hội. Có phần chắc ông Comey sẽ không đưa ra câu trả lời dứt khoát.
‘Watergate ‘thua xa’ vụ tai tiếng về liên hệ Nga-Trump’
Cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia của Hoa Kỳ James Clapper nói vụ Watergate của những năm 1970 “chẳng thấm vào đâu” so với những cáo buộc là có sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump với nước Nga.
Lời bình luận của ông Clapper được đưa ra hôm thứ Tư 7/6, tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Australia ở thủ đô Canberra.
Ông Clapper phác họa chuyện người Nga đã can thiệp vào các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong quá khứ như thế nào, nhưng ông nói nỗ lực của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 là “chưa hề có tiền lệ, xét về tính trực diện đối đầu và tính hung hăng của nó.”
Vụ Watergate là một vụ tai tiếng chính trị vào năm 1972, nổ ra khi FBI bắt giữ những người đột nhập trụ sở của Uỷ ban toàn quốc Đảng Dân chủ tại khách sạn Watergate, và tiếp theo đó là vụ bưng bít thông tin, rốt cuộc đã buộc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức vào năm 1974.
Ông Clapper lên tiếng một ngày trước khi cựu giám đốc FBI James Comey ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ về những cáo buộc cho rằng có thể có sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cửa của Tổng thống Trump với nước Nga.
Đây là lần đầu tiên ông Comey xuất hiện trước công chúng, kể từ khi ông bị Tổng thống Trump sa thải hôm 9/5 vừa rồi.
Ông Trump đề cử tân Giám đốc FBI qua Twitter
Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử ông Christopher Wray vào chức Giám đốc FBI vào sáng thứ Ba 6/6. Quyết định này không được loan báo trong một tuyên bố chính thức của Tòa Bạch Ốc, hoặc trực tiếp từ Tổng thống Trump, mà là qua trung gian trang Twitter, một kênh thông tin được ông Trump ưa chuộng.
Ông Trump viết trên Twitter, trang mạng xã hội của ông có đến 31.8 triệu người đăng ký nhận tin như sau: “Tôi sẽ đề cử ông Christopher A. Wray, một người toàn hảo và hội đủ các điều kiện vào chức vụ tân Giám đốc FBI.”
Việc ông Trump loan báo đề cử ông Wray trên Twitter làm dấy lên những bàn tán về liệu phòng báo chí của Tòa Bạch Ốc có hay biết gì về quyết định của ông Trump, đề cử tân Giám Đốc FBI qua mạng xã hội như thế này hay không.
Nếu được chuẩn thuận, ông Wray sẽ thay thế ông James Comey, cựu Giám Đốc FBI đã đột ngột bị sa thải hồi tháng trước.
Tin về việc đề cử tân giám đốc FBI được tung ra một ngày trước khi ông Comey ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện về liệu ông Trump có tìm cách gây áp lực để ông Comey hủy bỏ cuộc điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn hay không.
al-Shabab tấn công căn cứ quân sự Somalia, 50 người chết
Ít nhất 50 người, trong đó có 3 sĩ quan cao cấp, bị giết hôm thứ Năm 8/6, khi phiến quân al-Shabab tấn công một căn cứ quân sự ở vùng bán tự trị Puntland, quân đội và nhân chứng xác nhận với VOA.
Các nguồn tin này nói trong số những người thiệt mạng, có ít nhất 45 binh sĩ Puntland và 5 phiến quân al-Shabab.
Tuy nhiên, ông Abdi Hirsi Ali, Bộ trưởng An ninh Puntland, bác bỏ tin về tổn thất nhân mạng lớn về phía quân đội. Ông nói với các phóng viên rằng hầu hết số thương vong là thường dân.
Theo các nhân chứng ở làng Af-Urur thuộc vùng Bari, cuộc tấn công bắt đầu với một loạt tiếng súng kéo dài hơn hai giờ.
Các tay súng Al-Shabab tuyên bố đã chiếm được căn cứ, giết chết hơn 61 binh sĩ Puntland.
Các giới chức an ninh ở Somalia tin rằng khu vực xảy ra vụ tấn công được coi là một địa điểm chiến lược để phiến quân al-Shabab nơi các phần tử chủ chiến ở miền nam Somali kết nối với các phần tử chủ chiến al-Qaeda ở Yemen.
Anh bắt 3 nghi can
âm mưu thực hiện một cuộc tấn công khủng bố
Các giới chức Anh cho hay ba người đàn ông bị bắt trong một loạt vụ bố ráp hôm thứ Tư ở khu vực đông London, vì bị tình nghi đang trong giai đoạn cuối trước khi thực hiện một âm mưu tấn công khủng bố mới tại thủ đô nước Anh, tương tự như vụ giết người bữa bãi xảy ra hôm thứ Bảy tuần trước trên cầu London.
Cảnh sát cho hay, các đương sự đều trong lứa tuổi 30, và không liên quan gì đến vụ tấn công bằng bom và dao hồi tuần trước trên cầu London và các quận khác của thủ đô, khiến 8 người thiệt mạng và 48 người bị thương.
Trong một đoạn video mà báo The Times có được, có cảnh ghi hình ba nghi can ôm lấy nhau và cười lớn bên ngoài phòng gym Ummah.
Trung tâm tập gym Ummah từng được điều hành bởi một người đàn ông bị tố cáo đã giúp huấn luyện các phần tử cực đoan Hồi giáo đã thực hiện các cuộc đánh bom vào hệ thống xe điện ngầm ở London hôm 7/7/2015. Đây là vụ đánh bom tự sát do các phần tử cực đoan Hồi giáo thực hiện ở nước Anh. 52 người bị giết chết và 700 người bị thương trên khắp thành phố trong một cuộc tấn công có phối hợp.
Bầu cử ở Anh: Đảng Bảo Thủ đương quyền dẫn đầu
Cử tri Anh đang đi đầu phiếu để bầu đại biểu Hạ viện, trong một cuộc bầu cử sớm mà Thủ tướng Anh Theresa May yêu cầu tổ chức hồi tháng Tư, giữa lúc bà tìm cách củng cố sự ủng hộ của cử tri trước các cuộc đàm phán để thực thi quyết định của Anh, rút ra khỏi Liên hiệp Âu châu.
Thủ Tướng May đã đi bỏ phiếu vào sáng sớm ngày thứ Năm, cũng như ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo Đảng Lao động.
Kết quả cuộc bầu cử để chọn người vào 650 ghế trong Hạ viện Anh, theo dự kiến sẽ được công bố vào sáng sớm thứ Sáu 9/6.
Khi bà May yêu cầu tổ chức bầu cử, Đảng Bảo thủ do bà lãnh đạo dẫn đầu một khoảng cách xa đảng đối lập trong các cuộc thăm dò ý kiến công chúng, đồng thời nắm giữ một đa số mỏng manh trong Thượng viện. Tuy nhiên mức độ ủng hộ cho đảng bảo thủ đã sụt giảm trong vài tháng qua, tuy nhiên các cuộc thăm dò ngay trước bầu cử hôm thứ Ba, vẫn cho thấy đảng Bảo thủ dẫn trước đảng đối lập chính, là Đảng Lao động.
Vấn đề an ninh đã nổi cộm trong những tuần lễ dẫn tới bầu cử, sau khi các cuộc tấn công ở London và Manchester giết chết 30 người.
IS đe dọa tiếp tục tấn công Iran,
nhận trách nhiệm vụ tấn công quốc hội
Bộ Ngoại giao Iran hôm thứ Năm 8/6 cho biết 5 người đàn ông tham gia cuộc tấn công quốc hội và ngôi mộ của cựu lãnh đạo Ayatollah Ruhollah Khomeini là công dân Iran đã gia nhập nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Nguồn tin này cho biết các đương sự đã cầm súng chiến đấu cho Nhà nước Hồi giáo ở thành phố Mosul bên Iraq, và thành phố Raqqa của Syria, trước khi trở về Iran hồi tháng 8 năm ngoái.
Các quan chức Iran cũng nâng số tử vong trong cuộc tấn công hôm thứ Tư, lên ít nhất 17 người, số người bị thương là 40 người.
Các cuộc tấn công diễn ra hầu như cùng lúc, sử dụng súng máy và IS lập tức tuyên bố hai kẻ đánh bom tự sát là người của họ. IS còn đe dọa họ có thể phát động một đợt hành động thù nghịch mới ở Trung Đông, trong khi tình hình khu vực này đang rất căng thẳng.
Tình báo Mỹ mô tả đây là cuộc tấn công khủng bố tệ hại nhất do người Iran thực hiện ở Tehran kể từ những năm 1980, nhưng một giới chức nói trước đó đã có dấu hiệu cho thấy IS đang có mưu đồ tấn công.
Giới chức Mỹ nói:
“ISIS bày tỏ quyết tâm ngày càng cao sẽ thực hiện các cuộc tấn công trên lãnh thổ Iran.”
Viên chức này nói rõ ràng là “Iran đã đứng đầu danh sách những kẻ thù của ISIS.”
Các giới chức Iran lập tức đổ lỗi vụ tấn công cho Á Rập Xê-Út.
Hội đồng Bảo an LHQ mạnh mẽ lên án các cuộc tấn công, nói rằng đây là hành động “dã man và hèn nhát”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi lời chia buồn và đề nghị trợ giúp.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói Hoa Kỳ lấy làm đau buồn và cầu nguyện cho “những nạn nhân vô tội” trong các cuộc tấn công, và “nhân dân Iran, đang phải trải qua một thời gian đầy thử thách.”
Tuy nhiên, ông Trump cảnh cáo rằng “các quốc gia tài trợ cho khủng bố có thể trở thành nạn nhân của cái ác do chính họ cổ vũ.”
Đáp lại trên Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif chỉ trích lời bình luận của ông Trump và việc Thượng viện Hoa Kỳ sắp đưa ra các các lệnh trừng phạt mới đối với Iran.
Philippines nói phiến quân Hồi giáo ‘thất thủ’
Các chiến binh Hồi giáo đang ẩn nấp tại thị trấn Marawi ở miền nam Philippines chỉ còn kháng cự nhỏ sau khi quân đội chặng đứng nguồn tiếp liệu buộc một số tay súng phải tìm cách trốn khỏi thành phố. Tin từ các giới chức quân sự cho biết hôm thứ Năm 8 tháng 6.
Reuters trích lời Tổng tham mưu lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Eduaro Ano nói với đài truyền hình ANC vào ngày 8 tháng 6 rằng vấn đề này có thể sẽ kết thúc trong 1 vài ngày nữa
Trận đánh tại thành phố Marawi vừa qua đã làm dấy lên mối quan ngại rằng Nhà nước Hồi giáo đang xây dựng một căn cứ trên đảo Mindanao của Philippines có thể gây ra mối đe doạ cho Indonesia, Malaysia và Singapore.
Cảnh sát Indonesia ngày 8/6 cho biết họ đã bắt giữ một người đàn ông vì nghi ngờ giúp những người Indonesia tham gia vào nhóm phiến quân Hồi giáo trong vụ tấn công thành phố Marawi ở miền nam Philippines. Ngoài ra có hai người khác bị bắt với cáo buộc kích động một vụ đánh bom tự sát kép ở thủ đô Jakarta.
Hãng tin AP trích lời phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Martinus Sitompul cho biết người đàn ông này bị bắt hôm 6/6 vì đã hỗ trợ một số người Indonesia đi tới đảo Mindanao.
Còn hai người kia bị bắt hôm 7/6 với cáo buộc đã gặp gỡ 2 tên đánh bom khác vào hôm 19/5 để bàn bạc kế hoạch vụ tấn công
Bầu cử Quốc Hội Anh :
Tâm điểm dư luận chuyển từ Brexit sang vấn đề khủng bố
Hôm nay, 08/06/2017, người dân Anh đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội sớm do thủ tướng Theresa May quyết định hồi tháng trước nhằm tìm kiếm sự ủng hộ để có đủ nhiệm kỳ 5 năm để đàm phán và thực hiện ý nguyện của cử tri muốn nước Anh rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Tuy vậy, hai cuộc tấn công khủng bố đã làm lu mờ mọi cuộc tranh cãi về việc sẽ Brexit như thế nào và đổ dồn mọi chỉ trích vào vấn đề an ninh, mà chính bà thủ tướng trước kia là bộ trưởng phụ trách nội vụ và cũng là người quyết định cắt giảm ngân sách cho ngành cảnh sát. Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải tường trình.
Thông tín viên Lê Hải (Luân Đôn)08/06/2017Nghe
Các phòng phiếu trên khắp nước Anh mở cửa trong một ngày mây mù, chỉ thiếu có mưa là đúng cảnh ảm đạm thường gặp trên hòn đảo này. Nhiều cử tri xếp hàng bỏ phiếu trước khi đi làm, để chiều muộn có thể thong thả đi uống bia với bạn bè nơi công sở xem dự báo kết quả chứ không phải gấp rút dồn phiếu vào giờ chót, như trong một cuộc bầu cử trước đây.
Tờ báo miễn phí cho độc giả có thiên hướng kinh doanh là City A.M. chạy hàng tít trên trang nhất gọi đây là « Ngày quyết định », thông báo chỉ số tài chính FTSE rớt điểm và kèm theo là một bài bình luận xem độc giả nên lên kế hoạch tối nay như thế nào theo từng kịch bản riêng biệt.
Cụ thể là nếu thủ tướng tái đắc cử thì con tàu nước Anh sẽ gặp nhiều cơn sóng lớn và người lèo lái nó sẽ đối mặt với nhiều khó khăn chính trị. Trong khi đó, nếu Công Đảng đối lập thắng thì Brexit sẽ mềm hơn, nhưng đồng Bảng sẽ lên xuống thất thường. Trong trường hợp lá phiếu của người dân tạo ra một quốc hội không có bên nào đủ mạnh thì tiền Anh mất giá và quá trình rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu sẽ vô cùng phức tạp. Đài truyền hình BBC News thực hiện nguyên tắc im lặng bầu cử và không bàn chuyện chính trị nước Anh trong ngày hôm nay, còn báo Guardian thì tường thuật bầu cử trực tiếp trên trang mạng.
Hôm nay Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia của Anh cũng phải thay đổi luật lệ, không chỉ mở cửa phòng phiếu từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối như thường lệ mà đến đúng 10 giờ vẫn sẽ mở cửa cho đến khi người cuối cùng đứng trong hàng bỏ phiếu xong.
Thủ thướng Theresa May ra quyết định bầu cử sớm nhằm tận dụng thời điểm bên Công đảng đang yếu thế và theo dự kiến thì sẽ có một nhiệm kỳ 5 năm đủ để đàm phán Brexit trong 2 năm đầu và sau đó thì yên tâm thực hiện các kế hoạch đã đưa ra, mà không bị dân chúng phản ứng khiến Đảng Bảo Thủ bị mất quyền lãnh đạo. Vậy thì tình hình cho đến lúc này là như thế nào?
Hãng cá cược Ladbrokes chạy quảng cáo trên trang nhất của tờ báo miễn phí có lượng ấn bản nhiều nhất nước Anh hiện nay là tờ Metro, phát hành ở thủ đô Luân Đôn và các thành phố lớn của nước Anh, đưa ra tỷ lệ thủ tướng tái đắc cử là 20 ăn 1. Hãng cá cược Betfair thì tính tỷ lệ Đảng Bảo Thủ thắng là 93%, còn Công Đảng là 7%.
Trên mạng xã hội, tin tức lan truyền không còn tính theo giờ, mà có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào, khi các báo hầu như đều chạy video live trên mạng facebook, hay tin nhắn breaking news trên Twitter. Ngoài ra, bất kỳ ai cũng có thể trở thành người phát tin, và ngay cả thủ tướng Theresa May cũng phải mở trang riêng để vận động cử tri trên mạng Facebook.
Đảng Lib-Dem còn lập các nhóm riêng cho từng địa phương để không cần phải hội họp theo kiểu truyền thống, mà nhanh chóng điều phối nhau trong ngày hôm nay. Công nghệ mạng xã hội cũng giúp họ giảm chi phí hoạt động và tạo ra thêm nhiều ứng viên ở các địa phương mà trước đây không thể với tới được với nguồn ngân sách và điều kiện hoạt động như cũ.
Cũng cần nói thêm rằng Đảng Bảo Thủ có vẻ như là chắc chắn sẽ thắng, nhưng thắng như thế nào mới là điều khó đoán trong ngày hôm nay.
Tổng cộng trên toàn nước Anh có 650 khu vực bầu cử để chọn ra 650 nghị sĩ Quốc Hội, vậy mà theo kết quả lần trước thì đã mất hết 56 ghế cho đảng BNP của người Scotland. Muốn thắng để đủ sức tự mình lập chính phủ cầm quyền, thì một đảng cần kiếm đủ 326 ghế, mà trong cuộc bầu cử trước đây Đảng Bảo Thủ chỉ có được 331 ghế mà thôi, thực sự là không nhiều lắm. Các vấn đề địa phương vẫn luôn là ẩn số bất ngờ nhất, như là chiến thắng của ứng viên da màu của phe Công Đảng vào chiếc ghế thị trưởng Luân Đôn, hay thất bại của một ứng viên từ Đảng Bảo Thủ ở khu tây bắc Luân Đôn vì kế hoạch mở rộng sân bay Heathrow.
Thủ tướng Anh đưa ra quyết định bầu cử sớm trên cơ sở đánh giá khả năng thắng áp đảo. Nhưng hai vụ khủng bố liên tiếp trong vòng một tháng vừa qua làm chết và bị thương rất nhiều người ở Manchester và Luân Đôn đã ảnh hưởng rất mạnh đến dư luận. Vậy thì liệu bên phía đối lập có được thêm phiếu do đảng cầm quyền mất uy tín hay không?
Hai vụ tấn công khủng bố liên tiếp nhau không chỉ gây chấn động cho dư luận ở Anh, mà cả trong mắt nhìn của thế giới. Mới sáng nay truyền thông ghi nhận thêm một nạn nhân người Pháp, bị chiếc xe của bọn khủng bố tông rớt xuống sông Thames, mà sau mấy ngày mới tìm được xác nơi hạ nguồn, còn cô người yêu đi cùng thì vẫn đang phải điều trị trong bệnh viện.
Đúng ngày bầu cử cảnh sát công bố đoạn phim quay đúng đoạn cảnh sát nã gần 50 phát đạn để tiêu diệt 3 kẻ khủng bố đeo thiết bị giả làm bom, có thể coi như là thông điệp trấn an dân chúng. Phóng sự bầu cử trên truyền hình Sky News cũng ghi nhận sự có mặt của cảnh sát vũ trang ở nhiều điểm bỏ phiếu.
Chính phủ của thủ tướng Theresa May chịu nhiều chỉ trích đã để xảy ra vụ tấn công khủng bố và cắt giảm cảnh sát, nhưng đồng thời dư luận cũng nhận được nhiều thông tin trấn an kiểu như vậy, đặc biệt là phản ứng nhanh nhạy của lực lượng chức năng sớm giới hạn con số thương vong. Do đó, khó có thể đánh giá rõ ràng xem vụ khủng bố đã ảnh hưởng như thế nào tới lá phiếu của người dân trong cuộc bầu cử Quốc Hội lần này.
Tuy nhiên, một điều có thể chắc chắn là tâm điểm của dư luận hầu như đã chuyển hoàn toàn từ câu chuyện Brexit sang vấn đề an ninh và khủng bố quốc tế, làm đảo lộn mọi tính toán của các phe phái chính trị. Chiến dịch tranh cử của các bên cũng phải tạm ngưng hai lần liền, đặc biệt nhất là đúng vào Chủ Nhật vừa rồi, thời điểm tốt nhất để chiến dịch vận động có thể tác động mạnh vào quyết định chọn lựa của người dân.
Cho nên, có thể nói rằng đây là một cuộc bầu cử mà cử tri ít được chuẩn bị tinh thần nhất, và cũng không có nhiều thời gian để suy tính chắc chắn xem là nên bỏ phiếu cho đảng nào.
Cho đến thời điểm này, các dự đoán đều thiên về khả năng đảng Bảo Thủ thắng cử và lập được chính phủ để lãnh đạo nước Anh trong vòng 5 năm tới. Vậy thì có thể dự báo gì về con đường tương lai của đảo quốc ?
Các phương pháp khảo sát thăm dò hiện nay không còn chính xác như trước, bởi vì tác động của mạng xã hội khiến cho suy nghĩ của con người ta không chỉ dao động, mà còn thay đổi rất nhanh chóng, đặc biệt là trong xã hội công nghệ cao như nước Anh này. Trước đây con người suy nghĩ theo nhịp của báo chí hàng ngày, rồi dần sau đó là theo nhịp của các kênh truyền hình tin tức tính bằng giờ. Trong các cuộc bầu cử gần đây, số lượng cử tri được vận động đi bỏ phiếu vào giờ chót đã làm thay đổi đáng kể kết quả kiểm phiếu.
Tuy nhiên, điểm chung cho kết quả bầu cử, bất kể là đảng nào thắng, thì chính phủ của họ đều chưa giải được bài toán ngân sách và người dân Anh sẽ phải tiếp tục thắt lưng buộc bụng hoặc nộp thêm thuế để nuôi các dự án tốn kém của chính phủ.
Đảng yếu thế nhất là Lib-Dem chỉ trích hai đảng lớn là không lo nghĩ gì tới tương lai của nước Anh, và kêu gọi người dân hãy bỏ phiếu cho họ, tức là cho tương lai của mình, nhưng chương trình tranh cử lại không có gì cụ thể lắm để bảo đảm cho tương lai đó. Một nước Anh đang rời bỏ bến bờ châu Âu và mong đợi sự trợ giúp từ Hoa Kỳ, nhưng lại đúng thời điểm tổng thống Mỹ bị chê bai chỉ trích, thì có thể thấy trước một kịch bản không lấy gì làm tươi đẹp cho lắm.
Bầu cử Anh : Liên Âu lo lắng cho thương lượng Brexit
Hôm nay, 08/06/2017, cử tri Anh Quốc bầu Quốc Hội trước kỳ hạn. Kết quả thăm dò cho thấy hai Đảng Bảo Thủ và Công Đảng bám nhau sát nút. Chưa bao giờ, Liên Hiệp Châu Âu lại lo lắng cho kỳ bầu cử Quốc Hội tại Anh Quốc như lúc này, do nguy cơ đàm phán Brexit bị phá vỡ.
Vào lúc nhiều người đang đặt cược vào thắng lợi của Theresa May, các kết quả thăm dò trước kỳ bỏ phiếu cho thấy Đảng Bảo Thủ cánh hữu đang bị Công Đảng cánh tả bám sát nút. Nguy cơ thắng cử không có đa số tuyệt đối, bất kể là đảng nào, càng khiến cho châu Âu thêm lo lắng.
Liên Hiệp Châu Âu hy vọng bắt đầu đàm phán Brexit vào ngày 19/6, tức chỉ 10 ngày sau cuộc bầu cử và Bruxelles mong muốn sau cuộc bỏ phiếu hôm nay, nước Anh sẽ có một lãnh đạo “nặng ký”, với một “nhiệm kỳ vững chắc” để tiến hành 2 năm đàm phán, được dự báo là sẽ rất căng thẳng.
Vấn đề đặt ra là châu Âu không thể tiên đoán được chiến lược của Anh Quốc chừng nào Luân Đôn vẫn chưa ngồi vào bàn đàm phán. Do đó, mọi cặp mắt giờ đều đổ dồn vào cuộc bầu cử ngày hôm nay.
Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng theo phân tích của giới chuyên gia, được AFP trích dẫn, nếu có được đa số tuyệt đối, thủ tướng mãn nhiệm, bà Theresa May, sẽ chịu ít áp lực và không phải có những “nhượng bộ” đối với phe bài châu Âu ngay trong chính Đảng Bảo Thủ của bà. Trong trường hợp này bà Theresa May có thể dễ dàng thương lượng một số hồ sơ gai góc như khoản tiền Anh Quốc nợ Liên Hiệp Châu Âu (theo ước tính là từ 50-100 tỷ euro) và các quyền dành cho những công dân của Liên Hiệp Châu Âu đang sinh sống tại Anh.
Còn nếu như ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo đối lập thắng cử, tình thế còn trở nên bất định hơn. Vì như vậy, “mọi thứ lại phải làm lại từ đầu”, tuy rằng lãnh đạo phe tả vẫn luôn khẳng định tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu dân ý.
Ông Michel Banier, trưởng đoàn đàm phán của Ủy Ban Châu Âu đã cảnh báo trước Luân Đôn có nguy cơ đi về tay trắng. Nghĩa là : Không đạt được thỏa thuận nào, đặc biệt là thỏa thuận trao đổi tự do mậu dịch song phương, thời hậu Brexit. Nếu vậy, Liên Hiệp Châu Âu phải dự trù một kế hoạch B.
Trong tình hình hiện nay, Bruxelles chỉ còn biết “chờ xem” và kêu gọi các thành viên “đoàn kết”, đồng thời nhắc đi nhắc lại điệp khúc là các cuộc thương lượng về Brexit sẽ không làm xóa nhòa thiện chí tái thiết một Liên Âu vững mạnh, sau nhiều năm khủng hoảng và sự trỗi dậy của phe bài châu Âu.
Pháp thành lập Trung tâm quốc gia chống khủng bố
Trong buổi họp ngày 07/06/2017, tại Paris, Hội Đồng Quốc Phòng Pháp đã phê chuẩn sắc lệnh thành lập một Trung tâm quốc gia chống khủng bố, nằm trong Trung tâm điều phối thông tin tình báo. Quyết định của phủ tổng thống Pháp Elysée được đưa ra chỉ một ngày sau vụ tấn công khủng bố bằng búa nhắm vào cảnh sát trước Nhà thờ Đức Bà Paris.
Thành lập một đơn vị chống khủng bố cũng là một trong những lời hứa trong chiến dịch vận động tranh cử của tổng thống Emmanuel Macron. Trung tâm quốc gia chống khủng bố, còn gọi là « Task Force », trực thuộc tổng thống Pháp.
Điều hành « Task Force » là ông Pierre de Bousquet de Florian, từng đứng đầu cơ quan phản gián DST (Direction de la Surveillance du territoire) thuộc bộ Nội Vụ Pháp. Theo điện Elysée, trung tâm chống khủng bố sẽ hoạt động 24/24 giờ, gồm khoảng 20 người, chủ yếu là các nhà phân tích và đại diện của các cơ quan tình báo khác nhau tại Pháp.
Theo hãng tin AFP, Trung tâm quốc gia chống khủng bố chịu trách nhiệm « hướng dẫn chiến lược của các cơ quan tình báo » để bảo đảm sự điều phối giữa các cơ quan tình báo Pháp, nhưng « không định hướng tác chiến ». Ngoài ra, trung tâm này cũng « đề xuất lên tổng thống các kế hoạch hành động về hoạt động của các cơ quan tình báo » và « báo cáo hàng tuần với Hội Đồng Quốc Phòng, nơi thảo ra chiến lược chống khủng bố ».
Điện Elysée nhấn mạnh, mục đích thành lập « Task Force » là xóa bỏ ngăn cách giữa các cơ quan tình báo khác nhau của Pháp, chứ « không phải tạo thêm một tầng lớp quyết định mới ». Giải thích trên được cho là nhắm vào những lời chỉ trích của giới quan sát tình báo, cho rằng « Task Force » có thể trở thành một đơn vị quan liêu mới.
Khủng hoảng Trung Đông :
Tổng thống Mỹ điện đàm với lãnh đạo Qatar
Sau khi ủng hộ quyết định của các quốc gia trong vùng Vịnh cô lập Qatar, ngày 07/06/2017, tổng thống Donald Trump đề nghị giúp đỡ các bên giải quyết khủng hoảng. Trong cuộc điện đàm với quốc vương Qatar, Tamim ben Hamad al Thani, tổng thống Mỹ nêu khả năng mời các bên đến Washington để « san bằng những bất đồng ».
Mỹ là đồng minh của cả Ả Rập Xê Út lẫn Qatar, nhưng đã ủng hộ Riyad và một số các nước trong vùng Vịnh cắt đứt bang giao với Doha từ ngày 05/06/2017, với lý do Qatar dung túng khủng bố. Qua tin nhắn trên Twitter, tổng thống Trump đã cho rằng quyết định cô lập Qatar « là điểm khởi đầu khép lại thời kỳ khủng bố kinh hoàng ».
Thế nhưng chỉ 24 giờ sau, lãnh đạo Nhà Trắng đã dịu giọng hơn khi đề nghị đứng ra làm trung gian giải quyết khủng hoảng giữa Riyad và Doha, vì Mỹ đang có căn cứ không quân trong vùng sa mạc Al Udeid của Qatar. Căn cứ này đóng một vai trò trọng yếu trong các chiến dịch oanh kích nhắm vào tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Irak và Syria.
Pháp cũng lên tiếng trên hồ sơ này. Tổng thống Emmanuel Macron hôm qua điện đàm với nguyên thủ Qatar và Ả Rập Xê Út, kêu gọi các bên « đối thoại nhằm bảo đảm ổn định cho khu vực » trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực chống khủng bố. Trước đó, tổng thống Pháp cũng đã có hai cuộc trao đổi với quốc vương Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai cùng là những đồng minh thân thiết của Qatar.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn đóng một vai trò quan trọng hơn
Tối ngày 07/06/2017, Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh cho việc can thiệp quân sự hỗ trợ đồng minh Doha. Tuy nhiên theo thông tín viên Alexandre Billette, trước mắt quyết định này mới chỉ mang tính tượng trưng, chứng tỏ quyết tâm của tổng thống Erdogan đứng về phía Doha :
« Trước hết tổng thống Recep Tayyip Erdogan lấy làm tiếc là Qatar bị “cô lập” và “trừng phạt”. Rồi đến lượt Quốc Hội biểu quyết cho phép Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng đưa quân sang Qatar hỗ trợ Doha. Với Thổ Nhĩ Kỳ, quan hệ song phương mang tính “chiến lược”. Ông Erdogan đã nhiều lần viếng thăm Doha và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế cũng như quân sự với Qatar.
Khả năng Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân sang hỗ trợ đồng minh này nằm trong khuôn khổ một hiệp ước được đôi bên ký kết cách nay ba năm. Thực ra, Thổ Nhĩ Kỳ muốn đứng ra làm trung gian hòa giải, trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Trung Đông. Một mặt, tổng thống Erdogan muốn chứng tỏ lập trường đứng hẳn về phía Doha. Mặt khác, trong 48 giờ qua, giới ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ liên tục liên lạc với cả phía Qatar lẫn bên các nước vùng Vịnh. Đây là cách để Ankara chứng tỏ có thể có vai trò ở Trung Đông, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang bị gạt ra ngoài cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Raqqa, Syria”. »
Anh : 47 triệu cử tri đi bầu Quốc Hội trong bối cảnh khủng bố
An ninh và Brexit là hai yếu tố nổi bật trong cuộc bầu cử Quốc Hội Anh trước thời hạn ngày 08/06/2017. Kết quả sẽ được công bố ngay trong ngày hôm nay. Đảng Bảo Thủ đang cầm quyền của
bà Theresa May liệu có giành được đa số rộng rãi để dễ dàng thương lượng với các đối tác châu Âu về thủ tục Brexit hay không ?
Sau hai vụ khủng bố ở Manchester cuối tháng 5 và ở Luân Đôn đầu tháng 6, thăm dò dư luận về ý định của cử tri Anh cho thấy khoảng cách giữa Đảng Bảo Thủ và Công Đảng đã thu hẹp đáng kể. Theo thông tín viên Muriel Delcroix từ Luân Đôn cuộc bầu cử lần này là một bài toán trắc nghiệm đầy tính rủi ro với nữ thủ tướng Anh Theresa May.
”Ngày 18/04/2017 khi Theresa May quyết định tổ chức bầu cử trước thời hạn, đảng Bảo Thủ dẫn dầu các cuộc thăm dò dư luận với khoảng 20 điểm, so với bên Công Đảng. Đảng cầm quyền có cơ sở vững chắc để củng cố đa số ở Quốc Hội. Với cuộc bầu cử lần này, thủ tướng May muốn đạt hai mục tiêu cùng một lúc, một là giành được đa số rộng rãi để dễ dàng đàm phán với Bruxelles về thủ tục chia tay với Liên Hiệp Châu Âu, Brexit. Thứ hai là qua lá phiếu của cử tri, đánh bại Công Đảng của ông Jeremy Corbyn. Thế nhưng mọi việc đã không diễn ra một cách êm xuôi như bà May mong đợi.
Đầu tiên hết là chiến dịch vận động tranh cử của lãnh đạo cánh tả, ông Corbyn, được đánh giá là tốt hơn hẳn so với chiến dịch bên phía cánh bảo thủ. Kế tới là chương trình vận động của Jeremy Corbyn chú trọng nhiều đến mặt xã hội, y tế… trong khi chương trình của phe bảo thủ gây tranh cãi, đến nỗi buộc thủ tướng Theresa May phải xét lại một số đề xuất.. Sau cùng, Anh Quốc trong vỏn vẹn hai tuần lễ đã phải đối mặt với hai vụ tấn công khủng bố đẫm máu.
Sự kiện này khiến vấn đề an ninh trở thành tâm điểm của cuộc vận động tranh cử và có thể cướp đi đa số áp đảo như tính toán của thủ tướng Theresa May.
Theo một số các cuộc thăm dò về ý định bỏ phiếu, ngay cả trong trường hợp có được đa số ở Quốc Hội, chưa chắc là thành tích của bà May sẽ vẻ vang hơn so với người tiền nhiệm là ông David Cameron trong cuộc bầu cử hồi năm 2015. Tuy nhiên cần thận trọng với các kết quả thăm dò. Mọi người còn nhớ là các cơ quan thăm dò dư luận Anh từng đoán sai hoàn toàn về thắng lợi tuyệt đối của phe bảo thủ trong cuộc bầu cử năm 2015 và đặc biệt là kết quả cuộc trưng cầu dân ý về Brexit hồi tháng 6 năm ngoái”.
Khủng bố: Pháp phối hợp chặt chẽ hơn các cơ quan tình báo
Từ tháng 11 năm 2015 cho đến nay, Pháp đã bị một loạt tấn công khủng bố, khiến 239 người chết, phần lớn là do tổ chức Nhà nước Hồi Giáo nhận trách nhiệm. Vụ tấn công cảnh sát trước nhà thờ Đức Bà Paris ngày 06/06/2017 một lần nữa cho thấy cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan tình báo để ngăn chận tối đa những vụ khủng bố mới.
Chính là theo chiều hướng này mà ngày 07/06/2017, sau cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng, phủ tổng thống Pháp đã loan báo thành lập một “Trung tâm quốc gia chống khủng bố” ( Centre national du contre-terrorisme, CNCT ), một loại “task force” ( cơ quan chuyên trách ), đặt trực tiếp dưới quyền tổng thống Emmanuel Macron. Việc thành lập cơ quan này là một trong những lời hứa của ông Macron khi tranh cử tổng thống Pháp.
Theo điện Elysée, cơ quan mới này, mà ban đầu bao gồm khoảng 20 người, chủ yếu là các nhà phân tích, sẽ đặc trách việc “chỉ đạo chiến lược” cho các cơ quan tình báo, chủ yếu để bảo đảm có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan này, chứ không thay họ điều hành hoạt động. Trung tâm quốc gia chống khủng bố mỗi tuần sẽ báo cáo cho Hội đồng quốc phòng, cơ chế hoạch định chiến lược chống khủng bố và dựa trên báo cáo này, tổng thống sẽ ra các quyết định.
“ Task force” đó sẽ được lồng ghép vào trong trong cơ quan Điều phối tình báo quốc gia ( Coordination nationale du renseignement, CNR ), được thành lập từ thời tổng thống Nicolas Sarkozy. Cả hai cơ quan này kể từ nay sẽ nằm dưới sự lãnh đạo của ông Pierre Bousquet de Florian, cựu giám đốc cơ quan tình báo nội địa ( DST ) của Pháp.
Hiện giờ, cộng đồng tình báo của Pháp bao gồm 4 cơ quan lớn, một trực thuộc bộ Nội Vụ và ba trực thuộc bộ Quốc Phòng, với gần 11 ngàn công chức dân sự và quân sự, đặc trách việc thu thập tin tình báo và việc phản gián.
Trả lời ban Pháp ngữ RFI ngày 07/06/2017, ông Olivier Chopin, nhà nghiên cứu thuộc Trường Nghiên cứu Khoa học Xã hội EHESS, nhận định về vai trò của Trung tâm quốc gia chống khủng bố vừa được thành lập:
“ Mục đích là để tăng cường sự phối hợp trong lĩnh vực phân tích ở cấp cao giữa các cơ quan chủ chốt có liên hệ. Cơ quan này bao gồm khoảng 20 người, chắc toàn là những nhân vật rất quen với hoạt động liên bộ hoặc với trao đổi giữa cơ quan cấp quốc gia. Họ sẽ phối hợp hoạt động của những cơ quan tình báo để bảo đảm là không có sự dẫm chân lên nhau trong các cuộc điều tra và bảo đảm sự trao đổi tối đa các thông tin giữa các cơ quan.
Cho tới nay đó đã là nhiệm vụ của cơ quan Điều phối tình báo quốc gia, cụ thể là của điều phối viên và các cố vấn đặc biệt, nhưng đó không phải là một cơ quan có thẩm quyền buộc các cơ quan tình báo phải trao đổi với nhau một cách hiệu quả hơn. Đây đúng hơn là một sự quản lý về mặt chính trị. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về chống khủng bố và tình báo cho rằng cũng phải cải tiến việc hợp tác giữa các cơ quan về mặt phương tiện hành động về công nghệ và trên thực địa.”
Qua việc bổ nhiệm cựu giám đốc cơ quan tình báo nội địa Pierre Bousquet de Florian đứng đầu Trung tâm quốc gia chống khủng bố CNCT, ông Olivier Chopin cũng nhận thấy xu hướng “chuyên nghiệp hóa” chức vụ này:
“ Điều đáng chú ý đó là ông sẽ đứng đầu cả hai cơ quan CNCT và Cơ quan Điều phối tình báo quốc gia. Điều này xác nhận xu hướng đã được thể hiện qua việc bổ nhiệm điều phối viên tình báo quốc gia , đó là đưa vào cơ cấu này những người đã từng làm việc trong những cơ quan tình báo, có kinh nghiệm, có một cái nhìn xác đáng. Cho tới gần đây, điều phối viên tình báo quốc gia thường là những nhân vật xuất thân từ giới công chức hay từ quân đội.
Ý định của chính phủ là “chuyên nghiệp hóa” chức vụ này, nhưng thêm vào đó uy thế chính trị của Nhà nước. Đây không phải là một sáng kiến tồi, vì đứng đầu cơ quan mới là một nhân vật từng là giám đốc DST, nắm rất rõ về công việc tình báo trên thực địa.”
Tuy nhiên, trả lời ban Pháp ngữ RFI ngày 05/06/2017, nhà báo và cũng là chuyên gia về các vấn đề quốc phòng Jean-Dominique Merchet cho biết việc thành lập Trung tâm quốc gia chống khủng bố đã không nhận được sự đồng tình của toàn bộ các cơ quan tình báo của Pháp :
« Ý định của họ là phối hợp tốt hơn công việc của các cơ quan khác nhau có liên hệ đến lĩnh vực này. Từ lâu đây vẫn là vấn đề nan giải. Đa số những người trong giới này không mấy tin tưởng vào hiệu quả dự án đó, sợ rằng nó sẽ làm rối loạn hoạt động hơn là tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các cơ quan mà hiện cũng đã tham gia rất nhiều vào nhiệm vụ chống khủng bố.
Một nhân viên tình báo gần đây có nói với tôi rằng làm như thế chẳng khác gì thay đổi các bộ phận của động cơ một chiếc xe đang chạy hết tốc lực trên xa lộ. Phải rất cẩn thận về việc này. Chính phủ và tổng thống có quyết tâm tiến về phía trước, nhưng hiện chưa biết cụ thể kế hoạch đó như thế nào.
Không phải cứ mỗi lần xảy ra khủng bố ở Pháp hoặc ở nước ngoài là vội vã yêu cầu phải thay đổi thế này, thay đổi thế kia. Đúng là phải thay đổi liên tục, nhưng phải làm thật kín đáo, chứ không phải bằng những thông báo ầm ĩ, mà thường chỉ khiến cho tình hình phức tạp thêm, thay vì làm cho nó dễ dàng hơn. »
Tranh cãi về chuyện này chắc sẽ còn tiếp diễn, nhưng trước mắt, cái khó nhất của lãnh đạo cơ quan CNCT là phải thu phục sự tin tưởng của lãnh đạo các cơ quan tình báo, trong một giới mà ít ai chịu chia sẻ những bí mật, nhất là về những cuộc điều tra đang diễn ra.
Mặt khác, như ta đã thấy trong vụ tấn công cảnh sát trước nhà thờ Đức Bà Paris ngày 06/06 vừa qua, kẻ khủng bố không nhất thiết sử dụng những phương tiện tinh vi, mà sẳn sàng ra tay hành động một mình, với bất cứ thứ gì có trong tay. Làm cách nào ngăn chận được những con “ sói đơn độc” ( loup solitaire) này, đó là thách đố lớn đối với cơ quan chuyên trách chống khủng bố vừa được Pháp thành lập. Nhưng đối với nhà nghiên cứu Olivier Chopin, những kẻ khủng bố đó không hẳn là hành động một mình:
“ Khái niệm về cái gọi là “sói đơn độc” theo tôi là hơi kỳ quặc, vì thực tế không hẳn là như thế. Khi điều tra về các vụ khủng bố đã xảy ra, người ta rất thường thấy có nhiều mối liên hệ đã có trước đó với các đại diện của tổ chức Nhà nước Hồi Giáo. Thỉnh thoảng có những cá nhân tự cực đoan hóa và ra tay hành động một mình, nhưng thường là họ trở nên cực đoan hóa trong một thời gian ngắn.
Việc thành lập cơ quan chuyên trách chống khủng bố sẽ không trực tiếp làm thay đổi việc theo dõi những tay khủng bố tiềm tàng, vì đó là công việc của các cơ quan tình báo, nhưng có thể cơ cấu mới sẽ có thẩm quyền chính trị buộc các cơ quan đó chia sẽ các thông tin với nhau nhiều hơn.”
Trung tâm quốc gia chống khủng bố được thành lập trong bối cảnh nước Pháp vẫn còn được đặt trong tình trạng khẩn cấp. Trên nguyên tắc, tình trạng khẩn cấp này sẽ hết hạn vào ngày 15/07 tới, nhưng Quốc Hội sẽ biểu quyết một dự luật triển hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 01/11. Từ đây đến ngày đó, theo lời những người thân cận với tổng thống Macron, một dự luật khác sẽ được đưa ra thảo luận ở Quốc Hội để tăng cường hệ thống luật về chống khủng bố, hay đúng hơn là gián tiếp đưa tình trạng khẩn cấp vào luật hình sự. Cụ thể đó là đưa vào luật hình sự một số điều khoản về quản thúc tại gia hay khám xét hành chính, mà khi cần nhà chức trách có thể sử dụng để đối phó với mối đe dọa khủng bố, mà không cần phải ban hành tình trạng khẩn cấp.
Ngoài ra, tổng thống Macron đang muốn làm sao cho việc triển khai các lực lượng an ninh trên lãnh thổ nước Pháp trong khuôn khổ kế hoạch Vigipirate thích ứng hơn với mối đe dọa khủng bố hiện nay. Hiện giờ, chiến dịch mang tên Sentinelle huy động đến 7000 quân nhân tham gia bảo vệ an ninh cho nước Pháp, và như vậy quân đội phải chi tiêu thêm 200 triệu euro mỗi năm. Thật ra lương của quân nhân thấp hơn lương cảnh sát, huy động họ thì tiết kiệm được tiền cho ngân sách Nhà nuớc. Nhưng quân nhân lẽ ra phải được sử dụng vào những nhiệm vụ phù hợp với khả năng của họ hơn.
Vấn đề là ngay chính cảnh sát và binh lính nay cũng ngày càng trở thành mục tiêu tấn công của khủng bố. Ngoài vụ tấn công cảnh sát trước nhà thờ Đức Bà Paris ngày 06/06, trước đó đã xảy ra nhiều vụ khác, như vụ bắn chết một cảnh sát và bắn bị thương hai cảnh sát khác trên đại lộ Champs-Elysée, Paris, ngày 20/04/2017, vụ tấn công một toán quân nhân tuần tiễu ở sân bay Orly, Paris, ngày 18/03/2017, vụ tấn công 4 quân nhân đi tuần trước viện bảo tàng Louvre ngày 03/02/2017 hay vụ giết chết một cảnh sát trước nhà riêng ở Magnanville, ngoại ô Paris ngày 13/06 năm ngoái. Đó là chưa kể những vụ khác đã xảy ra ngay từ năm 2012.
Đối với cảnh sát và quân nhân, tự bảo vệ trước nguy cơ khủng bố là rất khó, vì kẻ tấn công chỉ là những người rất bình thường, nhưng ra tay bất ngờ mà không ai dự báo được.
0 nhận xét