Tin khắp nơi – 13/04/2017
TT Trump tái khẳng định cam kết với NATO
Trong cuộc họp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ở Tòa Bạch Ốc, ông Donald Trump tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với NATO, liên minh lâu đời mà có lúc ông từng chỉ trích là “lỗi thời”. Ông Stoltenberg miêu tả NATO là “nền tảng của an ninh” trong thế giới đầy bất ổn hiện nay. Phóng viên VOA Zlatica Hoke gửi về bài tường thuật chi tiết sau đây:
Tại một cuộc họp báo chung với ông Stoltenberg, ông Trump ca ngợi lịch sử 68 năm của liên minh quân sự NATO.
Ông Trump nói:
“Liên minh NATO trong thời gian qua là một thành trì của hòa bình và an ninh quốc tế.”
Ông Trump cam kết hợp tác với các thành viên NATO để giải quyết các mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu, trong đó có tình trạng bất ổn ở đông Ukraina và điều mà ông gọi là “thảm hoạ đang diễn ra ở Syria.”
Ông Trump nói thêm:
“Việc này bao gồm nâng cấp liên minh NATO nhằm tập trung vào vấn đề an ninh cấp bách nhất hiện nay và tất cả những thách thức do nó đặt ra, kể cả vấn đề di trú và nạn khủng bố.”
Việc này bao gồm nâng cấp liên minh NATO nhằm tập trung vào vấn đề an ninh cấp bách nhất hiện nay và tất cả những thách thức do nó đặt ra, kể cả vấn đề di trú và nạn khủng bố.
Ông Donald Trump
Như đã làm trước đây, ông Trump kêu gọi các thành viên NATO phải đáp ứng các nghĩa vụ tài chính: đóng góp 2% GDP vào ngân sách quốc phòng.
Ông Trump nói:
“Nếu các quốc gia khác cùng chia sẻ gánh nặng tài chính một cách công bằng thay vì để mặc cho Hoa Kỳ phải trang trải chi phí còn lại, thì tất cả chúng ta sẽ an ninh hơn nhiều, và quan hệ đối tác của chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn.”
Ông Stoltenberg nói rằng việc chia sẻ gánh nặng tài chính công bằng giữa các quốc gia thành viên được ông đưa vào ưu tiên hàng đầu kể từ khi lên nhậm chức vào năm 2014, và vấn đề đã cải thiện.
Tổng Thư ký NATO phát biểu:
“Năm 2016, lần đầu tiên trong nhiều năm, chi tiêu quốc phòng gia tăng ở các nước đồng minh châu Âu và Canada – mức tăng thực thụ là 3,8%, tức là 10 tỷ đôla, cho ngân sách quốc phòng.”
Ông Stoltenberg nói thực thi các nghĩa vụ của một thành viên là điều đặc biệt quan trọng ngày nay khi thế giới mà của chúng ta đang sống là một nơi chốn nguy hiểm hơn. Ông cũng nói rằng ông đồng ý với ông Trump rằng liên minh NATO phải tăng gấp đôi các nỗ lực chống khủng bố toàn cầu.
Theo lịch trình, ông Trump và các nguyên thủ quốc gia khác trong liên minh NATO sẽ gặp nhau vào tháng tới tại Brussels.
Phải xuống máy bay vì ‘gốc Á’?
Sự việc người đàn ông gốc Châu Á bị hãng hàng không United Airlines kéo ra khỏi máy bay một cách thô bạo đã tạo làn sóng phẫn nộ ở châu Á, đặc biệt tại Trung Quốc và Việt Nam.
Trước khi hành khách David Dao được xác định là một công dân Mỹ gốc Việt, truyền thông và nhiều người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc hôm 12/4 bày tỏ sự phẫn nộ về sự đối xử của hãng hàng không danh tiếng của Mỹ đối với người gốc Á.
“Thực ra đấy không phải là biểu hiện cao nhất của một sự kỳ thị chủng tộc nhưng từ những hành động nhỏ như vậy mà mọi người không nhìn thấy cái bản chất hay cái nguyên nhân nếu mà nó có thể có một cách sâu xa ở trong đấy thì nó sẽ phát triển lên thành những hành động kỳ thị chủng tộc khác nữa.”
Nguyễn Nhung, nhà nghiên cứu truyền thông độc lập
Hãng truyền hình CCTV của Trung Quốc gọi đây là một cách “hành xử man rợ” trên trang mạng xã hội khi “nạn nhân” David Dao lúc đó còn được cho là người gốc Trung Quốc.
Sau khi bác sĩ 69 tuổi, David Dao, được biết là đã tới Mỹ vào những năm 1970 từ Việt Nam, nhiều người Việt Nam lên tiếng đòi tẩy chay hãng hàng không này và cho rằng đây là một sự phân biệt đối xử mang tính kỳ thị chủng tộc.
Phản ứng của người Việt Nam trên mạng internet về vụ việc này, theo luật sư Trần Vũ Hải, là “đa dạng”. ”Họ cũng bình luận khá nhiều trên Facebook và cả các báo chí. Người thì phê phán là công ty của Mỹ không phải cái gì cũng tốt và cho rằng có sự phân biệt chủng tộc từ cái vụ này. Người ta đặt vấn đề là “nếu là người da trắng thì đã chắc gì bị lôi đi?”
Bình luận về sự kỳ thị chủng tộc trong sự việc của United Airlines, một nhà nghiên cứu truyền thông độc lập từ Việt Nam cho VOA Việt Ngữ biết: “Cảm giác như người đó vì người ta là người gốc Á, có thể là người Trung Quốc có thể là người Việt Nam, thì người ta dễ bị đối xử một cách thô bạo hơn. Tôi liên tưởng tới một sự việc khác như việc một cô gái bị từ chối ở dịch vụ Air BnB cũng chỉ vì cô là người gốc Á. Thực ra đấy không phải là biểu hiện cao nhất của một sự kỳ thị chủng tộc nhưng từ những hành động nhỏ như vậy mà mọi người không nhìn thấy cái bản chất hay cái nguyên nhân nếu mà nó có thể có một cách sâu xa ở trong đấy thì nó sẽ phát triển lên thành những hành động kỳ thị chủng tộc khác nữa.”
Chị Nguyễn Nhung cho rằng sự việc này có tính nhạy cảm hơn “đối với những người gốc Á” và “nếu hành động này không được nhìn nhận một cách nghiêm túc rằng nó thực sự là một biểu hiện của kỳ thị chủng tộc thì rồi sẽ có những hành động nghiêm trọng hơn nữa.”
Nhiều người Việt trên mạng xã hội đang tham gia ký tên vào một thỉnh nguyện thư đòi giám đốc điều hành của United Airlines, Oscar Munoz, từ chức.
Trong tuyên bố đầu tiên, Oscar Munoz xin lỗi vì “phải tái bố trí hành khách”. Trong tuyên bố thứ nhì, ông mô tả người hành khách trong video là “mất trật tự và hiếu chiến.” Đến cuối ngày thứ Ba, Oscar Munoz đưa ra lời xin lỗi rõ ràng hơn, gọi vụ này là “thật sự khủng khiếp.”
Một người dùng mạng xã hội có tên Lanney Tran viết trên trang Facebook của mình, kêu gọi mọi người ký vào thỉnh nguyện thư đã có hơn 49.000 người ký tên và cho biết “Đây là một bác sỹ/nhạc sỹ Việt Nam được biết với tên Đào Duy Anh.”
Trong khi đó, một Facebooker khác có tên Grace Bui cũng kêu gọi “ngừng ủng hộ United Airlines” trong làn sóng tẩy chay hãng hàng không này khi xử lý sự việc một cách bạo lực đối với hành khách trên chuyến bay bán vé quá chỗ.
Mặc dù United Airlines không có đường bay thẳng tới Việt Nam nhưng việc “nạn nhân” là người gốc Việt đã làm cho nhiều người Việt Nam “sôi máu.”
Trên diễn đàn mạng xã hội được sử dụng rộng rãi nhất ở Việt Nam Facebook, một người dùng có tên Anh Trang Khuy bình luận rằng “nhìn những hình ảnh làm tôi sôi máu, tôi sẽ không bao giờ bay United Airlines nữa.” Một Facebooker khác có tên Nguyen Khac Huy kêu gọi “Hãy tẩy chay United!”
Theo luật sư Hải, “rất nhiều người kêu gọi tẩy chay hãng này. Và họ cũng rất ngạc nhiên khi ông bác sĩ này thực ra là rất đa tài, là tác giả của bài hát rất nổi tiếng. Và tất nhiên người ta cũng ngạc nhiên là tại sao báo chí Mỹ lại tìm cách moi móc ông ta – không hiểu có đúng hay không – những việc làm của ông bác sĩ này trước đây từ nhiều năm nay. Thì người ta cũng ngạc nhiên là phải chăng đây là những phản đòn từ hãng hàng không là tìm mọi cách để khóa miệng lại ông bác sĩ này.”
Chính từ sau sự việc này mà nhiều người Việt giờ đây biết “nạn nhân” của United Airlines chính là tác giả của nhiều ca khúc được yêu chuộng, theo Đời Sống Plus, như “Tát nước đầu đình,” “Ta về ta tắm ao ta” hay “Cầu tre quê hương.” Nữ ca sĩ Tâm Đoan xác nhận với báo chí rằng bác sĩ David Dao chính là nhạc sĩ Đào Duy Anh. Ca sĩ Nguyên Khang cũng xác nhận điều này trên Facebook cá nhân.
Sau một làn sóng “nổi giận” của người châu Á, gồm cả Hong Kong, hôm 11/4, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, Sean Spicer, cho biết hãng hàng không United Airlines và các quan chức địa phương đang kiểm điểm lại vấn đề này. Bộ Giao Thông Vận Tải Mỹ cũng cho biết họ đang điều tra sự việc.
Tillerson: quan hệ Mỹ-Nga ‘đang ở mức thấp’
Những cuộc họp kéo dài nhiều giờ đồng hồ ở Moscow hôm thứ Tư giữa Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson, Tổng Thống Vladimir Putin và Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov, dường như chỉ củng cố thêm những sự chia rẽ giữa hai nước. Từ Moscow, Thông tín viên Daniel Schearf của VOA tường thuật rằng hai bên vẫn tiếp tục lời qua tiếng lại về vấn đề Syria, và ai là kẻ chịu trách nhiệm về cuộc tấn công bằng khí độc thần kinh đã giết chết nhiều thường dân. Mời quý vị theo dõi chi tiết.
Sau một cuộc họp giờ chót, sau cánh cửa đóng kín với Tổng Thống Nga Vladimir Putin, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson mở một cuộc họp báo chung với Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov.
Sau khi rời điện Kremlin, ông đưa ra một nhận định bi quan về các mối quan hệ Nga-Mỹ:
“Tình trạng hiện tại của các quan hệ Mỹ-Nga đang ở mức thấp. Hiện mức độ tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước chúng ta rất thấp. Hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới không thể có một mối quan hệ như thế này.”
Tình trạng hiện tại của các quan hệ Mỹ-Nga đang ở mức thấp. Hiện mức độ tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước chúng ta rất thấp. Hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới không thể có một mối quan hệ như thế này.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho kênh truyền hình Nga Mir TV, ông Putin đồng ý với nhận định đó, ông nói các quan hệ với Mỹ đã trở nên tệ hại hơn từ khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức.
“Có thể nói mức độ tin cậy lẫn nhau, trên căn bản cùng làm việc, đặc biệt là ở cấp độ quân sự, đã không cải thiện, mà thay vào đó, còn tệ hại hơn.”
Căng thẳng đã leo thang về những cáo buộc cho rằng Syria đã sử dụng vũ khí hoá học chết người tấn công thường dân, đưa đến phản ứng của Hoa Kỳ thực hiện các cuộc không kích nhắm vào một căn cứ không quân của Syria.
Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov nói các cuộc không kích của Mỹ là bất hợp pháp và miêu tả hành động của Mỹ là “không lường trước được”.
Nhưng hai bên đồng thuận với nhau sẽ điều tra cuộc tấn công bằng vũ khí hoá học ở Syria. Ông Lavrov nói:
“Chúng tôi nhận thấy các đồng nghiệp Mỹ của chúng tôi cũng ủng hộ một cuộc điều tra như vậy, và chúng tôi trông chờ ở Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Cấm Vũ khí hoá học tức thời sử dụng các quyền hạn mà họ đang có trong tay.”
Nga quy lỗi cho thành phần nổi dậy Syria về việc dùng khí độc đã giết hơn 80 người, Moscow phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đòi lên án Damascus.
Về phần mình, Ngoại Trưởng Mỹ tuyên bố thời đại thống trị của gia đình Tổng Thống Bashar al-Assad đã đến hồi kết thúc, và ông yêu cầu Moscow hãy rút lại sự hậu thuẫn dành cho ông Assad, một động thái mà các nhà phân tích nhận định là khó xảy ra.
Ông Alexander Baunov, nhà phân tích thuộc Trung tâm Carnegie ở Moscow nhận định:
“Làm như vậy sẽ giảm uy tín và ảnh hưởng của Nga. Thế cho nên Nga sẽ không chấp nhận điều đó, trừ phi họ có những lý do rất quan trọng để làm như vậy.”
Nga cho biết sẽ tái lập thoả thuận an toàn hàng không với Mỹ ở Syria mà Moscow đã đình chỉ sau các cuộc không kích của Mỹ, nhưng với điều kiện là Washington hứa sẽ không nhắm tấn công các lực lượng của ông Assad, mà theo Moscow, chỉ chiến đấu chống các phần tử khủng bố.
Giới phân tích nói tình trạng thiếu phối hợp trên các vùng không phận Syria, nơi nhiều máy bay qua lại đã tăng nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột lớn hơn.
Ông Victor Mizin thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Moscow, nói:
“Điều quan trọng bây giờ là phải tránh tất cả các vụ đối đầu quân sự trực tiếp dù dười bất cứ hình thức nào. Và lạy Thượng đế, bất cứ vụ đụng độ quân sự nào… Các bạn biết đấy, những chạm trán giữa không lực Nga và Mỹ tại Syria.”
Xét những sự cố xảy ra gần đây, vấn đề lớn nhất vẫn là liệu có tiềm năng hai siêu cường có thể cải thiện các mối quan hệ song phương?
Nga lại bác nghị quyết của LHQ về Syria
Nga hôm thứ Tư 12/4 đã bỏ phiếu phủ quyết thêm một nghị quyết khác của Hội đồng Bảo an LHQ về Syria, để bảo vệ nhà độc tài Syria Bashar al-Assad chống lại sự lên án của cộng đồng quốc tế về cuộc tấn công vũ khí hóa học gây nhiều tử vong đã xảy ra hồi tuần trước.
Trong cuộc biểu quyết với 10 phiếu thuận, 2 phiếu chống, và 3 phiếu trắng, Moscow ngăn chặn nghị quyết do Anh, Pháp và Hoa Kỳ đề xướng.
Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Nikki Haley phát biểu:
“Hoa Kỳ chẳng vui gì khi thấy Nga một lần nữa lại bị cô lập trong Hội đồng Bảo an, chúng tôi muốn hợp tác với Nga để thúc đẩy một tiến trình chính trị cho Syria. Chúng tôi muốn Nga dùng ảnh hưởng của mình đối với chế độ ông Assad để ngăn chặn sự điên rồ và sự ác độc mà chúng ta phải chứng kiến mỗi ngày trên đất nước Syria.”
Dự thảo nghị quyết nhắm mục đích lên án cuộc tấn công bằng khí độc và tăng cường một cuộc điều tra quốc tế vào những gì đã xảy ra ở Syria. Vào tuần trước, một nghị quyết tương tự đã thất bại trước khi được đưa ra biểu quyết.
Phó đại sứ Nga tại LHQ Vladimir Safronkov nói rằng dự thảo nghị quyết “đã xác định bên có tội trước khi thực hiện một cuộc điều tra độc lập và khách quan.”
Bôlivia, một thành viên không thường trực, là nước theo chân Nga bỏ phiếu chống, trong khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng, trong một động thái hiếm thấy thể hiện quan điểm khác với Nga trước Hội đồng Bảo an. Hai nước khác cũng bỏ phiếu trắng là Ethiopia và Kazakhstan.
Chính quyền của ông Trump tin rằng chế độ Assad hôm 4 tháng Tư đã phát động cuộc tấn công bằng khí độc nhắm vào thị trấn Khan Sheikhoun từ sân bay Shayrat.
Hai ngày sau đó, Hoa Kỳ phát động một cuộc tấn công chính xác bằng cách phóng hỏa tiễn vào sân bay này để trả đũa.
TT Trump: ‘Chúng ta sẽ không tới Syria’
Tổng Thống Donald Trump nói rằng Hoa Kỳ sẽ không dính líu thêm nữa vào Syria, mặc dù ông đã ra lệnh tấn công bằng tên lửa hồi tuần trước vào căn cứ không quân Syria, nơi được cho là nguồn vũ khí hóa học giết chết nhiều người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.
Trong một cuộc phỏng vấn dự kiến phát sóng hôm thứ Tư, ông Trump nói với phóng viên của Maria Bartiromo Fox Business News: “Chúng ta sẽ không tới Syria”.
Ông Trump cho biết sau khi nhìn thấy hình ảnh trẻ em đang chết dần trong vụ tấn công hóa học ở thị trấn Khan Sheikhoun của Syria, ông đã quyết định rằng phản ứng quân sự là cần thiết: “Khi tôi nhìn thấy điều đó, tôi đã nói chúng ta phải làm gì đó”.
Ông Trump cảnh báo với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng sự ủng hộ dành cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người bị cáo buộc thực hiện tấn công bằng vũ khí hóa học với sự trợ giúp của Nga, là việc “rất xấu đối với nước Nga” cũng như “rất xấu cho nhân loại”.
Đồng thời, Hoa Kỳ đã dứt khoát bác bỏ những tuyên bố của Nga cho rằng khí độc thần kinh sarin phát tán ra là hậu quả không chủ ý của cuộc không kích vào một kho vũ khí của quân nổi dậy. Người ta tin rằng sarin đã làm nhiều người tử vong ở Syria hồi tuần trước.
Một báo cáo của Hoa Kỳ nói rằng rõ ràng vụ tấn công bằng vũ khí hóa học là hành động có chủ ý đánh vào thường dân.
Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ công bố một báo cáo tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Ba, tuyên bố rằng việc sử dụng vũ khí hóa học bất hợp pháp “không thể chấp nhận được” của Syria là một mối đe dọa rõ ràng đối với thế giới. Hội đồng cáo buộc cả Syria lẫn Nga cố gắng “làm rối trí cộng đồng thế giới về việc ai chịu trách nhiệm về vụ sử dụng vũ khí hóa học chống người Syria,” cả trong vụ này lẫn các vụ trước đây.
Putin gặp Tillerson, than phiền quan hệ Nga – Mỹ ‘xuống cấp’
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cho dù ông Putin nói mối quan hệ của Moscow với Hoa Kỳ đã xấu đi kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền cách đây 3 tháng.
Nhà lãnh đạo Nga đàm thoại với ngoại trưởng Hoa Kỳ sau khi ông Tillerson đối thoại với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về trợ giúp của Moscow dành cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad và cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ vào Syria hồi tuần trước.
Ông Putin đã từng trao Huân chương Hữu nghị của Nga cho ông Tillerson, cựu giám đốc tập đoàn dầu khí ExxonMobil, nhưng nhà lãnh đạo Nga đã bày tỏ quan điểm tiêu cực về quan hệ Mỹ-Nga trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình quốc gia Mir.
Ông Putin nói: “Có thể nói, mức độ tin tưởng ở cấp độ làm việc, đặc biệt ở cấp độ quân sự, đã không trở nên tốt hơn, mà có vẻ như đã xuống cấp”.
Ông Tillerson là quan chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ đến thăm Nga kể từ khi ông Trump nắm quyền.
Assad: Tấn công hóa học là “tin bịa đặt 100%”
Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn tỏ thái độ thách thức trước những cáo buộc về một cuộc tấn công bằng vũ khí hoá học nhắm vào dân Syria hồi tuần trước. Ông Assad miêu tả các cáo buộc đó là “bịa đặt 100 phần trăm”.
Trong một cuộc phỏng vấn với Hãng thông tấn Pháp, ông Assad nói quân đội Syria đã từ bỏ tất cả mọi vũ khí hóa học rồi.
Tổng thống Syria nói:
“Không hề có lệnh để thực hiện bất cứ cuộc tấn công nào, chúng tôi không có vũ khí hóa học, chúng tôi đã từ bỏ các vũ khí đó cách đây vài năm. Nhưng nếu chúng tôi có vũ khí hoá học đi nữa, chúng tôi cũng không sử dụng. Trong lịch sử nước tôi, chúng tôi chưa hề sử dụng vũ khí hóa học bao giờ.”
Hoa Kỳ nói quân đội Syria đã dùng vũ khí hóa học tấn công thường dân ở tỉnh Idlib, giết chết hàng chục người, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.
Đầu tuần này, Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ công bố một phúc trình miêu tả việc Syria sử dụng vũ khí hóa học bị nghiêm cấm là “không thể được chấp nhận”, và rõ rệt là mối đe dọa đối với thế giới. Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ cáo buộc cả Syria lẫn Nga đã cố tình làm rối trí “gây hoang mang trong cộng đồng thế giới về ai là kẻ đã sử dụng vũ khí hoá học chống lại nhân dân Syria” trong cuộc tấn công vừa rồi, và các cuộc tấn công trước.
Bất chấp sự đồng thuận ngày càng tăng về các chiến thuật của Syria, vẫn chưa có gì rõ rệt về liệu Nga có hợp tác với Syria trong việc thực hiện cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học hay không, và nếu có, thì ở mức độ nào?
Anh bị áp lực phải tịch thu tài sản người nhà của ông Assad
Nhà chức trách Tây Ban Nha và Pháp đã tịch thu tài sản trị giá hàng triệu đô la của ông Rifaat al-Assad, chú ruột của Tổng thống Bashar al-Assad. Các công tố viên cáo buộc rằng khối tài sản của ông Rifaat, trị giá hơn nửa tỷ đô la, được gầy dựng bằng tiền biển thủ công quỹ của Syria vào những năm 1980. Hiện nay áp lực đang tăng đối với Anh để phong tỏa tài sản của ông này ở thủ đô London. Phóng viên Henry Ridgwell tường trình như sau:
Giới chống đối tố cáo ông Rifaat al-Assad là người chỉ huy vụ thảm sát ở Hama vào năm 1982, khi quân đội Syria đàn áp cuộc nổi dậy của tồ chức Huynh đệ Hồi giáo, trong khi ông Rifaat bác bỏ cáo buộc này.
Ông Rifaat al Assad sang châu Âu sống lưu vong, sau khi bị cáo buộc là dẫn đầu cuộc đảo chính bất thành chống lại người anh, Hafez al-Assad, lúc bấy giờ là Tổng thống Syria.
Ông Chris Doyle, thuộc Hội đồng Tăng cường hiểu biết Ả rập – Anh (CAABU) cho biết:
“Trong ba thập niên qua, ông Rifaat al-Assad đã chu du khắp châu Âu nhờ vào những tài sản mà ông ta đã mang ra khỏi Syria một cách bất chính. Trước đây ông là Phó Tổng thống trong chế độ Syria, nhân vật mà nhiều người cho là phải chịu trách nhiệm về hành động tàn bạo ở thành phố Hama năm 1982, nơi hàng chục ngàn người bị tàn sát.”
Nhưng cuộc sống tự do của Rifaat al-Assad có thể sắp kết thúc. Cảnh sát Tây Ban Nha tuần trước đã truy quét các căn nhà thuộc quyền sở hữu của cựu Phó Tổng thống Syria và gia đình ông ta. Tòa án ra lệnh tịch thu hơn 500 tài sản trị giá 740 triệu đôla.
Các nhà điều tra tin rằng ông Rifaat al-Assad đã biển thủ hơn 300 triệu đô la từ công quỹ của nhà nước.
Gia đình ông Rifaat al-Assad ra tuyên bố nói rằng họ “chưa bao giờ hưởng lợi bất chính dưới bất cứ hình thức nào phương hại tới tài sản của nhân dân Syria”.
Vào năm 2013, ngay vào lúc khởi sự cuộc điều tra tại Pháp, con trai của ông Rifaat al-Assad, là Siwar Al-assad, nói tài sản của cha ông có được là nhờ sự giúp đỡ những người Ả -Rập Xê-út giàu có ủng hộ ông.
Ông Siwar Al-assad nói:
“Tiền này là do bạn bè của ông ủng hộ, những người tin vào phong trào đối lập của ông.”
Rifaat al-Assad còn là chủ nhân của một căn nhà trị giá 12 triệu đôla tại quận Mayfair ở thủ đô London. Những người vận động muốn nước Anh theo chân Tây Ban Nha, tịch thu tài sản của ông.
Nhưng những người chống đối nói London nổi tiếng là một trung tâm “tiền bẩn”, và khó có chuyện nước Anh sẽ lập ra một ngoại lệ trong trường hợp ông Rifaat al-Assad.
Luật pháp Anh đòi hỏi đương sự phải bị kết tội trước khi bị tịch thu tài sản.
Luật mới ở Anh cho phép tòa án tịch thu tài sản của những người vi phạm quyền con người. Nhưng các nhà phân tích pháp lý nói chứng minh ông Rifaat al-Assad phải chịu trách nhiệm về các tội ác trong quá khứ sẽ rất khó khăn nếu không có sự hợp tác của chính quyền Syria.
Tạm giam nghi phạm tấn công xe chở đội bóng Đức
Hôm thứ Năm 13/4, các công tố viên Đức nói các nhà điều tra chưa tìm thấy bằng chứng cho thấy nghi phạm chính bị giam giữ liên quan đến vụ đánh bom một chiếc xe buýt chở đội bóng ở thành phố Dortmund, có dự phần trong cuộc tấn công này.
Nhưng thông báo của công tố viên cho biết vẫn đang theo duổi án lệnh bắt giữ đối với người đàn ông được xác định là Abdul Beset A. về cáo buộc ông là một thành viên của nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Một loạt các vụ nổ đã làm rung chuyển chiếc xe buýt chở đội bóng hôm thứ Ba, làm bị thương cầu thủ Marc Bartra của đội Dortmund và một viên cảnh sát, khiến đội bóng phải trì hoãn trận đấu với đội Monaco vào đêm hôm đó.
Theo các công tố viên Đức, một mảnh giấy để lại ở hiện trường vụ đánh bom cho thấy cuộc tấn công có thể đã được thực hiện bởi các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Bà Frauke Koehler, người phát ngôn của các công tố viên Liên bang nói:
“Động cơ của vụ tấn công vẫn chưa rõ. Tại hiện trường vụ án, có ba bức thư nhận tội giống nhau, theo đó, cuộc tấn công này có khả năng liên quan đến Nhà nước Hồi giáo. Các bức thư này đều bao gồm yêu sách là giải giáp các máy bay tiêm kích Tornado, và tôi xin trích ‘đóng cửa căn cứ không quân Ramstein’. “
Các máy bay chiến đấu Đức được đề cập tới trong những bức thư này đang hoạt động từ căn cứ Thổ Nhĩ Kỳ.
Các công tố viên nói họ tin rằng Abdul Beset A. đã lãnh đạo một tổ gồm 10 phiến quân tham gia các hoạt động như bắt cóc, buôn lậu, tống tiền và giết người ở quê nhà của hắn, trước khi vượt biên sang Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2015 và sang Đức vào đầu năm ngoái.
Nhật chặn máy bay Trung Quốc với mức kỷ lục
Máy bay chiến đấu của Nhật Bản phải xuất phát đến hơn 1.100 lần suốt 12 tháng qua, trong đó có 73% số lần là để chận các máy bay từ phía Trung Quốc. Đây được cho là mức kỷ lục từ trước đến nay.
Một sĩ quan cao cấp của quân đội Nhật Bản là Đô đốc Katsutoshi Kawano nói rằng phía Trung Quốc vừa gia tăng số lần máy bay bay gần vùng trời Nhật Bản, vừa tăng thời gian của các chuyến bay đó.
Ông nói thêm là sắp tới đây số lần máy bay Nhật xuất phát với mục đích tương tự sẽ còn tăng lên.
Các viên chức Nhật Bản cho là Trung Quốc đang phân tích khả năng và cách thức hoạt động của lực lượng phòng vệ Nhật, bao gồm cả tàu tuần duyên.
Hai nước Nhật và Trung Quốc vẫn đang tranh chấp chủ quyền 4 hòn đảo nhỏ không người ở hiện đang do Tokyo kiểm soát, gọi là Senkaku, và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Ngoài ra việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố vùng nhận diện phòng không phủ lên vùng trời bốn hòn đảo này cũng là chủ đề gây tranh cãi giữa hai quốc gia.
Bắc Hàn có thể nhồi chất độc sarin vào tên lửa
Bắc Hàn có thể đạt khả năng phóng đầu đạn chứa chất độc thần kinh sarin. Tuyên bố do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra hôm thứ Năm, 13 tháng Tư, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về các chương trình hạt nhân và tên lửa của quốc gia cộng sản khép kín này.
Truyền thông Nhật Bản loan tin này tuy nhiên không cho biết rõ ông Abe có được nguồn tin từ đâu.
Sarin là loại chất độc đã được sử dụng trong một số cuộc tấn công tại Xứ Phù Tang, đáng kể là vụ vào năm 1995 khi giáo phái có tên Aum Supreme Truth sử dụng cho vụ tấn công trong tàu điện ngầm Tokyo khiến 13 người thiệt mạng và 6, 000 người khác bị ảnh hưởng.
Tin từ AFP cho biết Hoa Kỳ tin rằng chính phủ Syria cũng đã sử dụng một loại chất độc thần kinh giống sarin trong cuộc tấn công chết người ở mạn tây bắc Syria vào tuần trước.
Sarin là một loại chất cực độc đã bị Liên Hợp Quốc cấm sử dụng và tương tự như chất độc VX được sử dụng trong vụ ám sát một người mang hộ chiếu Triều Tiên được cho là Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Sarin cũng chính là loại chất độc mà chế độ Saddam Hussein của Iraq đã sử dụng để tiêu diệt hàng ngàn người Kurd ở thị trấn Halabja vào năm 1988.
Trump nói Trung Quốc ‘không là kẻ thao túng tiền tệ’
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, chính quyền Mỹ sẽ không gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, trái với lời hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử.
Tổng thống Trump cũng để ngỏ khả năng tái đề cử Janet Yellen làm người đứng đầu Cục Dự trữ liên bang dù đã chỉ trích bà.
Ông đưa ra tuyên bố này vài ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trung Quốc bị cáo buộc phá giá đồng nhân dân tệ để giúp hàng xuất khẩu của họ cạnh tranh hơn với hàng Mỹ.
Trước cuộc bầu cử Mỹ, ông Trump ví von điều này với “hãm hại” Hoa Kỳ, và hứa hẹn sẽ chỉ đích danh Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ trong ngày đầu tiên vào Nhà Trắng.
Điều đó làm nảy sinh các cuộc đàm phán giữa hai quốc gia và có khả năng dẫn đến lệnh trừng phạt của Mỹ nhưng một số chuyên gia cảnh báo khả năng Trung Quốc sẽ trả đũa.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal hôm 12/4, ông Trump nói rằng Trung Quốc không phải là “kẻ thao túng tiền tệ” và nước này đã cố gắng ngăn chặn đồng nhân dân tệ suy yếu hơn.
Ông cũng nói: “Tôi nghĩ rằng đồng đôla đang quá mạnh, một phần do lỗi của tôi bởi vì mọi người tin tưởng vào tôi.”
Ông nói thêm rằng đồng đôla mạnh thì có lợi, nhưng cuối cùng sẽ làm tổn thương nền kinh tế Mỹ.
“Rất, rất khó để cạnh tranh khi quý vị có đồng đôla mạnh trong lúc các nước khác đang phá giá đồng tiền của họ.”
Bầu cử tổng thống Pháp:
Các ứng viên nhỏ phát huy vai trò phản biện
Chỉ còn 10 ngày là đến vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp (23/04/2017), và kết quả các cuộc thăm dò ý định bầu của cử tri vẫn phân biệt rõ hai loại ứng cử viên, một bên là 5 ứng cử viên gọi là lớn, có tỷ lệ người tín nhiệm hơn ngưỡng 5%, và bên kia là 6 người còn lại, gọi là nhỏ, vẫn trầm luân dưới mức này. Ngay từ đầu, nhiều người đã đặt ra câu hỏi về sự hữu dụng của các ứng cử viên nhỏ – vốn không có mảy may hy vọng trong cuộc bầu cử tổng thống – nhưng cuộc tranh luận chưa từng có trong lịch sử ngày 04/04 vừa qua đã nêu bật vai trò hữu ích của các ứng viên này : Làm người phản biện, dám chất vấn thẳng các ứng viên lớn về một số vấn đề nổi cộm, điều mà những ứng viên khác tránh né, để khỏi mang tiếng là đả kích cá nhân.
Sáu ứng cử viên « nhỏ » trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 này đại diện cho nhiều xu hướng và đảng phái trải rộng trên bàn cờ chính trị Pháp, từ cực hữu tới cực tả.
Đó là các ông Nicolas Dupont-Aignan, chủ tịch đảng Nước Pháp Đứng Lên (La France Debout), François Asselineau, Chủ tịch đảng Liên Minh Nhân Dân Cộng Hòa (Union Populaire Républicaine UPR), Jean Lassalle, Chủ tịch đảng Kháng Cự (Résistons) và Jacques Cheminade, Chủ tịch đảng Đoàn Kết và Tiến Bộ (Solidarité et Progrès), và hai người được xếp vào diện Đệ Tứ Quốc Tế là Philippe Poutou đại diện cho Tân Đảng Chống Tư Bản (Nouveau Parti Anticapitaliste NPA) và bà Nathalie Arthaud, lãnh đạo của phong trào Công Nhân Tranh Đấu (Lutte Ouvrière LO).
Ngưỡng 5% khó vượt qua
Theo cuộc thăm dò dư luận mới nhất do hãng Ipsos Sopra Steria thực hiện theo đơn đặt hàng của hệ thống phát thanh và truyền hình Nhà Nước Pháp, công bố ngày 11/04/2017, thì dẫn đầu trong số 6 ứng viên nhỏ vẫn là ông Nicolas Dupont-Aignan, xu hướng dân tộc chủ nghĩa, được 3,5%, theo sau là ông Philippe Poutou, được xem là cực tả, được 1,5%. 4 ứng cử viên còn lại ở dưới mức 1%, thậm chí có người là Jacques Cheminade chỉ được xấp xỉ 0%.
Cuộc khảo sát công bố cùng ngày của hãng Elabe cũng cho kết quả tương tự, theo đó Nicolas Dupont-Aignan được 4%, Philippe Poutou, 2,5%, theo sau là ba người Jean Lassalle, Nathalie Arthaud và François Asselineau 0,5%, và cuối bảng vẫn là Jacques Cheminade thấp hơn 0,5%.
Trong đại thể, kết quả trên đây cũng không khác gì 75 cuộc khảo sát đã được tiến hành từ khi danh sách ứng cử viên được chốt lại ở mức 11 người. Thế nhưng, dù chỉ số « uy tín » thấp như vậy, các ứng viên nhỏ vẫn kiên trì vận động, với hy vọng là nhờ chiến dịch tranh cử nói lên được nguyện vọng của một bộ phận dân chúng mà họ đại diện. Chính nhờ cuộc tranh luận truyền hình hôm 04/04 vừa qua mà quảng đại quần chúng Pháp biết được nhiều hơn về cương lĩnh chính trị của các ứng viên này.
Bên tả, ứng viên-công nhân Philippe Poutou nổi bật
Nổi trội nhất có lẽ là Philippe Poutou, người công nhân duy nhất trong số 11 ứng viên tổng thống năm nay, với một chương trình tranh cử còn thiên tả hơn cả người cũng đã rất tả là Jean-Luc Mélenchon, phong trào Nước Pháp Bất Khuất. Nhưng trong cuộc tranh luận trực tiếp với các ứng viên khác, Philippe Poutou ghi đậm dấu ấn, không chỉ là bằng chủ trương cách mạng trốt kít của mình, mà nhờ hai ngón đòn trực diện tấn công vào đạo đức của hai ứng viên hàng đầu trong cánh hữu là cựu thủ tướng François Fillon, đại diện cho cánh hữu và đảng Những Người Cộng hòa (Les Républicains LR) và bà Marine Le Pen, ứng viên đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (Front National FN).
Khi cuộc tranh luận xoay qua vấn đề đạo đức hóa đời sống công cộng, ứng cử viên đảng NPA đã mở đầu bằng việc gọi thẳng ông François Fillon để đả kích :
« Ông Fillon này đấy, đang ở trước mặt tôi đấy, ông ấy có nhiều chuyện lắm, càng bới, càng thấy bốc mùi tham nhũng, gian lận. Hơn nữa ông ấy thuộc loại người từng giải thích với chúng ta là phải tiết kiệm, phải khắc khổ, nhưng chính họ lại đi moi tiền trong két. »
Sau ông Fillon, ứng cử viên Philippe Poutou quay sang bà Le Pen đảng cực hữu FN.
« Rồi đến bà Le Pen cũng vậy, cũng lấy tiền trong công quỹ, nhưng không phải ở đây, mà là ở Châu Âu. Là một người luôn bài bác Châu Âu, bà ấy lại thấy không có vấn đề gì khi lấy tiền của Châu Âu !…
Và tồi tệ nhất là khi đảng FN tự nhận mình là chống hệ thống, nhưng lại rất sử dụng luật của hệ thống để tự bảo vệ mình, như viện ra quyền miễn trừ dành cho nghị sĩ, để không đi trình diện khi được cảnh sát triệu mời !…
Chúng tôi đó, khi bị cảnh sát triệu mời, thì tiếc là chúng tôi không có quyền miễn trừ dành cho công nhân, nên phải đi thôi ».
Đại diện cánh cực tả thứ hai trong số các ửng cử viên tổng thống Pháp là bà Nathalie Arthaud, thuộc phong trào Đệ Tứ Quốc Tế Công Nhân Tranh Đấu, một giáo sư kinh tế. Bà cũng có dịp lên tiếng đả phá « giới ưu tú » có quyền có chức, chủ trương thiết lập một chế độ theo kiểu Công Xã Paris, với các đại biểu dân cử có thể bị thải hồi dễ dàng, và chỉ được lãnh số lương « tương đương với một công nhân lành nghề », một chế độ áp dụng cho cả giới công chức cao cấp.
Bà cũng không ngần ngại chế nhạo ứng cử viên cực tả Jean Luc Mélenchon là chưa triệt để, và đã nhắc lại các quan điểm cực lực đả phá « giới chủ nhân » và « các tập đoàn tư bản lớn » mà theo bà, là nguyên nhân gây nên tình trạng nghèo khó trong giới lao động, trong đó có những người thất nghiệp.
Vai trò phản biện, nói thẳng của hai ứng viên trên rất được giới quan sát chú ý. Nhà bình luận của đài phát thanh Pháp France Inter đã tỏ ý rất tán thưởng cú tấn công của ông Philippe Poutou nhắm vào hai ứng cử viên Fillon và Le Pen : « Không màu mè, một cách giản dị, ông Poutou đã vạch trần hành động của François Fillon và Marine Le Pen trong các vụ tai tiếng, điều mà không một ứng viên có triển vọng đắc cử nào dám làm ».
Bên hữu, Nicolas Dupont-Aignan đấu khẩu với François Fillon
Bên cánh hữu, Nicolas Dupont-Aignan là người cạnh tranh kịch liệt với ứng cử viên phe hữu François Fillon. Để gây tiếng vang trong khoảnh khắc hiếm hoi có đông đảo người xem, và cũng để giành phiếu của cử tri cánh hữu về mình, ông Dupont-Aignan đã đặc biệt khe khắt với ứng viên của đảng Những Người Cộng Hòa ngay những lời mở đầu khi khẳng định rằng ông là người « luôn luôn phục vụ dân Pháp chứ không bao giờ tự phục vụ mình », ám chỉ rõ ràng đến những vụ bê bối tiền bạc khiến ông Fillon bị tư pháp phiền hà.
Trung thành với quan điểm dân tộc chủ nghĩa, bất chấp những lời phản bác của đối thủ, ứng viên đại diện cho phong trào Nước Pháp Đứng Lên đã cực lực đả kích ông François Fillon về việc đã ký kết các hiệp định Châu Âu và quốc tế mà theo ông đã « hạ thấp giá trị của nước Pháp ».
Bị ông Fillon mỉa mai là chỉ ghen tỵ vì « không có quyền hạn để ký, và lần tới đây cũng sẽ không có quyền hành gì để ký », ông Dupont-Aignan vẫn không dừng lời đả kích đích danh ứng viên cánh hữu về một sai phạm bị ông đánh giá là vô cùng nghiêm trọng : Đó là phản bội ý kiến người dân Pháp đã bác bỏ Hiến Pháp Châu Âu nhân cuộc trưng cầu dân ý năm 2005.
« Làm sao có thể tin tưởng được người thủ tướng đã chà đạp lá phiếu của người Pháp trong cuộc trưng cầu dân ý 2005, đã đưa hiệp định Lisboa ra Quốc Hội để bỏ phiếu thông qua, một hành vi rõ ràng là cưỡng đoạt ý nguyện của người dân…, và quý vị cũng đã biết, đó là lý do đã khiến tôi từ bỏ đảng UMP, vì đó là một hành vi phản bội… Làm sao có thể tin được ông, khi mà ông đã làm thế, trong khi mà người dân đã bỏ phiếu chống lại ».
Sau đó thì Nicolas Dupont-Aignan còn chỉ trích những người đi « xin chỉ thị nơi bà Angela Merkel », thủ tướng Đức.
Cuộc đấu khẩu giữa Putou với Fillon, Le Pen và giữa Dupont – Aignan với Fillon đã làm cho các ứng viên nhỏ khác bị mờ nhạt.
Ứng cử viên chủ trương Frexit – tức là rút nước Pháp ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu – François Asselineau đã lún sâu vào các giải thích quá kỹ thuật và viện dẫn Hiến Pháp quá nhiều.
Ông Jacques Cheminade, thì tiếp tục biểu lộ quan điểm « phẫn nộ » của mình với những lời đả kích giới tài chính, trong lúc ông Jean Lasalle, người đại diện cho vùng nông thôn thì lại ấp a ấp úng, lời nói nhiều khi nghe không rõ.
Bài học dân chủ
Sự hiện diện của các ứng cử viên gọi là nhỏ trong cuộc bầu cử tổng thống cũng là một dấu hiệu phản ánh tính chất dân chủ, điều mà nhiều nhà quan sát quốc tế đã ghi nhận. Những phản biện của họ đã buộc các ứng viên lớn phải giải thích rõ hơn về chương trình của họ.
Về phần mình, các ứng viên nhỏ cũng nuôi hy vọng là nhờ có dịp lên tiếng tranh luận trước toàn thể nước Pháp, họ có thể nâng cao uy tín, và lấy được phiếu của các ứng viên lớn. Một trong những mong đợi cụ thể của 6 ứng viên nhỏ là vượt được ngưỡng 5% phiếu bầu nhân vòng 1, cho phép họ được Nhà Nước bồi hoàn gần một nửa chi phí vận động tranh cử, mức đầu tư rất cao so với khả năng của họ.
0 nhận xét