Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 13/04/2017

Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017 05:54 // , ,

Tin Việt Nam – 13/04/2017

Hai bị cáo công an kêu oan trước tòa

Nguyên Thiếu tá Công an Huỳnh Ngọc Tòng và nguyên cán bộ điều tra Phạm Xuân Bình, từng làm việc trong Đội điều tra thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, kêu oan vì bị buộc tội “Dùng nhục hình” gây ra cái chết cho một nghi phạm hồi trung tuần tháng 11 năm 2012.
Tòa án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh vào hôm 13 tháng 4 trả hồ sơ vì cho rằng tòa sơ thẩm kết tội hai bị cáo Huỳnh Ngọc Tòng và Phạm Xuân Bình là thiếu căn cứ và yêu cầu điều tra lại.
Theo cáo trạng, hai cựu viên chức vừa nêu vào tối ngày 16 tháng 11 năm 2012 lần lượt làm việc với nghi phạm Nguyễn Tuấn Thanh, 30 tuổi, để điều tra và lấy lời khai liên quan nhóm chuyên trộm cắp xe máy.
Tuy nhiên đến trưa hôm sau, nghi phạm Nguyễn Tuấn Thanh được phát hiện đầu gục xuống bàn, miệng trào nước dãi, trên người có nhiều vết bầm đen và tử vong trên đường đưa đi cấp cứu.
Tại phiên tòa diễn ra vào hôm thứ Năm, bị cáo Huỳnh Ngọc Tòng kêu oan vì cho rằng chỉ làm việc với nghi phạm ở giai đoạn sau nên không biết gì về cái chết của nạn nhân. Còn bị cáo Phạm Xuân Bình lên tiếng đã bị ép cung nhận tội “Dùng nhục hình” trong khi không tiếp xúc trực tiếp lên cơ thể của nạn nhân mà chỉ lấy lời khai và lập biên bản.
Đại diện Công an thành phố Cao Lãnh tham gia phiên tòa khẳng định hai bị cáo đã làm đúng quy định và cái chết của nạn nhân là do tai nạn nghề nghiệp.
Tình trạng người dân chết trong đồn công an tại Việt Nam vẫn thường xuyên xảy ra. Và một trong những vụ án điển hình là trường hợp nạn nhân Ngô Thanh Kiều, ở Phú Yên bị 5 công an dùng nhục hình khiến nạn nhân tử vong chết.

Chỉ công an, quân đội mới được thâu âm, ghi hình?

Một dự thảo nghị định của Bộ Công An có nội dung chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mới được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình.
Nghị định ngay lập tức gây nhiều tranh cãi.
Theo báo chí trong nước, Bộ Công An công bố dự thảo nghị định của Chính phủ, quy định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị hôm 7/4.
Trong đó có nội dung: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mới được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.”
Ngay lập tức dự thảo này gây nhiều tranh cãi, mà phần lớn là không đồng tình với ý kiến của Bộ Công An.
Một trong những người ấy là ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh viết rằng, tại một hội nghị hôm 12/4, ông Nhân nói: “Sử dụng phương tiện nghe, nhìn là chủ đề rất đáng quan tâm. Đề nghị báo chí bày tỏ quan điểm của mình,” và ông nói rằng sẽ nêu vấn đề này trong một phiên họp với Chính phủ.
Ngoài ra, ông Nhân còn nêu sự việc bác sĩ David Dao bị an ninh hàng không của hãng United Airlines lôi xuống khỏi máy bay làm một ví dụ sống động cho việc cần thiết để người dân ghi âm, ghi hình để phát hiện tiêu cực: “Vì sao công luận và truyền thông lại biết được sự việc này? Là bởi vì hành khách đi cùng sử dụng điện thoại, quay lại cảnh này, rồi tung lên mạng. Hãng hàng không sau đó phải xin lỗi và bị hàng triệu người tiêu dùng phản ứng”.
Theo truyền thông trong nước, Bộ Công an lý giải rằng “trong những năm qua, tình hình kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa quốc phòng, an ninh, trật tự của đất nước.”
Luật sư Ngô Ngọc Trai ở Hà Nội cho rằng dự thảo nghị định của Bộ Công An “trái với Bộ Luật Tố tụng dân sự, hình sự.” Ông viết trên Facebook: “Việc người dân thu thập các dữ liệu điện tử làm chứng cứ để giải quyết các vụ án dân sự, hình sự là rất quan trọng đã được pháp luật quy định thành quyền của tổ chức cá nhân.”
Linh mục Nguyễn Đình Thục, giáo xứ Song Ngọc, nơi nhiều người dân sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình phản ánh các cuộc biểu tình phản đối nạn ô nhiễm môi trường biển miền Trung cho VOA biết nhận định của ông về dự thảo gây tranh cãi này:
“Họ ra dự thảo này thì cũng xuất phát từ thực tế là lâu nay trong công cuộc đấu tranh của người dân, của nạn nhân Formosa, cũng như của người dân khắp mọi nơi về tệ nạn xã hội và nhất là sự lạm quyền của công an, của quan chức thì chính ra các phương tiện ghi âm, ghi hình là những công cụ đấu tranh hiệu quả. Mà điều này thì họ lại cấm, chứng tỏ là họ không có thiện ý. Dự thảo đưa ra thì chắc chắn dân sẽ phản ứng rất mạnh và không chấp nhận chuyện đó.”
Luật sư Lê Công Định ở Sài Gòn bình luận trên Facebook rằng: “Họ đứng trên luật từ lâu rồi, nay chỉ hợp pháp hóa thôi.”
Blogger Lê Nguyễn Hương Trà chia sẻ trên Facebook: “Không chỉ giới báo chí đang phản ứng vì có thể bị hạn chế khi tác nghiệp; mà nhiều nghề nghiệp khác như luật sư cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.”
Nữ blogger Hương Trà viết tiếp: “Tôi là công dân, muốn tố cáo ai đó thì phải có bằng chứng, chỉ có ghi âm và camera là công cụ tạo bằng chứng hữu hiệu nhất. Tôi hy vọng dự luật này sẽ bị dẹp như luật muốn ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ thì phải xin phép họ.”

Khởi tố vụ án “hủy hoại tài sản” liên quan biểu tình ở Lộc Hà

Công an huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 13 tháng tư ra quyết định khởi tố một vụ án mà họ gọi là ‘hủy hoại tài sản’ tại xã Thạch Bằng thuộc huyện này.
Theo phía công an thì vào đêm 2 tháng tư khoảng 50 người dân đã vây đánh một tổ công an làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự tại xã Thạch Bằng, làm cho một nhân viên công an bị thương, và sau đó những người dân này đã đập phá tài sản trong nhà của viên trưởng công an xã.
Một người dân địa phương thì lại cho biết khác và vụ việc được nêu ra với cơ quan chức năng trong cuộc làm việc vào ngày 4 tháng 4 sau đó:
Vụ công an quấy rối và làm mất trật tự trong đêm ngày 2 tháng tư 2017: đồng chí Thu công an Huyện và đồng chí Giáp công an Xã có hành vi nổ súng gây rối an ninh trật tự và gây rối cộng đồng. Công an dùng súng như vậy đúng hay sai?
Một số nhà hoạt động xã hội cũng nói rằng trong đêm 2 tháng tư một công an đã vô cớ nổ súng vào đám đông, mặc dù không làm ai bị thương vong nhưng vụ nổ súng đã góp phần kích động cuộc biểu tình ngày 3 tháng tư.
Như vậy đây là vụ khởi tố thứ hai liên quan đến cuộc biểu tình lớn ngày 3 tháng tư của người dân Lộc Hà, Hà Tĩnh tại Ủy ban Nhân dân Huyện đòi bồi thường cho những đối tượng chịu tác động mà vẫn chưa nhận được khoản tiền theo những qui định của chính phủ Hà Nội, sau khi nhà cầm quyền nhận 500 triệu đô la mà Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa giao cho Việt Nam, vì gây nên thảm họa môi trường dọc ven biển 4 tỉnh bắc Trung Bộ từ đầu tháng tư năm ngoái.
Bên cạnh đó người dân cũng đòi hỏi cơ quan chức năng địa phương phải công khai và công bằng trong công tác chi trả.
Vào ngày 12 tháng tư, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố vụ án mà cơ quan này cho là ‘gây rối trật tự công cộng và bắt giữ người trái pháp luật’ liên quan cuộc biểu tình cả hàng người dân chiếm trụ sở ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà trong vài giờ ngày 3 tháng tư.
Cho đến nay phía cơ quan công an chưa cho biết là có người nào đã bị bắt hay chưa. Phía dân chúng thì cho biết họ đang bị tra xét:
“Một lực lượng công an không mặc sắc phục, mặc thường phục đi hỏi, dò xét dân. Có người dân mạnh dạn trả lời được; nhưng có những người dân chịu áp lực. Biện pháp tra khảo làm cho người dân lo sợ, gây ảnh hưởng đến đời sống cũng như tinh thần.”

Ẩn chứa nào sau đề xuất lấp hồ xây chung cư?

Hòa Ái, phóng viên RFA
Đề xuất lấp 1 héc-ta mặt hồ Thành Công cho mục đích xây nhà tái định cư do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico) đưa ra gặp phải sự phản đối không chỉ của dư luận mà của chính cư dân đang sinh sống tại khu tập thể cũ Thành Công.
Đề xuất gây tranh cãi
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico) vừa đưa ra đề xuất lấy một héc-ta mặt hồ Thành Công để phục vụ tái định cư tại chỗ và phần bị lấp sẽ được đào hoàn trả lại đầy đủ diện tích.
Đề xuất này được nêu ra trong Hội thảo cải tạo chung cư cũ vừa diễn ra ở Hà Nội. Vihajico, công ty được thành phố Hà Nội giao cải tạo chung cư cũ Thành Công, lý giải về đề xuất như thế nhằm giải quyết nhu cầu tái định cư tại chỗ qua khảo sát được tiến hành suốt 8 tháng với kết quả có đến 91% người dân nhất trí cải tạo toàn khu và có nhu cầu tại định cư tại chỗ. Do đó, Đại diện của Vihajico lên tiếng xin điều chỉnh quy hoạch hồ Thành Công một héc-ta để lấy đất tái định cư cho người dân và phần diện tích mặt nước của hồ hoàn toàn không thay đổi so với diện tích cũ vì sẽ đào hoàn trả lại ở hướng Bắc của hồ, có thể khai thác cảnh quan của khu vực hiệu quả hơn.
Kiến giải việc lấp hồ Thành Công, cụ thể là một héc-ta của nhà đâu tư thật ra là một thủ đoạn thôi
- Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình
Tuy nhiên, sau khi thông tin về đề xuất của Vihajico được truyền thông trong nước đăng tải vào hôm mùng 10 tháng 4, các cư dân đang sinh sống tại khu tập thể cũ Thành Công lên tiếng không hề biết gì về đề xuất mà họ cho là “lạ lùng”. Trên trang Fanpage của VNexpress.net, độc giả Trọng Nghĩa chia sẻ hiện là cư dân sống tại khu chung cư Thành Công và cho biết nội dung phiếu điều tra xã hội học mà gia đình nhận được không có hạng mục lấp hồ để xây nhà tái định cư. Các cư dân khác cũng nói với báo giới không đồng ý với đề xuất của Vihajico vì không hợp lý. Có người cho rằng đã từng đội đất, đào hồ tạo môi trường sinh thái nên không thể lấp được. Có người nói rõ họ cảm thấy bị lừa vì trong phiếu điều tra xã hội học không có nội dung liên quan đến việc lấp một phần hồ.
Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình cũng lên tiếng với RFA rằng phương thức lấy ý kiến người dân của Vihajico để thăm dò đồng thuận hay không đồng thuận là chiêu thức không xứng tầm và không thật sự đàng hoàng vì theo nhận định của Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình thì đây chỉ là một cách bắt bí trong quản lý cộng đồng. Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình nói:
“Tôi cho là dự án đó không khả thi. Còn hiệu quả kinh tế là do họ lập luận như thế. Chưa chắc họ chứng minh được một cách đích thực. Cho nên điều chủ yếu là phải có quỹ đất ở đâu đấy để cho người ta tạm cư ở chỗ khác và xây xong thì đón người ta về, chứ không phải xử lý một héc-ta bờ hồ. Có gì đảm bảo cho việc xử lý này? Điều quan trọng nhất là trở thành một vết dầu loang, cũng giống như khai thác than và khai thác bô-xít với cam kết hoàn thổ. Làm gì có ai hoàn thổ? Kiến giải việc lấp hồ Thành Công, cụ thể là một héc-ta của nhà đâu tư thật ra là một thủ đoạn thôi”.
Lấp hồ vì lợi nhuận?
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận giới chuyên môn trong nước cũng đưa ra nhiều nhận xét liên quan đề xuất lấp một héc-ta mặt hồ Thành Công để xây nhà tái định cư. Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc và đô thị Hà Nội, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng đề xuất không theo quy hoạch của thành phố vì Hà Nội đang phát triển cây xanh mặt nước. Trong khi đó, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội khẳng định hồ Thành Công có vai trò điều hòa hệ sinh thái và thoát nước của thành phố Hà Nội. Đồng thời, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng quả quyết không thể lấp hồ để tái định cư vì quỹ đất sinh hoạt ở Hà Nội ngày càng thu hẹp do trước đây thành phố đã lấp một số ao, hồ biến thành đất vàng để phục vụ cho mục đích giao dịch thương mại.
Lấp hồ để xây chung cư thương mại rồi bán cho chủ doanh nghiệp và chủ đầu tư lấy tiền. Đấy là phép tính mà người khờ nhất cũng có thể nghĩ ra.
- Chị Thảo Teresa
Ngay sau khi đề xuất lấp một héc-ta mặt hồ của Vihajico được phổ biến rộng rãi đến công chúng, dư luận mạnh mẽ phản đối không chỉ vì lo ngại cho lá phổi của thành phố Hà Nội bị phá đi mà hầu hết đều không thể tin vào lời hứa hẹn diện tích mặt hồ sẽ được đào trả lại tại hướng Bắc của hồ Thành Công vì theo đánh giá của giới chuyên môn là công việc này rất tốn kém và không cần thiết. Một cư dân Hà Nội cũng là một nhà hoạt động xã hội-môi trường, chị Thảo Teresa cho biết cảm nghĩ trước thông tin về đề xuất của Vihajico:
“Nói chung đó là một quyết định thể hiện sự ngu dốt. Bởi vì không ai lấp hồ xây nhà cả. Đấy là một cơ chế quản lý chồng chéo lên nhau, thành ra nảy sinh ra hệ quả là dân không có nhà ở. Cây xanh chặt hết, bây giờ nghĩ ra lấp hồ. Lấp hồ để xây chung cư thương mại rồi bán cho chủ doanh nghiệp và chủ đầu tư lấy tiền. Đấy là phép tính mà người khờ nhất cũng có thể nghĩ ra”.
Tại cuộc họp báo vào chiều ngày 11 tháng 4, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ông Trần Xuân Hà cho biết Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chưa có quyết định về đề xuất của Vihajico đang gây tranh cãi trong dư luận. Ông Trần Xuân Hà cũng nhắc nhở báo chí cần quan tâm tuyên truyền để người dân hiểu biết và có sự đồng thuận trong mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thủ đô.
Trong thời gian chờ đợi quyết định của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội liên quan đề xuất lấp một phần hồ Thành Công để xây nhà tái định cư, dư luận đồn đoán nếu đề xuất được thông qua thì hồ Tây và cả sông Hồng cũng sẽ cùng chung số phận trong một ngày không xa.

Công an muốn tăng sức mạnh bằng nhiều luật mới

Kính Hòa, phóng viên RFA
Đầu tháng tư năm 2017, Bộ công an Việt Nam đề nghị một dự luật liên quan đến các thiết bị định vị, quay phim chụp ảnh, trong đó có điều ghi rằng cấm sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gây phương hại an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Nhiều người đang cho rằng dự luật này sẽ cản trở việc tác nghiệp của giới báo chí, cũng như sự giám sát của dân chúng đối với cơ quan nhà nước, đặc biệt là bộ công an.
Liệu có cấm được quay phim và chụp ảnh?
Nhà báo tự do, blogger Trương Duy Nhất sống tại Đà Nẵng cho rằng dự luật này của ngành công an là không thể thực hiện được:
“Tôi cũng không hiểu sao ngày người ta càng nghĩ ra những dự định, những dự luật, mà nó rất buồn cười, bịt miệng và che mắt dân. Cứ cho là anh ban hành được đi, thì nó cũng chẳng bao giờ có hiệu quả cả, cũng không thể thực hiện được. Ví dụ như là bây giờ chụp ảnh có cần máy ảnh đâu. Bây giờ ai cũng có iphone cả thì làm sao mà giám sát để tôi không chụp ảnh không ghi âm được.”
Bộ công an là một bộ rất chuyên chế, duy ý chí, và mang tâm lý đối phó sự việc, và đối đầu với người dân.
- Ông Phạm Chí Dũng 
Ông Trương Duy Nhất cũng nhắc lại một dự luật tương tự từng được bộ công an đưa ra nhưng bị chỉ trích và phải rút lại.
Ông Phạm Chí Dũng, nhà báo tự do sống tại Sài Gòn, từng được đào tạo làm nhân viên của cơ quan an ninh, nói với chúng tôi rằng vào năm 2014, một dự luật với ý định tăng quyền lực cho cơ quan công an cấp xã cũng bị rút lại.
Nhưng tại sao bây giờ bộ công an lại đưa ra một dự luật tương tự?
Ông Phạm Chí Dũng cho rằng:
“Bộ công an là một bộ rất chuyên chế, duy ý chí, và mang tâm lý đối phó sự việc, và đối đầu với người dân. Thành ra làm cho họ đưa ra những bộ luật chắp vá, ví dụ như cấm người dân quay phim chụp ảnh. Nói chung là họ sợ, họ sợ mạng xã hội. Mà mạng xã hội bây giờ phát triển ghê gớm, chỉ cần quay phim chụp ảnh chút xíu là đưa được lên mạng xã hội. Những lực lượng sờ sờ ngoài đường, những lực lượng làm ảnh hưởng nhất đến hình ảnh bộ công an, là cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông, đặc biệt là cảnh sát giao thông, với tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, ăn hối lộ, mãi lộ, của cảnh sát giao thông đã làm ô uế cả ngành công an. Có lẽ là chính cảnh sát giao thông đã đưa ra cái đề nghị cấm người dân quay phim chụp hình.”
Một nhà báo tự do khác sống ở Bình Dương là ông Nguyễn Thiện Nhân cũng có ý kiến tương đồng với ông Phạm Chí Dũng. Ông Nhân là người hay chứng kiến các cuộc biểu tình của công nhân tại các khu công nghiệp phía Nam, hình ảnh xung đột giữa lực lượng công an và dân chúng.
Công an thì họ muốn thuận tiện ngành của họ, cho công việc của họ, và họ không muốn người dân quay được những cảnh mà lực lượng công an làm những điều xấu xa. Họ không muốn đưa những hình ảnh đó lên công luận. Khi việc xảy ra có liên quan đến uy tín của ngành công an, uy tín của chính quyền thì công an bênh vực cho người trong ngành của họ, và đưa thông tin một chiều để kết tội người dân. Nếu như công dân được phép quay phim thì sẽ vạch trần sự dối trá này. Cho nên họ muốn cấm điều đó.”
Tính chất của ngành công an
Đồng ý với ông Phạm Chí Dũng rằng mạng xã hội, với những video, hình ảnh âm thanh, đã khiến cho chính quyền Việt Nam điều chỉnh những việc làm sai của mình, nhưng ông Nguyễn Thiện Nhân nói thêm là những sai lầm đó không bao giờ được cơ quan nhà nước hay công an thừa nhận, mà chỉ nói với nhau trong những cuộc họp nội bộ mà thôi. Còn ông Phạm Chí Dũng thì cho rằng tính cách chuyên chế của ngành công an chưa bao giờ bị giảm sút:
“Theo tôi thì chưa có dấu hiệu nào là quyền lực chuyên chế của bộ công an bị hạn chế. Thậm chí nó ngày càng bành trướng và phát triển ra hơn. Nếu có điều kiện thì phát triển ngay. Ví dụ như hồi trước ít có chuyện công an đánh đập người dân công nhiên ở ngoài đường. Nhưng càng về sau này thì hiện tượng đó xảy ra ngày càng nhiều, ngày càng lộ liễu, ngày càng thách thức.”
Ông Phạm Chí Dũng dẫn chứng thêm những trường hợp người dân bị chết trong đồn công an, hoặc những người hoạt động dân sự và dân quyền bị đàn áp.
Bộ công an hay các cơ quan tương tự trong các thể chế độc đảng do đảng cộng sản lãnh đạo, là rất quan trọng. Cơ quan công an và an ninh đó không chỉ được xem là để đối phó với gián điệp nước ngoài mà còn được dùng như một công cụ đàn áp để thực hiện những cuộc đấu tranh giai cấp theo lý thuyết cộng sản.
Trong một lần trao đổi với chúng tôi, nhà văn Thùy Linh hiện sống ở Hà Nội, cũng từng được đào tạo làm nhân viên an ninh nói về vai trò của ngành công an trong xã hội Việt Nam nói riêng, và xã hội cộng sản nói chung rằng cơ quan công an rất có quyền lực và không bị phán xét.
Bức xúc trong xã hội đang lên đến đỉnh điểm, mà luật này được thông qua thì giống như đổ dầu vô lửa, gia tăng sự mâu thuẫn giữa công an và người dân…
- Ông Nguyễn Thiện Nhân
Theo một nghiên cứu về xã hội Đông Đức trước khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Đông Âu, thì cứ tám người dân thì có 1 người làm việc hoặc hợp tác với bộ máy công an của nước này.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu mới đây của ông Carl Thayer, một chuyên gia người Úc về Việt Nam thì vào năm 2014 có thể có đến hơn 11% số người Việt trong độ tuổi lao động có làm việc hoặc hợp tác với ngành công an.
Số người này bao gồm những người trong biên chế chính thức của ngành công an, lẫn những lực lượng bán chuyên nghiệp ở cấp phường xã.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, nhà báo tự do ở Bình Dương nói suy nghĩ của mình nếu dự luật cấm quay phim chụp ảnh được thông qua:
“Nếu luật đó được thông qua thì sẽ gia tăng sự căng thẳng giữa người dân và lực lượng công an. Bức xúc trong xã hội đang lên đến đỉnh điểm, mà luật này được thông qua thì giống như đổ dầu vô lửa, gia tăng sự mâu thuẫn giữa công an và người dân, từ đó dẫn tới những sự việc có thể nói là bạo động.”
Tuy nhiên có một chỉ dấu cho thấy đã có sự không đồng tình với những dự luật do ngành công an đưa ra ngay trong nội bộ đảng cầm quyền. Ngày 12 tháng tư, ông Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên Bộ chính trị của đảng cộng sản có nói với báo chí rằng ông và cơ quan mà ông đang đứng đầu là Mặt trận tổ quốc, sẽ có kiến nghị với chính phủ về dự luật của bộ công an. Đồng thời ông dẫn ra một ví dụ về sự lạm quyền vừa xảy ra ở Hoa Kỳ, theo đó những hình ảnh và âm thanh do người dân thực hiện đã có tác dụng lớn chống lại sự lạm quyền.

David Đào nộp đơn lên tòa về vụ United Airlines

Luật sư của hành khách David Đào, người bị lôi khỏi chuyến bay United Airlines. đã đệ đơn khẩn cấp lên tòa yêu cầu hãng hàng không này bảo lưu chứng cứ về vụ việc.
Trong một đoạn video có hàng triệu lượt xem, ông David Đào được thấy bị lôi ra ghế trên chuyến bay đã bị bán thừa chỗ ở sân bay O’Hare, thành phố Chicago, trong tình trạng bị chảy máu và la hét.
Hãng United Airlines nói họ sẽ hoàn lại tiền vé cho tất cả các hành khách trên chuyến bay hôm Chủ nhật 9/4.
Luật sư của ông Đào cho biết cho tới ngày thứ Ba 12/4, ông Đào vẫn đang dần bình phục dần trong một bệnh viện ở Chicago, nhưng một thành viên trong gia đình ông sẽ có cuộc họp báo vào thứ Năm 14/4.
Việc kiện lên tòa bang Illinois yêu cầu United Airlines và Thành phố Chicago bảo toàn tất cả các video theo dõi, các băng thu âm trong buồng lái, và danh sách tổ bay và hành khách của chuyến bay này.
Thành phố Chicago điều khiển Sân bay Quốc tế O’Hare.
Hãng United Airlines khẳng định họ đang “tiếp cận” tất cả các hành khách trên chuyến bay United 3411 và “trả tiền bồi thường cho chuyến bay của họ”.
Hôm thứ Tư, CEO Oscar Munoz nói ông thấy “hổ thẹn và ngượng ngùng” và hứa cách đối xử với hành khách như lần này sẽ không lặp lại.
Theo tờ báo Anh The Independent, ông Đào đã thuê hai luật sư có tiếng ở Chicago để đại diện cho mình – chuyên gia luật công ty Stephen Golan và chuyên gia thương tích cá nhân Thomas Demetrio.
Tờ này cũng dẫn lời ông Paul Callan, một luật sư tố tụng hình sự và dân sự ở New York, nói phản ứng dữ dội về cách đối xử của United Airlines với ông Đào có lẽ sẽ đẩy hãng này đến việc bồi thường nhanh chóng và hậu hĩnh cho ông Đào.
“Vì United đã có một thảm họa về PR, vụ này đã có giá trị [bồi thường] lớn hơn nhiều so với các vụ khác,” ông cho tờ The Independent hay.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.