Đọc báo Pháp – 13/04/2017
Bán đảo Triều Tiên căng thẳng vì hai « ông khó lường »
Mặc dù thời sự ưu tiên của các báo Pháp là cuộc tranh cử tổng thống, nhật báo Libération vẫn dành sự quan tâm đến căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, đang được đẩy dần lên từng nấc và không khỏi gây lo ngại, đặc biệt trong vùng Đông Á.
Tờ báo dành bài phân tích với tựa đề : « Kim và Trump, hai người thành nỗi sợ hãi ». Tổng thống Mỹ, một người không lường trước được, đang gia tăng áp lực với một lãnh tụ Bắc Triều Tiên, cũng thuộc diện khó lường không kém. Những phát ngôn cứng rắn của Washington trên hồ sơ Bắc Triều Tiên cùng với việc điều tàu sân bay Carl Vinson và nhiều chiến hạm tới gần bán đảo Triều Tiên « đang làm dấy lên nguy cơ về một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên ».
Libération nhận định : « Không khí chiến tranh một lần nữa lại lượn lờ trên bán đảo Triều Tiên, một khu vực mà cuộc chiến tranh lạnh chưa hề kết thúc ». Lúc này là màn khẩu chiến hung hăng. Một bên tổng thống Donald Trump thì tuyên bố sẵn sàng tự « giải quyết vấn đề bắc Triều Tiên » không cần đến Trung Quốc. Bên kia là Bình Nhưỡng với tuyên bố « sẵn sàng đáp trả bất kể Hoa Kỳ muốn kiểu chiến tranh nào ». Bình Nhưỡng còn rắn giọng dọa dùng đến vũ khí hạt nhân, nếu bị Mỹ xâm lược.
Không khí căng thẳng được đẩy thêm khi mà những ngày này chế độ Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho những dịp kỷ niệm trọng đại của đất nước, như ngày 15/04 tới là sinh nhật cố lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành, cha đẻ của chế độ cộng sản Bình Nhưỡng và là ông nội của Kim Jong Un, 10 ngày sau đó là ngày thành lập quân đội Bắc Triều Tiên. Vào những dịp lễ lớn như vậy, chế độ Bình Nhưỡng vẫn thường có thói quen tiến hành những hành động phô trương sức mạnh của chế độ, đề cao thanh thế lãnh tụ như thử hạt nhân hay bắn tên lửa.
Các chuyên gia về bán đảo Triều Tiên tỏ rõ lo ngại về những diễn tiến hiện nay tại khu vực. Ông Moon Chung-in, giáo sư Đại học Yonsei tại Seoul, được Libération trích dẫn, nhận định : « Nếu Bắc Triều Tiên trong những ngày tới tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6 hay tên lửa đạn đạo tầm xa, các chương trình mà họ đang đẩy mạnh triển khai, thì chính quyền Mỹ có thể sẽ hành động. Tình hình đang nguy hiểm và đầy bất trắc vì Donald Trump là người hoàn toàn không lường trước. Người ta không loại trừ khả năng, ông Trump sẽ có hành động quân sự mà không cần tham khảo cả Hàn Quốc ».
Libération cho rằng « các nguy cơ leo thang căng thẳng là lớn và hậu quả của một cuộc tấn công « phủ đầu » của Mỹ là không thể tính toán được ». Nhưng tờ báo lưu ý là : « Bắc Triều Tiên của Kim Jong Un không phải là Syria của Bachar al-Assad ». Không nên đánh giá thấp khả năng đáp trả thực sự của Bình Nhưỡng. Seoul, thành phố lớn có tới một nửa dân số Hàn Quốc và đa số trong 200 nghìn người Mỹ có mặt tại Hàn Quốc, nằm trong tầm bắn của đại bác và tên lửa của miền Bắc. Đó là chưa kể đến khả năng Bình Nhưỡng còn nhằm vào các căn cứ Mỹ tại Nhật Bản, như họ đã cho thấy trong lần bắn thử tên lửa vào biển Nhật Bản thời gian gần đây.
Libération nhận xét, nguyên trạng tương đối ở bán đảo Triều Tiên đã bị phá vỡ với những tuyên bố thẳng thừng của ông Trump muốn « giải quyết vấn đề » Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên ông John Delury chuyên gia về Trung Quốc và Triều Tiên thuộc Đại học Yonsei nhận định ông không tin là « Donald Trump, một người quyết định dù tính khí thất thường, lại có thể sử dụng quân đội mà không có chiến lược chính trị thực sự kèm theo. Ông ta phải hiểu được bản chất của chế độ Bắc Triều Tiên, khả năng chịu đựng của chế độ này từ nhiều thập kỷ qua ». Theo chuyên gia Delury, Ông Trump đang chơi một trò chơi nguy hiểm bằng cách lòe Bình Nhưỡng. Nhưng Bình Nhưỡng sẽ không động thủ trước. Thái độ của tổng thống Trump sẽ thất bại và chính quyền của ông rồi thế nào cũng phải đàm phán với Bắc Triều Tiên.
Libération phân tích thêm : « triều đại nhà Kim sẽ không bao giờ từ bỏ kho vũ khí nguyên tử, chìa khóa cho sự sống còn của họ. Chế độ này đã chiêm nghiệm trường hợp Libya của Kadhafi, từng chấp nhận phá hủy kho vũ khí hóa học nằm 2001, để rồi sau đó vẫn bị phương Tây đánh và cuối cùng Kadhafi bị phơi xác trên phố ».
Dân Hàn Quốc hoang mang
Khả năng một cuộc xung đột bùng phát ở bán đảo Triều Tiên hiện tại chỉ là theo những tính toán phân tích của giới quan sát. Nhưng những động thái leo thang căng thẳng trên thực tế không khỏi khiến dư luận lo ngại, đặc biệt là ở tại Hàn Quốc.
Vẫn trên trang báo Libération, có bài « Tại Hàn Quốc, hoảng loạn trên mạng ». Theo bài báo, trên mạng Internet, dân Hàn Quốc đang tưởng tượng ra những kịch bản chiến tranh tồi tệ nhất.
Theo Libération, mặc dù người dân Hàn Quốc đã quen với những lời lẽ đe dọa hiếu chiến của miền Bắc, nhưng lần này họ cũng bắt đầu cảm thấy lo ngại với tổng thống Mỹ Donald Trump, tàn lửa chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) có thể bị thổi bùng thành đám cháy lớn, đẩy bán đảo này một lần nữa vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn.
Những người bi quan nhất còn tính chuyện chạy ra nước ngoài trước. Thậm chí, một cựu sĩ quan quân đội còn tiết lộ với báo Korea Times là nhiều cơ sở tài chính và doanh nghiệp nước ngoài đang lẳng lặng xem xét kế hoạch sơ tán các nhân viên của họ ra khỏi Hàn Quốc trong trường hợp chiến tranh nổ ra.
Trước không khí hoang mang như vậy, chính quyền Seoul đã phải tìm cách trấn an dân chúng. Nhưng dường như những cố gắng đó vẫn không dập tắt nỗi sợ của người dân Hàn Quốc. Dân chúng đang lo lắng chờ đợi thứ Bảy tới, ngày sinh nhật của Kim Nhật Thành, không biết ngày đó sẽ lại có sự thách thức mới nào không và nhất là lần này Hoa Kỳ đang nhìn Bình Nhưỡng với ánh mắt không khoan nhượng.
Nga – Mỹ thêm xa nhau vì hồ sơ Syria
Về tình hình quốc tế, Le Figaro quan tâm đến hồ sơ Syria, nhân chuyến công du Matxcơva của ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm qua (12/04). Tờ báo nhận định « Syria khơi thêm mối ngờ vực giữa Matxcơva và Washington ».
Theo Le Figaro, 7 giờ thảo luận « thẳng thắn và thực chất », nhưng cuối cùng cho ra một kết quả vô vị. Hai bên chỉ có một thống nhất chung chung là cùng nhau chia sẻ về cuộc chiến chống khủng bố. Sự khác biệt lớn vẫn là lập trường của mỗi bên với chế độ Damas, nhất là sau cuộc tấn công của Mỹ vào căn cứ không quân Syria vừa qua.
Sau cuộc hội đàm với đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov, không căng thẳng lắm nhưng rõ ràng là lạnh nhạt, ông Rex Tillerson đã kín đáo tới điện Kremlin. Tại đây, ngoại trưởng Mỹ đã được nghe từ tổng thống Nga Vladimir Putin lời cảnh báo tương tự rằng : Nga sẽ không khoan nhượng, nếu Mỹ lại tiếp tục tấn công Syria. Theo Le Figaro, buổi tiếp chỉ được thông báo cho báo chí vào phút chót và không ghi hình, một cách để cho thấy cuộc gặp không có gì quan trọng với chủ nhà.
Khác với hy vọng nảy sinh khi Donald Trump đắc cử, ông Putin đã tỏ ra lấy làm tiếc về mối quan hệ Nga Mỹ « bị hư hại » từ khi chính quyền mới ở Mỹ đi vào hoạt động. Ông chủ điện Kremlin đã bày tỏ quan điểm trên qua cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình MIR và được cho phát sóng vào đúng lúc ông tiếp ngoại trưởng Tillerson. Trong cuộc phỏng vấn, lãnh đạo Nga một lần nữa loại trừ trách nhiệm của Bachar al Assad trong vụ tấn công hóa học tại Khan Cheikhoun.
Ít giờ sau đó, bên Mỹ, tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, lần thứ 8 Nga bỏ phiếu phủ quyết dự thảo nghị quyết do Anh, Pháp, Mỹ trình với nội dung lên án vụ tấn công hóa học hôm 04/04 và yêu cầu chế độ Damas hợp tác điều tra. Trong khi đó tổng thống Donald Trump cũng đưa ra những lời lẽ nặng nề với tổng thống Bachar al-Assad và sự ủng hộ của Nga. Viễn ảnh Nga –Mỹ xích lại gần nhau đang trở nên xa vời.
Bầu cử Pháp :
Lo ngại về cuộc đua chung kết giữa cực tả và cực hữu
Chủ đề chính của các báo Pháp ra hôm nay vẫn là chiến dịch tranh cử tổng thống. Các trang bài thời sự quốc tế bị rút bớt đáng kể để dành chỗ cho cuộc đua nước rút với những biến động mới. Hôm nay các báo tập trung vào sự bứt phá của của ứng cử viên đảng Nước Pháp Bất Khuất – La France Insoumise thuộc phe cực tả của ông Jean Luc Melenchon. Chỉ còn 10 ngày nữa đến vòng 1 cuộc bỏ phiếu, ứng viên Melenchon đang tiến một cách ngoạn mục sau một loạt cuộc mít tinh ngoài trời hoành tráng, thu hút rất đông đảo cử tri tham dự.
Sự thăng tiến của ông Melenchon dù sao vẫn chỉ được đo qua các thăm dò ý định bỏ phiếu. Từ vị trí thứ 5, với chỉ số thăm dò dưới 10% cách đây một tháng, ứng viên đảng Nước Pháp Bất Khuất lần lượt vượt ứng viên Đảng Xã Hội (PS) rồi bám sát và có lúc vượt ứng viên cánh hữu Những Người Cộng Hòa với khoảng 18% đến 19% dự định bỏ phiếu.
Giờ đây ông Melenchon trở thành nhân vật thứ 3 của cuộc đua. Sự thăng tiến của ứng cử viên Melenchon, « đang khiến các đối thủ phải lo ngại », Libération ghi nhận. Khả năng ứng viên cực tả này lọt qua vòng hai là hoàn toàn có thể. Kịch bản về cuộc đối đầu chung kết giữa hai ứng viên đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia –Front National và cực tả La France Insoumise cũng không còn là không thể. Trong bài xã luận, Libération cố gắng lý giải cho sự thăng tiến này là « do tài năng diễn thuyết của ông Melenchon, đó là một thực tế ». Nhưng tờ báo nhấn mạnh « các tầng lớp lãnh đạo trước tiên phải tự hỏi tại sao Nước Pháp Bất Khuất lại lôi cuốn được cử tri ôn hòa. Thật khó có điều gì khác lý giải ngoài sự nổi dậy của một bộ phận ngày càng lớn dân chúng chống lại một xã hội bất công và đầy lo âu. Đó là điều Melenchon đã biết nắm bắt được ».
Mối lo ngại sự thăng tiến của đảng cực tả không chỉ có ở cánh tả, cánh hữu hay cánh trung, những đảng phái truyền thống của Pháp, mà ngay cả tổng thống François Hollande dù tránh không muốn bày tỏ lập trường cũng phải lên tiếng tỏ nghi ngại những diễn biến của cuộc bầu cử có thể dẫn tới kịch bản hai ứng viên Marine Le Pen và Jean-Luc Melenchon vào vòng hai.
0 nhận xét