Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Khan hiếm cá đồng

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2016 18:26 // , ,


Thứ hai, 10/10/2016 01:02
(AGO) - Do nước lũ những năm gần đây không lớn nên lượng cá đồng cũng khan hiếm dần. Mùa nước năm nay, lượng cá đồng xuất hiện tại các chợ với số lượng ít và trở nên đắt đỏ.
Ông Ngô Văn Mem (người dân xã Phú Hữu, An Phú) không đi giăng lưới cá đồng như mọi năm bởi đến thời điểm này con nước ngoài đồng vẫn “chưa ngập quá đầu gối”. Gần cả đời người gắn bó với lũ, chưa bao giờ ông phải lắc đầu ngao ngán bởi nguồn thủy sản cạn kiệt như những năm gần đây. Ông Mem thở dài: “Chừng 5 năm trước, khu vực giáp biên của xã Phú Hữu thường ngập rất sâu nên cá về khá nhiều. Chỉ vài ba tay lưới, tui có thể kiếm trên 100.000 đồng/ngày. Dù chỉ là cá hủn hỉn nhưng người ta rất chuộng, bởi ai cũng mê ăn cá đồng”.
69-t3-1.jpg
Cá đồng ngày càng khan hiếm
Theo ông Mem, với mực nước như hiện tại, dân câu lưới đành “bó tay” trong cuộc mưu sinh. Một vài người cố gắng mang lưới ra đặt ở những khu vực trũng, nước ngập sâu nhưng chỉ bắt được một ít cá sặc non đắp đổi qua ngày. “Dân theo nghề cá trong xóm tui bây giờ đi Bình Dương tìm việc làm gần hết, bởi mấy cánh đồng giáp biên chẳng còn nước nôi gì hết. Nhớ hồi trước, vào mùa nước, ai cũng nhờ con cá đồng mà yên tâm sống khỏe trong mấy tháng liền. Bây giờ, cá đồng hầu như vắng mặt tại các chợ, dù đã tháng 9 âm lịch. Dân quê bây giờ chỉ có thể ăn cá nuôi, chứ cá đồng đã bắt đầu khó kiếm”- ông Mem thật tình.
Không chỉ khan hiếm về số lượng, mà cả mặt cá cũng giảm sút đáng kể. Ông Lê Văn Đực, người dân xã Khánh Hòa (Châu Phú), chia sẻ: “Chục năm trước, cứ đến con nước tháng 9 là xuất hiện khá nhiều mặt cá. Nào là cá mè vinh, cá heo nước ngọt, cá hột mít, cá lăng… đủ loại. Năm nay, mấy loại cá này chỉ lác đác vài ba con, tôi cất vó mỗi ngày mấy bận mà không được bao nhiêu”. Với những người trực tiếp chứng kiến sự sụt giảm về số lượng cũng như chủng loại cá như ông Đực mới cảm nhận được sự “mất mát”của cư dân miền châu thổ, khi lũ không còn hào phóng.
Với nghề chuyên bắt cá đồng “theo số lượng lớn” như dỡ chà thì viễn cảnh thất thu trong mùa nước năm nay đã hiện ra trước mắt. “Hồi trước, mỗi lần dỡ chà là được 700 - 800 kg cá đủ loại. Lúc đó, mùa nước nào tôi cũng kiếm được khoản thu kha khá. Năm nay, không thấy cá mắm gì hết. Mấy lần dỡ chà gần đây tôi chỉ bắt được hơn 100 kg cá, bán ra được 4 - 5 triệu đồng. Nếu trừ chi phí, tôi chỉ lời vài trăm ngàn đồng mỗi lần thu hoạch” - anh Lê Văn Kha, một chủ chà ở xã Vĩnh Hội Đông (An Phú), than thở.
69-t3.jpg
Cá đồng ngày càng khan hiếm
Đến thời điểm này, hầu như các chợ chỉ có cá linh là còn xuất hiện nhiều nhưng cũng không được như các năm trước. Để thay thế, các bà nội trợ chỉ có thể lựa chọn cá nuôi, bởi giá cá đồng đang cao ngất ngưỡng. Cụ thể, cá lóc loại 200 - 300gram/con có giá khoảng 110.000 - 140.000 đồng/kg, giá cá mè vinh nằm trong ngưỡng 70.000 - 80.000 đồng/kg, cá rô non có giá 80.000 - 90.000 đồng/kg… Chị Nguyễn Thị Hằng, tiểu thương chợ Ô Long Vĩ (Châu Phú), cho biết: “Do dân câu lưới không có cá đồng để cân cho bạn hàng nên mức giá có nhóng hơn mọi năm. Tôi có mấy mối chuyên cung cấp cá đồng ở xã Đào Hữu Cảnh (Châu Phú) nhưng họ cũng không bắt được bao nhiêu. Năm nay, lượng cá đồng còn ít hơn mùa nước trước”. Theo chị Hằng, do cá đồng ăn ngon hơn cá nuôi nên được nhiều người tìm mua. Tuy nhiên, vì sản lượng cá đồng quá ít nên không thể đáp ứng được nhu cầu.
 Với các bà nội trợ, việc cá đồng khan hiếm cũng khiến họ bất ngờ. “Tôi đợi đến mùa nước để ăn cá đồng cho đã bởi mấy tháng mùa khô mua không nổi. Bây giờ, bước ra chợ nhìn đâu cũng thấy cá nuôi nên hơi thất vọng. Đã giữa mùa nước mà giá cá đồng vẫn cao gấp đôi, gấp ba so với cá nuôi cùng loại” - chị Hiểu, một bà nội trợ chia sẻ.
Hiện tại, những người chuyên sống bằng nghề câu lưới đang chờ đợi con nước tháng 10 âm lịch, bởi đây là thời điểm cá ra sông. Tuy nhiên, với diễn biến của nước lũ hiện nay thì con cá đồng sẽ ngày càng vắng bóng ở những chợ quê.Và, dân miền Tây lại càng nhớ cá đồng!
THANH TIẾN

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.