Nông thôn mới: bán đất làm cổng làng thật to
Nam Nguyên, RFA
2016-10-07
2016-10-07
Nhiều nghi vấn đối với tương lai và hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ lo ngại về khoản nợ đọng 15 ngàn tỷ đồng mà các địa phương không có khả năng trả nợ.
Việt Nam đã khởi sự kế hoạch đầy tham vọng là thay đổi diện mạo khu vực Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn gọi tắt là tam nông từ đầu năm 2011.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới dự kiến kéo dài 10 năm tới 2020 với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực nông thôn và thành thị.
Trong giai đoạn 2010-2015, cả nước đã huy động hơn 851.000 tỷ đồng đầu tư cho chuơng trình, kể cả phần ngân sách Nhà nước cấp hơn 98.000 tỷ đồng.
Ngày 5/10/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu nông nghiệp”. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo động nợ đọng xây dựng nông thôn mới khó dứt điểm trong năm 2017.
Nguyên nhân là vì tổng số nợ đọng của các địa phương được báo cáo lên tới hơn 15.000 tỷ đồng, nhiều khả năng có thể là hơn 17.000 tỷ. Hơn nữa số nợ này lại tập trung vào một số tỉnh thành và có nơi ngân sách trống rỗng.
Nợ đọng oằn vai nông dân
Trả lời câu hỏi nợ đọng khó đòi trong chương trình xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa gì, Phó Giáo sư Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế hiện sống và làm việc ở Hà Nội nhận định:
“Giới lãnh đạo có nói là so với phí tổn , với đầu tư ở nông thôn thì nợ đọng quá bé. Nhưng mà ta phải xem thực tế nông thôn, vấn đề là một đồng của họ rất lớn.
Với số liệu ấy không phải là nhỏ, nếu mà làm không giải quyết không xử lý được thì ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân, ảnh hưởng đến kinh tế của nông thôn.”
Câu chuyện về nợ đọng xây dựng cơ bản trong chương trình nông thôn mới được nói tới, giữa tình trạng ngân sách Nhà nước eo hẹp và luôn bội chi, nợ công vượt qua lằn ranh báo động và nợ xấu chỉ được giải quyết theo hình thức chuyển sổ sách kế toán giữa các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại và Công ty quản lý tài sản quốc gia VAMC hay nói cách khác là Ngân hàng Nhà nước.
Phó Giáo sư Ngô Trí Long tiếp lời:
“Trong các loại nợ gồm nợ công, nợ xấu, nợ đọng thì đây là một trong những loại nợ đọng. Khi nợ đọng do ngân sách thâm thủng như vậy, bội chi như vậy, nợ công lớn như vậy thì chắc chắn tác động đến nợ xây dựng cơ bản của nông thôn.
Ở đây là nợ đọng đã được nêu rất nhiều trong các cuộc họp, nhưng đến nay vẫn chưa có khả năng giải quyết.”
Có tất cả 19 tiêu chí để xây dựng nông thôn mới khởi sự ở cấp xã , khi một huyện có toàn bộ xã đạt chuẩn nông thôn mới thì huyện đó được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Cách đánh giá tương tự cho cấp tỉnh và thị xã.
Những tiêu chí nông thôn mới được giải thích là nhằm quy hoạch lại nông thôn, phát triển cơ sở hạ tầng để có thể tổ chức sản xuất lớn.
Theo các tài liệu tuyên truyền phổ biến trên mạng chính thức của Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng , đặc trưng của nông thôn mới giai đoạn 2010 -2020 bao gồm: Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao. Nông thôn phát triển theo quy hoạch, cơ cấu hạ tầng, kinh tế, xã hội hiện đại, môi trường sinh thái được bảo vệ. Dân trí được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy, an ninh tốt, quản lý dân chủ và chất lượng chính trị được nâng cao.
Phong trào mới, tư duy cũ
Ông Đỗ Việt Khoa, một nhà giáo có trải nghiệm nhiều về đời sống ở nông thôn, nhận định về điều gọi là mặt trái của danh hiệu mỹ miều “nông thôn mới”. Ông nói:
“Chủ yếu là xin xỏ ngân sách Nhà nước nếu được, nếu không thì bắt nhân dân đóng góp, rồi xây dựng vài thứ hình thức bên ngoài như cổng làng, đường làng thế thôi, chứ thực tế thì nó chả mới ở chỗ nào cả.”
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả của phong trào xây dựng nông thôn mới. Ông kể lại những điều mắt thấy tai nghe:
“Ngay tại địa phương tôi sinh sống, để xây dựng đường làng ngõ xóm và cái cổng làng thôi, thì chính quyền thường tạo điều kiện cho cấp xã cấp thôn được bán một số mảnh đất có vị trí đẹp nào đó cho một số cá nhân nào đó có tiền, rồi dùng tiền đó làm đường xá, cổng chào, cổng làng.
Thí dụ ở chỗ tôi thôn Nỏ Bản, xã Vân Tảo huyện Thường Tín, Hà Nội, các cụ bảo nhau bán một mảnh đất công cộng quan trọng phục vụ bà con ở trung tâm làng, đó là một sân đá bóng cũ, là cái chợ nhỏ của làng nơi mọi người ra đó mua bán rau dưa đậu thịt.
Đùng một cái họ bán cho một anh có tiền lấy một vài tỷ đồng xây một cái công làng rất hoành tráng… đó là một tầm nhìn hết sức hạn chế.”
Ông Đỗ Việt Khoa nói rằng, nếu họ bán đất đẹp để làm hồ bơi cho các cháu hay nhà văn hóa thì chẳng nói, nhưng họ lại muốn xây cái cổng làng to và đẹp. Theo lời ông Khoa, đó là sự tiếp tay cho hành động chuyển đất công cộng vào tay tư nhân.
Tại Hội nghị chuyên đề ngày 30/9/2016 tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh thành phải làm rõ những tồn tại bất cập trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Người đứng đầu chính phủ nhấn mạnh tới việc, xây dựng nông thôn mới nhưng nhiều nơi chẳng quan tâm tới việc tổ chức sản xuất của nông dân. Nhiều nơi huy động quá sức dân, hoặc chạy theo thành tích và để lại nợ đọng xây dựng cơ bản.
Chương trình xây dựng nông thôn mới sau 5 năm thực hiện được báo cáo là đã có 2.045 trong tổng số hơn 9.000 xã toàn quốc đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 23%. Ngoài ra có 24 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vì có tất cả các xã trên địa bàn đạt chuẩn.
Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam kỳ vọng chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy vậy tái cơ cấu nông nghiệp ở Việt Nam cho đến nay vẫn dậm chân tại chỗ với các ý tưởng trên bàn giấy của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn.
Mặc dù đã có rất nhiều khuyến nghị của các định chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới và giới học giả chuyên gia Việt Nam.
0 nhận xét