Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tranh chấp Biển Đông – 08/09/2016

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016 17:55 // , , ,

Tin Biển Đông – 08/09/2016

Tàu chiến Nga lên đường tới Biển Đông

Ba chiến hạm và hai tàu hỗ trợ thuộc Hạm đội Thái Bình Dương đã rời vùng biển của Nga, trên đường tới tham gia cuộc tập trận chung hải quân Nga-Trung ở Biển Đông.
Hai nước đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho cuộc tập trận chung trên Biển Đông, trang tin Nezavisimaya Gazeta của Nga nói hôm 7/9.
Theo kế hoạch, cuộc tập trận chung lần thứ năm giữa hai quốc gia sẽ diễn ra trong thời gian 11-19/9, cũng là lúc Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chính thức tới thăm Trung Quốc, 10-15/9.
Đây là lần đầu tiên hải quân hai nước phô diễn tại vùng biển nhiều tranh chấp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và sẽ gồm các hoạt động trên không, trên biển và trên bộ.
Việc tổ chức tập trận đã bị đặt câu hỏi trong Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa kết thúc tại Hàng Châu, Trung Quốc, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai 5/9 tuyên bố rằng nó “không ảnh hưởng tới lợi ích của bất kỳ ai, và có lợi cho an ninh của cả Nga lẫn Trung Quốc”.
Đồng thời, ông Putin cũng gây ngạc nhiên khi tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague trong vụ kiện biển đảo của Philippines.
“Chúng tôi đoàn kết và ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong việc không công nhận phán quyết của tòa [PCA].”
Trung Quốc ra yêu sách chủ quyền đối với khoảng 95% tổng diện tích Biển Đông, chồng lấn nhiều phần với các tuyên bố chủ quyền của một số nước khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Hồi trung tuần tháng Bảy, tòa PCA tại The Hague đã bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Trong mùa hè rồi, các tàu khu trục của hải quân Mỹ đã bắt đầu tuần tra trên Biển Đông, và Bắc Kinh đã lặp đi lặp lại lời kêu gọi Washington hãy “chấm dứt những hành động khiêu khích này”.
Quy mô diễn tập
Nezavisimaya Gazeta dẫn nguồn văn phòng báo chí của Hạm đội Thái Bình Dương Liên bang Nga nói trong lần tập trận chung với Trung Quốc tới đây, Nga triển khai các tàu chiến chống ngầm cỡ lớn Admiral Tributs và Admiral Vinogradov, tàu chiến lội nước cỡ lớn Peresvet, tàu lai dắt Alatau, và tàu chở dầu Pechenga tới Biển Đông.
Cuộc tập trận được lên kế hoạch thực hiện ở vùng biển thuộc căn cứ hải quân Trạm Giang thuộc Quảng Châu, Trung Quốc, với đảo Hải Nam nằm kế bên.
Trạm Giang cũng là nơi đóng quân chính của Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc.
Theo chương trình dự kiến đã được công bố, ngoài phần thao diễn trên biển, trong phần cuối sẽ có “việc đổ bộ từ biển và từ trên không xuống một hòn đảo được giả định là đang bị chiếm đóng”.
Đô đốc Scott Swift, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã cáo buộc Trung Quốc và Nga “tìm cách leo thang tình hình vốn đã phức tạp tại Biển Đông”, theo Nezavisimaya Gazeta.
Tuy nhiên, báo Nga cáo buộc chính Hoa Kỳ mới là người làm leo thang tình hình khi không giấu giếm gì việc đưa tàu vào tuần tra Biển Đông thường xuyên.
Phát ngôn viên của quân đội Trung Quốc, Dương Vũ Quân, trước đó từng tuyên bố “không ai có thể đe dọa được lực lượng quân sự Trung Quốc” và nếu như tàu nước ngoài “bỗng dưng gây chuyện” thì Bắc Kinh “theo lẽ tự nhiên sẽ có thể để lực lượng này xử lý”.
Nay, dường như Nga đang giúp Trung Quốc đối phó với mối đe dọa từ Hoa Kỳ qua việc tập trận chung ở Biển Đông.
Tờ Straits Times của Singapore dẫn ý kiến các chuyên gia nhìn nhận cuộc tập trận lần này có thể gây tác động tiêu cực tới mối quan hệ của Trung Quốc với khối Asean.
Tuy nhiên, báo Pravda của Nga thì coi việc này thể hiện sự đoàn kết của Nga và Trung Quốc nhằm chống lại Nato.
Lần tập trận chung trước của Nga và Trung Quốc là hồi 2015, tại Biển Nhật Bản. Hai nước bắt đâu các hoạt động tập trận hải quân chung tại Thái Bình Dương kể từ 2012.

TT Obama nói về phán quyết bất lợi cho TQ ở biển Đông

VIENTIANE, LÀO —
Tổng thống Mỹ đã lên tiếng đề cập tới phán quyết của Tòa Trọng tài, bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, trong khi các nhà lãnh đạo dự Hội nghị Thượng đỉnh Ðông Nam Á tại Lào thể hiện quan điểm ôn hòa đối với những căng thẳng ở vùng biển tranh chấp nhưng không đề cập cụ thể đến các hoạt động của Trung Quốc.
Dự thảo tuyên bố hôm thứ Năm, 8/9, của các nhà lãnh đạo Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á, gọi tắt là ASEAN, tái khẳng định tính quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông.
Dự thảo tuyên bố có đoạn: “Nhiều nhà lãnh đạo vẫn hết sức lo ngại về những diễn biến hồi gần đây trên Biển Đông. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng điều quan trọng là các bên liên quan cần phải giải quyết các tranh chấp bằng đường lối ôn hòa, theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được công nhận trên toàn cầu.”
Hồi tháng 7, Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc đã bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Phán quyết của tòa nói rằng Trung Quốc “không có chủ quyền lịch sử” đối với toàn vùng lãnh hải rộng lớn đó. Bắc Kinh phủ nhận phán quyết đi ngược lại với tuyên bố chủ quyền của họ đối với hầu như toàn bộ vùng lãnh hải mà Trung Quốc gọi là Biển Nam Trung Hoa.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ Năm nói rằng các nỗ lực sẽ được tiếp tục để bảo đảm các tranh chấp được giải quyết bằng đường lối hòa bình:
“Phán quyết của Tòa Trọng tài mang tính dấu mốc hồi tháng 7, mang tính ràng buộc, và giúp làm rõ các quyền về lãnh hải trong khu vực. Tôi biết phán quyết này đã làm gia tăng căng thẳng, nhưng tôi cũng mong chờ được thảo luận về những cách thức mang tính xây dựng để chúng ta có thể cùng tiến tới hạ giảm căng thẳng, tăng cường ngoại giao và ổn định cho khu vực.”
Tổng thống Obama tham dự hội nghị với các nhà lãnh đạo ASEAN lần thứ tám. Ông đã đến thăm khu vực này nhiều lần hơn bất cứ tổng thống tiền nhiệm nào, và đó là điều mà ông nói là phản ánh tầm quan trọng đang ngày càng tăng của khu vực.
Tổng thống Obama nói Hoa Kỳ sẽ mở rộng hợp tác với các nước châu Á, trong đó có việc thăng tiến cơ hội cho sáng kiến và tài năng lãnh đạo. Ông lập lại điều ông đã nói nhiều lần trong chuyến công du châu Á tuần này là ông sẽ hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, tức TPP.
Một thông báo của Tòa Bạch Ốc về sáng kiến Mỹ-ASEAN nêu bật những sáng kiến hạ giảm lượng khí thải carbon, ủng hộ đánh bắt thủy sản bền vững, tăng nguồn cung cấp năng lượng tái tạo, và thăng tiến cơ hội cho phụ nữ, trong đó có việc bảo vệ quyền của phụ nữ, tổ chức các cuộc hội thảo cho các lãnh đạo trẻ và tưởng thưởng cho phụ nữ làm khoa học.
Tổng thống Obama nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác để tăng cường bảo đảm y tế cho toàn cầu và phòng chống dịch bệnh. Chúng tôi sẽ tiếp tục đạt những tiến bộ trong quan hệ giữa con người với con người, trao đổi khoa học và bảo đảm rằng chúng tôi sẽ liên tục thăng tiến cơ hội cho các doanh nghiệp, các sinh viên, các nhà khoa học và người dân của chúng ta hợp tác với nhau”.

TQ bí mật xây đảo ở Scarborough

Philippines ngày 7/9 cống bố những hình ảnh minh chứng cho tố cáo rằng Trung Quốc đã bí mật khởi sự đặt nền móng cho sự kiểm soát của họ trên một bãi cạn đôi bên đang tranh chấp căng thẳng ở Biển Đông.
Các hình ảnh cho thấy tàu bè của Bắc Kinh chuẩn bị xây một đảo nhân tạo trên bãi cạn Scarborough được công bố chỉ vài giờ trước cuộc họp giữa lãnh đạo ASEAN với Thủ tướng Trung Quốc tại thượng đỉnh ở Lào.
Trong tuần, Trung Quốc đã lên tiếng một mực khẳng định là chưa hề tiến hành nỗ lực nào để khởi công xây dựng tại Scarborough, nơi có tầm quan trọng chiến lược to lớn trong tham vọng của Bắc Kinh muốn kiểm soát khu vực và làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trong vùng.
Cùng ngày 7/9, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, nhắc lại Bắc Kinh chưa có hành động gì làm thay đổi tình hình ở các vùng biển xung quanh bãi cạn này.
Tuy nhiên, Philippines nói các hình ảnh mới chụp hôm cuối tuần cho thấy tàu bè của Trung Quốc tại bãi cạn này có thể nạo vét cát và thực hiện các hoạt động cần thiết khác để xây đảo nhân tạo.
AFP dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines, Arsenio Andolong, cho biết ‘Chúng tôi có lý do để tin rằng sự hiện diện của họ là một tín hiệu báo trước của các hoạt động xây dựng trên bãi cạn này.’
Phát ngôn nhân của Tổng thống Philippines cho hay Manila và Bắc Kinh đang thảo luận việc này, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana, khẳng định một khi chính phủ Trung Quốc xác nhận các hình ảnh Manila vừa trưng ra, Philippines sẽ có công hàm phản đối chính thức.
Xây đảo nhân tạo tại Scarborough sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc có thể có một căn cứ quân sự gần địa điểm mà lực lượng Mỹ thường hoạt động trên đảo Luzon của Philippines cách đó chỉ 230 cây số.
Theo AFP, AP

ASEAN-Trung Quốc lập đường dây nóng

tránh đụng độ Biển Đông

Các nước Đông Nam Á và Trung Quốc ngày 7/9 nhất trí thành lập đường dây nóng như một bước mới giúp tránh các đụng độ quân sự không chủ ý ở Biển Đông.
Thành tựu tương đối khiêm tốn này cho thấy rõ những khó khăn tồn đọng trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở khu vực.
Thỏa thuận chính thức đạt được tại cuộc họp thường niên của lãnh đạo Châu Á và Mỹ không đề cập tới phán quyết của Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc hôm 12/7 qua đó bác các tuyên bố về quyền lịch sử và kinh tế của Bắc Kinh ở Biển Đông. Vụ kiện do Philippines đứng đơn từ năm 2013 này không được Bắc Kinh công nhận.
Thay vào đó, 10 nước ASEAN đã dùng những ngôn từ tương đối xoa dịu trong tuyên bố chung rằng Đông Nam Á khẳng định tôn trọng luật quốc tế.
Giới quan sát cho rằng kết cục này có phần chắc làm Trung Quốc hài lòng, nhưng là một bước lùi cho Nhật và Mỹ, hai nước đã nhiều lần thúc giục Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa.
Người phát ngôn chính phủ Philippines cho hay Tổng thống nước này dù có nêu các vấn đề liên quan đến Biển Đông tại thượng đỉnh nhưng không đề cập cụ thể tới phán quyết của Tòa.

Nhật hết sức quan ngại vì tranh chấp Biển Đông

Nhật Bản ‘hết sức quan ngại’ về các hành động giương oai diễu võ ngày càng tăng của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
AFP dẫn tuyên bố của Thủ tướng Shinzo Abe trước các lãnh đạo châu Á tại thượng đỉnh ASEAN ở Lào ngày 7/9 rằng những âm mưu từ Bắc Kinh nhằm đơn phương thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông khiến ông lo ngại.
“Tôi hy vọng đôi bên trong tranh chấp Biển Đông sẽ tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện giữa Philippines với Trung Quốc,” Thủ tướng Nhật nói thêm.
Thượng đỉnh tại Lào là cuộc họp đầu tiên của ASEAN kể từ sau phán quyết tòa quốc tế đưa ra hôm 12/7 rằng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết toàn bộ Biển Đông không có cơ sở pháp lý và rằng các dự án bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc trong vùng biển này là bất hợp pháp.
Trung Quốc cũng đang có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản tại nhóm đảo Senkaku không người ở do Tokyo kiểm soát mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.
Theo AFP, FIJI

Căng thẳng về Biển Đông vẫn tồn tại trong ASEAN

Philippines hôm thứ Tư, 7/9, công bố các bức ảnh cho thấy dường như các tàu hải quân Trung Quốc đang xây dựng một hòn đảo ở Biển Đông có tranh chấp, ngay trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia châu Á.
Các bức ảnh cho thấy có sự gia tăng về số lượng tàu và Philippines nói là có bằng chứng về việc “mới diễn ra” hoạt động xây dựng một hòn đảo nhân tạo gần bãi cạn Scarborough. Các bức ảnh được công bố ngay trước cuộc họp thường niên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên.
Tuyên bố chung bế mạc hội nghị thượng đỉnh có đoạn viết: “Chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây cũng như hiện nay, và lưu ý đến những lo ngại của một số nhà lãnh đạo về các hoạt động bồi đắp”.
Nhưng theo đại sứ quán Trung Quốc ở Manila, Trung Quốc phủ nhận những cáo buộc, họ nói họ chỉ đơn thuần “duy trì một số tàu tuần duyên để tuần tra thực thi pháp luật” trong khu vực.

Nhật cung cấp tàu tuần duyên cho Việt Nam

Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần cho Việt Nam trong tình hình tranh chấp lãnh hải hiện nay.
Hôm qua, chính phủ Nhật Bản nói sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam những tàu tuần tra mới. Đây được cho là bước mới nhất của Tokyo giúp Hà Nội tăng cường khả năng thực thi pháp luật tại vùng biển đang xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam.
Thông báo của phía Nhật như vừa nêu được đưa ra trong cuộc gặp giữa thủ tướng Shinzo Abe với người tương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc bên lề các cuộc gặp giữa khối ASEAN và các nước đối tác đang diễn ra ở Lào.
Vào ngày thứ ba vừa qua, Nhật Bản cũng thông báo đồng ý cấp cho Philippines hai tàu tuần tra mới cũng như cho Manila mượn đến 5 máy bay trinh sát.

Biển Đông: Quan điểm trung lập « tích cực » của Pháp

Ngay trước ngày tổng thống Pháp đến Hà Nội hôm 05/09/2016, chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã bắn tiếng kêu gọi Pháp hậu thuẫn Việt Nam trong vấn đề Biển Đông trong bài phỏng vấn ngày 24/08 dành cho hãng tin AFP. Lời kêu gọi này đã được tổng thống François Hollande đáp ứng một phần, trong bối cảnh Paris được cho là ngày càng muốn đóng một vai trò năng động hơn tại châu Á
Mối quan tâm của Pháp trên hồ sơ Biển Đông đã được chính thức ghi nhận trong bản Tuyên Bố Chung Việt Pháp, công bố ngày 06/09/2019, sau cuộc tiếp xúc thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ François Hollande và Trần Đại Quang tại Hà Nội.
Tuyên Bố Chung Việt-Pháp nói đến phán quyết trọng tài về Biển Đông
Trong số 19 điểm của bản Tuyên Bố Chung, điểm 18 được dành riêng cho vấn đề Biển Đông và ghi rõ:
« Hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở khu vực. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. »
Công thức trên đây nhìn chung không có gì mới lạ vì luôn luôn được sử dụng trong các văn kiện bày tỏ thái độ quan ngại trước các diễn biến gây căng thẳng tại Biển Đông, chủ yếu do Trung Quốc gây nên. Điểm mới nằm trong phần thứ hai của điểm 18 bản Tuyên Bố Chung Việt-Pháp khi hai nước đều nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về Biển Đông :
« Sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực ngày 12/7/2016, hai bên khẳng định tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). »
Paris đáp ứng yêu cầu hậu thuẫn của Hà Nội
Trong một điểm khác, Tuyên Bố Chung Việt-Pháp nhân chuyến công du Việt Nam của tổng thống Pháp François Hollande còn xác định hướng thắt chặt quan hệ hợp tác quân sự và quốc phòng giữa hai nước : « Hai bên nhất trí tăng cường đối thoại chiến lược về quốc phòng và tiếp tục hợp tác về (…) các chuyến thăm của tàu quân sự, trang thiết bị quốc phòng (…). Hai bên mong muốn mở rộng hợp tác về an ninh và an toàn hàng hải, hàng không. »
Trong buổi họp báo chung cùng với chủ tịch nước Việt Nam tại Hà Nội, tổng thống Pháp đã nhắc lại một số nguyên tắc trong đó có việc « tôn trọng quyền tự do hàng hải, tôn trọng Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ». Theo ông Hollande, nước Pháp sẵn sàng « hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ vùng biển của mình ». Theo ghi nhận của đặc phái viên báo Le Monde, ý sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam cũng đã được tổng thống Pháp nhắc lại trước các sinh viên và giảng viên đại học tại Hà Nội.
Theo các nhà quan sát, tổng thống Pháp như vậy đã làm rõ thêm lập trường của Paris trong vấn đề Biển Đông, đáp ứng phần nào mong đợi của Hà Nội, đã được chính chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang nêu lên ngày 24/08 khi ông tuyên bố với hãng tin Pháp AFP rằng Việt Nam « rất tán đồng việc Pháp và các nước khác tham gia vào tiến trình duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và trên Biển Đông… để bảo đảm an ninh và quyền tự do lưu thông trên không và trên biển ».
Khi nhắc đến phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài La Haye trong bản Tuyên Bố Chung với Việt Nam, Pháp đã cho thấy lập trường ủng hộ phán quyết của mình, đi ngược lại mong muốn của Trung Quốc vốn đã cực lực đả phá quyết định của Tòa La Haye.
Pháp muốn luật quốc tế được tôn trọng tại Biển Đông
Về quan điểm của Pháp trên vấn đề Biển Đông, trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI trước khi tổng thống François Hollande đến Việt Nam, tướng Daniel Schaeffer, chuyên gia Pháp về Biển Đông thuộc trung tâm nghiên cứu Asie21 cho rằng cũng như Liên Hiệp Châu Âu hay là Mỹ, Paris giữ thái độ trung lập trên vấn đề tranh chấp chủ quyền nhưng rất quan tâm đến nhu cầu tôn trọng luật biển quốc tế và quyền tự do hàng hải:
DS :Để trả lời câu hỏi của ông, trước hết tôi xin nói là tôi không hề có quan hệ với các giới chức chính phủ Pháp, cho nên tôi không thể biết một cách chính xác là quan điểm của chính phủ Pháp về Biển Đông, cụ thể ra sao.
Điều duy nhất mà tôi có thể nói là thông qua phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tại Đối Thoại Shangri La ở Singapore mới đây, và những phát biểu trong khuôn khổ các cuộc họp của nhóm G7 tại Nhật Bản, nước Pháp muốn duy trì tuyệt đối một thái độ trung lập trên vấn đề Biển Đông, nhưng rất quan tâm đến việc tôn trọng luật biển quốc tế nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải.
Trên điểm này, lập trường của Pháp tương đồng với quan điểm của rất nhiều nước khác, từ Mỹ cho đến Nhật, Úc, vân vân.
Về yêu cầu giúp đỡ mà Việt Nam nêu lên, tôi cho rằng có một số hướng để đáp ứng. Tuy nhiên, nước Pháp cũng như phần còn lại của Châu Âu phải có quan điểm trung lập trên vấn đề này.
Điều duy nhất mà Pháp và Liên Hiệp Châu Âu có thể làm là yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật biển quốc tế, điều mà Bắc Kinh nói là họ vẫn làm, nhưng trong thực tế thì không hẳn là như vậy nếu ta xem xét quan điểm của Trung Quốc trên những vấn đề đang diễn ra.
Pháp có thể yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng phán quyết Biển Đông
Theo tướng Schaeffer, vấn đề yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật biển quốc tế đã trở nên dễ dàng hơn sau khi quốc tế đã có phán quyết về tính bất hợp pháp của các yêu sách chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh :
DS:Pháp có thể yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye bởi vì phán quyết này không chỉ liên quan đến Philippines – ta không nên giới hạn phán quyết này trong phạm trù song phương Philippines-Trung Quốc – mà còn liên quan đến tất cả các nước ven Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Brunei, và cả Indonesia, vì đường « lưỡi bò » của Trung Quốc cũng bao gồm một phần vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở khu vực quần đảo Natuna ở miền Đông Bắc.
Không chỉ có Philippines được hưởng lợi từ phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, mà tất cả các nước ASEAN đều có lợi.
Một ví dụ cụ thể là Việt Nam. Ít ra là trên bình diện pháp lý, toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được chính thức thừa nhận, kể cả khu vực trải rộng đến tận bãi Vanguard Bank, phía Tây quần đảo Trường Sa.
Nước Pháp như vậy là có thể yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các cam kết của họ khi ký kết Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982, đặc biệt là Điều 298.
Trong điều này, Bắc Kinh chỉ giữ lại phần đầu, tức là không chấp nhận các phán quyết của trọng tài quốc tế liên quan đến việc phân định hải phận, vùng tiếp giáp và vùng đặc quyền kinh tế, trong lúc mà điều khoản đó của UNCLOS đi xa hơn rất nhiều, và cho rằng việc không chấp nhận phán quyết chỉ có thể được thực hiện với một số điều kiện. Philippines khi nộp đơn kiện Trung Quốc đã tuân thủ các điều kiện đó, còn Trung Quốc thì bỏ qua hẳn phần thứ hai này.
Pháp năng nổ thuyết phục Châu Âu tuần tra Biển Đông, Luân Đôn ủng hộ Paris
Cho dù lập trường chung của Pháp trong vấn đề Biển Đông là trung lập, nhưng tướng Schaeffer cũng như nhiều nhà phân tích khác đều ghi nhận nỗ lực của Paris trong việc thuyết phục Liên Hiệp Châu Âu có biện pháp cụ thể trong việc bảo vệ luật biển quốc tế tại Biển Đông : Đó là tổ chức các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng không và hàng hải :
DS : Tôi không biết là nước Pháp có khả năng buộc Trung Quốc hiểu ra điều đó hay không mà không tỏ ra thiên vị Việt Nam, Malaysia hay Philippines. Theo tôi, nước Pháp phải giữ lập trường trung lập trên vấn đề Biển Đông, và nhấn mạnh trên sự thiết yếu phải tôn trọng luật lệ quốc tế.
Điều đó có thể làm phía Việt Nam phần nào thất vọng, nhưng Pháp không thể ngả hẳn theo phía Việt Nam. Pháp có thể đưa ra một số gợi ý, nhưng không thể có lập trường nào khác hơn là trung lập, và Châu Âu cũng vậy.
Cái hay là bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Le Drian đã mời các quốc gia châu Âu khác tham gia vào các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, như là Mỹ đã làm, không phải là để khiêu khích Trung Quốc, mà là để nói với mọi người rằng « Pháp và châu Âu cũng có lợi ích trong việc quyền tự do hàng hải được tôn trọng ở Biển Đông, trong việc Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển được tuân thủ.
Ông Le Drian đã từng tuyên bố là nếu không được tôn trọng ở Biển Đông, luật lệ quốc tế có nguy cơ bị coi thường ở phần còn lại trên thế giới.
Vấn đề là phải làm sao cho Trung Quốc hiểu được là phán quyết của Tòa Thường Trực không phải là nhằm vào Trung Quốc, mà là để thực thi luật biển quốc tế.
Có đào bới bản phán quyết đến đâu, thì cũng không thấy điểm nào bất công đối với Trung Quốc, cho dù nước này đã tập hợp được một số nước ủng hộ.
Phải nói là Pháp không đơn độc trong ý muốn tuần tra vì quyền tự do lưu thông trên Biển Đông. Hôm 05/09/2016, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Quốc Michael Fallon đã khẳng định rằng Luân Đôn và Paris đều « tay trong tay » trên vấn đề quyền tự do hàng hải trên Biển Đông.

Trung Quốc lãnh búa rìu tại ASEAN

Cho dù bản thông cáo chung của Thượng đỉnh ASEAN và Đông Á không lên án Trung Quốc đe dọa hoà bình tại Biển Đông, nhưng hành động lấn chiếm biển đảo và thái độ xem thường luật pháp đã khiến cho Bắc Kinh hai lần bị chỉ tên và khuyến cáo.
Trung Quốc đã cố gắng dàn xếp và gây áp lực để hành động của Bắc Kinh lấn chiếm tại Biển Đông và phán quyết của Toà Trọng tài La Haye về chủ quyền không được đưa vào chương trình nghị sự và bản thông cáo chung, nhưng Trung Quốc cũng không tránh khỏi công kích.
Ngày 07/09/2016, ngày đầu tiên của Thượng đỉnh ASEAN tại Vientiane, phái đoàn Philippines đã bất ngờ khai hỏa. Quả pháo đầu tiên của Philippines là trình bày các tấm không ảnh chụp bên trên vùng bãi cạn Scarborough bị Hải Quân Trung Quốc lấn chiếm vào năm 2012.
Tuy đã xây một loạt đảo nhân tạo ở Trường Sa có phi đạo cho máy bay quân sự và gắn hải đăng, nhưng Bắc Kinh khẳng định chưa xây dựng gì trên bãi cạn Scarborough mà họ gọi là Hoàng Nham. Thế nhưng, Manila trưng bày hình chụp cho thấy có nhiều tàu có khả năng nạo vét, và các hoạt động cần thiết để xây dựng một đảo nhân tạo chỉ cách đảo Luzon của Philippines 140 hải lý, nơi có hai căn cứ đóng quân của Hoa Kỳ
Theo các chuyên gia quốc phòng, nếu Trung Quốc xây xong đảo nhân tạo tại Scarborough thì điều này sẽ làm thay đổi cục diện Biển Đông trong tiến trình chinh phục của Bắc Kinh và làm tăng thêm xác suất xảy ra đụng độ với Hải Quân Mỹ.
Từ căn cứ tiền đồn này, các dàn tên lửa và chiến đấu cơ của Trung Quốc sẽ áp đảo lực lượng Mỹ đóng tại Philippines một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, dường như không muốn làm tình hình căng thẳng thêm khi chưa đúng lúc, chính phủ Mỹ tìm cách trấn an. Khi được AFP đặt câu hỏi, một viên chức Mỹ cho rằng « sự hiện diện của Trung Quốc trong vùng Scarborough vẫn ở mức độ bình thường ».
Bản thông cáo chung của ASEAN, do nội bộ chia rẽ vì thái độ bênh vực Trung Quốc của ít nhất hai thành viên là Cam Bốt và Thái Lan, không chỉ trích đích danh Trung Quốc nhưng xác nhận là « có một số lãnh đạo quan ngại sâu xa vì những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ ». ASEAN cũng cảnh báo « căng thẳng sẽ tăng cao nếu hành động đấp bồi đảo nhân tạo vẫn tiếp diễn ».
Qua ngày hôm sau, cũng tại Vientiane,Trung Quốc lãnh phát pháo thứ hai. Lần này, đích thân tổng thống siêu cường nhắc nhở đại cường Trung Quốc là phải biết tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trước mặt thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi Bắc Kinh phải tôn trọng phán quyết của Toà Trọng tài La Haye, công bố ngày 12/07/2016 với nội dung phủ nhận toàn bộ mọi đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông. Tổng thống Mỹ khuyến cáo Bắc Kinh là phải tôn trọng phán quyết trọng tài cho dù « bất lợi » cho tham vọng.
Từ khi chiếm được Hoàng Sa vào năm 1974 đến nay, Trung Quốc lấn xuống phía nam, chiếm nhiều đảo ở Trường Sa và tăng tốc xây một loại « vạn lý trường thành trên biển ».
Ở nam bán cầu, Úc cũng lo ngại bị nằm trong tầm họat động của tên lửa và máy bay oanh tạc của Trung Quốc xuất phát từ Trường Sa.
Tuy Hoa Kỳ nhiều lần cảnh báo Trung Quốc nhưng phản ứng mạnh nhất chỉ là tổ chức tuần tra không thường xuyên.
Thế nhưng, theo giới phân tích, nếu Trung Quốc xây đảo ở Scarborough thì khó có thể tránh được xung đột. Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, dự báo sẽ xảy ra « đụng độ giữa tuần duyên Trung Quốc và chiến hạm Philippines do Hoa Kỳ yểm trợ ».

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.