Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Thế giớii – 08/09/2016

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016 17:55 // , ,

Tin khắp nơi – 08/09/2016

Obama phản bác Trump về so sánh Putin

Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ trích ông Donald Trump là “kỳ dị” và “thiếu hiểu biết” sau khi ứng viên đảng Cộng hòa nói Tổng thống Nga Putin lãnh đạo giỏi hơn ông Obama.
Phát biểu tại Lào, ông Obama nói mỗi lần ông Trump lên tiếng, càng thấy rõ ông không đủ điều kiện làm tổng thống.
Trong một diễn đàn truyền hình hôm thứ Tư, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump hết lời ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông và đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton nhận câu hỏi từ các cựu chiến binh.
Tỷ phú nói tại diễn đàn NBC rằng Tổng thống Nga “là nhà lãnh đạo tốt hơn tổng thống của chúng ta [Obama]“.
Lời bình luận của ông Trump đưa ra cùng ngày Lầu Năm Góc cáo buộc Nga gieo mầm mống của sự bất ổn toàn cầu.
Trong khi đó, bà Clinton bảo vệ quan điểm về tranh cãi email của mình.
Ứng viên đảng Dân chủ cũng nhắc lại rằng việc bà bỏ phiếu cho cuộc chiến Iraq là một “sai lầm”.
Các ứng viên Nhà Trắng trả lời chất vấn trong nửa giờ tại New York đêm 6/9.
Nhà báo Matt Lauer hỏi ông Trump về lời khen trước đó mà ông dành cho ông Putin, và tỷ phú trả lời: “Ông ấy được 82% người dân Nga ủng hộ.”
‘Đồng hành’
Tỷ phú nói thêm rằng ông Putin “điều hành nước Nga rất tuyệt”.
Ông Trump cũng dự báo rằng nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11/2016, “Tôi nghĩ rằng mình sẽ đồng hành cùng ông ta.”
Ông trùm bất động sản gần đây bị chỉ trích dữ dội khi ông kêu gọi Nga hack các email mà bà Clinton đã xóa từ máy chủ.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump bày tỏ sự ngưỡng mộ về nhà lãnh đạo Nga.
Tháng 12/2015, ông nói “rất vinh dự” khi ông Putin gọi ông là “một người tài năng”.
Ông Trump đưa ra bình luận vài giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố Nga “có tham vọng rõ ràng muốn làm xói mòn các nguyên tắc trật tự quốc tế”.
Trong bài phát biểu tại Đại học Oxford, ông Carter cũng dường như ám chỉ nghi vấn Nga liên can đến vụ hack các máy tính của Ủy ban Quốc gia Dân chủ tại Mỹ.
“Chúng tôi sẽ không bỏ qua những âm mưu xen vào tiến trình dân chủ của chúng tôi,” ông nói.
Đêm 6/9, ông Trump cũng gây tranh cãi về tình trạng lạm dụng tình dục trong quân đội.
Ông nhắc lại một bình luận từ ba năm trước, dường như cho rằng những cuộc tấn công tình dục xảy ra là do quyết định cho phép phụ nữ nhập ngũ.
Ông Trump viết trên Twitter năm 2013: “Các thiên tài mong đợi điều gì khi cho đàn ông và đàn bà ở cùng nhau?”.

Tỷ phú Trump: Ông Putin ra dáng lãnh đạo hơn TT Obama

WASHINGTON —
Ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump hôm qua, 7/9, đã lên tiếng ca ngợi Tổng thống Vladimir Putin, và cho rằng nguyên thủ Nga ra dáng lãnh đạo hơn Tổng thống Mỹ.
Tại một diễn đàn do kênh truyền hình NBC News tổ chức, ông Trump nói rằng nếu ông làm tổng thống, ông sẽ có một “mối quan hệ hết sức tốt đẹp với ông Putin”. Tỷ phú bất động sản này còn nói thêm rằng đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS) là quyền lợi chung của Nga và Mỹ.
Ứng viên này cho rằng Nga cũng “rất muốn đánh bại IS” như Mỹ, và rằng “nếu chúng ta có một mối quan hệ với Nga, thì đôi bên có thể hợp tác để triệt hạ IS”.
Ông Trump còn lên tiếng chỉ trích hành động quân sự của Mỹ ở Iraq trong thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Obama, và nói thêm rằng các vị tướng của Mỹ “đã không thành công”.
Ông lặp lại quan điểm của mình rằng Hoa Kỳ đáng lẽ phải chiếm lấy dầu mỏ từ Iraq, đồng thời cho rằng nếu Mỹ làm vậy thì “đã không có IS” vì nhóm khủng bố này “được lập nên dựa trên nguồn dầu mỏ đó”.
Là một ứng cử viên đại diện Đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống với phe Dân chủ, ông Trump vừa qua đã được cập nhật thông tin tình báo mật để nếu ông có đắc cử tổng thống, ông sẽ bắt kịp các vấn đề khi ông Obama rời nhiệm sở vào tháng Một năm sau.
Khi được hỏi ông có sốc vì bất kỳ điều gì mình nghe được, ông Trump nói rằng ông Obama, bà Clinton và Ngoại trưởng John Kerry đã làm ngược lại với những gì mà các chuyên gia tình báo đề xuất với họ.
Ứng viên của Đảng Cộng hòa cáo buộc bà Clinton phớt lờ đề xuất của các cố vấn an ninh quốc gia liên quan tới Nhà nước Hồi giáo, khi bà làm Ngoại trưởng Mỹ từ năm 2009 tới 2013.
Ông này nói thêm:
“Tôi nghĩ rằng dưới sự lãnh đạo của bà Hillary Clinton và ông Barack Obama, các vị tướng đã hoàn toàn suy sụp. Họ suy sụp tới mức trở thành một nỗi hổ thẹn cho đất nước chúng ta”.
Trong một bài phát biểu trước đó hôm 7/9 ở Philadelphia, ông Trump nói rằng ngay sau khi nhận nhiệm sở, ông sẽ cho các vị chỉ huy quân sự Mỹ thời hạn 30 ngày để lập ra một kế hoạch đánh bại Nhà nước Hồi giáo, sau khi nói trong tuần này rằng bản thân ông “đã có kế hoạch bí mật”.
Trong cuộc phỏng vấn riêng rẽ do NBC News thực hiện, bà Clinton đã chế nhạo ông Trump, và nói rằng “điều bí mật là ông ấy chẳng có kế hoạch nào hết”.
Ứng cử viên của Đảng Dân chủ cũng nói với người dẫn dắt cuộc thảo luận rằng một phẩm chất quan trọng nhất đối với một tổng thống là phải có “lập trường hết sức vững chắc” khi bàn về vấn đề chiến tranh và hòa bình.
Bà Clinton nói:
“Điều chúng ta muốn thấy từ một tổng thống, một tổng tư lệnh, đó là phải lắng nghe, đánh giá những gì mình được cố vấn, có thể chọn lựa các giải pháp khó khăn được nêu ra rồi đưa ra quyết định”.
Bà Clinton trước đây từng nói rằng ông Trump không có các phẩm chất đó.
Theo dự kiến, ngày 26/9 tới, bà Clinton và ông Trump sẽ tham dự một trong ba cuộc tranh luận công khai trên truyền hình, trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào ngày 8/11.

Hillary bào chữa

việc sử dụng email cá nhân tại diễn đàn của NBC

Tin New York, New York. (Reuters) – Ứng cử viên Dân Chủ Hillary Clinton bào chữa cho việc dù sử dụng email cá nhân, nhưng bà vẫn bảo vệ được các thông tin bí mật của chính phủ.
Bà Clinton đưa ra ý kiến trên tại diễn đàn Tổng-Tư-Lệnh được truyền hình trực tiếp vào tối thứ Tư. Xuất hiện trong nửa đầu của chương trình kéo dài một giờ, bà Clinton bị chất vấn về cách bảo mật hàng trăm ngàn email trong một máy chủ cá nhân, khi bà còn là ngoại trưởng của Tổng thống Obama. Vấn đề này từng dấy lên nhiều câu hỏi về việc bà có thể được tin cậy, nếu bà đắc cử tổng thống không. Bà Clinton trả lời rằng không có email nào trong số email bà từng gởi đi – hoặc từng nhận được – có đánh dấu tối mật hoặc bí mật. Tuy nhiên theo giám đốc FBI James Comey, kết quả cuộc điều tra cho thấy bà Clinton vô cùng bất cẩn trong việc bảo vệ các tài tiệu mật, nhưng ông quyết định không khởi tố bà.
Trong diễn đàn này, bà Clinton cho biết bà rất ân hận khi bỏ phiếu ủng hộ chiến tranh Iraq năm 2003, lúc bà vẫn còn là thượng nghị sĩ tiểu bang New York. Bà tố cáo lúc đó ông Trump cũng ủng hộ việc đưa quân đội Hoa Kỳ sang Iraq. Tuy nhiên trong suốt thời gian vận động tranh cử, ông Trump thay đổi thái độ, hoàn toàn phản đối chiến tranh và cam kết sẽ tránh cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông.
Sự kiện được tổ chức tại Viện bảo tàng Hàng không và Đại dương ở New York. (Mai Đức)

Căng thẳng Mỹ-Trung gây trở ngại cho việc đối phó với Bắc Hàn

Các nhà phân tích nói rằng thỏa thuận lâu dài của Washington và Bắc Kinh về sự cần thiết phải thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân của nước này đã vỡ vụn vì căng thẳng gia tăng trong khu vực và sự phân tách các lợi ích quốc gia.
Các giới chức Mỹ và Hàn Quốc, cũng như các nhà phân tích từ Trung Quốc và Nga, đã phân tích về tình hình an ninh ngày càng phức tạp trên bán đảo Triều Tiên tại buổi Đối thoại Quốc phòng Seoul ngày thứ Năm, 8/9, do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tổ chức.
Ông Kim Hong-kyun, Đặc phái viên Hàn Quốc phụ trách về các vấn đề hòa bình và an ninh, đã kêu gọi quốc tế tiếp tục hỗ trợ để gây áp lực lên chính quyền Kim Jong Un nhằm kiềm chế nước này tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Ông Kim nói:
“Bình Nhưỡng có thể tin rằng nếu nước này vẫn kiên quyết thực hiện các hành động khiêu khích thường xuyên thì cộng đồng quốc tế, bằng cách nào đó, sẽ chấp nhận chúng như là một thực tế, nhưng họ đã lầm”.
Ông Kim cho biết thêm rằng các lệnh trừng phạt mới nhất của Liên Hiệp Quốc đã gây khó khăn cho nền kinh tế của Bắc Triều Tiên, đặc biệt là trong thương mại, vận chuyển và tài chính. Tuy nhiên do các hạn chế chỉ mới được áp dụng vào tháng Ba, trong khi Bắc Triều Tiên đã tiến hành 10 cuộc thử nghiệm tên lửa tầm ngắn và tầm trung, trong đó có vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm, cho thấy khả năng tiến bộ của nước này trong việc nhắm mục tiêu tới lục địa Hoa Kỳ bằng

Giám đốc tình báo Mỹ khuyến cáo những đe dọa về an ninh

Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Hoa Kỳ cảnh báo chính phủ của tân Tổng thống sắp tới sẽ đối mặt với những mối đe dọa phức tạp nhất và đa dạng nhất toàn cầu mà ông từng chứng kiến trong hơn nửa thế kỷ qua.
Phát biểu tại Thượng đỉnh Tình báo và Anh ninh Quốc gia hôm 7/9 tại Washington, ông James Clapper nói trước các cử tọa gồm các lãnh đạo trong ngành tình báo công và tư rằng chúng ta đang sống trong một thế giới bất ổn khó lường, trong đó 2/3 các nước trên toàn cầu có nguy cơ gặp bất ổn kiểu này hay kiểu khác, trong vài năm tới.
Vẫn theo lời ông, biến đổi khí hậu sẽ là một trong những yếu tố chính gây bất ổn trong vài thập niên tới.
Giám đốc Clapper: ‘Các trung tâm đông dân sẽ cạnh tranh về các nguồn lực nước và thực phẩm và các chính phủ sẽ càng khó khăn hơn trong việc kiểm soát lãnh thổ của mình. Vì tất cả các yếu tố này, sau khi Nhà nước Hồi giáo không còn nữa, có thể sẽ xuất hiện các nhóm khủng bố khác, trong chu trình chủ nghĩa khủng bố tiếp tục kiểm soát chúng ta ở một tương lai có thể trông thấy trước.’
Ông Clapper cho rằng lĩnh vực tình báo sẽ tiếp tục bị các đối thủ tình báo như Nga, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, hay Iran thách thức.
Theo Giám đốc Tình báo Quốc gia, James Clapper, bất kỳ người nào sắp lên làm Tổng thống Mỹ, chính quyền mới và các lãnh đạo an ninh quốc gia mới sẽ phải đối mặt trước những thử thách này.

Thêm 2 nghi can bị bắt trong vụ điều tra xe bom ở Paris

Cảnh sát Pháp đã bắt giữ thêm 2 người khác có liên quan đến một chiếc xe tải chở sáu thùng gas đầy, được phát hiện gần nhà thờ Notre Dame ở Paris hôm 4/9.
Hai người khác được biết có liên hệ với các nhóm Hồi giáo cực đoan đã bị bắt hôm 6/9 ở miền nam nước Pháp.
Hôm 4/9, một nhân viên quán bar đã để ý thấy một thùng gas ở băng ghế phía sau của chiếc xe không biển số bị bỏ mặc khi anh đang đi ngang qua chiếc xe này và đã báo cho cảnh sát.
Hôm 6/9, cảnh sát cũng đã bắt giữ chủ sở hữu của chiếc xe mà nhà chức trách cho biết cũng có liên hệ với Hồi giáo cực đoan, nhưng ngay sau đó đã thả anh này ra. Con gái của người chủ sở hữu chiếc xe vẫn đang bị cảnh sát truy nã để thẩm vấn.
Cảnh sát đã lục soát chiếc xe và không phát hiện bất cứ tác nhân gây nổ nào cho các thùng gas. Các giới chức suy đoán là đèn nháy báo nguy của chiếc xe có thể đã được bật lên để thu hút sự chú ý. Một giới chức cảnh sát nói với AFP rằng “chúng tôi nghĩ là hắn ta có thể đã cố gắng làm một cuộc thử nghiệm”.
Các giới chức Pháp luôn cảnh giác cao về các hoạt động khủng bố sau hai vụ tấn công riêng rẽ bị cáo buộc do nhóm Nhà nước Hồi giáo gây ra trong năm qua đã khiến cho hơn 200 người thiệt mạng. Cuộc tấn công phối hợp ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái đã giết chết 130 người, và một người đàn ông lái một chiếc xe tải đâm vào đám đông dọc theo con đường ven biển ở Nice đã khiến cho 86 người thiệt mạng.

Câu chuyện của một người Bắc Triều Tiên đào tị

Ông Sungju Lee hiện là một sinh viên hậu đại học tại London. Khi ông còn nhỏ, cha ông là một người phục vụ trong quân đội Bắc Triều Tiên và gia đình ông sống tại Bình Nhưỡng lúc ông Kim Il Sung, người sáng lập Bắc Triều Tiên, còn sinh tiền. Ông Lee không nhớ gì nhiều về ông Kim Il Sung, chỉ biết rằng “Ông ấy là Thượng Đế.” Ông từng nghĩ ông Kim Il Sung là nhân vật ‘trên cả nhân loại.’
Lúc ở Bình Nhưỡng, ông Lee có một đời sống tương đối xa hoa: được học các lớp Taekwondo cừ khôi, được học trường tốt, và được ăn uống sung túc. Ông Lee kể lại: “Một hôm, cha tôi về bảo rằng cả nhà sẽ đi ra Bắc nghỉ phép.”
Ông còn nhớ cái cảm giác thích thú lúc ấy: một cậu bé được đi nghỉ hè xa thành phố. Thế nhưng, trên chuyến xe lửa ra khỏi Bình Nhưỡng, ông đã nhận ra có điều gì đó không ổn vì phải chuyển sang tàu khác.
Chia sẻ với Câu chuyện châu Á hàng tuần của Đài VOA, ông Lee nói: “Chuyến tàu thứ hai thật tệ, rất hôi thối, không có ghế ngồi cho đàng hoàng và đông nghẹt. Có người lấy mền che mặt, có người lấy bao nhựa che mặt. Tôi tự hỏi chuyện gì đây? Tôi hỏi cha tôi: ‘Chuyện gì vậy bố? Chúng ta còn ở Bắc Triều Tiên không?’ Cha tôi trả lời: ‘Dĩ nhiên rồi’.”
Đời sống tại Gyeong-seong thật khó khăn và gia đình ông phải vất vả để sống còn. Sau một năm, cha ông lên đường đi Trung Quốc. Mẹ ông bảo ông rằng có lẽ cô của ông còn một ít thực phẩm cho họ và bà muốn tới nhà cô một mình. Đã mất cha, ông Lee không muốn mất thêm mẹ nữa. Suốt đêm ông ghì chặt tay mẹ.
“Tới sáng, tôi mệt quá thiếp đi. Sau đó mở mắt tỉnh dậy tôi thấy mình nằm trong chăn, nhưng không có mẹ bên cạnh.”
Ông Lee rơi vào tuyệt vọng, cả thế giới sụp đổ trong mắt ông. Không có cách nào kiếm sống, ông phải ra đường, cùng với những đứa trẻ khác lập băng đảng đi móc túi, ăn cắp đồ ăn, hoặc dắt khách đi tìm gái làng chơi.
Ông biết ăn cắp là xấu xa, nhưng ông nói “Lần đầu thấy rất khó làm, nhưng lần thứ hai thấy dễ hơn, lần thứ ba càng dễ nữa. Và rồi đến lần thứ tư, thứ năm… thì đã thành nghề của tôi.”
Ông lăn lộn trên đường phố suốt 4 năm, đi từ thị trấn này sang thị trấn khác vì ở lâu một chỗ thì các tiểu thương sẽ biết mặt và khó trộm cắp được của họ.
Tháng 2 năm 2001, Lee trở lại Gyeong-seong, tới ga xe lửa. Trong lúc tìm xem có trộm được gì không thì một người đàn ông lớn tuổi bước tới nói với Lee rằng ông ấy biết Lee và muốn mang Lee về nhà. Sau khi hỏi ý kiến băng nhóm của mình, Lee đồng ý đi với người đàn ông kia miễn là có bạn bè đi cùng. Người đàn ông đồng ý. Ông ta không hề biết lúc đó Lee đã âm mưu sẽ ra tay cướp tài sản của ông ta.
Ông Lee kể lại: “Bước vào nhà ông ấy, tôi bắt đầu lùng sục coi có gì quý giá để lấy không vì chúng tôi định ăn cắp mọi thứ trong nhà ông ta. Rồi tôi phát hiện tấm ảnh cưới của mẹ tôi. Ông ấy chính là ông ngoại của tôi.”
Trước đó 4 năm, ông ngoại của Lee mất liên lạc với con gái mình. Các giới chức tại Bình Nhưỡng nói rằng cả gia đình con gái ông đã dời cư tới Gyeong-seong. Thế là suốt 4 năm ròng, Chủ nhật nào ông cũng ra sân ga để tìm con gái.
Lee bảo với đám bạn không được lấy cắp thứ gì. Đám bạn bỏ đi, còn Lee thì ở lại nhà ông ngoại.
Tháng 10 năm 2002, cha Lee nhờ một người tới nhà ông ngoại đưa Lee đào thoát sang Hàn Quốc, và cuối cùng, ông được đoàn tụ với cha mình.
Toàn bộ câu chuyện của ông Sungju Lee được viết trong cuốn sách nhan đề Every Falling Star sẽ được phát hành vào ngày 13/9 năm nay.

Không kích Mỹ hạ sát 4 phần tử chủ chiến tại Somalia

Hoa Kỳ tiến hành hai đợt không kích tại miền Nam Somalia trong tuần, hạ sát 4 phần tử chủ chiến al-Shabab có liên hệ với al-Qaida.
Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ đặc trách châu Phi cho hay các cuộc không kích hồi đầu tuần diễn ra sau một cuộc tấn công của ‘nhóm đông các tay súng võ trang al-Shabab’ nhắm vào cuộc hành quân chung giữa Mỹ và Somalia chống khủng bố.
Trong quá khứ, quân đội Hoa Kỳ từng dùng máy bay không người lái nhắm mục tiêu các thủ lĩnh cao cấp của al-Shabab. Hồi tháng 6, Ngũ Giác Đài cho hay đã thực hiện một cuộc không kích cuối tháng 5 chống lại Abdullahi Haji Da’ud, một trong những tay hoạch định quân sự cấp cao cho al Shabab, người làm điều phối viên chủ chốt cho các cuộc tấn công tại Somalia, Kenya, và Uganda.
Các đợt không kích gần đây nhất của Mỹ diễn ra tại Torotorow trong vùng hạ Shabelle, hôm 5/9.
Al-Shabab bị lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp châu Phi đẩy lùi ra khỏi thủ đô Mogadishu của Somalia vào năm 2011, nhưng vẫn còn là một lực lượng đối kháng mạnh. Al Shabab thường mở các cuộc tấn công nhắm mục tiêu lật đổ chính phủ Somalia được phương Tây hậu thuẫn.

Anh bắt đầu xây tường ngăn di dân

Bộ trưởng Nội vụ Anh, Robert Goodwill, ngày 7/9 loan báo Anh dự định khởi công xây một bức tường ở cảng Calais phía Bắc nước Pháp, một phần trong các biện pháp ngăn chặn di dân.
Bức tường bê tông cao 4m trải dài 1km có kinh phí dự kiến là 3 triệu đôla.
Bức tường được xây trong khuôn khổ gói an ninh trị giá 23 triệu đôla mà Anh và Pháp đã nhất trí, sau hàng chục ngàn trường hợp tìm cách băng qua Anh thông qua các chuyến xe tải lên phà.
Ông Goodwill nói với một ủy ban quốc hội hôm qua rằng việc thi công dọc theo đường cao tốc chính dẫn tới cảng Calais sẽ khởi sự ‘rất sớm’, đồng thời nói thêm rằng ‘Chúng ta đã dựng một hàng rào, bây giờ chúng ta sẽ xây một bức tường.’
Công trình xây dựng bức tường này dự kiến sẽ bắt đầu sớm nhất là trong tháng này và sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, theo các nguồn tin chính thức.
Các chính trị gia đối lập của Anh và một số nhà lãnh đạo Châu Âu đã chỉ trích kế hoạch vừa kể.
Hàng ngàn người, hầu hết từ đất nước Syria bị chiến tranh tàn phá, từ Trung Đông, và từ Châu Phi đã tới cảng Calais sau các chuyến vượt Địa Trung Hải và Biển Aegean đầy nguy hiểm với hy vọng tiến vào nước Anh bằng cách bám theo các chuyến xe tải và xe lửa thông qua Đường hầm eo biển Manche.
Nhiều người hiện phải tạm cư trong một trại tị nạn quá tải được biết đến với biệt danh nôm na là ‘rừng rú’ mà chính quyền Pháp đã tuyên bố sẽ dỡ bỏ.
Đầu tuần này, các tài xế xe tải và nông dân Pháp đã tức giận phong tỏa các tuyến đường chính trong và ngoài Calais, kêu gọi đóng cửa trại tị nạn này.

Máy bay Mỹ bị Nga áp sát ở Hắc Hải

Mỹ tố cáo Nga cho một trong những phi cơ chiến đấu của Moscow áp sát một máy bay do thám của Mỹ trên Hắc Hải hôm 7/9, một hành động mà các quan chức quân sự Mỹ mô tả là ‘không an toàn và thiếu chuyên nghiệp’ dù Moscow khẳng định đã hành động phù hợp với nguyên tắc bay quốc tế.
Hoa Kỳ cho biết máy bay P-8A Poseidon của hải quân Mỹ đang tiến hành ‘hoạt động thường kỳ’ trên không phận quốc tế thì bị một máy bay phản lực Nga SU-27 Flanker tiếp sát trong vòng 3m và hành động này kéo dài 19 phút.
‘Các máy bay và tàu bè của hải quân Hoa Kỳ thường xuyên tương tác với các đơn vị của Nga trong khu vực và hầu hết các tương tác diễn ra an toàn và chuyên nghiệp,’ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết. ‘Tuy nhiên, chúng tôi quan ngại khi có một hành động không an toàn như thế diễn ra. Các hành động này có khả năng làm leo thang căng thẳng một cách không cần thiết, và có thể dẫn đến sự tính toán sai lầm hoặc tai nạn.’
Bộ Quốc phòng Nga nói họ phái máy bay chiến đấu đến sau khi máy bay của Hoa Kỳ tiến gần biên giới Nga và làm tắt hệ thống phát-nhận tín hiệu dùng để nhận dạng.

Afghanistan: 93 nhân viên cứu trợ bị bắt cóc trong năm nay

Ayaz Gul
ISLAMABAD —
Liên Hiệp Quốc cảnh báo mối đe dọa ngày càng tăng đối với những nhân viên cứu trợ tại Afghanistan, nơi hàng triệu người đang cần được giúp đỡ để sống còn.
Ông Stephen O’Brien, điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của Liên Hiệp Quốc, nói với các phóng viên tại Kabul khi kết thúc chuyến thăm Afghanistan rằng: “Tôi hết sức quan ngại rằng các nhân viên cứu trợ đang bị nhắm mục tiêu, kể từ đầu năm tới nay đã có 93 đồng nghiệp bị bắt cóc.”
Không tiết lộ thêm chi tiết cũng không cho biết quốc tịch của các nạn nhân, ông O’Brien kêu gọi “tất cả các bên có nghĩa vụ tôn trọng các nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế và đảm bảo công tác bảo vệ thường dân và nhân viên cứu trợ.”
Ông O’Brien cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn cấp tăng cường hỗ trợ cho khoảng 1,1 triệu người Afghanistan từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ bị thất tán trong nước và tháo chạy ra nước ngoài.
Ông O’Brien nói cộng đồng các tổ chức nhân đạo tại Afghanistan cần gấp 150 triệu đôla để đáp ứng các nhu cầu sống còn của người dân trong 4 tháng tới trước thực trạng số người phải rời bỏ nhà cửa ngày càng tăng.
Ông O’Brien cho biết thêm “Những gia đình và những cộng đồng bị thất tán bao gồm những người tị nạn từ Pakistan trở về và hàng trăm ngàn người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa trong năm nay vì cuộc chiến tại Afghanistan.”
Liên Hiệp Quốc cho biết mỗi ngày có hơn 5.000 người tị nạn Afghanistan từ Pakistan trở về, làm tăng thêm những thách thức mà cộng đồng nhân đạo đang đối mặt.
Hiện có khoảng 3 triệu người Afghanistan tị nạn tại Pakistan, gần phân nửa số người này cư trú bất hợp pháp và đang chịu áp lực của nhà cầm quyền nước này buộc phải trở về Afghanistan.
Ông O’Brien nói mức báo động về suy dinh dưỡng hiện đang ảnh hưởng đến 2,7 triệu người tại Afghanistan, trong đó có 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. Ông thúc đẩy các chính phủ, các nhà tài trợ và các tổ chức nhân đạo nỗ lực hơn nữa để chặn đứng cuộc khủng hoảng này, để cứu mạng hơn 126.000 trẻ em trong năm nay.
Ông O’Brien cho biết “chỉ có 35% các em bị suy dinh dưỡng mãn tính trầm trọng được cứu trợ, và chỉ 25% trong số này là được điều trị.”
Trong năm nay, Taliban đã mở rộng các hoạt động nổi dậy tại nhiều tỉnh ở Afghanistan hơn bất cứ thời điểm nào khác kể từ khi bị truất quyền vào năm 2001. Tình hình này khiến lực lượng an ninh Afghanistan phải mở nhiều cuộc hành quân lớn xuyên khắp Afghanistan.
Chiến tranh leo thang đã làm số thương vong nơi thường dân tăng tới mức kỷ lục trong 6 tháng đầu năm nay.

Thế giới đề mục tiêu 2030 không còn bom chùm

Lisa Schlein
GENEVA —
Một hội nghị 3 ngày nhằm củng cố hiệp ước cấm sử dụng các loại bom chùm vừa kết thúc với thành quả tốt đẹp. Hơn 100 quốc gia tham dự nhất trí đề mục tiêu vào năm 2030 sẽ không còn các loại vũ khí này tại những nước bị ô nhiễm.
Hai mươi bốn quốc gia hiện đang bị ô nhiễm bởi bom chùm, loại vũ khí khi phát nổ làm tung ra những quả bom nhỏ trải khắp khu vực, gây tử vong hoặc thương tích bừa bãi. Những quả bom chưa phát nổ vẫn là một mối đe dọa đối với mạng sống con người dài lâu sau khi chiến tranh kết thúc.
Hơn 100 nước đã phê chuẩn hay tán thành Công ước về Bom chùm, cấm sử dụng, chuyển giao hay tồn trữ loại vũ khí này.
Chủ tịch Công ước, ông Henk Cor van der Kwast, cho biết các chính phủ tại hội nghị tuần này đồng ý phấn đấu đạt được mục tiêu: một thế giới không có bom chùm vào năm 2030.
Ông nói:
“Điều này cũng có nghĩa là những nước bị ảnh hưởng phải làm việc tích cực hơn để dọn sạch các khu vực còn bom chùm sót lại và các nước tài trợ cũng phải nỗ lực hướng tới thời hạn chót này, xem có thể trợ giúp như thế nào cho các nước bị ảnh hưởng trong việc tháo gỡ bom chùm trên lãnh thổ của họ.”
Ông Van der Kwast cho hay 12 trong số 14 nước bị ô nhiễm tương đối còn ít bom chùm sót lại và có thể dọn sạch trước năm 2020. Tuy nhiên, vẫn theo lời ông, Lào và Iraq_hai nước bị ảnh hưởng nặng nề, phải đến năm 2030 mới có thể hoàn tất việc này.
Ông cho biết hội nghị hoan nghênh quyết định của Tổng thống Obama cấp cho Lào 90 triệu đô la trong thời gian 3 năm để dọn dẹp bom chùm.
Hội nghị cũng lên án việc sử dụng bom chùm tại Syria và Yemen. Bà Megan Burke, Giám đốc Liên minh chống Bom chùm, nói thành quả hôm nay là hết sức tích cực, tiếp sức cho công tác cấm sử dụng tất cả các loại bom chùm.
Bà nói:
“Chính việc này đã khiến công ty Textron chuyên sản xuất bom chùm tại Mỹ, tuần rồi, loan báo sẽ chấm dứt sản xuất bom chùm trước tháng 3 năm sau vì không còn thị trường nữa.”
Bà Burke nói tác động của việc này rất to lớn vì đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ sẽ không còn là quốc gia sản xuất những loại vũ khí này nữa. Kết quả là các nước khác sẽ khó mà sản xuất được bom chùm, và cũng sẽ củng cố cho nguyên tắc chống sử dụng bom chùm trên thế giới.

Các bên nỗ lực lần cuối

nhằm đạt được lệnh ngừng bắn cho Syria

Các nỗ lực ngoại giao dồn dập đã được nối lại ở châu Âu. Một số nhà quan sát xem đó như là nỗ lực cuối cùng để mang lại một lệnh ngừng bắn ở Syria.
Một trọng tâm chính là nỗ lực của các nhà đàm phán Mỹ và Nga nhằm giải quyết những vấn đề hóc búa.
Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ khi nói với đài VOA đã bày tỏ thất vọng về các đối tác Nga của họ. Họ đã cáo buộc phía Nga lật ngược lại một số điểm chính của thỏa thuận trong những ngày gần đây.
Trong một bài phát biểu tại Đại học Oxford ở Anh hôm thứ Tư, 7/9, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter nói: “Tin từ hôm nay phát đi từ Syria thật không khích lệ chút nào”.
Ông Carter cáo buộc Moscow có “hành vi không chuyên nghiệp” ở Syria, Ukraine và không gian mạng, ông cho rằng Nga có tham vọng rõ ràng về việc làm xói mòn các nguyên tắc trật tự quốc tế.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov “có kế hoạch gặp nhau trong những ngày tới để xem liệu họ có thể hoàn tất một thỏa thuận hay không, khi mà giờ đây đã xác định được những vấn đề còn lại”, ông Ben Rhodes, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia chuyên trách truyền thông chiến lược cho biết như vầy trong khi công cán cùng Tổng thống Barack Obama ở Lào.
Ông Rhodes nói với các phóng viên: “Chúng tôi sẽ không chấp nhận một thỏa thuận mà không đáp ứng được các mục tiêu cơ bản của chúng tôi. Tôi nghĩ chúng ta sẽ sớm biết được chúng tôi có thể lấp được những khoảng cách còn lại hay không”.
Nhưng ngay cả khi các nhà ngoại giao Mỹ và Nga lấp được những khoảng cách đó, có thể một số thành phần tham chiến ở Syria vẫn chưa hài lòng.
Riyad Hijab, điều phối viên hàng đầu của nhóm đối lập chính ở Syria tham gia đàm phán, nói: “Nếu những gì Nga và Mỹ thỏa thuận rất khác so với những gì người Syria mong muốn, thì chúng tôi sẽ không chấp nhận nó”.
Cuộc đàm phán ở London do Liên Hiệp Quốc làm trung gian trong lâu nay bị đình trệ.
Một điểm hóc búa bấy lâu nay liên quan đến số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Các nhóm đối lập đều đòi ông phải rời chức vụ vào cuối sáu tháng đàm phán để thành lập một chính phủ chuyển tiếp.

Nga đề nghị tổ chức đàm phán Abbas-Netanyahu

WASHINGTON —
Sau khi can dự vào cuộc nội chiến Syria, Nga nay tỏ dấu hiệu cho thấy Moscow muốn trở thành một nhà điều giải hòa bình cho Trung Ðông. Tổng thống Vladimir Putin vừa đề nghị tổ chức cuộc họp trực tiếp giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở Moscow. Hai nhà lãnh đạo đều tuyên bố họ muốn tiếp tục đàm phán, nhưng bên này đổ lỗi cho bên kia gây bế tắt.
Ðặc sứ Trung Ðông của Nga, ông Mikhail Bogdanov hôm thứ Ba đã họp với Tổng thư ký của Tổ chức Giải phóng Palestine, ông Saeb Erekat, tại thành phố Ramallah ở khu Bờ Tây, một ngày sau khi họp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Ông Bogdanov nói: “Chúng tôi rất phấn khởi khi ông Mahmoud Abbas chấp nhận trên cơ bản sáng kiến của Nga do Tổng thống Putin khởi xướng. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực, bàn thảo và tiếp xúc với hai bên về hình thức, nội dung và ngày giờ tổ chức cuộc đàm phán.”
Ông Abbas, trong khi đi thăm Ba Lan hôm thứ Ba, đáp lại rằng ông sẵn sàng tham gia cuộc họp đó:
“Tôi dự trù đi thẳng từ đây đến Moscow để họp với ông Netanyahu, nhưng chẳng may là có các cuộc bàn thảo ngày hôm qua ở Jerusalem giữa các trợ lý của Tổng thống Putin và Thủ tướng Netanyahu, và ông Netanyahu đã hoãn cuộc họp lại sang một ngày giờ khác mà tôi chưa được biết.”
Ông Netanyahu nói cuộc đàm phán không thể tiến hành được vì những điều kiện do phía Palestine đặt ra. Ông Abbas phủ nhận những cáo buộc đó.
Thủ tướng Netanyahu nói:
“Ngay ngày hôm qua, người phát ngôn Palestine phát biểu rằng họ sẵn sàng đàm phán, nhưng có một số điều kiện – là phóng thích tù nhân, và họ muốn biết trước kết quả của cuộc họp. Nếu ông Mahmoud Abbas sẵn sàng đàm phán trực tiếp mà không đặt điều kiện trước, tôi sẽ sẵn sàng bất cứ lúc nào.”
Ông Netanyahu trong khi đi thăm La Haye hôm thứ Ba đã gặp phải những người phản kháng giận dữ về cách ông đối xử với người Palestine, nhất là việc phong tỏa Gaza. Nhà lãnh đạo Israel đi thăm Hà Lan để thảo luận về trợ giúp của chính phủ Hà Lan trong chương trình cải thiện nguồn cung cấp nước và năng lượng cho người Palestine ở Dải Gaza.
Ông Netanyahu nói:
“Chúng tôi không đánh nhau, và không có gì lo sợ với người dân ở Gaza, mà chỉ với những nhóm khủng bố hăm dọa họ. Do đó chúng tôi chống bọn khủng bố, nhưng chúng tôi muốn giúp cho người dân, và bước trước tiên là cải thiện nguồn cung cấp năng lượng và nước cho Dải Gaza, trong đó có việc xây dựng một đường dẫn khí đốt.”
Các lực lượng quân sự của Israel đã bắn đạn pháo vào Gaza hôm thứ Ba. Các giới chức nói rằng họ nhắm vào các vị trí của nhóm Hamas, nhưng họ cũng phá hủy nhà cửa của thường dân. Các chiến binh Hamas thường bắn rốc-két vào Israel và quân đội Israel đáp trả bằng oanh kích nhắm vào các vị trí mà họ nói là của Hamas.
Nỗ lực đàm phán hòa bình Trung Ðông do Mỹ làm trung gian suốt mấy mươi năm qua đã không mang lại được hòa bình lâu dài cho người Israel và Palestine.

Ô nhiễm không khí

là dạng ô nhiễm gây chết người nhiều nhất

Một nghiên cứu mới của Ngân hàng Thế giới World Bank phối hợp với Viện Thẩm định Sức Khỏe-IHME được công bố hôm nay cho biết nạn ô nhiễm không khí trở nên dạng ô nhiễm gây chết người nhất và là yếu tố nguy hiểm thứ tư gây chết trẻ trên toàn thế giới.
Số tử vong do ô nhiễm không khí khiến kinh tế toàn cầu mất đi chừng 225 tỷ đô la từ thu nhập của người lao động trong năm 2013.
Những trường hợp tử vong có liên quan đến ô nhiễm thường xảy ra chủ yếu đối với trẻ em và người già; tuy nhiên tình trạng chết trẻ của những người đang trong độ tuổi lao động dẫn đến mất mát thu nhập như vừa nêu.
Thống kê cho thấy trong năm 2013, có chừng 5 triệu rưỡi người thiệt mạng vì những chứng bệnh có liên quan đến ô nhiễm không khí cả trong nhà và ngoài trời.
Bà Laura Tuck, phó chủ tịch phụ trách phát triển bền vững của World Bank, cho rằng ô nhiễm không khí là một thách thức đe dọa an sinh căn bản của con người. Tình trạng đó sẽ gây hại cho tài nguyên thiên nhiên, giảm tăng trưởng kinh tế.
Bà này hy vọng với kết quả nghiên cứu được công bố các nhà hoạch định chính sách sẽ có đầu tư nhiều hơn để cải thiện chất lượng không khí.

Quan chức cao cấp Bắc Hàn thăm Trung Quốc

Một quan chức cao cấp ngoại giao Bắc Hàn thăm Trung Quốc sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tiếp tục lên án Bình Nhưỡng về việc phóng hỏa tiễn đạn đạo vào hôm thứ hai, mùng 5 tháng 9.
Hãng tin Yonhap của Nam Hàn cho biết bà Choe Son Hui, phó trưởng đoàn Bắc Hàn tham gia vòng đàm phán 6 bên về chương trình nguyên tử của Bình Nhưỡng, và cũng là phó tổng giám đốc Hoa Kỳ Sự Vụ thuộc Bộ Ngoại giao Bắc Hàn, đến Bắc Kinh vào hôm thứ ba vừa qua cùng người phiên dịch.
Yonhap không nói rõ mục đích của chuyến đi này là gì cũng như bà Choe sẽ gặp gỡ ai.
Trả lời câu hỏi của báo giới liên quan đến chuyến đi của phó tổng giám đốc Hoa Kỳ Sự Vụ thuộc Bộ Ngoại giao Bắc Hàn đến Trung Quốc, phát ngôn nhân Hoa Xuân Oánh  nói không biết gì về thông tin đó.
Tuy nhiên chuyến đi được thực hiện ngay sau khi có lên án mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và chính Trung Quốc ủng hộ quyết định này.
Bà Choe từng đến Bắc Kinh hồi tháng 6 để tham dự một hội thảo có sự tham dự của các đặc phái viên Hòa Kỳ và Nam Hàn phụ trách vấn đề hạt nhân nhưng hội thảo này không ở tầm thảo luận cấp chính phủ.
Liên quan sự gia tăng các hoạt động thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái khẳng định lại cam kết của Bắc Kinh đối với chủ trương phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Cam kết của chủ tịch họ Tập được đưa ra khi hội đàm với tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu.

Cuộc gặp ‘gượng gạo’ Obama-Duterte

Tổng thống Mỹ Barack Obama và nhà lãnh đạo Philippines Rodrigo Duterte gặp nhau chớp nhoáng, vài ngày sau sự cố về ngôn từ.
Hôm thứ Ba, ông Obama hủy cuộc đối thoại đã được lên lịch sau khi ông Duterte gọi ông là “con của gái điếm”.
Cuộc họp không chính thức hôm thứ Tư diễn ra trước tiệc tối của hội nghị thượng đỉnh ASEAN.
Trong khi một người phát ngôn của Philippines nói ông “rất vui” đã có việc tiếp xúc giữa hai nhà lãnh đạo, phía Mỹ nói họ đã có “trao đổi” ngắn gọn tại một căn phòng chờ trước khi dự tiệc tối của các nhà lãnh đạo.
Được biết ông Obama và ông Duterte tới nơi tổ chức tiệc tối tại hội nghị thượng đỉnh tại Lào riêng rẽ và không tương tác với nhau tại sự kiện kéo dài 1 giờ 20 phút.
“Họ là những người cuối cùng rời khỏi phòng chờ trước khi vào dự tiệc. Tôi không thể nói họ gặp nhau bao lâu”, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, người đi cùng với ông Duterte, nói với các phóng viên ngay sau đó.
“Tôi rất vui vì đã diễn ra sự việc đó.”
Một quan chức Nhà Trắng nói hai vị lãnh đạo nói chuyện “xã giao” khi “trao đổi ngắn gọn” trước tiệc tối.
Cuộc chiến chống ma túy
Sự cố ngôn từ của ông Duterte xảy ra tại một cuộc họp báo, nơi ông nói với phóng viên rằng ông sẽ không chấp nhận ông Obama nêu bất kỳ quan ngại nào về cuộc chiến chống ma túy ở Philippines.
“Người ta phải tôn trọng. Đừng có đặt điều và đưa ra các tuyên bố. Con của một con điếm, tôi sẽ nguyền rủa người đó tại diễn đàn”, ông Duterte nói, dường như ám chỉ Tổng thống Hoa Kỳ.
Nhà lãnh đạo Philippines sau đó bày tỏ hối tiếc về lời lẽ của mình, nhưng chỉ xảy ra sau khi ông Obama hủy họp đã được lên lịch.
Ông Duterte thắng cử tổng thống với chính sách cứng rắn bài trừ ma túy và khoảng 2.400 người đã thiệt mạng trong các chiến dịch chống ma túy kể từ khi ông nhậm chức vào tháng Sáu.
Trước đó ông từng kêu gọi người dân Philippines giết các phần tử buôn bán ma túy nếu chống cự khi bắt giữ, và đe dọa sẽ “tách khỏi” Liên Hợp Quốc sau khi Liên Hợp Quốc gọi cuộc chiến chống ma túy là tội ác theo luật quốc tế.
Tổng thống Duterte, vốn nổi tiếng với những nhận xét gây tranh cãi của mình, từng nói Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bị “điên” và nói Giáo hoàng Francis là “con của gái điếm”.
Tuy nhiên ông được hậu thuẫn mạnh ở trong nước đối với chính sách cứng rắn chống ma túy của mình.

TT Brazil bị la ó tại lễ khai mạc Paralympic

Tổng thống Brazil Michel Temer bị la ó trong lễ khai mạc Paralympic 2016 ở Rio de Janeiro với những màn biểu diễn đầy màu sắc.
Hàng ngàn người tham gia trình diễn trong lễ khai mạc dài hai giờ tại sân vận động Maracana.
Các nội dung thi đấu bắt đầu từ ngày 8/9, và Sarah Storey của Anh có cơ hội trở thành nữ vận động viên khuyết tật thành công nhất.
Lễ khai mạc bắt đầu với màn nhào lộn ngoạn mục của vận động viên Mỹ Aaron “Wheelz” Fotheringham trên xe lăn.
Quốc ca Brazil được cử hành trước cuộc diễu hành của đoàn vận động viên các nước.
Các vận động viên xếp hình ghép thành một trái tim đang đập ở trung tâm sân vận động thể hiện một trong những ý tưởng cốt lõi của Paralympic.
Một trong những tiết mục nổi bật nhất của lễ khai mạc là khi đèn bị tắt để những người trên khán đài trải nghiệm cảm giác bị ‘mù’.
Chủ tịch ủy ban tổ chức Rio 2016 Carlos Nuzman và Tổng thống Temer bị la ó trong lúc đọc diễn văn.
Quốc gia Nam Mỹ rơi vào tình trạng bất ổn chính trị và, chỉ 24 giờ trước lễ khai mạc Paralympic, cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff rời dinh tổng thống sau khi bị luận tội và phế truất.
Kết thúc bài diễn văn, ông Nuzman nói về việc xây dựng một “thế giới mới không có chướng ngại và dễ tiếp cận hơn cho tất cả”.
Cuối cùng ngọn đuốc được thắp sáng trong mưa và đám đông reo hò cổ vũ.

Trump ‘tăng cường quân sự Mỹ’

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump tuyên bố sẽ mở rộng mọi lĩnh vực quân sự Mỹ nếu chiến thắng.
Ông Trump thúc giục có thêm lính, máy bay, tàu tại buổi diễn thuyết ở Philadelphia.
Ông cũng muốn các tướng Mỹ ra kế hoạch đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS) trong 30 ngày đầu ông ở trong Nhà Trắng.
Các thăm dò gần đây cho thấy ông Trump đã thu hẹp khoảng cách so với bà Hillary Clinton.
Trong diễn văn ông Trump gọi viễn kiến của ông cho quân đội Mỹ là “hòa bình nhờ sức mạnh”.
“Tôi đề xuất chính sách ngoại giao mới tập trung thúc đẩy các lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ, thúc đẩy ổn định khu vực, giảm căng thẳng thế giới.”
“Điều này đòi hỏi phải xem lại các chính sách thất bại.”
Ông Trump nói kế hoạch của ông sẽ có ngân sách nhờ giảm lãng phí, thu thuế và giảm lượng lao động liên bang.
Ông cũng kêu gọi các đồng minh Nato đáp ứng trách nhiệm chi 2% lợi tức quốc gia cho quốc phòng.

ITT đóng cửa 130 trường khắp Hoa Kỳ

Tin New York. (CBS)- Hơn 40 ngàn sinh viên coi như bị bỏ rơi kể từ sáng hôm 7 tháng 9, sau khi hệ thống trường ITT Technical Institute chính thức loan báo dừng hoạt động.
ITT là một hệ thống trường cao đẳng dạy nghề, có xấp xỉ 130 trường tại 38 tiểu bang của Hoa Kỳ, bị cấm nhận sinh viên mới từ tháng Tám năm nay. Hôm 6 tháng 9, ITT Tech loan báo dừng hoạt động, và đóng cửa tất cả các cơ sở, đặt hàng chục ngàn sinh viên vào tình cảnh khó khăn.
Một sinh viên khoa điều dưỡng tại Arlington Heights, Illinois cho biết đã hoàn tất khoá học kéo dài 2 năm nay nhờ tiền vay của chính phủ, và chuẩn bị tốt nghiệp trong tuần lễ này. ITT Tech dừng hoạt động đột ngột khi sinh viên chưa có trong tay bằng tốt nghiệp, có nghĩa là không có gì bảo đảm rằng họ sẽ trở thành một điều dưỡng viên sau kỳ thi cấp quốc gia. Rất  nhiều sinh viên ITT Tech hối hả đến trường từ hôm 6 tháng 9 để tìm kiếm câu trả lời.
Theo bộ trưởng Bộ Tư pháp Illinois, tất cả các sinh viên sẽ nhận được bằng tốt nghiệp nếu họ đã hoàn tất đủ thời gian học tập.
Trong khi đó, các viên chức ITT Tech cho rằng, họ là nạn nhân của một cuộc tấn công mang tính chất pháp lý mà không hề có cơ hội để tự biện hộ. Các viên chức liên bang thì nói rằng các sinh viên đang theo học, hoặc đã rời khỏi trường trong vòng 4 tháng qua, có thể đệ đơn xin xoá nợ, và đó là khoản tiền mà người dân đóng thuế sẽ gánh chịu.
Ngoài hàng chục ngàn sinh viên gặp khó khăn nêu trên, còn có khoảng 8 ngàn nhân viên ITT Tech lâm vào tình trạng thất nghiệp. (Song Châu)

Liên Âu kêu gọi anh đàm phàn để rời khỏi khối

London, Anh. (Reuters) – Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hôm 8 tháng 9 nói là Anh nên bắt đầu các cuộc đàm phán để rời khỏi Liên Âu càng sớm càng tốt.
Phát biểu của ông Tusk góp phần thêm vào các lời kêu gọi gần đây cho Thủ tướng May để bắt đầu thủ tục rời khỏi khối. Tại London, ông Tusk đã gặp bà May lần đầu tiên kể từ khi nước Anh quyết định rời khỏi khối trong một cuộc trưng cầu trong tháng 6.  Hai người theo dự kiến sẽ thảo luận về những bước có thể được thực hiện trong vài tháng tới.
Thủ tướng May nói Anh sẽ không viện dẫn Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, để chính thức bắt đầu thủ tục rời khỏi Liên Âu trong năm nay. Bà nói chính phủ Anh cần thời gian để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán phức tạp, mà sẽ có ảnh hưởng lớn lên tương lai của nước Anh. Bà cho biết việc giảm nhập cư vào Anh là rất quan trọng, sau khi hàng triệu người Anh bày tỏ thất vọng vì áp lực ở trường học, bệnh viện và nhà ở, do số lượng đông đảo của những người nước ngoài tới định cư.
Bộ trưởng Thương mại Liam Fox cho biết nước Anh đã bắt đầu các bước để phát triển quan hệ với các nước ngoài Liên Âu. Ông nói với Nghị Viện là chính phủ đã thành lập một nhóm công tác với Ấn Độ. (Lê Hoàng)

Di dân:

Thủ tướng Đức quyết không nhượng bộ phe dân túy cánh hữu

Khi khai mạc cuộc thảo luận về ngân sách, thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi giới chính trị Đức không lùi bước trước các sức ép của phe dân túy cánh hữu về vấn đề di dân. Thủ tướng Merkel Đức đã bảo vệ các giá trị nhân văn của Đức.
Từ Berlin, thông tín viên RFI Pascal Thibaut cho biết thêm chi tiết :
« Bà Angela Merkel đã bảo vệ chính sách tiếp nhận di dân, bà đã khẳng định coi trọng các lo lắng của người dân và bà đã khuyên giới chính trị không lùi bước trước các sức ép của phe dân túy cánh hữu.
Khi tuyên bố trước Hạ Viện : « Tình hình hiện nay đã tốt hơn năm ngoái rất nhiều », bà Merkel muốn nhắc tới các thành tựu quan trọng trong việc tiếp nhận di dân cũng như việc số di dân mới tới đã giảm rõ rệt.
Để trấn an những người dân đang lo lắng, đặc biệt những người có ý định ủng hộ đảng AfD, bà Angela Merkel đã nhấn mạnh tới việc tăng cường an ninh.
Thủ tướng Đức cũng đã bác bỏ những lời thóa mạ nhắm vào những cử tri của Đảng AfD, bà coi đó là phản tác dụng. Bà khuyên giới chính trị không lập lại các đề tài của phe dân túy để giữ được lòng tin. Một ám chỉ gián tiếp nhắm vào các chỉ trích trực diện của những người thuộc phe bảo thủ, phản đối chính sách di dân của thủ tướng.
Những lời chỉ trích ngay trong nội bộ Đảng bảo thủ, và cả những lời chỉ trích từ phe xã hội-dân chủ, thành viên của liên minh lớn, đã tạo điều kiện cho phe đối lập tố cáo là chính phủ đang hỗn loạn và rơi vào ngõ cụt ».

Vì sao Trung Quốc lại cố tổ chức G20 một cách chu đáo?

Thượng đỉnh G20 Hàng Châu, Trung Quốc kết thúc hôm thứ Hai 05/09/2016. Lần đầu tiên là nước chủ nhà tổ chức cuộc họp thượng đỉnh quy tụ 20 quốc gia giầu có nhất hành tinh, Bắc Kinh đã lộ rõ tham vọng cường quốc của mình. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, Trung Quốc cũng đang trả giá đắt cho chính những tham vọng này của mình. Báo Le Monde số ra ngày 06/09/2016 có bài phân tích đề tựa « Trung Quốc, nước chủ nhà G20 quá hoàn hảo ! »
Mở đầu bài viết, Brice Pedroletti, phóng viên thường trú của Le Monde tại Bắc Kinh nhận định trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, Trung Quốc đã phòng ngừa, không để cho xẩy ra bất kỳ chuyện gì ngoài ý muốn : cảnh sát tràn ngập khắp nơi, chỉnh trang đô thị, xây trung tâm triển lãm mới toanh và tuyệt đối không có khói ô nhiễm vì các nhà máy bị đóng cửa. Nỗ lực này tương xứng với những tham vọng của Trung Quốc lần đầu tiên chủ trì thượng đỉnh G20.
Một sự phô trương sức mạnh mà thế giới đã quen nhìn thấy ở Trung Quốc : đó là một sự dàn cảnh, trong thời gian có cuộc họp thượng đỉnh, cho thế giới cũng như người dân trong nước thấy được « giấc mơ một nước Trung Hoa phục sinh », một ý tưởng mà chủ tịch Tập Cận Bình rất tâm đắc. Nhưng việc dàn cảnh đó cũng xác nhận rõ sự tồn tại của một hậu trường mênh mông và tăm tối, mà ở đó cơ chế toàn trị thúc giục toàn bộ hoặc gần như toàn bộ người dân các thành phố phải đi nghỉ, làm biến mất các tiếng nói đối lập và chỉ trích hoặc quy định việc tiếp cận internet tùy theo tình hình.
Chắc hẳn Trung Quốc bây giờ không phải là « anh chàng khổng lồ kinh tế và là chú lùn chính trị» như trường hợp của Nhật Bản ở thời kỳ trước khi Trung Quốc trỗi dậy. Thượng đỉnh G20 là thời điểm tôn vinh một loạt các sáng kiến mà Trung Quốc đưa ra từ năm 2013 để nước này có trọng lượng hơn trong trật tự thế giới – theo như chính mong muốn của phương Tây, vốn gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng toàn cầu. Trong số các « sáng kiến mang tính định chế » đó – theo như cách gọi của nhà nghiên cứu Françoise Nicolas trong số mới nhất của tạo chí nghiên cứu Triển Vọng Trung Quốc (Trung Quốc muốn trật tự quốc tế nào)- có việc thành lập Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Á Châu AIIB, vào năm 2015.
Về sáng kiến này của Bắc Kinh, bà Franҫoise Nicolas, giám đốc Trung Tâm Châu Á, Học viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI, nhận xét, đây « là một bước ngoặt thật sự trong việc phản đối trật tự đã được thiết lập ». Tại Trung Quốc, việc Canada, ngay trước khi khai mạc G20, thông báo tham gia BAII, được đánh giá như là một thành công trong việc « lôi kéo được một đồng minh mới của Hoa Kỳ ».
Gậy ông đập lưng ông
Theo phóng viên nhật báo, trong vòng ba năm gần đây, Bắc Kinh đang bị một loạt cú « gậy ông đập lưng ông » do chính những chính sách ngoại giao của mình. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn thản nhiên tự khẳng định mình.  Việc Trung Quốc chiếm các đảo ở Biển Đông đã làm cho Tòa Trọng Tài La Haye ra phán quyết hồi tháng 07/2016, bất lợi cho nước này. Tuy Trung Quốc sẽ không bị hất ra khỏi các đảo này, nhưng cái giá phải trả rất là cao.
Theo bà Valerie Niquet, phụ trách mảng châu Á, thuộc quỹ nghiên cứu chiến lược FRS, « Hầu như toàn bộ các nước châu Á – ngoại trừ Lào, trong một chừng mực nào đó là Cam Bốt và Bắc Triều Tiên – đều trông đợi cường quốc Mỹ trở lại khu vực nhằm làm đối trọng với sức mạnh đáng lo ngại của Trung Quốc. Phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye là một đòn giáng vào Trung Quốc. Nước này giờ đây mới nhận ra rằng khả năng chiêu dụ – từ lâu được dựa trên sức tăng trưởng kinh tế hấp dẫn – không giúp họ tránh được các phán xét của cộng đồng quốc tế. »
Đối với hồ sơ Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh đã tỏ thái độ kỳ thị lạnh nhạt với Bình Nhưỡng để ve vãn Seoul, để rồi sau đó chỉ trích nữ tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye kể từ khi bà muốn tăng cường hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Trong quan hệ với Nhật Bản, sự nghi kỵ lẫn nhau cực kỳ cao. Hình ảnh Trung Quốc tại xứ sở Hoa Anh Đào chưa bao giờ tệ như lúc này kể từ khi Bắc Kinh tiến hành mở cửa và cải cách.
Tại Hồng Kông, một hồ sơ hiểu theo nghĩa hẹp là chính trị nội bộ, nhưng lại có rất nhiều hệ lụy trên phạm vi quốc tế, sự chống đối kém tinh tế của Bắc Kinh đối với các dự án, cải cách chính trị đã đẩy một bộ phận giới trẻ xuống đường năm 2014. Hai năm sau « phong trào dù vàng », Hồng Kông đang vang vọng những lời kêu gọi đòi độc lập.
Cuối cùng là Đài Loan. Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu (Quốc Dân đảng) với lập trường theo chân Bắc Kinh, hồi năm 2015, đã gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ, có lợi cho phe đối lập trong cuộc bầu cử hồi tháng Giêng 2016. Quan hệ Bắc Kinh – Đài Bắc đang ở mức tồi tệ nhất kể từ thời tổng thống Trần Thủy Biển (Chen Shui-bian 2000-2008), cho dù lần này, bà Thái Anh Vănv(Tsai Ing-wen), tân tổng thống, không làm gì để làm cho Bắc Kinh nổi giận.
Chuyên gia chính trị Lâm Hòa Lập (Willy Lam), tại Hồng Kông, tác giả một cuốn sách được xuất bản gần đây, về chủ tịch Tập Cận Bình, thì cho rằng : « Trung Quốc không có quốc gia bằng hữu – mà chỉ toàn là các quốc gia khách hàng lệ thuộc vào sự hào phóng của Trung Quốc, như Lào, Cam Bốt hay Pakistan ». Ông Tập Cận Bình đang sử dụng « ngoại giao đao kiếm theo kiểu Putin », bởi vì « chủ nghĩa dân tộc là trụ cột sống còn duy nhất cho tính chính đáng của đảng Cộng sản trong bối cảnh kinh tế bị suy giảm ».
Để kết thúc bài viết, tác giả dẫn lời bà Valérie Niquet nhận định là Trung Quốc đang làm «dấy lên nhiều nỗi lo lắng trong lúc cánh cửa cơ hội – cách diễn đạt của các lý thuyết gia Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng 2009 –đang khép lại. Do đó, chiến lược khẳng định sức mạnh, đi kèm với những lời kêu gọi liên tục phát triển khả năng quân sự, đã không chú ý tới những nhu cầu thực tại của nền kinh tế và xã hội Trung Quốc. Chiến lược này tạo ra một tình trạng chối bỏ, kể cả tại Trung Quốc, nơi mà hiện tượng chuyển vốn ra bên ngoài, nhiều trí thức hoặc những người thuộc tầng lớp trung lưu bỏ nước ra đi cho thấy là có một sự khó chịu nào đó hoặc mất lòng tin vào khả năng tiến triển của chế độ ».

Bầu cử Mỹ:

Trump và Clinton trình bày chính sách an ninh quốc gia

Hôm qua, 07/09/2016, hai ứng viên tổng thống Mỹ, Donald Trump thuộc đảng Cộng Hòa và Hillary Clinton thuộc đảng Dân Chủ, lần lượt tham gia một chương trình của đài truyền hình NBC, trả lời các câu hỏi của các cựu chiến binh Mỹ. Bảo đảm an ninh quốc gia là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các cử tri Hoa Kỳ. Cuộc trao đổi với các nhà báo cũng như của khán giả cho thấy rõ được tính cách của từng ứng viên.
Từ Washington, thông tín viên Anne Marie Capomaccio gửi về bài tường trình :
« Hillary Clinton trong thế phòng thủ, Donald Trump trong thế tấn công… Đó là cảm giác của khán giả sau khi xem chương trình truyền hình hai ứng viên tổng thống trả lời các câu hỏi của các binh sĩ Mỹ.
Bà Clinton đã giữ các chức vụ chính thức trong chính quyền từ 25 năm qua. Bà đã phải trả lời các câu hỏi về những quyết định của mình. Đây là một khó khăn mà đối thủ của bà không phải đối mặt.
Ông Donald Trump thì hứa cải thiện hoàn cảnh của các cựu chiến binh. Khẩu hiệu của ông là cần một nước Mỹ mạnh hơn. Ông cũng hứa sẽ đánh bại quân khủng bố của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, nhưng không cho biết chi tiết kế hoạch này. Ông nói : Tôi có một kế hoạch. Nếu thắng cử, tôi sẽ không gọi điện cho các vị và nói về nội dung kế hoạch này. Đây chính là điều mà ông Obama đã làm.
Về phần mình, bà Clinton luôn luôn tỏ ra thận trọng, từ chối đưa ra các hứa hẹn, trừ những cam kết liên quan đến cuộc chiến tại Irak và Syria. Bà nói : Chúng ta sẽ không bao giờ có binh sĩ tham chiến trên bộ tại Irak nữa ; sẽ không có binh sĩ tham chiến trên bộ tại Syria. Chúng ta sẽ chiến đấu chống những kẻ khủng bố mà không điều quân tham chiến trên bộ.
Rõ ràng là hai ứng viên đã tranh giành nhau để có được sự ủng hộ của các quân nhân và gia đình họ. Sự ủng hộ của nhóm cử tri này rất quan trọng để có thể giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống.
Tối qua, ông Donald Trump dường như có vẻ thoải mái hơn bà Hillary Clinton và do vậy, có thể mắc một sai lầm. Ông đã kể lại cuộc họp liên quan đến bí mật quốc phòng – đây là một truyền thống mà các ứng viên vẫn làm. Nhà tỉ phú nói là các quan chức cao cấp đã thông báo cho ông những hồ sơ đang được triển khai và ông cảm thấy họ rất buồn vì đã không được Nhà Trắng lắng nghe.
Không có gì bảo đảm là bộ Quốc Phòng Mỹ hài lòng về câu chuyện này ».

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.