Tin Việt Nam – 08/09/2016
Chùa Liên Trì bị cưỡng chế, trụ trì vào cấp cứu
BTV Mặc Lâm
Hôm nay ngày 8 tháng 9, lúc 7 giờ sáng theo thông tin của sư thầy Đồng Minh tu trong chùa Liên Trì cho biết chùa bị nhà cầm quyền dùng vũ lực cưỡng chế di dời đã bắt cóc quý thầy đi, bắt luôn Phật Tử ở trong chùa, ngăn không cho người khác vào chùa và đang đập chùa.
Một số người dân hoạt động xã hội cũng kéo đến chùa nhưng bị hàng rào công an không cho tiếp cận chùa và quý thầy.
Trong khi đó hàng chục người khác trong các tổ chức xã hội dân sự bị an ninh bao vây nhà không cho ra vì ngại sẽ tới ủng hộ cho ngôi chùa, trong đó có Dòng Chúa Cứu Thế tại đường Kỳ Đồng Sài Gòn. Linh mục Lê Ngọc Thanh là một trong những linh mục của Dòng cho chúng tôi biết:
-Từ sáng sớm khi anh em chúng tôi đi làm lễ sáng nay thì an ninh đã đi theo cho tới khi chúng tôi trở về nhà thì họ bắt đầu gác chốt. Có lẽ họ nghĩ rằng ngày hôm nay chúng tôi sẽ qua bên chùa Liên Trì để gây áp lực cho họ không cưỡng chế được nhưng đó là phán đoán sai của họ bởi vì chúng tôi ngày hôm nay không có ý định làm việc đó. Việc quan trọng hơn là chúng tôi đã công khai nói rằng cái lệnh cưỡng chế chùa Liên Trì là hoàn toàn sai pháp luật theo đúng luật của Việt Nam hiện nay chứ không cần phải theo luật quốc tế nào cả.
Sau nhiều lần liên lạc với trụ trì chùa Liên Trì là Thượng Tọa Thích Không Tánh không thành công, vào lúc gần 9 giờ sáng chúng tôi may mắn được ngài cho biết:
-Hồi sáng này họ tới họ đọc lệnh cưỡng chế tôi mệt quá nên họ đưa tôi nhập viện vô nước biển cấp cứu ở bệnh viện Quận Hai. Bây giờ tôi nói không nổi, yếu lắm xin phép anh nhé.
Linh mục Lê Ngọc Thanh cho biết hành vi cưỡng chế của chính quyền Quận Hai sáng hôm nay là hoàn toàn sai lạc theo chính pháp luật Việt Nam:
-Chùa Liên Trì là một cơ sở tôn giáo thì Quận không có thẩm quyền để cưỡng chế hay thu hồi mà phải là UBND Thành phố. Không được quyền ủy nhiệm cho cấp dưới ra quyết định thu hồi. Có một số người bảo rằng quyết định thu hồi ấy là thu hồi chung cả vùng bán đảo là hoàn toàn sai, phải thu hồi cơ sở tôn giáo trước rồi mới đến lịch thu hồi giải tỏa chung được và do đó việc ông Nam ở Quận Hai ký văn bản đe dọa cưỡng chế là vi phạm pháp luật.
Chùa Liên Trì nằm tại số 153 Lương Định Của, tổ 32, Khu phố 2, Phường An Khánh, Q. Hai TP.HCM bị cưỡng chế di dời và theo báo chí nhà nước để có nơi “tái định cư” cho ngôi chùa này UBND Q.2 đã xây dựng công trình tại khu đất được tái bố trí thuộc P.Cát Lái, Q.2 diện tích 698 m2 để di dời tài sản, các hũ tro cốt… và chính phủ đã xây dựng kế hoạch chi tiết, phương án di dời cụ thể đảm bảo an toàn, đúng quy định pháp luật.
Chùa Liên Trì ngoài chức năng tu hành và giữ tro cốt cũng như mở cửa cho Phật tử kinh kệ nó còn là một trong những cơ sở còn sót lại của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất từ trước 1975, là một tổ chức giáo hội không được chính quyền thừa nhận.
Theo trang Tin của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Hòa thượng Thích Không Tánh đảm nhiệm chức vụ Phó viện trưởng Hội đồng Điều hành Tăng đoàn Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, kiêm Tổng ủy viên Từ thiện – Xã hội, ngoài ra chùa Liên Trì còn là nơi họp mặt của các tổ chức XHDS cũng như nơi dân oan khắp nơi trú ẩn mỗi lần về Sài Gòn biểu tình hay khởi kiện.
Nhà cầm quyền CSVN đã phá bỏ chùa Liên Trì
Vào lúc 7 giờ sáng ngày 08 tháng 9 năm 2016, nhà cầm quyền quận 2, Tp Hồ Chí Minh đã bắt bớ các tăng ni phật tử và cưỡng chế, phá hủy chùa Liên Trì.
Được biết, nhà cầm quyền đã đưa Hòa thượng Thích Không Thánh và Hòa thượng Thích Thiện Minh lên một chiếc xe cứu thương và chở vào bệnh viện quận 2. Còn những thầy còn lại và các tăng ni phật tử sống ở Chùa bị lực lượng công an áp giải về Cát Lái, là địa điểm hoang vu mà nhà cầm quyền muốn đền bù, trao đổi.
Hòa thượng Thích Không Tánh cho phóng viên SBTN biết: “Sáng nay, nhà cầm quyền đã huy động lực lượng công an, cảnh sát cơ động, an ninh, dân quân và các ban ngành đến để phá dỡ Chùa. Vừa tảng sáng họ đã xông vào nhà Chùa rồi khiên đồ đạc, các cở sở vật chất lên xe. Sau khi khiên hết đồ đạc thì họ mới đọc lệnh cưỡng chế. Tôi và các tăng ni phật tử ra ngăn cản nhưng bị họ khống chế. Sau đó vì quá mệt nên tôi ngất xỉu. Sau khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm ở bệnh viện quận 2 để điều trị.”
Thầy Pháp Viên cho biết: “Do mấy ngày qua, nhà cầm quyền đã huy động các lực lượng đến phong tỏa lối ra vào nhà Chùa nên Hòa thượng Thích Không Tánh đã lo lắng dẫn đến sức khỏe suy yếu nên bị ngất xỉu. Hiện tại, các Thầy và các tăng ni phật tử đã bị nhà cầm quyền đưa về tạm ở Cát Lái.”
Theo thông tin mới nhận được, nhà cầm quyền đã huy động các lực lượng công an, cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông chặn các lối vào khu vực Chùa liên trì không cho người qua lại. Trong khi đó, họ dùng máy múc, máy cẩu và các loại xe đến để tháo dỡ, phá hủy các công trình kiến trúc chùa Liên Trì. Hiện tại, Chùa liên trì đã bị phá hủy hoàn toàn.
Hòa thượng Thích Không Tánh cho biết thêm: “Hiện tại tôi rất mệt vì sức khỏe bị suy sụp và tương lai không biết sẽ sống như thế nào. Nhà Chùa đã bị tháo dỡ nên thời gian tới, tôi sẽ xin một chính phủ nào đó để đi tị nạn. Tôi không thể sống dưới một chế độ mà suốt ngày bị canh gác, theo dõi và bị cô lập như ở Việt Nam. Nếu không có chính phủ nào nhận thì tôi sẽ lang thang suốt quản đời còn lại và nhất định không về Cát Lái ở.”
Xin được nhắc lại, Chùa Liên Trì là cơ sở tôn giáo và là tài sản của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, hiện diện được hơn 70 năm tại Thủ Thiêm. Sau khi có dự án xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhà chức trách thông báo sẽ lấy đất của chùa Liên Trì và bồi thường cho chùa chưa đầy 1 tỷ đồng để chùa di dời đi nơi khác. Hòa thượng Viện chủ Thích Không Tánh cho rằng một khu đô thị mới cần rất nhiều những cơ sở tôn giáo để phục vụ cho nhu cầu tâm linh của cư dân, nên nếu buộc phải di dời thì tốt nhất là chùa Liên Trì vẫn nằm trong vùng đất Thủ Thiêm. Vào tháng 7-2016, nhà cầm quyền gửi giấy quyết định cưỡng chế chùa Liên Trì và hứa sẽ bồi thường cho chùa khoảng hơn 9 tỷ đồng, gấp chín lần so với giá bồi thường cũ.
Mục đích của nhà cầm quyền CSVN là bằng mọi giá dẹp bỏ ngôi chùa không tuân phục chính quyền CSVN, không nằm trong hệ thống tôn giáo nhà nước.
Nguyên Nguyễn/SBTN
Để độc giả tự do bình luận,
4 tờ báo bị buộc phải dừng hoạt động fanpage
Chiều ngày 7/9/2016, một loạt trang fanpage của các tờ báo Việt Nam đã “biến mất” mà không rõ nguyên nhân. 4 trong số tờ báo này là Zing News, Vnexpress, Dân Trí và Giáo dục Việt Nam.
Nói về lý do phải dừng hoạt động fanpage, tờ Giáo dục Việt Nam cho biết:
“Trong thời gian vừa qua, một số fanpage của cơ quan báo chí đã bị các đối tượng xấu lợi dụng đưa các hình ảnh, thông tin không đúng với thuần phong mỹ tục Việt Nam, thậm chí làm sai lệch thông tin, gây hiểu lầm trong dư luận xã hội, có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.
Do đó, báo Giáo dục Việt Nam phải cho dừng hoạt động của fanpage để ngăn chặn những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra. Cùng với đó, tờ báo này còn cho biết là họ “chấp hành những cảnh báo của các cơ quan chức năng”.
Trước đó, ngày 6/9/2016, Bộ Thông tin-Truyền thông đã ra quyết định thu thẻ nhà báo của 4 người, gồm: Lương Tân Hương (báo điện tử Infonet), Phạm Phúc Hưng, Lê Trịnh Trường và Nguyễn Đình Hưng. Cả ba người này đều là nhà báo của tờ Dân Trí. Trong đó, ông Phạm Phúc Hưng bị giáng chức từ Tổng thư ký tòa soạn xuống làm phó Tổng thư ký tòa soạn. Bộ Thông tin- Truyền thông yêu cầu cơ quan chủ quản 4 nhà báo nói trên phải nộp thẻ nhà báo trước ngày 15/9/2016.
Theo một nguồn tin mà chúng tôi có được, sở dĩ Bộ Thông tin-Truyền thông buộc 4 tờ báo Vnexpress, Zing News, Dân Trí, Giáo dục Việt Nam phải chấm dứt hoạt động là vì những lời bình luận (comment) trên fanpage. Facebook tạo ra cho người dùng Việt Nam không khí tự do ngôn luận. Từ đó, độc giả thoải mái post lên những bình luận mà không bị kiểm duyệt, trong đó có cả những bình luận chống lại chính quyền, phản đối những chính sách của nhà cầm quyền CSVN.
Khi nhận thấy thông qua những bình luận, người dân thoải mái đả kích chính quyền, bôi nhọ sự lãnh đạo của đảng CSVN, Bộ Thông tin- Truyền thông đã quyết định trừng phạt những tờ báo có fanpage để độc giả thoải mái bình luận. Việc này cũng đã từng xảy ra với fanpage của báo Thanh Niên trước đây. Sau một thời gian, fanpage của báo Thanh Niên lại hoạt động trở lại.
Việc buộc dừng hoạt động của fanpage 4 tờ báo nói trên cho thấy chính quyền CSVN muốn kiểm duyệt cả những bình luận, và xử phạt các tờ báo chỉ vì họ để độc giả được phép nói lên suy nghĩ của mình.
Ngọc Quân/SBTN
Đại biểu Quốc hội:
Cần làm rõ cáo buộc chi 30 tỷ ‘chạy’ vào QH
Hôm 6/9, một đại diện Bộ Công an Việt Nam đã cập nhật thông tin với báo giới về vụ bà cựu Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga dính líu đến một vụ lừa đảo lớn liên quan đến một dự án nhà đất. Đại diện của Bộ cho hay bà Nga khai nhận đã chi khoảng 1,5 triệu đôla, tương đương hơn 30 tỉ đồng, cho một doanh nghiệp để nhờ lo các thủ tục cho bà Nga ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13.
Sáng 8/9, Tổng Thư ký Quốc hội hiện nay, ông Nguyễn Hạnh Phúc, nói với báo giới rằng cá nhân ông “chưa nhận được thông tin này”. Ông nói thông tin này chưa kiểm chứng, cơ quan điều tra đang làm rõ, nhưng “phải kiểm chứng ngay để tránh ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội”.
Đồng quan điểm với ông Phúc, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói với VOA rằng nhà chức trách “phải phanh phui” vụ việc và làm rõ việc “chạy” ghế Quốc hội liên quan đến khâu nào:
“Rõ ràng những gì đang diễn ra hiện nay làm cho người ta cũng có thể băn khoăn, là bởi vì có một số đại biểu Quốc hội mà bộc lộ ngay từ rất sớm là mình không được cái sự tín nhiệm xứng đáng. Thì cái điều đó tôi nghĩ cũng cần phải làm cho rõ: tại sao, cơ chế nào mà những người đó có thể lọt vào được”.
Nhận xét rằng nếu quả thực bà Nga, người đã bị Quốc hội bãi nhiệm hồi tháng 6 năm ngoái, dùng hàng chục tỷ để “chạy” vào Quốc hội, đó là “chuyện trời”, song Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc tỏ ý nghi ngờ về tính sáng suốt của việc này. Phát biểu với báo giới, ông Phúc nói rằng một người nào đó “cần ‘mác’ đại biểu Quốc hội để lợi dụng chuyện này khác là sự nhầm tưởng”.
Đại biểu Dương Trung Quốc phân tích thêm là một cá nhân khi là đại biểu Quốc hội khó có thể tác động thay đổi chính sách nhưng vẫn có thể thu được “danh và lợi” qua các mối quan hệ xã hội.
Ông nói:
“Cái danh thì tôi nghĩ ai cũng muốn cả. Người ta quan niệm đấy là cái nhãn mác để có thể tăng cường hơn cái mối quan hệ xã hội và có lợi cho việc kinh doanh của họ. Chứ còn tôi nghĩ rằng tác động vào những hoạt động của Quốc hội chắc cũng chẳng có bao nhiêu. Thí dụ như là xây dựng hệ thống pháp luật chẳng hạn, hoặc là tác động vào quá trình giám sát, v.v… hay những quyết định lớn của quốc gia là 3 chức năng chủ yếu của đại biểu Quốc hội thì không nhiều. Nhưng tôi cho là cái danh và đặc biệt là cái mối quan hệ xã hội. Nói cách khác là họ sẽ gia nhập cái nhóm người ta gọi là nhóm lợi ích đấy”.
Khi được hỏi đối với một cáo buộc hối lộ lên đến hàng chục tỷ đồng có thể dính líu nhiều quan chức cấp cao, liệu việc điều tra có thể đi đến cùng không hay sẽ dừng lại khi nó có thể làm rúng động chính quyền, ông Quốc nhận định:
“Có lẽ câu hỏi của anh chỉ dùng chữ ‘Hãy đợi đấy’ là tốt nhất. Còn tất nhiên là dư luận xã hội và tôi nghĩ chắc cái tin này đưa ra thì các đại biểu Quốc hội cũng sẽ phải bày tỏ quan điểm của mình trong tổ chức của mình”.
Bà Châu Thị Thu Nga, 51 tuổi, từng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Nhà đất. Bà là đại biểu Quốc hội khóa 13 nhưng giữa năm 2015 bà đã bị bãi miễn chức vụ Đại biểu Quốc hội và đã bị truy tố do liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hơn 377 tỉ đồng.
Rượu đón Tổng thống Pháp ở Việt Nam gây tranh cãi
Xuất hiện dư luận trái chiều về việc Việt Nam sử dụng rượu ngoại trong bữa tiệc chiêu đãi nguyên thủ Pháp ở Hà Nội.
Dù Tổng thống Francois Hollande về nước hôm qua, 7/9, kết thúc chuyến công du Việt Nam đầu tiên của một nguyên thủ Pháp trong hơn một thập kỷ, dư âm vẫn còn.
Trưa 6/9, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang chủ trì bữa tiệc chào đón ông Hollande tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Hà Nội.
Trên bàn tiệc với tông chủ đạo màu vàng là hình ảnh của loại rượu nhãn hiệu BIN 999 Merlot được cho là sản xuất tại Australia, với giá bán khoảng hơn 10 đôla một chai.
Trên trang Facebook, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam viết: “Chúng tôi đánh giá cao sự lựa chọn của các bạn Việt Nam với việc dùng rượu vang hảo hạng của Úc cho tiệc chiêu đãi Tổng thống Pháp Hollande”.
Trong khi đó, bình luận ở phía dưới, một công dân mạng tên Le Dong Hai viết rằng “còn chúng tôi rất tiếc ban tổ chức đã không dùng hàng Việt Nam”. Còn một số người khác đặt câu hỏi, “sao không dùng vang Đà Lạt”.
Ông Hải Dương, Trưởng phòng Quản lý Chất lượng của Vang Đà Lạt, nói với VOA Việt Ngữ rằng ông ủng hộ việc đưa vang Đà Lạt vào các sự kiện đón tiếp quan chức nước ngoài để quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao.
Ông nói thêm:
“Rất nên. Rất là tốt. Nếu mà nói vang nội địa, vang Đà Lạt dẫn đầu, là một tự hào của Việt Nam. Nó đã từng được đưa vào APEC 14 [Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương] và một số [sự kiện] của chính phủ rồi. Hồi đó, Chủ tịch nước tiếp [quan chức] APEC, và dùng vang Đà Lạt”.
Ông Dương cho biết thêm rằng Vang Đà Lạt đã được xuất khẩu sang một số nước như Nhật và Hàn Quốc, và đang thúc đẩy một sản phẩm mới có tên theo kiểu Pháp là Chateau Da Lat.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ cửa hàng bán rượu ở TP HCM, nói với VOA Việt Ngữ rằng rượu vang Đà Lan là sản phẩm thuần Việt và đang được tiêu thụ mạnh ở trong nước.
Anh nói thêm:
“Ở thị trường Việt Nam, Vang Đà Lạt đang bán chạy. Nó hút hàng trong dịp Tết ấy. Người ta mua người ta biếu, tặng. Bán rất là chạy”.
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc với ban tổ chức buổi tiệc đón ông Francois Hollande để hỏi về những ý kiến chỉ trích việc sử dụng vang Australia.
Trong khi đó, báo điện tử VnExpress dẫn lời đầu bếp Chu Mạnh Hùng cho biết rằng trong số 5 món chính phục vụ ông Hollande như “nem và nộm hay súp bào ngư”, có lẽ Tổng thống Pháp “thích” món mọc cua hoàng đế.
Ông Hùng được trích lời nói rằng nhóm chuẩn bị tiệc “xác định rằng phải có một món ăn đặc sắc riêng của Việt Nam để tạo ấn tượng”.
Việt Nam hồi năm 2009 phát động chiến dịch “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm “phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”.
Theo trang web Tự hào hàng Việt của Bộ Công thương Việt Nam, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đã “thông qua một số giải pháp cơ bản trong chiến dịch vận động, và một trong số đó là “đẩy mạnh công tác tổ chức thông tin, tuyên truyền, vận động”.
Trong một diễn biến cho thấy độ sành rượu của các đời tổng thống Pháp, hồi năm 2013, ông Hollande đấu giá hơn 1.200 chai rượu, trị giá hàng trăm nghìn đôla, trong hầm rượu của Điện Elysee, trong bối cảnh kinh tế của đất nước rơi vào tình cảnh khó khăn.
Các loại rượu chủ yếu được sản xuất tại vùng Bordeaux và Burgundy, và từng được phục vụ trên bàn tiệc do Tổng thống Pháp chủ trì.
Việt Nam sắp ‘thừa nhận xã hội dân sự’?
Chỉ trong thời gian khoảng một năm từ giữa 2013 đến giữa 2014, xã hội Việt Nam đã hình thành trong lòng nó hơn hai chục tổ chức xã hội dân sự.
Tín hiệu mới
Vào tháng 8/2016, một lần nữa trong năm tôi nhận được tín hiệu về khả năng chính quyền Việt Nam có thể chấp nhận sự tồn tại của xã hội dân sự trong tương lai gần. Một quan chức đương chức cao cấp của đảng Cộng sản cho tôi biết: theo quan điểm của ông, cần thừa nhận và tăng cường vai trò của xã hội dân sự.
Thái độ có vẻ khá cởi mở về quan điểm nhân quyền chính trị như thế là khác biệt lớn so với đúng 4 năm trước, vào tháng 8 năm 2012, khi báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam – còn đăng một bài viết hằn học mang tựa đề “‘Xã hội dân sự’ – một thủ đoạn của Diễn biến hòa bình”.
Thậm chí đến năm 2013, tôi còn nghe kể lại là trong một cuộc họp của Ủy ban nhân dân TP HCM, một phó chủ tịch ủy ban đã giận dữ đập bàn dằn mặt cấp dưới là các lãnh đạo quận huyện và sở ngành: “Ông nào mà còn dám nói tới từ ‘xã hội dân sự’ là tôi kỷ luật liền!”.
Âm thầm chấp nhận
Bất chấp tiêu chí của thế giới về xã hội dân sự chẳng liên quan gì đến chuyện tham gia vào các hoạt động lật đổ chế độ chính trị, trong suốt nhiều năm qua giới quan chức “còn đảng còn mình” ở Việt Nam luôn nhìn xã hội dân sự như kẻ lăm le chiếm ghế của mình. Nhiều “bài học kinh nghiệm” từ Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan cho tới Cách mạng màu ở Đông Âu và Cách mạng Hoa nhài ở Bắc Phi được tâm lý vừa lo sợ vừa chống phương Tây thổi phồng thành nguy cơ ở mức hiểm họa rất cao đối với sự tồn vong của đảng và dân tộc. Nhiều nhà hoạt động dân sự ở Việt Nam đã bị chính quyền bắt bỏ tù vì cái lẽ chỉ có đảng mới bịt tai nhắm mắt ấy.
Song cái gì cũng có giới hạn của nó. Tất cả những gì quá quắt và vượt xa quá quắt mà đảng cầm quyền đã tạo ra để đối xử với dân tộc đáng thương này đã khiến xã hội tự phát sinh ra xã hội dân sự – một cơ chế tự quyết định lấy quyền dân bất chấp ý chỉ “đã có đảng và nhà nước lo”.
Chỉ trong thời gian khoảng một năm từ giữa 2013 đến giữa 2014, xã hội Việt Nam đã hình thành trong lòng nó hơn hai chục tổ chức xã hội dân sự – tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do văn học, tự do tôn giáo, tự do biểu tình, nhân quyền dân oan đất đai, nhân quyền tù chính trị…
Chuyến đi Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và cuộc gặp gỡ giữa ông với Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 7/2013 là một mốc quan trọng cho xã hội dân sự ở Việt Nam: với quyết tâm “không gì lay chuyển nổi” phải vào được Hiệp định TPP để cứu vãn nền kinh tế chỉ chực chờ lao xuống vực thẳm, Hà Nội lần đầu tiên phải chấp nhận sự ra đời của hàng loạt tổ chức xã hội dân sự mà không dám bắt bớ và thẳng tay vi phạm nhân quyền như từ năm 2012 về trước.
Tuy nhiên, điều kiện đánh đổi của giới lãnh đạo Việt Nam khi đó mới chỉ là thả một số tù nhân chính trị. Nửa cuối năm 2013 và 10 tháng đầu năm 2014 đã phóng thích số tù nhân lương tâm nhiều chưa từng có kể từ năm 1975 – khoảng 13-14 người – được thả theo từng đợt.
Cũng vào thời gian trên, trên mặt báo đảng thưa dần lối gán ghép giữa xã hội dân sự với “thế lực thù địch”. Thậm chí thi thoảng một tờ báo nhà nước còn bạo phổi đăng nguyên văn từ “xã hội dân sự”, tuy sau đó bị cơ quan tuyên giáo tuýt còi và xóa mất từ ngữ hay ho này. Thái độ của giới quan chức nói chung đối với các tổ chức xã hội dân sự bắt đầu có sự thay đổi: vẻ thù địch và coi thường trước đó chuyển sang “nghiên cứu về xã hội công dân”.
Chẵn hai năm sau cuộc gặp Obama – Sang, một cuộc gặp khác diễn ra giữa người không phải nguyên thủ quốc gia mà là tổng bí thư Việt Nam – ông Nguyễn Phú Trọng – với cùng tổng thống Hoa Kỳ đã mang lại một kết quả làm đà phóng cho ông Trọng giành thắng lợi trước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội XII, đồng thời lần đầu tiên chế độ vẫn muốn chỉ một đảng ở Việt Nam âm thầm chấp nhận định chế Công đoàn độc lập của các quốc gia đa đảng.
Cần nhớ rằng trong tâm lý của giới lãnh đạo bảo thủ ở Việt Nam, nếu xã hội dân sự nguy hiểm một thì Công đoàn độc lập nguy hiểm gấp ba lần như thế. Chẳng phải vô cớ mà cứ mỗi khi nói đến Công đoàn độc lập là giới quan chức Việt lại nhắc ngay về Công đoàn Đoàn kết cùng thành tích “lật đổ” của nó.
Sau khi Tổng Bí thư Trọng và Bộ Chính trị chấp nhận sẽ triển khai Công đoàn độc lập như một điều kiện tiên quyết để Việt Nam được vào TPP, màn sương nhân quyền đã bớt xám xịt. Muốn có Công đoàn độc lập thì phải có luật Lập hội, mà đã có luật Lập hội thì lại phải công nhận, hoặc thừa nhận một số hội đoàn phi nhà nước, trong khi chính những hội đoàn phi nhà nước đó đã hình thành xã hội dân sự ở Việt Nam.
Tức việc thừa nhận/công nhận Công đoàn độc lập sẽ đương nhiên dẫn đến việc thừa nhận/công nhận xã hội dân sự, và ngược lại.
Thế còn quan điểm của giới học giả công an về chủ đề cực kỳ nhạy cảm đã diễn biến ra sao vào thời gian này?
Thuyết âm mưu về xã hội dân sự
Một trong những quan điểm mang tính sơ khai của giới học giả công an cho rằng: “Việc hình thành, phát triển xã hội dân sự sẽ tạo môi trường, điều kiện để phát triển các mặt của xã hội, tuy nhiên cần phải đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước để xã hội dân sự thực sự hoạt động theo đúng mục đích, tôn chỉ của nó”.
Hoặc một cách nhìn khác của học giả – điều tra viên công an được cụ thể hóa hơn: “Nhìn chung, các tổ chức xã hội dân sự này đều mang lại lợi ích, giúp Việt Nam thuận lợi hơn trong vấn đề hội nhập, tuy nhiên, như đã phân tích do bản chất xã hội dân sự là sự liên kết mềm, nên một số tổ chức khi hoạt động vẫn không tuân thủ theo pháp luật Việt Nam đã quy định; một số tổ chức bị các thế lực bên ngoài có quan điểm thù địch với Việt Nam lợi dụng nhằm phục vụ cho lợi ích riêng; một số hoạt động không đúng với tiêu chí, mục đích đề ra ban đầu; đặc biệt, một số tổ chức có hoạt động chia rẽ, gây mất đoàn kết trong nội bộ, đi ngược lại lợi ích chính đáng của người dân, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước… Bên cạnh đó, cũng xuất hiện các xã hội dân sự trá hình do một số tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động tài trợ tiền, kinh phí cho một số đối tượng trong nước hoạt động thành lập các hội, nhóm kiểu xã hội dân sự nhằm hoạt động chống Đảng, gây phương hại đến Nhà nước ta”.
Dĩ nhiên với những quan chức “còn đảng còn mình” thì quan điểm trên là tạm chấp nhận được, và nói chung là có thể chấp nhận cho đến lúc Nhà nước Việt Nam vào được TPP thì sẽ tiến hành “hồi tố” những tổ chức xã hội dân sự bị chính quyền căm ghét nhất. Còn trước mắt, phải làm thế nào để đưa ra một số tổ chức hội đoàn có nguồn gốc nhà nước sang khu vực “xã hội dân sự”, nhưng là xã hội dân sự của nhà nước – như một bằng chứng để chứng minh với quốc tế rằng Việt Nam tôn trọng nhân quyền và đòi hỏi về xã hội dân sự của nhiều nước trên thế giới, nhưng sẽ cố gắng lấn át khối “xã hội dân sự độc lập”.
Có thể từ năm 2017 trở đi, trên mảnh đất Việt Nam hỗn tạp sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh đầy tính đố kỵ lẫn thủ đoạn chơi xấu của “xã hội dân sự quốc doanh” đối với “xã hội dân sự độc lập”.
Ở một khía cạnh khác, sâu xa và ẩn giấu hơn nhiều, những quan chức “còn đảng còn tiền” lại đã từ lâu nhận ra ở các tổ chức xã hội dân sự độc lập một “tài nguyên” hiếm có: nếu biết cách lợi dụng hay ít ra là vận dụng khối tự phát nhưng đang hình thành khối này, đó sẽ là con đường đủ ngắn và đủ nhanh để bảo đảm cho một số quan chức “về với nhân dân” trong bối cảnh một Việt Nam tương lai bể dâu xung đột, hoặc tìm ra lối thoát ở phương Tây một khi nội tình trong nước “có biến”.
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Phiên phúc thẩm blogger BaSam
sẽ diễn ra vào ngày 22 tháng 9
Phiên phúc thẩm vụ blogger BaSam Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy sẽ diễn ra vào ngày 22 tháng 9 tới đây.
Thông tin vừa nêu được luật sư Hà Huy Sơn, người tham gia bào chữa cho ông BaSam Nguyễn Hữu Vinh và cô Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết.
Vào chiều ngày hôm nay 8 tháng 9 ông nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Tóm lại tòa đã cấp những giấy tờ cần thiết cho tôi làm người bào chữa cho ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy cũng như thông báo phiên phúc thẩm sẽ diễn ra vào sáng ngày 22 tháng 9 tại Hà Nội.”
Luật sư Hà Huy Sơn cũng đưa ra nhận định của ông về phiên tòa sắp diễn ra như sau:
“Đối với những vụ án mang tính chính trị thì theo kinh nghiệm của tôi không phụ thuộc vào các qui định của pháp luật mà người ta có những chỉ đạo từ đâu đó ngoài tòa; cho nên tôi cũng không thể biết được kết quả ra làm sao!”
Xin được nhắc lại ông Nguyễn Hữu Vinh là người chủ xướng trang tin BaSam được nhiều người truy cập để đọc những tin tức về tình hình Việt Nam mà báo chí chính thống Nhà nước không loan tải hay không đề cập đến mọi góc khuất của vụ việc. Trang blog do ông lập ra đời vào ngày 9 tháng 9 năm 2007. Ông cũng lập ra trang Việt Sử Ký hay Chép Sử Việt.
Ông sinh năm 1956 và từng là một sĩ quan công an. Sau khi ra khỏi ngành công an, ông làm việc ở Ban Việt Kiều Trung ương. Ông là người đứng ra thành lập một công ty thám tử tư đầu tiên tại Việt Nam.
Ông bị bắt vào ngày 5 tháng 5 năm 2014. Phiên sơ thẩm diễn ra vào ngày 23 tháng 3 năm nay tuyên ông Nguyễn Hữu Vinh 5 năm tù theo điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước…’
Bối cảnh Thủ tướng VN thăm Trung Quốc
Thủ tướng Việt Nam sắp thăm Trung Quốc trong một chuyến thăm chính thức kéo dài sáu ngày (10-15/9/2016), theo lời mời của người đồng cấp, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, theo truyền thông hai nước.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Nguyễn Xuân Phúc sau khi trở thành Thủ tướng.
Quan hệ Việt – Trung được cho là có ‘lúc nóng, lúc lạnh’ tùy theo tình hình căng thẳng hay hạ nhiệt trên Biển Đông. Trước đó, Thủ tướng Việt Nam đã thăm Nga và Nhật Bản.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phúc diễn ra ngay sau khi Việt Nam vừa đón tiếp Tổng thống Pháp và trước đó là Thủ tướng Ấn Độ.
Chúng tôi hy vọng chuyến thăm của ông Phúc sẽ nâng cao trao đổi chiến lược song phương, tăng cường quan hệ hai bên cùng có lợi và đem lại lợi ích thực sự cho nhân dân hai nướcHoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cùng đoàn đại biểu quân sự cấp cao của Việt Nam cũng tới thăm Trung Quốc và mới đây Chủ tịch Việt Nam, Đại tướng Trần Đại Quang đã có phát biểu gây chú ý trong chuyến thăm Singapore khi ông nói nếu xảy ra xung đột, nhất là xung đột vũ trang thì sẽ ‘không có người thắng, mà tất cả đều thua’.
Chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới Trung Quốc và bối cảnh chính trị và bang giao khu vực, trong đó có các hội nghị quan trọng của Asean tại Lào mới đây hậu G20, có liên quan như thế nào tới quan hệ song phương Việt – Trung và an ninh, hợp tác trên Biển Đông và khu vực sẽ là chủ đề của Bàn tròn Thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ.
Chương trình được phát trực tuyến trên kênh Youtube của chúng tôi từ lúc 19h30-20h00 giờ Việt Nam ngày 08/9/2016, với sự tham gia của các khách mời là các nhà báo, nhà nghiên cứu, quan sát, bình luận từ Việt Nam và hải ngoại. Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi.
Song phương
Theo truyền thông Trung Quốc, trong chuyến công du chính thức bắt đầu từ thứ Bảy tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ dự Hội trợ Triển lãm Trung Quốc – Asean lần thứ 13.
Sự kiện này sẽ được tổ chức từ ngày 11-14/9 ở thành phố Nam Ninh, thuộc tỉnh Quảng Tây và khu tự trị người Choang ở miền Nam Trung Quốc.
Một phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, mới đây cho rằng:
“Quan hệ Trung – Việt đang tốt đẹp,” bà Hoa Xuân Oánh được truyền thông Trung Quốc trích dẫn hôm 04/9, nói.
Vẫn theo báo chí Trung Quốc, trong chuyến thăm kéo dài sáu ngày, Thủ tướng Phúc và các lãnh đạo Trung Quốc gặp gỡ và có các cuộc họp bàn song phương.
“Lãnh đạo Trung Quốc sẽ gặp ông Phúc và có các cuộc họp, trao đổi quan điểm về các quan hệ song phương và các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm,” bà Hoa Xuân Oánh được trích lời nói.
Thủ tướng Phúc được tái bầu vào chức Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào tháng Bảy năm nay, trước đó, hồi tháng Tư, ông đã tiếp quản chiếc ghế Thủ tướng từ người tiền nhiệm, ông Nguyễn Tấn Dũng.
“Chúng tôi hy vọng chuyến thăm của ông Phúc sẽ nâng cao trao đổi chiến lược song phương, tăng cường quan hệ hai bên cùng có lợi và đem lại lợi ích thực sự cho nhân dân hai nước,” người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được dẫn lời nói.
‘Khai trừ Đảng’ với ông Trịnh Xuân Thanh
Ông Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị khai trừ khỏi đảng, theo khuyến nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thông báo loan ra một ngày sau khi có tin chính ông Thanh đã gửi đơn xin ra khỏi đảng.
Ông Thanh đã mất vị trí Đại biểu Quốc hội và đang là đối tượng bị điều tra về các khoản lỗ thời gian ông lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Nay loan báo chính thức của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng nói “khuyết điểm, vi phạm” của ông Thanh “rất nghiêm trọng”.
Khi kiểm điểm, ông Thanh “chưa nghiêm túc, thiếu trung thực; chưa thành khẩn, tự giác nhận vi phạm, khuyết điểm”.
Vì vậy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đề nghị Ban Bí thư khai trừ đảng với ông Thanh.
Hiện tại, vẫn không rõ ông Thanh đang ở đâu vì ông chưa quay lại Hậu Giang công tác sau khi xin nghỉ phép một tháng trị bệnh.
Tin đồn ông bị bắt đã bị chính phủ Việt Nam bác bỏ.
Cuộc điều tra của Đảng đối với ông Thanh bắt đầu sau khi có ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Từ 2007 đến 2013, ông Thanh là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Trước đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản nói ông Thanh và ban lãnh đạo PVC đã “thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế”.
Theo cơ quan này, do khuyết điểm khi làm ở PVC, ông “không đủ điều kiện, tiêu chuẩn” để luân chuyển hay lên cao hơn.
Tuy vậy, sau khi rời PVC năm 2013, ông Thanh được Bộ Công Thương bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng Bộ, rồi Vụ trưởng, Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ.
Sang tháng 5/2015, ông Thanh luân chuyển và được bầu làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Hội đồng bầu cử quốc gia hồi tháng Bảy quyết định hủy tư cách đại biểu Quốc hội của khóa 14 đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Đến tháng Tám, ông Thanh xin tỉnh Hậu Giang cho nghỉ phép để trị bệnh.
Linh Mục Đặng Hữu Nam
kêu gọi toàn dân hợp lực đưa Formosa ra tòa
Vào ngày 7/9/2016, trên Youtube xuất hiện một đoạn clip dài hơn 7 phút của Linh Mục Anton Đặng Hữu Nam, kêu gọi tất cả các đảng phái, tổ chức dân sự chung tay khởi kiện Formosa ra tòa.
Linh mục Anton Đặng Hữu Nam là người không còn quá xa lạ đối với nhà cầm quyền CSVN. Giáo xứ Phú Yên (xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) nơi ông cai quản luôn đi đầu trong việc xuống đường biểu tình chống lại nhà cầm quyền CSVN sau thảm họa cá chết hàng loạt. Chính vì những hoạt động của mình, linh mục Nam đã nhiều lần bị mật vụ, công an CSVN đánh đập và bắt cóc. Những mưu hèn kế bẩn của nhà cầm quyền CSVN không những không làm cho linh mục Nam run sợ, mà ngược lại còn hun đúc thêm quyết tâm của ông. Mới đây, linh mục Nam đã cho đăng tải đoạn clip kêu gọi các tổ chức dân sự, người dân chung tay khởi kiện Formosa.
Trong đoạn clip, linh mục Anton Đặng Hữu Nam thẳng thừng nói Formosa đã gây ra “thảm họa kinh hoàng” khiến cho người dân hoang mang, lo lắng. Formosa đã khiến cho hàng trăm ngàn người dân tại 4 tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam, gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế mất đi nguồn sống. Chẳng những vậy, niềm tin của họ vào con người, vào chính quyền cũng mất đi.
Trước những thảm trạng do Tập đoàn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra cho dân chúng, nhưng nhà cầm quyền CSVN vẫn vô cảm, dàn xếp để Formosa tiếp tục hoạt động tại VIệt Nam. Thật tàn nhẫn, họ còn khuyến khích, chiêu dụ người dân ăn các loại hải sản ngay trong thời điểm bị nhiễm độc. Biết bao người vì đã nghe lời lãnh đạo CSVN phải vào bệnh viện và mang trong người những mầm độc do Formosa thải ra. Lãnh đạo chính quyền CSVN chỉ cố tìm cách giữ cho được chiếc ghế của mình, trong khi đảng cầm quyền loay hoay giữ đảng.
Đứng trước thảm cảnh của người dân ở miền Trung, rất nhiều đồng bào trong nước xuống đường để hiệp thông, chia sẻ những thống khổ mà người dân miền Trung đang gánh chịu. Chính quyền CSVN lại cho lực lượng công an, mật vụ bắt bớ, đánh đập người dân.
Chính quyền CSVN còn dùng các cơ quan truyền thông, sử dụng đài truyền hình quốc gia làm cái loa tuyên truyền để xuyên tạc sự thật, bôi nhọ, mạ lị Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, Giám Mục Giáo Phận Vinh.
Bản thân linh mục Anton Đặng Hữu Nam đã rất nhiều lần dâng lễ, thắp nến cầu nguyện, xuống đường biểu tình để phản đối Tập đoàn Formosa cùng chính quyền CSVN bao che cho tội ác của Formosa.
Trong đoạn clip được đăng tải trên Internet, Linh mục Nam cho biết ông đang hoàn tất hồ sơ để khởi kiện Formosa. Đồng thời ông cũng yêu cầu 4 điều sau:
- Formosa phải đề bù thỏa đáng thiệt hại cho người dân.
- Formosa phải cải tạo, trả lại biển sạch cho nước Việt Nam.
- Formosa phải đóng cửa, ngưng mọi hoạt động ngay lập tức, rút khỏi Việt Nam
- Khởi tố Formosa và những cá nhân tập thể đã chung tay sát hại môi trường biển Việt Nam.
Chỉ gói gọn trong hơn 7 phút, nhưng những phát biểu của linh mục Anton Đặng Hữu Nam như là một bản cáo trạng đanh thép tố cáo tội ác của nhà cầm quyền CSVN và tập đoàn Formosa.
Ngọc Quân/SBTN
Việt Nam:
Trụ cột trong chính sách ‘xoay trục sang châu Á’ của Pháp?
Tổng thống Pháp Francois Hollande vừa kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam, diễn ra trong hai ngày 5-6/9/2016. Ông Hollande trông đợi điều gì từ chuyến công du này? Đây chính là câu hỏi mà tờ báo mạng The Diplomat cố gắng giải thích trong bài viết đăng ngày 07/09/2016 với tựa đề “Việt Nam: Trụ cột trong chính sách xoay trục sang châu Á của Pháp?”.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Thanh, tác giả bài viết, thành viên IrAsia, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, tại đại học Aix-Marseille, chuyến viếng thăm Việt Nam của tổng thống Pháp là một báo hiệu tốt cho các trao đổi trong tương lai giữa hai nước.
Về mặt chính thức, hai bên nhấn mạnh đến hợp tác văn hóa và tăng cường quan hệ giữa Hà Nội và Paris. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam trông đợi nhiều hơn từ chuyến công du này của tổng thống Pháp, nhất là kể từ khi bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, ông Jean-Yves Le Drian trong bài diễn văn tại Diễn đàn Đối thoại Quốc phòng Shangri-La, ở Singapor hồi tháng 6/2016 có đề cập đến việc Liên Hiệp Châu Âu cùng “tuần tra hàng hải chung tại khu vực châu Á”.
Theo đại sứ Pháp tại Việt Nam, chuyến công du cấp Nhà nước của ông Hollande tại Việt Nam (đây là vị tổng thống thứ ba kể từ đầu những năm 1990 và sau thời kỳ Đổi Mới) nhằm khuyến khích các biện pháp bảo vệ môi trường. Hơn nữa, Pháp sẽ giúp Việt Nam xử lý chất lượng không khí tốt hơn qua việc xây dựng hệ thống đo lường chất lượng không khí.
Tuy nhiên, một lĩnh vực khác sẽ đặc biệt thu hút sự quan tâm nhiều hơn. Dường như ông Hollande và đồng nhiệm Việt Nam, chủ tịch nước Trần Đại Quang xem xét làm thế nào thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược mà hai bên đã ký kết vào năm 2013.
Việt Nam có lợi trong việc phát triển quan hệ kinh tế với cường quốc châu Âu này, nhưng Paris cũng lo lắng rất nhiều đến các lợi ích kinh tế của mình tại Đông Nam Á. Báo cáo của Thượng viện Pháp năm 2014 đặt ưu tiên cho trao đổi thương mại với các quốc gia Đông Nam Á và đặc biệt với Việt Nam. Hiện có đến khoảng 300.000 người Việt đang sinh sống và học tập tại Pháp.
Về mặt lịch sử, Pháp là quốc gia tài trợ lớn thứ hai, chỉ đứng sau Nhật Bản với mức viện trợ tích lũy từ năm 1993 lên đến 1,7 tỷ đô la. Xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam đạt mức 858 triệu đô la vào năm 2014 và tăng lên đến 1,57 tỷ đô la vào năm 2015. Khoảng 300 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động tại Việt Nam, cung cấp 26000 việc làm tại đây. Với chuyến thăm của ông Hollande, quan hệ kinh tế và tài chính được thắt chặt hơn nữa với khoảng 20 thỏa thuận song phương mới được ký kết để tạo thuận lợi cho trao đổi giữa hai đối tác.
Pháp đã chậm chân so với các đối thủ châu Á ?
Nhưng bên cạnh những trao đổi trên, phần quan trọng nhất của các cuộc thảo luận tập trung vào hợp tác quốc phòng, một phần trong hiệp định đối tác chiến lược năm 2013.
Pháp là quốc gia có ngành hàng hải lớn thứ hai trên thế giới và “Lực lượng Bảo vệ Chủ quyền”, với 72 tầu chiến và tầu hỗ trợ, có một bề dầy kinh nghiệm tại các vùng nước ấm. Tự do lưu thông hàng hải là mối bận tâm chính đối với Pháp do các tranh chấp lãnh hải trong khu vực. Cho dù Pháp có nhiều vùng lãnh thổ hải ngoại tập trung chủ yếu ở Thái Bình Dương, quan tâm của nước này tại vùng Đông Nam Á mỗi năm mỗi lớn. Trong vòng thập niên qua, tầm ảnh hưởng của Pháp đã bị mất đi một cách đáng kể tại châu Phi nên nước này rất cần tìm lại vị thế của mình tại châu Á.
Với cuộc viếng thăm với đối thủ xưa trong lịch sử, ông Hollande không chỉ thúc đẩy quan hệ kinh tế mà cả trong lĩnh vực quân sự. Và bây giờ là thời điểm tốt nhất. Việt Nam hiện nay là một thị trường cho các loại chiến đấu cơ và hệ thống tên lửa tân tiến. Sau vụ tai tiếng rò rỉ hàng loạt các dữ liệu về công ty đóng tầu ngầm DCNS, Pháp nhất thiết phải đưa ra một hình ảnh tích cực về độ tin cậy và sự nghiêm túc của họ trên phương diện hợp tác quốc phòng. Và đó cũng là lúc để cùng nghiên cứu một chính sách nhằm cạnh tranh với các cường quốc châu Á.
Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam đã biến nước này thành một khách hàng tiềm tàng cho các nhà sản xuất vũ khí của Pháp. Nhưng cuộc cạnh tranh với các nhà cung cấp châu Á khá là gay gắt, đó là chưa tính đến Nga và Mỹ. Việc Ấn Độ tuyên bố cấp 500 triệu đô la tín dụng để tăng cường năng lực quốc phòng, kết hợp với việc Hà Nội ký kết các thỏa thuận quân sự với Nhật Bản càng làm cho phái đoàn của Pháp thêm gặp khó khăn.
Về phía Việt Nam, sự “xích lại gần” giữa Trung Quốc và Cam Bốt không là điềm tốt cho sự ổn định địa chính trị trong tương lai của nước này. Với lực lượng dân quân biển của Trung Quốc hoạt động tích cực ở Biển Đông bất chấp phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye phủ nhận các “quyền lịch sử” của nước này tại các vùng lãnh hải có tranh chấp, Bắc Kinh dường như có đủ sức mạnh để cản trở các hoạt động hàng hải của Việt Nam. Cộng thêm với việc quan hệ giữa Hà Nội với nước láng giềng sát cạnh và đồng minh trên đất liền ngày càng xấu, đấy có lẽ là kịch bản tệ hại nhất cho Việt Nam. Hơn bao giờ hết, Hà Nội cần phải gia tăng trao đổi với một đối tác châu Âu.
Trong bối cảnh này, Pháp có lẽ là một sự đặt cược tốt nhất. Paris đã chuẩn bị cho chính sách “xoay trục” sang Đông Nam Á ngay từ đầu năm 2013. Sau chuyến thăm thành phố Hồ Chí Minh của tầu chiến Georges Leygues của Hải quân Pháp, một tầu chiến khác, Vendemiaire đã đến thăm cảng Đà Nẵng trong tháng 5/2016, tầu đổ bộ Tonnerre đã cập cảng biển quốc tế Cam Ranh, đó là những bằng chứng đủ để cho thấy là Pháp đang trở lại với vùng Đông Nam Á. Chuyến công du của ông Hollande sẽ tìm cách tăng cường tốt hơn nữa hợp tác chiến lược này.
0 nhận xét