Tranh chấp Biển Đông – 02/09/2016
Việt Nam và Ấn Độ bắt tay ‘đương đầu’ với Trung Quốc?
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công du tới Việt Nam cuối tuần này, và theo các nhà quan sát, biển Đông và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ nằm cao trong nghị trình.
Giới phân tích nhận định rằng trong chuyến thăm, người đứng đầu chính quyền New Delhi sẽ thảo luận với lãnh đạo cấp cao nước chủ nhà về một loạt các vấn đề quan trọng như thương mại, quốc phòng và an ninh.
Ngoài ra, theo các nhà quan sát, đôi bên cũng có thể bàn thảo về khả năng Ấn Độ tăng cường thăm dò dầu khí ở Việt Nam, nơi công ty ONGC Videsh Limited, có tham gia vào các dự án dầu khí trong nhiều thập kỷ qua.
Sau Việt Nam, ông Modi sẽ lên đường đi Hàng Châu, Trung Quốc, để dự hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra từ ngày 4 tới 5/9.
Giáo sư Doe Muni từ Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng ở New Delhi nói rằng Hà Nội và Ấn Độ “duy trì quan hệ gần gũi kể từ giữa những năm 50”, và biển Đông sẽ là một trong các vấn đề “nổi bật” trong chuyến công du của Thủ tướng Modi.
Ông nói thêm: “Chuyến thăm của ông Narendra Modi cho thấy Ấn Độ thực sự muốn chứng tỏ quan hệ bạn hữu, đồng chí và đoàn kết với Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang đối mặt với áp lực lớn từ Trung Quốc”.
Ông Muni nói thêm rằng bất kỳ nước nào chịu áp lực cũng phải “tìm kiếm và vận động hậu thuẫn từ nhiều nguồn nhất có thể”.
Giáo sư từng là đại sứ và đặc phái viên ở nhiều nước Đông Nam Á cho rằng “nhu cầu tăng cường quốc phòng của Việt Nam hiện tăng lên”, và Ấn Độ “có thể không thể giúp đáp ứng mọi nhu cầu về khía cạnh đó”.
Tuy nhiên, ông nghĩ rằng Ấn Độ “sẽ không do dự, và sẽ làm hết sức trong khả năng của mình để giúp Việt Nam củng cố an ninh”.
Tiến sĩ Ngô Xuân Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, cho VOA Việt Ngữ biết rằng hiện có hai luồng ý kiến về chuyến thăm của ông Modi.
Ông nói thêm: “Cũng có người nói rằng trước khi tham dự hội nghị G-20 là một thông điệp cho thấy Ấn Độ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, và một chỉ dấu nói với người Trung Quốc rằng Việt Nam là một trụ cột trong chính sách phương Đông của Ấn Độ. Điều đó có nghĩa là Ấn Độ tiếp tục quan tâm tới Việt Nam, biển Đông, và những vấn đề liên quan. Nhưng cũng có người cho rằng thuận đường thì ông ấy đi thôi. Trung Quốc là một đối tác lớn của Ấn Độ trên các phương diện, và cũng là một nhà cạnh tranh với Ấn Độ. Cho nên câu chuyện ông ấy ghé thăm Việt Nam có tác động gì không, có thông điệp gì không với phía Trung Quốc tôi nghĩ là ít ý nghĩa”.
Ông Bình cho biết thêm rằng quốc phòng là một trong những khía cạnh quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, và rằng đôi bên lâu nay đã “quyết tâm thúc đẩy hợp tác quốc phòng”.
Các nhà quan sát dự báo, trong thời gian ông Modi ở Việt Nam, đôi bên có thể ký thỏa thuận mua bán tên lửa BrahMos, vốn từng khiến quân đội Trung Quốc bày tỏ lo ngại.
Giáo sư Muni cho biết rằng Hà Nội và New Delhi đã bàn thảo về tên lửa hành trình này hai tới ba năm qua, nhưng vẫn chưa đi tới đâu. Hiện chưa rõ là đôi bên có đi tới đồng thuận gì về BrahMos hay không.
Cuối tháng trước, Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ lo ngại sau khi có tin cho biết Ấn Độ tính triển khai loại tên lửa mà nước này sản xuất cùng Nga lên trên khu vực tranh chấp biên giới với Trung Quốc.
Trong một diễn biến khác có liên quan, trang tin India Today hôm 1/9 dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói rằng chính quyền Manila “biết ơn” vì sự hậu thuẫn của Ấn Độ trong vấn đề biển Đông,nhất là vụ kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc.
Quan chức ngoại giao này đồng thời nói thêm rằng Tân Tổng thống Philippines Duterte sẽ lần đầu tiên gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Lào ngày 6/9.
Trung Cộng chuẩn bị khai chiến với Mỹ? Ai thắng ai?
Nhiều chiến lược gia gần đây hay đặt câu hỏi: liệu Mỹ và Trung Cộng sẽ đánh nhau vì biển Đông? Trước khi trả lời câu hỏi này, hãy xem lại các quyết định của quỹ dự trữ liên bang Hoa Kỳ gọi tắt là FED.
Lần đầu tiên vào năm 2015, bản tuyên bố của FED có nhắc đến yếu tố phát triển kinh tế toàn cầu và xem nó như là một ẩn số trong phương trình tăng hay giảm phân lời.
Tờ Wall Street Journal mới đây đã đưa ra một bản phân tích ảnh hưởng của FED lên nền kinh tế toàn cầu. Theo bài báo thì năm 2008, khi FED quyết định tung tiền để mua lại nợ, kích thích kinh tế Hoa Kỳ thì các chỉ số chứng khoán, tiền tệ, Index toàn cầu, nhất là tại Á Châu, tăng vọt trong đó có Trung Cộng.
Khi FED quyết định thu vén tiền về, vì việc kính thích kinh tế không còn cần thiết thì các chỉ số chứng khoán, tiền tệ, Index khắp nơi giảm mạnh. Quyết định của FED ảnh hưởng toàn cầu vì FED kiểm soát lượng tiền đô la trên toàn thế giới. Tiền đô la cho mượn ở ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ tăng gấp đôi từ năm 2009 lên đến 9 ngàn tỷ Mỹ Kim. Đây là lý do để giải thích tại sao chỉ cần giảm lượng tiền đô sẽ làm cho thị trường toàn cầu chao đảo.
Cho nên, để trả lời cho câu hỏi là liệu Mỹ và Trung Cộng sẽ đánh nhau vì biển Đông và ai sẽ thắng?
Thật sự, Mỹ không cần bắn một viên đạn, chỉ cần FED quyết định tăng phân lời, ngân hàng trung ương Trung Cộng sẽ phải làm theo, và hệ quả là lượng tiền giúp cho kinh tế Trung Cộng thôi thóp sẽ bị bóp nghẹt dẫn đến sự sụp đổ kinh tế của Trung Cộng.
Nói một cách khác, khi FED quyết định không tăng phân lời là vì FED vẫn còn muốn tiếp tục sử dụng sức lao động giá rẻ của Trung Cộng. Đời sống kinh tế của Trung Cộng nằm trong bàn tay quyết định của quỹ dự trữ liên bang Hoa Kỳ.
Khi tổng thống Putin tuyên bố rằng Mỹ vẫn còn là một cường quốc duy nhất trên thế giới, không phải là Putin không nhìn ra vấn đề.
Trong bài diển văn của phó tổng thống Biden đọc tại đại hội đảng Dân Chủ hồi cuối tháng 07, ông đã nhắn nhủ với thế giới rằng: “Các anh có thể bợp tai bất cứ ai, nhưng chớ có đụng đến Hoa Kỳ”.
Do đó câu trả lời là: Trung Cộng chưa kịp động quân đánh Mỹ, cũng chết lâm sàng vì FED!
Chiến lược Châu Á của Mỹ
bị cản trở vì Barack Obama bị phân tâm
Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu chuyến công du châu Á lần cuối cùng để ghi dấu ấn chung cuộc cho chính sách « chuyển trục » về châu Á, bảo vệ các đồng minh trước mối đe dọa của Trung Quốc. Tuy nhiên, lãnh đạo siêu cường lâm vào cảnh « lực bất tòng tâm » vì hàng loạt biến động trên thế giới.
Trong bối cảnh kết thúc nhiệm kỳ trong vòng không đầy năm tháng tới đây, tổng thống Mỹ Barack Obama công du châu Á lần cuối cùng để dự hai hội nghị thượng đỉnh tại Trung Quốc (G20 ngày 03 và 04/09) và tại Lào (Đông Á ngày 05/09).
Theo phân tích của nhà báo Roberta Rampton tháp tùng ông Obama trên chuyên cơ « Air Force One », Trung Quốc vẫn là một thách thức lớn. Chủ nhân Nhà Trắng, từ 8 năm qua, vừa phải hợp tác vì là bạn hàng kinh tế vừa phải đương đầu vì là một địch thủ chiến lược .
Ngăn đê Trung Quốc với chiến lược « tái định vị » tại Châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường hải quân, củng cố liên minh với các nước bạn và đồng minh và thành lập vùng mậu dịch tự do qua hiệp định thương mại TPP là hai gọng kềm lý tưởng được tổng thống Obama thúc đẩy trong suốt hai nhiệm kỳ.
Do vậy, cuộc hội kiến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hàng Châu sẽ là « mô hình » cho người kế vị ở Nhà Trắng. Thăm viếng Lào là dịp để tổng thống Obama chứng tỏ thành quả của mối quan hệ chặt chẽ mà ông dầy công vun bồi với Đông Nam Á.
Tuy nhiên, trong cuộc hành trình về phương Đông và chiến lược « chuyển trục », tổng thống Obama bị nhiều vấn đề quốc tế khác làm phân tâm : tình hình kinh tế thế giới suy yếu, Luân Đôn rút chân ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu làm tăng thêm tâm lý hoài nghi xu hướng toàn cầu hóa, rồi xung đột, tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc với các nước láng giềng và cuộc chiến chống khủng bố Hồi Giáo cực đoan.
Trong những chuyến công du trước, tổng thống Obama nhiều lần để lộ việc ông bị phân tâm vì những rắc rối, biến cố ở nơi khác, đôi khi từ trong chính trường nước Mỹ. Thông điệp « Hoa Kỳ tăng cường quân sự tại châu Á và thắt chặt quan hệ kinh tế với khu vực có mức tăng trưởng cao nhất địa cầu » mất đi thực chất và làm dấy lên mối hoài nghi Washington không tính chuyện lâu dài với Á châu.
Chuyến công du cuối cùng này diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ bầu chủ nhân mới cho Nhà Trắng. Ứng cử viên có nhiều triển vọng nhất là cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, một trong những kiến trúc sư của chính sách « chuyển trục », lại tuyên bố chống hiệp định TPP, gây lo ngại cho 12 nước thành viên.
Đối thủ Cộng hoà Donald Trump còn bạo phổi hơn, vừa chống TPP, vừa dọa các đồng minh của Mỹ trong vùng là Hàn Quốc và Nhật Bản phải tự lo thân hoặc phải « trả tiền » nếu muốn được bảo vệ.
Đồng minh Philippines, lãnh hải bị Trung Quốc đe dọa trực tiếp, được Mỹ cam kết che chở, cũng có thái độ thiếu xây dựng làm hại cho kế hoạch liên minh ở biển Đông của Mỹ. Tháng 7 vừa qua, Washington và Manila giành được chiến thắng ngoạn mục với phán quyết của toà trọng tài La Haye. Thế nhưng, tổng thống Duterte mắng đại sứ Mỹ là « súc sinh ».
Bắc Kinh sẽ theo dõi cuộc tiếp xúc đầu tiên Obama-Duterte tại Vientiane, tìm một cơ hội để « phân hóa » hai kẻ thù cho dù bản thân giới lãnh đạo Trung Quốc cũng không biết đối phó như thế nào với tổng thống Philippines mà thái độ thuộc loại « nắng sớm mưa chiều ».
Derek Chollet, một cựu cố vấn an ninh của tổng thống Obama không giấu bi quan. Ông cho rằng: « Các đối tác châu Á nghi ngờ kể cả lúc Mỹ nói thật. Họ cho rằng chúng ta dễ bị chia trí ».
Bắc Kinh dựa trên G20
để tô điểm lại hình ảnh bị hoen ố vì Biển Đông
Trong hai ngày 04-05/9/2016, Trung Quốc sẽ tiếp đón các nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ trong G20, tề tựu về Hàng Châu để tham gia Hội Nghị Thượng Đỉnh. Bắc Kinh hy vọng lợi dụng dịp đó để tô bóng hình ảnh « lãnh đạo » tự nhiên của mình trên sân khấu thế giới, và tái khẳng định tư thế một cường quốc « có trách nhiệm ». Theo phân tích của hãng tin Pháp AFP ngày 01/09/2016, Bắc Kinh rất cần tô điểm lại hình ảnh quốc tế của mình, đã bị sứt mẻ trong thời gian qua vì nhiều vấn đề, đặc biệt là Biển Đông.
Bài phân tích trước hết ghi nhận là tại hội nghị thượng đỉnh G20 Hàng Châu, Biển Đông và các vấn đề địa chính trị châu Á khác sẽ chen vào các cuộc thảo luận, bất kể dụng tâm của Bắc Kinh, vốn chỉ muốn giới hạn nghị trình vào vấn đề kinh tế.
Bắc Kinh đã không tiếc tiền bạc và sự xa hoa tại Hàng Châu, một thủ phủ miền Đông Trung Quốc được biết đến qua phong cảnh hồ nước cũng như các doanh nghiệp lớn, nơi đặt trụ sở chính của tập đoàn thương mại trục tuyến khổng lồ Alibaba.
Jean-Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị tại trường đại học Baptist ở Hồng Kông nhận định : « Đối với Trung Quốc, toàn bộ công việc tổ chức hội nghị G20 là một vấn đề hình ảnh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình « muốn chứng tỏ rằng Trung Quốc có vị trí của mình ở trung tâm hệ thống điều hành toàn cầu. »
Dĩ nhiên là uy tín của nền kinh tế thứ hai của thế giới đã bị sứt mẻ do sự sụp đổ ngoạn mục của thị trường chứng khoán Trung Quốc, sự mất giá mạnh của đồng nhân dân tệ và sự suy giảm nặng nề của tỷ lệ tăng trưởng.
Vì vậy, ở Hàng Châu, Bắc Kinh sẽ xoáy mạnh hơn vào những nỗ lực trong lãnh vực môi trường, vào kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng rộng lớn ở châu Á và vào sự vươn lên của ngân hàng phát triển và đầu tư mà Trung Quốc đã tung ra để làm đối trọng với Ngân Hàng Thế Giới.
Hồ sơ Biển Đông nổi cộm bất chấp Trung Quốc ?
Ông Steve Tsang, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Nottingham ghi nhận rằng do việc « bản năng tự nhiên của Đảng Cộng Sản là tránh mọi bất ngờ », cho nên chính quyền Bắc Kinh đã muốn « bám chặt chủ đề các vấn đề kinh tế toàn cầu ».
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tỏ vẻ tin tưởng : « Chúng tôi hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh này sẽ bơm một động lực mới vào sự phát triển toàn cầu ». Nhưng ngay sau đó,nhân vật này đã nhấn mạnh : « Tôi không nghĩ rằng vấn đề Biển Đông có dính líu đến G20. »
Có điều là việc Trung Quốc áp đặt quyền kiểm soát của họ trên khu vực chiến lược này đã khiến các quốc gia ven Biển Đông, cũng như Hoa Kỳ lo ngại. Kết quả là Biển Đông sẽ hiện diện trong tâm trí của hầu hết mọi người tại Hàng Châu.
Bắc Kinh coi gần như toàn bộ Biển Đông là thuộc chủ quyền Trung Quốc, bất chấp các đòi hỏi của Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Việc Bắc Kinh càng lúc càng quân sự hóa các rạn san hô mà họ chiếm đóng ở Trường Sa, và bồi đắp lên thành đảo nhân tạo, cũng như một phán quyết gần đây của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, phủ nhận mọi chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông, đã góp phần làm căng thẳng gia tăng.
Vấn đề Biển Đông là một trong ba chủ đề chính mà Nhà Trắng cho biết là sẽ đề cập đến tại Hàng Châu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng sẽ thúc đẩy đồng nhiệm Trung Quốc tăng cường sức ép lên Bắc Triều Tiên, bất chấp việc hệ thống lá chắn chống tên lửa mà Mỹ triển khai tại Hàn Quốc làm cho Bắc Kinh phẫn nộ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng sẽ thúc đẩy đồng nhiệm Trung Quốc tăng cường sức ép lên Bắc Triều Tiên, bất chấp việc hệ thống lá chắn chống tên lửa mà Mỹ triển khai tại Hàn Quốc làm cho Bắc Kinh phẫn nộ.
« Đừng gây rắc rối ! »
Về phần thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông hiếm khi bỏ lỡ cơ hội đả kích chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như ở Biển Hoa Đông, nơi một quần đảo do Tokyo kiểm soát bị Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Tuy nhiên ông Cao Hồng, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, tin rằng Nhật Bản sẽ phải « hòa ca với các chủ đề của hội nghị thượng đỉnh » do « nước chủ nhà » quyết định, mà không « gây rắc rối ».
Theo giáo sư Cabestan, « Rõ ràng là ông Tập Cận Bình sẽ cố gắng chứng minh rằng Trung Quốc là một người hàng xóm có trách nhiệm và không có kẻ thù ».
Về phần mình, các nhà lãnh đạo khác trong G20 có thể tránh đụng chạm Bắc Kinh để tranh thủ Trung Quốc trên các vấn đề chiến lược khác.
Washington chẳng hạn, đã có giọng điệu ôn tồn hơn trong giai đoạn trước hội nghị thượng đỉnh, nơi ông Obama hy vọng đạt được nhiều bước tiến với Trung Quốc về hồ sơ khí hậu và về một thỏa thuận đầu tư bị ách tắc từ bao lâu nay.
Theo bà Bonnie Glaser, một nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế ở Washington, thì trong những tháng gần đây, « Hoa Kỳ đã cố tình giảm nhẹ áp lực trên vấn đề Biển Đông ».
Ngay cả Nhật Bản, theo chuyên gia Haruko Sato, thuộc Đại học Osaka, cũng có thể tránh né chủ đề Biển Đông « vào lúc khả năng một hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-Trung Quốc được gợi lên ».
Còn đối với Trung Quốc, nước này sẽ tránh không gây ra sóng gió để khỏi làm lu mờ sự kiện này. Nhưng đối với ông Graham Webster, chuyên gia tại trường Luật Yale, « một khi hội nghị kết thúc, triển vọng sẽ bấp bênh hơn » ở Biển Đông.
0 nhận xét