Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Thế giới – 02/09/2016

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016 18:29 // , ,

Tin khắp nơi – 02/09/2016

Florida hứng chịu bão lớn Hermine

Bão Hermine gây lở đất ở phía bắc Florida, là cơn bão đầu tiên tấn công bang này trong suốt 11 năm qua.
Hermine vào bờ biển Vịnh Florida sáng sớm hôm thứ Sáu 02/09, được xếp vào bão cấp 1, mang theo các đợt sóng dậy mạnh.
Thống đốc bang Rick Scott tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên 51 địa hạt của bang, trong lúc người dân chuẩn bị đề phòng cho trận bão nguy hiểm.
Các đợt cuồng phong có tốc độ lên tới 130km/h vào hôm thứ Năm, Trung tâm Bão Quốc gia (NHC) nói.
Quan chức ở thành phố chính của bang, Tallahassee, nơi cơn bão đi qua, cho biết ít nhất 70,000 nhà hiện không có điện.
Các quan chức ngành khí tượng của thành phố cảnh báo ngập lụt trên diện rộng và yêu cầu người dân khẩn cấp di chuyển tới những nơi cao hơn, tuy hiện nay sức gió đã giảm do bão di chuyển vào đất liền.
Thị trấn Cedar Key ở phía nam Tallahassee có những đợt sóng cao hai mét, mực nước thủy triều lên tới gần ba mét. Hình ảnh trên mạng xã hội do thị trấn đăng tải cho thấy có ngập lụt lớn.
“Thật lộn xộn… nước dâng cao ở nhiều chỗ,” Virgin Sandlin, cảnh sát trưởng ở Cedar Key nói với Weather Channel. “Tôi từng chứng kiến cơn bão Elena năm 1985 và tôi nhớ là nó đã không tồi tệ đến mức này.”
Tuy khu vực này vẫn hứng chịu bão và sóng dậy, nhưng chưa hề chịu bão biển trong suốt gần 4.000 ngày qua.
Lần cuối cùng một cơn bão biển tấn công Florida là vào tháng 10/2005, cơn Bão Wilma, và trong cùng năm đó, bão Katrina khiến 5 người thiệt mạng và ước tính thiệt hại lên tới 23 triệu đôla.

Ông Putin phủ nhận

vụ hack xảy ra với ủy ban đảng Dân chủ Mỹ

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga không liên quan đến vụ tin tặc xâm nhập Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ Mỹ (DNC).
Trước đây, trong năm nay, hàng ngàn email và tài liệu của DNC đã bị hack, tiết lộ rằng DNC đã thiên vị bà Hillary Clinton so với ông Bernie Sanders. Lúc đó cả hai đều đang tranh cử để trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng.
Trong cuộc phỏng vấn tại Vladivostok, ông Putin nói: “Thậm chí ai đã hack các dữ liệu đó không quan trọng. Điều quan trọng là nội dung đó đã được mang ra công chúng”.
Vì việc lộ dữ liệu, chủ tịch DNC đồng thời là một nhà lập pháp Mỹ, bà Debbie Wasserman Schultz, đã từ nhiệm khỏi DNC.
Ông Putin nói thêm: “Tôi không biết gì về vụ đó, và ở cấp độ nhà nước, Nga chưa bao giờ làm điều này”.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Putin cũng phủ nhận những cáo buộc rằng vụ hack là một nỗ lực của Nga để gây ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.
Ông Putin đã tấn công lại lời cáo buộc, ông nói rằng động thái đó sẽ đòi hỏi một sự hiểu biết tinh tế về nền chính trị Mỹ. Ông nói: “Để làm điều đó, quý vị phải bắt mạch được và hiểu cụ thể về đời sống chính trị của nước Mỹ. Tôi không dám chắc là ngay cả các chuyên gia Bộ Ngoại giao của chúng tôi đủ nhạy cảm về những điều đó”.
Các thành viên Đảng Dân chủ và các thành viên của cộng đồng tình báo Mỹ đã nhiều lần cáo buộc các cơ quan tình báo Nga đứng sau vụ hack.

Hội nghị G20 sắp diễn ra ở Trung Quốc

Trung Quốc là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 năm nay sẽ diễn ra ở Hàng Châu vào ngày 4 và 5/9. Trung Quốc đang muốn tạo dấu ấn đối với nhóm 20 nước quan trọng trên thế giới bằng cách thực hiện một mô hình kinh tế mới thông qua thúc đẩy sự đổi mới.
G20 đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần đầu vào năm 2008 giữa lúc có cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hội nghị có mục đích giúp điều phối thương mại toàn cầu và chính sách tài chính, và mang lại cho các nước đang nổi lên một tiếng nói lớn hơn trong cuộc bàn thảo đó.
Các nhà phân tích nói rằng hồ sơ về đổi mới có nhiều điểm đáng ngờ và những trở ngại liên tục đối với đầu tư nước ngoài của Trung Quốc có thể làm cho Bắc Kinh khó thúc được chương trình rất cần thiết và quan trọng này.
Biến đổi khí hậu sẽ là một trong những chủ đề chính của chương trình nghị sự tại Hàng Châu.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và ngày càng là một nguồn đầu tư toàn cầu ngay cả khi họ phải vật lộn với việc kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Samsung dừng bán điện thoại Galaxy Note 7 sau vụ nổ pin

Hãng tin AP cho hay Samsung đã dừng bán điện thoại Galaxy Note 7 kể từ thứ Sáu, 2/9, chỉ hai tuần sau khi loại điện thoại hàng đầu của hãng được tung ra. Samsung quyết định như vậy sau khi thấy pin của một số điện thoại đã phát nổ trong khi sạc.
Koh Dong-jin, chủ tịch mảng kinh doanh thiết bị di động của Samsung, cho biết những khách hàng đã mua Note 7 sẽ có thể hoán đổi chúng lấy những chiếc điện thoại mới, không cần biết họ đã mua chúng khi nào.
Samsung đang tìm hiểu xem điều gì làm cho hãng lần đầu tiên phải thu hồi trên toàn cầu loại điện thoại hàng đầu của mình. Hãng chưa tìm ra cách xác định chính xác những chiếc máy điện thoại nào có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Note 7 sẽ bị ngừng bán ở 10 nước, trong đó có Hàn Quốc và Mỹ.
Ông Koh cho biết cuộc điều tra của công ty phát hiện rằng một loại pin được sản xuất bởi một trong hai nhà cung cấp pin của hãng đã làm cho điện thoại phát cháy. Ông từ chối nêu tên nhà cung cấp pin.
Ông Koh nói trong một cuộc họp báo rằng: ”Có một vấn đề rất nhỏ trong quá trình sản xuất nên rất khó tìm ra nguyên nhân”.
Một số khách hàng báo cáo là điện thoại của họ bốc cháy hoặc phát nổ trong khi sạc, họ cũng chia sẻ hình ảnh điện thoại cháy sém trên truyền thông xã hội. Samsung cho biết họ đã xác nhận 35 trường hợp như vậy ở Hàn Quốc và ở nước ngoài.
Hiện vẫn chưa có tin tức về thương tích liên quan đến vấn đề này.
Samsung cho biết họ đã bán được hơn 1 triệu chiếc Note 7 từ khi sản phẩm ra mắt ngày 19/8. Hãng đã sản xuất khoảng 2,5 triệu chiếc điện thoại Note 7 cho đến nay, một phần vẫn còn nằm trong kho. Ông Koh nói những máy đó cũng sẽ được trả lại và hoán đổi bằng máy mới.
Hãng ước tính sẽ mất khoảng hai tuần mới có thể bắt đầu hoán đổi Note 7 cũ lấy điện thoại mới.
Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi việc dừng bán hàng. Hãng cho biết họ sử dụng pin do một nhà cung cấp khác sản xuất cho Note 7 bán ở Trung Quốc.

Taliban bị nghi thực hiện đánh bom tự sát

ở khu nhà tòa án Pakistan

Nhà chức trách ở tây bắc Pakistan nói một cuộc tấn công bằng đánh bom tự sát tại một khu phức hợp tòa án đã giết chết ít nhất 12 người và làm bị thương khoảng 50 người khác.
Vụ bạo lực xảy ra hôm thứ Sáu, 2/9, ở thành phố Mardan, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa.
Một kẻ tấn công có vũ trang đã ném quả lựu đạn vào nhân viên bảo vệ tại cổng trước khi kích nổ khối thuốc nổ gắn trên người hắn.
Nhà chức trách và các nguồn tin ở bệnh viện nói một số luật sư nằm trong số các nạn nhân và số người chết có thể sẽ tăng.
Vụ đánh bom xảy ra vài giờ sau khi quân đội Pakistan tiêu diệt 4 kẻ đánh bom tự sát trước khi chúng có thể kích nổ tại một khu dân cư theo Ki tô giáo ở thủ phủ tỉnh Peshawar.
Một phát ngôn viên của Jamaatul Ahrar (JuA), một nhánh cực đoan tách ra từ Taliban ở Pakistan, nói với đài VOA rằng nhóm này đứng đằng sau hai vụ tấn công, tuy nhiên chưa thể kiểm chứng lời tuyên bố này.
Các quan chức Pakistan cáo buộc JuA tiến hành hoạt động từ các khu vực ở bên kia biên giới với Afghanistan và được cơ quan tình báo của nước láng giềng trợ giúp, song Kabul bác bỏ cáo buộc này.

Bom chùm bị cấm vẫn được sử dụng ở Syria và Yemen

Lisa Schlein
Các nhà hoạt động nhân quyền tố giác Syria và Yemen sử dụng các loại bom chùm, vi phạm hiệp ước quốc tế cấm loại vũ khí này. Chứng cứ được ghi nhận trong báo cáo mới nhất của nhóm Quan sát về bom chùm năm 2016, chuyên theo dõi trên khắp thế giới việc sử dụng, chế tạo, cất giữ và buôn bán các loại vũ khí bị cấm này.
Báo cáo của nhóm Quan sát Bom chùm ghi nhận hành động sử dụng bom chùm của các lực lượng chính phủ Syria kể từ giữa năm 2012. Báo cáo cũng ghi nhận các vụ sử dụng bom chùm được bắn từ mặt đất của Nhà nước Hồi giáo khi các phần tử chủ chiến này tiến chiếm thành phố Qurbani cách đây mấy năm.
Bà Mary Wareham, giám đốc nhóm cổ xúy của tổ chức Human Rights Watch, và là biên tập viên của nhóm Quan sát, nói rằng các cuộc tấn công ở Syria có sử dụng các loại vũ khí cấm này đã tăng lên kể từ khi Nga bắt đầu mở các cuộc hành quân phối hợp với chính phủ Syria vào cuối tháng 9 năm ngoái:
“Chúng tôi ghi nhận một sự gia tăng số vụ tấn công sử dụng bom chùm tại các khu vực do phe đối lập kiểm soát ở Aleppo, Idlib và những nơi khác. Vào thời điểm này, chúng tôi thu thập được chứng cứ các vụ tấn công bằng bom chùm xảy ra hàng tuần, nếu không muốn nói là hàng ngày. Tình hình hết sức hỗn loạn.”
Nhóm quán sát nói rằng có 13 loại bom đạn chùm được phóng đi từ mặt đất hoặc được thả từ máy bay đang được sử dụng ở Syria. Nhóm này cho biết tất cả các loại bom chùm này, ngoại trừ một loại, được chế tạo tại Nga hoặc tại Liên Xô cũ, nhưng không có loại nào được sản xuất sau năm 1992.
Báo cáo cũng cho hay có những bằng chứng rõ ràng và đáng sợ là các loại vũ khí này vẫn đang được sử dụng tại Yemen. Nhóm quan sát ghi nhận ít nhất 19 vụ tấn công có sử dụng ít nhất là 7 loại bom chùm khác nhau được thả xuống từ máy bay hoặc phóng đi từ mặt đất.
Bà Wareham cho hay nhiều thường dân đã bị thương vì các loại bom đạn này kể từ khi liên quân do Ả Rập Xê-út lãnh đạo bắt đầu oanh kích bằng bom chùm nhắm vào phiến quân Houthi hồi cuối tháng 3 năm 2015, vi phạm một hiệp ước với Mỹ.
Bà Wareham nói: “Ả Rập Xê-út có thỏa thuận rõ ràng với Mỹ trong các điều kiện của hợp đồng chuyển giao là không sử dụng các loại vũ khí này ở các khu vực có thường dân, mà chỉ sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu quân sự. Chúng tôi tìm thấy bằng chứng là liên quân Ả Rập Xê-út sử dụng bom chùm tại các khu vực của thường dân. Có lẽ một trong những ví dụ điển hình nhất là vụ tấn công tại thủ đô Sana’a hồi tháng Giêng năm nay.”
Bà Wareham nói rằng chính quyền của Tổng thống Obama hồi tháng 5 loan báo ngưng bán các loại vũ khí này cho Ả Rập Xê-út, hình như là một phản ứng trước việc một số lớn thường dân thiệt mạng mà tin nói là do bom chùm gây ra.
Hầu hết các thương vong vì bom chùm hồi năm ngoái xảy ra tại Syria và Yemen. Nhóm quan sát ghi nhận 245 ca thương vong tại Syria và 104 ca tại Yemen. Nhóm này nói các con số vừa nêu thấp hơn thực tế.

Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ ngưng bắn,

quyết tiếp tục hành quân ở miền bắc Syria

Carla Babb
NGŨ GIÁC ĐÀI —
Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc hành quân chống nhóm chủ chiến Nhà nước Hồi giáo, và cũng nhắm vào các lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn ở miền bắc Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Tư không chấp nhận điều mà Mỹ nói là một cuộc ngừng bắn được thỏa thuận với các chiến binh người Kurd, và tuyên bố họ sẽ không dừng cuộc tấn công quân sự ở miền bắc Syria lại cho đến khi nào không còn một mối đe dọa nào ở đó nữa.
Hoa Kỳ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngưng tấn công các lực lượng người Kurd, và thay vào đó nên dồn nỗ lực vào cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo, nhưng một phát ngôn viên của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói ngừng bắn “là chuyện không thể có.”
Giới chức này nói: “Chúng tôi tiếp tục nhắm mục tiêu tấn công các lực lượng người Kurd cho đến khi nào họ rút về mạn đông sông Euphrates.”
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận việc đã thỏa thuận ngừng bắn với các lực lượng người Kurd, hôm thứ Tư đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp không có tin tức về giao tranh giữa hai bên. Điều đó cho thấy hai đồng minh của Mỹ chú ý đến lời kêu gọi hòa bình của Washington, ít ra là vào thời điểm này.
Tuần trước Thổ Nhĩ Kỳ mở một chiến dịch quân sự nhằm vào các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo và cả các chiến binh người Kurd được Mỹ hậu thuẫn mà Ankara coi là liên kết với nhóm nổi dậy Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) bên Thổ Nhĩ Kỳ.
Giao tranh giữa các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd làm rắc rối thêm tình hình vốn đã hết sức phức tạp ở Syria, nơi mà chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đã nhận được sự hậu thuẫn từ Iran, Nga và phe chủ chiến Hezbollah có căn cứ ở Libăng, trong khi Mỹ và các cường quốc phương Tây thì ủng hộ các nhóm nổi dậy.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildrim nói với các phóng viên báo chí rằng: “Cuộc hành quân của chúng tôi tiếp tục cho đến khi không còn nhóm khủng bố nào và các mối đe dọa nào ở biên giới của chúng tôi nữa, và người dân của chúng tôi không còn phải di tản nữa.”
Trước đó trong ngày thứ Tư, Iran kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng chấm dứt cuộc hành quân ở miền bắc Syria. Tehran nói rằng sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chỉ làm cho cuộc xung đột tăng thêm cường độ.
Cuộc hành quân của Thổ Nhĩ Kỳ đã đẩy nhóm Nhà nước Hồi giáo ra khỏi thị trấn Jarablus trước khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến sâu hơn về phía nam trong các cuộc giao tranh với người Kurd — các lực lượng mà trước đó đã góp phần chiếm lại quyền kiểm soát thành phố Manbij.
Một tướng lãnh hàng đầu của Mỹ hôm thứ Ba nói rằng các lực lượng người Kurd đã rút về mạn đông sông Euphrates, rút khỏi thành phố Manbij. Một động thái mà Mỹ hy vọng sẽ chấm dứt các cuộc đụng độ giữa hai bên.
Đại tướng Lục quân Joseph Votel, Tư lệnh miền Trung Hoa Kỳ chỉ huy các hoạt động quân sự ở Trung Ðông, nói với các phóng viên báo chí tại Ngũ giác đài hôm thứ Ba rằng: “Một phần lực lượng người Kurd thuộc các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đang ở mạn đông sông Euprates vào lúc này. Họ giữ cam kết với chúng tôi.”
SDF bao gồm các chiến binh người Kurd, cùng với các chiến binh người Ả Rập gốc Syria, người Turk và những thành phần khác.
Đại tướng Votel nói rằng các chiến binh của SDF đang có mặt ở mạn tây sông Euphrates để giữ các khu vực vừa chiếm lại được từ tay Nhà nước Hồi giáo ở bên trong và quanh thành phố Manbij không phải là người Kurd mà là “các chiến binh ở chính các địa phương đó.”
Ông Votel nói cả quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn ở Syria đều là “thiết yếu” đối với cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo trong khu vực.
Giới chức quân sự này nói thêm rằng Mỹ trông nhờ vào cả hai bên giúp sức cho cuộc chiến chống lại “một đe dọa chính” là Nhà nước Hồi giáo. Ông nói: “Sự hỗ trợ của Mỹ cho tất cả các bên tùy thuộc vào tình hình thực tế của nỗ lực tập trung vào cuộc chiến chống ISIS.”

Thổ Nhĩ Kỳ nói Karimov đã qua đời

Thổ Nhĩ Kỳ nói Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov đã qua đời nhưng chính phủ Uzbek chưa ra thông báo.
Ông Karimov, 78 tuổi, đã phải nhập viện tuần trước sau khi chảy máu não. Cho tới nay chính phủ Uzbek mới chỉ xác nhận là ông ốm nặng.
Thứ Sáu 2/9, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim nói tại một cuộc họp được truyền hình trực tiếp rằng ông Karimov đã chết.
Ông Karimov cầm quyền theo phong cách độc tài tại Uzbekistan từ năm 1989.
Hiện chưa rõ ai sẽ kế vị ông. Tại Uzbekistan không có đảng đối lập chính thức và báo chí bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ.
BBC News không được hoạt động trong nước này và website của BBC tiếng Uzbek cũng bị chặn.
Uzbekistan
Dân số: 28,1 triệu
Diện tích: 447.400 km2
Ngôn ngữ chính:Uzbek, tiếng Nga, Tajik
Tôn giáo chính: Hồi giáo
Tuổi thọ trung bình: 66 tuổi (nam giới), 72 tuổi (nữ giới)
Nội tệ: đồng som Uzbek
Một phúc trình của LHQ nói tình trạng tra tấn tù nhân ở Uzbekistan xảy ra “có hệ thống”. Ông Karimov hay lấy lý do chống phiến quân Hồi giáo để biện hộ cho chính sách cứng rắn của mình.
Nỗi đau của người dân Uzbek
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim nói tại cuộc họp: “Tổng thống Uzbek Islam Karimov đã qua đời. Cầu Thượng đế che chở cho ông, Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ buồn đau với người dân Uzbek”.
Trước khi thông báo này được đưa ra, đã có nhiều đồn đoán rằng ông Karimov không còn nữa. Ông không xuất hiện trước công chúng từ ngày 17/8.
Sáng 2/9, hãng tin Reuters cũng dẫn ba nguồn ngoại giao khác nhau nói ông Karimov qua đời.
Website đối lập Fergana đưa tin rằng người ta đang chuẩn bị tang lễ cho ông tại quê ông, thành phố Samarkand.
Sân bay Samarkand được nói đóng cửa vào thứ Bảy 3/9.

Vợ Donald Trump kiện báo Anh và blogger Mỹ

Bà Melania Trump đang khởi kiện một tờ báo Anh và một blogger Mỹ đòi bồi thường 150 triệu đôla vì cáo buộc bà là gái mại dâm trong thập niên 1990, luật sư của bà cho hay.
Tờ Daily Mail viết rằng bà Trump có thể từng làm gái gọi bán thời gian ở New York trước khi gặp Donald Trump, người hiện đang chạy đua vào Nhà Trắng.
Những cáo buộc đó “hoàn toàn bịa đặt”, luật sư Charles Harder nói.
Cả blogger và tờ Daily Mail đã rút lại và đính chính bài của họ.
“Những bị đơn này đã đăng tải nhiều bài về bà Trump sai sự thật 100% và làm tổn hại đến uy tín cá nhân và sự chuyên nghiệp của bà,” thông cáo của ông Harder viết.
“Hành vi của các bị đơn ‘rất nghiêm trọng và gây hại cho bà Trump và khiến bà thiệt hại ước tính đến 150 triệu đôla”, ông Harder cho biết.
Bà Trump, 46 tuổi, sinh ra tại Slovenia và chuyển đến Mỹ làm người mẫu vào thập niên 1990. Bà kết hôn với ông Trump năm 2005.
Blogger Webster Tarpley đã viết rằng bà Trump lo sợ quá khứ của bà bị công khai.
Bài trên website Daily Mail dẫn lại bài trên tạp chí Slovenia Suzy rằng công ty người mẫu mà bà Trump cộng tác cũng cung cấp gái gọi, hồ sơ tòa án cho hay.
Tờ báo cũng dẫn lời nhà báo Slovenia Bojan Pozar, tác giả một cuốn tiểu sử không được phép, người tiết lộ bà Trump từng chụp ảnh khỏa thân ở New York năm 1995 và xác nhận rằng bà đã gặp ông Trump năm đó, ba năm trước cuộc gặp lần đầu của họ năm 1998 như tường thuật trên mặt báo.
Luật sư của bà nói bà chuyển đến Mỹ năm 1996.

Hàng trăm ngàn người Venezuela tuần hành

Hàng trăm ngàn người tham gia cuộc biểu tình của phe đối lập tại Caracas, thủ đô Venezuela.
Những người ủng hộ phe đối lập kêu gọi hạ bệ Tổng thống Nicolas Maduro.
Họ buộc ông phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng kinh tế của Venezuela và cáo buộc ủy ban bầu cử trì hoãn cuộc trưng cầu dân ý về việc rút ngắn thời gian tại vị của ông.
Ông Maduro, nhân vật cũng có lượng người ủng hộ tập hợp với số lượng lớn, cáo buộc phe đối lập mưu toan đảo chính.
Chính phủ cho biết phe đối lập đã thất bại trong việc thu hút một triệu người tham gia tuần hành mà chính quyền gọi là “Tiếp quản Caracas”.
“Quốc gia đã chiến thắng. Họ muốn hăm dọa người dân nhưng người dân ở đây,” ông Maduro phát biểu tại trung tâm Caracas.
“Chúng tôi đã phá vỡ một cuộc đảo chính với mưu toan đem lại bạo lực, chết chóc khắp Venezuela và Caracas,” ông nói.
‘Đã nếm đủ’
Nhưng các nhà lãnh đạo phe đối lập tuyên bố rằng cuộc biểu tình của họ thu hút được ít nhất một triệu người.
“Chúng tôi đã cho thế giới thấy tầm quan trọng của Venezuela và quốc gia này đang muốn có sự đổi thay,” chính trị gia đối lập Jesus Torrealba nói.
Những người biểu tình mặc trang phục trắng, hô vang: “Chúng ta sẽ hạ bệ Maduro”.
Những người biểu tình cho biết họ đã nếm đủ chính sách của Ðảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela.
“Chúng tôi sẽ đánh bại tình trạng nghèo đói, tội phạm, lạm phát và tham nhũng. Họ chẳng làm được gì trong 17 năm. Giai đoạn của họ đã xong,” Naty Gutierrez nói với Reuters.
Trước lúc tuần hành, một số chính trị gia đối lập đã bị bắt giữ.
Tuần trước, Daniel Ceballos, đảng Popular Will bị đưa trở lại nhà tù sau một năm bị quản chế chờ xét xử về tội bạo loạn.
Bộ Nội vụ cho biết ông thoát khỏi lệnh quản chế để thực hiện các hành vi bạo lực trong cuộc biểu tình hôm 1/9.

Tổng thống Philippines từ chối gặp Tổng thư ký LHQ

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từ chối yêu cầu gặp tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon khi đến dự họp của Khối ASEAN tại Lào vào tuần tới.
Một phát ngôn nhân ngoại vụ của chính quyền Manila cho biết có 11 vị nguyên thủ quốc gia yêu cầu được gặp tổng thống Duterte trong dịp ASEAN họp ở Lào và ông này đã nhận lời 9 vị.
Giải thích của phía Philippines do lịch trình làm việc quá bận rộn tại Lào nên tổng thống Rodrigo Duterte không thể nhận lời gặp tất cả được.
Bản thân ông Duterte từng có những phát biểu chỉ trích Liên hiệp quốc sau khi báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của tổ chức này phê phán biện pháp cho bắn hạ những nghi phạm ma túy mà tổng thống Philippines ban hành.
Ông Duterte từng phát biểu sẽ tách ra khỏi Liên hiệp quốc và cùng một số nước khác lập ra tổ chức đối trọng; tuy nhiên sau đó ông này cho rằng đó chỉ là nói đùa thôi.
Từ khi ông Rodrigo Duterte lên nắm chức tổng thống Philippines vào cuối tháng 6 vừa qua cho đến nay, có gần 2000 người tại Philippines bị giết trong chiến dịch chống tội phạm mà ông này ban hành.
Trong số đó có 756 người được xác nhận là nghi phạm buôn bán ma túy đã chống cự lại cảnh sát nên bị bắn chết. Số còn lại được nói vì các băng đảng ra tay thanh toán lẫn nhau.

Lãnh đạo Nga-Nhật gặp nhau tại Vladivostok

Tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm nay có cuộc gặp tại Vladivostok bên lề Diễn đàn Kinh tế thường niên nhằm có thể tháo gỡ bế tắc trong tranh chấp lãnh thổ giữa hai phía; tuy nhiên chính điện Kremlin nhận định khó có thể đạt được đột phá nào cho vấn đề kéo dài đã 8 thập niên qua giữa đôi bên.
Phát ngôn nhân Điện Kremlin, Dmitry Peskov, cho rằng đây là một vấn đề đa diện đòi hỏi giới chuyên gia phải có nhiều nổ lực và dĩ nhiên cần phải có thêm chuẩn bị.
Xin được nhắc lại vào những ngày cuối của Chiến Tranh Thế giới Thứ hai, Liên bang Sô viết quyết định chiếm nhóm đảo ở phía bắc Nhật Bản mà Tokyo cho là thuộc chủ quyền của Xứ Phù Tang.
Căng thẳng về tranh chấp nhóm đảo mà Nga gọi là Kuril và Nhật gọi là Lãnh thổ Phía bắc khiến hai bên không ký kết thỏa ước hòa bình chính thức chấm dứt thù địch thời chiến với nhau và gây cản trở cho thương mại và đầu tư.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu rằng ký thỏa ước hòa bình với Nhật là vấn đề trọng yếu mà Nga rất muốn tìm giải pháp cho vấn đề đó.
Chuyến thăm Nga lần này của thủ tướng Shinzo Abe là lần thứ hai trong năm nay. Trước khi thủ tướng Nhật sang thăm Nga, Điện Kremlin thông báo tổng thống Putin sẽ sang thăm Nhật vào tháng 12 tới. Đây là chuyến công du Xứ Phù Tang của ông Vladimir Putin kể từ năm 2005.

Trung Cộng áp lực Hồng Kông trước bầu cử

Hồng Kông (Reuters) – Trung Quốc gây áp lực lên chính phủ Hồng Kông để loại sáu ứng cử viên có quan điểm ly khai ra khỏi cuộc bầu cử quan trọng vào ngày 4 tháng 9.
Các chuyên gia chính trị nói Trung Cộng đang mở chiến dịch để dành các ghế cho các ứng viên thân Trung Cộng. Cuộc bầu cử để dành 70 ghế trong hội đồng lập pháp tại thành phố 7 triệu người là gay gắt nhất, kể từ khi Hồng Kong được trả về cho trung cộng vào năm 1997. Cuộc bầu cử cũng là lần đầu tiên sau khi hàng chục ngàn người tham gia vào các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trong năm 2014. Việc Bắc Kinh từ chối chấp nhận bầu cử trực tiếp khiến cho một số các nhà hoạt động trẻ tìm cách chạy đua trong kỳ bầu cử vào ngày 4 tháng 9.
Bà Anson Chan, một cựu lãnh đạo của Hồng Kông, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters là ai cũng biết Trung Cộng tìm cách mua chuộc,đe dọa, và gian lận phiếu. Đối với các nhà lập pháp dân chủ, việc dành được một phần ba số ghế là hết sức quan trọng. Ít ra khối 27 ghế sẽ có quyền phủ quyết các quyết định của phe thân Bắc Kinh trong hội đồng lập pháp. Vì vậy, bà Alison nói cuộc tranh cử kỳ này rất quan trọng. (Lê Hoàng)

Ba Lan

rà soát lại việc trao trả nhà đất bị chế độ cộng sản tịch thu

Viện Kiểm sát Ba Lan hôm qua 01/09/2016 loan báo thụ lý nhiều trường hợp trao trả lại cho chủ cũ các tài sản địa ốc bị chế độ cộng sản tịch thu trước đây, mà quyết định của tư pháp thường gây tranh cãi. Ba Lan chưa bao giờ giải quyết dứt khoát được vấn đề phức tạp này. Theo ước tính, tổng giá trị số nhà đất bị chính quyền cộng sản Ba Lan, và trước đó là Đức quốc xã trưng thu, lên đến khoảng 17 tỉ đô la.
Hiện nay tòa án xem xét từng trường hợp cụ thể. Các tổ chức phi chính phủ và báo chí Ba Lan lâu nay tố cáo việc vận động hậu trường của các chủ cũ, văn phòng luật sư và công ty xây dựng ; cũng như nghi ngờ có tham nhũng hay gian lận về nguồn gốc tài sản.
Maciej Kujawski, một phát ngôn viên Viện Kiểm sát Nhà nước cho biết, một nhóm công tố viên chuyên trách « sẽ nghiên cứu không chỉ các vụ trong hiện tại, mà cả những vụ đã bị xếp hồ sơ, bác bỏ hay tạm đình chỉ ».
Về phía Cơ quan chống tham nhũng, từ nhiều tháng qua đã xem xét các quyết định trao trả lại nhà đất tại Vacxava trong những năm 2010-2016, trong nhiệm kỳ của đô trưởng Hanna Gronkiewicz-Waltz, đồng thời là phó chủ tịch đảng đối lập cánh trung Diễn đàn Công dân (PO).
Việc trả lại các tài sản bị chính quyền cộng sản tịch thu là đặc biệt phức tạp ở Ba Lan, do đã bị phá hủy hoặc hư hại nhiều trong Đệ nhị Thế chiến, nạn diệt chủng và việc lãnh thổ mở rộng sang phía tây khoảng 200 km sau năm 1945.
Tại Vacxava, thành phố bị phe quốc xã tàn phá, rồi được chính quyền cộng sản tái thiết và quản lý hơn nửa thế kỷ, thì lại càng khó khăn hơn, và giá trị nhà đất cao hơn. Báo chí nêu ra nhiều trường hợp nghi vấn xung quanh nữ đô trưởng, những lời kêu gọi từ chức với sự ủng hộ của phe bảo thủ cầm quyền được đưa ra. Tối qua, bà Hanna Gronkiewicz-Waltz từ chối rời chức vụ, và kêu gọi các viên chức tòa đô chính kiểm tra tất cả những trường hợp trao trả tài sản ở thủ đô, kể từ khi chế độ cộng sản bị sụp đổ năm 1989.

Không quân Trung Quốc sắp có oanh tạc cơ chiến lược tầm xa

Không quân Trung Quốc đang chế tạo một loại phi cơ ném bom chiến lược mới. Báo chí Trung Quốc hôm 02/09/2016 loan báo như trên, nhấn mạnh đến các tiến bộ mới đây trong việc sản xuất máy bay cỡ lớn, và các loại thiết bị quân sự tối tân.
Tư lệnh không quân Trung Quốc Mã Hiểu Thiên (Ma Xiaotian) nói rằng oanh tạc cơ này sẽ gia tăng năng lực tấn công tầm xa của Trung Quốc một cách đáng kể. Ông không cho biết thêm chi tiết nào về loại máy bay ném bom mới, cũng như bao giờ sẽ được đưa vào sử dụng, chỉ nói rằng « Các vị sẽ thấy phi cơ này trong tương lai ».
Năm ngoái, Bắc Kinh đã tiết lộ loại oanh tạc cơ chiến lược thế hệ mới H-6K, trang bị hỏa tiễn hành trình mặt đất DH-20, có thể tấn công vào các mục tiêu ở xa như Úc. Hiện nay chỉ có Nga và Mỹ có khả năng phóng hỏa tiễn hành trình từ không trung.
Từ đó đến nay, máy bay H-6K làm nhiệm vụ huấn luyện ở Tây Thái Bình Dương, và tuần tra tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh yêu sách chủ quyền hầu như toàn bộ. Trong năm nay, Trung Quốc cũng ra mắt phi cơ vận tải quân sự cỡ lớn Y-20.
Cả hai loại máy bay mới trên đều sử dụng động cơ của Nga, cho thấy sự yếu kém của Trung Quốc trong việc sản xuất các phi cơ hiệu năng cao và đáng tin cậy.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.