Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 02/09/2016

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016 18:25 // , ,

Tin Việt Nam – 02/09/2016

Formosa Hà Tĩnh: hoàn thuế và trách nhiệm

Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh được chính phủ Việt Nam hoàn thuế ở mức trên 14.600 tỷ đồng VN, theo truyền thông nhà nước.
Tuy nhiên liệu số liệu hoàn thuế này có ‘chuẩn xác’ và thời điểm được nhận có phù hợp hay không so với trách nhiệm mà doanh nghiệp có vốn đầu tư của Đài Loan gây ra trong vụ thảm họa môi trường làm hải sản chết hàng loạt và bất thường ở Việt Nam còn là những dấu hỏi, theo một kinh tế gia từ Hà Nội.
Hôm 2/9, Tuổi trẻ Online của Việt Nam trong bài báo có tựa đề “Formosa được hoàn thuế 14.600 tỷ đồng” cho hay:
“Số tiền thuế và phí mà Formosa nộp ngân sách đến hết tháng 5-2015 khoảng 13.800 tỉ đồng nhưng số tiền doanh nghiệp này được hoàn thuế đã lên đến 14.600 tỉ đồng.”
Vẫn báo này cho biết thêm:
“Theo quy định của Luật thuế VAT (giá trị gia tăng), các doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế VAT đầu vào trên 300 triệu đồng… sẽ được hoàn thuế.
Con số trên có thể là chưa hoàn toàn chính xác và có thể đã được tổng hợp từ các khoản lớn nhỏ khác nhauTiến sỹ Nguyễn Minh Phong
“Tuy nhiên trong 8 năm đầu tư ở VN, Tổng cục Thuế cho hay Formosa Hà Tĩnh đã bị cơ quan thuế, hải quan phát hiện một loạt sai phạm như trốn thuế, khai sai, chậm nộp thuế.”
Trước đó, hôm thứ Năm, báo Dân trí dẫn nguồn từ Tổng Cục thuế của Việt Nam khẳng định:
“Việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho Formosa được thực hiện đúng quy định của Luật thuế Giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp mới thành lập, đang trong giai đoạn đầu tư”, đại diện cơ quan thuế khẳng định.”
Vẫn báo này cho biết thêm:
“Thông tin được tiết lộ từ Tổng cục Thuế cho hay, từ năm 2009 đến nay, công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã được giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng 14.617 tỷ đồng đối với máy móc, nguyên vật liệu nhập khẩu.
“Số tiền này bao gồm 10.601 tỷ đồng do Formosa nhập khẩu đã nộp ngân sách Nhà nước thuế giá trị gia tăng nhập khẩu hàng hoá, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu… Số còn lại là thuế giá trị gia tăng đầu vào trong nước của các nhà thầu.”
Chưa chính xác?
Về con số trên 14.600 tỷ đồng được hoàn thuế của Công ty thép Formosa Hà Tĩnh, hôm thứ Sáu, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, kinh tế gia từ Hà Nội, đưa ra bình luận:
“Con số trên có thể là chưa hoàn toàn chính xác và có thể đã được tổng hợp từ các khoản lớn nhỏ khác nhau. Tôi có tham khảo ý kiến của lãnh đạo Tổng cục Thuế, cũng như một Thứ trưởng bộ Tài chính, thì được biết là đúng là doanh nghiệp này được hoàn những khoản theo chế độ và chính sách của Việt Nam, tuy nhiên con số chính xác, cụ thể cuối cùng thì cần phải theo dõi thêm.
Tuy nhiên về mặt thời điểm mà doanh nghiệp này được tuyên bố nhận hoàn thuế, nhà kinh tế này bình luận:
“Thực ra thì đúng là doanh nghiệp này được thành lập từ trước, tuy nhiên nếu không có vụ gây thảm họa môi trường nghiêm trọng, thì chắc là không có ai quan tâm lắm.
Liệu doanh nghiệp này có bị soi hay không, tôi xin nói là theo quan điểm cá nhân của tôi thì soi như thế là chưa đủ. Formosa Hà Tĩnh đã làm mọi người ở Việt Nam rất phẫn nộTS. Nguyễn Minh Phong
“Còn trước câu hỏi là liệu doanh nghiệp này có bị soi hay không, tôi xin nói là theo quan điểm cá nhân của tôi thì soi như thế là chưa đủ. Formosa Hà Tĩnh đã làm mọi người ở Việt Nam rất phẫn nộ.
“Thái độ của họ không tự nhận lỗi từ ban đầu mà phải chờ có chứng cứ, điều tra mới buộc phải nhận lỗi cho thấy họ không có văn hóa doanh nghiệp một cách văn minh. Chẳng thế mà ở khắp nơi trên thế giới họ đều bị phản đối.
“Còn về câu hỏi liên quan tới việc chịu trách nhiệm của doanh nghiệp này tới nay đã đủ chưa, cũng như các biện pháp chế tài, tôi thấy là doanh nghiệp nào gây ra sai phạm tới đâu, mức độ nào, thì phải chịu trách nhiệm tới đó.
“Nếu là trách nhiệm dân sự, thì chịu trách nhiệm dân sự, nếu là hình sự, thì chịu trách nhiệm hình sự, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường mức độ nghiêm trọng thế nào, thì phải xử lý theo đúng mức độ ấy.
“Phải làm nghiêm và điều này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khẳng định rõ ràng, công khai. Doanh nghiệp mà gây ra hủy hoại môi trường, phá hoại sinh thái nghiêm trọng… thì phải được sử nghiêm, đúng luật,” Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nói với BBC.
‘Không phù hợp, lẫn lộn’
Trước đó, một nhà phân tích khác từ Việt Nam, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ thời các ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải đưa ra bình luận về việc các cơ quan hữu quan của Việt Nam đưa ra các đề xuất ‘bồi thường thiệt hại’ cho Formosa và cho về mặt thời điểm là ‘không thích hợp’ và gây ‘lẫn lộn’.
Bà nói: “Tôi thấy thời điểm đưa ra [đề xuất của Tổng cục Thuế] vào lúc này là không hợp lý, không phù hợp,” bà nói, bởi việc hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại “phải được tách ra khỏi việc Formosa đã có một loạt các vi phạm về thuế mà các cơ quan thuế đã nêu ra trước đó.”
“Nếu là thiệt hại phát sinh từ thời điểm do xô xát, bạo loạn liên quan tới vụ giàn khoan hồi năm 2014, thì việc đó lẽ ra phải giải quyết từ thời gian đó rồi, khi Chính phủ có quyết định về việc sẽ có bồi thường cho các công ty bị thiệt hại trong thời gian đó. Vậy tại sao lúc đó không thực hiện ngay mà lại để đến bây giờ?”
Việc bồi thường có thể được thực hiện như chính phủ đã thực hiện đối với một số doanh nghiệp ở Bình Dương hoặc ở những nơi khác. Nhưng việc đó phải được tách riêng chứ không thể đem gắn chung vào việc miễn hoàn thuếBà Phạm Chi Lan
“Việc bồi thường có thể được thực hiện như chính phủ đã thực hiện đối với một số doanh nghiệp ở Bình Dương hoặc ở những nơi khác. Nhưng việc đó phải được tách riêng chứ không thể đem gắn chung vào việc miễn hoàn thuế.”
“Việc ghi chung như thế này sẽ gây nhiễu về các con số. Bản thân cơ quan thuế đã có lần đưa lên báo chí là qua kiểm tra giám sát đã phát hiện Formosa có những trường hợp khai không đúng, phải bị phạt về thuế. Thông tin đó xảy ra gần như đồng thời với lúc Formosa gây ra thảm họa môi trường.”
“Tại sao nay chưa thấy nói về việc trừng phạt đối với hành vi gian lận thuế mà đã nói tới việc bồi hoàn thuế cho Formosa? Điều này gây nhiễu thông tin và khiến người dân thấy khó hiểu về cách hành xử của các cơ quan nhà nước.
“Các khoản miễn, không truy thu khác, được đưa ra vào lúc này, phải được gắn với việc Formosa vẫn còn đang nợ trong khoản tiền 500 triệu đôla họ cam kết bồi thường sau sự cố môi trường.”
“Theo thông tin báo chí nêu ra, họ mới bồi thường 250 triệu đôla, tức là họ vẫn đang còn nợ 250 triệu đôla nữa. Khi họ còn nợ tiền đền bù mà phía Việt Nam lại đem đền bù ngay cho họ hoặc miễn trừ thuế ngay cho họ là điều theo tôi là không hợp lý,” bà Phạm Chi Lan nói với BBC.

Giải pháp nào cho các tập đoàn nhà nước?

Luật sư Ngô Ngọc TraiGửi tới BBC Tiếng Việt từ Hà Nội
Chính phủ Việt Nam đang tính toán cho ra đời một Ủy ban giám sát quản lý tài sản của doanh nghiệp nhà nước.
Tuy vẫn còn những ý kiến khác nhau nhưng về cơ bản Ủy ban này sẽ có vai trò giám sát hoặc quản lý khối tài sản của doanh nghiệp nhà nước mà trị giá lên đến một vài trăm tỷ USD.
Lý do cho sự ra đời của Ủy ban này là tình trạng làm ăn thua lỗ bết bát của một số doanh nghiệp nhà nước mà nguyên nhân thường được nhắc đến là năng lực quản lý yếu kém và tình trạng đầu tư dàn trải đa ngành.
Doanh nghiệp nhà nước lâu nay cũng bị cho là cỗ máy tiêu ngốn lượng lớn nguồn tài chính nhưng lại tạo ra tỷ lệ lợi nhuận thấp.
Những ưu đãi về đất đai, thuế và các chế độ chính sách khác tạo ra sự bất bình đẳng đối với khối doanh nghiệp tư nhân, làm giảm đi thuộc tính cạnh tranh của nền kinh tế thị trường.
Chaebol của Hàn Quốc
Các tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam được xem là áp dụng theo mô hình các tập đoàn Chaebol của Hàn Quốc. Đó là một hệ thống các doanh nghiệp có mối liên kết chặt chẽ về quản lý và vốn. Trong đó doanh nghiệp mẹ đầu tư tài chính thành lập ra doanh nghiệp con và tất cả đều tập trung phụ trợ cho một hoặc một vài ngành nghề kinh doanh chính.
Áp dụng theo mô hình Chaebol nhưng xem ra các tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam chưa tìm ra được thành công. Đến nay người ta vẫn đang loay hoay cân nhắc một giải pháp quản lý mới đối với khối tài sản của vài chục hoặc cả trăm doanh nghiệp nhà nước mà tổng giá trị cũng chỉ cỡ bằng một Chaebol là tập đoàn Samsung mà thôi.
So sánh như thế để thấy một khối lượng tài sản quá lớn không phải là khó khăn cho quản lý, vì nhiều công ty lớn trên thế giới có tài sản còn lớn hơn nhiều.
Cho nên cái cần nghiên cứu là cách thức quản lý và những gì ẩn sâu bên trong cái cỗ máy mô hình doanh nghiệp mà một đằng nó đem lại thành công còn đằng kia đem đến thất bại.
Lật ngược lại lịch sử hình thành các Chaebol thì thấy, đây là các tập đoàn kinh tế tư nhân chứ không phải của nhà nước, và sự thành công của chúng có dấu ấn lớn của người lãnh đạo chính phủ là Tổng thống Park Chung Hee.
Khi mới lên nắm quyền đầu những năm 1960 Tổng thống Park đã bắt một loạt lãnh đạo các tập đoàn kinh tế với cáo buộc lũng đoạn kinh tế quốc gia. Nhưng sau đó ông đã thay đổi quan điểm, thương lượng với đám tài phiệt, thả họ ra cho phép họ tiếp tục làm kinh tế nhưng phải theo định hướng tầm nhìn của Park về một nền kinh tế định hướng công nghiệp.
Suốt thời gian làm tổng thống ông Park đã dành nhiều ưu tiên ưu đãi cho các tập đoàn, ông là người bảo trợ cho các tập đoàn, khuyến khích họ đầu tư vào công nghiệp, chấp nhận thử và sai, bảo vệ họ trước các thất bại.
Nhưng ông Park cũng nghiêm khắc sẵn sàng loại bỏ và cho phá sản những tập đoàn thua lỗ không có tương lai. Là một quân nhân đảo chính nắm quyền, Tổng thống Park muốn tìm kiếm tính chính danh và sự ủng hộ của dân chúng qua các thành tựu kinh tế.
Park có lẽ là lãnh đạo đầu tiên áp dụng các chính sách mời gọi đầu tư, chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản. Là một người lính từng phục vụ cho quân đội Nhật ông thấy được trình độ khoa học kỹ thuật to lớn của người Nhật.
Trước thế chiến II Nhật đã sản xuất được những tàu khu trục, pháo hạm, xe tăng, máy bay chiến đấu với trình độ mà người Hàn lúc đó không thể nào làm được. Cho nên hơn ai hết Park nhìn ra được vấn đề.
Đặc biệt lúc đó sau chiến tranh Nhật Bản lại phát triển một chủ thuyết phát triển khu vực có tên là đàn nhạn bay, theo đó thì con chim bay đầu sẽ tạo ra lực đẩy giúp cho các con bay sau.
Đại loại như Nhật Bản là đầu tàu, thông qua chính sách đầu tư chuyển giao công nghệ, công nghiệp phụ trợ sẽ kéo các nền kinh tế các nước khác đi lên.
Nền kinh tế của Hàn Quốc được hưởng lợi từ bối cảnh phát triển kinh tế khu vực của Nhật Bản. Ngoài ra là đợt bùng nổ xây dựng ở Trung Đông do các nước này có được nguồn lợi nhuận dồi dào từ dầu mỏ từ đó phát sinh nhu cầu xây dựng công trình.
Các công ty xây dựng của Hàn như Hyundai đã được chính phủ hỗ trợ kiếm hợp đồng xây dựng và đem lại lợi lớn cho nền kinh tế, nguồn ngoại tệ dồi dào lại tạo đà cho phát triển kinh tế trong nước.
Đó là những bối cảnh quốc tế và khu vực đã giúp cho thành công của các tập đoàn kinh tế Hàn Quốc. Song cũng phải nhìn lại tự bản thân Tổng thống Park và các tập đoàn đã làm nhiều việc đúng đắn hợp lý khiến cho việc phát triển là có thể với nền tảng vững chắc.
Tinh thần làm việc
Có một điểm chi tiết khác biệt giữa các doanh nghiệp thua lỗ và bất kỳ doanh nghiệp làm ăn thành công nào, đó là vấn đề tinh thần làm việc của người lao động.
Không nhìn ra điểm chi tiết khác biệt này, thì dù cho có lập ra thêm Ủy ban giám sát thì cũng không thể chống đỡ lại thất bại do hàng vạn con người chỉ biết thu vén cá nhân và thờ ơ phá hoại công cuộc chung.
Để tạo ra thành công cho các Chaebol và nền kinh tế Hàn Quốc, Tổng thống Park đã luôn coi trọng tinh thần làm việc cái mà ông học hỏi được từ người Nhật.
Park đã thiết lập và luôn giữ vững sợi dây truyền dẫn về tầm nhìn và nhiệt huyết lao động hăng say tới bộ máy chính phủ, lãnh đạo các tập đoàn và cuối cùng là tới từng người lao động. Đó là giá trị phần hồn ẩn sâu bên trong cỗ máy doanh nghiệp mà chính nó tạo ra sự khác biệt đem đến thành công cho các Chaebol và nền kinh tế Hàn Quốc.
Trong khi đó, một sợi dây truyền dẫn khát vọng và tầm nhìn giữa người lãnh đạo và bộ máy thực thi là cái chưa bao giờ có ở Chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam.
Các lãnh đạo Chaebol dành hết tâm huyết cho tập đoàn vì đó là con đẻ của họ, đó là danh dự uy tín của họ, còn lãnh đạo tập đoàn ở Việt Nam là cán bộ công chức được cắt cử chỉ định, làm hết nhiệm kỳ thì người khác thay, với cái tâm thế lao động như thế liệu hỏi kết quả sẽ ra sao?
Một ví dụ về sợi dây truyền dẫn là Tổng thống Park Chung Hee đã đề ra những mục tiêu cụ thể cho các Chaebol như phải lắp ráp được ô tô, phải thiết kế được mẫu mã ô tô, phải chế tạo được động cơ ô tô. Qua đội ngũ thư ký ông giám sát chặt chẽ việc thực hiện, dần dần các Chaebol đã tiếp nhận được công nghệ ô tô.
Trong khi ở Việt Nam thì chính phủ cũng yêu cầu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa này nọ, nhưng thiếu sự quan tâm giám sát chặt chẽ và động lực thúc đẩy dẫn đến thất bại. Mà vì quản lý yếu kém khiến các tập đoàn kinh tế đầu tư dàn trải, chi tiêu không bị kiểm soát dẫn đến thua lỗ thất thoát mà ngân sách chung bị ảnh hưởng còn cán bộ đơn vị thì hưởng lợi.
Một ví dụ khác cho thấy tinh thần làm việc sẽ đem đến kết quả ra sao, đó là các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam lâu nay có nhiệm vụ thực hiện các chính sách an sinh xã hội, là một công cụ để chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế xã hội.
Đây là cái cớ để lãnh đạo doanh nghiệp thì vin vào bao biện cho những yếu kém thua lỗ còn người lao động thì nghĩ rằng dù cho doanh nghiệp thua lỗ thì ngân sách nhà nước vẫn phải bù vào để duy trì công ăn việc làm cho người lao động.
Chính cái nguyên nhân kép như vậy đã tạo ra hiệu quả năng suất thấp của doanh nghiệp nhà nước, cái không thể tồn tại ở các doanh nghiệp tư nhân.
Ở doanh nghiệp tư nhân người lao động dễ dàng bị sa thải khi không có tinh thần làm việc hoặc làm không đạt chỉ tiêu đề ra chứ đừng nói gì đến các hành vi ăn cắp của công.
Ở doanh nghiệp tư nhân người ta còn thúc đẩy phát triển văn hóa doanh nghiệp với các chế độ khen thưởng và cơ chế thăng tiến cán bộ, khiến cho người lao động gắn kết và tìm được sự thành công chung gắn liền với sự thành công của doanh nghiệp. Ở Việt Nam có tập đoàn tư nhân như Vincom đã bước đầu phần nào đã làm được việc như vậy.
Qua đó cho thấy một sự thôi thúc về khát vọng và tầm nhìn, truyền dẫn động lực từ người lãnh đạo đến toàn bộ máy, đó là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp thành công và đó chính là vấn đề của năng lực lãnh đạo.
Cho nên khi nhìn lại thì thấy các Chaebol của Hàn Quốc và các tập đoàn nhà nước của Việt Nam, tuy mô hình cỗ máy tưởng như giống nhau nhưng lại khác nhau về nhiều điểm chi tiết ẩn sâu mà chính nó đã tạo ra khác biệt về kết quả hoạt động.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và văn phong của người viết, giám đốc công ty luật Công Chính ở Hà Nội.

TC sắp xử công dân Mỹ tội ‘gián điệp’

TC đã lên ngày xét xử một nữ doanh nhân Mỹ bị buộc tội làm gián điệp.
Chồng phụ nữ này nói vào hôm thứ Năm rằng các cáo buộc này là sai trái và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói họ quan ngại về tình cảnh của bà.
Sandy Phan-Gillis, người gốc Hoa sinh ở Việt Nam, bị nhà chức trách TC bắt vào tháng Ba năm 2015 vì bị nghi làm gián điệp với cáo buộc rằng bà tới TC trong chuyến đi với một phái đoàn thương mại từ Houston.
Trong một tuyên bố hôm thứ Năm, chồng là Jeff Gillis cáo buộc chính quyền TC cố ngăn cản việc cung cấp chứng cứ theo đó khiến dễ dẫn tới việc kết tội vợ ông, Sandy Phan-Gillis.
“Cáo trạng là hoàn toàn phi lý” ông nói, và nói thêm rằng ông muốn Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama yêu cầu trả tự do cho bà khi ông tham dự một hội nghị thượng đỉnh với giới lãnh đạo TC trong tuần này.
Việc công bố ngày xét xử ngày 19 tháng 9 gây sự chú ý mới về trường hợp của bà ngay trước chuyến thăm TC của Tổng thống Obama, khi ông tới dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Hàng Châu vào cuối tuần này.
Theo dự kiến ông Obama sẽ hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày thứ Bảy.
Ông Gillis nói điểm gây tranh cãi chính của cáo trạng đối với vợ ông là việc bà đã thực hiện một nhiệm vụ gián điệp ở TC vào năm 1996.
Ông cho biết hộ chiếu Mỹ của vợ mình không cho thấy Sandy đã đến TC vào thời điểm đó và cáo buộc lãnh sự quán TC tại Houston từ chối thừa nhận rằng không có con dấu nhập và xuất cảnh ở TC trên cuốn hộ chiếu này.
Bộ Ngoại giao TC đầu tuần này nói rằng Phan-Gillis, nay là công dân Mỹ, chính thức bị buộc tội làm gián điệp.
“Chúng tôi tiếp tục theo dõi sát vụ này”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby cho biết tại một cuộc họp báo ở Washington.
Ông Kirby cho biết thêm rằng các quan chức của lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh đã vào thăm Phan-Gillis hàng tháng kể từ khi bà bị bắt giam.
“Chúng tôi đã nhiều lần thúc giục chính quyền Trung Quốc cung cấp thêm thông tin chi tiết của vụ việc và tạo điều kiện để nhân viên lãnh sự của chúng tôi có thể gặp bà theo các điều kiện được nêu trong công ước Vienna. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Trung Quốc nghiêm túc xem xét nội dung đã được nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc đưa ra về việc giam giữ tùy tiện, cũng như khuyến nghị trả tự do cho bà Phan-Gillis.”
Tại một cuộc họp báo định kỳ vào ngày thứ Sáu tại Bắc Kinh, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC Hoa Xuân Oánh nói TC tôn trọng nhà nước pháp quyền.
“Xin hãy tin rằng các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc sẽ xử lý nghiêm vụ này theo quy định của pháp luật “, Hoa nói.
“Hoa Kỳ cần phải tôn trọng quyền của cơ quan luật pháp của Trung Quốc trong việc xét xử vụ việc này theo đúng qui định của pháp luật. “

CSVN ban hành thuế chống phá giá đối với thép TC

Việt Nam ban hành mức thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm thép mạ của TC.
Bộ Công Thương của chính phủ Hà Nội vừa có công văn theo đó áp mức thuế chống bán phá giá tạm thời cao nhất lên đến 38,34% đối với sản phẩm thép mạ của Công ty Trách nhiệm Hữu Hạn BX Steel POSCO Cold Rolled Sheet và các nhà sản xuất/xuất khẩu khác của TC. Có 6 doanh nghiệp TC được áp mức thuế chống bán phá giá thấp hơn; và mức thấp nhất 4,02% thuộc Công ty Chin Fong Metal.
Thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực trong vòng 120 ngày, bắt đầu từ ngày 16 tháng 9 tới đây cho đến hết ngày 13 tháng giêng năm tới.
Tin còn cho biết Cơ quan Điều tra Việt Nam sẽ tiếp tục điều tra với việc thẩm tra tại chỗ đối với các doanh nghiệp hợp tác nhằm kiểm tra tính chính xác và đầy đủ thông tin do doanh nghiệp cung cấp.Mục đích nhằm xem xét, tính toán lại biên độ bán phá giá chính thức.
Cuối cùng một phiên tham vấn công khai với các bên liên quan sẽ được tổ chức để tạo cơ hội cho tất cả được trình bày ý kiến.

Tệ nạn buôn người đang gia tăng tại Việt Nam

Tệ nạn buôn người đang gia tăng tại Việt Nam, tuy nhiên cơ quan chức năng vẫn chưa nắm được cụ thể tình hình.
Mạng Irinnews loan tin này hôm nay và trích dẫn con số của Bộ Công An đưa tại hội nghị vào ngày 14 tháng 7 vừa qua; đó là tỷ lệ các trường hợp buôn người gia tăng từ năm 2011 đến năm 2014 là gần 12% so với thời kỳ 4 năm trước đó.
Tuy nhiên theo bài báo trên Irinnews thì con số thực tế chắc chắn cao hơn nhiều; đặc biệt khi mà những kẻ buôn người đang lợi dụng việc tăng nhanh số người trẻ sử dụng các công cụ mạng xã hội.
Một chuyên viên làm việc cho tổ chức phi chính phủ có tên Blue Dragon Children’s Foundation nói rằng theo ghi nhận của tổ chức này thì tình trạng vừa nêu hiện rất phổ biến ở Việt Nam; mặc dù thiếu số liệu thống kê để chứng minh mức độ tràn lan như thế nào.
Chính phủ Hà Nội đã cho công bố chiến lược chống nạn buôn người giai đoạn 2016- 2020.
Khi đưa ra chiến lược cho giai đoạn mới, lần đầu tiên chính phủ Việt Nam thừa nhận có tình trạng đàn ông và trẻ em nam bị buôn bán.

Bỏ đảng và hệ lụy

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Trong vài ngày qua câu chuyện ông Võ Văn Thôn đang là đầu đề thời sự xoay quanh vấn đề bỏ đảng của các đảng viên cao cấp, lâu năm. Nguyên nhân của mỗi cá nhân có thể khác nhau nhưng nếu tập trung từng trường hợp riêng biệt thì nguyên nhân lớn nhất vẫn là do chủ trương toàn trị của đảng tuy nhiên cho tới nay con số người bỏ đảng vẫn không nhiều.
Vì sao bỏ đảng?
Trưa ngày 28 tháng 8 năm 2016, ông Võ Văn Thôn cựu giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh, từng được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng 3, Huân chương kháng chiến hạng 1 xác nhận quyết định xin ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam.
Câu chuyện bắt đầu vào ngày 24 tháng 8, chi bộ đảng mà ông sinh hoạt tổ chức cuộc họp nhằm tiến hành “đấu tố” ông, vì ông đã tự ứng cử Quốc hội khóa rồi mặc dù thất cử, cuộc đấu tố này như một giọt nước tràn ly khiến ông quyết định bỏ đảng 4 ngày sau, ông cho biết:
“Tôi mới có ý kiến đó bữa 28 tây thôi. Hôm đầu năm tôi có đăng ký ra ứng cử Đại biểu Quốc hội Hội đồng nhân dân rồi bây giờ chi bộ kiểm điểm kỷ luật khiển trách cho nên tôi không đồng ý và xin ra khỏi Đảng. Tôi đưa ý kiến vào chiều Thứ Sáu rồi Thứ Bảy Chủ Nhật cho nên các cơ quan của đảng cấp trên chưa thấy có ý kiến.
Chuyện này là đảng viên mà còn trong đảng thì có quy định trong nội bộ trong tổ chức đoàn thể nào cũng vậy thôi tôi có xin phép ở chi bộ nhưng mà bây giờ mấy ổng cũng kiểm điểm nên tôi không đồng tình, tôi không có vi phạm cho nên tôi nộp đơn người ta mới nhận, kiểm điểm chỉ trong tổ chức đảng thôi chứ người ta không đặt vấn đề ra ứng cử gì cả. Nó có tính cách xử lý kỷ luật mà tôi không đồng tình tôi thấy nó không đúng cho nên tôi không đồng ý và phản đối với hình thức như thế.”
Thời gian sau khi về hưu, ông Võ Văn Thôn tham gia câu lạc bộ Lê Hiếu Ðằng, một tổ chức tập hợp nhiều nhân sĩ trí thức từ trước 1975, phần lớn đều từng là đảng viên đảng cộng sản.
Hôm đầu năm tôi có đăng ký ra ứng cử Đại biểu Quốc hội Hội đồng nhân dân rồi bây giờ chi bộ kiểm điểm kỷ luật khiển trách cho nên tôi không đồng ý và xin ra khỏi Đảng.
- Ông Võ Văn Thôn
Trước ông Thôn hơn hai năm, Bác sĩ Đinh Đức Long cũng đã quyết định bỏ Đảng vì sự bao che trong toàn bộ hệ thống mà ông là một thành viên lẫn nạn nhân, nói với chúng tôi lý do khiến ông có quyết định này:
“Tôi đấu tranh trong nội bộ đảng chống tiêu cực trong tổ chức Đảng. Tôi đấu tranh từ cấp chi bộ cơ sở tới Đảng ủy của bệnh viện lên Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam và tận Ban kiểm tra trung ương, Ban Nội chính trung ương, đấy là về mặt đảng. Còn chính quyền thì lên đến cấp Bộ trưởng thế nhưng tất cả các cấp đều không có nhận thức gì hết, khi tôi kiện ra tòa thì tòa cũng kéo dài cả năm trời không xử và các cơ quan ngôn luận cũng vậy báo chí tôi đưa tài liệu thì không có hồi âm gì hết chỉ sau khi tôi từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam và tòa xử tôi thắng kiện thì từ đó trở đi khi ông giám đốc là người vi phạm pháp luật đã bị bắt giam. Cuối cùng là gì đó là các cấp vi phạm pháp luật nói không đi với làm không những vi phạm pháp luật Việt Nam mà còn vi phạm pháp luật quốc tế”.
Bên cạnh sự bao che, độc đoán, chủ nghĩa Mác Lê là một trong những nguyên nhân khiến đảng viên nào có ý thức về sự độc hại của nó sẽ suy nghĩ và từ bỏ đảng. Giáo sư Nguyễn Đình Cống là một trí thức đã công khai bỏ Đảng sau khi Đại Hội 12 tiếp tục kiên trì theo đuổi chủ nghĩa này.
Ngày 3 tháng 2 năm 2016 ông đã thông báo từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam và yêu cầu tổ chức Đảng xóa tên ông ra khỏi danh sách.
TS Phạm Chí Dũng, một đảng viên có rất nhiều bài viết phản biện chống lại sự độc tài toàn trị, chà đạp nhân quyền cũng như các quyền sơ đẳng của công dân, sau khi nhận thấy dảng không có khả năng tự đổi mới như nhiều lần tuyên bố, ngày 05 tháng 12 năm 2013, TS Phạm Chí Dũng tuyên bố quyết định ra khỏi Đảng vì tự nhận thấy Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân, và điều đó đi ngược với tôn chỉ mục tiêu ban đầu của Đảng cùng lời thề của ông khi vào Đảng.
Vì sao chưa bỏ đảng?
Cho tới nay sau hơn 85 năm thành lập, tổng cộng người bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam chưa tới con số trăm trong 4 triệu rưỡi đảng viên hiện nay thật quá ít ỏi. Nguyên nhân thì nhiều nhưng điều chủ yếu mà đa số không vượt qua được là nỗi sợ hãi.
Ông Đặng Xương Hùng, cựu lãnh sự từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam từ năm 1983 nguyên lãnh sự Việt Nam tại Genève từ năm 2008 đến 2012 và cũng là người từ bỏ đảng Cộng sản, cho biết sự lo sợ của người đảng viên khi bỏ Đảng không phải cho chính họ mà là cho chính gia đình họ, ông nói:
“Cân nhắc chứ. Cân nhắc nhiều lắm chứ vì mình còn đang ở bộ phận được hưởng lợi mà bỏ đi. Rồi sự đe dọa nữa ai mà chả sợ? Ai mà chả sợ nhất là sợ sự tàn ác, trả thù của Việt Nam? Nó rất quỷ quái, nó không những chỉ trả thù cá nhân đâu mà vào gia đình, vào những người khác của mình làm cho mình nhụt chí đi. Có những người không sợ với cá nhân họ nhưng người ta sợ việc làm của họ sẽ ảnh hưởng đến gia đình người thân. Nếu người nào đã xác định được giới hạn cuối cùng của sự trả giá để vượt qua nỗi sợ đó thì chả còn gì là sợ nữa.”
Có những người không sợ với cá nhân họ nhưng người ta sợ việc làm của họ sẽ ảnh hưởng đến gia đình người thân. 
- Ông Đặng Xương Hùng
Bác Sĩ Đinh Đức Long là hình ảnh mới nhất phản ánh sự trả thù của Đảng, ông cho biết:
“Sau khi tôi từ bỏ Đảng thì có thuận lợi là dư luận trong nước và quốc tế quan tâm đến việc này. Sau khi thắng kiện tôi về làm việc bình thường và có một số việc lạ là an ninh theo dõi tôi năm sáu an ninh chìm nổi và khi tôi tham gia các hoạt động xã hội dân sự như tham gia các cuộc mít ting kỷ niệm những ngày Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa Trường Sa hay ngày 17 tháng 2 cuộc chiến tranh biên giới và nhất là cái vụ cá vừa rồi thì an ninh đã chận và đánh tôi, hành hung tôi, bắt vào đồn công an câu lưu 6 tiếng đồng hồ. Họ thường xuyên theo tôi có những ngày còn chặn đường không cho tôi đi làm nữa và bây giờ họ vẫn còn giám sát tôi bằng cách theo dõi.”
Luật gia Lê Hiếu Đằng nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 45 năm là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam cũng bỏ đảng vào ngày 4 tháng 12 năm 2013. Trước khi mất ông đã nói với đài Á Châu Tự Do về tâm nguyện của ông mà một trong những ước ao đó là đảng viên đừng sợ nữa:
“Tâm nguyện của tôi là mọi người đừng sợ gì nữa, phải hành động, phải làm việc, phải đấu tranh để bảo vệ chủ quyền – toàn vẹn lãnh thổ, đấu tranh vì nhân quyền, dân quyền, bảo vệ môi trường. Thực tế đó là ba yếu tố vì con người, cho con người. Còn chủ nghĩa xã hội là cái không nói nữa, ngay tại Liên Xô- quê hương của nó người ta cũng đã chán ngán rồi. Tại sao con cái các ông lãnh đạo đi các nước tư bản học hành, trong khi các ông bắt cả dân tộc này phải đi theo con đường mơ hồ chẳng tới đâu. Do đó trong thủ bút tôi nêu rõ đảng Cộng sản nay là lực cản sự phát triển của đất nước. Đó là cái nguy hiểm nhất, phải đấu tranh để ngăn chặn điều đó”.
Theo công bố mới đây của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thì hiện nay có 4 triệu 500 ngàn đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam, tính trung bình nếu mỗi gia đình có thêm 2 người ăn theo thì con số ấy sẽ lên đến 13 triệu 500 ngàn người có liên hệ trực tiếp tới đảng. Thử đặt câu hỏi 9 triệu người ăn theo ấy sẽ ra sao nếu cha anh của họ từ bỏ Đảng?

Tiêu tiền Formosa: Cần đối thoại với dân

Nam Nguyên, phóng viên RFA
500 triệu USD mà Việt Nam nhận được của Formosa Hà Tĩnh sẽ được Chính phủ sử dụng như thế nào. Ngư dân và những người bị ảnh hưởng vì thảm họa môi trường ở 4 tỉnh ven biển miền Trung sẽ nhận được tiền mặt, tiền mặt kèm phẩm vật, hay hình thức hỗ trợ nào khác. Đây vẫn là một ẩn số vì đến 15/9 mới là hạn chót để  Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế gởi kết quả xác định tổng mức thiệt hại và kinh phí bồi thường hỗ trợ của địa phương.
Trả lời Nam Nguyên vào tối 1/9/2016, ông Nguyễn Việt Thắng Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa 14 từ Hà Nội nhận định:
Qua các giải pháp của các cơ quan nhà nước thì cũng có nhiều sáng kiến, nhưng nói chung cũng có những điều chưa sát thực tiễn của người dân. 
- Ông Nguyễn Việt Thắng
“Qua các giải pháp của các cơ quan nhà nước thì cũng có nhiều sáng kiến, nhưng nói chung cũng có những điều chưa sát thực tiễn của người dân. Cho nên về phía Hội Nghề Cá, chúng tôi nghĩ là các phương án ấy cũng nên bổ sung một điều là đối thoại với ngư dân, người dân ở các vùng bị thảm họa môi trường do Formosa gây ra để xem người ta có nguyện vọng như thế nào, là hợp tình hợp lý nhất đối với người ta. Tôi cho rằng phải có nội dung đấy, chứ còn các phương án nêu ra thì có tính chủ quan của các cơ quan quản lý nhà nước, tất nhiên cũng có phối hợp với các cơ quan đoàn thể ở địa phương, nhưng tôi cho rằng phải đối thoại trực tiếp với ngư dân, với bà con nông dân ở đấy để bổ sung cho các phương án ấy một cách tốt hơn.”
Hầu hết truyền thông báo chí trong nước đưa tin Formosa đã chuyển đủ 500 triệu USD bồi thường. Báo điện tử Một Thế Giới, bản tin trên mạng ngày 31/8/2016 cho biết sau khi nhận đủ 500 triệu USD, Chính phủ mở rộng đối tượng hỗ trợ thiệt hại. Tờ báo trích lời Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đồng ý bổ sung thành phần nạn nhân gián tiếp của thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Danh sách bổ sung bao gồm những người bị thiệt hại do thị trường tiêu thụ hải sản ở 4 tỉnh bị khai tử sau thảm họa cá chết hàng loạt. Đó là chủ tàu và người lao động làm thuê trên tàu cá lắp máy công suất từ 90 mã lực trên lên; chủ các cơ sở và người lao động làm thuê tại các cơ sở thu mua tạm trữ thủy sản có kho đông, kho lạnh; cơ sở chế biến nước mắm, làm mắm tôm; các cơ sở nuôi thủy sản phải tạm dưng sản xuất do nguồn nước biển bị ô nhiễm tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
Tiền tươi thóc thật
Phương hướng đền bù hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại vì thảm họa môi trường chưa có thông tin minh bạch. Trong 4 tháng qua, báo chí nhà nước nhiều lần đưa tin với cách biệt khá lớn liên quan đến tổng số người bị thiệt hại và ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường Formosa.
Người đọc báo ghi nhận cụ thể các con số này. Báo Dân Trí bản tin trên mạng ngày 28/6/2016 trích lời Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Đông Hà Quảng Trị, là có hơn 1 triệu lao động ở 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp vì thảm họa môi trường Formosa và cần được chuyển nghề.
Con số này có sự thay đổi khá nhiều, VnExpress ngày 21/7/2016 đưa tin gần 300.000 người bị ảnh hưởng vì cá chết ở miền Trung. Cụ thể  khoảng 100.000 bị ảnh hưởng trực tiếp và 176.000 người phụ thuộc. Tới cuối tháng 7/2016, Chính phủ chính thức gởi báo cáo cho Quốc hội thì tổng số người chịu thiệt hại vì thảm họa môi trường chỉ còn 217.000 người, gồm 41.000 ảnh hưởng trực tiếp và 176.000  người phụ thuộc.
Vào ngày 15/9/2016 sắp tới, khi 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế gởi kết quả xác định tổng mức thiệt hại và kinh phí bồi thường hỗ trợ của địa phương cho hai Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và Bộ Tài Chính, nhiều khả năng sẽ là một con số khác biệt nữa.
Nên đền bù hỗ trợ ngư dân và người dân 4 tỉnh chịu thảm họa môi trường do Formosa gây ra như thế nào. TS Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS từ Hà Nội góp ý:
“Đầu tiên việc đền bù cho bà con, trên các trang mạng xã hội rộ lên chuyện gạo chất lượng không tốt. Cách tốt nhất là trả cho người ta bằng tiền, người ta mua gạo hay dùng để kinh doanh thì để cho người ta thực hiện quyền tự chủ của mình là điều tốt nhất. Nhà nước chỉ nên khuyến khích việc này việc kia. Tôi e rằng Nhà nước mà đứng ra làm, bất kể một cái gì, từ đào tạo nghề cho tới chuyện định hướng, thì kinh nghiệm quốc tế có thể có nơi là tốt, nhưng rất đáng tiếc ở Việt Nam về cơ bản là thất bại, những cái mà Nhà nước đứng ra làm…”
Theo TS Nguyễn Quang A, chính phủ không nên trực tiếp tổ chức đền bù, hỗ trợ và chuyển nghề cho hàng trăm ngàn người. Chính phủ nên để người dân tự quyết, tự chủ và kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự, các doanh nghiệp tham gia chương trình này.
Số tiền 500 triệu USD mà Formosa đền bù cho Việt Nam trên thực tế là quá nhỏ, nếu Nhà nước dùng để bồi thường và hỗ trợ các nạn nhân trực tiếp và gián tiếp vì thảm họa môi trường. Nếu chi tiền mặt thì phụ thuộc vào con số người bị ảnh hưởng và phương cách đền bù. Giả sử đem số tiền 500 triệu USD chia đều cho 41.000 ngư dân thực sự của 4 tỉnh thì mỗi ngư dân sẽ được 12.195 USD, chưa nói gì đến 176.000 người phụ thuộc. Còn nếu chia đều cho 217.000 người bị ảnh hưởng cả trực tiếp lẫn gián tiếp thì mỗi đầu người nhận được 2.300 USD tính tròn số. Tất nhiên các tỉnh và các Bộ ngành sẽ thống nhất mức bồi thường theo một tỷ lệ nào đó, giữa người bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của thảm họa môi trường. Chi phí làm sạch môi trường biển hay kinh phí hỗ trợ đào tạo chuyển nghề cũng chưa biết lấy từ nguồn tiền nào, có bao gồm trong 500 triệu USD Formosa trả hay không.
Trước ý kiến nên trả tiền bồi thường bằng tiền mặt cho ngư dân và những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường, Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề Cá Việt Nam nhận định:
“Theo tôi nghĩ việc này phụ thuộc vào các phương án, phương án nào cần tiền thì nên có tiền; còn phương án nào thì phải qua một số kênh…bởi vì mỗi người dân khi có tiền trong tay, không phải ai cũng sáng suốt đưa hết vào để tạo một nghề, hay tạo một công việc bền vững về tương lai. Cũng có thể có nhiều người, người ta muốn thế này thế nọ… làm cho vấn đề tiền mặt có thể không hợp lý. Mà hợp lý hay không còn phụ thuộc vào các phương án cụ thể, nó cũng là một thực tiễn của Việt Nam, không phải cái gì cũng đưa tiền mặt là tốt cả.”
Cách tốt nhất là trả cho người ta bằng tiền, người ta mua gạo hay dùng để kinh doanh thì để cho người ta thực hiện quyền tự chủ của mình là điều tốt nhất.
- TS Nguyễn Quang A
Giới báo chí thường gọi giai đoạn hiện nay là “hậu Formosa”, ngày 31/8/2016 VnExpress có loạt phóng sự ảnh “4 tháng sau sự cố Formosa, ngư dân vẫn gác mái chèo.” Những bức ảnh mà nhà báo ghi nhận cho thấy một thảm trạng về đời sống và nghề đi biển ở 4 tỉnh Bắc Trung Bộ. Trong một bức ảnh mới chụp ở tâm điểm sự cố môi trường biển là Cảng cá thôn Ba Đồng, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, hàng trăm tàu thuyền nằm bờ phơi mưa phơi nắng nhiều tháng qua. Nhà báo ảnh ghi chú “Lâu ngày không ra khơi, ngư dân lấy chăn màn che thuyền, nhưng nắng gió đã làm rách tơi tả tấm che. Cách đó khoảng 2km, ống khói nhà máy trong công trường Formosa hoạt động đều đặn…”
Hậu Formosa, có thể còn có nhiều câu hỏi bức xúc hơn là chuyện trả tiền đền bù ở 4 tỉnh có thảm họa môi trường. Báo Tuổi trẻ ngày 31/8 đưa tin Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế họp phiên chất vấn, bài báo được giật tít “Làm sao phân biệt cá tôm tầng đáy gần bờ để né…”. Chẳng là các đại biểu Hội đồng nhân dân cảm thấy không hài lòng về các thông báo trước đó của Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn. Họ cho là thông tin không rõ ràng, nhất là chuyện nước biển đạt chuẩn để tắm và  nuôi thủy sản, còn ăn thì chưa an toàn…hoặc là không khai thác cá tầng đáy và gần bờ, tránh ba vùng cấm mấy trăm cây số vuông…hoặc là nước biển cũng như nước trong các đầm phá có chất lượng an toàn, nhưng không ai trả lời là ăn tôm cá ở đó thì có an toàn hay không.
Theo TS Nguyễn Quang A, tất cả vẫn là một tình trạng không rõ ràng, chưa minh bạch, người dân không biết đường nào mà lần. Tuy vậy có một điều chắc chắn là khi chưa xác định cá an toàn để ăn, thì thị trường tiêu thụ hải sản ở 4 tỉnh miền Trung sẽ vẫn chưa thể hồi phục.

Ngư dân Việt được Trung Cộng cứu bị đòi viện phí 18,000 mỹ kim

Một ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi cách đây khoảng tháng rưỡi bị thương ngoài biển và được các lực lượng Trung Cộng đưa về đảo Hải Nam cứu chữa, nay đã lành bệnh nhưng chưa thể về nhà, vì còn nợ số tiền viện phí khổng lồ lên tới cả chục ngàn Mỹ kim.
Tòa Đại Sứ CSVN tại Trung Cộng chính là cơ quan đứng ra giàn xếp và thúc ép người nhà ngư dân trả tiền. Báo Tuổi Trẻ hôm Thứ Năm 1/9 dẫn nguồn tin riêng cho biết ông Hồ Thảo, 62 tuổi, từ xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, và ba ngư dân khác hiện vẫn còn mắc kẹt ở đảo Hải Nam. Vào ngày 16 tháng 7, trong lúc đánh cá ở Vịnh Bắc Phần, ông Thảo bị dây cáp quấn vào người rơi xuống biển bất tỉnh. Các ngư dân trên tàu điện đàm cho cơ quan cứu nạn của Việt Nam để báo cáo sự việc. Các giới chức Việt Nam thay vì tự cử lực lượng đi cứu ngư dân của mình, thì lại đề nghị phía Trung Cộng hỗ trợ. Nhà chức trách Trung Cộng điều tàu cứu nạn đưa ông Thảo vào đảo Hải Nam cứu chữa.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời anh Hồ Ngọc Châu, 26 tuổi, cháu ruột ông Thảo, cho biết vào cuối tháng 7, Tòa Đại Sứ Cộng Sản Việt Nam tại Trung Cộng liên lạc với gia đình đề nghị chuẩn bị 400 triệu đồng, tương đương gần 18,000 Mỹ kim để trả viện phí và cả chi phí chuyến ra khơi cứu nạn của tàu Trung Cộng. Theo lời anh Châu, khi nghe gia đình ông Thảo nói họ đang trong hoàn cảnh khó khăn, Tòa Đại Sứ đề nghị gửi trước số tiền 283 triệu đồng, tương đương hơn 12,500 Mỹ kim và ký giấy nợ để đưa người về nước.
Được biết ngoài ông Thảo còn có ba ngư dân nữa đang mắc kẹt ở Hải Nam là Hồ Hoàng 49 tuổi, Hồ Minh Danh 23 tuổi và Hồ Minh Lợi 18 tuổi. Cả ba đã lên đảo Hải Nam để chăm sóc cho ông Thảo. Hiện nay lời kêu cứu của gia đình ông Thảo đã lên tới chính quyền tỉnh Quảng Ngãi. Từ lúc Tòa Đại Sứ CSVN gọi điện về để “giàn xếp” đến nay đã hơn một tháng.
Huy Lam / SBTN

Bế tắc nợ công: từ 2017 chính phủ phải dừng bảo lãnh nợ cho các tập đoàn nhà nước

Rút kinh nghiệm xương máu từ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về “Việc phải bảo lãnh vay nợ lớn cho các tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu Nhà nước đã đẩy nợ Chính phủ lên mức vượt trần”, Nguyễn Xuân Phúc vừa phát đi một văn bản chỉ đạo: “Sang đến 2017, nhằm đảm bảo an toàn nợ công, Chính phủ sẽ tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới”.
Đây là động thái “quyết liệt” đầu tiên về vấn nạn nợ công của thủ tướng mới. Trong bản tin nợ mà Bộ Tài Chính phát đi, chính phủ chỉ thừa nhận đang nợ hơn 86 tỷ USD, trong bối cảnh phải bảo lãnh nhiều khoản vay nợ lớn của các tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu nhà nước. Cụ thể, tổng số cam kết bảo lãnh chính phủ là gần 26 tỷ USD, trong đó bảo lãnh vay nước ngoài hơn 21.8 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 84%.
Tính đến hết 2015, tổng số nợ thực tế được chính phủ bảo lãnh là khoảng 21 tỷ USD (bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam – SBIC). Con số bảo lãnh này chiếm khoảng 17.6% tổng dư nợ công và bằng 11.1% GDP.
Dưới thời Nguyễn Tấn Dũng, cơ chế bảo lãnh  cho các tập đoàn và tổng công ty nhà nước vay nước ngoài bị coi là vô tội vạ. Gần như tập đoàn nào chịu “chạy” cũng đều có thể vay vốn thoải mái, mà không cần quan tâm đến việc phải trả nợ.
Chỉ tính tiêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), số vay nợ đã lên tới 9.7 tỷ USD. Tổng công ty Truyền tải điện Việt Nam (EVN/NPT) là 445 triệu USD.
Năm 2015, có 4 dự án nguồn điện được cấp bảo lãnh Chính phủ với tổng giá trị gần 2.1 tỷ USD, đã góp phần hoàn thiện đầu tư cho các cụm nhà máy điện Vĩnh Tân và Duyên Hải.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) cũng được Chính phủ bảo lãnh vay 2.4 tỷ USD, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (647 triệu USD), các công ty khác (2.7 tỷ USD)…
Tuy nhiên, những dẫn chứng trên mới chỉ là loại hình chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay nước ngoài, mà chưa nói đến thực tế nhiều doanh nghiệp vay thẳng nước ngoài. Theo luật về nợ công ở Việt Nam, số vay trực tiếp nước ngoài của doanh nghiệp không được tính vào nợ công, do đó đã khiến tỷ lệ nợ công quốc gia/GDP luôn được báo cáo là “chưa đụng  ngưỡng giới hạn 65%” và được coi là một thành tích của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mà càng làm cho các tập đoàn và chính phủ tha hồ vay mượn thêm.
Nhưng theo tiêu chí của Liên Hiệp Quốc, nợ nước ngoài của các doanh nghiệp phải được tính vào nợ công quốc gia. Nếu tính đủ loại nợ này, nợ công quốc gia của Việt Nam phải lên đến ít nhất 98% GDP vào thời điểm năm 2011, còn đến nay nhiều khả năng đã vượt hơn 100% GDP. Thậm chí có chuyên gia đánh giá nợ công Việt Nam đang vào khoảng 150% GDP, dù rằng vẫn còn thấp hơn hẳn tỷ lệ 250% GDP ở Trung cộng.
Động thái “siết” bảo lãnh nợ công của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cho thấy chính phủ này đang bế tắc về việc trả nợ. Trong năm 2015, Việt  Nam phải trả nợ nước ngoài 20 tỷ USD, còn trong năm 2016 phải trả ít nhất 12 tỷ USD, chưa kể cơ chế trả nợ riêng của các doanh nghiệp Việt Nam.
Lê Dung / SBTN

Hà Nội động thổ xây công viên giải trí trộn lẫn Disneyland và Thành Cổ Loa

Các giới chức cao cấp của thành phố Hà Nội và nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam hôm 2 tháng 9 cùng có mặt để cử hành lễ động thổ dự án công viên văn hóa giải trí Kim Quy tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh.
Đây là mô hình trộn lẫn giữa thành Cổ Loa của người Việt thời xưa và mô hình Disneyland của người Mỹ thời hiện đại. Có mặt và lên phát biểu tại buổi lễ, Thủ Tướng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng dự án công viên giải trí được xúc tiến tại một vị trí lịch sử là ngay bên cạnh thành Cổ Loa, một trong những nơi lập quốc của người Việt Nam trong lịch sử. Ông Phúc nói rằng dự án có ý nghĩa phục vụ cho nền kinh tế, và phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho người dân, điều mà ông gọi là một “nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay”.
Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Nguyễn Đức Chung thì đề cập đến tác dụng tạo thêm nhiều việc làm và thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch tại thủ đô.
Công viên Kim Quy có kinh phí cho giai đoạn đầu là 4,600 tỉ đồng, tương đương gần 205 triệu Mỹ kim, rộng trên 100 hécta. Giai đoạn 1 của dự án được nhắm hoàn thành trong vòng 18 tháng, và công viên có thể mở cửa đón khách bắt đầu từ năm 2018.
Huy Lam / SBTN

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.