Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tranh chấp Biển Đông – 01/09/2016

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016 20:31 // , ,

Tin Biển Đông – 01/09/2016

Mỹ kêu gọi Australia có lập trường mạnh hơn về Biển Đông

Đại tá Tom Hanson, Trợ lý Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Lục quân Mỹ ở Thái Bình Dương, mới đây đề nghị Australia có lập trường mạnh mẽ hơn chống lại sự bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Việt Nam cũng đòi chủ quyền và có nhiều tranh chấp.
Theo các hãng tin Australia, phát biểu trên ABC Radio National, Đại tá Hanson cho rằng Australia cần lựa chọn giữa liên minh lâu năm với Mỹ và mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. Ông nói sẽ khó đi dây giữa hai điều kể trên và sẽ đến lúc phải có quyết định về điều nào quan trọng sống còn hơn đối với lợi ích quốc gia của Australia.
Viên đại tá Mỹ cũng kêu gọi Australia ra một tuyên bố để thể hiện cam kết của nước này đối với việc duy trì ổn định ở Đông Nam Á.
Hải quân Australia đều đặn tiến hành tuần tra vì tự do hàng hải ở vùng biển tranh chấp, nhưng không giống như Mỹ, Australia không điều tàu đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Đại tá Hanson nhận xét: “Rõ ràng Trung Quốc tin rằng họ có cơ hội và họ cảm thấy được trao sức mạnh để coi thường hoạt động đó, vì vậy một sự thể hiện của Australia sẽ được hoan nghênh”.
Đáp lại lời ông Hanson, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nói: “Chúng tôi đang cân bằng các mối quan hệ giữa đồng minh chiến lược lớn nhất của chúng tôi và đối tác thương mại lớn nhất của chúng tôi với hoạt động ngoại giao khéo léo, sự nhất quán và tính thực dụng.”
Theo Reuters, ông Hanson đã có những phát biểu kể trên sau khi Quốc hội Australia phát hành một cuốn sách cảnh báo các nhà lập pháp nước này cần cảnh giác về những ý đồ của Trung Quốc ở khu vực.
Theo Ibtimes.co.uk, Abc.net.au

Mỹ, Ấn kêu gọi TQ tôn trọng phán quyết về Biển Đông,

Philippines hoan nghênh

Hôm thứ Tư, 31/8, trong tuyên bố chung sau cuộc Đối thoại Chiến lược và Thương mại lần thứ hai giữa Mỹ và Ấn Độ, hai nước đã cùng nhau đề nghị Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế để giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông, nơi cả Mỹ lẫn Ấn Độ đều có lợi ích chiến lược và thương mại.
Cuộc đối thoại do hai ngoại trưởng của Mỹ và Ấn Độ đồng chủ tọa. Trong một sự kiện riêng rẽ, khi phát biểu tại Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT), Ngoại trưởng Mỹ Kerry nói Mỹ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân theo phán quyết mới đây của tòa trọng tài về Biển Đông.
Báo India Today hôm 1/9 đưa tin Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói với báo này rằng chính phủ Philippines “cảm ơn” Ấn Độ ủng hộ Philippines liên quan đến phán quyết hồi tháng 7 về Biển Đông.
Ngoại trưởng Yasay phát biểu: “Chúng tôi rất vui mừng về sự ủng hộ của Ấn Độ đối với hành động của Philippines tiến hành khiếu nại với tòa trọng tài quốc tế và giải quyết tranh chấp của chúng tôi với Trung Quốc. Về điều đó, chúng tôi rất cảm kích”.
Lời phát biểu của ông Yasay được đưa ra ngay trước khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lên đường đi thăm Việt Nam, Trung Quốc và Lào. Việt Nam, cũng như Philippines, có những tranh chấp lớn với Trung Quốc ở Biển Đông. Cho đến hết ngày 1/9, không có tin tức gì trên báo chí Việt Nam về phản ứng của bộ ngoại giao hay chính phủ Việt Nam về các tuyên bố của hai ngoại trưởng Mỹ, Ấn hay về chuyến thăm của ông Modi.
Theo India Today, Ngoại trưởng Philippines Yasay cho biết tân tổng thống nước này sẽ gặp Thủ tướng Ấn lần đầu tiên vào ngày 6/9 tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Lào, và đó là “một diễn biến đáng mừng”, từ đó hai nước “có thể bàn về hợp tác hơn nữa và làm sâu sắc bản chất của sự hợp tác này”.
Ông Yasay nói Philippines tin rằng họ đang ở vào vị thế mạnh hơn sau khi có phán quyết về Biển Đông song họ vẫn muốn tiếp tục tiếp xúc song phương với Trung Quốc. Ông phát biểu: “Chúng tôi cảm thấy cần cho Trung Quốc có khoảng không gian để ngẫm nghĩ lại về quan điểm của họ. Chúng tôi biết rằng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đã gây sức ép buộc Trung Quốc phải ngẫm nghĩ lại về quan điểm của họ, và nếu họ cứ khăng khăng không công nhận một hệ thống dựa trên luật lệ về giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, họ sẽ bị cô lập. Họ sẽ mất nhiều hơn”.
Theo India Today, New Indian Express

Việt Nam có bị ảnh hưởng nếu Trung Quốc – Philippines

đạt thỏa thuận riêng về biển Đông?

Việt Hà, phóng viên RFA
Trong khi Trung Quốc và Philippines đang xúc tiến để chuẩn bị tiến tới những đàm phán song phương liên quan đến vấn đề tranh chấp ở biển Đông, có những lo ngại rằng những thỏa thuận về hợp tác riêng giữa Trung Quốc và Philippines ở biển Đông, nếu có, sau các đàm phán này, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Việt Nam tại vùng tranh chấp.
Đàm phán đến mức độ nào?
Bất cứ thỏa thuận riêng nào trong đàm phán về biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc trong thời gian tới cũng có ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam, nước cũng có tranh chấp trong khu vực quần đảo Trường Sa với Philippines, và Trung Quốc cùng một số nước khác trong khu vực. Đó là nhận xét của thạc sĩ về luật quốc tế Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông và Ban Nghiên cứu Luật biển và Hải đảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Đương nhiên đàm phán là việc các bên đều phải tính tới bởi vì nói cho cùng, sau phán quyết thì các bên có tranh chấp với nhau phải đàm phán để giải quyết được vấn đề nên đàm phán là chuyện đương nhiên.
-Thạc sĩ Hoàng Việt
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây cho biết ông hy vọng đàm phán giữa hai nước về tranh chấp ở biển Đông sẽ được bắt đầu tiến hành trong vòng một năm tới. Trong tháng này, Philippines cũng đã cử đặc sứ là cựu Tổng thống Fidel Ramos sang Hong Kong nói chuyện với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh để chuẩn bị cho những vòng đàm phán chính thức giữa hai nước sắp tới.
Nói với đài Á Châu Tự do từ Sài Gòn, thạc sĩ Hoàng Việt cho biết:
“Đương nhiên đàm phán là việc các bên đều phải tính tới bởi vì nói cho cùng, sau phán quyết thì các bên có tranh chấp với nhau phải đàm phán để giải quyết được vấn đề nên đàm phán là chuyện đương nhiên.  Trước đây, ngay trước khi tòa có phán quyết thì Philippines cũng cho biết là họ sẽ phải đàm phán… chỉ có điều là đàm phán đến mức độ nào.”
Theo thạc sĩ Hoàng Việt, còn quá sớm để có thể dự đoán kết quả của đàm phán hai nước, nhưng một thỏa thuận hợp tác chung giữa hai nước sau đàm phán là điều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Việt Nam ở biển Đông:
“Nếu có thỏa thuận chung về khai thác chung mà Việt Nam không tham gia thì sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Theo tuyên bố của tòa, vùng biển của Philippines được mở rộng ra rất nhiều. Vùng ngư trường của Việt Nam bị thu hẹp rất nhiều, chưa kể vùng trùng lấn ghê gớm. Ví dụ ở những vùng biển xung quanh các thực thể cấu trúc mà Việt Nam đang chiếm giữ chỉ có được 12 hải lý ví dụ thế, ngư dân có được đánh cá ở vùng 12 hải lý đó không? Nhưng để đi qua đó phải đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và các đàn cá không đứng một chỗ, nó di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Điều này ảnh hưởng đến ngư dân Việt Nam vì nếu vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines thì sẽ vi phạm. Trường hợp này rất là khó khăn.”
Philippines và Trung Quốc xúc tiến đàm phán sau khi tòa Thường trực Trọng tài quốc ở the Hague hôm 12 tháng 7 ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Phán quyết của tòa bác bỏ tính pháp lý và lịch sử đối với yêu sách đường đứt khúc 9 đoạn hay còn gọi là lưỡi bò của Trung Quốc trên biển Đông. Phán quyết, mặt khác cũng không công nhận những thực thể thuộc khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa các nước không phải là các đảo và do đó không có được vùng đặc quyền kinh tế. Hiện Việt Nam đang chiếm đóng 21 thực thể thuộc khu vực quần đảo Trường Sa.
Việt Nam một mặt hoan nghênh phán quyết của tòa trọng tài quốc tế, mặt khác cho đến lúc này vẫn chưa đưa ra tuyên bố cụ thể đối với phán quyết của tòa.
Trung Quốc vẫn không muốn xuống thang
Mới đây, trong một bài diễn văn đọc tại Manila nhân buổi lễ ghi ơn các anh hùng dân tộc Philippines hôm 29 tháng 8, Tổng thống Philippines Duterte cũng nói rằng ông sẽ không đòi hỏi Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của tòa Trọng tài ngay tức khắc vì lo ngại việc đòi hòi Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của tòa trong đàm phán vào lúc này sẽ dẫn đến việc chấm dứt đàm phán giữa hai nước. Trung Quốc trước đó cũng đã nhiều lần bày tỏ quan điểm sẽ không tuân thủ phán quyết của tòa và cũng không đặt phán quyết của tòa vào trọng tâm đàm phán với Philippines.
Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, một thỏa thuận riêng giữa Philippines và Trung Quốc ở biển Đông không chỉ có hại cho Việt Nam mà còn gây bất lợi cho ASEAN:
“Nếu Trung Quốc và Philippines có thỏa thuận vùng đánh cá chung trên khu vực quần đảo Trường Sa thì rõ ràng ảnh hưởng đến Việt Nam rất nhiều, đặc biệt là vùng ngư trường của Việt Nam. Thứ hai về mặt chiến lược, nếu Philippines tự xé rào quyết định với Trung Quốc có lẽ nó cũng gây ảnh hưởng đến sự đoàn kết của ASEAN rất nhiều.”
Nếu Trung Quốc và Philippines có thỏa thuận vùng đánh cá chung trên khu vực quần đảo Trường Sa thì rõ ràng ảnh hưởng đến Việt Nam rất nhiều, đặc biệt là vùng ngư trường của Việt Nam.
-Thạc sĩ Hoàng Việt
Theo thạc sĩ Hoàng Việt, trường hợp Philippines có thỏa thuận hợp tác song phương với Trung Quốc không phải là điều mới. Điều này đã từng xảy ra dưới thời của Tổng thống Gloria Arroyo. Vào năm 2004, dưới thời của Tổng thống  Arroyo, Philippines và Trung Quốc đã có một thỏa thuận về hợp tác nghiên cứu chung trên biển tại khu vực biển Đông. Vào năm 2005, Việt Nam cũng tham gia vào hợp tác chung này, theo đó công ty dầu khí đại diện của 3 nước đã ký một thỏa thuận nghiên cứu địa chấn tại một số khu vực nhất định ở biển Đông. Tuy nhiên hợp tác này bị chấm dứt sau 3 năm. Nhiều tiếng nói chỉ trích ở Philippines lúc đó cho rằng chính phủ của bà Arroyo đã vi phạm hiến pháp của Philippines khi cho Trung Quốc vào nghiên cứu chung ở khu vực thuộc chủ quyền của Philippines.
Tuy nhiên, thạc sĩ Hoàng Việt không cho rằng khả năng Philippines và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận riêng không có lợi cho Việt Nam là điều sẽ xảy ra vì những sức ép từ ngay chính dư luận ở Philippines đối với Trung Quốc đã khác rất nhiều so với dưới thời của Tổng thống Arroyo. Điều này cũng đã thể hiện trọng các tuyên bố của giới chức ngoại giao Philippines thời gian gần đây khi khẳng định quan điểm chung của chính phủ Philippines rằng Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết của tòa. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm 30 tháng 8 cũng đã lên tiếng khẳng định là Philippines chắc chắn sẽ tuân thủ phán quyết của tòa trong đàm phán với Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới chính phủ thì cho rằng, đàm phán lần này giữa Philippines và Trung Quốc có thể giúp giảm căng thẳng trong khu vực và do đó Việt Nam nên hoan nghênh đàm phán giữa hai nước sắp tới:
“Tôi nghĩ nếu Philippines đàm phán công bằng hợp lý theo thỏa thuận nào đó làm giảm đi những căng thẳng, những bất đồng và do đó tránh được những đụng độ thì tôi nghĩ Việt Nam hết sức hoan nghênh, ủng hộ vì điều đó chỉ có lợi chung. Nếu có được giải pháp giảm bớt đi những xung đột, chiến tranh thì Việt Nam rất hoan nghênh, ủng hộ và có khi phải học tập chứ không thể vì thế mà lo sợ. Chúng tôi nghĩ nếu họ làm được tốt điều đó thì phải noi gương đó để tiến hành tổ chức các cuộc đàm phán làm sao giúp giải quyết các tranh chấp phức tạp để không có thể dẫn đến những thiệt hại như thiệt hại khi ngư dân gặp tai nạn mà họ không cho vào.”
Tuy nhiên, thành công sau đàm phán vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí của cả hai nước tham gia đàm phán. Theo thạc sĩ Hoàng Việt, Trung Quốc vào lúc này vẫn không muốn xuống thang trong các đòi hỏi của mình ở biển Đông vì họ không phải chịu những sức ép quá lớn từ quốc tế và cũng không muốn mất mặt sau phán quyết của tòa trọng tài quốc tế được cho là có lợi cho Philippines. Việc Philippines  và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận về một vùng khai thác chung sau đàm phán, dù không đả động gì tới vấn đề chủ quyền vốn là một vấn đề gai góc, vì vậy cũng hết sức khó khăn.

‘Xung đột’ Biển Đông: ai thua, ai thắng?

Biển Đông và xung đột hay hợp tác tiếp tục là một trong các tâm điểm quan tâm của dư luận và các giới quan sát chính trị, bang giao quốc tế khi vừa mới đây nhà lãnh đạo của Việt Nam, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, có phát biểu quan điểm tại một Viện Nghiên cứu khu vực trong chuyến thăm ba ngày của ông tới Singapore.
Phát biểu tại Đối thoại Singapore thứ 38 do Viện Yusof Ishak – Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tổ chức hôm 30/8/2016, ông Trần Đại Quang nói:
“Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang thì không có người thắng, người thua, mà tất cả cùng thua”.
Nhà lãnh đạo của Việt Nam cũng kêu gọi “tất cả quốc gia đoàn kết, chung tay hành động, tăng cường hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi” và nhấn mạnh chủ trương của Việt Nam là “bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ” và giải quyết tranh chấp bằng “các biện pháp hòa bình”.
Quan điểm này của lãnh đạo Việt Nam cũng là chủ đề của tọa đàm Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ, được phát trực tuyến trên kênh Youtube của chúng tôi từ lúc 19h30-20h00 giờ Việt Nam, mời quý vị bấm vào đây để theo dõi.
Bàn tròn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà phân tích và quan sát từ Việt Nam và hải ngoại, trong đó có Giáo sư Ngô Vĩnh Long, từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế thuộc Đại học George Mason, Mỹ và các vị khách khác như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội VN, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện ISEAS, từ Hà Nội và PGS. TS. Jonathan London, nhà quan sát, phân tích chính trị, xã hội từ Hà Lan.
Diễn biến đáng quan ngại
Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang thì không có người thắng, người thua, mà tất cả cùng thuaChủ tịch Việt Nam, ông Trần Đại Quang
Hôm thứ Ba, báo Tin tức, kênh thông tin của Chính phủ Việt Nam do Thông tấn xã Việt Nam phát hành, tường thuật quan điểm của Chủ tịch Trần Đại Quang và dẫn ý của nhà lãnh đạo này cho hay:
“Đánh giá về tình hình khu vực, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục là một trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa – chiến lược, kinh tế, chính trị ngày càng quan trọng trên thế giới. Biển Đông nằm trong lòng khu vực Đông Nam Á, đem lại nhiều lợi ích quan trọng không chỉ cho các quốc gia trong khu vực mà còn là tuyến giao thông hàng hải, hàng không huyết mạch của thế giới…
“Tuy nhiên, những diễn biến đáng quan ngại gần đây trong khu vực và trên Biển Đông đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường an ninh khu vực, nhất là tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, có nguy cơ làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng đến tiến trình hợp tác khu vực.
“Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang thì không có người thắng, người thua, mà tất cả cùng thua”.
“Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh ước vọng về hòa bình, an ninh và phát triển bền vững đối với khu vực càng cháy bỏng hơn bao giờ hết. Để cơ hội không trở thành sự nuối tiếc, triển vọng chỉ là sự thất vọng,” báo Tin tức tườn thuật.
Lưỡng nan về đồng thuận
Quan điểm của lãnh đạo Việt Nam nhận được nhiều quan tâm của giới quan sát, phân tích và bình luận, một trong số đó, trên trang mạng Nghiên cứu Quốc tế, nhà nghiên cúu chính trị và bang giao quốc tế, TS. Lê Hồng Hiệp trong bài viết có tựa đề “Việt Nam, ASEAN và thế lưỡng nan về ‘đồng thuận’” đưa ra bình luận:
“Đề nghị của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang có thể đáng được ASEAN xem xét nếu ASEAN muốn tăng cường hiệu quả của mình trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc có tác động lớn đối với an ninh khu vực. Nó cũng trùng hợp vớiđề nghị của một số học giả khu vựccho rằng ASEAN cần đánh giá lại cơ chế ra quyết định dựa trên đồng thuận của mình bằng cách loại bỏ quyền phủ quyết của các nước thành viên, đồng thời áp dụng nguyên tắc “ASEAN trừ nước X” thay vì sự đồng thuận đầy đủ trong việc giải quyết các vấn đề nhất định.
“Để đề xuất này được thông qua bởi ASEAN, trước hết các quốc gia thành viên cần phải đạt được một sự đồng thuận về sự cần thiết phải thay đổi cơ chế làm việc nền tảng lâu nay của Hiệp hội. Nếu xét tình hình gần đây của ASEAN, triển vọng để các nước thành viên có thể để đạt được một sự “đồng thuận chống lại đồng thuận” như vậy, hoặc ít nhất là đồng ý về các cơ chế bổ sung cho nguyên tắc đồng thuận như CTN Trần Đại Quang đề nghị, có thể không cao.
“Trong bối cảnh đó, Việt Nam và một số đối tác ASEAN khác có chung lợi ích và quan điểm có thể làm việc cùng nhau để hình thành các cơ chế tạm thời nhằm giải quyết các vấn đề an ninh khẩn cấp, đặc biệt là liên quan tới tranh chấp Biển Đông. Dù cách tiếp cận như vậy có thể ít nhiều làm suy yếu vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN, nhưng đó có thể là một sự đánh đổi mà các thành viên ASEAN phải chấp nhận nếu họ kiên quyết muốn giữ vững nguyên tắc đồng thuận.”
Mời quý vị theo dõi Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt ngữ tuần này tại đây.

Biển Đông :

Nga chỉ tập trận chiếu lệ với Trung Quốc vì Việt Nam?

Hãng thống tấn Nga Tass hôm 30/08/2016 đã xác nhận : Cuộc tập trận Nga-Trung Quốc tại Biển Đông sẽ diễn ra vào trung tuần tháng Chín này (11-19/09/2016). Bản tin còn nêu rõ các chiến hạm và quân hạm Nga được cử đến Biển Đông tham dự cuộc tập trận. Điểm qua danh sách tàu Nga cùng diễn tập với Trung Quốc, giới quan sát ghi nhận tính chất hình thức, chiếu lệ của việc Nga tham gia tập trận tại Biển Đông, có thể là vì Mátxcơva không muốn làm mất lòng Việt Nam.
Bản tin của thông tấn xã Tass đã trích dẫn thông báo mang tính khoa trương của sĩ quan phụ trách báo chí thuộc Quân Khu Miền Đông của Hạm Đội Thái Bình Dương của Nga, theo đó « vào đầu tháng 9, một đơn vị gồm hai tàu chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Tributs và Đô đốc Vinogradov, tàu đổ bộ cỡ lớn Peresvet, tàu kéo Alatau, và tàu chở dầu Pechenga sẽ trực chỉ cảng Trạm Giang (Zhanjiang) ở Trung Quốc ».
Mục tiêu của chuyến đi, theo người phát ngôn này, là « Tham gia cuộc tập trận Joint-Sea 2016 của Hải Quân Trung Quốc sẽ diễn ra ở vùng biển và ven bờ của Biển Đông, từ ngày 11 cho đến 19 tháng 09 ».
Cũng theo nguồn tin trên, với cuộc tập trận trên Biển Đông sắp diễn ra, đó sẽ là lần thứ năm mà Hải Quân Nga và Trung Quốc thao diễn chung, lần gần đây nhất là trên Biển Nhật Bản vào năm 2015.
Theo giới chuyên gia quân sự, thoạt nhìn thì ba chiến hạm mà Nga phái xuống Biển Đông tập trận chung với Trung Quốc thuộc loại đáng gờm. Hai chiếc Đô đốc Tributs và Đô đốc Vinogradov đều là khu trục hạm chống ngầm, đồng thời có thêm khả năng chống hạm với tên lửa chống hạm siêu thanh Moskit P-270. Còn tàu đổ bộ Peresvet có khả năng mang đến 450 tấn thiết bị, tức là có thể chở 10 xe tăng chiến đấu chủ lực hoặc 12 xe bọc thép, cộng với khoảng từ 230 đến 340 quân.
Thế nhưng, theo ghi nhận của báo mạng Nhật Bản The Diplomat ngày 31/08/2016, nhóm tàu mà Nga phái đi tập trận cùng với Trung Quốc chỉ có một quy mô hạn chế mà thôi.
Trước hết là số lượng ba chiến hạm và hai tàu phục vụ quá nhỏ, và không có tàu ngầm, hay ít ra là cho đến lúc này, việc có tàu ngầm hay không không được tiết lộ. Ngoài ra, các chiến hạm mà Hạm Đội Thái Bình Dương cử xuống Biển Đông tập trận không phải là loại tàu tối tân nhất của Nga. Chỉ có chiếc tàu đổ bộ Peresvet là được hạ thủy vào đầu thập niên 90, còn hai chiếc khu trục hạm đều là tàu có từ thời Liên Xô cũ.
Đối với The Diplomat, có thể nghĩ rằng vì đang trong quá trình cung cấp thiết bị quân sự cho Việt Nam, từ khu trục hạm cho đến tàu ngầm, cho nên Mátxcơva rất cẩn thận và cố gắng duy trì một thế cân bằng đối với tranh chấp Biển Đông giữa Bắc Kinh và Hà Nội.
Vì lý do chiến lược rộng lớn hơn, Nga không thể không tham gia cuộc tập trận trên Biển Đông do Trung Quốc khởi xướng, thế nhưng, việc Nga tham gia chỉ mang tính chất chiếu lệ mà thôi khi họ quyết định phái một hạm đội rất nhỏ, rất bình thường xuống Biển Đông.
Mục tiêu một cuộc tập trận là phô trương thanh thế và uy lực. Thế nhưng phải nói là dường như Nga không hề nhắm mục tiêu đó lần này trên Biển Đông, một mặt vì không muốn đụng chạm Việt Nam, một mặt khác là không muốn cho thấy là mình hoàn toàn về hùa với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.
Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra hiện nay liên quan đến địa điểm cụ thể của cuộc tập trận Nga-Trung Quốc, hiện vẫn chưa được tiết lộ. Dấu hiệu mới duy nhất là việc các chiếc tàu Nga sẽ đến Trạm Giang, nơi đặt bản doanh của Hạm Đội Nam Hải Trung Quốc.
Điều đó có thể là tín hiệu cho thấy là trái với những lần tập trận với Nga trước đây, do Hạm Đội Bắc Hải hay Đông Hải đảm nhận, lần này, Trung Quốc sẽ để cho Hạm Đội Nam Hải của họ tập trận với Hạm Đội Thái Bình Dương của Nga.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.