Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Thế giới – 01/09/2016

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016 20:34 // , ,

Tin Khắp Nơi – 01/09/2016

Ông Trump trình bày chi tiết kế hoạch di trú, vẫn kêu gọi xây tường

Chris Hannas – WASHINGTON —
Ứng cử viên tổng thống Mỹ Đảng Cộng hòa Donald Trump đêm thứ Tư đã trình bày cặn kẽ chính sách nhập cư ưu tiên an ninh biên giới và bảo đảm rằng những người vào nước Mỹ chia sẻ những giá trị của Mỹ. Ông phát biểu trước những người ủng hộ ở bang Arizona thuộc miền tây nam bằng ngôn từ mạnh mẽ hơn nhiều so với ngôn từ mà ông sử dụng trước đó vài giờ ở Thành phố Mexico, nơi ông có một cuộc hội đàm mà ông mô tả là “quan trọng và thẳng thắn” với Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto.
Một ví dụ điển hình của sự khác biệt này là cam kết lâu nay của ông Trump xây một bức tường dọc biên giới giữa Mỹ và Mexico. Ông Trump cho biết sau cuộc hội đàm rằng ông và ông Peña Nieto đã bàn về kế hoạch này, nhưng không bàn về tuyên bố của ông Trump đòi Mexico thanh toán chi phí xây bức tường. Tuy nhiên, ông Peña Nieto cho biết ông đã nói rõ rằng Mexico sẽ không trả tiền cho việc đó.
Nhưng khi ông Trump tiết lộ kế hoạch nhập cư 10 điểm của ông ở Arizona, điểm đầu tiên mà ông nêu là một bức tường “cao lớn, vững chãi, đẹp đẽ.” Ông nói:
“Và Mexico sẽ trả tiền cho bức tường đó. 100 phần trăm. Họ không biết điều đó, nhưng họ sẽ phải trả tiền cho bức tường đó.”
Ông Trump phát biểu như vậy trong khi đám đông người ủng hộ hào hứng hô vang: “Xây bức tường đó!”
Sau nhiều tuần tin tức cho hay ông Trump có thể đang nới lỏng lập trường về vấn đề nhập cư, tối thứ Tư ông đề nghị thuê 5.000 nhân viên tuần tra biên giới mới, tăng gấp ba số lượng nhân viên chấp hành di trú và ngay lập tức trục xuất bất cứ ai bị bắt đang nhập cảnh bất hợp pháp. Ông cho biết tội phạm và những vụ vượt biên giới sẽ giảm mạnh và những băng đảng sẽ biến mất.
Ông nói thêm: “Những ưu tiên chấp pháp của chúng ta sẽ bao gồm việc loại trừ những kẻ phạm tội, những thành viên băng đảng, những mối đe dọa an ninh, những vụ ở quá hạn visa, những khoản phí công. Đó là những người lệ thuộc vào phúc lợi công cộng hoặc gây quá tải cho mạng lưới an sinh cùng với hàng triệu lượt nhập cảnh bất hợp pháp và ở quá hạn visa hồi gần đây, những người đã tới dưới thời chính quyền hủ bại này.”
Vấn đề phải làm gì với con số ước tính 11 triệu người đang sinh sống ở Mỹ bất hợp pháp cho thấy sự khác biệt lớn giữa ông Trump và ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton. Cả hai người đều muốn trục xuất những người phạm tội, nhưng ông Trump phản đối những sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Barack Obama đã ký ban hành để trì hoãn việc trục xuất một số nhóm người không có tiền án hình sự. Bà Clinton muốn bảo vệ họ, nhưng ông Trump mô tả việc này là “ân xá.”
Ông Trump kêu gọi hoàn tất một hệ thống xuất nhập cảnh dùng kỹ thuật sinh trắc để theo dõi tốt hơn những người nhập cảnh, và kêu gọi mở rộng những hệ thống xác minh bằng điện tử để giúp chủ lao động tránh thuê mướn những người nhập cư bất hợp pháp.
Ông cũng nhắc lại kế hoạch đình chỉ việc cấp thị thực cho những người sống ở những nước mà người dân không thể được rà soát lí lịch một cách đầy đủ để bảo đảm rằng họ không phải là mối nguy cơ về an ninh. Những người nhập cảnh Mỹ cũng sẽ phải vượt qua những cuộc khảo hạch về tư tưởng.
Ông Trump nói rằng ông không muốn nhận những người tị nạn đến từ những nơi như Syria và Libya. Thay vào đó ông đề xuất lập ra “những khu tái định cư” tại khu vực quê nhà của họ, do những quốc gia vùng Vịnh chi trả. Nói tóm lại, ông mô tả chính sách của mình là giành lại đất nước.
Tại buổi vận động của mình hôm thứ Tư, bà Clinton mô tả Mỹ là một thế lực toàn cầu vì “tự do, công lý và phẩm giá con người,” nói rằng người dân khắp nơi trông cậy Mỹ là nước lãnh đạo. Bà cựu ngoại trưởng chỉ trích chuyến thăm của ông Trump đến Mexico bằng cách nói rằng việc xây dựng mối quan hệ đòi hỏi sự nhất quán và sự khả tín.
Bà nói: “Việc tạo dựng mối quan hệ chắc chắn đòi hỏi nhiều thứ hơn là cố gắng bù đắp một năm toàn những lời sỉ nhục và bóng gió bằng việc ghé thăm láng giềng của chúng ta mấy tiếng đồng hồ rồi lại bay về nhà. Đâu phải làm vậy là được.”
Sau đó bà Clinton viết trên Twitter rằng ông Trump đã thất bại trong cuộc khảo hạch đầu tiên về chính sách đối ngoại.
Bà viết: “Ngoại giao nhìn vậy chứ không hề dễ.”
Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto cũng mời bà Clinton đến dự cuộc hội đàm ở Thành phố Mexico, nhưng ban vận động của bà chưa lên tiếng bình luận liệu việc này có diễn ra hay không.
Ông Peña Nieto cho biết trong cuộc họp báo với ông Trump rằng ưu tiên của ông là bảo vệ người Mexico ở bất cứ nơi nào họ có thể hiện diện và rằng những người sống ở Mỹ là những người có tài và trung thực, tôn trọng gia đình, cộng đồng và pháp luật.
Ông Peña Nieto cũng gọi biên giới là tài sản cho cả hai nước. Ông nói những người Mỹ xem nó là con đường cho ma túy và người nhập cư bất hợp pháp tràn vào đang nhìn thấy một “bức tranh kém hoàn chỉnh” và rằng Mỹ phải làm hết sức mình để ngăn chặn luồng vũ khí và tiền bạc đổ vào những băng đảng ma túy ở Mexico.
Ông Miguel Tinker Salas, giáo sư ngành Mỹ Latin tại Đại học Pomona, nói không có cơ may đông đảo người gốc Mỹ Latin sẽ bỏ phiếu cho ông Trump vào tháng 11, nhưng lưu ý rằng nhiều người ngần ngại ủng hộ bà Clinton vì cam kết của bà ban hành những cải cách nhập cư trong 100 ngày đầu tiên của chính quyền bà nghe giống như cam kết mà ông Obama đã đưa ra nhưng không hoàn thành được. Ông cũng cảnh báo chớ nên coi người gốc Mỹ Latin là nhóm cử tri chỉ quan tâm tới vấn đề nhập cư mà thôi, nói rằng đó chỉ là vấn đề quan trọng thứ tư hoặc thứ năm đối với hầu hết mọi người.

Mỹ ‘quan ngại’ về kế hoạch mở rộng định cư của Israel

Hoa Kỳ chỉ trích Israel về các kế hoạch tăng tốc xây dựng các khu định cư Do thái tại Bờ Tây trước các mối quan ngại quốc tế ngày càng gia tăng.
Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Josh Earnest, ngày 31/8 tuyên bố “Việc mở rộng hoạt động định cư một cách đáng kể như thế đề ra mối đe dọa tăng tiến và nghiêm trọng đối với khả năng của giải pháp hai nhà nước.”
Trong lần chấp thuận mới đây, ủy ban kế hoạch quân đội Israel công bố kế hoạch xây 463 căn hộ tại nhiều khu định cư khác nhau ở Bờ Tây, theo trang tin Haaretz của Israel và tổ chức giám sát định cư Peace Now.
Trong số này có 51 căn hộ xây mới trong khi 178 căn hộ xây không giấy phép hồi thập niên 80 được nhận giấy phép có hiệu lực hồi tố, theo tin của tờ Haaretz.
Trước đó trong tuần, đặc sứ Liên hiệp quốc đặc trách Trung Đông, Nikolay Mladenov, nói với Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc rằng việc Israel mở rộng định cư là một trong những trở ngại lớn nhất trong vấn đề hòa bình với người Palestine.
Israel bác bỏ quan ngại của ông Mladenov. Phát ngôn nhân của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, ông David Keyes, nói phát biểu của ông Mladenov “xuyên tạc lịch sử.”
Hoa Kỳ lâu nay kêu gọi Israel và Palestine “thực hiện các bước đi ý nghĩa” để gầy dựng lòng tin, nhưng thay vào đó, Israel thăng tiến việc xây dựng hàng ngàn căn hộ định cư mới.

Washington xác nhận tin ký giả Mỹ bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ

Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận tin một ký giả độc lập người Mỹ bị bắt giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ cách đây gần một tháng.
Phát ngôn nhân John Kirby cho báo giới biết phóng viên Lindsey Snell đang bị cầm giữ trong một trại giam ở tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, nằm bên kia biên giới hai thành phố Idlib và Aleppo của Syria.
Ông Kirby cho biết nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ thông báo với Hoa Kỳ rằng bà Snell vượt biên giới từ Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ và bị buộc tội ‘xâm phạm khu vực quân sự’, tuy nhiên ông không tiết lộ lý do vì sao nhà báo này có mặt tại Syria.
Hôm 8/8, thông tấn xã Anadolu của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời Thống đốc Ercan Topaca nói rằng ký giả Snell bị bắt khi đang tìm cách vượt biên giới bất hợp pháp vào Thổ Nhĩ Kỳ và rằng ‘không rõ liệu đương sự có phải là một tình báo hay không.’
Trước đó vài ngày, phóng viên Snell đăng tải lên Facebook rằng bà bị các thành viên Jabhat al Nusra bắt cóc tại Syria và giam giữ trong 10 ngày trước khi bà tìm đường tẩu thoát.

Tổng thống Mỹ công du Châu Á

Tổng thống Mỹ Barack Obama lên đường sang thăm Châu Á trong chuyến công du thứ 11 và có lẽ cũng là chuyến cuối cùng tới khu vực, nhấn mạnh điều mà giới chức Tòa Bạch Ốc gọi là trọng tâm của chính sách ngoại giao Obama, tái cân bằng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia, Ben Rhodes, nói chuyến đi lần này sẽ là cơ hội để ông Obama để xác quyết tầm quan trọng của thỏa thuận tự do mậu dịch Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP giữa 12 quốc gia do Hoa Kỳ dẫn đầu và thảo luận các vấn đề cấp bách về căng thẳng hàng hải, biến đổi khí hậu, và kinh tế toàn cầu.
Ông Obama sẽ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình vào ngày thứ bảy (3/9), tham dự thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu vào chủ nhật và thứ hai trước khi lên đường sang Lào tham dự thượng đỉnh ASEAN và thượng đỉnh Đông Á cho tới ngày thứ năm.
Ông Ben Rhodes cho biết cuộc gặp sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ bàn tới những khía cạnh tích cực của mối bang giao phức tạp, cùng những bất đồng
Vẫn theo lời ông, chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Lào là chưa từng có trước nay vì sự tham gia của Hoa Kỳ trong cuộc xung đột Đông Dương hồi thập niên 60, 70.
Ông Obama cũng sẽ có cơ hội gặp gỡ tân Tổng thống của Philippines, quốc gia vừa thắng vụ kiện quốc tế chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo chuyên gia về Trung Quốc, Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washington, lãnh đạo hai nước Mỹ-Trung đều đánh giá cao tầm quan trọng của mối quan hệ song phương và dự kiến các cuộc hội đàm sắp tới sẽ tích cực dù sẽ có những bất đồng.
Vẫn theo lời chuyên gia Glaser, chuyến công du Châu Á của ông Obama diễn ra giữa bối cảnh cơ hội TPP sẽ được Quốc hội Mỹ chuẩn thuận còn mong manh. Bà Glaser nói dù thỏa thuận thương mại này là lợi ích kinh tế và chiến lược địa lý đối với Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương, nhưng bà không đồng ý với quan điểm cho rằng TPP bị đánh bại sẽ là một chỉ dấu chấm dứt vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực.
Về căng thẳng hàng hải, bà Glaser nói Trung Quốc đã tỏ ra tự chế sau phán quyết quốc tế về vấn đề Biển Đông và đây có thể là cơ hội để Manila và Bắc Kinh đạt một giải pháp ngoại giao.

Hệ thống máy tính bầu cử bị xâm nhập

Các giới chức Mỹ nghi là Nga đã thực hiện các vụ tấn công mạng mới đây vào hệ thống ghi danh cử tri tại hai tiểu bang Illinois và Arizona khiến các giới chức hai tiểu bang này phải đóng dữ liệu lưu trữ trong vài ngày.
Cuộc tấn công tệ hại nhất xảy ra tại Illinois nơi các tin tặc tiếp cận được thông tin cá nhân của khoảng 200.000 cử tri, trong đó có số An ninh Xã hội và số bằng lái xe.
Việc này khiến FBI ra cảnh báo để các giới chức bầu cử tiểu bang trên toàn nước Mỹ tăng cường hệ thống an ninh máy vi tính.
Ông James Andrew Lewis, một giới chức cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế, cho biết những vụ tấn công mới đây là bằng chứng thêm nữa cho thấy các chính phủ nước ngoài như Nga và Trung Quốc đang gia tăng nỗ lực xâm nhập hệ thống bầu cử Hoa Kỳ trước cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới.
Những vụ tấn công mạng tại Illinois và Arizona tiếp sau vụ xâm nhập hệ thống máy vi tính của Uỷ ban Toàn quốc Đảng Dân chủ đưa đến việc tiết lộ những email khiến Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Đảng Dân chủ Debbie Wasserman Schultz phải từ chức.
Các giới chức kết luận là vụ tấn công mạng vào Uỷ ban Toàn quốc Đảng Dân chủ có phần chắc là do những người có liên hệ đến chính phủ Nga thực hiện- một cáo buộc Moscow đã bác bỏ.

Apple phản đối lệnh truy thu thuế của EU

Giám đốc điều hành công ty Apple lên án một dự luật thuế gần đây của Liên hiệp Châu Âu áp dụng đối với công ty hoàn toàn là một “trò vớ vẩn chính trị”, đồng thời tuyên bố rằng quyết định này dựa trên thái độ thiên vị chống lại Hoa Kỳ.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Irish Independent ngày 1/9, ông Tim Cook tuyên bố sẽ sát cánh với Ireland chống lại quyết định mà ông gọi là “không có cơ sở pháp lý hay thực tế.”
Phát biểu được đưa ra hai ngày sau khi cơ quan điều chỉnh chống độc quyền của EU ra lệnh cho đại công ty công nghệ phải trả lại 14,5 tỷ đô la tiền truy thu thuế, vì công ty trị giá hàng đầu thế giới này đã được Dublin miễn giảm thuế một cách bất công và đã tìm cách tránh gần như tất cả các loại thuế doanh nghiệp trên toàn khu vực EU, gồm 28 quốc gia trong hơn một thập kỷ qua.
Ông Cook bác quan điểm cho rằng công ty Apple được nhận bất kỳ sự ưu đãi đặc biệt nào và khẳng định Apple sẽ thắng khi khiếu nại. Ông gọi quyết định của cơ quan chống độc quyền EU là một trò chính trị và tố cáo EU thái quá trong nỗ lực nhằm thay đổi luật lệ thuế khóa trên toàn châu lục.
Ông Cook nói ông tin rằng Apple bị nhắm mục tiêu bởi vì là một công ty Mỹ hoạt động tại Châu Âu.
Tại Washington, các quan chức Hoa Kỳ tỏ ra dường như đồng ý với lãnh đạo công ty Apple và bày tỏ thất vọng đối với quyết định vừa nêu.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, Josh Earnest, nói người nộp thuế ở Hoa Kỳ rốt cuộc sẽ là nạn nhân gánh chịu nếu Apple bị buộc phải thanh toán khoản truy thu thuế vừa kể, vì sau đó Apple có thể khấu trừ hàng tỷ đô la chi trả cho Ireland vào khoản thuế phải đóng cho quốc gia.

Châu Âu lo ngại tầm nguy hiểm của các tay súng nước ngoài trong IS

Những tiến bộ đạt được trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria có thể làm cho các quốc gia châu Âu phải trả giá. Những nước này lo ngại là những tay súng nước ngoài hồi hương có thể sớm ra tay trên chính quê hương xứ sở.
Theo các giới chức tình báo Mỹ, Nhà nước Hồi giáo từ lâu đã đặt các nước châu Âu là mục tiêu tấn công của họ. Và Nhà nước Hồi giáo cũng có quan điểm rõ ràng về châu lục này như là một phần trên chiến trường rộng lớn hơn. Và ngay cả những tin như phát ngôn viên đồng thời là người đứng đầu các hoạt động bên ngoài của Nhà nước Hồi giáo là Abu Muhammad al-Adnani bị giết mới đây cũng không giảm bớt những đe dọa.
Một giới chức ngoại giao phương Tây không muốn nêu tên nói với Đài VOA rằng “Khi hạ được người đứng đầu một mạng lưới, thì lập tức sẽ có kẻ bước lên thế chỗ. Mạng lưới của họ, những đầu mối tiếp xúc của họ vẫn còn đó.”
Thay vào đó, một số giới chức chống khủng bố châu Âu xem tương lai tàn lụi dần của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo nhìn chung có thể là ngòi kích nổ các cuộc tấn công mới, tàn khốc hơn.
Ông Dick Schoof, Điều phối viên Quốc gia của Hà Lan về An ninh và Chống khủng bố nói “Chắc chắn là trong ngắn hạn, mọi việc sẽ không tốt đẹp hơn.”
Ông nói thêm là sự thất bại của Nhà nước Hồi giáo tại Trung Đông “có thể làm gia tăng áp lực lên những chiến binh khủng bố nước ngoài buộc họ phải trở về nước.”
Đe dọa “đáng kể”
Ông Schoof mô tả mức đe dọa này là “đáng kể.” Ông nói là dù chưa có chỉ dấu rõ rệt về một cuộc tấn công chắc chắn xảy ra, nhà cầm quyền đã phát hiện con số ngày càng tăng những liên hệ giữa mạng lưới thánh chiến và Hà Lan.
Các giới chức Mỹ cũng lo ngại về phản ứng dữ dội của khủng bố khi các lực lượng liên minh xâm nhập sâu hơn và xa hơn vào nơi được mô tả là trung tâm của vương quốc tự xưng của Nhà nước Hồi giáo.
Các giới chức tình báo Mỹ ước lượng Nhà nước Hồi giáo có hơn 40.000 tay súng nước ngoài từ hơn 120 nước, trong số này có khoảng 7.000 từ các nước phương Tây đến, đa số thuộc các quốc gia châu Âu.
Chiến binh nước ngoài
Hà Lan đang chú trọng đến 260 tay súng nước ngoài, trong số này có 180 người vẫn còn tại Iraq và Syria. Và các giới chức cũng lo ngại là một số phần tử trong số đó đã lợi dụng cuộc khủng hoảng di trú để đi lại giữa châu Âu và Syria, giúp thiết lập một mạng lưới tinh vi bám rễ tại các quốc gia này.
Dù có những cuộc truy lùng gắt gao tiếp theo cuộc tấn công khủng bố tháng 11 năm 2015 vào Paris làm nhiều người thiệt mạng và cuộc tấn công gần đây nhất tại Brussels, các giới chức châu Âu vẫn còn lo ngại.
Các giới chức tình báo lo ngại là Nhà nước Hồi giáo ngày càng táo tợn hơn, vừa sử dụng những tay súng nước ngoài vừa dùng những tân binh. Các nhà điều tra có được chứng cớ là những đặc vụ Nhà nước Hồi giáo có thể đã đóng một vai trò trong những cuộc tấn công ít tinh vi hơn nhưng cũng làm nhiều người thiệt mạng tương tự như cuộc tấn công tại Nice, Pháp vào tháng 7 vừa qua làm hơn 80 người thiệt mạng.
Cũng có những mối quan ngại ngày càng tăng về khả năng của Nhà nước Hồi giáo có được và sử dụng những tài liệu giả để đưa người đi các nơi.
Chia sẻ thông tin
Để chống lại mối đe dọa này, cơ quan thực thi luật pháp Liên hiệp châu Âu EUROPOL và các cơ quan tình báo châu Âu đã làm việc với đối tác Hoa Kỳ, trong đó có FBI và Bộ An ninh Nội địa để cải thiện tình báo và chia sẻ thông tin
Đối với trường hợp các tay súng nước ngoài, tuy chưa hoàn hảo nhưng việc chia sẻ thông tin dường như đã tạo được sự khác biệt.
Tuy nhiên, các giới chức Mỹ và châu Âu lo ngại là với tất cả sự phối hợp và công việc cần phải làm, một số tay súng từ nước ngoài của Nhà nước Hồi giáo sẽ tìm ra phương cách để vượt qua những kẽ hở và gây tổn hại một khi trở về nước.

Tổng thống Gabon tái đắc cử, phe đối lập tố cáo gian lận

Các thành viên ủy ban bầu cử Gabon loan báo Tổng thống Ali Bongo tái đắc cử, nhưng phe chỉ trích lên án kết quả này là gian lận.
Thông tín viên Đài VOA Idrissa Fall có mặt tại trụ sở ủy ban bầu cử tường trình rằng một số thành viên ủy ban bầu cử đã từ chức hôm nay (31/8) và các cuộc biểu tình phản đối kết quả cuộc bầu cử đã nổ ra tại tại thủ đô Libreville.
Đối thủ chính của Tổng thống Bongo là ông Jean Ping cho biết là chiến dịch tranh cử của ông có bằng chứng về gian lận bầu cử và dự trù đưa vụ này ra trước Tòa án Hiến pháp Gabon.
Theo kết quả chính thức sắp được công bố chính thức, ông Bongo chiếm được 49,8% số phiếu và ông Ping được 48,2% phiếu bầu.
Vấn đề chính được nêu là kết quả bầu cử tại một tỉnh cho thấy gần 100% cử tri đi bầu và ông Bongo chiếm được 95% phiếu.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi dân chúng Gabon bình tĩnh sau cuộc bầu cử có nhiều tranh chấp. Cả hai ứng cử viên đều tuyên bố đắc cử sau cuộc bỏ phiếu ngày thứ bảy, và bên này cáo buộc bên kia là gian lận trong kiểm phiếu.
Gabon không có hệ thống bầu vòng hai, do đó ứng cử viên có số phiếu cao nhất trong số 10 ứng cử viên được đắc cử.
Ông Ping ra tranh cử để chấm dứt nửa thế kỷ cai trị của gia đình Bongo. Ông Alibaba Bongo kế vị cha ông là Omar Bongo qua đời vào năm 2009 sau 42 năm cầm quyền.

Nga tiêu diệt phát ngôn viên của IS ở Syria?

Quân đội Nga nói rằng những cuộc không kích của họ đã giết chết người phát ngôn và chiến lược gia trưởng Abu Muhammad al-Adnani của Nhà nước Hồi giáo.
Trong một thông cáo, Bộ Quốc phòng Nga cho biết máy bay chiến đấu của Nga đã tiêu diệt tới 40 phần tử chủ chiến IS, trong đó có Adnani, trong một cuộc không kích gần tỉnh Aleppo hôm thứ Ba.
Nga vẫn tiếp tục chiến dịch ném bom của họ nhằm yểm trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Mỹ cho biết lực lượng liên minh do họ dẫn đầu đã nhắm tấn công Adnani trong một cuộc không kích ở thành phố al-Bab của Syria. Ngũ Giác Đài cho biết họ vẫn đang thẩm định kết quả cuộc oanh kích đó.
Chính Nhà nước Hồi giáo đã loan báo cái chết của Abu Muhammad al-Adnani hôm thứ Ba, họ cho biết Adnani đã “thiệt mạng trong khi đang thị sát những hoạt động nhằm đẩy lùi những chiến dịch quân sự nhắm vào Aleppo.”
Một quan chức quốc phòng của Mỹ cho biết Adnani đã trực tiếp tham gia vào việc tuyển mộ chiến binh nước ngoài và cũng là người chỉ đạo những vụ tấn công lớn của Nhà nước Hồi giáo bên ngoài những cứ địa của họ ở Syria và Iraq.
Quan chức này nói: “Những hoạt động lớn được thực hiện dưới sự giám sát của Adnani bao gồm những vụ tấn công Paris, vụ tấn công sân bay Brussels, vụ tấn công sân bay Istanbul, vụ làm rơi máy bay chở khách của Nga ở Sinai, những vụ đánh bom tự sát trong một cuộc tập hợp ở Ankara, và vụ tấn công một quán cà phê ở Bangladesh. Tổng cộng, những vụ tấn công này đã giết chết hơn 1.800 người và làm bị thương gần 4.000 người.”
Adnani được cho là đã bị thương nặng tám tháng trước ở Iraq, trong cuộc giao tranh gần thành phố Haditha. Ông ta sinh ra ở Syria khoảng 39 năm trước và từng là một thành viên nổi bật của mạng lưới khủng bố al-Qaida trước khi ngả theo Nhà nước Hồi giáo. Ông ta được coi là nhân vật quan trọng thứ hai sau thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi.
Adnani từng đọc một tuyên bố khét tiếng từ Nhà nước Hồi giáo gần hai năm trước kêu gọi người Hồi giáo sinh sống ở phương Tây tấn công ở bất cứ nơi nào và bằng bất cứ cách nào có thể.
Liên Hiệp Quốc đã đưa Adnani vào danh sách những phần tử khủng bố bị chế tài, mô tả ông ta là thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo ở Syria và trưởng phụ trách những hoạt động bên ngoài của nhóm này.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã treo giải thưởng 5 triệu đôla cho thông tin dẫn tới việc bắt giữ Adnani.

Thổ Nhĩ Kỳ thề tiếp tục chiến dịch quân sự ở Syria

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ không ngừng cuộc tiến công quân sự ở miền bắc Syria cho đến khi tất cả những mối đe dọa đã bị loại trừ.
Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước phát động cuộc tiến công nhắm vào những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo cũng như những chiến binh người Kurd được Mỹ hậu thuẫn nhưng bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ xem là có liên hệ với quân nổi dậy thuộc Đảng Công nhân Người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Những cuộc đụng độ giữa người Thổ và người Kurd đã làm phức tạp thêm tình hình vốn đã phức tạp ở Syria, nơi mà chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad được sự yểm trợ từ Iran, Nga và những kẻ chủ chiến thuộc nhóm Hezbollah ở Lebanon, trong khi Mỹ và những cường quốc phương Tây khác hậu thuẫn cho các lực lượng nổi dậy.
“Hoạt động của chúng tôi sẽ tiếp tục cho tới khi những nhóm khủng bố và những mối đe dọa đối với biên giới và người dân của chúng ta bị loại trừ,” Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim nói với báo giới.
Trước đó trong ngày thứ Tư, Iran đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng kết thúc cuộc tiến công quân sự ở miền bắc Syria, nói rằng sự hiện diện của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ làm cho xung đột leo thang.
Cuộc tiến công của Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công trong việc đánh bật Nhà nước Hồi giáo ra khỏi thị trấn Jarablus trước khi tiến sâu hơn xuống phía nam để giao tranh với người Kurd, là lực lượng đã giúp chiếm lại quyền kiểm soát thành phố Manbij.
Một viên tướng hàng đầu của Mỹ cho biết người Kurd đã vượt qua để trở về mạn đông Sông Euphrates, rời xa Manbij, trong một hành động mà Mỹ hy vọng sẽ chấm dứt những cuộc xung đột.
Hôm thứ Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ “tập trung” vào cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo và không khai chiến với lực lượng người Kurd liên minh với Mỹ, cũng đang chiến đấu chống lại nhóm khủng bố này ở Syria.
Bộ trưởng EU của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik hôm thứ Tư phủ nhận có bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào với người Kurd. Hôm thứ Ba, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết những chỉ trích của Mỹ về hoạt động của họ ở miền bắc Syria là “không thể chấp nhận được.”

Sri Lanka: Người dân theo dân tộc chủ nghĩa biểu tình phản đối Tổng thư ký LHQ

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki-moon, hôm nay bị hàng chục người theo dân tộc chủ nghĩa tại Sri Lanka biểu tình phản đối khi ông đến thăm đảo quốc Nam Á này.
Nhóm người biểu tình do các tu sĩ Phật giáo dẫn đầu và mục đích được nói nêu ra vấn đề vai trò của Liên Hiệp Quốc trong cuộc nội chiến kéo dài ở Sri Lanka trước đây.
Một trong những biểu ngữ của người biểu tình ghi câu hỏi ‘Liên Hiệp Quốc, quí vị ở đâu?’ Người biểu tình còn mang theo ảnh của nạn nhân bị bom của những kẻ nổi dậy thuộc phe Hổ Tamil giết chết.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Sri Lanka cáo buộc Liên Hiệp Quốc đứng về phía Hổ Tamil. Trong khi đó nhóm theo đường lối cứng rắn trong cộng đồng Tamil lại chỉ trích Liên Hiệp Quốc không bảo vệ được người thuộc cộng đồng này trong cuộc chiến kéo dài 37 năm tại Sri Lanka.
Những người biểu tình gửi một thỉnh nguyện thư cho văn phòng Liên Hiệp Quốc tại Sri Lanka nhờ chuyển lại cho tổng thư ký Ban Ki-moon.
Một nhà sư đại diện cho nhóm biểu tình được hãng thông tấn AFP trích dẫn nói rằng khi những kẻ khủng bố thuộc nhóm Hổ Tamil đánh bom và giết hại người dân thì Liên Hiệp Quốc im lặng. Nay Liên Hiệp Quốc yêu cầu điều tra để trừng phạt phía đã đánh bại bọn khủng bố.
Tin cho biết nhóm biểu tình đã bị lực lượng cảnh sát giải tán trước khi đoàn xe của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đến tại văn phòng của tổ chức này ở Sri Lanka.
Giới ngoại giao Sri Lanka cho biết mong muốn được thảo luận kế hoạch hòa giải của chính phủ sau cuộc nội chiến diễn ra từ năm 1972 đến năm 2009 khiến ít nhất 100 ngàn người thiệt mạng. Năm 2009, lực lượng quân chính phủ Sri Lanka đánh tan phe Giải phóng Hổ Tamil.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi tiến hành điều tra về cáo giác nói có đến 40 ngàn người thuộc cộng đồng Tamil bị lực lượng chính phủ sát hại trong những tháng cuối cùng của cuộc nội chiến.
Hôm qua, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc có cuộc gặp thủ tướng Ranil Wickremsinghe sau khi ông Ban Ki- moon từ Myanmar đến Sri Lanka. Chiều tối nay, ông Ban Ki- moon gặp tổng thống Maithripala Sirisena.
Vị tổng thống Sri Lanka lên nắm quyền vào tháng giêng năm ngoái đưa ra cam kết sẽ trừng phạt những tội phạm trong cuộc nội chiến tại nước này trước đây.

Pháp: Tựu trường dưới an ninh nghiêm ngặt

Joinville-Le-Pont, Pháp. (Reuters) – Các em học sinh Pháp đã đi học trở lại hôm nay sau các tháng hè đánh dấu bằng các cuộc tấn công khủng bố của các phần tử Hồi Giáo cực đoan.
Do các rủi ro an ninh, chính phủ Pháp đã tung ra các biện pháp an ninh mới cho các trường học và đại học trên khắp cả nước.  Bên ngoài trường tiểu học Bernard Palissy ở thị trấn Joinville-le-Pont gần Paris, những dấu hiệu của các biện pháp an ninh được nhìn thây như một chiếc xe tuần tra của cảnh sát địa phương. Quy định về an ninh mới không cho phép ngay cả các phụ huynh bước vào sân trường.Thị trưởng Olivier Dosne của thị trấn cho biết một ngân sách 100,000 euro đã được dành ra cho các biện pháp an ninh.Các biện pháp mới bao gồm việc lắp đặt kính một chiều ở lối vào trường học, các cửa, thực tập sơ tán và huấn luyện cho các nhân viên cách thức phản ứng trong trường hợp của một tình huống an ninh.
Ông Dosne nói các nhân viên của trường sẽ được cung cấp một số dụng cụ như máy walkie talkie và còi thổi. Pháp hiện nay vẫn còn nằm trong tình trạng khẩn cấp đã được áp dụng trên toàn quốc kể từ các cuộc tấn công khủng bố vào tháng 11 năm ngoái làm thiệt mạng 130 người. (Lê Hoàng)

Úc khuyến cáo các nghị sĩ thận trọng với các đầu tư TC

Canbera, Úc. (Reuters) - Úc đã kêu gọi các nhà lập pháp của nước này thận trọng và tỉnh táo với các món đầu tư từ TC.
Một cuốn cẩm nang đã được thư viện của Nghị Viện soạn thảo và phân phối cho các nhà lập pháp trước khóa mới của Nghị Viện bắt đầu hôm thứ Ba tuần này. Cuốn sách nói rằng đề án có tên một con đường và một vành đai của TC là nhằm để hình thành một khối do Trung Cộng dẫn đầu để đối trọng với Hoa Kỳ.
Cuốn cẩm nang được thực hiện để hướng dẫn cho các nhà lập pháp về những vấn đề mà họ có thể sẽ phải bàn thảo sắp tới. Cuốn sách nói Úc cần phải có một thái độ thận trọng về kinh tế và chiến lược trong việc định hình mối quan hệ kinh tế giữa Úc-TC. Cuốn sách đã đến sau khi bộ trưởng Ngân Khố Scott Morrison tháng này chặn việc bán mạng lưới dẫn điện Ausgrid cho 2 công ty TC vì các lý do an ninh quốc gia.
Trước đó ông Morrison cũng chặn việc  tập đoàn Dakan của TC muốn mua lại công ty S. Kidman & Co, nhà sản xuất thịt bò lớn nhất của Úc với giá 287 triệu Mỹ kim. Công ty tư vấn KPMG cho biết TC đã đầu tư 11.1 tỷ mỹ kim vào các tài sản của Úc, chủ yếu là bất động sản, trong năm 2015. (Lê Hoàng)

Các hiệp định thương mại của Obama lao đao vì bầu cử Mỹ

Những hiệp đinh tự do thương mại rộng lớn mà tổng thống Mỹ mơ ước có được trước khi rời Nhà Trắng vào tháng Giêng 2017, vẫn gặp sóng gió. Mối đe dọa lớn nhất là các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ cũng như Châu Âu.
Trong mắt giới phân tích, dù ông Obama có chạy nước rút đi chăng nữa, thì hai hiệp định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Xuyên Đại Tây Dương (TTIP), dù chưa « chết », nhưng những chướng ngại trên con đường hoàn tất hầu như khó thể vượt qua. Lý do là những tính toán chính trị ở Mỹ cũng như Châu Âu vào lúc chính quyền Obama sắp mãn nhiệm.
Về hiệp định TPP với các đối tác Châu Á-Thái Bình Dương, trước mắt thì cả hai ứng viên tổng thống Mỹ là bà Hillary Clinton và Donald Trump đều chống đối, mặc dù hiệp định đã được ký kết tháng 10/2015, và chỉ chờ Quốc Hội Mỹ thông qua.
Những người chống đối hiệp định này luôn nêu hệ quả của TPP trên công việc làm ở Mỹ cho nên nó đã trở thành một chủ đề nóng bỏng các cuộc bầu cử tổng thống và Quốc Hội tháng 11 này.
Về hiệp định với Châu Âu TTIP, đàm phán vẫn còn nhiều vướng mắc và lãnh đạo Châu Âu, nhất là Đức Pháp đứng trước bầu cử quan trọng vào năm tới, cũng đang chống đối
Tổng thống Pháp François Holllande, ngày 30/08, nói rõ đàm phán sẽ « không dẫn đến một thỏa thuận từ đây đến cuối năm ».
Ở Đức, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Kinh tế, Sigmar Gabriel đánh giá vào Chủ Nhật 28/08 là đàm phán đã « thất bại trên thực tế ». Hiệp định này bị phía Châu Âu đánh giá là quá có lợi cho phía Mỹ.
Giới phân tích, như ông Gary Hufbauer, Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc Tế Peterson ở Washington, cho là các cuộc đàm phán đang trong bế tắc, ít ra là cho đến 2018, cho dù các nhà thương thuyết đều cho rằng công việc vẫn tiếp tục.
Ông Hufbauer giải thích là thời hạn quy định đã qua rồi và ông thuộc phái bi quan, nghĩ là « hiệp định chết hơn là sống ».
Bà Frances Burwell, Atlantic Council, đã ví von một cách hóm hỉnh : « giữa Hoa Kỳ và Châu Âu không bao giờ dễ cả, đấy là hai con voi thương lượng với nhau ».
Theo các chuyên gia, tổng thống Obama có thể thúc đẩy hai hiệp định này trước khi rời Nhà Trắng : ông có thể đưa TPP ra phê chuẩn sau ngày bỏ phiếu 8/11 và trước khi Quốc Hội mới bắt đầu làm việc vào tháng Giêng, khi sức ép chính trị giảm bớt, có điều hy vọng thành công chỉ là 1% vì đảng Công Hòa nắm đa số rất là chỉa rẽ.
Về TTIP, ông Obama cũng có thể thúc đẩy đàm phán và kết thúc vào thời hạn ông muốn nhưng sẽ phải nhượng bộ rất nhiều, với nguy cơ để lại bão táp chính trị cho người kế nhiệm.
Người ta chờ xem tân tổng thống Mỹ sẽ xử lý thế nào hai hiệp định này.

Nhật muốn thắt chặt quan hệ kinh tế với Nga để đối phó với TC

Theo phân tích của hãng tin Anh Reuters ngày 01/09/2016, Nhật Bản đang mong muốn thuyết phục Nga tăng cường quan hệ kinh tế song phương, và hy vọng thắt chặt thêm quan hệ chiến lược hai bên trước một TC đang lên. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu các yếu tố đó có giúp hai bên tìm ra giải pháp cho cuộc tranh chấp lãnh thổ Nga-Nhật tồn tại từ hàng thập kỷ nay hay không.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ gặp tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề diễn đàn doanh nghiệp tại Vladivostok ngày 02/09 để thảo luận về hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn nhất là trong các lãnh vực năng lượng, công nghệ, bên cạnh các chủ đề khác.
Cuộc gặp bên lề Diễn Dàn Kinh Tế Viễn Đông tại thành phố cảng Vladivostock của Nga, sẽ được tiếp nối bằng chuyến đi Nhật của Putin vào tháng 12/2016, theo lời một viên chức Nga. Đây sẽ là chuyến viếng thăm Nhật đầu tiên của Putin từ ngày ông Abe nhậm chức vào tháng 12/2012, cho dù ông Abe đã nhiều lần thăm Nga.
Nhật đã nhìn sang Nga để tìm kiếm một quan hệ gần gũi hơn trước một TC đang lên. Đồng thời Tokyo cũng nhòm ngó dầu khí Nga. Một dấu hiệu cho thấy Tokyo chú trọng đến quan hệ kinh tế, là thủ tướng Abe đã trao cho bộ trưởng Thương Mại Hiroshige Seko thêm nhiệm vụ hợp tác kinh tế với Nga, như phát ngôn viên chính phủ Nhật cho biết vào ngày 01/09.
Trước đây cũng từng có dự kiến Putin viếng thăm Nhật Bản, nhưng không thành do việc Nga sát nhập Crimée năm 2014, buộc Tokyo phải nhanh chóng theo Mỹ và phương Tây, áp đặt trừng phạt đối với Nga.
Một cựu nghị sĩ Nhật, ông Muneo Suzuki, đánh giá là mở rộng quan hệ kinh tế với một con mắt nhìn về khả năng giải quyết tranh chấp về quần đảo ở Tây Thái Bình Dương là điều có ý nghĩa, vì với một bên là tài nguyên Nga, và bên kia là kỹ năng công nghệ, đầu tư Nhật, thì trao đổi rất cân xứng.
Ông Suzuki, hiện là cố vấn cho thủ tướng Abe về quan hệ với Nga, giải thích: «Điều mà tổng thống Putin hy vọng là công nghệ học Nhât. Nếu Nga muốn dùng công nghệ học Nhật để phát triển vùng viễn đông Nga thì chúng tôi sẽ đáp ứng».
Theo ông Tokyo cũng có lợi: «Đối với Nhật đang nhập dầu hỏa và khí đốt từ vùng Trung Đông, cách Nhật 10.000 cây số, thì rõ ràng mua gần hơn, chuyển từ cảng Vladivostok hay Sakhalin đến Nhật, đấy quả là nằm trong quyền lợi quốc gia».
Làm sao thỏa hiệp trên chủ quyền Kurils?
Nhật đang đòi chủ quyền trân các hòn đảo mà Nhật gọi là Lãnh Thổ Phương Bắc, còn Nga gọi là Kurils phía Nam. Đây là những đảo mà Liên Bang Xô Viết chiếm từ sau Thế chiến II.
Các nhà phân tích đều cho là hợp tác kinh tế khó thể thúc đẩy Putin trả lại những gì mà Matxcơva cho là của họ. Putin đã thấy uy tín mình nâng cao trong dư luận Nga sau việc sát nhập Crimée cho dù kinh tế có khó khăn.
Giáo sư Shigeki Hakamada, Đại học Aoyama Gakuin (Nhật Bản), trả lời Reuters, phân tích: «Sát nhập Crimée cho thấy hình ảnh một lãnh đạo Putin có tầm cỡ, lấy lại lãnh thổ đã bị mất, và tỷ lệ người ủng hộ ông đã tăng vọt… Cho nên khó có thể nghĩ là Putin sẽ nhượng bộ trên điều mà chính ông từng nói là đã trở thành lãnh thổ của Nga như một hệ quả của Thế Chiến II».
Đối với ông James Brown, ở Đại Học Temple (Nhật Bản), đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở trên đảo Kuriles cho thấy rõ ràng là Nga không hề muốn trao trả lại các đảo này.
Theo giáo sư Hakamada, có thể có một số lời hứa trong cuộc gặp song phương để «giữ hợp tác kinh tế với Nhật», nhưng ông không nghĩ là có nhượng bộ thật sự.

Phòng Thương Mại Châu Âu tại TC đòi Bắc Kinh mở cửa đầu tư

Trước làn sóng đầu tư của TC vào châu Âu và các cản lực mà châu Âu gặp phải khi vào TC, Phòng Thương Mại Liên Hiệp Châu Âu ở TC ngày 01/09/2016 đã lên tiếng chỉ trích « bối cảnh đầu tư thiếu công bằng » tại TC và yêu cầu Bắc Kinh bãi bỏ các hạn chế áp đặt trên đầu tư nước ngoài. Tổ chức này cảnh cáo là việc TC thâm nhập thị trường châu Âu trong tương lai có thể bị xét lại.
Chủ tịch Phòng Thương Mại Châu Âu, Joerg Wuttke đã nhận định một cách gay gắt: «con đường thương mại của Châu Âu ở TC đã trở nên gập ghềnh và khó khăn », trong lúc mà đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu ngược lại đang «bùng nổ».
Đầu tư của TC sang châu Âu đã tăng 44% trong năm 2015, lên mức 20 tỷ euro, gấp đôi so với đầu tư của châu Âu vào TC, nếu so với 6 tháng đầu năm 2016, thì là gấp 3 lần.
Theo AFP, từ tháng Giêng, những thông báo đầu tư TC mua lại từ các phần công ty, xí nghiệp cho đến câu lạc bộ bóng đá ngày càng nhiều, và đối tượng bị mua toàn những công ty hàng đầu, gần đây nhất là công ty về robot của Đức Kuka, bị mua lại với giá 4,6 tỷ euro.
Nhưng ngược lại thì TC không mở rông cửa thị trường như châu Âu.
Ông Wuttke, mỉa mai «các nhà đầu tư châu Âu không ai dám mơ đến việc mua lại một sân bay ở TC» - trong lúc một tập đoàn TC đã mua lại sân bay Toulouse của Pháp.
Các nhà đầu tư châu Âu vẫn gặp những trở ngại như trong 20 năm qua, trong lúc mà TC giờ đây vẫn được tự do đi mua sắm công ty, và tất cả những gì họ thích ở châu Âu.
Theo ông Wuttke, các nhà đầu tư nước ngoài chẳng hạn không thể mua lại những công ty TC trong các ngành mà họ muốn, luật sư, dược phẩm, xe hơi…
TC thường cho là «đầu tư hai bên cùng có lợi», nhưng trên thực tế, ông Wuttke cho là chỉ một chiều có lợi. Theo ông chênh lệch quá quan trọng, và về lâu về dài khó tiếp tục được như vậy. Nếu Bắc Kinh không đối xử một cách tương xứng, thì không thể để họ tiếp tục thâm nhập một cách dễ dàng thị trường châu Âu.
Phòng Thương Mại Liên Hiệp Châu Âu đại diện cho khoảng 1 800 công ty xí nghiệp châu Âu ở Trung Quốc.

Chuyên gia Mỹ: “TC trỗi dậy không mang dấu hiệu hòa bình”

Một nhà bình luận Mỹ chuyên theo dõi về TC đã cảnh báo không có gì là hòa bình trong việc nước này phát triển thành một cường quốc. Với tư cách là một sức mạnh đang trỗi dậy, là nước chủ nhà thượng đỉnh quốc tế G20 trong hai ngày 04-05/09/2016, TC đang cố thể hiện là « cường quốc thống trị ».
Trong một bài phân tích đăng trên South China Morning Post, được trang mạng News.com.aucủa Úc trích dẫn ngày 31/08/2016, nhà nghiên cứu Frank Ching nhận định phán quyết của Toà Trọng Tài Quốc Tế về Biển Đông vào tháng 07/2016 không làm lay chuyển được các kế hoạch của TC nhằm tăng cường quyền kiểm soát trong vùng.
Ông viết: «Trong thế giới tưởng tượng của mình, việc thực hiện Giấc Mơ Trung Hoa của chủ tịch Tập Cận Bình một lần nữa lại đặt TC thành trọng tâm của thế giới, sau vài thế kỷ bị gián đoạn vì chủ nghĩa tư bản phương Tây».
Chúng ta đã chứng kiến việc TC không «nghe lời » phương Tây và các nước đồng minh về khía cạnh này.
Từ sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường trực La Haye bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông vì « không có bằng chứng pháp lý để Trung Quốc đòi hỏi các quyền lịch sử của mình» trong phạm vi «đường 9 đoạn», TC không ngừng tăng cường hiện diện trong các vùng tranh chấp.
Báo mạng Washington Free Beacon, trích các quan chức của Lầu Năm Góc, cho biết số tầu hải cảnh TC gần những khu vực này tăng lên một cách đáng kể trong tháng vừa qua. Cũng trong thời gian này, hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy nhiều nhà chứa máy bay được gia cố để có thể chứa được chiến đấu cơ trên nhiều hòn đảo nhân tạo được Bắc Kinh ra sức bồi đắp.
Được Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc tế (Centre for Strategic and International Studies, CSIS) và tổ chức Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative) cung cấp, những hình ảnh còn cho thấy nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích quân sự đang được xây trên các bãi đá Chữ Thập (Fiery Cross), Subi và Vành Khăn (Mischief). Tất cả các thực thể này đều nằm trong vùng tranh chấp chủ quyền với nhiều nước Đông Nam Á khác.
Bản báo cáo tiết lộ mỗi hòn đảo sắp tới sẽ có khả năng chứa đến 24 chiến đấu cơ, cùng với 3 đến 4 máy bay cỡ lớn, như máy bay trinh sát, oanh tạc cơ hay phi cơ tiếp nhiên liệu. Như vậy, Bắc Kinh có thể phô trương sức mạnh với khoảng 70 chiến đấu cơ trong vùng.
Thậm chí, theo một phát ngôn viên của CSIS, những nhà kho nhỏ nhất cũng có kích cỡ lớn hơn mức cần thiết để chứa máy bay dân sự. Ông nhấn mạnh những kho bãi này « được gia cố để tấn công».
Theo quan điểm của chuyên gia Frank Ching về vấn đề này, Bắc Kinh biện hộ cho những hành động của mình bằng cách « tạo nên một thế giới tưởng tượng », nơi mà mọi hành động của nước này không bao giờ sai trái.
Ông nhận định: «Điều mà Trung Quốc nghĩ trong đầu là quyền của nước này phải là luật pháp. Điều này giải thích sự thống trị ngỗ ngược của Bắc Kinh tại Biển Đông, nơi Trung Quốc tiếp tục đòi hỏi chủ quyền ».
Trung tuần tháng Tám, tờ báo nhà nước Study Times viết rằng các nước phương Tây tìm cách cố tình ngăn chận một TC đang trỗi dậy và phủ nhận một tiếng nói đích thực trên trường quốc tế với nhiều chương trình như Hiệp định Tự do Mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong một bình luận về thượng đỉnh G20, tờ bán tuần san có uy tín của trường Đảng Trung Ương viết: «Cố gắng chiếm quyền lợi của mình để thống trị thế giới, họ (Hoa Kỳ và đồng minh)đang hình thành một « liên minh thần thánh », tìm cách thiết lập những quy tắc mới. Những nguyên tắc này nhằm loại Trung Quốc ».
Căng thẳng tại thượng đỉnh G20
Trong bối cảnh trên, lần đầu tiên kể từ 8 năm nay, TC là nước chủ nhà, tổ chức hội nghị thượng đỉnh G 20. Sự kiện quan trọng này diễn ra ở Hàng Châu (Hangzhou) và là dịp quan trọng để chủ tịch Tập Cận Bình và chính phủ TC khẳng định vị trí là một cường quốc thế giới.
Theo tờ The Economist, Hàng Châu trở thành một công trường lớn trong suốt năm 2015, với các đội ngũ lao động miệt mài mở những con đường mới và xây dựng những khách sạn sang trọng. Có nhiều tin đồn cho rằng Hàng Châu chi đến 160 tỉ nhân dân tệ cho các công trình này, dĩ nhiên chính quyền thành phố phủ nhận con số đó.
Thế nhưng, theo Reuters, chính phủ TC nghi ngờ phương Tây và các nước đồng minh của họ sẽ làm hỏng các cuộc thảo luận về tình hình kinh tế, căn cứ vào bầu không khí ngày càng căng thẳng xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền hiện nay.
Một quan chức phương Tây sẽ tham dự sự kiện trên cho biết các cuộc đàm thoại với quan chức TC trước kỳ hội nghị G20 đều nổi cộm với các vấn đề như luật lệ tại Biển Đông và hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD được triển khai ở Hàn Quốc.
TC phản đối kịch liệt việc đưa các chủ đề này vào chương trình thượng đỉnh với sự tham gia của tổng thống Mỹ Barack Obama, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, cùng với nhiều lãnh đạo thế giới khác.
Hãng tin Reuters, trích một quan chức ngoại giao phương Tây làm việc tại Bắc Kinh và nắm rõ hồ sơ thượng đỉnh, nhận xét: «Hiện Trung Quốc đang tức giận với gần hết thế giới».
« Ý đồ » hậu G20 của TC
TC có thể thúc đẩy âm mưu chiếm bãi cạn Scarborrough, một khu vực trọng điểm ở Biển Đông. Đây được cho là một hành động khiêu khích.
Vào tháng 08/2016, có nhiều lời cảnh báo cho rằng TC có thể sẽ tiếp tục các công trình bồi đắp vào tuần đầu tháng Chín, như tiết lộ của một nguồn tin ẩn danh: «Trong thời gian hội nghị G20 diễn ra tại Hàng Châu với vấn đề hòa bình trong khu vực sẽ là chủ đề thảo luận chính của các nhà lãnh đạo cường quốc thế giới, Trung Quốc sẽ không « khuấy động» các chương trình bồi đắp đảo».
Thế nhưng, vẫn theo nguồn tin này, việc xây dựng bồi đắp sẽ được tiếp tục ngay khi thượng đỉnh G20 kết thúc và cho đến đầu cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11/2016. Kế hoạch này được cho là mang tính chiến lược, vì Bắc Kinh không muốn gây thêm căng thẳng trong cuộc họp quan trọng này.
Nhiều người cho rằng bất kỳ hành động cải tạo bồi đắp đảo nào đều có nguy cơ xảy ra xung đột quân sự. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Frank Ching, TC nhận thấy không cần phải đối đầu quân sự với Mỹ và bằng mọi giá sẽ tránh mọi cuộc đụng độ.
Philippines cũng có cách nhìn tương tự. Sau nhiều lời phát biểu gay gắt vào tuần trước, tổng thống Rodrigo Duterte lại tuyên bố chiến tranh không phải là một lựa chọn. Trong một bài diễn văn trước sự có mặt của đại sứ TC tại Philippines Triệu Kiến Hoa (Zhao Jianhua), tân tổng thống Philippines nhấn mạnh đến đối thoại dân sự và tuyên bố: «Tôi không ủng hộ chiến tranh… Nếu tôi không sẵn sàng cho chiến tranh, vậy thì, hòa bình là giải pháp duy nhất».

Canada muốn gia nhập Ngân hàng AIIB của TC

Thủ tướng Justin Trudeau ngày 31/08/2016 tuyên bố Canada muốn gia nhập Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á (AIIB) do TC khởi xướng. Tuyên bố trên được đưa ra nhân chuyến công du chính thức Bắc Kinh của người đứng đầu chính phủ Canada nhằm thắt chặt quan hệ hai nước.
Hãng tin AFP trích phát biểu của bộ trưởng Tài Chính Bill Morneau cho biết tham gia ngân hàng AIIB sẽ tạo nhiều «cơ hội thương mại» cho các doanh nghiệp Canada và « công ăn việc làm». Ottawa cho rằng có thể « giúp đỡ ngân hàng về mặt quản trị».
Ông Bill Morneau phát biểu: «Nếu trở thành quốc gia Bắc Mỹ đầu tiên gia nhập AIIB, tôi tin chắc là chúng tôi có thể đóng góp những quan điểm mang tính xây dựng và cân bằng».
Tuyên bố của Canada được đưa ra vào ngày thứ hai của chuyến công du TC của thủ tướng Justin Trudeau. Cùng ngày, ông đã gặp đồng nhiệm Lý Khắc Cường trước khi tham dự thượng đỉnh G20 diễn ra trong hai ngày 04-05/09 tại Hàng Châu.
Kim Lập Quần (Jin Liqun), một cựu quan chức TC tại Ngân Hàng Thế Giới, hoan nghênh quyết định của Canada và đánh giá đây là bằng chứng cho « niềm tin vào nền tảng vững chắc của ngân hàng».
Ngân hàng AIIB được thành lập vào tháng 06/2015 theo khởi xướng của TC nhằm đầu tư vào các công trình cơ sở hạ tầng tại châu Á. Trên tổng số 57 nước thành viên sáng lập, có khoảng 20 nước phương Tây, trong đó có Pháp, Đức và Anh. Tuy nhiên, Nhật Bản và Hoa Kỳ không tham gia.
TC là đối tác thương mại thứ hai của Canada với tổng trị giá trao đổi trên 58,4 tỉ đô la trong năm 2015. Mối quan hệ giữa hai nước bị ảnh hưởng do Bắc Kinh áp dụng những quy định mới về kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với dầu hạt cải (canola) để bảo trợ sản phẩm trong nước, trong khi Canada là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới loại dầu này.
Theo kế hoạch, những quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 01/09/2016, nhưng thủ tướng Lý Khắc Cường đã thông báo tạm hoãn một thời gian để hai nước có thể đàm phán để đạt được một thỏa thuận dài hạn.
Việc TC giam giữ từ năm 2014 một công dân Canada, Kevin Garrat, bị bắt gần biên giới với Bắc Triều Tiên do bị tình nghi làm gián điệp, cũng là được đề cập trong chuyến công du của thủ tướng Trudeau.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.