Tin Việt Nam – 01/09/2016
Hủy bỏ nhạc hội vinh danh Mao Trạch Đông ở Sydney và Melbourne
Tin vui đến từ Úc cho những cộng đồng nạn nhân của chế độ cộng sản: buổi nhạc hội vinh danh lãnh tụ cộng sản Mao Trạch Đông ở Sydney và Melbourne đã bị hủy bỏ, trước áp lực biểu tình phản đối của cộng đồng các dân tộc tị nạn cộng sản, bao gồm Hồng Kong, Đài Loan, Hoa Lục và Việt Nam.
Tin này được đăng tải trên báo chí Úc, và trên trang mạng www.lyhuong.net vào ngày 1/9/2016. Buổi hòa nhạc này được một nhóm thân cộng ở Úc dự định tổ chức để kỷ niệm 40 năm ngày mất của Mao. Điều này đã làm chạm đến nỗi đau của những gia đình gốc Hoa đã từng là nạn nhân của chế độ cộng sản dưới thời Mao, thời đại đã gây ra cái chết của hàng chục triệu người Hoa trong các cuộc cách mạng văn hóa, cách mạng đại nhảy vọt. Các cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra ở tòa đô chính hai thành phố Sydney và Melbourne, nơi dự trù tổ chức 2 buổi nhạc hội vào ngày 6 tháng 9 và 9 tháng 9.
Phát ngôn viên thành phố Sydney đã cho biết buổi nhạc hội ở Sydney không được cho phép vì lý do an toàn. Làn sóng biểu tình của người dân cho thấy khả năng có thể xảy ra bạo động. Hơn nữa, ban tổ chức đã tỏ ra tắc trách, khi cho phát hành rộng rãi vé dự buổi hòa nhạc miễn phí trên mạng mà không có một kế hoạch kiểm soát an ninh nào.
Buổi hòa nhạc ở Melbourne thì đã được chính ban tổ chức tuyên bố hủy bỏ.
Được biết, cộng đồng người tị nạn gốc Hoa tại Úc hiện nay đang bị phân hóa mạnh, bởi làn sóng nhập cư mới đây của những người làm ăn kinh tế, thân chính quyền Bắc Kinh. Họ là những người giàu lên nhờ chế độ; và họ cổ vũ cho sự lớn mạnh của thế lực Trung Cộng trên trường quốc tế. Tuy nhiên, những người đứng ra tổ chức hai buổi nhạc hội này phủ nhận việc họ làm là để ủng hộ chính quyền Trung Cộng. Họ nói rằng ở nước Úc tự do, họ cũng có quyền biểu lộ sự yêu mến Mao Trạch Đông, giống như những người biểu tình không thích ông này. Tuy nhiên, họ sẵn sàng hủy bỏ buổi hòa nhạc để tránh làm chia rẽ cộng đồng người Hoa tại Úc.
Cộng đồng người Việt ở Úc hãnh diện là đã góp phần vào việc hủy bỏ hai nhạc hội này. Đây cũng là một bài học quí giá cho cộng đồng Người Việt Tự Do ở Úc và khắp nơi trên thế giới. Các hoạt động ca ngợi lãnh tụ, ủng hộ chế độ sẽ được chính quyền CSVN thực hiện thông qua các cơ quan ngoại giao, và các nhóm thân chính quyền ở các quốc gia có cộng đồng người VIệt tị nạn sinh sống. Một người Việt ở Sydney nói rằng những người muốn vinh danh Mao hãy học cách cư xử của cộng đồng người Đức. Họ cũng sống ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng không bao giờ có ý định vinh danh Hitler ở các xứ sở tự do cả!
Đoàn Hưng / SBTN
Hàng ngàn người Hà Tĩnh biểu tình phản đối Formosa trước Quốc khánh
Sáng thứ Năm, 1/9, đã có một cuộc biểu tình lớn ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi được coi là tâm điểm của thảm họa ô nhiễm biển do nhà máy của Formosa, Đài Loan, xả chất thải trái phép.
Cuộc biểu tình nổ ra bất ngờ vào ngày thường, không phải vào ngày Chủ Nhật như các cuộc biểu tình trước đây, và diễn ra chỉ một ngày trước Quốc khánh thứ 71 của Việt Nam. Các nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam nhận xét điều này cho thấy những bức xúc của ngư dân bị thiệt hại và những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa đã bị dồn nén quá nhiều.
Nhà hoạt động Hoàng Bình trực tiếp tham gia cuộc biểu tình lớn hôm 1/9. Anh đã đăng nhiều đoạn video về cuộc biểu tình trên trang Facebook cá nhân. Sau đó, rất nhiều người đã tiếp tục chia sẻ các hình ảnh này trên mạng xã hội. Anh Bình mô tả lại với VOA Việt Ngữ rằng hàng ngàn người đã tuần hành đến trung tâm thị xã Kỳ Anh:
“Sáng nay, người dân Giáo xứ Quý Hòa ước tính con số ban đầu khoảng 2.000 người tập trung về xã Kỳ Hà. Họ biểu tình phản đối Formosa, yêu cầu chính quyền bồi thường cho họ. Họ đi tuần hành, họ đi bộ trên 10 cây số. Người dân ở xung quanh đấy họ thấy như vậy thì họ tham gia cũng rất là đông. Con số ước lượng khi lên đến trung tâm thì khoảng độ 8 đến 10.000 người hoặc có thể là hơn”.
VOA không có điều kiện để kiểm chứng về con số người biểu tình. Nhà hoạt động Hoàng Bình nói người biểu tình đã giương các biểu ngữ đòi khởi tố Formosa. Anh cho biết nổi bật lên là biểu ngữ “Chọn Formosa hay chọn dân” mà anh nhận xét “rất quan trọng và rất hay”.
Một trong những thông điệp chính của cuộc biểu tình là người dân tiếp tục đòi tiền bồi thường cho thiệt hại do Formosa gây ra. Những người tham gia biểu tình khẳng định cho đến nay họ “chưa nhận được một xu nào” và nêu câu hỏi trên các biểu ngữ là “Tiền đền bù của chúng tôi đi về đâu?”
Nhà hoạt động Bình cho biết khi đoàn biểu tình đến thị xã, đã có xô xát giữa người biểu tình và cảnh sát. Anh nói:
“Có một đoạn cái đường chính ý thì người ta [cảnh sát] chặn lại đấy thì bạo lực xảy ra, thì hai bên xô xát với nhau. Rồi đến lúc người dân đông quá người ta [người biểu tình] tràn qua, người ta phá tất cả barrier người ta đi qua. Người ta đi lên trung tâm thị xã bằng được. Dân ở đây hiện tại rất là quyết tâm”.
Cũng như các cuộc biểu tình trước, Formosa đã không cử bất cứ ai đại diện ra đối thoại với người biểu tình. Về phía chính quyền địa phương, anh Bình cho hay họ đã nói chuyện với người biểu tình nhưng anh gọi đó là sự “câu giờ”. Anh tường thuật lại:
“Chính quyền sau một hồi thấy căng thẳng quá thì họ mời tất cả bà con nhân dân vào trụ sở ủy ban thị xã. Vào thì thương thuyết, họp. Mục đích của họ chắc chỉ câu giờ thôi. Vấn đề là sức mạnh của dân đông quá cho nên họ mời vào đấy. Bà con cũng bàn bạc với họ một hồi, đưa ra ý kiến, xong bà con rút về. Họ vẫn cứ hứa hẹn như vậy thôi. Họ chỉ nói chung chung thôi. Nhưng mà trong đấy họ cũng né tránh. Chưa có một cam kết nào. Người dân ở đây thì họ có nói họ sẽ biểu tình tiếp. Chừng nào có đền bù và đóng cửa Formosa thì họ mới thôi”.
Báo chí Việt Nam mới đây cho hay Formosa đã chuyển 500 triệu đôla tiền bồi thường cho chính quyền Việt Nam. Nhưng không có tin tức về việc số tiền này bao giờ mới được phân chia đến những người bị ảnh hưởng.
Báo chí Việt Nam cũng chỉ ra rằng theo thông tin của Tổng cục Thuế, đến nay số thuế đã hoàn cho công ty Formosa Hà Tĩnh là hơn 14.600 tỷ đồng, như vậy sau khi bồi thường 500 triệu đôla, tương đương hơn 11.500 tỷ đồng, công ty này vẫn hưởng 2.900 tỷ đồng chênh lệch giữa giá trị thuế được hoàn và số tiền phải chi để đền bù.
Một người được giảm án trong vụ vượt biên sang Úc
Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận hôm nay tuyên y án tù đối với 3 người vượt biên sang Úc và giảm án tù treo đối với một người khác. Luật sư Võ An Đôn, người đại diện cho 4 bị cáo tại phiên tòa cho đài Á châu tự do biết như sau:
Hôm nay ngày 1 tháng 9 năm 2016 tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận mở phiên tòa xét xử 46 người vượt biển qua Úc trong đó có 4 người đã bị kết án sơ thẩm. Thứ nhất là chị trần Thị Lụa 30 tháng tù, chị Huỳnh Thị Kiều 27 tháng tù, thứ ba là anh Nguyễn Đình Quý, chồng chị Kiều là 24 tháng tù, thứ 4 là anh Nguyễn Minh Quyết 24 tháng tù. Kết quả phiên tòa phúc thẩm sáng nay họ cho chị Kiều được hưởng án treo còn lại y án sơ thẩm hết… nguyên nhân tòa cho giảm án treo vì tòa cho rằng trong vụ án này cả hai người là vợ chồng đều bị kết án tù cho nên để lại 3 đứa con nhỏ nên tòa xem xét hoàn cảnh cho nên cho chị Kiều hưởng án treo.
Theo luật sư Võ An Đôn, bản án phúc thẩm xét xử 4 người lần này dù đã xét giảm án cho một trường hợp nhưng vẫn không công bằng đối với những người khác vì chị Trần Thị Lụa cũng có 3 con nhỏ không có người chăm sóc, trong khi đó anh Nguyễn Minh Quyết hiện đã bị bại liệt trong khi bị giam giữ sau khi trở về Việt Nam.
Luật sư Võ An Đôn cho biết theo quy định của luật Việt Nam, những người bị kết án không còn khả năng kháng án và phán quyết của tòa phúc thẩm lần này có tính chung quyết.
Hôm 26 tháng 5, tòa án thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) đã mở phiên sơ thẩm xét xử 4 người. Bốn người bị kết án tù về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép theo điều 275 Bộ Luật hình sự. Những người này nằm trong số 46 người bao gồm cả trẻ em đã tìm cách vượt biển sang Úc vào tháng 7 năm ngoái và bị chính phủ Úc trả về cho Việt Nam trong cùng tháng.
Ngay trước khi phiên tòa sơ thẩm, bà Trần Thị Lụa cho đài Á châu tự do biết bà và những người khác hoàn toàn vô tội.
Chúng tôi đi là đại gia đình, toàn trong gia đình không à. Ai có nhiều thì đậu nhiều, ai có ít thì đậu ít, đậu vô để mua một chiếc thuyền và lương thực ăn đi thôi. Chúng tôi không có buôn người, không có lợi nhuận gì hết…. Ở đây khổ quá thì mới đi. Làm ở đây khổ quá không đủ để nuôi con, sống không có đủ cho nên muốn qua làm có đồng tiền, đời sống con cái khác hẳn ở Việt Nam.
Hôm 23 tháng 5, ngày trước phiên sơ thẩm, Tổ chức theo dõi Nhân quyền quốc tế đã ra tuyên bố kêu gọi chính quyền Việt Nam phải hủy bỏ ngay lập tức mọi cáo buộc liên quan đến hành vi vượt biên trái phép đối với những thuyền nhân bị Úc trả về. Tổ chức này cũng kêu gọi phía Úc phải yêu cầu chính quyền Việt Nam thực hiện cam kết không trừng phạt những người dân bị trả về.
Hội đồng Liên tôn lên án chính quyền muốn tiêu diệt tôn giáo
Hội đồng Liên tôn Việt Nam ra tuyên bố lên án chính sách đàn áp tôn giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt 71 năm cầm quyền. Tuyên bố ký hôm 30 tháng 8 vừa qua.
Bản tuyên bố viết, ‘suốt 71 năm áp đặt lên đất nước chế độ độc tài toàn trị và vô thần duy vật, đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam luôn coi tôn giáo là kẻ thù và các giáo hội là những thế lực cần phải tiêu diệt’.
Tuyên bố của Hội đồng Liên tôn nêu cụ thể những trường hợp bị đàn áp, sách nhiễu đối với các chức sắc và hoạt động tôn giáo của những nhóm tôn giáo không được nhà nước nhìn nhận bao gồm giáo hội phật giáo Hòa Hảo thuần túy, Giáo hội Tin lành, giáo hội Cao Đài, giáo hội Phật giáo thống nhất và Công Giáo.
Hội đồng Liên tôn cũng bày tỏ lo ngại về luật tín ngưỡng tôn giáo mà chính quyền đang soạn thảo và sớm ban hành, cho rằng luật này sẽ củng cố cơ chế xin cho phi lý, vô luật và tàn bạo đối với tôn giáo.
Trong bản phúc trình thường niên về tình hình tự do tôn giáo toàn cầu năm 2015 được công bố hôm 10 tháng 8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá giới chức chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục hạn chế các hoạt động của các nhóm tôn giáo không được đăng ký, đặc biệt là những nhóm chính phủ cho là tham gia vào các hoạt động chính trị. Theo phúc trình, chính phủ Việt Nam đã công nhận 38 tổ chức tôn giáo. Các tổ chức này xuất phát từ 14 tôn giáo được nhà nước ghi nhận.
Bản phúc trình cũng cho rằng dự thảo luật tôn giáo của Việt Nam có nhiều điều khắt khe hơn so với quy định trước đây.
Hôm 19 tháng 8, Việt Nam đã lên tiếng phản đối phúc trình này vì cho rằng phía Mỹ đã có những đánh giá không khách quan và trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam.
Tổng thống Pháp sẽ đem gì tới Hà Nội?
Ngày 5/9 tới Tổng thống Francois Hollande sẽ có chuyến thăm bốn ngày tới Việt Nam, cũng là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Pháp tới Hà Nội sau 12 năm.
Trần Bằng, chuyên gia Quỹ Biển Đông tại Pháp, nói với Hồng Nga của BBC Tiếng Việt về khả năng hợp tác an ninh, quốc phòng Việt-Pháp, nhất là trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông, từ chuyến đi này.
“Chắc chắn vấn đề [an ninh quốc phòng] sẽ được bàn thảo ở mức độ nhất định, trong đó có vấn đề an ninh biển,” ông Trần Bằng nhận xét về những nội dung sẽ được hai bên nhắm tới trong chuyến thăm của ông tổng thống Pháp.
Chuyên gia từ Quỹ Biển Đông nói rằng Pháp có thể cung cấp cho Việt Nam ba điều trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, gồm trợ giúp về chính trị, hợp tác huấn luyện cũng như cách thức vận hành trong quân đội, và trang bị khí tài, “tùy thuộc vào yêu cầu của Việt Nam”.
Trong các lĩnh vực khác, ông Trần Bằng nhận xét: “Ngân sách văn hóa Pháp dành cho Việt Nam thuộc loại cao trong khu vực. Tuy nhiên, ảnh hưởng kinh tế của Pháp khá mờ nhạt.”
“Gần đây, Pháp mong muốn tham gia vào ba lĩnh vực, gồm hạ tầng cơ sở, môi trường và năng lượng. Giới quan sát sẽ chờ xem trong chuyến đi tới đây của ông Hollande, Pháp sẽ phát huy được năng lực cạnh tranh ở những lĩnh vực nào.”
Cơ hội hợp tác an ninh quốc phòng
Nhìn từ phía Việt Nam, vị chuyên gia đánh giá là cũng có những “trở ngại lớn” trong việc hợp tác quân sự với Pháp.
“Đầu tiên, để hợp tác được hiệu quả thì vấn đề nằm ở phần hạ tầng, cụ thể là ở những bộ phận trực tiếp làm việc với nhau.”
“Chẳng hạn nếu Việt Nam có những thiết bị mà Pháp không có, hoặc ngược lại. Khi không có độ tương thích thì hai bên rất khó làm việc với nhau. Đó là rào cản đầu tiên cần vượt qua về mặt kỹ thuật.”
Pháp là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có khả năng cung cấp vũ khí cho quân đội nước mình và xuất khẩu sang nước khác.
Trong lĩnh vực hải quân, Pháp có hệ thống tàu nổi khá đa dạng về chủng loại, với các loại tàu tàng hình, tàu tuần tra ven biển hay tàu vận tải, hỗ trợ. Khả năng tác chiến, chống ngầm của Pháp cũng rất mạnh, với “tầm bao quát có bán kính khá rộng”, theo ông Trần Bằng.
Về hệ thống tàu ngầm, “cách đây nhiều năm Pháp đã thảo luận và giới thiệu với Việt Nam một số mẫu tàu, nhưng sau đó Việt Nam đã chọn mẫu tàu Kilo của Nga”, ông nói thêm.
Phong cách làm việc cũng là một rào cản cho cơ hội hợp tác song phương, bởi: “Ở nước nào cũng vậy, quân đội là lực lượng bảo thủ nhất nếu nhìn từ khía cạnh cần bảo đảm tính an toàn, tính sẵn sàng cao nhất, cho nên rất khó có sáng tạo, đổi mới.”
“Cuối cùng là về vấn đề chính sách – làm sao để giữa hai quốc gia có những giao điểm về mặt an ninh. Bởi đây là vấn đề rất nhạy cảm, thuộc bí mật quốc gia, thậm chí ngay cả đồng minh cũng không phải lúc nào cũng có thể chia sẻ.”
“Để hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực an ninh, phía Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất lớn. Phía Pháp đương nhiên cũng cần có nỗ lực cao hơn.”
Gian nan đường đến Thái chuyển giới
Khải ĐơnBBC Tiếng Việt, từ Bangkok
Tự tìm hiểu qua mạng internet để tiêm hormone một năm trước khi quyết định tìm đến Thái Lan phẫu thuật chuyển giới, là lựa chọn của nhiều người chuyển giới ở Việt Nam.
Đỗ Ngọc Minh (không phải tên thật), người chuyển giới từ nam sang nữ và là sinh viên năm Ba từ Đại học Hoa Sen, kể lại: “Em sử dụng hormone được một năm, tự sử dụng điều trị và khi thấy cơ thể đủ mềm mại rồi em mới đi phẫu thuật.”
Minh tìm hiểu về quá trình sử dụng hormone qua “một người chị thường xuyên dẫn người Việt Nam sang Thái chuyển giới”, theo một liệu trình mà những người từng trải qua cuộc phẫu thuật quan trọng của cuộc đời họ chỉ dẫn.
Từ Sài Gòn, thông tin mà Minh tìm thấy cho ước mơ thay đổi cuộc đời mình chỉ có được qua những cuộc trò chuyện và tìm kiếm trên internet.
“Thời gian đầu em không biết hormone là gì, sử dụng ra sao. Em cứ lên mạng xem thông tin, người ta chỉ nhau uống thuốc ngừa thai nhưng ngực vẫn phát triển nhưng rất là đau nhức. Tác dụng không nhiều,” Minh nhớ lại những gì cô tự làm với bản thân trước đó qua truyền miệng.
“Lúc đó mẹ sợ em uống tầm bậy bị tác dụng xấu. Và mẹ là người chủ động hỏi em có muốn đi phẫu thuật chuyển giới không,” sinh viên này kể lại.
Với nhiều người trẻ như Minh, số tiền để có được ca phẫu thuật và chi phí sử dụng hormone dành cho khao khát này hoàn toàn không hề đơn giản.
Tự tìm đường đến Thái Lan
Ngọc Minh tìm hiểu giá tại nhiều bệnh viện quốc tế tại Thái Lan trước khi chọn thực hiện ca phẫu thuật tại một phòng mạch bình thường ở khu vực Siam (Bangkok). Cô kể lại: “Em từng tham khảo ở bệnh viện Yanhee, giá của bộ phận sinh dục là 270 triệu đồng tiền Việt Nam, chưa tính phần ngực.”
Ngoài ra, cô phải sử dụng hormone với giá 150.000đ/tuần trong 52 tuần trước khi đến Bangkok phẫu thuật.
“Một số bệnh viện có giá cao, thực hiện toàn bộ có khi lên đến gần 500 triệu,” Nguyễn Minh Hoàng, một người trẻ có ý định chuyển giới từ nam sang nữ nói với tôi khi anh lên kế hoạch để kiếm được số tiền đó.
Đỗ Hoàng Vy, sinh năm 1990, làm chủ một tiệm uốn tóc nhỏ ở huyện Thốt Nốt, Cần Thơ, đến Thái Lan giữa tháng 8/2016 để phẫu thuật từ nam sang nữ, kể lại: “Em gom được một mớ [chi phí] để dành. Rồi em đóng hụi, lấy tiền hai chân hụi, mẹ em cho em 10 triệu, em mượn nhỏ bạn làm cô giáo 10 triệu, bạn ở Đài Loan cho em mượn 10 triệu, cộng với tiền để ống heo nào giờ là em đi.”
Sống ở nông thôn miền Tây Nam Bộ, Hoàng Vy chọn phẫu thuật phần ngực tại Việt Nam để có chi phí hợp ly hơn và làm hai phẫu thuật riêng lẻ. “Năm nay, em lên bàn mổ, đúng tròn một năm sau đợi vừa rồi, để phẫu thuật phần dưới.”
Hoàng Vy chọn dịch vụ của một phòng mạch nhỏ tại khu vực Pratunam (Bangkok) với giá chỉ bằng một nửa so với các bệnh viện quốc tế.
“Bác sĩ làm có trách nhiệm, và nhiều bạn bè đi trước của em đã phẫu thuật an toàn,” Vy nói về chọn lựa của cô, dù vẫn còn trở ngại không biết ngoại ngữ khi đến Thái Lan.
Tại Việt Nam, chỉ bằng cách Google, người ta có thể tìm thấy trên các diễn đàn mua bán hormone, giá cả đa dạng từ hơn 100.000đ đến nhiều triệu đồng cho các loại thuốc tiêm và uống.
Nhưng từ ý định sử dụng hormone ban đầu, con đường mà nhiều người chuyển giới gọi là “chuyển hoàn toàn” còn nhiều phức tạp mà họ phải vượt qua.
Nguy cơ sức khỏe?
Chu Thanh Hà, chuyên viên hỗ trợ nghiên cứu quốc gia tại Việt Nam cho Mạng lưới người Chuyển giới Châu Á Thái Bình Dương (APTN) nói với BBC Tiếng Việt: “Tại Việt Nam hiện nay, nếu người chuyển giới từ nữ sang nam (hoặc ngược lại) có nhu cầu được tư vấn thì chưa có cơ sở y tế dịch vụ công hay tư nhân nào có thể đáp ứng được.”
“Các bạn nghe truyền miệng từ mọi người trong nhóm, tự sử dụng hormone không qua các hình thức kiểm tra sức khỏe trước khi sử dụng, không tìm hiểu kĩ thông tin trước khi dùng.
“Cách thứ hai là họ qua Thái Lan khám sức khỏe sau đó kết hợp sử dụng hormone theo tư vấn của bác sĩ.
“Cũng có người tự tìm hiểu kiến thức trên mạng hoặc từ nhóm cộng đồng, mua thuốc từ nhiều nguồn khác nhau trong nước hoặc nhờ mua bên Thái, sau đó tiến hành tự tiêm hoặc nhờ điều dưỡng (tiêm hộ), kết hợp khám định kỳ theo chu kì 3 – 6 tháng/lần”
“Năm 2007, tôi một mình đến Thái Lan để phẫu thuật. Chẳng biết gì, tự đi một mình vậy. Thời điểm đó Thái Lan cũng chưa có luật lệ nghiêm khắc như bây giờ, buộc người muốn phẫu thuật phải đi khám hai bác sỹ tâm lý trước khi lên bàn mổ. Thời đó ai muốn phẫu thuật là phẫu thuật thôi,” bà Lâm Thanh Thảo, một người chuyển giới nhớ lại câu chuyện của chính mình khi đến Thái Lan lần đầu.
Bà Thảo là chủ một thẩm mỹ viện làm đẹp tại Sài Gòn, trước đó từng “đi hát hội chợ kiếm sống từng ngày”, như bà miêu tả, khi rời quê hương ở tỉnh An Giang để thực hiện giấc mơ “được là chính mình.”
Bà Kritima Samitpol, quản lý phòng mạch Tangerine, nói với BBC: “Ở đây, từ khi mở cuối năm ngoái chúng tôi đã có hơn 400 bệnh nhân, có cả những người Việt Nam đến đây để kiểm tra lượng hormone trong cơ thể. Họ đến vài tháng một lần, nhưng chúng tôi cũng có thể chỉ dẫn họ làm xét nghiệm ngay tại Việt Nam và gửi kết quả để chúng tôi tư vấn.
“Người chuyển giới chỉ tiêm hormone vào cơ thể, không có xét nghiệm không thể nào biết họ có bị quá liều hay không. Nếu dùng quá liều nhiều lần, gan và thận của họ sẽ bị ảnh hưởng rất nặng và nguy hiểm.”
Phòng mạch Tangerine là dự án của Hội Chữ Thập Đỏ Thái Lan, cung cấp các tư vấn sức khỏe và tâm lý cho người chuyển giới tại trung tâm Bangkok.
Với nhiều người chuyển giới ở Việt Nam, giấc mơ chuyển đổi cơ thể đã gần hơn trước, thay đổi quan niệm chỉ có những ngôi sao giàu có và người nổi tiếng mới có thể đạt được.
Thị trường hải sản Miền Trung ế ẩm vì dân không tin chính quyền
Dù chính quyền CSVN dở ra những trò mị dân như việc các quan chức ra tắm biển, ăn hải sản, nhưng cho đến nay, thị trường hải sản ở 4 tỉnh duyên hải miền Trung vẫn ế ẩm. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Chỉ riêng tỉnh Quảng Bình, các doanh nghiệp thu mua cá trên địa bàn cho đến nay đã tồn đọng trong kho gần 2,000 tấn cá. Nếu tính hết cả 4 tỉnh miền Trung, thì có hơn 4,000 tấn cá bị tồn đọng trong kho.
Theo những chủ doanh nghiệp tại đây cho biết, nếu cố gắng lắm cũng chỉ tiêu thụ được khoảng 50% số cá tồn đọng, nhưng không phải loại nào cũng có thể bán ra được. Chỉ những loại như: cá thu, cá bạc má, cá nục…là những loại đánh bắt xa bờ mới tiêu thụ được.
Một số ít trong số các doanh nghiệp này đã nhanh chóng bắt tay với doanh nghiệp Hàn Quốc, chế biến cá thành chả để bán. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải chịu lỗ, nhưng đây là cách duy nhất để tiêu thụ được lượng cá tồn đọng.
Rất nhiều các doanh nghiệp chỉ vì nghe lời của chính quyền CSVN thu mua hải sản cho ngư dân, cho đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Không những vậy, cá được bảo quản trong những kho lạnh mới giữ cá được lâu. Chỉ với tiền điện mỗi tháng cũng đã lên đến hàng trăm triệu đồng. Họ đang phải đối mặt với những khoản lãi suất rất cao từ ngân hàng.
Về phía chính quyền, họ cử những lực lượng có trách nhiệm đến các doanh nghiệp, đưa các mẫu hải sản đi xét nghiệm, dán mác cho từng loại mặt hàng “bảo đảm an toàn thực phẩm”. Tuy nhiên, ngay cả những loại được thu mua từ trước khi có thảm họa cá chết thì cũng chẳng bán ra được.
Nguyên nhân là do người dân chẳng tin vào lời nói của chính quyền, không tin vào những nhãn mác được đóng trên sản phẩm, vì cho rằng các nhãn mác hay tem bảo đảm đều có thể làm giả một cách tinh vi.
Tại Hà Tĩnh, sau khi thảm họa cá chết xảy ra, chính quyền đã cho thành lập 25 điểm bán hải sản bảo đảm an toàn trên khắp địa bàn tỉnh. Nhưng cho đến nay, chỉ còn 18 điểm hoạt động cầm chừng, vì mỗi ngày chỉ bán được vài kg cá.
Ngọc Quân / SBTN
Cơ quan nào tham mưu cho Thủ tướng Phúc ‘dùng ngân sách xử lý nợ xấu’?
Lại là Ngân hàng nhà nước. Nhưng khôn ngoan hơn năm 2014, vào lần này giới quan chức lãnh đạo của Ngân hàng nhà nước còn lôi kéo hai bộ Tài chính và Kế hoạch và Đầu tư vào cuộc để cùng “chia lửa”.
Theo báo Vneonomy, Dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư chủ trì xây dựng, vừa công bố, đã dự kiến trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết “Đề án nghiên cứu khả năng bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước để xử lý một phần nợ xấu”.
Với ý đồ đã được bộc lộ rõ như vậy, các ngành chức năng tham mưu cho chính phủ vẫn hoàn toàn chưa từ bỏ ý định rút rỉa ngân sách, mà thực chất là tiền đóng thuế của tuyệt đại đa số dân chúng, để giải quyết mới hỗn độn được gọi là “nợ xấu”.
Việc tái hiện ý đồ trên cũng cho thấy sự thất bại hầu như rõ ràng của cơ chế Công Ty Quản Lý Các Tài Sản Tín Dụng (VAMC) trong việc mua và bán nợ xấu. Được thành lập cách đây 3 năm, nhưng cho tới giờ này VAMC mới chỉ mua được khoảng 10% nợ xấu từ các ngân hàng, không phải bằng tiền mặt mà bằng… giấy.
Tuy nhiên cho đến nay, bế tắc của VAMC là mua nợ rồi, nhưng không biết bán cho ai. Cũng cho tới nay, tuyệt đối không có tin tức nào về một đối tác thương mại và tài chính quốc tế nào chịu mua lại nợ của VAMC, cho dù trước đó VAMC và giới quan chức chính phủ còn dõng dạc: “Nước ngoài xếp hàng chờ mua nợ của Việt Nam”.
Vào tháng 10/2014 – ba năm sau khi triển khai đề án xử lý nợ xấu, chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn Bình đã đưa kiến nghị “xem xét dành một phần chi ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp Nhà nước” ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhưng cũng bởi quá chủ quan, nên giới chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã vấp phải một làn sóng phản đối quyết liệt từ đủ mọi thành phần dân chúng, và cả trong giới quan chức. Cho tới lúc đó, đa số người dân đều đã nhận ra nợ xấu có nguồn gốc cơ bản từ những chiến dịch kinh doanh cực kỳ phiêu lưu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vào các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm trong thời kỳ “đầu cơ vàng” những năm 2006-2007. Để sau đó, khi các thị trường đầu cơ lao dốc và gần như sụp đổ, thì phần lớn các nhà đầu tư đều rước họa vào thân.
Chỉ tính riêng những tập đoàn lớn của nhà nước có tham gia đầu cơ như thế đã mang về số lỗ kinh hoàng như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ 10,000 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ 30,000 tỷ đồng…
Trong lúc dư luận và công luận xã hội dồn dập phản ứng trước đề nghị dùng ngân sách để xử lý nợ xấu của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, một đại biểu quốc hội khu vực Hải Phòng là Trần Ngọc Vinh đã thẳng thừng: “Hiện ngân sách rất eo hẹp, thu chi chưa cân đối được mà còn chi cho ngân hàng nữa thì ngân sách hụt rất lớn. Không bao giờ cho phép lấy tiền ngân sách đắp vào khoản lỗ của các ngân hàng”.
Ít ngày sau đó, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh buộc phải yêu cầu Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư không đưa vào báo cáo trình quốc hội nội dung dùng ngân sách để xử lý nợ xấu.
Còn bây giờ là việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nếu trước đây Thủ tướng Dũng đã mắc lỡm từ dàn tham mưu của Thống đốc Bình, liệu Thủ tướng Phúc hiện nay có đỡ tệ hơn ông Dũng?
Lê Dung / SBTN
Thủ Tướng CSVN yêu cầu bãi bỏ điều 292 bộ luật hình sự
Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu bỏ Điều 292 Bộ Luật Hình Sự đã từng bị các chuyên gia pháp luật và cộng đồng kinh doanh chống đối mạnh mẽ.
Truyền thông trong nước hôm 1/9 đưa tin, ông Phúc đưa ra đề nghị vừa nêu trong phiên họp chính phủ thường kỳ, khi ông cho ý kiến vào dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình Sự năm 2015.
Điều 292 quy định tội danh “cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông”. Theo tường thuật của đài truyền hình VTV1, ông Nguyễn Xuân Phúc nói Điều 292 là một “sai sót pháp lý hết sức nghiêm trọng”, và đưa ra khuyến cáo với cơ quan đã soạn ra điều luật này- Bộ Tư Pháp CSVN- phải “rút kinh nghiệm” từ vụ này và “không được phép lặp lại sai sót tương tự trong tương lai”.
Trước khi có ý kiến của ông Phúc, các luật gia và doanh nhân Việt Nam đã cực lực phản đối Điều 292, vì tất cả các hoạt động kinh doanh trên mạng đều có thể bị coi là phạm pháp nếu có khả năng tạo ra lợi nhuận. Cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp đặc biệt xem Điều 292 là hắc ám, và nhiều người đã dọa bỏ sang nước khác làm ăn để tránh trở thành tội phạm ở Việt Nam dưới điều luật này. Toàn thể Bộ Luật Hình Sự năm 2015 cũng có trên 130 điểm bị cho là sai sót, khiến cho Quốc Hội Cộng Sản Việt Nam hồi cuối tháng 6 đã phải cấp tốc hoãn thi hành để duyệt xét lại.
Huy Lam / SBTN
0 nhận xét