Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Thế giới – 12/09/2016

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016 11:27 // , ,

Tin khắp nơi – 12/09/2016

Bà Clinton hủy vận động ở California

Ứng viên Hillary Clinton hủy chiến dịch vận động ở California sau khi bị chẩn đoán bệnh viêm phổi.
Bác sĩ Lisa Bardack cho biết, bà được chẩn đoán bị viêm phổi hôm 9/9 và được cho dùng thuốc kháng sinh, nhưng sau đó cơ thể bị mất nước tại sự kiện ở New York.
Video cho thấy bà được các trợ lý đưa vào xe sau khi bà sớm rời khỏi buổi lễ.
Thông cáo của bác sĩ cho biết bà đang “hồi phục tốt”.
“Bà Clinton bị ho liên quan đến dị ứng. Hôm 9/9, bác sĩ theo dõi cơn ho kéo dài và chẩn đoán bà bị viêm phổi,” thông cáo của bác sĩ Bardack viết.
“Bà được bác sĩ cho dùng thuốc kháng sinh, khuyên nên nghỉ ngơi và thay đổi lịch trình”.
Một quan chức chiến dịch cho biết, bà đã hủy chuyến vận động tại California do bị ốm.
Theo lịch trình, bà đến California sáng 12/9 cho chuyến đi hai ngày gồm việc gây quỹ và có bài phát biểu về kinh tế.
Đối thủ đảng Cộng hòa truy vấn tình trạng sức khỏe của bà.
Tháng trước, ứng viên Donald Trump nói với những người ủng hộ rằng bà Clinton “thiếu sức chịu đựng về tinh thần và thể chất” để đảm nhiệm vai trò tổng thống và chống lại các chiến binh IS.
‘Âm mưu’
Tháng trước, bác sĩ Bardack nói bà Clinton có “sức khỏe tuyệt vời và thích hợp để đảm nhiệm vị trí tổng thống Hoa Kỳ”.
Bà đã hoàn toàn bình phục sau ca phẫu thuật năm 2012 vì bị tụ máu trong não, bác sĩ cho biết.
Chiến dịch Clinton cáo buộc đối thủ phát tán “âm mưu về sức khỏe của bà Clinton”.
Bà Clinton hiện 68 tuổi, còn ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump 70 tuổi.
Xuất hiện ở nhà con gái, bà Clinton nói: “Tôi rất khỏe. Một ngày thật đẹp ở New York.”
Sau đó bà về nhà ở Chappaqua, New York, và đêm 11/9, bác sĩ Bardack phát đi thông cáo về sức khỏe của bà.
Trước đó, những người thực hiện chiến dịch của bà giải thích bà rời sự kiện ở New York vì “thấy quá nóng”.
Bà Clinton vừa gặp cơn bão chính trị vì phê phán người ủng hộ Donald Trump hôm 9/9.
Hôm 10/9, bà đã xin lỗi vì nói một nửa người ủng hộ ông Trump là “những kẻ tệ hại”.

Giám đốc CIA

cảnh báo về năng lực xâm nhập mạng ‘tinh vi’ của Nga

Giám đốc CIA John Brennan hôm Chủ nhật cảnh báo về năng lực xâm nhập mạng “hết sức lành nghề và tinh vi” của Nga và nói rằng Mỹ cần phải đề phòng.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta phải rất, rất cảnh giác với những gì người Nga có thể đang cố gắng làm trong việc thu thập thông tin trong không gian mạng cũng như những gì mà họ có thể muốn làm với những thông tin đó,” ông Brennan phát biểu trên chương trình Face the Nation của đài CBS hôm Chủ nhật.
Ông không nói liệu Nga có đang tìm cách thao túng cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ hay không khi được hỏi về vấn đề này. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng FBI đang điều tra vụ xâm nhập email của Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc, và ông nêu ra việc Moscow ráo riết thu thập tình báo và chú trọng vào hoạt động do thám công nghệ cao.
“Chúng tôi đã biết điều này khá lâu. Những cơ quan tình báo của họ khá tích cực khắp thế giới,” ông nói. “Và chúng ta phải bảo đảm là chúng ta đề phòng chuyện này, không chỉ vì những mục đích an ninh quốc gia của chúng ta, mà còn bảo đảm rằng hệ thống chính quyền của chúng ta ở đây sẽ được bảo toàn.”

Mối nguy khủng bố vẫn tồn tại 15 năm sau sự kiện 11/9

Người Mỹ khắp cả nước hôm Chủ nhật đã kỷ niệm 15 năm những vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 làm hàng ngàn người thiệt mạng và đẩy Mỹ vào những cuộc chiến tranh kéo dài nhất từ trước đến giờ của nước này. Những buổi lễ trang nghiêm, từ New York tới Pennsylvania đến Ngũ Giác Đài, được cử hành giữa bối cảnh là cuộc chạy đua tranh cử tổng thống mà trong đó an ninh quốc gia là chủ đề nổi bật.
Nhân ngày tưởng niệm này, nhiều người lên tiếng nhắc nhở cuộc chiến chống những người theo chủ thuyết Hồi giáo cực đoan vẫn tiếp tục.
Tướng Lục quân về hưu John Allen nói trên chương trình This Week của đài ABC: “Điều mà chúng ta đang đối mặt trong bối cảnh phong trào khủng bố toàn cầu là một vấn đề lâu dài có liên hệ tới những vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị khắp khu vực đó và khắp thế giới. Nó đã tạo nên sự cực đoan hóa rộng lớn đến mức hết nhóm này tới nhóm khác trỗi dậy trong những năm qua “
Giới chức Mỹ biết rằng những mối đe dọa đã phát triển theo thời gian.
“Chúng ta hiện giờ an toàn hơn khi nói đến việc bảo vệ chống lại một vụ tấn công khủng bố kiểu 11 tháng 9 do những kẻ khủng bố chỉ đạo từ nước ngoài,” Bộ trưởng An ninh Nội địa Jeh Johnson nói với đài ABC. “Tuy nhiên, chúng ta đang ở trong một môi trường mới mà trong đó chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng chống lại và cố gắng ngăn chặn những vụ tấn công kiểu đơn độc, do tác nhân tự cực đoan hóa thực hiện.”
Những người chỉ trích chính quyền Obama muốn Mỹ có thái độ cứng rắn hơn trên trường quốc tế.
“Chúng ta đang ngồi đợi vụ tấn công tiếp theo. Chúng ta nên ở thế tiến công,” cựu thị trưởng Thành phố New York Rudi Giuliani nói.
“Chúng ta sẽ nhớ ba từ rất nổi tiếng: hòa bình thông qua sức mạnh,” ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump nói tại một buổi vận động tranh cử hồi gần đây. “Không ai sẽ dám phá rối chúng ta.”
Nhưng những người bênh vực chính quyền Obama nói rằng cần phải có một chút kiềm chế.
“Quý vị đã nghe Donald Trump nói ông ta sẽ ra lệnh cho quân đội của chúng ta tra tấn. Quý vị đã nghe ông ta nói là ông ta sẽ ra lệnh cho quân đội giết chết người nhà của những kẻ khủng bố,” ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton nói cuối tuần trước. “Quý vị sẽ biết rằng ông ta đang cổ súy những hành động phi pháp trái ngược với luật lệ riêng của chúng ta cũng như luật chiến tranh.”
Trong khi cuộc tranh cử tổng thống quyết liệt phơi bày những rạn nứt trong một quốc gia bị chia rẽ gay gắt, ngày kỷ niệm 11 tháng 9 gợi nhớ lại thời mà người Mỹ từng đồng lòng chung sức.

Bắc Hàn ‘sẵn sàng tiếp tục thử nghiệm hạt nhân’

Victor Beattie
WASHINGTON —
Ba ngày sau khi Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử hạt nhân thứ năm, và cũng là lớn nhất từ trước tới nay, các quan chức Hàn Quốc hôm nay, 12/9, cho biết rằng Bắc Hàn đang chuẩn bị tiến hành một vụ thử hạt nhân khác, và có thể thực hiện bất cứ lúc nào.
Chính quyền của ông Kim Jong Un cũng tuyên bố đã làm chủ được khả năng lắp đầu đạn lên trên một tên lửa đạn đạo.
Hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết như vậy tại một cuộc họp báo hôm nay, và nói thêm rằng điều đó dựa trên các thông tin tình báo của cả Mỹ và Nam Hàn.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc hôm nay dẫn các nguồn tin của chính phủ đưa tin rằng có các dấu hiệu cho thấy miền Bắc đã hoàn thành việc chuẩn bị cho vụ thử nghiệm tại một đường hầm chưa từng được sử dụng tại địa điểm thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri.
Theo Reuters, hãng tin này không cho biết cụ thể các hoạt động đó là gì.
Tổng thống Obama tuần trước lên án vụ thử hôm 9/9, coi đó là “một mối đe dọa nghiêm trọng tới an ninh khu vực, cũng như tới hòa bình và ổn định quốc tế”.
Ông cũng nói rằng Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận Bắc Triều Tiên trở thành một quốc gia trang bị hạt nhân. Đặc sứ về Bắc Hàn của Tổng thống Mỹ, ông Sung Kim, hiện đang ở Seoul sau khi gặp gỡ với các quan chức Nhật Bản hôm 11/9.
Ông Kim phát biểu: “Bắc Hàn tiếp tục cho thấy mối đe dọa ngày càng tăng đối với khu vực, đối với các đồng minh của chúng tôi, và đối với bản thân chúng tôi. Chúng tôi sẽ làm mọi điều có thể để chống lại mối đe dọa đó. Ngoài các hành động của Hội đồng Bảo an, cả Mỹ và Nhật Bản cùng với Hàn Quốc sẽ tìm kiếm các biện pháp đơn phương, song phương cũng như hợp tác ba bên để đối phó lại với thái độ khiêu khích, không thể chấp nhận được của Bắc Hàn”.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cuối tuần trước lên án vụ thử nghiệm mới nhất của Bình Nhưỡng, và các nước như Mỹ, Anh và Pháp thúc giục cơ quan này áp đặt các biện pháp trừng phạt mới.
Ông Troy Stangarone thuộc Viện Kinh tế Triều Tiên ở Seoul nói với VOA rằng cuộc thử nghiệm hôm thứ sáu tuần trước là lớn nhất từ trước tới nay và cho thấy sự tiến bộ rõ ràng của Bắc Hàn.
Trong khi đó, do điều kiện thời tiết xấu, Hoa Kỳ hôm 12/9 đã hoãn đưa máy bay ném bom siêu âm từ Guam tới Hàn Quốc để chứng tỏ cam kết phòng thủ của Mỹ đối với Seoul. Tin cho hay, chuyến bay đã được dời sang ngày 13/9.
Trung Quốc tìm cách lảng tránh chỉ trích của Hoa Kỳ rằng Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về chương trình hạt nhân của miền Bắc.
Tờ Hoàn Cầu Thời báo hôm 12/9 nhấn mạnh rằng Trung Quốc không thể thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân, và thúc giục Hoa Kỳ ký hiệp ước hòa bình với Bắc Hàn.

Ngập lụt gây ảnh hưởng vùng biên giới Bắc Hàn – TQ

Truyền thông nhà nước Bắc Hàn nói người dân của nước này sống dọc biên giới chung với Trung Quốc đang khổ sở sau nhiều ngày ngập lụt nghiêm trọng.
Hãng tin KCNA cho biết lũ lụt do sông Đồ Môn gây ra đã làm hư hại hoặc phá hủy hàng chục nghìn ngôi nhà, khiến nhiều người dân ở tỉnh Bắc Hamgyong trở nên vô gia cư.
Văn phòng Điều phối Các vấn đề Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc cho biết số người chết đã lên đến 133 người, 395 người khác mất tích, trong khi đó, khoảng 16.000 hectare đất nông nghiệp đã bị ngập. Văn phòng cho hay các cơ quan cứu trợ đã cung cấp hàng cứu trợ từ các kho dự trữ ở Bắc Hàn như thực phẩm, lều, dụng cụ lọc nước, và vật tư y tế.
Chính phủ Bắc Hàn đã có chiến dịch huy động dân chúng quy mô lớn để mở lại đường sá và phân phối hàng cứu trợ cũng như vật liệu xây dựng.
Bắc Hàn nghèo đói dễ bị thiên tai, đặc biệt là lũ. Ít nhất 169 người đã thiệt mạng do mưa lớn hồi mùa hè năm 2012.
Lãnh thổ nước này phần lớn đồi núi từ lâu đã bị chặt trụi cây cối để lấy nhiên liệu hoặc biến thành ruộng bậc thang. Điều này làm cho nước mưa chảy xuống dốc không bị kiểm soát.
Một loạt các vụ lũ lụt và hạn hán là một phần nguyên nhân gây ra nạn đói đã giết chết hàng trăm ngàn người từ năm 1994-1998. Bên cạnh đó, quản lý kinh tế yếu kém và việc bị mất trợ giúp của Liên Xô đã làm trầm trọng thêm tình hình.

Vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên gây thêm áp lực cho TQ

Brian Padden
SEOUL —
Mỹ và các đồng minh đã đáp lại vụ thử hạt nhân thứ năm mà Bắc Triều Tiên thực hiện vào thứ Sáu tuần trước bằng lời kêu gọi áp đặt những biện pháp trừng phạt mới, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục gửi đi những tín hiệu mập mờ về việc liệu nước này có hỗ trợ bất kỳ hành động trừng phạt nữa hay không đối với nước đồng minh truyền thống của mình.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp hôm thứ Hai, 12/9, với những nhà lãnh đạo thuộc đảng đương quyền của bà là Đảng Saenuri và hai đảng đối lập chính, Đảng Minjoo và Đảng Nhân dân, để kêu gọi sự đoàn kết đáp lại mối đe dọa hạt nhân ngày càng lớn của Bắc Triều Tiên.
Hàn Quốc đang phối hợp với Mỹ, Nhật Bản và các nước khác để thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gia tăng những biện pháp trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên.
Những biện pháp mới này có thể bổ sung vào danh sách những mặt hàng xuất khẩu bị cấm, và mở rộng số lượng những cá nhân và thực thể của Bắc Triều Tiên có tên trong danh sách đen vì có liên hệ tới những chương trình quân sự và vũ khí của Bắc Triều Tiên.
Ông Sung Kim, đặc phái viên của Mỹ về chính sách Bắc Triều Tiên nói rằng Washington và các nước đồng minh trong khu vực cũng đang cân nhắc áp đặt thêm những biện pháp chế tài đơn phương.
Tuy nhiên, thông tấn xã nhà nước KCNA của Bắc Triều Tiên hôm Chủ nhật gọi nỗ lực áp đặt những chế tài mới do Mỹ dẫn đầu là “vô nghĩa” và “hết sức nực cười.”
Bất chấp vòng chế tài mới nhất của quốc tế áp đặt hồi tháng 3, Bắc Triều Tiên đã tăng tốc những nỗ lực phát triển vũ khí của mình, tiến hành hai vụ thử hạt nhân trong năm nay cũng như thực hiện 21 vụ thử nghiệm phi đạn, bao gồm một phi đạn tầm xa vào tháng 2 và nâng cao năng lực phóng phi đạn từ tàu ngầm của họ.
​Vai trò của Trung Quốc
Trong khi những biện pháp hạn chế nhắm vào Bắc Triều Tiên đã gây ra một số tác động kinh tế trong lĩnh vực thương mại, vận tải và tài chính, song những tác động này được cho là đã được giảm bớt thông qua những giao dịch chợ đen, sự hội nhập với những công ty nước ngoài, và việc Trung Quốc chủ trương thi hành chế tài một cách lơi lỏng.
Sự hợp tác của Bắc Kinh về vấn đề chế tài được coi là trọng yếu bởi vì 90 phần trăm thương mại của Bắc Triều Tiên đi vào hoặc đi qua Trung Quốc.
Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc gây áp lực nhiều hơn lên Bắc Triều Tiên để nước này từ bỏ chương trình hạt nhân nhằm đổi lấy viện trợ về kinh tế và những bảo đảm về an ninh.
Dù Bắc Kinh đã kêu gọi Bình Nhưỡng ngưng thực hiện thêm bất kỳ hành động khiêu khích nào nữa, nhà phân tích Đông Bắc Á Daniel Pinkston của Đại học Troy tại Seoul, Hàn Quốc, cho biết thậm chí bây giờ Trung Quốc vẫn miễn cưỡng áp đặt những biện pháp mà có thể gây ra sự bất ổn trong khu vực hoặc đưa tới sự sụp đổ của chính quyền Kim Jong Un.
Ông Pinkston nói ông nghĩ rằng Trung Quốc vẫn sẽ giữ nguyên phao cứu sinh cho Bắc Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai nói rằng chế tài không thôi không thể giải quyết được vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên và rằng hành động đơn phương chỉ có thể dẫn tới ngõ cụt.

Hàng trăm ngàn người tuần hành đòi độc lập cho xứ Catalonia

Hàng trăm ngàn người dân xứ Catalonia đã tuần hành ở thành phố Barcelona và những thành phố khác ở Tây Ban Nha hôm Chủ nhật để đòi độc lập cho khu vực này nằm ở miền đông bắc.
Cảnh sát Catalonia cho biết tới 800.000 người tuần hành đã đổ ra đường trong khi chính phủ Tây Ban Nha ở Madrid, vốn chống đối độc lập, nói rằng số người tuần hành ít hơn một nửa số con số nói trên.
Chính phủ chủ trương độc lập của xứ Calatonia đã đề ra thời hạn cho việc giành độc lập khỏi Tây Ban Nha là giữa năm sau, nhưng vẫn chưa thể thuyết phục được chính quyền trung ương chấp thuận một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này.
Đấu đá chính trị bên trong chính phủ liên minh của Catalonia và nền kinh tế Tây Ban Nha đang trì trệ cũng làm cho vấn đề thêm phức tạp.
Nhiều người dân Catalonia nói rằng họ đang mất kiên nhẫn với tiến độ chậm chạp hướng tới việc tách khỏi Tây Ban Nha và nói rằng họ muốn thấy khu vực này đơn phương tuyên bố độc lập.
Xứ Catalonia có ngôn ngữ riêng và văn hóa riêng và đã muốn độc lập khỏi Madrid từ hàng trăm năm qua.

Pháp bắt một thiếu niên bị tình nghi định tấn công khủng bố

Cảnh sát Pháp đã chặn đứng một vụ tấn công khủng bố khả dĩ ở Paris cuối tuần này với vụ bắt giữ một thiếu niên nam 15 tuổi bị tình nghi đang chuẩn bị một “hành động bạo lực” sắp sửa xảy ra.
Vụ bắt giữ thiếu niên này hôm thứ Bảy diễn ra hai ngày sau khi cảnh sát đột kích những người mà công tố viên Paris nói là một nhóm những nữ “biệt kích.” Họ bị bắt giữ sau một vụ tấn công cũng bị chặn đứng tại Nhà thờ Đức Bà và một vụ tấn công khả dĩ khác.
Nhân viên tình báo nghi ngờ thiếu niên này lên kế hoạch thực hiện một vụ tấn công bằng dao ở nơi công cộng, nhưng nhà chức trách từ chối xác định nơi mà vụ tấn công có thể xảy ra.
Tin tức về vụ bắt giữ được loan đi ngay sau khi Thủ tướng Manuel Valls hôm Chủ nhật nói rằng “những vụ tấn công đang bị chặn đứng mỗi ngày… trong lúc chúng tôi đang nói.”
Ông Valls cho biết gần 15.000 người tại Pháp đang bị theo dõi vì họ bị tình nghi đang trong quá trình cực đoan hóa, trong khi 1.350 người đang bị điều tra – 293 người trong số này bị điều tra vì bị cáo buộc có liên hệ tới một mạng lưới khủng bố.
Pháp đang ở trong tình trạng khẩn cấp sau ba vụ tấn công trong năm nay, bao gồm vụ tấn công bằng xe tải vào ngày quốc khánh ở Nice, làm thiệt mạng 86 người. Vụ việc đó diễn ra sau hai vụ tấn công vào năm ngoái, đáng chú ý là những cuộc tấn công ngày 13 tháng 11 nhắm vào những nhà hàng, quán bar, nhà hát và sân vận động khiến 130 người chết.

Thỏa thuận ngừng bắn Syria sắp có hiệu lực

Thỏa thuận đình chiến dự kiến bắt đầu ở Syria vào chiều thứ Hai 12/09, sau một cuối tuần không kích dày đặc.
10 ngày đình chiến được đưa ra sau đợt không kích do Mỹ – Nga phối hợp nhằm vào dân quân Hồi giáo cực đoan.
Truyền thông nhà nước Syria đưa tin rằng Tổng thống Bashar al-Assad hoan nghênh thỏa thuận – đạt được vào cuối ngày thứ Sáu 09/09 ở Geneva sau nhiều tháng đàm phán giữa Nga và Hoa Kỳ.
Tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu các phe nổi dậy có tuân theo thỏa thuận.
Nhóm Quân đội Giải phóng Syria viết cho chính phủ Hoa Kỳ nói rằng tuy nhóm sẽ “hợp tác tích cực” với hiệu lực đình chiến, tuy lo ngại thỏa thuận này chỉ có lợi cho chính quyền.
Một nhóm lớn khác, nhóm Hồi giáo cực đoan Ahrar al-Sham, đã bác bỏ thỏa thuận.
“Những người nổi dậy đã chiến đấu và hy sinh trong sáu năm không thể chấp nhận giải pháp nửa vời,” Ali al-Omar, phó thủ lĩnh của nhóm nói trong một đoạn video. Tuy nhiên thủ lĩnh của nhóm đã dừng lại trước khi nói cụ thể hơn rằng sẽ không tuân theo các điều khoản của thỏa thuận.
Vài giờ trước khi bắt đầu ngừng bắn, Tổng thống Assad nói Syra vẫn “quyết tâm lấy lại từng khu vực từ tay khủng bố, và để gây dựng lại”.
Phân tích của Jeremy Bowen, biên tập viên Trung Đông:
Ngay cả trước khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực đã có dấu hiệu cho thấy kế hoạch này có vấn đề.
Các nhóm đối lập có vũ trang đã lập liên minh để chống lại quân đội Syria. Liên minh gồm cả những nhóm được Hoa Kỳ và đồng minh hỗ trợ, và cả những nhóm có liên hệ với al-Qaeda.
Thỏa thuận đình chiến nhằm kêu gọi các nhóm do Hoa Kỳ hỗ trợ tách khỏi những phe khác. Nhưng họ miễn cưỡng thực hiện – một tổ chức nói họ cũng trên cùng một chiến hào, chung phòng chỉ huy.
Đây chỉ là một phần của thỏa thuận phức tạp có thể bị tan vỡ khi va phải thực tế cuộc chiến Syria.
Trước ngừng bắn
Trước khi ngừng bắn, chính quyền Syria vẫn không kích nặng nề ở nhiều khu vực có quân nổi dậy trong cuối tuần qua, khiến khoảng 100 người chết.
Chiến đấu cơ của Nga cũng vào cuộc ở tỉnh Idlib và Aleppo, theo các nhà hoạt động Syria.
Bạo lực gia tăng trước khi đình chiến không thành cũng đã từng diễn ra ở Syria,
“Chúng tôi hy vọng rằng đình chiến sẽ diễn ra để dân thường được nghỉ ngơi một chút. Bắn pháo diễn ra cả ngày và đêm, những vụ giết hại có mục tiêu, các thành phố bị chiếm đóng,” Abu Abdullah, sống ở khu vực do quân nổi dậy nắm giữ ở phía đông thành phố Aleppo nói.
“Dân thường không còn hy vọng nào nữa.”
Theo kế hoạch này, lực lượng chính quyền Syria sẽ ngừng các chiến dịch ở một số khu vực nhất định do quân nổi dậy chiếm đóng.
Nga và Hoa Kỳ sau đó sẽ thiết lập trung tâm phối hợp chung nhằm chống lại các tổ chức Hồi giáo cực đoan, như nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), và Fateh al-Sham (vẫn được biết đến là Mặt trận Nusra).
Xung đột Syria khởi đầu bằng cuộc nổi dậy chống lại ông Assad, đã kéo dài suốt năm năm và lấy đi mạng sống của hơn 250 nghìn người.
Hơn 4,8 triệu người đã chạy ra nước ngoài, và ước tính 6,5 triệu người bị di dời trong đất nước này, theo Liên Hiệp Quốc.
Nếu diễn ra…
Các tổ chức cực đoan như IS và Jabhat Fateh al-Sham phải đối mặt với sức mạnh tổng hợp của không quân Hoa Kỳ và Nga.
Các nhóm trung dung hơn và dân thường trong khu vực sẽ không phải chịu đe dọa không kích như bom thùng mặc dù lực lượng không quân Syria không bị hạn chế hoàn toàn; hàng cứu trợ sẽ được phép chở tới các khu vực đang bị chiếm đóng.
Tổng thống Assad có thể ở vào vị trí mạnh hơn khi quân Nga và Mỹ đối đầu với hai trong số đối thủ mạnh nhất của ông, trong khi đó quân nổi dậy trung dung hơn sẽ tuân theo thỏa thuận ngừng bắn cùng lực lượng của ông.

MH370: Tìm thấy ‘mảnh vỡ bị cháy’

Năm mảnh vỡ vừa được tìm thấy ở Madagascar có thể là của chiếc máy bay bị mất tích của hãng hàng không Malaysia, MH370.
Hai mảnh trông giống như có vết cháy, và nếu điều này được xác nhận thì đây sẽ là lần đầu tiên những vết cháy như thế được tìm thấy.
MH370, bay từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh với 239 người trên khoang đã biến mất hồi tháng Ba 2014.
Những kết quả tìm kiếm mới đây do Blaine Gibson có được. Ông cũng là người trước đây đã tìm được một số mảnh vỡ khác của chiếc phi cơ.
Phần tìm kiếm được quan trọng nhất, theo ông Gibson, là phần hai mảnh có dấu vết như bị cháy, được tìm thấy ở gần Sainte Luce ở đông nam Madagascar.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu những vết đó có phải là do bị cháy trước khi máy bay lao xuống hay đó là do hậu quả sau đó, ông nói.
Một mảnh vỡ nhỏ khác được tìm thấy ở cùng khu vực, và có hai mảnh nữa được phát hiện ở các bãi biển phía đông bắc Antsikara và Riake, nơi trước đó người ta đã từng tìm được một số mảnh.
Toàn bộ năm mảnh mới thấy đều có chất liệu “tổ ong” như ở các mảnh vỡ khác của MH370 đã được tìm thấy trước đó.
Những phát hiện mới đều đã được gửi cho các nhà điều tra tại Sở An toàn Giao thông Úc (ATSB), ông Gibson nói.
Có những mảnh vỡ khác, trong đó có một số được xác nhận là thuộc về MH370, đã được tìm thấy ở các nước gần Madagascar.
Trong số đó có một phần cánh, bộ phận tấm liệng treo (flaperon), được thấy ở đảo Reunion, và một bộ phận thăng bằng ngang (horizontal stabilizer) thuộc phần đuôi máy bay, cùng một bộ phận giữ thăng bằng với chữ “Không Bước lên” được tìm thấy ở Mozambique.
Ông Gibson, một luật sư từ Seattle, đã tự đầu tư cho việc tìm kiếm cá nhân các mảnh vỡ ở đông Phi.
Úc đã dẫn đầu việc tìm kiếm chiếc máy bay mât tích, và đã dùng thiết bị lặn ngầm không người lái cùng thiết bị phát hiện tàu ngầm được triển khai từ những tàu chuyên dụng.
Công cuộc tìm kiếm, với sự tham dự của Malaysia và Trung Quốc, đến nay đã rà soát trên diện tích hơn 105 ngàn cây số vuông tại khu vực có tổng số 120 ngàn cây số vuông.
Nhưng các nước đồng ý rằng do thiếu những “thông tin mới đáng tin cậy” cho nên công cuộc tìm kiếm dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay.

Phụ nữ Hồi ‘bị hãm hiếp do ăn thịt bò’

Một phụ nữ Ấn Độ tố cáo cô bị một nhóm người hãm hiếp ở tỉnh Haryana, sau khi những người tấn công buộc tội cô ăn thịt bò vì là người Hồi giáo.
Người phụ nữ ở độ tuổi 20, nói với BBC rằng hai tuần trước, bốn người đàn ông đã hãm hiếp cô và em họ 14 tuổi một cách tàn bạo, mặc dù cả hai người đã nói không ăn thịt bò.
Cô cho biết những người đàn ông này cũng đánh chú và cô của cô cho tới chết ở nhà của gia đình ở Mewat, khu vực có nhiều người Hồi giáo.
Các nghi phạm đã bị bắt và bị buộc tội hiếp dâm và giết người.
Tuy vụ việc xảy ra vào hai tuần trước, thông tin nay mới được công bố.
“Họ [những người bị cáo buộc] nói rằng chúng tôi ăn thịt bò và đó là lý do chúng tôi bị làm nhục. Họ còn dọa sẽ giết tôi và gia đình nếu chúng tôi nói với bất kỳ ai về những gì đã xảy ra,” cô nói với BBC Urdu.
Nhiều người theo Ấn giáo coi bò là loài vật thiêng và việc giết mổ loài vật này bị cấm ở một số nơi, trong đó có Haryana.
Mewat, cách thủ đô Delhi khoảng 100 cây số, gần đây cũng đã lên mặt báo khi một quan chức cấp cao nói với phóng viên rằng cảnh sát sẽ phải kiểm tra món biryani thịt cừu để đảm bảo không có thịt bò trong đó.
“Cộng đồng Hồi giáo rất sửng sốt và họ thấy lo sợ vì vụ tấn công kinh hoàng như vậy chưa từng xảy ra ở khu vực chúng tôi,” ông Ramzan Chaudhary, người dẫn dắt cộng đồng Hồi giáo ở Mewat nói.
Một số ý kiến cho rằng vụ tấn công đã được lên kế hoạch nhằm tạo ra rạn nứt giữa người theo Ấn giáo với cộng đồng Hồi giáo.
“Chúng tôi chưa bao giờ có căng thẳng tôn giáo ở đây kể từ khi có độc lập. Mọi người [Ấn giáo và Hồi giáo] vẫn luôn sống trong hòa bình ở khu vực này. Có thể vụ việc này được lên kế hoạch nhằm tạo ra căng thẳng tôn giáo trong khu vực,” ông Abid Khan, thành viên của Hiệp hội Luật sư Mewat nói.
Tuy nhiên nơi đây cũng từng chứng kiến các đợt bạo loạn của cộng đồng địa phương.
Đảng cầm quyền Bharatiya Janata (BJP) bác bỏ giả thuyết cho rằng phụ nữ ở đây bị hãm hiếp nhằm tạo ra căng thẳng tôn giáo trong khu vực.
“Đây không phải là chuyện Ấn giáo hay Hồi giáo. Những người phải chịu trách nhiệm về vụ việc sẽ bị trừng phạt và việc người đó đến từ cộng đồng nào không quan trọng,” lãnh đạo BJP, ông Chaudhary Aurangzeb nói với phóng viên.
Hiếp dâm và các tội ác liên quan tới giới tính gây chú ý ở Ấn Độ trong những năm gần đây sau khi một sinh viên bị hãm hiếp và sát hại năm 2012 ở Delhi.
Quốc gia này đã áp dụng luật mới nghiêm ngặt nhằm chống hiếp dâm, tuy nhiên vẫn liên tục có thông tin về các vụ tấn công tình dục dã man nhắm vào phụ nữ và trẻ em trên khắp cả nước.

Samsung trong bão táp vì Galaxy Note 7

Hôm thứ Bảy 10/09/2016, tập đoàn Samsung Hàn Quốc kêu gọi thu hồi dòng sản phẩm mới Galaxy Note. Nguyên nhân là do bộ pin lithium-ion có nguy cơ phát nổ. Trước đó một ngày, chính quyền Hoa Kỳ đã khuyến cáo người sử dụng nên tắt điện thoại. Nhật báo kinh tế Les Echos số ra ngày 12/09/2016 nhận định “Rủi ro phát nổ của Galaxy Note 7 cuốn Samsung trong bão táp”.
Tờ báo hóm hỉnh bình luận: “Vừa mới sắm đã phải xếp xó”. Trên trang mạng của mình, Samsung thông báo: “Chúng tôi đề nghị những ai sử dụng Galaxy Note 7 tại Hàn Quốc nên ngưng sử dụng và giao nộp thiết bị tại các điểm dịch vụ hậu mãi gần nhất để có những biện pháp xử lý cần thiết”.
Thay vào đó, người tiêu dùng được cấp tạm một thiết bị thay thế trong lúc chờ đợi bộ pin mới theo dự kiến sẽ được thay từ đây đến ngày 19/09/2016. Trước đó Ủy Ban Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Sản Phẩm, tại Hoa Kỳ, cũng đã yêu cầu người sử dụng trong nước không nên dùng điện thoại kể cả việc sạc pin. Cơ quan này nêu rõ sẽ làm việc với hãng Samsung để sắp xếp việc thu hồi sớm nhất những chiếc điện thoại thông minh có vấn đề.
Les Echos nhắc lại, hôm thứ Năm 08/09, chính Cơ Quan Hàng Không Liên Bang Mỹ đã đưa ra lời cảnh báo đầu tiên, yêu cầu hành khách không được dùng điện thoại Galaxy Note 7 trên phi cơ và tránh để thiết bị trong khoang hành lý. Một số hãng hàng không, như American Airlines, Delta Airlines và United Airlines, cũng nối gót theo khuyến nghị hành khách áp dụng các qui định này. Số khác thì chỉ tạm thời thông báo về những rủi ro có thể xảy ra.
Những vụ thu hồi đình đám
Trước khi buộc phải thông báo ngưng bán dòng sản phẩm mới này (dự kiến tung ra thị trường châu Âu trong tháng 9/2016) và kêu gọi thu hồi sản phẩm, khoảng 2,5 triệu chiếc điện thoại thông minh này đã được bán ra. Đối với hãng Samsung, đây là một vố đau vào thời điểm đối thủ cạnh tranh lớn là Apple vừa tung ra thị trường dòng sản phẩm mới iPhone 7. Chính vì thế, thương hiệu Hàn Quốc đã phải nhanh chân cho trình làng dòng sản phẩm mới vài ngày trước đối thủ Hoa Kỳ.
Tờ báo điểm lại một số vụ thu hồi sản phẩm ồ ạt trong lĩnh vực công nghệ cao trên thế giới. Năm 2007, Nokia cho thu hồi 46 triệu bộ pin lithium-ion do hãng Matsushita sản xuất do rủi ro bị quá nhiệt. Vào tháng 01/2016, Apple thu lại thiết bị cổng chuyển đầu cắm điện được tung ra thị trường trong khoảng thời gian 2003-2015.
Tuy nhiên hãng Quả Táo thoát được một vụ thu hồi có quy mô lớn vào thời điểm xảy ra vụ “bendgate”. Năm 2014, chiếc iPhone 6 Plus bị chê trách là yếu về mặt cơ học (một số chiếc đã bị gập lại). Hay như vụ “antennagate” hồi năm 2010, iPhone 4 bị điểm mặt vì có vấn đề trong khâu tiếp nhận sóng.
Ngược lại, trường hợp của Galaxy Note 7, lần đầu tiên đối với hãng Samsung, gợi nhắc lại vụ “hoverboards” hồi cuối năm 2015. Những chiếc ván trượt điện tử trong tầm ngắm của chính phủ Hoa Kỳ do những vấn đề bộ nạp điện lithium-ion đôi khi bất ngờ phát nổ.
Hệ quả ra sao?
Như vậy, vụ việc này sẽ để lại hậu quả ra sao cho doanh số bán dòng sản phẩm mới này của thương hiệu điện tử hàng đầu của Hàn Quốc ? Theo Les Echos, vẫn còn quá sớm để khẳng định. Một câu hỏi khác: Làm thế nào mà một hãng hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này lại phạm một sai lầm trong chiến dịch quảng cáo cũng rất quan trọng đối với họ? Trên trang mạng bằng tiếng Anh, Samsung giải thích đó là một “lỗi hiếm có trong khâu sản xuất” các bộ pin.
Theo phân tích của Nomura, một tập đoàn tài chính Nhật Bản, 65% số pin này là do Samsung SDI sản xuất, một chi nhánh chuyên về lĩnh vực này của Samsung. Số còn lại đến từ các nhà xưởng của tập đoàn Amperex Technology của Hồng Kông, một chi nhánh của hãng TDK Nhật Bản.
Vào lúc báo chí Hàn Quốc chỉ trích mạnh mẽ Samsung SDI, tập đoàn đã không lên tiếng xác nhận. Nhưng một điều chắc chắn: các bộ pin được lắp cho Galaxy Note 7 tại Trung Quốc, do Amperex sản xuất lại không đặt ra một vấn đề gì.

Ả Rập Xê Út

cho phát chương trình hành hương Mecca bằng tiếng Ba Tư

Nhân lễ hành hương lớn thường niên của người Hồi Giáo tại thánh địa Mecca (Ả Rập Xê Út), một kênh truyền hình của quốc gia này đã bắt đầu giới thiệu chương trình hành hương bằng tiếng Iran. Sáng kiến được đưa ra vào lúc căng thẳng giữa Ryad và Teheran đã tăng lên tột độ trên mặt tín ngưỡng, cũng như trên thực địa.
Thông tín viên RFI tại Ryad, Clarence Rodriguez, tường thuật :
Kênh truyền hình này chủ yếu phát đi thông điệp của lễ hành hương Hajj, những lời giảng dậy của đạo Hồi và quảng cáo các dịch vụ của vương quốc này dành cho khách hành hương “. Trên đây là lời giải thích của bộ trưởng Thông tin Ả Rập Xê-Út Zeid Al-Trifi.
Các chương trình được phát đi từ ngày thứ Bảy, 10/09 trên kênh phát sóng vệ tinh, đặc biệt nhắm vào những khán giả nói tiếng Ba Tư (hay Farsi, ngôn ngữ chính tại Iran). Cộng đồng nói tiếng Ba Tư gồm khoảng 130 triệu người trên thế giới, trong đó có 60.000 người Iran, trên nguyên tắc sẽ đến hành hương ở Mecca năm nay, nhưng vì không có được thỏa thuận giữa Iran và Ả Rập Xê Út nên họ đành phải ở nhà.
Thế nhưng họ đã có thể xem những chương trình của lễ trên kênh nói trên của Ả Rập Xê Út cho đến ngày 14/09.
Khi đưa ra quyết định mở kênh truyền hình này, rõ ràng là lãnh đạo Ả Rập Xê Út muốn làm lắng dịu căng thẳng về tín ngưỡng mang tính huynh đệ tương tàn giữa Ryad và Teheran.

Vì sao Tập Cận Bình liên tiếp thất bại trong đối ngoại ?

Chính sách xoay trục sang châu Á của Hoa Kỳ ngày càng được nhiều nước châu Á đón nhận ; Hàn Quốc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ ; Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye không công nhận “quyền lịch sử” trong các tranh chấp lãnh hải của Trung Quốc…  “Làm thế nào giải thích về những thất bại ngày càng nhiều trong lĩnh vực đối ngoại của Tập Cận Bình?”. Đây cũng là tựa đề bài phân tích đăng trên báo mạng Foreign Policy ngày 21/07/2016.
Không một ai, kể cả tổng thống Barack Obama, đã « đóng góp » nhiều như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vào việc « giúp » Hoa Kỳ được chào đón tại châu Á. Kể từ năm 2012, chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình đã san bằng nhiều năm trời nỗ lực tận tụy của Trung Quốc trong việc thuyết phục các nước láng giềng châu Á về những lợi lộc có đi có lại của sự trỗi dậy trong hòa bình của Trung Quốc. Dưới thời ông Tập, Bắc Kinh đã hứng chịu một loạt thất bại ngoại giao, gây tác hại đến mức làm nẩy sinh những câu hỏi nghiêm túc về năng lực của ông trong lĩnh vực chính sách đối ngoại.
Bản tổng kết ngắn gọn trong ba năm qua cho thấy một chuỗi những thất bại và thua kém nghiêm trọng trong chính sách ngoại giao. Tòa Trọng Tài Thường Trực ở La Haye, hôm 12/07/2016, đã bác bỏ bản đồ « đường 9 đoạn », mà Bắc Kinh dùng làm cơ sở cho các đòi hỏi về những đảo và đá đang có tranh chấp, cũng như khẳng định 85% diện tích Biển Đông là thuộc về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Đây là một thất bại nặng nề, đánh sập một trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với phần còn lại của châu Á. Phán quyết của Tòa là một ẩn dụ gây bối rối, làm xói mòn hình ảnh một bộ mặt tươi cười mà Trung Quốc tìm cách phô trương.
Thế nhưng, phán quyết của Tòa Án La Haye chỉ là sự kiện mới nhất trong chuỗi thất bại về ngoại giao của Trung Quốc. Trước đó là quyết định của Hàn Quốc triển khai hệ thống THAAD, một hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Hoa Kỳ, bất chấp những phản đối mạnh mẽ và những lời đe dọa phũ phàng của Trung Quốc đối với Seoul. Thái độ độc đoán của Trung Quốc và lời kêu gọi Hàn Quốc hãy ưu tiên chú ý tới các quan ngại về an ninh của Bắc Kinh hơn là các vấn đề an ninh của Seoul, là nhằm gây chia rẽ trong liên minh Mỹ-Hàn, thế nhưng đã gây ra kết quả ngược lại. Quyết định triển khai THAAD đã thúc đẩy Hàn Quốc gần gũi hơn với Hoa Kỳ và mở cửa cho sự hợp tác chiến lược ba bên Mỹ-Hàn-Nhật, một điều mà từ lâu nay Bắc Kinh căm ghét.
Đương nhiên, quyết định triển khai THAAD là do thất bại ngoại giao của Trung Quốc trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân và thử nghiệm tên lửa của Bắc Triều Tiên. Thực vậy, việc Bình Nhưỡng diễu cợt lời cảnh cáo của Bắc Kinh là không nên tiến hành thử hạt nhân và tên lửa là một phản ứng gây ngạc nhiên. Tập Cận Bình đã cử đặc phái viên sang Bình Nhưỡng để thuyết phục Bắc Triều Tiên không nên tiến hành thử tên lửa đạn đạo. Thế nhưng, ngay khi đặc phái viên Trung Quốc về tới nước, ra khỏi máy bay, thì Bắc Triều Tiên thông báo sẽ tiến hành thử tên lửa. Và để chọc tức, Bình Nhưỡng đã làm việc này ngay trước Tết Nguyên Đán.
Thất bại trên bán đảo Triều Tiên tiếp nối sau thất bại ở Senkaku, một quần đảo có tranh chấp mà Bắc Kinh đã tìm cách khai thác như để chọc một cái gai vào liên minh Mỹ-Nhật với câu hỏi liệu Mỹ có ủng hộ Nhật Bản hay không trong một cuộc xung đột với Trung Quốc. Thế nhưng, vào tháng 04/2014, trong chuyến thăm Nhật Bản, Obama đã nói rõ là điều 5 trong thỏa thuận liên minh Mỹ-Nhật được áp dụng đối với vùng quần đảo Senkaku.
Trong lúc đó, các vụ máy bay và tàu biển Trung Quốc thâm nhập vào vùng Senkaku và Biển Hoa Đông đã gây tác động lớn đối với chính sách an ninh của Nhật Bản, dẫn đến việc vào năm 2014, Tokyo quyết định diễn giải lại Hiến Pháp cho phép tiến hành phòng vệ tập thể và đạt được các nguyên tắc chỉ đạo phòng thủ Nhật–Mỹ năm 2015, thừa nhận Nhật Bản có vai trò to lớn hơn đối với an ninh khu vực.
Mùa xuân năm 2016, chiến hạm thuộc lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã ghé vào các cảng ở Vịnh Subic – Philippines, vịnh Cam Ranh – Việt Nam và Sydney – Úc, trước sự tức tối của Bắc Kinh. Thắng lợi của thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc bầu cử Thượng viện gần đây mở ra khả năng Nhật Bản sửa đổi Hiến pháp chủ hòa, một ác mộng khác mà Trung Quốc đã lo ngại từ lâu nay.
Hồi tháng 6/2016, bộ máy ngoại giao năng động của Tập Cận Bình đã đạt được một thắng lợi quan trọng trong cuộc gặp giữa Trung Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN tại Côn Minh (Kunming) : Trung Quốc đã gây sức ép buộc ASEAN phải rút một bản tuyên bố bày tỏ quan ngại về những căng thẳng tại Biển Đông. Vào cùng lúc đó, cách hành xử độc đoán của Bắc Kinh tại Biển Đông đã thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác chưa từng thấy về an ninh giữa Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và các nước duyên hải trong vùng.
Tập Cận Bình: “Một nhà lãnh đạo tồi?”
Ngoài châu Á, Bắc Kinh tiếp tục gặp vận đen tại châu Âu, nơi mà bất chấp sức ép của Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu đã bác bỏ đề nghị của Bắc Kinh cho được hưởng « quy chế nền kinh tế thị trường » trong Tổ chức Thương mại Thế giới. Thậm chí, Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ khởi động cơ chế chống bán phá giá do việc Trung Quốc sản xuất dư thừa thép và các sản phẩm khác.
Ngoài ra, các chính sách kinh tế mang đậm tư tưởng dân tộc chủ nghĩa gây khó khăn cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ và châu Âu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp « vô địch quốc gia » Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đã gây thất vọng nơi cộng đồng doanh nhân Mỹ, vốn lâu nay là cơ sở ủng hộ quan hệ Mỹ-Trung. Không có được sự ủng hộ của giới doanh nhân Mỹ, mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đã mong manh, có thể sẽ còn phức tạp hơn, ảnh hưởng đến môi trường hoạch định chính sách đối với tân tổng thống và ông sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định.
Có thể Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị phải đọc lại bức thư ngỏ nặc danh của một đảng viên hồi tháng 3/2016, đòi ông Tập Cận Bình từ chức. Bức thư viết là ông Tập Cận Bình không có « khả năng lãnh đạo Đảng và đất nước hướng về tương lai », dẫn chứng là chính sách đối ngoại của ông phản tác dụng, từ bỏ sự thận trọng để theo đuổi những « phiêu lưu mạo hiểm ».
Điều ngoài sức tưởng tượng là chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình đã gây ra hậu quả ngoài ý muốn là thúc đẩy các lợi ích của Hoa Kỳ và củng cố chính sách « tái cân bằng » của Obama – một thành công mà bộ Ngoại Giao hoặc bộ Quốc Phòng Mỹ không thể đạt được như vậy, ngay cả lúc thuận lợi nhất.
Làm thế nào để giải thích tất cả những điều này? Sau cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ năm 2008-2009, các nhà phân tích Trung Quốc đã sai lầm khi kết luận rằng Hoa Kỳ đang ở trong giai đoạn cuối cùng của sự suy tàn và rằng đây là thời điểm để xóa bỏ một thế kỷ nhục nhã bằng cách khẳng định ảnh hưởng của mình thay vì chờ thời bởi vì Trung Quốc đã phát triển kinh tế.
Do vậy, chiến lược của Trung Quốc dựa trên những giả thuyết sai lầm, rằng Trung Quốc với lợi thế địa lý, đang trở nên to lớn hơn, và mạnh hơn về quân sự và rằng một nước Mỹ đang suy tàn sẽ từng bước rút ra khỏi vùng này. Các nước châu Á sẽ không có lựa chọn nào khác và chấp nhận các lợi ích của Trung Quốc.
Câu hỏi thú vị là : với tất cả những việc tồi tệ đang trở nên bất lợi này, liệu các đồng chí của ông trong Bộ Chính Trị có đối xử với ông giống như phần lớn các công ty đối xử với một vị chủ tịch tổng giám đốc rõ ràng là bất tài hay không ?

Thanh trừng tại Thổ Nhĩ Kỳ: 28 thị trưởng bị sa thải, cách chức

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Recep Erdogan tiếp tục chiến dịch thanh trừng sau cuộc đảo chính hụt ngày 15/07/2016. Trong tuần qua, hàng ngàn giáo viên đã bị đình chỉ công tác vì bị nghi ngờ ủng hộ lực lượng Kurdistan đòi ly khai, giờ đây đến lượt các thị trưởng nằm trong tầm ngắm của nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm qua, 11/09, 28 thị trưởng đã bị sa thải hoặc cách chức.
Từ Istanbul, thông tín viên Alexandre Billette giải thích :
« 28 người, 28 thị trưởng đã bị sa thải hoặc bị thay thế bằng các quản trị viên. Bốn người trong số này bị nghi ngờ có quan hệ thân cận với giáo sĩ Fethullah Gulen. Những người còn lại đều là thị trưởng ở các vùng phía đông nam, nơi có đa số người Kurdistan bị cáo buộc có cảm tình với Đảng Lao Động Kurdistan – PKK. Theo bộ trưởng Nội Vụ Thổ Nhĩ Kỳ, thì những người này đã nhận chỉ thị của PKK hiện diện tại vùng núi Qandil, phía bắc Irak.
Như vậy, sau khi đình chỉ công tác 11 ngàn giáo viên bị nghi ngờ ủng hộ những người Kurdistan đòi ly khai, giai đoạn hai của chiến dịch thanh trừng nhắm vào những phong trào thân Kurdistan mà Ankara coi đó là những kẻ khủng bố.
Phe đối lập ủng hộ người Kurdistan, đảng Dân chủ Nhân dân –HDP – tố cáo những biện pháp vi phạm các công ước quốc tế, còn Đảng Cộng hòa Nhân dân – CHP ( theo xu hướng dân chủ-xã hội và thế tục) coi chiến dịch thanh trừng này như một cuộc đảo chính chính trị.
Việc gạt bỏ những thị trưởng, vốn được bầu lên với hơn 80% phiếu thuận, có thể làm dấy lên những căng thẳng mới trong vùng phía đông nam : nhiều cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra và bị lực lượng an ninh giải tán ».

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.