Tin Việt Nam – 12/09/2016
Khi tro cốt bị đem ra làm áp lực
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
500 bộ tro cốt không được tiếp cận
Sau khi chùa Liên Trì bị san bằng, mọi vật dụng trong chùa bị lực lượng cưỡng chế mang về Cát Lái trong đó có hơn 500 bộ tro cốt của Phật tử không được chính quyền cho phép thân nhân tiếp cận.
Mặc Lâm trao đổi với Hòa thượng Thích Không Tánh trụ trì chùa Liên Trì hiện vẫn nằm dưỡng bệnh tại bệnh viện Quận 2 để tìm hiểu thêm chi tiết, trước tiên Hòa thường Không Tánh cho biết:
HT Thích Không Tánh: Xin thưa từ ngày họ tới cưỡng chế thì tôi mệt quá nên họ đưa tôi nhập viện để cấp cứu. Tôi được Phật tử họ cho biết là có một số họ cũng cố gắng đến đó vì công an nó vẫn còn canh ở miếng đất của chùa Liên Trì mà nó đã đập xuống, nó xóa rồi đó. Có một số anh em họ chụp hình cho thấy miếng đất hoang tàng, đổ nát hết và họ dọn dẹp không còn gì hết. Các tượng Phật, chuông trống, các tháp khí cũng như xe cộ, di ảnh di cốt rồi bàn ghế giường tủ đồ đoàn của chùa thì họ cho mấy chục chiếc xe chở về Cát Lái.
Miếng đất hoang tàng, đổ nát hết và họ dọn dẹp không còn gì hết. Các tượng Phật, chuông trống, các tháp khí cũng như xe cộ, di ảnh di cốt rồi bàn ghế giường tủ đồ đoàn của chùa thì họ cho mấy chục chiếc xe chở về Cát Lái.
-HT Thích Không Tánh
Họ niêm phong, họ quản thúc Phật, Bồ tát, chuông mõ các di cốt di ảnh, họ đem tới cái dãy nhà tôn họ cất sẵn và nói đó là chùa Liên Trì để đền bồi cho chùa. Quý Phật tử họ ũng có đến xem họ gỡ cái bảng chùa Liên Trì đem xuống đó họ đóng trụ để ngay cái dãy nhà tôn họ nói rằng để đây chờ quý thầy về ký nhận.
Mặc Lâm: Thưa Hòa thượng chùa Liên Trì có được bao nhiêu Phật tử tu tập ạ và phản ứng của họ ra sao khi chùa bị cưỡng chế?
HT Thích Không Tánh: Chùa Liên Trì nó đã có trên 70 năm rồi bây giờ họ đập hết chỉ còn miếng đất hoang. Họ cào sạch hết trọi trơn rồi toàn bộ họ chở hết đem về Cát Lái nơi cái chỗ họ nói họ đền bồi cho chùa Liên Trì.
Trước khi nhà nước không khó dễ đối với chùa thì chùa có hàng ngàn Phật tử. Hai phường Thủ Thiêm và An Khánh đa phần đều dồn về chùa Liên Trì hết nhưng từ khi họ giải tỏa cưỡng chế thì bà con Phật tử bị ép đi tứ tản hết nên chỉ còn lại vài trăm, nhưng cái số Phật từ vẫn gửi cốt vong linh ở chùa cũng cả ngàn. Đa phần Phật tử họ hiền lắm cho nên họ thấy công an hay nhà nước khó dễ là họ sợ.
Mặc Lâm: Trong hoàn cảnh hiện nay Hòa thượng cùng với nhiều sư thầy khác không có chỗ nương tựa, Hòa thượng định thế nào trong những ngày sắp tới?
HT Thích Không Tánh: Trước đây tôi cũng có nói chùa Liên Trì của chúng tôi mà bị nhà nước cưỡng chế, xóa sổ hay dẹp bỏ thì coi như tôi là người không có chùa, như là vô gia cư rồi như vậy thì tôi xin đi tỵ nạn thôi chứ đâu có chỗ nào đâu mà ở?
Hiện tại có nhiều thầy cũng nói thôi bây giờ thầy cứ xin về một vài cái chùa nào quen biết về ở tạm trú hoặc lánh nạn. Hai nữa thì về phía những người mà họ thân với nhà nước Cộng sản thì họ cũng tới thăm họ thuyết phục họ nói thôi thì thầy vể thầy nhận lại cái chỗ đó đi bởi vì thầy phải ký giấy nhận thì nó mới mở niêm phong ra. Trong đó bây giờ một số di cốt gần hàng năm bảy trăm di cốt của Phật tử thờ, hổm rầy họ muốn đến họ đốt nhang thì họ thấy di cốt để đó um sùm nhưng bị công an nó niêm phong, nó đóng cửa lại nó không cho ai vô, nó nói chờ ông thầy ở đây xuống ký nhận thì nó mới cho Phật tử vô.
Ngay cả bây giờ y áo, quần áo, đồ đoàn cá nhân của quý thầy, tất cả dụng cụ bàn ghế đồ dùng nó chở đi hết nó niêm phong ở đó và nó yêu cầu mình muốn nhận thì phải tới đó ký nhận. Quý thầy bây giờ cũng không thể đi cúng bởi vì y hậu, y bát chuông mõ bị nó niêm phong ở dưới Cát Lái rồi. Nó muốn mình nếu muốn nhận lại đồ đoàn cá nhân của mình thì phải đến đó gặp nhà nước ký nhận thì nó mới mở niêm phong ra.
Nhượng bộ chính quyền vì Phật tử?
Mặc Lâm: Chính quyền lấy đồ đạc cá nhân thì giải quyết sau cũng được nhưng tro cốt thì thân nhân phải kiếm chùa khác để gửi chắc chính quyền phải cho phép chứ ạ?
HT Thích Không Tánh: Nó không cho nó nói không được, phải chờ ông thầy ổng hết bệnh ổng xuống ký nhận, tiếp nhận cái cơ sở mới này thì chúng tôi mới mở niêm phong ra.
Nếu bây giờ mình ký tiếp nhận cái cơ sở mới thì chứng tỏ mình nhận sự đền bồi nhận cái sự nó giải tỏa cưỡng chế chùa của mình trong vấn đề này nó cũng có bất ổn chỗ đó.
-HT Thích Không Tánh
Mặc Lâm: Nếu vậy Hòa thượng có nghĩ rằng phải chấp nhận nhượng bộ chính quyền vì Phật tử hay không?
HT Thích Không Tánh: Nếu bây giờ mình ký tiếp nhận cái cơ sở mới thì chứng tỏ mình nhận sự đền bồi nhận cái sự nó giải tỏa cưỡng chế chùa của mình trong vấn đề này nó cũng có bất ổn chỗ đó. Trước đây chúng tôi có tuyên bố rằng dù bây giờ nhà nước có đền 100 tỷ chúng tôi cũng không nhận. Chúng tôi không bán chùa, chúng tôi không đồng ý trao đổi hay bán chác gì hết chuyện này tự nhà nước muốn dẹp chùa mình, muốn xóa sổ cưỡng chế áp lực bằng cả năm bảy trăm công an, bất kể mình có đồng ý hay không họ cũng ào vô chùa. Nếu mình không ký thì nó không cho nhận mà như vậy thì Phật tử trách ngược lại quý thầy mà ký nhận thì sẽ kẹt.
Mặc Lâm: Xin Hòa thượng cho biết rõ hơn điều mà ngài nói kẹt đó là gì?
HT Thích Không Tánh: Khi nó ép mình ký nhận thì trên nguyên tắc đối với công luận quốc tế có nghĩa rằng tôi đồng ý với việc di dời, tôi đồng ý việc cưỡng chế, tôi đồng ý việc giải tỏa đó. Và nếu tôi đồng ý như vậy họ sẽ ép tôi phải làm dơn xin phép lập hộ khẩu, giấy chủ quyền đất, phải xin phép cất chùa lại và ràng buộc đủ mọi thứ.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Hòa thượng Thích Không Tánh.
Việt Nam, Trung Quốc tìm cách ‘tránh chiến tranh’
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức bắt đầu chuyến công du Trung Quốc, trong khi có ý kiến cho rằng hai nước “không bao giờ có chuyện xây dựng lòng tin với nhau”.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam rời thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, hôm nay, 12/9, để tới thủ đô Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức quốc gia đông dân nhất thế giới theo lời mời của người đồng nhiệm Lý Khắc Cường.
Theo dự kiến, ngoài cuộc gặp với người đứng đầu nội các nước chủ nhà, ông Phúc sẽ hội kiến với các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu về quan hệ Việt – Trung, ông Dương Danh Dy, nhận định về chuyến đi Trung Quốc đầu tiên trên cương vị thủ tướng của nhà lãnh đạo Việt Nam:
“Nếu Trung Quốc mời trước rõ ràng là anh Trung Quốc thấy không thể căng với Việt Nam được nữa, phải dịu thôi. Nếu Việt Nam chủ động trước thì cũng ở trong tình trạng ngược lại như vậy. Trong chuyến này, ai mời trước, ai có đề xuất vấn đề trước là có ý nghĩa đấy. Hai bên thấy rằng là, tiếp tục căng như vậy cũng chẳng có lợi cho hai bên, và ít nhất là cũng phải làm cho nó dịu đi”.
Ông Phúc tới tỉnh Nam Ninh, Trung Quốc, hôm 10/9 để tham dự các hội chợ thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN.
Chuyến thăm đầu tiên của quan chức cấp cao Việt Nam sau Đại hội Đảng hồi đầu năm diễn ra một ngày trước khi Nga và Trung Quốc tổ chức tập trận trên biển Đông.
Ông Dy nhận định tiếp rằng quan hệ Trung – Việt “không phải là nhân tố quan trọng”, và “không có sức nặng để tác động tới quan hệ Trung – Nga”.
Cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Việt Nam nói thêm rằng “rõ ràng là, thực lực của Việt Nam càng ngày càng lớn mạnh lên cho nên muốn làm gì ở biển Đông thì Trung Quốc không thể không tính tới Việt Nam”.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Xuân Cường, Viện nghiên cứu Trung Quốc, nói với VOA Việt Ngữ rằng “hai nước đang đứng trước rất nhiều cơ hội và cả một số vấn đề cần phải giải quyết”.
Ông Cường nói thêm:
“Hiện nay vấn đề giải quyết rất nhiều, làm thế nào để đi sâu về hợp tác, làm sao thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, ổn định, thiết thực, hiệu quả. Tuy nhiên, hai nước vẫn tồn tại quan điểm, lập trường khác nhau về vấn đề biển Đông. Tôi nghĩ rằng đây cũng là một cơ hội để hai bên trao đổi sâu hơn và hiểu rõ hơn về lập trường của hai bên và tìm biện pháp để giải quyết. Tôi nghĩ rằng hai nước đang tiếp tục xây dựng, củng cố lòng tin hơn nữa, cần phải xây dựng tốt hơn tin tưởng giữa hai nước”.
Đưa tin về chuyến thăm của ông Phúc, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, vốn từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích Việt Nam, dẫn lời các nhà quan sát nói rằng dù quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh nhìn chung vẫn ổn định, các tranh chấp ở biển Đông sẽ vẫn là một vấn đề trong quan hệ giữa hai nước.
Hồi tháng Tám, Việt Nam kêu gọi “không đe dọa sử dụng vũ lực”, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc kêu gọi nhân dân chuẩn bị cho “chiến tranh trên biển”.
Theo các nhà quan sát, chuyến công du của Thủ tướng Việt Nam cho thấy hai nước láng giềng cộng sản đang tìm cách khôi phục lòng tin, nhưng ông Dương Danh Dy không nghĩ vậy.
Cựu quan chức ngoại giao của Việt Nam nói tiếp:
“Không có cái chuyện tái xây dựng lòng tin đâu. Việt Nam và Trung Quốc còn nhiều thắc mắc, và còn thắc mắc lâu dài, bởi vì ý đồ của Trung Quốc là bá chiếm biển Đông của Việt Nam là ý đồ bất biến của họ, và Việt Nam cũng quyết tâm giữ, cho nên không bao giờ có chuyện xây dựng lòng tin với nhau. Chỉ có cái cố gắng giữ gìn không để xảy ra chiến tranh, không để xảy ra đánh nhau, thế thôi”.
Cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam dẫn lời ông Phúc nói rằng ông sẽ cùng phía Trung Quốc “đi sâu trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh trong thời gian tới”, cũng như tìm cách “cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng trên biển, kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế”.
Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam dự kiến sẽ kéo dài từ ngày 10 tới ngày 15/9.
VN tuyên án 36 cựu viên chức Ngân hàng Xây dựng
Việt Nam vừa tuyên án tù đối với 36 cựu viên chức, trong đó có cả cựu chủ tịch, Ngân hàng Xây dựng (VNCB) về tội đánh cắp 9.000 tỷ đồng (hơn 400 triệu đôla), số tiền đánh cắp được cho là lớn nhất trong các vụ bê bối gần đây trong ngành ngân hàng tại Việt Nam.
Theo AFP, các cựu viên chức ngân hàng của công ty cổ phần Ngân hàng Xây dựng Việt Nam đã bí mật rút tiền từ tài khoản tiết kiệm của các khách hàng, sử dụng số tiền này để cho vay hoặc gửi vào tài khoản cá nhân.
Cụ thể, cựu Chủ tịch VNCB Phạm Công Danh trong thời gian tại chức đã chỉ đạo cấp dưới chuyển 900 tỷ đồng để mua 900 trái phiếu do Tập đoàn Thiên Thanh phát hành, sau đó chuyển sang sử dụng cá nhân, theo VnExpress.
Sau đó, giới chức ngân hàng này tiếp tục chỉ đạo cấp dưới ký các hợp đồng khống thuê mặt bằng các công ty riêng của mình để lấy hơn 600 tỷ đồng. Ngoài ra, cựu Chủ tịch VNCB còn rút hơn 5.000 tỷ đồng qua các hợp đồng vay thế chấp nhưng không có sự đồng ý của chủ tài khoản. Tổng cộng, cựu giới chức ngân hàng cùng với hơn 30 viên chức cùng ngành đã chiếm đoạt, gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng.
VnExpress dẫn tin từ Tòa án cho biết vì lý do số tiền có khả năng thu hồi là cao (khoảng 6.000 tỷ đồng) cùng với sự thành khẩn khai báo của bị cáo nên Hội đồng xét xử đã xem xét giảm nhẹ mức án cho ông Danh còn 30 năm tù. 35 bị cáo khác chịu mức án từ 3 tháng đến 20 năm tù giam.
Lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam gần đây bị tai tiếng bởi một loạt các vụ bê bối, cùng với việc bắt giữ nhiều nhân vật cao cấp trong giới doanh nhân giàu có và các quan chức điều hành về các cáo buộc tham nhũng, tham ô và thiếu năng lực.
Hồi đầu năm nay, 3 cựu quan chức ngân hàng và 6 quan chức chứng khoán của Việt Nam đã bị bắt giữ trong một vụ gian lận trị giá lên đến hàng triệu đôla tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB).
Tháng Bảy năm ngoái, cựu Chủ tịch của tập đoàn dầu khí nhà nước PetroVietnam cũng bị bắt giữ vì cáo buộc sai phạm dẫn đến thất thoát 38 triệu đôla tiền đầu tư của Ngân hàng Ocean Bank.
VN cấm điện thoại Samsung Galaxy Note 7 trên máy bay
Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành văn bản thông báo cấm sạc pin và gửi điện thoại Samsung Galaxy Note 7 trên máy bay nhằm bảo đảm an toàn cho hành khách trên chuyến bay. Lệnh cấm bắt đầu được áp dụng từ ngày 11/9.
Báo Người Lao Động cho hay nhân viên hàng không cũng đã gửi thông báo đến tất cả khách hàng về việc không nhận vận chuyển điện thoại Samsung Galaxy Note 7 trong hành lý ký gửi, cũng như không cho phép hành khách sạc pin loại điện thoại này từ cổng USB được trang bị trên ghế ngồi của một số máy bay.
Thông báo cũng sẽ được nhắc lại khi hành khách làm thủ tục tại sân bay và trên máy bay trước chuyến bay.
Cũng theo báo Người Lao Động, hành khách sử dụng điện thoại Samsung Galaxy Note 7 có thể mang theo điện thoại lên máy bay nhưng không được bật nguồn và không được cắm vào thiết bị sạc trong suốt chuyến bay.
Quy định của Cục hàng không Việt Nam được đưa ra sau khi Cục hàng không Liên bang Mỹ (FAA) hôm 8/9 ra khuyến cáo về lỗi pin của điện thoại Samsung Galaxy Note 7 có thể gây ra cháy nổ trong lúc sử dụng hoặc trong khi sạc pin.
Trước đó, hãng hàng không Singapore Airlines và một số hãng hàng không Úc cũng cấm hành khách sử dụng điện thoại Samsung Galaxy Note 7 trên máy bay.
Theo Người Lao Động, Zing
Việt Nam đồng ý cho Malaysia dẫn độ 8 cướp biển Indonesia
Việt Nam hôm nay đồng ý cho Malaysia dẫn độ 8 người Indonesia bị cho đã cướp một tàu dầu của Malaysia cách đây một năm.
Hãng thông tấn AP loan tin nói quyết định được một tòa án Việt Nam chấp nhận theo yêu cầu của Malaysia, trong khi đó lại bác yêu cầu tương tự của Indonesia.
AP liên lạc với tòa ở Hà Nội để tìm hiểu thêm nhưng chưa được trả lời.
Theo tin cho biết thì 8 người bị bắt vào tháng 6 năm ngoái khi đi vào đảo Thổ Chu và thừa nhận đã cướp chiếc tàu dầu có tên MT Orkim Harmony khi đang trên đường chở dầu đến Kuantan ở Malaysia.
Tin trong nước cho biết, 8 nghi can này có quyền kháng cáo về quyết định dẫn độ trong vòng 15 ngày.
Cơ quan Hàng Hải Quốc tế cho biết những vụ tấn công vào những tàu chở dầu nhỏ ngoài khơi khu vực Đông Nam Á gia tăng kể từ năm 2014.
Indonesia
sẽ trao trả 230 ngư dân Việt Nam về nước vào ngày 14/9
Gần 230 ngư dân Việt Nam sẽ được Indonesia trao trả về nước vào ngày 14 tháng 9 tới đây. Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta cho biết như vừa nêu, cụ thể số ngư dân được trả về bị bắt giữ do đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Indonesia.
Cũng theo tin từ Đại sứ quán Việt Nam loan đi, Indonesia sẽ điều 3 tàu đến vùng biển Natuna, thuộc Indonesia để trao trả các ngư dân này sang tàu Việt Nam. dự kiến cuộc hành trình kéo dài từ 4 đến 5 ngày để về đến Việt Nam.
Tính từ đầu năm đến nay, đã có 9 đợt với khoảng 80 ngư dân Việt Nam được Indonesia trả về. Và lần này là cuộc trao trả được cho là có số lượng lớn nhất từ trước đến nay.
Trước đây, chính phủ Indonesia từng thực hiện việc trao trả ngư dân bị bắt giữ do đánh bắt cá trái phép trong lãnh hải quốc gia này bằng đường hàng không. Tuy nhiên, do chi phí đường hàng không khá tốn kém nên số ngư dân được trao trả trước đó không nhiều.
Indonesia là quốc gia có biện pháp xử lý khá cứng rắn đối với các tàu nước ngoài vi phạm lãnh hải của quốc gia này.
Tòa phúc thẩm
giảm án cho 5 công an đánh chết dân tại Tuy Hòa
BTV Mặc Lâm
Luật sư Võ An Đôn
Ngày mùng 7 tháng 9 năm 2016 Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm vụ án “5 công an đánh chết người dân”. Sáng ngày hôm nay 12 tháng 9 vụ án đã có kết quả phúc thẩm và được Luật sư Võ An Đôn, một trong sáu luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại cho biết như sau:
“Kết quà bản án: Thiếu úy Nguyễn Thân Thảo Thành 05 năm tù giam, giảm 3 năm tù so với bản án sơ thẩm là 8 năm. Thứ hai là Thiếu tá Nguyễn Minh Quyền hai năm sáu tháng tù. Thứ ba là Thượng úy Phạm Ngọc Mẫn 2 năm 3 tháng tù, giống như bản án sơ thẩm. Thứ tư là thiếu tá Nguyễn Tấn Quang 02 năm tù treo, chuyển từ tù giam sang tù treo. Thứ năm trung úy Đỗ Như Huy 01 năm tù treo giống với bản án sơ thẩm. Thứ sáu thượng tá Lê Đức Hoàn 09 tháng tù treo”
Theo luật sư Đôn Mặc dù vụ án này làm dư luận nhân dân cả nước phẫn nộ vì hành vi tra tấn hết sức man rợ nhưng bản án sơ thẩm thì xử quá nhẹ, sau đó đích thân Chủ tịch nước là ông Trương Tấn Sang đã chỉ đạo xử nghiêm vụ án này. Nhưng kết quả bản án phúc thẩm hôm nay nhẹ hơn nhiều so với bản án sơ thẩm.
Theo quy định của pháp luật thì hành vi của các sĩ quan công an này đã phạm vào tội giết người và chịu mức án cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, nhưng tòa án cấp sơ thẩm của tỉnh Phú Yên chỉ truy tố và xét xử về tội “Dùng nhục hình” nhằm giảm nhẹ đến mức thấp nhất cho các sĩ quan công an này. Nói với Đài Á châu Tự do luật sư Võ An Đôn cho biết thêm chi tiết:
“Phiên sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên xét xử với gia đình bị hại không đồng ý nên kháng cáo. Thứ nhất là bản án thứ hai là tội danh từ tội dùng nhục hình thành tội giết người, thứ ba là đề nghị khởi tố thêm tội bắt người trái pháp luật nhưng không hiểu tại sao so với phiên tòa lần này thì lần trước có một mình tôi là luật sư bảo vệ cho gia đình bị hại lần này có tới 6 luật sư bảo vệ cho gia đình bị hại, tại tòa tranh luận rất dữ dội lắm. Vụ án này không có luật pháp chút nào hết, bỏ lọt tội phạm không khởi tố người có tội và bỏ lọt tội phạm tòa vẫn giữ nguyên tội danh đó lại giảm án cho nhiều bị cáo. Việc này làm cho tôi và những luật sư khác rất bất ngờ bởi vì không đúng pháp luật”
Theo cáo trạng của phiên tòa sơ thẩm, vào đầu tháng 3 năm 2012 Công an Thành phố Tuy Hòa lập chuyên án điều tra về vụ trộm cắp trên địa bàn do ông Lê Đức Hoàn làm trưởng ban. Chiều 12 tháng 5 năm 2012, anh Ngô Thanh Kiều bị mời về Công an Thành phố Tuy Hòa làm việc. Lúc 3 giờ 15 phút ngày 13 tháng 5 năm 2012, 7 công an đã đến nhà còng tay anh Kiều đưa về Công an TP Tuy Hòa mà không có lệnh bắt người. Tại đây, trong quá trình lấy lời khai, 5 sĩ quan công an đã thay nhau dùng dùi cui đánh vào người, đầu làm anh Kiều tử vong. Khám nghiệm tự thi có 63 vết thương nặng nhẹ trên người anh Kiều.
Hành hung và đập phá
Hội Thánh Tin Lành (MNVN) TP. Sóc Trăng
Anh Vũ, thông tín viên RFA
Đập phá đồ nhà thờ
Một vụ đập phá Hội Thánh Tin Lành (MNVN) TP. Sóc Trăng tại Phường 6, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng đã xảy ra sáng ngày Chúa Nhật 11/9/2016 và đến hôm nay sự việc vẫn chưa chấm dứt.
Sáng ngày Chúa Nhật 11/9/2016, tại Hội Thánh Tin Lành (MNVN) TP. Sóc Trăng tại địa chỉ 62, Đường Lê Lợi, Phường 6, TP. Sóc Trăng tỉnh Sóc Trăng, đã xảy ra vụ hành hung và đập phá của một số người lạ mặt.
Vụ việc xảy ra khi Mục sư Lê Văn Hòa và các tín đồ Tin Lành ở đây đang làm lễ cầu nguyện vào sáng ngày Chúa Nhật.
MS. Lê Văn Hòa cho chúng tôi biết, cho đến lúc này 16h45’ ngày 12/9/2016 lực lượng nói trên vẫn áp đảo Hội Thánh. Ông nói với chúng tôi:
Do Tổng Liên Hội tổ chức bạo động, đánh anh em trong nhà thờ, đập phá đồ nhà thờ, rồi vây kín nhà thờ. Sáng nay họ tăng cường lực lượng ngoài tỉnh kéo về đây để gây rối, tùm lum lên hết.
-MS Lê Văn Hòa
-MS Lê Văn Hòa
“Tôi đang cầu nguyện trên bục hướng dẫn thì bị một đám 20-30 người xông vào nhà thờ, sau đó họ dập đầu tôi xuống đất, tôi móc điện thoại ra thì bị họ giật điện thoại. Họ xông lên tòa giảng, họ tắt loa, rồi họ đánh anh em, có một số người bị đổ máu. Mà do Tổng Liên Hội tổ chức bạo động, đánh anh em trong nhà thờ, đập phá đồ nhà thờ, rồi vây kín nhà thờ. Sáng nay họ tăng cường lực lượng ngoài tỉnh kéo về đây để gây rối, tùm lum lên hết.
Đây là lệnh của ông Phan Diễm Tự -Tổng Liên Hội, hiện đang chờ chính quyền đến giải quyết. Bây giờ thì tài sản hư hỏng không nhiều, tòa giảng bị vỡ 3 đèn ne’on, sai trang trí hỏng, gãy micro, đập phá hệ thống nước. Bây giờ họ đang tuôn xuống từ tỉnh Hậu Giang, họ xông vào nhà thờ đầy ắp hết, trước sự chứng kiến của chính quyền. Tình trạng của Sóc Trăng đang bị xâm chiếm bất hợp pháp, đánh đuổi tín đồ, không cho thờ phượng.”
Ông Giỏi, một tín đồ tham gia dự lễ hôm Chúa Nhật đã kể lại sự việc như sau:
“Chúng tôi đang cầu nguyện, rồi người của Tổng Liên Hội vô dưới sự chỉ đạo của ông Kha, đột nhập với số lượng thanh niên quá đông, bất thình lình chúng tôi đang cầu nguyện nên không trở tay kịp. Họ chiếm tòa giảng, đè 2 bên ông mục sư. Tôi chạy lên can thiệp để nó giải tỏa ông mục sư, nó bóp cổ tôi. Tôi thì không rõ lắm nhưng trước khi đột nhập vô đây thì họ đã xuống với chính quyền cấp thành phố, cấp phường liên quan để làm lơ cho họ vô đây, mà không biết có ngõ sau không. Nên chúng tôi đang rất lo”
Ngăn cản tự do tôn giáo?
Chúng tôi đã liên lạc tới Mục sư Lê Thanh Bạch, một người có trách nhiệm trong Tổng Liên Hội Thánh Tin Lành tỉnh Sóc Trăng được ông cho biết, cách đây 10 năm MS. Lê Văn Hòa đã nhận được quyết định điều chuyển đi nơi khác, song đã không chấp hành và tiếp tục ở lại. Theo ông, đến nay, Tổng Liên Hội Thánh Tin Lành tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các cấp chính quyền quyết định cưỡng chế để đòi lại tài sản của Nhà thờ. Ông giải thích:
“Đây là việc nội bộ, tổng lễ hội phát động để gây rối cho địa phương, chính quyền chỉ can thiệp để giãn hồi trật tự thôi, chính quyền không đi sâu. Từ đó nó lợi dụng sự dễ dãi của chính quyền, nó mới làm loạn.
Mục sư Lê Văn Hòa thì nó lưu nhiệm cách đây 10 năm, mà ông ấy phải đổi đi, nhưng ông ấy chống lại Tổng Lễ Hội, ông ấy không chịu đi. Ông ấy chiếm cơ sở cho đến bây giờ là 10 năm rồi, không còn ở trong Mục sư đoàn nữa. Và cơ sở là của Hội thánh Tin lành Việt Nam, nên bây giờ nhờ chính quyền để lấy cơ sở lại. Giờ ông ấy đâu có quyền gì trong này nữa nhưng ông ấy giữ nhà thờ, coi như chiếm nhà thờ của hội thánh.”
Tôi không nghĩ là đàn áp đâu, vì cái này chính thức là của Hội thánh Tin lành Việt Nam, hiện chính quyền can thiệp lấy cơ sở lại chứ đâu có gì đàn áp.
-MS Lê Thanh Bạch
Trả lời câu hỏi: hành động trên có phải là việc ngăn cản tự do tôn giáo hay không?
Mục sư Lê Thanh Bạch khẳng định:
“Tôi không nghĩ là đàn áp đâu, vì cái này chính thức là của Hội thánh Tin lành Việt Nam, hiện chính quyền can thiệp lấy cơ sở lại chứ đâu có gì đàn áp. Các ông (RFA) ở nước ngoài chỉ nghe có một phía thôi. Bây giờ chính quyền cùng với Tổng Liên Hội đang giải quyết vấn đề này.”
Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc tới ông Tâm, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Phường 6 và những người có trách nhiệm của UBND TP. Sóc Trăng để tìm hiểu và xác minh tính xác thực của vụ việc, nhưng không nhận được sự trả lời.
Báo cáo tổng kết về tình hình Tự do Tôn giáo ở VN năm 2015, của Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo cho biết, chỉ tính riêng năm 2015 đã có tới 50 vụ vi phạm xảy ra. Những sự vi phạm này thể hiện qua việc sách nhiễu các tín đồ Tin Lành, các tín đồ là đồng bào khu vực thiểu số, các nhóm tôn giáo nhỏ lẻ chưa được “cho phép” hoạt động. Bằng những hình thức như ngăn cản không cho tham dự thánh lễ, đe dọa, không cho phép tụ tập đông người.
Thế lực nào đang thách thức quyền lực của tổng bí thư Trọng?
Trong quá khứ, đã từng có một ít trường hợp quan chức Việt Nam đào thoát khỏi vòng vây an ninh để tị nạn chính trị ở nước ngoài, đương nhiên bị đảng xem “phản bội”. Nhưng đó là đào thoát vì lý do bất đồng quan điểm chính trị.
Còn với trường hợp Trịnh Xuân Thanh, chưa có bất cứ cơ sở nào để cho rằng nhân vật này bất đồng với đảng về ý thức hệ, mà chỉ bởi nguyên do Thanh “vô tình” nằm trong kế hoạch “diệt ruồi” của tổng bí thư Trọng.
Năm 2012, Dương Chí Dũng “xứ Vinalines” – một “con sâu” ghê gớm – đã bị bắt sau 4 tháng lẩn trốn ở Campuchia. Nghe nói để bắt được Dũng, lực lượng tình báo Tổng cục 2 thuộc Bộ Quốc phòng phải ra tay chứ không phải ngành công an Việt Nam.
Nhưng 4 năm sau, tuy có rất nhiều dấu hiệu cùng một giuộc với Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh lại tẩu thoát rất thành công.
Điều đáng nói là lẽ ra ngay từ khi tổng bí thư Trọng chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra đảng trung ương và Bộ Công an kiểm tra về vụ xe Lexus mà Trịnh Xuân Thanh sử dụng ở Hậu Giang, Thanh đã phải bị đặt vào diện “thực hiện biện pháp ngăn chặn”. Thế nhưng không hiểu vì lý do sâu xa gì mà cho đến nay, trước quá nhiều dư luận về việc Trịnh Xuân Thanh đã trốn, vẫn không có bất kỳ một phát ngôn thanh minh, biện minh rõ ràng nào từ Bộ Công an. Tình hình này tất dẫn đến một suy đoán không thể tránh: phải có một thế lực chính trị đủ mạnh thì mới đủ sức cứu Trịnh Xuân Thanh và khiến ngành công an bất động.
Chân thành mà nói, “thế lực nào đang thách thức quyền lực của Tổng bí thư Trọng?” là một câu hỏi không còn giả tưởng mà dường như đang đậm tính thực chất.
Hiện tượng thách thức đảng đã lộ ra rất rõ: từ một nơi kín đáo nào đó, Trịnh Xuân Thanh gọi điện thoại cho phóng viên báo Thanh Niên, gửi thư ra đảng cho cơ quan chức năng qua đường bưu điện, sau đó còn tiến thêm một bước khủng khiếp: có hể Thanh đã liên lạc với blogger Người Buôn Gió – một “đối tượng cực kỳ phản động” mà đảng rất thường chửi bới.
Hiển nhiên, tình trạng an toàn và tâm thế của Trịnh Xuân Thanh “mình phải như thế nào thì mới dám làm vậy”, chẳng khác mấy “mình phải thế nào thì người ta mới tiếp như thế” của Tổng bí thư Trọng sau chuyến đi Mỹ tháng 7/2015.
Thế lực nào đang thách thức ông Trọng? Và nếu có tồn tại thế lực ấy, mọi chuyện chỉ dừng ở thách thức quyền lực đảng hay còn muốn đi xa hơn?
Nếu trước đại hội 12, thế lực mạnh nhất thách thức quyền lực của Tổng bí thư Trọng là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thì nay bắt đầu lộ diện dấu hiệu một đối trọng quyền lực thông qua vụ Trịnh Xuân Thanh.
Người ta đang tự hỏi là nếu đúng Trịnh Xuân Thanh đã liên lạc và ráp mối với blogger Người Buôn Gió, hậu quả nào sẽ xảy ra với đảng mà cụ thể là với Tổng bí thư Trọng?
Sẽ xuất hiện hàng loạt “tài liệu nội bộ” về chỉ đạo của đảng và thậm chí về cả một số nhân vật cao cấp trong đảng như cái cách tài liệu nội bộ được tung như bươm bướm lên mạng xã hội trước đại hội 12?
Hay thâm sâu và rộng lớn hơn, sẽ xuất hiện một áp lực để ép tổng bí thư Trọng phải “nghỉ” sớm hơn tham vọng ngồi cả nhiệm kỳ thứ hai của ông Trọng?
Và rồi sau đó thì sao nữa?
Bàn cờ chính trị Việt Nam đang khôn lường, vô cùng khôn lường. Sau vụ quan chức bị bắn ở Yên Bái, không khí nội bộ cô đặc và sợ hãi đến rúm ró. Khó ai đoán trước được chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng rất nhiều người đã cảm giác về một biến động lớn, thậm chí một biến cố chính trị lớn sẽ bùng nổ trong không bao lâu nữa.
Lê Dung/ SBTN
Thanh tra giao thông nhận tiền bảo kê
chỉ bị luân chuyển công tác
Vừa qua, giám đốc Sở giao thông vận tải thành phố Cần Thơ vừa ký quyết định luân chuyển 11 cán bộ thanh tra giao tạm thời rời khỏi vị trí công tác tại Thanh tra Sở vì liên quan đến vụ án thu tiền bảo kê tiền tỷ.
Theo thông cáo báo chí do ông Lư Thành Đồng, giám đốc Sở giao thông vận tải Tp Cần Thơ ban hành đã luân chuyển tạm thời 11 cán bộ thanh tra giao thông rời khỏi vị trí công tác tại Thanh tra sở. Theo thông tin nhận được, những người này sẽ về nhận công việc tại văn phòng Sở.
Trước đó, vào khoảng thời gian từ năm 2014 đến nay, các cán bộ trên của Sở thanh tra giao thông Cần Thơ đã nhận hơn 3,4 tỉ đồng tiền để bảo kê đối với các nhà xe, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn phải đóng tiền phí bảo kê hàng tháng vào tài khoản. Báo chí trong nước đã đưa tin, vào ngày 16/7/2016, Lý Hoàng Minh, Đội phó Đội Thanh tra giao thông số 3 trực tiếp đi thu tiền bảo kê hàng loạt nhà xe hoạt động trên địa bàn quận Ninh Kiều thì bị bắt quả tang. Sau đó, nhiều cán bộ thanh tra giao thông khác cũng bị liên quan, đặc biệt có Chánh thanh tra và phó thanh tra cũng tham gia vào việc thu tiền “bảo kê”. Tất cả các nhà xe, doanh nghiệp hoạt động trên địa bạn Tp Cần Thơ về lĩnh vực vận tải muốn làm ăn yên ổn đều phải đóng phí “bảo kê” hàng tháng cho cán bộ Thanh tra giao thông.
Sau khi sự việc bị vỡ lỡ, những cán bộ lạm quyền, ăn hội lộ chỉ bị thuyên chuyển công tác mà không phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều này làm cho dư luận phẫn nộ, vì nền luật pháp đầy bất công của CSVN. Sở dĩ những kẻ phạm pháp không bị trừng trị, là bởi vì họ đều có ăn chia với cấp trên. Một chính quyền tham nhũng có hệ thống, thì luật pháp không thể nghiêm minh được.
Nguyên Nguyễn/SBTN
Trung Cộng đòi Nguyễn Xuân Phúc
phải giao thương bằng Nhân Dân Tệ
Trong chuyến thăm Hoa Lục kéo dài 6 ngày bắt đầu từ ngày 10/9 đến 15/9, thủ tướng cộng sản Nguyễn Xuân Phúc đã đến thành phố Nam Ninh, được phó thủ tướng Trung cộng Trương Cao Lệ đón tiếp.
Chiều 11/9, trong khuôn khổ một hội nghị đối thoại bàn tròn, ông Phúc đã không quên nêu cao khẩu hiệu “núi sông liền một dải, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan”, quan hệ hợp tác trên tinh thần 16 chữ vàng khi tiếp các tổng giám đốc doanh nghiệp Trung cộng, Mặc dù, mất đất, mất biển nhưng bất kỳ một lãnh tụ CSVN nào khi tiếp đón một phái đoàn hay đi sứ sang Trung cộng vẫn phải tụng niệm 16 chữ vàng qui hàng đó.
Theo báo Tuổi Trẻ, trong buổi họp bàn tròn này, lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, đã lên tiếng đòi hỏi CSVN phải có chính sách thanh toán bằng Nhân Dân Tệ để vì cho rằng như thế mới thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa 2 nước.
Cũng theo tường thuật của Tuổi Trẻ, bà phó Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn thị Hồng, đã thừa nhận rằng CSVN đã thực hiện thanh toán bằng tiền Nhân dân tệ tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Dù nhìn nhận vẫn còn vướng mắc, bất cập trong giao dịch thương mại nhưng vẫn hứa hẹn sẽ đưa ra biện pháp cụ thể để thúc đẩy việc thanh toán bằng Nhân dân tệ trên đất Việt.
Phong Ly / SBTN
Công nghệ mới, cơ hội cho doanh nghiệp Pháp ở Việt Nam
Trong chuyến viếng thăm vừa qua tại Việt Nam, sáng ngày 07/09/2016, tổng thống Pháp François Hollande đã đến thăm công ty dịch vụ tin học Linkbynet ở Sài Gòn và đã gặp gỡ, trò chuyện với các đại diện của French Tech Viet, cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) của Pháp tại Việt Nam.
Việc ông Hollande bỏ ra đến hơn một tiếng đồng hồ cho cuộc viếng thăm và gặp gỡ này nhằm cho thấy là tổng thống Pháp muốn thúc đẩy các công ty của Pháp đầu tư mạnh hơn nữa vào ngành công nghệ mới ở Việt Nam, một ngành được coi là có rất nhiều tiềm năng phát triển trong những năm tới. Trong chuyến thăm này, ông Hollande đã cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ mới đầu tư tại Việt Nam và nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp.
French Tech Viet là một cộng đồng có hơn 800 thành viên, trong đó có hơn 120 doanh nghiệp nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ mới: Nghe nhìn, Giải pháp tin học cho khối Ngân hàng và Tài chính, Viễn thông, Phần mềm, Chính phủ điện tử, Trò chơi điện tử, Thương mại điện tử, An ninh mạng, Đào tạo và Dạy học từ xa.
Trả lời RFI trước khi tổng thống Hollande đến thăm công ty Linkbynet, một trong những thành viên của Frenh Tech Viet, cô Celine Zapolsky, cho biết :
« Hôm nay chúng tôi gặp tổng thống để trình bày với ông về hệ thống các công ty công nghệ mới ở Việt Nam và đâu là vị trí của các doanh nghiệp Pháp trong hệ thống này. Chúng tôi cũng đang xin được công nhận là một trung tâm công nghệ mới của Pháp (French Tech Hub) ở Việt Nam. Đây là dự án thể hiện mong muốn của toàn bộ các công ty Pháp có mặt tại đây, một tập thể gồm 200 người và 120 công ty. Chúng tôi hy vọng sẽ được công nhận vào tháng 10 tới. Đây là giấy chứng nhận dành riêng cho các công ty công nghệ mới của Pháp ở nước ngoài để khẳng định sự hiện diện của Pháp trong lĩnh vực này ở nước ngoài.
Một khi được công nhận là French Tech Hub, chúng tôi sẽ có được những công cụ thông tin rất tốt, các sự kiện mà chúng tôi tổ chức sẽ quan trọng hơn, nhằm thu hút thêm các nhà đầu tư Pháp và nước ngoài đến Việt Nam, phổ biến rộng rãi hơn những sáng kiến, dự án công ty khởi nghiệp ở Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi sẽ có thể quảng bá tốt hơn các công nghệ mới của Pháp đến các doanh nghiệp đang có mặt ở Việt Nam và chính phủ Việt Nam. »
Cô Céline Zapolky nêu ra một số yếu tố thuận lợi cho việc đầu tư của các doanh nghiệp Pháp vào lĩnh vực công nghệ mới ở Việt Nam :
« Về tình hình hiện nay ở Việt Nam thì chúng ta đã có Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2016- 2020, với một trong những ưu tiên là phát triển công nghệ mới. Đó là một yếu tố rất tích cực.
Yếu tố thuận lợi thứ hai là ở Việt Nam hiện nay có những người được đào tạo rất tốt, với nhiều kỹ sư được đào tạo ở nước ngoài, bây giờ trở về nước làm việc. Trong giới công nghệ của Pháp cũng có rất nhiều người Việt ở nước ngoài muốn trở về đầu tư trong nước.
Yếu tố thuận lợi thứ ba: Việt Nam là quốc gia có vị trí đặc biệt trong ASEAN, giúp cho ngành công nghệ mới của Pháp lan tỏa xa hơn trong khu vực, một « đồn tiền tiêu » rất tốt trong ASEAN ».
Cô Céline Zaposky hiện là giám đốc điều hành của công ty Linagora Vietnam. Linagora là công ty hàng đầu của Pháp trong lĩnh vực phần mềm miễn phí. Thật ra, việc cô sang làm việc ở Việt Nam còn có một lý do khác, đó là Céline còn có tên là Hoàng Lan, tức là cô mang hai dòng máu Pháp Việt, bố Pháp, mẹ Việt. Sang Việt Nam làm việc đối với cô là một hình thức trở về nguồn.
Ngoài những người mang hai dòng máu Pháp Việt như thế, còn có những người Việt trẻ sống ở Pháp nay trở về góp phần phát triển công nghệ mới ở Việt Nam, như trường hợp của anh Bùi Vĩnh Thụy, đại diện của công ty dịch vụ tin học Linkbynet ở Việt Nam, mới được thành lập năm 2014. Tuy bận rộn chuẩn bị đón tiếp tổng thống Francois Hollande, anh Bùi Vĩnh Thụy đã dành cho RFI bài phỏng vấn sau đây :
0 nhận xét