Điểm báo Pháp – 12/09/2016
Thời sự đọc nhanh
(Reuters) Trung Quốc điều chỉnh luật hình sự, chứng minh tôn trọng nhân quyền. Bị chỉ trích ép cung, tra tấn tù nhân, vi phạm quyền cơ bản của con người trong các trại giam, Trung Quốc ngày 12/09/2016 thông báo sửa đổi luật giam giữ tội phạm, thừa nhận quyền được coi là vô tội trước khi bị truy tố.
Bản tin của Tân Hoa Xã trích dẫn thông cáo từ Quốc Vụ Viện Trung Quốc cho biết Bắc Kinh nỗ lực bảo đảm « quyền lợi cho các nghi phạm ». Theo giới quan sát, Trung Quốc đang tìm cách tô điểm lại hình ảnh sau một loạt các vụ tai tiếng, các vụ xử oan được phơi bày ra ánh sáng gần đây.
(Reuters) Thái Lan : Thêm 21 ca nhiễm virus Zika. Bộ Y Tế Thái Lan ngày 11/09/2016 cho biết có thêm 21 ca mới bị nhiễm virus Zika tại Bangkok. Trong số này có một phụ nữ mang thai, nhưng bà đã sinh nở sau đó một cách êm xuôi. Bộ Y Tế kêu gọi cư dân Bangkok giữ bình tĩnh, sau khi những trường hợp nhiễm virus Zika nói trên được xác nhận ở khu phố Sathorn, sát một ngôi chợ đông đúc, có cộng đồng người nước ngoài trú ngụ và cũng là một khu thương mại dịch vụ của thủ đô Thái Lan.
Từ đầu năm đến nay, 16 trên số 76 tỉnh Thái Lan đều có trường hợp nhiễm virus Zika, nhưng theo phát ngôn viên bộ Y Tế Thái Lan, không có trường hợp tử vong hay hư thai được ghi nhận, cho nên ông kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh.
(Reuters) Trung Quốc chừng mực hơn trong chính sách tiền tệ. Trả lời hãng tin China Business News ngày 12/09/2016, kinh tế trưởng ngân hàng trung ương Trung Quốc, Mã Tuấn (Ma Jun) thông báo Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc chuẩn bị xiết chặt chính sách tiền tệ. Hãng tin Bloomberg của Mỹ nhắc lại tổng số nợ của Trung Quốc năm 2015 đã tăng cao, tương đương với 250% GDP của quốc gia này. Còn theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc ước tính lên đến khoảng 145% tổng sản phẩm nội địa của nền kinh tế thứ 2 toàn cầu. Giới chuyên gia liên tục cảnh cáo Bắc Kinh tung tiền « mua tăng trưởng » tạo nên những quả bóng đầu cơ.
(AFP) Trung Quốc sắp hoàn tất chiếc cầu cao nhất thế giới. Chiếc cầu cao nhất thế giới, ở độ cao gần 565 mét bắc qua sông Bắc Bàn (Beipan), tỉnh Quý Châu (Guizhou), miền tây nam Trung Quốc, sẽ được khánh thành trước cuối năm 2016. Hai phần cầu đã được nối lại ngày 10/09/2016. Chiếc cầu treo dài hơn 1.300 mét sẽ nối liền bằng đường bộ Quý Châu với tỉnh Vân Nam lân cận.
Trước cầu Quý Châu, cây cầu cao nhất thế giới cũng ở Trung Quốc nhưng là công trình bắc ngang sông Tứ Đệ (Sidu) ở Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc.
(AFP) Lũ lụt lớn tại Bắc Triều Tiên làm hơn 500 người thiệt mạng và mất tích. Khu vực sông Đồ Môn (Tumen), trong vùng biên giới chung giữa Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Nga bị lụt nghiêm trọng. Theo thống kê mới nhất của Liên Hiệp Quốc, 133 người thiệt mạng, 395 người mất tích và hơn 100.000 người phải đi sơ tán do thiên tai. Khoảng 16.000 ha đất nông nghiệp bị ngập lụt. Liên Hiệp Quốc thẩm định là có ít nhất 140 ngàn người cần được trợ trợ giúp khẩn cấp.
Trong khi đó, Hội Đồng Bảo An vẫn tiếp tục chuẩn bị một nghị quyết mới nhằm tăng cường trừng phạt Bắc Triều Tiên sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5, ngày 09/09 vừa qua.
(AFP) Thiếu niên Pháp bị bắt vì chuẩn bị khủng bố. Ngày 11/09/2016, Paris thông báo bắt giữ một thanh niên 15 tuổi, bị tình nghi « chuẩn bị ra tay tấn công khủng bố ». Nghi can bị bắt từ chiều ngày thứ 7, tại khu vực quận 12 Paris. Giới điều tra đã theo dõi thiếu niên này từ sáu tháng qua. Theo các nguồn tư pháp, thiếu niên này có liên lạc trực tiếp với Rachid K, một người từng sống ở Pháp và đang là một trong những đầu não của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria. Tại Pháp hiện có 35 trẻ em vị thành niên bị dụ dỗ vào các tổ chức Hồi Giáo cực đoan, trong số đó có hai thiếu nữ.
(AFP) Croatia : Cánh hữu bảo thủ về đầu trong cuộc bầu cử lập pháp. Trong cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn, ngày 11/09/2016, Liên Minh Dân Chủ Croatia – HDZ, cánh hữu bảo thủ, đã giành được 36% số phiếu và sẽ có được 61 ghế trong tổng số 151 dân biểu.Về nhì là đảng Xã Hội Dân Chủ – SPD, cánh tả, với 54 ghế. Đứng hàng thứ ba là đảng Most (Cây Cầu), thuộc cánh trung, với 13 ghế. Đảng HDZ sẽ liên minh với đảng Most để lập chính phủ.Sau cuộc bầu cử hồi tháng Giêng 2016, hai đảng này đã liên minh với nhau để lãnh đạo đất nước, nhưng liên minh này đã tan rã hồi tháng Sáu vừa qua.
(AFP) Tây Ban Nha – Hơn 500 ngàn người biểu tình đòi độc lập cho Cataluna. Ngày 11/09/2016, hơn 500 ngàn người biểu tình tại 5 thành phố trong vùng Cataluna đòi tách rời khỏi Tây Ban Nha. Bất chấp sự phản đối của chính quyền trung ương, lãnh đạo cấp vùng đòi tổ chức trưng cầu dân ý vào năm 2017 về quy chế của vùng đất giàu có nhất Tây Ban Nha.
Tới nay chính quyền Madrid luôn bác bỏ nguyện vọng đòi tổ chức trưng cầu dân ý của vùng Cataluna. Theo thăm dò dư luận nếu được tổ chức vào thời điểm này thì sẽ có 48% người dân Cataluna đòi được độc lập với Tây Ban Nha.
Cataluna có tổng công 7 triệu rưỡi dân cư, chiếm 1/5 tổng sản phẩm nội địa toàn quốc. Barcelona là thành phố lớn nhất và thịnh vượng nhất.
(AFP) Châu Âu : Ủy Ban Châu Âu yêu cầu cựu chủ tịch Barroso « làm sáng tỏ » về chức vụ mới của ông trong khuôn khổ hợp tác với ngân hàng Mỹ, Goldman Sachs. José Manuel Barroso từng lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu từ 2004 đến 2014. Tháng 7/2016 ông được ngân hàng Mỹ Goldman Sachs mời cộng tác để cố vấn trên hồ sơ Brexit.
Nhiều thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu bất bình trước quyết định của cựu chủ tịch Barroso hợp tác với ngân hàng Mỹ vì sợ rằng trong công việc mới, ông sẽ khai thác những mối liên hệ cá nhân trong quá khứ. Goldman Sachs là một trong những ngân hàng đã cố vấn cho Athens thổi phồng thành tích để Hy Lạp đủ tiêu chuẩn gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu vào năm 2001.
(AFP) Colombia : Du kích FARC xin lỗi thân nhân nạn nhân bị ám sát. Lực lượng cộng sản Colombia FARC vừa ký hiệp định hoà bình với chính phủ lên tiếng xin tha lỗi vì các vụ ám sát« hèn hạ » trong quá khứ.
Ngày 11/09/2016, tại La Habana- Cuba, trưởng đoàn thương thuyết của phe du kích Ivan Marquez gặp thân nhân của 11 vị dân biểu bị bắt cóc và ám sát năm 2002. Một chỉ huy FARC cũng xin tha lỗi và tuyên bố không phủ nhận « trách nhiệm » của một thời « nhục nhã ».Thân nhân những người bị ám sát yêu cầu FARC thông báo sự thật và thủ phạm phải xin lỗi vị dân biểu sống sót duy nhất, Sigifredo Lopez.
(AFP) Chính trị Brazil : Khả năng cựu chủ tịch Quốc hội Brazil bị mất ghế dân biểu vì tham nhũng. Sau khi đã bị đình chỉ chức vụ chủ tịch Quốc hội, ông Eduardo Cunha có thể mất luôn chức dân biểu vì tai tiếng tham nhũng liên quan đến tập đoàn dầu khí Petrobras. Số phận chính trị cựu chủ tịch Hạ viện Brazil được định đoạt trong cuộc biểu quyết ở Quốc hội ngày 12/09/2016. Điều trớ trêu : Eduardo Cunha là một trong những chính khách hàng đầu đòi truất phế tổng thống Dilma Rousseff cũng vì tai tiếng tham nhũng.
Các cường quốc bất lực trước Bắc Triều Tiên
Ngưng bắn mong manh tại Syria, sức khỏe của ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton gây lo ngại, khủng bố chi phối cuộc tranh cử tổng thống Pháp trước giờ khai cuộc, là một số chủ đề nổi bật trên trang nhất các báo Pháp hôm nay.
Về châu Á, Les Echos có bài « Các cường quốc bất lực trước Bắc Triều Tiên », với nhận định : Bắc Triều Tiên tin tưởng là những mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc « để cho Bắc Triều Tiên tự do phát triển vũ khí hạt nhân mà không sợ bị trừng phạt ».
Bài viết của thông tín viên Les Echos, gửi về từ Tokyo, mở đầu với ghi nhận : « Ngày càng nhiều chuyên gia và nhà chính trị cho rằng chế độ Bình Nhưỡng đang lợi dụng bối cảnh địa chính trị rất thuận lợi hiện nay để nhanh chóng phát triển các tiềm năng quân sự ». Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật không loại trừ khả năng Bắc Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, sau vụ thử hạt nhân lần thứ năm của Bình Nhưỡng.
Đây cũng là điều mà chính quyền Kim Jong Un khẳng định hôm Chủ Nhật vừa qua, cùng với việc yêu cầu được công nhận là « một cường quốc nguyên tử ». Một nhà phân tích thuộc cơ quan chuyên thông tin về lãnh vực quân sự IHS Jane, có trụ sở tại Anh Quốc, cho biết hiện tại Bắc Triều Tiên sở hữu khoảng 15 đến 20 trái bom nguyên tử, và các trừng phạt quốc tế không tác động gì đến quyết tâm của Bình Nhưỡng.
Nhà nghiên cứu Scott Snyder, thuộc Hội Đồng Quốc Gia về Bắc Triều Tiên của Hoa Kỳ, nhận định : « Bình Nhưỡng cho rằng thế giới sắp sửa sẽ phải chấp nhận sự tồn tại của một quốc gia Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, hơn là nỗ lực để tìm kiếm đồng thuận nhằm gia tăng trừng phạt buộc Bắc Triều Tiên phải lùi bước ». Cụ thể là, chính quyền Kim Jong Un « tin tưởng là những ngờ vực giữa Mỹ và Trung Quốc trong xung đột tại Biển Đông hay hệ thống lá chắn tên lửa THAAD… để lại cho Bắc Triều Tiên một không gian hành động rộng rãi để phát triển vũ khí hạt nhân mà không sợ bị trừng phạt, do được đồng minh Bắc Kinh hậu thuẫn ».
Theo Les Echos, mục tiêu của Trung Quốc là làm sao giữ cho « chế độ độc tài Bình Nhưỡng không sụp đổ, dẫn đến việc bán đảo Triều Tiên thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Hàn Quốc, được Hoa Kỳ hậu thuẫn ». Les Echos dự báo sắp tới Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục chỉ thông qua « các biện pháp trừng phạt vừa phải đối với Bắc Triều Tiên, và chắc chắn sẽ vẫn trì hoãn áp dụng đầy đủ các biện pháp của Liên Hiệp Quốc, như trước đây ».
Toàn cầu hóa bế tắc ?
Liên quan đến sự bất lực của các cường quốc, Le Monde có bài phân tích « Tiến trình toàn cầu hóa bế tắc ». Bài viết của nhà báo Sylvie Kauffman chú ý đến một loạt các dấu hiệu cho thấy vai trò suy yếu của Barack Obama trong vòng công du châu Á cuối cùng, với tư cách tổng thống Hoa Kỳ, từ chỗ không được Bắc Kinh trải thảm đỏ, cho đến việc bị tổng thống Philippines nhục mạ…
Cho dù, những sự cố nói trên được Obama nhìn nhận với một vẻ nhẹ nhàng, hài hước, theo Le Monde, đó là dấu hiệu cho thấy không chỉ vị thế của Hoa Kỳ bị thách thức, mà cả một «trật tự thế giới » lâu đời đang đứng trước « áp lực phải thay đổi ». Đây cũng là chính là điều mà tổng thống Mỹ thừa nhận.
Nhóm các cường quốc toàn cầu G20, trong thượng đỉnh tại Trung Quốc, chỉ tập trung vào các trao đổi song phương. Các lãnh đạo vốn thuộc lập trường bảo thủ, ủng hộ chủ nghĩa tự do thương mại, nay đều nhất loạt kêu gọi « hãy làm cho chủ nghĩa tư bản trở nên văn minh ». «Sự giận dữ của dân chúng và chủ nghĩa mị dân » đang thách thức chính quyền tại hầu hết các quốc gia phương Tây, tại Hoa Kỳ với Donald Trump, tại Đức, với sự thắng thế của đảng cực hữu.
Le Monde đặt câu hỏi « Phải chăng cuộc toàn cầu hóa đang rơi vào bế tắc ? », với việc hai dự án tự do thương mại quy mô lớn, TPP và TTIP, đang rất khó được triển khai. Le Monde ghi nhận : Dù sao trong giai đoạn « bế tắc » này, một số thỏa hiệp quan trọng đã được đưa ra, như việc Mỹ và Trung Quốc cùng phê chuẩn hiệp định khí hậu toàn cầu, hay việc Mỹ và Nga thỏa thuận kế hoạch đình chiến tại Syria. Bài phân tích kết thúc với nhận xét : phải chăng chúng ta đang ở trong một giai đoạn đặc biệt, khi mà « một chu kỳ kinh tế đang chấm dứt, nhưng quyết tâm chính trị để tạo ra một chu kỳ mới còn chưa đủ mạnh ».
Đạt Lai Lạt Ma giữ niềm tin vào tương lai Trung Quốc
Tuần này, Đạt Lai Lạt Ma thăm Pháp. Trong chuyến đi này, lãnh tụ Phật Giáo Tây Tạng không gặp các lãnh đạo nhà nước, mà chủ yếu dành thời gian để tiếp xúc với công chúng. Le Monde có bài nhấn mạnh đến việc chính các can thiệp ghê gớm của Bắc Kinh đã khiến phần lớn các nguyên thủ phương Tây không thể hội kiến với giải Nobel Hòa bình 1989. Lần gần nhất Đạt Lai Lạt Ma gặp một tổng thống Pháp là vào năm 2008. Lúc đó ông Nicolas Sarkozy tiếp lãnh đạo Tây Tạng tại Gdansk, Ba Lan. Nước Pháp bị Trung Quốc trả đũa vì chuyện này.
Nhân dịp Đạt Lai Lạt Ma thăm Pháp, Le Monde có bài phỏng vấn. Trong bối cảnh khủng bố đe dọa, Đạt Lai Lạt Ma kêu gọi nước Pháp tiếp tục bảo vệ nguyên tắc thế tục, nguyên tắc Nhà nước và tôn giáo phân ly.
Về Trung Quốc, ông cho rằng « giai đoạn đen tối nhất đã qua », nhưng hiện tại « quốc gia hơn một tỉ dân vẫn bị nạn tham nhũng và bất bình đẳng nghiêm trọng hoành hành, vẫn chưa có một nhà nước pháp quyền » tại Trung Quốc.
Đạt Lai Lạt Ma cho biết ông đã nhiều lần tiếp xúc với cha của đương kim lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun) (một lãnh đạo được coi là có tư tưởng cải cách). Lãnh tụ Phật Giáo Tây Tạng hy vọng sau Đại hội 19 (dự kiến cuối 2017), Tập Cận Bình có thể thực thi « tư tưởng riêng của mình », khi không bị nhóm cứng rắn trong đảng chi phối.
Về tương lai của định chế Lạt Ma hóa thân, lãnh tụ Tây Tạng cho biết, trong hai năm tới, hội nghị các giới chức Phật Giáo cao cấp sẽ bàn về việc này. Hiện tại Bắc Kinh tìm mọi cách chi phối, nhưng theo Đạt Lai Lạt Ma, chính người Tây Tạng sẽ quyết định. Theo ông, Phật pháp được truyền bá « từ 2.600 năm nay » và sẽ tiếp tục được phổ biến, định chế Lạt Ma hóa thân – mới có từ 5 thế kỷ – không phải là điều quá quan trọng. Nhưng dù sao, định chế này cũng mang lại cho người Tây Tạng niềm tin và hy vọng trong một « giai đoạn khó khăn ».
Ngừng bắn Syria : Hy vọng mỏng manh
Về thời sự quốc tế, cuộc ngừng bắn tại Syria khởi sự từ hôm nay, sau thỏa thuận Mỹ-Nga, là tiêu điểm chú ý. Hai tờ Le Monde và Le Figaro đều nhấn mạnh đến tính chất mong manh của thỏa thuận ngừng bắn. Le Figaro nhắc lại thỏa thuận đình chiến tháng 2/2016 đã tan vỡ sau khi không quân Damas tấn công vào lực lượng nổi dậy, và Nga không kích tại Aleppo. Mà, trong hiện tại các cản lực có thể sẽ “nhiều hơn và lớn hơn”. Theo Le Figaro, phần lớn các nhóm nổi dậy nghi ngờ thỏa thuận có thể kéo dài.
Một trong những nhân tố có thể phá vỡ thỏa thuận này là lực lượng thánh chiến Fatah al-Cham, vốn là một chi nhánh của al-Qaida tại Syria. Tách phe nổi dậy ra khỏi Fatah al-Cham là điều kiện để có được thỏa thuận Nga-Mỹ. Tuy nhiên, theo Le Figaro, Fatah al-Cham hiện đang mở rộng ảnh hưởng sâu rộng tại nhiều địa phương. Lực lượng này cũng sẵn sàng đứng về phía phe nổi dậy, một khi chính quyền Damas không tuân thủ lệnh đình chiến.
Theo Le Monde, nhìn chung việc có quá nhiều nhóm kình địch tại Syria cũng là điều gây khó cho thỏa thuận đình chiến. Bên cạnh vấn đề Fatah al-Cham, quân đội Damas cũng chỉ là một trong số các lực lượng ủng hộ tổng thống Assad. Rất nhiều nhóm vũ trang chống lại phe nổi dậy hiện nghe theo lệnh Iran, hơn là từ chính quyền Syria.
Tóm lại, theo Le Figaro, nếu thỏa thuận Lavrov-Kerry một lần nữa thất bại, Syria sẽ tiếp tục bị chia thành nhiều khu vực, phía bắc do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát, người Kurdistan ở phía đông bắc, chế độ Damas được Nga và Iran hậu thuẫn nằm vùng trung tâm với thủ đô Damas và vùng ven biển…
Bước ngoặt tranh cử tổng thống Mỹ :
Sức khỏe Clinton suy yếu
Nhìn sang Hoa Kỳ, hai ngày cuối tuần qua phải chăng đã chứng kiến một « bước ngoặt » trong cuộc tranh cử tổng thống, với việc ứng cử viên Dân Chủ Hillary Clinton suýt ngất xỉu trong buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố 11/09. Libération đặt câu hỏi.
Vấn đề sức khỏe của Hillary Clinton không cho phép bà đảm đương chức vụ nguyên thủ Mỹ là điều mà ông Donald Trump từng đưa ra nhiều lần, mới đây nhất là vào giữa tháng 8. Sức khỏe của bà Clinton, 68 tuổi, có triệu chứng suy yếu mạnh từ cuối năm 2012, khi bà bị viêm đường ruột.
Vấn đề sức khỏe của ứng cử viên Clinton càng trở nên nghiêm trọng hơn, khi tối thứ Sáu vừa qua, cựu ngoại trưởng Mỹ – vốn rất thận trọng – đã thốt ra một chỉ trích rất nặng nề nhắm vào những người ủng hộ đối thủ Trump. Sau đó bà buộc phải xin lỗi. Tình tiết này khiến nhiều cử tri nghi ngờ quan điểm « đoàn kết người Mỹ hơn nữa » của ứng cử viên tổng thống.
Theo Le Figaro, cho dù, theo một thăm dò dư luận công bố hôm chủ nhật của ABC và báo Washington Post, Clinton vẫn vượt Trump 5 điểm, nhưng khoảng cách giữa hai đối thủ thu hẹp tại một số tiểu bang chính.
Tranh cử Pháp : Khủng bố – một tâm điểm tranh luận
Các đảng phái chính tại Pháp bắt đầu khởi sự cuộc tranh cử chọn ứng cử viên chính thức cho cuộc chạy đua giành ghế tổng thống Pháp. Trang nhất Le Figaro chạy tựa « Vấn đề khủng bố nằm ở tâm điểm cuộc chiến tả-hữu ». Tờ báo thiên hữu mô tả việc thủ tướng «Manuel Valls hôm qua tiếp tục tấn công (cựu tổng thống) Nicolas Sarkozy », và phản công tức thời của cánh hữu, khi ông Sarkozy khẳng định là chính phủ « đã không huy động toàn lực chống khủng bố ». Xã luận Le Figaro cho rằng cựu tổng thống đã có lý khi yêu cầu chính quyền phải có biện pháp khống chế những người nằm trong danh sách « S » (tức danh sách đối tượng bị theo dõi), thậm chí tạm giam họ.
Về chủ đề này, tờ Libération phỏng vấn tổng thư ký nghiệp đoàn cảnh sát thiên tả. Ông khẳng định danh sách S chỉ là một phương tiện phục vụ điều tra, chứ không thể coi đây là lý do để bắt giữ đối tượng.
Triết gia Pháp :
« Châu Âu đang trong một giai đoạn Hòa bình chưa từng có »
Ngược lại với nhiều quan điểm bi quan, trước vô vàn thách thức hiện nay, đặc biệt là nạn khủng bố, Le Monde giới thiệu một cách nhìn rất đáng chú ý khác của viện sĩ hàn lâm Pháp Michel Serres, 86 tuổi, một nhà triết học, chuyên gia về lịch sử các khoa học, với tựa đề «Chúng ta đang sống trong một thiên đường ».
Theo ông, cần phải so sánh với các giai đoạn đen tối đã qua trong lịch sử, mới thấy hết được sự may mắn khi được sống trong xã hội ngày hôm nay (tức xã hội phương Tây sau 1945). Đối lại quan điểm cho rằng Phương Tây đang chứng kiến sự kết thúc của những tư tưởng lớn có khả năng dẫn dắt toàn xã hội, Michel Serres khẳng định cần phải có một cái nhìn rộng rãi hơn rất nhiều để có thể nhận ra được đúng chiều hướng tiến hóa của nhân loại. Lịch sử của con người không chỉ mới bắt đầu từ khi có chữ viết, hay khi nông nghiệp ra đời, mà khởi sự ngay từ khi vũ trụ sinh thành, có nghĩa là khi bắt đầu có các mầm mống cho sự sống, cách nay 13 tỉ năm.
Theo triết gia Pháp, những đảo lộn đang diễn ra hiện nay – với cuộc cách mạng về tin học và toàn cầu hóa – có thể « so sánh với những gì diễn ra thời Phục Hưng », cách đây năm thế kỷ. Michel Serres vừa cho ra mắt cuốn sách mới « Darwin, Bonaparte và người Samaritain ». Cuốn sách đưa ra một cách kể mới về hành trình của nhân loại, có thể coi là « nhân bản hơn », so với những gì người ta thường hình dung.
Tác giả đề nghị thoát ra khỏi « chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm », hay quan điểm cho con người là chúa tể, để nhận ra mối liên hệ mật thiết giữa con người với thiên nhiên, với vũ trụ. Michel Serres hài hước : Hãy để 10% dân số gồm những ai thích tranh giành, phá hủy, đến sống cùng nhau trên một hòn đảo mà ông gọi là « Eitopu », tức là một thế giới trái ngược với thiên đường « Utopie » hoàn hảo, mà nhân loại mơ ước.
Israel – cường quốc tiết kiệm nước
La Croix giới thiệu chương trình tiết kiệm nước kéo dài 40 năm của nhà nước Israel. Theo tổ chức lương nông Liên Hiệp Quốc FAO, tiêu thụ nước trên đầu người tại Israel chỉ bằng khoảng một phần năm so với mức tối thiểu cần thiết (300 mét khối so với 1.700). Đây là một điều dễ hiểu, bởi 60% diện tích Israel là sa mạc.
Hiện Israel là nước đứng đầu thế giới về sử dụng có hiệu quả nước, với tỉ lệ đến 85% nước được tái sử dụng, so với 35% của Singapour hay 27% với Tây Ban Nha.
0 nhận xét