Venezuela : Bốn "sai lầm chiến lược" của Juan Guaido - RFI
Tổng thống lâm thời tự phong Venezuela Juan Guaidó tại Salinas, Ecuador, ngày 02/03/2019.
REUTERS/Daniel Tapia
Trở về trong tiếng reo hò của những người ủng hộ ngày 04/03/2019 sau vòng công du Nam Mỹ ngoài dự kiến, Juan Guaido, tổng thống lâm thời tự phong Venezuela, cảnh báo tổng thống Nicolas Maduro rằng « áp lực chỉ mới bắt đầu mà thôi ».
Từ một chính trị gia « vô danh tiểu tốt » cách đây vài tháng, nhà đối lập Juan Guaido trở nhân vật trung tâm trong tiến trình chính trị hiện nay ở Venezuela. Hoàn cảnh nào đã dẫn nhà đối lập trẻ từ bóng tối ra ánh sáng ? Juan Guaido đã vấp phải những sai lầm nào trong cuộc đối đầu với tổng thống Nicolas Maduro ? Trên trang tin độc lập Barril.info (giải mã về Venezuela) ngày 01/03/2019, nhà báo Rafael Croda phân tích « Bốn sai lầm chiến lược của Juan Guaido ». RFI tiếng Việt xin giới thiệu.
Juan Guaido, bước từ bóng tối ra ánh sáng
Trước khi tự xưng là tổng thống lâm thời Venezuela, hiện được khoảng 50 nước trên thế giới công nhận, Juan Guaido, một nhà đối lập trẻ, tốt nghiệp kĩ sư, 35 tuổi, rất ít được nhắc đến trong nước và vô danh trên trường quốc tế. Theo tác giả Rafael Croda, có hai bối cảnh đã khiến ông trở thành nhân vật trọng tâm trong tiến trình chính trị hiện nay tại Venezuela.
Thứ nhất, đó là khi ông được bầu vào chức chủ tịch Quốc Hội. Tại Venezuela, các đảng lớn (thuộc phe đối lập với tổng thống Maduro) thay nhau giữ vị trí này. Khi đến lượt đảng Voluntad Popular, lãnh đạo chính của đảng là Leopoldo López bị quản thúc tại gia, còn nhân vật số hai, Freddy Guevara, phải ở ẩn trong đại sứ quán Chilê ở Caracas nên ông Juan Guaido trở thành chủ tịch Quốc Hội.
Bối cảnh thứ hai giúp Guaido thành chính trị gia thu hút sự chú ý của toàn thế giới là khi ông nhậm chức chủ tịch Quốc Hội vào đúng lúc Nicolas Maduro chuẩn bị bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, sau cuộc bầu cử bị đối lập tẩy chay năm 2018 và nhiều nước trên thế giới không công nhận tính chính đáng của ông Maduro.
Ngày 15/01/2019, năm ngày sau khi tổng thống Maduro bắt đầu nhiệm kỳ hai, Quốc Hội tuyên bố ông Maduro « tiếm quyền » và mở đường cho chủ tịch Quốc Hội Guaido tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời trước hàng chục nghìn người ủng hộ tập hợp tại một quảng trường ở thủ đô Caracas vào ngày 23/01.
Từ đó, cựu lãnh đạo phong trào sinh viên, có 12 năm kinh nghiệm chính trị trong đó ba năm là nghị sĩ, trở thành đối thủ số một của Maduro, khắc tinh của phe ủng hộ chế độ Chavez, cầm quyền từ 20 năm qua. Juan Guaido như mang lại luồng khí mới cho hàng triệu người dân Venezuela chán nản vì đói khát, tình trạng tham nhũng và lạm dụng quyền lực.
Gió dường như đổi chiều, thuận lợi hơn cho đối lập Venezuela khi nhiều quốc gia trên thế giới không công nhận tính chính đáng nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Maduro và từ khi ông Guaido trở thành thủ lĩnh của phe đối lập, từng bị chia rẽ và suy yếu chưa từng có.
Bốn « sai lầm chiến lược » của Juan Guaido
Tuy nhiên, rất nhiều đồng minh và cố vấn của lãnh đạo đối lập Juan Guaido tỏ ra lo lắng : Chủ tịch Quốc Hội đã đưa ra bốn quyết định có thể phản tác dụng trong dài hạn.
Sai lầm thứ nhất là ông Guaido tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời, một cách biểu tượng, ở một quảng trường, trước hàng nghìn người dân, thay vì tuyên thệ trước Quốc Hội. Một số tin đồn cho rằng ông Guaido không tuyên thệ trước Quốc Hội do thiếu thỏa thuận giữa các đảng thuộc phe đối lập. Trước tình trạng chia rẽ nội bộ đó, ông Guaido muốn bỏ qua các đồng minh của chính mình.
Hiện đang được nhiều nước trên thế giới ủng hộ, một số cố vấn của phe đối lập khuyến cáo ông Guaido « hợp thức hóa » chức « tổng thống lâm thời » bằng cách tuyên thệ chính thức trước Quốc Hội.
Sai lầm chiến lược thứ hai là ông Guaido tỏ ra gần gũi với chính quyền Donald Trump, trong khi tổng thống Mỹ hiện nay bị chỉ trích là phân biệt chủng tộc, phân biệt giai tầng và các chính sách chống người nhập cư của ông chủ Nhà Trắng ảnh hưởng đến hàng triệu người dân Nam Mỹ. Ông Donald Trump là người đầu tiên công nhận tính chính đáng của tổng thống lâm thời Juan Guaido. Nhiều quốc gia Nam Mỹ khác đã lần lượt theo bước ông Trump.
Tác giả bài viết cho rằng ông Guaido đã làm theo đúng kịch bản do hai nhân vật « diều hâu » Elliott Abrams (đặc phái viên của Mỹ về Venezuela) và John Bolton (cố vấn an ninh của tổng thống Trump) vạch ra. Một vài biện pháp mà lãnh đạo đối lập Venezuela đưa ra dường như được phối hợp với Washington. Thêm vào đó, cố vấn an ninh của Nhà Trắng, John Bolton, thường đề cập đến lợi ích của Hoa Kỳ khi đầu tư vào lĩnh dầu mỏ ở Venezuela hơn là nhắc đến cam kết khôi phục lại nền dân chủ và tôn trọng nhân quyền ở quốc gia Nam Mỹ này.
Sai lầm chiến lược thứ ba, mà theo nhà báo Rafael Croda cũng là điểm đáng phê phán đối với ông Guaido, là tổng thống lâm thời tự xưng luôn ủng hộ Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela để lật đổ ông Maduro.
Quan điểm của ông Guaido là không ai muốn bị can thiệp quân sự, nhưng ông sẵn sàng sử dụng « bất kỳ giải pháp nào » giúp điều hành được đất nước, đáp ứng được nhu cầu cứu trợ nhân đạo khẩn cấp và tổ chức bầu cử tự do. Đây là một canh bài mang tính rủi ro cao đối với một tổng thống lâm thời của một đất nước, nơi mà phần lớn người dân phản đối nước ngoài can thiệp vào nội bộ.
Theo một số đồng minh của ông Guaido, sai lầm chiến lược thứ tư là tổng thống lâm thời tự xưng đã biến vấn đề cứu trợ nhân đạo Venezuela thành công cụ chính trị, dĩ nhiên là vẫn phối hợp với chính quyền Mỹ.
Ngay sau ngày ông Guaido tuyên bố là tổng thống lâm thời, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo viện trợ nhân đạo 20 triệu đô la cho Venezuela. Ngay lập tức, ông Guaido tuyên bố số hàng trợ giúp này sẽ là hành động đầu tiên của ông với tư cách là tổng thống lâm thời.
Tổng thống Maduro cấm hàng cứu trợ Mỹ vào biên giới, ra lệnh cho quân đội đặt các thùng container chắn ngang các trục đường biên giới với Colombia để ngăn đoàn xe chở thuốc men và thực phẩm chờ bên phía nước láng giềng. Về phần mình, tổng thống lâm thời tự xưng Juan Guaido khẳng định đó là cơ hội cho lực lượng vũ trang buông súng và để hàng cứu trợ vào được trong nước nhằm xoa dịu tình trạng khẩn cấp xã hội.
Tuy nhiên, Ủy ban Quốc tế của Hội Chữ Thập Đỏ (CICR) và Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng chỉ trích việc chính trị hóa công tác trợ giúp nhân đạo trên. Họ cũng khẳng định sẽ không tham gia phân phối hàng cứu trợ chừng nào Guaido và Maduro chưa tìm ra được thỏa thuận chung.
Theo tác giả bài phân tích, lẽ ra lãnh đạo đối lập nên để cho hội Chữ Thập Đỏ và Liên Hiệp Quốc quản lý công việc trợ giúp quốc tế, dù trong quá khứ, chính quyền Maduro từng ngăn cản các tổ chức này chuyển hàng cứu trợ vào Venezuela vì chính quyền Caracas khẳng định không có tình trạng khẩn cấp ở trong nước.
Hiện cứu trợ quốc tế trở thành điểm đối đầu chính trị giữa hai tổng thống đối lập. Juan Guaido vẫn hy vọng rằng tại một quốc gia nơi thường xuyên xảy ra nạn đói và người chết vì thiếu lương thực và thuốc men như Venezuela, các nhà lãnh đạo quân đội sẽ bất phục tùng tổng thống Maduro và để hàng cứu trợ vào trong nước.
Nếu việc này xảy ra, ít nhất một bộ phận sĩ quan cao cấp công nhận ông Juan Guaido là « tổng thống lâm thời » và như vậy, một vài « sai lầm chiến lược » lại được coi là thành công. Tuy nhiên, việc gần gũi với chính quyền Donald Trump sẽ vẫn tiếp tục đè nặng lên ông Guaido trong mọi kịch bản.
0 nhận xét