Mỹ : Tấn công cấp tập vào tổng thống Trump, nước cờ rủi ro của phe Dân Chủ ?
Ảnh minh họa: Jared Kushner (T) và tổng thống Donald Trump (G) và con trai tổng thống. Ảnh chụp hồi tháng 09/2016
©REUTERS/Joe Raedle
Chính trường Mỹ những ngày qua lại nóng lên với cuộc đọ sức giữa đảng Dân chủ và tổng thống Donald Trump. Phe Dân chủ kiểm soát Hạ Viện mở cuộc điều tra quy mô chưa từng có nhằm vào mọi khía cạnh chính trị, đời sống cá nhân, của tổng thống Trump. Cuộc chiến dường như bước vào giai đoạn tổng lực nhưng có thể sẽ kéo dài hết nhiệm kỳ của tổng thống mà vẫn không ngã ngũ, thậm chí có thể gây rủi ro chính trị cho phe Dân Chủ.
Khởi đầu "cuộc tổng tấn công" này, Ủy ban Tư pháp Hạ Viện Mỹ, hiện do đảng Dân Chủ kiểm soát, ngày 04/03 vừa qua , gửi thư cho 81 cá nhân, cơ quan và thực thể trong đó có cả những người con trai và con rể của ông Donald Trump, đề nghị được cung cấp một loạt tài liệu về nhiều vấn đề liên quan đến tổng thống.
Từ những nghi vấn ê kíp tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump thông đồng với Nga đến chuyện trả tiền mua sự im lặng của những cô gái mà ông Trump đã có quan hệ trong quá khứ, cho đến các chứng từ hồ sơ liên quan đến hoạt động làm ăn của công ty gia đình Trump Organization. Đồng thời, ba ủy ban của Hạ Viện yêu cầu Nhà Trắng cung cấp các báo cáo chi tiết liên quan đến các cuộc gặp gỡ trao đổi giữa ông Donald Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi đó hồ sơ liên hệ với Nga được cho là nhạy cảm nhất đối với tổng thống Trump vẫn đang được thẩm phán đặc biệt Robert Mueller tổ chức điều tra từ hai năm nay mà vẫn chưa có kết luận.
Cuộc tấn công toàn diện vào tổng thống Trump của Hạ Viện khiến giới quan sát phải đặt câu hỏi : Mục đích của đối lập là gì và cuộc điều tra mở rộng này rồi sẽ đi đến đâu ?
Người khởi xướng cuộc « tấn công » này là dân biểu Dân Chủ của New York, ông Jerry Nadler, hiện là chủ tịch Ủy ban Tư pháp của Hạ Viện. Ông Nadler được cho là người có mối thâm thù với ông Trump từ hơn 3 chục năm nay, từ khi còn là dân biểu địa phương của Manhattan những năm 1980 và ông Trump khi đó là nhà tài phiệt bất động sản với những dự án kinh doanh gây nhiều tranh cãi ở New York.
Giới phân tích cho rằng, mục tiêu của ông Nadler cùng các thành viên Dân Chủ là muốn có bằng chứng tạo tiền đề pháp lý chống ông Donald Trump để dọn đường cho cuộc bầu cử tổng thống 2020. Những cử tri sẽ được vận động quay lưng lại với vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Xem ra mục tiêu có vẻ dài hơi này của đảng Dân Chủ không mấy thuyết phục. Theo phân tích của thông tín viên RFI tại Mỹ, Anne Corpet thì trên lý thuyết, Hạ Viện có đủ thẩm quyền để mở thủ tục luận tội, phế truất tổng thống, nhưng phe Dân Chủ hiểu rằng kết quả sẽ không có, thậm chí còn mang lại rủi ro về chính trị cho đảng này. Ý đồ tấn công để phế truất tổng thống có thể khiến ông Trump được nhìn nhận như là nạn nhân của một âm mưu lật đổ. Phe Cộng Hòa, không bao giờ bỏ rơi tổng thống của đảng, càng đoàn kết hơn. Đó là điều đã xảy ra tương tự với cựu tổng thống Bill Clinton ở cuối những năm 1990. Khi đó phe Cộng Hòa đã khởi sự thủ tục phế truất tổng thống nhưng không thành và hệ quả là trong cuộc bầu cử sau đó phe Cộng Hòa đã mất nhiều ghế ở Quốc Hội.
Mặt khác cứ dốc sức chỉ để « bới lông tìm vết » trong cuộc sống riêng của tổng thống mà không thu được kết quả nào thì cử tri Mỹ sẽ nhìn nhận tư cách của đảng Dân Chủ ra sao ? Khi đó phe Dân Chủ vô hình chung sẽ trao cho ông Trump thắng lợi chính trị quan trọng và ông sẽ không bỏ lỡ cơ hội tận dụng để có thể ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa.
Trong cuộc tấn công cấp tập này, các lãnh đạo đảng Dân Chủ đã cố gắng giải thích cuộc điều tra này không có nghĩa khởi phát thủ tục phế truất nhắm vào tổng thống Trump. Mục đích của phe Dân Chủ chỉ đơn giản là được công bố thông tin rộng rãi nhất có thể về những nghi vấn xung quanh tổng thống Donald Trump bằng những nguồn tài liệu điều tra riêng của mình.
Để cuộc điều tra này của Ủy ban Hạ Viện có được kết quả cụ thể có lẽ cũng phải mất cả năm hoặc nhiều hơn nữa, nhưng cộng với cuộc điều tra dai dẳng của thẩm phán đặc biệt Robert Mueller, ông Trump sẽ luôn cảm thấy bất an, phải phân tâm vào những rắc rối cứ đeo đẳng bủa vây lấy ông. Trong khi đó chiến dịch tranh cử cho nhiệm kỳ tổng thống mới đang bắt đầu rục rịch khởi động ở Mỹ.
0 nhận xét