Venezuela: Maduro thề đánh bại 'thiểu số điên rồ' của Guaidó
Thứ Năm, 7 tháng 3, 2019
10:01
//
Tin Châu Mỹ
BBC
03/07/2019
Tổng thống đương nhiệm Venezuela Nicolás Maduro vừa lên tiếng kêu gọi "tuần hành chống đế quốc" vào thứ Bảy để thách thức lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó, cùng lúc với các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Đây là tuyên bố đầu tiên của ông Maduro kể từ khi ông Guaidó quay trở lại Venezuela hôm thứ Hai.
Trong khi đó Hoa Kỳ cho biết đang xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt mới để gây áp lực buộc ông Maduro từ bỏ quyền lực.
Đặc phái viên Hoa Kỳ tại Venezuela, Elliott Abrams, cho biết thật khó để thấy ông Maduro nắm một vai trò nào trong các cuộc bầu cử dân chủ tương lai.
"Nếu ông ta muốn xây dựng một Venezuela dân chủ, ông ta có cơ hội để làm điều đó, nhưng ông đã không làm thế," ông Abrams nói.
Là Chủ tịch Quốc hội do phe đối lập kiểm soát, ông Guaidó tuyên bố mình là Tổng thống lâm thời của Venezuela hồi tháng Một sau khi cơ quan lập pháp tuyên bố cuộc tái bầu cử của ông Maduro vào năm ngoái không hợp lệ.
Ông Maduro đã tuyên bố gì?
Ông Maduro cáo buộc phe đối lập cố gắng tổ chức một cuộc đảo chính với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.
Phát biểu tại một sự kiện đánh dấu kỷ niệm lần thứ sáu của cái chết của người tiền nhiệm và cố vấn chính trị, Hugo Chávez, ông Maduro nói: "Một thiểu số điên cuồng tiếp tục với lòng thù hận, với sự cay đắng của chúng, đó là vấn đề của bọn chúng. Chúng ta không nên để ý đến họ, hỡi đồng bào."
Ông Maduro tuyên bố trước các quan chức quân sự: "Chúng ta sẽ ngăn chặn chúng, công việc của chúng, tổ chức liên minh quốc gia của chúng."
"Hãy để nhóm thiểu số điên rồ tiếp tục với sự cay đắng, chúng ta sẽ đánh bại chúng. Vì Chávez chúng ta sẽ làm điều đó, vì lịch sử vĩ đại của đất nước, chúng ta sẽ làm điều đó."
Tại sao có áp lực phải thay đổi?
Khủng hoảng chính trị ở Venezuela được châm ngòi từ khủng hoảng kinh tế với tình trạng siêu lạm phát ảnh hưởng đến tiền lương và tiền tiết kiệm, khiến nhiều người phải chạy khỏi đất nước.
Đất nước này cũng đang bị thiếu hụt kinh niên các mặt hàng nhu yếu phẩm bao gồm thực phẩm và thuốc men.
Áp lực quốc tế đối với Maduro ngày càng gia tăng với hơn 50 quốc gia, gồm cả Mỹ và hầu hết các quốc gia Mỹ Latinh công nhận ông Guaidó là lãnh đạo lâm thời.
Dù vậy ông Maduro bác bỏ mọi lời kêu gọi ông từ chức.
Được hậu thuẫn bởi Trung Quốc và Nga, ông Maduro khẳng định ông là tổng thống hợp pháp duy nhất.
Lời kêu gọi tuần hành của ông vào thứ Bảy tạo tiền đề cho các cuộc đối đầu khác với ông Guaidó, Will Grant của BBC cho biết.
Với nguy cơ sẽ xảy ra đụng độ, chắc chắn nhà chức trách sẽ cố gắng tiếp tục giữ cho hai bên tách biệt.
Hôm thứ Hai, ông Guaidó trở lại thủ đô Caracas, bất chấp nguy cơ bị bắt giữ sau khi ông phớt lờ lệnh cấm đi lại của Tòa án tối cao. Ông đã đến thăm một số nước Mỹ Latinh để vận động hành lang tìm kiếm giúp đỡ từ quốc tế.
Trong các cuộc đàm phán với các công đoàn hôm thứ Ba, ông tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc đình công để giúp hạ bệ chính phủ.
"Họ nghĩ rằng áp lực đã hết rồi ... Họ nên biết rằng áp lực giờ mới chỉ bắt đầu," ông Guaidó nói.
Maduro bán vàng
Trong một diễn biến khác, ông Guaidó yêu cầu Citibank của Mỹ trì hoãn 120 ngày kế hoạch mua lại vàng mà Maduro đã thế chấp cho một khoản vay năm 2015.
Các cố vấn của ông Guaidó đã gặp các quan chức Citibank để yêu cầu họ từ chối nhận số vàng mà chính phủ của ông Maduro cam kết bán nếu không trả được khoản vay vào tháng Ba.
Citibank chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.
Đây được cho là chiến lược của ông Guaidó để bảo vệ tài sản của Venezuela ở nước ngoài và ngăn chính phủ Maduro bán hết dự trữ vàng để tăng giá trị tiền tệ.
Chính phủ Maduro dường như đang bắt đầu cảm thấy sự ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt.
Reuters tuần trước đã báo cáo rằng chính phủ đã lấy tám tấn vàng từ ngân hàng trung ương của Venezuela bán ra nước ngoài để huy động tiền mặt.
0 nhận xét