Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 19/08/2020

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020 19:27 // ,

Tin Việt  Nam – 19/08/2020

Người thứ 3 “tự tử” trong trại tạm giam công an tỉnh Bắc Kạn kể từ đầu tháng 8

Công an tỉnh Bắc Kạn vừa cho biết, thêm một trường hợp “treo cổ tự tử” trong trại tạm giam của tỉnh, nâng số người “tự tử” ở cơ quan này lên con số 3 người kể từ đầu tháng 8.
Theo mạng báo Công Luận , khoảng 6 giờ 30 phút ngày 18-8-2020, cán bộ trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Kạn phát hiện anh Già Bá Mài (28 tuổi, trú Nghệ An) đã tự kết liễu mạng sống tại buồng giam số 8, nhà B trong khi chờ ngày ra tòa.
Cơ quan chức năng cho biết, người này đã xé vỏ chăn sử dụng trong buồng giam buộc vào thanh đỡ tấm che ô thoáng cửa buồng giam, đầu dây còn lại tạo thành thòng lọng và đưa vào đầu tự tử.
Anh Mài là bị can trong vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy bị Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Bắc Kạn bắt quả tang vào ngày 19-12-2019.
Theo kế hoạch, ngày 26-8 tới đây, người này sẽ bị đưa ra xét xử tại TAND tỉnh Bắc Kạn.
Hôm 1-8, cũng ngay tại trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Kạn xảy ra vụ việc 2 ông Lương Văn Bằng và Lăng Văn Vân treo cổ tự tử chết sau khi bị tòa sơ thẩm tuyên tử hình về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Công an tỉnh nói sẽ điều tra làm rõ vụ này tuy nhiên cho đến nay chưa có thông tin gì thêm.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM

Nguyễn Thành Tài chuẩn bị hầu tòa

Tòa án Nhân dân TPHCM vào ngày 18/8 thông báo dự kiến mở phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Nguyễn Thành Tài, nguyên phó chủ tịch UBND TPHCM cùng 4 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” diễn ra vào ngày 16/9.
Sau nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) đã hoàn tất kết luận điều tra, sau đó TAND TP HCM dự kiến xét xử sơ thẩm vụ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” gần 2000 tỷ đồng liên quan đến khu đất vàng 8-12 đường Lê Duẩn (phường Bến Nghé, quận 1) vào ngày 16/9 tới và kéo dài đến ngày 21/9.
Theo cáo trạng, ông Tài trong thời gian giữ chức vụ phó chủ tịch UBND TP.HCM (2008-2011) được phân công phụ trách lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc, đầu tư xây dựng, biết rõ khu đất 8-12 Lê Duẩn là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, do ông Tài có tình cảm với bà Lê Thị Thanh Thúy và bị tác động nên đã ký nhiều văn bản và chỉ đạo cấp dưới ký nhiều văn bản biến khu đất “vàng” số 8-12 đường Lê Duẩn từ sở hữu Nhà nước sang sở hữu của doanh nghiệp tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát lãng phí tài sản nhà nước gần 2000 tỷ đồng.
Do đó, cáo trạng xác định bị can Nguyễn Thành Tài giữ vai trò là người tổ chức, đã “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 BLHS 2015, với khung hình phạt từ 10-20 năm tù.
Tại phiên tòa sắp diễn ra, ngoài ông Nguyễn Thành Tài bị xét xử còn có các ông Đào Anh Kiệt, cựu giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường, Nguyễn Hoài Nam, nguyên bí thư quận 2, Trương Văn Út, nguyên phó phòng quản lý đất Sở TN&MT và bà Lê Thị Thanh Thuý, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Hoa Tháng Năm và Lavenue.

Thanh tra Chính phủ kết luận

 sai phạm liên quan Phan Văn Anh Vũ

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam vừa ký kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước, thành phố Đà Nẵng.
Báo Công an Nhân dân tại Việt Nam đưa tin hôm 18 tháng 8 cho hay, kết luận nêu rõ trong quá trình triển khai dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước, UBND TP Đà Nẵng và một số tổ chức, cá nhân có liên quan đã để xảy ra nhiều sai phạm. Thanh tra Chính phủ đã chuyển thông tin, hồ sơ tài liệu sang Bộ Công an đề nghị điều tra, trong đó có sự việc liên quan đến cựu thượng tá công an Phan Anh Văn Vũ, thường được gọi là Vũ Nhôm, thâu tóm và chuyển nhượng Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước.
Theo kết luận thanh tra, cuối năm 2006, UBND TP Đà Nẵng và Công ty Daewon Company, LTD – Hàn Quốc đã ký Thỏa thuận nguyên tắc về điều kiện hợp tác phát triển dự án lấn biển Khu phức hợp đô thị – sân golf Đa Phước.
Tổng diện tích dự án theo quy hoạch chi tiết 1/500 xây dựng khoảng 240 ha, trong đó Công ty TNHH Daewon Cantavil (thuộc Công ty Daewon Company, LTD – Hàn Quốc) thuê 181,53ha để thực hiện Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (gọi tắt là dự án 181ha).
Năm 2016, Phan Anh Văn Vũ đã dùng pháp nhân hai công ty của mình là Công ty cổ phần Xây dựng 79 và Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 để thâu tóm toàn bộ cổ phần Công ty TNHH Daewon Cantavil, rồi đổi tên thành Công ty TNHH The Sunrise Bay để thực hiện dự án 181ha.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP Đà Nẵng thu hồi các khoản nghĩa vụ tài chính có liên quan đến dự án 29ha và dự án 181ha. Đồng thời, thực hiện các thủ tục thu hồi Dự án 181ha đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Khu đô thị Quốc tế Đa Phước diện tích 29ha có giá thị trường gần 4.800 tỷ nhưng thành phố Đà Nẵng bán cho Phan Văn Anh Vũ chỉ 87 tỷ đồng. Con số này được Hội đồng định giá tài sản xác định.
Phan Văn Anh Vũ từng trốn sang Singapore nhưng bị nước này trả về lại Việt Nam hồi đầu năm 2018. Hiện ông này đang phải thụ án với các cáo buộc cố ý làm lộ bí mật nhà nước, lợi dụng chức vụ chiếm
đoạt tài sản, và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tổng cộng các mức án là 40 năm tù.

Tạm giữ chủ quán bắt cô gái quỳ gối xin lỗi

Hiểu Minh
Ông Nguyễn Song Hà, Chủ tịch TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cho biết, đã tạm giữ chủ quán Nhắng nướng Hiền Thiện (tại phường Đại Phúc, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) vì bắt một nữ khách hàng quỳ gối xin lỗi rồi chửi bới thậm tệ chị này.
Trưa 19/8, lãnh đạo công an Thành phố cũng cho Tiền Phong biết cũng đang họp xuyên trưa để xử lý vụ việc.
Trước đó, các diễn đàn mạng xã hội đã lan truyền đoạn clip cho thấy một phụ nữ trẻ (tạm gọi là cô A) quỳ gối trước mặt người đàn ông (được cho là chủ một quán nướng ở thành phố Bắc Ninh). Trong khi người đàn ông mắng mỏ, đe nẹt, dọa nạt với thái độ trấn áp thì người phụ nữ khóc lóc xin lỗi. Clip còn vang lên giọng một phụ nữ khác (tạm gọi là bà B) “dạy dỗ” cô A.
“Điện thoại của mày đâu?”, người đàn ông quát lên, cùng với tiếng ra lệnh của bà B: “Xóa hết toàn bộ ảnh đi”. Người đàn ông lớn tiếng dọa nếu ngày mai không đăng bài xin lỗi thì “tao sẽ vác mày lên tận trên này”, theo VTC.
Có thông tin cho rằng, cô A bị chủ quán hỏi tội vì trước đó đăng bài trên mạng xã hội kêu gọi mọi người tránh xa quán ăn này. Theo bài đăng kèm theo hình ảnh, cô gái phát hiện có sán trong món lòng lợn và phản ánh với nhân viên, nhân viên giải thích là lúc thái lòng, “sán” chưa ra. Khi cô phản ánh với quản lý, người này tỏ thái độ không quan tâm. Sau đó vị khách này vẫn phải trả đủ tiền như bình thường.
Có cư dân mạng tên Thủy Liên nói: Đúng sai chuyện sán trong món ăn thì chưa biết, nhưng cách hành xử mang phong cách côn đồ như ông bà trong clip làm tôi thấy sợ cái quán đó.

Giúp việc dựng lều nằm trước nhà

nguyên phó công an huyện đòi tiền

nhờ mua đất nhưng bị quỵt

Mạnh Đức
Nhiều ngày qua, bà Ngô Thị Chung cùng những người khác đã tập trung trước nhà ông T.Đ.Đ. (nguyên phó công an huyện Thanh Chương, Nghệ An) để đòi lại gần 700 triệu mà bà đã đưa nhờ ông Đ. mua đất. Tuy nhiên, nguyên phó công an huyện lại phủ nhận việc này.
Chia sẻ với Dân Trí hôm 18/8, ông Nguyễn Quốc Chương – Chủ tịch UBND xã Đồng Văn (huyện Thanh Chương, Nghệ An) cho biết, sự việc trên diễn ra được 4 ngày. Hiện Công an huyện Thanh Chương đang vào cuộc xác minh vụ việc.
Theo lời bà Chung, nhiều tháng trước bà đến nhà ông Đ. làm công việc chăm sóc trẻ. Trong khoảng thời gian này, bà đã nhiều lần đưa tiền cho ông Đ. để nhờ mua một mảnh đất ở. Tổng cộng số tiền bà đưa cho ông Đ. là hơn 680 triệu đồng.
Nhưng gần đây bà hỏi ông Đ. đã mua được đất chưa, nếu chưa mua thì trả lại tiền, thì ông Đ. lại phủ nhận, nói rằng chưa bao giờ nhận tiền của bà Chung.
Quá bức xúc, nên từ ngày 14/8 đến nay, bà Chung cùng người thân đã tập trung vây trước cổng nhà ông Đ. gây sức ép để đòi lại tiền.
Suốt 3 đêm qua, bà Chung cùng người nhà đã tập trung đến trước cửa nhà ông Đ. chửi bới, nhưng không phá phách gì. Người dân hiếu kỳ nên tập trung lại xem, quay clip đăng lên mạng xã hội.
Theo Người Lao Động, rất nhiều người dân cũng đã ký vào đơn, tập trung trước nhà ông Đ. yêu cầu người này trả tiền cho bà Chung.
Đặc biệt, vào ngày 18/8, bà Chung và người nhà đã căng bạt, mang giường đến nằm phía trước cổng nhà ông Đ.

Cá nuôi bè trên sông Chà Và – Vũng Tàu

chết hàng loạt

Hàng chục ngàn con cá chết trắng lồng bè mấy ngày qua, tại các hộ nuôi trên sông Chà Và thuộc xã Long Sơn, Vũng Tàu, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 19/8 và cho biết, tại tiểu khu 3, khu vực nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và, vẫn còn dấu hiệu cá sẽ tiếp tục chết thêm rất nhiều.
Trả lời báo chí Nhà nước Việt Nam, những người nuôi cá ở đây cho biết đã nuôi được từ 5 đến 6 tháng và chuẩn bị cho xuất bán, với trọng lượng hơn 0,4kg đến 0,5kg/con. Nhưng từ 5 đến 10 ngày trước hàng loạt cá chim nuôi trong các lồng có dấu hiệu bỏ ăn, lờ đờ nổi lên mặt nước, tuột nhớt rồi chết nổi trắng lồng. Mỗi lồng bè nếu nuôi khoảng 30 ngàn con cá chim sẽ thiệt hại ước tính gần 1 tỷ đồng.
Ông Phan Quốc Toàn, có bè nuôi cá tại tiểu khu 3 trên sông Chà Và cho biết báo chí biết, đã đến kỳ xuất bán từ lâu nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tiêu thụ rất chậm. Ông đang nuôi 40 lồng, với gần 60.000 con cá bớp, chim, cá mú và đã nuôi được 6 tháng; số cá chết khiến gia đình ông thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng.
Hiện nay nhiều hộ nuôi ở Long Sơn phải bán tháo số cá lờ đờ, bỏ ăn với giá rất rẻ, chỉ khoảng 20-30 nghìn đồng/kg, có nhiều bè phải vớt bỏ. Trong khi đó, nếu cá chim khỏe mạnh được các thương lái thu mua từ 120.000 đến 130.000 đồng/kg.
Trước tình trạng cá chết hàng loạt, cơ quan chức năng địa phương đã ra các vùng nuôi khảo sát, thống kê số hộ bị thiệt hại, lấy mẫu cá chết để xét nghiệm phân tích tìm ra nguyên nhân.
Theo kết quả xét nghiệm ban đầu, 2 mẫu cá đều phát hiện vi khuẩn Vibrio spp, gây lở loét trên cá và có sự hiện diện của trùng quả dưa với mức độ cao. Nước sông khu vực cá chết có chỉ tiêu khí độc H2S vượt ngưỡng cho phép, được sản sinh trong quá trình phân hủy chất hữu cơ ở đáy sông, H2S sẽ cản trở cá tiếp nhận oxy trong bè, làm cá bị stress và giảm sức đề kháng.
Theo kết quả xét nghiệm, cơ quan chức năng nhận định cá chết ban đầu do môi trường nước biến động sau những ngày mưa nhiều, nguồn nước có hiện tượng thiếu oxy cục bộ, cùng với hiện diện của trùng quả dưa, vi khuẩn Vibrio spp gây bệnh cho cá.
Hiện chính quyền địa phương đang hướng dẫn người dân nhanh chóng thu hoạch; giảm mật độ cá nuôi trong lồng; vệ sinh lưới lồng… nhằm khắc phục sự cố, giảm thiểu thiệt hại.

Thiên tai trong những ngày qua

làm 6 người chết tại các tỉnh phía bắc

Mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở đất trong những ngày qua tại các tỉnh phía bắc Việt Nam làm 6 người chết tính đến chiều ngày 18 tháng 8.
Văn Phòng Thường Trực Ban Chỉ đạo về Phòng chống Thiên tai Việt Nam vào sáng ngày 19 tháng 8 cho truyền thông trong nước biết như vừa nêu. Các tỉnh có người chết gồm Vĩnh Phúc 2 nạn nhân, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu và Thái Nguyên mỗi nơi một nạn nhân.
Ngoài thiệt hại về nhân mạng, thiên tai trong những ngày qua còn khiến hơn 550 hecta hoa màu bị hư hại; hơn 1900 mét đường liên tỉnh, liên xã bị sạt lở cùng khoảng 65.100 mét khối đất đá sạt lở.
Theo thống kê của Tổng Cục Phòng chống Thiên tai Việt Nam đưa ra vào tháng bảy vừa qua, trong 6 tháng đầu năm nay, thiên tai làm 47 người chết tại Việt Nam và thiệt hại về vật chất lên đến 3 ngàn tỷ đồng.
Các loại hình thiên tai gây hại cho các tỉnh thành tại Việt Nam được tổng kết gồm hơn chục loại hình. Chủ yếu các loại hình đó là bão, áp thấp nhiệt đới, giông lốc, mưa lớn, mưa đá, sạt lở đất núi, sạt lở bờ sông, sạt lở đê biển, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng,

Hàng triệu khẩu trang, găng tay y tế kém chất lượng

 bị thu giữ tại TPHCM

Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh trong đợt kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh khẩu trang đã phát hiện gần 5 triệu khẩu trang, găng tay y tế kém chất lượng.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam đồng loạt đăng tải thông tin trên vào ngày 19 tháng 8.
Theo Nguoi laodong.vn, các cơ sở bị Cục quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) kiểm tra đợt này gồm Nhà máy sản xuất Vina Face Mask thuộc Tập Đoàn Đặng Nam có trụ sở tại Tân Phú; Nhà máy sản xuất VINA FACE MASK Miền Nam trụ sở tại quận Bình Tân và Công ty TNHH HDPRO LAND đóng tại quận 2.
Tại các cơ sở này, QLTT cho biết đã phát hiện hơn 1 triệu chiếc găng tay; 3.254.750 chiếc khẩu trang cùng các nguyên liệu để sản xuất khẩu trang. Tất cả số hàng trên chủ cơ sở không xuất trình được hoá đơn chứng từ, vi phạm về nhãn thương hiệu và hàng hoá kém chất lượng, đã qua sử dụng.
Trước đó, vào ngày 18/8 Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhưng kinh tế, buôn lậu Công an TPHCM đã bắt tạm giam Ngô Minh Danh và Nguyễn Văn Mịch về hành vi Sản xuất, buôn bán hàng giả.
Ngô Minh Danh khai, đã thuê hàng loạt nhà làm nơi chứa hơn 53 tấn găng tay y tế kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, sau đó, Danh thuê người sàng lọc, đóng gói các thương hiệu nổi tiếng, rồi mang ra thị trường bán.
Cơ quan điều tra xác định, Danh và Mịch đã sản xuất, buôn bán găng tay y tế giả từ nguồn hàng kém chất lượng, mua trôi nổi trên thị trường lượng với số lượng đặc biệt lớn.

Thầy giáo coi thi

tốt nghiệp THPT nghi mắc Covid-19

Mạnh Đức
Truyền thông trong nước đưa tin, sáng ngày 19/8, thầy giáo N.T.C. – chồng của bệnh nhân (BN) 981 đã có kết quả xét nghiệm ban đầu dương tính với virus SARS-CoV-2.
Theo Người Lao Động, sáng cùng ngày, ngành y tế thị trấn Khâm Đức đã lấy mẫu xét nghiệm đối với 51 trường hợp có tiếp xúc gần với ông N.T.C (34 tuổi; trú thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Tất cả đang được cách ly tập trung tại khu nội trú của Trường THPT Khâm Đức (thị trấn Khâm Đức).
Cũng trong sáng 19/8, ngành y tế địa phương cũng đã phun thuốc khử trùng toàn bộ khu vực xung quanh Trường THPT Khâm Đức. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đang tiếp tục rà soát thêm các trường hợp F2 để cách ly y tế tại nhà.
Trước đó, từ hôm 13 đến 17/7, ông C. có mặt tại BV Đà Nẵng chăm vợ là BN 981 (nhập viện mổ tay) đang nằm điều trị tại đây. Trong ngày 15/7, từ BV Đà Nẵng, ông C. lên Trường THPT Nông Sơn dự lễ bế giảng, dự liên hoan cùng tập thể lớp 10 mà ông C. chủ nhiệm, sau đó về lại BV.
Ngày 17/7, vợ ông C. xuất viện và được ông đưa về nhà bằng xe máy. Tại đây, họ chỉ tiếp xúc với người trong gia đình và không đi đâu.
Từ 18 đến 25/7, ở tại nhà, có tiếp xúc trực tiếp với những người đến thăm gồm mẹ T.T.L, dì họ T.T.L(cả 02 người Khối Tân Thành, Cẩm An), T.T.C, B.X.T (Tân Thành, Cẩm An), N.T.T.T, N.T.T, N.S.H, N.T.K (Thanh Nhứt, Cẩm Thanh), H.T.H, Đ.T.H, Đ.T.H, T.T.D, T.T.T.A, T.A.N (hàng xóm, thôn Võng Nhi, Cẩm Thanh).
Ngày 22, 25/7, ông C. có trở lại trường THPT Nông Sơn, có tiếp xúc với một số giáo viên, HS của trường.
Từ ngày 8 đến 10/8, ông C. có đi coi thi tại điểm thi số 50 Trường THPT Khâm Đức (thị trấn Khâm Đức).
Hiện đã xác định có ít nhất 49 tiếp xúc gần với ông C. trong đó, có 32 người là cán bộ, giáo viên; 17 người còn lại là học sinh trường THPT Nông Sơn. Những người này đã được lấy mẫu xét nghiệm.
Tính từ ngày 25/7 đến nay, Quảng Nam đã ghi nhận 94 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. 5 huyện, thị xã, thành phố đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Mưa lũ làm 6 người chết, hồ thủy điện Lai Châu phải xả 5 cửa

Mặc lệnh cấm dịch, một trường ở Biên Hòa

vẫn bắt 800 học sinh đi học

Mạnh Đức
Dù thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đã có lệnh tạm ngưng dạy học để phòng, chống dịch COVID-19, nhưng trường tiểu học – trung học cơ sở Nguyễn Khuyến ở phường Trảng Dài vẫn tổ chức cho hơn 800 học sinh đến trường.Tuổi Trẻ đưa tin, sáng 18/8, ban chỉ đạo phòng chống dịch phường Trảng Dài đã lập biên bản kiểm tra đối với Trường tiểu học, trung học cơ sở Nguyễn Khuyến (khu phố 5 A, P. Trảng Dài, TP. Biên Hòa) vì tổ chức giảng dạy trong lúc có lệnh cấm của TP. Biên Hòa.
Đoàn kiểm tra đã ghi nhận có hơn 800 học sinh đến trường (chiếm tỉ lệ trên 93%).
Giải thích về việc tổ chức dạy học trong mùa dịch COVID-19, đại diện trường cho biết tập trung học sinh để chuẩn bị năm học mới, hướng dẫn học phương pháp online nhưng đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, giữ gìn vệ sinh lớp…
Đoàn kiểm tra yêu cầu nhà trường tạm ngưng tổ chức cho học sinh đến trường như chỉ đạo của TP Biên Hòa để chống dịch COVID-19.
Đại diện nhà trường đã ký vào biên bản làm việc: “ghi nhận ý kiến của đoàn và sẽ báo cáo lại với chủ tịch hội đồng nhà trường và báo lại với UBND phường Trảng Dài trong ngày”.
Trên 800 học sinh tập trung trong khi có lệnh nghỉ để phòng chống dịch Covid-19
Trên 800 học sinh tập trung trong khi có lệnh nghỉ để phòng chống dịch Covid-19 – ảnh chụp màn hình Người Lao Động.
Trước đó, ngày 3/8, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra văn bản yêu cầu tạm ngưng hoạt động của các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, bao gồm trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở giáo dục đại học tại TP. Biên Hòa từ ngày 4/8.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ vào chiều cùng ngày, Trường Nguyễn Khuyến vẫn tổ chức hoạt động giảng dạy ở đây và hàng trăm học sinh, phụ huynh chen chúc nhau để ra về.
Trường Nguyễn Khuyến cho hàng trăm học sinh đến trường trong 2 ngày qua bất chấp lệnh cấm của TP Biên Hòa
Theo phản ảnh của nhiều phụ huynh, nhà trường yêu cầu học sinh tiểu học, trung học cơ sở quay trở lại trường mang khẩu trang, thực hiện giãn cách, đo thân nhiệt và phụ huynh chỉ đóng 50% tiền ăn, tiền xe, tiền máy lạnh.
“Trong khi cả tỉnh và cộng đồng tham gia phòng chống dịch thì nhà trường bắt học sinh đến trường, bất chấp lệnh cấm của chính quyền. Ở đây không phải là chuyện học phí mà trách nhiệm của nhà trường với xã hội trong mùa dịch COVID-19” – một phụ huynh đề nghị không nêu tên nói với Tuổi Trẻ.
Giúp việc dựng lều nằm trước nhà nguyên phó công an huyện đòi tiền nhờ mua đất nhưng bị quỵt

VN đề xuất mở lại một số đường bay quốc tế

Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị Thủ tướng cho phép mở đường bay trở lại đối với những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19 nhằm làm giảm thiệt hại đối với ngành hàng không.
Hiệp hội doanh nghiệp hàng không đề xuất mở lại đường bay quốc tế
Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam mới đây đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp hàng không từng bước khắc phục hậu quả do dịch Covid-19 gây ra.
Theo hiệp hội này, từ cuối tháng 7/2020, dịch Covid-19 tiếp tục tái phát ở một số địa phương, đặc biệt là TP. Đà Nẵng, khiến nhu cầu du lịch và đi lại bằng đường hàng không giảm đột ngột, các hãng hàng không mất hẳn cơ hội khai thác cao điểm du lịch hè 2020, chuyển ngay vào giai đoạn thấp điểm của ngành hàng không.
Cũng theo Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, dù các hãng hàng không đã nỗ lực thực hiện mọi giải pháp để hạn chế thiệt hại như cắt giảm tổng chi phí từ 50% – 70% so với cùng kỳ năm trước; đàm phán với các đối tác giãn nợ, giảm lãi vay; bán bớt tàu bay, chuyển nhượng tài sản; giảm lương toàn bộ cán bộ, nhân viên; giảm giá vé… nhưng đều rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng.
Để hỗ trợ các hãng hàng không khắc phục khó khăn do dịch Covid-19, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng tạo điều kiện cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000 – 27.000 tỷ đồng do Chính phủ hỗ trợ lãi suất trong thời hạn 3 – 4 năm.
Hiệp hội này cũng kiến nghị Thủ tướng kéo dài miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) giảm 50% các loại phí dịch vụ hàng không thuộc thẩm quyền của ACV.
Bên cạnh đó, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam cũng đề nghị Thủ tướng báo cáo Ban thường vụ Quốc hội cho phép giảm ít nhất là 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết 2021.
Hiệp hội còn đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trong 6 tháng việc nâng cấp sửa chữa đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Đáng chú ý, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị Thủ tướng cho phép mở đường bay trở lại đối với những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19, nghiên cứu để ban hành những chuẩn mực về quy trình đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không.
Qua đó, cho phép khách du lịch nhập cảnh nếu họ đáp ứng được những yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, cho phép các chuyên gia, trong đó, có các giáo sư của trường đại học Mỹ tại Việt Nam (AUV) sang Việt Nam giảng dạy từ cuối tháng 8.

Chính phủ xem xét bắt buộc cài Bluezone,

dân lo ngại bảo mật thông tin

Chính phủ Việt Nam đang xem xét bắt buộc người dân cài đặt ứng dụng Bluezone truy dấu nguồn lây nhiễm virus corona trên điện thoại để “phục vụ công tác phòng chống dịch” COVID-19 trong lúc người dân lo ngại về bảo mật thông tin khi chính phủ chưa có chính sách rõ ràng về việc sử dụng dữ liệu người dùng ứng dụng này.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 hôm 18/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được truyền thông trong nước trích lời cho biết “dịch bệnh còn kéo dài” trong khi “ít nhất một năm nữa vaccine mới có thể đến với mọi người.”
Phó Thủ tướng chính phủ, đồng thời là trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, yêu cầu “tăng cường các giải pháp để thực sự chung sống an toàn trong dịch bệnh.”
Một trong những giải pháp đó là phát triển các giải pháp công nghệ thông tin trong việc truy vết để xác định các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus để xét nghiệm.
Phó Thủ tướng Đam và lãnh đạo ban thống nhất giao cho các cơ quan chức năng trình cấp có thẩm quyền “xem xét ban hành quy định mang tính bắt buộc” chủ thuê bao di động cài đặt các ứng dụng, trong đó có khai báo y tế điện tử và Bluezone, trên điện thoại thông minh “để phục vụ công tác phòng chống dịch,”, theo Tuổi Trẻ.
“Tôi chưa thấy có cơ sở pháp lý nào (để bắt buộc) việc này,” anh Bùi Sơn, một kỹ sư sống ở Hà Nội cho biết. “Tất cả các application (ứng dụng) khi cài đặt trên điện thoại hay máy tính cá nhân thì người sử dụng đều có quyền lựa chọn sử dụng hay không sử dụng cài đặt đó. Trong luật pháp Việt Nam tôi chưa thấy điểm nào cho phép chính phủ hay chính quyền bắt buộc người dân phải cài đặt một ứng dụng này hay ứng dụng kia.”
Ứng dụng Bluezone do tập đoàn công nghệ Bkav phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển được ra mắt vào giữa tháng 4 vừa qua. Nhiều quảng cáo trên truyền thông trong nước khuyến khích người dân cài đặt Bluezone “để bảo vệ mình, bảo vệ người thân, bảo vệ cộng đồng, chung tay chống dịch.”
Theo anh Sơn, nếu 100% cộng đồng đều cài “có thể sẽ có một hiệu quả nhất định gì đó” nhưng vấn đề mà anh Sơn quan ngại nhất là việc “Chính phủ không cam đoan về vấn đề bảo mật thông tin.”
“Nếu thông tin của anh được bảo mật chắc chắn chính quyền sẽ không biết nhưng chính quyền đưa anh đi cách ly vì phát hiện thông qua ứng dụng Bluezone này thì chứng tỏ thông tin cá nhân của anh đã có một bên thứ 3 nắm được,” theo anh Sơn, người từng tải Bluezone lên điện thoại cá nhân nhưng sau đó xóa bỏ ứng dụng này vì lo ngại vấn đề bảo mật thông tin. “Nên tôi thấy nguy cơ mất bảo mật thông tin cá nhân nằm ở chỗ này.”
Việt Nam không có luật bảo vệ dữ liệu và theo đánh giá của Data Protection Excellence Network khi so sánh với các ứng dụng truy dấu COVID-19 trong khu vực ASEAN, Bluezone có thể gây lo ngại cho người dùng về sự riêng tư và không rõ người dùng sẽ chia sẻ dữ liệu lịch sử tiếp xúc như thế nào với chính phủ trong trường hợp bị lây nhiễm.
Theo giải thích của Cục Tin học hoá, bằng việc lựa chọn đăng ký thông tin cá nhân, người dùng đồng ý cho cơ quan y tế sử dụng với mục đích phòng chống dịch bệnh COVID-19. Cục này cho biết dữ liệu tiếp xúc sẽ chỉ được phục vụ cơ quan y tế khi có sự đồng ý của người dùng hoặc trong trường hợp người dùng là ca nghi nhiễm.
Giống như anh Sơn, trước thông tin Bkav là nhà phát triển ứng dụng Bluezone, nhiều người dùng tỏ ra e ngại về việc dữ liệu cá nhân bị đánh cắp khi sử dụng ứng dụng này. Theo Vietnam Finance, trả lời những thắc mắc này, Cục Tin học hoá của Bộ TTTT cho biết Bluezone “chỉ sử dụng quyền truy cập tệp để ghi lịch sử tiếp xúc váo bộ nhớ của thiết bị.”
Theo mô tả của về hoạt động của Bluezone, để ứng dụng này hoạt động hiệu quả, điện thoại người dùng phải luôn bật Bluetooth để “ghi nhận lịch sử tiếp xúc”. Điều này gây quan ngại cho người dùng về vấn đề bảo mật thông tin khi một trong những câu hỏi người dùng đưa ra đối với Cục Tin học hoá là “Bluezone có theo dõi vị trí người dùng không?”.
Bộ TTTT và Bộ Y tế Việt Nam gần đây đã khuyến nghị toàn dân “cài Bluezone cho mình và cho 3 người khác” với mục tiêu có ít nhất 50 triệu người cài đặt ứng dụng này – con số tối thiểu cần thiết để Bluezone có một hiệu ứng ý nghĩa.
Đã có 18,7 triệu người dùng điện thoại tại Việt Nam tải ứng dụng Bluezone tính đến ngày 16/8, theo thống kê của Cục Tin học hoá được Vietnam Finance trích dẫn, một mức tăng hơn 18,5 triệu người dùng kể từ khi làn sóng tái lây nhiễm trong cộng đồng bắt đầu từ Đà Nẵng hôm 25/7.
Sau hơn 3 tuần tái lây nhiễm cộng đồng, Việt Nam ghi nhận thêm hơn 500 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca dương tính COVID-19 lên 933 tính tới ngày 19/8. Việt Nam cũng ghi nhận 25 ca tử vong đầu tiên vì virus corona trong hơn 3 tuần qua.

Tăng thẩm quyền điều tra hình sự

cho công an xã có làm tăng oan sai?

Thanh Trúc
“Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 đề xuất tăng thẩm quyền cho công an xã trong hoạt động điều tra hình sự, nhưng nhiều ý kiến còn băn khoăn”, là nguyên văn bản tin ngắn được truyền thông trong nước loan đi ngày 17/8.
Đề xuất mới nhất này chỉ được truyền thông  trong nước loan đi mà không có thêm chi tiết, lại khiến dư luận một lần nữa băn khoăn như lúc có Thông Tư của Bộ Công An qui định cảnh sát giao thông được huy động phương tiện của dân ngày 19/6/2020 vừa qua.
Khi đó nhiều người đã nêu câu hỏi là cảnh sát giao thông được quyền huy động phương tiện của dân trong khuôn khổ nào mới gọi là đúng, và bây giờ công an xã được tăng thẩm quyền điều tra hình sự trong mức độ nào và tại sao lại còn băn khoăn…?
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội Việt Nam, cho rằng có 2 vấn đề cần giải thích. Thứ nhất là trang bị thêm cho công an xã quyền hạn và phương tiện điều tra cần thiết đối với các vụ án hình sự ở địa phương:
Điều tra hình sự, thu thập chứng cứ, lập biên bản hiện trường,  giữ lại hiện trường…Cách làm như thế sau này khi kết luận điều tra thì phải có sự thẩm định trở lại của công an huyện hoặc có sự giám sát của Viện Kiểm Sát hay Công Tố thì mới coi được. Chuyện này cho thấy những tội phạm như ăn cắp, đánh lộn, gây rối trận tự ở địa phương, theo cách gọi trước đây là tiểu hình, phải đưa lên huyện hết thì nó dồn ứ trên đó không cần thiết”.
Theo luật thì điều tra phải có biên bản, phải có thu hình. Để tránh ép cung , mớm cung thì phải làm như thế, nếu không làm thì có khi cuộc điều tra không chính xác, thẩm tra thẩn định lại khó”
Cái băn khoăn là đưa người được đào tạo về nhưng chưa lấp kín được, còn nếu bộ máy không hoàn chỉnh thì có khi chủ quan và không được kiểm tra sẽ dẫn đường cho những tiền đề oan sai sau này – LS. Trần Quốc Thuận
Thứ hai, vẫn lời luật sư Trần Quốc Thuận, điều nay thể hiện chủ trương mới là nâng cấp đơn vị chấp pháp thấp nhất tính từ dưới lên:
Chủ trướng mới là công an xã được đào tạo chuyên môn. Trước kia người được đào tạo chính qui thì về Trung Ương, về Bộ, về  các Tổng Cực, Cục, về công an cấp tỉnh trực thuộc hành phố. Bây giờ người ta muốn đưa số công an đó về dưới xã. Vừa qua nếu theo dõi thì thấy có giải thể khá nhiều Tổng Cực, như vậy số dư dôi được đào tạo chính qui đó sẽ được đưa về dưới xã”.
“Cái băn khoăn là đưa người được đào tạo về nhưng chưa lấp kín được, còn nếu bộ máy không hoàn chỉnh thì có khi chủ quan và không được kiểm tra sẽ dẫn đường cho những tiền đề oan sai sau này”.
Băn khoăn hay không thì sớm muộn đề xuất tăng thẩm quyền điều tra hình sự cho công an xã cũng sẽ được chấp thuận, cái chính là phải chờ xem đề  xuất được thực hiện như thế nào trên những đối tượng nào, là ý kiến của blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải.
Vẫn theo cựu tù nhân lương tâm này, đã có những trường hợp công an xã chỉ có trình độ tiểu học, với trình độ đó thì sự hiểu biết của họ về pháp luật, về Hiến Pháp hoặc về  quyền con người rất nông cạn. Những vụ việc đã qua như sự lộng hành, bắt người vô cớ, chặn đường bắt người rồi đưa về trụ sở công an xã, thậm chí có người đã chết trong quá trình tạm giam để điều tra, chứng tỏ trao thêm quyền hành cho công an xã khiến họ vi phạm quyền công  dân nhiều hơn:
Các cơ quan điều tra chính thức và có thẩm quyền hiện cũng không có  được sự giám sát từ Viện Kiểm Sát hay những cơ quan giám sát độc lập như Quốc hội. Ngay cả  camera trong các phòng điều tra cũng không được đặt thì nói gì đến những trụ sở của các công an xã. Ở đó những phương tiện những thiết bị nó kém, trình độ quản lý và trình độ xử lý công việc cũng kém thì làm sao mà bảo đảm được quyền công dân. Khi những người thiếu khả năng, thiếu trách nhiệm như công an xã mà được tăng quyền thì rất nguy hiểm”.
Đây cũng là băn khoăn của bác sĩ quân ý Đinh Đức Long, được gọi là trung tá, tiến sĩ bỏ đảng, ít nhiều có phần khác hơn:
Thứ nhất tăng thẩm quyền như thế nào, cụ thể tăng cái gì? Thứ hai là tại sao bây giờ tăng mà trước kia không tăng? Tôi cũng nghĩ bây giờ công an xã là công an chính qui được bổ sung. Tức là có đề án tái cơ cấu từ năm ngoái, là công an chính qui tốt nghiệp đại học xuống làm trưởng công an xã chứ không phải như ngày xưa công an xã nhiều khi là văn hóa thấp và nhiều khi không được đào tạo bài bản cho nên dễ xảy ra hiện tượng kém, nhầm lẫn, lộng hành trong công vụ. Thứ ba, công an xã thường là người địa phương, có thể có méo mó tình cảm chẳng hạn người nhà và họ hàng thì thì bênh vực, còn người ghét thì chụp cho cái tội gì đó. Những chuyện đấy thì công an xã là có”.
Khi được tái cơ cấu thành chính qui, ông Đinh Đức Long nói ông hy vọng  không chỉ công an xã mà cả ngành Công An sẽ được nhìn với con mắt nể nang hơn:
Cụ thể sửa đổi cái gì thì đang trong quá trình thảo luận và chắc họ phải lấy ý kiến các ban, ngành, đoàn thể, rồi các nhà làm luật pháp nữa. Còn về mặt lý tôi thấy họ có cơ sở để tăng thẩm quyền, là trình độ phải nâng cao lên, và người không phải là người địa phương để tính khách quan nó tốt hơn. Còn tăng đến đâu cụ thể mình phải có văn bản mình mới đánh giá được”.
Nhà báo Lê Phú Khải, cựu phóng viên VOV Đài Tiếng Nói Việt Nam, đưa ra nhận xét:
Bản thân tôi là một ví dụ này, khi tôi đi thi đại học là công an xã có quyền phê lý lịch cho tôi. Họ không biết gì cả, chỉ thấy ông nội tôi nói tiếng Pháp liền phê ngay gia đình tôi là tư sản và tôi không được đỗ đại học. Mãi sau nhờ thế lực khác tôi mới được vào Đại Học”.
“Công an xã có học hành gì đâu, chỉ là giữ trật tự an ninh thôi, mà  tăng thẩm quyền cho những người ít học như thế chẳng qua là tăng cường sự đàn áp, tăng cường quyền hành cho nhân dân khiếp sợ. Cái đó chỉ nói lên là khi mà mất lòng dân thì phải làm như thế thôi”.
Kể từ năm ngoài Bộ Công An Việt Nam đã loan báo nhiều chương trình cải cách nghe thật hay nhưng không khéo có thể khiến người dân nghĩ chế độ ngày càng tiến dần đến công an trị, là nhận định của nhà báo độc lập, cưu tù nhân lương tâm Điếu Cày:
Thời gian gần đây thẩm quyền của công an được tăng rất nhiều, ngành Công An gần như đề xuất mọi chính sách. Quốc Hội là nơi ban hành Luật nhưng Công An là nơi soạn thảo Luật . Ví dụ Luật Quản Lý Các Nhà Tù và Luật Thi Hành Án Hình Sự cũng do Công An soạn thảo. Gần đây nhất là Luật Biểu Tình cũng thế, Quốc Hội yêu cầu bên Công An soạn thảo. Đề xuất tăng quyền cho công an xã hay mới đây nhất là việc cảnh sát  giao thông có thể trưng dụng tài sản của công dân, cũng là những Thông Tư, Nghị Định mà ngành Công An vận động trong mục đích tăng cường quyền lực của họ trên chính trường Việt Nam”.
Tại buổi hội thảo nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập lực lượng Công An Nhân Dân, diễn ra hôm 30/7 vừa qua, Đại tướng Tô Lâm, trong cương vị Bộ trưởng Bộ Công An, đã ca ngợi và được báo chí  trích dẫn lại rằng công an là thanh bảo kiếm sắc bén của Đảng, của chế độ, rằng các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Công An Nhân Dân luôn ghi nhớ, khắc sâu trong trái tim về hoài bão ý tưởng cao đẹp “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi”, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui của mình”.
Theo nhà báo Lê Phú Khải, nếu tăng thẩm quyền cho công an xã để lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui của mình thì công an không cần phải là “thanh bảo kiếm sắc bén của đảng”.

Có thể xây dựng lực lượng công an

 “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân”?

Đề nghị của Thủ tướng
Tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Công an Nhân dân Việt Nam, diễn ra vào sáng ngày 16/8, người đứng đầu chính phủ Hà Nội trao tặng Huân chương Quân công hạng nhất cho các cán bộ, lãnh đạo của bộ công an.
Phát biểu trong buổi lễ, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng Lực lượng Công an Nhân dân cần tiếp tục “lấy dân làm gốc”, “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, và “xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an gần gũi, thân thiết với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, là niềm tin, là chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong những lúc gian nguy”.
Trao đổi với RFA, một số người dân chia sẻ đối với họ, lời phát biểu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chỉ là những khẩu hiệu suông, được lập đi lập lại mỗi dịp lễ kỷ niệm của ngành công an hàng năm. Một vài người cho rằng lời nhắc nhở của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với các chiến sĩ công an là “lấy dân làm gốc’ thì cũng có tác dụng hữu ích, với ý nghĩa rằng 90 triệu người dân là “đồng bào”, không phải lúc nào cũng là “tội phạm” hay “người chống đối” mỗi khi họ thực hiện các quyền được hiến định của mình.
Một người dân ở Khánh Hòa, ông Trần Văn Vũ, lên tiếng với RFA:
“Nói chung hữu ich thì có đó, nhưng có xác thực với đời sống người dân hay không? Hay là ‘trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’? Nói một đàng rồi lại không làm thôi. Trước giờ lời nói không có đi đôi với việc làm. Dân chúng nhiều khi không tin tưởng lắm đâu. Tại vì trong cuộc sống đời thường, người dân tiếp xúc (với công an) nhiều nên hiểu quá rồi. Chẳng qua người ta không muốn nói vì dù có muốn cũng không nói được. Nói ra thì bị chụp cho ‘cái vòng kim cô’ như kiểu là ‘phản động’…người dân yếu thế, thấp cổ bé miệng nên im luôn.”
Công an là lực lượng bảo vệ Đảng
Bộ trưởng Bộ Công an-đại tướng Tô Lâm, tại lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Công an Nhân dân Việt Nam, tuyên bố lực lượng dưới quyền của ông “tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với Nhà nước và Nhân dân; chiến đấu anh dũng, hi sinh vì nền độc lập, tự do, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vì an ninh Tổ quốc”.
Trước đó, vào hôm 30/7, trong một hội thảo của ngành công an, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng tuyên bố lực lượng công an xứng đáng là lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy, “thanh bảo kiếm” sắc bén của Đảng, của chế độ.
Nói chung hữu ich thì có đó, nhưng có xác thực với đời sống người dân hay không? Hay là ‘trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’? Nói một đàng rồi lại không làm thôi. Trước giờ lời nói không có đi đôi với việc làm. Dân chúng nhiều khi không tin tưởng lắm đâu. Tại vì trong cuộc sống đời thường, người dân tiếp xúc (với công an) nhiều nên hiểu quá rồi. Chẳng qua người ta không muốn nói vì dù có muốn cũng không nói được. Nói ra thì bị chụp cho ‘cái vòng kim cô’ như kiểu là ‘phản động’…người dân yếu thế, thấp cổ bé miệng nên im luôn
-Ông Trần Văn Vũ
Ngay sau khi ông Tô Lâm tuyên bố như vừa nêu, cựu đại úy Võ Minh Đức, thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam, xác nhận với RFA rằng lực lượng Công an Nhân dân được đầu tư rất nhiều và về mặt nghiệp vụ, chuyên môn, chuyên nghiệp hóa của ngành cảnh sát, công an cũng thay đổi vượt bậc kể từ khi đất nước thực hiện chính sách “Đổi mới” hồi thập niên 80 của thế kỷ trước.
Cựu đại úy Võ Minh Đức khẳng định qua lời tuyên bố của người đứng đầu ngành Công an Việt Nam cho thấy “mang ý nghĩa để làm ‘thanh kiếm lá chắn’ cho tổ chức Đảng, không cho ai xâm phạm vào quyền lãnh đạo độc quyền ở xã hội Việt Nam của họ.”
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, vào tối ngày 18/8 cũng khẳng định lời đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng mang một hàm ý tương tự:
“Tức là định hướng, động viên…Mục tiêu, mục đích của họ là bảo vệ Đảng và bảo vệ chính quyền, nhà cầm quyền bao giờ cũng cao hơn chứ không phải là để lo cho dân.”
Cựu tù nhân lương tâm-nhà báo Nguyễn Vũ Bình lý giải cho điều khẳng định của ông:
“Chủ nghĩa Cộng sản hay chủ nghĩa xã hội hiện thực tồn tại quá lâu rồi và nó tích lũy những mâu thuẫn cùng bất mãn của người dân. Có thể thấy hàng triệu dân oan tụ tập về Hà Nội rất đông. Đấy là một trong những biểu hiện bất mãn đối với công an, đối với nhà cầm quyền. Những mâu thuẫn đó tích tụ lâu
dài và không được giải quyết triệt để. Thế thì càng đến giai đoạn cuối thì càng tăng lên và khả năng vùng lên của người dân càng tăng theo. Cho nên họ lo ngại những chuyện đó.”
Cựu nhân viên của Tạp chí Cộng sản, nhà báo Nguyễn Vũ Bình đề cập đến sự kiện hàng chục ngàn người dân ở nhiều tỉnh, thành khắp Việt Nam đồng loạt biểu tình hôm 10/6/2018 là một bằng chứng rõ ràng cho sự lo ngại của Chính quyền Hà Nội. Và, theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, lực lượng công an càng trở thành một lực lượng được Nhà nước Việt Nam sử dụng để đối phó với người dân, nhằm bảo vệ cho sự tồn vong của chế độ và Đảng lãnh đạo.
Công an đối với người dân thế nào?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở Công an Việt Nam “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân” vào khi báo chí loan tin càng có thêm nhiều trường hợp người dân bị chết trong đồn công an; nhiều người dân bị công an và an ninnh sách nhiễu, bắt bớ và bị tuyên án tù vì lên tiếng liên quan vấn đề Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông và trong bối cảnh thành lập Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở; Bộ Công an ban hành thông tư quy định trang bị cho công an từ cấp xã, phường, thị trấn thêm nhiều súng và vũ khí quân dụng…
Nhà hoạt động dân chủ Đinh Quang Tuyến nói với RFA rằng qua các quy định mới của ngành công an và qua tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Công an, cho thấy:
“Theo tôi nghĩ ông Tô Lâm có một lực lượng lớn quyền lực của ông trải khắp đất nước. Đúng là ‘công an trị’, với mục tiêu rải đều khắp nơi đều có công an hết. Rõ ràng sự chuyên nghiệp đó sẽ trao thêm quyền và chắc chắn sẽ lạm quyền hơn.”
Tức là định hướng, động viên…Mục tiêu, mục đích của họ là bảo vệ Đảng và bảo vệ chính quyền, nhà cầm quyền bao giờ cũng cao hơn chứ không phải là để lo cho dân…Chủ nghĩa Cộng sản hay chủ nghĩa xã hội hiện thực tồn tại quá lâu rồi và nó tích lũy những mâu thuẫn cùng bất mãn của người dân. Có thể thấy hàng triệu dân oan tụ tập về Hà Nội rất đông. Đấy là một trong những biểu hiện bất mãn đối với công an, đối với nhà cầm quyền. Những mâu thuẫn đó tích tụ lâu dài và không được giải quyết triệt để. Thế thì càng đến giai đoạn cuối thì càng tăng lên và khả năng vùng lên của người dân càng tăng theo. Cho nên họ lo ngại những chuyện đó
-Nhà báo Nguyễn Vũ Bình
Trong khi đó, lực lượng công an trong mắt của người dân không những không bảo vệ cho đời sống an toàn của họ mà đó là một thành phần gây nhũng nhiễu và tham nhũng rất nhiều. Cựu đại úy Võ Minh Đức nói về ghi nhận của ông liên quan điều này:
“Thực tiễn cuộc sống ở Việt Nam, ai muốn thi vào trường cảnh sát, an ninh thì thậm chí đủ điểm đậu nhưng vẫn phải mât tiền mới được vào trường học. Mất bao nhiêu tiền học xong thì lại phải chung chi cho việc điều động, sắp xếp ở địa phương nào gọi là có cơ hội thăng tiến hoặc có cơ hội kiếm tiền. Hoặc một cảnh sát giao thông ngồi văn phòng khác với một cảnh sát giao thông tuần tra ngoài đường phố. Tôi không dám chắc, nhưng tôi nghĩ có lửa mới có khói. Tôi nghe nói muốn ra đứng đường kiểm soát thì phải mất hàng trăm triệu, thậm chí đến tiền tỷ chi ra thì mới được kiểm soát giao thông.”
Một số người dân Đài RFA trao đổi còn cho biết trong thời gian sắp tới dân chúng ở Việt Nam có thêm nỗi lo ngại khi các đề xuất của công an về gắn chip trong thẻ căn cước công dân và tăng quyền điều tra hình sự cho công an xã được thi hành.

Bộ Công an “lấn sân” Bộ GTVT

về qui định biển báo đường bộ?

Diễm Thi, RFA
Cuối tháng 7 năm 2020, Bộ Giao thông – Vận tải Việt Nam trình Chính phủ dự thảo Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi do bộ này soạn thảo với nhiều điểm mới. Sau đó, Bộ Công an cũng trình Chính phủ dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do bộ này soạn thảo.
Hai dự thảo luật này có sự chồng chéo khi hai bộ đều muốn được quy định nội dung hệ thống báo hiệu đường bộ.
Bộ Công an lý giải rằng, hệ thống thông tin tín hiệu an toàn là sự cụ thể hóa các quy tắc giao thông, liên quan chặt chẽ đến trật tự, an toàn giao thông. Bộ trưởng Bộ Giao thông -Vận tải Nguyễn Văn Thể lại cho rằng, tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu đường bộ, đinh phản quang, tiêu phản quang, dải phân cách… đều thuộc công trình đường bộ và tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo ông Thể, các chỉ tiêu kỹ thuật của bảng báo hiệu đường bộ phải đồng bộ, thống nhất với các chỉ tiêu kỹ thuật khác của công trình đường bộ, đồng thời được quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành công trình giao thông đường bộ.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh giải thích về quy trình soạn thảo luật:
Khi ra luật giao thông đường bộ thì bộ quản lý ngành đó là Bộ Giao thông- Vận tải. Bộ Công an thì quản lý về an ninh trật tự. Bộ Giao thông – Vận tải là người chấp bút để soạn luật rồi trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội. Nhưng khi soạn thảo thì có những vấn đề bị lỗi từ lúc soạn thảo. Khi soạn thảo thì luật đó phải đưa ra cho công chúng hoặc các cơ quan chức năng góp ý.
Có nghĩa họ chỉ soạn thảo nhưng khi có những phản biện của các tổ chức chính trị xã hội hoặc các bộ, ngành để bổ sung cho luật. Trong quá trình soạn thảo có nhiều ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Dần dần những văn bản quy phạm pháp luật nó hoàn chỉnh hơn vì có giám sát và phản biện của công chúng, của những tổ chức xã hội hoặc những tổ chức chính trị xã hội.”
Do có nhiều ý kiến trái chiều, văn phòng Chính phủ đã phát phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Đến ngày 11 tháng 8, có 19/26 thành viên cho ý kiến về vấn đề này. Trong đó, 14 thành viên đồng ý Luật Giao thông đường bộ sẽ quy định hệ thống báo hiệu giao thông và do Bộ Giao thông – Vận tải quản lý. Chỉ có 5 thành viên đồng ý phương án quy định tại Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nêu nhận định về việc Bộ Công an, vốn chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, lại muốn được quy định nội dung hệ thống báo hiệu đường bộ:
“Theo tôi, Việt Nam là một nước công an trị và cái đảng này cũng là đảng công an trị. Vì thế cho nên công an muốn bành trướng quyền lực ra mọi nơi. Việc họ muốn làm thay Bộ GTVT cũng là tham vọng bành trướng của họ. Họ nắm được càng nhiều lĩnh vực, quản lý thêm cái gì thì quyền của nó lớn hơn. Đấy là cái động lực rất là tự nhiên của bất kể một cái tổ chức ham muốn quyền lực nào. Và chỉ có cái lòng tham quyền lực mới đụng đến những cái mà luật và hiến pháp đã quy định không được đụng đến. Thế thôi!”
Ngành công an được cho là thanh bảo kiếm sắc bén của đảng. Điều này được Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm tuyên bố tại buổi hội thảo kỷ niệm 75 năm lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam hôm 30 tháng 7 năm nay rằng: “Lực lượng công an luôn nêu phương châm ‘Chỉ biết còn đảng thì còn mình’, xứng đáng là lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy, “thanh bảo kiếm” sắc bén của đảng, của chế độ. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân luôn ghi nhớ, khắc sâu trong trái tim về hoài bão ý tưởng cao đẹp “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi”, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui của mình.”
Cũng thuộc ngành công an, lực lượng Cảnh sát giao thông lâu nay bị cáo buộc luôn nhũng nhiễu, lạm quyền, vòi tiền người tham gia giao thông ngay cả khi họ không vi phạm lỗi gì. Điều này được phơi bày rõ ràng qua rất nhiều video clip người dân quay lại và tung lên mạng xã hội.
Từ năm 2013, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát về quan điểm và trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng. Báo cáo cho biết “Tham nhũng tăng lên trong hai năm qua, trong đó cảnh sát vẫn là lĩnh vực có mức độ tham nhũng nhiều nhất”.
Dư luận cho rằng, khi công an nắm nhiều quyền hành trong tay thì dễ dẫn đến lạm quyền nếu quyền lực không được kiểm soát. Với việc Bộ Công an muốn thay Bộ Giao thông- Vận tải quy định về báo hiệu đường bộ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nêu nhận xét:
“Khi mà họ làm được việc có quyền đặt biển báo, thì giới lái xe ở Việt Nam mới thấy có rất nhiều cái động lực, cảnh sát giao thông có nguồn thu rất quan trọng, đấy là phạt. Phạt không vào kho bạc nhà nước mà vào túi của họ. Đó là chuyện nhan nhản ở Việt Nam.”
Thông tư số 89/2007/TT-BTC do Bộ Tài chánh Việt Nam ban hành ngày 25 tháng 7 năm 2007 có quy định trích 70% tiền thu phạt vi phạm hành chính cho lực lượng Công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, tức cảnh sát giao thông.
Hôm 12 tháng 8, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu rằng để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác, tổ chức thực thi, việc quản lý hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải soạn thảo là hợp lý, trừ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Với cái nhìn về khía cạnh luật pháp, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu quan điểm của ông:
“Thông thường khi một bộ ban hành luật thì họ chỉ mang cái lợi ích cho bộ của họ, nhưng khi đưa ra phản biện thì họ tiếp thu và sửa lại những quy định mang tính chất chủ quan. Khi một bộ ban hành quy định do bộ đó quản lý thì phải được tất cả các bộ ngành khác phản biện, góp ý dưới góc độ quản lý chuyên ngành.
Ví dụ Bộ GTVT ban hành quy định về biển báo nhưng ngành công an có CSGT là những người thường xuyên đứng trên đường, họ thấy những bảng hiệu đó nó vô lý thì họ cho ý kiến. Đó là sự phản biện lại để bộ GTVT điều chỉnh lại cho đúng hơn.”
Theo kết luận của vị luật sư thì việc Bộ Công an ra dự thảo luật có sự chồng chéo không phải là đối nghịch mà là phản biện, góp ý để điểu chỉnh lại cho hợp lý, để luật đi vào cuộc sống.

VTV chính thức xin lỗi

Sau khi vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận, trong Bản tin Tài chính Kinh doanh sáng ngày 19/8, VTV đã có lời xin lỗi những người bán hàng rong vì đã để xảy ra lỗi nghiêm trọng.
Cụ thể, nguyên văn câu xin lỗi của BTV Thu Hương được phát sóng như sau:
“Trong bản tin Tài chính – kinh doanh sáng 17/8 trên VTV1, chúng tôi đã phát sóng phóng sự chia sẻ những khó khăn của người bán hàng rong tại TP HCM trong dịch Covid-19.
Do sơ suất trong quá trình biên tập và lên sóng trực tiếp, biên tập viên dẫn chương trình của chúng tôi đã sử dụng từ ngữ không phù hợp và ngoài ý muốn khiến khán giả hiểu sai nội dung muốn truyền tải, trong khi toàn bộ phóng sự là góc nhìn chia sẻ và cảm thông với những gánh hàng rong đang phải vật lộn mưu sinh thời Covid-19″.
Đồng thời, BTV Thu Hương thay mặt ban biên tập chương trình “gửi lời xin lỗi chân thành đến những người bán hàng rong và quý vị khán giả về lỗi tác nghiệp nghiêm trọng này”.
Trước đó, trong bản tin tài chính phát sóng ngày 17/8, biên tập viên Anh Quang của VTV1 đã dùng từ “sống ký sinh trùng” để nói về những gánh hàng rong.
Biên tập viên Anh Quang nói: “Dịch Covid-19 đã khiến cho những con phố du lịch hay chủ yếu là phục vụ khách nước ngoài tại TP HCM trở nên tiêu điều. Khi những con phố không còn sức sống thì những gánh hàng rong – vốn được xem là sống ký sinh trùng lên trên những con phố này sẽ tồn tại ra sao?”.
Gần như ngay sau đó, dân mạng lên án cách dùng từ “ký sinh trùng”, cho đây là lối nói xúc phạm, xem thường người bán hàng rong, một thành phần kinh tế của đất nước.
BTV Anh Quang đã giải thích trên trang Facebook cá nhân rằng mình “nói nhịu” từ “ký sinh” thành “ký sinh trùng” trên sóng VTV1. Trước đó, trong tạp chí Kinh tế cuối tuần của VTV, phóng sự này đã lên sóng một lần, BTV Huy Hoàng cũng đọc bản gốc là “sống ký sinh”.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng BTV Anh Quang đã nói nhịu nhưng cách dùng từ “ký sinh trùng” hay “ký sinh” đều không phù hợp.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt ngày 18/8, dịch giả Nguyễn Việt Long cho rằng từ “ký sinh trùng” hay “ký sinh” thì nghĩa cũng vậy, chỉ khác loại từ. Ông Long phân tích:
“Ký sinh trong sinh vật học là cách thức mà những loài vật sống trên cơ thể sinh vật khác, lấy chất dinh dưỡng từ các sinh vật đó để sống. Từ nghĩa gốc này mà dân gian dùng với nghĩa bóng, ví von là ‘ăn bám, sống gửi’ chứ không phải nghĩa đen như trong sinh vật học, nên có sắc thái tiêu cực. Tất nhiên những người bán hàng rong họ phải tự mưu sinh chứ không ăn bám ai cả, do đó không nên ví như vậy”.
“Xét về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng thì cho dù dùng theo lối ẩn dụ hay văn hoa cũng không đúng. Cần phân biệt sắc thái mà đa số người Việt hiểu và đang dùng, chứ không phải truy từ nguyên chữ Hán rồi bảo không có nghĩa xấu vì có nhiều từ nghĩa và sắc thái đã đi xa khỏi nghĩa từ nguyên ban đầu”.
“Có lẽ người nói muốn nói những người bán hàng rong sống nhờ vào con phố du lịch? Như thế cũng không hẳn là sống ký sinh, một hình thức sống phụ thuộc hoàn toàn vào ai đó hay cái gì đó bên ngoài. Nhờ khác với ký sinh ở mức độ phụ thuộc hay tận dụng hoàn cảnh. Dùng như vậy không chính xác về ngữ nghĩa và không hay (có ý khinh thị) về sắc thái”, ông Long nói thêm.
Bên cạnh đó, dư luận yêu cầu VTV phải chính thức lên tiếng xin lỗi với nguyên tắc “sai ở đâu thì xin lỗi ở đó. Sai trên nền tảng truyền hình thì xin lỗi trên truyền hình, sai trên báo thì đính chính trên báo.”
Việc VTV chính thức lên tiếng xin lỗi cho thấy phần nào sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận đã được tiếp thu. Sau lời xin lỗi trên sóng truyền hình của VTV, dư luận đã phần nào được xoa dịu dù nhiều người cho rằng, nếu không có sự lên án gay gắt này, VTV sẽ không nhìn nhận lỗi sai của mình.

Biển Đông: Căng thẳng VN-Malaysia gia tăng

sau vụ ngư dân Việt bị bắn chết

Vụ cảnh sát biển Malaysia bắn chết một ngư dân Việt Nam làm dấy lên lo ngại về tác động của sự việc lên các mối quan hệ giữa các nước ASEAN – cũng như mối quan hệ của ASEAN với Trung Quốc, theo SCMP.
Sự kiện xảy ra vào cuối ngày Chủ Nhật (16/8), sau khi lực lượng tuần duyên của Malaysia tìm cách kiểm tra hai chiếc thuyền của ngư dân Việt Nam được cho là đang đánh bắt cá trái phép ở vùng biển phía đông Kelantan thuộc Malaysia.
Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Malaysia điều tra sự việc và bảo vệ quyền lợi của các ngư dân Việt đang bị phía Malaysia giam giữ.
Phía Malaysia cho rằng 19 ngư dân Việt nam đã có ‘hành động hung hăng’ và ném bom xăng vào họ khi được yêu cầu đầu hàng. Malaysia đã bắn một phát súng cảnh cáo nhưng bị làm ngơ, theo thuyên bố của người đứng đầu lực lượng Bảo vệ bờ biển Kelantan, ông Muhd Nur Syam Asmawie Yaacob.
Tiến sỹ Collin Koh, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, cho rằng “Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ hơn cộng đồng ngư dân của mình”.
“Đã từng có những cảnh báo trước khi dẫn đến sự cố nghiêm trọng, chết người này,” ông Koh nói.
‘Ảnh hưởng tiêu cực’ và ‘gây phân tâm’
Theo TS Koh, các sự cố như việc này, vừa gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Malaysia-Việt Nam, vừa gây phân tâm trong khi có ‘cá lớn hơn cần phải rán’ – là Trung Quốc và các tranh chấp quyền lời của nước này trên Biển Đông.
Các nhà phân tích cũng cho rằng vụ việc này cho thấy các nước Đông Nam Á cùng có yêu sách trên Biển Đông có quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết với nhau.
Ông Koh nói: “Sẽ hữu ích hơn nếu những vấn đề nội bộ ASEAN được giải quyết đúng đắn để thúc đẩy hợp tác trên mặt trận Biển Đông trong tương lai.”
“Nếu không, nó sẽ chỉ góp phần vào tình hiện nay của ASEAN – một khối chứa đầy những khác biệt nội bộ của riêng mình, khiến khối này càng dễ bị tác động trước nỗ lực chia rẽ của Bắc Kinh.”
Bà Hoo Chiew Ping thuộc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc gia Malaysia cho rằng: “Đánh bắt bất hợp pháp, không được kiểm soát và không báo cáo là một trong những lý do tại sao Malaysia chậm trong việc quản lý an ninh hàng hải khu vực.
“Điều quan trọng đối với các nước Đông Nam Á là giải quyết các tranh chấp ngư trường theo phương thức song phương hoặc đa phương nếu khu vực này có nhiều bên tranh chấp. Việt Nam và Malaysia có thể áp dụng cách tiếp cận hòa giải hơn bằng cách đàm phán song phương với nhau để giải quyết vấn đề đánh bắt cá “, bà nói.
Thomas Daniel, nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Malaysia, nói rằng các tàu Việt Nam đang bị các đội tàu đánh cá và tàu thực thi của Trung Quốc “đẩy về phía nam” cũng như do thiếu nguồn cá tại các ngư trường truyền thống của nước này.
‘Biển Đông đầy rẫy nạn đánh cá bất hợp pháp’
“Chỉ mới tháng Chín năm ngoái đã có một cuộc đối đầu giữa các tàu tuần tra của Malaysia và Việt Nam ngoài khơi Terengganu. Cũng nên nhớ lại rằng [Hà Nội] vẫn đang cố gắng để Liên minh Châu Âu gỡ thẻ vàng cho hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát”.
Nước láng giềng Thái Lan cũng bị ảnh hưởng, TS Koh cho biết, với hàng loạt báo cáo gần đây về việc lực lượng tuần duyên Thái Lan bắt giữ tàu đánh cá Việt Nam.
Biển Đông đầy rẫy nạn đánh bắt bất hợp pháp, và Việt Nam và Trung Quốc – với ngành đánh bắt phát triển hơn- được cho là những nước đóng vai trò chính.
Việt Nam là một trong những nước từ lâu phải chịu đựng lệnh cấm đánh bắt cá trái phép ở Biển Đông của Trung Quốc. Một tàu cá Việt Nam từng bị đâm chìm hồi tháng 4 sau khi va chạm với tàu tuần duyên Trung Quốc.
Một điểm gây tranh cãi khác là lệnh cấm đánh bắt cá vào mùa hè của Bắc Kinh ở vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền trên vĩ tuyến 12 – bao gồm các khu vực gần bãi cạn Scarborough, quần đảo Hoàng Sa và Vịnh Bắc Bộ – mà ngư dân Việt Nam và Philippines cho rằng không nằm trong quyền tài phán của Trung Quốc.
Bắc Kinh nói rằng lệnh cấm, bắt đầu từ ngày 1/5 và kết thúc vào 16/8 vừa qua, là cần thiết để duy trì trữ lượng cá và hải sản.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông, nói rằng họ có các quyền lịch sử đối với các thực thể trên cạn và vùng biển ở khu vực này. Nhưng một số quốc gia Đông Nam Á bao gồm Malaysia, Việt Nam, Philippines và Brunei nói rằng những yêu sách của Bắc Kinh trái với Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982.
Trong khi đó, lực lượng tuần duyên Malaysia cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ không nhân nhượng khi đối mặt với “những hành động quá khích” của ngư dân nước ngoài, và rằng họ đã bắt giữ 43 tàu đánh cá nước ngoài và 487 người Việt Nam kể từ ngày 24/6/2020.
Biển Đông là nơi có nhiều quốc gia tranh chấp chủ quyền, với những vùng chồng lấn lên nhau

Hoa Kỳ – Việt Nam hợp tác điều tra

các vụ lừa đảo lợi dụng COVID-19

Hoa Kỳ và Việt Nam đã hợp tác điều tra vụ lừa đảo gần 975 ngàn USD qua sử dụng 300 trang web lợi dụng đại dịch COVID-19. Ba nghi phạm là công dân Việt Nam trong vụ này bị bắt giữ.
Thông cáo ngày 18/8 của Đại sứ quán & Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết cuộc điều tra bắt nguồn tại thành phố Tampa, Floria vào tháng 3 năm nay. Cục Điều tra An ninh Đội địa Hoa Kỳ thuộc Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển thông tin cho Bộ Công an Việt Nam để bắt giữ ba nghi can.
Các đơn kiện dân sự và tài liệu tại Hoa Kỳ cho biết ba nghi can đã bị bắt gồm Phan Đình Thư, Trần Quốc Khánh và Nguyễn Duy Toàn. Cả ba bị cáo buộc tham gia kế hoạch lừa đảo nhằm thu lợi bất chính từ đại dịch COVID-19.
Theo đơn kiện, các bị cáo là công dân Việt Nam đã điều hành hơn 300 trang web bán các sản phẩm khan hiếm trong tình hình đại dịch COVID-19 bùng phát như nước rửa tay khô và khăn diệt khuẩn.
Hơn 7000 nạn nhân đến từ 50 tiểu bang của Hoa Kỳ đã đặt mua hàng từ các trang web lừa đảo nói trên và chưa bao giờ nhận được sản phẩm.
Các đơn kiện từ phía Hoa Kỳ cũng cho biết các bị can đã tạo hàng trăm tài khoản email và tài khoản người dùng với phương thức thanh toán ở Hoa Kỳ nhằm lừa đảo và trốn tránh các cơ quan thực thi pháp luật.
Các bị cáo cũng bị cáo buộc đưa thông tin sai lệch lên các trang web, dẫn đến việc những cá nhân và doanh nghiệp ở Hoa Kỳ không liên quan bị nhận tai tiếng và phàn nàn từ khách hàng.
Cục Điều tra An ninh Nội địa Hoa Kỳ xác định 40 ngàn giao dịch có liên quan đến vụ lừa đảo trị giá gần 975 ngàn USD.

Điểm tin trong nước sáng 19/8: An Giang cảnh giác

‘bệnh lạ’ Chikungunya đang lây lan tại Campuchia;

Apple dừng lắp ráp iPhone tại Việt Nam?

Mục điểm tin trong nước sáng thứ Tư (19/8) của DKN xin gửi đến quý độc giả những nội dung sau:
An Giang cảnh giác ‘bệnh lạ’ Chikungunya đang lây lan tại Campuchia
Ngày 18/8, UBND tỉnh An Giang ra cảnh báo về dịch bệnh Chikungunya đang diễn ra tại Campuchia có khả năng lây lan sang Việt Nam, theo Người lao động.
Theo đó, giới chức An Giang yêu cầu các địa phương (nhất là các địa phương thuộc khu vực biên giới) tăng cường thông tin về sự nguy hiểm, lây lan nhanh chóng cũng như khẩn trương áp dụng các biện pháp phòng, chống loại dịch bệnh này.
Bệnh Chikungunya lây truyền từ người sang người thông qua muỗi Aedes nhiễm bệnh. Triệu chứng của người bị nhiễm bệnh là sốt, đau khớp nghiêm trọng, đau cơ, nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi và phát ban. Hiện, dịch bệnh này đã lây lan nhanh ở 15 tỉnh, thành tại Campuchia với hơn 2.000 trường hợp nhiễm bệnh. Trong số những địa phương này có 2 tỉnh tiếp giáp với An Giang là Kandal và Takeo.
Apple dừng lắp ráp iPhone tại Việt Nam?
Một bài báo trên Apple Insider có tựa đề “Apple ngừng kế hoạch lắp ráp iPhone tại Việt Nam vì điều kiện sống của công nhân” cho biết, hãng Apple đang xem xét khả năng đưa sản xuất iPhone đến Việt Nam sau khi thăm nhà máy thuộc sở hữu của đối tác chuyên lắp ráp iPhone là Luxshare, theo Thanh Niên.
Bài báo cho rằng, chuyến thăm này nhằm kiểm tra các điều kiện của nhà máy, càng khẳng định thêm kế hoạch đưa dây chuyền lắp ráp và sản xuất iPhone từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Bài báo cũng trích dẫn lời Giám đốc đối ngoại Luxshare là Tăng Duệ Bằng khẳng định nhà máy tại Khu công nghiệp Vân Trung đã được kiểm tra để đảm bảo đúng quy mô, có đủ cơ sở vật chất và có đủ vốn đầu tư để bắt đầu lắp ráp iPhone. Đồng thời, ông cũng cho biết Apple đánh giá cao tiềm năng tại tỉnh Bắc Giang và những người lao động chăm chỉ.
Cơ sở này là một trong số các cơ sở tại Việt Nam lắp ráp sản xuất cho Apple.
Tuy nhiên, theo Apple Insider, một phần nhà máy của Luxshare tại Bắc Giang vẫn chưa đạt đủ yêu cầu của Apple, đặc biệt là những yêu cầu liên quan tới khu ký túc xá của công nhân ở bên cạnh. Báo cáo không nói rõ những yêu cầu nào Luxshare chưa đáp ứng được, nhưng cho biết có thể vì những điều này mà Apple hiện đang tạm dừng kế hoạch sản xuất iPhone tại Việt Nam.
Cách ly 23 thí sinh sau kỳ thi tốt nghiệp THPT
Báo VnExpress đưa tin, sáng 17/8, sau khi Bộ Y tế công bố “bệnh nhân 964”, nhà chức trách điều tra dịch tễ, xác định con trai bệnh nhân sống cùng nhà là F1. Em này đang cách ly tập trung, kết quả xét nghiệm lần một âm tính nCoV. Nhân viên y tế đã lấy mẫu kết quả xét nghiệm lần hai, hiện chưa có kết quả.
Sáng 18/8, nhà chức trách TP. Tam Kỳ, cho biết đã xác định 23 em học sinh là những thí sinh cùng phòng thi 433, hội đồng thi trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Tam Kỳ với con trai “bệnh nhân 964” (lúc đó chưa công bố mắc Covid-19) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày 9-10/8 vừa qua. Qua rà soát xác định 23 em ở thành phố Tam Kỳ, một em ở xã Tam Thái, huyện Phú Ninh. 23 em này sẽ được cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Chưa đổ bộ, bão số 4 gây mưa lũ làm 3 người chết và mất tích
Bão số 4 chưa đổ bộ nhưng đến tối qua (18/8) đã gây mưa lớn khiến 3 người chết và mất tích cũng như một số thiệt hại về nhà cửa, sản xuất nông nghiệp ở một số khu vực tại Việt Nam.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp cho báo chí biết cùng ngày tại cuộc họp ứng phó khẩn cấp với bão số 4.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, bão số 4 có sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, vào khoảng 16h ngày 18/8, đang di chuyển cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570 km về phía Đông Bắc.
Do dự báo lượng mưa từ cơn bão số 4 đe doạ gây nên sạt lở, lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tin cho biết, hiện ở khu vực Vịnh Bắc Bộ có khoảng 500 tàu cá hoạt động.
Trong 24 giờ tới bão số 4 sẽ di chuyển theo hướng Tây, Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm.

Điểm tin trong nước tối 19/8: Thêm 4 ca

mắc Covid-19; Kết quả xét nghiệm 23 ca F1

của nữ bệnh nhân Covid-19 dự 7 cuộc liên hoan

Hiểu Minh
Mục điểm tin trong nước tối thứ Tư (19/8) của DKN xin gửi đến quý độc giả những nội dung sau:
Bộ Y tế chiều 19/8 ghi nhận 4 ca nhiễm nCoV
“Bệnh nhân 990”, tại Đà Nẵng, là nữ, 25 tuổi, là nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa Gia Đình. Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang, đang tiếp tục điều tra dịch tễ.
“Bệnh nhân 992”, tại Đà Nẵng, nữ, 37 tuổi, là nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng, đang được tiếp tục điều tra dịch tễ.
“Bệnh nhân 991”, tại Quảng Nam, là nam, 34 tuổi, ở xã Cẩm Thanh, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, vợ là “bệnh nhân 981” từng điều trị tại Khoa Ngoại – Thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng. Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam.
“Bệnh nhân 993”, tại Hải Dương, nữ, 40 tuổi, ở phường Tân Bình, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương, từng tiếp xúc gần với bệnh nhân 906 và 970, liên quan ổ dịch nhà hàng Thế giới bò tươi. Ngày 14/8, cô được cách ly tập trung tại khu ký túc xá Trường Đại học Hải Dương, ngày 15/8 lấy mẫu xét nghiệm kết quả âm tính nCoV. Ngày 17/8, cô được lấy mẫu xét nghiệm lần hai, kết quả xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, dương tính. Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hải Dương.
Kết quả xét nghiệm 23 ca F1 của nữ bệnh nhân Covid-19 dự 7 cuộc liên hoan trong 9 ngày
BN 979: Nữ, 33 tuổi. Địa chỉ: số 8, Ngõ 124, Nguyễn Hoàng Tôn, Phú Thượng, Tây Hồ. BN đi du lịch Đà Nẵng cùng gia đình từ 22 đến 25/7. Qua xác minh có 23 trường hợp F1 đã được lấy mẫu xét nghiệm (kết quả: 23/23 âm tính) và được cách ly tập trung theo quy định.
BN 979 làm kế toán của Công ty InCheng Việt Nam, địa chỉ khu đô thị Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, sống cùng 4 người trong gia đình, tiếp xúc gần với 10 người hàng xóm. BN này từng dự 7 cuộc liên hoan trong vòng 9 ngày.
Hà Nội đóng cửa phủ Tây Hồ do người đi lễ quá đông
Sáng 19/8 (tức ngày mùng 1 tháng 7 âm lịch), hàng nghìn người đem theo hương hoa đến dâng lễ ở phủ Tây Hồ. Gần trưa, lượng khách đông hơn, đứng dày đặc trong khuôn viên Phủ. Theo quan sát, hầu hết mọi người đều đeo khẩu trang.
“Chúng tôi ngăn barie ở cổng thì lại xuất hiện ùn ứ từ bên ngoài. Tập trung nhiều người trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp là rất nguy hiểm. Vì vậy phường quyết định đóng cửa di tích đến hết ngày mai (19/8)”, ông Đỗ Ngọc Long, Phó chủ tịch UBND phường Quảng An nói và cho hay ước tính khoảng 4.000 người đã đi lễ ở phủ Tây Hồ trong hôm nay, theo VnExpress.
Sau khi đóng cửa Phủ, nhiều khách đi lễ và người buôn bán quanh khu vực này đã phản ứng, nhưng được chính quyền phường giải thích nên họ đã lần lượt ra về.
Miền Tây sắp có cầu dây văng 5.000 tỉ đồng kết nối 2 đường cao tốc
Sáng 19/8, Cầu Mỹ Thuận 2 đã được chính thức triển khai thi công tại tỉnh Vĩnh Long, được thiết kế là cầu dây văng, sẽ kết nối 2 tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ, tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh.
Theo Người lao động, vị trí xây dựng của dự án bắt đầu từ Km1010+126 nối với tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Điểm cuối tại Km107+740 nối vào tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ tại nút giao quốc lộ 80 thuộc địa phận TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long).
Tổng chiều dài của dự án 6,6 km, trong đó phần đường dẫn hai đầu cầu dài 4,7 km, phần cầu chính là cầu Mỹ Thuận 2 dài gần 2 km, phần dây văng cầu dài 650 m và vị trí dự án nằm song song với trục quốc lộ 1 cũ, cách cầu Mỹ Thuận cũ ở phía thượng lưu 350m. Vận tốc thiết kế đường bộ đạt 100 km/giờ, vận tốc nhịp chính 80 km/giờ và dự án khi hoàn thiện có 6 làn xe ô tô.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.