Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 12/08/2020

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2020 19:03 // ,

Tin Việt Nam – 12/08/2020

Quanh việc ông Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung  bị đình chỉ công tác – Diễm Thi, RFA

Ngày 11 tháng 8 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định tạm đình chỉ công tác với ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Thời hạn tạm đình chỉ công tác là 90 ngày, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ công tác. Cùng ngày, Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành Ủy và đình chỉ chức vụ Phó bí thư đối với ông Nguyễn Đức Chung, ủy viên trung ương đảng, Phó bí thư thành ủy Hà Nội.
Lý do được nêu rõ trong quyết định là để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông Nguyễn Đức Chung trong một số vụ án theo quy định của pháp luật.
Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an trả lời với báo chí trong nước rằng, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung liên quan đến ba vụ án. Thứ nhất là vụ “buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại công ty trách nhiệm hữu hạn và thương mại Nhật Cường. Vụ án thứ hai là “vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan. Vụ án thứ ba là “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” xảy ra tại Hà Nội.
Nhà quan sát chính trị, Nhà báo Quang Hữu Minh nhận định, vấn đề ở chỗ ông Nguyễn Đức Chung không đủ chiều sâu chính trị cần thiết để ngồi cái ghế Chủ tịch Hà Nội. Ông Minh giải thích thêm:
“Thật ra thì anh Chung là một người lính chiến. Thành ra ở những vị trí mà cần tính chiến đấu xông xáo thì anh Chung là hợp lý, và ảnh cũng chỉ nên làm ở vị trí đó thôi. Còn khi ảnh về làm công tác quản lý một cái thủ đô như Hà Nội thì ảnh không làm đảng yên tâm. Cán bộ cấp dưới thì nhiều người họ phản ứng.
Cái cách anh Chung để cho vợ làm siêu thị Minh Hoa, để cho con trai làm trực tiếp vụ mua hóa chất xử lý nước Hồ Tây… Đó là những cái mà ở tầm chủ tịch thủ đô thì không nên. Điều đó làm mất lòng cấp dưới. Còn cấp trên thì từ lâu đã có tin đồn ảnh để cho Nhật Cường quản lý dữ liệu dân cư Hà Nội. Nhiều người cho rằng Nhật Cường lại có vốn Trung Quốc. Nếu dữ liệu dân cư Hà Nội là một bí mật quốc gia mà có vốn Trung Quốc thì không ổn.”
Hôm 22 tháng 7 năm 2020, Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ba người về tội ‘Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước’ theo Điều 337 Bộ luật hình sự năm 2015, liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường.
Trong đó có ông Nguyễn Anh Ngọc – Phó trưởng Phòng Thư ký – Biên tập, Tổ giúp việc UBND thành phố Hà Nội và ông Nguyễn Hoàng Trung – Chuyên viên Phòng Thư ký – Biên tập đồng thời cũng là lái xe của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Người còn lại là ông Phạm Quang Dũng, nguyên cán bộ Công an thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu Bộ Công an (C03).
Với quyết định mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với ông Nguyễn Đức Chung hôm 11 tháng 8, Trung tá quân đội Đinh Đức Long cho rằng, phía Cơ quan điều tra chắc chắn phải có bằng chứng đủ mạnh về những sai phạm của ông Chung. Theo quy trình thì sẽ đình chỉ công tác để xác minh trong vòng ba tháng. Dù muốn dù không thì theo thông lệ Việt Nam, nhiều khả năng là ông Chung ‘có chuyện’ rồi. Ông nói tiếp:
“Ngày xưa, trước khi bắt Đinh La Thăng thì cũng bắt thư ký và chánh văn phòng của ổng. Họ đều là đệ tử ruột của Đinh La thăng, biết rất nhiều chuyện. Người như ông Chung thừa hiểu rằng khi đã bắt thư ký và lái xe của mình thì việc đến mình chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
Ông Chung có bằng đại học cảnh sát, tiến sĩ luật, đứng đầu cơ quan cảnh sát điều tra công an Hà Nội, từng là một viên tướng công an, giám đốc công an Hà Nội. Chính ông chắc đã ký lệnh bắt không ít người. Hơn ai hết ông Chung phải biết rằng mình làm đúng hay sai, có phạm pháp hay không. Nếu có thì ổng thừa biết mình phải xóa dấu vết như thế nào…
Tôi nghĩ họ làm như vậy với một viên tướng công an thì chắc chắn họ những chứng cứ rất thuyết phục rồi. Ông Chung cũng mạnh lắm chứ đâu có vừa!”
Vụ án Nhật Cường được khởi tố từ giữa năm 2019. Ông Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc công ty TNHH Nhật Cường, bị cáo buộc cầm đầu đường dây nhập lậu thiết bị điện tử quy mô lớn trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Ông Huy bị khởi tố về các tội: Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Rửa tiền, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 31 tháng 5 năm 2019, Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, sau khi xác định công ty Nhật Cường có dấu hiệu hoạt động buôn lậu, ngày 9 tháng 5 năm 2019 cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khám xét khẩn cấp đồng loạt 9 địa điểm có liên quan hoạt động của công ty. Trong quá trình khám xét, Tổng giám đốc Bùi Quang Huy không có mặt tại nơi cư trú.
Ngày 14 tháng 5 năm 2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Đến ngày 18 tháng 5 năm 2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với ông Bùi Quang Huy. Hơn một năm đã trôi qua nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa bắt được Bùi Quang Huy.
Khi nào sẽ bắt ông Chung?
Ngay sau khi thư ký và lái xe của ông Nguyễn Đức Chung bị bắt, dư luận cho rằng trước sau gì cũng đến ông Chung. Theo Nhà báo Ngô Nhật Đăng, hai người có liên quan đến Chủ tịch Hà Nội bị bắt với cáo buộc ‘Làm lộ bí mật nhà nước’ thì ông Chung cũng không thể thoát. Ông nhận định:
“Chúng ta đều thấy chắc sắp tới kịch bản sẽ không mấy gì tốt đẹp cho ông Nguyễn Đức Chung. Ta thấy họ chỉ xử lý trong nội bộ tất cả những chuyện khi động chạm đến sự đoàn kết của đảng. Một khi được công bố ra công luận như báo chí đã đăng coi như số phận, sinh mạng chính trị của người ấy coi như chấm dứt.”
Ông Nguyễn Đức Chung được bầu làm Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (nhiệm kỳ 2011-2016) vào cuối năm 2015. Tại kỳ họp HĐND thành phố giữa năm 2016, ông Nguyễn Đức Chung tái đắc cử Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 – 2021 với số phiếu cao.
Quá trình công tác của ông Chung gắn liền với ngành công an. Ông từng là trưởng Phòng cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội, phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội kiêm trưởng Phòng cảnh sát hình sự, bí thư Đảng ủy, giám đốc Công an thành phố Hà Nội. Ông Chung được Thủ tướng Chính phủ thăng cấp hàm thiếu tướng vào tháng 7 năm 2013.
Trung tá Quân Đội Đinh Đức Long nhận định khả năng ông Chung sẽ bị bắt trước đại hội 13. Ông phân tích:
“Tại sao họ bắt lúc này? Lúc này đại hội đảng đến cấp thành phố rồi và ông Chung là ủy viên trung ương đảng, chủ tịch Hà Nội và phó bí thư thành ủy Hà Nội, nghĩa là trong ban thường vụ. Đình chỉ sinh hoạt đảng nghĩa là gần như chắc chắn ổng bị loại khỏi thành ủy Hà Nội. Quy trình của họ là phải làm như thế. Nhiều khả năng là ông Chung sẽ bị bắt. Trời cao thì có trời cao hơn. Họ làm thế thì tôi nghĩ họ đã có bằng chứng rồi chứ không đơn giản đâu.”
Nhà báo Minh Hữu Quang cho rằng chuyện ông Chung ‘chết’ chỉ là vấn đề thời gian. Đa số các quan chức đều có sân sau là doanh nghiệp nhưng họ không làm trực tiếp, như ông Chung và ‘khi ăn thì cũng chừa phần cho người khác’:
“Nhiều người nói anh Chung sẽ về Ban nội chính, nhưng theo tui thì có khả năng anh Chung sẽ bị xử lý hình sự. Sẽ trải qua các bước tố tụng như khởi tố bị can và bắt tạm giam.”
Việc Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy  Hà nội  sẽ chịu hình thức kỷ luật như thế nào là một nghi vấn đối với nhiều người quan tâm hiện nay. Mới đây, ông Tất Thành Cang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa 12, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ bị khiển trách với lý do đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật đảng, mặc dù những sai phạm của ông Cang tại Dự án Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm quá rõ ràng!

Viện kiểm sát đang xem xét lại

vụ TS. Bùi Quang Tín ngã từ tầng 14 tử vong

Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM cho biết đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án LS Bùi Quang Tín “tự ngã” từ tầng 14 tử vong sang Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM xem xét lại.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam hôm 12/8 dẫn thông tin từ luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình cho biết như vừa nêu.
Theo đó, luật sư Trần Bá Học đoàn luật sư TPHCM và là một trong các luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình LS Bùi Quang Tín cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra đã mời đại diện gia đình đến để bàn giao lại toàn bộ những tài sản của ông Tín bao gồm 2 điện thoại, 1 mắt kính và 1 đôi dép.
Luật sư Trần Bá Học cho biết tại cuộc làm việc đã nộp đơn đề nghị sao chụp hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, phía cơ quan điều tra nói toàn bộ hồ sơ đang được Viện kiểm sát Nhân dân TPHCM xem xét lại và khi hoàn trả cho bên điều tra thì sẽ mời các luật sư đến để sao chụp trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, luật sư còn cho biết vì chưa có hồ sơ nên phía gia đình chưa có ý kiến gì mà chỉ nêu quan điểm và các nội dung liên quan khi nhận đầy đủ hồ sơ từ cơ quan điều tra.
Trước đó, công an TPHCM căn cứ vào kết quả, chứng cứ điều tra, xác định nguyên nhân tử vong là do ông Bùi Quang Tín tự rơi từ tầng 14 chung cư New Saigon, và vụ việc không có dấu hiệu tội phạm.
Do đó, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến TS.LS Bùi Quang Tín vào ngày 8/8 vừa qua.
Trước đây Bà Nguyễn Thanh Bích, vợ ông Tín, đã gửi đơn yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra và khởi tố vụ án hình sự. Bà cho rằng là có người khác hãm hại qua dẫn chứng có sự mâu thuẫn trong lời khai của các bên liên quan, cũng như các nghi vấn từ việc chứng kiến khám nghiệm tử thi.

TPHCM: Bắt nữ giám đốc lừa đảo

hàng trăm tỷ tiền cọc nền đất

Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh vừa khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc (40 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng địa ốc Bất động sản Thiên Ân Phát) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 12/8 cho biết bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc đã có hành vi vẽ ra hàng loạt dự án bất động sản để bán đất, thu tiền cọc hàng trăm tỷ đồng dù chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Kết quả điều tra bước đầu cho hay vào tháng 12/2017, bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc ký hợp đồng đặt cọc, chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ đất trồng cây sang đất dân cư ở ba thửa có tổng diện tích hơn 7200 m2 tại phường Phú Hữu, Quận 9.
Khu đất được nữ tổng giám đốc phân thành 77 lô nền đất (diện tích từ 50 đến 80m2) và đặt tên dự án là Khu dân cư Bưng Ông Thoàn dù chưa chuyển mục đích sử dụng đất và chưa thực hiện các thủ tục lập dự án, phân lô tách thửa theo quy định pháp luật.
Từ tháng 12/2017 đến tháng 6/2019, công ty của bà Phúc đã ký đặt cọc chuyển nhượng các lô đất nói trên cho 55 khách hàng và cam kết trong 8 tháng sẽ hoàn thành chuyển nhượng.
Tổng số tiền cọc mà công ty Thiên Ân Phát thu về được xác định 98 tỷ đồng, số tiền đã thanh toán cho bà Phúc là hơn 77 tỷ đồng.
Ngoài ra bà Phúc còn bị cáo buộc chuyển nhượng và bán nền đất, thu tiền cọc ở một loạt dự án khác ở Khu dân cư Nguyễn Xiển 1, 2, 3, Long Thuận, Long Thạnh Mỹ, Linh Xuân.
Tuy nhiên khi đến hạn giao nền và giấy tờ, bà Phúc nại nhiều lý do để kéo dài thời gian giao, ký hợp đồng, hoặc yêu cầu khách hàng thanh lý hợp đồng rồi hoàn tiền mà khách hàng thanh toán mua nền cộng với lợi nhuận. Tin  nói sau khi ký thanh lý hợp đồng, công ty Thiên Ân Phát đã không trả tiền khách hàng hoặc trả nhỏ giọt.

Phạt ca sĩ Duy Mạnh:

Tranh cãi về quyền tự do ngôn luận

Bùi Thư
Cơ quan chức năng TP.HCM đã phạt ca sĩ Duy Mạnh 7,5 triệu đồng về phát ngôn trên mạng. Nhiều người ủng hộ việc xử phạt, trong khi một số khác phản đối, viện dẫn quyền tự do ngôn luận.
Truyền thông Việt Nam đưa tin, ngày 7/8, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đã xử phạt hành chính ông Nguyễn Duy Mạnh, tức ca sĩ Duy Mạnh, 7,5 triệu đồng “vì những phát ngôn phản cảm trên trang Facebook cá nhân”.
Lãnh đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn sau đó tuyên bố sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát ca sĩ này để “khuyến cáo với các địa phương, đơn vị trong việc cho phép biểu diễn các chương trình nghệ thuật có sự tham gia của Duy Mạnh…”
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt từ Đài Loan, luật gia, nhà báo, Tổng biên tập Luật khoa Tạp chí Trịnh Hữu Long bình luận: “Việc công chúng kêu gọi cơ quan nhà nước vào cuộc xử phạt Duy Mạnh, cấm anh ta biểu diễn là một sự ủng hộ của công chúng dành cho chế độ kiểm duyệt, chế độ đàn áp quyền tự do ngôn luận, quyền tự do biểu diễn”.
‘Phản cảm và phản quốc’
Ca sĩ Duy Mạnh nổi tiếng từ gần 20 năm qua với các ca khúc Kiếp Đỏ Đen, Ta Đâu Có Say, Tình Em Là Đại Dương,… Trên các mạng xã hội, anh này còn được biết đến là người hay có các phát ngôn “dung tục”, đặc biệt là các bình luận công kích giới bất đồng chính kiến.
Sự vụ mới nhất khiến Duy Mạnh bị phạt liên quan đến các phát ngôn trên mạng Facebook, trong đó có bình luận đại ý rằng Trung Quốc chỉ chiếm hai đảo không có người của Việt Nam chứ không chiếm đất nước để phải nuôi 90 triệu dân. Nhiều công dân mạng phản ứng, cho rằng phát ngôn này phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trên mạng xã hội Facebook, một người tên Ngọc Vũ bình luận: “Hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa bị giặc Tàu ăn cướp và chiếm đóng, nhà nước đã mất bao công sức tìm đủ cách để lấy lại… Chúng ta phải có trách nhiệm và nghĩa vụ sát cánh cùng chính phủ đi đòi lại bằng được…”. Từ đó, Ngọc Vũ cho rằng bình luận của Duy Mạnh là “kêu gọi và cổ xúy cho giới trẻ sống vô trách nhiệm với tổ quốc, với đồng bào”.
Báo Sạch, một trang Facebook có khoảng 100.000 người theo dõi, khi đưa tin về việc Duy Mạnh bị cơ quan chức năng mời làm việc đã dùng từ “phản quốc” để nói về phát ngôn của ca sĩ gốc Hải Phòng.
Sau khi dư luận xôn xao trên các mạng xã hội, cơ quan chức năng đã vào cuộc, dẫn tới quyết định phạt hành chính nói trên. Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, sau khi thông báo việc xử phạt đã nói thêm rằng “Duy Mạnh thừa nhận những ngôn từ sử dụng trên Facebook là không phù hợp, trái với thuần phong mỹ tục”.
Báo Sạch, một trang Facebook có khoảng 100.000 người theo dõi đã dùng từ “phản quốc” để nói về phát ngôn của ca sĩ gốc Hải Phòng.
Một trong những điểm đáng lưu ý, đó là những phát ngôn “trái thuần phong mỹ tục” của Duy Mạnh đã có từ nhiều năm, nhưng đến nay cơ quan chức năng mới phạt. Có thể hiểu rằng việc xử phạt này được đưa ra do áp lực dư luận.
Có nhiều luồng dư luận sau vụ ca sĩ Duy Mạnh bị xử phạt. Một số ủng hộ quyết định xử phạt mà theo họ là “góp phần làm sạch môi trường mạng”. Một số khác ủng hộ phạt do Duy Mạnh thường có phát ngôn tấn công cá nhân, kì thị giới tính, đặc biệt là tấn công các nhà hoạt động, nhà bất đồng chính kiến.
Trên trang Facebook cá nhân, người dùng Thuc Pham Awake viết: “Về trường hợp bộ 4T xử ca sĩ DM, mình cho là anh em đấu tranh dân chủ nên nhìn sự việc này như là chiến thuật ‘dùng vũ khí địch đánh địch’. Nếu xem cuộc đấu tranh vì tự do nói chung và tự do ngôn luận nói riêng như một cuộc chiến, thì anh em đấu tranh đương nhiên phải có vũ khí chính của mình, song lúc này lúc khác anh em vẫn phải sử dụng vũ khí địch để đánh địch…”
“Nói thêm một chút là mình thấy cách vận động, gây sức ép để chính quyền dùng luật của họ phạt bọn bưng bô là rất hay vì đấy là một cách nêu bật lên cái sự gậy ông đập lưng ông, và cũng làm phân hóa nội bộ phe bưng bô”, ông Thuc Pham Awake viết tiếp.
Kiến trúc sư Dương Quốc Chính, một nhà bình luận về chính trị – xã hội, viết trên Facebook cá nhân rằng ông “ủng hộ việc pháp luật xử lý các hành vi xúc phạm tổ chức cá nhân, vi phạm các chuẩn mực đạo đức hết sức cơ bản, kiểu như ca sĩ Duy Mạnh, dù anh này phát ngôn với nội dung thuần túy ‘dân sự’ kiểu như bình phẩm về gái, về cơ quan sinh dục, hành vi giao hợp… hay có liên quan đến chính trị như vấn đề biển đảo”.
‘Không nên tự bắn vào chân mình’
Dù có nhiều ý kiến ủng hộ việc phạt Duy Mạnh, không ít người cũng cho rằng việc sử dụng quyền lực nhà nước trong trường hợp này sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, nhà báo Trịnh Hữu Long bày tỏ: “Điều trước tiên, cá nhân tôi cho rằng phát ngôn của Duy Mạnh xúc phạm danh dự người khác là phản cảm”.
Ông Long cho rằng về mặt pháp lý‎, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM có thẩm quyền xử lý những phát ngôn như thế trên cơ sở là phát ngôn của ca sĩ Duy Mạnh trái với thuần phong mỹ tục, ở đây theo được hiểu nôm na là chửi tục.
Nhưng ông Long cũng lưu ý quyết định xử phạt của cơ quan chức năng không đụng đến việc Duy Mạnh xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cô Ngọc Vũ hay những người tham gia trao đổi với Duy Mạnh.
“Về mặt áp dụng pháp luật, theo quan sát của tôi, đây không phải là lần đầu Duy Mạnh công khai xúc phạm danh dự người khác trên trang Facebook cá nhân và cũng không phải là người duy nhất xúc phạm người khác trên mạng”, ông Long nói.
Nhà báo Trịnh Hữu Long nhận định việc xử phạt ca sĩ Duy Mạnh lần này có tính chất dân túy. “Họ thấy có làn sóng dư luận đủ lớn đang kêu gọi họ xử phạt và đây là cơ hội để ghi điểm, chứng tỏ với công chúng. Đồng thời, đây cũng là hình thức củng cố địa vị của cơ quan nhà nước cũng như chế độ kiểm duyệt”, ông phân tích thêm.
Là nhà hoạt động nhân quyền nhiều năm, ông Long cho rằng việc công chúng kêu gọi các cơ quan nhà nước xử phạt Duy Mạnh, cấm anh ta biểu diễn là một sự ủng hộ dành cho chế độ kiểm duyệt, chế độ đàn áp quyền tự do ngôn luận.
“Tôi cho rằng đây là hành vi lấy dây buộc mình, tự bắn vào chân mình. Đây là những cơ quan đã, đang và sẽ cấm đoán tùy tiện đối với bất kỳ công dân nào và điều này đã diễn ra nhiều năm qua. Vụ việc này, vô hình trung, rất nhiều công dân đã trao cho các cơ quan này tính chính danh mà họ đang thèm khát”, ông Long lý giải và nêu quan điểm: “Điều này cũng thể hiện tâm lý cậy nhờ cửa quan, nhờ họ trả thù giúp cho mình. Đây là văn hóa chính trị mà tôi không ủng hộ”.
“Việc cơ quan hành pháp định đoạt thế nào là ngôn luận tốt hay xấu sẽ dẫn đến việc lạm dụng, diễn giải quyền lực của mình theo hướng rộng ra. Đó là lý do các cơ quan hành pháp, đặc biệt các cơ quan kiểm duyệt, chấp pháp như công an thường xuyên lạm dụng pháp luật”.
“Bản thân pháp luật Việt Nam vốn tùy tiện, xâm phạm mạnh mẽ quyền con người rồi. Trong quá trình thực thi pháp luật, những cơ quan chấp pháp còn tùy tiện và mở rộng quyền lực của mình hơn nữa. Thực tế, những nước dân chủ cũng có xu hướng này nhưng họ có cơ chế để ràng buộc các cơ quan hành pháp lại”.
Trong bối cảnh Việt Nam, nhà nước đã sử dụng luật pháp để trừng phạt người bất đồng chính kiến, dập tắt các tiếng nói chỉ trích chính quyền của công dân.
Do đó, theo ông Long, việc nhờ đến các cơ quan này để trừng phạt “cũng tương tự việc trao cho họ thanh kiếm để họ đâm chính chúng ta. Đồng thời, nó giúp cho các cơ quan này có thêm lý do để mở rộng quyền hành của mình”.
Giải pháp nào?
Có ý kiến khác nhau về phương pháp xử lý, nhưng dư luận nhìn chung đồng tình ở một điểm: phát ngôn kiểu như Duy Mạnh là “không chấp nhận được”, là “phản cảm”. Vậy cơ chế nào để xử lý?
Nhà báo Trịnh Hữu Long đưa ra gợi ý: “Thay vì đề nghị cơ quan hành chính xử phạt thì thực hiện kiện dân sự. Người nào thấy bị xúc phạm thì lên tiếng, tìm đến tòa án dân sự để kiện, chứ không có cơ quan nhà nước nào tự ý suy đoán rằng phát ngôn này là có tính xúc phạm và dựa trên suy đoán đó để xử phạt công dân”.
“Quan trọng, trước tòa, nguyên đơn và bị đơn ngang hàng nhau. Còn Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM và Duy Mạnh là hai bên không bình đẳng, một bên ở địa vị áp chế, bên còn lại ở thế tuân thủ. Nó mang tính cưỡng chế từ phía cơ quan hành pháp và có tính bắt buộc phải thi hành”, ông Long lưu ý.
Nhà báo Trịnh Hữu Long nhận định rằng việc người dân viện đến tòa để đòi quyền lợi hay bảo vệ mình là thể hiện tinh thần chính trị chủ động của người dân.
“Dân chủ, suy cho cùng, là việc người dân tích cực tham gia vào tiến trình pháp l‎ý, bảo vệ quyền lợi chính mình và cộng đồng. Việc chúng ta dựa vào pháp l‎ý, tòa án sẽ tốt hơn nhiều so với việc kêu gọi một ông quan nào đó đưa ra quyết định xử phạt nhanh chóng để trả thù giúp mình. Văn hóa cậy nhờ cửa quan là văn hóa chính trị thụ động”.
“Trong bối cảnh Việt Nam, chúng ta không nên trao thêm quyền cho những cơ quan kiểm duyệt (Ban Tuyên giáo, Bộ TT&TT) và cơ quan đàn áp người dân (Bộ Công an)”.
“Củng cố quyền lực của cơ quan tư pháp không nguy hiểm bằng trao cơ quan hành pháp thêm quyền lực vì cơ quan tư pháp thường đóng vai trò là dây hãm các cơ quan hành pháp, lập pháp. Bằng cách phân tán quyền lực, chúng ta có thể loại bỏ dần cơ chế kiểm duyệt hiện nay. Văn hóa chính trị Việt Nam cần sẵn sàng cho việc đứng lên tự đòi quyền lực của mình. Đây cũng là hướng chúng ta cần hành xử trong vụ Duy Mạnh”, ông đề xuất.
Ở một khía cạnh khác, nhà báo Trịnh Hữu Long gợi ý rằng công chúng có thể kêu gọi tẩy chay: “Duy Mạnh sẽ hứng chịu hậu quả nhãn tiền về những hành vi của mình. Việc chúng ta lên tiếng phản đối cái xấu là rất tốt, kêu gọi tẩy chay nó là cực kỳ tốt và kêu gọi cộng đồng tẩy chay là quá tốt. Một nền dân chủ lành mạnh luôn cần sự tham gia tích cực như vậy của người dân”, ông Long kết luận.
Nhiều quan điểm khác nhau đã được đưa ra quanh vụ xử phạt ca sĩ Duy Mạnh, trong đó có những ý kiến đối nhau cho thấy vụ việc đã khơi lên tranh luận về vấn đề dân chủ, về quyền công dân và quyền lực của nhà nước.

Cảnh sát giao thông đấm, chửi tài xế

bị tạm đình chỉ công tác

Công an thị xã Quảng Yên hôm 12/8 tạm đình chỉ công tác đối với ông Hoàng Văn Sơn, Tổ trưởng tổ công tác Đội Cảnh sát Giao Thông – Công an thị xã Quảng Yên, sau khi clip video lưu hành trên Facebook ghi lại hình ảnh công an đấm và chửi mắng tài xế xe tải vi phạm.
Truyền thông trong nước trong cùng ngày dẫn nguồn từ Công an tỉnh Quảnh Ninh rằng việc đình chỉ nhằm xác minh, làm rõ hành vi đã gây xôn xao trên mạng xã hội. Cụ thể vào tối ngày 9/8 lực lượng 6 cán bộ của Đội CSGT – Công an thực hiện biện pháp nghiệp vụ đối với chiếc xe ô tô tải bị tình nghi vận chuyển hàng hóa trái phép trên tuyến đường ở thị xã Quảng Yên.
Theo Công an tỉnh Quảnh Ninh xe ô tô của Đội CSGT ra tín hiệu dừng xe, nhưng lái xe đã không chấp hành và tiếp tục bỏ chạy. Ông Hoàng Văn Sơn, tổ trưởng, đã trưng dụng xe ô tô của một người dân tại chỗ để truy đuổi xe vi phạm. Hai xe ô tô của Đội CSGT áp sát, chặn phía trước và phía sau thì lái xe chiếc ô tô tải bị tình nghi mới dừng lại và xuống xe.
Ông Hoàng Văn Sơn và lực lượng công an đã tiến hành khống chế, quật ngã lái xe, hai cha con, trong khi người dân quay video của hành vi đánh đập, chửi mắng. Người xem có thể nghe người dân la lên “Không được đánh người như vậy”. Sau đó hai người vi phạm bị đưa về trụ sở Công an thị xã Quảng Yên để làm việc.

Phát hiện nhiều người Trung Quốc

thuê khách sạn tổ chức đánh bạc qua mạng

Một nhóm người Trung Quốc thuê khách sạn tổ chức đánh bạc qua mạng với số tiền thu được trên 35 tỷ đồng, vừa bị Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế phát hiện hôm 11/8.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói cùng ngày và cho biết nhóm này gồm 7 người mang quốc tịch Trung Quốc có độ tuổi từ 20 đến 43.
Tin cho biết, các đối tượng này đã sử dụng máy tính để bàn và điện thoại thông minh nhằm kết nối mạng để truy cập vào website có địa chỉ: kkw878 là một trang web ở Philippines để đánh bạc trực tuyến với người Trung Quốc. Việc thanh toán thắng thua được trả bằng tiền Nhân dân tệ qua các tài khoản điện tử mở tại ngân hàng Agribank – Trung Quốc.
Theo Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, các đối tượng này đã vi phạm điểm b, Khoản 5, Điều 17, Nghị định 167/2013/CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội…
Hiện cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn đang tiếp tục điều tra và sẽ buộc các đối tượng phải xuất cảnh theo đúng quy định pháp luật.
Cũng tin liên quan, vào chiều ngày 12/8 Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Tây Ninh đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với Hồ Minh Trí 31 tuổi và Lý Văn Hải 30 tuổi, cùng ngụ huyện Bến Cầu về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.
Theo cáo trạng, vào ngày 7/7, Trí và Hải được một người tên Tèo gọi điện thuê đưa 1 người Trung Quốc từ huyện Gò Dầu sang Campuchia, với số tiền 3 triệu đồng. Khi đang dắt người khách Trung Quốc đi bộ sang biên giới thì bị tổ công tác thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mộc bài phát hiện.
Trước đó, Trí và Hải cũng đã cấu kết với Tèo đưa 5 nguời Trung Quốc khác xuất cảnh trái phép sang Campuchia, với giá 4 triệu đồng/người. Cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ 4 người Trung Quốc, còn Hải dẫn thành công 1 người Trung Quốc trong nhóm chạy sang Campuchia giao cho Tèo. Ngoài ra, Trí cũng được Tèo thuê đưa một người phụ nữ Việt Nam sang Campuchia với giá 5 triệu đồng nhưng người phụ nữ này bị công an phát hiện, bắt giữ.
Cũng tại Tây Ninh hôm 12/8, Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh trong phiên tòa lưu động đã tuyên phạt Nguyễn Công Yên 7 năm tù giam và phạt bổ sung 10 triệu đồng về tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép theo điều 348, khoản 2 của Bộ Luật Hình sự.
Nguyễn Công Yên, sinh năm 1984, trú tại ấp Long Phi, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu. Yên hành nghề xe ôm, hôm 21/5 sang casino bên kia biên giới Campuchia đón 3 người khách Trung Quốc đưa qua Việt Nam, sau đó đưa tiếp về thành phố Hồ Chí Minh, với tiền công là 350USD/người.
Nhưng đến khu vực biên giới thuộc ấp Rừng Dầu, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, Yên bị tổ tuần tra Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Công an xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu phát hiện, bắt giữ.

Covid-19: Việt Nam ghi nhận ca tử vong thứ 17,

Đà Nẵng vẫn bị cô lập

Thu Hằng
Ngày 12/08/2020, bộ Y Tế Việt Nam thông báo ca tử vong thứ 17, một nam bệnh nhân 55 tuổi, người Đà Nẵng, bị suy thận mạn giai đoạn cuối, tăng huyết áp. Tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam từ đầu mùa dịch là 880, trong đó 464 bệnh nhân đang được điều trị. Thành phố Đà Nẵng tiếp tục bị cô lập và áp dụng triệt để các biện pháp giãn cách xã hội.
Theo trang Thông tin Chính phủ, kể từ 0 giờ ngày 12/08, mọi hoạt động vận tải hành khách cố định liên tỉnh và các chuyến bay đi/đến Đà Nẵng tiếp tục bị tạm dừng cho đến khi có lệnh mới. Cụ thể, tuyến đường sắt Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh hoạt động bình thường, nhưng không được dừng, đỗ để đón, trả khách tại ga Đà Nẵng. Biện pháp này cũng được áp dụng đối với các tuyến xe khách liên tỉnh, xe chở hành khách theo hợp đồng… đi qua Đà Nẵng.
Biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tiếp tục được áp dụng nghiêm ngặt tại Đà Nẵng. Một trong những biện pháp này là đi chợ theo phiếu ngày chẵn/lẽ, được triển khai từ ngày 12/08. Mỗi hộ gia đình ở Đà Nẵng được phát 5 phiếu và cử người đi chợ 3 ngày một lần. Theo bộ Y Tế, trong cuộc họp trực
tuyến chiều 12/08, những biện pháp này đã giúp từng bước kiểm soát được ổ dịch Đà Nẵng, số ca nhiễm mới đã giảm trong những ngày gần đây.
Giải thích về tình trạng virus lan rộng, bộ Y Tế cho rằng khoảng 40% ca nhiễm Covid-19 không có triệu chứng, gây khó khăn cho việc phát hiện. Ngày 12/08, Hà Nội có thêm một trường hợp nghi nhiễm virus corona. Điều ngạc nhiên là bệnh nhân này không đi đâu khỏi tỉnh Hải Dương trong vòng một tháng. Bẩy ca nhiễm trước đều liên quan đến Đà Nẵng.

Covid-19 tái bùng phát ở VN:

Tại sao lại Đà Nẵng và cần phải làm gì?

Các nhà bình luận người Việt từ Việt Nam và Anh thử đi tìm câu hỏi vì sao Việt Nam có nhiều tỉnh thành, nhưng đại dịch Covid-19 lại bùng phát ở Đà Nẵng.
Đại dịch Covid-19 tái bùng phát với quy môt và tốc độ khá đáng lo ngại trong cộng đồng và ở một số cơ sở y tế tại Việt Nam, đợt tái phát được xác định khoanh vùng có trọng tâm xuất phát điểm từ Đà Nẵng.
Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh (Nhà nghiên cứu, giảng viên đại học từ Hà Nội): Dịch bùng phát ở Đà Nẵng theo tôi vì đây là thành phố du lịch lớn, không kiểm soát được người ra vào. Nếu Việt Nam không quá chủ quan, nới giãn cách từ từ thay vì mở toang, dân chúng không quá hoang tưởng về thành tích chiến thắng covid của Việt Nam thì dù dịch có quay lại nhưng quy mô sẽ nhỏ hơn. Hoặc nếu sau khi dịch bùng phát, các cơ quan quản lý có phương án kiểm soát, cách ly những người từ Đà Nẵng về như với những người từ nước ngoài về đợt trước thì sẽ chủ động hơn nhiều. Tình hình như bây giờ có thể nói là như “thả gà ra mà đuổi”, hoàn toàn bị động nên khó nói trước được điều gì.
Nhà báo tự do Song Chi (cựu đạo diễn truyền hình, từ Leeds, Anh quốc): Bản thân tôi từ đầu đến nay cũng luôn đặt câu hỏi tại sao lại bùng phát ở Đà Nẵng, có thể vì Đà Nẵng là một điểm có khá nhiều khách du lịch trong ngoài nước chăng. Việc xét nghiệm với số lượng cao hàng ngày để tìm ra người bị nhiễm sớm là vô cùng quan trọng. Có thể là Việt Nam đã không xét nghiệm đủ, nên đã không phát hiện người bị nhiễm đến khi phát hiện thì người bị nhiễm đã đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người rồi.
Còn hiện tại, phải giải quyết hậu quả là dịch đã bùng trở lại và còn có khả năng tăng cao nữa. Hiện nay Việt Nam vẫn truy lùng dấu vết, khoanh vùng, dập dịch từng phần.như thế là hợp lý, vì như đã nói, nhà nước Việt Nam không muốn và cũng khó có thể đóng cửa toàn bộ trở lại. Đối với những người nước ngoài nhập cảnh trái phép, những người trốn cách ly…phải xử lý nặng để răn đe.
Có thể tham khảo bài học từ những nước khác, như ở Anh là mọi cửa hàng, dịch vụ, ngành nghề khi mở cửa trở lại phải tuân thủ những chỉ dẫn về an toàn sức khỏe thật cẩn thận của chính phủ và các chuyên gia, chứ không thể nơi này, ngành này thực hiện nơi khác ngành khác không. Còn đối với mỗi người dân thì phải tự mang khẩu trang, găng tay, rửa tay thường xuyên, giãn cách xã hội, không tụ tập đông người… để bảo vệ mình và bảo vệ người khác.
Ông Phạm Quý Thọ: ’Khoảng lặng’ giữa hai đợt do cách tuyên truyền nặng về thành tích nên xuất hiện ‘tâm lý chủ quan’. Chính quyền các tỉnh, thành chưa có phương án ‘khi dịch tái phát’ nên không có kế hoạch khả thi theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ đạo, nguồn lực, phương tiện và hành động) nên bị bất ngờ và bị động đối phó khi dịch bùng phát.
Ngoài Đà Nẵng, Quảng Nam chính quyền các tỉnh thành khác cũng cần lên kịch bản cụ thể. Chẳng hạn, có cần thiết xét nghiệm trên diện rộng, mức độ lây lan, số ca dương tính, địa điểm và phương tiện y tế… thì đối phó thế nào?
Ngoài ra, ngành y tế có thể làm tốt hơn nếu phân luồng khi khám bênh, sàng lọc các ca có biểu hiện tương tự, đặc biệt về bệnh phổi… thì sẽ hạn chế được. Nay các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện cách này. Dù sao muộn cũng hơn không!
Ba mười ngày ‘bản lề’
BBC:Về chính sách, hoạch định chính sách, kịch bản, kế hoạch, có gì quan trọng nhất cần rút kinh nghiệm, tự rút kinh nghiệm ngay hay không và thế nào?
Bà Nguyễn Hoàng Ánh: Theo tôi có 3 điểm cần quan tâm, lưu ý. Thứ nhất về kiểm soát dịch bệnh, cần nhanh chóng rút kinh nghiệm, đưa ra những quyết sách mới, quyết liệt hơn. Ý kiến của Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân về việc cách ly Đà Nẵng như Vũ Hán là rất đáng cân nhắc vì 30 ngày tới là thời gian bản lề để chống dịch.
Thứ hai, cần học hỏi các nước về các gói cứu trợ cho doanh nghiệp và cho người dân. Cứu trợ doanh nghiệp để cứu nền kinh tế còn cứu trợ người dân để ổn định xã hội. Dù chọn gói nào thì cách làm cũng cần nhanh và hiệu quả hơn để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Và cuối cùng, thứ ba, Covid là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh 4.0 trong lĩnh vực quản lý nhà nước, dịch vụ công và giáo dục. Cần bỏ những quy chế lạc hậu như đòi chữ ký tươi, bắt thí sinh phải thi tập trung vào một ngày cố định trên toàn quốc… Chỉ có như vậy thì mới giảm được rủi ro về dịch bệnh đồng thời giảm chi phí cho toàn dân.
Bà Song Chi: Các chuyên gia từ Việt Nam đã có ý kiến, phần tôi, lấy ví dụ thêm từ nước Anh, tôi quan sát thấy từ việc đóng cửa, mở cửa trở lại cho tới hồi phục kinh tế chính phủ đều phải có kế hoạch cụ thể và tiến hành một cách thận trọng.
Việc lập kế hoạch và sự cẩn thận, không chủ quan đó là điều chung cho mọi quốc gia, tuy nhiên, mỗi quốc gia có một hoàn cảnh, điều kiện kinh tế xã hội riêng để mà tính toán. Ví dụ, Việt Nam số lượng lao động tự do, doanh nghiệp nhỏ rất lớn. Số người sống bám vào cái lề đường, vỉa hè cho tới trên đường phố ở các thành phố lớn, nhỏ rất đông, ngay ở nông thôn, ngoài việc làm ruộng, vườn, nhiều gia đình cũng làm thêm các loại lao động tự do tại nhà. Ngoài những thành phần công nhân viên chức có lương, nhà nước Việt Nam cũng phải có những chính sách hỗ trợ cho các thành phần này vì hỗ trợ cho họ sống sót, tức là kinh tế cũng sẽ phục hồi.
Hỗ trợ bằng cách giảm thuế phí cho dân, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ, kích thích tiêu dùng, khuyến khích du lịch trong nước…
Ngoài ra phải nghĩ đến việc chuyển đổi hình thức lao động, phương pháp làm việc, thay vì đóng cửa, sa thải nhân viên tức là làm cho số người thất nghiệp tăng. Quán ăn, nhà hàng có thể chuyển thành dịch vụ giao hàng tại nhà, order (đặt hàng) qua điện thoại hoặc đến tiệm nhưng mang về nhà. Mọi cửa hàng đều có thể tiến hành dịch vụ online (trực tuyến, qua mạng). Trường học chuyển sang học online hoặc kết hợp online và đến trường. Một số công việc cũng chuyển như vậy, thay vì cắt giảm nhân viên. Ngay cả nông dân, ngư dân cũng nghĩ cách giao sản phẩm tận nhà có được không.
Một số kinh nghiệm của Anh mà tôi thấy có thể tham khảo như họ giảm VAT (thuế giá trị gia tăng) từ 20% xuống còn 5% cho thực phẩm, khách sạn, nhà nghỉ… Nhiều nhà hàng giảm 50% giá các món ăn, thức uống… từ thứ Hai- đến thứ Tư từ đây đến cuối tháng.
Với ngành ngân hàng, thì người vay bất kỳ món nợ nào trong 3 tháng đóng cửa được hoãn lại không phải trả món nợ, dù lãi suất vẫn gộp lên, và đang có khả năng ngân hàng sẽ kéo dài thêm thời hạn hoãn nợ này. Chủ các cơ sở thương mại giảm tiền thuê nhà, chủ nhà thuê bỉnh thường cũng giảm…
Nghĩa là mọi ngành nghề sẽ tìm cách làm sao hỗ trợ cho người dân và các doanh nghiệp có thể sống, tiêu dùng, sản xuất, làm việc…và như vậy là nền kinh tế vẫn tiếp tục vận hành dù có bị ảnh hưởng.
Ông Phạm Quý Thọ: Theo tôi, chính quyền địa phương tỉnh, thành có trách nhiệm và cần chủ động trong việc xây dựng các kế hoạch, kịch bản thích hợp với thực tế.
Chính phủ trung ương không thể làm thay mọi việc, như đề ra chính sách cụ thể cho các địa phương, cũng không thể huy động mọi nguồn lực giải cứu như trường hợp Đà Nẵng vừa rồi, bởi vậy cần phân quyền đồng thời gắn liền với và phải chịu trách nhiệm giải trình khi để bùng phát và bị bất ngờ như vừa qua, khi dịch bệnh lây lan rộng ra các tỉnh thành khác, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn…

Trung bình 1 triệu người dân Việt

cài ứng dụng Bluezone mỗi ngày

Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra thống kê cho thấy số lượt tải ứng dụng Bluezone quét và cảnh báo nguy cơ tiếp xúc người nhiễm bệnh dịch COVID-19 tính đến 11 giờ ngày 11/8 đã đạt 15,7 triệu lượt, tăng 15,5 triệu lượt tải so với thời điểm ngày 25/7. Tức trung bình mỗi ngày có thêm 1 triệu người Việt Nam cài đặt ứng dụng truy vết Bluezone.
Báo trong nước dẫn thống kê loan tin ngày 12/8.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Google Trends về xu hướng tìm kiếm của người dùng Internet tại Việt Nam cho thấy ứng dụng Bluezone nằm trong số các chủ đề có lượng tìm kiếm lớn trong tuần đầu tiên của tháng 8/2020.
Tin cho biết, tính đến ngày 6/8, ngành y tế Việt Nam đã truy vết được 21 trường hợp F1, F2 nhiễm SARS-CoV-2 nhờ thông tin quét trên ứng dụng Bluezone.
Để tăng số lượng người cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị mọi người dân có điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng Bluezone.
Hiện Đà Nẵng là địa phương có tỷ lệ người cài đặt và sử dụng Bluezone trên điện thoại thông minh cao nhất cả nước, tiếp đến là Hà Nội, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và Bắc Ninh.
Có đến 4,8 triệu người tại 5 tỉnh thành vừa nêu dùng ứng dụng Bluezone.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng để phát huy tốt hiệu quả của ứng dụng Bluezone, Việt Nam cần có khoảng 30 triệu lượt cài đặt, tốt nhất là đạt được 45 triệu lượt cài đặt.
Mới đây, các cán bộ, nhân viên, người lao dộng của đơn vị trong hoạt động vận tải cũng được yêu cầu phải cài đặt ứng dụng Bluezone để phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm.
Yêu cầu vừa nêu đươc quy định trong Công văn số 7770 của Bộ Giao thông Vận tải về việc thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 trong hoạt động vận tải.

VN: Doanh nghiệp du lịch ‘ngấm đòn’

vì làn sóng Covid thứ hai

Bùi Thư
Trong quý II, Vietnam Airlines tiếp tục lỗ thêm 4.000 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ nửa đầu năm nay lên hơn 6.640 tỷ.
Mới hồi phục chút ít trong gần 100 ngày không có ca lây nhiễm cộng đồng, du lịch Việt Nam lại rơi vào cảnh khốn cùng khi đợt dịch thứ hai bùng phát.
Theo thống kê Sở Du lịch TP HCM, ở khối lữ hành hiện có gần 90% doanh nghiệp phải ngưng hoạt động; số còn lại hoạt động cầm chừng, chủ yếu giải quyết các công việc tồn đọng.
Ở khối lưu trú, các khách sạn từ 3-5 sao đã cho nhân viên nghỉ việc không lương hoặc chấm dứt hợp đồng với số lượng lên tới 80%-90%. Đối với khách sạn 1-2 sao, nhân viên cũng lâm vào tình cảnh tương tự hoặc bị cho nghỉ hẳn.
Những con số trên đây được nêu ra trong bối cảnh tác động của đợt bùng phát dịch thứ hai lên nền kinh tế chưa được đánh giá đầy đủ. Một khi các số liệu mới hơn được cập nhật, tình hình được dự báo sẽ còn u ám hơn.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, nói với BBC News Tiếng Việt:
“Du lịch đang trên đà phấn khởi với một mùa hè hồi sinh thì dịch bùng phát trở lại, tất cả đều ngưng trệ. Trước đây công ty chúng tôi phải tất bật để đặt tour cho khách tới 12 giờ đêm thì bây giờ phải giải quyết yêu cầu dời tour, hủy tour cho khách tới 12 giờ đêm.”
Doanh nghiệp ‘chỉ biết chịu trận’
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, thị trường du lịch ảm đạm đã khiến 137 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, tăng gần ba lần so với cùng kỳ. Nhiều lao động trong ngành du lịch rơi vào cảnh bị mất việc làm.
Khi kiểm soát được phần nào dịch bệnh, vào tháng 5/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhanh chóng phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa. Chương trình này được các doanh nghiệp, hiệp hội, các địa phương hưởng ứng và đã có những dấu hiệu tích cực.
Cụ thể, Sở Du lịch Hà Nội cho biết trong tháng 7/2020, lượng khách đến thủ đô đạt gần 1,2 triệu lượt, tăng 51,2% so với tháng 6.
Tính riêng Đà Nẵng, thông tin từ Sở Du lịch cho biết sau một tháng triển khai chương trình kích cầu du lịch “Danang Thank You”, tổng lượng khách du lịch đến thành phố trong tháng 6 ước đạt 454.764 lượt, tăng 85% với tháng 5.
Ngành du lịch Việt Nam đang đón những dấu hiệu hồi sinh tích cực thì làn sóng bùng phát dịch thứ hai xuất hiện ở Đà Nẵng, doanh nghiệp một lần nữa lao đao.
Ông Nguyễn Văn Mỹ chia sẻ:
“Giữa lúc không ai nghĩ dịch sẽ trở lại thì xuất hiện đợt bùng phát mới, mà lần này nguy hiểm và nặng nề hơn. Đợt đầu số ca lây nhiễm chỉ tầm 300 ca, không có tử vong. Bây giờ số ca nhiễm đã hơn 800, người tử vong đã lên tới 17. Đây như cú knock-out không chỉ với ngành du lịch mà những ngành khác cũng điên đảo theo”.
“Cũng như hầu hết công ty du lịch khác, trước khi bùng phát dịch trở lại, tình hình tương đối khả quan. Dù chỉ một tháng nhưng lượng khách đăng k‎ý rất đông cho đợt du lịch hè. Có ngày chúng tôi phải làm việc đến 12 giờ đêm để giải quyết yêu cầu đăng kí tour của khách. Đang trên đà phấn khởi thì dịch bùng phát, tất cả đều ngưng trệ”.
“Công ty rất vất vả để giải quyết hủy tour, dời tour vì ngay cả những vùng chưa công bố dịch, khách cũng yêu cầu công ty hoàn tiền nên chúng tôi phải giải quyết làm sao có tình có lý, đảm bảo quyền lợi khách hàng, của công ty và các đối tác. Đây không chỉ là khó khăn của công ty chúng tôi mà các công ty du lịch khác cũng gặp hoàn cảnh tương tự”, ông Mỹ nêu tình hình.
Bên cạnh đó, vị lãnh đạo Du lịch Lửa Việt cũng chia sẻ: “Một số đoàn vẫn đang tiếp tục khởi hành đến các vùng chưa có bệnh nhân lây nhiễm. Số khách này chúng tôi càng trân trọng, chăm chút thay lời cám ơn vì đã đồng hành với ngành du lịch trong điều kiện khó khăn”.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, ông Nguyễn Thế Khải, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hoàn Mỹ, cho biết khách hàng sau khi nghe tin dịch bệnh diễn biến phức tạp đã “hủy tour hết trơn rồi, giờ chúng tôi cũng không biết làm sao”.
“Khách hàng lo lắng thì chúng tôi cũng không làm được gì, càng không dự đoán được vùng nào sẽ bùng dịch, vùng nào không. Hồi tháng 6 và tháng 7, người dân đi tour đông, cao trào là tháng 7, rất nhiều người ký hợp đồng tới tháng 9, tháng 10 nhưng dịch bùng phát lại một cái là họ hủy hết. Bây giờ chúng tôi chỉ biết chịu trận”, ông Khải nói.
Các doanh nghiệp du lịch còn bị ảnh hưởng nặng nề khi thị trường du lịch quốc tế vẫn đang “đóng băng”. Cụ thể, báo cáo của Tổng cục Du lịch cho biết do tác động của dịch Covid-19, trong 5 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019.
Khó khăn kéo dài tới năm 2021
Trong cuộc họp trực tuyến với Tổng cục Du lịch hôm 7/8, đại diện các cơ quan quản lý du lịch, doanh nhân đã đưa ra những con số cho thấy doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch đang cực kỳ khốn khó. Đây là những doanh nghiệp được cho là bị ảnh hưởng đầu tiên và phục hồi sau cùng trong cơn bão đại dịch cororna.
Theo đó, kết thúc quý I/2020, doanh thu của Du lịch Lửa Việt giảm hơn 60% so với năm ngoái. Chủ tịch công ty, ông Nguyễn Văn Mỹ, cho biết: “Hiện nay, diễn biến khôn lường nên chúng tôi không thể dự đoán được gì. Nếu làm tốt như kỳ vọng, hết tháng 8 dịch sẽ được khống chế thì từng bước hồi phục lại. Tuy nhiên, cái khó là khi đó đã hết hè, hết cao điểm của mùa du lịch nội địa. Cuối năm là mùa thấp điểm, chỉ hy vọng cầm cự thôi. Mọi chuyện tốt đẹp thì chúng tôi kỳ vọng vào dịp tết năm sau, tức từ năm 2021 trở đi mới tăng tốc lại.”
Là người làm trong ngành du lịch lâu năm, ông Mỹ nhận xét:
“Khi hết dịch thì hết nguy hiểm về sức khỏe, nhưng nền kinh tế khi đó đã kiệt quệ. Người dân không còn tiền để đi chơi mà nhà nước không thể phát tiền cho dân đi chơi nên cái khó khăn vẫn còn trước mắt. Nhưng đây không chỉ riêng ngành du lịch, nên cần sự hợp lực của rất nhiều người. Chuyện sống còn của doanh nghiệp lúc này tùy thuộc vào bản lĩnh, cách ứng phó của từng doanh nghiệp.”
Riêng với công ty Du lịch Lửa Việt, ông đưa ra giải pháp:
“Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là giải quyết tồn đọng phát sinh do dịch bệnh bùng phát như yêu cầu hủy, dời tour của khách hàng và các đối tác một cách chuyên nghiệp. Thứ hai, chúng tôi tiếp tục rà soát để tinh giản bộ máy, giúp hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm các loại chi phí để tiếp tục cầm cự. Thứ ba, huy động thêm nguồn lực từ các thành viên, kể cả đề nghị nhà nước cho giãn nợ và cho vay thêm”.
Ông Nguyễn Thế Khải cũng đề đạt: “Chúng tôi cần nhà nước hỗ trợ giảm thuế, hoặc chi thêm cho doanh nghiệp để trả lương cho nhân viên, chứ bây giờ tiền đâu mà những doanh nghiệp như chúng tôi trả tiền cho nhân viên. Tình hình này phải cho nghỉ tiếp thôi”.
Về phía công ty Du lịch Lửa Việt, ông Mỹ cho biết:”Trước khi dịch bùng phát, một số hướng dẫn viên du lịch đã nghỉ việc, hưởng trợ cấp xã hội. Công ty chỉ giữ lại những người nòng cốt. Tất cả các công ty đều có nhiều phương án đối phó cho tình huống khả quan nhất và xấu nhất nhưng làm sao để cùng chung tay chống dịch. Chúng tôi luôn tuần thủ những biện pháp phòng ngừa, không lơ là vì an toàn cho khách cũng là cho chính mình như giữ giãn cách cần thiết, đeo khẩu trang, xịt khuẩn. Đồng thời, chúng tôi cũng chuẩn bị phương án hậu dịch đợt hai như làm mới các tour cũ, tìm các tour mới, chuẩn bị sẵn những sản phẩm hấp dẫn hơn với khách hàng để một khi hết dịch có thể chào mời họ trở lại với du lịch”.
Khó khăn kinh tế có thể gây bất ổn xã hội
Đại dịch Covid-19 kéo dài đã khiến nền kinh tế Việt Nam kiệt quệ. Điều này thấy rõ qua sức khỏe của các công ty, tập đoàn lớn. Trường hợp của Vietnam Airlines là một ví dụ.
Trong khi các chuyến bay quốc tế bị gián đoạn, hoạt động hàng không nội địa cũng giảm sút mạnh do ảnh hưởng của chính sách hạn chế đi lại để chống dịch cũng như người dân thận trọng hơn trong việc đi lại bằng máy bay.
Trong thông báo mới nhất, Vietnam Airlines đã công bố một loạt biện pháp cắt giảm chi phí, trong đó có việc giảm lương phi công hơn 52% so với năm ngoái, xuống bình quân 77 triệu đồng/tháng. Lương trung bình của tiếp viên, lao động mặt đất của Vietnam Airlines dự kiến cũng giảm lần lượt gần 48% và 44,5%, còn 13,8 triệu đồng/tháng.
Dù đã cắt giảm chi phí, hãng bay này vẫn phải đặt kế hoạch lỗ hợp nhất gần 15.200 tỉ đồng. Nửa đầu năm nay, Vietnam Airlines đã ghi nhận lợi nhuận hợp nhất âm hơn 6.600 tỉ đồng.
Trước tình hình khốn khó, lãnh đạo Vietnam Airlines đã nhiều lần cầu cứu chính phủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây khó khăn cho cả nền kinh tế, ngân sách quốc gia lại phải dồn cho chống dịch, chính phủ rất khó có thể triển khai các biện pháp đủ mạnh và đồng bộ để giải cứu doanh nghiệp.
Kinh tế đình trệ, đói nghèo và thất nghiệp tiếp tục gia tăng. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tỷ lệ thất nghiệp hiện đang cao nhất trong vòng 10 năm qua. Cụ thể, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo tăng lên đến 1,3 triệu người. Trong đó, Báo cáo của Chính phủ gửi Thường vụ Quốc hội cho thấy 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc.
Những con số trong các báo cáo không đủ sinh động để phản ánh sự khó khăn trong cuộc sống của người dân. Trong những ngày qua, báo chí ghi nhận hàng chục ngàn nhân viên làm việc tại các công ty du lịch hay các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn bị thất nghiệp. Họ làm đủ ngành nghề để sống, từ giao hàng, buôn bán online, chạy xe ôm, một số ít tạm lánh về quê chờ qua đại dịch.
Khi dịch bệnh tạm lắng xuống, các dự báo khả quan về kinh tế đã xuất hiện. Nhưng với việc dịch bệnh bùng phát trở lại trong cộng đồng, các chuyên gia đánh giá “ngay cả mức tăng trưởng GDP 2,1% cũng là rất khó khăn”.
Khó khăn kinh tế sẽ dẫn tới những hệ lụy lớn cho xã hội, như đói nghèo, bất ổn. Đó chính là lý do khi đợt dịch thứ hai bùng phát, chính phủ Việt Nam đã thực hiện mục tiêu kép vừa dập dịch vừa bảo vệ nền kinh tế. Các biện pháp cách ly xã hội quyết liệt từng được triển khai triệt để trong đợt dịch thứ nhất, như chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, giờ chỉ được áp dụng tại một số điểm nóng dịch bệnh. Phần còn lại vẫn duy trì các hoạt động kinh tế, xã hội ở mức bình thường nhất có thể.

Bộ Công An cộng sản muốn đứng ra bảo vệ

an ninh biên giới vì Bộ Quốc Phòng làm có sơ hở

Tin Vietnam.- Báo Đầu tư loan tin, tại phiên họp thứ 47 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Cộng sản Việt Nam vào chiều ngày 10 tháng 8 năm 2020, giữa đại diện bộ Công an và bộ Quốc phòng Cộng sản đã có những tranh luận để giành quyền đứng ra bảo vệ khu vực biên giới.
Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng bộ Công an Cộng sản lập luận rằng, công an là lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia. Nên bảo vệ khu vực biên giới không chỉ là cai quản đường an ninh biên giới, cột mốc mà còn bảo vệ nội bộ, bảo vệ an ninh, cai quản xuất nhập cảnh, tội phạm xuyên biên giới. Tuy nhiên, hiện nay việc bảo đảm an ninh khu vực biên giới do phía bộ Quốc phòng Cộng sản cai quản vẫn còn sơ hở.
Trong khi đó, hiện nay công an chỉ có quyền trong việc phối hợp với phía Quốc phòng chứ không phải làm chủ. Vì vậy, ông Nam đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại quy định này, không nên để quyền lực giữa bộ Quốc phòng và bộ Công an có sự chồng chéo.
Trước việc phía bộ Công an muốn giành quyền lực cai quản biên giới, trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng bộ Quốc phòng cộng sản phản pháo rằng, quy định để cho bộ đội Biên phòng chủ trì giữ an ninh biên giới, cửa nhập cảnh đã được Chính phủ thống nhất.
Được biết, khu vực biên giới Việt Nam với các nước lâu nay đã trở thành “chiếc bánh” ngon cho phía quân đội kiếm chác từ những việc như buôn lậu hàng hoá, hoặc xuất nhập cảnh trái phép. Vì vậy, phía công an không những chỉ muốn giành lấy quyền lực để lấn áp bộ Quốc phòng mà còn muốn giành luôn “chiếc bánh” về thu nhập kinh tế.
An Nhiên

Việt Nam siết chặt biên giới

ngăn làn sóng nhập cảnh trái phép giữa đại dịch

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các tỉnh giáp biên giới hợp tác chặt chẽ với lực lượng biên phòng để kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập qua đường biên giới sau khi phát hiện hàng trăm người nhập cảnh bất hợp pháp vào Việt Nam từ Trung Quốc.
Yêu cầu của phó thủ tướng Chính phủ được đưa ra giữa lúc Việt Nam tăng cường các nỗ lực nhằm phá vỡ các đường dây đưa người Trung Quốc và nước ngoài nhập cảnh trái phép qua đường biên giới vào Việt Nam trong khi làn sóng lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng bùng phát trở lại.
Ông Đam, tại buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về công tác quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 hôm 11/8, cho biết Việt Nam đang đối mặt với sức ép lớn trong đợt dịch thứ 3 – sau đợt bùng phát đầu tiên khởi phát từ ca bệnh nhập cảnh từ Trung Quốc sau Tết Nguyên Đán, và sau đó là làn sóng xâm nhập từ châu Âu trở về – và chỉ đạo tiếp tục quản lý chặt chẽ đường biên giới.
“Lực lượng Biên phòng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở, biên giới, duy trì 100% số lượng các tổ, chốt và quân số làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, chốt chặn trên biên giới; tăng cường lực lượng, phương tiện ở những địa bàn, khu vực trọng điểm, phức tạp,” Phó Thủ tướng Đam được cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng trích lời nói.
Ông Đam, cũng là trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “chống dịch như chống giặc” và yêu cầu tổ chức “các tổ công tác gồm nhiều lực lượng hình thành nhiều lớp, quản lý chặt người xuất, nhập cảnh.”
Việt Nam có đường biên giới đất liền dài hơn 5.000 km, bờ biển dài 3.260 km; có 37 cửa khẩu cảng; 117 cửa khẩu biên giới đất liền và 88 lối mở biên giới. Theo Bộ Quốc phòng, thời gian qua, tình hình chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên các tuyến biên giới, vùng biển cơ bản ổn định. Thiếu tướng Lê Đức Thái, tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, được TTXVN trích lời nói do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Việt Nam áp dụng biện pháp hạn chế, tạm dừng nhập cảnh; cách ly tập trung với trường hợp nhập cảnh. Tuy nhiên, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép qua các tuyến biên giới đất liền diễn biến phức tạp.
Đầu tháng này một toà án ở Quảng Ninh đã tuyên án nhiều năm tù đối với 6 người liên quan tới một đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Trước đó vào cuối tháng 7, cùng thời điểm các ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên được phát hiện ở Đà Nẵng sau gần 100 ngày không lây nhiễm trong cộng đồng trên toàn quốc, công an Việt Nam triệt phá một đường dây đưa người Trung Quốc vào miền Trung và bắt giữ một công dân Trung Quốc tổ chức đường dây này.
Theo người phát ngôn của Bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô, cho biết hơn 500 người có quốc tịch Trung Quốc đã nhập cảnh trái phép vào 27 tỉnh thành trên cả nước Việt Nam trong năm nay.
Bộ Quốc phòng nói rằng lực lượng an ninh biên giới đã phát hiện và xử lý hơn 16.500 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong giai đoạn từ đầu tháng 2 đến đến tháng 7/8.
Thủ tướng Phúc, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ hôm 29/7, yêu cầu Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý tốt biên giới, khởi tố điều tra vi phạm trong quản lý biên giới.
Kể từ khi làn sóng lây nhiễm trong cộng đồng bùng phát trở lại cách đây gần 3 tuần, theo Bộ Y tế, Việt Nam đã ghi nhận hơn 400 trường hợp lây nhiễm, nâng tổng số lên 880 tính đến ngày 12/8, và có 17 ca tử vong đầu tiên vì virus corona.

Nay mới chi 100.000 tỷ đồng

phát triển giao thông TPHCM là chậm!

Thanh Trúc
Kế hoạch đầu tư nhằm phát triển hạ tầng giao thông trị giá 100.000 tỷ đồng, vừa được Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh đề bạt lên Bộ Giao Thông Vận Tải hôm 9/8 vừa qua.
Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải từ TPHCM ra các tỉnh và ngược lại, dự kiến hoàn tất trong vòng 5 năm tới.
Theo nguồn từ Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM, được báo chí đăng lại hôm 9/8, nhiều dự án giao thông trọng điểm sẽ được triển khai trong thời gian tới. Đó là cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, nút giao An Phú Quận 2, mở rộng Quốc lộ 50, nâng cấp Quốc lộ 22…
Đây là kế hoạch kết nối vùng, điển hình và quan trọng nhất là tuyến cao tốc 53 km rưỡi từ TP.HCM ra Mộc Bài, dự kiến 4 đến 6 làn xe đi về, có tổng mức đầu tư giai đoạn một 10.700 tỷ Đồng.
Đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, với tốc độ thiết kế  80Km/giờ đến 120Km/giờ, bắt đầu từ đường vành đai 3 ở Hóc Môn, cắt ngang Quốc lộ 22B, vượt qua sông Vàm Cỏ đi về phía Quốc lộ 22 kết nối với cửa khẩu Mộc Bài.
Kế đến là dự án mở rộng Quốc lộ 50 với 6 làn xuôi ngược, có chiều dài 88 cây số. Quốc lộ 50 này hiện cắt ngang 2 tuyến giao thông quan trọng nhất của khu vực phía Nam là cao tốc Bến Lức – Long Thành và đường vành đai số 4.
Khi hoàn thiện đây sẽ là trục  lộ giao thông đạt tiêu chuẩn cấp 3, khả năng vận tốc  80Km/giờ, góp phần thúc đẫy giao dịch kinh tế từ TP.HCM ra các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Ngoài ra, nhiều dự án khác cũng được lên kế hoạch cải tạo và hoàn thiện như Quốc lộ 22 nối từ khu An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa, dự án cầu đường Nguyễn Khoái Quận 4, dự án cầu Bình Triệu 2, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, khởi từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật.
Đáng chú ý nhất là hệ thống đường vành đai, có mục đích giảm ùn  tắc giao thông từ đường Nguyễn Văn Linh ở Bình Chánh đến cầu Phú Mỹ Quận 7, chạy tiếp ra ngã tư Bình Thái Quận 9 rồi nối vào nút giao Gò Dưa Quận Thủ Đức, từ đó băng ra Quốc lộ 1 để có thể chạy vòng về đường Nguyễn Văn Linh. Vành đai 2 này không chỉ kết nối với cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và các đường vành đai 3 và 4 mà còn được coi là trục kết nối lưu thông liên tỉnh.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Du Lịch  thuộc Tổng Cực Du Lịch Việt Nam, thừa nhận đó là những kế hoạch hạ tầng qui mô và tốn kém nhưng đúng là sự kết nối hoàn hảo, giúp ngành du lịch từ địa bàn thành phố tỏa ra các nơi phát triển theo:
Nếu thành công thì sẽ khai thác được lợi thế của TP.HCM như một cái “hub”, một trung tâm du lịch của cả khu vực Đông Nam Á chứ không chỉ riêng nước ta. Với hệ thống giao thông kết nối  các điểm du lịch ở các vùng phụ cận phía Nam, có thể nói khả năng tiếp cận khách du lịch quốc tế, kể cả khách du lịch nội địa, trở nên vô cùng thuận tiện, một tiêu chí hết sức quan trọng để lựa chọn điểm đến”.
“Khách du lịch thì chỉ có khoản thời gian nhất định thôi. Nếu từ trung tâm là TP.HCM đến các điểm kia mà mất quá nhiều thời gian thì nó sẽ không hấp dẫn, cho nên việc phát triển giao thông này có ý nghĩa đầu tiên về mặt du lịch là ở điều đó.  Thực tế vị trí của TP.HCM cũng đã được xác định trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam rồi”.
Nếu thành công thì sẽ khai thác được lợi thế của TP.HCM như một cái “hub”, một trung tâm du lịch của cả khu vực Đông Nam Á chứ không chỉ riêng nước ta. Với hệ thống giao thông kết nối  các điểm du lịch ở các vùng phụ cận phía Nam, có thể nói khả năng tiếp cận khách du lịch quốc tế, kể cả khách du lịch nội địa, trở nên vô cùng thuận tiện – GSTS Phạm Trung Lương
Vẫn theo phó GSTS Phạm Trung Lương, TP. HCM có lợi thế là sân bay Tân Sơn Nhất mà sắp tới sẽ được nâng cấp, mở rộng, chưa kể sân bay Long Thành sẽ được khởi công năm 2022 theo tiến độ chính phủ đề ra, cộng thêm hệ thống hạ tầng phát triển 5 năm tới, sẽ như một cú hích kinh tế, du lịch, xã hội trong tương lai.
Đối với kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, đáng lẽ phải thực hiện càng sớm càng tốt kế hoạch và định hướng kết nối đường vành đai 3  và một số tuyến đường hướng tâm, nối vô nội thành hay đi về phía biên giới Campuchia, về phía Bắc, phía biển Bà Rịa Vũng Tàu, về ngã ba Trung Lương…
Nên thực hiện càng sớm  càng tốt vì hiện nay như ta biết TP.HCM có qui mô lớn gấp nhiều lần thành phố Sài Gòn ngày trước. Việc phát triển không chỉ cho TP.HCM không mà nó còn đi song hành với những tỉnh thành bao quanh, tạo thành cái gọi là “vùng đô thị TP.HCM. Xu hướng phát triển trên thế giới hiện đang là xu hướng cạnh tranh giữa các vùng đô thị chứ không còn là cạnh tranh giữa những đô thị đơn lẻ nữa, thành ra cần có những hệ thống giao thông vành đai và hướng tâm hoàn chỉnh, ờ đây chỉ nói khiêm tốn về đường vành đai 3 thôi nhưng thật sự cần cả vành đai 2, vành đai 3 và vành đai 4 kết nối lại với nhau, và tuyến đường hướng tâm như đề án đã vạch ra. Tuyến hướng tâm này không chỉ dừng ở vành đai 3 mà nó đi sâu vào nội thành thì sẽ tốt hơn nữa”
Hệ thống kết nối vùng, bao gồm những tuyến vành đai và những tuyến hướng tâm, theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn có ý nghĩa rất lớn vì kích thích và kéo theo sự phát triển của những vùng chung quanh. Do vậy, ông nhấn mạnh, TP.HCM có thể làm được và làm hơn thế như ông từng góp ý với giới chức thành phố:
Hiện sự đóng góp của TP.HCM cho kinh tế cả nước có thể nói là hàng đầu, nhưng nếu hệ thống giao thông vành đai và hướng tâm mà hoàn thành được thì tiềm năng và sự đóng góp cho cả nước còn gấp hàng chục lần so với hiện nay “.
“Thứ hai là cũng đang còn sự dè dặt, chỉ mới nói những tuyến hướng tâm và tập trung vào đường vành đai 3, mà thật sự một qui hoạch gọi là xứng tầm với TP.HCM phải ít nhất là những vành đai 1, 2, 3 và 4. Mà còn phải kết nối với những đường giao thông khác, ví dụ sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành. Về cảng thì kết nối được với cảng Thị Vải, Cái Né, Cát Lái vân vân. Nói chung hệ thống giao thông được kết nối sớm chừng nào thì tác dụng kinh tế càng lớn chừng nấy”.
Dưới mắt nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Du Lịch Phạm Trung Lương, hệ thống cao tốc, giao lộ, vành đai trong ngoài vừa đóng góp vào sự phát triển bền vững vừa giải tỏa được sự ùn tắc thường xuyên trong một đô thị có mật độ dân số dày đặc như TP.HCM hiện nay:
Giảm tải và giãn dân là khía cạnh được kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn quan tâm hơn:
Hệ thống kết nối vùng tốt có thể khuyến khích những cơ sở công nghiệp, những cơ sở công ăn việc làm, giãn ra những tỉnh thành như Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang vân vân… Như vậy nó trở thành cái mô hình thường thấy ở những đô thị lớn trên thế giới như Paris, Montreal, New York…Dân giãn ra ngoài thì đất đai rẻ hơn, nhà cửa rộng rãi có không gian hơn . Mặt khác giúp TP.HCM, đặc biệt là nội thành, được giảm tải, cộng đồng thân thiện gắn bó với nhau hơn”.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm này, được chuyên gia đánh giá là  tổng  vốn dự kiến 100.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương có thể tăng lên theo thời giá lẫn kinh phí  phát sinh. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn:
Điểm thứ ba tôi muốn nhấn mạnh là tại sao tốt như vậy mà lâu nay không làm? Bởi vì kinh phí thực hiện kết nối vùng như vậy nó quá lớn. Thu nhập của TP.HCM đóng góp cho trung ương thì chỉ được giữ lại 18% thôi. Đúng ra nên để TP.HCM giữ lại nhiều hơn, thậm chí trích thêm một phần không nhỏ để đầu tư cho hạ tầng phát triển. Điều này có thể nhìn xa hơn ở chỗ TP.HCM có thể cạnh tranh được với những đô thị trong khu vực, nói  gần là vùng đô thị Manila, Bangkok, xa hơn là Thượng Hải hoặc những nơi khác. Hiệu quả kinh tế của việc đầu tư này rất tốt”.
Còn theo ông Phạm Trung Lương, tăng mức giữ lại cho TP.HCM phát triển cơ sở hạ tầng là vô cùng hợp lý, đặc biệt đối với dự án giao thông qui mô mới trình lên Bộ Giao Thông Vận Tải hôm 9/8:
“Theo tôi biết  thì trung ương cũng đang xem xét để TP.HCM được giữ lại tỷ lệ cao hơn, bởi vì phát triển hạ tầng là phúc lợi của thành phố, là sự tái đầu tư để phát triển tốt hơn. Điều đó cũng có nghĩa là mặc dù sự đóng góp cho trung ương có giảm đi nhưng về lâu dài sự đóng góp của TP.HCM sẽ lớn hơn rất nhiều”.
Doanh nhân ngành du lịch Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Công Ty Lữ Hành Lửa Việt, đồng ý với kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn rằng chuyện này đáng lý phải làm từ lâu:
Hà Nội làm việc này khá tốt, các tỉnh phía Bắc bây giờ thừa đường mà thiếu xe, trong khi khu vực phía Nam, đặc biệt  TP.HCM, thừa xe mà thiếu đường. Tổng số đường cao tốc của Nam Bộ chiếm khoảng 1/5 trong khi ít nhất nó phải 60% chứ không phải là chỉ 20% như hiện nay”.
“Trong phát triển kinh tế thì giao thông là bài toán đầu tiên phải nghĩ tới, không thể khác được. Điều băn khoăn là cần phải có một qui hoạch tổng thể, tạm gọi là “master plan”. Bây giờ chúng ta tập trung rất nhiều cao tốc vào thành phố nhưng thành phố kẹt thì không gỡ  được. Thành phố đang làm cao tốc Sài Gòn đi Mộc Bài, từ An Sương lên Mộc Bài 50 cây chạy có 40 phút thôi,  nhưng từ đây ra An Sương chạy một tiếng đồng hồ, rất là căng. Cho nên phải làm song hành vì nếu vào tới ven mà không vô được thành phố thì cũng chết. Từ Sài Gòn ra ngoại thành kẹt xe rất khủng khiếp, nếu không có qui hoạch tổng thế mà cứ ngắt khúc chỗ này chỗ kia để làm, chưa kể khả năng đội vốn có khi gấp đôi”.
Cách làm, cách quản lý như hiện nay vẫn là manh mún. Nếu không giải quyết được giao thông đô thị từ trong nội thành, không làm đường tầng như các nơi, không tìm cách giãn các cao ốc ra bên ngoài
mà cứ cho phép lập trung tâm thương mại và cao ốc trong thành phố thì nạn kẹt xe càng ngày càng trầm trọng”.
Dù có chậm và tốn kém đến đâu, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho hay ông vẫn tin tưởng TP.HCM sẽ thực hiện bằng được những dự án hạ tầng trọng yếu và qui mô nếu không muốn kém cạnh và mất thế cạnh tranh so với các lân bang trong khu vực.

Trung ương và địa phương ‘tung-hứng’

trong giải quyết khiếu kiện tập thể của dân?

Yêu cầu giải quyết dứt điểm
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, vào ngày 11/8, giao cho Thanh tra Chính phủ phối hợp với chính quyền các tỉnh và thành phố tập trung các biện pháp cần thiết để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Đồng thời, không để người dân khiếu kiện đông người ở các cơ quan Trung ương, nhất là trong thời gian diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng.
Hồi trung tuần tháng 2 năm nay, Văn phòng Chính phủ cũng đã phổ biến thông báo tương tự theo ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, tại một buổi làm việc với Trụ sở Tiếp Công dân Trung ương, ở Hà Nội.
Điều đáng chú ý, cả hai lần thông báo từ Chính phủ trong năm 2020 đều nhấn mạnh rằng Bộ Công an và công an địa phương cùng đơn vị chức năng được yêu cầu tăng cường các biện pháp nghiệp vụ bảo đảm tuyệt đối an toàn mục tiêu bảo vệ và ổn định tình hình an ninh trật tự, phải có biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật những người có hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo gây rối an ninh, trật tự, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Chính quyền địa phương dùng biện pháp nào để giải quyết?
Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế thương mại lớn nhất Việt Nam, hồi năm 2018 được Đoàn Đại biểu Quốc hội của thành phố ghi nhận có đến 75% khiếu nại liên quan đến đất đai.
Vụ việc cưỡng chế khoảng 200 ngôi nhà ở vườn rau Lộc Hưng, vào đầu tháng 1/2019 cho đến nay được Chính quyền thành phố giải quyết đến đâu?
Đại diện cho bà con vườn rau Lộc Hưng, ông Cao Hà Chánh, vào tối ngày 11/8 cho biết:
Từ khi xảy ra vụ ở Đồng Tâm thì nhiều bà con cũng chột dạ, người ta sợ. Thứ hai nữa, công an dùng kiểu ‘đánh lẻ’, tức là họ đến gặp những người tiên phong đi đòi quyền lợi và đặt ra ưu đãi nào đó để cho họ không đi nữa. Thế bây giờ người như như chúng tôi đi là bị bắt, bị đánh ngay. Kinh khủng lắm. Cho nên nhiều người sợ lắm. Không ai dám đi nữa. Bất công quá
-Người dân làng đạo Thạch Bích
“Mới nhất là tập thể người dân vườn rau Lộc Hưng vừa lên Văn phòng Tiếp dân của Ủy ban Nhân dân TP.HCM cùng với 2 luật sư để trực tiếp yêu cầu lãnh đạo thành phố tiếp xúc và sau đó họ nhận đơn thôi. Họ mới thông báo rằng họ đã báo cáo cho Chủ tịch TP.HCM và cho đến nay chưa được hồi âm. Xin được nói thêm, suốt từ khi cưỡng chế xảy ra cho đến nay thì chưa có một cán bộ nào hoặc người có thẩm quyền nào ra mặt hay có những động thái bằng văn bản hết. Chỉ có văn bản gửi cho quận Tân Bình, với nội dung là chuyển vụ việc của bà con vườn rau Lộc Hưng xuống cho Chính quyền quận Tân Bình.”
Ông Cao Hà Chánh nhắc lại sau thời gian dài làm việc giữa Chính quyền quận Tân Bình và cư dân vườn rau Lộc Hưng, đến năm 2008,  bà con vườn rau Lộc Hưng đề nghị quận Tân Bình xác nhận và cấp quyền sử dụng đất. Mặc dù, lãnh đạo quận Tân Bình gặp gỡ với bà con vườn rau Lộc Hưng khi họ gửi đơn khiếu nại, tố cáo; thế nhưng lãnh đạo quận Tân Bình đưa ra một văn bản của Ủy ban Nhân dân TP.HCM chỉ đạo quận Tân Bình không có quyền tiếp dân và không được giải quyết bất cứ việc gì trên khu vực đất vườn rau Lộc Hưng.
Đề cập đến yêu cầu của Chính phủ đối với chính quyền địa phương phải giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, vừa được báo giới quốc nội phổ biến trong cùng ngày 11/8, ông Cao Hà Chánh trình bày:
“Đây là một thực trạng mà nhà cầm quyền hay dùng kế hoạch này. Lúc vừa cưỡng chế xong, nhà cầm quyền và bên ngành công an đăng trên trang web của quận Tân Bình là đang tập hợp hồ sơ để khởi tố những người đứng đầu là ông Chánh và 8 người. Hôm nay tôi xin nói rõ, vụ việc vườn rau Lộc Hưng thì từ năm 1999, tập thể người dân chúng tôi đã thực hiện đúng luật pháp. Chúng tôi trình báo từng
bước một về các diễn biến cho công an phường, quận; đặc biệt với Sở Công an TP.HCM và Bộ công an về bất cứ diễn biến của chính quyền địa phương không đúng. Qua đó, xin khẳng định là người dân thực hiện đúng luật, nhưng họ vẫn tiếp tục hù dọa. Vừa rồi, họ nói rằng kỳ này chúng tôi đi là họ bắt và tập trung đọc kinh trước tượng đài Đức Mẹ là họ sẽ làm việc. Họ chuyển thông tin này đến chúng tôi qua công an phường và công an quận.”
Cũng tại TP.HCM, người dân Thủ Thiêm, sau hai thập niên khiếu nại, khiếu kiện tập thể tại cơ quan các cấp chính quyền từ địa phương đến Trung ương, vừa đón nhận thông tin các lãnh đạo, cán bộ, đảng viên sai phạm trong dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, như ông Tất Thành Cang chỉ bị phê bình.
Ông Nguyễn Đình Đệ, một dân oan ở Thủ Thiêm, lên tiếng về thông báo của Chính phủ yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm các khiếu nại, khiếu kiện tập thể:
“Chuyện Nhà nước muốn xử lý như thế nào, hoặc muốn kêu gọi địa phương giải quyết dứt điểm cho người dân như thế nào thì nói chung và thật lòng rằng là ‘trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’ và chính vì điều đó mà người dân Thủ Thiêm đã vất vả gần 20 năm nay. Làm gì có chuyện Trung ương chỉ đạo và địa pương giải quyết rốt ráo để người dân không ra Hà Nội khiếu kiện? Chuyện đó rất là khó và không bao giờ làm được. Và ngày nào còn chưa giải quyết và nghiêm trị các cán bộ Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua, Lê Hoàng Quân thì vấn đề Thủ Thiêm vẫn không bao giờ giải quyết được.”
Một vụ việc khiếu nại đông người ở làng đạo Thạch Bích, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, được dư luận chú ý đến qua hành động tập thể bà con, hồi đầu tuần tháng 11/2019 cắm lều đòi chính quyền xã phải trả đất canh tác. Tại thời điểm đó, lực lượng công an đông gấp 10 lần người dân được huy động đến để giải tán đám đông.
Một giáo dân làng đạo Thạch Bích, vào tối ngày 11/8, e dè chia sẻ với RFA liên quan việc khiếu nại, khiếu kiện của bà con làng đạo sau lần tập trung cắm lều đó:
Chuyện Nhà nước muốn xử lý như thế nào, hoặc muốn kêu gọi địa phương giải quyết dứt điểm cho người dân như thế nào thì nói chung và thật lòng rằng là ‘trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’ và chính vì điều đó mà người dân Thủ Thiêm đã vất vả gần 20 năm nay. Làm gì có chuyện Trung ương chỉ đạo và địa pương giải quyết rốt ráo để người dân không ra Hà Nội khiếu kiện? Chuyện đó rất là khó và không bao giờ làm được. Và ngày nào còn chưa giải quyết và nghiêm trị các cán bộ Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua, Lê Hoàng Quân thì vấn đề Thủ Thiêm vẫn không bao giờ giải quyết được
-Ông Nguyễn Đình Đệ
“Từ khi xảy ra vụ ở Đồng Tâm thì nhiều bà con cũng chột dạ, người ta sợ. Thứ hai nữa, công an dùng kiểu ‘đánh lẻ’, tức là họ đến gặp những người tiên phong đi đòi quyền lợi và đặt ra ưu đãi nào đó để cho họ không đi nữa. Thế bây giờ người như như chúng tôi đi là bị bắt, bị đánh ngay. Kinh khủng lắm. Cho nên nhiều người sợ lắm. Không ai dám đi nữa. Bất công quá!”
Cùng thời điểm tháng 11/2019, Hội thánh Tin Lành Tuy Hòa phổ biến thông tin trên mạng xã hội liên quan sự không đồng thuận đối với quyết định của Chính quyền thành phố Tuy Hòa về đập bỏ ngôi trường Thiên Ân của Hội thánh để xây trường mầm non.
Mục sư Lương Mạnh Hà, Mục sư quản nhiệm Chi hội Tin Lành Tuy Hòa, vào thời điểm đó đã cho RFA biết Hội thánh chưa bao giờ được chính quyền địa phương thương thuyết về giải pháp giải tỏa hay đền bù. Do đó, Hội thánh Tin lành Tuy Hòa phải có hành động qua việc căng băng-rôn phản đối. Đồng thời, Hội thánh cũng đã làm đơn và gửi thư bảo đảm đến hai cơ quan Trung ương ở Hà Nội, bao gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc và Ban Tôn giáo Chính phủ để kêu cứu.
Ông Võ Ngọc Lục, một nhà hoạt động tôn giáo, vào tối ngày 11/8, cho biết diễn tiến của vụ việc này:
“Sau vụ đó thì họ đã lấy trường Thiên Ân rồi. Họ lợi dụng ngay đợt dịch bệnh là họ đập trường Thiên Ân của Nhà thờ Tin Lành Tuy Hòa. Trước đó mấy tuần thì họ đi từng nhà của tín đồ và đe dọa không cho tín đồ dùng facebook hay đưa tin gì hết. Và khi đó có phái đoàn của Đại sứ quán Hoa Kỳ định về để tìm hiểu thông tin liên quan như thế nào. Tuy nhiên, họ dùng lý do dịch bệnh nên họ từ chối.”
Ông Võ Ngọc Lục cho biết thêm rằng tài khoản của Hội thánh Tin Lành Tuy Hòa bị lực lượng an ninh mạng trà trộn vào và đưa những thông tin sai lệch, bất lợi cho Hội thánh, liên quan trường Thiên Ân bị chính quyền địa phương đập bỏ.
Vì là người góp phần trong việc lên tiếng vụ cưỡng chế trường Thiên Ân của Hội thánh Tin lành Tuy Hòa, bản thân ông cũng bị liên lụy:
“Tôi đang sinh sống ở Buôn Mê Thuột, nhưng công an tỉnh Phú Yên lên đây mấy tháng. Họ ở nhà bên cạnh theo dõi. Tôi cũng không biết được chính xác họ muốn làm gì, nhưng đại khái là như thế.”
Đài RFA ghi nhận, dù rằng sợ hãi như bà con ở làng đạo Thạch Bích, dù bị đe dọa như tín đồ Tin Lành ở Tuy Hòa hay dù quyết tâm như cư dân vườn rau Lộc Hưng, Thủ Thiêm ở Sài Gòn đều cho rằng cácchính quyền địa phương dùng những biện pháp khác nhau để gây áp lực lên người dân đi khiếu nại, khiếu kiện. Tuy nhiên, những biện pháp mà chính quyền địa phương đang áp dụng không thể nào giải quyết dứt điểm những khuất tất và oan ức của dân chúng. Và, họ sẽ buộc phải khăn gói đến các cơ quan Trung ương, như ông Nguyễn Đình Đệ quả quyết: “Người dân Thủ Thiêm yêu cầu Chính quyền TP.HCM thực hiện theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ ký. Còn không thì họ vẫn tiếp tục đi khiếu kiện, tập trung ra Hà Nội khiếu kiện. Vì đây là quyền lợi chính đáng và hợp pháp của họ.”

Quốc hội CSVN lại tranh luận về việc bỏ

sổ hộ khẩu – một sản phẩm mang về từ Trung Cộng

Trên thế giới còn rất ít quốc gia giữ sổ hộ khẩu để cai trị người dân (VietnamNet)
Tin từ Hà Nội: Uỷ ban thường vụ của quốc hội cộng sản Việt Nam lại loay hoay tranh luận về thời hạn bãi bỏ chế độ sổ hộ khẩu vốn được sao y bản chánh từ chính sách của Mao Trạch Đông và tồn tại từ năm 1954 khi cộng sản kiểm soát miền Bắc.
Truyền thông nhà nước đưa tin trong phiên họp của uỷ ban thường vụ quốc hội vào ngày 10/8, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của quốc hội cộng sản Việt Nam, ông Hoàng Thanh Tùng, đề nghị duy trì việc sử dụng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú cho đến hết năm 2025. Tuy nhiên, ý kiến này không nhận được sự đồng tình của chủ tịch quốc hội và bộ trưởng công an. Trước đó, bộ trưởng công an Tô Lâm khẳng định việc bỏ sổ hộ khẩu và sổ tạm trú vào giữa năm 2021 là hoàn toàn khả thi và bộ đang chuẩn bị dự án này.
Chủ tịch quốc hội cộng sản Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng chế độ sổ hộ khẩu chỉ còn tồn tại ở Việt Nam và nên xoá bỏ sổ hộ khẩu càng sớm càng tốt. Người dân Việt Nam cho rằng phương pháp theo dõi cư trú của công dân thông qua sổ hộ khẩu đã tồn tại khoảng 70 năm qua sau khi đảng cộng sản đưa chính sách này của Mao Trạch Đọng về miền Bắc là cách làm “lạc hậu” và “gây phiền hà” cho công dân.
Trong 30 năm trở lại đây, nhiều người di cư, thay đổi chỗ ở và họ phản ánh trên báo chí hoặc mạng xã hội rằng do các quy định và thủ tục rườm rà gắn với sổ hộ khẩu nên họ bị các viên chức địa phương hạch sách và họ phải hối lộ để có thể làm được các việc từ lắp đồng hồ điện nước cho đến mua bán nhà, xin học hay ghi danh kết hôn, ly hôn.
Quốc Tuấn

Việt Nam tồn tại nhiều khoảng trống lãnh đạo?

LS Ngô Ngọc Trai
Việt Nam vừa bị ảnh hưởng kinh tế do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung giống với nhiều nước, ngoài ra còn bị khủng hoảng đường lối phát triển do mô hình dập khuôn theo kiểu Trung Quốc lâu nay.
Hoàn cảnh đó đặt ra đòi hỏi cấp bách về nhân sự lãnh đạo tài năng để chèo lái con thuyền đất nước, nhưng thực tế lại đang tồn tại nhiều khoảng trống về sự lãnh đạo.
Nặng về quản lý
Một điều nhận thấy là lâu nay việc lựa chọn nhân sự lãnh đạo đất nước đều tập trung vào những người bên trong bộ máy, gồm bộ máy Đảng và bộ máy Nhà nước. Rất ít người ngoài xã hội được tham gia vào guồng máy lãnh đạo quốc gia.
Nhiều người trải qua cương vị từ cấp dưới rồi được bầu chọn lên cấp cao. Cách đó chỉ giúp tìm ra được người có năng lực quản lý chứ không tìm ra được năng lực lãnh đạo.
Bởi vì những kỹ năng đã giúp một người đảm đương công việc ở cấp thấp có thể sẽ giúp cho người đó xử lý công việc ở cấp cao. Nhưng tầm nhìn hạn hẹp đã ăn sâu bén rễ của người ngồi ở cấp thấp sẽ trở thành rào cản khi ở vị trí lãnh đạo quốc gia.
Hệ quả của lối tuyển lựa nhân sự như vậy dẫn đến năng lực bộ máy Đảng và Nhà nước lâu nay chỉ nặng về quản lý.
Phần công việc lãnh đạo là vạch đường chỉ lối, ít thực chất, được đẩy cho thuộc về tập thể, bằng nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Với đường lối cứng đã được ấn định là xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội đã khiến cho trong suốt nhiều năm đây là phần việc không có nhiều việc để làm.
Kết quả của công việc lãnh đạo chỉ là một số văn bản Nghị quyết đưa ra phương hướng phát triển đất nước, mà trong đó nhiều ý chính đã được sử dụng lặp lại xuyên suốt mấy chục năm. Công việc lãnh đạo trở thành công việc của một số ít chuyên gia, tiến sĩ và nhà nghiên cứu hàn lâm mà không phải là nhà chính trị
Vấn đề thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc cũng như vấn đề mất việc làm là cái người Mỹ quan tâm bậc nhất, cho nên ông Trump có ưu thế.
Thực tế như thế cho nên bộ máy mặc dù nhân sự ban bệ đầy đủ nhưng phạm trù lãnh đạo lại bị bỏ nhiều khoảng trống không được lấp đầy, trong khi đất nước hiện nay đang bước vào giai đoạn biến động rất cần đến năng lực lãnh đạo.
Đứng trước biến động có ảnh hưởng lớn nhưng công chúng không thấy được các chính sách phát triển mạch lạc rõ ràng giúp có thể yên tâm. Người dân mong muốn được cảm thụ sự lãnh đạo mà không thấy.
Trong khi ở nước ngoài như tôi thấy, công việc lãnh đạo quốc gia luôn được khỏa lấp chiếm lĩnh thực hiện đầy đủ. Nhiều nước có nền chính trị tiến bộ họ chọn lựa nhân sự lãnh đạo là người đề xuất đường lối phát triển quốc gia. Người lãnh đạo được bầu chọn cũng chính là chuyên gia của cái vấn đề lĩnh vực đang chi phối phần lớn tâm trí xã hội.
Ví như ông Donald Trump rất giỏi về chính sách kinh tế thuế và vấn đề thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc cũng như vấn đề mất việc làm là cái người Mỹ quan tâm bậc nhất, cho nên ông Trump có ưu thế.
Hay như trước đó ông Obama là một luật sư nhân quyền và người hoạt động phát triển cộng đồng, thì thời điểm năm 2008, sau các cuộc chiến ở Afganistan và Iraq, âm hưởng về sức mạnh cơ bắp của nước Mỹ làm thế giới e ngại. Vấn đề về quyền con người, quyền của người yếu thế hay quyền lợi các nhóm binh sĩ chiến đấu được dư luận quan tâm, cho nên ưu thế dành cho Obama tụt giảm vai trò vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế chắc chắn sẽ tạo ra cơn rung chấn kéo dài ảnh hưởng tới Việt Nam.
Làm sao trau dồi?
Có một cách để tăng cường trau dồi năng lực lãnh đạo đó là thông qua các cuốn sách.
Người có năng lực lãnh đạo lớn sẽ có tầm nhìn xa, họ thấy được các vấn đề của tương lai mà đa phần dân chúng không thấy. Hoặc họ nhận ra được các xung động xã hội, các dòng chảy chủ lưu, dòng chảy chính giữa không gian vận động bề bộn các vấn đề đời sống xã hội.
Họ truyền tải vấn đề tới cộng đồng nhằm thiết lập vị thế lãnh đạo, người lãnh đạo phải thực hiện các phát biểu. Nhưng khi các vấn đề đủ lớn, đủ phức tạp ở tầm quốc gia thì họ sẽ phải thông qua các cuốn sách để truyền tải đầy đủ phương hướng tầm nhìn phát triển tới công chúng.
Cả ông Trump và ông Obama đều đã có những cuốn sách truyền tải tầm nhìn phát triển quốc gia của mình trước khi được bầu chọn làm tổng thống.
Đến khi thôi giữ cương vị, các nhà lãnh đạo lại xuất bản hồi ký kể lại quá trình dẫn dắt đưa đất nước vượt qua khó khăn phát triển đi lên, giúp những người lớp sau thấy được các giai đoạn phát triển thăng trầm.
Nhờ tiếp nhận tầm nhìn của người đi trước, phẩm chất lãnh đạo theo đó cũng được vun bồi. Khi càng hiểu nhiều về quá khứ nhà lãnh đạo sẽ thấy được sự hữu hạn của chính sách và chính phủ trong chiều dài lịch sử, từ đó khiêm nhường đưa ra chính sách có trách nhiệm hơn.
Nếu không đọc sách và hiểu biết ít về lịch sử thì một người dù đứng đầu lãnh thổ thì đó cũng chỉ là một thủ lĩnh hung hăng mới nắm quyền ở một vùng biến loạn mà thôi. Chứ đó không phải là một nhà lãnh đạo.
Cho nên các cuốn sách là rất quan trọng đối với tư duy tầm nhìn lãnh đạo. Bởi thế mà nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đều ý thức về tính quan trọng của việc đọc sách và viết sách để lại.
Từ Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia, Lý Quang Diệu của Singapore, các tổng thống Bush, Clinton, Obama của Mỹ, Thủ tướng Thatcher, Tony Blair của Anh .v.v. đều có hồi ký kể lại.
Tìm bên ngoài?
Bộ phim Avatar của đạo diễn James Cameron là một thiên sử thi về năng lực lãnh đạo và phẩm chất anh hùng.
Trong phim có câu chuyện, để tìm hiểu về người Navi trên hành tinh Pandora, người trái đất đã cho nhân vật chính dưới hình dạng người Navi tham gia vào đời sống của họ để nắm bắt lối sống suy nghĩ của người Navi, từ đó tác động người Navi di dời đi chỗ khác để người trái đất chiếm chỗ khai thác quặng khoáng sản quý.
Nhân vật chính sau thời gian chung sống thì thay đổi quan điểm và dành tình yêu cho người Navi thông qua tình yêu với người con gái tộc trưởng, anh cảnh báo về mối nguy hiểm do chính đồng bào trái đất của anh đang đưa đến.
Người Navi hết sức tức giận, dưới sự lãnh đạo của tộc trưởng đã bắt trói nhân vật chính đưa ra trước trận tiền nơi người trái đất với vũ khí hiện đại sắp sửa tấn công.
Những loạt bom khói và bom nổ từ những đội hình máy bay chiến đấu đã làm cho người Navi kinh khủng hoảng loạn, những trai tráng dũng cảm nhất cũng không thể dùng cung tên để bắn hạ những máy bay, họ tháo chạy và kêu khóc. Tộc trưởng của người Navi bị một cành cây vụn vỡ bay trúng người gục xuống tử vong.
Lúc này, vợ tộc trưởng, người nắm giữ phần hồn của dân tộc Navi, thay vì tháo chạy như những người khác bà cầm một con dao sắc tiến tới nhân vật chính đang bị trói, tưởng chừng như bà sắp kết liễu kẻ đã đang tâm tiếp tay đem đến tai họa cho đồng bào mình.
Nhưng không, bà đã không giết, thay vào đó bà dùng con dao để cắt dây trói và khóc bảo rằng nếu anh còn yêu thương người Navi thì hãy cứu giúp chúng tôi.
Đây là một đoạn cảnh nói lên phẩm chất lãnh đạo anh hùng. Người phụ nữ kia, bằng cảm nhận của một người mẹ, chịu trách nhiệm gánh vác sinh mệnh của bộ tộc, với sự hiểu biết và từng trải, bà đã cảm nhận nhìn ra được đâu là người có thể giúp đỡ.
Và bà đã không nhầm, nhân vật chính đã vượt qua mọi khó khăn, vượt qua sự đơn độc bị ruồng bỏ từ cả hai phía, đã giúp đỡ người Navi giữ lại được đất đai dân tộc mình.
Câu chuyện có ý nghĩa hôm nay, người có khả năng giúp đỡ có khi lại không nằm trong tổ chức.
Một tổ chức khi gặp phải khủng hoảng đối diện với sự tồn vong như dân tộc Navi, có khi cũng cần ý thức ra vấn đề, là chỉ có những phẩm chất cách nghĩ mới đến từ bên ngoài, với những kỹ năng hoàn toàn mới thì mới có thể giúp được.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của LS Ngô Ngọc Trai từ văn phòng luật Công Chính tại Hà Nội.

Điểm tin trong nước sáng 12/8: Đình chỉ công tác

ông Nguyễn Đức Chung vì liên quan 3 vụ án;

Điện một giá 2.890 đồng/kWh –

dân nói ‘bình mới rượu cũ’!

Tâm Tuệ
Thêm 3 ca nhiễm virus Vũ Hán, đều nhập cảnh từ Nhật Bản
Tin cập nhật lúc 6h ngày 12/8 từ Bộ Y tế: Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca mắc viêm phổi Vũ Hán nhập cảnh từ Nhật Bản về sân bay Vân Đồn, được đưa đi cách ly ở Hải Phòng.
Như vậy, tính đến sáng 12/8, Việt Nam có tổng cộng 866 bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán. Số trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng liên quan đến Đà Nẵng tính đến nay là 405 ca.
Đình chỉ công tác ông Nguyễn Đức Chung vì liên quan 3 vụ án
Cổng thông tin điện tử báo Chính phủ chiều 11/8 cho biết, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.
Thời hạn tạm đình chỉ công tác là 90 ngày kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ công tác.
Liên quan đến vụ việc, trả lời trên báo VnExpress tối cùng ngày, thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, nói cơ quan chức năng đang làm rõ việc Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung ‘liên quan đến ba vụ án”.
Vụ thứ nhất là “buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại công ty trách nhiệm hữu hạn và thương mại Nhật Cường.
Vụ án thứ hai là “vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Vụ án thứ ba là “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” xảy ra tại Hà Nội. “Bộ Công an đang chỉ đạo cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ”, ông Xô nói.
Điện một giá 2.890 đồng/kWh – dân nói ‘bình mới rượu cũ’!
Bộ Công Thương đề xuất mức giá cho phương án một giá điện dao động khoảng 2.703-2.890 đồng/kWh, chưa gồm thuế VAT. Trước đề xuất này, nhiều cư dân mạng (khách hàng) đã chỉ ra rất nhiều bất cập và lý giải rằng, đây chẳng khác gì ‘bình mới rượu cũ’.
Báo VnExpress dẫn một số ý kiến đọc giả. Một độc giả Hà Nguyễn nói ‘nếu tính giá thế này, các hộ gia đình nhỏ lẻ sẽ bị thiệt 47% so với giá điện cũ’. Còn nhận định của độc giả Dangtranfamily cho rằng: “Tôi thấy đề xuất biểu giá điện của Bộ Công thương chỉ thay đổi cơ học từ 6 bậc thành 5 bậc, còn lại không thấy thay đổi gì, tiền điện vẫn đóng như thế. Còn phương án một giá, tính ra tiền điện đóng hàng tháng còn cao hơn phương án giá điện bậc thang. Vậy là bình mới mà rượu cũ, chẳng thay đổi được gì”.
Đặt dấu hỏi cho cách tính giá điện mới, bạn đọc Nguyễn hiếu nhận định: “Xin hỏi vì sao điện một giá lại nằm ở mức cao chót vót như vậy? Vì sao điện 5 bậc chỉ có mức thấp nhất là bằng 90% giá bán điện bình quân, còn lại ngay từ bậc hai thì đã cao trên 100% rồi, như vậy thì giá bán điện bình quân tính kiểu gì?…”.
Bạn đọc này cho rằng, bên trong vấn đề giá điện còn vô số chuyện cần phải mổ xẻ, làm rõ, nếu không mọi thiệt thòi chỉ người dân gánh chịu.
Một ngày giá vàng mất 2 triệu đồng
Theo nghi nhận của báo VnExpress, 15h30 chiều qua (11/8), Công ty Vàng bạc đá quý SJC niêm yết giá mua bán là 53,08-54,98 triệu đồng một lượng, giảm 2 triệu so với đầu sáng và rẻ hơn 3 triệu đồng so với ngày hôm qua. Tới cuối giờ chiều, giá mua bán nhích lên 53,58-55,48 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI hạ 2,3 triệu đồng chiều mua vào và 1,5 triệu đồng chiều bán ra, xuống 53,5-55,65 triệu đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng hạ giá mua bán về 53-55 triệu đồng.
Như vậy, trung bình mỗi lượng vàng miếng tới chiều qua đã giảm hơn 7 triệu đồng so với 5 ngày trước, tương đương với mức giảm hơn 11%.

Điểm tin trong nước tối 12/8:

14 ca nhiễm mới; Tạm đình chỉ CSGT hành hung,

lăng mạ người vi phạm giao thông

Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước tối thứ Tư (12/8) của DKN xin gửi đến quý độc giả những nội dung sau:
14 ca nhiễm mới
Tin cập nhật lúc 18h ngày 12/8 từ Bộ Y tế: Việt Nam ghi nhận thêm 14 ca nhiễm virus Vũ Hán mới (bệnh nhân 867-880). Trong đó, 1 ca ghi nhận tại Hà Nội (có địa chỉ Hải Dương), 13 ca tại Đà Nẵng.
Như vậy, tính đến tối 12/8, Việt Nam có tổng cộng 880 bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán. Số trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng liên quan đến Đà Nẵng tính đến nay là 418 ca.
Bình Dương: 1 người nhảy lầu tử vong trong khu cách ly
Báo Thanh Niên thông tin, ngày 12/8, Cơ quan chức năng Bình Dương xác nhận 1 trường hợp nhảy lầu tử vong trong khu cách ly tập trung ở P.Chánh Phú Hoà (TX.Bến Cát, Bình Dương).
Người này là nam về từ Nhật Bản qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất và được đưa đến khu cách ly tập trung ở P. Chánh Phú Hoà để cách ly từ ngày 29/7, được bố trí ở phòng trên lầu 4 của khu nhà. Khuya ngày 10/8, những người trong khu cách ly nghe tiếng động mạnh liền ra ngoài xem xét thì phát hiện nam thanh niên này đã tử vong.
Tạm đình chỉ 1 CSGT hành hung, lăng mạ người vi phạm giao thông
Theo Pháp Luật và Bạn đọc, ngày 12/8, Công an thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đã tạm đình chỉ công tác cán bộ CSGT để xác minh hành vi hành hung, lăng mạ người vi phạm giao thông.
Video: Một CSGT ở Quảng Ninh đấm túi bụi, mắng chửi người vi phạm
Tổ công tác phát hiện xe ôtô tải BKS 14C-170.18 đang vận chuyển hàng hóa nghi là than, phương tiện cơi nới kích thước, thành thùng, không phủ bạt. Khi được yêu cầu dừng lại kiểm tra nhưng lái xe đã bỏ chạy.
Trong lúc giải quyết sự việc, ông Hoàng Văn Sơn (đội trưởng) đã có hành vi đấm và chửi mắng người vi phạm giao thông trong video clip được đăng tải trên mạng xã hội.
Vừa triệu quân, HLV Park Hang-seo nhận tin hoãn vòng loại World Cup từ FIFA
Trang chủ của Liên đoàn Bóng đá Châu Á chiều 12/8 xác nhận do ảnh hưởng của dịch viêm phổi Vũ Hán trên toàn cầu, FIFA và AFC đã cùng đi tới quyết định thay đổi thời gian tổ chức các loạt trận kế tiếp của vòng loại World Cup 2022 và Asian Cup 2023, dự kiến tổ chức tháng 10 và 11/2020, sang năm 2021.
Thông tin sẽ khiến ĐT Việt Nam sẽ phải thay đổi kế hoạch tập luyện bởi trước đó 1 ngày, HLV Park Hang-seo đã cho triệu tập 36 cầu thủ nhằm chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.