Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 12/08/2020

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2020 18:59 // ,

Tin khắp nơi – 12/08/2020

Bầu cử 2020: Biden chọn Harris là ứng cử viên phó tổng thống

Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden chọn Thượng nghị sĩ Kamala Harris là người đứng cùng liên danh với ông – người phụ nữ da đen và người Mỹ gốc Á đầu tiên đảm nhận vai trò này.
Từng là đối thủ của vị trí cao nhất nước, thượng nghị sĩ California gốc Ấn Độ-Jamaica từ lâu đã được xem là người dẫn đầu cho vị trí số hai.
Bộ trưởng Tư pháp California từng thúc giục cải cách cảnh sát trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc trên toàn quốc.
Ông Biden sẽ đối đầu với Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử ngày 3/11.
Tại cuộc họp báo của Nhà Trắng hôm thứ Ba, ông Trump, đảng viên Đảng Cộng hòa, mô tả bà Harris là “lựa chọn dự thảo số một của tôi”.
Bà Harris sẽ tranh luận với người đang tranh cử cùng liên danh của ông Trump, Phó Tổng thống Mike Pence, vào ngày 7/10 tại Thành phố Salt Lake, tiểu bang Utah.
Chỉ có hai phụ nữ khác được đảng đề cử làm ứng viên phó tổng thống – Sarah Palin bởi đảng Cộng hòa năm 2008 và Geraldine Ferraro bởi đảng Dân chủ năm 1984. Cả hai đều không lọt vào Nhà Trắng.
Một phụ nữ da màu chưa bao giờ được một trong hai chính đảng chính của Mỹ mời đứng cùng liên danh ứng cử tổng thống. Cũng không có phụ nữ nào đắc cử tổng thống Mỹ.
Biden và Harris nói gì?
Ông Biden tweet rằng ông có “vinh dự lớn” khi gọi bà Harris là người đứng phó của mình.
Ông mô tả bà là “chiến sĩ quả cảm đấu tranh cho những người yếu thế, và là một trong những công chức tốt nhất của đất nước”.
Ông ghi nhận là Harris đã làm việc chặt chẽ với con trai quá cố của ông, Beau, khi bà là bộ trưởng Tư pháp của California.
“Tôi đã theo dõi khi họ đối đầu các ngân hàng lớn, nâng đỡ giới công nhân và bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi bị lạm dụng”, Biden viết trên Twitter.
“Khi đó tôi rất tự hào và giờ đây tôi tự hào khi có bà đứng cùng liên danh trong chiến dịch tranh cử này.”
Bà Harris sau đó tweet rằng ông Biden “có thể thống nhất người dân Mỹ bởi vì ông đã dành cả cuộc đời để chiến đấu vì chúng ta. Và với tư cách là tổng thống, ông sẽ xây dựng một nước Mỹ theo lý tưởng của chúng ta.”
“Tôi rất vinh dự được đứng cùng liên danh với ông trong tư cách là ứng cử viên của đảng chúng tôi cho chức Phó tổng thống, và sẽ làm những gì cần thiết để biến ông thành Tổng tư lệnh của chúng ta.”
Chiến dịch tranh cử thông báo rằng Biden và Harris sẽ phát biểu tại Wilmington, Delaware chiều thứ Tư về việc “cùng nhau khôi phục linh hồn của dân tộc và đấu tranh cho các gia đình lao động để đưa đất nước tiến lên”.
Biden cam kết vào tháng Ba là sẽ chọn một phụ nữ làm ứng cử viên phó tổng thống. Ông đã phải đối mặt với nhiều kêu gọi chọn một phụ nữ da đen trong những tháng gần đây, khi cả nước đang bị chấn động bởi bất ổn xã hội ,trước sự tàn bạo của cảnh sát đối với người Mỹ gốc Phi, một khối cử tri chủ chốt của Đảng Dân chủ.
Kamala Harris là ai?
Bà Harris, 55 tuổi, bỏ cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào tháng 12/2019.
Bà nhiều lần xung đột với ông Biden trong các cuộc tranh luận bầu cử sơ bộ, đáng chú ý nhất là chỉ trích khen ngợi của ông về mối quan hệ làm việc “dân sự” mà ông có với các cựu thượng nghị sĩ ủng hộ sự phân biệt chủng tộc.
Thành viên đảng Dân chủ này sinh ra ở Oakland, California, cha mẹ cùng là người nhập cư: một người mẹ gốc Ấn Độ và người cha gốc Jamaica.
Bà theo học Đại học Howard, một trong những trường cao đẳng và đại học dành cho người da đen nổi tiếng nhất trong lịch sử của quốc gia. Bà từng mô tả thời gian ở đó là một trong những trải nghiệm hình thành nhất trong cuộc đời.
Harris nói rằng bà luôn cảm thấy thoải mái với danh tính của mình và chỉ đơn giản mô tả mình là “một người Mỹ”.
Năm 2019, bà nói với Washington Post rằng chính trị gia không nên bị xếp vào các ngăn vì màu sắc hoặc nền tảng của họ. “Quan điểm của tôi là: Tôi là chính tôi. Tôi thoải mái với bản thân. Bạn có thể cần phải tìm hiểu tôi là ai, nhưng tôi ổn với chính mình,” bà nói.
Lựa chọn hiển nhiên
Phân tích của Anthony Zurcher, phóng viên Bắc Mỹ
Đôi khi sự lựa chọn hiển nhiên có lý do của nó. Kamala Harris nghiễm nhiên đã là người dẫn đầu trong cuộc đua trở thành ứng cử viên phó tổng thống, hầu như kể từ thời điểm Joe Biden, người được cho là ứng cử viên đảng Dân chủ, tuyên bố vào tháng Ba rằng ông sẽ chọn một phụ nữ đứng cùng liên danh.
Harris tương đối trẻ và có sức sống, và là con gái của những người nhập cư Jamaica và Ấn Độ, phản ánh sự đa dạng ngày càng tăng của Đảng Dân chủ.
Hơn nữa, bà đang là tâm điểm chú ý của truyền thông quốc gia, đã vận động tranh cử tổng thống vào năm 2019, và trong một thời gian vào mùa hè năm ngoái, đã vươn lên gần vị trí dẫn đầu của một số cuộc thăm dò. Nhiều đối thủ của bà cho vị trí số hai chưa bao giờ phải đối mặt với sự giám sát kỹ lưỡng như vậy của truyền thông, vì vậy không có bằng chứng nào cho thấy họ có thể cầm cự với sự soi xét đó.
Một lợi thế khác ít được để ý của Harris là tình bạn của bà với con trai quá cố của ông Biden, Beau, được hình thành khi cả hai đều là bộ trưởng tư pháp. Biden đề cao giá trị gia đình – và mối liên hệ đó có thể khiến việc chọn bà dễ dàng hơn.
Giờ đây, Harris sẽ có cơ hội trở lại chiến dịch vận động tranh cử và chứng minh rằng mình xứng đáng với sự lựa chọn lịch sử này. Nếu thành công, bà sẽ ở vị trí chính để theo đuổi giấc mơ làm tổng thống một lần nữa, có lẽ sớm nhất là vào năm 2024. Ngày hôm nay đã khiến bà trở thành một thế lực trong Đảng Dân chủ trong nhiều năm tới.
Thành quả của bà ra sao?
Sau bốn năm tại Đại học Howard, Harris lấy bằng luật tại Đại học California, Hastings, và bắt đầu sự nghiệp tại Văn phòng Biện lý Quận Alameda.
Bà trở thành công tố viên hàng đầu của San Francisco vào năm 2003, trước khi được bầu là người phụ nữ đầu tiên và người Mỹ gốc Phi đầu tiên giữ chức vụ bộ trưởng Tư pháp của California, luật sư hàng đầu ở tiểu bang đông dân nhất của Mỹ.
Trong gần hai nhiệm kỳ với tư cách là bộ trưởng Tư pháp, bà Harris nổi tiếng là một trong những ngôi sao đang lên của đảng Dân chủ, sử dụng động lực này để thúc đẩy cuộc tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ của tiểu bang California vào năm 2017. Bà chỉ là phụ nữ da đen thứ hai từng được bầu vào chức vụ này.
Bà khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống trước cử tọa hơn 20.000 người ở Oakland vào đầu năm ngoái.
Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Harris đã không nêu rõ được lý do khiến mình ra tranh cử và đưa ra những câu trả lời lộn xộn cho các câu hỏi về các lĩnh vực chính sách quan trọng như chăm sóc sức khỏe.
Bà cũng không thể tận dụng điểm cao rõ ràng trong quá trình ứng cử: những màn tranh luận thể hiện kỹ năng tố tụng của bà, thường khiến ông Biden rơi vào tình thế bị tấn công.
Bà tự cho mình là “công tố viên cấp tiến” và tìm cách nhấn mạnh những phần thiên tả hơn trong di sản của mình – yêu cầu máy hình gắn vào cơ thể cho một số đặc vụ tại Bộ Tư pháp California, cơ quan nhà nước đầu tiên chấp nhận điều này, và tung ra cơ sở dữ liệu cung cấp quyền truy cập công khai vào thống kê tội phạm, mặc dù nỗ lực này không đạt được đà đủ mạnh.
“Kamala là một cảnh sát” trở thành một điệp khúc phổ biến trên con đường tranh cử, làm hỏng nỗ lực giành sự ủng hộ của khối cử tri Dân chủ cấp tiến hơn trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Tuy nhiên, những kinh nghiệm đó có thể trở thành có lợi trong cuộc tổng tuyển cử, khi đảng Dân chủ cần giành được nhiều cử tri ôn hòa và độc lập hơn.
Đã có những phản ứng gì?
Tổng thống Trump nói với các phóng viên: “Bà ta là người đã kể rất nhiều câu chuyện không có thật.”
Ông nói thêm: “Bà đã làm rất, rất kém trong cuộc bầu cử sơ bộ, như bạn biết, bà ta được dự đoán sẽ làm tốt và đạt được đúng khoảng 2%. Vì vậy, tôi hơi ngạc nhiên khi Biden chọn bà.”
Ông Trump cũng nói bà Harris “rất, rất khó chịu” và “kinh khủng” đối với ông Biden trong các cuộc tranh luận sơ bộ của đảng Dân chủ.
“Bà ta rất thiếu tôn trọng với Joe Biden và thật khó để chọn một người thiếu tôn trọng như vậy,” ông nói.
Chiến dịch tranh cử của Trump nói việc lựa chọn Harris là người cùng tranh cử là bằng chứng cho thấy ông Biden là “một cái vỏ rỗng được lấp đầy bởi chương trình nghị sự cực đoan của những người cấp tiến cánh tả”.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama – người mà ông Biden giữ chức phó tổng thống trong 8 năm – tweet:
“Harris rất sẵn sàng để đảm nhận vai trò. Bà đã dành sự nghiệp của mình để bảo vệ Hiến pháp của chúng ta và đấu tranh cho những người cần được sự công bằng.”
“Đây là một ngày tốt lành cho đất nước chúng ta. Nào, hãy giành lấy chiến thắng.”

Tổng thống Trump ngạc nhiên

vì cách ông Biden chọn phó tổng thống ‘dự kiến’

Lục Du
Tổng thống Donald Trump nói rằng ông “hơi ngạc nhiên” khi ông Joe Biden chọn Thượng nghị sĩ Kamala Harris làm phó tổng thống “dự kiến”, vì bà Harris từng công kích và gây “khó chịu” cho ông Biden, theo Bloomberg.
Khi còn là một doanh nhân, ông Trump từng ủng hộ bà Harris hai lần khi bà còn là ứng cử viên tổng chưởng lý của California. Ông đã đóng góp tổng cộng 6.000 đô la Mỹ cho ủy ban vận động của bà Harris trong năm 2011 và 2013, theo hồ sơ của tiểu bang California.
Vào thứ Ba, chỉ vài phút sau khi ông Biden công bố bà Harris là lựa chọn cho vị trí “phó tổng thống”, ông Trump đã đưa lên Twitter một tweet, nói rằng bà Harris từng chỉ trích ông Biden ủng hộ “các chính sách phân biệt chủng tộc” khi hai người này tranh luận với nhau để giành giật vị trí ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ.
Trang Kark đưa tin, đánh giá về bà Harris, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton cho biết “Kamala Harris ủng hộ Medicare [dịch vụ y tế] cho Tất cả, bà ấy từng ám chỉ rằng Joe Biden là người phân biệt chủng tộc, và bà ấy cười khi nghĩ rằng Hiến pháp sẽ ngăn bà ấy tịch thu súng. Chiến dịch tranh cử tổng thống của bà ấy là một thảm họa bắt nguồn từ sự yếu kém trong quản lý, [và nó đã] kết thúc trước khi bà ấy nhận được phiếu bầu”.
“Bằng cách chọn Kamala Harris, các trợ lý của Joe Biden đã cho thấy một chính quyền Biden [nếu thành hiện thực] thiên tả và thiếu năng lực sẽ như thế nào”, ông Cotton nêu quan điểm.
Bà Harris, 55 tuổi, đang có “cơ hội” trở thành người phụ nữ da mầu đầu tiên giữ vai trò phó tổng thống Mỹ trong trường hợp ông Biden chiến thắng được ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm nay. Nữ nghị sĩ này xây dựng sự nghiệp chính trị ban đầu của mình với tư cách là luật sư quận của bang San Francisco và sau đó được bầu làm tổng chưởng lý của bang này.
Sau khi quyết định chọn bà Harris làm người đồng hành, ông Biden đã dành những lời có cánh cho nữ nghị sĩ này. “Tôi rất vinh dự được thông báo rằng tôi đã chọn @KamalaHarris – một chiến binh không biết sợ hãi và là một trong những công chức giỏi nhất của đất nước – làm bạn điều hành của tôi”, ông Biden viết trên Twitter.

Nhức đầu của Biden trong việc chọn người đứng phó

Tara McKelvey
Một cựu quan chức Nhà Trắng của Obama, Susan Rice, đang là ứng cử viên hàng đầu để trở thành người đứng cùng liên danh với Joe Biden.
Ngay cả khi không được chọn làm ứng cử viên phó tổng thống, bà có khả năng là một nhân tố quan trọng nếu Biden giành chiến thắng. Vậy Susan Rice là ai?
Phát biểu tại một tiệc cocktail của Nhà Trắng không lâu trước khi Donald Trump chuyển đến, Susan Rice trông đăm chiêu. “Bạn sẽ nhớ chúng tôi,” bà nói với một nhà báo.
Susan Rice, cựu cố vấn an ninh quốc gia 55 tuổi, giờ đây đang hy vọng trở lại nắm quyền. Bà nằm trong danh sách ngắn những người hy vọng trở thành ứng cử viên phó tổng thống của đảng Dân chủ. Nếu bà không được chọn làm phó tổng thống và ông Biden thắng cử, bà có khả năng trở thành ngoại trưởng.
Tên của Susan Rice đang được nhắc đến khi ông Biden phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc chọn không chỉ một phụ nữ – điều mà ông cam kết thực hiện – mà là một phụ nữ da đen để đứng cùng liên danh.
Thượng nghị sĩ Kamala Harris cũng thường được đề cập đến như một khả năng, giống như các nữ nghị sĩ Karen Bass và Val Demings, Thị trưởng Atlanta Keisha Lance Bottoms, và ứng cử viên thống đốc Georgia Stacey Abrams.
Tiểu sử của Susan Rice khiến bà có vẻ là lựa chọn tự nhiên cho một vị trí hàng đầu. Nhưng bà chưa bao giờ tranh cử, và một số nhà phân tích hỏi rằng liệu bà có phải là ứng cử viên sáng giá nhất cho liên danh Biden không. Họ cho rằng bà không đủ bản lĩnh chính trị cần có để giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử sát sao. Họ cũng băn khoăn về hành trang mà bà sẽ mang theo khi chạy đua vào Nhà Trắng.
Khi còn làm việc cho ông Obama, bà Rice đã trở thành cột thu lôi gây tranh cãi.
Sau khi các tiền đồn của Mỹ ở Benghazi, Libya, bị tấn công tháng 9/2012, bà Rice nói về vụ hỗn chiến trên truyền hình, mô tả cuộc tấn công là “bạo lực tự phát” chứ không phải là các cuộc tấn công do các nhóm chiến binh tổ chức.
Đại sứ J Christopher Stevens và ba công dân Hoa Kỳ khác đã thiệt mạng trong các vụ tấn công đó.
Các thành viên Đảng Cộng hòa đã chỉ trích bà, chỉ trích những nhận xét trên truyền hình của bà, và nói rằng bà đã đánh lừa công chúng về bản chất của các vụ tấn công.
Bà Rice nói đã cung cấp cho công chúng những thông tin gửi cho bà và các quan chức Nhà Trắng khác vào thời điểm đó.
Gần một thập kỷ sau, cuộc tranh cãi vẫn ám ảnh bà. Nó có thể vẫn là một cục nợ đối với đảng Dân chủ trong suốt chiến dịch tranh cử sắp đến.
Mục tiêu cho người bảo thủ
Michael S Smith II, một nhà phân tích khủng bố, hiện là giảng viên Đại học Johns Hopkins, nói rằng phe bảo thủ sẽ nhắc mọi người nhớ lại nhận định của Rice về Benghazi. Theo ông, những người bảo thủ này sẽ dùng nhận xét của bà để cho thấy rằng, theo quan điểm của họ, đảng Dân chủ không trung thực về mối đe dọa do các nhóm khủng bố gây ra, và những người cấp tiến yếu kém về an ninh quốc gia.
Ông Smith nói: “Susan Rice là hình ảnh tiêu biểu cho những người bảo thủ cho rằng Obama đã nói dối công chúng về các mối đe dọa do al-Qaeda gây ra” và các nhóm khác đã thực hiện các cuộc tấn công.
Tuy nhiên, nhiều đảng viên Đảng Dân chủ tin rằng Susan Rice là người phù hợp cho vị trí phó tổng thống và sẽ mang thêm ánh hào quang cho liên danh. Bà từng làm việc với Biden và các quan chức Nhà Trắng khác về thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, và đã giúp đỡ nỗ lực của Mỹ về thỏa thuận khí hậu Paris.
Dưới sự lãnh đạo của ông Trump, Mỹ đã rút lui khỏi các thỏa thuận quốc tế.
David Litt, người từng viết bài phát biểu cho Nhà Trắng của Obama, và là tác giả cuốn ‘Democracy in One Book or Less’, nói Hoa Kỳ đã mất vị thế toàn cầu trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.
Ông Litt nói: “Tôi có thể nhớ khi các đồng minh của chúng ta khó chịu với Mỹ, nhưng tôi không nhớ được thời điểm mà các đồng minh thương hại Mỹ”.
Ông Litt tin rằng Susan Rice là một lựa chọn tuyệt vời cho ứng cử viên phó tổng thống vì kinh nghiệm của bà trên toàn cầu: bà sẽ có thể thiết lập lại mối quan hệ bền chặt với các đồng minh của Hoa Kỳ, ông nói, và sẽ giúp “khôi phục Vị trí của nước Mỹ trên Thế giới “.
Trong số hàng chục ứng cử viên hàng đầu có thể trở thành ứng cử viên phó tổng thống, bà Rice có nền tảng kiến ​​thức vững chắc nhất về các vấn đề quốc tế. Ở tuổi 32, bà trở thành trợ lý ngoại trưởng và sau đó là đại sứ tại Liên Hiệp Quốc.
Kể từ khi rời Nhà Trắng, bà đã viết một cuốn hồi ký, ‘Tough Love’, một câu chuyện kể lại thời thơ ấu ở Washington và cuộc sống của bà với chồng, Ian Cameron, một nhà sản xuất truyền hình sinh ra ở Canada và hai con. Bà cũng mô tả lịch sử gia đình của mình: Ông cố của bà sinh ra là một nô lệ, và một phần của gia đình bà là người Jamaica.
Trong hồi ký, bà nói rằng không quan tâm đến chính trị bầu cử cho bản thân, giải thích: “không đủ kiên nhẫn hoặc ngoan ngoãn để tranh cử và không quan tâm đến việc thỏa hiệp các nguyên tắc của tôi”.
“Đĩnh đạc phi thường”
Tuy nhiên, gần đây, Susan Rice đã nghĩ lại. Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình This Morning của CBS, bà nói rằng sẽ mang kinh nghiệm hàng chục năm trong ngành điều hành cho công việc phó tổng thống. Bà đã giúp chống lại Ebola và các đại dịch khác trong thời gian ở Nhà Trắng, bà giải thích, và nói rằng bà biết những bệnh có thể gây ra cho cá nhân và xã hội.
Bà mô tả tác động kinh tế của đại dịch hiện tại “Tôi hiểu sâu sắc hậu quả kinh tế đối với những người Mỹ đang phải chịu đựng”, và nói thêm rằng bà hiểu “đau khổ đã ảnh hưởng không cân xứng đến các cộng đồng da màu như thế nào”.
Bà nói việc thiếu kinh nghiệm của mình với tư cách là một ứng cử viên trong thời buổi này ít quan trọng hơn vì chiến dịch tranh cử được thực hiện “từ xa”.
Dẫu thế nào, ứng cử viên phó tổng thống vẫn là một mệnh lệnh cao: ứng cử vào chức vụ mang tính cá nhân hơn – và trong nhiều phương diện, khó khăn hơn – so với làm việc tại văn phòng, những người đã làm cả hai, nhận định.
Từng là trợ lý ngoại trưởng về nhân quyền, Tom Malinowski đã tự chuyển sang chính trị cấp đường phố. Ông hiện là một nghị sĩ đảng Dân chủ từ New Jersey. Tom Malinowski gặp Susan Rice khi cả hai đều là học giả Rhodes tại Oxford, và nói rằng bà có những gì cần thiết để giành chiến thắng: “Rice có sự đĩnh đạc và tự tin phi thường và trí thông minh được biểu hiện một cách chân thực.”
Biden dự kiến ​​sẽ đưa ra công bố tên ứng cử viên phó tổng thống trong những ngày tới. Bà Rice có can đảm về niềm tin. Nhưng câu hỏi vẫn còn: liệu bà có thuyết phục được người khác rằng mình thích hợp cho vai trò ứng cử viên phó tổng thống?

Ông Trump: ‘Nếu tôi không thắng cử,

Trung Quốc sẽ sở hữu nước Mỹ’

Quý Khải
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba (11/8) tuyên bố người Mỹ sẽ phải học tiếng Trung nếu ông thua trong cuộc bầu cử sắp tới, đồng thời trích dẫn một báo cáo tình báo của Mỹ gần đây tiết lộ chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn cựu Phó Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11.
Tờ Daily Caller cho hay, ông Trump đưa ra bình luận trên trong một lần xuất hiện trên đài radio của nhà bình luận theo trường phái conservative [1] Hugh Hewitt. Vị tổng thống Đảng Cộng hòa đã biến những lời chỉ trích Trung Quốc thành một trụ cột chính trong nỗ lực tái tranh cử của ông trong những tuần gần đây, khi lên án Bắc Kinh để xổng Covid-19 tại đại lục bùng phát thành đại dịch toàn cầu.
“Nếu tôi không thắng cử, Trung Quốc sẽ sở hữu Hoa Kỳ”, ông Trump nói. “Khi đó chúng ta sẽ buộc phải học nói tiếng Trung”.
Tuyên bố của ông Trump được đưa ra vài ngày sau khi văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) cho biết cả Trung Quốc và Nga đều cố gắng can thiệp cuộc bầu cử năm 2020. Báo cáo này cho biết, Trung Quốc sẽ thích một tổng thống Biden hơn, trong khi Nga thích tổng thống Trump tái đắc cử.
“Chúng tôi đánh giá Trung Quốc sẽ muốn Tổng thống Trump – người mà Bắc Kinh cho là khó lường – thất cử”, trích báo cáo. “Trung Quốc đã và đang mở rộng các nỗ lực gây ảnh hưởng của mình trước tháng 11 nhằm định hình môi trường chính sách ở Mỹ, gây áp lực đối với các nhân vật chính trị mà họ coi là làm tổn hại lợi ích của nó, đồng thời làm chệch hướng và chống lại những chỉ trích đối với nước này”.
Chú thích:
[1] Conservative: Trong tiếng Việt, từ conservative thường được dịch là “bảo thủ” (conservatism là chủ nghĩa bảo thủ), nhưng có thể gây hiểu sai nghĩa. Conservatives là những người duy trì những giá trị truyền thống như tín ngưỡng, không nạo phá thai, không đồng tính luyến ái, … Trái ngược với trường phái này là Liberalism (chủ nghĩa tự do).

‘Bênh Trump’ và ‘ủng hộ Biden’

trong cộng đồng gốc Việt

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra trong vòng chưa đầy 90 ngày nữa, đang tạo một không khí chính trị chia rẽ chưa từng thấy, và người gốc Việt không đứng bên ngoài bối cảnh chính trị này.
Hai nhóm vận động chính trị của người gốc Việt, một ủng hộ đương kim tổng thống Donald Trump, một ủng hộ ứng viên của Đảng Dân Chủ, Joe Biden, cũng vừa được thành lập.
Nhóm ủng hộ tổng thống Trump có tên “Vietnamese Americans for Trump as President Again – TAPA” (Người Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Trump tái đắc cử). Còn nhóm ủng hộ ông Biden có tên “Vietnamese Americans for Biden – VAFB” (Nhóm người Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Biden).
Hai nhân vật đồng sáng lập hai nhóm đối lập này đưa ra những lập luận trái ngược, bảo vệ quan điểm của mình, nhưng đều đồng ý “chấp nhận sự đối lập về tư tưởng trong chính sách”.
TAPA: ‘Make America Great Again’
Nhóm TAPA kêu gọi cộng đồng bầu cho Tổng Thống Trump tái đắc cử, với thông điệp “Mỗi lá phiếu bầu cho Tổng thống Trump là một viên gạch xây lên căn nhà “Make America Great Again.”
Từ Florida, Tiến sĩ kinh tế Phạm Đỗ Chí, một trong số 14 thành viên sáng lập của nhóm, nói với VOA Tiếng Việt:
“Chúng tôi là một nhóm người Mỹ gốc Việt ở gần như khắp các tiểu bang, trong nhóm đại diện có 14 người nhưng có đến hàng trăm người ủng hộ. Chúng tôi cần lên tiếng mạnh để ủng hộ Tổng thống Trump tái cử vì chương trình chính sách của ông rất đúng trong 3,5 năm qua.
“Chúng tôi luôn ủng hộ Tổng thống Trump tái cử qua các hình thức vận động trong đồng bào người Mỹ gốc Việt. Chúng tôi liên lạc khắp các tiểu bang, nhất là các bang swing state – nơi có ngang ngữa số ủng hộ giữa Dân chủ và Cộng hòa.”
Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, cựu chuyên gia cao cấp Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng thời là cựu cố vấn kinh tế của cố Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt và cố Thủ tướng Phan Văn Khải, nêu các lý do vì sao nhóm của ông ủng hộ Tổng thống Trump:
“Chúng tôi ủng hô chính sách về phương diện an ninh nội địa của Tổng thống Trump, là chính sách sẽ đưa chúng ta ra khỏi cơn đại dịch với chương trình “law and order;” tái khởi động các hoạt động kinh tế mạnh mẽ.
“Điều quan trọng nhất mà chúng tôi e ngại là chủ trương thiên về chủ nghĩa xã hội của đảng Dân chủ, mà tiêu biểu là của cựu phó Tổng thống Joe Biden… nhất là trước tình hình Trung Quốc đang có thái độ hung hãn xâm nhập Hoa Kỳ đủ mọi phương tiện, kể cả chuyện đại dịch, gián điệp, âm mưu phá hoại kinh tế…”
Trong bức thư nêu thông điệp đến cộng đồng, nhóm TAPA viết: “Tổng thống Trump dùng “Thế Cờ Vây” để ngăn chặn mưu đồ bành trướng bá quyền của Trung Cộng qua thương chiến Mỹ-Trung, Biển Đông, Hong Kong, và Đài Loan…”
Ông Phạm Đỗ Chí nêu kỳ vọng:
“Sự thắng cử của ông Trump kỳ tới sẽ giúp cho tình hình Biển Đông được vững vàng hơn, để Trung Quốc từ bỏ hay không thực hiện được ý đồ xâm lăng, từ kinh tế đến quân sự đối với Việt Nam.
“Đương nhiên, Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác là sẽ ủng hộ và kết chặt ngoại giao với liên minh mới mà Mỹ vừa thiết lập. Như Ngoại trưởng Mike Pompeo vừa phát biểu, liên minh các nền dân chủ đó gồm các nước dân chủ tự do và cả những nước tuy còn là xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, nhưng ủng hộ chính sách của Mỹ để đối đầu với Trung Quốc.”
VAFB: Chiến tranh thương mại là ‘một thất bại’
Từ Virginia, ông Nguyễn Quốc Khải, một người ủng hộ Joe Biden – ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, nêu nhận định với VOA rằng ông Trump “không có khả năng làm tổng thống” và “không thực sự cứng rắn với Trung Quốc.”
“Tôi không ủng hộ ông Trump vì ông ấy không có khả năng làm tổng thống!”
“Nhiều người tin rằng ông Trump là người cứng rắn với Trung Quốc nhưng tôi thấy ông rất yếu về mặt đó. Ông nói nhiều nhưng không làm gì cụ thể. Khi mới lên làm tổng thống năm 2017, ông đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP – mà thực ra cái này là rất cần để bao vây Trung Quốc.
“Ông còn tạo ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc, mà bây giờ lại bế tắc, không đi đến đâu cả, và có thể nói là thất bại! Cả Trung Quốc và Mỹ đều bị thiệt hại!”
Ông Nguyễn Quốc Khải, cựu chuyên viên của Ngân hàng Thế giới (World Bank), và từng có thời gian giảng dạy tại trường Cao học Quốc tế vụ thuộc Viện Đại học Johns Hopkins của Hoa Kỳ, nêu nhận định rằng ông ủng hộ việc có các nhóm công khai ủng hộ các đảng phái chính trị ở Hoa Kỳ:
“Tôi không rõ những người trong nhóm [TAPA] này, nhưng tôi ủng hộ việc tổ chức ra một nhóm như vậy để ủng hộ cho ông Trump. Điều đó tốt thôi, tốt hơn là lên trên Facebook rồi dùng những tên tuổi không rõ ràng, hay ẩn danh để tranh luận với nhau thì không hay lắm!
“Việc tổ chức hẳn một nhóm như vậy để bênh vực hay ủng hộ một cá nhân là rất tốt, phù hợp với chế độ dân chủ của mình.”
Ông Nguyễn Quốc Khải cho VOA biết thêm rằng Nhóm người Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Biden (Vietnamese Americans for Biden – VAFB) cũng đã được thành lập và sẽ sớm ra thông cáo báo chí.
Cộng đồng gốc Việt nghiêng về ai?
Có một sự thay đổi khuynh hướng bỏ phiếu trong số cử tri gốc Việt ở thời điểm 2018. Vào tháng 10/2018, cuộc khảo sát về cử tri gốc Á do APIAVote và AAPIData thực hiện cho thấy người Mỹ gốc Việt có tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Donald Trump cao nhất trong số các cộng đồng gốc Á, với tỷ lệ lên đến 64%. Trước đó, trong cuộc đua vào Thượng viện 2018 thì chỉ 20% cử tri gốc Việt ủng hộ ứng viên Cộng hòa và 50% ủng hộ ứng viên Dân chủ, phần lớn là vì đảng Dân chủ ủng hộ người nhập cư.
Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí thừa nhận hiện có gần một nửa cử tri gốc Việt ủng hộ phe Dân chủ, và trong số cử tri Mỹ, có “ít nhất một nửa không bằng lòng các chính sách của Tổng thống Trump.”
“Chúng tôi sống trong xã hội dân chủ, chúng tôi chấp nhận sự đối lập về tư tưởng trong chính sách, nhất là trong một kỳ tranh cử đầy cảm xúc như lần này.
“Trong dân Mỹ, cũng có ít nhất một nửa không bằng lòng các chính sách của Tổng thống Trump và trong cộng đồng người gốc Việt – tôi hy vọng – cũng có ít hơn một nửa có khuynh hướng ủng hộ quan điểm của đảng Dân chủ.”
Cuộc bầu cử lần này ảnh hưởng và “lôi kéo” cả những người từng bàng quan với chuyện chính trị. Bà Trương Minh Ánh, một cư dân Tampa, Florida, là một đơn cử.
Bà Ánh nói với VOA rằng bà không quan tâm lắm đến chính trị và chưa từng đi bầu ở Mỹ, nhưng nhấn mạnh rằng lần này bà nhất định đi bầu, và sẽ bầu cho ông Trump:
“Tôi thích đường lối đối ngoại của Tổng thống Trump vì ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Các vấn đề đối nội như kinh tế, công ăn việc làm… rất hợp ý với người yêu chuộng tự do và công bằng.
“Trước giờ tôi không đi bầu, nhưng kỳ này sẽ ráng đi bầu… Không những thế, tôi còn giúp cộng đồng người Việt lớn tuổi cùng đi nữa.”
Hội người Mỹ gốc Việt Cấp tiến – PIVOT, đăng bài của đài NBC News về người gốc Á ủng hộ cựu Phó Tổng thống Joe Biden.
Trong khi đó, ông Vũ Bảo Kỳ, cựu thành viên ủy ban cố vấn của Tổng thống George W. Bush về người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương, hiện là chuyên viên kinh tế-tài chính của một công ty cố vấn chiến lược ở Atlanta, Georgia, cho VOA biết rằng ông là người từng ủng hộ đảng Cộng hòa nhưng rất nghi ngờ về các chính sách của Tổng thống Donald Trump.
Ông nói với VOA:
“Tôi không có khuynh hướng khuyến khích đồng bào chúng ta đi bỏ phiếu ủng hộ ông Trump. Ông Trump càng ngày càng mất uy tín qua những hành động, lời nói của mình. Có những trò chơi không tốt lắm mà ông Trump đã đưa ra để tuyên truyền không vì công lý.
“Tôi khuyên rằng giới trẻ cần đóng góp mạnh mẽ hơn cho công cuộc xây dựng đất nước.”
Bà Trương Minh Ánh bày tỏ lo ngại về những điều mà bà cho là ảnh hưởng của khuynh hướng thiên xã hội chủ nghĩa trong cộng đồng người gốc Việt trẻ, mà nguyên nhân theo bà có thể do một phần của nền giáo dục và truyền thông Mỹ. Bà nói: “Người Mỹ gốc Việt đã bao năm lánh nạn cộng sản, chúng ta phải vận động để giới trẻ nhận thức và ủng hộ Tổng thống Trump nhằm ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản.”
Ghi nhận của VOA từ các cuộc phỏng vấn thực hiện hồi tháng 10, 2018 với một số cử tri gốc Việt, thì người thuộc thế hệ lớn tuổi nói họ hài lòng với thành tích của tổng thống trong các vấn đề kinh tế Mỹ cũng như lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc và nói sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên Cộng hòa. Trong khi đó người thuộc thế hệ trẻ hơn mà VOA phỏng vấn nói họ quan tâm đến chính sách di trú, chăm sóc y tế, kiểm soát giá thuê nhà, và nói sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên Dân chủ.

Tổng Thống Trump cân nhắc việc ngăn chặn

công dân Hoa Kỳ về nước

nếu họ bị tình nghi nhiễm coronavirus

Tin từ WASHINGTON, DC – Một viên chức cao cấp của Hoa Kỳ xác nhận với Reuters rằng chính quyền của Tổng thống Trump đang xem xét một biện pháp để ngăn chặn các công dân và thường trú nhân Hoa Kỳ trở về Mỹ nếu họ bị tình nghi nhiễm coronavirus.
Viên chức này cho biết một dự thảo luật, chưa được hoàn thiện và có thể thay đổi, sẽ ủy quyền để chính phủ ngăn chặn những cá nhân có thể được cho là nhiễm COVID-19 hoặc các bệnh khác. Tổng thống Trump thiết lập một loạt các hạn chế nhập cư sâu rộng kể từ khi đại dịch coronavirus bắt đầu, đình chỉ một số hoạt động nhập cư hợp pháp và cho phép các nhà chức trách biên giới của Hoa Kỳ nhanh chóng trục xuất những di dân bị bắt ở biên giới mà không cần các tiến trình pháp lý tiêu chuẩn.
Vào tháng 5, Reuters cho biết các viên chức chính phủ Hoa Kỳ lo sợ rằng các công dân song quốc tịch Hoa Kỳ-Mexico có thể trở lại Hoa Kỳ nếu tình hình dịch coronavirus ở Mexico trở nên trầm trọng hơn, gây thêm áp lực cho các bệnh viện Hoa Kỳ.
Khi trả lời phỏng vấn với Reuters, viên chức cao cấp này cho biết dự thảo luật, được đưa tin lần đầu tiên bởi The New York Times vào hôm thứ Hai, sẽ được ban hành bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cơ quan đóng vai trò chính trong việc ứng phó với đại dịch.
Viên chức này cho biết một lực lượng đặc nhiệm chống đại dịch của tổng thống Trump dự kiến sẽ không hành động theo đề nghị trong tuần này, mặc dù mốc thời gian đó có thể thay đổi. (BBT)

Sắc lệnh của Tổng Thống Trump có thể

giúp người Mỹ được trợ cấp 708 Mỹ kim một tuần

Tin Washington DC – Sắc lệnh của Tổng Thống  Trump về phụ cấp thất nghiệp liên bang có thể giúp người Mỹ nhận được tổng trợ cấp trung bình khoảng 708 Mỹ kim một tuần. Tuy nhiên, có người sẽ nhận được ít hơn hoặc hoàn toàn không được trợ cấp.
Theo sắc lệnh mới, Tổng Thống Trump muốn trả thêm cho người dân 400 Mỹ kim một tuần, bên ngoài khoản trợ cấp thấp nghiệp từ tiểu bang. Theo dữ liệu của Bộ Lao Động, trong tháng 6, một người Mỹ thất nghiệp sẽ nhận trung bình 308 Mỹ kim trợ cấp thất nghiệp từ tiểu bang. Nếu thêm 400 Mỹ kim phụ cấp, người dân sẽ có tổng thu nhập trung bình khoảng 708 Mỹ kim một tuần.
Tuy nhiên, trong 400 Mỹ kim phụ cấp, liên bang chỉ đồng ý đóng góp 300 Mỹ kim và tiểu bang sẽ phải góp 100 Mỹ kim còn lại. Do nhiều tiểu bang không còn đủ ngân sách để trả thêm tiền, Tổng Thống Trump cho phép các tiểu bang có thể dùng tiền trợ cấp thất nghiệp của họ để thay vào phần đóng góp phụ cấp liên bang.
Theo đó, những tiểu bang nào đã trả trợ cấp thất nghiệp hàng tuần từ 100 Mỹ kim trở lên được coi như đã hoàn thành phần đóng góp cho tiền phụ cấp liên bang, và chính phủ sẽ trả 300 Mỹ kim còn lại. Tuy nhiên, đối với những người đang nhận ít hơn 100 Mỹ kim hàng tuần từ trợ cấp thất nghiệp tiểu bang, tiểu bang sẽ bị coi là chưa hoàn thành phần đóng góp cho phụ cấp liên bang, và những người này sẽ không đủ điều kiện nhận thêm hỗ trợ liên bang 300 Mỹ kim.
Theo ước tính, khoảng 6% người thất nghiệp Hoa Kỳ sẽ rơi vào trường hợp này. (BBT)

California sẽ tốn 700 triệu Mỹ kim mỗi tuần

nếu làm theo kế hoạch hỗ trợ thất nghiệp

 của Tổng Thống Trump

Với hàng triệu người dân California thất nghiệp trong đại dịch COVID-19, vào thứ hai (ngày 10 tháng 8), Thống đốc Gavin Newsom cho biết tiểu bang sẽ phải tiến hành cắt giảm ngân sách nếu làm theo kế hoạch hỗ trợ thất nghiệp của Tổng thống Trump.
Thống đốc Newsom và các nhà lãnh đạo lập pháp kêu gọi các viên chức liên bang vượt qua các bế tắc giữa Quốc hội và Tổng thống Trump để cung cấp thêm kinh phí cho các tiểu bang khi khoản thanh toán thất nghiệp hàng tuần trị giá 600 mỹ kim đã hết hạn.
Vào thứ bảy (ngày 8 tháng 8), thất vọng vì các cuộc đàm phán không tiến triển giữa Tòa Bạch Ốc và Đảng Dân chủ, Tổng thống Trump đã ký lệnh hành pháp sẽ cung cấp 400 mỹ kim hàng tuần cho những người Hoa Kỳ đang thất nghiệp, miễn là các tiểu bang phải gánh chịu 25% trong số tiền này.
Sau khi lệnh được công bố, thống đốc Newsom cho biết kế hoạch này sẽ tiêu tốn của tiểu bang ít nhất 700 triệu mỹ kim mỗi tuần và lên tới 2.8 tỷ mỹ kim nếu nguồn tài trợ từ Đạo luật CARE cạn kiệt. (BBT)

Mỹ ký thỏa thuận mua 100 triệu liều

vaccine COVID-19 với Moderna

Mỹ ký thỏa thuận với công ty sản xuất thuốc Moderna để mua 100 triệu liều vaccine COVID-19 tiềm năng, trị giá 1,5 tỷ đôla, Reuters đưa tin hôm 11/8.
Trong những tuần qua, Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận để mua hàng trăm triệu liều vaccine COVID-19 tiềm năng từ một số công ty theo một chương trình nhắm mục tiêu giao và triển khai vaccine ở Mỹ vào cuối năm nay.
Giá mỗi liều vaccine của Moderna là khoảng 30,5 đôla và mỗi một người phải dùng hai liều.
mRNA-1273, ứng viên vaccine của Moderna, là một trong số ít đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng Chín, công ty thông báo tháng trước.
Hoa Kỳ có các thỏa thuận mua vaccine tiềm năng trước với các công ty Johnson & Johnson, AstraZeneca Plc, Pfizer Inc, BioNTech SE, Sanofi SA và GlaxoSmithKline Plc.
Theo Reuters, các thỏa thuận trên đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ sẽ có hơn 500 triệu liều vaccine cho người Mỹ sau khi vaccine của các công ty này được chấp thuận đưa vào sử dụng.
Các nước như Nhật, Anh và Canada cũng có các thỏa thuận trước với nhiều công ty sản xuất thuốc như Mỹ.

Ngoại Trưởng Hoa Kỳ

bắt đầu chuyến công du Trung Âu

Tin Pilsen, Cộng Hòa Czech – Vào thứ Ba, 11 tháng 8, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã đến thành phố Pilsen của Cộng Hòa Czech, bắt đầu chuyến công du 4 quốc gia thuộc vùng trung và đông Âu, nhằm thuyết phục các quốc gia  này chống lại ảnh hưởng từ Nga và Trung Cộng.
Trong chuyến công du, Ngoại Trưởng Pompeo nhiều khả năng sẽ đối mặt với các câu hỏi về việc chính phủ Trump giảm hiện diện quân sự tại Đức. Tổng Thống Trump đang muốn rút hàng ngàn binh sĩ khỏi các căn cứ tại Đức và điều lực lượng này về phía đông châu Âu.
Hai trong số các điểm đến của ông Pompeo, Cộng Hòa Czech và Áo, có chung biên giới với Đức, trong khi quốc gia còn lại, Slovakia, giáp biên giới với Áo, Cộng Hòa Czech và Ba Lan. Khi đến thủ đô Prague của Cộng Hòa Czech vào thứ Tư, Ngoại Trưởng Pompeo sẽ gặp Tổng Thống Milos Zeman và Thủ Tướng Andrej Babis để thảo luận về việc hợp tác phát triển năng lượng hạt nhân và chống lại các hành động ác ý của Nga và Trung Cộng.
Khi đến thành phố Ljubljana của Slovakia, Ngoại Trưởng Pompeo sẽ có bài diễn văn về việc bảo vệ an ninh cho mạng 5G, đồng thời thảo luận về chính trị và năng lượng với ngoại trưởng nước này. Tại Vienna, Ngoại Trưởng Pompeo sẽ gặp Thủ Tướng Áo Sebastian Kurz để nói chuyện về quan hệ thương mại và an ninh khu vực.
Ông Pompeo cũng sẽ gặp gỡ lãnh đạo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA của Liên Hợp Quốc, nơi đang giám sát mức độ tuân thủ của Iran đối với thỏa thuận nguyên tử 2015. Tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, Ngoại Trưởng Pompeo sẽ gặp Tổng Thống Andrzej Duda, người vừa tái đắc cử một cách sát sao trong cuộc tổng tuyển cử tại nước này.   (Ngô Bảo)

Mỹ-Ấn dự định tăng cường thỏa thuận mua bán vũ khí

Hương Thảo
Theo giới phân tích, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có khả năng sẽ tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ sau cuộc đụng độ biên giới với Trung Quốc, theo tờ Express hôm 11/8.
Hai mươi binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng sau cuộc giao tranh khốc liệt nổ ra giữa họ và những người đồng cấp Trung Quốc gần Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) hồi tháng 6. Trung Quốc không tiết lộ con số thương vong, nhưng theo nguồn tin tình báo Mỹ có khoảng hơn 40 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Vụ đụng độ được các nhà ngoại giao và nhà bình luận chính trị mô tả như một “bước ngoặt” trong quan hệ Trung-Ấn.
Trong những tháng gần đây, New Delhi đã ra một loạt các biện pháp nhằm loại bỏ hoặc cấm các công ty Trung Quốc tham gia thị trường tiêu dùng của họ. Tuy nhiên, Ấn Độ đã hạn chế các khoản đầu tư của Trung Quốc vào nước này từ trước khi xảy ra vụ xung đột biên giới.
Akhi Bery, nhà phân tích Nam Á tại hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho biết vụ ẩu đả hồi mùa hè này sẽ khiến Ấn Độ nghiêng về phía Mỹ nhanh hơn. Ông nói với CNBC: “Xung đột biên giới với Trung Quốc có khả năng sẽ thúc đẩy một xu hướng đã châm ngòi”.
Một lĩnh vực quan trọng mà Ấn Độ sẽ tập trung vào trong quan hệ đối ngoại là Đối thoại An ninh Tứ giác. Đây là diễn đàn chiến lược không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, được gọi là Quad (Bộ tứ).
Rajiv Bhatia, cựu đại sứ Ấn Độ tại Myanmar và Mexico, cho biết: “Rõ ràng, một nhân tố then chốt trong việc cân bằng chiến lược đối ngoại của Ấn Độ là việc tăng cường sự thống nhất và gắn kết của quan hệ đối tác trong nhóm Bộ Tứ”.
“Khá nhiều bước tiến đã được thực hiện. Nghiên cứu của tôi đã chỉ ra sự gắn kết này sẽ ngày càng gia tăng, tương ứng với cách thức Trung Quốc thể hiện sự hung hăng của mình đối với nhóm Bộ Tứ nói riêng và toàn bộ khu vực nói chung”.
Mối quan hệ giữa Thủ tướng Modi và Tổng thống Trump càng trở nên thân thiết; ông Trump từng nói ông Modi là một người bạn thật sự trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 2 (ảnh chụp màn hình/Express).
Đầu năm nay, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Ấn Độ, ông Trump đã được những người dân Ấn ở phía bên kia thế giới chào đón như một ngôi sao. Sự kiện mang tên “Namaste Trump” chào mừng Tổng thống Mỹ tại Ấn độ, và sự kiện “Howdy Modi” tổ chức ở Houston, Texas mà người Mỹ dành cho nhà lãnh đạo Ấn Độ, là những cái gật đầu thể hiện sự gắn kết giữa hai bên.
Cả hai đều là những nhà lãnh đạo dân túy thu hút được lòng dân.
Hiện ông Trump đang dựa vào việc bán vũ khí để làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương với Ấn Độ.
Cuộc đụng độ ở biên giới với Trung Quốc đã làm thức tỉnh mong muốn của New Delhi trong việc xây dựng mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Washington, theo trao đổi của các quan chức Mỹ với tờ Foreign Policy.
Trong vài tháng qua, cả hai nước đã đặt nền móng cho một thỏa thuận vũ khí mới.
Thỏa thuận này dự kiến ​​sẽ bao gồm việc Mỹ bán cho Ấn Độ các hệ thống vũ khí dài hạn với trình độ công nghệ và độ tinh vi cao hơn, chẳng hạn như máy bay không người lái có vũ trang.

Ngoại trưởng Mỹ: Cần phải

‘không tin và kiểm chứng’ ngôn hành của Trung Quốc

Hải Lam
Trong bài phát biểu hôm 23/7 tại Thư viện Richard Nixon, bang California, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ với Trung Quốc cần phải là “không tin tưởng và cần kiểm chứng”. Trong cuộc phỏng vấn với Newsmax TV hôm 10/8, ông Pompeo đã nhắc lại điều đó và giải thích nguyên nhân đằng sau.
Trên chương trình “Spicer and Co.” của Newsmax TV phát sóng hôm 10/8 (giờ Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo một lần nữa nhấn mạnh nguyên tắc ngoại giao với chính quyền Trung Quốc, đó là “không tin tưởng và cần chứng thực”.
Ông nói với người dẫn chương trình Sean Spicer, cựu phát ngôn viên Nhà Trắng rằng: “Chúng ta sẽ không tin tưởng rồi sau đó đi chứng thực, và chúng ta nhằm mục đích tạo ra sự thay đổi trong hành vi của ĐCSTQ. Đơn giản là vậy”.
Ngoại trưởng Mỹ giải thích: “Lý do đằng sau chính sách đó chính là sự thất hứa của họ. Tất cả chúng ta đều biết điều đó, Sean”. Ông nói rằng ĐCSTQ “hướng tới sự bất tín và như vậy là không được”.
Ông Pompeo nói thêm:
“Chúng ta đã chứng kiến ​​họ phá vỡ lời hứa, những điều mà họ đã cam kết với người dân Hồng Kông. Chúng ta đã chứng kiến ​​họ thất hứa với Tổ chức Y tế Thế giới, mà hiện đã khiến hàng trăm nghìn người dân trên khắp thế giới mắc phải virus viêm phổi Vũ Hán”.
“Họ từng hứa họ sẽ cho thế giới biết thông tin sớm nếu họ phát hiện được một loại virus có khả năng gây ra đại dịch toàn cầu, nhưng họ đã không làm vậy. Thay vì thông báo cho thế giới, họ lại bưng bít thông tin. Họ đã cho phép công dân của họ [tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh] đi sang các nước khác”.
Họ đã tạo ra mối nguy hiểm thực sự, và giờ đây, mối nguy hiểm đó đã gây ra sự tàn phá khổng lồ, không chỉ đối với các sinh mạng, mà còn khiến kinh tế thế giới thiệt hại hàng nghìn tỷ USD – rất nhiều việc làm, rất nhiều người sẽ phải chịu thiệt hại vì sự thất hứa của ĐCSTQ”.
Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ đi đến kết luận:
“Mọi người không nên tin tưởng họ. Mọi người không được tin những gì họ nói. Mọi người cần phải đi xác minh khi Trung Quốc hứa hẹn điều gì. Tất nhiên khi Trung Quốc làm điều đó, khi họ đưa ra cam kết và họ chứng thực điều đó, thì chúng ta sẽ rất hoan nghênh. Nhưng chúng ta sẽ không còn ủng hộ và cho phép họ thực hiện những hành động đe dọa tất cả chúng ta”.

Tổng thống Trump sẽ đảm bảo Trung Quốc

 không cai trị thế giới trong thế kỷ tới

Hương Thảo
Tại Hội nghị hành động chính trị bảo thủ (CPAC) thường niên, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo hôm thứ Hai (10/8) tuyên bố rằng, Tổng thống Donald Trump đã thay đổi chính sách xoa dịu Trung Quốc trong quá khứ, để đảm bảo rằng thế kỷ sau thế giới sẽ không bị thống trị bởi một chính quyền độc tài như ĐCSTQ.
Trưởng đoàn ngoại giao Mỹ cho rằng vụ bắt giữ tỷ phú Jimmy Lai (Lê Chí Anh), một nhà dân chủ Hồng Kông và là người sáng lập hãng tin Apple Daily, khiến ông không lạc quan rằng Mỹ có thể thay đổi quan điểm của Bắc Kinh đối với Hồng Kông. Ông cũng tuyên bố rằng Washington sẽ không cho phép Bắc Kinh thu được bất cứ lợi ích gì từ việc xâm phạm quyền tự do của người dân Hồng Kông.
Trong cuộc phỏng vấn với Chủ tịch Liên đoàn Bảo thủ Mỹ Matt Schlapp tại CPAC bên ngoài Washington hôm thứ Hai, nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ cho biết, Tổng thống Trump đã nói với ĐCSTQ rằng Hoa Kỳ hoan nghênh những thành tựu của người dân Trung Quốc. Tôi hy vọng họ cũng
được hưởng một cuộc sống tốt đẹp, nhưng không phải bằng cái giá mà Hoa Kỳ phải trả, không phải bằng cái giá mà những nông dân Mỹ, các công ty Mỹ và tài sản trí tuệ của Mỹ bị chính phủ Trung Quốc đánh cắp phải trả.
“Tổng thống Trump vừa nói rằng chúng ta sẽ không nhân nhượng với tình trạng [bất công] này thêm nữa. ĐCSTQ từ chối cung cấp các quyền tự do cơ bản cho người dân của mình. Điều này đi ngược với xu thế tự do trên toàn cầu”, Ngoại trưởng Pompeo nói.
Ông cho biết Tổng thống Trump đã nói rằng như vậy là đủ rồi.
“Chính sách của chúng tôi đã thay đổi từ xoa dịu và tiếp xúc sang một chính sách [cứng rắn] hơn. Chúng tôi hy vọng sẽ tìm được một điểm chung để có thể làm việc với họ [TQ], nhưng chúng tôi sẽ không tin tưởng mà phải kiểm chứng điều đó trước. [Chính sách cứng rắn] để đối phó với những thách thức mà ĐCSTQ đặt ra trong các hoạt động sâu rộng của họ, để đảm bảo rằng chúng sẽ bảo vệ người dân Mỹ”, ông Pompeo nói.
Ông cũng đặc biệt đề cập đến sự khác biệt về hệ tư tưởng giữa ĐCSTQ và thế giới tự do.
Ông nói: “Những người cộng sản có những quan điểm khác biệt về cách thế giới phải vận hành. Tôi muốn nhìn thấy viễn cảnh đó, tôi biết mọi người cũng muốn vậy, và Tổng thống Trump cũng muốn đảm bảo rằng thế kỷ tới không phải là thế kỷ bị cai trị bởi một chính quyền độc tài bắt nguồn từ Trung Quốc”.
Quan điểm của ông Pompeo về vụ bắt giữ Jimmy Lai
Khi được hỏi về vụ bắt giữ nhà sáng lập “Apple Daily” của Hồng Kông – tỷ phú Jimmy Lai (Lê Trí Anh)  – hôm thứ Hai theo “Luật An ninh Quốc gia” vừa được Bắc Kinh cưỡng chế thông qua, ông Pompeo cho biết bản thân ông rất buồn. Ông nói: “Jimmy Lai chỉ là một người yêu nước. Ông ấy hy vọng sẽ mang lại những điều tốt đẹp cho người dân Hồng Kông. Ông ấy chỉ yêu cầu  các quyền tự do cơ bản”.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Pompeo cho biết trong một Twitter rằng ông “vô cùng lo lắng” trước các thông tin cho rằng ông Jimmy Lai bị bắt theo luật an ninh quốc gia Hồng Kông. Ông cho rằng đây là một “bằng chứng nữa cho thấy ĐCSTQ đã tước đoạt quyền tự do của Hồng Kông và làm xói mòn các quyền của người dân Hồng Kông”.
“Tôi vô cùng lo lắng trước các báo cáo về việc bắt giữ ông Jimmy Lai theo Luật An ninh Quốc gia hà khắc của Hồng Kông. Đây lại là một bằng chứng khác cho thấy ĐCSTQ đã tước bỏ các quyền tự do của Hồng Kông và xói mòn quyền của người dân xứ cảng”, ông Pompeo viết trên Twitter cá nhân hôm thứ Hai.
Phó tổng thống Pence: Việc bắt giữ Jimmy Lai là một sự xúc phạm đối với những người yêu tự do
Hồi tháng 7/2019, ông trùm truyền thông Jimmy Lai vốn luôn ủng hộ nền dân chủ Hồng Kông, đã đến Hoa Kỳ để tìm kiếm sự ủng hộ từ Washington cho phong trào biểu tình chống luật dẫn độ ở thành phố cảng. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ, ông đã hội đàm với Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence và các quan chức cấp cao khác trong chính quyền Trump, cũng như một số thượng nghị sĩ.
Phó Tổng thống Pence đã đăng hai dòng Twitter liên tiếp. Ông nói, “Việc bắt giữ ông Jimmy Lai của tờ Apple Daily của Hồng Kông là một sự xúc phạm lớn đối với những người yêu tự do trên toàn cầu. Khi tôi gặp ông Lê Chí Anh tại Nhà Trắng, tôi đã được truyền cảm hứng bởi lập trường ủng hộ dân chủ, nhân quyền và quyền tự chủ của ông. Đó là lời hứa của Bắc Kinh với người dân Hồng Kông”.
Ông Pence nói tiếp: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sát cánh với Jimmy Lai và tất cả những người Hồng Kông yêu tự do. # Hãy phóng thích Jimmy Lai”.
“Việc bắt giữ @JimmyLaiApple ở Hồng Kông là một sự xúc phạm & tấn công trực diện đối với những người yêu tự do trên khắp thế giới. Khi tôi gặp ông Jimmy Lai tại Nhà Trắng, tôi đã được truyền cảm hứng từ lập trường ủng hộ dân chủ, quyền & sự tự chủ đã được Bắc Kinh hứa hẹn với người dân Hồng Kông”, Phó tổng thống Mike Pence viết trên Twitter cá nhân.
Các thành viên Nghị viện Mỹ cũng đã đưa ra các tuyên bố lên án Bắc Kinh đàn áp quyền tự do của người dân Hồng Kông và ủng hộ Jimmy Lai.
Thượng nghị sĩ McConnell, lãnh đạo Đảng Đa số Thượng viện, đã nói trong một tuyên bố:
“Ông Jimmy Lai luôn là người tiên phong trong ngành công nghiệp xuất bản báo chí và truyền thông tích cực ở Hồng Kông. Trong phần lớn cuộc đời, ông ấy đã cống hiến hết mình để vạch trần bản chất dã man của ĐCSTQ, và phát huy các giá trị cơ bản, bao gồm tự do tư tưởng và tự do ngôn luận. Thượng viện, Hoa Kỳ và các quốc gia yêu tự do trên toàn cầu sẽ sát cánh cùng ông Jimmy Lai, và sát cánh với tất cả những người biểu tình ôn hòa đã bị ĐCSTQ đàn áp”.
Ủy ban Chấp hành của Nghị viện Hoa Kỳ về Trung Quốc (CECC), do các thượng nghị sĩ và dân biểu của cả hai đảng đứng đầu, đã kêu gọi Liên Hợp Quốc “thảo luận ngay lập tức về các hạn chế nhân quyền do việc áp dụng Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông”.
Tổng thống Trump: Thái độ đối với Trung Quốc đã rất khác
Tổng thống Trump đã không trực tiếp phản hồi các biện pháp đáp trả mới nhất của Mỹ trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ Hai. Ông nói: “Chúng tôi đã phản ứng bằng nhiều cách”.
Ông đã một lần nữa chỉ trích Bắc Kinh vì đã để xổng virus corona chủng mới, hay Covid-19 “tới châu Âu, tới chúng ta, tới thế giới, nhưng không tới Trung Quốc đại lục”.  Bắc Kinh đã phong tỏa Hồ Bắc sau khi biết tin virus viêm phổi Vũ Hán lan rộng, nhưng vẫn mở cửa các chuyến bay đi quốc tế từ Vũ Hán. Lấy ví dụ, khoảng 430.000 người đã bay từ Trung Quốc sang Mỹ sau khi Bắc Kinh công bố dịch bệnh.
Tổng thống Trump cho biết thái độ của Washington đối với Bắc Kinh đã thay đổi đáng kể so với thời điểm Hoa Kỳ và Trung Quốc ký kết hiệp định thương mại giai đoạn đầu. Ông nói:
“Quan điểm của chúng tôi về Trung Quốc đã rất khác so với tám tháng trước đây “.
Tổng thống Mỹ tuyên bố trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm thứ Hai rằng Mỹ đã đưa ra đề xuất với WTO không công nhận Trung Quốc là nước đang phát triển để tiếp tục lợi dụng các lợi thế thương mại với Mỹ. Ông cũng nói rằng do thiệt hại về nhân mạng to lớn do virus corona chủng mới gây ra, Hoa Kỳ đã có cái nhìn rất khác về Trung Quốc so với 8 tháng trước.
Ông Pompeo: Không lạc quan Hoa Kỳ có thể thay đổi hành xử của Bắc Kinh đối với Hồng Kông
Trong một cuộc phỏng vấn tại CPAC, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho biết những gì chính quyền Trump đang cố gắng làm là thiết lập một loạt các động lực để ĐCSTQ xem xét lại cách tiếp cận của họ đối với Hồng Kông. Những gì xảy ra trong tuần qua, bao gồm cả việc tỷ phú Jimmy Lai bị bắt vừa rồi, khiến ông không lạc quan về điều này. Ông tuyên bố Mỹ có thể chắc chắn rằng nếu ĐCSTQ đối xử với Hồng Kông như những thành phố khác nằm dưới sự cai trị của nó, thì Hoa Kỳ cũng sẽ làm điều tương tự, và sẽ không cho phép Bắc Kinh thụ ích từ việc làm tổn hại người dân Hồng Kông.
Ông Pompeo cũng cho rằng cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Hồng Kông bị chính quyền Hồng Kông viện cớ dịch bệnh để trì hoãn là bởi những người thân Bắc Kinh sẽ phải hứng chịu thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử.
Ông nói: “Họ sẽ bị đè bẹp. Tự do sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử, và do đó ĐCSTQ sẽ không cho phép điều này xảy ra. [Vì vậy] tôi e rằng chúng ta đã chứng kiến ​​cuộc bầu cử dân chủ cuối cùng ở Hồng Kông. Tôi mong rằng điều tôi vừa nói là không đúng”.
Trong một cuộc phỏng vấn, khi đề cập đến những người Duy Ngô Nhĩ bị cầm tù tại các trại cải tạo ở đại lục, ông Pompeo chia sẻ, “Đây là một thảm kịch thực sự. Hơn một triệu người đang phải sống trong một môi trường khắc nghiệt. Nó nhắc nhở chúng ta về những gì đã xảy ra vào những năm 1930 – bị triệt sản, bỏ tù,… Việc bị giam giữ thực sự là một thảm họa”.
Lưỡng viện đồng thuận về chính sách cứng rắn với Bắc Kinh, nhưng tổng thống Trump mới chính là động lực thúc đẩy
Ông cho biết, về vấn đề phải có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, các nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Nghị viện Mỹ đều có sự đồng thuận, nhưng chính sách này được ông Trump khởi xướng và thúc đẩy.
“Ông ấy là người sẵn sàng xé bỏ các lề lối cũ, thừa nhận sự thất bại của các chính sách trong vài thập kỷ qua, và yêu cầu ĐCSTQ hành xử theo cách thức phù hợp với những quy luật đơn giản như tính pháp quyền, sự minh bạch và có đi có lại. Những nguyên tắc cơ bản này là một yêu cầu không thể né tránh đối với ĐCSTQ. Chúng tôi hy vọng họ có thể làm được điều này, bởi nếu họ không làm vậy, chúng tôi sẽ yêu cầu họ làm vậy”, ông Pompeo nói.

TT Trump: ‘Quan hệ thân thiện với Chủ tịch Tập

 tan vỡ sau dịch Covid-19’

Tổng Thống Trump hôm 11/8 nói mối quan hệ giữa ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tan vỡ tiếp theo sau đại dịch Covid-19, và đã lâu ông không nói chuyện với vị tương nhiệm Trung Quốc.
“Trước đây tôi có quan hệ rất tốt với ông ấy”, ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với đài Fox Sport. Ộng đơn cử thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 mà hai bên đã đạt được hồi đầu năm 2020.
“Tôi có quan hệ rất tốt với Chủ tịch Tập. Tôi thích ông, nhưng sự thân tình đó không còn nữa.”
Ông Trump nói tình cảm của ông thay đổi trong đại dịch Covid-19.
“Rõ rệt tôi thấy khác đi. Tôi từng có quan hệ tốt, rất tốt, bây giờ thì lâu rồi, tôi không nói chuyện với ông.”
Theo Reuters, ông Trump coi thách thức Trung Quốc là một phần chủ yếu trong chiến dịch vận động của ông cho cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ ngày 3/11, và ông lưu ý về các quan hệ thân thiện với ông Tập trong phần lớn nhiệm kỳ Tổng Thống đầu tiên giữa lúc ông đang tìm cách thực hiện các cam kết về thương mại.
Hôm 11/8 ông Trump nói so với vụ tranh chấp về thương mại, hậu quả của vụ bộc phát dịch Covid-19 ‘tệ hại hơn gấp ngàn lần’, với nhiều chết chóc và khiến cả thế giới phải đóng cửa.
Từ khi những tin tức đầu tiên về virus Covid-19 xuất hiện tại Trung Quốc vào cuối năm 2019, hơn 20 triệu người đã nhiễm virus, với hơn 735.000 ca tử vong trên toàn cầu, riêng tại Hoa Kỳ đã có 5,1 triệu ca nhiễm và hơn 163.000 ca tử vong.
Ngoài ra, quan hệ Mỹ-Trung cũng bị tác động bởi chiến dịch đàn áp ở Hong Kong sau khi Luật an ninh quốc gia được ban hành, và bởi những bất đồng về Đài Loan và về vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Seattle cắt giảm ngân sách cảnh sát,

sẽ còn tiếp tục cắt giảm hơn nữa trong tương lai

Tin từ Seattle – Vào thứ hai (ngày 10 tháng 8), hội đồng thành phố Seattle đã đã thông qua việc cắt giảm ngân sách của sở cảnh sát thành phố xuống dưới 1% sau nhiều tháng biểu tình. Sau cuộc bỏ phiếu với 7 phiếu thuận và 1 phiếu chống, hội đồng đã thông qua ngân sách sửa đổi năm 2020 nhằm giảm 3.5 triệu mỹ kim từ ngân sách của Sở cảnh sát Seattle (SPD) trong thời gian còn lại của năm và đầu tư 17 triệu mỹ kim vào các chương trình an toàn công cộng cộng đồng.
Việc hội đồng chỉ cắt giảm 3.5 triệu mỹ kim khỏi ngân sách 409 triệu mỹ kim hằng năm của SPD là thấp hơn nhiều so với mức 50% mà những người biểu tình đã yêu cầu sau cái chết của ông George Floyd ở Minneapolis dưới tay một viên cảnh sát vào ngày 25 tháng 5.
Ngay sau khi tin tức về việc cắt giảm ngân sách được công bố, các cơ quan truyền thông cho biết Cảnh sát trưởng Seattle Carmen Best đã từ chức và sẽ đưa ra thông báo trong cuộc họp báo vào thứ Ba (ngày 11 tháng 8). Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Lorena González cho biết hội đồng có khả năng sẽ tiếp tục cắt giảm ngân sách của SPD trong tương lai.
Những người ủng hộ việc cắt giảm ngân sách của sở cảnh sát đã phản đối việc quân sự hóa lực lượng cảnh sát Hoa Kỳ và nói rằng các vấn đề như nghiện ngập, bệnh tâm thần và tình trạng vô gia cư nên được giải quyết bằng các dịch vụ xã hội, không phải cơ quan hành pháp.
Trong khi đó, những người ủng hộ cơ quan hành pháp nói rằng việc cắt giảm chi tiêu của cảnh sát sẽ dẫn đến nhiều tội phạm hơn. Ngân sách sửa đổi năm 2020 được đưa ra sau khi hội đồng tiến hành điều tra SPD và thấy rằng 56% trong số các cuộc gọi 911 là dành cho hoạt động phi tội phạm và chỉ 3% trong số các cuộc gọi dẫn đến một vụ bắt giữ. Ngân sách mới đã giảm lương của bộ phận điều hành và sa thải 100 viên cảnh sát của Sở. (BBT)

Venezuela đàm phán gia hạn trả nợ với Trung Quốc

Chính phủ Venezuela đã đàm phán với các ngân hàng Trung Quốc về thỏa thuận ân hạn tới cuối năm liên quan tới khoản nợ 19 tỷ đôla phải trả bằng dầu mỏ, Reuters đưa tin, dẫn ba nguồn tin ở Caracas.
Chính quyền của cố lãnh đạo Hugo Chavez đã vay hơn 50 tỷ đôla từ Trung Quốc thông qua các thỏa thuận đổi dầu mỏ lấy các khoản vay với Ngân hàng Phát triển Trung Quốc của nhà nước.
Tin cho hay, người kế nhiệm ông Chavez, ông Nicolas Maduro, đã ngừng trả các khoản nợ liên quan vì khủng hoảng kinh tế.
Theo Reuters, thời gian ân hạn là kết quả của các cuộc đàm phán mà Caracas thực hiện với Bắc Kinh hồi đầu năm nay nhằm mưu tìm hỗ trợ tài chính trong khi giá dầu sụt giảm và xảy ra dịch bệnh Corona.
Nguồn tin được dẫn lời nói rằng thỏa thuận trên sẽ có hiệu lực tới ít nhất là tháng 12 năm nay, rồi sau đó hai bên “sẽ đánh giá lại”.

Dùng lò vi sóng an toàn hay có hại cho sức khỏe?

Jessica Brown
Bản thân bức xạ trong lò vi sóng không gây vấn đề, song đồ đựng thức ăn bằng nhựa bị nóng lên thì lại có nguy cơ độc hại.
Mặc dù đã là một thiết bị nhà bếp quen thuộc trong nhiều thập niên, nhưng ít có vật dụng gia đình nào gây tranh cãi hơn lò vi sóng.
Nó được ca ngợi như cứu tinh cho những ai không có thời gian hoặc không biết nấu ăn, song cũng bị một số đầu bếp coi là một sự nhạo báng nghệ thuật nấu ăn
Nhưng có một cuộc tranh luận khác nữa, nằm ngoài khía cạnh ẩm thực. Đó là trong tình huống nào thì sử dụng vi sóng có thể gây hại cho con người?
Khi sử dụng đúng cách thì chúng ta không có gì phải lo lắng về bức xạ vi sóng cả, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Song còn có những mối quan ngại khác chưa được làm rõ – bao gồm vấn đề liệu thực phẩm nấu bằng lò vi sóng có bị mất chất dinh dưỡng hay không, hay thực phẩm để trong hộp nhựa đem hâm nóng trong lò liệu có làm rối loạn nội tiết tố hay không.
Mất chất dinh dưỡng
Một số nghiên cứu cho thấy rau dễ bị mất dinh dưỡng khi được nấu trong lò vi sóng.
Ví dụ, người ta phát hiện ra rằng lò vi sóng làm mất đi đến 97% flavonoid - một hợp chất có tác dụng chống viêm – trong bông cải xanh, tức là mất chất nhiều hơn một phần ba so với luộc chín trên bếp.
Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2019 xem xét sự mất chất dinh dưỡng của bông cải xanh khi nấu trong lò vi sóng lại chỉ ra rằng các nghiên cứu trước đó đã thay đổi các điều kiện, như thời gian nấu, nhiệt độ nấu và nấu bằng cách để bông cải ngập trong nước hay là không.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng thời gian nấu ngắn hơn (họ quay bông cải xanh trong lò vi sóng một phút) sẽ không làm mất đi hàm lượng dinh dưỡng.
Nấu chín bằng cách hấp trên bếp hoặc quay trong lò vi sóng thậm chí có thể làm tăng hàm lượng của hầu hết các flavonoid, là những hợp chất có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
“Trong các phương thức nấu ăn được sử dụng tại nghiên cứu này, lò vi sóng dường như là một cách để bảo tồn flavonoid tốt hơn so với hấp,” các nhà nghiên cứu đã viết.
Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nấu bằng lò vi sóng mà cho quá nhiều nước (tương đương lượng nước dùng khi luộc thực phẩm) là nguyên nhân gây ra sự sụt giảm flavonoid.
Trưởng nhóm nghiên cứu Xianli Wu, khoa học gia tại Trung tâm Nghiên cứu Dinh dưỡng Beltsville thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, cho biết không có một nguyên lý thống nhất giải thích tại sao nấu trong lò vi sóng lại có thể làm tăng hàm lượng flavonoid.
Có thể là việc nấu bằng lò vi sóng khiến việc đo lường flavonoid trở nên dễ dàng hơn – có lẽ bằng cách làm mềm mô thực vật nên dễ chiết xuất hơn – chứ không hẳn là do lượng flavonoid tăng lên.
Vậy nên cũng không có câu trả lời chắc chắn về việc liệu rau nấu trong lò vi sóng sẽ giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn phương thức nấu ăn khác hay không. Bởi vì mỗi loại thực phẩm là khác nhau về kết cấu và hàm lượng chất dinh dưỡng, theo Wu.
“Mặc dù nói chung là lò vi sóng được ưa thích, song thời gian tối ưu sẽ khác nhau đối với từng loại rau,” Wu nói. “Khi cân nhắc các phương cách nấu ăn thường được sử dụng, lò vi sóng khá được ưa thích, ít nhất là đối với nhiều loại rau củ quả, song có lẽ không phải đối với mọi loại thức ăn có nguồn gốc thực vật.”
Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã so sánh hàm lượng phenolics (hợp chất liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe con người) của các loại rau khác nhau sau khi được luộc, hấp và nấu bằng lò vi sóng.
Dùng lò vi sóng và hấp làm hao hụt về hàm lượng phenolic trong bí, đậu Hà Lan và tỏi tây, nhưng lại không mất chất trong rau chân vịt, ớt, bông cải xanh và đậu xanh.
Các nhà nghiên cứu cũng đã thử nghiệm về tính chống oxy hóa.
Đối với cả hai biện pháp, rau quả nấu bằng lò vi sóng có chất lượng tốt hơn so với luộc trong nước.
“Dùng mức nhiệt vừa phải là cách để lò vi sóng trở thành một thiết bị nấu ăn hữu ích trong việc cải thiện các đặc tính có lợi cho sức khỏe của một số loại rau củ,” các nhà nghiên cứu viết.
Nhựa gây độc hại khi được đem dùng trong lò vi sóng
Chúng ta thường đựng thực phẩm trong hộp nhựa và bọc màng nhựa rồi cho vào lò vi sóng, nhưng một số nhà khoa học cảnh báo về nguy cơ ăn phải các chất phthalates. Trong quá trình bị làm nóng trong lò vi sóng, các chất phụ gia nhựa này có thể bị phá vỡ và thấm vào thức ăn.
“Một số loại đồ nhựa không được thiết kế dùng cho lò vi sóng vì có pha chất polymer bên trong để làm mềm và dễ định dạng. Các polymer này tan chảy ở nhiệt độ thấp hơn và có thể bị rò rỉ khi lò vi sóng hoạt động chỉ cần ở mức cao hơn 100 độ C (212F) thôi,” Juming Tang, giáo sư ngành hoá thực phẩm tại Đại học Bang Washington, nói.
Trong một nghiên cứu năm 2011, các nhà nghiên cứu đã mua hơn 400 hộp nhựa được thiết kế để đựng thực phẩm và phát hiện ra rằng phần lớn hóa chất bị rò rỉ từ những hộp nhựa này gây nên rối loạn các nội tiết tố của con người.
Phthalates là một trong những chất hóa dẻo được sử dụng phổ biến nhất, được thêm vào để làm cho nhựa dẻo hơn và thường được tìm thấy trong các hộp đựng, màng bọc nhựa và chai nhựa.
Người ta đã phát hiện ra rằng các phthalates này có thể gây rối loạn hormone và hệ thống trao đổi chất ở người.
Ở trẻ em, phthalates có thể làm tăng huyết áp và kháng insulin, từ đó làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa như tiểu đường và cao huyết áp. Nhiễm độc phthalates còn có liên quan cả đến vấn đề sinh sản, hen suyễn và ADHD.
Phthalates cũng là tác nhân gây rối loạn nội tiết tố tuyến giáp, Leonardo Trasande, giáo sư y tế môi trường và sức khỏe dân số tại Đại học Y ở New York cho biết.
Trong cơ thể con người, những nội tiết tố này rất quan trọng đối với sự phát triển trí não của trẻ sơ sinh trong thời kỳ còn trong bụng mẹ.
Bisphenol (BPA) cũng thường được sử dụng trong các sản phẩm nhựa và các nghiên cứu cho thấy nó cũng có thể gây rối loạn nội tiết tố. Nhưng nghiên cứu còn hạn chế, so với số lượng nghiên cứu nhắm vào phthalates.
Phthalates có ở khắp mọi nơi – ngay cả trong đồ chơi và kem dưỡng da – và người ta vẫn chưa rõ mức độ gây hại của chúng. Nhưng hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng làm nóng nhựa có chứa phthalates có thể làm tăng nguy cơ nhiễm độc chất này.NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
“Việc nấu bằng lò vi sóng làm dịch chuyển các chất độc hại,” Rolf Halden, giáo sư và là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sinh học về Sức khỏe Môi trường tại Đại học Bang Arizona, nói. “
Quy trình này được sử dụng trong các phòng thí nghiệm để trích xuất các chất ô nhiễm từ các mẫu, trước khi đưa đi phân tích hóa học.”
Và những rủi ro tiềm ẩn không chỉ tăng tỷ lệ theo mức độ thường xuyên của từng lần hâm thực phẩm trong hộp nhựa bằng lò vi sóng, Trasande nói – vì không phải là giữa hàm lượng hoá chất bị nhiễm và nguy cơ rối loạn nội tiết tố có mối quan hệ tỷ lệ thuận.
“Các quan điểm cũ cho là liều lượng độc như thế nào thì sẽ gây ra tác hại tương ứng. Song từ nhiều nghiên cứu hiện nay cho chúng ta thấy rằng chỉ cần nhiễm ở mức độ thấp cũng xảy ra các hiệu ứng tác hại mạnh, do đó, không có mức độ phơi nhiễm nhỏ nào là an toàn cả,” Trandande nói.
Điều quan trọng cần nhớ là, khi hâm nóng thức ăn trong hộp nhựa, việc nhiễm độc cũng có thể xảy ra với phần nhựa không chạm vào thực phẩm, chẳng hạn như nắp hộp.
“Nước sôi trào lên khi bốc hơi thức ăn, sau đó ngưng tụ ở mặt dưới của nắp, và các hóa chất từ nắp hộp ngấm vào các giọt ngưng tụ để rồi rơi xuống thức ăn của bạn,” Mitch Halden nói.
Cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro là sử dụng các vật liệu an toàn cho lò vi sóng khác ngoài nhựa, chẳng hạn như gốm sứ.
Nếu bạn sử dụng hộp nhựa, tránh bất kỳ những cái đã bị biến dạng, vì hộp đựng cũ và hư hỏng có nhiều khả năng bị rò rỉ hóa chất hơn.
Bạn cũng có thể kiểm tra biểu tượng tái chế, thường nằm dưới đáy của sản phẩm nhựa – nếu có số 3 và các chữ cái “V” hoặc “PVC” là có chứa phthalates.
Rủi ro khi dùng lò vi sóng ở nhiệt độ cao
Ngay cả khi bạn không dùng đồ đựng bằng nhựa thì vẫn có những rủi ro tiềm ẩn khác khi hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng – bao gồm cả việc làm nóng không đều và dùng nhiệt độ cao.
Đầu tiên, hãy cân nhắc chỉ sử dụng lò vi sóng để hâm nóng, chứ không nấu thức ăn, vì lò làm nóng không đều.
“Tuỳ thuộc vào khối lượng thức ăn được làm nóng to nhỏ thế nào, nhưng sẽ có một số chỗ nóng hơn chỗ khác,” Franciso Diez-Gonzalez, giáo sư về an toàn thực phẩm tại Đại học Georgia, nói.
“Nhiệt độ sẽ khác nhau tại các điểm khác nhau của khối thực phẩm được quay trong lò vi sóng. Rất khó để đạt được mức nhiệt đồng đều cho cả khối thức ăn, nhất là khi đó là nguyên liệu còn tươi sống.”
Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là hâm nóng thức ăn thôi cũng có rủi ro. Thực phẩm phải được làm nóng cho đến nhiệt độ khoảng 82C (176F) thì mới đủ để tiêu diệt bất kỳ vi khuẩn có hại nào – và vì vi khuẩn vẫn có thể phát triển mỗi khi thức ăn nguội đi, bạn không nên hâm nóng bữa ăn nhiều lần.
Nhiệt độ cao của lò vi sóng cũng có thể gây ra một số rủi ro khác nữa. Nói chung, nhiệt độ cao không phải là vấn đề, song có một số nghiên cứu cho thấy có rủi ro liên quan đến việc nấu một số thực phẩm giàu tinh bột trong lò vi sóng, bao gồm ngũ cốc và rau củ.
Khi Betty Schwartz, giáo sư khoa học dinh dưỡng tại Đại học Jerusalem, thấy các sinh viên của mình làm nóng khoai tây trong lò vi sóng vào giờ nghỉ trưa, bà nhận ra có những tinh thể nhỏ bên trong khoai tây của họ.
Khi bà phân tích những tinh thể này, bà thấy chúng có hàm lượng acrylamide hóa học cao, mà có thể là sản phẩm phụ tự nhiên phát sinh trong quá trình nấu ăn.
Schwartz yêu cầu các sinh viên của mình luộc khoai tây thay vì cho vào lò vi sóng, và thấy việc này không tạo ra acrylamide, mà bà cho rằng lý do là nhiệt độ lò vi sóng cao hơn.
Đây là một điều gây quan ngại, bởi vì các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng acrylamide hoạt động như một chất gây ung thư vì nó can thiệp vào DNA của tế bào, nhưng bằng chứng ở người còn hạn chế.
Có một số nghiên cứu cho thấy rằng môi trường nhiệt độ cao của lò vi sóng có lợi cho sự phát triển của acrylamide hơn các cách thức nấu ăn khác.
“Ở nhiệt độ 100C (212F) là có đủ năng lượng thay đổi các liên kết tự động giữa các phân tử để tạo ra một phân tử có năng lượng cao hơn nhiều, có thể tương tác với DNA và gây ra đột biến,” Schwartz nói. “Càng nhiều đột biến thì khả năng gây ung thư càng cao.”
Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng đây chính là trường hợp xảy ra với acrylamide.
Một cách khác an toàn là vẩy nước làm ướt khoai tây trước khi cho vào lò vi sóng.
An toàn bức xạ
Về vấn đề bức xạ trong lò vi sóng, thì đây là thứ hoàn toàn vô hại.
Vi sóng sử dụng bức xạ điện từ tần số thấp – cùng loại được sử dụng trong bóng đèn và radio.
Khi ta đặt thức ăn vào lò vi sóng, thức ăn sẽ hấp thụ các sóng bức xạ này, khiến các phân tử nước trong thực phẩm xung động, gây ra ma sát làm nóng thức ăn.
Con người cũng hấp thụ sóng điện từ. Nhưng lò vi sóng tạo ra sóng tần số tương đối thấp và chúng chỉ ở bên trong lò mà thôi. Ngay cả khi đó là trường hợp bị rò rỉ ra ngoài, vi sóng vẫn vô hại, Tang nói. (Tất nhiên, nhiệt độ trong lò vi sóng thì lại không vô hại – vì vậy bạn đừng bao giờ đặt một sinh vật sống vào bên trong lò).
“Sóng vi sóng là một phần của sóng điện từ mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày. Khi bạn nướng bánh mì, bạn đã tiếp xúc với sóng điện từ và năng lượng hồng ngoại từ các bộ phận làm nóng của lò. Ngay cả con người cũng trao đổi sóng phóng xạ với nhau,” Tang nói.
“Nếu bạn ăn được các loại cây trồng quang hợp ánh sáng mặt trời, hà cớ gì bạn lại lo lắng về thức ăn nấu trong lò vi sóng.”
Không giống như tia X-quang, sóng vi sóng không sử dụng bức xạ ion hóa, có nghĩa là chúng không đủ năng lượng để tách các electron khỏi nguyên tử.
“Các liên kết hóa học khi bị phá vỡ thì mới gây tổn hại đến DNA. Đây mới chính là cách mà bức xạ trở thành sát thủ – nó làm biến đổi tế bào và gây ung thư,” Timothy Jorgensen, phó giáo sư về phóng xạ tế tại trung tâm y khoa thuộc Đại học Georgetown, nói.
Những lo ngại về bức xạ vi sóng phần lớn đã được giải quyết trong những năm ngay sau khi lò vi sóng được phát minh lần đầu tiên, Jorgenson nói.
Đặc biệt, rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu và Phát triển Army Natick ở Massachusetts, Hoa Kỳ, xung quanh sự an toàn của lò vi sóng, đã đạt một chặng dài để làm giảm bớt những lo ngại này.
Khi nói đến việc nấu thức ăn trong lò vi sóng, vẫn còn có rất nhiều điều cần cẩn trọng.
Theo nghiên cứu, lò vi sóng từ lâu đã được coi là một thiết bị nhà bếp an toàn – nhưng đi kèm theo đó là những hướng dẫn, cảnh báo về cách sử dụng.
Và đặc biệt là các chuyên gia vẫn nêu quan ngại về việc sử dụng các hộp nhựa để hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng liệu sẽ làm rối loạn hormone, và do đó, tác động đến sức khỏe của con người, như thế nào.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Khẩu trang vải có hữu hiệu trước COVID hay không?

Một cuộc nghiên cứu mới bổ sung những bằng chứng ngày càng tăng là khẩu trang bất cứ loại nào cũng sẽ giúp ngăn chặn virus corona lây lan.
Cuộc nghiên cứu của Trường đại học Duke, công bố trên tạp chí Science Advances, phát hiện là hầu hết các loại khẩu trang tự chế giúp ngăn chặn các hạt nhỏ bắn ra từ trong miệng, tốt hơn là không mang khẩu trang. Tuy nhiên, sự hữu hiệu phần lớn tùy thuộc vào chất liệu cũng như kích cỡ khẩu trang có vừa vặn hay không.
Các nhà nghiên cứu thử nghiệm 14 loại khẩu trang khác nhau từ loại khẩu trang giải phẩu N95 cho đến các loại vải quấn đầu bằng cotton.
Khẩu trang N95 hữu hiệu nhất trong việc ngăn ngừa những hạt nhỏ văng ra khi nói chuyện, trong khi khẩu trang giải phẫu bằng giấy cũng cực kỳ hữu hiệu.
Khẩu trang bằng bông vải cotton tốt hơn khi có nhiều lớp. Còn che miệng với loại khăn quấn cổ bằng vải nỉ còn tệ hơn là không mang khẩu trang.
Trong một video kèm theo cuộc nghiên cứu, ông Martin Fisher, một phó giáo sư nghiên cứu về hóa học và vật lý thuộc trường Duke, nói kết quả tệ hại của loại khăn quấn cổ bằng nỉ là do loại vải lông mềm.
Vải nỉ có khuynh hướng làm vỡ những hạt lớn hơn thành những hạt nhỏ vốn dễ lơ lửng trong không khí lâu hơn, ông Fisher nói.
Điều này có thể khiến việc che miệng bằng khăn quấn cổ vải nỉ “phản tác dụng,” ông Fisher nói.
“Đây không phải là mang bất cứ loại khẩu trang nào cũng tốt hơn là không mang,” ông nói. “Có một số khẩu trang làm hại hơn là lợi.”
Khẩu trang N95 có van, cho phép người sử dụng thở được, tệ hơn là khẩu trang N95 không có van.
Trong khi van không làm hại người mang khẩu trang, nhưng có thể làm giảm sự bảo vệ những người khác, vì van cho phép các giọt nhỏ lan truyền.
Tuy nhiên, ông Fisher và những nhà nghiên cứu khác lưu ý cuộc nghiên cứu của họ chủ yếu để chứng tỏ phương thức thử nghiệm khẩu trang của họ thành công, chứ không cần thiết là rút ra kết luận từ những kết quả.
Bản thân cuộc nghiên cứu cũng rất giới hạn.
Con số những người được thử nghiệm nhỏ. Bốn người được thử nghiệm 3 loại khẩu trang (khẩu trang giải phẫu, khẩu trang vải cotton, và khẩu trang bằng khăn trùm đầu.) Chỉ có một người thử nghiệm mang 11 loại khẩu trang khác , trong đó có khăn quấn cổ vải nỉ.
Một trong những tác giả đồng nghiên cứu nói với Washington Post là loại khăn quấn cổ được thử nghiệm đó làm bằng “chất liệu polyester co giãn” nhưng cuộc nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Advances không mô tả chi tiết chất liệu được thử nghiệm.
Cũng có những khác biệt đáng kể trong so sánh việc nói chuyện không khẩu trang giữa những cá nhân được thử nghiệm.
Ông Fisher nói kết luận căn bản là mang khẩu trang tốt hơn trong việc làm chậm lây lan của những hạt nhỏ trong không khí hơn là không mang khẩu trang, và rằng một số khẩu trang tốt hơn một số khẩu trang khác.
“Việc này cho các bạn một ý niệm tốt về khẩu trang họat động một cách tổng quát như thế nào,” ông Fisher nói.
“Chúng tôi chắc chắn khuyến khích mọi người mang khẩu trang, nhưng bạn muốn đảm bảo là khi bạn mang khẩu trang và khó khăn khi may một chiếc khẩu trang thì phải làm ra và mang một loại giúp ích, không chỉ cho bản thân mà cho mọi người.”
(Nguồn The Hill)

WHO: 100 ngàn ca COVID mỗi ngày

tại châu Mỹ, Hoa Kỳ chiếm phân nửa

Hơn 100.000 ca COVID-19 được báo cáo hàng ngày tại châu Mỹ, một nửa là tại Hoa Kỳ và có những gia tăng đáng ngại tại những nước đã kiểm soát được dịch bệnh như Argentina và Columbia, giám đốc khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới, Carissa Etienne, loan báo ngày 11/8.
“Khu vực của chúng ta vẫn trong tầm tay của COVID,” bà Etienne nói trong một cuộc họp báo trên mạng từ Washington với các giám đốc khác của Tổ chức Y tế Liên châu Mỹ (PAHO).
Hoa Kỳ báo cáo khoảng 5 triệu ca và Brazil, ổ dịch hàng thứ hai trên thế giới, ghi nhận hơn 100.000 người chết.
Bà cho biết số ca nhiễm đang gia tăng tại Trung Mỹ. Belize ghi nhận số ca mới cao nhất trong tuần này. Cộng hòa Dominic có nhiều ca hơn các đảo quốc vùng Caribe cộng lại.
Bà Etienne nói sức ép lên dịch vụ y tế đe dọa làm gia tăng các bệnh đã kiểm soát được như bệnh lao, HIV và viêm gan, trong khi có thêm nhiều người chết vì những bệnh phòng ngừa và chữa trị được.
PAHO có dữ liệu cho thấy 30% những người sống với HIV tránh tìm tới sự chăm sóc y tế trong đại dịch, và các nước có nguồn cung giới hạn về các loại thuốc chống virus.
“Điều này đáng lo ngại vì không được tiếp tục chăm sóc và thuốc men đầy đủ thì những người lây nhiễm HIV dễ bị bệnh hơn và lây sang người phối ngẫu của họ,” bà nói.
Tuy nhiên, những ca bệnh do muỗi truyền sang như sốt xuất huyết đã sụt giảm, vì mọi người phải ở nhà trong đại dịch và ít bị muỗi đốt.
Hệ thống y tế phải làm cho bệnh nhân được chữa trị dễ dàng bằng cách mở rộng việc khám chữa bệnh trên mạng và cung cấp chăm sóc y tế bên ngoài bệnh viện, bà Etienne kêu gọi.

Khủng hoảng Covid-19 :

Phụ nữ chịu “thiệt đơn, thiệt kép”

Thùy Dương
Cú sốc kinh tế do dịch bệnh Covid-19 gây ra trong thời gian qua có lẽ không chừa một ai. Thế nhưng, không thể phủ nhận rằng nữ giới, nhất là những người phụ nữ có con, dễ bị tổn thương nhất. Biện pháp phong tỏa, những bất bình đẳng nam – nữ trong việc chia sẻ việc nhà, việc tập trung thời gian chăm lo cho con cái ít nhiều đều gây tác hại tới sự nghiệp của người phụ nữ. Tỉ lệ thất nghiệp của phụ nữ cũng tăng cao hơn so với nam giới.
Chiếm số đông trong lĩnh vực chăm sóc y tế và dịch vụ, nữ giới là những người đã và đang xông pha trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và đảm bảo đời sống xã hội. Thế nhưng, những công việc họ đảm nhận lại thường bấp bênh hơn so với nam giới. Và do tính chất công việc, họ cũng chính là những người dễ có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh. Vì thế, khi xảy ra khủng hoảng Covid-19, phụ nữ thường dễ « thiệt đơn, thiệt kép ».
Bất bình đẳng kinh tế gia tăng
Nhìn rộng ra toàn xã hội, lao động nữ trong lĩnh vực kinh tế nào, và ở khu vực nào trên thế giới bị thiệt hại nhiều nhất ? Bà Laurence Gillois, phó giám đốc cơ quan Liên Hiệp Quốc bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu về phụ nữ, phát biểu trên đài France 24 ngày 22/05/2020 :
« Đương nhiên đó là những lĩnh vực bị cuộc khủng hoảng tác động trực tiếp, với những hệ quả trực tiếp. Phụ nữ đang và sẽ là những người đầu tiên bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lần này. Theo những số liệu mới nhất, Covid-19 đã làm mất 300 triệu việc làm trên thế giới hiện nay. Tại nhiều nước, người ta bắt đầu thấy là việc sa thải lao động liên quan đến phụ nữ nhiều hơn là nam giới. Đơn giản là
vì những lĩnh vực bị tác động nhiều nhất, như bán hàng, khách sạn, du lịch, là những lĩnh vực phụ nữ tham gia là chủ yếu.
Chẳng hạn như ở Mỹ, hồi tháng 03-04, người ta ghi nhận số lao động là nữ giới lâm cảnh thất nghiệp rất cao và đã vượt xa nam giới. Trước khi xảy ra khủng hoảng thì mọi chuyện diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Xu hướng nhiều lao động nữ mất việc hơn nam giới cũng xảy ra ở nhiều khu vực khác trên thế giới, trong đó có cả châu Á – Thái Bình Dương. »
Riêng tại khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone, số liệu của Eurostat, cơ quan thống kê của Liên Hiệp Châu Âu, cho thấy ngay từ hồi tháng 05/2020, dịch Covid-19 đã có những tác động về kinh tế đối với phụ nữ. Tỉ lệ thất nghiệp của phụ nữ từ 7,7% hồi tháng 04 đã tăng lên thành 7,9%, trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở nam giới vẫn giữ ổn định ở mức 7%. Kinh tế gia Céline Piques, chủ tịch tổ chức nữ quyền của Pháp Osez le féminisme!, lo ngại những tháng tới đây sẽ ngày càng khó khăn đối với phụ nữ.
Trong khi đó, tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Kristalina Georgieva, hôm 21/07 cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể sẽ cuốn đi những thành quả trong việc giảm bất bình đẳng kinh tế giữa nam giới và nữ giới mà thế giới đã đạt được trong suốt 3 thập kỷ qua. Còn bà Laurence Gillois, phó giám đốc cơ quan Liên Hiệp Quốc bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu về phụ nữ, nhấn mạnh :
« Cuộc khủng hoảng quả thực đã bám rễ vào một thế giới vốn đã được ghi dấu với những sự bất bình đẳng nam – nữ trong cấu trúc. Và cũng giống như những cuộc khủng hoảng khác, cuộc khủng hoảng Covid-19 lần này thể hiện sự bất bình đẳng nam – nữ, nhưng đồng thời cũng là yếu tố làm cho tình trạng bất bình đẳng đó trở nên nghiêm trọng hơn. Ngay từ trước khi xảy ra khủng hoảng, ở khắp nơi trên thế giới đã có tình trạng phụ nữ kiếm được ít tiền hơn nam giới, số tiền tiết kiệm họ dành dụm được cũng ít hơn nam giới. Công việc của phụ nữ ít ổn định hơn so với nam giới. Nữ giới cũng thường làm việc nhiều hơn trong các lĩnh vực kinh tế phi chính thức ».
Ngay cả những người phụ nữ làm lãnh đạo doanh nghiệp cũng không tránh được khó khăn. Bà Laurence Gillois cho biết thêm :
« Trên thế giới, nếu là chủ doanh nghiệp thì thường là nữ giới làm chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp này bị Covid-19 tác động ở những mức độ khác nhau. Chúng tôi có ít số liệu so sánh ở mức toàn cầu, nhưng theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây với 600 chủ doanh nghiệp là nữ ở nhiều nơi trên thế giới, 90% trong số họ cho biết đã gặp những thất bại, sa sút nghiêm trọng trong giai đoạn này do khủng hoảng. Gần 40% sợ là không còn đủ khả năng trả lương cho nhân viên. Có một yếu tố khác góp phần khiến các chủ doanh nghiệp  nữ gặp nhiều khó khăn hơn nam giới, đó là họ phải chăm lo cho gia đình nhà cửa nhiều hơn các đồng nghiêp là nam giới ».
Từ bất bình đẳng trong gia đình đến thiệt thòi trong sự nghiệp
Một cuộc khảo sát của nghiệp đoàn CGT tại Pháp cho thấy việc trường học đóng cửa, trẻ em không đi học, đã khiến gánh nặng việc nhà, chăm sóc dạy dỗ con cái đè nặng lên vai phụ nữ. Khoảng 43% số phụ nữ trả lời câu hỏi cho biết trong giai đoạn phong tỏa, mỗi ngày họ phải dành thêm 4 giờ đồng hồ so với thường lệ để chăm con, nhưng con số này ở nam giới chỉ là 26%. Còn theo kết quả một khảo sát chung mà Đại học Science Po và Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học Pháp – CNRS công bố hồi tháng 04/2020, « những sự bất bình đẳng giới tính đã bị đẩy mạnh hơn trong giai đoạn phong tỏa : phụ nữ phải dành thêm nhiều thời gian để lau dọn nhà cửa và chăm sóc người khác (…) 70% số phụ nữ được hỏi nói hàng ngày họ chăm lo cả việc học hành của con cái, trong khi tỉ lệ này ở nam giới là 32%.»
Để hỗ trợ người lao động dung hòa công việc và gia đình trong giai đoạn phong tỏa, Nhà nước Pháp cho những người có nhu cầu ở nhà chăm sóc con được hưởng chế độ đãi ngộ. Và 70% số người đăng ký hưởng chế độ nghỉ làm để chăm con trong giai đoạn phong tỏa là nữ giới. Nhưng nghịch lý là ở chỗ, suy đến cùng thì nam giới lại là người hưởng lợi nhiều nhất từ biện pháp hỗ trợ nói trên, bởi theo giải thích của chuyên gia Céline Piques với đài France 24, những tác động của dịch bệnh sau này sẽ thể hiện rõ vào lúc người lao động phải thương lượng với chủ lao động về việc tăng lương. Những người đàn ông làm việc từ xa trong nhiều tháng và tham gia nhiều vào hoạt động của doanh nghiệp sẽ được ưu tiên hơn so với những đồng nghiệp nữ đã được hưởng chế độ nghỉ làm để chăm sóc con cái trong giai đoạn phong tỏa.
Còn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, những tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nữ giới cũng đã bắt đầu được trông thấy rõ. Số công trình khoa học của các nhà nghiên cứu nữ đã giảm mạnh trong giai đoạn phong tỏa, trong khi số bài báo, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học nam giới lại tăng hơn nhiều so với bình thường.
Kinh tế gia Céline Piques giải thích các nhà nghiên cứu là nam giới có thể làm việc trong thời gian phong tỏa đó là do con cái họ được mẹ chăm sóc là chính. Vấn đề là điều đó cũng sẽ để lại« vết
tích » trong sơ yếu lý lịch, mang lại nhiều thuận lợi hơn cho nam giới so với các đồng nghiệp nữ trong sự nghiệp sau này.
Đó là chưa kể đến tình trạng nhiều người phụ nữ bị mất việc hay không thể có điều kiện tìm việc, vì buộc phải dành nhiều thời gian chăm sóc con cái trong giai đoạn dịch bệnh. Chính sự bất bình đẳng nam – nữ trong việc phân công các công việc gia đình đã góp phần làm cho phụ nữ thêm thiệt thòi trong giai đoạn khủng hoảng. Nữ văn sĩ, triết gia Pháp Simone de Beauvoir từng phát biểu trên truyền hình năm 1975 :« Việc nội trợ, chăm sóc nhà cửa là công việc mà người ta ép phụ nữ làm, đó là công việc không mang lại giá trị thặng dư ». Câu nói ngày nào cách nay 45 năm dường như vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt trong thời khủng hoảng Covid-19.
Tuy nhiên, vẫn theo phó giám đốc cơ quan Liên Hiệp Quốc về phụ nữ bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu, chịu nhiều tác động nhất có lẽ là những người phụ nữ làm mẹ đơn thân, những người phụ nữ góa chồng phải nuôi con nhỏ :
« Lần đầu tiên trong vòng 3 thập niên người ta thấy có đến hơn 500 triệu người có thể rơi vào cảnh đói nghèo vì khủng hoảng. Tỉ lệ phụ nữ có thể bị đẩy vào cảnh đói nghèo cùng cực cao hơn 25% so với nam giới. Chính điều này cũng tạo ra sự mất an ninh lương thực và khiến nó nghiêm trọng hơn.
Một kịch bản tương tự đã xảy ra do cuộc khủng hoảng Ebola. Và các gia đình chỉ có bố hoặc mẹ đơn thân nuôi con đặc biệt dễ bị tổn thương. Đa số các gia đình này là phụ nữ đơn thân nuôi con. Tỉ lệ này có thể khác nhau ở các nước nhưng thường dao động ở mức khoảng 85%. Các gia đình này đặc biệt dễ tổn thương, dễ bị tác động, vì chỉ có một nguồn thu nhập và những gánh nặng gia đình lại tăng nhiều hơn ».
Riêng tại Pháp, trong thời gian bình thường, 1/3 số gia đình chỉ có bố hoặc mẹ đơn thân nuôi con sống dưới ngưỡng nghèo khó, trong đó có tới 85% là phụ nữ đơn thân nuôi con. Theo kinh tế gia Céline Pique, những người phụ nữ trong hoàn cảnh sống bấp bênh nhất, chẳng hạn những người làm nghề thu ngân ở siêu thị, lại dễ mất việc trong giai đoạn phong tỏa vì không thể để con bơ vơ ở nhà để đi làm trong mùa dịch. Nếu vào mùa thu, làn sóng dịch thứ hai xảy ra, đất nước có thể bị phong tỏa trở lại, với những kịch bản có thể còn tồi tệ hơn đợt 1 rất nhiều, thì tình hình của các bà mẹ đơn thân chắc chắn sẽ còn bi đát hơn nữa.

EU rút ưu đãi tiếp cận thị trường với Campuchia

Liên hiệp châu Âu (EU) hôm 12/8 đã rút ưu đãi tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm của Campuchia như dệt may và giày dép vì “các quan ngại liên quan tới nhân quyền”, theo Reuters.
EU lần đầu công bố bước đi trên hồi tháng Hai và cơ quan điều hành có trụ sở ở Brussels của tổ chức này hôm 12/8 nói rằng kể từ đó tới nay, Campuchia không có thay đổi gì và vì thế, quyết định đó giờ có hiệu lực.
“Chính quyền Campuchia nên hành động để khôi phục các quyền tự do chính trị ở nước này, tái thiện lập các điều kiện cần thiết cho đối lập dân chủ, đáng tin cậy và khởi đầu quá trình hòa giải quốc gia thông qua đối thoại toàn diện và thành thật”, Ủy ban châu Âu nói, theo Reuters.
Theo hãng tin này, quyết định của EU đồng nghĩa với việc một phần năm xuất khẩu của Campuchia vào khối sẽ bị ảnh hưởng.
Campuchia năm 2018 là nước hưởng lợi nhiều thứ hai trong chương trình hỗ trợ thương mại dành cho các nước nghèo nhất thế giới của EU.
Reuters đưa tin, Campuchia bắt đầu cuộc đàn áp trên diện rộng đối với phe đối lập, xã hội dân sự và truyền thông trước cuộc bầu cử diễn ra vào năm đó.

Kinh tế Anh

lần đầu tiên chính thức suy thoái sau 11 năm

Szu Ping Chan
Kinh tế sụt giảm kỷ lục trong thời gian từ tháng Tư tới tháng Sáu do các biện pháp phong tỏa phòng chống virus corona, khiến nước Anh chính thức bước vào suy thoái.
Nền kinh tế bị thu nhỏ lại 20,4% so với ba tháng đầu năm.
Chi tiêu của các hộ gia đình giảm mạnh do các cửa hàng buộc phải đóng cửa, trong lúc các hoạt động sản xuất, xây dựng cũng giảm mạnh.
Việc này đẩy Anh lần đầu tiên rơi vào tình trạng suy thoái về mặt kỹ thuật – được định nghĩa là khi kinh tế trải qua hai quý liên tiếp đi xuống – kể từ năm 2009.
Có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ khá lên?
Cơ quan Thống kê Quốc gia (ONS) nói rằng kinh tế đã bật trở lại trong tháng Sáu, khi chính phủ nới lỏng các biện pháp phong tỏa.
Kinh tế Anh tăng 8,7% trong tháng Sáu, sau khi đạt mức tăng 1,8% trong tháng Năm.
Tuy nhiên, Jonathan Athow, phó giám đốc phụ trách phân tích số liệu thống kê kinh tế quốc gia, nói: “Dẫu vậy, tổng sản lượng quốc nội (GDP) trong tháng Sáu vẫn thấp hơn hồi tháng Hai, là thời điểm trước khi virus tấn công.”
Ngành nào bị ảnh hưởng nặng nhất?
ONS nói rằng tình trạng suy sụp ra là do kết quả của việc đóng cửa đối với các cửa hàng, khách sạn, nhà hàng, trường học và các garage sửa xe hơi.
Mảng dịch vụ, vốn chiếm tới bốn phần năm nền kinh tế Anh, đã có mức suy giảm kỷ lục tính theo quý.
Việc đóng cửa nhà máy cũng khiến sản lượng xe hơi đạt mức thấp nhất kể từ năm 1954 tới nay.
Mức suy giảm kinh tế cao nhất là trong tháng Tư, lúc cao điểm áp dụng các biện pháp phong tỏa.
Các cửa hàng bán lẻ quần áo, sách vở và các mặt hàng không thiết yếu khác đã được mở cửa trở lại tại xứ Anh (England) vào ngày 15/6, còn hoạt động xây dựng cũng đã tăng mạnh sau khi suy giảm nghiêm trọng hai tháng trước đó.
Tuy vậy, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak nói rằng tình trạng suy giảm kinh tế sẽ khiến có thêm nhiều người mất việc làm trong những tháng tới.
Số liệu chính thức về công ăn việc làm, được công bố hôm thứ Ba, cho thấy lượng người đi làm giảm 220.000 trong thời gian từ tháng Tư tới tháng Sáu.
Đây là mức giảm trong quý cao nhất kể từ thời điểm tháng Năm – tháng Bảy 2009, là lúc cuộc khủng hoảng tài chính rơi vào thời điểm trầm trọng nhất.
Tình hình Anh so với các nước khác thế nào?
Tuy dữ liệu gần đây cho thấy việc phục hồi đang diễn ra, nhưng Ngân hàng Trung ương Anh Quốc không hy vọng là nền kinh tế sẽ trở lại được quy mô như thời điểm trước đại dịch cho tới sớm nhất là vào cuối năm sau.
Cơ quan Quản lý Ngân sách (the Office for Budget Responsibility), cơ quan chịu trách nhiệm dự báo chính thức của chính phủ, cho rằng việc phục hồi thậm chí còn cần mất nhiều thời gian hơn nữa.
Kinh tế Anh là một trong những nền kinh tế phát triển suy giảm trầm trọng nhất.
Nền kinh tế đã co lại một phần năm so với thời điểm cuối năm ngoái.
Mức này không tồi tệ như mức giảm 22,7% của Tây Ban Nha, nhưng cao gấp đôi so với mức suy giảm tại Đức và Hoa Kỳ.
Ngân hàng Trung ương Anh Quốc ghi nhận rằng việc chi tiêu cho các hoạt động xã hội, chẳng hạn như đi ăn tiệm, đi xem hòa nhạc hay xem bóng đá, là nguồn thúc đẩy tăng trưởng tại Anh lớn hơn nhiều so với ở Mỹ hay các nước thuộc khối sử dụng đồng euro.

Covid-19 : Tình hình tại Pháp đang « theo hướng xấu »

Thu Hằng
Pháp có thêm gần 1.400 ca nhiễm Covid-19 trong vòng 24 giờ, theo thống kê tối 11/08/2020. Số ca nhiễm mới hàng ngày luôn vượt ngưỡng 1.000 từ nhiều ngày gần đây. Thủ tướng Pháp Jean Castex cảnh báo diễn biến dịch Covid-19 đang đi theo « chiều hướng xấu ».
Tính đến ngày 11/08, với thêm 15 ca tử vong, ở Pháp tổng cộng đã có 30.354 người chết. Pháp hiện chỉ còn 391 bệnh nhân Covid-19 được điều trị tích cực trong phòng hồi sức, giảm 5 người so với hôm trước. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở giới trẻ. Mùa du lịch hè đã khiến người dân Pháp lơ là các biện pháp phòng ngừa và giãn cách xã hội.
Trước nguy cơ làn sóng dịch thứ hai, thủ tướng Pháp thông báo tăng cường hàng loạt biện pháp : duy trì lệnh cấm tập hợp trên 5.000 người đến ngày 30/10, gia tăng kiểm tra việc tuân thủ các quy định phòng ngừa virus lây lan, đeo khẩu trang ở những nơi quy định, có thể bắt buộc khai báo tụ tập trên 10 người, tự cách ly…
Những địa điểm bắt buộc đeo khẩu trang sẽ được mở rộng và do các tỉnh trưởng hoặc dân biểu địa phương nghiên cứu và quyết định. Thủ tướng Pháp cho rằng nếu « không hành động tập thể, chúng ta phải đối mặt với nguy cơ dịch tái bùng phát rất cao ». Những nỗ lực này là « cần thiết và hoàn toàn trong tầm tay » vì ưu tiên của chính phủ là « tránh phải tái lập phong tỏa quy mô lớn ».
Tây Ban Nha cũng đang trong « tình trạng nghiêm trọng », với số ca nhiễm cao nhất Tây Âu, trung bình gần 5.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong một tuần gần đây, bằng tổng số ca nhiễm mới hàng ngày của Pháp, Anh, Đức và Ý gộp lại. Tại Bỉ, người dân vùng Bruxelles sẽ phải đeo khẩu trang khi đường kể từ ngày 12/08 do số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 600 mỗi ngày. Ngược lại, Ý hiện vẫn khống chế được đà lây nhiễm virus : số ca nhiễm mới dưới ngưỡng 500, khoảng 40 bệnh nhân điều trị tích cực và khoảng 10 ca tử vong hàng ngày.
Trung Quốc nới lỏng điều kiện nhập cảnh đối với người châu Âu
Từ khi châu Âu trở thành ổ dịch Covid-19, Trung Quốc đã ngừng các chuyến bay thương mại và thắt chặt điều kiện nhập cảnh. Tuy nhiên, một số điều kiện được nới lỏng, theo thông báo ngày 12/08 của nhiều sứ quán Trung Quốc ở châu Âu. Quy định mới chỉ áp dụng cho những người đã có thẻ cư trú ở Trung Quốc, nhưng bị kẹt ở nước ngoài từ 4 tháng nay. Hiện giờ, họ có thể « xin thị thực vào Trung Quốc » và phải cách ly 14 ngày theo quy định. Trong danh sách 36 nước có Pháp, Bỉ, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan, Anh và Thụy Sĩ.

Địa Trung Hải: Căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ,

Hy Lạp muốn Liên Âu họp khẩn

Trọng Nghĩa
Hy Lạp ngày 11/08/202 kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu họp khẩn cấp về Thổ Nhĩ Kỳ, trong lúc căng thẳng giữa hai nước láng giềng leo thang ở phía đông Địa Trung Hải.
Theo lời ngoại trưởng Hy Lạp, nước này đã đặt quân đội trong tình trạng báo động cao, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ lại cho chiến hạm hộ tống tàu khảo sát dầu khí xâm nhập hải phận Hy Lạp.
Thông tín viên RFI, Joël Bronner, tường thuật từ Athens :
Cuộc đọ sức lại tái diễn. Tương tự như vào cuối tháng 7, tàu khảo sát địa chấn Thổ Nhĩ Kỳ Oruç Reis, cùng với tàu chiến hộ tống, đã trở lại hải phận Hy Lạp, khiến Athens vô cùng bực tức và lo ngại.
Chiếc tàu khảo sát Thổ Nhĩ Kỳ có mục tiêu tìm khí đốt dưới biển. Việc khám phá các mỏ dầu, đặc biệt là ngoài khơi đảo Chypre, từ nhiều năm qua đã thu hút nhiều nước ven Địa Trung Hải.
Từ tháng 11/2019, căng thẳng đã bùng lên giữa Ankara vả Athens trên vấn đề này, sau một thảo thuận gây tranh cãi về đường phân chia hải phận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya. Thỏa thuận nhằm hợp thức hoá các yêu sách của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền đông Địa Trung Hải.
Một thỏa thuận khác ký kết tuần qua, giữa Hy Lạp và Ai Cập, cũng về đường ranh hải phận đã trở thành một cái cớ để Thổ Nhĩ Kỳ, có vẻ như bị chọc giận, cho tàu trở lại khu vực tìm khí đốt.
Nhìn rộng hơn, các hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm mục tiêu xét lại ranh giới trên biển với Hy Lạp, thừa hưởng từ hiệp định Lausanne cách nay gần một thế kỷ, nhưng đây là đường ranh giới mà Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy quá chật hẹp.

Covid-19 : Nga thông báo có vac-xin sớm,

giới khoa học hoài nghi

Anh Vũ
Hôm qua, 11/08/2020, với thông báo chế tạo thành công vac-xin « đầu tiên » ngừa Covid-19, Nga muốn chứng tỏ đã về đầu trong cuộc chạy đua toàn cầu chế tạo liều thuốc tiêm chủng quý giá mà cả thế giới đang mong chờ. Thế nhưng, thông báo của tổng thống Vladimir Putin ngay lập tức được đón nhận bằng những phản ứng của giới khoa học hoài nghi nhiều hơn là hy vọng.
Giữa lúc cuộc chạy đua tìm kiếm vac-xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu đang bước vào giai đoạn nước rút, Matxcơva đã lên tiếng nhận chiến thắng. Ngày hôm qua, đích thân tổng thống Vladimir Putin khẳng định, trong một cuộc họp qua video được phát trên truyền hình, Nga đã về đầu trong cuộc đua này. Ông trịnh trọng tuyên bố, trong khi vẫn còn đang phải giãn cách xã hội tại tư dinh ở Novo-Ogaryovo, ngoại ô Matxcova : « Lần đầu tiên trên thế giới, một loại vac-xin ngừa virus corona đã được đăng ký (…) Tôi được biết vac-xin khá công hiệu và tạo được miễn dịch lâu dài »
Tổng thống Nga còn cho biết con gái ông đã được tiêm loại vac-xin này.
Sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm lâm sàng trên người, như vậy chính quyền Nga đang từng bước chính thức phê duyệt cho phép sử dụng vac-xin trong dân Nga. Sản phẩm do phòng thí nghiệm Gamelaya nghiên cứu bào chế, được đặt tên Sputnik V, sẽ được lưu hành chính thức ngay từ ngày đầu tiên của năm 2021. Ngay lúc này Nga cũng thông báo đã có 20 quốc gia đặt mua với số tiền lên tới hơn 1 tỷ đô la.
Tuy nhiên, Nga chưa hề công bố một kết quả nào liên quan đến quá trình nghiên cứu, thử nghiệm vac-xin. Sputnik V còn phải qua công đoạn cuối cùng thử nghiệm trên diện rộng, bắt đầu từ ngày hôm nay, trước khi được chính thức phê chuẩn lưu hành trên thị trường.
Loại vac-xin với cái tên Sputnik V đầy biểu tượng đang gặp phải những phản ứng nghi ngờ từ giới khoa học quốc tế, do các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng chưa hoàn tất, cũng như do thiếu các số liệu liên quan đến kết quả các công đoạn thử nghiệm.
Ít giờ sau khi Matxcơva công bố chế tạo thành công Sputnik V, đại diện của Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho biết sẽ chỉ xác nhận cho loại vac-xin Nga này sau khi vac-xin trải qua quy trình đánh giá dữ liệu an toàn và hiệu quả. AFP dẫn lời phát ngôn viên của WHO: « Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với cơ quan y tế Nga và thảo luận đang tiếp tục. Khâu tiền thẩm định và chính thức công nhận vac-xin phải diễn ra theo đúng quy trình nghiêm ngặt ».
Tuần trước, khi có thông tin loại vac-xin Nga đã sẵn sàng, Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã cảnh báo mọi loại vac-xin trước khi cho lưu hành rộng rãi phải tuân thủ các quy trình thử nghiệm theo quy định và hướng dẫn của tổ chức này.
Các nhà khoa học tại nhiều nước và ngay cả ở Nga cũng đã bày tỏ lo lắng trước việc Matxcova vội vàng phê duyệt cấp phép cho loại vac-xin chưa hoàn thành đầy đủ các thử nghiệm lâm sàng.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Pháp Libération hôm nay, giám đốc Viện di truyền học thuộc Đại học College London, nhà nghiên cứu Thụy Sĩ François Bolloux tỏ ra phẫn nộ trước thông báo của chính quyền Nga. Nhà khoa học này cũng nhấn mạnh đến mối nguy hiểm đối với dân chúng, khi một loại vac-xin được vội vàng tung ra thị trường.
Ông François Bolloux cho rằng : « Đây là một quyết định phi lý và hơn nữa là nguy hiểm. Một quyết định chính trị đưa ra trong một cuộc chạy đua điên rồ để trang bị vac-xin ngừa Covid 19. Điều này hoàn toàn vô trách nhiệm, dù sự việc có thế nào. »
Trong khi đó giáo sư Odile Launay, thuộc bệnh viện Cochin Paris, trên báo La Croix thì khẳng định thông báo của chính quyền Nga hoàn toàn mang tính tuyên truyền, không hề có tính khoa học. Theo chuyên gia Pháp, không phải ngẫu nhiên mà tổng thống Putin đưa ra thông báo : «  Trong trận dịch này, có chuyện lẫn lộn giữa chính trị và khoa học. Ta đã thấy nhiều tổng thống, như Vladimir Putin hay Donald Trump của Hoa Kỳ,  đã đưa ra các thông báo thay cho các nhà khoa học và theo cách sớm quá ».
Chính điều này có thể làm gia tăng sự ngờ vực đối với các nghiên cứu vac-xin đang tiến hành rất tốt.
Thế nhưng, với tổng thống Putin, việc Nga là nước đầu tiên công bố một loại vac-xin có khả năng ngăn chặn đại dịch virus corona là niềm tự hào dân tộc và để khẳng định sự vượt trội với các cường quốc phương Tây, trong bối cảnh nước Nga đang ngày càng bị cô lập.
“Sputnik” là tên của vệ tinh đầu tiên trên thế giới do Liên Xô sản xuất và phóng vào quỹ đạo năm 1957, mở ra kỷ nguyên chạy đua vào vũ trụ trên toàn thế giới. Cái tên vac-xin Sputnik V do viện Gameilaya phát triển đã phần nào nói lên tham vọng của Nga trong cuộc chạy đua mới này.
Nhưng điều chắc chắn là vội vàng phê duyệt các quy trình sản xuất vac-xin sẽ không giúp Nga trở thành người dẫn đầu cuộc đua, mà đó chỉ là trò đánh cược chính trị trên sức khỏe của con người.

Nga bác bỏ quan ngại an toàn về vaccine COVID-19

Nga hôm 12/8 cho biết số vaccine COVID-19 đầu tiên sẽ dành cho một số nhân viên y tế trong vòng hai tuần nữa đồng thời bác bỏ các quan ngại an toàn “vô căn cứ” mà một số chuyên gia nêu ra, theo Reuters.
Tổng thống Putin hôm 11/8 thông báo Nga trở thành nước đầu tiên thông qua vaccine COVID-19 sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người.
Tin cho hay, loại vaccine này chưa hoàn tất các cuộc thử nghiệm cuối cùng.
Reuters đưa tin, chỉ khoảng 10% các cuộc thử nghiệm lâm sàng thành công và một số nhà khoa học lo ngại rằng Moscow có thể đặt uy tín dân tộc lên trước cả vấn đề an toàn.
Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko được trích lời nói hôm 12/8 rằng “dường như các đồng nghiệp nước ngoài của chúng tôi nhận thấy các lợi thế cạnh tranh cụ thể từ thuốc của Nga và đang tìm cách thể hiện các quan điểm mà theo chúng tôi là vô căn cứ”.
Ông nói thêm rằng vaccine COVID-19, do Viện Gamaleya ở Moscow phát triển, sẽ được sử dụng “chủ yếu cho các bác sĩ trong vòng hai tuần nữa”.
Giám đốc Viện Gamaleya Alexander Gintsburg nói rằng các kết quả thử nghiệm lâm sàng sẽ được công bố sau khi đã được các chuyên gia của Nga đánh giá.
Ông nói rằng tới khoảng tháng 12 và tháng Một, Nga có thể sản xuất 5 triệu liều mỗi tháng, theo Reuters.

Đài Loan nói với viên chức cao cấp Hoa Kỳ rằng

 Trung Cộng đang tìm cách biến Đài Loan

thành Hồng Kông tiếp theo

Tin từ Đài Bắc – Hôm thứ Ba (11 tháng 8), nhà ngoại giao hàng đầu Đài Loan nói với bộ trưởng Bộ Y tế Hoa Kỳ Alex Azar rằng Đài Loan đang ngày càng trong tình thế khó khăn, khi Trung Cộng đang gây áp lực buộc hòn đảo dân chủ phải chấp nhận các điều kiện có thể biến họ thành Hồng Kông tiếp theo.
Hôm Chủ nhật (9 tháng 8), ông Azar đến thăm Đài Loan với tư cách là viên chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ trong bốn thập niên, chuyến thăm bị Trung Cộng lên án khi tuyên bố hòn đảo này là của riêng mình. Hôm thứ Hai (10 tháng 8), các chiến cơ của Trung Cộng đã bay qua đường trung tuyến của khu vực eo biển Đài Loan nhạy cảm trong thời gian ngắn, và bị hỏa tiễn phòng không của Đài Loan theo dõi. Đài Loan xem đây là hành động quấy rối của Bắc Kinh.
Trung Cộng đã đề nghị chế độ tự trị “một quốc gia, hai chế độ” để Đài Loan chấp nhận sự cai trị của mình như cách ở Hồng Kông, nhưng bị Đài Loan kiên quyết từ chối. Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu nói Đài Loan cảm thấy may mắn khi có những người bạn như ông Azar ở Hoa Kỳ giúp Đài Loan đấu tranh cho sự công nhận ở quốc tế.
Washington cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Bắc vào năm 1979 để ủng hộ Bắc Kinh, nhưng vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Đài Loan. Chính quyền tổng thống Trump đã tăng cường ủng hộ Đài Loan khi quan hệ với Trung Cộng xấu đi về các vấn đề như nhân quyền và thương mại. Không chỉ để thể hiện sự ủng hộ nền dân chủ của Đài Loan, mà ông Azar còn đến thăm để tìm hiểu về chiến thắng đại dịch coronavirus của Đài Loan. (BBT)

Đài Loan đưa Việt Nam khỏi danh sách

các nước có rủi ro thấp lây nhiễm COVID-19

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung ương Đài Loan vừa thay đổi xếp  loại Việt Nam từ danh sách rủi ro thấp sang mức độ trung bình khi dịch COVID-19 tái bùng phát tại Việt Nam trong tháng 7 vừa qua.
Thông tin trên được tờ TaiwanNews loan tin tại buổi họp báo của Bộ Y tế Đài Loan diễn ra vào ngày 12 tháng 8.
Theo tin, trước đợt bùng phát mới của dịch COVID-19 ở Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung ương của Đài Loan (CECC) đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách những nước có mức độ rủi ro thấp về lây nhiễm COVID-19.
Với sự thay đổi đó, những doanh nhân hoặc những người đi công tác đến Đài Loan cần phải trải qua thời gian cách ly lâu hơn
Bộ trưởng Bộ Y tế & Phúc lợi cùng với người đứng đầu CECC Chen Shih-chung thông báo rằng do sự gia tăng lây nhiễm COVID-19 tại Việt Nam, Bộ đã chuyển Việt Nam từ danh sách các quốc gia / khu vực có nguy cơ thấp sang mức trung bình.
Theo đó, kể từ 22/6, những người đi công tác đến Đài Loan từ các nước có rủi ro trung bình như Việt Nam phải chịu cách ly 7 ngày.
Như vậy, hiện trong danh sách những quốc gia/khu vực có rủi ro trung bình gồm Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Srilanka và Việt Nam.

Agnes Chow: Nhà hoạt động nữ Hong Kong

 được ca ngợi là ‘Mộc Lan đời thực’

Mới 23 tuổi, Agnes Chow đã nhiều lần dẫn đầu các cuộc biểu tình
Agnes Chow (Chu Đình), nhà hoạt động ủng hộ dân chủ 23 tuổi, mới cớió một biệt danh mới.
Những người ủng hộ cô gọi cô là “Hoa Mộc Lan ngoài đời” – liên hệ tới nữ anh hùng huyền thoại Trung Quốc, người đã chiến đấu để cứu gia đình và đất nước.
Cô Chow là một trong số ít các nhà hoạt động và nhân vật truyền thông bị bắt trong tuần này theo luật an ninh mới do Bắc Kinh áp đặt. Cô bị bắt giữ vì tội “thông đồng với các thế lực nước ngoài”. Nếu bị kết án, cô có thể phải chịu án tù chung thân.
Hiện cô đã được tạm tha, nhưng việc cô bị bắt giữ làm dấy lên làn song ủng hộ cô, với nhiều người dùng hashtag #FreeAgnes trên Twitter.
Vì sao lại là Hoa Mộc Lan?
Hoa Mộc Lan là một nhân vật huyền thoại Trung Quốc, nhưng được nhiều người biết đến nhờ bộ phim hoạt hình của Disney năm 1998.
Câu chuyện của Hoa Mộc Lan kể về một cô gái trẻ cải trang làm nam giới để chiến đấu cứu gia đình và đất nước.
Một bộ phim truyện dựa trên truyền thuyết này đáng lẽ ra mắt năm nay, với vai chính do diễn viên Lưu Diệc Phi đảm nhận.
Nhưng năm ngoái, người biểu tình Hong Kong kêu gọi cải cách dân chủ có đụng độ với cảnh sát bạo động, lực lượng bị lên án là đã dùng bạo lực quá mức.
Các tổ chức ủng hộ Bắc Kinh lên án người biểu tình đã tấn công cảnh sát và những người Hong Kong phản đối biểu tình.
Trong một đợt căng thẳng, diễn viên Lưu Diệc Phi chia sẻ trên Weibo một bài đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo của chính phủ Trung Quốc, cùng dòng chữ: “Tôi cũng ủng hộ cảnh sát Hong Kong. Các vị có thể đánh tôi đi.”
Người biểu tình ủng hộ dân chủ nhanh chóng phản đối cô Lưu, lên án cô đã ủng hộ việc cảnh sát dùng vũ lực.
Bộ phim sớm trở thành một biểu tượng chính trị – với người dân Trung Quốc đại lục lên tiếng ủng hộ cô Lưu còn người ủng hộ dân chủ Hong Kong thì kêu gọi tẩy chay bộ phim.
Mới đây, Disney tuyên bố Mulan sẽ chỉ ra mắt hạn chế ở các rạp nhưng sẽ được stream trên dịch vụ Disney+. Hãng này đưa lý do là vì chi phí do dịch Covid-19.
Nhiều người so sánh giữa cô Lưu và cô Chow như hai nhân vật tương phản. Họ nói nhà hoạt động nữ mới là hiện thân thực sự của một nữ anh hùng dám đứng lên chiến đấu.
Mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều meme về chủ đề này.
“Agnes cho thấy sự dũng cảm thực sự là thế nào,” một người viết trên Twitter. “Agnes là Mulan của tôi.”
“Agnes Chow là Mulan ngoài đời. Cô ấy hơn hẳn cô Lưu, người ủng hộ vũ lực của cảnh sát Hong Kong. Cô ấy dũng cảm và sẵn sàng…đấu tranh cho tự do,” một người khác viết.
Cô Agnes Chow người thông thạo tiếng Nhật, cũng có lượng người theo dõi đáng kể ở Nhật. Một số kênh truyền thông Nhật đã gọi cô là “bà Chúa của Dân chủ”.
Chúng ta còn biết gì về Agnes Chow?
Agnes Chow đã tham gia vào chính trị Hong Kong từ khi còn ít tuổi. Cô gia nhập một phong trào thanh thiếu niên từ khi mới 15.
Phong trào này biểu tình phản đối kế hoạch thực hiện “giáo dục quốc gia và đạo đức” tại các trường công. Học sinh lo ngại kế hoạch này sẽ dần dần đưa chương trình giáo dục được kiểm duyệt nghiêm ngặt ở Trung Quốc đại lục vào Hong Kong.
Họ tổ chức các cuộc biểu tình ngồi với đông người tham gia và cuối cùng kế hoạch này được gác lại.
Trong những cuộc biểu tình này, Agnes đã gặp nhà hoạt động Joshua Wong (Hoàng Chi Phong).
Cả hai đã trở thành những nhân vật chủ chốt của phong trào Dù vàng – phong trào biểu tình ngồi năm 2014 đòi người dân Hong Kong có quyền tự chọn lãnh đạo của mình.
Các cuộc biểu tình đó đã không thành công – nhưng chúng sản sinh ra một thế hệ lãnh đạo chính trị trẻ.
Agnes Chow, Joshua Wong và Nathan Law sau đó đã lập ra đảng Demosisto ủng hộ dân chủ năm 2016.
Năm 2018, cô Chow muốn tham gia tranh cử địa phương – cô từ bỏ quyền công dân Anh và hoãn tốt nghiêp đại học để tìm cách ra ứng cử.
Nhưng lời đề cử cô bị từ chối vì các quan chức nói cô ủng hộ “quyền tự quyết” cho Hong Kong.
“Điều quan trọng nhất không phải là liệu tôi có thể tranh cử trong các cuộc bầu cử trong tương lai hay không, mà là liệu các quyền cơ bản và quyền tự do của người Hong Kong có được bảo vệ hay không,” tờ SCMP trích lời cô.
Năm 2019, các cuộc biểu tình lớn nổ ra ở Hong Kong, với nhiều người phản đối luật dẫn độ.
Tháng Tám năm đó, cô Chow bị bắt vì bị cho là tham gia và xúi giục tụ tập trái phép tại trụ sở chính của cảnh sát Hong Kong hồi tháng Sáu.
Các nhân vật ủng hộ dân chủ nổi bật khác trong đó có Joshua Wong và Andy Chan cũng bị bắt.
Sau đó cô nhận tội.
Rồi ngày 30/6 năm nay, luật an ninh quốc gia có hiệu lực.
Một số nhà hoạt động dân chủ, như Nathan Law – chọn cách rời Hong Kong vì lo ngại sẽ bị Bắc Kinh bỏ tù.
Cô Chow và anh Wong tuyên bố họ rút lui khỏi đảng Demosisto, mà sau đó đã giải thể, nhưng chọn ở lại Hong Kong.
Đầu tuần nay, cô Chow bị bắt trong một chiến dịch an ninh quốc gia, trong đó nhà tài phiệt truyền thông Jimmy Lai cũng bị bắt.
Sau đó có tin cô bị bắt vì tội “thông đồng với các thế lực nước ngoài” theo luật an ninh quốc gia mới.
“Tôi cho rằng điều rất rõ là chế độ và chính phủ này đang dùng luật an ninh quốc gia để đàn áp các nhà bất đồng chính kiến,” cô nói với các phóng viên sau khi được tạm tha.
Sau đó cô Chow nói trong một thông cáo trên Facebook rằng lần cô bị bắt giữ vừa rồi là “đáng sợ nhất” cho tới nay.
“Đã bị bắt bốn lần, lần này là đáng sợ nhất. Nhưng ngay cả trong đồn cảnh sát, tôi vẫn có thể biết qua luật sư của tôi tình yêu thương và sự quan tâm mọi người dành cho tôi,” cô nói.
“Con đường [phía trước] còn gian nan. Hãy bảo trọng mọi người nhé.”

Hong Kong: Cổ phiếu Apple Daily tăng vọt

sau khi Jimmy Lai bị đàn áp

Tỷ phú Jimmy Lai, ông chủ tờ Apple Daily bị bắt hôm thứ Hai theo luật an ninh gây tranh cãi do Bắc Kinh áp đặt, hiện đã được bảo lãnh tại ngoại.
Cổ phiếu công ty mẹ của tờ báo Apple Daily ở Hong Kong tăng gấp bốn lần chỉ một ngày sau vụ bắt giữ ông Jimmy Lai.
Nhà tài phiệt ủng hộ dân chủ Jimmy Lai nằm trong số 10 người bị giam giữ với tội danh thông đồng với lực lượng nước ngoài.
Nhưng người Hong Kong ủng hộ tờ báo bằng cách mua cổ phiếu của công ty.
Cổ phiếu của công ty này ở mức 1,10 đô la Hong Kong trong phiên giao dịch cuối ngày hôm thứ Ba, tăng so với 0,255 đô la Hong Kong chỉ 24 giờ trước đó.
Tờ báo này, vốn đưa ra quan điểm hiếm hoi, không che đậy về Hong Kong và các lãnh đạo Trung Quốc, cho biết đã bán ra hơn 500.000 bản in, gấp 5 lần con số thông thường.
Trong số những hình ảnh đặc biệt được tờ báo phát hành hôm thứ Hai, có hình ảnh ông Lai bị còng tay và bị dẫn giải ra ngoài tòa soạn khi gần 200 cảnh sát đột kích tòa nhà.
Động thái này đã làm dấy lên sự lên án toàn cầu về cuộc đàn áp ngày càng leo thang đối với những người bất đồng chính kiến.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Trung Quốc đã “tước đoạt các quyền tự do của Hong Kong”.
Hôm thứ Ba, trang nhất của tờ Apple Daily xuất hiện hình ảnh ông Lai bị còng tay với dòng tiêu đề: “Apple Daily phải chiến đấu.”
Ông Lai được tại ngoại sớm vào thứ Tư 12/8 theo giờ địa phương và được chào đón bởi một đám đông người ủng hộ.
Người Hong Kong ủng hộ tờ báo
Tại một số khu vực của thành phố, người ta thấy người Hong Kong xếp hàng mua tờ Apple Daily từ 02:30 trong khi người bán cho hay đã bán hết sạch.
“(Tôi đã mua chúng) để cho người khác nữa, tôi e rằng nhiều người không thể mua được báo,” một phụ nữ, cho hay tên là Chan, nói với BBC trong khi mua 16 tờ Apple Daily.
Các đăng ký trực tuyến cũng được báo cáo là tăng 20.000 trong tuần này.
Cổ phiếu của công ty mẹ Next Digital, ban đầu giảm vào thứ Hai, nhưng đến thư Ba lại tăng vọt, gần như đạt mức cao nhất trong 12 năm qua.
Điều này xảy ra khi các nhà hoạt động kêu gọi người ủng hộ mua cổ phiếu.
Tuy nhiên, có những lo ngại rằng các nhà đầu tư có quan hệ với đại lục cũng có thể mua cổ phiếu.
Louise Wong, một giám đốc điều hành cấp cao của Next Digital, nói với Nikkei Asian Review rằng “nếu ai đó có thể có hơn 5% cổ phần, người đó có thể đòi một ghế trong hội đồng quản trị”.
Phản đối toàn cầu
Ông Lai, người được nhiều người ở Hong Kong coi là anh hùng vì đã chỉ trích trực tiếp giới lãnh đạo cấp cao của Bắc Kinh, là nhân vật cấp cao nhất bị giam giữ theo luật mới cho đến nay.
Nhưng ở đại lục, ông Lai từ lâu đã bị gán cho là kẻ phản quốc.
Vài giờ sau khi ông Lai bị bắt, nhà hoạt động nổi tiếng Agnes Chow và Wilson Li, một nhà báo tự do, cũng bị bắt với cáo buộc vi phạm luật này.
Chow tại ngoại vào cuối ngày thứ Ba. Cô nói với các phóng viên: “Rõ ràng là chế độ này đang sử dụng luật an ninh quốc gia để trấn áp những người bất đồng chính kiến.”
Vụ bắt giữ làm dấy lên những lời chỉ trích từ Washington, London và Liên Hiệp Quốc về các cuộc tấn công vào quyền tự do của thành phố.
“Tôi vô cùng lo lắng trước các báo cáo về vụ bắt giữ @JimmyLaiApple theo Luật An ninh Quốc gia hà khắc của Hong Kng,” Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết trên Twitter.
“Có thêm các bằng chứng rằng ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc] đã tước đoạt các quyền tự do của Hong Kong và làm xói mòn các quyền của người dân ở đó,” ông viết.
Các quan điểm tương tự cũng được bày tỏ ở Anh, nước cho biết sẽ đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong và mở cửa cho nhiều người Hong Kong trở thành công dân Anh quốc.
Người phát ngôn của Thủ tướng Boris Johnson nói với Reuters: “Đây là bằng chứng cho thấy luật an ninh quốc gia đang được sử dụng như một cái cớ để bịt miệng phe đối lập. Các nhà chức trách Hong Kong phải duy trì các quyền và tự do của người dân.”
Luật an ninh gây tranh cãi được Bắc Kinh áp lên Hong Kong vào tháng Sáu đã khiến một số nhà hoạt động nổi tiếng của thành phố bỏ trốn ra nước ngoài do dự đoán về một cuộc đàn áp rộng lớn hơn đối với các quyền tự do của thành phố.
Các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ bùng lên ở Hong Kong vào năm ngoái để phản đối kế hoạch cho phép dẫn độ tội phạm từ Hong Kong sang xét xử ở Trung Quốc đại lục. Trong khi đề xuất này cuối cùng bị rút lại, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, với các yêu cầu rộng lớn hơn về cải cách dân chủ.

Ông trùm truyền thông Hồng Kong Jimmy Lai

và nhà hoạt động dân chủ Agnes Chow được tại ngoại

Ông trùm truyền thông Hong Kong và chủ nhân của tờ Apple Daily Jimmy Lai đã được tại ngoại ngay sau nửa đêm ngày thứ Tư (12/8), gần hai ngày sau khi bị bắt theo luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh, sau khi ông đóng tiền thế chân.  Ông Jimmy Lai không nói chuyện với giới truyền thông sau khi được cảnh sát thả ra và nhanh chóng rời khỏi hiện trường.
Trong khi đó tại quận Tai Po của Hồng Kong, nhà hoạt động đấu tranh trẻ tuổi Agnes Chow cũng được tại ngoại ngay trước nửa đêm, sau khi cô đóng tiền thế chân. Cô Agnes Chow đã nói bên ngoài rằng vụ bắt giữ cô là một “cuộc đàn áp chính trị” và cáo buộc chế độ sử dụng luật an ninh quốc gia để “đàn áp những người bất đồng chính kiến”.
Luật an ninh quôc gia Hồng Kong do Bắc Kinh áp đặt trừng phạt bất cứ điều gì mà Trung Cộng cho là lật đổ, ly khai, khủng bố và cấu kết với các lực lượng nước ngoài với mức án tù chung thân. Những người chỉ trích nói rằng luật phá hủy các quyền tự do, trong khi những người ủng hộ nói rằng nó sẽ mang lại sự ổn định sau các cuộc biểu tình chống Trung Cộng, ủng hộ dân chủ kéo dài vào năm ngoái. (BBT)

Hồng Kông : Tỷ phú Lê Trí Anh được thả,

kêu gọi các nhà báo tiếp tục « chiến đấu »

Anh Vũ
Chưa đầy 48 giờ sau khi bị cảnh sát bắt giữ theo luật an ninh quốc gia, nhà tỷ phú truyền thông của Hồng Kông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) đã được trả tự do có điều kiện vào nửa đêm  qua, 11/08/2020. Sau khi được tự do, theo AFP, Lê Trí Anh đã về tòa soạn nhật báo Apple Daily của ông và tại đây ông đã kêu gọi các nhà báo của mình tiếp tục « chiến đấu ».
Vụ bắt giữ nhà tài phiệt ủng hộ dân chủ cùng 9 người khác, trong đó có 2 con trai và nhiều quản lý tập đoàn của ông, đã gây náo động dư luận tại Hồng Kông và truyền thông khắp thế giới. Tối qua, nhiều người ủng hộ biểu tượng của báo chí độc lập ở đặc khu hành chính đã đến đón ông ở cửa đồn cảnh sát. Thông tín viên RFI Florence de Changy ghi nhận tại chỗ :
“Một nhóm người hân hoan đón nhà tài phiệt báo chí đối lập Lê Trí Anh (Jimmy Lai) khi ông ra khỏi đồn cảnh sát khu Vượng Giác (Mongkok) cùng với các luật sư của ông vào khoảng nửa đêm, tức là 40 giờ sau khi ông bị bắt tại nhà riêng.
Những người ủng hộ ông giương khẩu hiệu « Mỗi ngày một quả táo », ngụ ý nhắc tên tờ báo Apple Daily. Bất chấp việc cảnh sát mở chiến dịch ồ ạt hăm dọa tại trụ sở tòa soạn hôm thứ Hai, ban biên tập nhật báo này cam kết tiếp tục ra báo và người dân Hồng Kông hôm qua đã đổ xô mua báo Apple Daily.
Một giờ trước đó, một nhà hoạt động dân chủ khác là Chu Đình (Agnes Chow), 23 tuổi, cũng đã được ra khỏi sở cảnh sát.
Chu Đình cho biết cô đã phải nộp cho cảnh sát hộ chiếu cùng 200 nghìn đô la Hồng Kông và sẽ phải ra trình diện ở đồn cảnh sát ngày 1/9 tới. Cô nhắc lại là đã phải cam kết công khai không yêu cầu trợ giúp của nước ngoài. Đồng thời cô cũng không hiểu tại sao bị bắt giữ tại nhà tối muộn hôm thứ Hai.
Chu Đình nói : « Tôi cảm thấy rõ ràng là chế độ Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông sử dụng luật an ninh quốc gia để bịt miệng những người ly khai chính trị. Hành động này sẽ có thể còn nhắm vào nhiều người dân Hồng Kông. Rõ ràng đó là hành động truy bức và thủ tiêu chính trị. »
Ông Lê Trí Anh không phát biểu gì nhưng tờ báo của ông đã thông báo ông sẽ « chat trực tiếp trên Twitter » vào ngày mai như thường lệ vào những ngày thứ Năm”.

Jimmy Lai :

« Luật an ninh quốc gia ký án tử cho Hồng Kông »

Nhà tỉ phú Jimmy Lai (Lê Trí Anh), 71 tuổi, chủ tập đoàn Next Digital, một nhà đấu tranh ủng hộ dân chủ Hồng Kông, bị bắt ngày 10/08/2020 và hôm nay được tự do có điều kiện. Nhà tỷ phú trở thành nạn nhân của luật an ninh mới, một đạo luật mà ông nhận định là « án tử cho Hồng Kông », khi trả lời phỏng vấn thông tín viên RFI Florence de Changy tại nhà riêng trước khi bị câu lưu.
Cuộc phỏng vấn diễn ra hôm 27/07, lúc đó ông đang được tại ngoại có bảo lãnh và bị cấm rời khỏi Hồng Kông.
RFI : Chúng ta có thể bắt đầu với câu hỏi về quan điểm của ông đối với luật an ninh mới ?
Jimmy Lai : Tôi nghĩ rằng luật an ninh quốc gia ký bản án tử cho Hồng Kông. Luật này nghiêm khắc hơn cả những dự đoán bi quan nhất. Nó bổ sung cho bản Hiến pháp của chúng tôi. Điều đó có nghĩa là đạo luật này phá hủy nguyên tắc nhà nước pháp quyền và tự do của chúng tôi. Không có pháp quyền, cộng đồng kinh doanh ở đây sẽ không còn hề được công lý bảo vệ.
RFI : Nhưng Bắc Kinh không có lý do nào để phá hủy một khu vực tài chính như vậy.
Jimmy Lai : Họ chẳng cần có lý do để phá hủy, nhưng họ vẫn làm vì một lý do rất đơn giản : một trung tâm tài chính cần sự tin tưởng lẫn nhau, nhưng không có nhà nước pháp quyền thì không có tin cậy lẫn nhau. Dĩ nhiên là giới doanh nhân kiếm được rất nhiều tiền ở đây. Vì thế, họ không muốn rời khỏi nơi mà họ kiếm được tiền. Nhưng những gì đang diễn ra hiện nay lại khác hẳn. Họ hiểu tình hình nghiêm trọng đến mức nào và họ nhận thấy cách hành động hà khắc của đảng Cộng Sản Trung Quốc để kiểm soát vùng đất này. Tất cả đều hiểu : Bắc Kinh không đùa nữa.
RFI : Luật này đã có tác động như nào đến giới trẻ và đối lập ?
Jimmy Lai : Thanh niên thực sự rất sợ. Không thể trách họ được. Cả cuộc sống của họ đang ở trước mắt. Thậm chí, nhiều thủ lĩnh trẻ đã rời Hồng Kông, một số khác cũng đang tính đến việc đó và một số khác nữa, dù ở lại, cũng tách dần khỏi phong trào. Họ tự nhủ : « Thế là đủ rồi, mình không chuốc lấy rủi ro nữa ». Chúng ta không thể trách họ được. Không ai có thể yêu cầu một người khác phải hy sinh vì lý tưởng. Vì thế phong trào ủng hộ dân chủ sẽ bị suy yếu. Và những người ở lại có sứ mệnh duy trì tính toàn vẹn của phong trào và điểm tựa cho lương tâm xã hội. Thực tế, đó là điều mà họ kiên tâm, vì họ biết rằng họ đi đúng hướng lịch sử và họ làm những gì cần phải làm. Thậm chí, kể cả ngày nay chúng tôi thất bại, những người tiếp nối chúng tôi, một ngày nào đó sẽ chiến thắng. Đó là hy vọng duy nhất của chúng tôi.
RFI : Kể cả ông, ông cũng đang tự chuốc rủi ro vì những quan điểm của mình đối với Bắc Kinh ?
Jimmy Lai : Chị biết không, trước khi có luật an ninh quốc gia, người ta thường xuyên cố tình làm tôi sợ, khi nói rằng tôi sẽ bị kết án chung thân ở Trung Quốc, hoặc tôi sẽ bị tử hình. Họ nói rất nhiều điều để khiến tôi phải sợ. Nhưng dĩ nhiên, họ sẽ quá thỏa mãn nếu tôi từ bỏ. Nhưng tôi không đi, tôi tự thấy xấu hổ, làm như thế tờ báo của tôi sẽ mất uy tín và tôi sẽ đẩy phong trào ủng hộ dân chủ vào chỗ nguy hiểm. Tôi đã khiến họ chán chường trong suốt 30 năm qua, tôi là một trong những người kịch liệt chống lại họ. Nếu ngày nào đó trận chiến thực sự xảy ra, tôi lại ra đi sao ? Tôi sẽ là một kẻ đớn hèn như thế nào ! Tôi không muốn trở thành người như thế.

Bão Mekkhala

thổi bay nhà xưởng ở Trung Quốc trong vài giây

Hải Lam
Bão Mekkhala đổ bộ khu vực ven biển tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc hôm 11/8, thổi bay một khu nhà xưởng trong vài giây, theo Daily Mail.
Chính quyền địa phương cho biết, cơn bão nhiệt đới Mekkhala với sức gió lên đến 119 km/giờ, đã đổ bộ vùng ven biển tỉnh Phúc Kiến sáng 11/8. Hãng truyền thông Pear đăng tải một video cho thấy bão kèm theo gió mạnh thổi bay một khu nhà xưởng của nhà máy ở thành phố Long Hải, tỉnh Phúc Kiến chỉ trong vài giây.
Một số video cũng ghi lại cảnh cơn bão làm bật gốc cây và phá hủy các ngôi nhà ở khu vực nó đi qua. Các nhà chức trách Trung Quốc đã nâng cảnh báo bão lên mức màu vàng trong thang cảnh báo 4 cấp, trong đó, màu đỏ là mức cao nhất, tiếp theo lần lượt là màu cam, vàng và xanh.
Cục Đo lường Trung Quốc cho biết Mekkhala, cơn bão thứ sáu trong năm nay, dự kiến ​​sẽ tiếp tục tấn công các vùng ven biển phía đông và phía nam của đất nước. Giới chức khuyến cáo người dân không đi lại trong thời điểm bão. Tân Hoa Xã đưa tin, các dịch vụ giao thông công cộng như tàu hỏa, máy bay tạm gián đoạn.

Trung Quốc gia tăng tập trận trên biển,

đe dọa cả đảo Guam của Mỹ

Trọng Nghĩa
Trong bối cảnh quan hệ với Washington căng thẳng hẳn lên, Bắc Kinh tổ chức một loạt các cuộc tập trận tại các vùng biển bao quanh Trung Quốc, từ vùng eo biển Đài Loan xuống đến Biển Đông. Theo ghi nhận của kênh truyền hình Mỹ CNN ngày 11/08/2020, Bắc Kinh thậm chí còn đe dọa tập trận bắn đạn thật ngay gần đảo Guam ở miền Tây Thái Bình Dương, sát Philippines, nơi đặt một căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ.
Cuộc diễn tập gần đây nhất của Trung Quốc diễn ra hôm 10/08 khi Bắc Kinh cho chiến đấu cơ vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan, một đường ranh giới không chính thức ngăn vùng biển giữa Hoa Lục và Đài Loan, buộc chính quyền Đài Bắc phải điều máy bay lên để ngăn chặn và xua đuổi.
Đây là một động thái hiếm hoi, vì từ năm 1999 đến nay, đây chỉ là lần thứ ba mà chiến đấu cơ Trung Quốc cố ý xâm nhập không phận Đài Loan như vậy. Hai lần trước là vào tháng Hai vừa qua và tháng Ba năm 2019. Theo giới phân tích, Bắc Kinh đã có động thái thị uy kể trên để biểu thị thái độ bất bình trước việc một bộ trưởng Mỹ chính thức đến thăm Đài Loan từ Chủ Nhật 09/08.
Trang web bằng Anh Ngữ của Quân Đội Trung Quốc đã không ngần ngại đăng lại một bài viết của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, khẳng định rằng động thái của Không Quân Trung Quốc là nhằm cho thấy Bắc Kinh không hài lòng đối với Washington về chuyến thăm Đài Loan của bộ trưởng Y Tế Mỹ Azar.
Bài viết còn đe dọa rằng nếu Washington không lùi bước trên vấn đề Đài Loan, quân đội Trung Quốc “sẽ có thêm biện pháp đáp trả, như tập trận bắn tên lửa thật ở phía đông Đài Loan hay gần đảo Guam”.
Theo giới phân tích, việc tập trận bắn tên lửa gần đảo Guam sẽ là một hành vi cực kỳ khiêu khích đối với Mỹ, vì hòn đảo ở phía đông Philippines này là nơi Hoa Kỳ đặt hai căn cứ quân sự trọng yếu: Căn cứ Không Quân Andersen và Căn cứ Hải Quân Guam.
Lời đe dọa tập trận gần Guam được đưa ra trong bối cảnh rộ lên những thông tin về một loạt những cuộc tập trận khác mà Quân Đội Trung Quốc đã và sắp tiến hành.
CNN cũng trích Hoàn Cầu Thời Báo cho biết là các lực lượng trên bộ và trên biển của Trung Quốc đã có nhiều cuộc tập trận trên biển và đổ bộ tấn công trong các tuần qua và sẽ tiếp tục những hoạt động này trong những tuần lễ sắp tới.
Trong số những cuộc tập trận gần đây, theo tờ báo, có cuộc tấn công giả định lên bãi biển trên đảo Hải Nam, bài tập đổ bộ ở tỉnh Quảng Châu, đợt diễn tập tấn công vượt biển ở tỉnh Phúc Kiến, và cuộc tập trận Không Quân phối hợp oanh tạc cơ, trang bị tên lửa, với các loại máy bay tiêm kích trên Biển Đông. Quân đội Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch cho một số cuộc tập trận bắn đạn thật trong tuần này và tuần sau.

Hứng lệnh trừng phạt của Mỹ,

Huawei không còn chip để sản xuất smartphone

Vũ Giang
Huawei, nhà sản xuất smartphone số một thế giới cho biết nguồn dự trữ chipset Kirin đang dần cạn kiệt do ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của Mỹ, the AP đưa tin.
Richard Yu, giám đốc điều hành bộ phận kinh doanh tiêu dùng của Huawei cho biết, từ tháng sau (tức tháng 9 tới), Huawei sẽ không thể sản xuất chip Kirin của riêng mình do sức ép kinh tế liên tục từ phía Mỹ.
“Thật không may, theo lệnh trừng phạt lần thứ hai từ phía Mỹ, các nhà sản xuất xuất chip chỉ cung cấp cho chúng tôi đơn đặt hàng đến ngày 15/5 và việc sản xuất (smart phone) sẽ phải ngừng vào ngày 15/9”, ông Yu cho biết tại một hội nghị hôm 7/8.
“Năm nay có thể là thế hệ cuối cùng của dòng điện thoại cao cấp Huawei sử dụng chip Kirin”, ông Yu nói thêm.
Rất có khả năng vi xử lý Kirin mới được ra mắt vào năm 2020 sẽ là chipset cao cấp cuối cùng của Huawei. Đồng thời chiếc Huawei Mate 40 sắp tới có thể là sản phẩm cuối cùng dùng chip Kirin.
Trước đó Mỹ đã cáo buộc Huawei bí mật cài các back doors (cổng hậu) trên các cơ sở hạ tầng mạng nhằm hỗ trợ cho các nỗ lực gián điệp của chính phủ Trung Quốc.
Huawei đã phủ nhận cáo buộc này nhưng điều đó không ngăn cản chính quyền tổng thống Trump liệt Huawei và 114 công ty thành viên vào danh sách thực thể nhằm hạn chế tiếp cận vào tháng 5/2019.
Do đó các công ty Mỹ không thể bán công nghệ cho Huawei mà không có sự chấp thuận của chính phủ.
Google đã bị cấm kinh doanh với Huawei, khiến Huawei không được phép dùng Android và các ứng dụng của Google trên các sản phẩm của mình.
Tiếp đó Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành một quy tắc xuất khẩu để chặn các lô hàng bán dẫn cho Huawei. Quy tắc này đã ngăn cản các nhà sản xuất chất bán dẫn nước ngoài sử dụng phần mềm và công nghệ của Mỹ khi bán sản phẩm cho Huawei.
Nếu muốn họ phải có giấy phép từ chính phủ Mỹ. Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) là một ví dụ khi đã phải tạm dừng các đơn đặt hàng chip HiSilicon Kirin của Huawei vào tháng 5 do quy định mới.
Theo phân tích của Canalys, bất chấp ảnh hưởng từ lệnh cấm, đầu năm nay Huawei đã vượt mặt Samsung và trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới, với lượng điện thoại xuất xưởng nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6.
Wall Street Journal cho biết, nhà sản xuất chip của Mỹ là Qualcomm đã yêu cầu chính quyền Trump giảm bớt các hạn chế đối với việc bán linh kiện cho Huawei và cho phép hãng này bán các loại chip được sử dụng trong điện thoại 5G của họ.

Đánh cắp danh tính công dân Mỹ,

Trung Quốc tạo phiếu bầu giả can thiệp bầu cử 2020

Quý Khải
Căng thẳng Trung-Mỹ đang trở nên ngày càng gay gắt. Chưa đầy 100 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống, ĐCSTQ đã dùng vô số biện pháp để can thiệp nhằm thao túng kết quả, và lần này là thông qua thủ đoạn bằng lái xe giả, theo Epoch Times.
Hải quan Mỹ gần đây thông báo họ bắt giữ được một lô hàng lớn bằng lái xe giả trong hành lý của những người đến từ Trung Quốc và Hồng Kông.  Một số nhà phân tích cho rằng đây là bằng chứng về “cuộc chiến không giới hạn” của Trung Quốc nhắm vào Mỹ và nỗ lực thao túng bầu cử Mỹ của Bắc Kinh.
Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm nay tại sân bay Chicago, hải quan Mỹ đã thu giữ được 20.000 bằng lái xe giả.
Ngày 9/8, đài Fox News của Mỹ đưa tin:
“Một lượng lớn bằng lái xe giả từ Trung Quốc và những nơi khác đã tràn vào Mỹ”.
Hồi cuối tháng 7, Hải quan Mỹ thông báo rằng chỉ trong nửa đầu năm nay, chỉ tính riêng tại Sân bay Quốc tế Chicago’s O’Hare (O’Hare International Airport), họ đã thu giữ được gần 20.000 bằng lái xe giả.
Theo Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP), các nhân viên thực thi pháp luật đã thu giữ được 19.888 giấy phép lái xe giả trong 1.513 chuyến hàng hóa quốc tế. Ngoại trừ một số nhỏ từ Hàn Quốc và Anh, các giấy phép này chủ yếu bắt nguồn từ Hồng Kông và Trung Quốc.
Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ tại thành phố Chicago đã báo cáo rằng băng nhóm ăn cắp bằng lái xe giả đã bí mật buôn lậu bằng lái giả, cất giấu chúng trong các hộp đựng trà và đồ trang sức từ đại lục chuyển sang Mỹ. Một lô bằng lái xe giả bị tịch thu ban đầu được bán cho 20 sinh viên trong cùng một trường đại học (ảnh chụp màn hình CBS News).
Báo cáo của Hải quan Mỹ không tiết lộ tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa của họ. Ví dụ, 1.513 lô hàng này đã được lấy ra từ hàng chục nghìn khối hàng hóa quốc tế. Nếu tỷ lệ kiểm tra thực tế của chúng là tương đối thấp, thì có khả năng rất nhiều bằng lái xe giả đã tràn ngập vào Hoa Kỳ.
Giới chức trách tin rằng nhóm tội phạm có ý định sử dụng những tài liệu giả này để tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp, bao gồm đánh cắp danh tính, lao động bất hợp pháp hoặc buôn lậu thông tin cá nhân, cùng các hoạt động nhập cư bất hợp pháp. Các tài liệu giả mạo cũng có thể được những tên khủng bố sử dụng để giảm khả năng bị truy bắt trong quá trình phạm tội.
Năm 2019, thành phố Dallas đã thu giữ được khoảng 2000 bản sao giấy tờ tùy thân giả mạo. Mùa thu năm ngoái, bang Kentucky đã tịch thu được 3.000 bằng lái xe giả. Những vật phẩm này đều được gửi đến New York, và một lô bằng lái xe giả đã được cấp cho những tên tội phạm hiếp dâm trẻ em ở New York. Các nhân viên hải quan tin rằng những kẻ này đang sử dụng thẻ căn cước giả để thu hút những thanh thiếu niên nhẹ dạ.
Tuy nhiên, bằng lái xe Mỹ giả từ Trung Quốc có thể ẩn giấu những âm mưu không ngờ.
Trung Quốc tạo bằng lái xe giả để thao túng bầu cử Mỹ
Theo phân tích từ kênh truyền thông Lutheran News Agency, những bằng lái xe giả này có thể được dùng để thao túng bầu cử Mỹ. Bởi vì “bằng lái xe ở Mỹ giống với thẻ căn cước và có thể được dùng làm chứng nhận danh tính trong cuộc tổng tuyển cử”.
Tờ Luther phân tích:
“Tổng thống Trump đã giành được 70.000 phiếu bầu vào năm 2016. Nhưng điều quyết định ai trúng cử phụ thuộc vào 500.000 swing-voters (những cử tri dao động, đang phân vân, có thể không đi bầu). Vậy bạn chỉ cần dùng các các phiếu bầu giả mạo để ấn định kết quả tại các khu vực dao động này”.
“ĐCSTQ thu thập lượng lớn dữ liệu người dân Mỹ thông qua TikTok, và các tin tặc của Bắc Kinh cũng đã đánh cắp hàng chục triệu thông tin tín dụng xã hội từ ba công ty tín dụng lớn ở Mỹ. Bạn có thể biết cử tri nào đang dao động; nếu có đủ dữ liệu phân tích, các phiếu bầu giả sẽ được nhắm đến những cử tri này, bầu thay cho họ. Mỗi tiểu bang, thậm chí chỉ cần 50.000 phiếu bầu cho mỗi tiểu bang là có thể hoàn toàn thay đổi cục diện bầu cử”, hãng tin Lutheran nhận định.
Giám đốc CBP tại khu vực Dallas, ông Timothy Lemaux cho biết việc kiếm được một tấm bằng lái xe giả ở nước ngoài, như ở Mỹ, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn vì bạn phải cung cấp thông tin cá nhân của mình.
“Ngoài trừ số lượng thẻ căn cước giả mạo khổng lồ mà chúng tôi ghi nhận được ra, điều đáng lo ngại nhất là sự tùy tiện: Rất nhiều thanh niên trẻ tùy tiện cung cấp thông tin cá nhân của họ cho những người bán thẻ căn cước giả”.
Những thông tin cá nhân này có thể được kẻ xấu lợi dụng để tạo thẻ căn cước giả, từ đó can thiệp bầu cử Mỹ.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan pháp luật địa phương để tuyên truyền rộng rãi cho công chúng về những nguy hiểm tiềm tàng của việc mua bằng lái xe giả từ các nhóm tội phạm và tùy tiện chia sẻ thông tin cá nhân”, ông Lemaux nói.
Ralph Piccirilli, Quyền Giám đốc CBP tại Cảng Khu vực thành phố Chicago, tuyên bố rằng những giấy tờ giả này có mức độ làm giả rất cao. Hầu hết các ID giả nhắm vào các sinh viên đại học, và rất nhiều ID giả in ảnh chân dung giống hệt, chỉ có tên họ là khác nhau. Điều khiến các nhà chức trách sửng sốt nhất là có một lô bằng lái xe giả ở bang Michigan có in mã vạch thật.
Trung Quốc đánh cắp danh tính thanh niên Mỹ thông qua TikTok và công nghệ AI
Nhà bình luận thời sự Wang Hua cho biết thực sự có các doanh nghiệp trái phép trên Internet đang rao bán bằng lái xe và bằng tốt nghiệp đại học giả.
“Các quan chức hải quan CBP cho rằng rất nhiều bằng lái xe giả đã được nhiều thanh thiếu niên Mỹ trẻ tuổi mua. Ngoài ra, cũng có dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ đã nỗ lực đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng Mỹ thông qua TikTok, hoặc thông qua các hacker”.
Gần đây, hơn 20 phụ huynh đã kiện TikTok vì cáo buộc đánh cắp thông tin cá nhân như ảnh, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nhà, … của con em họ. ĐCSTQ có thể lợi dụng thông tin này để tạo nên những tấm bằng lái xe trông giống như thật.
“Trong cuộc bầu cử Mỹ, giấy phép lái xe có chức năng nhận dạng tương tự hộ chiếu. Người bỏ phiếu có thể sử dụng bằng lái xe để điền vào các lá phiếu. Nhiều bằng lái xe giả bị hải quan thu giữ đều có ảnh
giống nhau. Nói cách khác, ĐCSTQ chỉ cần thuê một người sử dụng nhiều bằng lái xe giả khác nhau, bỏ phiếu lặp đi lặp lại tại nhiều điểm bầu cử khác nhau là có thể khiến kết quả bầu cử bị sai lệch”.
Hiện tại, ĐCSTQ đã làm chủ được công nghệ nhận dạng khuôn mặt, đồng thời cũng nắm vững bản đồ gen người và công nghệ dữ liệu lớn (big data), có thể biết được cấu trúc mặt phổ biến nhất của các dân tộc khác nhau. Nhờ đó, ĐCSTQ có thể sử dụng những dữ liệu này để làm giả nhiều tấm bằng lái xe. Người có tên có thể không đi bỏ phiếu, trong ĐCSTQ lại dùng người khác để bầu thay cho anh ta.
Theo luật Mỹ, những người đủ 18 tuổi mới được phép đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, trước sự thờ ơ chính trị và những vấn đề khác có vẻ thiết thực hơn, những người Mỹ trẻ tuổi thường không muốn đi bỏ phiếu, do đó bằng lái xe giả do ĐCSTQ tạo ra hầu hết mạo danh các sinh viên đại học từ 20 tuổi trở lên.
Đối với mã vạch thực tế trên giấy phép lái xe Michigan giả mạo bị tịch thu, nhà phân tích Wang Hua cho rằng đây có thể là thông tin mã vạch mà tin tặc Trung Quốc đánh cắp được sau khi xâm nhập vào hệ thống máy tính của nhà sản xuất giấy phép lái xe Michigan.
Ông Wang Hua cho rằng Trung Quốc đang bị Mỹ dồn ép vào chân tường và đang nỗ lực tuyệt vọng nhằm phá hoại cuộc bầu cử tổng thống sắp tới để khiến ông Trump thua cuộc. Nhưng ông cho rằng Hoa Kỳ sẽ tìm ra bằng chứng.
“ĐCSTQ sẽ sử dụng nhiều thủ đoạn hơn trong tương lai, và Mỹ đã bắt đầu biết cảnh giác rồi. Chính phủ Mỹ đã treo thưởng 10 triệu USD để khích lệ người dân cung cấp bằng chứng cho thấy ĐCSTQ đang can thiệp vào cuộc bầu cử. Người ta ước tính rằng sẽ sớm có những người Trung Quốc tham gia vào trong những đường dây gian lận này đứng lên và thú nhận, vì tương lai của họ và gia đình họ”.

Trung Quốc bác bỏ chỉ trích của bộ trưởng y tế Mỹ

Trung Quốc hôm 12/8 nói rằng Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar “tệ nhất trên thế giới” trong việc kiểm soát COVID-19 đồng thời bác bỏ lời chỉ trích Trung Quốc mà quan chức này nói trong chuyến thăm kéo dài ba ngày tới Đài Loan, theo Reuters.
Ông Azar hôm 11/8 công kích phản ứng của Trung Quốc về COVID-19, nói rằng nếu dịch bệnh như vậy bùng phát ở Đài Loan hay ở Hoa Kỳ thì nó có lẽ “đã được dập tắt một cách dễ dàng”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng dịch bệnh ở Mỹ “mất kiểm soát” và trách nhiệm thuộc về ông Azar.
Ông Zhao được Reuters trích lời chỉ trích ông Azar “bỏ mặc hàng triệu người Mỹ đang mắc virus và tới Đài Loan” vì “các lợi ích chính trị ích kỷ”.
Ông Azar là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới thăm Đài Loan trong vòng 4 thập kỷ, giữa lúc căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung vì nhiều vấn đề.
Theo Reuters, Tổng thống Trump hôm 11/8 nói rằng quan hệ của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xấu đi vì dịch bệnh và họ đã không trao đổi với nhau trong một thời gian dài.
Chính quyền của ông Trump đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc che giấu dịch bệnh và không chia sẻ thông tin về COVID-19. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc này, theo Reuters.

Video so sánh Tập Cận Bình và Hitler

 bị đại sứ quán Trung Quốc yêu cầu gỡ

Phụng Minh
Tác giả đoạn video này cho biết sẽ không xóa theo yêu cầu.
Nitin Gokhale, người sáng lập cổng thông tin Ấn Độ Strat News Global đã công bố một đoạn video trên kênh của mình vào ngày 1/8, trong đó để ông Tập Cận Bình xếp ngang hàng với Hitler. Đại sứ quán Trung Quốc đã đe dọa, nói rằng nếu video không được gỡ bỏ, nó sẽ có “tác dụng tiêu cực”.
Chuyên gia phân tích các vấn đề chiến lược và là tác giả của nhiều bài báo, Gokhale cho biết ông đã nhận được điện thoại của phát ngôn viên Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ, Kê Dung cho biết, phía Trung Quốc đưa ra phản đối đối với đoạn video của ông.
Ngoài việc được đăng trên cổng thông tin Strat News Global, đoạn video cũng đã được tải lên các phương tiện truyền thông xã hội như Youtube và Twitter.
Đoạn video đang gặp rắc rối này dài 7 phút và có tiêu đề “Xi – Tler? Tập Cận Bình bắt chước Adolf Hitler!”, so sánh Hitler và Tập Cận Bình, nói về thời kỳ cầm quyền nguyên thủ quốc gia của họ bắt đầu như thế nào và họ có điểm gì chung.
Cho đến nay, video đã có hơn 200.000 lượt xem trên YouTube.
Phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ, cho biết bà bị sốc khi xem đoạn video và hy vọng nó sẽ được xóa do tính nhạy cảm của nội dung. Theo Gokhale, phát ngôn viên Kê Dung cũng nói với ông rằng uy tín của kênh tin tức của ông đã bị đe dọa.
Đối với câu hỏi về việc có xóa video hay không, Gokhale nói với Kê Dung rằng không thể xóa video, nhưng ông cũng nói rằng mình sẵn sàng đăng tải công khai bức thư chất vấn, phản bác video và hứa sẽ công bố nó mà không chỉnh sửa, biên tập. Gokhale nói thêm rằng ông sẵn sàng phỏng vấn Kê Dung hoặc các quan chức khác của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ.
Gokhale nói thêm: “Bà ấy (Kê Dung) luôn nói rằng video này là không thể chấp nhận được, và sau đó nói rằng hãy xóa video đi, nếu không nó sẽ có tác động tiêu cực”.
Khi Gokhale hỏi hậu quả sẽ như thế nào, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc đã nói rằng ông hãy hiểu sự nhạy cảm của sự việc.
Về việc có chấp nhận cuộc phỏng vấn hay không, Kê Dung nói rằng sẽ trả lời ông sau khi nói chuyện với quản lý cấp cao.
Sau hai ngày chờ đợi, khi một đồng nghiệp của Gokhale hỏi Kê Dung về tình hình, bà này đã gửi một tin nhắn WhatsApp rằng: “Hãy xem xét yêu cầu xóa video của chúng tôi, nếu không sẽ có hậu quả nghiêm trọng”.
Theo Luke, Secretchina
Phụng Minh biên dịch

Nhân viên truyền thông Trung Quốc

vượt tường lửa hàng ngày,

các quan chức âm thầm thoái đảng

Phụng Minh
Đó là chia sẻ của cựu nhân viên đài truyền hình thân chính quyền Trung Quốc.
Sáng ngày 8/8, Trung tâm Dịch vụ thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) của Canada đã tổ chức một cuộc mít tinh và lễ diễu hành xe hơi tại Pacific Place ở Toronto. Các biểu ngữ như “ĐCSTQ không phải Trung Quốc” và “Trời diệt Trung cộng, tam thoái bảo bình an” cùng các biểu ngữ khác, ủng hộ hơn 360 triệu người Trung Quốc đã làm thủ tục thoái xuất hỏi ĐCSTQ.
Sau sự kiện này, phóng viên của Secretchina đã phỏng vấn anh Trương Chân Du (Zhang Zhenyu), một cựu phóng viên của Phoenix (kênh truyền thông có trụ sở tại Hồng Kông và có mối quan hệ mật thiết với chính quyền Trung quốc), người đã phát biểu tại cuộc biểu tình và Thành Tuyết (Sheng Xue), phó chủ Mặt trận cho một Trung Quốc dân chủ toàn cầu.
Trương Chân Du: Các quan chức thiết yếu, cấp cao của ĐCSTQ đều đã âm thầm thoái đảng
Trương Chân Du là một cựu phóng viên của chuyên mục các vấn đề thời sự thuộc Đài truyền hình Phượng Hoàng (Phoenix) nói với Secretchina rằng anh đã bị ĐCSTQ đàn áp vì khăng khăng muốn đưa tin về sự kiện ở đại lục. Anh đã thoái đảng và đến Canada vào năm 2018. Ngay từ năm 2012, anh đã công bố ba tuyên bố thoái Đảng, Đoàn, Đội (tam thoái) trên trang web của Epoch Times.
Trương tiết lộ rằng ba hoạt động thoái xuất này hiện đang nổi tiếng ở Trung Quốc đại lục, đặc biệt là trong giới đảng viên, “bao gồm các quan chức, thành viên gia đình và thậm chí là con cái của một số cán bộ bộ phận chủ chốt của ĐCSTQ, một số sinh viên ở nước ngoài, hoặc một số nhân viên của phương tiện truyền thông thân ĐCSTQ”. “Các đảng viên đã âm thầm tham gia ba hoạt động thoát xuất. Giờ đây, tất cả đều nhìn thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan mà ĐCSTQ đang phải đối mặt trên thế giới”.
Các nhân viên truyền thông của ĐCSTQ vượt tường lửa mỗi ngày
Anh Trương cho biếtcác phương tiện truyền thông Trung Quốc ở nước ngoài như Secretchina và Epoch Times đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ người Trung Quốc. “Khi tôi lần đầu tiên làm việc trong lĩnh vực truyền thông đại lục, tôi đã ở trong tổ chức tin tức của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện, nơi đòi hỏi phải gian lận. Phần mềm vượt tường lửa mà chúng tôi sử dụng là
Freegate. Chúng tôi đã sử dụng Freegate cách đây rất lâu để đọc báo, giống như phương tiện truyền thông của bạn mà chúng tôi thường đọc. Các bạn có rất nhiều thông tin, đặc biệt là về nội tình tại Trung Quốc. Đây, nhiều người lấy đó làm tài liệu tham khảo. Bạn hiểu không? Các bạn thực sự rất quan trọng! Là một lực lượng rất mạnh trong giới truyền thông tiếng Hoa”.
Trương Chân Du nói với phóng viên của Secretchina rằng những người trong giới truyền thông đại lục thực sự hiểu ĐCSTQ là gì, nhưng vấn đề chỉ là họ lựa chọn như thế nào. Bây giờ các phương tiện truyền thông trong nước đang bị đàn áp và kiểm soát ngày càng nghiêm trọng, ĐCSTQ không thể nghe thấy bất kỳ lời chỉ trích nào.
“Một số người làm báo vì lý tưởng làm báo. Cũng giống như khi tôi làm tin thời sự, tôi muốn trở thành một nhà báo được nhiều người biết đến và giúp đỡ được nhiều người hơn. Nhưng từ kinh nghiệm của mình, tôi thấy điều đó ngày càng rất khó thực hiện (khi làm việc dưới kiểm soát của ĐCSTQ – PV), ví dụ như một số nội dung liên quan đến bài báo sẽ nhanh chóng bị loại bỏ, sau đó cá nhân tôi sẽ bị trừng phạt, thậm chí, đồng nghiệp xung quanh tôi dần dần sẽ bị bắt và bị kết án”.
Anh Trương thở dài và tiếp tục: “Bây giờ nhiều người xung quanh tôi, nhiều người làm ở các kênh truyền thông đã đến (Mỹ,Canda…) và khá nhiều người ở cấp cao nhất đã xuất cảnh. Bên cạnh tôi, ở Canada, có một số phóng viên báo đài tôi biết trước đây… Bạn không thể biểu quyết bằng tay không thể nói bằng miệng, vậy bạn không thể chạy bằng chân của mình sao?”
ĐCSTQ sử dụng những người làm truyền thông để thâm nhập vào Hoa Kỳ
Trương Chân Du nói rằng ĐCSTQ từ trước đến nay rất giỏi trong việc xâm nhập. “Về mặt xâm nhập thì rất chuyên nghiệp, nó không thể tấn công từ bên ngoài mà chỉ có thể từ bên trong pháo đài tạo ra một số sự cố, và sau đó để pháo đài của bạn mắc phải bệnh dịch hoặc là loạn lên, chính là để giảm bớt một phần áp lực của chính ĐCSTQ”.
“Mục đích thâm nhập chính của ĐCSTQ là một số phương tiện truyền thông quốc tế lớn. Theo tôi hiểu, bản thân ĐCSTQ đánh giá hầu hết các nhà văn hóa ở các nước phương Tây, đặc biệt là các nhà báo, hầu hết họ đều là cánh tả. Vì vậy, nó (ĐCSTQ) sẽ mở rộng một số sự tình, như lần này là phong trào “Black Lives Matter” (Mạng của người da đen quý giá). ĐCSTQ sẽ mượn những chuyện như vậy, từ bên ngoài tuyên truyền thêm lên, thậm chí trực tiếp tham gia vào, chia rẽ các nước Âu Mỹ, để giải tán áp lực dư luận và sự bao vây, đàn áp kinh tế của ĐCSTQ từ các nước Âu Mỹ”.
Anh Trương nói tiếp: “ĐCSTQ hy vọng rằng Hoa Kỳ và Canada sẽ gặp nhiều rắc rối, để họ bị quá tải, sẽ không thể tập trung vào việc đối phó với ĐCSTQ. Ngoài ra, nó đã mua một số học giả có tiếng nói, phương tiện truyền thông mạnh mẽ và một số phóng viên tên tuổi lên tiếng ủng hộ ĐCSTQ vào những thời điểm quan trọng”.
Anh đưa ra một ví dụ: “Tôi có một đồng nghiệp phụ trách mảng quảng cáo ở nước ngoài của China Daily (Nhật báo Trung Quốc). Trước đây anh ấy là phóng viên, sau đó chuyển sang quản lý phụ trách quảng cáo. Tất cả đều có thể được đăng lên Washington Post hay trên bảng quảng cáo giữa Quảng trường Thời đại. Đặc biệt là vào những thời điểm quan trọng, anh ấy có rất nhiều ngân sách và anh ấy đã đến các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ để đặt quảng cáo. Anh ấy nói với tôi rằng ngay cả khi Hoa Kỳ bao vây hoặc tấn công ĐCSTQ, vì có lợi ích tài chính như thế này nên các cuộc tấn công sẽ hạ nhiệt một cách thích hợp”.
Ngoài ra, ĐCSTQ cũng đã mua một số phương tiện truyền thông ở nước ngoài, cũng như các phương tiện truyền thông Trung Quốc đỏ làm cơ quan ngôn luận của mình”. Bao gồm một số tài khoản công cộng trên phương tiện truyền thông mới nổi, báo chí, và rất nhiều công ty nhỏ mà sự thực là do những công ty khổng lồ đứng đằng sau chi tiền”.
“Tam thoái” để người Trung Quốc tự cứu mình
Thành Tuyết, Phó chủ tịch Mặt trận cho một Trung Quốc dân chủ toàn cầu, đã nói với phóng viên Secretchina rằng các nước trên thế giới đã bắt đầu bao vây và đàn áp ĐCSTQ. Đến thời điểm này, nó đã đặt ra một bài kiểm tra nghiêm khắc nhất đối với tất cả người dân Trung Quốc: Bạn có muốn đồng hành cùng một ĐCSTQ tà ác như vậy, là kẻ cuối cùng bị lịch sử ruồng bỏ? Hay bạn phải lựa chọn để có được một cuộc sống mới thực sự?
Bà Thành Tuyết, Phó chủ tịch Mặt trận cho một Trung Quốc dân chủ toàn cầu (ảnh: Secretchina).
Bà Thành Tuyết nói rằng “tam thoái” (thoái xuất khỏi Đảng, Đoàn, Đội) ngày nay chính là đã để lại một con đường để người Trung Quốc tự cứu mình. “Mọi người bây giờ nên tự hỏi bản thân liệu họ có muốn tự cứu mình không? Có muốn tự cứu mình trong quá trình giải thể ĐCSTQ và mở ra một cuộc sống mới?”
“Cuộc sống mới là dành cho tất cả mọi người, mọi người đều có thể hưởng tự do, nhân quyền, bình đẳng, tôn trọng và những lợi ích của một quốc gia dân chủ. Đây là đối với mọi người đều có chỗ tốt”.
Theo Julie, Secretchina
Phụng Minh biên dịch

Làn sóng đào tẩu của các quan chức Trung Quốc:

 ‘Mỗi ngày đều có người mất tích’

Vũ Dương
Nhà tài phiệt Viên Cung Di nói chính quyền Trung Quốc “…hoàn toàn không có cách nào nữa, cũng không có sức đánh trả“.
Cuối tháng 7, khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán của nhau, đã làm dấy lên quan ngại về sự chia cắt của quan hệ Mỹ-Trung. Gần đây, có thông tin cho rằng 40 nhà báo Trung Quốc tại Mỹ không được gia hạn visa, đối mặt với việc bị trục xuất. Thông tin trên kết hợp với báo cáo trước đó của tờ New York Times rằng chính quyền Tổng thống Trump đang cân nhắc đến việc cấm toàn diện đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và người nhà của họ đến Mỹ, đã khiến các ký giả, nhà ngoại giao và đảng viên ĐCSTQ hoảng sợ. Nhà tài phiệt Hồng Kông Viên Cung Di trong buổi ghi hình trò chuyện với truyền thông hải ngoại còn tiết lộ rằng rất nhiều đảng viên ĐCSTQ lo lắng sau khi trở về Trung Quốc thì không thể xuất ngoại được nữa, rất nhiều người đều đang bỏ trốn, thậm chí “mỗi ngày đều có người mất tích”.
Ngày 5/8, ông Viên Cung Di trong buổi phỏng vấn với Epochtimes tiết lộ rằng ông nghe nói có rất nhiều đảng viên ĐCSTQ đang ẩn náu ở Hoa Kỳ, có người là nhà ngoại giao, có người là nhân viên tình báo, có gần 1.000 người đã xin tị nạn chính trị. Lần này thật sự gay go rồi. Như vậy nó (ĐCSTQ) sẽ không thể giữ bí mật nữa, mọi hoạt động của trên đất Mỹ đều sẽ bị phơi bày (những đảng viên này muốn ở lại Mỹ sẽ thoái đảng và tiết lộ ví mật – PV).
Ông nói rằng có những người khi họ nhập cư vào Hoa Kỳ cũng là đảng viên ĐCSTQ, và họ đã không bộc lộ thân phận trước đó. Nhưng những người này đều không muốn quay về Trung Quốc, họ không biết một khi về đến đó rồi sẽ phải đối mặt với một thế giới như thế nào, họ lo lắng rằng một khi về đó rồi thì không thể xuất ngoại được nữa. Một số đảng viên ngầm và đảng viên giấu mặt cũng đã bước ra. Còn có rất nhà ngoại giao, rất nhiều quan chức làm việc tại lãnh sự quán, mỗi ngày đều có người “mất tích”.
Hoa Kỳ thay đổi sách lược, đào tẩu của giới truyền thông ngày càng nghiêm trọng
Theo phân tích của các chuyên gia và nhân sĩ quan sát các vấn đề Trung Quốc, Hoa Kỳ gần đây đã tuyên bố “làm trong sạch mạng lưới Internet”, cấm WeChat và TikTok, hạn chế thị thực đối với các nhà báo Trung Quốc. Đây đều là những tiêu chuẩn mới trong sách lược đối đầu với Trung Quốc của Hoa Kỳ: từ “có lợi cho nhau” chuyển sang “nhận gì trả nấy”. “Nhận gì trả nấy” có nghĩa là Hoa Kỳ xuống tay sẽ không còn khách khí nữa, Trung Quốc thế nào thì Hoa Kỳ sẽ đáp trả như thế ấy.
Trước khi Hoa Kỳ xuống tay với các công ty công nghệ internet đa quốc gia của Trung Quốc như ByteDance và Tencent, thì WeChat, QQ, Tik Tok và Weibo đều đã tiến nhập vào thị trường Hoa Kỳ, trong khi các công ty công nghệ của Hoa Kỳ như Google, Twitter và Facebook lại không thể hoạt động ở Trung Quốc.
ĐCSTQ có thể kể “những câu chuyện của Trung Quốc” trên các tấm bảng quảng cáo ở quảng trường Thời đại của New York; trong khi Hoa Kỳ ở Trung Quốc chỉ có thể kể “những câu chuyện của nước Mỹ” trên các trang web chính thức của đại sứ quán nước mình.
Người Trung Quốc có thể mua bất động sản ở Hoa Kỳ mà không phải chịu bất kỳ sự hạn chế nào, trong khi người Mỹ ở Trung Quốc phải làm việc hơn một năm để mua nhà, hơn nữa mục đích chỉ là để ở, và còn cần được các bộ phận liên quan “xem xét và phê duyệt”.
Thêm một ví dụ khác: Trung Quốc có 3.000 ký giả thường trú tại Hoa Kỳ, trong khi các ký giả của Mỹ ở Trung Quốc lại chưa đến 100 người. Ký giả Trung Quốc chỉ cần có thể duy trì tư cách nhà báo thì sẽ không chịu giới hạn thời gian cư trú của họ ở Hoa Kỳ; trong khi thẻ tác nghiệp của các phóng viên Mỹ tại Trung Quốc phải được chính quyền Trung Quốc gia hạn hàng năm.
Sau khi Hoa Kỳ dự tính “nhận gì trả nấy”, Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ “Thời báo Hoàn Câu” – kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ, ngày 3/8 đã nói trên Weibo rằng thị thực của gần 40 phóng viên ĐCSTQ tại Hoa Kỳ sắp hết hạn, đến nay vẫn chưa có ai được gia hạn thị thực, và họ có thể bị buộc phải rời khỏi Hoa Kỳ.
Viên Cung Di cho rằng lần này áp lực lớn như vậy cho giới báo chí, các ký giả cũng không muốn quay về, nước Mỹ tốt như vậy, tại sao phải trở về Trung Quốc? Về rồi còn có thể bị đấu tố, vậy nên thật sự mà nói nếu trở về có thể lành ít dữ nhiều.
Ông Viên Cung Di ước tính rằng có rất nhiều phóng viên truyền thông sẽ nộp đơn xin tị nạn chính trị. Ở Mỹ đây là một vấn đề rất đơn giản, hơn nữa rất nhiều phóng viên trên thực tế đều là gián điệp của ĐCSTQ nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Ông Viên nói, “ĐCSTQ làm gì có phóng viên thật sự? Các phóng viên thông thường của ĐCSTQ kỳ thực đều là gián điệp cả. Ở đó có đến mấy trăm người. Theo công bố của chính phủ Hoa Kỳ thì có đến mấy nghìn người đã nhập cảnh vào Mỹ với tư cách là phóng viên. Bây giờ tất cả họ đều phải bị trục xuất. Nếu không muốn trở về Trung Quốc, lối thoát duy nhất chính là tìm kiếm tị nạn chính trị”.
Một nửa số hộ chiếu Hồng Kông được trao cho các quan chức cấp cao của ĐCSTQ
Ông Viên Cung Di nói rằng Hoa Kỳ đã biết rất nhiều phóng viên Trung Quốc có hộ chiếu Hồng Kông, trên thực tế những người này có liên quan với các quan chức cấp cao của ĐCSTQ. Chính phủ Hồng Kông đã đưa ra 10 triệu hộ chiếu, tuy nhiên dân số thực tế của Hồng Kông chỉ có 7 triệu người, trong đó số người Hồng Kông thật sự xin sử dụng hộ chiếu chỉ có 5 triệu. Điều này có nghĩa là một nửa số hộ chiếu Hồng Kông được dùng làm “quà tặng” cho các quan chức cấp cao của ĐCSTQ.
Người Trung Quốc có được hộ chiếu Hồng Kông có một số là phe phái ngầm, một số thì nhờ vào quyền lực của các quan chức cấp cao. Hiện giờ, chính phủ Hoa Kỳ cũng đã biết điều này, nên muốn bãi bỏ địa vị đặc thù của Hồng Kông.
Ông Viên bày tỏ việc hộ chiếu Hồng Kông bị lạm dụng cho thấy toàn bộ hệ thống của Hồng Kông đã bị phá hủy từ lâu. Trước khi Hồng Kông được chuyển giao chủ quyền cho Trung Quốc vào năm 1997, tư liệu cá nhân của người dân Hồng Kông đã được chuyển cho ĐCSTQ.
Ông Viên Cung Di nói rằng trên thực tế, các quan chức cấp cao của Trung Quốc hiện đã không còn lạc quan về Hồng Kông nữa, Hồng Kông đã bị ĐCSTQ làm thành như vậy, và hầu hết họ đều muốn được ở lại Hoa Kỳ.
Làn sóng đào tẩu mang tính toàn cầu của các quan chức ĐCSTQ
Mấy năm trở lại đây, những vụ đào tẩu của các quan chức trong thể chế ĐCSTQ liên tục bị phanh phui. Vào ngày kỷ niệm 16 năm của sự kiện Lục Tứ, ông Trần Dụng Lâm – Bí thư chính trị hạng nhất của Lãnh sự quán ĐCSTQ tại Sydney, ông Hách Phụng Quân – cựu quan chức Phòng 610 (công cụ Pháp Luân Công) và Cục Bảo vệ An ninh quốc nội Thiên Tân, cùng một quan chức cấp cao khác xin giấu tên, cả 3 người đã nộp đơn xin tị nạn chính trị lên chính phủ Úc. Tiếp sau đó, ông Hàn Quảng Sinh, cựu Cục trưởng Cục Tư pháp Thẩm Dương đã bỏ trốn sang Canada, sau 3 năm 9 tháng im lặng, ông cũng công khai tuyên bố thoái xuất khỏi ĐCSTQ.
Năm 2006, ông Lý Phụng Trí, người từng làm việc trong Bộ An ninh Quốc gia của ĐCSTQ đã đào tẩu sang Mỹ và tuyên bố thoái xuất khỏi ĐCSTQ. Trang Agence France-Presse (AFP) đưa tin, trong một cuộc họp báo do đoàn thể học viên Pháp Luân Công tổ chức ở Washington, ông Lý Phụng Trí đã tuyên bố rằng bản thân ông đã từng công tác vài năm trong Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc. Khi ông nhận thấy phạm vi công việc của ông bao gồm theo dõi những người bất đồng chính kiến, các học viên Pháp Luân Công, những người trong tôn giáo và quần thể những người yếu thế, ông cảm thấy “vô cùng phẫn nộ”.
Ông nói: “ĐCSTQ không chỉ sử dụng dối trá và bạo lực để chống lại những người đòi hỏi các quyền cơ bản của con người, mà họ còn cố gắng hết mức để che giấu sự thật với cộng đồng quốc tế”.
Các quan chức ĐCSTQ đã nộp đơn xin tị nạn chính trị cho chính phủ Úc và Canada nói trên tuy chức nghiệp cụ thể và cấp bậc khác nhau, nhưng họ đều bày tỏ rằng cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công do cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân phát động thật quá tàn nhẫn và đẫm máu, khiến họ thà từ bỏ lợi ích hậu hĩnh trong công việc, sẵn sàng chấp nhận rủi ro chính trị to lớn mà đưa ra lựa chọn đào tẩu.
Năm 2019, sự kiện cựu mật vụ của chính quyền Trung Quốc, Vương Lập Cường, xin tị nạn chính trị ở Úc khiến cả thế giới chấn động. Vương Lập Cường đã cung cấp cho chính quyền Úc một lượng lớn thông tin bí mật của ĐCSTQ và công bố trước quốc tế nội tình hoạt động gián điệp của ĐCSTQ tại Hồng Kông và Đài Loan.
Tháng 10/2019, Vương Lập Cường đã khai và tuyên thệ về những gì mình cung cấp cho Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO), ông nói: “Bản thân tôi đã từng tham gia và có liên quan chặt chẽ đến một loạt
các hoạt động gián điệp, nếu trở về Trung Quốc tôi có thể sẽ bị bắt và bị kết án”. Cuối cùng ông xin được tị nạn chính trị tại Úc.
Ông Viên Cung Di trong buổi phỏng vấn cũng tiết lộ rằng các quan chức cấp cao vì để người nhà mình xin được tị nạn chính trị ở nước ngoài, họ đã cung cấp thông tin bí mật đặc biệt cho người nhà của họ. Ông nêu ví dụ, ông Tôn Lập Quân đã cung cấp thông tin bí mật về virus Vũ Hán cho cung cấp tư liệu cơ mật cho vợ ông ta ở Úc, sau khi bị phát hiện đã ngã ngựa. Người cung cấp tư liệu mật có thể mau chóng lấy được thẻ xanh, thậm chí có thể thương lượng cả hộ chiếu.
Ông Viên Cung Di cũng tuyên bố rằng ĐCSTQ cũng không có cách nào để ngăn chặn các đảng viên đào tẩu. Ông nói: “Cái gọi là tuyên truyền lớn của ĐCSTQ lần này, tôi thường gọi đó là một cuộc nổi loạn lớn, tạo phản lớn… Chúng ta hãy chờ xem, nó (ĐCSTQ) sẽ chỉ biết tấn công người ta, chứ nó không biết rằng người ta cũng sẽ phản công lại … Lấy đạo của người trả lại cho người, nó hoàn toàn không có cách nào nữa, cũng không có sức đánh trả”.
Ông Viên Cung Di nói rằng khi lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston bị đóng cửa vào tháng 7, ông có nhận được thông tin nội bộ rằng trong lãnh sự quán có người đào tẩu và có người muốn được ở lại Hoa Kỳ. Khi đó ông tiết lộ rằng có hai thành viên trong lãnh sự quán đã biến mất, có thể họ đi tiết lộ thông tin với Hoa Kỳ hoặc đào tẩu. Trong tương lai không xa, làn sóng các đảng viên và quan chức ĐCSTQ đào tẩu có thể sẽ mang tính toàn thế giới.
Theo Yuan Ming Qing, SOH
Vũ Dương biên dịch

Một người Trung Quốc

bơi 7 tiếng tới Đài Loan tìm tự do

Lục Du
Một người đàn ông Trung Quốc hôm Chủ nhật (9/8) nói rằng ông đã bơi trong 7 giờ đồng hồ từ bờ biển Trung Quốc đến huyện đảo Kim Môn ngoài khơi của Đài Loan để tìm tới vùng đất tự do và dân chủ hơn, theo Taiwan News.
Cục Cảnh sát biển (CGA) Đài Loan hôm thứ Hai (10/8) nói rằng họ giữ một công dân Trung Quốc vì cố gắng xâm nhập hòn đảo một ngày trước đó.
CGA cho biết thêm rằng họ đã nhận được thông tin về một “vật thể” khả nghi trôi nổi ở vùng biển gần huyện Kim Môn vào sáng Chủ nhật, và sau đó xác định được “vật thể” này là một người đàn ông đến từ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Cũng theo CGA, người đàn ông 45 tuổi, họ Lý, khai rằng anh ta đã rời thành phố Hạ Môn của Trung Quốc vào khoảng 3 giờ sáng Chủ nhật và bơi trong bảy giờ đồng hồ trước khi đến Kim Môn.
Người đàn ông này giải thích rằng ông làm vậy vì không thể chịu đựng được môi trường chính trị hà khắc ở Trung Quốc và quyết định mạo hiểm mạng sống để đến Đài Loan với kỳ vọng được sống trong một môi trường tự do hơn.
CGA cho biết, để phòng dịch viêm phổi Vũ Hán, ông Lý đã được đưa vào một cơ sở được chỉ định để cách ly trong hai tuần trước khi các điều tra viên vào cuộc để tìm hiểu thêm thông tin về người đàn ông này.

Thủ Tướng Thái: ‘Người biểu tình đi quá xa

với đòi hỏi cải cách chế độ quân chủ’

Thủ Tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hôm 11/8 nói sinh viên biểu tình đã đi quá xa sau khi một tuyên ngôn 10 điểm được công bố để đòi cải cách chế độ quân chủ, vốn được coi là một định chế thiêng liêng theo truyền thống văn hóa bảo thủ của Thái Lan.
Reuters đưa tin, vào đêm thứ Hai 10/8, một đám đông ước lượng từ 3000 tới 4000 người tại Đại học Thammasat ở ngoại ô Bangkok, hô to: “Dân chủ Muôn Năm!”, và đòi chấm dứt vị trí độc tôn của quân đội trên chính trường Thái Lan.
Nhiều người đọc diễn văn, kêu gọi Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha từ chức. Ông Prayuth lên nắm quyền trong cuộc đảo chánh năm 2014.
Nhóm sinh viên thân dân chủ biểu tình tại đại học Thammasat công bố một tuyên ngôn 10 điểm đòi cải cách chế độ quân chủ, và trở thành nhóm sinh viên biểu tình ít nhất là thứ Ba đề cập tới đề tài cấm kỵ trong nhiều thập niên, đặt nghi vấn về vai trò và quyền hành của hoàng gia Thái Lan.
Thái Lan có luật “cấm phạm thượng”, chống những lời lẽ xúc phạm hoặc thóa mạ nhà vua, những ai vi phạm có thể bị phạt với bản án tù tối đa là 15 năm.
Các quan chức trong hoàng cung từ chối bình luận về các cuộc biểu tình của sinh viên, hoặc về bất cứ lời chỉ trích nào đối với hoàng gia.
Ông Prayuth, từng nắm chức tổng tư lệnh quân đội, nói với các nhà báo rằng ông có theo dõi và rất lo ngại về các cuộc biểu tình đó.
“Có rất nhiều người đang chờ giải quyết các vấn đề của họ, không chỉ có giới trẻ. Hành động như vậy có thích hợp không?”
Ông Prayuth đặt câu hỏi, và tự trả lời:
“Hành động đó đã đi quá xa”, mặc dù ông không trực tiếp bình luận về những đòi hỏi cải cách thể chế quân chủ.
Hồi tháng Sáu, Thủ Tướng Prayuth cảnh cáo người biểu tình chớ có lôi chế độ quân chủ vào các cuộc biểu tình, nhưng ông nói Vua Maha Vajiralongkorn yêu cầu ông chớ bắt giữ bất cứ ai theo luật “cấm phỉ báng vua”.
Quốc vương Maha Vajiralongkorn lên ngôi năm 2016, sau khi Vua cha băng hà, nhưng lễ đăng quang được tổ chức năm 2019, sau thời gian để tang.
Vấn đề liên quan tới thể chế quân chủ là một đề tài nhạy cảm trong xã hội Thái Lan, cuộc biểu tình của sinh viên đã khiến Đại học Thammasat phải công bố thư ngỏ lời xin lỗi công chúng về cuộc biểu tình. Thư nói rằng mặc dù viện đại học ủng hộ quyền tự do ngôn luận, nhưng không tha thứ một số phát biểu về Hoàng gia Thái Lan, có thể xúc phạm nhiều người. Viện đại học này cho biết sẽ có biện pháp pháp lý để giải quyết vụ việc.
Vẫn theo Reuters, những đòi hỏi của sinh viên gồm: lật ngược lệnh năm 2019, chuyển hai đơn vị quân đội cho nhà vua trực tiếp chỉ huy, và luật năm 2017, giao toàn quyền kiểm soát các tài sản to lớn của hoàng gia cho nhà vua.

Indonesia bắt giữ ba tàu cá Khánh Hoà

 trong vùng biển của Việt Nam

Cơ quan chức năng nghề cá tỉnh Khánh Hòa cho biết có ba tàu của ngư dân tỉnh này vừa bị phía Indonesia bắt giữ mặc dù những tàu này hoạt động đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam.
Mạng báo Khánh Hòa loan tin vừa nêu vào ngày 11 tháng 8 dẫn lời của ông Phạm Giùm, ngụ tại phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, chủ chiếc tàu cá số hiệu KH-95758 rằng đây là tàu chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương. Vào ngày 7 tháng 7, tàu xuất bến từ cảng Hòn Rớ. Đến gần 9 giờ sáng ngày 10 tháng 8 thì bị lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ. Qua theo dõi hệ thống định vị thì tàu này đang bị kéo vào vùng biển Indonesia.
Công ty Trách niệm Hữu Hạn Lê Trứ, trụ sở cũng tại phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, cho hay có 2 tàu của công ty đang bị phía Indonesia bắt giữ cũng vào sáng ngày 10 tháng 8. Tuy nhiên công ty không nói rõ số hiệu của hai chiếc tàu bị bắt.
Có 26 ngư dân Việt Nam trên ba chiếc tàu bị phía Indonesia bắt và kéo về vùng biển của nước này.
Mạng báo Khánh Hòa dẫn lời ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi Cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, rằng theo dõi dữ liệu trên Hệ thống giám sát của Tổng Cục Thủy sản Việt Nam thì từ ngày xuất bến đến thời điểm bị bắt cả ba chiếc tàu vừa nêu đều hoạt động hoàn toàn trong vùng biển Việt Nam.
Theo ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề Cá Việt Nam, việc lực lượng chức năng Indonesia bắt 3 tàu cá Khánh Hòa đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam là phi lý và cộng đồng ngư dân tỉnh Khánh Hòa phản đối mạnh mẽ biện pháp bắt giữ đó.
Indonesia ngày càng có biện pháp mạnh đối với tàu cá nước ngoài bị cáo buộc đánh bắt trong vùng biển của Indonesia.
Vào tháng 6 năm ngoái, Việt Nam và Indonesia đạt được thỏa thuận cùng phối hợp các lực lượng trên biển đối xử nhân đạo và tránh sử dụng vũ lực đối với ngư dân khi bị phát hiện đánh bắt trên vùng biển của hai phía.

Bầu cử 2020: Biden chọn Harris là ứng cử viên phó tổng thống

Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden chọn Thượng nghị sĩ Kamala Harris là người đứng cùng liên danh với ông – người phụ nữ da đen và người Mỹ gốc Á đầu tiên đảm nhận vai trò này.
Từng là đối thủ của vị trí cao nhất nước, thượng nghị sĩ California gốc Ấn Độ-Jamaica từ lâu đã được xem là người dẫn đầu cho vị trí số hai.
Bộ trưởng Tư pháp California từng thúc giục cải cách cảnh sát trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc trên toàn quốc.
Ông Biden sẽ đối đầu với Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử ngày 3/11.
Tại cuộc họp báo của Nhà Trắng hôm thứ Ba, ông Trump, đảng viên Đảng Cộng hòa, mô tả bà Harris là “lựa chọn dự thảo số một của tôi”.
Bà Harris sẽ tranh luận với người đang tranh cử cùng liên danh của ông Trump, Phó Tổng thống Mike Pence, vào ngày 7/10 tại Thành phố Salt Lake, tiểu bang Utah.
Chỉ có hai phụ nữ khác được đảng đề cử làm ứng viên phó tổng thống – Sarah Palin bởi đảng Cộng hòa năm 2008 và Geraldine Ferraro bởi đảng Dân chủ năm 1984. Cả hai đều không lọt vào Nhà Trắng.
Một phụ nữ da màu chưa bao giờ được một trong hai chính đảng chính của Mỹ mời đứng cùng liên danh ứng cử tổng thống. Cũng không có phụ nữ nào đắc cử tổng thống Mỹ.
Biden và Harris nói gì?
Ông Biden tweet rằng ông có “vinh dự lớn” khi gọi bà Harris là người đứng phó của mình.
Ông mô tả bà là “chiến sĩ quả cảm đấu tranh cho những người yếu thế, và là một trong những công chức tốt nhất của đất nước”.
Ông ghi nhận là Harris đã làm việc chặt chẽ với con trai quá cố của ông, Beau, khi bà là bộ trưởng Tư pháp của California.
“Tôi đã theo dõi khi họ đối đầu các ngân hàng lớn, nâng đỡ giới công nhân và bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi bị lạm dụng”, Biden viết trên Twitter.
“Khi đó tôi rất tự hào và giờ đây tôi tự hào khi có bà đứng cùng liên danh trong chiến dịch tranh cử này.”
Bà Harris sau đó tweet rằng ông Biden “có thể thống nhất người dân Mỹ bởi vì ông đã dành cả cuộc đời để chiến đấu vì chúng ta. Và với tư cách là tổng thống, ông sẽ xây dựng một nước Mỹ theo lý tưởng của chúng ta.”
“Tôi rất vinh dự được đứng cùng liên danh với ông trong tư cách là ứng cử viên của đảng chúng tôi cho chức Phó tổng thống, và sẽ làm những gì cần thiết để biến ông thành Tổng tư lệnh của chúng ta.”
Chiến dịch tranh cử thông báo rằng Biden và Harris sẽ phát biểu tại Wilmington, Delaware chiều thứ Tư về việc “cùng nhau khôi phục linh hồn của dân tộc và đấu tranh cho các gia đình lao động để đưa đất nước tiến lên”.
Biden cam kết vào tháng Ba là sẽ chọn một phụ nữ làm ứng cử viên phó tổng thống. Ông đã phải đối mặt với nhiều kêu gọi chọn một phụ nữ da đen trong những tháng gần đây, khi cả nước đang bị chấn động bởi bất ổn xã hội ,trước sự tàn bạo của cảnh sát đối với người Mỹ gốc Phi, một khối cử tri chủ chốt của Đảng Dân chủ.
Kamala Harris là ai?
Bà Harris, 55 tuổi, bỏ cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào tháng 12/2019.
Bà nhiều lần xung đột với ông Biden trong các cuộc tranh luận bầu cử sơ bộ, đáng chú ý nhất là chỉ trích khen ngợi của ông về mối quan hệ làm việc “dân sự” mà ông có với các cựu thượng nghị sĩ ủng hộ sự phân biệt chủng tộc.
Thành viên đảng Dân chủ này sinh ra ở Oakland, California, cha mẹ cùng là người nhập cư: một người mẹ gốc Ấn Độ và người cha gốc Jamaica.
Bà theo học Đại học Howard, một trong những trường cao đẳng và đại học dành cho người da đen nổi tiếng nhất trong lịch sử của quốc gia. Bà từng mô tả thời gian ở đó là một trong những trải nghiệm hình thành nhất trong cuộc đời.
Harris nói rằng bà luôn cảm thấy thoải mái với danh tính của mình và chỉ đơn giản mô tả mình là “một người Mỹ”.
Năm 2019, bà nói với Washington Post rằng chính trị gia không nên bị xếp vào các ngăn vì màu sắc hoặc nền tảng của họ. “Quan điểm của tôi là: Tôi là chính tôi. Tôi thoải mái với bản thân. Bạn có thể cần phải tìm hiểu tôi là ai, nhưng tôi ổn với chính mình,” bà nói.
Lựa chọn hiển nhiên
Phân tích của Anthony Zurcher, phóng viên Bắc Mỹ
Đôi khi sự lựa chọn hiển nhiên có lý do của nó. Kamala Harris nghiễm nhiên đã là người dẫn đầu trong cuộc đua trở thành ứng cử viên phó tổng thống, hầu như kể từ thời điểm Joe Biden, người được cho là ứng cử viên đảng Dân chủ, tuyên bố vào tháng Ba rằng ông sẽ chọn một phụ nữ đứng cùng liên danh.
Harris tương đối trẻ và có sức sống, và là con gái của những người nhập cư Jamaica và Ấn Độ, phản ánh sự đa dạng ngày càng tăng của Đảng Dân chủ.
Hơn nữa, bà đang là tâm điểm chú ý của truyền thông quốc gia, đã vận động tranh cử tổng thống vào năm 2019, và trong một thời gian vào mùa hè năm ngoái, đã vươn lên gần vị trí dẫn đầu của một số cuộc thăm dò. Nhiều đối thủ của bà cho vị trí số hai chưa bao giờ phải đối mặt với sự giám sát kỹ lưỡng như vậy của truyền thông, vì vậy không có bằng chứng nào cho thấy họ có thể cầm cự với sự soi xét đó.
Một lợi thế khác ít được để ý của Harris là tình bạn của bà với con trai quá cố của ông Biden, Beau, được hình thành khi cả hai đều là bộ trưởng tư pháp. Biden đề cao giá trị gia đình – và mối liên hệ đó có thể khiến việc chọn bà dễ dàng hơn.
Giờ đây, Harris sẽ có cơ hội trở lại chiến dịch vận động tranh cử và chứng minh rằng mình xứng đáng với sự lựa chọn lịch sử này. Nếu thành công, bà sẽ ở vị trí chính để theo đuổi giấc mơ làm tổng thống một lần nữa, có lẽ sớm nhất là vào năm 2024. Ngày hôm nay đã khiến bà trở thành một thế lực trong Đảng Dân chủ trong nhiều năm tới.
Thành quả của bà ra sao?
Sau bốn năm tại Đại học Howard, Harris lấy bằng luật tại Đại học California, Hastings, và bắt đầu sự nghiệp tại Văn phòng Biện lý Quận Alameda.
Bà trở thành công tố viên hàng đầu của San Francisco vào năm 2003, trước khi được bầu là người phụ nữ đầu tiên và người Mỹ gốc Phi đầu tiên giữ chức vụ bộ trưởng Tư pháp của California, luật sư hàng đầu ở tiểu bang đông dân nhất của Mỹ.
Trong gần hai nhiệm kỳ với tư cách là bộ trưởng Tư pháp, bà Harris nổi tiếng là một trong những ngôi sao đang lên của đảng Dân chủ, sử dụng động lực này để thúc đẩy cuộc tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ của tiểu bang California vào năm 2017. Bà chỉ là phụ nữ da đen thứ hai từng được bầu vào chức vụ này.
Bà khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống trước cử tọa hơn 20.000 người ở Oakland vào đầu năm ngoái.
Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Harris đã không nêu rõ được lý do khiến mình ra tranh cử và đưa ra những câu trả lời lộn xộn cho các câu hỏi về các lĩnh vực chính sách quan trọng như chăm sóc sức khỏe.
Bà cũng không thể tận dụng điểm cao rõ ràng trong quá trình ứng cử: những màn tranh luận thể hiện kỹ năng tố tụng của bà, thường khiến ông Biden rơi vào tình thế bị tấn công.
Bà tự cho mình là “công tố viên cấp tiến” và tìm cách nhấn mạnh những phần thiên tả hơn trong di sản của mình – yêu cầu máy hình gắn vào cơ thể cho một số đặc vụ tại Bộ Tư pháp California, cơ quan nhà nước đầu tiên chấp nhận điều này, và tung ra cơ sở dữ liệu cung cấp quyền truy cập công khai vào thống kê tội phạm, mặc dù nỗ lực này không đạt được đà đủ mạnh.
“Kamala là một cảnh sát” trở thành một điệp khúc phổ biến trên con đường tranh cử, làm hỏng nỗ lực giành sự ủng hộ của khối cử tri Dân chủ cấp tiến hơn trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Tuy nhiên, những kinh nghiệm đó có thể trở thành có lợi trong cuộc tổng tuyển cử, khi đảng Dân chủ cần giành được nhiều cử tri ôn hòa và độc lập hơn.
Đã có những phản ứng gì?
Tổng thống Trump nói với các phóng viên: “Bà ta là người đã kể rất nhiều câu chuyện không có thật.”
Ông nói thêm: “Bà đã làm rất, rất kém trong cuộc bầu cử sơ bộ, như bạn biết, bà ta được dự đoán sẽ làm tốt và đạt được đúng khoảng 2%. Vì vậy, tôi hơi ngạc nhiên khi Biden chọn bà.”
Ông Trump cũng nói bà Harris “rất, rất khó chịu” và “kinh khủng” đối với ông Biden trong các cuộc tranh luận sơ bộ của đảng Dân chủ.
“Bà ta rất thiếu tôn trọng với Joe Biden và thật khó để chọn một người thiếu tôn trọng như vậy,” ông nói.
Chiến dịch tranh cử của Trump nói việc lựa chọn Harris là người cùng tranh cử là bằng chứng cho thấy ông Biden là “một cái vỏ rỗng được lấp đầy bởi chương trình nghị sự cực đoan của những người cấp tiến cánh tả”.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama – người mà ông Biden giữ chức phó tổng thống trong 8 năm – tweet:
“Harris rất sẵn sàng để đảm nhận vai trò. Bà đã dành sự nghiệp của mình để bảo vệ Hiến pháp của chúng ta và đấu tranh cho những người cần được sự công bằng.”
“Đây là một ngày tốt lành cho đất nước chúng ta. Nào, hãy giành lấy chiến thắng.”

Tổng thống Trump ngạc nhiên

vì cách ông Biden chọn phó tổng thống ‘dự kiến’

Lục Du
Tổng thống Donald Trump nói rằng ông “hơi ngạc nhiên” khi ông Joe Biden chọn Thượng nghị sĩ Kamala Harris làm phó tổng thống “dự kiến”, vì bà Harris từng công kích và gây “khó chịu” cho ông Biden, theo Bloomberg.
Khi còn là một doanh nhân, ông Trump từng ủng hộ bà Harris hai lần khi bà còn là ứng cử viên tổng chưởng lý của California. Ông đã đóng góp tổng cộng 6.000 đô la Mỹ cho ủy ban vận động của bà Harris trong năm 2011 và 2013, theo hồ sơ của tiểu bang California.
Vào thứ Ba, chỉ vài phút sau khi ông Biden công bố bà Harris là lựa chọn cho vị trí “phó tổng thống”, ông Trump đã đưa lên Twitter một tweet, nói rằng bà Harris từng chỉ trích ông Biden ủng hộ “các chính sách phân biệt chủng tộc” khi hai người này tranh luận với nhau để giành giật vị trí ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ.
Trang Kark đưa tin, đánh giá về bà Harris, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton cho biết “Kamala Harris ủng hộ Medicare [dịch vụ y tế] cho Tất cả, bà ấy từng ám chỉ rằng Joe Biden là người phân biệt chủng tộc, và bà ấy cười khi nghĩ rằng Hiến pháp sẽ ngăn bà ấy tịch thu súng. Chiến dịch tranh cử tổng thống của bà ấy là một thảm họa bắt nguồn từ sự yếu kém trong quản lý, [và nó đã] kết thúc trước khi bà ấy nhận được phiếu bầu”.
“Bằng cách chọn Kamala Harris, các trợ lý của Joe Biden đã cho thấy một chính quyền Biden [nếu thành hiện thực] thiên tả và thiếu năng lực sẽ như thế nào”, ông Cotton nêu quan điểm.
Bà Harris, 55 tuổi, đang có “cơ hội” trở thành người phụ nữ da mầu đầu tiên giữ vai trò phó tổng thống Mỹ trong trường hợp ông Biden chiến thắng được ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm nay. Nữ nghị sĩ này xây dựng sự nghiệp chính trị ban đầu của mình với tư cách là luật sư quận của bang San Francisco và sau đó được bầu làm tổng chưởng lý của bang này.
Sau khi quyết định chọn bà Harris làm người đồng hành, ông Biden đã dành những lời có cánh cho nữ nghị sĩ này. “Tôi rất vinh dự được thông báo rằng tôi đã chọn @KamalaHarris – một chiến binh không biết sợ hãi và là một trong những công chức giỏi nhất của đất nước – làm bạn điều hành của tôi”, ông Biden viết trên Twitter.

Nhức đầu của Biden trong việc chọn người đứng phó

Tara McKelvey
Một cựu quan chức Nhà Trắng của Obama, Susan Rice, đang là ứng cử viên hàng đầu để trở thành người đứng cùng liên danh với Joe Biden.
Ngay cả khi không được chọn làm ứng cử viên phó tổng thống, bà có khả năng là một nhân tố quan trọng nếu Biden giành chiến thắng. Vậy Susan Rice là ai?
Phát biểu tại một tiệc cocktail của Nhà Trắng không lâu trước khi Donald Trump chuyển đến, Susan Rice trông đăm chiêu. “Bạn sẽ nhớ chúng tôi,” bà nói với một nhà báo.
Susan Rice, cựu cố vấn an ninh quốc gia 55 tuổi, giờ đây đang hy vọng trở lại nắm quyền. Bà nằm trong danh sách ngắn những người hy vọng trở thành ứng cử viên phó tổng thống của đảng Dân chủ. Nếu bà không được chọn làm phó tổng thống và ông Biden thắng cử, bà có khả năng trở thành ngoại trưởng.
Tên của Susan Rice đang được nhắc đến khi ông Biden phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc chọn không chỉ một phụ nữ – điều mà ông cam kết thực hiện – mà là một phụ nữ da đen để đứng cùng liên danh.
Thượng nghị sĩ Kamala Harris cũng thường được đề cập đến như một khả năng, giống như các nữ nghị sĩ Karen Bass và Val Demings, Thị trưởng Atlanta Keisha Lance Bottoms, và ứng cử viên thống đốc Georgia Stacey Abrams.
Tiểu sử của Susan Rice khiến bà có vẻ là lựa chọn tự nhiên cho một vị trí hàng đầu. Nhưng bà chưa bao giờ tranh cử, và một số nhà phân tích hỏi rằng liệu bà có phải là ứng cử viên sáng giá nhất cho liên danh Biden không. Họ cho rằng bà không đủ bản lĩnh chính trị cần có để giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử sát sao. Họ cũng băn khoăn về hành trang mà bà sẽ mang theo khi chạy đua vào Nhà Trắng.
Khi còn làm việc cho ông Obama, bà Rice đã trở thành cột thu lôi gây tranh cãi.
Sau khi các tiền đồn của Mỹ ở Benghazi, Libya, bị tấn công tháng 9/2012, bà Rice nói về vụ hỗn chiến trên truyền hình, mô tả cuộc tấn công là “bạo lực tự phát” chứ không phải là các cuộc tấn công do các nhóm chiến binh tổ chức.
Đại sứ J Christopher Stevens và ba công dân Hoa Kỳ khác đã thiệt mạng trong các vụ tấn công đó.
Các thành viên Đảng Cộng hòa đã chỉ trích bà, chỉ trích những nhận xét trên truyền hình của bà, và nói rằng bà đã đánh lừa công chúng về bản chất của các vụ tấn công.
Bà Rice nói đã cung cấp cho công chúng những thông tin gửi cho bà và các quan chức Nhà Trắng khác vào thời điểm đó.
Gần một thập kỷ sau, cuộc tranh cãi vẫn ám ảnh bà. Nó có thể vẫn là một cục nợ đối với đảng Dân chủ trong suốt chiến dịch tranh cử sắp đến.
Mục tiêu cho người bảo thủ
Michael S Smith II, một nhà phân tích khủng bố, hiện là giảng viên Đại học Johns Hopkins, nói rằng phe bảo thủ sẽ nhắc mọi người nhớ lại nhận định của Rice về Benghazi. Theo ông, những người bảo thủ này sẽ dùng nhận xét của bà để cho thấy rằng, theo quan điểm của họ, đảng Dân chủ không trung thực về mối đe dọa do các nhóm khủng bố gây ra, và những người cấp tiến yếu kém về an ninh quốc gia.
Ông Smith nói: “Susan Rice là hình ảnh tiêu biểu cho những người bảo thủ cho rằng Obama đã nói dối công chúng về các mối đe dọa do al-Qaeda gây ra” và các nhóm khác đã thực hiện các cuộc tấn công.
Tuy nhiên, nhiều đảng viên Đảng Dân chủ tin rằng Susan Rice là người phù hợp cho vị trí phó tổng thống và sẽ mang thêm ánh hào quang cho liên danh. Bà từng làm việc với Biden và các quan chức Nhà Trắng khác về thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, và đã giúp đỡ nỗ lực của Mỹ về thỏa thuận khí hậu Paris.
Dưới sự lãnh đạo của ông Trump, Mỹ đã rút lui khỏi các thỏa thuận quốc tế.
David Litt, người từng viết bài phát biểu cho Nhà Trắng của Obama, và là tác giả cuốn ‘Democracy in One Book or Less’, nói Hoa Kỳ đã mất vị thế toàn cầu trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.
Ông Litt nói: “Tôi có thể nhớ khi các đồng minh của chúng ta khó chịu với Mỹ, nhưng tôi không nhớ được thời điểm mà các đồng minh thương hại Mỹ”.
Ông Litt tin rằng Susan Rice là một lựa chọn tuyệt vời cho ứng cử viên phó tổng thống vì kinh nghiệm của bà trên toàn cầu: bà sẽ có thể thiết lập lại mối quan hệ bền chặt với các đồng minh của Hoa Kỳ, ông nói, và sẽ giúp “khôi phục Vị trí của nước Mỹ trên Thế giới “.
Trong số hàng chục ứng cử viên hàng đầu có thể trở thành ứng cử viên phó tổng thống, bà Rice có nền tảng kiến ​​thức vững chắc nhất về các vấn đề quốc tế. Ở tuổi 32, bà trở thành trợ lý ngoại trưởng và sau đó là đại sứ tại Liên Hiệp Quốc.
Kể từ khi rời Nhà Trắng, bà đã viết một cuốn hồi ký, ‘Tough Love’, một câu chuyện kể lại thời thơ ấu ở Washington và cuộc sống của bà với chồng, Ian Cameron, một nhà sản xuất truyền hình sinh ra ở Canada và hai con. Bà cũng mô tả lịch sử gia đình của mình: Ông cố của bà sinh ra là một nô lệ, và một phần của gia đình bà là người Jamaica.
Trong hồi ký, bà nói rằng không quan tâm đến chính trị bầu cử cho bản thân, giải thích: “không đủ kiên nhẫn hoặc ngoan ngoãn để tranh cử và không quan tâm đến việc thỏa hiệp các nguyên tắc của tôi”.
“Đĩnh đạc phi thường”
Tuy nhiên, gần đây, Susan Rice đã nghĩ lại. Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình This Morning của CBS, bà nói rằng sẽ mang kinh nghiệm hàng chục năm trong ngành điều hành cho công việc phó tổng thống. Bà đã giúp chống lại Ebola và các đại dịch khác trong thời gian ở Nhà Trắng, bà giải thích, và nói rằng bà biết những bệnh có thể gây ra cho cá nhân và xã hội.
Bà mô tả tác động kinh tế của đại dịch hiện tại “Tôi hiểu sâu sắc hậu quả kinh tế đối với những người Mỹ đang phải chịu đựng”, và nói thêm rằng bà hiểu “đau khổ đã ảnh hưởng không cân xứng đến các cộng đồng da màu như thế nào”.
Bà nói việc thiếu kinh nghiệm của mình với tư cách là một ứng cử viên trong thời buổi này ít quan trọng hơn vì chiến dịch tranh cử được thực hiện “từ xa”.
Dẫu thế nào, ứng cử viên phó tổng thống vẫn là một mệnh lệnh cao: ứng cử vào chức vụ mang tính cá nhân hơn – và trong nhiều phương diện, khó khăn hơn – so với làm việc tại văn phòng, những người đã làm cả hai, nhận định.
Từng là trợ lý ngoại trưởng về nhân quyền, Tom Malinowski đã tự chuyển sang chính trị cấp đường phố. Ông hiện là một nghị sĩ đảng Dân chủ từ New Jersey. Tom Malinowski gặp Susan Rice khi cả hai đều là học giả Rhodes tại Oxford, và nói rằng bà có những gì cần thiết để giành chiến thắng: “Rice có sự đĩnh đạc và tự tin phi thường và trí thông minh được biểu hiện một cách chân thực.”
Biden dự kiến ​​sẽ đưa ra công bố tên ứng cử viên phó tổng thống trong những ngày tới. Bà Rice có can đảm về niềm tin. Nhưng câu hỏi vẫn còn: liệu bà có thuyết phục được người khác rằng mình thích hợp cho vai trò ứng cử viên phó tổng thống?

Ông Trump: ‘Nếu tôi không thắng cử,

Trung Quốc sẽ sở hữu nước Mỹ’

Quý Khải
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba (11/8) tuyên bố người Mỹ sẽ phải học tiếng Trung nếu ông thua trong cuộc bầu cử sắp tới, đồng thời trích dẫn một báo cáo tình báo của Mỹ gần đây tiết lộ chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn cựu Phó Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11.
Tờ Daily Caller cho hay, ông Trump đưa ra bình luận trên trong một lần xuất hiện trên đài radio của nhà bình luận theo trường phái conservative [1] Hugh Hewitt. Vị tổng thống Đảng Cộng hòa đã biến những lời chỉ trích Trung Quốc thành một trụ cột chính trong nỗ lực tái tranh cử của ông trong những tuần gần đây, khi lên án Bắc Kinh để xổng Covid-19 tại đại lục bùng phát thành đại dịch toàn cầu.
“Nếu tôi không thắng cử, Trung Quốc sẽ sở hữu Hoa Kỳ”, ông Trump nói. “Khi đó chúng ta sẽ buộc phải học nói tiếng Trung”.
Tuyên bố của ông Trump được đưa ra vài ngày sau khi văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) cho biết cả Trung Quốc và Nga đều cố gắng can thiệp cuộc bầu cử năm 2020. Báo cáo này cho biết, Trung Quốc sẽ thích một tổng thống Biden hơn, trong khi Nga thích tổng thống Trump tái đắc cử.
“Chúng tôi đánh giá Trung Quốc sẽ muốn Tổng thống Trump – người mà Bắc Kinh cho là khó lường – thất cử”, trích báo cáo. “Trung Quốc đã và đang mở rộng các nỗ lực gây ảnh hưởng của mình trước tháng 11 nhằm định hình môi trường chính sách ở Mỹ, gây áp lực đối với các nhân vật chính trị mà họ coi là làm tổn hại lợi ích của nó, đồng thời làm chệch hướng và chống lại những chỉ trích đối với nước này”.
Chú thích:
[1] Conservative: Trong tiếng Việt, từ conservative thường được dịch là “bảo thủ” (conservatism là chủ nghĩa bảo thủ), nhưng có thể gây hiểu sai nghĩa. Conservatives là những người duy trì những giá trị truyền thống như tín ngưỡng, không nạo phá thai, không đồng tính luyến ái, … Trái ngược với trường phái này là Liberalism (chủ nghĩa tự do).

‘Bênh Trump’ và ‘ủng hộ Biden’

trong cộng đồng gốc Việt

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra trong vòng chưa đầy 90 ngày nữa, đang tạo một không khí chính trị chia rẽ chưa từng thấy, và người gốc Việt không đứng bên ngoài bối cảnh chính trị này.
Hai nhóm vận động chính trị của người gốc Việt, một ủng hộ đương kim tổng thống Donald Trump, một ủng hộ ứng viên của Đảng Dân Chủ, Joe Biden, cũng vừa được thành lập.
Nhóm ủng hộ tổng thống Trump có tên “Vietnamese Americans for Trump as President Again – TAPA” (Người Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Trump tái đắc cử). Còn nhóm ủng hộ ông Biden có tên “Vietnamese Americans for Biden – VAFB” (Nhóm người Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Biden).
Hai nhân vật đồng sáng lập hai nhóm đối lập này đưa ra những lập luận trái ngược, bảo vệ quan điểm của mình, nhưng đều đồng ý “chấp nhận sự đối lập về tư tưởng trong chính sách”.
TAPA: ‘Make America Great Again’
Nhóm TAPA kêu gọi cộng đồng bầu cho Tổng Thống Trump tái đắc cử, với thông điệp “Mỗi lá phiếu bầu cho Tổng thống Trump là một viên gạch xây lên căn nhà “Make America Great Again.”
Từ Florida, Tiến sĩ kinh tế Phạm Đỗ Chí, một trong số 14 thành viên sáng lập của nhóm, nói với VOA Tiếng Việt:
“Chúng tôi là một nhóm người Mỹ gốc Việt ở gần như khắp các tiểu bang, trong nhóm đại diện có 14 người nhưng có đến hàng trăm người ủng hộ. Chúng tôi cần lên tiếng mạnh để ủng hộ Tổng thống Trump tái cử vì chương trình chính sách của ông rất đúng trong 3,5 năm qua.
“Chúng tôi luôn ủng hộ Tổng thống Trump tái cử qua các hình thức vận động trong đồng bào người Mỹ gốc Việt. Chúng tôi liên lạc khắp các tiểu bang, nhất là các bang swing state – nơi có ngang ngữa số ủng hộ giữa Dân chủ và Cộng hòa.”
Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, cựu chuyên gia cao cấp Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng thời là cựu cố vấn kinh tế của cố Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt và cố Thủ tướng Phan Văn Khải, nêu các lý do vì sao nhóm của ông ủng hộ Tổng thống Trump:
“Chúng tôi ủng hô chính sách về phương diện an ninh nội địa của Tổng thống Trump, là chính sách sẽ đưa chúng ta ra khỏi cơn đại dịch với chương trình “law and order;” tái khởi động các hoạt động kinh tế mạnh mẽ.
“Điều quan trọng nhất mà chúng tôi e ngại là chủ trương thiên về chủ nghĩa xã hội của đảng Dân chủ, mà tiêu biểu là của cựu phó Tổng thống Joe Biden… nhất là trước tình hình Trung Quốc đang có thái độ hung hãn xâm nhập Hoa Kỳ đủ mọi phương tiện, kể cả chuyện đại dịch, gián điệp, âm mưu phá hoại kinh tế…”
Trong bức thư nêu thông điệp đến cộng đồng, nhóm TAPA viết: “Tổng thống Trump dùng “Thế Cờ Vây” để ngăn chặn mưu đồ bành trướng bá quyền của Trung Cộng qua thương chiến Mỹ-Trung, Biển Đông, Hong Kong, và Đài Loan…”
Ông Phạm Đỗ Chí nêu kỳ vọng:
“Sự thắng cử của ông Trump kỳ tới sẽ giúp cho tình hình Biển Đông được vững vàng hơn, để Trung Quốc từ bỏ hay không thực hiện được ý đồ xâm lăng, từ kinh tế đến quân sự đối với Việt Nam.
“Đương nhiên, Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác là sẽ ủng hộ và kết chặt ngoại giao với liên minh mới mà Mỹ vừa thiết lập. Như Ngoại trưởng Mike Pompeo vừa phát biểu, liên minh các nền dân chủ đó gồm các nước dân chủ tự do và cả những nước tuy còn là xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, nhưng ủng hộ chính sách của Mỹ để đối đầu với Trung Quốc.”
VAFB: Chiến tranh thương mại là ‘một thất bại’
Từ Virginia, ông Nguyễn Quốc Khải, một người ủng hộ Joe Biden – ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, nêu nhận định với VOA rằng ông Trump “không có khả năng làm tổng thống” và “không thực sự cứng rắn với Trung Quốc.”
“Tôi không ủng hộ ông Trump vì ông ấy không có khả năng làm tổng thống!”
“Nhiều người tin rằng ông Trump là người cứng rắn với Trung Quốc nhưng tôi thấy ông rất yếu về mặt đó. Ông nói nhiều nhưng không làm gì cụ thể. Khi mới lên làm tổng thống năm 2017, ông đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP – mà thực ra cái này là rất cần để bao vây Trung Quốc.
“Ông còn tạo ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc, mà bây giờ lại bế tắc, không đi đến đâu cả, và có thể nói là thất bại! Cả Trung Quốc và Mỹ đều bị thiệt hại!”
Ông Nguyễn Quốc Khải, cựu chuyên viên của Ngân hàng Thế giới (World Bank), và từng có thời gian giảng dạy tại trường Cao học Quốc tế vụ thuộc Viện Đại học Johns Hopkins của Hoa Kỳ, nêu nhận định rằng ông ủng hộ việc có các nhóm công khai ủng hộ các đảng phái chính trị ở Hoa Kỳ:
“Tôi không rõ những người trong nhóm [TAPA] này, nhưng tôi ủng hộ việc tổ chức ra một nhóm như vậy để ủng hộ cho ông Trump. Điều đó tốt thôi, tốt hơn là lên trên Facebook rồi dùng những tên tuổi không rõ ràng, hay ẩn danh để tranh luận với nhau thì không hay lắm!
“Việc tổ chức hẳn một nhóm như vậy để bênh vực hay ủng hộ một cá nhân là rất tốt, phù hợp với chế độ dân chủ của mình.”
Ông Nguyễn Quốc Khải cho VOA biết thêm rằng Nhóm người Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Biden (Vietnamese Americans for Biden – VAFB) cũng đã được thành lập và sẽ sớm ra thông cáo báo chí.
Cộng đồng gốc Việt nghiêng về ai?
Có một sự thay đổi khuynh hướng bỏ phiếu trong số cử tri gốc Việt ở thời điểm 2018. Vào tháng 10/2018, cuộc khảo sát về cử tri gốc Á do APIAVote và AAPIData thực hiện cho thấy người Mỹ gốc Việt có tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Donald Trump cao nhất trong số các cộng đồng gốc Á, với tỷ lệ lên đến 64%. Trước đó, trong cuộc đua vào Thượng viện 2018 thì chỉ 20% cử tri gốc Việt ủng hộ ứng viên Cộng hòa và 50% ủng hộ ứng viên Dân chủ, phần lớn là vì đảng Dân chủ ủng hộ người nhập cư.
Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí thừa nhận hiện có gần một nửa cử tri gốc Việt ủng hộ phe Dân chủ, và trong số cử tri Mỹ, có “ít nhất một nửa không bằng lòng các chính sách của Tổng thống Trump.”
“Chúng tôi sống trong xã hội dân chủ, chúng tôi chấp nhận sự đối lập về tư tưởng trong chính sách, nhất là trong một kỳ tranh cử đầy cảm xúc như lần này.
“Trong dân Mỹ, cũng có ít nhất một nửa không bằng lòng các chính sách của Tổng thống Trump và trong cộng đồng người gốc Việt – tôi hy vọng – cũng có ít hơn một nửa có khuynh hướng ủng hộ quan điểm của đảng Dân chủ.”
Cuộc bầu cử lần này ảnh hưởng và “lôi kéo” cả những người từng bàng quan với chuyện chính trị. Bà Trương Minh Ánh, một cư dân Tampa, Florida, là một đơn cử.
Bà Ánh nói với VOA rằng bà không quan tâm lắm đến chính trị và chưa từng đi bầu ở Mỹ, nhưng nhấn mạnh rằng lần này bà nhất định đi bầu, và sẽ bầu cho ông Trump:
“Tôi thích đường lối đối ngoại của Tổng thống Trump vì ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Các vấn đề đối nội như kinh tế, công ăn việc làm… rất hợp ý với người yêu chuộng tự do và công bằng.
“Trước giờ tôi không đi bầu, nhưng kỳ này sẽ ráng đi bầu… Không những thế, tôi còn giúp cộng đồng người Việt lớn tuổi cùng đi nữa.”
Hội người Mỹ gốc Việt Cấp tiến – PIVOT, đăng bài của đài NBC News về người gốc Á ủng hộ cựu Phó Tổng thống Joe Biden.
Trong khi đó, ông Vũ Bảo Kỳ, cựu thành viên ủy ban cố vấn của Tổng thống George W. Bush về người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương, hiện là chuyên viên kinh tế-tài chính của một công ty cố vấn chiến lược ở Atlanta, Georgia, cho VOA biết rằng ông là người từng ủng hộ đảng Cộng hòa nhưng rất nghi ngờ về các chính sách của Tổng thống Donald Trump.
Ông nói với VOA:
“Tôi không có khuynh hướng khuyến khích đồng bào chúng ta đi bỏ phiếu ủng hộ ông Trump. Ông Trump càng ngày càng mất uy tín qua những hành động, lời nói của mình. Có những trò chơi không tốt lắm mà ông Trump đã đưa ra để tuyên truyền không vì công lý.
“Tôi khuyên rằng giới trẻ cần đóng góp mạnh mẽ hơn cho công cuộc xây dựng đất nước.”
Bà Trương Minh Ánh bày tỏ lo ngại về những điều mà bà cho là ảnh hưởng của khuynh hướng thiên xã hội chủ nghĩa trong cộng đồng người gốc Việt trẻ, mà nguyên nhân theo bà có thể do một phần của nền giáo dục và truyền thông Mỹ. Bà nói: “Người Mỹ gốc Việt đã bao năm lánh nạn cộng sản, chúng ta phải vận động để giới trẻ nhận thức và ủng hộ Tổng thống Trump nhằm ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản.”
Ghi nhận của VOA từ các cuộc phỏng vấn thực hiện hồi tháng 10, 2018 với một số cử tri gốc Việt, thì người thuộc thế hệ lớn tuổi nói họ hài lòng với thành tích của tổng thống trong các vấn đề kinh tế Mỹ cũng như lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc và nói sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên Cộng hòa. Trong khi đó người thuộc thế hệ trẻ hơn mà VOA phỏng vấn nói họ quan tâm đến chính sách di trú, chăm sóc y tế, kiểm soát giá thuê nhà, và nói sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên Dân chủ.

Tổng Thống Trump cân nhắc việc ngăn chặn

công dân Hoa Kỳ về nước

nếu họ bị tình nghi nhiễm coronavirus

Tin từ WASHINGTON, DC – Một viên chức cao cấp của Hoa Kỳ xác nhận với Reuters rằng chính quyền của Tổng thống Trump đang xem xét một biện pháp để ngăn chặn các công dân và thường trú nhân Hoa Kỳ trở về Mỹ nếu họ bị tình nghi nhiễm coronavirus.
Viên chức này cho biết một dự thảo luật, chưa được hoàn thiện và có thể thay đổi, sẽ ủy quyền để chính phủ ngăn chặn những cá nhân có thể được cho là nhiễm COVID-19 hoặc các bệnh khác. Tổng thống Trump thiết lập một loạt các hạn chế nhập cư sâu rộng kể từ khi đại dịch coronavirus bắt đầu, đình chỉ một số hoạt động nhập cư hợp pháp và cho phép các nhà chức trách biên giới của Hoa Kỳ nhanh chóng trục xuất những di dân bị bắt ở biên giới mà không cần các tiến trình pháp lý tiêu chuẩn.
Vào tháng 5, Reuters cho biết các viên chức chính phủ Hoa Kỳ lo sợ rằng các công dân song quốc tịch Hoa Kỳ-Mexico có thể trở lại Hoa Kỳ nếu tình hình dịch coronavirus ở Mexico trở nên trầm trọng hơn, gây thêm áp lực cho các bệnh viện Hoa Kỳ.
Khi trả lời phỏng vấn với Reuters, viên chức cao cấp này cho biết dự thảo luật, được đưa tin lần đầu tiên bởi The New York Times vào hôm thứ Hai, sẽ được ban hành bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cơ quan đóng vai trò chính trong việc ứng phó với đại dịch.
Viên chức này cho biết một lực lượng đặc nhiệm chống đại dịch của tổng thống Trump dự kiến sẽ không hành động theo đề nghị trong tuần này, mặc dù mốc thời gian đó có thể thay đổi. (BBT)

Sắc lệnh của Tổng Thống Trump có thể

giúp người Mỹ được trợ cấp 708 Mỹ kim một tuần

Tin Washington DC – Sắc lệnh của Tổng Thống  Trump về phụ cấp thất nghiệp liên bang có thể giúp người Mỹ nhận được tổng trợ cấp trung bình khoảng 708 Mỹ kim một tuần. Tuy nhiên, có người sẽ nhận được ít hơn hoặc hoàn toàn không được trợ cấp.
Theo sắc lệnh mới, Tổng Thống Trump muốn trả thêm cho người dân 400 Mỹ kim một tuần, bên ngoài khoản trợ cấp thấp nghiệp từ tiểu bang. Theo dữ liệu của Bộ Lao Động, trong tháng 6, một người Mỹ thất nghiệp sẽ nhận trung bình 308 Mỹ kim trợ cấp thất nghiệp từ tiểu bang. Nếu thêm 400 Mỹ kim phụ cấp, người dân sẽ có tổng thu nhập trung bình khoảng 708 Mỹ kim một tuần.
Tuy nhiên, trong 400 Mỹ kim phụ cấp, liên bang chỉ đồng ý đóng góp 300 Mỹ kim và tiểu bang sẽ phải góp 100 Mỹ kim còn lại. Do nhiều tiểu bang không còn đủ ngân sách để trả thêm tiền, Tổng Thống Trump cho phép các tiểu bang có thể dùng tiền trợ cấp thất nghiệp của họ để thay vào phần đóng góp phụ cấp liên bang.
Theo đó, những tiểu bang nào đã trả trợ cấp thất nghiệp hàng tuần từ 100 Mỹ kim trở lên được coi như đã hoàn thành phần đóng góp cho tiền phụ cấp liên bang, và chính phủ sẽ trả 300 Mỹ kim còn lại. Tuy nhiên, đối với những người đang nhận ít hơn 100 Mỹ kim hàng tuần từ trợ cấp thất nghiệp tiểu bang, tiểu bang sẽ bị coi là chưa hoàn thành phần đóng góp cho phụ cấp liên bang, và những người này sẽ không đủ điều kiện nhận thêm hỗ trợ liên bang 300 Mỹ kim.
Theo ước tính, khoảng 6% người thất nghiệp Hoa Kỳ sẽ rơi vào trường hợp này. (BBT)

California sẽ tốn 700 triệu Mỹ kim mỗi tuần

nếu làm theo kế hoạch hỗ trợ thất nghiệp

 của Tổng Thống Trump

Với hàng triệu người dân California thất nghiệp trong đại dịch COVID-19, vào thứ hai (ngày 10 tháng 8), Thống đốc Gavin Newsom cho biết tiểu bang sẽ phải tiến hành cắt giảm ngân sách nếu làm theo kế hoạch hỗ trợ thất nghiệp của Tổng thống Trump.
Thống đốc Newsom và các nhà lãnh đạo lập pháp kêu gọi các viên chức liên bang vượt qua các bế tắc giữa Quốc hội và Tổng thống Trump để cung cấp thêm kinh phí cho các tiểu bang khi khoản thanh toán thất nghiệp hàng tuần trị giá 600 mỹ kim đã hết hạn.
Vào thứ bảy (ngày 8 tháng 8), thất vọng vì các cuộc đàm phán không tiến triển giữa Tòa Bạch Ốc và Đảng Dân chủ, Tổng thống Trump đã ký lệnh hành pháp sẽ cung cấp 400 mỹ kim hàng tuần cho những người Hoa Kỳ đang thất nghiệp, miễn là các tiểu bang phải gánh chịu 25% trong số tiền này.
Sau khi lệnh được công bố, thống đốc Newsom cho biết kế hoạch này sẽ tiêu tốn của tiểu bang ít nhất 700 triệu mỹ kim mỗi tuần và lên tới 2.8 tỷ mỹ kim nếu nguồn tài trợ từ Đạo luật CARE cạn kiệt. (BBT)

Mỹ ký thỏa thuận mua 100 triệu liều

vaccine COVID-19 với Moderna

Mỹ ký thỏa thuận với công ty sản xuất thuốc Moderna để mua 100 triệu liều vaccine COVID-19 tiềm năng, trị giá 1,5 tỷ đôla, Reuters đưa tin hôm 11/8.
Trong những tuần qua, Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận để mua hàng trăm triệu liều vaccine COVID-19 tiềm năng từ một số công ty theo một chương trình nhắm mục tiêu giao và triển khai vaccine ở Mỹ vào cuối năm nay.
Giá mỗi liều vaccine của Moderna là khoảng 30,5 đôla và mỗi một người phải dùng hai liều.
mRNA-1273, ứng viên vaccine của Moderna, là một trong số ít đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng Chín, công ty thông báo tháng trước.
Hoa Kỳ có các thỏa thuận mua vaccine tiềm năng trước với các công ty Johnson & Johnson, AstraZeneca Plc, Pfizer Inc, BioNTech SE, Sanofi SA và GlaxoSmithKline Plc.
Theo Reuters, các thỏa thuận trên đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ sẽ có hơn 500 triệu liều vaccine cho người Mỹ sau khi vaccine của các công ty này được chấp thuận đưa vào sử dụng.
Các nước như Nhật, Anh và Canada cũng có các thỏa thuận trước với nhiều công ty sản xuất thuốc như Mỹ.

Ngoại Trưởng Hoa Kỳ

bắt đầu chuyến công du Trung Âu

Tin Pilsen, Cộng Hòa Czech – Vào thứ Ba, 11 tháng 8, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã đến thành phố Pilsen của Cộng Hòa Czech, bắt đầu chuyến công du 4 quốc gia thuộc vùng trung và đông Âu, nhằm thuyết phục các quốc gia  này chống lại ảnh hưởng từ Nga và Trung Cộng.
Trong chuyến công du, Ngoại Trưởng Pompeo nhiều khả năng sẽ đối mặt với các câu hỏi về việc chính phủ Trump giảm hiện diện quân sự tại Đức. Tổng Thống Trump đang muốn rút hàng ngàn binh sĩ khỏi các căn cứ tại Đức và điều lực lượng này về phía đông châu Âu.
Hai trong số các điểm đến của ông Pompeo, Cộng Hòa Czech và Áo, có chung biên giới với Đức, trong khi quốc gia còn lại, Slovakia, giáp biên giới với Áo, Cộng Hòa Czech và Ba Lan. Khi đến thủ đô Prague của Cộng Hòa Czech vào thứ Tư, Ngoại Trưởng Pompeo sẽ gặp Tổng Thống Milos Zeman và Thủ Tướng Andrej Babis để thảo luận về việc hợp tác phát triển năng lượng hạt nhân và chống lại các hành động ác ý của Nga và Trung Cộng.
Khi đến thành phố Ljubljana của Slovakia, Ngoại Trưởng Pompeo sẽ có bài diễn văn về việc bảo vệ an ninh cho mạng 5G, đồng thời thảo luận về chính trị và năng lượng với ngoại trưởng nước này. Tại Vienna, Ngoại Trưởng Pompeo sẽ gặp Thủ Tướng Áo Sebastian Kurz để nói chuyện về quan hệ thương mại và an ninh khu vực.
Ông Pompeo cũng sẽ gặp gỡ lãnh đạo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA của Liên Hợp Quốc, nơi đang giám sát mức độ tuân thủ của Iran đối với thỏa thuận nguyên tử 2015. Tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, Ngoại Trưởng Pompeo sẽ gặp Tổng Thống Andrzej Duda, người vừa tái đắc cử một cách sát sao trong cuộc tổng tuyển cử tại nước này.   (Ngô Bảo)

Mỹ-Ấn dự định tăng cường thỏa thuận mua bán vũ khí

Hương Thảo
Theo giới phân tích, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có khả năng sẽ tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ sau cuộc đụng độ biên giới với Trung Quốc, theo tờ Express hôm 11/8.
Hai mươi binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng sau cuộc giao tranh khốc liệt nổ ra giữa họ và những người đồng cấp Trung Quốc gần Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) hồi tháng 6. Trung Quốc không tiết lộ con số thương vong, nhưng theo nguồn tin tình báo Mỹ có khoảng hơn 40 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Vụ đụng độ được các nhà ngoại giao và nhà bình luận chính trị mô tả như một “bước ngoặt” trong quan hệ Trung-Ấn.
Trong những tháng gần đây, New Delhi đã ra một loạt các biện pháp nhằm loại bỏ hoặc cấm các công ty Trung Quốc tham gia thị trường tiêu dùng của họ. Tuy nhiên, Ấn Độ đã hạn chế các khoản đầu tư của Trung Quốc vào nước này từ trước khi xảy ra vụ xung đột biên giới.
Akhi Bery, nhà phân tích Nam Á tại hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho biết vụ ẩu đả hồi mùa hè này sẽ khiến Ấn Độ nghiêng về phía Mỹ nhanh hơn. Ông nói với CNBC: “Xung đột biên giới với Trung Quốc có khả năng sẽ thúc đẩy một xu hướng đã châm ngòi”.
Một lĩnh vực quan trọng mà Ấn Độ sẽ tập trung vào trong quan hệ đối ngoại là Đối thoại An ninh Tứ giác. Đây là diễn đàn chiến lược không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, được gọi là Quad (Bộ tứ).
Rajiv Bhatia, cựu đại sứ Ấn Độ tại Myanmar và Mexico, cho biết: “Rõ ràng, một nhân tố then chốt trong việc cân bằng chiến lược đối ngoại của Ấn Độ là việc tăng cường sự thống nhất và gắn kết của quan hệ đối tác trong nhóm Bộ Tứ”.
“Khá nhiều bước tiến đã được thực hiện. Nghiên cứu của tôi đã chỉ ra sự gắn kết này sẽ ngày càng gia tăng, tương ứng với cách thức Trung Quốc thể hiện sự hung hăng của mình đối với nhóm Bộ Tứ nói riêng và toàn bộ khu vực nói chung”.
Mối quan hệ giữa Thủ tướng Modi và Tổng thống Trump càng trở nên thân thiết; ông Trump từng nói ông Modi là một người bạn thật sự trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 2 (ảnh chụp màn hình/Express).
Đầu năm nay, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Ấn Độ, ông Trump đã được những người dân Ấn ở phía bên kia thế giới chào đón như một ngôi sao. Sự kiện mang tên “Namaste Trump” chào mừng Tổng thống Mỹ tại Ấn độ, và sự kiện “Howdy Modi” tổ chức ở Houston, Texas mà người Mỹ dành cho nhà lãnh đạo Ấn Độ, là những cái gật đầu thể hiện sự gắn kết giữa hai bên.
Cả hai đều là những nhà lãnh đạo dân túy thu hút được lòng dân.
Hiện ông Trump đang dựa vào việc bán vũ khí để làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương với Ấn Độ.
Cuộc đụng độ ở biên giới với Trung Quốc đã làm thức tỉnh mong muốn của New Delhi trong việc xây dựng mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Washington, theo trao đổi của các quan chức Mỹ với tờ Foreign Policy.
Trong vài tháng qua, cả hai nước đã đặt nền móng cho một thỏa thuận vũ khí mới.
Thỏa thuận này dự kiến ​​sẽ bao gồm việc Mỹ bán cho Ấn Độ các hệ thống vũ khí dài hạn với trình độ công nghệ và độ tinh vi cao hơn, chẳng hạn như máy bay không người lái có vũ trang.

Ngoại trưởng Mỹ: Cần phải

‘không tin và kiểm chứng’ ngôn hành của Trung Quốc

Hải Lam
Trong bài phát biểu hôm 23/7 tại Thư viện Richard Nixon, bang California, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ với Trung Quốc cần phải là “không tin tưởng và cần kiểm chứng”. Trong cuộc phỏng vấn với Newsmax TV hôm 10/8, ông Pompeo đã nhắc lại điều đó và giải thích nguyên nhân đằng sau.
Trên chương trình “Spicer and Co.” của Newsmax TV phát sóng hôm 10/8 (giờ Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo một lần nữa nhấn mạnh nguyên tắc ngoại giao với chính quyền Trung Quốc, đó là “không tin tưởng và cần chứng thực”.
Ông nói với người dẫn chương trình Sean Spicer, cựu phát ngôn viên Nhà Trắng rằng: “Chúng ta sẽ không tin tưởng rồi sau đó đi chứng thực, và chúng ta nhằm mục đích tạo ra sự thay đổi trong hành vi của ĐCSTQ. Đơn giản là vậy”.
Ngoại trưởng Mỹ giải thích: “Lý do đằng sau chính sách đó chính là sự thất hứa của họ. Tất cả chúng ta đều biết điều đó, Sean”. Ông nói rằng ĐCSTQ “hướng tới sự bất tín và như vậy là không được”.
Ông Pompeo nói thêm:
“Chúng ta đã chứng kiến ​​họ phá vỡ lời hứa, những điều mà họ đã cam kết với người dân Hồng Kông. Chúng ta đã chứng kiến ​​họ thất hứa với Tổ chức Y tế Thế giới, mà hiện đã khiến hàng trăm nghìn người dân trên khắp thế giới mắc phải virus viêm phổi Vũ Hán”.
“Họ từng hứa họ sẽ cho thế giới biết thông tin sớm nếu họ phát hiện được một loại virus có khả năng gây ra đại dịch toàn cầu, nhưng họ đã không làm vậy. Thay vì thông báo cho thế giới, họ lại bưng bít thông tin. Họ đã cho phép công dân của họ [tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh] đi sang các nước khác”.
Họ đã tạo ra mối nguy hiểm thực sự, và giờ đây, mối nguy hiểm đó đã gây ra sự tàn phá khổng lồ, không chỉ đối với các sinh mạng, mà còn khiến kinh tế thế giới thiệt hại hàng nghìn tỷ USD – rất nhiều việc làm, rất nhiều người sẽ phải chịu thiệt hại vì sự thất hứa của ĐCSTQ”.
Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ đi đến kết luận:
“Mọi người không nên tin tưởng họ. Mọi người không được tin những gì họ nói. Mọi người cần phải đi xác minh khi Trung Quốc hứa hẹn điều gì. Tất nhiên khi Trung Quốc làm điều đó, khi họ đưa ra cam kết và họ chứng thực điều đó, thì chúng ta sẽ rất hoan nghênh. Nhưng chúng ta sẽ không còn ủng hộ và cho phép họ thực hiện những hành động đe dọa tất cả chúng ta”.

Tổng thống Trump sẽ đảm bảo Trung Quốc

 không cai trị thế giới trong thế kỷ tới

Hương Thảo
Tại Hội nghị hành động chính trị bảo thủ (CPAC) thường niên, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo hôm thứ Hai (10/8) tuyên bố rằng, Tổng thống Donald Trump đã thay đổi chính sách xoa dịu Trung Quốc trong quá khứ, để đảm bảo rằng thế kỷ sau thế giới sẽ không bị thống trị bởi một chính quyền độc tài như ĐCSTQ.
Trưởng đoàn ngoại giao Mỹ cho rằng vụ bắt giữ tỷ phú Jimmy Lai (Lê Chí Anh), một nhà dân chủ Hồng Kông và là người sáng lập hãng tin Apple Daily, khiến ông không lạc quan rằng Mỹ có thể thay đổi quan điểm của Bắc Kinh đối với Hồng Kông. Ông cũng tuyên bố rằng Washington sẽ không cho phép Bắc Kinh thu được bất cứ lợi ích gì từ việc xâm phạm quyền tự do của người dân Hồng Kông.
Trong cuộc phỏng vấn với Chủ tịch Liên đoàn Bảo thủ Mỹ Matt Schlapp tại CPAC bên ngoài Washington hôm thứ Hai, nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ cho biết, Tổng thống Trump đã nói với ĐCSTQ rằng Hoa Kỳ hoan nghênh những thành tựu của người dân Trung Quốc. Tôi hy vọng họ cũng
được hưởng một cuộc sống tốt đẹp, nhưng không phải bằng cái giá mà Hoa Kỳ phải trả, không phải bằng cái giá mà những nông dân Mỹ, các công ty Mỹ và tài sản trí tuệ của Mỹ bị chính phủ Trung Quốc đánh cắp phải trả.
“Tổng thống Trump vừa nói rằng chúng ta sẽ không nhân nhượng với tình trạng [bất công] này thêm nữa. ĐCSTQ từ chối cung cấp các quyền tự do cơ bản cho người dân của mình. Điều này đi ngược với xu thế tự do trên toàn cầu”, Ngoại trưởng Pompeo nói.
Ông cho biết Tổng thống Trump đã nói rằng như vậy là đủ rồi.
“Chính sách của chúng tôi đã thay đổi từ xoa dịu và tiếp xúc sang một chính sách [cứng rắn] hơn. Chúng tôi hy vọng sẽ tìm được một điểm chung để có thể làm việc với họ [TQ], nhưng chúng tôi sẽ không tin tưởng mà phải kiểm chứng điều đó trước. [Chính sách cứng rắn] để đối phó với những thách thức mà ĐCSTQ đặt ra trong các hoạt động sâu rộng của họ, để đảm bảo rằng chúng sẽ bảo vệ người dân Mỹ”, ông Pompeo nói.
Ông cũng đặc biệt đề cập đến sự khác biệt về hệ tư tưởng giữa ĐCSTQ và thế giới tự do.
Ông nói: “Những người cộng sản có những quan điểm khác biệt về cách thế giới phải vận hành. Tôi muốn nhìn thấy viễn cảnh đó, tôi biết mọi người cũng muốn vậy, và Tổng thống Trump cũng muốn đảm bảo rằng thế kỷ tới không phải là thế kỷ bị cai trị bởi một chính quyền độc tài bắt nguồn từ Trung Quốc”.
Quan điểm của ông Pompeo về vụ bắt giữ Jimmy Lai
Khi được hỏi về vụ bắt giữ nhà sáng lập “Apple Daily” của Hồng Kông – tỷ phú Jimmy Lai (Lê Trí Anh)  – hôm thứ Hai theo “Luật An ninh Quốc gia” vừa được Bắc Kinh cưỡng chế thông qua, ông Pompeo cho biết bản thân ông rất buồn. Ông nói: “Jimmy Lai chỉ là một người yêu nước. Ông ấy hy vọng sẽ mang lại những điều tốt đẹp cho người dân Hồng Kông. Ông ấy chỉ yêu cầu  các quyền tự do cơ bản”.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Pompeo cho biết trong một Twitter rằng ông “vô cùng lo lắng” trước các thông tin cho rằng ông Jimmy Lai bị bắt theo luật an ninh quốc gia Hồng Kông. Ông cho rằng đây là một “bằng chứng nữa cho thấy ĐCSTQ đã tước đoạt quyền tự do của Hồng Kông và làm xói mòn các quyền của người dân Hồng Kông”.
“Tôi vô cùng lo lắng trước các báo cáo về việc bắt giữ ông Jimmy Lai theo Luật An ninh Quốc gia hà khắc của Hồng Kông. Đây lại là một bằng chứng khác cho thấy ĐCSTQ đã tước bỏ các quyền tự do của Hồng Kông và xói mòn quyền của người dân xứ cảng”, ông Pompeo viết trên Twitter cá nhân hôm thứ Hai.
Phó tổng thống Pence: Việc bắt giữ Jimmy Lai là một sự xúc phạm đối với những người yêu tự do
Hồi tháng 7/2019, ông trùm truyền thông Jimmy Lai vốn luôn ủng hộ nền dân chủ Hồng Kông, đã đến Hoa Kỳ để tìm kiếm sự ủng hộ từ Washington cho phong trào biểu tình chống luật dẫn độ ở thành phố cảng. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ, ông đã hội đàm với Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence và các quan chức cấp cao khác trong chính quyền Trump, cũng như một số thượng nghị sĩ.
Phó Tổng thống Pence đã đăng hai dòng Twitter liên tiếp. Ông nói, “Việc bắt giữ ông Jimmy Lai của tờ Apple Daily của Hồng Kông là một sự xúc phạm lớn đối với những người yêu tự do trên toàn cầu. Khi tôi gặp ông Lê Chí Anh tại Nhà Trắng, tôi đã được truyền cảm hứng bởi lập trường ủng hộ dân chủ, nhân quyền và quyền tự chủ của ông. Đó là lời hứa của Bắc Kinh với người dân Hồng Kông”.
Ông Pence nói tiếp: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sát cánh với Jimmy Lai và tất cả những người Hồng Kông yêu tự do. # Hãy phóng thích Jimmy Lai”.
“Việc bắt giữ @JimmyLaiApple ở Hồng Kông là một sự xúc phạm & tấn công trực diện đối với những người yêu tự do trên khắp thế giới. Khi tôi gặp ông Jimmy Lai tại Nhà Trắng, tôi đã được truyền cảm hứng từ lập trường ủng hộ dân chủ, quyền & sự tự chủ đã được Bắc Kinh hứa hẹn với người dân Hồng Kông”, Phó tổng thống Mike Pence viết trên Twitter cá nhân.
Các thành viên Nghị viện Mỹ cũng đã đưa ra các tuyên bố lên án Bắc Kinh đàn áp quyền tự do của người dân Hồng Kông và ủng hộ Jimmy Lai.
Thượng nghị sĩ McConnell, lãnh đạo Đảng Đa số Thượng viện, đã nói trong một tuyên bố:
“Ông Jimmy Lai luôn là người tiên phong trong ngành công nghiệp xuất bản báo chí và truyền thông tích cực ở Hồng Kông. Trong phần lớn cuộc đời, ông ấy đã cống hiến hết mình để vạch trần bản chất dã man của ĐCSTQ, và phát huy các giá trị cơ bản, bao gồm tự do tư tưởng và tự do ngôn luận. Thượng viện, Hoa Kỳ và các quốc gia yêu tự do trên toàn cầu sẽ sát cánh cùng ông Jimmy Lai, và sát cánh với tất cả những người biểu tình ôn hòa đã bị ĐCSTQ đàn áp”.
Ủy ban Chấp hành của Nghị viện Hoa Kỳ về Trung Quốc (CECC), do các thượng nghị sĩ và dân biểu của cả hai đảng đứng đầu, đã kêu gọi Liên Hợp Quốc “thảo luận ngay lập tức về các hạn chế nhân quyền do việc áp dụng Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông”.
Tổng thống Trump: Thái độ đối với Trung Quốc đã rất khác
Tổng thống Trump đã không trực tiếp phản hồi các biện pháp đáp trả mới nhất của Mỹ trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ Hai. Ông nói: “Chúng tôi đã phản ứng bằng nhiều cách”.
Ông đã một lần nữa chỉ trích Bắc Kinh vì đã để xổng virus corona chủng mới, hay Covid-19 “tới châu Âu, tới chúng ta, tới thế giới, nhưng không tới Trung Quốc đại lục”.  Bắc Kinh đã phong tỏa Hồ Bắc sau khi biết tin virus viêm phổi Vũ Hán lan rộng, nhưng vẫn mở cửa các chuyến bay đi quốc tế từ Vũ Hán. Lấy ví dụ, khoảng 430.000 người đã bay từ Trung Quốc sang Mỹ sau khi Bắc Kinh công bố dịch bệnh.
Tổng thống Trump cho biết thái độ của Washington đối với Bắc Kinh đã thay đổi đáng kể so với thời điểm Hoa Kỳ và Trung Quốc ký kết hiệp định thương mại giai đoạn đầu. Ông nói:
“Quan điểm của chúng tôi về Trung Quốc đã rất khác so với tám tháng trước đây “.
Tổng thống Mỹ tuyên bố trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm thứ Hai rằng Mỹ đã đưa ra đề xuất với WTO không công nhận Trung Quốc là nước đang phát triển để tiếp tục lợi dụng các lợi thế thương mại với Mỹ. Ông cũng nói rằng do thiệt hại về nhân mạng to lớn do virus corona chủng mới gây ra, Hoa Kỳ đã có cái nhìn rất khác về Trung Quốc so với 8 tháng trước.
Ông Pompeo: Không lạc quan Hoa Kỳ có thể thay đổi hành xử của Bắc Kinh đối với Hồng Kông
Trong một cuộc phỏng vấn tại CPAC, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho biết những gì chính quyền Trump đang cố gắng làm là thiết lập một loạt các động lực để ĐCSTQ xem xét lại cách tiếp cận của họ đối với Hồng Kông. Những gì xảy ra trong tuần qua, bao gồm cả việc tỷ phú Jimmy Lai bị bắt vừa rồi, khiến ông không lạc quan về điều này. Ông tuyên bố Mỹ có thể chắc chắn rằng nếu ĐCSTQ đối xử với Hồng Kông như những thành phố khác nằm dưới sự cai trị của nó, thì Hoa Kỳ cũng sẽ làm điều tương tự, và sẽ không cho phép Bắc Kinh thụ ích từ việc làm tổn hại người dân Hồng Kông.
Ông Pompeo cũng cho rằng cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Hồng Kông bị chính quyền Hồng Kông viện cớ dịch bệnh để trì hoãn là bởi những người thân Bắc Kinh sẽ phải hứng chịu thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử.
Ông nói: “Họ sẽ bị đè bẹp. Tự do sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử, và do đó ĐCSTQ sẽ không cho phép điều này xảy ra. [Vì vậy] tôi e rằng chúng ta đã chứng kiến ​​cuộc bầu cử dân chủ cuối cùng ở Hồng Kông. Tôi mong rằng điều tôi vừa nói là không đúng”.
Trong một cuộc phỏng vấn, khi đề cập đến những người Duy Ngô Nhĩ bị cầm tù tại các trại cải tạo ở đại lục, ông Pompeo chia sẻ, “Đây là một thảm kịch thực sự. Hơn một triệu người đang phải sống trong một môi trường khắc nghiệt. Nó nhắc nhở chúng ta về những gì đã xảy ra vào những năm 1930 – bị triệt sản, bỏ tù,… Việc bị giam giữ thực sự là một thảm họa”.
Lưỡng viện đồng thuận về chính sách cứng rắn với Bắc Kinh, nhưng tổng thống Trump mới chính là động lực thúc đẩy
Ông cho biết, về vấn đề phải có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, các nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Nghị viện Mỹ đều có sự đồng thuận, nhưng chính sách này được ông Trump khởi xướng và thúc đẩy.
“Ông ấy là người sẵn sàng xé bỏ các lề lối cũ, thừa nhận sự thất bại của các chính sách trong vài thập kỷ qua, và yêu cầu ĐCSTQ hành xử theo cách thức phù hợp với những quy luật đơn giản như tính pháp quyền, sự minh bạch và có đi có lại. Những nguyên tắc cơ bản này là một yêu cầu không thể né tránh đối với ĐCSTQ. Chúng tôi hy vọng họ có thể làm được điều này, bởi nếu họ không làm vậy, chúng tôi sẽ yêu cầu họ làm vậy”, ông Pompeo nói.

TT Trump: ‘Quan hệ thân thiện với Chủ tịch Tập

 tan vỡ sau dịch Covid-19’

Tổng Thống Trump hôm 11/8 nói mối quan hệ giữa ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tan vỡ tiếp theo sau đại dịch Covid-19, và đã lâu ông không nói chuyện với vị tương nhiệm Trung Quốc.
“Trước đây tôi có quan hệ rất tốt với ông ấy”, ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với đài Fox Sport. Ộng đơn cử thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 mà hai bên đã đạt được hồi đầu năm 2020.
“Tôi có quan hệ rất tốt với Chủ tịch Tập. Tôi thích ông, nhưng sự thân tình đó không còn nữa.”
Ông Trump nói tình cảm của ông thay đổi trong đại dịch Covid-19.
“Rõ rệt tôi thấy khác đi. Tôi từng có quan hệ tốt, rất tốt, bây giờ thì lâu rồi, tôi không nói chuyện với ông.”
Theo Reuters, ông Trump coi thách thức Trung Quốc là một phần chủ yếu trong chiến dịch vận động của ông cho cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ ngày 3/11, và ông lưu ý về các quan hệ thân thiện với ông Tập trong phần lớn nhiệm kỳ Tổng Thống đầu tiên giữa lúc ông đang tìm cách thực hiện các cam kết về thương mại.
Hôm 11/8 ông Trump nói so với vụ tranh chấp về thương mại, hậu quả của vụ bộc phát dịch Covid-19 ‘tệ hại hơn gấp ngàn lần’, với nhiều chết chóc và khiến cả thế giới phải đóng cửa.
Từ khi những tin tức đầu tiên về virus Covid-19 xuất hiện tại Trung Quốc vào cuối năm 2019, hơn 20 triệu người đã nhiễm virus, với hơn 735.000 ca tử vong trên toàn cầu, riêng tại Hoa Kỳ đã có 5,1 triệu ca nhiễm và hơn 163.000 ca tử vong.
Ngoài ra, quan hệ Mỹ-Trung cũng bị tác động bởi chiến dịch đàn áp ở Hong Kong sau khi Luật an ninh quốc gia được ban hành, và bởi những bất đồng về Đài Loan và về vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Seattle cắt giảm ngân sách cảnh sát,

sẽ còn tiếp tục cắt giảm hơn nữa trong tương lai

Tin từ Seattle – Vào thứ hai (ngày 10 tháng 8), hội đồng thành phố Seattle đã đã thông qua việc cắt giảm ngân sách của sở cảnh sát thành phố xuống dưới 1% sau nhiều tháng biểu tình. Sau cuộc bỏ phiếu với 7 phiếu thuận và 1 phiếu chống, hội đồng đã thông qua ngân sách sửa đổi năm 2020 nhằm giảm 3.5 triệu mỹ kim từ ngân sách của Sở cảnh sát Seattle (SPD) trong thời gian còn lại của năm và đầu tư 17 triệu mỹ kim vào các chương trình an toàn công cộng cộng đồng.
Việc hội đồng chỉ cắt giảm 3.5 triệu mỹ kim khỏi ngân sách 409 triệu mỹ kim hằng năm của SPD là thấp hơn nhiều so với mức 50% mà những người biểu tình đã yêu cầu sau cái chết của ông George Floyd ở Minneapolis dưới tay một viên cảnh sát vào ngày 25 tháng 5.
Ngay sau khi tin tức về việc cắt giảm ngân sách được công bố, các cơ quan truyền thông cho biết Cảnh sát trưởng Seattle Carmen Best đã từ chức và sẽ đưa ra thông báo trong cuộc họp báo vào thứ Ba (ngày 11 tháng 8). Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Lorena González cho biết hội đồng có khả năng sẽ tiếp tục cắt giảm ngân sách của SPD trong tương lai.
Những người ủng hộ việc cắt giảm ngân sách của sở cảnh sát đã phản đối việc quân sự hóa lực lượng cảnh sát Hoa Kỳ và nói rằng các vấn đề như nghiện ngập, bệnh tâm thần và tình trạng vô gia cư nên được giải quyết bằng các dịch vụ xã hội, không phải cơ quan hành pháp.
Trong khi đó, những người ủng hộ cơ quan hành pháp nói rằng việc cắt giảm chi tiêu của cảnh sát sẽ dẫn đến nhiều tội phạm hơn. Ngân sách sửa đổi năm 2020 được đưa ra sau khi hội đồng tiến hành điều tra SPD và thấy rằng 56% trong số các cuộc gọi 911 là dành cho hoạt động phi tội phạm và chỉ 3% trong số các cuộc gọi dẫn đến một vụ bắt giữ. Ngân sách mới đã giảm lương của bộ phận điều hành và sa thải 100 viên cảnh sát của Sở. (BBT)

Venezuela đàm phán gia hạn trả nợ với Trung Quốc

Chính phủ Venezuela đã đàm phán với các ngân hàng Trung Quốc về thỏa thuận ân hạn tới cuối năm liên quan tới khoản nợ 19 tỷ đôla phải trả bằng dầu mỏ, Reuters đưa tin, dẫn ba nguồn tin ở Caracas.
Chính quyền của cố lãnh đạo Hugo Chavez đã vay hơn 50 tỷ đôla từ Trung Quốc thông qua các thỏa thuận đổi dầu mỏ lấy các khoản vay với Ngân hàng Phát triển Trung Quốc của nhà nước.
Tin cho hay, người kế nhiệm ông Chavez, ông Nicolas Maduro, đã ngừng trả các khoản nợ liên quan vì khủng hoảng kinh tế.
Theo Reuters, thời gian ân hạn là kết quả của các cuộc đàm phán mà Caracas thực hiện với Bắc Kinh hồi đầu năm nay nhằm mưu tìm hỗ trợ tài chính trong khi giá dầu sụt giảm và xảy ra dịch bệnh Corona.
Nguồn tin được dẫn lời nói rằng thỏa thuận trên sẽ có hiệu lực tới ít nhất là tháng 12 năm nay, rồi sau đó hai bên “sẽ đánh giá lại”.

Dùng lò vi sóng an toàn hay có hại cho sức khỏe?

Jessica Brown
Bản thân bức xạ trong lò vi sóng không gây vấn đề, song đồ đựng thức ăn bằng nhựa bị nóng lên thì lại có nguy cơ độc hại.
Mặc dù đã là một thiết bị nhà bếp quen thuộc trong nhiều thập niên, nhưng ít có vật dụng gia đình nào gây tranh cãi hơn lò vi sóng.
Nó được ca ngợi như cứu tinh cho những ai không có thời gian hoặc không biết nấu ăn, song cũng bị một số đầu bếp coi là một sự nhạo báng nghệ thuật nấu ăn
Nhưng có một cuộc tranh luận khác nữa, nằm ngoài khía cạnh ẩm thực. Đó là trong tình huống nào thì sử dụng vi sóng có thể gây hại cho con người?
Khi sử dụng đúng cách thì chúng ta không có gì phải lo lắng về bức xạ vi sóng cả, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Song còn có những mối quan ngại khác chưa được làm rõ – bao gồm vấn đề liệu thực phẩm nấu bằng lò vi sóng có bị mất chất dinh dưỡng hay không, hay thực phẩm để trong hộp nhựa đem hâm nóng trong lò liệu có làm rối loạn nội tiết tố hay không.
Mất chất dinh dưỡng
Một số nghiên cứu cho thấy rau dễ bị mất dinh dưỡng khi được nấu trong lò vi sóng.
Ví dụ, người ta phát hiện ra rằng lò vi sóng làm mất đi đến 97% flavonoid - một hợp chất có tác dụng chống viêm – trong bông cải xanh, tức là mất chất nhiều hơn một phần ba so với luộc chín trên bếp.
Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2019 xem xét sự mất chất dinh dưỡng của bông cải xanh khi nấu trong lò vi sóng lại chỉ ra rằng các nghiên cứu trước đó đã thay đổi các điều kiện, như thời gian nấu, nhiệt độ nấu và nấu bằng cách để bông cải ngập trong nước hay là không.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng thời gian nấu ngắn hơn (họ quay bông cải xanh trong lò vi sóng một phút) sẽ không làm mất đi hàm lượng dinh dưỡng.
Nấu chín bằng cách hấp trên bếp hoặc quay trong lò vi sóng thậm chí có thể làm tăng hàm lượng của hầu hết các flavonoid, là những hợp chất có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
“Trong các phương thức nấu ăn được sử dụng tại nghiên cứu này, lò vi sóng dường như là một cách để bảo tồn flavonoid tốt hơn so với hấp,” các nhà nghiên cứu đã viết.
Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nấu bằng lò vi sóng mà cho quá nhiều nước (tương đương lượng nước dùng khi luộc thực phẩm) là nguyên nhân gây ra sự sụt giảm flavonoid.
Trưởng nhóm nghiên cứu Xianli Wu, khoa học gia tại Trung tâm Nghiên cứu Dinh dưỡng Beltsville thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, cho biết không có một nguyên lý thống nhất giải thích tại sao nấu trong lò vi sóng lại có thể làm tăng hàm lượng flavonoid.
Có thể là việc nấu bằng lò vi sóng khiến việc đo lường flavonoid trở nên dễ dàng hơn – có lẽ bằng cách làm mềm mô thực vật nên dễ chiết xuất hơn – chứ không hẳn là do lượng flavonoid tăng lên.
Vậy nên cũng không có câu trả lời chắc chắn về việc liệu rau nấu trong lò vi sóng sẽ giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn phương thức nấu ăn khác hay không. Bởi vì mỗi loại thực phẩm là khác nhau về kết cấu và hàm lượng chất dinh dưỡng, theo Wu.
“Mặc dù nói chung là lò vi sóng được ưa thích, song thời gian tối ưu sẽ khác nhau đối với từng loại rau,” Wu nói. “Khi cân nhắc các phương cách nấu ăn thường được sử dụng, lò vi sóng khá được ưa thích, ít nhất là đối với nhiều loại rau củ quả, song có lẽ không phải đối với mọi loại thức ăn có nguồn gốc thực vật.”
Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã so sánh hàm lượng phenolics (hợp chất liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe con người) của các loại rau khác nhau sau khi được luộc, hấp và nấu bằng lò vi sóng.
Dùng lò vi sóng và hấp làm hao hụt về hàm lượng phenolic trong bí, đậu Hà Lan và tỏi tây, nhưng lại không mất chất trong rau chân vịt, ớt, bông cải xanh và đậu xanh.
Các nhà nghiên cứu cũng đã thử nghiệm về tính chống oxy hóa.
Đối với cả hai biện pháp, rau quả nấu bằng lò vi sóng có chất lượng tốt hơn so với luộc trong nước.
“Dùng mức nhiệt vừa phải là cách để lò vi sóng trở thành một thiết bị nấu ăn hữu ích trong việc cải thiện các đặc tính có lợi cho sức khỏe của một số loại rau củ,” các nhà nghiên cứu viết.
Nhựa gây độc hại khi được đem dùng trong lò vi sóng
Chúng ta thường đựng thực phẩm trong hộp nhựa và bọc màng nhựa rồi cho vào lò vi sóng, nhưng một số nhà khoa học cảnh báo về nguy cơ ăn phải các chất phthalates. Trong quá trình bị làm nóng trong lò vi sóng, các chất phụ gia nhựa này có thể bị phá vỡ và thấm vào thức ăn.
“Một số loại đồ nhựa không được thiết kế dùng cho lò vi sóng vì có pha chất polymer bên trong để làm mềm và dễ định dạng. Các polymer này tan chảy ở nhiệt độ thấp hơn và có thể bị rò rỉ khi lò vi sóng hoạt động chỉ cần ở mức cao hơn 100 độ C (212F) thôi,” Juming Tang, giáo sư ngành hoá thực phẩm tại Đại học Bang Washington, nói.
Trong một nghiên cứu năm 2011, các nhà nghiên cứu đã mua hơn 400 hộp nhựa được thiết kế để đựng thực phẩm và phát hiện ra rằng phần lớn hóa chất bị rò rỉ từ những hộp nhựa này gây nên rối loạn các nội tiết tố của con người.
Phthalates là một trong những chất hóa dẻo được sử dụng phổ biến nhất, được thêm vào để làm cho nhựa dẻo hơn và thường được tìm thấy trong các hộp đựng, màng bọc nhựa và chai nhựa.
Người ta đã phát hiện ra rằng các phthalates này có thể gây rối loạn hormone và hệ thống trao đổi chất ở người.
Ở trẻ em, phthalates có thể làm tăng huyết áp và kháng insulin, từ đó làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa như tiểu đường và cao huyết áp. Nhiễm độc phthalates còn có liên quan cả đến vấn đề sinh sản, hen suyễn và ADHD.
Phthalates cũng là tác nhân gây rối loạn nội tiết tố tuyến giáp, Leonardo Trasande, giáo sư y tế môi trường và sức khỏe dân số tại Đại học Y ở New York cho biết.
Trong cơ thể con người, những nội tiết tố này rất quan trọng đối với sự phát triển trí não của trẻ sơ sinh trong thời kỳ còn trong bụng mẹ.
Bisphenol (BPA) cũng thường được sử dụng trong các sản phẩm nhựa và các nghiên cứu cho thấy nó cũng có thể gây rối loạn nội tiết tố. Nhưng nghiên cứu còn hạn chế, so với số lượng nghiên cứu nhắm vào phthalates.
Phthalates có ở khắp mọi nơi – ngay cả trong đồ chơi và kem dưỡng da – và người ta vẫn chưa rõ mức độ gây hại của chúng. Nhưng hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng làm nóng nhựa có chứa phthalates có thể làm tăng nguy cơ nhiễm độc chất này.NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
“Việc nấu bằng lò vi sóng làm dịch chuyển các chất độc hại,” Rolf Halden, giáo sư và là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sinh học về Sức khỏe Môi trường tại Đại học Bang Arizona, nói. “
Quy trình này được sử dụng trong các phòng thí nghiệm để trích xuất các chất ô nhiễm từ các mẫu, trước khi đưa đi phân tích hóa học.”
Và những rủi ro tiềm ẩn không chỉ tăng tỷ lệ theo mức độ thường xuyên của từng lần hâm thực phẩm trong hộp nhựa bằng lò vi sóng, Trasande nói – vì không phải là giữa hàm lượng hoá chất bị nhiễm và nguy cơ rối loạn nội tiết tố có mối quan hệ tỷ lệ thuận.
“Các quan điểm cũ cho là liều lượng độc như thế nào thì sẽ gây ra tác hại tương ứng. Song từ nhiều nghiên cứu hiện nay cho chúng ta thấy rằng chỉ cần nhiễm ở mức độ thấp cũng xảy ra các hiệu ứng tác hại mạnh, do đó, không có mức độ phơi nhiễm nhỏ nào là an toàn cả,” Trandande nói.
Điều quan trọng cần nhớ là, khi hâm nóng thức ăn trong hộp nhựa, việc nhiễm độc cũng có thể xảy ra với phần nhựa không chạm vào thực phẩm, chẳng hạn như nắp hộp.
“Nước sôi trào lên khi bốc hơi thức ăn, sau đó ngưng tụ ở mặt dưới của nắp, và các hóa chất từ nắp hộp ngấm vào các giọt ngưng tụ để rồi rơi xuống thức ăn của bạn,” Mitch Halden nói.
Cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro là sử dụng các vật liệu an toàn cho lò vi sóng khác ngoài nhựa, chẳng hạn như gốm sứ.
Nếu bạn sử dụng hộp nhựa, tránh bất kỳ những cái đã bị biến dạng, vì hộp đựng cũ và hư hỏng có nhiều khả năng bị rò rỉ hóa chất hơn.
Bạn cũng có thể kiểm tra biểu tượng tái chế, thường nằm dưới đáy của sản phẩm nhựa – nếu có số 3 và các chữ cái “V” hoặc “PVC” là có chứa phthalates.
Rủi ro khi dùng lò vi sóng ở nhiệt độ cao
Ngay cả khi bạn không dùng đồ đựng bằng nhựa thì vẫn có những rủi ro tiềm ẩn khác khi hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng – bao gồm cả việc làm nóng không đều và dùng nhiệt độ cao.
Đầu tiên, hãy cân nhắc chỉ sử dụng lò vi sóng để hâm nóng, chứ không nấu thức ăn, vì lò làm nóng không đều.
“Tuỳ thuộc vào khối lượng thức ăn được làm nóng to nhỏ thế nào, nhưng sẽ có một số chỗ nóng hơn chỗ khác,” Franciso Diez-Gonzalez, giáo sư về an toàn thực phẩm tại Đại học Georgia, nói.
“Nhiệt độ sẽ khác nhau tại các điểm khác nhau của khối thực phẩm được quay trong lò vi sóng. Rất khó để đạt được mức nhiệt đồng đều cho cả khối thức ăn, nhất là khi đó là nguyên liệu còn tươi sống.”
Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là hâm nóng thức ăn thôi cũng có rủi ro. Thực phẩm phải được làm nóng cho đến nhiệt độ khoảng 82C (176F) thì mới đủ để tiêu diệt bất kỳ vi khuẩn có hại nào – và vì vi khuẩn vẫn có thể phát triển mỗi khi thức ăn nguội đi, bạn không nên hâm nóng bữa ăn nhiều lần.
Nhiệt độ cao của lò vi sóng cũng có thể gây ra một số rủi ro khác nữa. Nói chung, nhiệt độ cao không phải là vấn đề, song có một số nghiên cứu cho thấy có rủi ro liên quan đến việc nấu một số thực phẩm giàu tinh bột trong lò vi sóng, bao gồm ngũ cốc và rau củ.
Khi Betty Schwartz, giáo sư khoa học dinh dưỡng tại Đại học Jerusalem, thấy các sinh viên của mình làm nóng khoai tây trong lò vi sóng vào giờ nghỉ trưa, bà nhận ra có những tinh thể nhỏ bên trong khoai tây của họ.
Khi bà phân tích những tinh thể này, bà thấy chúng có hàm lượng acrylamide hóa học cao, mà có thể là sản phẩm phụ tự nhiên phát sinh trong quá trình nấu ăn.
Schwartz yêu cầu các sinh viên của mình luộc khoai tây thay vì cho vào lò vi sóng, và thấy việc này không tạo ra acrylamide, mà bà cho rằng lý do là nhiệt độ lò vi sóng cao hơn.
Đây là một điều gây quan ngại, bởi vì các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng acrylamide hoạt động như một chất gây ung thư vì nó can thiệp vào DNA của tế bào, nhưng bằng chứng ở người còn hạn chế.
Có một số nghiên cứu cho thấy rằng môi trường nhiệt độ cao của lò vi sóng có lợi cho sự phát triển của acrylamide hơn các cách thức nấu ăn khác.
“Ở nhiệt độ 100C (212F) là có đủ năng lượng thay đổi các liên kết tự động giữa các phân tử để tạo ra một phân tử có năng lượng cao hơn nhiều, có thể tương tác với DNA và gây ra đột biến,” Schwartz nói. “Càng nhiều đột biến thì khả năng gây ung thư càng cao.”
Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng đây chính là trường hợp xảy ra với acrylamide.
Một cách khác an toàn là vẩy nước làm ướt khoai tây trước khi cho vào lò vi sóng.
An toàn bức xạ
Về vấn đề bức xạ trong lò vi sóng, thì đây là thứ hoàn toàn vô hại.
Vi sóng sử dụng bức xạ điện từ tần số thấp – cùng loại được sử dụng trong bóng đèn và radio.
Khi ta đặt thức ăn vào lò vi sóng, thức ăn sẽ hấp thụ các sóng bức xạ này, khiến các phân tử nước trong thực phẩm xung động, gây ra ma sát làm nóng thức ăn.
Con người cũng hấp thụ sóng điện từ. Nhưng lò vi sóng tạo ra sóng tần số tương đối thấp và chúng chỉ ở bên trong lò mà thôi. Ngay cả khi đó là trường hợp bị rò rỉ ra ngoài, vi sóng vẫn vô hại, Tang nói. (Tất nhiên, nhiệt độ trong lò vi sóng thì lại không vô hại – vì vậy bạn đừng bao giờ đặt một sinh vật sống vào bên trong lò).
“Sóng vi sóng là một phần của sóng điện từ mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày. Khi bạn nướng bánh mì, bạn đã tiếp xúc với sóng điện từ và năng lượng hồng ngoại từ các bộ phận làm nóng của lò. Ngay cả con người cũng trao đổi sóng phóng xạ với nhau,” Tang nói.
“Nếu bạn ăn được các loại cây trồng quang hợp ánh sáng mặt trời, hà cớ gì bạn lại lo lắng về thức ăn nấu trong lò vi sóng.”
Không giống như tia X-quang, sóng vi sóng không sử dụng bức xạ ion hóa, có nghĩa là chúng không đủ năng lượng để tách các electron khỏi nguyên tử.
“Các liên kết hóa học khi bị phá vỡ thì mới gây tổn hại đến DNA. Đây mới chính là cách mà bức xạ trở thành sát thủ – nó làm biến đổi tế bào và gây ung thư,” Timothy Jorgensen, phó giáo sư về phóng xạ tế tại trung tâm y khoa thuộc Đại học Georgetown, nói.
Những lo ngại về bức xạ vi sóng phần lớn đã được giải quyết trong những năm ngay sau khi lò vi sóng được phát minh lần đầu tiên, Jorgenson nói.
Đặc biệt, rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu và Phát triển Army Natick ở Massachusetts, Hoa Kỳ, xung quanh sự an toàn của lò vi sóng, đã đạt một chặng dài để làm giảm bớt những lo ngại này.
Khi nói đến việc nấu thức ăn trong lò vi sóng, vẫn còn có rất nhiều điều cần cẩn trọng.
Theo nghiên cứu, lò vi sóng từ lâu đã được coi là một thiết bị nhà bếp an toàn – nhưng đi kèm theo đó là những hướng dẫn, cảnh báo về cách sử dụng.
Và đặc biệt là các chuyên gia vẫn nêu quan ngại về việc sử dụng các hộp nhựa để hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng liệu sẽ làm rối loạn hormone, và do đó, tác động đến sức khỏe của con người, như thế nào.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Khẩu trang vải có hữu hiệu trước COVID hay không?

Một cuộc nghiên cứu mới bổ sung những bằng chứng ngày càng tăng là khẩu trang bất cứ loại nào cũng sẽ giúp ngăn chặn virus corona lây lan.
Cuộc nghiên cứu của Trường đại học Duke, công bố trên tạp chí Science Advances, phát hiện là hầu hết các loại khẩu trang tự chế giúp ngăn chặn các hạt nhỏ bắn ra từ trong miệng, tốt hơn là không mang khẩu trang. Tuy nhiên, sự hữu hiệu phần lớn tùy thuộc vào chất liệu cũng như kích cỡ khẩu trang có vừa vặn hay không.
Các nhà nghiên cứu thử nghiệm 14 loại khẩu trang khác nhau từ loại khẩu trang giải phẩu N95 cho đến các loại vải quấn đầu bằng cotton.
Khẩu trang N95 hữu hiệu nhất trong việc ngăn ngừa những hạt nhỏ văng ra khi nói chuyện, trong khi khẩu trang giải phẫu bằng giấy cũng cực kỳ hữu hiệu.
Khẩu trang bằng bông vải cotton tốt hơn khi có nhiều lớp. Còn che miệng với loại khăn quấn cổ bằng vải nỉ còn tệ hơn là không mang khẩu trang.
Trong một video kèm theo cuộc nghiên cứu, ông Martin Fisher, một phó giáo sư nghiên cứu về hóa học và vật lý thuộc trường Duke, nói kết quả tệ hại của loại khăn quấn cổ bằng nỉ là do loại vải lông mềm.
Vải nỉ có khuynh hướng làm vỡ những hạt lớn hơn thành những hạt nhỏ vốn dễ lơ lửng trong không khí lâu hơn, ông Fisher nói.
Điều này có thể khiến việc che miệng bằng khăn quấn cổ vải nỉ “phản tác dụng,” ông Fisher nói.
“Đây không phải là mang bất cứ loại khẩu trang nào cũng tốt hơn là không mang,” ông nói. “Có một số khẩu trang làm hại hơn là lợi.”
Khẩu trang N95 có van, cho phép người sử dụng thở được, tệ hơn là khẩu trang N95 không có van.
Trong khi van không làm hại người mang khẩu trang, nhưng có thể làm giảm sự bảo vệ những người khác, vì van cho phép các giọt nhỏ lan truyền.
Tuy nhiên, ông Fisher và những nhà nghiên cứu khác lưu ý cuộc nghiên cứu của họ chủ yếu để chứng tỏ phương thức thử nghiệm khẩu trang của họ thành công, chứ không cần thiết là rút ra kết luận từ những kết quả.
Bản thân cuộc nghiên cứu cũng rất giới hạn.
Con số những người được thử nghiệm nhỏ. Bốn người được thử nghiệm 3 loại khẩu trang (khẩu trang giải phẫu, khẩu trang vải cotton, và khẩu trang bằng khăn trùm đầu.) Chỉ có một người thử nghiệm mang 11 loại khẩu trang khác , trong đó có khăn quấn cổ vải nỉ.
Một trong những tác giả đồng nghiên cứu nói với Washington Post là loại khăn quấn cổ được thử nghiệm đó làm bằng “chất liệu polyester co giãn” nhưng cuộc nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Advances không mô tả chi tiết chất liệu được thử nghiệm.
Cũng có những khác biệt đáng kể trong so sánh việc nói chuyện không khẩu trang giữa những cá nhân được thử nghiệm.
Ông Fisher nói kết luận căn bản là mang khẩu trang tốt hơn trong việc làm chậm lây lan của những hạt nhỏ trong không khí hơn là không mang khẩu trang, và rằng một số khẩu trang tốt hơn một số khẩu trang khác.
“Việc này cho các bạn một ý niệm tốt về khẩu trang họat động một cách tổng quát như thế nào,” ông Fisher nói.
“Chúng tôi chắc chắn khuyến khích mọi người mang khẩu trang, nhưng bạn muốn đảm bảo là khi bạn mang khẩu trang và khó khăn khi may một chiếc khẩu trang thì phải làm ra và mang một loại giúp ích, không chỉ cho bản thân mà cho mọi người.”
(Nguồn The Hill)

WHO: 100 ngàn ca COVID mỗi ngày

tại châu Mỹ, Hoa Kỳ chiếm phân nửa

Hơn 100.000 ca COVID-19 được báo cáo hàng ngày tại châu Mỹ, một nửa là tại Hoa Kỳ và có những gia tăng đáng ngại tại những nước đã kiểm soát được dịch bệnh như Argentina và Columbia, giám đốc khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới, Carissa Etienne, loan báo ngày 11/8.
“Khu vực của chúng ta vẫn trong tầm tay của COVID,” bà Etienne nói trong một cuộc họp báo trên mạng từ Washington với các giám đốc khác của Tổ chức Y tế Liên châu Mỹ (PAHO).
Hoa Kỳ báo cáo khoảng 5 triệu ca và Brazil, ổ dịch hàng thứ hai trên thế giới, ghi nhận hơn 100.000 người chết.
Bà cho biết số ca nhiễm đang gia tăng tại Trung Mỹ. Belize ghi nhận số ca mới cao nhất trong tuần này. Cộng hòa Dominic có nhiều ca hơn các đảo quốc vùng Caribe cộng lại.
Bà Etienne nói sức ép lên dịch vụ y tế đe dọa làm gia tăng các bệnh đã kiểm soát được như bệnh lao, HIV và viêm gan, trong khi có thêm nhiều người chết vì những bệnh phòng ngừa và chữa trị được.
PAHO có dữ liệu cho thấy 30% những người sống với HIV tránh tìm tới sự chăm sóc y tế trong đại dịch, và các nước có nguồn cung giới hạn về các loại thuốc chống virus.
“Điều này đáng lo ngại vì không được tiếp tục chăm sóc và thuốc men đầy đủ thì những người lây nhiễm HIV dễ bị bệnh hơn và lây sang người phối ngẫu của họ,” bà nói.
Tuy nhiên, những ca bệnh do muỗi truyền sang như sốt xuất huyết đã sụt giảm, vì mọi người phải ở nhà trong đại dịch và ít bị muỗi đốt.
Hệ thống y tế phải làm cho bệnh nhân được chữa trị dễ dàng bằng cách mở rộng việc khám chữa bệnh trên mạng và cung cấp chăm sóc y tế bên ngoài bệnh viện, bà Etienne kêu gọi.

Khủng hoảng Covid-19 :

Phụ nữ chịu “thiệt đơn, thiệt kép”

Thùy Dương
Cú sốc kinh tế do dịch bệnh Covid-19 gây ra trong thời gian qua có lẽ không chừa một ai. Thế nhưng, không thể phủ nhận rằng nữ giới, nhất là những người phụ nữ có con, dễ bị tổn thương nhất. Biện pháp phong tỏa, những bất bình đẳng nam – nữ trong việc chia sẻ việc nhà, việc tập trung thời gian chăm lo cho con cái ít nhiều đều gây tác hại tới sự nghiệp của người phụ nữ. Tỉ lệ thất nghiệp của phụ nữ cũng tăng cao hơn so với nam giới.
Chiếm số đông trong lĩnh vực chăm sóc y tế và dịch vụ, nữ giới là những người đã và đang xông pha trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và đảm bảo đời sống xã hội. Thế nhưng, những công việc họ đảm nhận lại thường bấp bênh hơn so với nam giới. Và do tính chất công việc, họ cũng chính là những người dễ có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh. Vì thế, khi xảy ra khủng hoảng Covid-19, phụ nữ thường dễ « thiệt đơn, thiệt kép ».
Bất bình đẳng kinh tế gia tăng
Nhìn rộng ra toàn xã hội, lao động nữ trong lĩnh vực kinh tế nào, và ở khu vực nào trên thế giới bị thiệt hại nhiều nhất ? Bà Laurence Gillois, phó giám đốc cơ quan Liên Hiệp Quốc bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu về phụ nữ, phát biểu trên đài France 24 ngày 22/05/2020 :
« Đương nhiên đó là những lĩnh vực bị cuộc khủng hoảng tác động trực tiếp, với những hệ quả trực tiếp. Phụ nữ đang và sẽ là những người đầu tiên bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lần này. Theo những số liệu mới nhất, Covid-19 đã làm mất 300 triệu việc làm trên thế giới hiện nay. Tại nhiều nước, người ta bắt đầu thấy là việc sa thải lao động liên quan đến phụ nữ nhiều hơn là nam giới. Đơn giản là
vì những lĩnh vực bị tác động nhiều nhất, như bán hàng, khách sạn, du lịch, là những lĩnh vực phụ nữ tham gia là chủ yếu.
Chẳng hạn như ở Mỹ, hồi tháng 03-04, người ta ghi nhận số lao động là nữ giới lâm cảnh thất nghiệp rất cao và đã vượt xa nam giới. Trước khi xảy ra khủng hoảng thì mọi chuyện diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Xu hướng nhiều lao động nữ mất việc hơn nam giới cũng xảy ra ở nhiều khu vực khác trên thế giới, trong đó có cả châu Á – Thái Bình Dương. »
Riêng tại khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone, số liệu của Eurostat, cơ quan thống kê của Liên Hiệp Châu Âu, cho thấy ngay từ hồi tháng 05/2020, dịch Covid-19 đã có những tác động về kinh tế đối với phụ nữ. Tỉ lệ thất nghiệp của phụ nữ từ 7,7% hồi tháng 04 đã tăng lên thành 7,9%, trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở nam giới vẫn giữ ổn định ở mức 7%. Kinh tế gia Céline Piques, chủ tịch tổ chức nữ quyền của Pháp Osez le féminisme!, lo ngại những tháng tới đây sẽ ngày càng khó khăn đối với phụ nữ.
Trong khi đó, tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Kristalina Georgieva, hôm 21/07 cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể sẽ cuốn đi những thành quả trong việc giảm bất bình đẳng kinh tế giữa nam giới và nữ giới mà thế giới đã đạt được trong suốt 3 thập kỷ qua. Còn bà Laurence Gillois, phó giám đốc cơ quan Liên Hiệp Quốc bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu về phụ nữ, nhấn mạnh :
« Cuộc khủng hoảng quả thực đã bám rễ vào một thế giới vốn đã được ghi dấu với những sự bất bình đẳng nam – nữ trong cấu trúc. Và cũng giống như những cuộc khủng hoảng khác, cuộc khủng hoảng Covid-19 lần này thể hiện sự bất bình đẳng nam – nữ, nhưng đồng thời cũng là yếu tố làm cho tình trạng bất bình đẳng đó trở nên nghiêm trọng hơn. Ngay từ trước khi xảy ra khủng hoảng, ở khắp nơi trên thế giới đã có tình trạng phụ nữ kiếm được ít tiền hơn nam giới, số tiền tiết kiệm họ dành dụm được cũng ít hơn nam giới. Công việc của phụ nữ ít ổn định hơn so với nam giới. Nữ giới cũng thường làm việc nhiều hơn trong các lĩnh vực kinh tế phi chính thức ».
Ngay cả những người phụ nữ làm lãnh đạo doanh nghiệp cũng không tránh được khó khăn. Bà Laurence Gillois cho biết thêm :
« Trên thế giới, nếu là chủ doanh nghiệp thì thường là nữ giới làm chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp này bị Covid-19 tác động ở những mức độ khác nhau. Chúng tôi có ít số liệu so sánh ở mức toàn cầu, nhưng theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây với 600 chủ doanh nghiệp là nữ ở nhiều nơi trên thế giới, 90% trong số họ cho biết đã gặp những thất bại, sa sút nghiêm trọng trong giai đoạn này do khủng hoảng. Gần 40% sợ là không còn đủ khả năng trả lương cho nhân viên. Có một yếu tố khác góp phần khiến các chủ doanh nghiệp  nữ gặp nhiều khó khăn hơn nam giới, đó là họ phải chăm lo cho gia đình nhà cửa nhiều hơn các đồng nghiêp là nam giới ».
Từ bất bình đẳng trong gia đình đến thiệt thòi trong sự nghiệp
Một cuộc khảo sát của nghiệp đoàn CGT tại Pháp cho thấy việc trường học đóng cửa, trẻ em không đi học, đã khiến gánh nặng việc nhà, chăm sóc dạy dỗ con cái đè nặng lên vai phụ nữ. Khoảng 43% số phụ nữ trả lời câu hỏi cho biết trong giai đoạn phong tỏa, mỗi ngày họ phải dành thêm 4 giờ đồng hồ so với thường lệ để chăm con, nhưng con số này ở nam giới chỉ là 26%. Còn theo kết quả một khảo sát chung mà Đại học Science Po và Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học Pháp – CNRS công bố hồi tháng 04/2020, « những sự bất bình đẳng giới tính đã bị đẩy mạnh hơn trong giai đoạn phong tỏa : phụ nữ phải dành thêm nhiều thời gian để lau dọn nhà cửa và chăm sóc người khác (…) 70% số phụ nữ được hỏi nói hàng ngày họ chăm lo cả việc học hành của con cái, trong khi tỉ lệ này ở nam giới là 32%.»
Để hỗ trợ người lao động dung hòa công việc và gia đình trong giai đoạn phong tỏa, Nhà nước Pháp cho những người có nhu cầu ở nhà chăm sóc con được hưởng chế độ đãi ngộ. Và 70% số người đăng ký hưởng chế độ nghỉ làm để chăm con trong giai đoạn phong tỏa là nữ giới. Nhưng nghịch lý là ở chỗ, suy đến cùng thì nam giới lại là người hưởng lợi nhiều nhất từ biện pháp hỗ trợ nói trên, bởi theo giải thích của chuyên gia Céline Piques với đài France 24, những tác động của dịch bệnh sau này sẽ thể hiện rõ vào lúc người lao động phải thương lượng với chủ lao động về việc tăng lương. Những người đàn ông làm việc từ xa trong nhiều tháng và tham gia nhiều vào hoạt động của doanh nghiệp sẽ được ưu tiên hơn so với những đồng nghiệp nữ đã được hưởng chế độ nghỉ làm để chăm sóc con cái trong giai đoạn phong tỏa.
Còn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, những tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nữ giới cũng đã bắt đầu được trông thấy rõ. Số công trình khoa học của các nhà nghiên cứu nữ đã giảm mạnh trong giai đoạn phong tỏa, trong khi số bài báo, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học nam giới lại tăng hơn nhiều so với bình thường.
Kinh tế gia Céline Piques giải thích các nhà nghiên cứu là nam giới có thể làm việc trong thời gian phong tỏa đó là do con cái họ được mẹ chăm sóc là chính. Vấn đề là điều đó cũng sẽ để lại« vết
tích » trong sơ yếu lý lịch, mang lại nhiều thuận lợi hơn cho nam giới so với các đồng nghiệp nữ trong sự nghiệp sau này.
Đó là chưa kể đến tình trạng nhiều người phụ nữ bị mất việc hay không thể có điều kiện tìm việc, vì buộc phải dành nhiều thời gian chăm sóc con cái trong giai đoạn dịch bệnh. Chính sự bất bình đẳng nam – nữ trong việc phân công các công việc gia đình đã góp phần làm cho phụ nữ thêm thiệt thòi trong giai đoạn khủng hoảng. Nữ văn sĩ, triết gia Pháp Simone de Beauvoir từng phát biểu trên truyền hình năm 1975 :« Việc nội trợ, chăm sóc nhà cửa là công việc mà người ta ép phụ nữ làm, đó là công việc không mang lại giá trị thặng dư ». Câu nói ngày nào cách nay 45 năm dường như vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt trong thời khủng hoảng Covid-19.
Tuy nhiên, vẫn theo phó giám đốc cơ quan Liên Hiệp Quốc về phụ nữ bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu, chịu nhiều tác động nhất có lẽ là những người phụ nữ làm mẹ đơn thân, những người phụ nữ góa chồng phải nuôi con nhỏ :
« Lần đầu tiên trong vòng 3 thập niên người ta thấy có đến hơn 500 triệu người có thể rơi vào cảnh đói nghèo vì khủng hoảng. Tỉ lệ phụ nữ có thể bị đẩy vào cảnh đói nghèo cùng cực cao hơn 25% so với nam giới. Chính điều này cũng tạo ra sự mất an ninh lương thực và khiến nó nghiêm trọng hơn.
Một kịch bản tương tự đã xảy ra do cuộc khủng hoảng Ebola. Và các gia đình chỉ có bố hoặc mẹ đơn thân nuôi con đặc biệt dễ bị tổn thương. Đa số các gia đình này là phụ nữ đơn thân nuôi con. Tỉ lệ này có thể khác nhau ở các nước nhưng thường dao động ở mức khoảng 85%. Các gia đình này đặc biệt dễ tổn thương, dễ bị tác động, vì chỉ có một nguồn thu nhập và những gánh nặng gia đình lại tăng nhiều hơn ».
Riêng tại Pháp, trong thời gian bình thường, 1/3 số gia đình chỉ có bố hoặc mẹ đơn thân nuôi con sống dưới ngưỡng nghèo khó, trong đó có tới 85% là phụ nữ đơn thân nuôi con. Theo kinh tế gia Céline Pique, những người phụ nữ trong hoàn cảnh sống bấp bênh nhất, chẳng hạn những người làm nghề thu ngân ở siêu thị, lại dễ mất việc trong giai đoạn phong tỏa vì không thể để con bơ vơ ở nhà để đi làm trong mùa dịch. Nếu vào mùa thu, làn sóng dịch thứ hai xảy ra, đất nước có thể bị phong tỏa trở lại, với những kịch bản có thể còn tồi tệ hơn đợt 1 rất nhiều, thì tình hình của các bà mẹ đơn thân chắc chắn sẽ còn bi đát hơn nữa.

EU rút ưu đãi tiếp cận thị trường với Campuchia

Liên hiệp châu Âu (EU) hôm 12/8 đã rút ưu đãi tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm của Campuchia như dệt may và giày dép vì “các quan ngại liên quan tới nhân quyền”, theo Reuters.
EU lần đầu công bố bước đi trên hồi tháng Hai và cơ quan điều hành có trụ sở ở Brussels của tổ chức này hôm 12/8 nói rằng kể từ đó tới nay, Campuchia không có thay đổi gì và vì thế, quyết định đó giờ có hiệu lực.
“Chính quyền Campuchia nên hành động để khôi phục các quyền tự do chính trị ở nước này, tái thiện lập các điều kiện cần thiết cho đối lập dân chủ, đáng tin cậy và khởi đầu quá trình hòa giải quốc gia thông qua đối thoại toàn diện và thành thật”, Ủy ban châu Âu nói, theo Reuters.
Theo hãng tin này, quyết định của EU đồng nghĩa với việc một phần năm xuất khẩu của Campuchia vào khối sẽ bị ảnh hưởng.
Campuchia năm 2018 là nước hưởng lợi nhiều thứ hai trong chương trình hỗ trợ thương mại dành cho các nước nghèo nhất thế giới của EU.
Reuters đưa tin, Campuchia bắt đầu cuộc đàn áp trên diện rộng đối với phe đối lập, xã hội dân sự và truyền thông trước cuộc bầu cử diễn ra vào năm đó.

Kinh tế Anh

lần đầu tiên chính thức suy thoái sau 11 năm

Szu Ping Chan
Kinh tế sụt giảm kỷ lục trong thời gian từ tháng Tư tới tháng Sáu do các biện pháp phong tỏa phòng chống virus corona, khiến nước Anh chính thức bước vào suy thoái.
Nền kinh tế bị thu nhỏ lại 20,4% so với ba tháng đầu năm.
Chi tiêu của các hộ gia đình giảm mạnh do các cửa hàng buộc phải đóng cửa, trong lúc các hoạt động sản xuất, xây dựng cũng giảm mạnh.
Việc này đẩy Anh lần đầu tiên rơi vào tình trạng suy thoái về mặt kỹ thuật – được định nghĩa là khi kinh tế trải qua hai quý liên tiếp đi xuống – kể từ năm 2009.
Có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ khá lên?
Cơ quan Thống kê Quốc gia (ONS) nói rằng kinh tế đã bật trở lại trong tháng Sáu, khi chính phủ nới lỏng các biện pháp phong tỏa.
Kinh tế Anh tăng 8,7% trong tháng Sáu, sau khi đạt mức tăng 1,8% trong tháng Năm.
Tuy nhiên, Jonathan Athow, phó giám đốc phụ trách phân tích số liệu thống kê kinh tế quốc gia, nói: “Dẫu vậy, tổng sản lượng quốc nội (GDP) trong tháng Sáu vẫn thấp hơn hồi tháng Hai, là thời điểm trước khi virus tấn công.”
Ngành nào bị ảnh hưởng nặng nhất?
ONS nói rằng tình trạng suy sụp ra là do kết quả của việc đóng cửa đối với các cửa hàng, khách sạn, nhà hàng, trường học và các garage sửa xe hơi.
Mảng dịch vụ, vốn chiếm tới bốn phần năm nền kinh tế Anh, đã có mức suy giảm kỷ lục tính theo quý.
Việc đóng cửa nhà máy cũng khiến sản lượng xe hơi đạt mức thấp nhất kể từ năm 1954 tới nay.
Mức suy giảm kinh tế cao nhất là trong tháng Tư, lúc cao điểm áp dụng các biện pháp phong tỏa.
Các cửa hàng bán lẻ quần áo, sách vở và các mặt hàng không thiết yếu khác đã được mở cửa trở lại tại xứ Anh (England) vào ngày 15/6, còn hoạt động xây dựng cũng đã tăng mạnh sau khi suy giảm nghiêm trọng hai tháng trước đó.
Tuy vậy, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak nói rằng tình trạng suy giảm kinh tế sẽ khiến có thêm nhiều người mất việc làm trong những tháng tới.
Số liệu chính thức về công ăn việc làm, được công bố hôm thứ Ba, cho thấy lượng người đi làm giảm 220.000 trong thời gian từ tháng Tư tới tháng Sáu.
Đây là mức giảm trong quý cao nhất kể từ thời điểm tháng Năm – tháng Bảy 2009, là lúc cuộc khủng hoảng tài chính rơi vào thời điểm trầm trọng nhất.
Tình hình Anh so với các nước khác thế nào?
Tuy dữ liệu gần đây cho thấy việc phục hồi đang diễn ra, nhưng Ngân hàng Trung ương Anh Quốc không hy vọng là nền kinh tế sẽ trở lại được quy mô như thời điểm trước đại dịch cho tới sớm nhất là vào cuối năm sau.
Cơ quan Quản lý Ngân sách (the Office for Budget Responsibility), cơ quan chịu trách nhiệm dự báo chính thức của chính phủ, cho rằng việc phục hồi thậm chí còn cần mất nhiều thời gian hơn nữa.
Kinh tế Anh là một trong những nền kinh tế phát triển suy giảm trầm trọng nhất.
Nền kinh tế đã co lại một phần năm so với thời điểm cuối năm ngoái.
Mức này không tồi tệ như mức giảm 22,7% của Tây Ban Nha, nhưng cao gấp đôi so với mức suy giảm tại Đức và Hoa Kỳ.
Ngân hàng Trung ương Anh Quốc ghi nhận rằng việc chi tiêu cho các hoạt động xã hội, chẳng hạn như đi ăn tiệm, đi xem hòa nhạc hay xem bóng đá, là nguồn thúc đẩy tăng trưởng tại Anh lớn hơn nhiều so với ở Mỹ hay các nước thuộc khối sử dụng đồng euro.

Covid-19 : Tình hình tại Pháp đang « theo hướng xấu »

Thu Hằng
Pháp có thêm gần 1.400 ca nhiễm Covid-19 trong vòng 24 giờ, theo thống kê tối 11/08/2020. Số ca nhiễm mới hàng ngày luôn vượt ngưỡng 1.000 từ nhiều ngày gần đây. Thủ tướng Pháp Jean Castex cảnh báo diễn biến dịch Covid-19 đang đi theo « chiều hướng xấu ».
Tính đến ngày 11/08, với thêm 15 ca tử vong, ở Pháp tổng cộng đã có 30.354 người chết. Pháp hiện chỉ còn 391 bệnh nhân Covid-19 được điều trị tích cực trong phòng hồi sức, giảm 5 người so với hôm trước. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở giới trẻ. Mùa du lịch hè đã khiến người dân Pháp lơ là các biện pháp phòng ngừa và giãn cách xã hội.
Trước nguy cơ làn sóng dịch thứ hai, thủ tướng Pháp thông báo tăng cường hàng loạt biện pháp : duy trì lệnh cấm tập hợp trên 5.000 người đến ngày 30/10, gia tăng kiểm tra việc tuân thủ các quy định phòng ngừa virus lây lan, đeo khẩu trang ở những nơi quy định, có thể bắt buộc khai báo tụ tập trên 10 người, tự cách ly…
Những địa điểm bắt buộc đeo khẩu trang sẽ được mở rộng và do các tỉnh trưởng hoặc dân biểu địa phương nghiên cứu và quyết định. Thủ tướng Pháp cho rằng nếu « không hành động tập thể, chúng ta phải đối mặt với nguy cơ dịch tái bùng phát rất cao ». Những nỗ lực này là « cần thiết và hoàn toàn trong tầm tay » vì ưu tiên của chính phủ là « tránh phải tái lập phong tỏa quy mô lớn ».
Tây Ban Nha cũng đang trong « tình trạng nghiêm trọng », với số ca nhiễm cao nhất Tây Âu, trung bình gần 5.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong một tuần gần đây, bằng tổng số ca nhiễm mới hàng ngày của Pháp, Anh, Đức và Ý gộp lại. Tại Bỉ, người dân vùng Bruxelles sẽ phải đeo khẩu trang khi đường kể từ ngày 12/08 do số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 600 mỗi ngày. Ngược lại, Ý hiện vẫn khống chế được đà lây nhiễm virus : số ca nhiễm mới dưới ngưỡng 500, khoảng 40 bệnh nhân điều trị tích cực và khoảng 10 ca tử vong hàng ngày.
Trung Quốc nới lỏng điều kiện nhập cảnh đối với người châu Âu
Từ khi châu Âu trở thành ổ dịch Covid-19, Trung Quốc đã ngừng các chuyến bay thương mại và thắt chặt điều kiện nhập cảnh. Tuy nhiên, một số điều kiện được nới lỏng, theo thông báo ngày 12/08 của nhiều sứ quán Trung Quốc ở châu Âu. Quy định mới chỉ áp dụng cho những người đã có thẻ cư trú ở Trung Quốc, nhưng bị kẹt ở nước ngoài từ 4 tháng nay. Hiện giờ, họ có thể « xin thị thực vào Trung Quốc » và phải cách ly 14 ngày theo quy định. Trong danh sách 36 nước có Pháp, Bỉ, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan, Anh và Thụy Sĩ.

Địa Trung Hải: Căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ,

Hy Lạp muốn Liên Âu họp khẩn

Trọng Nghĩa
Hy Lạp ngày 11/08/202 kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu họp khẩn cấp về Thổ Nhĩ Kỳ, trong lúc căng thẳng giữa hai nước láng giềng leo thang ở phía đông Địa Trung Hải.
Theo lời ngoại trưởng Hy Lạp, nước này đã đặt quân đội trong tình trạng báo động cao, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ lại cho chiến hạm hộ tống tàu khảo sát dầu khí xâm nhập hải phận Hy Lạp.
Thông tín viên RFI, Joël Bronner, tường thuật từ Athens :
Cuộc đọ sức lại tái diễn. Tương tự như vào cuối tháng 7, tàu khảo sát địa chấn Thổ Nhĩ Kỳ Oruç Reis, cùng với tàu chiến hộ tống, đã trở lại hải phận Hy Lạp, khiến Athens vô cùng bực tức và lo ngại.
Chiếc tàu khảo sát Thổ Nhĩ Kỳ có mục tiêu tìm khí đốt dưới biển. Việc khám phá các mỏ dầu, đặc biệt là ngoài khơi đảo Chypre, từ nhiều năm qua đã thu hút nhiều nước ven Địa Trung Hải.
Từ tháng 11/2019, căng thẳng đã bùng lên giữa Ankara vả Athens trên vấn đề này, sau một thảo thuận gây tranh cãi về đường phân chia hải phận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya. Thỏa thuận nhằm hợp thức hoá các yêu sách của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền đông Địa Trung Hải.
Một thỏa thuận khác ký kết tuần qua, giữa Hy Lạp và Ai Cập, cũng về đường ranh hải phận đã trở thành một cái cớ để Thổ Nhĩ Kỳ, có vẻ như bị chọc giận, cho tàu trở lại khu vực tìm khí đốt.
Nhìn rộng hơn, các hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm mục tiêu xét lại ranh giới trên biển với Hy Lạp, thừa hưởng từ hiệp định Lausanne cách nay gần một thế kỷ, nhưng đây là đường ranh giới mà Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy quá chật hẹp.

Covid-19 : Nga thông báo có vac-xin sớm,

giới khoa học hoài nghi

Anh Vũ
Hôm qua, 11/08/2020, với thông báo chế tạo thành công vac-xin « đầu tiên » ngừa Covid-19, Nga muốn chứng tỏ đã về đầu trong cuộc chạy đua toàn cầu chế tạo liều thuốc tiêm chủng quý giá mà cả thế giới đang mong chờ. Thế nhưng, thông báo của tổng thống Vladimir Putin ngay lập tức được đón nhận bằng những phản ứng của giới khoa học hoài nghi nhiều hơn là hy vọng.
Giữa lúc cuộc chạy đua tìm kiếm vac-xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu đang bước vào giai đoạn nước rút, Matxcơva đã lên tiếng nhận chiến thắng. Ngày hôm qua, đích thân tổng thống Vladimir Putin khẳng định, trong một cuộc họp qua video được phát trên truyền hình, Nga đã về đầu trong cuộc đua này. Ông trịnh trọng tuyên bố, trong khi vẫn còn đang phải giãn cách xã hội tại tư dinh ở Novo-Ogaryovo, ngoại ô Matxcova : « Lần đầu tiên trên thế giới, một loại vac-xin ngừa virus corona đã được đăng ký (…) Tôi được biết vac-xin khá công hiệu và tạo được miễn dịch lâu dài »
Tổng thống Nga còn cho biết con gái ông đã được tiêm loại vac-xin này.
Sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm lâm sàng trên người, như vậy chính quyền Nga đang từng bước chính thức phê duyệt cho phép sử dụng vac-xin trong dân Nga. Sản phẩm do phòng thí nghiệm Gamelaya nghiên cứu bào chế, được đặt tên Sputnik V, sẽ được lưu hành chính thức ngay từ ngày đầu tiên của năm 2021. Ngay lúc này Nga cũng thông báo đã có 20 quốc gia đặt mua với số tiền lên tới hơn 1 tỷ đô la.
Tuy nhiên, Nga chưa hề công bố một kết quả nào liên quan đến quá trình nghiên cứu, thử nghiệm vac-xin. Sputnik V còn phải qua công đoạn cuối cùng thử nghiệm trên diện rộng, bắt đầu từ ngày hôm nay, trước khi được chính thức phê chuẩn lưu hành trên thị trường.
Loại vac-xin với cái tên Sputnik V đầy biểu tượng đang gặp phải những phản ứng nghi ngờ từ giới khoa học quốc tế, do các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng chưa hoàn tất, cũng như do thiếu các số liệu liên quan đến kết quả các công đoạn thử nghiệm.
Ít giờ sau khi Matxcơva công bố chế tạo thành công Sputnik V, đại diện của Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho biết sẽ chỉ xác nhận cho loại vac-xin Nga này sau khi vac-xin trải qua quy trình đánh giá dữ liệu an toàn và hiệu quả. AFP dẫn lời phát ngôn viên của WHO: « Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với cơ quan y tế Nga và thảo luận đang tiếp tục. Khâu tiền thẩm định và chính thức công nhận vac-xin phải diễn ra theo đúng quy trình nghiêm ngặt ».
Tuần trước, khi có thông tin loại vac-xin Nga đã sẵn sàng, Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã cảnh báo mọi loại vac-xin trước khi cho lưu hành rộng rãi phải tuân thủ các quy trình thử nghiệm theo quy định và hướng dẫn của tổ chức này.
Các nhà khoa học tại nhiều nước và ngay cả ở Nga cũng đã bày tỏ lo lắng trước việc Matxcova vội vàng phê duyệt cấp phép cho loại vac-xin chưa hoàn thành đầy đủ các thử nghiệm lâm sàng.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Pháp Libération hôm nay, giám đốc Viện di truyền học thuộc Đại học College London, nhà nghiên cứu Thụy Sĩ François Bolloux tỏ ra phẫn nộ trước thông báo của chính quyền Nga. Nhà khoa học này cũng nhấn mạnh đến mối nguy hiểm đối với dân chúng, khi một loại vac-xin được vội vàng tung ra thị trường.
Ông François Bolloux cho rằng : « Đây là một quyết định phi lý và hơn nữa là nguy hiểm. Một quyết định chính trị đưa ra trong một cuộc chạy đua điên rồ để trang bị vac-xin ngừa Covid 19. Điều này hoàn toàn vô trách nhiệm, dù sự việc có thế nào. »
Trong khi đó giáo sư Odile Launay, thuộc bệnh viện Cochin Paris, trên báo La Croix thì khẳng định thông báo của chính quyền Nga hoàn toàn mang tính tuyên truyền, không hề có tính khoa học. Theo chuyên gia Pháp, không phải ngẫu nhiên mà tổng thống Putin đưa ra thông báo : «  Trong trận dịch này, có chuyện lẫn lộn giữa chính trị và khoa học. Ta đã thấy nhiều tổng thống, như Vladimir Putin hay Donald Trump của Hoa Kỳ,  đã đưa ra các thông báo thay cho các nhà khoa học và theo cách sớm quá ».
Chính điều này có thể làm gia tăng sự ngờ vực đối với các nghiên cứu vac-xin đang tiến hành rất tốt.
Thế nhưng, với tổng thống Putin, việc Nga là nước đầu tiên công bố một loại vac-xin có khả năng ngăn chặn đại dịch virus corona là niềm tự hào dân tộc và để khẳng định sự vượt trội với các cường quốc phương Tây, trong bối cảnh nước Nga đang ngày càng bị cô lập.
“Sputnik” là tên của vệ tinh đầu tiên trên thế giới do Liên Xô sản xuất và phóng vào quỹ đạo năm 1957, mở ra kỷ nguyên chạy đua vào vũ trụ trên toàn thế giới. Cái tên vac-xin Sputnik V do viện Gameilaya phát triển đã phần nào nói lên tham vọng của Nga trong cuộc chạy đua mới này.
Nhưng điều chắc chắn là vội vàng phê duyệt các quy trình sản xuất vac-xin sẽ không giúp Nga trở thành người dẫn đầu cuộc đua, mà đó chỉ là trò đánh cược chính trị trên sức khỏe của con người.

Nga bác bỏ quan ngại an toàn về vaccine COVID-19

Nga hôm 12/8 cho biết số vaccine COVID-19 đầu tiên sẽ dành cho một số nhân viên y tế trong vòng hai tuần nữa đồng thời bác bỏ các quan ngại an toàn “vô căn cứ” mà một số chuyên gia nêu ra, theo Reuters.
Tổng thống Putin hôm 11/8 thông báo Nga trở thành nước đầu tiên thông qua vaccine COVID-19 sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người.
Tin cho hay, loại vaccine này chưa hoàn tất các cuộc thử nghiệm cuối cùng.
Reuters đưa tin, chỉ khoảng 10% các cuộc thử nghiệm lâm sàng thành công và một số nhà khoa học lo ngại rằng Moscow có thể đặt uy tín dân tộc lên trước cả vấn đề an toàn.
Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko được trích lời nói hôm 12/8 rằng “dường như các đồng nghiệp nước ngoài của chúng tôi nhận thấy các lợi thế cạnh tranh cụ thể từ thuốc của Nga và đang tìm cách thể hiện các quan điểm mà theo chúng tôi là vô căn cứ”.
Ông nói thêm rằng vaccine COVID-19, do Viện Gamaleya ở Moscow phát triển, sẽ được sử dụng “chủ yếu cho các bác sĩ trong vòng hai tuần nữa”.
Giám đốc Viện Gamaleya Alexander Gintsburg nói rằng các kết quả thử nghiệm lâm sàng sẽ được công bố sau khi đã được các chuyên gia của Nga đánh giá.
Ông nói rằng tới khoảng tháng 12 và tháng Một, Nga có thể sản xuất 5 triệu liều mỗi tháng, theo Reuters.

Đài Loan nói với viên chức cao cấp Hoa Kỳ rằng

 Trung Cộng đang tìm cách biến Đài Loan

thành Hồng Kông tiếp theo

Tin từ Đài Bắc – Hôm thứ Ba (11 tháng 8), nhà ngoại giao hàng đầu Đài Loan nói với bộ trưởng Bộ Y tế Hoa Kỳ Alex Azar rằng Đài Loan đang ngày càng trong tình thế khó khăn, khi Trung Cộng đang gây áp lực buộc hòn đảo dân chủ phải chấp nhận các điều kiện có thể biến họ thành Hồng Kông tiếp theo.
Hôm Chủ nhật (9 tháng 8), ông Azar đến thăm Đài Loan với tư cách là viên chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ trong bốn thập niên, chuyến thăm bị Trung Cộng lên án khi tuyên bố hòn đảo này là của riêng mình. Hôm thứ Hai (10 tháng 8), các chiến cơ của Trung Cộng đã bay qua đường trung tuyến của khu vực eo biển Đài Loan nhạy cảm trong thời gian ngắn, và bị hỏa tiễn phòng không của Đài Loan theo dõi. Đài Loan xem đây là hành động quấy rối của Bắc Kinh.
Trung Cộng đã đề nghị chế độ tự trị “một quốc gia, hai chế độ” để Đài Loan chấp nhận sự cai trị của mình như cách ở Hồng Kông, nhưng bị Đài Loan kiên quyết từ chối. Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu nói Đài Loan cảm thấy may mắn khi có những người bạn như ông Azar ở Hoa Kỳ giúp Đài Loan đấu tranh cho sự công nhận ở quốc tế.
Washington cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Bắc vào năm 1979 để ủng hộ Bắc Kinh, nhưng vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Đài Loan. Chính quyền tổng thống Trump đã tăng cường ủng hộ Đài Loan khi quan hệ với Trung Cộng xấu đi về các vấn đề như nhân quyền và thương mại. Không chỉ để thể hiện sự ủng hộ nền dân chủ của Đài Loan, mà ông Azar còn đến thăm để tìm hiểu về chiến thắng đại dịch coronavirus của Đài Loan. (BBT)

Đài Loan đưa Việt Nam khỏi danh sách

các nước có rủi ro thấp lây nhiễm COVID-19

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung ương Đài Loan vừa thay đổi xếp  loại Việt Nam từ danh sách rủi ro thấp sang mức độ trung bình khi dịch COVID-19 tái bùng phát tại Việt Nam trong tháng 7 vừa qua.
Thông tin trên được tờ TaiwanNews loan tin tại buổi họp báo của Bộ Y tế Đài Loan diễn ra vào ngày 12 tháng 8.
Theo tin, trước đợt bùng phát mới của dịch COVID-19 ở Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung ương của Đài Loan (CECC) đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách những nước có mức độ rủi ro thấp về lây nhiễm COVID-19.
Với sự thay đổi đó, những doanh nhân hoặc những người đi công tác đến Đài Loan cần phải trải qua thời gian cách ly lâu hơn
Bộ trưởng Bộ Y tế & Phúc lợi cùng với người đứng đầu CECC Chen Shih-chung thông báo rằng do sự gia tăng lây nhiễm COVID-19 tại Việt Nam, Bộ đã chuyển Việt Nam từ danh sách các quốc gia / khu vực có nguy cơ thấp sang mức trung bình.
Theo đó, kể từ 22/6, những người đi công tác đến Đài Loan từ các nước có rủi ro trung bình như Việt Nam phải chịu cách ly 7 ngày.
Như vậy, hiện trong danh sách những quốc gia/khu vực có rủi ro trung bình gồm Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Srilanka và Việt Nam.

Agnes Chow: Nhà hoạt động nữ Hong Kong

 được ca ngợi là ‘Mộc Lan đời thực’

Mới 23 tuổi, Agnes Chow đã nhiều lần dẫn đầu các cuộc biểu tình
Agnes Chow (Chu Đình), nhà hoạt động ủng hộ dân chủ 23 tuổi, mới cớió một biệt danh mới.
Những người ủng hộ cô gọi cô là “Hoa Mộc Lan ngoài đời” – liên hệ tới nữ anh hùng huyền thoại Trung Quốc, người đã chiến đấu để cứu gia đình và đất nước.
Cô Chow là một trong số ít các nhà hoạt động và nhân vật truyền thông bị bắt trong tuần này theo luật an ninh mới do Bắc Kinh áp đặt. Cô bị bắt giữ vì tội “thông đồng với các thế lực nước ngoài”. Nếu bị kết án, cô có thể phải chịu án tù chung thân.
Hiện cô đã được tạm tha, nhưng việc cô bị bắt giữ làm dấy lên làn song ủng hộ cô, với nhiều người dùng hashtag #FreeAgnes trên Twitter.
Vì sao lại là Hoa Mộc Lan?
Hoa Mộc Lan là một nhân vật huyền thoại Trung Quốc, nhưng được nhiều người biết đến nhờ bộ phim hoạt hình của Disney năm 1998.
Câu chuyện của Hoa Mộc Lan kể về một cô gái trẻ cải trang làm nam giới để chiến đấu cứu gia đình và đất nước.
Một bộ phim truyện dựa trên truyền thuyết này đáng lẽ ra mắt năm nay, với vai chính do diễn viên Lưu Diệc Phi đảm nhận.
Nhưng năm ngoái, người biểu tình Hong Kong kêu gọi cải cách dân chủ có đụng độ với cảnh sát bạo động, lực lượng bị lên án là đã dùng bạo lực quá mức.
Các tổ chức ủng hộ Bắc Kinh lên án người biểu tình đã tấn công cảnh sát và những người Hong Kong phản đối biểu tình.
Trong một đợt căng thẳng, diễn viên Lưu Diệc Phi chia sẻ trên Weibo một bài đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo của chính phủ Trung Quốc, cùng dòng chữ: “Tôi cũng ủng hộ cảnh sát Hong Kong. Các vị có thể đánh tôi đi.”
Người biểu tình ủng hộ dân chủ nhanh chóng phản đối cô Lưu, lên án cô đã ủng hộ việc cảnh sát dùng vũ lực.
Bộ phim sớm trở thành một biểu tượng chính trị – với người dân Trung Quốc đại lục lên tiếng ủng hộ cô Lưu còn người ủng hộ dân chủ Hong Kong thì kêu gọi tẩy chay bộ phim.
Mới đây, Disney tuyên bố Mulan sẽ chỉ ra mắt hạn chế ở các rạp nhưng sẽ được stream trên dịch vụ Disney+. Hãng này đưa lý do là vì chi phí do dịch Covid-19.
Nhiều người so sánh giữa cô Lưu và cô Chow như hai nhân vật tương phản. Họ nói nhà hoạt động nữ mới là hiện thân thực sự của một nữ anh hùng dám đứng lên chiến đấu.
Mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều meme về chủ đề này.
“Agnes cho thấy sự dũng cảm thực sự là thế nào,” một người viết trên Twitter. “Agnes là Mulan của tôi.”
“Agnes Chow là Mulan ngoài đời. Cô ấy hơn hẳn cô Lưu, người ủng hộ vũ lực của cảnh sát Hong Kong. Cô ấy dũng cảm và sẵn sàng…đấu tranh cho tự do,” một người khác viết.
Cô Agnes Chow người thông thạo tiếng Nhật, cũng có lượng người theo dõi đáng kể ở Nhật. Một số kênh truyền thông Nhật đã gọi cô là “bà Chúa của Dân chủ”.
Chúng ta còn biết gì về Agnes Chow?
Agnes Chow đã tham gia vào chính trị Hong Kong từ khi còn ít tuổi. Cô gia nhập một phong trào thanh thiếu niên từ khi mới 15.
Phong trào này biểu tình phản đối kế hoạch thực hiện “giáo dục quốc gia và đạo đức” tại các trường công. Học sinh lo ngại kế hoạch này sẽ dần dần đưa chương trình giáo dục được kiểm duyệt nghiêm ngặt ở Trung Quốc đại lục vào Hong Kong.
Họ tổ chức các cuộc biểu tình ngồi với đông người tham gia và cuối cùng kế hoạch này được gác lại.
Trong những cuộc biểu tình này, Agnes đã gặp nhà hoạt động Joshua Wong (Hoàng Chi Phong).
Cả hai đã trở thành những nhân vật chủ chốt của phong trào Dù vàng – phong trào biểu tình ngồi năm 2014 đòi người dân Hong Kong có quyền tự chọn lãnh đạo của mình.
Các cuộc biểu tình đó đã không thành công – nhưng chúng sản sinh ra một thế hệ lãnh đạo chính trị trẻ.
Agnes Chow, Joshua Wong và Nathan Law sau đó đã lập ra đảng Demosisto ủng hộ dân chủ năm 2016.
Năm 2018, cô Chow muốn tham gia tranh cử địa phương – cô từ bỏ quyền công dân Anh và hoãn tốt nghiêp đại học để tìm cách ra ứng cử.
Nhưng lời đề cử cô bị từ chối vì các quan chức nói cô ủng hộ “quyền tự quyết” cho Hong Kong.
“Điều quan trọng nhất không phải là liệu tôi có thể tranh cử trong các cuộc bầu cử trong tương lai hay không, mà là liệu các quyền cơ bản và quyền tự do của người Hong Kong có được bảo vệ hay không,” tờ SCMP trích lời cô.
Năm 2019, các cuộc biểu tình lớn nổ ra ở Hong Kong, với nhiều người phản đối luật dẫn độ.
Tháng Tám năm đó, cô Chow bị bắt vì bị cho là tham gia và xúi giục tụ tập trái phép tại trụ sở chính của cảnh sát Hong Kong hồi tháng Sáu.
Các nhân vật ủng hộ dân chủ nổi bật khác trong đó có Joshua Wong và Andy Chan cũng bị bắt.
Sau đó cô nhận tội.
Rồi ngày 30/6 năm nay, luật an ninh quốc gia có hiệu lực.
Một số nhà hoạt động dân chủ, như Nathan Law – chọn cách rời Hong Kong vì lo ngại sẽ bị Bắc Kinh bỏ tù.
Cô Chow và anh Wong tuyên bố họ rút lui khỏi đảng Demosisto, mà sau đó đã giải thể, nhưng chọn ở lại Hong Kong.
Đầu tuần nay, cô Chow bị bắt trong một chiến dịch an ninh quốc gia, trong đó nhà tài phiệt truyền thông Jimmy Lai cũng bị bắt.
Sau đó có tin cô bị bắt vì tội “thông đồng với các thế lực nước ngoài” theo luật an ninh quốc gia mới.
“Tôi cho rằng điều rất rõ là chế độ và chính phủ này đang dùng luật an ninh quốc gia để đàn áp các nhà bất đồng chính kiến,” cô nói với các phóng viên sau khi được tạm tha.
Sau đó cô Chow nói trong một thông cáo trên Facebook rằng lần cô bị bắt giữ vừa rồi là “đáng sợ nhất” cho tới nay.
“Đã bị bắt bốn lần, lần này là đáng sợ nhất. Nhưng ngay cả trong đồn cảnh sát, tôi vẫn có thể biết qua luật sư của tôi tình yêu thương và sự quan tâm mọi người dành cho tôi,” cô nói.
“Con đường [phía trước] còn gian nan. Hãy bảo trọng mọi người nhé.”

Hong Kong: Cổ phiếu Apple Daily tăng vọt

sau khi Jimmy Lai bị đàn áp

Tỷ phú Jimmy Lai, ông chủ tờ Apple Daily bị bắt hôm thứ Hai theo luật an ninh gây tranh cãi do Bắc Kinh áp đặt, hiện đã được bảo lãnh tại ngoại.
Cổ phiếu công ty mẹ của tờ báo Apple Daily ở Hong Kong tăng gấp bốn lần chỉ một ngày sau vụ bắt giữ ông Jimmy Lai.
Nhà tài phiệt ủng hộ dân chủ Jimmy Lai nằm trong số 10 người bị giam giữ với tội danh thông đồng với lực lượng nước ngoài.
Nhưng người Hong Kong ủng hộ tờ báo bằng cách mua cổ phiếu của công ty.
Cổ phiếu của công ty này ở mức 1,10 đô la Hong Kong trong phiên giao dịch cuối ngày hôm thứ Ba, tăng so với 0,255 đô la Hong Kong chỉ 24 giờ trước đó.
Tờ báo này, vốn đưa ra quan điểm hiếm hoi, không che đậy về Hong Kong và các lãnh đạo Trung Quốc, cho biết đã bán ra hơn 500.000 bản in, gấp 5 lần con số thông thường.
Trong số những hình ảnh đặc biệt được tờ báo phát hành hôm thứ Hai, có hình ảnh ông Lai bị còng tay và bị dẫn giải ra ngoài tòa soạn khi gần 200 cảnh sát đột kích tòa nhà.
Động thái này đã làm dấy lên sự lên án toàn cầu về cuộc đàn áp ngày càng leo thang đối với những người bất đồng chính kiến.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Trung Quốc đã “tước đoạt các quyền tự do của Hong Kong”.
Hôm thứ Ba, trang nhất của tờ Apple Daily xuất hiện hình ảnh ông Lai bị còng tay với dòng tiêu đề: “Apple Daily phải chiến đấu.”
Ông Lai được tại ngoại sớm vào thứ Tư 12/8 theo giờ địa phương và được chào đón bởi một đám đông người ủng hộ.
Người Hong Kong ủng hộ tờ báo
Tại một số khu vực của thành phố, người ta thấy người Hong Kong xếp hàng mua tờ Apple Daily từ 02:30 trong khi người bán cho hay đã bán hết sạch.
“(Tôi đã mua chúng) để cho người khác nữa, tôi e rằng nhiều người không thể mua được báo,” một phụ nữ, cho hay tên là Chan, nói với BBC trong khi mua 16 tờ Apple Daily.
Các đăng ký trực tuyến cũng được báo cáo là tăng 20.000 trong tuần này.
Cổ phiếu của công ty mẹ Next Digital, ban đầu giảm vào thứ Hai, nhưng đến thư Ba lại tăng vọt, gần như đạt mức cao nhất trong 12 năm qua.
Điều này xảy ra khi các nhà hoạt động kêu gọi người ủng hộ mua cổ phiếu.
Tuy nhiên, có những lo ngại rằng các nhà đầu tư có quan hệ với đại lục cũng có thể mua cổ phiếu.
Louise Wong, một giám đốc điều hành cấp cao của Next Digital, nói với Nikkei Asian Review rằng “nếu ai đó có thể có hơn 5% cổ phần, người đó có thể đòi một ghế trong hội đồng quản trị”.
Phản đối toàn cầu
Ông Lai, người được nhiều người ở Hong Kong coi là anh hùng vì đã chỉ trích trực tiếp giới lãnh đạo cấp cao của Bắc Kinh, là nhân vật cấp cao nhất bị giam giữ theo luật mới cho đến nay.
Nhưng ở đại lục, ông Lai từ lâu đã bị gán cho là kẻ phản quốc.
Vài giờ sau khi ông Lai bị bắt, nhà hoạt động nổi tiếng Agnes Chow và Wilson Li, một nhà báo tự do, cũng bị bắt với cáo buộc vi phạm luật này.
Chow tại ngoại vào cuối ngày thứ Ba. Cô nói với các phóng viên: “Rõ ràng là chế độ này đang sử dụng luật an ninh quốc gia để trấn áp những người bất đồng chính kiến.”
Vụ bắt giữ làm dấy lên những lời chỉ trích từ Washington, London và Liên Hiệp Quốc về các cuộc tấn công vào quyền tự do của thành phố.
“Tôi vô cùng lo lắng trước các báo cáo về vụ bắt giữ @JimmyLaiApple theo Luật An ninh Quốc gia hà khắc của Hong Kng,” Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết trên Twitter.
“Có thêm các bằng chứng rằng ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc] đã tước đoạt các quyền tự do của Hong Kong và làm xói mòn các quyền của người dân ở đó,” ông viết.
Các quan điểm tương tự cũng được bày tỏ ở Anh, nước cho biết sẽ đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong và mở cửa cho nhiều người Hong Kong trở thành công dân Anh quốc.
Người phát ngôn của Thủ tướng Boris Johnson nói với Reuters: “Đây là bằng chứng cho thấy luật an ninh quốc gia đang được sử dụng như một cái cớ để bịt miệng phe đối lập. Các nhà chức trách Hong Kong phải duy trì các quyền và tự do của người dân.”
Luật an ninh gây tranh cãi được Bắc Kinh áp lên Hong Kong vào tháng Sáu đã khiến một số nhà hoạt động nổi tiếng của thành phố bỏ trốn ra nước ngoài do dự đoán về một cuộc đàn áp rộng lớn hơn đối với các quyền tự do của thành phố.
Các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ bùng lên ở Hong Kong vào năm ngoái để phản đối kế hoạch cho phép dẫn độ tội phạm từ Hong Kong sang xét xử ở Trung Quốc đại lục. Trong khi đề xuất này cuối cùng bị rút lại, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, với các yêu cầu rộng lớn hơn về cải cách dân chủ.

Ông trùm truyền thông Hồng Kong Jimmy Lai

và nhà hoạt động dân chủ Agnes Chow được tại ngoại

Ông trùm truyền thông Hong Kong và chủ nhân của tờ Apple Daily Jimmy Lai đã được tại ngoại ngay sau nửa đêm ngày thứ Tư (12/8), gần hai ngày sau khi bị bắt theo luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh, sau khi ông đóng tiền thế chân.  Ông Jimmy Lai không nói chuyện với giới truyền thông sau khi được cảnh sát thả ra và nhanh chóng rời khỏi hiện trường.
Trong khi đó tại quận Tai Po của Hồng Kong, nhà hoạt động đấu tranh trẻ tuổi Agnes Chow cũng được tại ngoại ngay trước nửa đêm, sau khi cô đóng tiền thế chân. Cô Agnes Chow đã nói bên ngoài rằng vụ bắt giữ cô là một “cuộc đàn áp chính trị” và cáo buộc chế độ sử dụng luật an ninh quốc gia để “đàn áp những người bất đồng chính kiến”.
Luật an ninh quôc gia Hồng Kong do Bắc Kinh áp đặt trừng phạt bất cứ điều gì mà Trung Cộng cho là lật đổ, ly khai, khủng bố và cấu kết với các lực lượng nước ngoài với mức án tù chung thân. Những người chỉ trích nói rằng luật phá hủy các quyền tự do, trong khi những người ủng hộ nói rằng nó sẽ mang lại sự ổn định sau các cuộc biểu tình chống Trung Cộng, ủng hộ dân chủ kéo dài vào năm ngoái. (BBT)

Hồng Kông : Tỷ phú Lê Trí Anh được thả,

kêu gọi các nhà báo tiếp tục « chiến đấu »

Anh Vũ
Chưa đầy 48 giờ sau khi bị cảnh sát bắt giữ theo luật an ninh quốc gia, nhà tỷ phú truyền thông của Hồng Kông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) đã được trả tự do có điều kiện vào nửa đêm  qua, 11/08/2020. Sau khi được tự do, theo AFP, Lê Trí Anh đã về tòa soạn nhật báo Apple Daily của ông và tại đây ông đã kêu gọi các nhà báo của mình tiếp tục « chiến đấu ».
Vụ bắt giữ nhà tài phiệt ủng hộ dân chủ cùng 9 người khác, trong đó có 2 con trai và nhiều quản lý tập đoàn của ông, đã gây náo động dư luận tại Hồng Kông và truyền thông khắp thế giới. Tối qua, nhiều người ủng hộ biểu tượng của báo chí độc lập ở đặc khu hành chính đã đến đón ông ở cửa đồn cảnh sát. Thông tín viên RFI Florence de Changy ghi nhận tại chỗ :
“Một nhóm người hân hoan đón nhà tài phiệt báo chí đối lập Lê Trí Anh (Jimmy Lai) khi ông ra khỏi đồn cảnh sát khu Vượng Giác (Mongkok) cùng với các luật sư của ông vào khoảng nửa đêm, tức là 40 giờ sau khi ông bị bắt tại nhà riêng.
Những người ủng hộ ông giương khẩu hiệu « Mỗi ngày một quả táo », ngụ ý nhắc tên tờ báo Apple Daily. Bất chấp việc cảnh sát mở chiến dịch ồ ạt hăm dọa tại trụ sở tòa soạn hôm thứ Hai, ban biên tập nhật báo này cam kết tiếp tục ra báo và người dân Hồng Kông hôm qua đã đổ xô mua báo Apple Daily.
Một giờ trước đó, một nhà hoạt động dân chủ khác là Chu Đình (Agnes Chow), 23 tuổi, cũng đã được ra khỏi sở cảnh sát.
Chu Đình cho biết cô đã phải nộp cho cảnh sát hộ chiếu cùng 200 nghìn đô la Hồng Kông và sẽ phải ra trình diện ở đồn cảnh sát ngày 1/9 tới. Cô nhắc lại là đã phải cam kết công khai không yêu cầu trợ giúp của nước ngoài. Đồng thời cô cũng không hiểu tại sao bị bắt giữ tại nhà tối muộn hôm thứ Hai.
Chu Đình nói : « Tôi cảm thấy rõ ràng là chế độ Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông sử dụng luật an ninh quốc gia để bịt miệng những người ly khai chính trị. Hành động này sẽ có thể còn nhắm vào nhiều người dân Hồng Kông. Rõ ràng đó là hành động truy bức và thủ tiêu chính trị. »
Ông Lê Trí Anh không phát biểu gì nhưng tờ báo của ông đã thông báo ông sẽ « chat trực tiếp trên Twitter » vào ngày mai như thường lệ vào những ngày thứ Năm”.

Jimmy Lai :

« Luật an ninh quốc gia ký án tử cho Hồng Kông »

Nhà tỉ phú Jimmy Lai (Lê Trí Anh), 71 tuổi, chủ tập đoàn Next Digital, một nhà đấu tranh ủng hộ dân chủ Hồng Kông, bị bắt ngày 10/08/2020 và hôm nay được tự do có điều kiện. Nhà tỷ phú trở thành nạn nhân của luật an ninh mới, một đạo luật mà ông nhận định là « án tử cho Hồng Kông », khi trả lời phỏng vấn thông tín viên RFI Florence de Changy tại nhà riêng trước khi bị câu lưu.
Cuộc phỏng vấn diễn ra hôm 27/07, lúc đó ông đang được tại ngoại có bảo lãnh và bị cấm rời khỏi Hồng Kông.
RFI : Chúng ta có thể bắt đầu với câu hỏi về quan điểm của ông đối với luật an ninh mới ?
Jimmy Lai : Tôi nghĩ rằng luật an ninh quốc gia ký bản án tử cho Hồng Kông. Luật này nghiêm khắc hơn cả những dự đoán bi quan nhất. Nó bổ sung cho bản Hiến pháp của chúng tôi. Điều đó có nghĩa là đạo luật này phá hủy nguyên tắc nhà nước pháp quyền và tự do của chúng tôi. Không có pháp quyền, cộng đồng kinh doanh ở đây sẽ không còn hề được công lý bảo vệ.
RFI : Nhưng Bắc Kinh không có lý do nào để phá hủy một khu vực tài chính như vậy.
Jimmy Lai : Họ chẳng cần có lý do để phá hủy, nhưng họ vẫn làm vì một lý do rất đơn giản : một trung tâm tài chính cần sự tin tưởng lẫn nhau, nhưng không có nhà nước pháp quyền thì không có tin cậy lẫn nhau. Dĩ nhiên là giới doanh nhân kiếm được rất nhiều tiền ở đây. Vì thế, họ không muốn rời khỏi nơi mà họ kiếm được tiền. Nhưng những gì đang diễn ra hiện nay lại khác hẳn. Họ hiểu tình hình nghiêm trọng đến mức nào và họ nhận thấy cách hành động hà khắc của đảng Cộng Sản Trung Quốc để kiểm soát vùng đất này. Tất cả đều hiểu : Bắc Kinh không đùa nữa.
RFI : Luật này đã có tác động như nào đến giới trẻ và đối lập ?
Jimmy Lai : Thanh niên thực sự rất sợ. Không thể trách họ được. Cả cuộc sống của họ đang ở trước mắt. Thậm chí, nhiều thủ lĩnh trẻ đã rời Hồng Kông, một số khác cũng đang tính đến việc đó và một số khác nữa, dù ở lại, cũng tách dần khỏi phong trào. Họ tự nhủ : « Thế là đủ rồi, mình không chuốc lấy rủi ro nữa ». Chúng ta không thể trách họ được. Không ai có thể yêu cầu một người khác phải hy sinh vì lý tưởng. Vì thế phong trào ủng hộ dân chủ sẽ bị suy yếu. Và những người ở lại có sứ mệnh duy trì tính toàn vẹn của phong trào và điểm tựa cho lương tâm xã hội. Thực tế, đó là điều mà họ kiên tâm, vì họ biết rằng họ đi đúng hướng lịch sử và họ làm những gì cần phải làm. Thậm chí, kể cả ngày nay chúng tôi thất bại, những người tiếp nối chúng tôi, một ngày nào đó sẽ chiến thắng. Đó là hy vọng duy nhất của chúng tôi.
RFI : Kể cả ông, ông cũng đang tự chuốc rủi ro vì những quan điểm của mình đối với Bắc Kinh ?
Jimmy Lai : Chị biết không, trước khi có luật an ninh quốc gia, người ta thường xuyên cố tình làm tôi sợ, khi nói rằng tôi sẽ bị kết án chung thân ở Trung Quốc, hoặc tôi sẽ bị tử hình. Họ nói rất nhiều điều để khiến tôi phải sợ. Nhưng dĩ nhiên, họ sẽ quá thỏa mãn nếu tôi từ bỏ. Nhưng tôi không đi, tôi tự thấy xấu hổ, làm như thế tờ báo của tôi sẽ mất uy tín và tôi sẽ đẩy phong trào ủng hộ dân chủ vào chỗ nguy hiểm. Tôi đã khiến họ chán chường trong suốt 30 năm qua, tôi là một trong những người kịch liệt chống lại họ. Nếu ngày nào đó trận chiến thực sự xảy ra, tôi lại ra đi sao ? Tôi sẽ là một kẻ đớn hèn như thế nào ! Tôi không muốn trở thành người như thế.

Bão Mekkhala

thổi bay nhà xưởng ở Trung Quốc trong vài giây

Hải Lam
Bão Mekkhala đổ bộ khu vực ven biển tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc hôm 11/8, thổi bay một khu nhà xưởng trong vài giây, theo Daily Mail.
Chính quyền địa phương cho biết, cơn bão nhiệt đới Mekkhala với sức gió lên đến 119 km/giờ, đã đổ bộ vùng ven biển tỉnh Phúc Kiến sáng 11/8. Hãng truyền thông Pear đăng tải một video cho thấy bão kèm theo gió mạnh thổi bay một khu nhà xưởng của nhà máy ở thành phố Long Hải, tỉnh Phúc Kiến chỉ trong vài giây.
Một số video cũng ghi lại cảnh cơn bão làm bật gốc cây và phá hủy các ngôi nhà ở khu vực nó đi qua. Các nhà chức trách Trung Quốc đã nâng cảnh báo bão lên mức màu vàng trong thang cảnh báo 4 cấp, trong đó, màu đỏ là mức cao nhất, tiếp theo lần lượt là màu cam, vàng và xanh.
Cục Đo lường Trung Quốc cho biết Mekkhala, cơn bão thứ sáu trong năm nay, dự kiến ​​sẽ tiếp tục tấn công các vùng ven biển phía đông và phía nam của đất nước. Giới chức khuyến cáo người dân không đi lại trong thời điểm bão. Tân Hoa Xã đưa tin, các dịch vụ giao thông công cộng như tàu hỏa, máy bay tạm gián đoạn.

Trung Quốc gia tăng tập trận trên biển,

đe dọa cả đảo Guam của Mỹ

Trọng Nghĩa
Trong bối cảnh quan hệ với Washington căng thẳng hẳn lên, Bắc Kinh tổ chức một loạt các cuộc tập trận tại các vùng biển bao quanh Trung Quốc, từ vùng eo biển Đài Loan xuống đến Biển Đông. Theo ghi nhận của kênh truyền hình Mỹ CNN ngày 11/08/2020, Bắc Kinh thậm chí còn đe dọa tập trận bắn đạn thật ngay gần đảo Guam ở miền Tây Thái Bình Dương, sát Philippines, nơi đặt một căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ.
Cuộc diễn tập gần đây nhất của Trung Quốc diễn ra hôm 10/08 khi Bắc Kinh cho chiến đấu cơ vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan, một đường ranh giới không chính thức ngăn vùng biển giữa Hoa Lục và Đài Loan, buộc chính quyền Đài Bắc phải điều máy bay lên để ngăn chặn và xua đuổi.
Đây là một động thái hiếm hoi, vì từ năm 1999 đến nay, đây chỉ là lần thứ ba mà chiến đấu cơ Trung Quốc cố ý xâm nhập không phận Đài Loan như vậy. Hai lần trước là vào tháng Hai vừa qua và tháng Ba năm 2019. Theo giới phân tích, Bắc Kinh đã có động thái thị uy kể trên để biểu thị thái độ bất bình trước việc một bộ trưởng Mỹ chính thức đến thăm Đài Loan từ Chủ Nhật 09/08.
Trang web bằng Anh Ngữ của Quân Đội Trung Quốc đã không ngần ngại đăng lại một bài viết của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, khẳng định rằng động thái của Không Quân Trung Quốc là nhằm cho thấy Bắc Kinh không hài lòng đối với Washington về chuyến thăm Đài Loan của bộ trưởng Y Tế Mỹ Azar.
Bài viết còn đe dọa rằng nếu Washington không lùi bước trên vấn đề Đài Loan, quân đội Trung Quốc “sẽ có thêm biện pháp đáp trả, như tập trận bắn tên lửa thật ở phía đông Đài Loan hay gần đảo Guam”.
Theo giới phân tích, việc tập trận bắn tên lửa gần đảo Guam sẽ là một hành vi cực kỳ khiêu khích đối với Mỹ, vì hòn đảo ở phía đông Philippines này là nơi Hoa Kỳ đặt hai căn cứ quân sự trọng yếu: Căn cứ Không Quân Andersen và Căn cứ Hải Quân Guam.
Lời đe dọa tập trận gần Guam được đưa ra trong bối cảnh rộ lên những thông tin về một loạt những cuộc tập trận khác mà Quân Đội Trung Quốc đã và sắp tiến hành.
CNN cũng trích Hoàn Cầu Thời Báo cho biết là các lực lượng trên bộ và trên biển của Trung Quốc đã có nhiều cuộc tập trận trên biển và đổ bộ tấn công trong các tuần qua và sẽ tiếp tục những hoạt động này trong những tuần lễ sắp tới.
Trong số những cuộc tập trận gần đây, theo tờ báo, có cuộc tấn công giả định lên bãi biển trên đảo Hải Nam, bài tập đổ bộ ở tỉnh Quảng Châu, đợt diễn tập tấn công vượt biển ở tỉnh Phúc Kiến, và cuộc tập trận Không Quân phối hợp oanh tạc cơ, trang bị tên lửa, với các loại máy bay tiêm kích trên Biển Đông. Quân đội Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch cho một số cuộc tập trận bắn đạn thật trong tuần này và tuần sau.

Hứng lệnh trừng phạt của Mỹ,

Huawei không còn chip để sản xuất smartphone

Vũ Giang
Huawei, nhà sản xuất smartphone số một thế giới cho biết nguồn dự trữ chipset Kirin đang dần cạn kiệt do ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của Mỹ, the AP đưa tin.
Richard Yu, giám đốc điều hành bộ phận kinh doanh tiêu dùng của Huawei cho biết, từ tháng sau (tức tháng 9 tới), Huawei sẽ không thể sản xuất chip Kirin của riêng mình do sức ép kinh tế liên tục từ phía Mỹ.
“Thật không may, theo lệnh trừng phạt lần thứ hai từ phía Mỹ, các nhà sản xuất xuất chip chỉ cung cấp cho chúng tôi đơn đặt hàng đến ngày 15/5 và việc sản xuất (smart phone) sẽ phải ngừng vào ngày 15/9”, ông Yu cho biết tại một hội nghị hôm 7/8.
“Năm nay có thể là thế hệ cuối cùng của dòng điện thoại cao cấp Huawei sử dụng chip Kirin”, ông Yu nói thêm.
Rất có khả năng vi xử lý Kirin mới được ra mắt vào năm 2020 sẽ là chipset cao cấp cuối cùng của Huawei. Đồng thời chiếc Huawei Mate 40 sắp tới có thể là sản phẩm cuối cùng dùng chip Kirin.
Trước đó Mỹ đã cáo buộc Huawei bí mật cài các back doors (cổng hậu) trên các cơ sở hạ tầng mạng nhằm hỗ trợ cho các nỗ lực gián điệp của chính phủ Trung Quốc.
Huawei đã phủ nhận cáo buộc này nhưng điều đó không ngăn cản chính quyền tổng thống Trump liệt Huawei và 114 công ty thành viên vào danh sách thực thể nhằm hạn chế tiếp cận vào tháng 5/2019.
Do đó các công ty Mỹ không thể bán công nghệ cho Huawei mà không có sự chấp thuận của chính phủ.
Google đã bị cấm kinh doanh với Huawei, khiến Huawei không được phép dùng Android và các ứng dụng của Google trên các sản phẩm của mình.
Tiếp đó Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành một quy tắc xuất khẩu để chặn các lô hàng bán dẫn cho Huawei. Quy tắc này đã ngăn cản các nhà sản xuất chất bán dẫn nước ngoài sử dụng phần mềm và công nghệ của Mỹ khi bán sản phẩm cho Huawei.
Nếu muốn họ phải có giấy phép từ chính phủ Mỹ. Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) là một ví dụ khi đã phải tạm dừng các đơn đặt hàng chip HiSilicon Kirin của Huawei vào tháng 5 do quy định mới.
Theo phân tích của Canalys, bất chấp ảnh hưởng từ lệnh cấm, đầu năm nay Huawei đã vượt mặt Samsung và trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới, với lượng điện thoại xuất xưởng nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6.
Wall Street Journal cho biết, nhà sản xuất chip của Mỹ là Qualcomm đã yêu cầu chính quyền Trump giảm bớt các hạn chế đối với việc bán linh kiện cho Huawei và cho phép hãng này bán các loại chip được sử dụng trong điện thoại 5G của họ.

Đánh cắp danh tính công dân Mỹ,

Trung Quốc tạo phiếu bầu giả can thiệp bầu cử 2020

Quý Khải
Căng thẳng Trung-Mỹ đang trở nên ngày càng gay gắt. Chưa đầy 100 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống, ĐCSTQ đã dùng vô số biện pháp để can thiệp nhằm thao túng kết quả, và lần này là thông qua thủ đoạn bằng lái xe giả, theo Epoch Times.
Hải quan Mỹ gần đây thông báo họ bắt giữ được một lô hàng lớn bằng lái xe giả trong hành lý của những người đến từ Trung Quốc và Hồng Kông.  Một số nhà phân tích cho rằng đây là bằng chứng về “cuộc chiến không giới hạn” của Trung Quốc nhắm vào Mỹ và nỗ lực thao túng bầu cử Mỹ của Bắc Kinh.
Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm nay tại sân bay Chicago, hải quan Mỹ đã thu giữ được 20.000 bằng lái xe giả.
Ngày 9/8, đài Fox News của Mỹ đưa tin:
“Một lượng lớn bằng lái xe giả từ Trung Quốc và những nơi khác đã tràn vào Mỹ”.
Hồi cuối tháng 7, Hải quan Mỹ thông báo rằng chỉ trong nửa đầu năm nay, chỉ tính riêng tại Sân bay Quốc tế Chicago’s O’Hare (O’Hare International Airport), họ đã thu giữ được gần 20.000 bằng lái xe giả.
Theo Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP), các nhân viên thực thi pháp luật đã thu giữ được 19.888 giấy phép lái xe giả trong 1.513 chuyến hàng hóa quốc tế. Ngoại trừ một số nhỏ từ Hàn Quốc và Anh, các giấy phép này chủ yếu bắt nguồn từ Hồng Kông và Trung Quốc.
Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ tại thành phố Chicago đã báo cáo rằng băng nhóm ăn cắp bằng lái xe giả đã bí mật buôn lậu bằng lái giả, cất giấu chúng trong các hộp đựng trà và đồ trang sức từ đại lục chuyển sang Mỹ. Một lô bằng lái xe giả bị tịch thu ban đầu được bán cho 20 sinh viên trong cùng một trường đại học (ảnh chụp màn hình CBS News).
Báo cáo của Hải quan Mỹ không tiết lộ tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa của họ. Ví dụ, 1.513 lô hàng này đã được lấy ra từ hàng chục nghìn khối hàng hóa quốc tế. Nếu tỷ lệ kiểm tra thực tế của chúng là tương đối thấp, thì có khả năng rất nhiều bằng lái xe giả đã tràn ngập vào Hoa Kỳ.
Giới chức trách tin rằng nhóm tội phạm có ý định sử dụng những tài liệu giả này để tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp, bao gồm đánh cắp danh tính, lao động bất hợp pháp hoặc buôn lậu thông tin cá nhân, cùng các hoạt động nhập cư bất hợp pháp. Các tài liệu giả mạo cũng có thể được những tên khủng bố sử dụng để giảm khả năng bị truy bắt trong quá trình phạm tội.
Năm 2019, thành phố Dallas đã thu giữ được khoảng 2000 bản sao giấy tờ tùy thân giả mạo. Mùa thu năm ngoái, bang Kentucky đã tịch thu được 3.000 bằng lái xe giả. Những vật phẩm này đều được gửi đến New York, và một lô bằng lái xe giả đã được cấp cho những tên tội phạm hiếp dâm trẻ em ở New York. Các nhân viên hải quan tin rằng những kẻ này đang sử dụng thẻ căn cước giả để thu hút những thanh thiếu niên nhẹ dạ.
Tuy nhiên, bằng lái xe Mỹ giả từ Trung Quốc có thể ẩn giấu những âm mưu không ngờ.
Trung Quốc tạo bằng lái xe giả để thao túng bầu cử Mỹ
Theo phân tích từ kênh truyền thông Lutheran News Agency, những bằng lái xe giả này có thể được dùng để thao túng bầu cử Mỹ. Bởi vì “bằng lái xe ở Mỹ giống với thẻ căn cước và có thể được dùng làm chứng nhận danh tính trong cuộc tổng tuyển cử”.
Tờ Luther phân tích:
“Tổng thống Trump đã giành được 70.000 phiếu bầu vào năm 2016. Nhưng điều quyết định ai trúng cử phụ thuộc vào 500.000 swing-voters (những cử tri dao động, đang phân vân, có thể không đi bầu). Vậy bạn chỉ cần dùng các các phiếu bầu giả mạo để ấn định kết quả tại các khu vực dao động này”.
“ĐCSTQ thu thập lượng lớn dữ liệu người dân Mỹ thông qua TikTok, và các tin tặc của Bắc Kinh cũng đã đánh cắp hàng chục triệu thông tin tín dụng xã hội từ ba công ty tín dụng lớn ở Mỹ. Bạn có thể biết cử tri nào đang dao động; nếu có đủ dữ liệu phân tích, các phiếu bầu giả sẽ được nhắm đến những cử tri này, bầu thay cho họ. Mỗi tiểu bang, thậm chí chỉ cần 50.000 phiếu bầu cho mỗi tiểu bang là có thể hoàn toàn thay đổi cục diện bầu cử”, hãng tin Lutheran nhận định.
Giám đốc CBP tại khu vực Dallas, ông Timothy Lemaux cho biết việc kiếm được một tấm bằng lái xe giả ở nước ngoài, như ở Mỹ, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn vì bạn phải cung cấp thông tin cá nhân của mình.
“Ngoài trừ số lượng thẻ căn cước giả mạo khổng lồ mà chúng tôi ghi nhận được ra, điều đáng lo ngại nhất là sự tùy tiện: Rất nhiều thanh niên trẻ tùy tiện cung cấp thông tin cá nhân của họ cho những người bán thẻ căn cước giả”.
Những thông tin cá nhân này có thể được kẻ xấu lợi dụng để tạo thẻ căn cước giả, từ đó can thiệp bầu cử Mỹ.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan pháp luật địa phương để tuyên truyền rộng rãi cho công chúng về những nguy hiểm tiềm tàng của việc mua bằng lái xe giả từ các nhóm tội phạm và tùy tiện chia sẻ thông tin cá nhân”, ông Lemaux nói.
Ralph Piccirilli, Quyền Giám đốc CBP tại Cảng Khu vực thành phố Chicago, tuyên bố rằng những giấy tờ giả này có mức độ làm giả rất cao. Hầu hết các ID giả nhắm vào các sinh viên đại học, và rất nhiều ID giả in ảnh chân dung giống hệt, chỉ có tên họ là khác nhau. Điều khiến các nhà chức trách sửng sốt nhất là có một lô bằng lái xe giả ở bang Michigan có in mã vạch thật.
Trung Quốc đánh cắp danh tính thanh niên Mỹ thông qua TikTok và công nghệ AI
Nhà bình luận thời sự Wang Hua cho biết thực sự có các doanh nghiệp trái phép trên Internet đang rao bán bằng lái xe và bằng tốt nghiệp đại học giả.
“Các quan chức hải quan CBP cho rằng rất nhiều bằng lái xe giả đã được nhiều thanh thiếu niên Mỹ trẻ tuổi mua. Ngoài ra, cũng có dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ đã nỗ lực đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng Mỹ thông qua TikTok, hoặc thông qua các hacker”.
Gần đây, hơn 20 phụ huynh đã kiện TikTok vì cáo buộc đánh cắp thông tin cá nhân như ảnh, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nhà, … của con em họ. ĐCSTQ có thể lợi dụng thông tin này để tạo nên những tấm bằng lái xe trông giống như thật.
“Trong cuộc bầu cử Mỹ, giấy phép lái xe có chức năng nhận dạng tương tự hộ chiếu. Người bỏ phiếu có thể sử dụng bằng lái xe để điền vào các lá phiếu. Nhiều bằng lái xe giả bị hải quan thu giữ đều có ảnh
giống nhau. Nói cách khác, ĐCSTQ chỉ cần thuê một người sử dụng nhiều bằng lái xe giả khác nhau, bỏ phiếu lặp đi lặp lại tại nhiều điểm bầu cử khác nhau là có thể khiến kết quả bầu cử bị sai lệch”.
Hiện tại, ĐCSTQ đã làm chủ được công nghệ nhận dạng khuôn mặt, đồng thời cũng nắm vững bản đồ gen người và công nghệ dữ liệu lớn (big data), có thể biết được cấu trúc mặt phổ biến nhất của các dân tộc khác nhau. Nhờ đó, ĐCSTQ có thể sử dụng những dữ liệu này để làm giả nhiều tấm bằng lái xe. Người có tên có thể không đi bỏ phiếu, trong ĐCSTQ lại dùng người khác để bầu thay cho anh ta.
Theo luật Mỹ, những người đủ 18 tuổi mới được phép đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, trước sự thờ ơ chính trị và những vấn đề khác có vẻ thiết thực hơn, những người Mỹ trẻ tuổi thường không muốn đi bỏ phiếu, do đó bằng lái xe giả do ĐCSTQ tạo ra hầu hết mạo danh các sinh viên đại học từ 20 tuổi trở lên.
Đối với mã vạch thực tế trên giấy phép lái xe Michigan giả mạo bị tịch thu, nhà phân tích Wang Hua cho rằng đây có thể là thông tin mã vạch mà tin tặc Trung Quốc đánh cắp được sau khi xâm nhập vào hệ thống máy tính của nhà sản xuất giấy phép lái xe Michigan.
Ông Wang Hua cho rằng Trung Quốc đang bị Mỹ dồn ép vào chân tường và đang nỗ lực tuyệt vọng nhằm phá hoại cuộc bầu cử tổng thống sắp tới để khiến ông Trump thua cuộc. Nhưng ông cho rằng Hoa Kỳ sẽ tìm ra bằng chứng.
“ĐCSTQ sẽ sử dụng nhiều thủ đoạn hơn trong tương lai, và Mỹ đã bắt đầu biết cảnh giác rồi. Chính phủ Mỹ đã treo thưởng 10 triệu USD để khích lệ người dân cung cấp bằng chứng cho thấy ĐCSTQ đang can thiệp vào cuộc bầu cử. Người ta ước tính rằng sẽ sớm có những người Trung Quốc tham gia vào trong những đường dây gian lận này đứng lên và thú nhận, vì tương lai của họ và gia đình họ”.

Trung Quốc bác bỏ chỉ trích của bộ trưởng y tế Mỹ

Trung Quốc hôm 12/8 nói rằng Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar “tệ nhất trên thế giới” trong việc kiểm soát COVID-19 đồng thời bác bỏ lời chỉ trích Trung Quốc mà quan chức này nói trong chuyến thăm kéo dài ba ngày tới Đài Loan, theo Reuters.
Ông Azar hôm 11/8 công kích phản ứng của Trung Quốc về COVID-19, nói rằng nếu dịch bệnh như vậy bùng phát ở Đài Loan hay ở Hoa Kỳ thì nó có lẽ “đã được dập tắt một cách dễ dàng”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng dịch bệnh ở Mỹ “mất kiểm soát” và trách nhiệm thuộc về ông Azar.
Ông Zhao được Reuters trích lời chỉ trích ông Azar “bỏ mặc hàng triệu người Mỹ đang mắc virus và tới Đài Loan” vì “các lợi ích chính trị ích kỷ”.
Ông Azar là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới thăm Đài Loan trong vòng 4 thập kỷ, giữa lúc căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung vì nhiều vấn đề.
Theo Reuters, Tổng thống Trump hôm 11/8 nói rằng quan hệ của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xấu đi vì dịch bệnh và họ đã không trao đổi với nhau trong một thời gian dài.
Chính quyền của ông Trump đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc che giấu dịch bệnh và không chia sẻ thông tin về COVID-19. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc này, theo Reuters.

Video so sánh Tập Cận Bình và Hitler

 bị đại sứ quán Trung Quốc yêu cầu gỡ

Phụng Minh
Tác giả đoạn video này cho biết sẽ không xóa theo yêu cầu.
Nitin Gokhale, người sáng lập cổng thông tin Ấn Độ Strat News Global đã công bố một đoạn video trên kênh của mình vào ngày 1/8, trong đó để ông Tập Cận Bình xếp ngang hàng với Hitler. Đại sứ quán Trung Quốc đã đe dọa, nói rằng nếu video không được gỡ bỏ, nó sẽ có “tác dụng tiêu cực”.
Chuyên gia phân tích các vấn đề chiến lược và là tác giả của nhiều bài báo, Gokhale cho biết ông đã nhận được điện thoại của phát ngôn viên Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ, Kê Dung cho biết, phía Trung Quốc đưa ra phản đối đối với đoạn video của ông.
Ngoài việc được đăng trên cổng thông tin Strat News Global, đoạn video cũng đã được tải lên các phương tiện truyền thông xã hội như Youtube và Twitter.
Đoạn video đang gặp rắc rối này dài 7 phút và có tiêu đề “Xi – Tler? Tập Cận Bình bắt chước Adolf Hitler!”, so sánh Hitler và Tập Cận Bình, nói về thời kỳ cầm quyền nguyên thủ quốc gia của họ bắt đầu như thế nào và họ có điểm gì chung.
Cho đến nay, video đã có hơn 200.000 lượt xem trên YouTube.
Phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ, cho biết bà bị sốc khi xem đoạn video và hy vọng nó sẽ được xóa do tính nhạy cảm của nội dung. Theo Gokhale, phát ngôn viên Kê Dung cũng nói với ông rằng uy tín của kênh tin tức của ông đã bị đe dọa.
Đối với câu hỏi về việc có xóa video hay không, Gokhale nói với Kê Dung rằng không thể xóa video, nhưng ông cũng nói rằng mình sẵn sàng đăng tải công khai bức thư chất vấn, phản bác video và hứa sẽ công bố nó mà không chỉnh sửa, biên tập. Gokhale nói thêm rằng ông sẵn sàng phỏng vấn Kê Dung hoặc các quan chức khác của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ.
Gokhale nói thêm: “Bà ấy (Kê Dung) luôn nói rằng video này là không thể chấp nhận được, và sau đó nói rằng hãy xóa video đi, nếu không nó sẽ có tác động tiêu cực”.
Khi Gokhale hỏi hậu quả sẽ như thế nào, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc đã nói rằng ông hãy hiểu sự nhạy cảm của sự việc.
Về việc có chấp nhận cuộc phỏng vấn hay không, Kê Dung nói rằng sẽ trả lời ông sau khi nói chuyện với quản lý cấp cao.
Sau hai ngày chờ đợi, khi một đồng nghiệp của Gokhale hỏi Kê Dung về tình hình, bà này đã gửi một tin nhắn WhatsApp rằng: “Hãy xem xét yêu cầu xóa video của chúng tôi, nếu không sẽ có hậu quả nghiêm trọng”.
Theo Luke, Secretchina
Phụng Minh biên dịch

Nhân viên truyền thông Trung Quốc

vượt tường lửa hàng ngày,

các quan chức âm thầm thoái đảng

Phụng Minh
Đó là chia sẻ của cựu nhân viên đài truyền hình thân chính quyền Trung Quốc.
Sáng ngày 8/8, Trung tâm Dịch vụ thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) của Canada đã tổ chức một cuộc mít tinh và lễ diễu hành xe hơi tại Pacific Place ở Toronto. Các biểu ngữ như “ĐCSTQ không phải Trung Quốc” và “Trời diệt Trung cộng, tam thoái bảo bình an” cùng các biểu ngữ khác, ủng hộ hơn 360 triệu người Trung Quốc đã làm thủ tục thoái xuất hỏi ĐCSTQ.
Sau sự kiện này, phóng viên của Secretchina đã phỏng vấn anh Trương Chân Du (Zhang Zhenyu), một cựu phóng viên của Phoenix (kênh truyền thông có trụ sở tại Hồng Kông và có mối quan hệ mật thiết với chính quyền Trung quốc), người đã phát biểu tại cuộc biểu tình và Thành Tuyết (Sheng Xue), phó chủ Mặt trận cho một Trung Quốc dân chủ toàn cầu.
Trương Chân Du: Các quan chức thiết yếu, cấp cao của ĐCSTQ đều đã âm thầm thoái đảng
Trương Chân Du là một cựu phóng viên của chuyên mục các vấn đề thời sự thuộc Đài truyền hình Phượng Hoàng (Phoenix) nói với Secretchina rằng anh đã bị ĐCSTQ đàn áp vì khăng khăng muốn đưa tin về sự kiện ở đại lục. Anh đã thoái đảng và đến Canada vào năm 2018. Ngay từ năm 2012, anh đã công bố ba tuyên bố thoái Đảng, Đoàn, Đội (tam thoái) trên trang web của Epoch Times.
Trương tiết lộ rằng ba hoạt động thoái xuất này hiện đang nổi tiếng ở Trung Quốc đại lục, đặc biệt là trong giới đảng viên, “bao gồm các quan chức, thành viên gia đình và thậm chí là con cái của một số cán bộ bộ phận chủ chốt của ĐCSTQ, một số sinh viên ở nước ngoài, hoặc một số nhân viên của phương tiện truyền thông thân ĐCSTQ”. “Các đảng viên đã âm thầm tham gia ba hoạt động thoát xuất. Giờ đây, tất cả đều nhìn thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan mà ĐCSTQ đang phải đối mặt trên thế giới”.
Các nhân viên truyền thông của ĐCSTQ vượt tường lửa mỗi ngày
Anh Trương cho biếtcác phương tiện truyền thông Trung Quốc ở nước ngoài như Secretchina và Epoch Times đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ người Trung Quốc. “Khi tôi lần đầu tiên làm việc trong lĩnh vực truyền thông đại lục, tôi đã ở trong tổ chức tin tức của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện, nơi đòi hỏi phải gian lận. Phần mềm vượt tường lửa mà chúng tôi sử dụng là
Freegate. Chúng tôi đã sử dụng Freegate cách đây rất lâu để đọc báo, giống như phương tiện truyền thông của bạn mà chúng tôi thường đọc. Các bạn có rất nhiều thông tin, đặc biệt là về nội tình tại Trung Quốc. Đây, nhiều người lấy đó làm tài liệu tham khảo. Bạn hiểu không? Các bạn thực sự rất quan trọng! Là một lực lượng rất mạnh trong giới truyền thông tiếng Hoa”.
Trương Chân Du nói với phóng viên của Secretchina rằng những người trong giới truyền thông đại lục thực sự hiểu ĐCSTQ là gì, nhưng vấn đề chỉ là họ lựa chọn như thế nào. Bây giờ các phương tiện truyền thông trong nước đang bị đàn áp và kiểm soát ngày càng nghiêm trọng, ĐCSTQ không thể nghe thấy bất kỳ lời chỉ trích nào.
“Một số người làm báo vì lý tưởng làm báo. Cũng giống như khi tôi làm tin thời sự, tôi muốn trở thành một nhà báo được nhiều người biết đến và giúp đỡ được nhiều người hơn. Nhưng từ kinh nghiệm của mình, tôi thấy điều đó ngày càng rất khó thực hiện (khi làm việc dưới kiểm soát của ĐCSTQ – PV), ví dụ như một số nội dung liên quan đến bài báo sẽ nhanh chóng bị loại bỏ, sau đó cá nhân tôi sẽ bị trừng phạt, thậm chí, đồng nghiệp xung quanh tôi dần dần sẽ bị bắt và bị kết án”.
Anh Trương thở dài và tiếp tục: “Bây giờ nhiều người xung quanh tôi, nhiều người làm ở các kênh truyền thông đã đến (Mỹ,Canda…) và khá nhiều người ở cấp cao nhất đã xuất cảnh. Bên cạnh tôi, ở Canada, có một số phóng viên báo đài tôi biết trước đây… Bạn không thể biểu quyết bằng tay không thể nói bằng miệng, vậy bạn không thể chạy bằng chân của mình sao?”
ĐCSTQ sử dụng những người làm truyền thông để thâm nhập vào Hoa Kỳ
Trương Chân Du nói rằng ĐCSTQ từ trước đến nay rất giỏi trong việc xâm nhập. “Về mặt xâm nhập thì rất chuyên nghiệp, nó không thể tấn công từ bên ngoài mà chỉ có thể từ bên trong pháo đài tạo ra một số sự cố, và sau đó để pháo đài của bạn mắc phải bệnh dịch hoặc là loạn lên, chính là để giảm bớt một phần áp lực của chính ĐCSTQ”.
“Mục đích thâm nhập chính của ĐCSTQ là một số phương tiện truyền thông quốc tế lớn. Theo tôi hiểu, bản thân ĐCSTQ đánh giá hầu hết các nhà văn hóa ở các nước phương Tây, đặc biệt là các nhà báo, hầu hết họ đều là cánh tả. Vì vậy, nó (ĐCSTQ) sẽ mở rộng một số sự tình, như lần này là phong trào “Black Lives Matter” (Mạng của người da đen quý giá). ĐCSTQ sẽ mượn những chuyện như vậy, từ bên ngoài tuyên truyền thêm lên, thậm chí trực tiếp tham gia vào, chia rẽ các nước Âu Mỹ, để giải tán áp lực dư luận và sự bao vây, đàn áp kinh tế của ĐCSTQ từ các nước Âu Mỹ”.
Anh Trương nói tiếp: “ĐCSTQ hy vọng rằng Hoa Kỳ và Canada sẽ gặp nhiều rắc rối, để họ bị quá tải, sẽ không thể tập trung vào việc đối phó với ĐCSTQ. Ngoài ra, nó đã mua một số học giả có tiếng nói, phương tiện truyền thông mạnh mẽ và một số phóng viên tên tuổi lên tiếng ủng hộ ĐCSTQ vào những thời điểm quan trọng”.
Anh đưa ra một ví dụ: “Tôi có một đồng nghiệp phụ trách mảng quảng cáo ở nước ngoài của China Daily (Nhật báo Trung Quốc). Trước đây anh ấy là phóng viên, sau đó chuyển sang quản lý phụ trách quảng cáo. Tất cả đều có thể được đăng lên Washington Post hay trên bảng quảng cáo giữa Quảng trường Thời đại. Đặc biệt là vào những thời điểm quan trọng, anh ấy có rất nhiều ngân sách và anh ấy đã đến các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ để đặt quảng cáo. Anh ấy nói với tôi rằng ngay cả khi Hoa Kỳ bao vây hoặc tấn công ĐCSTQ, vì có lợi ích tài chính như thế này nên các cuộc tấn công sẽ hạ nhiệt một cách thích hợp”.
Ngoài ra, ĐCSTQ cũng đã mua một số phương tiện truyền thông ở nước ngoài, cũng như các phương tiện truyền thông Trung Quốc đỏ làm cơ quan ngôn luận của mình”. Bao gồm một số tài khoản công cộng trên phương tiện truyền thông mới nổi, báo chí, và rất nhiều công ty nhỏ mà sự thực là do những công ty khổng lồ đứng đằng sau chi tiền”.
“Tam thoái” để người Trung Quốc tự cứu mình
Thành Tuyết, Phó chủ tịch Mặt trận cho một Trung Quốc dân chủ toàn cầu, đã nói với phóng viên Secretchina rằng các nước trên thế giới đã bắt đầu bao vây và đàn áp ĐCSTQ. Đến thời điểm này, nó đã đặt ra một bài kiểm tra nghiêm khắc nhất đối với tất cả người dân Trung Quốc: Bạn có muốn đồng hành cùng một ĐCSTQ tà ác như vậy, là kẻ cuối cùng bị lịch sử ruồng bỏ? Hay bạn phải lựa chọn để có được một cuộc sống mới thực sự?
Bà Thành Tuyết, Phó chủ tịch Mặt trận cho một Trung Quốc dân chủ toàn cầu (ảnh: Secretchina).
Bà Thành Tuyết nói rằng “tam thoái” (thoái xuất khỏi Đảng, Đoàn, Đội) ngày nay chính là đã để lại một con đường để người Trung Quốc tự cứu mình. “Mọi người bây giờ nên tự hỏi bản thân liệu họ có muốn tự cứu mình không? Có muốn tự cứu mình trong quá trình giải thể ĐCSTQ và mở ra một cuộc sống mới?”
“Cuộc sống mới là dành cho tất cả mọi người, mọi người đều có thể hưởng tự do, nhân quyền, bình đẳng, tôn trọng và những lợi ích của một quốc gia dân chủ. Đây là đối với mọi người đều có chỗ tốt”.
Theo Julie, Secretchina
Phụng Minh biên dịch

Làn sóng đào tẩu của các quan chức Trung Quốc:

 ‘Mỗi ngày đều có người mất tích’

Vũ Dương
Nhà tài phiệt Viên Cung Di nói chính quyền Trung Quốc “…hoàn toàn không có cách nào nữa, cũng không có sức đánh trả“.
Cuối tháng 7, khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán của nhau, đã làm dấy lên quan ngại về sự chia cắt của quan hệ Mỹ-Trung. Gần đây, có thông tin cho rằng 40 nhà báo Trung Quốc tại Mỹ không được gia hạn visa, đối mặt với việc bị trục xuất. Thông tin trên kết hợp với báo cáo trước đó của tờ New York Times rằng chính quyền Tổng thống Trump đang cân nhắc đến việc cấm toàn diện đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và người nhà của họ đến Mỹ, đã khiến các ký giả, nhà ngoại giao và đảng viên ĐCSTQ hoảng sợ. Nhà tài phiệt Hồng Kông Viên Cung Di trong buổi ghi hình trò chuyện với truyền thông hải ngoại còn tiết lộ rằng rất nhiều đảng viên ĐCSTQ lo lắng sau khi trở về Trung Quốc thì không thể xuất ngoại được nữa, rất nhiều người đều đang bỏ trốn, thậm chí “mỗi ngày đều có người mất tích”.
Ngày 5/8, ông Viên Cung Di trong buổi phỏng vấn với Epochtimes tiết lộ rằng ông nghe nói có rất nhiều đảng viên ĐCSTQ đang ẩn náu ở Hoa Kỳ, có người là nhà ngoại giao, có người là nhân viên tình báo, có gần 1.000 người đã xin tị nạn chính trị. Lần này thật sự gay go rồi. Như vậy nó (ĐCSTQ) sẽ không thể giữ bí mật nữa, mọi hoạt động của trên đất Mỹ đều sẽ bị phơi bày (những đảng viên này muốn ở lại Mỹ sẽ thoái đảng và tiết lộ ví mật – PV).
Ông nói rằng có những người khi họ nhập cư vào Hoa Kỳ cũng là đảng viên ĐCSTQ, và họ đã không bộc lộ thân phận trước đó. Nhưng những người này đều không muốn quay về Trung Quốc, họ không biết một khi về đến đó rồi sẽ phải đối mặt với một thế giới như thế nào, họ lo lắng rằng một khi về đó rồi thì không thể xuất ngoại được nữa. Một số đảng viên ngầm và đảng viên giấu mặt cũng đã bước ra. Còn có rất nhà ngoại giao, rất nhiều quan chức làm việc tại lãnh sự quán, mỗi ngày đều có người “mất tích”.
Hoa Kỳ thay đổi sách lược, đào tẩu của giới truyền thông ngày càng nghiêm trọng
Theo phân tích của các chuyên gia và nhân sĩ quan sát các vấn đề Trung Quốc, Hoa Kỳ gần đây đã tuyên bố “làm trong sạch mạng lưới Internet”, cấm WeChat và TikTok, hạn chế thị thực đối với các nhà báo Trung Quốc. Đây đều là những tiêu chuẩn mới trong sách lược đối đầu với Trung Quốc của Hoa Kỳ: từ “có lợi cho nhau” chuyển sang “nhận gì trả nấy”. “Nhận gì trả nấy” có nghĩa là Hoa Kỳ xuống tay sẽ không còn khách khí nữa, Trung Quốc thế nào thì Hoa Kỳ sẽ đáp trả như thế ấy.
Trước khi Hoa Kỳ xuống tay với các công ty công nghệ internet đa quốc gia của Trung Quốc như ByteDance và Tencent, thì WeChat, QQ, Tik Tok và Weibo đều đã tiến nhập vào thị trường Hoa Kỳ, trong khi các công ty công nghệ của Hoa Kỳ như Google, Twitter và Facebook lại không thể hoạt động ở Trung Quốc.
ĐCSTQ có thể kể “những câu chuyện của Trung Quốc” trên các tấm bảng quảng cáo ở quảng trường Thời đại của New York; trong khi Hoa Kỳ ở Trung Quốc chỉ có thể kể “những câu chuyện của nước Mỹ” trên các trang web chính thức của đại sứ quán nước mình.
Người Trung Quốc có thể mua bất động sản ở Hoa Kỳ mà không phải chịu bất kỳ sự hạn chế nào, trong khi người Mỹ ở Trung Quốc phải làm việc hơn một năm để mua nhà, hơn nữa mục đích chỉ là để ở, và còn cần được các bộ phận liên quan “xem xét và phê duyệt”.
Thêm một ví dụ khác: Trung Quốc có 3.000 ký giả thường trú tại Hoa Kỳ, trong khi các ký giả của Mỹ ở Trung Quốc lại chưa đến 100 người. Ký giả Trung Quốc chỉ cần có thể duy trì tư cách nhà báo thì sẽ không chịu giới hạn thời gian cư trú của họ ở Hoa Kỳ; trong khi thẻ tác nghiệp của các phóng viên Mỹ tại Trung Quốc phải được chính quyền Trung Quốc gia hạn hàng năm.
Sau khi Hoa Kỳ dự tính “nhận gì trả nấy”, Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ “Thời báo Hoàn Câu” – kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ, ngày 3/8 đã nói trên Weibo rằng thị thực của gần 40 phóng viên ĐCSTQ tại Hoa Kỳ sắp hết hạn, đến nay vẫn chưa có ai được gia hạn thị thực, và họ có thể bị buộc phải rời khỏi Hoa Kỳ.
Viên Cung Di cho rằng lần này áp lực lớn như vậy cho giới báo chí, các ký giả cũng không muốn quay về, nước Mỹ tốt như vậy, tại sao phải trở về Trung Quốc? Về rồi còn có thể bị đấu tố, vậy nên thật sự mà nói nếu trở về có thể lành ít dữ nhiều.
Ông Viên Cung Di ước tính rằng có rất nhiều phóng viên truyền thông sẽ nộp đơn xin tị nạn chính trị. Ở Mỹ đây là một vấn đề rất đơn giản, hơn nữa rất nhiều phóng viên trên thực tế đều là gián điệp của ĐCSTQ nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Ông Viên nói, “ĐCSTQ làm gì có phóng viên thật sự? Các phóng viên thông thường của ĐCSTQ kỳ thực đều là gián điệp cả. Ở đó có đến mấy trăm người. Theo công bố của chính phủ Hoa Kỳ thì có đến mấy nghìn người đã nhập cảnh vào Mỹ với tư cách là phóng viên. Bây giờ tất cả họ đều phải bị trục xuất. Nếu không muốn trở về Trung Quốc, lối thoát duy nhất chính là tìm kiếm tị nạn chính trị”.
Một nửa số hộ chiếu Hồng Kông được trao cho các quan chức cấp cao của ĐCSTQ
Ông Viên Cung Di nói rằng Hoa Kỳ đã biết rất nhiều phóng viên Trung Quốc có hộ chiếu Hồng Kông, trên thực tế những người này có liên quan với các quan chức cấp cao của ĐCSTQ. Chính phủ Hồng Kông đã đưa ra 10 triệu hộ chiếu, tuy nhiên dân số thực tế của Hồng Kông chỉ có 7 triệu người, trong đó số người Hồng Kông thật sự xin sử dụng hộ chiếu chỉ có 5 triệu. Điều này có nghĩa là một nửa số hộ chiếu Hồng Kông được dùng làm “quà tặng” cho các quan chức cấp cao của ĐCSTQ.
Người Trung Quốc có được hộ chiếu Hồng Kông có một số là phe phái ngầm, một số thì nhờ vào quyền lực của các quan chức cấp cao. Hiện giờ, chính phủ Hoa Kỳ cũng đã biết điều này, nên muốn bãi bỏ địa vị đặc thù của Hồng Kông.
Ông Viên bày tỏ việc hộ chiếu Hồng Kông bị lạm dụng cho thấy toàn bộ hệ thống của Hồng Kông đã bị phá hủy từ lâu. Trước khi Hồng Kông được chuyển giao chủ quyền cho Trung Quốc vào năm 1997, tư liệu cá nhân của người dân Hồng Kông đã được chuyển cho ĐCSTQ.
Ông Viên Cung Di nói rằng trên thực tế, các quan chức cấp cao của Trung Quốc hiện đã không còn lạc quan về Hồng Kông nữa, Hồng Kông đã bị ĐCSTQ làm thành như vậy, và hầu hết họ đều muốn được ở lại Hoa Kỳ.
Làn sóng đào tẩu mang tính toàn cầu của các quan chức ĐCSTQ
Mấy năm trở lại đây, những vụ đào tẩu của các quan chức trong thể chế ĐCSTQ liên tục bị phanh phui. Vào ngày kỷ niệm 16 năm của sự kiện Lục Tứ, ông Trần Dụng Lâm – Bí thư chính trị hạng nhất của Lãnh sự quán ĐCSTQ tại Sydney, ông Hách Phụng Quân – cựu quan chức Phòng 610 (công cụ Pháp Luân Công) và Cục Bảo vệ An ninh quốc nội Thiên Tân, cùng một quan chức cấp cao khác xin giấu tên, cả 3 người đã nộp đơn xin tị nạn chính trị lên chính phủ Úc. Tiếp sau đó, ông Hàn Quảng Sinh, cựu Cục trưởng Cục Tư pháp Thẩm Dương đã bỏ trốn sang Canada, sau 3 năm 9 tháng im lặng, ông cũng công khai tuyên bố thoái xuất khỏi ĐCSTQ.
Năm 2006, ông Lý Phụng Trí, người từng làm việc trong Bộ An ninh Quốc gia của ĐCSTQ đã đào tẩu sang Mỹ và tuyên bố thoái xuất khỏi ĐCSTQ. Trang Agence France-Presse (AFP) đưa tin, trong một cuộc họp báo do đoàn thể học viên Pháp Luân Công tổ chức ở Washington, ông Lý Phụng Trí đã tuyên bố rằng bản thân ông đã từng công tác vài năm trong Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc. Khi ông nhận thấy phạm vi công việc của ông bao gồm theo dõi những người bất đồng chính kiến, các học viên Pháp Luân Công, những người trong tôn giáo và quần thể những người yếu thế, ông cảm thấy “vô cùng phẫn nộ”.
Ông nói: “ĐCSTQ không chỉ sử dụng dối trá và bạo lực để chống lại những người đòi hỏi các quyền cơ bản của con người, mà họ còn cố gắng hết mức để che giấu sự thật với cộng đồng quốc tế”.
Các quan chức ĐCSTQ đã nộp đơn xin tị nạn chính trị cho chính phủ Úc và Canada nói trên tuy chức nghiệp cụ thể và cấp bậc khác nhau, nhưng họ đều bày tỏ rằng cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công do cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân phát động thật quá tàn nhẫn và đẫm máu, khiến họ thà từ bỏ lợi ích hậu hĩnh trong công việc, sẵn sàng chấp nhận rủi ro chính trị to lớn mà đưa ra lựa chọn đào tẩu.
Năm 2019, sự kiện cựu mật vụ của chính quyền Trung Quốc, Vương Lập Cường, xin tị nạn chính trị ở Úc khiến cả thế giới chấn động. Vương Lập Cường đã cung cấp cho chính quyền Úc một lượng lớn thông tin bí mật của ĐCSTQ và công bố trước quốc tế nội tình hoạt động gián điệp của ĐCSTQ tại Hồng Kông và Đài Loan.
Tháng 10/2019, Vương Lập Cường đã khai và tuyên thệ về những gì mình cung cấp cho Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO), ông nói: “Bản thân tôi đã từng tham gia và có liên quan chặt chẽ đến một loạt
các hoạt động gián điệp, nếu trở về Trung Quốc tôi có thể sẽ bị bắt và bị kết án”. Cuối cùng ông xin được tị nạn chính trị tại Úc.
Ông Viên Cung Di trong buổi phỏng vấn cũng tiết lộ rằng các quan chức cấp cao vì để người nhà mình xin được tị nạn chính trị ở nước ngoài, họ đã cung cấp thông tin bí mật đặc biệt cho người nhà của họ. Ông nêu ví dụ, ông Tôn Lập Quân đã cung cấp thông tin bí mật về virus Vũ Hán cho cung cấp tư liệu cơ mật cho vợ ông ta ở Úc, sau khi bị phát hiện đã ngã ngựa. Người cung cấp tư liệu mật có thể mau chóng lấy được thẻ xanh, thậm chí có thể thương lượng cả hộ chiếu.
Ông Viên Cung Di cũng tuyên bố rằng ĐCSTQ cũng không có cách nào để ngăn chặn các đảng viên đào tẩu. Ông nói: “Cái gọi là tuyên truyền lớn của ĐCSTQ lần này, tôi thường gọi đó là một cuộc nổi loạn lớn, tạo phản lớn… Chúng ta hãy chờ xem, nó (ĐCSTQ) sẽ chỉ biết tấn công người ta, chứ nó không biết rằng người ta cũng sẽ phản công lại … Lấy đạo của người trả lại cho người, nó hoàn toàn không có cách nào nữa, cũng không có sức đánh trả”.
Ông Viên Cung Di nói rằng khi lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston bị đóng cửa vào tháng 7, ông có nhận được thông tin nội bộ rằng trong lãnh sự quán có người đào tẩu và có người muốn được ở lại Hoa Kỳ. Khi đó ông tiết lộ rằng có hai thành viên trong lãnh sự quán đã biến mất, có thể họ đi tiết lộ thông tin với Hoa Kỳ hoặc đào tẩu. Trong tương lai không xa, làn sóng các đảng viên và quan chức ĐCSTQ đào tẩu có thể sẽ mang tính toàn thế giới.
Theo Yuan Ming Qing, SOH
Vũ Dương biên dịch

Một người Trung Quốc

bơi 7 tiếng tới Đài Loan tìm tự do

Lục Du
Một người đàn ông Trung Quốc hôm Chủ nhật (9/8) nói rằng ông đã bơi trong 7 giờ đồng hồ từ bờ biển Trung Quốc đến huyện đảo Kim Môn ngoài khơi của Đài Loan để tìm tới vùng đất tự do và dân chủ hơn, theo Taiwan News.
Cục Cảnh sát biển (CGA) Đài Loan hôm thứ Hai (10/8) nói rằng họ giữ một công dân Trung Quốc vì cố gắng xâm nhập hòn đảo một ngày trước đó.
CGA cho biết thêm rằng họ đã nhận được thông tin về một “vật thể” khả nghi trôi nổi ở vùng biển gần huyện Kim Môn vào sáng Chủ nhật, và sau đó xác định được “vật thể” này là một người đàn ông đến từ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Cũng theo CGA, người đàn ông 45 tuổi, họ Lý, khai rằng anh ta đã rời thành phố Hạ Môn của Trung Quốc vào khoảng 3 giờ sáng Chủ nhật và bơi trong bảy giờ đồng hồ trước khi đến Kim Môn.
Người đàn ông này giải thích rằng ông làm vậy vì không thể chịu đựng được môi trường chính trị hà khắc ở Trung Quốc và quyết định mạo hiểm mạng sống để đến Đài Loan với kỳ vọng được sống trong một môi trường tự do hơn.
CGA cho biết, để phòng dịch viêm phổi Vũ Hán, ông Lý đã được đưa vào một cơ sở được chỉ định để cách ly trong hai tuần trước khi các điều tra viên vào cuộc để tìm hiểu thêm thông tin về người đàn ông này.

Thủ Tướng Thái: ‘Người biểu tình đi quá xa

với đòi hỏi cải cách chế độ quân chủ’

Thủ Tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hôm 11/8 nói sinh viên biểu tình đã đi quá xa sau khi một tuyên ngôn 10 điểm được công bố để đòi cải cách chế độ quân chủ, vốn được coi là một định chế thiêng liêng theo truyền thống văn hóa bảo thủ của Thái Lan.
Reuters đưa tin, vào đêm thứ Hai 10/8, một đám đông ước lượng từ 3000 tới 4000 người tại Đại học Thammasat ở ngoại ô Bangkok, hô to: “Dân chủ Muôn Năm!”, và đòi chấm dứt vị trí độc tôn của quân đội trên chính trường Thái Lan.
Nhiều người đọc diễn văn, kêu gọi Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha từ chức. Ông Prayuth lên nắm quyền trong cuộc đảo chánh năm 2014.
Nhóm sinh viên thân dân chủ biểu tình tại đại học Thammasat công bố một tuyên ngôn 10 điểm đòi cải cách chế độ quân chủ, và trở thành nhóm sinh viên biểu tình ít nhất là thứ Ba đề cập tới đề tài cấm kỵ trong nhiều thập niên, đặt nghi vấn về vai trò và quyền hành của hoàng gia Thái Lan.
Thái Lan có luật “cấm phạm thượng”, chống những lời lẽ xúc phạm hoặc thóa mạ nhà vua, những ai vi phạm có thể bị phạt với bản án tù tối đa là 15 năm.
Các quan chức trong hoàng cung từ chối bình luận về các cuộc biểu tình của sinh viên, hoặc về bất cứ lời chỉ trích nào đối với hoàng gia.
Ông Prayuth, từng nắm chức tổng tư lệnh quân đội, nói với các nhà báo rằng ông có theo dõi và rất lo ngại về các cuộc biểu tình đó.
“Có rất nhiều người đang chờ giải quyết các vấn đề của họ, không chỉ có giới trẻ. Hành động như vậy có thích hợp không?”
Ông Prayuth đặt câu hỏi, và tự trả lời:
“Hành động đó đã đi quá xa”, mặc dù ông không trực tiếp bình luận về những đòi hỏi cải cách thể chế quân chủ.
Hồi tháng Sáu, Thủ Tướng Prayuth cảnh cáo người biểu tình chớ có lôi chế độ quân chủ vào các cuộc biểu tình, nhưng ông nói Vua Maha Vajiralongkorn yêu cầu ông chớ bắt giữ bất cứ ai theo luật “cấm phỉ báng vua”.
Quốc vương Maha Vajiralongkorn lên ngôi năm 2016, sau khi Vua cha băng hà, nhưng lễ đăng quang được tổ chức năm 2019, sau thời gian để tang.
Vấn đề liên quan tới thể chế quân chủ là một đề tài nhạy cảm trong xã hội Thái Lan, cuộc biểu tình của sinh viên đã khiến Đại học Thammasat phải công bố thư ngỏ lời xin lỗi công chúng về cuộc biểu tình. Thư nói rằng mặc dù viện đại học ủng hộ quyền tự do ngôn luận, nhưng không tha thứ một số phát biểu về Hoàng gia Thái Lan, có thể xúc phạm nhiều người. Viện đại học này cho biết sẽ có biện pháp pháp lý để giải quyết vụ việc.
Vẫn theo Reuters, những đòi hỏi của sinh viên gồm: lật ngược lệnh năm 2019, chuyển hai đơn vị quân đội cho nhà vua trực tiếp chỉ huy, và luật năm 2017, giao toàn quyền kiểm soát các tài sản to lớn của hoàng gia cho nhà vua.

Indonesia bắt giữ ba tàu cá Khánh Hoà

 trong vùng biển của Việt Nam

Cơ quan chức năng nghề cá tỉnh Khánh Hòa cho biết có ba tàu của ngư dân tỉnh này vừa bị phía Indonesia bắt giữ mặc dù những tàu này hoạt động đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam.
Mạng báo Khánh Hòa loan tin vừa nêu vào ngày 11 tháng 8 dẫn lời của ông Phạm Giùm, ngụ tại phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, chủ chiếc tàu cá số hiệu KH-95758 rằng đây là tàu chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương. Vào ngày 7 tháng 7, tàu xuất bến từ cảng Hòn Rớ. Đến gần 9 giờ sáng ngày 10 tháng 8 thì bị lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ. Qua theo dõi hệ thống định vị thì tàu này đang bị kéo vào vùng biển Indonesia.
Công ty Trách niệm Hữu Hạn Lê Trứ, trụ sở cũng tại phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, cho hay có 2 tàu của công ty đang bị phía Indonesia bắt giữ cũng vào sáng ngày 10 tháng 8. Tuy nhiên công ty không nói rõ số hiệu của hai chiếc tàu bị bắt.
Có 26 ngư dân Việt Nam trên ba chiếc tàu bị phía Indonesia bắt và kéo về vùng biển của nước này.
Mạng báo Khánh Hòa dẫn lời ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi Cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, rằng theo dõi dữ liệu trên Hệ thống giám sát của Tổng Cục Thủy sản Việt Nam thì từ ngày xuất bến đến thời điểm bị bắt cả ba chiếc tàu vừa nêu đều hoạt động hoàn toàn trong vùng biển Việt Nam.
Theo ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề Cá Việt Nam, việc lực lượng chức năng Indonesia bắt 3 tàu cá Khánh Hòa đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam là phi lý và cộng đồng ngư dân tỉnh Khánh Hòa phản đối mạnh mẽ biện pháp bắt giữ đó.
Indonesia ngày càng có biện pháp mạnh đối với tàu cá nước ngoài bị cáo buộc đánh bắt trong vùng biển của Indonesia.
Vào tháng 6 năm ngoái, Việt Nam và Indonesia đạt được thỏa thuận cùng phối hợp các lực lượng trên biển đối xử nhân đạo và tránh sử dụng vũ lực đối với ngư dân khi bị phát hiện đánh bắt trên vùng biển của hai phía.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.