Biểu tình ở Belarus và Thái Lan trong mắt nhà tâm lý học người Việt
BBC
18/8/2020
Biểu tình chống chính phủ ở Minsk
Việc một nhà lãnh đạo có khuynh hướng độc tài cầm quyền quá lâu như ở Belarus và một nhà nước quân chủ được điều hành bởi phe quân đội nhiều năm qua như ở Thái Lan có thể đã vượt qua sức chịu đựng của một số bộ phận quần chúng, một nhà nghiên cứu tâm lý học người Việt nói với BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn.
Trong cuối tuần này, tại Minsk, thủ đô Belarus và Bangkok của Thái Lan đã đồng thời diễn ra các sự kiện xuống đường, Phó Giáo sư, Tiến sỹ tâm lý học Mạc Văn Trang bình luận với BBC:
"Trước hết về Belarus, tôi có nhận xét như sau, sự thật thì Tổng thống Alexander Lukashenko đã cầm quyền liên tục đến 26 năm, xã hội trì trệ, thì người ta đã ngán ngẩm lắm rồi.
"Còn bà Svetlana Tikhanovskaya, ứng viên đối lập, đã có tỷ lệ khá nhiều phần trăm người dân tín nhiệm, trong khi có nhiều thông tin nghi ngờ rằng ông Lukashenko đã gian lận kết quả bầu cử, và chắc là phải có sự gian lận nào đó, nên người dân mới đứng dậy, xuống đường đông đảo như vậy.
"Còn nếu bầu cử mà công khai, minh bạch, đàng hoàng, thì tôi cho rằng người dân sẽ không nổi dậy, phản ứng như vậy, có lẽ đã vượt qua sức chịu đựng và sự bất bình của họ."
'Long trời lở đất' hay hiệu ứng 'domino'?
Mới hôm Chủ nhật xảy ra biểu tình của phe đối lập tại thủ đô Minsk.
Ủy ban bầu cử nói ông Lukashenko chiến thắng với 80,1% phiếu, còn đối thủ Tikhanovskaya chỉ có 10,12%.
Bình luận về điều này, nhà nghiên cứu tâm lý học Mạc Văn Trang nói:
"Tuy nhiên, vấn đề bây giờ là quân đội và công an có đứng về phía dân hay không? Có ý kiến nói nếu có một ông tướng quân đội hay tướng công an nào đó mà đứng về phía dân, thì lập tức tình thế có thể sẽ thay đổi như là ở Romania.
"Thế còn nếu không, mà quân đội và công an vẫn trung thành với Lukashenko, thì theo tôi có thể sẽ có những đàn áp đẫm máu."
Nhân dịp này, nhà nghiên cứu cũng phân tích khía cạnh tâm lý học chính trị mà theo ông có thể đáng quan tâm trong quan hệ giữa lãnh đạo Nga và lãnh đạo Belarus, hai quốc gia từng đều ở trong Liên bang Xô Viết (Liên Xô cũ) trước đây.
"Hiện nay ông Putin đang có những động thái khẩn trương trong quan hệ Nga và Belarus, tôi muốn nhắc tới khái niệm "Domino".
"Nếu tạm gọi là cuộc 'cách mạng' này mà nổ ra thành công, như ở Ukraine trước đây, và ông Lukashenko bị đổ, thì sẽ ảnh hưởng, tác động đến Nga ghê gớm lắm.
"Nhưng tôi cũng lưu ý là ông Lukashenko, để bảo vệ nền độc tài của ông, như nhiều người nhìn nhận như vậy, mà lại mời quân đội Nga, kêu gọi công an, quân đội của Nga sang, dù là giữa hai nước có hiệp định tương hỗ an ninh nào đi nữa, để giúp sức và dẹp loạn, thì như vậy tôi cho rằng Lukashenko sẽ mắc tội ác với lịch sử.
"Bởi vì về mặt tâm lý học chính trị mà nói, tinh thần dân tộc hết sức quan trọng, ai bị coi là 'phản bội dân tộc', thà là anh mất chức, thì người ta tha, còn anh phản bội dân tộc mà được cho là 'rước ngoại bang vào', nhất là Nga vào, mà đàn áp dân, thì nhất định số phận của Lukashenko sẽ theo và cũng như là Nicolae Ceaușescu thôi.
"Tuy nhiên, tôi nhắc lại là cần phải có một nhân tố quan trọng giúp cho sự thay đổi, thí dụ như quân đội, công an có đứng về phía dân hay không.
"Nếu quân đội và công an vẫn trung thành với Tổng thống, thì sẽ rất là khó. Điều được cho là bất ngờ nhất ở Romania trước đây, chẳng hạn, những cuộc biểu tình khi chuyển trạng thái khi công an đứng về phía nhân dân, nhất là quân đội đứng về phía nhân dân, thì lập tức nó sẽ xoay chuyển tình thế ngay, nếu không thì còn khó."
Ông Lukashenko
Tình hình Thái Lan
Tại Bangkok ngày 16/8, hàng ngàn người biểu tình lại tổ chức phản đối đòi cải tổ.
Một cuộc biểu tình cuối tuần qua, hôm Chủ Nhật, 16/8/2020, ghi nhận được ở Bangkok đã có tới khoảng 10.000 thanh niên, sinh viên, trong đó có nhiều người trẻ tuổi không ngại công khai danh tính của mình, xuống đường trong phong trào được cho là gây quan ngại cho cả chính quyền và buộc Hoàng gia Thái Lan phải quan tâm.
Bình luận nhân sự kiện ở cấp độ khu vực tại Đông Nam Á này, nhà tâm lý học, Phó Giáo sư Mạc Văn Trang nêu nhận xét từ góc độ tâm lý xã hội:
"Sự thật vấn đề là trước đây cựu Hoàng Thái Lan, hay là Vua Cha của vị Vua đương kim hiện nay, đã được người dân Thái Lan sùng bái rất nhiều.
"Nhưng dường như nhà Vua mới kế vị hiện nay không được tín nhiệm bằng."
"Trước đây các thông tin có thể được 'bưng bít' trong Hoàng gia, nhưng bây giờ với thời đại thông tin, giới trẻ có thể biết hết những chuyện đó, cho nên những gì được cho là 'mờ ám' mà lộ ra mà họ thấy có sự bất công, phi lý, thì nhất định sinh viên sẽ phản đối.
"Thì phải chăng đây là một sự chuyển biến lớn trong văn hóa nhận thức, văn hóa chính trị của Thái Lan?"
So sánh các phong trào chính trị của giới trẻ ở Thái Lan và một vài quốc gia láng giềng trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, và cách ứng xử, đối phó của các chính quyền, thể chế chính trị trước các trào lưu đấu tranh, đòi cải tổ chính trị của giới trẻ, Phó Giáo sư Mạc Văn Trang nói thêm:
"Theo tôi thì các chế độ chính trị ở đây có sự khác nhau. Dưới chế độ của Hoàng gia Thái Lan, người ta vẫn biểu tình khá thường xuyên, thậm chí rất nhiều.
"Nhưng các cuộc đàn áp bắt bớ nó rất nhẹ nhàng thôi, chỉ những ai quá bạo lực hoặc gây ra những hành động bạo lực, thì người ta mới dùng pháp luật để bắt bớ.
"Chứ không có sự khủng bố như ở một số chính thể và bên cộng sản như ở Trung Quốc hay tại Việt Nam, thế còn ở Thái Lan thì không thể như thế được," chuyên gia tâm lý học nói với BBC News Tiếng Việt hôm thứ Ba từ Sài Gòn.
Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Mạc Văn Trang từng có hơn 30 năm làm việc ở Viện Khoa học Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam trước khi về hưu vào năm 2002 và chuyển sang hoạt động chuyên môn độc lập ở tổ chức nghiên cứu phi chính phủ, ông từng có hơn 54 năm tuổi đảng, nhưng tự tuyên bố rời khỏi đảng Cộng sản Việt Nam vào cuối tháng 10/2018, sau sự kiện nhà nước và đảng Cộng sản kỷ luật và tuyên bố khai trừ đảng với Giáo sư Chu Hảo.
----------
0 nhận xét