Đại-Dương: Khả năng bao vây Trung Cộng
Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2020
17:54
//
Bình Luận
Chủ tịch Trung Cộng, Tập Cận Bình hung hăng và làm càn không những trên Biển Nam Trung Hoa (SCS) mà còn thường xuyên gây áp lực lên Nhật Bản được Chủ tịch Bắc Hàn, Kim Chính Ân phù trợ bằng mối đe dọa nguyên tử.
Vì thế, Nhật Bản chấp nhận mối đe doạ nghiêm trọng từ Trung Cộng và Bắc Hàn; hoặc phải lập thế cân bằng chiến lược tại Đông Bắc Á.
Trung Cộng hiện có 320 vũ khí nguyên tử mà chưa công bố số đã được bố trí. Bắc Hàn tuyên bố đã có vũ khí nguyên tử và vũ khí nhiệt hạch được hoả tiễn liên lục địa mang đi có thể bao phủ Hoa Kỳ nên Nhật Bản càng lo lắng hơn, do ở sát nách những tên hung bạo, mất nhân tính.
Nhật Bản là nạn nhân đầu tiên của vũ khí nguyên tử khi bị hai quả bom do Hoa Kỳ ném xuống Hiroshima ngày 6 tháng 8 và Nagasaki vào 9 tháng 8 năm 1945 làm chết hơn 200,000 người buộc Nhật Hoàng phải đầu hàng vô-điều-kiện.
Vì thế, nhật báo Asahi Shimbun ngày 5 tháng 8 năm 2020 kêu gọi người Nhật không nên thủ đắc vũ khí nguyên tử dù đang có kho nguyên liệu đủ chế tạo 6,000 đầu đạn nguyên tử.
Tuy nhiên, giới chính trị gia Nhật đang đứng trước nguy cơ phục hận của Trung Cộng và Triều Tiên khi chịu sự cai trị tàn bạo của Đế quốc Nhật Bản. Đế quốc Nhật Bản từng cai trị Triều Tiên và một phần Trung Hoa. Hải quân Đế quốc Nhật thắng Nhà Thanh tuyệt đối trên cửa Sông Áp Lục cũng như ngoài biển dù người ít, phương tiện chiến tranh kém hơn.
Ngoài số vũ khí nguyên tử 320 của Trung Cộng (chưa biết số lượng đã được bố trí) còn có 40 của Bắc Hàn so với 5,800 của Mỹ mà bố trí 1,750. Bắc Kinh có hơn 2,000 hoả tiễn tầm trung bao trùm Nhật Bản và các quốc gia khác.
Từ trước, Nhật Bản nằm dưới chiếc dù che nguyên tử của Hoa Kỳ nên mang tính chất phòng thủ, tự vệ hơn tấn công vào kẻ thù đang hăm doạ từng giờ, từng phút tới sự an bình của dân tộc.
Giới chính trị gia Nhật đang tranh luận về hệ thống phòng thủ và tấn công ở bờ hoặc trên biển. Hạm đội của Nhật Bản có 154 chiến hạm, kể cả 26 khu trục hạm mà chỉ có 6 chiếc được trang bị Hệ thống tác chiến tích hợp Aegis có thể vừa phòng thủ vừa tấn công nên đang đóng thêm để thành 8 chiếc vào năm 2021. Chỉ cần 3 Hệ thống Aegis ở bờ (Aegis Ashore) cũng đủ sức phòng thủ Nhật Bản nhờ có nhiều hoả tiễn hơn trên các chiến hạm.
Thực tế, Nhật Bản cần các loại vũ khí phản kích để triệt hạ giàn hoả tiễn lưu động, kho chứa vũ khí, các đơn vị tác chiến, các cơ sở chỉ huy nhằm chuyển từ phòng thủ thụ động sang chủ động tấn công. Vì thế, Tokyo cần nhiều phương tiện tấn công nhằm cân bằng mối đe doạ từ Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Trung Cộng không ký vào Hiệp ước Nguyên tử Tầm trung (INF) được Tổng thống Ronald Reagan và Chủ tịch Liên Sô, Mikhail Gorbachev ký năm 1987 và phê chuẩn năm 1988. Trung Cộng không nằm trong Hiệp ước này nên ra sức chế tạo nhiều hoả tiễn tầm trung.
Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi Hiệp ước từ 1 tháng 2 năm 2019 và muốn thương thảo một thoả ước tương tự cùng với Nga và Trung Cộng, nhưng, bị Tập Cận Bình từ chối. Lập tức Hoa Kỳ sản xuất và thử nghiệm thành công hoả tiễn tầm trung nhằm phá vỡ hệ thống phòng thủ của Trung Cộng và bảo đảm an ninh cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua các đồng minh hùng mạnh. Loại hoả tiễn này nếu được bố trí ở trên các chuỗi đảo số 1 và số 2 sẽ vô-hiệu-hoá mọi hoạt động của Hải quân Trung Cộng.
Bắc Kinh tự tin có thể ngăn Hải quân Hoa Kỳ và quốc tế bằng Chiến lược Chống tiếp cận. Chống xâm nhập (A2/AD) nhằm biến khu vực từ đường bờ biển của nước này ra đến chuỗi đảo đầu tiên trở thành vùng “cấm” với Mỹ và các lực lượng đồng minh. Năm 2010, Hoa Kỳ thành lập Lực lượng Tác chiến Không-Biển (ASB) với ba khái niệm căn bản: Duy trì ưu thế quân sự tuyệt đối. Duy trì khả năng tập trung và thâm nhập nhanh. Duy trì lợi ích toàn cầu cho thế hệ mai sau.
Hoạt động cụ thể mới nhất của Bộ tứ Kim cương gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc trên Biển Nam Trung Hoa (SCS) và Ấn Độ Dương đã chứng minh sự phá sản của A2/AD.
Nhật Bản cho rằng “khả năng tấn công phủ đầu chống lại các bệ phóng hoả tiễn của đối phương như một giải pháp thay thế ít tốn kém hơn cho lá chắn hỏa tiễn Aegis Ashore”.
Đạo luật An ninh và Hoà Bình về mặt pháp lý, chính phủ Nhật Bản được phép thực hiện quyền tự vệ cá nhân và tập thể nếu bị tấn công vũ trang hoặc đối mặt với mối đe dọa tới sự tồn vong Nhật Bản. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) có khả năng tấn công vào kẻ thù với lý do tự vệ.
Như thế, Tokyo có thể mua hoả tiễn Tomahawk của Hoa Kỳ với tầm bắn 1,300 km có khả năng tấn công Bắc Hàn lẫn Trung Cộng . Cả SDF và Lực lượng Hoa Kỳ sẽ có thể tăng cường khả năng tương tác và hoạt động chung trong cuộc tấn công vũ trang hoặc tình huống đe dọa sinh tồn.
Yoshiaki Yano, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Phụ nữ Gifu cho rằng Nhật Bản nên sở hữu vũ khí nguyên tử thay thế cho Aegis Ashore.
Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản liên quan đến thủ đắc vũ khí và tấn công căn cứ địch thủ. Tuy nhiên, Tiến sĩ Daisuke Akimoto thuộc Viện Nghiên cứu Châu Á Đương đại (ICAS) nhắc nhở “Mặc dù việc sở hữu khả năng tấn công phòng thủ nằm trong khuôn khổ giải thích chính thức của Hiến pháp Nhật Bản, cuộc tranh luận về chính sách ở Nhật Bản đòi hỏi sự cân nhắc thận trọng và chi tiết tại Quốc hội, sự ủng hộ và hiểu biết rộng rãi của công chúng Nhật Bản, và những giải thích phù hợp cho cộng đồng quốc tế để tránh gia tăng căng thẳng ngoại giao hoặc tình thế khó xử về an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Sau Đệ nhị Thế chiến, người Nhật yêu chuộng hoà bình mà không vì thế chịu nhục trước Trung Cộng và Bắc Hàn. Dân Nhật sẽ chấp nhận chiến thuật phản kích dù có phải sử dụng đến vũ khí nguyên tử. Họ sẵn sàng phối hợp chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ để bố trí Hoả tiễn hành trình tầm trung do Mỹ mới thử nghiệm thành công.
Đại Hàn có thể sẽ theo chân Nhật Bản để cho phép Hoa Kỳ đưa vũ khí vào đất nước nhằm buộc Trung Cộng và Bắc Hàn phải ký kết Hiệp ước phi-nguyên-tử trên Bán đảo Triều Tiên. Đồng thời, buộc Trung Cộng phải tham gia vào Hiệp ước Tài giảm Vũ khí Nguyên tử mà trước đây chỉ có Liên Sô và Hoa Kỳ.
Thật khó tin Trung Cộng và Bắc Hàn có thể làm chủ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Đại-Dương
0 nhận xét