Vũ Linh: Tấn tuồng hạ màn
Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2020
19:02
//
-Tin Tức và Bình luận
,
Slider
01/02/82020
Một lần nữa, việc phải đến đã đến. Tấn tuồng đàn hặc và truất phế TT Trump đã hạ màn,với một đại thắng khác của ông thần Trump! Sau hai tuần căng thẳng tranh cãi nẩy lửa cho dù ai cũng biết kết quả cuối cùng của trận đấu. Chỉ là ít ai ngờ hạ màn nhanh như vậy. Mới tuần rồi ‘mở màn’, tuần này đã ‘hạ màn’.
Nhiều cụ tỵ nạn cuồng chống Trump tuần này bị đau tay không chuyển emails lung tung được nữa. Cụt hứng!
Cuộc tranh cãi hai tuần qua chỉ là chuyện trong khi cuộc chiến đang tiến hành thì có gì mới lạ, có thêm ít nhiều mắm muối tương chao gì không?
Xin thưa ngay với quý độc giả: chẳng có gì mới lạ hết.
Các vị dân biểu, nghị sĩ của đảng DC đã tận lực chung sức vứt vài triệu tiền thuế của chúng ta đóng ra cửa sổ chơi cho vui. Hay chính xác hơn, để cố gắng lật đổ một tổng thống đã được người dân bầu một cách hợp pháp, hợp hiến và chính danh, mặc dù biết có đúng zero hy vọng. Chứ không lo chuyện kinh bang tế thế, chuyện cơm áo của quý độc giả gì đâu. Nếu thật sự muốn bầu cho những người quả thật lo cho chúng ta thì trong cuộc bầu cử tới, ta nên cho tất cả các ông bà dân biểu, nghị sĩ của đảng DC về vườn hết cả đám, bầu các người mới khác, những người chấp nhận kết quả bầu cử dù không hợp ý mình.
Tối Thứ Sáu 31 tháng Giêng vừa qua, Thượng Viện biểu quyết có cần thêm nhân chứng hay tài liệu gì nữa không. Kết quả, chỉ có 49 phiếu nói là cần thêm. Chưa đủ đa số 51 phiếu cần thiết. Không còn gì để bàn thêm nữa, lãnh tụ khối đa số CH, nghị sĩ McConnell lo chuẩn bị cho cuộc bầu cuối cùng, truất phế hay không. Chỉ là chuyện thủ tục cho có, khi ai cũng biết kết quả rồi.
TT Trump không mất job. Lại một chiêu võ của đảng đối lập dùng để đảo chánh thất bại ê chề. Sau những chiêu đếm phiếu lại, hủy bỏ thủ tục bầu cử tri đoàn, điều tra Mueller,…
Cả thế giới trong hai tuần qua đã có dịp chứng kiến một tấn tuồng ‘dzừa dzở dzừa dzai dzừa dzô dziêng’!
Trong suốt hai tuần, các công tố DC và luật sư của TT Trump đã nói liên tu bất tận cả mấy chục tiếng đồng hồ, mà lạ lùng thay, không đưa ra được bất cứ chuyện gì mới lạ hết, mà cũng chẳng thay đổi quan điểm được một người. Tất cả những lập luận của cả hai bên đều là những lập luận đường mòn kẻ này đã nghe đến cả vạn lần, thuộc lòng còn hơn thuộc bảng cửu chương hồi còn nhỏ phải học.
Kẻ này dù sao, cũng xin lược qua những chuyện của tuần rồi. Tuần qua, tấn tuồng đàn hặc bước qua hồi 2. Có 3 màn: các luật sư biện hộ cho TT Trump, các nghị sĩ đặt câu hỏi, và biểu quyết về nhân chứng.
Màn 1: Biện hộ.
Đầu tuần, các luật sư của TT Trump đã chính thức phản bác các lập luận của các công tố DC truy tố TT Trump. Nhưng là phản bác một cách khá ngắn gọn. Hai tiếng trong ngày Thứ Sáu tuần trước, nguyên ngày Thứ Hai, nhưng lại cũng chỉ có hai tiếng ngày Thứ Ba. Đại khái dùng có một nửa thời gian được ấn định.
Thông điệp rõ hơn ban ngày của họ là họ không thấy có nhu cầu giảng giải dài dòng vì toàn bộ vụ truy tố không dựa trên bất cứ một vi phạm luật pháp nào, không có bất cứ bằng chứng cụ thể nào, đồng thời cũng hoàn toàn dựa trên một cố gắng vặn vẹo luật pháp và Hiến Pháp, chỉ vì mưu đồ chính trị phe phái. Ngay cả trong các lời biện hộ, các luật sư cũng chỉ nói phớt qua chi tiết các tội TT Trump bị tố, đặt trọng tâm vào việc diễn giải luật và Hiến Pháp, cùng với những dẫn chứng lịch sử.
Ngay từ ngày đầu tiên, Thứ Sáu tuần trước, luật sư chính của TT Trump trong bài biện hộ đầu tiên đã nhấn mạnh phe DC đã ồn ào hô hoán về việc Nga hay Ukraine can dự vào cuộc bầu của dân Mỹ, nhưng thực tế là chính đảng DC là đảng đang cố gắng hủy bỏ kết quả bầu cử của năm 2016 và ngăn chặn một ứng cử viên cho cuộc bầu cử tới. Đó mới chính là những toan tính can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống, xóa bỏ kết quả bầu cử vừa rồi trong khi tìm cách khuynh đảo bầu cử tới. Các cụ ta gọi sách lược này là vừa đánh trống vừa ăn cướp.
Hai bên ‘nghỉ giải lao’ ngày Chủ Nhật để chuẩn bị cho cuộc chiến ngày Thứ Hai.
Trong ngày nghỉ giải lao, phe ta bất ngờ tung ra cái mà TTDC gọi là ‘bom nguyên tử’ mới. Báo New York Times trích dẫn vài đoạn trong một cuốn sách mà cựu cố vấn An Ninh Quốc Gia của TT Trump, ông John Bolton sắp xuất bản. NYT trích dẫn một đoạn mà họ gọi là có mức quan trọng sinh tử, là đoạn ông Bolton xác nhận ông đã nghe thấy TT Trump tỏ ý muốn kéo dài việc trì hoãn viện trợ quân sự để áp lực chính quyền Ukraine mở lại cuộc điều tra về cha con cụ Biden. Việc làm của NYT đã hỗ trợ mạnh việc phe DC đòi thêm nhân chứng, đặc biệt là nhu cầu cần ông Bolton phải ra điều trần. Ngay sau đó, phụ họa theo bản hợp ca của phe DC và TTDC, hai thượng nghị sĩ CH là ông Mitt Romney và bà Susan Collins đã lên tiếng muốn nghe thêm nhân chứng ngay. Hai vị này từ trước khi nổ ra vụ ông Bolton đã có ý muốn đòi thêm nhân chứng rồi, bây giờ chỉ củng cố thêm luận cứ của họ thôi.
Đưa đến tranh cãi về việc có thêm hay không có thêm nhân chứng. Ta sẽ bàn nhiều trong phần Màn 3 ở dưới.
Nguyên ngày Thứ Hai đầu tuần qua đã được dành để các luật sư của TT Trump lên tiếng. Dĩ nhiên, DĐTC không đủ khả năng cũng như không đủ trang giấy để báo cáo đầy đủ chi tiết, phần lớn có tính cách kỹ thuật về luật Hiến Pháp Mỹ mà dân tỵ nạn ta, tiếng Anh chưa thông không nên lạm bàn. Chỉ xin phép tóm lược ý kiến quan trọng của giáo sư Dershowitz.
Phần quan trọng nhất trong biện hộ của các luật sư của TT Trump là phần trình bày của giáo sư Alan Dershowitz, cựu giáo sư về Hiến Pháp của Đại Học Harvard, thuộc đảng DC, đã bỏ phiếu cho bà Hillary. Không ai có thể nói ông này “cuồng Trump” đâu. Ông này trên căn bản không bàn về những chi tiết mà phe DC tố, nhưng đã diễn giải Hiến Pháp và lịch sử liên quan đến việc đàn hặc tổng thống.
GS Dershowitz cho rằng với những tội lờ mờ mà phe DC tố, trong tương lai, bất cứ tổng thống nào cũng dễ dàng bị truy tố bởi một quốc hội do phe đối lập kiểm soát, một tiền lệ cực kỳ nguy hiểm cho thể chế dân chủ của Mỹ, một lạm dụng Hiến Pháp thô bạo.
GS Dershowitz cho rằng cái tội ‘lạm quyền’ là một cái tội thường dùng trong chính trị phe phái đánh nhau. Gần như tất cả các tổng thống Mỹ, ông nào cũng đã bị tố cáo lạm quyền hết, kể cả những tổng thống vĩ đại nhất như George Washington (tổng thống đầu tiên, đã từ chối cung cấp tài liệu quốc hội đòi hỏi trong một vụ tranh chấp chính trị), Thomas Jefferson (tác giả của Tuyên Ngôn Độc Lập, đã quyết định mua vùng Louisiana mà không cần ý kiến của quốc hội), và Abraham Lincoln (tổng thống chủ trì cuộc nội chiến, đã bất chấp luật, ra lệnh bắt nhốt hàng loạt người chống đối ông). Ông Dershowitz đã liệt kê ra cả chục thí dụ cụ thể, để nhấn mạnh việc không thể dùng ‘tội’ lạm quyền để truất phế tổng thống được. Chỉ vì tội ‘lạm quyền’ không có định nghĩa rõ ràng, không đủ căn bản pháp lý để sử dụng trong một vụ án, càng không thể dùng làm cớ để truất phế tổng thống là một bản án tối quan trọng, liên quan đến ý nguyện và quyết định của dân cả nước qua một cuộc bầu cử chính danh và hợp Hiến. Phe DC mau mắn bóp méo ngay, tố ông Dershowitz chấp nhận các tổng thống tha hồ lạm quyền, không sao cả.
GS Dershowitz cũng nhấn mạnh đã có tiền lệ từ thời TT Andrew Johnson là muốn đàn hặc, phải có một tội cụ thể, có bằng chứng và nhân chứng đầy đủ, chứ không thể truất phế một tổng thống dựa trên những chuyện nghe qua nói lại của một vài người. Chẳng hạn như có một vụ trộm trong trường hợp TT Nixon, hay một cái áo đầm trong trường hợp TT Clinton.
GS Dershowitz cũng nhắc lại trong Tư Pháp Mỹ, có cái lệ -rule, không phải law- gọi là ‘rule of lenity’ (tạm dịch là điều lệ khoan dung), là nếu luật lệ không rõ ràng thì phải xử theo cách có lợi nhất cho nghi can để tránh nghi can bị xử oan (VL: ngược với tư pháp của CS ‘thà giết lầm 100 người còn hơn tha lầm 1 nghi can’). Theo ông Dershowitz, Hiến Pháp trong tinh thần ‘rule of lenity’ cố tình không ghi rõ tội gì phải bị đàn hặc với dụng ý quốc hội phải tránh xử oan một tổng thống, giúp cho tổng thống do người dân bầu không bị truất phế dễ dàng bằng bất cứ tội lờ mờ không bằng chứng nào, mà phải chứng minh một cách chắc chắn nhất, không chối cãi được. Không đủ bằng chứng rõ ràng thì cái ‘rule of lenity’ phải được áp dụng.
Về vụ ông Bolton, GS Dershowitz nhận định ông không muốn bàn về chuyện này mà chủ ý của ông là muốn diễn giải Hiến Pháp, bàn chuyện nguyên tắc căn bản. Tuy nhiên, theo ông, cho dù ông Bolton đã nói sự thật, tức là TT Trump có ý định chặn viện trợ quân sự ít ngày, thì chiếu theo Hiến Pháp cũng không thể nào là cái tội phải bị truất phế. Ông cho rằng Hiến Pháp đã không được viết để có thể truất phế một tổng thống do dân bầu quá dễ dàng như vậy. Việc tổng thống chặn viện trợ hay đặt điều kiện viện trợ là chuyện thông thường đã thấy cả vạn lần dưới tất cả các tổng thống vì tuyệt đối trong quyền hạn của tổng thống, sao bây giờ lại có thể thành tội đáng truất phế được?
Nói chung, lập luận của các luật sư của TT Trump có mục đích chính nhắm vào 3 điểm: thứ nhất đàn hặc TT Trump hoàn toàn dựa trên những cái gọi là ‘tội’ mà không đưa ra được bất cứ một bằng chứng cụ thể nào, các nhân chứng đều toàn là nghe qua nói lại; thứ nhì, cho dù có bằng chứng cụ thể nào đi nữa thì những tội mà TT Trump bị tố đều là những ‘tội’ mà bình thường tất cả các tổng thống Mỹ kể cả TT Obama đều đã phạm mà chẳng phải là tội gì đáng bị truất phế; và cuối cùng toàn bộ cái gọi là ‘phiên tòa’ này hoàn toàn là chuyện vô căn cứ, chuyện cuội, cần đóng cửa càng sớm càng tốt.
Màn 2: Đặt Câu Hỏi
Qua hai ngày Thứ Tư và Thứ Năm tuần rồi, các nghị sĩ của cả hai bên có 16 tiếng đồng hồ để đặt câu hỏi cho các công tố DC và các luật sư của TT Trump. Trên nguyên tắc, đây là phần có vẻ hấp dẫn nhất. Nhưng trên thực tế, đây là phần mà tấn tuồng trở nên… tấn tuồng thật. Hầu hết các câu hỏi không phải là nêu lên thắc mắc chân thật nào, mà toàn là câu hỏi kiểu cò mồi để giúp phe ta có thêm cơ hội xoáy vào, giải thích thêm một điểm nào đó. Như phe DC thì câu hỏi nhằm giúp các công tố đào sâu hơn tội lỗi của TT Trump, hay câu hỏi của phe CH thì nhắm giúp các luật sư của TT Trump có cơ hội chứng minh thêm đây là ‘phiên tòa’ cuội.
Bằng chứng hiển nhiên nhất là hầu như không có một câu trả lời nào đưa ra được một yếu tố gì mới lạ, mà chung quy vẫn chỉ là cả hai bên đều lập đi lập lại các lập luận của mình thôi.
Thỉnh thoảng cũng có một câu hỏi hơi ‘hóc búa’ nhưng được các chính trị gia và luật sư trả lời theo kiểu chính trị gia và luật gia: không nghe thấy câu hỏi, hỏi một đằng trả lời một nẻo. Huề tiền!
Màn 3: Nhân Chứng.
Như ta đã biết, bên DC đòi thêm 4 quan chức cao cấp trong chính quyền Trump ra điều trần, đặc biệt là hai ông John Bolton, cựu cố vấn An Ninh và ông Mick Mulvaney, chánh văn phòng của TT Trump, nhưng lại không chấp nhận cho phe CH đòi thêm anh thổi còi và cha con cụ Biden ra điều trần, lấy lý do những người này không liên quan gì đến các tội của TT Trump.
Các công tố DC qua tiếng nói của ông Adam Schiff, đưa ra cả vạn lý do để đòi có thêm nhân chứng, và nếu không có thêm nhân chứng thì ‘phiên tòa’ của Thượng Viện chỉ là phiên tòa cuội, mang tính phe đảng và các nghị sĩ CH đang cố tình bao che cho TT Trump. Bà Pelosi tuyên bố trong lịch sử không có ‘phiên tòa’ nào mà không có nhân chứng.
Với các người chống TT Trump, lý do nào nghe cũng tuyệt hảo, có lý 100%, và lời biện giải của các công tố DC về nhu cầu nhân chứng nghe có lý còn hơn cả 100% luôn. Nhưng vấn đề là như vậy tại sao Hạ Viện không đòi những nhân chứng này ra điều trần trước đây, trước khi biểu quyết đàn hặc. Theo chính lập luận của ông Schiff thì khi Hạ Viện không bắt 4 người này ra điều trần, không cho phe CH gọi bất cứ nhân chứng nào, không cho các luật sư của TT Trump tham gia cuộc điều tra để có thể chất vấn nhân chứng, thì như vậy, đàn hặc của Hạ Viện có công bằng không? Có mang tính ‘cuội’ không? Bà Pelosi hùng hồn nói về chuyện “không có nhân chứng nào thì phán quyết vô giá trị”, thế thì 17 nhân chứng được phe DC trình trước Hạ Viện là gì? Rồi không có một nhân chứng nào của phe CH được gọi ra, như vậy thì phán quyết của Hạ Viện có giá trị không? Trách nhiệm chất vấn nhân chứng là của Hạ Viện trước khi kết tội chứ sao lại có chuyện kết tội xong rồi mới đòi nhân chứng để xác nhận tội? Công lý ‘cấp tiến’ ngược ngạo vậy sao?
Cả 4 người mà phe DC đang đòi ra điều trần trước đây đều đã được Hạ Viện yêu cầu ra điều trần, cả 4 từ chối. Hạ Viện khi đó đã có thể ‘ra trát’ -subpeona- cả 4, bắt họ theo Hiến Pháp phải ra điều trần, nhưng Hạ Viện đã không làm, không chính thức ra trát cho bất cứ ai. Để cho câu chuyện lẳng lặng chìm xuồng luôn.
Tại sao? Chỉ vì Hạ Viện, thứ nhất hấp tấp muốn có biểu quyết đàn hặc càng sớm càng tốt, thứ nhì Hạ Viện biết là chuyện này khó khăn, nên bán cái qua cho Thượng Viện do CH nắm đa số để nếu Thượng Viện không lôi những người này ra điều trần thì phe DC sẽ lấy cớ đó tố phe CH tại Thượng Viện bao che cho TT Trump.
TNS Josh Hawley của CH cho biết nếu Thượng Viện biểu quyết đòi nhân chứng mới, chưa từng điều trần trước Hạ Viện, thì ông và một số nghị sĩ CH đã có sẵn danh sách, gồm có anh thổi còi, cha con cụ Biden, ngoài ra sẽ đòi thêm DB Schiff, chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, tổng thanh tra Cộng Đồng Tình Báo Michael Atkinson là người đã nhận được báo cáo của anh thổi còi, và trung tá Alexander Vindman là người bị nghi ngờ đã cung cấp tin tức cho anh thổi còi. Vài người nữa nếu cần. Ông Hawley cho biết ông cũng sẽ đòi Hạ Viện nộp tất cả biên bản các cuộc điều trần mật của Hạ Viện, nếu Thượng Viện chấp nhận đòi thêm tài liệu như phe DC muốn.
Ngay ở đây, phe CH cũng không phải là nhất trí 100%. Về vụ điều trần của cha con cụ Biden, nghị sĩ Lindsey Graham, chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện tỏ ý không muốn. Ông cho rằng vụ cha con cụ Biden hết sức quan trọng và cần một điều tra quy mô của quốc hội hay bộ Tư Pháp chứ không phải một điều trần sơ sài của Thượng Viện. Ở đây, ông Graham nói bóng nói gió đến chuyện nếu như cụ Biden đắc cử tổng thống nhưng CH vẫn giữ đa số tại Thượng Viện thì sao? Có triển vọng Thượng Viện mở cuộc điều tra TT Biden không? Và nếu CH chiếm luôn Hạ Viện thì sao nhỉ? Có bao nhiêu triển vọng cụ Biden sẽ bị đàn hặc và lôi ra trước tòa Thượng Viện? Nếu chuyện này xẩy ra thì đảng DC chỉ có thể tự trách mình đã biến đàn hặc thành công cụ chính trị thôi.
Phe DC có đòi hỏi một chiều, chỉ đòi quan chức của TT Trump ra điều trần nhưng không chấp nhận các người phe CH đòi hỏi, và nếu đoàn kết 100% sẽ có 47 phiếu. Phe CH hiện có 53 phiếu, chủ trương không cần thêm nhân chứng, nếu có nhân chứng thì phải có nhân chứng của cả hai bên, đồng đều. Một vài nghị sĩ CH đã đề nghị giải pháp ‘một đổi một’, mỗi bên sẽ có thêm nhân chứng với số lượng đồng đều: DC đòi bốn người (Bolton, Mulvaney và hai quan chức khác) cũng được, nhưng CH cũng sẽ được đòi bốn người (anh thổi còi, cụ Biden, ông con, và Schiff). Trong cuộc điều đình trong hậu trường, phe DC không chấp nhận, do đó đưa đến sự gần như nhất trí bên CH là không muốn thêm nhân chứng nữa.
Thực tế ai cũng biết của câu chuyện là phe DC không phải chỉ muốn có 4 nhân chứng. Cho dù có đủ 4 nhân chứng này thì sau đó, phe DC cũng sẽ nặn ra lý cớ đòi thêm nhân chứng nữa thôi.
Thiên hạ bàn ồn ào về ba trường hợp:
- Ít nhất 4 nghị sĩ CH nhẩy qua bên DC đòi thêm nhân chứng: ‘phiên tòa’ sẽ kéo dài vô hạn định tùy theo số người sẽ bị lôi ra điều trần.
- Chỉ có 3 nghị sĩ CH (ông Romney và hai bà Collins và Murkowsky) muốn có thêm nhân chứng, kết quả biểu quyết là 50-50. Trên nguyên tắc, TP Roberts chủ tọa có thể ra quyết định cuối cùng, nhưng không ai nghĩ ông này sẽ can dự. Như vậy, không đủ 51 phiếu, sẽ không có thêm nhân chứng.
- Chỉ có một hay hai nghị sĩ CH nhẩy rào, không đủ túc số 51 phiếu để đòi thêm nhân chứng.
Theo ý kiến cá nhân của kẻ này, một nghị sĩ CH tóm tắt chính xác nhất: điều tra để luận tội rất cần nhân chứng, nhưng đó chính là trách nhiệm của Hạ Viện, và Hạ Viện đã điều tra rồi, đã lôi 17 nhân chứng ra điều trần và cũng đã luận tội rồi. Vai trò của Thượng Viện bây giờ là dựa trên cáo trạng của Hạ Viện để kết tội truất phế hay không, chứ không phải là mở lại cuộc điều tra, kêu thêm nhân chứng, nhất là khi nhân chứng đó là người đã bị chính các ông bà DC tố cáo là “không đáng tin cậy” (Xin xem trang Tin Tức về ông Bolton).
Thực tế, trường hợp 3 đã xẩy ra, chỉ có 2 nghị sĩ CH nhẩy rào.
Thứ Sáu 31 tháng Giêng vừa rồi, Thượng Viện biểu quyết việc cần thêm nhân chứng và tài liệu hay không. Kết quả, 51 phiếu không muốn thêm nhân chứng, 49 muốn. Hai nghị sĩ CH muốn thêm nhân chứng là ông Romney và bà Collins.
Trước đó, nghị sĩ CH Alexander Lamar, là người sắp về hưu và được phe DC dụ dỗ tối đa, đã nói rất rõ: “Tất cả chúng ta đều đã hiểu rõ câu chuyện rồi, có thêm nhân chứng cũng vậy thôi; hơn nữa chúng ta cũng đều đã thấy rõ, những tội TT Trump bị tố, cho dù có chứng minh được, cũng là những tội chưa đáp ứng tiêu chuẩn để truất phế một tổng thống do dân bầu”. Bà CH Lisa Murkowsky cũng trong trường hợp tương tự như ông Lamar, cũng đã có quyết định và giải thích tương tự luôn.
Ngay trước khi Thượng Viện lấy biểu quyết, mọi người đã biết trước kết quả rồi. Phe DC và đồng minh TTDC ồn ào khua chiêng trống công kích phe CH trong Thượng Viện đã bao che tội của TT Trump, dĩ nhiên. Cũng chẳng khác gì phe chống TT Clinton tố đảng DC trong Thượng Viện đã bao che cho Clinton năm xưa. Vẫn chỉ là chuyện đảng phái đấu đá nhau thôi.
Bà Pelosi và ông Schumer đều lên tiếng không công nhận biểu quyết không truất phế TT Trump vì đã không có nhân chứng. Ủa? Ai cần họ công nhận? Chuyện vớ vẩn.
Tin giờ chót, Thượng Viện sẽ chính thức biểu quyết về việc truất phế hay không vào chiều Thứ Tư tuần tới, sau cuộc bầu sơ bộ ngày Thứ Ba, và trước buổi tối ngày TT Trump đọc Báo Cáo Tình Trạng Liên Bang. Chỉ là chi tiết thời gian. Mưu toan đàn hặc và truất phế TT Trump hạ màn.
Hết chuyện.
Vũ Linh, 1/2/2020
0 nhận xét