Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 01/02/2020

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2020 17:15 // ,

Tin Việt Nam – 01/02/2020

Việt Nam ngừng bay với Trung Quốc nhưng

xe lửa vẫn chạy do ‘chưa thống nhất với Bắc Kinh’

Đoàn tàu liên vận quốc tế Hà Nội – Nam Ninh, Trung Quốc tối 31 Tháng Giêng xuất bến với khoảng hơn 100 hành khách, đa phần là người Trung Quốc. (Hình: Zing)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong lúc nhà chức trách xác nhận ca thứ sáu tại Việt Nam nhiễm virus Corona là một nhân viên lễ tân khách sạn ở Nha Trang, Cục Hàng Không Việt Nam lập tức loan báo hủy các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc của các hãng hàng từ 1 giờ chiều 1 Tháng Hai.
Việc nối lại các chuyến bay giữa hai nước chỉ được thực hiện “cho đến khi có thông báo mới”.
Tuy vậy, công luận hoang mang khi biết hiện tại, các tuyến tàu khách quốc tế từ ga Gia Lâm, Hà Nội, đi Nam Ninh và Bắc Kinh, Trung Quốc và chiều ngược lại vẫn hoạt động bình thường, với hàng trăm hành khách qua lại biên giới Việt – Trung trong mỗi chuyến.
Báo Zing dẫn lời ông Trần Văn Nam, trưởng ban vận tải, Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam trấn an rằng các hành khách xuất, nhập cảnh “đều được kiểm soát, đo thân nhiệt ngay từ ga Đồng Đăng, đủ điều kiện an toàn mới được vào nội địa” và hành khách có biểu hiện bất thường “sẽ bị cách ly”.
Đoàn tàu MR1/2 tuyến Hà Nội – Nam Ninh, Trung Quốc và ngược lại hiện được chạy với tần suất mỗi ngày một chuyến. Ngoài ra, vào Thứ Ba và Thứ Sáu hàng tuần, đoàn tàu này được nối thêm toa mã M1/2 cho tuyến Hà Nội – Bắc Kinh.
Cùng thời điểm, trả lời trang tin điện tử Bnews của Thông Tấn Xã Việt Nam, bà Phùng Thị Lý Hà, phó tổng giám đốc Công Ty Cổ Phần Vận Tải Đường Sắt Hà Nội, nói: “Việc chạy tàu liên vận quốc tế được thực hiện theo nghị định thư đường sắt giữa hai nước, cùng đó là các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tại các ga cửa khẩu như hải quan, biên phòng, vệ sinh dịch tễ. Do đó, việc dừng tàu hay không phải có ý kiến của cơ quan kiểm dịch, y tế và phải thống nhất với phía đường sắt Trung Quốc.”
Phát ngôn của bà Hà thêm một lần nữa khiến công luận tin rằng trong mọi vấn đề liên quan đến quan hệ với Trung Quốc, giới chức CSVN nhất định phải tuân theo chỉ thị từ Bắc Kinh”. Yếu tố đảm bảo sức khỏe cho người dân Việt Nam trong đại dịch Corona cũng phải xếp sau chuyện “đại cục”.
Một ngày trước, mạng xã hội bày tỏ sự phẫn nộ trước phát ngôn bị cho là “ngoan quá mức cần thiết” của Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao CSVN Phạm Bình Minh: “Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương.”
Sau khi các báo nhà nước đăng phát ngôn của ông Minh, Luật Sư Trịnh Vĩnh Phúc đề xuất trên trang cá nhân rằng vị phó thủ tướng CSVN “nên xem lại Hiệp Định Về Cửa Khẩu và Quy Chế Quản Lý Cửa Khẩu Biên Giới Trên Đất Liền Việt Nam – Trung Quốc. Khoản 3 Điều 5 của hiệp định này nêu rõ: “Để bảo vệ lợi ích xã hội, an ninh quốc gia hoặc vì lý do thiên tai nghiêm trọng, dịch bệnh truyền nhiễm lớn, dịch bệnh động thực vật và các trường hợp bất khả kháng khác, một bên có thể tạm thời đóng hoặc hạn chế việc qua lại cửa khẩu. Tuy nhiên, cần phải thông báo cho phía bên kia trước 5 ngày, trong trường hợp khẩn cấp không được ít hơn 24 giờ.” (N.H.K)

Nông sản Việt Nam rớt giá vì dịch viêm phổi Vũ Hán

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, phía Trung Quốc hạn chế giao thương khiến nhiều mặt hàng nông sản ở Việt Nam rớt giá mạnh.
Theo báo VietNamNet ngày 31 Tháng Giêng, 2020, vài ngày qua hàng chục tấn dưa hấu Hắc Mỹ Nhân loại ngon chất đống trên vỉa hè đường Giải Phóng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) để bán với giá chỉ 8,000 đồng/kg (34 cent), trong khi tại các cửa hàng, chợ ở Hà Nội, dưa hấu loại này vẫn bán giá 20,000 đến 25,000 đồng/kg (86 cent đến $1.07).
Do giá quá rẻ, người dân sống xung quanh khu vực hoặc người đi đường kéo nhau đến mua khá đông. Theo lời người bán, dưa hấu này được thu mua ở miền Nam để xuất cảng sang Trung Quốc, có dán tem nhãn hẳn hòi. Song, do dịch viêm phổi Vũ Hán phía Trung Quốc dừng nhập nên chủ hàng quyết định đổ dưa ở vỉa hè rồi thuê người đứng bán nhằm thu hồi vốn.
“Không biết họ ế sao, nhưng thấy giá rẻ dưa lại ngon nên tôi mua để ăn và chia cho gia đình hai đứa con,” bà Nguyễn Ngọc Minh (ở Phương Mai, quận Đống Đa) nói.
Ngoài dưa hấu, chôm chôm tại các nhà vườn ở tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre đang từ 16,000 đồng/kg (69 cent) giảm xuống chỉ còn 9,000 đến 10,000 đồng (38 cent đến 43 cent)/kg do bị “đóng biên.” Với mức giá này, nhà vườn đối diện cảnh thua lỗ nặng, bởi tiền bán chôm chôm không đủ tiền trả công thu hái.
Trước đó, giá thanh long ruột trắng ở Long An, Bình Thuận cũng giảm mạnh xuống còn 10,000 đồng/kg cân xô, thanh long ruột đỏ giảm xuống còn 20,000 đến 27,000 đồng (86 cent đến $1.16)/kg tùy loại. Nguyên nhân cũng do những ngày cận Tết thị trường Trung Quốc giảm nhập hàng.
Cùng với giá dưa giảm mạnh, báo VNExpress cùng ngày cho hay giá bí và khoai lang ở các tỉnh Tây Nguyên cũng đang ‘lao dốc.’ Theo ông Thanh, người chuyên trồng nông sản ở đây, vụ bí đầu Xuân năm nay đang phải bán với giá 2,500 đồng (10 cent)/kg, giảm một nửa so với năm ngoái. Còn với khoai lang, nếu cuối năm có giá 8,000 đồng (34 cent)/kg, thì nay thương lái mua với giá chỉ bằng phân nửa.
“Chỉ hòa vốn nhưng cũng đành bán vì các loại nông sản này nếu để lâu ngoài ruộng sẽ dễ bị hư hỏng,” ông Thanh ở Kon Tum nói. Năm nay, dù sản lượng thu hoạch đầu Xuân với các loại nông sản trên ở tỉnh Kon Tum không nhiều, nhưng do thương lái giảm thu mua, giá vẫn lao dốc.
Không chỉ tại Kon Tum mà ở Gia Lai, Đắk Lắk, giá các loại nông sản trên cũng đang giảm mạnh. Hầu hết thương lái thu mua đều cho biết giảm số lượng đặt hàng vì các đầu mối Trung Quốc giảm mua. Nhiều đầu mối ngưng nhập do tình hình tiêu thu chậm.
Theo Sở Công Thương các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai cặp cửa khẩu thuộc khu vực Bằng Tường (Trung Quốc) sẽ kéo dài thời gian đóng cửa đến hết ngày 8 Tháng Hai, với lý do “bảo đảm công tác phòng chống dịch.” Do vậy, nếu dịch bệnh kéo dài, việc thông thương giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế thì chắc chắn lưu lượng hàng hóa sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Báo Người Lao Động cho biết hôm qua ngày 30 Tháng Giêng, Cục Xuất Nhập Khẩu Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp dịch vụ logistics, đặc biệt là các doanh nghiệp có kho lạnh ưu
tiên, hỗ trợ doanh nghiệp xuất cảng nông sản Việt Nam lưu giữ, bảo quản nông sản trong khi chờ xuất sang Trung Quốc. (Tr.N)

Cần Thơ yêu cầu khách sạn,

nhà nghỉ ngưng nhận khách Trung Quốc

CẦN THƠ, Việt Nam (NV) – Lo ngại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra, Sở Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch Cần Thơ đã gửi công văn cho tất cả khách sạn, nhà nghỉ trong thành phố yêu cầu “tạm thời không nhận khách Trung Quốc.”
Theo báo Tuổi Trẻ, sáng 31 Tháng Giêng, 2020, ông Nguyễn Khánh Tùng, giám đốc Sở Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch Cần Thơ, cho biết công văn đã được gửi đi từ Mùng Năm Tết (tức ngày 29 Tháng Giêng). “Sở đã gửi văn bản chỉ đạo cho các khách sạn không nhận khách Trung Quốc, theo văn bản chỉ đạo mới của Tổng Cục Du Lịch,” ông Tùng giải thích.
Trước đó, vì lo ngại dịch viêm phổi từ virus Corona, nhiều cơ sở lưu trú ở thành phố Cần Thơ đã chủ động không nhận khách Trung Quốc.
Nói với báo Tuổi Trẻ, một chủ khách sạn ở phường Cái Khế (quận Ninh Kiều) cho hay trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm phổi, từ trước Tết đã chủ động từ chối khách Trung Quốc đến đặt phòng.
Trong khi đó, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Thuận, giám đốc Công An thành phố Cần Thơ, cho biết công an “tích cực phối hợp với Sở Y Tế, Sở Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch Cần Thơ ‘triển khai các biện pháp phòng chống dịch, kiểm tra thân nhiệt với các du khách ngoại quốc đến địa phương.’”
Hiện tại, Cảng Hàng Không Quốc Tế Cần Thơ đã được lắp máy kiểm soát thân nhiệt để kiểm tra hành khách. Tại các bệnh viện, công việc ứng phó nếu phát hiện dịch cũng được chuẩn bị.
Liên quan tới dịch bệnh virus Corona, Sở Y tế Cần Thơ cho biết hiện có khoảng 20 khách du lịch đến từ Trung Quốc, trong đó có bốn du khách đến từ Vũ Hán hiện đang xin lưu trú tại một khách sạn ở Cần Thơ từ ngày 25 Tháng Giêng. Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật Cần Thơ đã tiến hành thực hiện tờ khai y tế và đo thân nhiệt (hai lần/ngày) và hiện tại chưa phát hiện “có biểu hiện mắc bệnh.”
Theo kế hoạch, ngày 13 Tháng Hai tới, nhóm bốn du khách này dự định rời khỏi khách sạn nhưng không có chuyến bay nào về Vũ Hán. Bản thân họ cũng chưa muốn quay về vùng dịch, trong khi visa sẽ hết hạn vào ngày 15 Tháng Hai, 2020. Hiện cả bốn người này đã liên hệ với Tổng Lãnh Sự Quán Trung Quốc tại Sài Gòn xin gia hạn visa để tiếp tục ở lại Việt Nam tránh dịch.
Báo Tuổi Trẻ dẫn tin từ Tổng Cục Thống Kê cho hay, khách quốc tế đến Việt Nam trong Tháng Giêng, 2020, ước đạt gần hai triệu lượt người, tăng 16.6%, cao nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, khách Trung Quốc đến Việt Nam thời gian này tăng đến 72.6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, nhóm khách từ thị trường Châu Âu như Pháp, Đức… và Châu Mỹ cũng tăng 10%-15%, các nhóm khách này thường tham gia chương trình du lịch miền về miền Tây, Phú Quốc, Nha Trang, Bình Thuận, Đà Nẵng và tuyến điểm miền Bắc như Hà Nội, Hạ Long, Sa Pa… (Tr.N)

Dịch Corona: Việt Nam có 6 ca nhiễm virus,

Thủ tướng công bố dịch, khách Trung quốc

không muốn về nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 1-2-2020 ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra sau khi Việt Nam có trường hợp lây từ người sang người thứ hai ngay trong nước.
Ca nhiễm mới của nữ lễ tân người Việt ở Khánh Hòa từ hai cha con người Trung Quốc công bố hôm 1-2-2020 nâng tổng số người nhiễm virus viêm phổi ở Việt Nam lên con số 6 với 4 người Việt mắc bệnh.
Theo đó, thời gian xảy ra dịch ở Việt Nam là từ ngày 23 tháng 1 năm 2020, là thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Địa điểm và quy mô xảy ra dịch ở 3 tỉnh: Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa
Theo quyết định này, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, cách ly, theo dõi, điều trị người mắc bệnh gồm: Bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, bệnh viện trong ngành Công an, Quân đội và các bệnh viện khác có điều kiện kể cả huy động cả bệnh viện dã chiến.
Các hãng hàng không của Việt Nam hôm 1/2 cũng tuyên bố dừng các chuyến bay đến Trung Quốc theo chỉ thị của Thủ tướng hôm 31/1.
Truyền thông trong nước cho biết hiện có một số khách Trung Quốc vẫn đang ở Việt Nam và mong muốn tiếp tục được ở lại trong khi một số nước ngừng các chuyến bay đến Trung Quốc.

Người Hà Nội

giành nhau mua khẩu trang như ở Trung Cộng

Tin Vietnam.- Báo Giao thông loan tin, trưa ngày 31 tháng 1 năm 2020, nhiều người dân ở Thủ đô Hà Nội đã đổ xô đến chợ thuốc Hapulico, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội để giành nhau mua khẩu trang. Một cảnh tượng khiến nhiều người tưởng rằng nơi đây là tâm dịch bệnh coronavirus của Trung Cộng.
Trước tình trạng này, lợi dụng bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp, những người kinh doanh đã tăng giá bán các loại khẩu trang lên gấp hơn 10 lần so với trước đây. Thí dụ như trước đây một hộp bán 25,000 đồng thì giờ đây được bán với giá 300,000 đồng, thậm chí là gấp 20 lần với 500,000 đồng một hộp. Điều khiến nhiều người lo lắng là dù giá cao nhưng nguồn cung cấp vẫn không đủ cho nhu cầu của người mua. Trên trang facebook cá nhân, thương gia Lê Hoài Anh cho biết, bà đã được các đối tác Trung Cộng đề nghị gom khẩu trang y tế để bán cho họ nhưng bà đã từ chối; đồng thời bà Hoài Anh kêu gọi những thương gia khác cũng không nên vì lợi nhuận mà đồng ý thương vụ làm ăn này để gây bất lợi cho người dân Việt.
Trước tình trạng này, bộ Y tế Cộng sản Việt Nam cho biết, Việt Nam có hơn 30 công ty sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế, nhưng hầu hết nguyên liệu phải nhập cảng từ Trung Cộng, trong khi đó quốc gia này đang rơi vào tình trạng khan hiếm hàng. Vì vậy, các công ty trên đang gặp khó khăn về nguồn cung cấp nguyên liệu.
An Nhiên

Dịch Corona: Bộ Thông tin và Truyền thông

khuyến cáo báo chí không làm ảnh hưởng

quan hệ đối ngoại

Trước tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây ra đang lan rộng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) của Việt Nam vừa ban hành công văn hướng dẫn báo chí về việc đưa tin, trong đó nhấn mạnh việc không gây hoang mang, lo lắng trong xã hội, không để ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại với các nước. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 1/2/2020.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 1/2, trên toàn thế giới đã có gần 12.000 ca nhiễm virus corona mới và khoảng 250 người chết vì dịch bệnh này. Toàn bộ số tử vong là người ở Trung Quốc, nơi xuất phát bệnh dịch.
Thông tư mới của Bộ TTTT yêu cầu báo chí thường xuyên cập nhật thông tin chính xác, đầy đủ về diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống.
Bộ TTTT đồng thời khuyến cáo các báo không sử dụng “tít” và nội dung bài nghi vấn, suy đoán, gán ghép, liên hệ thiếu căn cứ, không đúng bản chất sự việc, thận trọng và phải kiểm chứng thông tin từ các cơ quan chức năng khi khai thác thông tin từ báo chí nước ngoài.
Bộ TTTT yêu cầu các sở Thông tin và Truyền thông địa phương phải theo dõi thông tin liên tục trên mạng xã hội để phối hợp với cơ quan có thẩm quyền chủ động đấu tranh ngăn chặn những thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận xã hội về tình hình dịch bệnh.
Cũng trong ngày 1/2, báo chí trong nước cho biết đã có ít nhất 4 người bị phạt tiền vì đưa tin dịch bệnh không đúng sự thật trên Facebook.
Công an thành phố Bắc Ninh mới đây cho biết Công an tỉnh đã triệu tập 2 người đến làm việc nhằm làm rõ hành vi đăng tải nội dung sai sự thật về dịch bệnh viêm phổi cấp. Hai người này bị phạt mội người 12,5 triệu đồng.
Cũng trong ngày 1/2, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết trong 2 ngày 30 và 31/1, Công an đã triệu tập hai người phụ nữ dùng Facebook cá nhân để đăng thông tin sai sự thật về virus Corona gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hai người này cũng bị phạt hành chính theo khung phạt từ 10 đến 15 triệu đồng một người. Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết cơ quan này đã lên danh sách một số tài khoản Facebook đăng tin sai sự thật về virus Corona trên địa bàn thành phố và sẽ tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật trong thời gian tới.
Theo truyền thông trong nước, một loạt ba nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam là Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân và Cát Phượng cũng bị Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM mời lên làm việc vào tuần tới vì đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội về dịch bệnh.

Virus Corona và nhận diện cơ hội sinh tồn thời thổ tả

Đồng Phụng Việt
Sự lây lan chủng mới của virus Corona – đại dịch mới gây viêm đường hô hấp cấp đang cung cấp thêm ví dụ để người Việt nhận diện cơ hội sinh tồn của chính mình và con cháu mình trong thời thổ tả – thời xứ sở và dân tộc được đặt dưới “sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt” của “đảng CSVN quang vinh”…
***
Người bình thường ắt sẽ có kiến thức tối thiểu để hiểu thế nào là dịch bệnh, từ đặc điểm cho đến cách thức ứng phó nên người bình thường ắt sẽ hoang mang khi nghe một Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN đang giữ vai trò Chủ tịch thành phố Hà Nội tuyên bố: Phấn đấu để không có trường hợp nào nhiễm virus Corona (1)!
Xưa nay trong lịch sử nhân loại có bao nhiêu cá nhân ở vị trí lãnh đạo dám tuyên bố như vậy? Nếu có thể “phấn đấu” để không có bất kỳ ai trong mười triệu dân đang cư trú trên phạm vi có diện tích khoảng 3.300 cây số vuông mắc dịch, ông Chung sẽ trở thành người đủ tư cách vứt tòan bộ kiến thức về dịch tễ học của loài người vào sọt rác!
Tất nhiên với nhận thức như thế, ông Chung không có khả năng ghi tên mình vào lịch sử nhân loại, cũng không có khả năng nhận những giải thưởng cao quý nhất của loài người vì đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống công quyền “phấn đấu” theo kiểu nào đó mà có thể loại trừ sự lây nhiễm của virus gây đại dịch đe dọa toàn cầu một cách tuyệt đối.
Trong mắt loài người, yêu cầu “phấn đấu” của ông Chung chỉ vừa đáng thương, vừa đáng ngại, song cơ hội sinh tồn trước một đại dịch của dân chúng Hà Nội nói riêng và dân chúng trên toàn Việt Nam nói chung đang được đặt trong tay những người như ông Chung – dám nghĩ, dám nói những điều vượt khỏi tầm hiểu biết chung của nhân loại!
Cơ hội sinh tồn của một cộng đồng trước một đại dịch, rộng hơn là cơ hội sinh tồn trong tương lai của nhiều thế hệ sẽ lớn hay nhỏ khi nằm trong tay những cá nhân “dũng cảm” không cần tri thức như thế? Nếu “phấn đấu” bất thành và chắc chắn bất thành, đối tượng nào sẽ bị tước bỏ cơ hội sinh tồn? Chắc chắn không phải là những người như ông Chung!
***
Sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp ở Trung Quốc đã tròn một tháng, không phải tự nhiên mà nhiều người thuộc nhiều giới liên tục kêu gọi cả trên mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức (2) rằng hãy đóng cửa biên giới với Trung Quốc, song công dân Trung Quốc vẫn lũ lượt đổ đến Việt Nam vui Xuân.
Chỉ trong mười ngày từ 15 tháng Giêng đến 25 tháng Giêng, có tới 400.000 công dân Trung Quốc ra vào Việt Nam bằng đường hàng không (5), trong đó có 218 du khách đến từ Vũ Hán – thành phố đang bị Trung Quốc cô lập vì là tâm của ổ dịch (6). Đó là chưa kể những công dân Trung Quốc sang thăm Việt Nam bằng đường bộ.
Ngay cả khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố, chủng mới của virus Corona là đại họa đe dọa toàn cầu, ông Phạm Bình Minh – Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng vẫn cho rằng chưa thể đóng cửa biên giới Việt – Trung! Chuyện không đóng cửa biên giới không phải vì dịch viêm đường hô hấp cấp không nguy hiểm mà vì… một hiệp ước Việt Nam đã ký với Trung Quốc. Theo đó, Việt Nam không có quyền đơn phương đóng cửa biên giới, kể cả khi xảy ra tình huống khẩn cấp về an ninh, dịch bệnh (5).
Nếu khả năng đóng cửa biên giới phụ thuộc vào Trung Quốc, phải chờ Trung Quốc… đồng ý, việc ngăn chặn virus lây lan, bùng phát thành đại dịch trên lãnh thổ Việt Nam là do Trung Quốc chủ động cấm công dân du lịch (6),… thì rõ ràng, cơ hội sinh tồn của người Việt trước dịch bệnh, nguy cơ an ninh, không do người Việt quyết định!
Cho đến giờ này, nếu xem kỹ những tuyên bố, nhận định của các viên chức hữu trách từ trung ương đến địa phương ở Việt Nam về đại dịch viêm đường hô hấp cấp, có thể nhận ra, các viên chức hữu trách này chỉ nhắm vào hai mục tiêu: Không để dân chúng hoang mang và không gây xáo trộn sinh hoạt xã hội, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu tăng trưởng. Bởi cơ hội sinh tồn của từng cá nhân trong cộng đồng không phải là mục tiêu nên một Thứ trưởng Y tế mới trấn an: Virus Corona lây lan hạn chế (7)!
Đó cũng là lý do các ngành ở đủ mọi cấp phối hợp truy tìm, xử lý những cá nhân dám nêu ý kiến hay chia sẻ thông tin nhằm cảnh báo cộng đồng về cơ hội sinh tồn nếu dịch bệnh bùng phát. Sau sự phối hợp giữa Sở Du lịch và cảnh sát cơ động để răn đe một khách sạn tại Đà Nẵng dám từ chối tiếp nhận du khách Trung Quốc (7) là Khánh Hòa triệu tập “một số facebooker” vì “tung tin thất thiệt” (8), là Bà Rịa – Vũng Tàu phạt một facebooker 30 triệu đồng vì “cảnh báo” dịch bệnh gây thiệt hại cho du lịch (9)!
***
Ngày 31 tháng 1, sau khi nhận được báo cáo từ hãng hàng không Vietjet, Sở Y tế Hải Phòng và Công an thành phố Hải Phòng chủ động cung cấp cho hệ thống truyền thông chính thức thông tin, bà Cao Thị Thu Thủy, 38 tuổi, nghi viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra nhưng không hợp tác với giới hữu trách (11).
Từ khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp lơ lửng trên đầu người Việt, đây là lần đầu tiên hệ thống công quyền phối hợp chặt chẽ với hệ thống truyền thông chính thức chứng tỏ nỗ lực… “minh bạch thông tin về dịch bệnh”, cho dù các tình tiết liên quan đến nỗ lực này cho thấy, chúng xâm phạm các quyền riêng tư của công dân, vốn được luật pháp bảo vệ!
Nhiều người vốn đã chưng hửng vì tại sao hệ thống công quyền bất chất luật pháp, bạch hóa tên, tuổi, địa chỉ cư trú của một công dân chỉ mới “nghi ngờ” bị bệnh truyền nhiễm… đã nghĩ ngay đến số phận của chính họ nếu chẳng may bị nhiễm chủng mới của virus Corona khi bà Thủy lên tiếng…
Hóa ra chuyến bay của bà Thủy (từ Tân Sơn Nhất về Cát Bi) trễ ba tiếng rưỡi, thay vì cất cánh lúc 21:15 thì 00:45 mới khởi hành. Chờ đợi nhiều giờ, đói, bà Thủy được một bác sĩ đi cùng chuyến bay xác định bị tụt huyết áp. 02:30 sáng, khi máy bay hạ cánh, bà bị đưa đến chỗ tiếp nhận bệnh nhân nghi mắc dịch. “Phòng bệnh” ở phi trường không có giường, không có mền, không có nhân viên y tế và cũng không ai cho ăn, uống. Chờ đến 04:00 sáng, kiệt sức vì mệt và lạnh, bà Thủy được thân nhân đưa về nhà. Vài tiếng sau bà trở thành nổi tiếng vì được các cơ quan hữu trách dùng làm bằng chứng chứng minh cho cả nỗ lực phòng – ngừa dịch bệnh lẫn cam kết “minh bạch thông tin về dịch bệnh” (12).
Đừng nhìn trường hợp bà Thủy như một cá nhân chẳng may gánh chịu búa rìu dư luận do bị chọn làm… phương tiện chứng minh, cũng đừng nhìn sự kiện mới được công chúng phát giác: Đường dây nóng do Bộ Y tế thiết lập để tiếp nhận những thông tin liên quan đến dịch bệnh, trong đó có dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đang đe dọa cộng đồng, đang tính cước đến… 5.000 đồng/phút (13) như một cách tận dụng đại họa để kiếm chác. Hãy nhìn rộng hơn…
Cơ hội sinh tồn của từng cá nhân sẽ như thế nào nếu đại dịch  viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona bùng phát tại Việt Nam? Hoạt động phòng ngừa của hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương đã được triển khai như thế nào mà ngay cả tại những nơi được xem là có nguy cơ cao như phi trường lại tắc trách đến mức không thể tưởng tượng như phi trường Cát Bi? Giới hữu trách sẽ ứng phó ra sao trên diện rộng với những người chẳng may nhiễm dịch hoặc chỉ bị nghi nhiễm dịch, khi trong một phạm vi hẹp và chỉ với một vài cá nhân như bà Thủy đã thể hiện rất rõ yếu tố bất nhân, vô trách nhiệm tới mức như vậy?
Với nhận thức, thái độ, cách hành xử kiểu như đã xảy ra với bà Thủy, hay với cách tổ chức – vận hành đường dây nóng của Bộ Y tế, nếu tình thế buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp, phải tiến hành cô lập một khu vực để ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona lây lan rộng hơn, làm sao có thể tin các viên chức hữu trách từ trung ương đến địa phương có đủ cả tâm lẫn tài để chăm sóc, điều trị, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn, hàng triệu người bị giam lỏng trong vùng dịch? Làm sao có thể tin khả năng sinh tồn của từng cá nhân sẽ được hỗ trợ bảo vệ như một cơ hội không để cho vuột mất?
Chú thích
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.