Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 31/01/2020

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020 17:27 // ,

Tin Việt Nam – 31/01/2020
Tin trong nước

Quân đội được hỗ trợ vây bắt thượng úy công an

là nghi phạm giết người

Việc tìm kiếm nghi phạm nổ súng bắn chết 4 người ở Củ Chi hôm 29/1 vừa qua đã bước sang ngày thứ ba trong khi quân đội được huy động phối hợp với công an để truy bắt đối tượng.
Truyền thông trong nước hôm 31/1 cho biết, vào sáng cùng ngày, ngoài lực lượng cảnh sát của Bộ Công an, Công an thành phố Hồ Chí Minh, hiện còn có thêm lực lượng của quân đội xuống hiện trường ở khu vực ấp Bốn Phú, xã Trung An (huyện Củ Chi) để truy bắt đối tượng Lê Quốc Tuấn, hay còn được biết với biệt danh Tuấn “khỉ”. Từ ngày 30/1, công an đã huy động một lực lượng gồm 500 cảnh sát được trang bị vũ khí đến Củ Chi để truy bắt Tuấn.
Vào tối ngày 30/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và quyết định truy nã đối với Lê Quốc Tuấn (31 tuổi) về tội giết người, cướp tài sản và tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Trước đó, vào chiều ngày 29/1, tức Mùng 5 Tết, khi tham gia đánh bạc ở Củ Chi, do cự cãi với một số người, Lê Quốc Tuấn đã xả súng AK giết chết 4 người tại xới bạc và làm bị thương một người khác. Theo truyền thông trong nước, Tuấn hiện là thượng úy công an, đang công tác tại nhà tạm giữ Công an quận 11, TP. HCM. Sau khi gây án, Tuấn đã cướp xe máy và bỏ trốn.
Công an TP. HCM cho biết, khi bỏ trốn Lê Quốc Tuấn có vũ khí và rất manh động. Không loại trừ khả năng đối tượng sẽ đến địa phương khác để ẩn náu.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/military-troops-mobilized-to-search-a-series-killer-01312020071854.html

Công an được phép nổ súng

giết thượng uý cảnh sát bắn chết 6 người

Tin Saigon.- Trang Zing ngày 30 tháng 1 năm 2020 loan tin, thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng bộ Công an Cộng sản Việt Nam thông báo, cảnh sát được phép nổ súng giết chết thượng uý Lê Quốc Tuấn, 33 tuổi là nghi can giết chết 6 người và một con bò. Lê Quốc Tuấn có biệt danh là Tuấn khỉ, là viên chức nhà tạm giữ công an quận 11, Sài Gòn, và từng là viên chức trại tạm giam Chí Hoà.
Trước đó, vào chiều ngày 29 tháng 1, Tuấn tham gia chơi trò đỏ đen tại một sòng bạc ở huyện Củ Chi, Sài Gòn. Do Tuấn thua bạc nên cay cú chửi bới bạn cùng chơi, nhưng bị họ chửi lại nên Tuấn chạy xe về lấy 1 cây súng AK rồi quay lại sòng bạc bắn chết 5 người, và một con bò sữa cũng bị chết vì trúng đạn của Tuấn. Gây án xong, Tuấn cướp một chiếc xe gắn máy hiệu SH rồi bỏ trốn. Trên đường đi trốn, Tuấn cầm súng xông vào một gia đình cướp chiếc xe gắn máy hiệu Nouvo mang biển kiểm soát 59Y2-301,98. Lúc này, chủ nhà giằng co với Tuấn thì Tuấn lấy súng ra đe doạ. Đến khoảng 12 giờ 15 phút sáng ngày 30 tháng 1, anh Vũ Chí Tâm, 40 tuổi bị bắn chết trên tỉnh lộ 15, đoạn qua xã Phú Hoà Đông, huyện Củ Chi và bị mất một chiếc xe gắn máy. Phía công an nghi ngờ Tuấn là người đã bắn chết anh Tâm để cướp xe. Theo lời ông Xô, hiện có hơn 300 công an đang vây bắt thượng uý Tuấn, và các cảnh sát được phép nổ súng tiêu diệt đồng nghiệp của mình khi cần thiết. Được biết, việc những công an, cảnh sát Cộng sản Việt Nam có máu đỏ đen, nghiện cờ bạc là chuyện khá phổ biến.
Nhiều công an, cảnh sát sau khi thua bạc dẫn đến nợ nần mất khả năng chi trả đã phải tự sát hoặc xin ra khỏi ngành là điều không lạ với người dân Việt Nam. Nhưng hành động sau khi thua bạc cầm súng bắn chết nhiều người, và cướp của bỏ trốn như thượng uý Tuấn thì có lẽ là lần đầu.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/cong-an-duoc-phep-no-sung-giet-thuong-uy-canh-sat-ban-chet-6-nguoi/

Công an giết người: Lỗi do cơ chế?

Diễm Thi, RFA
Chiều ngày 29 tháng 1 năm 2020, tức Mùng 5 Tết Canh Tý, khi không khí vui Xuân còn chưa dứt thì báo chí loan tin một nghi phạm là công an, công tác tại nhà tạm giữ Công an quận 11, TP.HCM xả súng AK giết chết 4 người tại sòng bạc ở huyện Củ Chi. Nghi phạm đã tham gia đá gà, đánh bạc từ sáng đến trưa, thua bạc và có cự cãi với một số người, sau đó bỏ về, vài tiếng sau quay lại gây án.
Hung thủ chưa bị bắt thì đến rạng sáng ngày 30 tháng 1, một vụ bắn chết người, cướp xe lại xảy ra ở huyện Củ Chi được camera người dân ghi lại khiến người dân hoang mang, lo sợ.
Cùng ngày, TAND quận Thanh Xuân, Hà Nội đã tuyên phạt ba công an phường Thanh Xuân Nam mỗi người 7 năm tù với tội nhận hối lộ, trả lại ma túy cho người nghiện. Trong đó ông Nguyễn Thế Biết từng là Phó trưởng Công an phường, ông Trần Văn Trọng và ông Nguyễn Minh Tuấn là cán bộ thuộc Tổ Cảnh sát hình sự phường.
Cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang nói với RFA vào tối 30 tháng 1 rằng ông thấy buồn vì những ứng xử như vậy của những người được gọi là ‘công an nhân dân’, nhưng ông không thấy lạ. Ông nói:
Theo chú thì dù có giáo dục tư tưởng chính trị bao nhiêu chăng nữa mà luật pháp không nghiêm thì người ta vẫn coi thường kỷ luật và dẫn đến tình trạng mất hiệu nghiệm. Ông Nguyễn Đăng Quang
“Việc làm của những chiến sĩ công an trong ngành như vậy làm tôi trước hết thấy buồn và sốc. Điều này sẽ xảy ra không sớm thì muộn đối với một số cá nhân thôi vì công tác giáo dục chính trị tư tưởng không được chu toàn cho lắm.
Theo chú thì dù có giáo dục tư tưởng chính trị bao nhiêu chăng nữa mà luật pháp không nghiêm thì người ta vẫn coi thường kỷ luật và dẫn đến tình trạng mất hiệu nghiệm.”
Việc nghi phạm được cho là công an xả súng giết người như vậy gây bàng hoàng cho người dân cả nước vào những ngày đầu năm mới. Người dân hoài nghi về tính nghiêm minh trong việc thực thi các thông tư, nghị định dành cho lực lượng này đã được pháp luật quy định. Chẳng hạn như Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 hay Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 đều có những quy định chặt chẽ các trường hợp được nổ súng và nghiêm cấm hành vi lạm dụng việc sử dụng vũ khí để xâm phạm sức khỏe, tính mạng của công dân.
Cụ thể, điều 22 pháp lệnh năm 2011 quy định rõ rằng, khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo.
Ngoài việc nổ súng giết người vừa xảy ra, nhiều sự việc không hay liên quan đến công an làm ảnh hưởng xấu đến ngành này nói riêng và toàn xã hội nói chung bị người dân đưa lên mạng xã hội, điển hình là Đại úy công an Lê Thị Hiền đồng thời là cán bộ xử lý hành chính của Đội Cảnh sát giao thông – trật tự – phản ứng nhanh thuộc Công an quận Đống Đa, Hà Nội, đã la hét, xô đẩy lực lượng chức năng ở sân bay Tân Sơn Nhất hồi tháng 8 năm 2019; Thượng úy công an Nguyễn Xô Việt, công an thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên ném đồ ăn và tát vào mặt một nhân viên tại quầy tính tiền khi bị nhắc nhở tháng 11 năm 2019…
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, nhận định về hành xử sai trái của nhân viên công lực Việt Nam như vừa nêu:
Luật pháp không nghiêm thì cũng nằm trong cái chế độ độc tài, độc đảng, công an được trao quá nhiều quyền lực nên họ đứng trên pháp luật. Bao nhiêu sự việc xử lý bao che. – Anh Nguyễn Văn Quang
“Tôi cho rằng tình trạng cán bộ công an vi phạm pháp luật đã được Bộ trưởng công an Tô Lâm nói đến và ngành công an cũng ban hành chỉ thị 64 về học tập tác phong của Hồ Chủ Tịch và phải thưởng xuyên rèn luyện, tu dưỡng, không được vi phạm pháp luật. Ngành công an có 6 điều nhằm ngăn chặn suy thoái về đạo đức. Bản thân những người công an vi phạm là do không có sự rèn luyện. Tình trạng này đến lúc báo động. Tôi cho rằng phải thực hiện chặt chẽ hơn nữa quy trình đào tạo, tuyển dụng, quy hoạch cán bộ chiến sĩ công an.
Một số người dân mà RFA tiếp xúc đều cho rằng thói hành xử côn đồ ‘có sẵn trong máu’ của công an Việt Nam do bản tính, môi trường, tư duy nhận thức. Nếu họ sinh ra, lớn lên được học tập, rèn luyện trong một môi trường tốt hơn thì họ sẽ không có cách hành xử như vậy.
Ông Trần Trọng Nhân, một người dân Sài Gòn nhận định rằng việc công an cư xử như vậy xuất phát từ thể chế. Với kinh nghiệm bản thân, ông thấy hầu hết công an có cách làm việc hết sức thiếu tôn trọng người dân và bạo lực. Ông phân tích rằng, do công an Việt Nam thấm nhuần cách mà họ được đào tạo cai trị người dân bằng bạo lực chứ không bằng lẽ công chính, bằng luật pháp, cho nên trong bất cứ trường hợp nào, dù người dân phạm tội hay không thì họ cũng hành xử một cách côn đồ, bạo lực để thị uy và trấn áp người dân ngay từ ban đầu. Chính vì vậy mà khi ra đời sống, cách hành xử nó bộc phát ra.
Qua sự việc nghi phạm là một công an xả súng bắn người trong sòng bạc ở Củ Chi, anh Nguyễn Văn Quang từ Sài Gòn nêu cảm nhận của mình:
“Bây giờ tôi không còn niềm tin vô luật pháp Việt Nam, không tin vô những người thực thi pháp luật ở Việt Nam nữa. Ở góc độ người dân thì cực chẳng đã mới phải nhờ đến họ thôi. Luật pháp không nghiêm thì cũng nằm trong cái chế độ độc tài, độc đảng, công an được trao quá nhiều quyền lực nên họ đứng trên pháp luật. Bao nhiêu sự việc xử lý bao che thấy rõ.”
Anh nói thêm rằng cảnh sát huy động 500 người bao vây một khu vực không rộng lớn mà sau hai ngày vẫn chưa bắt được nghi phạm chứng tỏ năng lực yếu kém của cơ quan chức năng.
Sự vụ này khiến nhiều người nhớ lại rạng sáng ngày 9 tháng 1, mấy ngàn quân tràn vào thôn Hoành, Xã Đồng Tâm chỉ để giết cho được ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, ngay tại tư gia. Ông là đảng viên cộng sản 58 tuổi đảng và được dân làng tin tưởng giao phó trọng trách đi đầu đấu tranh giữ 59 héc ta đất nông nghiệp của làng.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/police-violate-the-regulations-due-to-not-serious-law-dt-01302020134052.html

Công an Việt Nam cần đổi mới gấp

để không thành ‘bảo kiếm cùn’

Nguyễn Hữu VinhGửi cho BBC từ Hà Nội
Dù đã ra khỏi ngành Công an Việt Nam 20 năm qua, trong đó có 5 năm “trở lại”, ở giữa lòng nó – nhưng ở vai tù nhân – tôi vẫn không ngừng để mắt tới và mong muốn nó phải được thay đổi mạnh mẽ.
Trong 2 năm rưỡi tạm giam ở B14, tôi đã có 30 lá đơn khiếu nại về việc bắt, giam, truy tố tôi, trong đó đề cập cả nhiều sai trái, yếu kém của các lãnh đạo ngành công an trong nhiều năm mà tôi chứng kiến, trực tiếp biết được. Tiếc rằng những nội dung đó không đến được các cấp lãnh đạo Đảng mà lẽ ra chúng phải đến.
Bắn chết bốn người, nghi phạm Lê Quốc Tuấn ‘chưa bị bắt’
Anh Ba Sàm và những chuyện trong tù nay kể lại
Anh Ba Sàm: Ngày về của ‘một tù nhân bận rộn’
Việt Nam: ‘Xu hướng chuyên chế làm tổn hại cải cách’
Hai năm rưỡi tiếp theo, tại Trại 5, tôi cũng liên tục kiến nghị, góp ý với Trại, với Tổng cục 8 để sửa những yếu kém trong chế độ giam giữ tù nhân.
Riêng trong bài viết này, chỉ tạm tóm lược một số vấn đề tôi cho là cốt tử, liên quan tới NĂNG LỰC của ngành công an, cần phải thay đổi.
Nếu không, thay vì dành toàn lực bảo vệ trật tự xã hội, cuộc sống bình yên của người dân, thì lực lượng công an -ngoài những gì nó đã làm được) – sẽ vẫn tiếp tục như một thứ cản trở rất lớn, từ phát triển kinh tế, văn hóa, cho tới các quyền tự do dân chủ của người dân, và dẫn tới gây nguy hại cho bộ máy chính trị.
Ưu tiên biến thành kiêu binh
Đầu tiên, xin khái quát một chút về Lực lượng công an từ lâu được Đảng CSVN ban cho danh hiệu “Thanh bảo kiếm của Đảng”.
Rồi mười mấy năm nay, ngành này có một khẩu hiệu riêng: “Còn Đảng thì còn mình” và đất nước đang thời bình, nên quyền lực công an hơn hẳn quân đội.
Các vị trí Chủ tịch nước, Thủ tướng, Phó thủ tướng thường trực, Thường trực Ban bí thư, Trưởng ban Tổ chức trung ương đều có người từng là công an lâu năm hoặc từng qua ngành này.
Nhưng một khi quyền lực quá lớn, thiếu cơ chế kiểm soát, mà tri thức, năng lực, phẩm chất lại yếu thì rất dễ nẩy sinh nhiều hệ lụy khôn lường.
Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh thuật lại những gì xảy ra với ông trong thời gian đi tù.
Trên tất cả các diễn đàn, từ báo chí, tới Quốc hội, công việc của các ngành khác cùng các cấp lãnh đạo đều ít nhiều được đem ra bàn luận, chất vấn, phê phán.
Riêng với ngành công an thì hầu như không có chuyện đó; đơn giản vì nó là ‘Thanh bảo kiếm của Đảng’. Đảng Cộng sản không muốn để lộ ra cho dân chúng biết thanh kiếm đó cùn hay sắc tới mức nào, trong khi nhiệm vụ bảo vệ Đảng lại luôn được coi là hàng đầu.
Vậy là nảy sinh tư tưởng “kiêu binh”, kéo theo tâm lý thiếu coi trọng học hỏi, sửa mình.
Đặt yêu cầu hàng đầu là lòng trung thành tuyệt đối thì dĩ nhiên tiêu chuẩn về chuyên môn-năng lực dễ bị coi là thứ yếu.
Đó là bản chất xuyên suốt. Tới khi đất nước “Đổi mới”, “kinh tế thị trường”, thì lại thêm một thứ ngấm ngầm được đặt lên trên cả “năng lực”, đó là “đồng tiền”.
Cuộc chống tham nhũng trong ĐCSVN nhiều năm nay mới chỉ đụng tới chút ít “phẩm chất” của lực lượng công an, chứ “năng lực” của nó thì không; thậm chí lại còn được bỏ qua nhiều hơn những sai phạm.
Tham nhũng khủng khiếp, án oan sai, lọt tội phạm quá nhiều có nguyên nhân hàng đầu là do trình độ hạn chế của lực lượng công an.
Vợ ông Lê Đình Kình và lời chứng về vụ tập kích 09/01/2020
Đảng Cộng sản VN ‘thông minh, tinh tế’ hơn ĐCS Pháp?
‘Thú tội trên truyền hình’ là ‘ép cung’, ‘vi phạm pháp luật’
VN: Tham nhũng giảm nhờ CT Nguyễn Phú Trọng?
Ví dụ tình trạng công an “lấn sân” sang lĩnh vực dân sự, kinh tế ngày càng phổ biến, đến độ từ xã hội cho tới giới truyền thông, rồi hệ thống chính quyền cũng như quen dần, lặng lẽ chấp nhận.
Một cách che đỡ cho tính kém sắc bén của “thanh bảo kiếm” để khỏi bị lộ ra là nhờ vào hệ thống luật pháp chồng chéo, mơ hồ và việc thực thi luật pháp thiếu nghiêm minh; đặc biệt có cái ô che đỡ lớn hơn, chính là lấy mục tiêu chính trị làm tiêu chuẩn hàng đầu.
Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống báo chí nằm trong tay nhà nước cũng tựa như tấm màn che đậy mờ ảo khiến người dân khó nhận diện được thực chất độ sắc bén tới đâu của “thanh bảo kiếm” này.
Nhiều an ninh, ít cảnh sát
Chưa hết! Một vấn đề rất lớn chưa từng được bàn tới, là lực lượng An ninh trong Bộ công an, chiếm tới một nửa; không giống như tất cả các nước văn minh đa số chỉ có Cảnh sát.
Hệ quả là hiện tượng “hình sự hóa” các quan hệ dân sự, kinh tế, mà xu hướng “chính trị hóa”, dẫn tới các hệ quả tiêu cực lớn hơn nhiều.
Quyền lực vô biên cũng khởi phát từ chỗ việc của an ninh được mặc định phải giữ bí mật hơn hẳn cảnh sát, thế là thiếu minh bạch, thiếu tính giải trình trong xã hội văn minh, pháp quyền.
Còn thứ hai là về thực tế, tôi chỉ xin đưa vài vụ việc điển hình về độ kém cỏi cùng quyền lực quá lớn của hàng ngũ lãnh đạo chóp bu ngành công an.
• Vụ án Võ Đại Tôn cách đây gần 40 năm. Công an từ cấp phòng, cho tới bộ thứ trưởng, đều bị một cựu Đại tá quân đội VNCH cầm đầu tổ chức “phục quốc” ở hải ngoại, xâm nhập, bị bắt đánh lừa rất đơn giản – tổ chức họp báo quốc tế để ông Võ Đại Tôn công khai chỉ trích vụ bắt ông ta. Cho đến hôm nay, cả nước chẳng biết gì về vụ án này.
• Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Đức mùa hè 2017 đem về Hà Nội. Các tướng lĩnh công an dính vào vụ này lộ nghiệp vụ quá non nớt, cộng với sự liều lĩnh kiểu “giang hồ”, bất chấp luật pháp quốc tế, khiến ngoại giao, quốc thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tới nay vụ này vẫn là ‘bí mật’ hoàn toàn với truyền thông trong nước, không thấy có ai phải chịu trách nhiệm.
• Vụ Đồng Tâm mới nổ ra đầu năm 2020. Nhìn tổng thể, vụ án này đã thất bại toàn diện, phơi bày yếu kém của ngành công an trên khắp mọi mặt,
Nếu như tin rằng có ba sĩ quan cấp úy, tá ngành công an đã hy sinh vì cùng ngã xuống một cái giếng trời trong nhà dân thì rõ ràng là trình độ nghiệp vụ của riêng họ, và lãnh đạo trên cao chiến dịch tấn công là rất yếu. Hàng ngàn người trang bị tận răng, chuẩn bị cả năm trời chỉ đối đầu với một nhóm nông dân già yếu. Còn nếu như thực tế không có chuyện họ chết, hoặc không phải là chết theo cách đã loan báo, thì lại cho thấy đằng sau vụ việc là một thứ “nghiệp vụ” bất chấp đạo lý, pháp lý được đem ra áp dụng xuất phát từ thế yếu không thể tránh khỏi.
Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh kể tiếp về thời gian trước khi bị bắt và khi đi tù.
VN: Nếu xử lý không khéo sẽ có nhiều Đồng Tâm khác
Vụ Lê Đình Kình: Lời kể của bà Dư Thị Thành từ thôn Hoành
Đồng Tâm: Vì sao chúng tôi gửi thư cho ‘Tam trụ’ Việt Nam?
Luật sư của Trịnh Xuân Thanh nói việc giam ông là trái luật
Tôi cũng muốn nói thêm rằng việc ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, bị giết hại trong nhà riêng vẫn còn kín bưng, trong khi các bức hình, video gia đình cụ cung cấp vẫn lan truyền trên mạng, chính là một “tử huyệt” trong vụ án. Một ví dụ nhỏ cũng liên quan truyền thông, nhưng lại là chuyện nghiệp vụ tối thiểu: bằng chứng trong vụ án.
Tại sao cả ngàn cảnh sát cơ động, đủ trang thiết bị hiện đại, mà lại không có lấy một camera, máy ảnh, ghi âm đeo trên người, ghi lại diễn biến cuộc tập kích; cho phép có được bằng chứng quý giá phục vụ đấu tranh với tội phạm?
Còn nếu quả tình là có, rất nhiều, ghi lại đầy đủ, nhưng rồi ‘cất đi’ thì nó sẽ không bao giờ giải tỏa được nghi ngờ trong dư luận về việc che đậy, xóa dấu vết, và chỉ khiến người ta hỏi cái “tài” của lực lượng này là kiểu gì vậy?
Bao nhiêu công sức vun đắp hình ảnh đất nước trong mối bang giao quốc tế chỉ một trận mưa bão Đồng Tâm là hình ảnh tan biến, nhạt nhòa.
Đau xót thay, một vụ án có thể giải quyết được bằng tòa án dân sự, giữa bộ đội với dân, thì công an lại can thiệp vào bằng vũ lực. Đáng sợ hơn, là đã hiện rõ dần xu hướng đẩy câu chuyện lên thành “chính trị”, mang tính “khủng bố”, thậm chí có thể cả “lật đổ”. Nhưng tôi tin rằng càng cố che đậy, càng bộc lộ thêm sự kém cỏi.
Đi từ Lòng dân để Đổi mới
Qua các sự việc trên, tôi nghĩ dù “thắng” bao nhiêu trận, thất bại ghê gớm nhất của ngành công an nằm ngay trong LÒNG DÂN.
Hậu quả của vụ Đồng Tâm là tác động ngược vào mối quan hệ DÂN-CÔNG AN-QUÂN ĐỘI; nghiêm trọng hơn nữa là DÂN-ĐẢNG; tích tụ thêm mầm mống bùng nổ xã hội.
Tiếc rằng nhiều cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước dường như đã không lường trước được “kịch bản” sẽ được thực hiện tệ đến vậy, để rồi sai lầm nối tiếp sai lầm không gỡ nổi.
Cuối cùng, cần bàn giải pháp giúp công an Việt Nam nâng cao năng lực.
• Trước tiên phải thay đổi ngay từ việc định hình vị thế/nhiệm vụ của Công an, trước hết nó phải là “thanh bảo kiếm” của Dân; tựa như Quân đội cũng vậy – không thể cứ mãi “trung với Đảng, hiếu với Dân. Ít nhất như vậy mới đúng với tinh thần của Hiến pháp 2013: “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước …”
Trong suốt hơn 40 năm qua, tôi có được thuận lợi là vừa gần gũi với nhiều tầng lớp nhân dân, cả trong lẫn ngoài nước, nhưng cũng lại vẫn có quan hệ khá tốt với lực lượng công an nhiều cấp. Cảm nhận về thái độ vừa bề trên uy quyền, xen lẫn mặc cảm trong anh em cán bộ công an là rất rõ.
Ngược lại, trong dân, thái độ vừa sợ sệt, vừa ác cảm, nhưng có lúc trở thành căm ghét cứ thêm phổ biến.
Tình trạng này là nguy hiểm, tạo mâu thuẫn trong nội bộ xã hội Việt Nam. Và để thay đổi nó, không thể chỉ trông mong vào học tập những lời giáo huấn của lãnh tụ.
Bắn chết bốn người, nghi phạm Lê Quốc Tuấn ‘chưa bị bắt’
Đồng Tâm: Bộ Công an nói gì khi đưa quân vào thôn Hoành
Đồng Tâm: ‘Chính quyền sai về phương pháp dẫn đến án mạng’
• Sau khi xác quyết được Công an vì ai, thì sẽ giúp thay đổi được căn bản bộ máy của ngành này, trong đó Lực lượng cảnh sát” là chủ yếu, giảm dần số an ninh, lực lượng nặng về bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ chính trị. Việc bỏ đi sáu tổng cục, sát nhập nhiều đơn vị là một thay đổi đáng ghi nhận, song vẫn còn quá ít, theo kiểu giật gấu vá vai và nảy sinh bất hợp lý khác.
Thực ra, lực lượng an ninh chỉ thích hợp cho đất nước thời chiến, đến thời bình lẽ ra từ lâu phải giảm bớt dần quy mô và quyền lực của nó; “chống phản động”, “an ninh kinh tế”, “an ninh văn hóa” … cần bỏ hẳn hoặc chuyển qua cảnh sát, và các chuyên ngành dân sự.
• Ngoài ra, cần “dân sự hóa” dần lực lượng công an, bằng cách chuyển một số chức năng/bộ máy sang cho ngành khác. Ở các nước khác, quản lý trại giam, hộ tịch hộ khẩu, xuất nhập cảnh đều thuộc dân sự, có nơi nhà tù do công ty tư nhân quản lý. Cần đưa lãnh đạo ngành dân sự sang công an, theo nguyên tắc ‘civilian leadership’ ở các nước văn minh.
Về tổng thể, theo tôi, cuối cùng, nên tách Bộ Công an ra làm hai: Bộ Công an chỉ có cảnh sát, và Ủy ban An ninh Tình báo, cấp tổng cục trực thuộc chính phủ, không tham gia hoạt động tố tụng; phần “an ninh” chỉ chuyên về phản gián, chống gián điệp. Địa phương chỉ tới cấp cục của tỉnh thành hoặc khu vực.
Đổi mới văn minh, hiện đại ngành công an
Cần dứt khoát từ bỏ thái độ chụp mũ coi những con người và các tiếng nói phản biện muốn mở rộng các quyền tự do dân chủ như thù địch.
Những hoạt động mang tính chất khủng bố tinh thần, bức hại đời sống của người dân yêu nước chống xâm phạm chủ quyền, chống tham nhũng, tiêu cực càng phải dứt khoát chấm dứt.
Công an cần mở rộng quan hệ quốc tế với các nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, từ khâu đào tạo, học hỏi, nhận trợ giúp, trao đổi thông tin, tới mua sắm phương tiện, nhưng cần học cả tinh thần thượng tôn pháp luật của họ.
Và nhìn vào cái gốc đào tạo thì là một cựu sĩ quan tốt nghiệp trường an ninh, tôi thấy cần cải cách mạnh hệ thống đào tạo: thay vì tuyển học sinh phổ thông vào các trường công an, nên tuyển người ở các ngành nghề khác rồi đào tạo ngắn hạn.
Để tránh nạn kiêu binh chính trị, cần chấm dứt can thiệp vô nguyên tắc (không được luật pháp quy định cho phép rõ ràng) vào các hoạt động bầu cử, từ các tổ chức quần chúng cho tới cơ quan dân cử các cấp. Công an không tham gia vào cơ quan dân cử. Với bộ máy hiện nay, cần bỏ hẳn hình thức “biệt phái” của công an sang Quốc hội, Ban Tôn giáo chính phủ…
Trong một xã hội pháp quyền, phải để Quốc hội, các đoàn thể quần chúng, báo chí Việt Nam được quyền kiểm tra, giám sát công an và ngay lập tức công khai ngân sách dành cho ngành công an.
Trong năm 2020, này, và với việc Đảng Cộng sản Việt Nam 90 tuổi, để tiếp tục tồn tại trong một thế kỷ văn minh, hiện đại, nhu cầu sửa đổi hệ thống luật pháp liên quan tới những đề xuất trên đang tới với quý vị, rất cấp bách.
Hà Nội, ngày 31/1/2020
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội. Tác giả tốt nghiệp Đại học An ninh, nguyên là thiếu tá, từng công tác tại Cục Bảo vệ chính trị 1, Tổng cục An ninh, Bộ Công an. Quý vị có ý kiến phản biện về bài này, xin gửi về vietnamese@bbc.co.uk
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51321650

AI và FLD: VN siết tự do ngôn luận

và tấn công mạng tạo mối nguy cho nhân quyền

Việt Nam lại bị chỉ trích đích danh trong báo cáo năm 2019 của tổ chức nhân quyền ‘Amnesty International’ (Ân xá quốc tế).
Ân xá quốc tế nêu bật vấn đề quyền tự do ngôn luận, tù nhân lương tâm, bị chết trong khi bị giam giữ hay việc lạm dụng tình dục với phụ nữ và trẻ em gái.
HRW: Việt Nam chưa cải thiện nhân quyền
Chỉ số dân chủ 2019: EIU xếp Việt Nam 136/167 quốc gia
Việt Nam: Những tiếng nói vì Đồng Tâm vẫn bị ngăn chặn?
Dân Việt dùng mạng xã hội nhiều, nhưng Việt Nam đứng chót bảng tự do Internet
Trong khi đó báo cáo công bố trung tuần tháng 1 của ‘Front Line Defenders’ thì nhận đình rằng, việc các nhà hoạt động nhân quyền bị tấn công trên mạng là những thách thức với các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam.
Ân xá quốc tế: VN siết tự do ngôn luận
Báo cáo “Quyền con người khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Nhìn lại năm 2019″ được tổ chức nhân quyền Ân xá quốc tế công bố hôm 30/1 tại Bangkok, Thái lan, nêu ra một loạt các vấn đề có liên quan đến nhân quyền tại Việt Nam gồm việc gia tăng số lượng các lương tâm tù nhân; đàn áp quyền con người căn bản; ban hành luật an ninh mạng; các nhà hoạt động nhân quyền bị quấy rối, đe dọa…
Liên quan đến tự do ngôn luận, báo cáo cho hay, trong năm 2019, chính quyền đã bắt và truy tố ít nhất 23 người.
Hầu hết những người này chỉ thể hiện quan điểm của họ liên quan đến những vấn đề như tham nhũng, môi trường và nhân quyềnv và sử dụng Facebook như một nền tảng để thể hiện các quyền trên. Có người trong họ sau đó đã bị kết án tù lên đến 11 năm.
Theo Ân xá quốc tế, chính quyền cũng đàn áp Nhà xuất bản Tự do, nơi ấn hành những cuốn sách thể hiện những quan điểm không ‘vừa ý’ chính quyền.
Theo tổ chức này, an ninh Việt Nam đã tra hỏi ít nhất 100 người trên toàn quốc do nghi ngờ có liên quan đến Nhà xuất bản nói trên.
Về vấn đề tù nhân lương tâm, báo cáo của Ân xá quốc tế cho rằng, việc đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa và sau đó, tiến hành các vụ bắt giữ đã dẫn đến gia tăng số lượng tù nhân lương tâm của Việt Nam.
Luật sư của Trịnh Xuân Thanh nói việc giam ông là trái luật
EVFTA: Cơ hội đổi mới và thách thức nhân quyền cho Việt Nam?
Theo đó, đến tháng 5, tại Việt Nam có 118 tù nhân. Một vài tù nhân lương tâm đã được thả tự do sau thời gian thụ án, nhưng bù lại, số tù nhân lương tâm bị bắt cao hơn.
Báo cáo viết rằng, các thành viên gia đình và các nhóm nhân quyền cho thấy, trong năm 2019, tù nhân lương tâm tiếp tục chịu đựng nhiều hình thức đối xử tệ hại trong tù, kể cả biệt giam, không được tiếp cận với dịch vụ y tế, bị lạm dụng tinh thần và thể chất…
Nhiều giám thị trại giam còn khuyến khích các tù nhân bị giam giữ vì các tội hình sự khác hăm dọa, hành hung tù nhân lương tâm. Thậm chí, thành viên gia đình hai tù nhân lương tâm còn nói rằng, thân nhân của họ bị dọa giết.
Sau khi bị kết án, tù nhân lương tâm thường bị chuyển đến các cơ sở giam giữ xa địa phương nơi gia đình họ đang sống, khiến các thành viên gia đình khó khăn nếu muốn đến thăm họ.
Báo cáo cũng viện dẫn trường hợp nhà báo Trương Duy Nhất.
Ông Nhất đã mất tích tại Bangkok, Thái Lan, khi đang tìm cách xin tị nạn tại đây. Các nhân chứng nói rằng, vụ mất tích của ông Nhất liên quan đến lực lượng an ninh Việt Nam. Sau đó, chính quyền thừa nhận đang giam giữ ông Nhất ở Hà Nội với cáo buộc tham nhũng.
Báo cáo cũng nói là trong năm 2019, có Ít nhất 11 người tại Việt Nam đã thiệt mạng trong khi đang bị giam giữ. Và chính quyền vẫn ngăn chặn các cuộc điều tra độc lập với những trường hợp tử vong như vậy.
FLD: Rủi ro với các nhà nhân quyền trên mạng
Cũng liên quan đến tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2019, đầu tháng 1/2020, báo cáo của tổ chức nhân quyền “Front Line Defenders” (FLD) đưa việc Việt Nam đưa Luật An ninh mạng vào hiệu lực trong năm 2019 như một mối nguy cho những người hoạt động về nhân quyền.
Theo tổ chức này, Luật An ninh mạng được sử dụng nhằm buộc những nhà hoạt động nhân quyền phải im lặng.
FLD cũng viện dẫn Việt Nam bên cạnh nhiều nước khác như Algeria, Bahrain, Bangladesh, Ai Cập, Ấn Độ, Iraq, Jordan, Lebanon mà tổ chức này cho rằng, là những nơi mà những người hoạt động nhân quyền đối mặt với nhiều rủi ro do các tấn công trên mạng.
Các hình thức tấn công trên mạng phổ biến nhất nhắm vào họ là phỉ báng, quấy rối và truy cập trái phép vào các tài khoản mạng xã hội của họ để lấy cắp thông tin, sau đó dùng những thông tin này để phá hoại danh tiếng và sự an toàn của họ.
Ở một số nước, mà theo báo cáo này là có Việt Nam, chính quyền còn tổ chức chiến dịch khiếu nại lên các công ty truyền thông xã hội để khóa tài khoản của các nhà hoạt động nhân quyền.
FLD cho biết năm 2019, có 304 nhà hoạt động nhân quyền bị sát hại tại 31 quốc gia. Việt Nam không có tên nằm trong danh sách các quốc gia này.
VN xếp hạng thấp về dân chủ, nhân quyền
Báo cáo Chỉ số Dân chủ 2019 của The Economist Intelligence Unit, công bố hôm 22/1, xếp Việt Nam thứ 136 trong tổng số 167 quốc gia được xếp hạng, với 3.08 điểm.
Với điểm số này, thứ hạng của Việt Nam về dân chủ năm 2019 có cải thiện nhẹ so với thứ hạng 139 của năm 2018, nhưng điểm số không thay đổi.
Còn theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi nhân quyền, trong năm 2019, Việt Nam đã không làm gì mấy để cải thiện hồ sơ nhân quyền vốn yếu kém của mình.
Theo báo cáo, chính quyền Việt Nam tiếp tục hạn chế tất cả các quyền dân sự và chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và quyền tự do thực hành tín ngưỡng và tôn giáo.
VN: Sai lầm về phương pháp luận
Việt Nam luôn cho rằng, việc dùng tiêu chí dân chủ, nhân quyền của phương Tây để xem xét, đánh giá chế độ dân chủ của Việt Nam là một sai lầm về chính trị và thiếu sót về phương pháp luận.
Trong bài viết “Không thể phủ nhận thành quả dân chủ và quyền con người của Việt Nam” đăng trên tờ Quân đội nhân dân, TS Cao Đức Thái (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia HCM) cho rằng, “không phủ nhận rằng trong quá trình quản lý xã hội, Việt Nam còn có những khiếm khuyết, trong đó có việc bảo đảm quyền dân chủ của người dân…
“Tuy nhiên, cần nhận thức đúng, về mặt nguyên tắc, nền dân chủ của Việt Nam là một nền dân chủ có kỷ cương, có tổ chức, có hệ thống. Trong xã hội Việt Nam, bảo đảm quyền dân chủ, nhưng phải bảo đảm đúng pháp luật và giữ vững sự ổn định xã hội”, ông Thái viết.
https://www.bbc.com/vietnamese/51306028

Virus Corona

Thêm 2 tỉnh, thành dừng đón khách Trung Quốc

Lãnh đạo Hải Phòng yêu cầu hạn chế tối đa đưa người cư trú ở Hồ Bắc và các tỉnh có nguy cơ lây nhiễm bệnh từ Trung Quốc tới Hải Phòng làm việc.
Thông tin trên được truyền thông Việt Nam loan vào ngày 31/1 trong cuộc họp giữa lãnh đạo Hải Phòng với các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong về việc phòng, chống dịch nCoV.
Sở Y tế Hải Phòng trong cùng ngày cho biết có hai mẹ con từ TPHCM ra Hải Phòng bị nghi nhiễm dịch nCoV, đã được cách ly tại BV Hữu nghị Việt Tiệp.
Trước tình hình dịch coronavirus mới tại Trung Quốc có những diễn biến phức tạp, sau khi 3 địa phương tại Việt Nam gồm Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lào Cai đã chính thức ngưng đón khách Trung Quốc vào ngày 28/1; thì trong ngày 31/1 lần lượt Quảng Ninh, Cần Thơ cũng công bố dừng đón khách TQ.
Cụ thể, Quảng Ninh tạm dừng xuất nhập cảnh đối với các đối tượng qua cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam)- Đông Hưng (TQ), đồng thời đóng cửa tất cả các đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn. Tạm dừng hoạt động xe du lịch tự lái từ TQ đến TP Hạ Long.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các công ty du lịch không tổ chức đón đoàn khách tới tỉnh, thành đang có dịch và không đón khách du lịch từ vùng có dịch đến Quảng Ninh. Không đưa người sang TQ, không để người Quảng Ninh, đặc biệt là các địa phương biên giới sang lao động, làm việc tại các vùng có dịch của TQ.
Tại Cần Thơ, Giám đốc Sở VH-TT-DL gửi văn bản yêu cầu các khách sạn tạm thời không nhận khách TQ. Tại Cần Thơ hiện có khoảng 20 khách du lịch đến từ TQ, trong đó có 4 du khách đến từ Vũ Hán chưa phát hiện dấu hiệu nhiễm nCoV, hiện đang lưu trú tại một khách sạn lớn tại đây và đang xin gia hạn visa để ở lại VN thay vì về lại Vũ Hán.
Cũng trong ngày 31/1, nhiều địa phương khác tại VN cũng đã lên phương án huy động cả hệ thống chính trị phòng, chống dịch như Bình Định, Hậu Giang, Hà Tĩnh… Trong đó, cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, cảng Vũng Áng ở Hà Tĩnh là nơi có số lượng đông người TQ nhập cảnh vào VN.
Vào ngày 30 tháng 1, Ủy Ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn cũng quyết định tạm dừng cấp giấy thông hành xuất nhập cảnh cho người dân.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/two-more-localities-in-vn-suspend-receiving-chiese-tourists-01312020073105.html

Formosa hoãn cho công nhân Trung Quốc

trở lại Việt Nam làm việc

Công ty Formosa Hà Tĩnh vừa ra thông báo tạm thời không cho hơn 400 công nhân Trung Quốc về quê ăn Tết quay trở lại Việt Nam làm việc cho đến giữa tháng 2. Trong khi đó, Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết đã đề nghị công ty lập khu vực cách ly để theo dõi sức khoẻ của các công nhân này sau khi họ quay trở lại địa phương làm việc.
Hiện tại, Formosa Hà Tĩnh có 754 người Trung Quốc đang làm việc cho công ty. Trong dịp Tết Nguyên Đán, đã có 429 người về quê ăn Tết, báo Dân Trí dẫn thông tin từ lãnh đạo của công ty cho biết.
Theo thông báo, các công nhân người Trung Quốc sẽ tạm thời không được quay lại cơ sở ở Hà Tĩnh làm việc cho đến ngày 15/2, tuỳ theo diễn biến dịch.
Khi quay lại, các công nhân Trung Quốc cũng phải trải qua ba lớp kiểm tra sức khoẻ, bao gồm được địa phương ở Trung Quốc xác nhận không có biểu hiện nhiễm virus corona trong 14 ngày, phải trải qua kiểm tra sức khoẻ tại cửa khẩu Việt Nam và kiểm tra thân nhiệt khi vào cổng công ty.
Ngoài ra, Sở Y tế Hà Tĩnh cũng đề nghị Formosa dành hẳn một khu riêng biệt trong khuôn viên của công ty để cách ly, theo dõi sức khoẻ của các công nhân Trung Quốc trong vòng 14 ngày sau khi họ quay trở lại Việt Nam làm việc.
Ngoài Formosa, một số công ty Trung Quốc tại Việt Nam cũng bắt đầu thực hiện các biện pháp để phòng ngừa lây nhiễm dịch.
Theo Dân Trí, công ty Huawei Việt Nam đã áp dụng cách ly 7-14 ngày đối với những nhân viên người Trung Quốc về nước ăn Tết và quay trở lại làm việc. Một số công nhân đang ở Trung Quốc của Công ty Oppo Việt Nam cũng nhận được yêu cầu chờ tới khi có thông báo mới được quay trở lại Việt Nam làm việc.
Việt Nam hiện được xem là một trong những nước có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nhất vì có chung đường biên giới với Trung Quốc và nhiều hoạt động giao thương, qua lại giữa hai bên.
Theo Bộ Lao đồng-Thương binh-Xã hội Việt Nam, hiện có khoảng hơn 29.000 lao động Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, trong khi có khoảng 90.000 lao động Việt Nam qua lại biên giới Trung Quốc.
Một số địa phương có nhiều người Trung Quốc sinh sống, làm việc cũng bắt đầu có các biện pháp giám sát, theo dõi sau Tết, khi số người về Trung Quốc ăn Tết bắt đầu quay trở lại Việt Nam.
Tin cho hay hôm 31/1, tỉnh Bến Tre đã cách ly một nam công nhân Trung Quốc vừa từ Thượng Hải trở về và bị sốt nhập viện, chưa loại trừ được khả năng bị nhiễm virus corona.
Tại Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng chỉ đạo các ban ngành địa phương giám sát các công trường có người Trung Quốc làm việc, cấm kinh doanh, sử dụng động vật hoang dã tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tổ chức phun khử trùng phòng bệnh cho tất cả các trường học trên địa bàn trong 3 ngày, từ 31/1 – 2/2.
https://www.voatiengviet.com/a/formosa-ho%C3%A3n-cho-c%C3%B4ng-nh%C3%A2n-trung-qu%E1%BB%91c-tr%E1%BB%9F-l%E1%BA%A1i-vi%E1%BB%87t-nam-l%C3%A0m-vi%E1%BB%87c/5268542.html

Công an xử phạt Facebookers

loan tin virus Corona có đúng luật?

Những ngày gần đây, báo trong nước liên tục loan tải thông tin một số Facebookers bị mời làm việc và phải đóng phạt do đăng trên tài khoản mạng xã hội những thông tin về dịch bệnh coronavirus đang lây lan mạnh mẽ.
Báo trong nước vào ngày 30/1 loan tin dẫn nguồn từ công an thành phố Hải Phòng cho biết đã xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với chị Vũ Thị N.T với lý do đã đăng tải thông tin sai sự thật về số người nhiễm virus Corona ở địa phương.
Trước đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 29/1 đã ra quyết định xử phạt Facebooker Nhàn Lê số tiền 12.500.000 đồng vì đưa tin Huế đã có 1 trường hợp dịch cúm Corona là người Vũ Hán đang nằm cách ly tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Việc người dân có ý kiến về bệnh dịch Corona thì rất có thể họ nói quá sự thật nhưng điều đó xét về phương diện pháp lý thì không có gì sai đến mức độ bị chế tài hoặc bị bắt giữ. - LS. Đặng Đình Mạnh
Tại các tỉnh thành phía nam, Công an thành phố Phan Thiết vào ngày 28/1 cũng đã triệu tập một phụ nữ tên Nguyễn Thị Liên Dung, 33 tuổi, cư ngụ tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận do đăng tin có 6 người Trung Quốc bị nhiễm virus corona nhập viện tại Bệnh viện An Phước.
Cùng ngày, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã mời anh Trần Văn Tùng đến để chất vấn về thông tin mà anh Tùng đăng trên tài khoản mạng xã hội liên quan dịch bệnh coronavirus. Đến ngày 30/1, anh Tùng bị phạt hành chính 15 triệu về cáo buộc tung tin hai người Trung Quốc nhiễm virus Corona phải điều trị ở Bệnh viên Lê Lợi, thành phố Vũng Tàu.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng những biện pháp mà phía công an thực hiện đối với những facebooker vừa nêu là không đúng luật:
“Thật ra việc người dân có ý kiến về bệnh dịch Corona thì rất có thể họ nói quá sự thật nhưng điều đó xét về phương diện pháp lý thì không có gì sai đến mức độ bị chế tài hoặc bị bắt giữ. Còn về phương diện xã hội thì với bệnh dịch nguy hiểm như Corona có thể gây chết người, ảnh hưởng đến rất nhiều mặt đối với một quốc gia, xã hội thì nếu có việc nói khống, nói quá lên thật ra mang yếu tố rất tích cực, giúp người dân để tâm, để ý sâu sắc hơn đối với bệnh dịch này. Sự để tâm của họ có thể giúp cho số đông người dân sa vào hoàn cảnh mà họ lây nhiễm và vô tình không biết.”
Còn Nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng lại cho rằng đây là một kịch bản được chính phủ Hà Nội đưa ra đưa ra để cảnh cáo người khác vì hiện nay trên mạng xã hội lan tràn tin có tính chất nghiêm trọng hơn rất nhiều nhưng những người đăng tải vẫn không bị chính quyền đụng đến.
Viết trên Facebook cá nhân, bà Phạm Đoan Trang – cựu phóng viên báo Pháp luật, hiện đang làm Biên tập Luật Khoa tạp chí đưa ra nghi vấn khi gần như tất cả những người bị bắt đều có chung phản ứng theo công thức:
“Quá trình điều tra, biết việc làm của mình là không đúng nên đã lập tức xóa bài trên mạng, đồng thời xin lỗi những người bạn trên mạng vì thông tin thất thiệt do mình đưa ra”.
Theo bà Đoan Trang, đây là văn phong của công an khi trả lời phỏng vấn và đã được báo trong nước đưa nguyên nội dung vào bài.
Với kinh nghiệm bản thân, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng việc ‘thú tội’ này nằm trong một kịch bản hoàn toàn quen thuộc:
“Đối với những người bất đồng chính kiến hoặc những người làm việc với công an trên đồn công an, cả bản thân tôi cũng đã trải qua, họ dùng những thủ thuật lấy cung, ép cung, có thể không tra tấn nhưng
bằng những hình thức khác như không cho nghỉ ngơi, bằng những câu hỏi làm mình không còn sự tỉnh táo và sẵn sàng chấp nhận hết tất cả những điều họ viết như nhận tội, xin lỗi, cải chính thông tin, thậm chí có những người tù lương tâm phải lên tivi nhận tội. Người ta bị ép buộc trong tình trạng tâm lý không bình thường, theo tôi những người tuyên bố trong đồn công an với áp lực như thế đều không có giá trị.”
Phát biểu, trao đổi với báo chí trong nước, các lãnh đạo nhà nước Việt Nam thường xuyên kêu gọi người dân nên cẩn thận thông tin từ thế lực thù địch, phản động như trong công điện Bộ Công an gửi Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được báo Vietnamnet trích dẫn:
“Lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước đã đăng tải, phát tán lên không gian mạng các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc tình hình liên quan đến dịch bệnh tại Việt Nam, gây hoang mang trong dư luận người dân; tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự.”
Nhiều người bày tỏ thắc mắc, tại sao các vị lãnh đạo không chỉ đơn thuần nhắc nhở người dân cẩn thận trước những thông tin giả về dịch bệnh do virus Corona gây ra mà phải nhắc đến thế lực thù địch, phản động?
Nhận xét về hành động này của những người đứng đầu bộ máy nhà nước, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng chính quyền đang đặt lệch chức năng quản lý, xây dựng nhà nước của mình:
“Dường như những quan chức phát biểu như vậy họ chỉ nghĩ đến khía cạnh chính trị hơn sự an toàn cho người dân. Với bệnh dịch nguy hiểm như vậy lẽ ra nên có những khuyến cáo cho người dân về việc phòng tránh hoặc có những chính sách để bảo đảm an toàn sức khỏe người dân hơn là đi nhăm nhăm nhằm chế tài, hạn chế người dân nói về bệnh dịch.”
Dưới góc nhìn cá nhân, Nhà báo Ngô Nhật Đăng nhận định đây là thái độ không thể chấp nhận được trong lúc này. Ông giải thích:
Chính sự bưng bít thông tin đó mới làm cho virus lan truyền rộng rãi và qua mất ‘thời gian vàng’ để dập tắt dịch bệnh. Đáng lẽ chính phủ Việt Nam phải nhìn thấy đó là bài học và có những thông tin kịp thời, thật sự minh bạch về dịch bệnh. - Ngô Nhật Đăng
“Có bài học ngay ở Trung Quốc, một chế độ nổi tiếng về bưng bít thông tin thời gian gần đây cũng phải công bố những thông tin kể cả từ người dân, nhà báo độc lập và cả trên mạng xã hội. Ta thấy rằng chính sự bưng bít thông tin đó mới làm cho virus lan truyền rộng rãi và qua mất ‘thời gian vàng’ để dập tắt dịch bệnh. Đáng lẽ chính phủ Việt Nam phải nhìn thấy đó là bài học và có những thông tin kịp thời, thật sự minh bạch về dịch bệnh. Ở Việt Nam cơ sở hạ tầng y tế rất kém, các bệnh viện khi chưa có dịch bệnh bùng phát đã quá tải 2, 3 người bệnh một giường, nếu không có thông tin minh bạch, thậm chí có thể nguy cơ lây lan trong thực tế phải cảnh báo người dân cảnh giác và có biện pháp phòng ngừa nhưng đây lại ngược lại. Họ chính trị hóa tất cả mọi vấn đề trong xã hội hoặc tất cả những gì họ nghĩ rằng ảnh hưởng tới quyền lực của họ thì họ coi đấy là những thế lực thù địch.”
Tuy nhiên, nhà báo Ngô Nhật Đăng cũng đưa ra một nhận xét về mặt tích cực khi truyền thông trong nước vào ngày 30/1 loan tải thông tin cho biết Việt Nam xác nhận có thêm 3 bệnh nhân nhiễm virus Corona.
Trong đó, 1 người Thanh Hóa đang điều trị ở bệnh viện địa phương, 2 người ở khu vực Đông Anh (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Như vậy, cộng với 2 trường hợp người Trung Quốc xác nhận nhiễm virus nCoV trước đó, Việt Nam tính đến nay có tổng cộng 5 trường hợp dương tính với virus Corona. Trong số này 1 trường hợp đã được chữa khỏi.
Hiện dịch nCoV đã xuất hiện ở 18 quốc gia với tổng số người mắc tăng mỗi ngày lên đến 7.819 người. Được biết, dịch nCoV có khả năng lây lan nhanh và chưa có vaccine cũng như thuốc điều trị. Do đó, theo thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có thể sắp tới toàn dân Việt Nam phải đeo khẩu trang để phòng bệnh.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/police-punish-facebookers-for-announcing-coronavirus-legal-or-not-01302020134547.html

Việt Nam viện trợ y tế cho Trung Quốc

chống virus Corona

Thủ tướng Việt Nam và Thường trực Chính phủ đã quyết định viện trợ hàng hóa vật dụng y tế trị giá 500 ngàn USD cho Trung Quốc để đối phó với dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra.
Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đã vận động viện trợ hàng hóa trị giá 100 ngàn USD cho phía Trung Quốc. Đồng thời bảy tỉnh biên giới phía Bắc đã có những hình thức hỗ trợ cho phía Trung Quốc.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 31/1cho biết trước đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam đã gọi điện thăm hỏi Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường của Trung Quốc vào hôm 27/1.
Tin cho biết ông Phúc đã khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc tích cực hợp tác trong việc chống lại dịch bệnh đang lây lan như hiện nay.
Trong cuộc họp Chính phủ hôm 30/1, Thủ tướng Việt Nam nêu rõ tình hình bùng phát dịch bệnh rất nhanh và nghiêm trọng. Ông Phúc cũng cho rằng Việt Nam đã chủ động, có biện pháp sớm và đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-provided-medical-assistance-to-china-01312020071543.html

Dịch Coroan: Việt Nam dừng các lễ hội chưa khai mạc,

ngừng cấp thị thực cho khách từ Trung Quốc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 31/1 vừa ký ban hành chỉ thị mới yêu cầu dừng các lễ hội chưa khai mạc để tránh lây lan virus corona gây bệnh viêm phổi cấp.
Chỉ thị được ban hành sau khi Tổ chức Y tế Thế giới WHO tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Theo số liệu cập nhật của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến ngày 31/1, đã có 9.930 trường hợp nhiễm virus corona mới và 213 trường hợp tử vong. Phần lớn các trường hợp nhiễm virus là ở Trung Quốc. Hiện Việt Nam cũng đã phát hiện 5 trường hợp nhiễm bệnh và đã phải cách ly 97 trường hợp ở cả ba miền bắc, trung, nam.
Chỉ thị mới của Thủ tướng yêu cầu hạn chế tập trung đông người, tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc, trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Thủ tướng; giảm quy mô lễ hội đã tổ chức, yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
Thủ tướng cũng yêu cầu dừng cấp phép bay đối với tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch của Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại trừ trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của Thủ tướng; Tạm dừng cấp thị thực du lịch cho khách nước ngoài, bao gồm cả khách Trung Quốc đang hoặc đã từng ở Trung Quốc trong 2 tuần qua.
Chỉ thị cũng yêu cầu các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc lập kênh liên lạc với cấp địa phương của Trung Quốc để cập nhật thông tin hàng ngày.
Dịch viêm phổi cấp xẩy ra vào đúng dịp Tết Nguyên đán khi có nhiều lễ hội. Theo truyền thông trong nước, lễ hội Chùa Hương ở phía bắc hiện vẫn đang diễn ra và quy tụ nhiều người, làm dấy lên lo ngại bệnh dịch sẽ lây lan.
Nhiều người dân những ngày qua đã lên mạng kêu gọi chính phủ đóng cửa biên giới với Trung Quốc sau khi một số quốc gia khác đã chính thức tuyên bố đóng cửa biên giới là Bắc Hàn, Mông Cổ và Nga.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh được báo trong nước trích lời hôm 31/1 nói rằng việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc chỉ được thực hiện khi có trường hợp khẩn cấp về an ninh, dịch bệnh và phải có sự đồng ý từ cả  hai phía, theo hiệp ước biên giới giữa hai nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-halts-visa-processing-to-tourists-from-china-01312020071036.html

WHO nhắc đến Việt Nam

trong tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu

Tổng Giám đốc tổ chức Y tế Thế giới WHO hôm 30-1-2020 tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về sức khỏe cộng đồng vì tình trạng dịch virus Corona xuất phát từ Vũ Hán (nCoV).
Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhắc đến Việt Nam là 1 trong 4 nước có tình trạng lây nhiễm từ người sang người trong tuyên bố của mình.
Trong khi đó ở Việt Nam, vào chiều ngày 30 tháng 1 tại cuộc họp về công tác ứng phó dịch do virus corona từ Trung Quốc tràn sang, thủ tướng chính phủ Hà Nội Nguyễn Xuân Phúc nói rằng Việt Nam sẽ công bố tình trạng khẩn cấp khi WHO xác định đây là vấn đề khẩn cấp toàn cầu.
Tính đến chiều ngày 31 tháng 1, trên toàn thế giới đã có gần 10 ngàn ca nhiễm nCoV, trong số này 213 trường hợp đã tử vong.
Việt Nam với 5 ca nhiễm tính đến lúc  này là một trong 22 quốc gia có trường hợp được xác nhận nhiễm nCoV.
Bộ Y tế Việt Nam vào ngày 31 tháng 1 tiếp tục có cuộc họp khẩn về dịch virus corona mới. Phó giáo sư- tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Việt Nam, phát biểu tại cuộc họp mới nhất này rằng tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc diễn ra phức tạp, quá nhanh, các hiểu biết về nguyên nhân, nguồn bệnh chưa rõ ràng do đó người dân còn hoang mang.
Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo nếu không có việc gì cấp thiết thì không nên đến chỗ đông người. Nếu không khẩn cấp thì không nên tổ chức hội họp, tổ chức đông người, có thể thay thế bằng hình thức khác như họp trực tuyến…
Bộ Văn hóa- Thể thao-Du lịch đề nghị các địa phương trên cả nước tạm ngừng lễ hội để phòng, chống dịch do virus corona xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc lan đi.
Thủ tướng Chính phủ Hà Nội vào ngày 31 tháng 1 cũng ký ban hành chỉ thị yêu cầu tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc, trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của thủ tướng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/who-declares-global-emergency-for-coronavirus-spread-01312020073257.html

Việt Nam chuẩn bị công bố tình trạng

khẩn cấp quốc gia do coronavirus ?

Hôm 30/01, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin về cuộc họp chính phủ phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp gây ra bởi chủng coronavirus mới, trong đó đề cập đến việc chính phủ Việt Nam xem xét công bố tình trạng khẩn cấp tại Việt Nam.
Tờ VN Express cho biết trong cuộc họp ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề xuất Thủ tướng xem xét tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Việt Nam.
Tính tới hết ngày 30/1, Bộ Y tế Việt Nam báo cáo số người nhiễm virus mới tại Việt Nam là 5 trường hợp, trong đó 2 công dân Trung Quốc (1 người đã khỏi); 3 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Ba người Việt được xác định nhiễm coronavirus trở về Việt Nam từ ngày 17/01, đã tiếp xúc với nhiều người trong quá trình đi gặp gia đình, họ hàng.
Truyền thông trong nước nói Việt Nam có 98 trường hợp nghi ngờ được cách ly theo dõi và điều trị, trong đó có 67 trường hợp đã xét nghiệm loại trừ coronavirus, còn 31 trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm và đã được cách ly, theo dõi chặt chẽ.
Theo Dân trí, Thủ tướng Phúc lo ngại tình hình sẽ còn diễn tiến xấu hơn trong tuần tới giữa lúc Trung Quốc dự báo 5-7 ngày nữa sẽ tới đỉnh bệnh dịch tại Vũ Hán. Ông cũng cho biết “tình hình còn xấu hơn” so với những gì phía Trung Quốc công bố.
Trong cuộc họp hôm 30/01, ông Phúc cũng đã giao Bộ Y Tế và Bộ Tư Pháp chuẩn bị cơ sở pháp lý về việc công bố tình trạng khẩn cấp.
“Dịch bệnh có thể bùng phát trong thời gian tới, có thể 1-3 tháng, trong khi vaccine chưa sản xuất kịp thời. Vì thế, để hạn chế thiệt hại đến sức khỏe và tính mạng người dân thì cả hệ thống cần có giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả,” báo chí nhà nước dẫn lời ông Phúc cho hay.
VnExpress trích lời Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương Nguyễn Thanh Long kêu gọi Việt Nam cần áp dụng đầy đủ tình trạng khẩn cấp quốc gia để phòng chống dịch tối đa, có các “biện pháp tương đương” với việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc.
Theo định nghĩa chung, tình trạng khẩn cấp đồng nghĩa với việc chính phủ có thể tạm ngưng một số chức năng, cảnh báo công dân của mình thay đổi các hành vi bình thường hoặc có thể ra lệnh cho các cơ quan của chính phủ thi hành các kế hoạch sẵn sàng cho tình trạng khẩn cấp. Nó cũng được sử dụng làm một cơ sở hợp lý để tạm ngừng các quyền tự do dân sự. Các tuyên bố tình trạng khẩn cấp thường được ban bố trong thời kỳ có thiên tai, trong các giai đoạn bạo loạn dân sự, hoặc sau một vụ tuyên chiến, chuẩn bị có dấu hiệu xảy ra một cuộc chiến tranh.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO ngày 30/1 tuyên bố coronavirus là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Đây là lần thứ 5 trong lịch sử WHO đưa ra tuyên bố tương tự.
Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva rằng trong những tuần gần đây đã xảy ra đợt bùng phát dịch chưa từng có trước nay và cách đáp ứng chưa từng có trước nay. Vẫn theo lời ông, quan tâm lớn nhất là khả năng virus lây lan sang các nước có hệ thống chăm sóc y tế yếu kém.
Công bố của WHO về tình trạng khẩn cấp toàn cầu đưa ra những khuyến nghị cho tất cả các nước. Công bố này nhằm ngăn chặn và giảm thiểu việc lây lan bệnh dịch xuyên biên giới.
(Theo VnExpress, Dân Trí, WHO)
https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-chuan-bi-cong-bo-tinh-trang-khan-cap-viem-phoi/5267409.html

Việt Nam đóng cửa biên giới vì bệnh dịch,

có cần thỏa thuận với Trung Quốc?

Minh Luật
Tại phiên họp Chính phủ vào chiều ngày 30/1, trước ý kiến nêu ra có nên đóng cửa biên giới với Trung Quốc để phòng chống sự lây lan của bệnh dịch viên phổi Vũ Hán do virus Corona gây ra hay không, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết “Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương”, theo Zing.vn tường thuật.
Báo Vietnamnet dẫn lời Phó thủ tướng nói rằng: “Việc đóng cửa biên giới phải liên quan đến 2 tình hình là an ninh và dịch bệnh nhưng phải có thỏa thuận 2 nước, báo trước 5 ngày”.
Thông tin này đã thật sự gây ra sự lo lắng cho nhiều người, không chỉ vì phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch mà còn liên quan về vấn đề chủ quyền quốc gia. Bởi lẽ, việc một quốc gia không thể đơn phương đóng cửa biên giới, hoặc phải đợi thỏa thuận với một quốc gia khác thì mới được phép đóng cửa biên giới để phòng tránh bệnh dịch, trong trường hợp này rõ ràng chủ quyền quốc gia đã bị xâm phạm.
Tuy nhiên, khi đối với các quy định pháp lý thì thông tin này là toàn toàn không chính xác. Cụ thể theo Hiệp định về Cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, tại Khoản 3 Điều 5 nêu rõ: “Để bảo vệ lợi ích xã hội, an ninh quốc gia hoặc vì lý do thiên tai nghiêm trọng, dịch bệnh truyền nhiễm lớn, dịch bệnh động thực vật và các trường hợp bất khả kháng khác, một Bên có thể tạm thời đóng hoặc hạn chế việc qua lại cửa khẩu. Tuy nhiên, cần phải thông báo cho phía Bên kia trước 5 ngày, trong trường hợp khẩn cấp không được ít hơn 24 giờ.”
Như vậy, căn cứ vào quy định này, trong trường ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch truyền nhiễm do virus Corona gây ra, phía Việt Nam hoàn toàn có thể đơn phương đóng cửa biên giới với Trung Quốc, với điều kiện chỉ cần thông báo cho phía Trung Quốc biết trước không được ít hơn 24h, chứ không cần phải “thỏa thuận” với phía Trung Quốc thì mới được phép đóng cửa biên giới như thông tin mà Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã nêu.
Một Phó thủ tướng, đứng đầu ngành ngoại giao của một quốc gia mà đưa thông tin sai lệch, thiếu kiến thức pháp luật liên quan đến biên giới và chủ quyền quốc gia như vậy thì thật đáng lo ngại.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/can-vn-close-border-to-china-01312020092557.html

Chuyện khẩu trang tăng giá

theo sự bùng phát của nCoV-2019

Nguyễn Trang Nhung
Nhân dịch nCoV bùng phát mạnh mẽ ở Trung Quốc, một hiệu thuốc ở Bắc Kinh đã tăng giá khẩu trang lên 6 lần so với giá bình thường: 850 nhân dân tệ (gần 3 triệu đồng) 1 hộp khẩu trang 3M mẫu 8511CN, trong khi giá trên mạng chỉ là 145 nhân dân tệ (gần 500 ngàn đồng).[1]
Trong khi đó, Việt Nam cũng có chuyện tương tự. Khẩu trang y tế 3 lớp dùng 1 lần bình thường có giá 1 hoặc 2 ngàn đồng 1 chiếc, được một số nơi bán với giá 100 ngàn đồng/10 chiếc, 150 ngàn đồng/10 chiếc (tương ứng với 10 ngàn đồng/1 chiếc và 15 ngàn đồng/1 chiếc).[2]
Gây tranh cãi hơn cả là Taseco Airs được cho là bán với giá 35 ngàn đồng/1 chiếc. Sau khi bị mạng xã hội phản ứng gay gắt, công ty này đã phân bua rằng 35 ngàn đồng là cho 2 chiếc, và mức giá này đã có từ lâu.[3] Dù vậy, ông Lê Anh Quốc, Tổng giám đốc công ty đã “khắc phục sai lầm” (theo cách nói của một số báo) bằng cách phát miễn phí 10 ngàn khẩu trang cho người dân tại các điểm bán hàng của mình.)[4]
Cho dù không phải Taseco Airs mới tăng giá theo nCoV (nếu giải thích của công ty này là đúng), thì nhìn chung, việc tăng giá khẩu trang ở VN lên nhiều lần theo nCoV là có thật.
Chuyện tăng giá khẩu trang lên nhiều lần ở Trung Quốc và Việt Nam ở đây gợi lên một vấn đề triết học xoay quanh giá cắt cổ trong thảm họa: Liệu việc tăng giá này có đáng bị phản đối hay không và vì sao.
Michael Sandel, giáo sư tại Đại học Harvard, triết gia chính trị – đạo đức đương đại, qua cuốn sách nổi tiếng ‘Justice, what’s the right thing to do?’ (tên bản dịch tiếng Việt là ‘Phải trái đúng sai’) đã cung cấp cho chúng ta những lý lẽ đằng sau cả 2 chiều ủng hộ và phản đối, thông qua phân tích vụ siêu bão Charley vào năm 2004 tại Mỹ, một thảm họa dẫn đến giá cả của một số hàng hóa và dịch vụ tăng vọt.[5][6]
Ở chiều ủng hộ, lý lẽ chủ yếu xoay quanh các ý tưởng về phúc lợi và tự do. Các nhà kinh tế theo trường phái thị trường tự do như Thomas Sowell và Jeff Jacoby là những nhà biện hộ tốt cho chiều này.
Tương tự như trong vụ siêu bão Charley, Sowell hay Jacoby sẽ lập luận rằng việc tăng giá khẩu trang làm hạn chế người tiêu dùng sử dụng và tăng động cơ để những người bán cung cấp mặt hàng này từ những nơi xa xôi với sự kịp thời và sẵn có.
Với Sowell hay Jacoby, khẩu trang giá cao hơn nhiều lần sẽ khiến nhà sản xuất thấy bõ công để làm ra nhiều khẩu trang hơn đáp ứng nhu cầu gia tăng, và cho dù giá khẩu trang có tăng từ 1 ngàn lên 35 ngàn đi nữa thì chẳng có gì là bất công cả, vì nếu người mua muốn mua và người bán muốn bán, đó đơn giản là sự thuận mua vừa bán.
Các nhà kinh tế nhìn nhận đây là cách phân bố hàng hóa trong xã hội tự do, và sự can thiệp của nhà nước vào thị trường để ổn định giá khẩu trang sẽ là không thể biện minh được. Riêng Jacoby có thể bồi thêm một lập luận rằng: chỉ trích những người bán khẩu trang giá cao sẽ chẳng làm cho mọi người bảo vệ bản thân (bằng khẩu trang) tốt hơn trước nCoV.
Khái niệm phúc lợi trong lập luận của Sowell và Jacoby thường được hiểu là sự giàu có về mặt kinh tế (mặc dù, đây là một khái niệm rộng hơn). Trong khi đó, khái niệm tự do thường được hiểu là tự do lựa chọn mà không có sự áp đặt, cho dù là đối với đời sống cá nhân hay đối với các giao dịch trên thị trường.
Ở chiều phản đối, lý lẽ chủ yếu xoay quanh các ý tưởng về công bằng và lối sống tốt đẹp. Đại diện cho chiều này một cách nhiệt thành có lẽ là Charlie Crist, Tổng chưởng lý bang Florida tại thời điểm xảy ra siêu bão Charley, người đã “kinh ngạc vì mức độ tham lam của những kẻ sẵn sàng lợi dụng những người đau khổ trong siêu bão”.[7]
Nếu Crist ở Việt Nam hay Trung Quốc vào thời điểm này, ông hẳn sẽ phát biểu như trong vụ siêu bão Charley, đại ý rằng chính quyền không thể để người dân phải trả giá trời ơi đất hỡi khi họ đang tìm khẩu trang để bảo vệ mình khỏi nỗi hoảng loạn và khiếp sợ do nCoV gây ra. Ông sẽ bác bỏ quan điểm rằng mức giá đó phản ánh sự thuận mua vừa bán, vì trong tình huống này, người mua không thực sự được tự do lựa chọn, mà buộc phải mua khẩu trang với giá cao để đổi lấy sự an toàn.
Không chỉ có vậy, từ phía những người phản đối giá cắt cổ, nếu nhìn lợi ích của xã hội rộng hơn phúc lợi về mặt kinh tế – khía cạnh mà qua đó phúc lợi thường được nhìn, lợi ích của xã hội phải được cân nhắc trước nỗi khổ của những người không/ hay ít có khả năng trả mức giá trên trời. Đối với người giàu, 35 ngàn đồng không là vấn đề, hoặc chỉ là vấn đề rất nhỏ, nhưng đối với người nghèo thì khác: 35 ngàn đồng có thể là sự bảo đảm cho cuộc sống của 1 gia đình trong 1 ngày, thậm chí hơn.
Những người phản đối, ngoài chỉ ra bất ổn trong lập luận về tự do (trong thỏa thuận mua bán) và phúc lợi, còn cảm thấy giá cắt cổ là điều gì đó bất công và thiếu đạo đức. Bất công là vì những người bán giá cao không xứng đáng nhận được tiền lời ngất ngưởng từ việc kiếm chác này, và thiếu đạo đức vì tham lam là một tính xấu. Và dù tham lam trong chừng mực nào đó thì chấp nhận được, nhưng tham lam đến mức trắng trợn thì không.
Sự phán xét về đạo đức như vậy luôn tồn tại trong bất cứ xã hội nào, dù tự do đến đâu, chừng nào con người còn là con người, thì chừng đó, con người vẫn có niềm tin hay quan điểm về những phẩm chất hay đức tính nào là đáng được khích lệ, đáng được tưởng thưởng, đáng được tôn vinh, còn những tính cách nào thì nên được hạn chế, và cùng với đó là niềm tin hay quan điểm về lối sống tốt đẹp.
Một hệ thống niềm tin hay quan điểm như vậy sẽ dẫn những người phản đối giá trên trời đến sự cân nhắc về việc liệu có nên đặt ra quy định chống giá trên trời hay không. Và điều này, đến lượt nó, dẫn đến tranh cãi cho một vấn đề tổng quát hơn: đâu là ranh giới giữa pháp luật và đạo đức, và liệu chính quyền có nên trung lập về đạo đức hay không?
Trở lại chuyện về hiệu thuốc tăng giá khẩu trang ở Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc đã phạt hiệu thuốc này 3 triệu nhân dân tệ, tương đương với hơn 10 tỷ đồng, vì đã lợi dụng dịch bệnh nhằm trục lợi khi nhu cầu đối với khẩu trang gia tăng.[8]
Hơn thế nữa, các cán bộ thuộc Văn phòng Giám sát Thị trường của các quận ở Bắc kinh đã tiến hành rà soát tất cả các cơ sở bán thuốc và vật tư y tế, trung tâm thương mại, siêu thị, v.v. trên toàn thành phố để duy trì trật tự thị trường, ổn định giá cả và bảo đảm an toàn dược phẩm trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát.[9]
Hành xử này của chính quyền Trung Quốc có tốt không? Tất nhiên, câu trả lời là tùy vào người đọc, vào quan điểm của họ đối với thị trường tự do (thị trường tự do có nên được ủng hộ hay không, và nếu có thì đến mức nào?, v.v), cũng như đối với phúc lợi, và đạo đức.
Cuối cùng, có một gợi ý cho những ai đang cân nhắc câu trả lời: Hãy thử đặt mình vào vị trí của những người kém may mắn, những người nghèo, và thử xem cảm giác của mình khi mua một mặt hàng với giá trên trời sẽ ra sao. Khi đó, điều chúng ta thực sự muốn là lòng tham được chế ngự, hay lòng tham sẽ thắng thế?
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Chú thích:
[1] Tăng giá khẩu trang gấp 6 lần khi virus corona hoành hành, hiệu thuốc bị phạt hơn 10 tỷ đồng
http://kenh14.vn/tang-gia-khau-trang-gap-6-lan-khi-virus-corona-hoanh-ha…
[2] Khẩu trang 1.000 bán giá 35.000 đồng, Taseco Airs đang kiếm lãi từ kinh doanh tại sân bay như thế nào?
https://khoahocdoisong.vn/khau-trang-1-000-ban-gia-35-000-dong-taseco-ai…
[3] Taseco lãi hàng trăm tỷ năm 2019
https://news.zing.vn/taseco-lai-hang-tram-ty-nam-2019-post1040428.html
[4] Như [2]
[5] Trích ‘Phải trái đúng sai’ về giá cắt cổ trong siêu bão Charley
https://www.nxbtre.com.vn/diem-tin/trich-doc-phai-trai-dung-sai-phan-1-2…
[6] Trong siêu bão Charley năm 2004 tại Mỹ, một nhà thầu báo giá dọn cây đổ khỏi mái nhà là 23.000 USD, một trạm xăng ở Orlando bán túi nước đá bình thường 2 USD với giá 10 USD, một số cửa hàng bán máy phát điện nhỏ bình thường 250 USD với giá 2.000 USD, và một nhà trọ cho thuê một phòng trọ bình thường 40 USD với giá 160 USD.
[7] Như [5]
[8][9] Như [2]
(Các lý lẽ 2 chiều ủng hộ và phản đối việc tăng giá khẩu trang trong bài viết này dựa theo phân tích của Michael Sandel cho vụ siêu bão Charley.)
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/controversies-surrounding-mask-price-hike-in-corona-crisis-01312020100310.html

Dịch viêm phổi cấp và hệ thống… mắc dịch

Thiên Hạ Luận
Trân Văn
Diễn biến dịch viêm phổi do nCoV (virus Corona) gây ra càng lúc càng phức tạp và đáng ngại. Ngoài việc chia sẻ thông tin, ý kiến về một đại họa nay đã có tầm vóc toàn cầu, người sử dụng mạng xã hội tiếng Việt còn thảo luận về một đại họa khác đáng ngại hơn tại Việt Nam, đó là hệ thống công quyền Việt Nam… mắc dịch.
***
Bất kể virus Corona lan rộng tại Trung Quốc và mầm bệnh gây viêm phổi cấp xuất hiện ở rất nhiều nơi trên thế giới, ngày 24 tháng 1, Bộ Y tế Việt Nam vẫn dõng dạc khẳng định: Corona là bệnh lây lan hạn chế (1)!
Cho dù chính quyền Trung Quốc phải tiến hành cô lập một số khu vực, Bắc Hàn tuyên bố
đóng cửa biên giới, không tiếp đón công dân Trung Quốc, chính quyền nhiều quốc gia cảnh báo công dân thận trọng trong tiếp xúc với những người từng hiện diện ở các vùng có dịch tại Trung Quốc, thiên hạ thì dõi theo những thông tin liên quan đến dịch viêm phổi cấp từng giờ chứ không còn từng ngày như trước thì ngày 27 tháng 1, ông Vũ Đức Đam (Phó Thủ tướng) yêu cầu xử lý những người tung tin thất thiệt về virus Corona (2).
Giữa lúc công chúng liên tục hối thúc chính quyền Việt Nam đóng cửa biên giới để ngăn chặn khả năng du khách Trung Quốc gieo rắc mầm bệnh cho nhiều người Việt và ông Nguyễn Xuân Phúc (Thủ tướng) tuyên bố: Chấp nhận thiệt hại kinh tế, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân (3) thì Đà Nẵng im lặng trước chuyện, đích thân Giám đốc Sở Du lịch dẫn CSCĐ đến khách sạn Danang Riverside răn đe cơ sở lưu trú này vì dám từ chối tiếp đón du khách Trung Quốc (4).
Và không chỉ Đà Nẵng, ngay trong ngày mùng 1 tháng Giêng âm lịch, Công an tỉnh Khánh Hòa đã triệu tập “một số facebooker” đến… làm việc vì “tung tin thất thiệt về dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra” đồng thời khẳng định sẽ xử lý nghiêm tất cả những facebooker có sai phạm tương tự (5). Thậm chí Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mẫn cán tới mức, triệu tập – làm việc và quyết định buộc ông Trần Văn Tùng nộp phạt 30 triệu đồng do “tung tin thất thiệt” khiến… 12.000 người không đến tỉnh này vui Xuân (6)!
Tuy nhiên những thông tin, ý kiến có tính chất cảnh báo bị xem là… “thất thiệt, gây hoang mang, nguy hại cho kinh tế – xã hội” lại… đúng! Tính đến ngày 29 tháng 1, ngoài 24 trường hợp đã được xuất viện, ở Đà Nẵng vẫn còn 28 trường hợp đang phải cách ly để theo dõi do nghi viêm phổi cấp (7). Còn ở Khánh Hòa, ngành y tế tỉnh này vừa cách ly thêm bốn người vì nghi ngờ nhiễm virus Corona, nâng tổng số trường hợp đang bị cách ly lên 15 người (8)…
Cần chú ý: Tất cả những người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm virus Corona ở Việt Nam nếu không phải là du khách Trung Quốc thì cũng là những người Việt đã tiếp xúc với những du khách mang mầm bệnh! Không ít người Việt liên tưởng tâm sự của ông Chu Tiên Vượng, Thị trưởng Vũ Hán (tâm ổ dịch viêm phổi cấp ở Trung Quốc), rằng ông ta đang phải “đưa đầu chịu báng” do chậm chạp trong việc công bố dịch với hiện trạng tại Việt Nam. Ông Vượng có khác gì các đồng nghiệp Việt Nam khi phải chờ ý kiến cấp trên (9)?
Muốn hay không cũng phải thừa nhận, so với Trung Quốc, cách hành xử của hệ thống công quyền Việt Nam giống như được dập từ… cùng khuôn. Trung Quốc cũng vừa tuyên bố minh bạch, sẽ vì dân không sợ tổn hại kinh tế, vừa xử lý những người cung cấp thông tin, ý kiến về dịch viêm phổi cấp. Cũng do vậy, Tòa án Tối cao của Trung Quốc mới cấm công an xử lý những thông tin, ý kiến mà dân chúng cung cấp, chia sẻ trên mạng xã hội về sự nguy hiểm của virus Corona dù những thông tin ấy có xác thực hay không (10).
***
Phạm Đoan Trang gọi cách hành xử của hệ thống công quyền Việt Nam trong việc ngăn ngừa lây nhiễm virus Corona tại Việt Nam là… “dập dịch bằng chiêu mời về đồn” (11)! Trang nêu ra hàng loạt dẫn chứng, đây không phải là lần đầu tiên hệ thống công quyền Việt Nam dùng “chiêu” này để… dập dịch.
Thành ra trước giờ, không ít lần, hệ thống truyền thông chính thức loan báo: Một số người tham gia cảnh báo về đủ loại dịch xảy ra ở Việt Nam “biết việc làm của mình là không đúng nên đã lập tức xóa bài trên mạng, đồng thời xin lỗi những người bạn trên mạng vì thông tin thất thiệt do mình đưa ra”.
Trang đặt vấn đề: Tại sao bạn lại để cho mình bị công an đè đầu cưỡi cổ như vậy? Đưa tin, nêu quan điểm để kêu gọi cộng đồng cảnh giác với đại dịch, phòng bệnh hơn chữa bệnh, thì có gì sai? Sao lại có thể thành “gây hoang mang dư luận” được? Có ranh giới nào giữa việc cảnh báo và việc gây hoang mang dư luận?
Theo Trang: Đối phó với một đại dịch, một cộng đồng biết sợ và thu nhận nhiều thông tin (kể cả nhiều tới mức loạn) thì vẫn tốt hơn là một cộng đồng chẳng biết gì, không có chút thông tin nào. Bởi vì công chúng tự có cách sàng lọc. Càng nhiều thông tin thì khả năng đánh giá và sàng lọc của công chúng càng tốt thêm chứ không kém đi đâu. Ngay cả thời điểm này, số người nhận biết được và cảnh giác với “fake news” chắc hẳn cũng đã đông hơn rất nhiều so với thời mới xuất hiện mạng xã hội (giai đoạn 2005-2006).
Trường hợp bạn đưa tin sai hoặc cố tình tung tin nhảm (fake news) thì công chúng mới là người phán xét và trừng phạt, chứ cũng không đến thứ công an lôi bạn ra đồn “giáo dục”, “giải thích”. Cùng lắm thì công an chỉ có thể kêu gọi cộng đồng “thận trọng với tin nhảm” mà thôi – nghĩa là chẳng có quyền lực gì khác một người đọc bình thường.
Trang nhắn cả công an nói riêng lẫn hệ thống công quyền nói chung: Trong lúc tình hình có dấu hiệu căng thẳng, nhân dân cần thông tin đến mức như thế này, việc hăng hái… dập dịch bằng cách bắt người chỉ càng làm mọi thứ thêm rối loạn. Đấy mới gọi là “gây hoang mang dư luận” đấy các chiến “xĩ” ạ!
Bich Ngoc – một thân hữu của Trang – so sánh nỗ lực… dập dịch kiểu Việt Nam kèm thắc mắc: Tại sao báo chí rất thoải mái đưa lên trang nhất những tin nhảm nhí như Lý Nhã Kỳ cắn trúng lưỡi khi ăn bánh tráng trộn hoặc Ngọc Trinh trễ kinh? Nguyễn Danh Lam nói thêm: Đó là lý do người ta thà tin vào thông tin nhảm hơn là tin “tin nhà nước”!
Dẫn lại chuyện xảy ra tại Trung Quốc trước khi dịch viêm phổi cấp bùng phát (một bác sĩ ở Vũ Hán chỉ nhắn tin cho bạn bè về nguy cơ lây nhiễm viêm phổi cấp và một số người đã chia sẻ thông tin này trên mạng xã hội để cảnh báo cho cộng đồng nên người bác sĩ đó và bạn bè bị công an Vũ Hán “xử lý nghiêm” vì “tung tin thất thiệt”), ông Chu Mộng Long hỏi bạn bè: Một chế độ mà nhà khoa học, bác sĩ không được phép dự báo, công dân không được phép nghi ngờ cả dịch bệnh thì chế độ đó có khác gì lò sát sinh?
Ông Long nhấn mạnh: Chính vì bị đàn áp ngay từ đầu trong thông tin nên dân Vũ Hán phải im lặng. Họ sợ bị phạt, bị tù hơn sợ dịch chỉ lo phòng tránh… chính quyền nên mọi người không có biện pháp phòng tránh dịch. Một chính quyền làm cho dân sợ hơn sợ dịch thì chính quyền ấy rõ ràng là nguy hiểm hơn dịch.
Ngay cả khi dịch đã bùng phát và lan rộng khiến hàng loạt người chết, chính quyền Vũ Hán vẫn tiếp tục bưng bít thông tin, cho đến khi tình thế trở thành không thể cứu vãn mới thú nhận sự thật. Bây giờ, có lẽ chính quyền Bắc Kinh đã thấy cái giá phải trả. Hành vi bưng bít thông tin là một tội ngang tội nuôi virus diệt chủng.
Đối với Việt Nam, ông Long nhận định: Có lẽ chỉ thấy tiền, chưa thấy quan tài nên chính quyền một số địa phương vẫn còn dọa phạt công dân đưa tin về dịch. Đừng để dân sợ chính quyền hơn sợ dịch. Muốn phòng chống dịch hiệu quả, chính quyền phải cùng dân phát huy tinh thần cảnh giác cao độ với dịch, phòng ngừa từ xa.
Nhu Bang Dang lưu ý ông Long: Ngay cả chính quyền cấp phường mà còn bị bịt miệng khi cảnh báo về ô nhiễm hơi thủy ngân. Chính quyền trung ương thì bịt mặt toàn dân về ô nhiễm vùng biển phía Bắc miền Trung thì nhắc nhở của ông Long có đúng vẫn khó xảy ra. Và giống như nhiều người, Văn Thật Trần kết luận: Chính quyền mắc dịch!
Thêm một lần nữa, dịch viêm phổi cấp khắc họa bản chất của chính quyền Việt Nam và được Dương Quang Phú khái quát: Xấu che tốt khoe, sẵn sàng trù dập, thủ tiêu đấu tranh tích cực để giòi đục đến tủy mới công nhận. Xưa nay vẫn thế không thay đổi được đâu. Cat Nguyễn thì gọi răn đe, bưng bít thông tin là: Hành vi diệt chủng không ai trị (13)!
Chú thích
(1) https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/bo-y-te-corona-la-benh-lay-lan-han-che-4060948-v.html
(2) https://vov.vn/tin-24h/pho-thu-tuong-yeu-cau-xu-ly-nguoi-tung-tin-that-thiet-ve-virus-corona-1003897.vov
(3) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/virus-corona-chap-nhan-thiet-hai-kinh-te-bao-ve-tinh-mang-suc-khoe-nguoi-dan-612019.html
(4) https://tuoitre.vn/tranh-cai-quanh-chuyen-khach-san-da-nang-tu-choi-phuc-vu-khach-trung-quoc-20200126184255526.htm
(5) https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/khanh-hoa-trieu-tap-facebooker-tung-tin-that-thiet-ve-virus-corona-3395798/
(6) https://baotintuc.vn/an-ninh-trat-tu/xu-phat-30-trieu-dong-doi-voi-facebooker-tung-tin-that-thiet-ve-virus-corona-20200128181040355.htm
(7) https://thanhnien.vn/thoi-su/hang-chuc-truong-hop-nghi-nhiem-virus-corona-moi-tai-da-nang-hien-ra-sao-1176068.html
(8) https://news.zing.vn/khanh-hoa-cach-ly-them-4-nguoi-nghi-nhiem-virus-corona-post1040796.html
(9) https://vnexpress.net/the-gioi/thi-truong-vu-han-neu-ly-do-giau-dich-4047459.html
(10) http://m.danviet.vn/the-gioi/toa-toi-cao-tq-cam-canh-sat-phat-nguoi-dan-dua-tin-ve-virus-corona-ke-ca-thong-tin-sai-1053683.html
(11) https://www.facebook.com/pham.doan.trang/posts/10158262165088322
(12) https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/3340990285915191
(13) https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/3338268862854000
https://www.voatiengviet.com/a/viem-phoi-cap-vu-han-corona/5268413.html

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.