Đọc báo Pháp – 07/01/2020
Iran-Hoa Kỳ: Thời khắc của các thế lực diều hâu
Trọng Thành
Nhiều báo Pháp hôm nay, 07/01/2020, dành trang nhất cho dịp 5 năm vụ thảm sát tại tòa soạn báo trào phúng Charlie, một biểu tượng cho tinh thần tự do tư tưởng. Về thời sự quốc tế, sự chú ý của công luận thế giới hướng hẳn về vùng Trung Đông, nơi nguy cơ đụng độ vũ trang giữa Mỹ và Iran ngày càng nhãn tiền. Le Monde có bài xã luận :”Iran-Hoa Kỳ: Thời khắc của các diều hâu”.
Le Monde nhấn mạnh là ba ngày sau vụ tướng Soleimani, được coi là ‘‘kiến trúc sư của chính sách khu vực của chế độ Iran’‘, bị giết theo lệnh của tổng thống Trump, căng thẳng tại Trung Đông dâng cao trên nhiều lĩnh vực. ”Đe dọa bạo lực qua lại giữa Mỹ và Iran”, giữa các thế lực đối kháng trong vùng gia tăng, ”càng làm tăng cường vị thế của phe cứng rắn trong tất cả các bên”.
Tại Iran, cuộc tuần hành lớn đưa đám tướng Soleimani, hôm Chủ Nhật, càng khiến cho chế độ Hồi Giáo thêm sắt máu. Cũng chính là chế độ này vừa tiến hành đàn áp tàn khốc chống lại một làn sóng phản kháng chưa từng có trong nước. Tiếng nói của thành phần ôn hòa trong chế độ, như ngoại trưởng Javad Jarif, bị chìm lấp trong không khí sẵn sàng chiến tranh.
Về phần mình, nước láng giềng Irak, bị giằng xé giữa một bên là Teheran và bên kia là Washington, buộc phải chọn đường. Hôm Chủ Nhật, Quốc Hội đã yêu cầu quân Mỹ rút khỏi nước này. Chính phủ Irak sẽ phải đưa ra quyết định.
Về phía nước Mỹ, lời lẽ khuấy động chiến tranh của tổng thống Trump ”không còn biết đến điểm dừng”. Bị công luận chỉ trích vì đe dọa tấn công nhiều địa điểm văn hóa tiêu biểu của Iran, để trả đũa, trong trường hợp xung đột bùng nổ, ông Trump khẳng định rõ đòn trả đũa của Washington sẽ là khủng khiếp. Tổng thống Mỹ cũng đe dọa sẽ trừng phạt Irak rất nặng, nếu Bagdad trục xuất lính Mỹ ra khỏi lãnh thổ nước này.
Cũng hôm Chủ Nhật vừa qua, chỉ huy lực lượng 6.000 binh sĩ Mỹ, triển khai tại Irak, trong liên quân chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech), ngừng toàn bộ các hoạt động chống thánh chiến, để tập trung cho việc tự vệ. Le Monde đánh giá đây là một quyết định rất nguy hại, bởi sẽ để ngỏ không gian cho Daech tăng cường thế lực tại Syria và Irak.
Thỏa thuận hạt nhân với Iran tan vỡ hoàn toàn và sự trỗi dậy của Daech là hai nỗi ám ảnh lớn của các nước châu Âu.
TT Trump đe dọa tấn công di sản nhân loại ?
Le Figaro đặc biệt chú ý đến đe dọa của tổng thống Mỹ tấn công vào các địa điểm văn hóa tiêu biểu của Iran, mà chắc chắn trong đó có những điểm nằm trong số 24 công trình được UNESCO xếp vào di sản của nhân loại. Tấn công vào các di sản nhân loại bị xếp vào ”tội phạm chiến tranh”. Le Figaro chua xót nhắc lại ”những kẻ cuồng tín điên rồ” mới đây thôi đã hủy diệt các tượng Phật tại Afghanistan, hay các văn bản cổ Hồi Giáo cổ xưa thế kỷ XIII tại Tombouctou, Mali… Ngoại trưởng Iran thì so sánh tổng thống Donald Trump với những thế lực tàn bạo Daech mới đây đã hủy diệt có hệ thống các di sản văn hóa trên lãnh thổ mà chúng kiểm soát. Cựu đại sứ Mỹ tại NATO, Nicholas Burns, khẳng định các tuyên bố của tổng thống Trump hoàn toàn đi ngược lại ”những giá trị của người Mỹ”.
Trump gây căng thẳng dữ dội tại Quốc Hội Mỹ
Theo Les Echos, các quyết định đơn phương của tổng thống Mỹ bị phản đối ngay trong nội bộ chính giới, đặc biệt trong hàng ngũ đảng Dân Chủ nắm quyền kiểm soát tại Hạ Viện. Các dân biểu nhấn mạnh chỉ có Quốc Hội lưỡng viện mới có thể cho phép triển khai quân dài hơn thời hạn 60 ngày. Theo một thăm dò dư luận hồi tháng 9, khoảng ba phần tư người Mỹ phản đối chiến tranh với Iran. Và trong số họ, đa số cho rằng chính sách của ông Trump góp vào căng thẳng hiện nay.
Le Monde dành một hồ sơ mô tả cuộc tranh luận tại Mỹ về ”tính hợp pháp” của quyết định hạ sát tướng Iran Soleimani của tổng thống Trump.
Trump và châu Á: ”Cuộc ly hôn lớn”
Về tính chất nguy hiểm của chính sách cực đoan, co cụm và manh động của tổng thống Mỹ, Les Echos có bài ”Trump và châu Á : Cuộc ly hôn lớn”, của thông tín viên Yann Rousseau từ Tokyo, điểm lại những thất bại liên tiếp của ông Trump trên mặt trận ngoại giao trong năm vừa qua và trước đó. Từ hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, đến quan hệ đồng minh keo sơn hơn nửa thế kỷ với Nhật Bản và Hàn Quốc, từ việc rút khỏi Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn được chính quyền tiền nhiệm chuẩn bị sẵn, cho đến việc thả lỏng ở Biển Đông cho Trung Quốc lấn lướt, khiến các quốc gia Đông Nam Á bất an.
Les Echos ghi nhận, tại Nhật Bản và Hàn Quốc, công luận ngày càng không chịu nổi thái độ con buôn của tổng thống Mỹ đối với các đồng minh. Bài ”Trump và châu Á: ‘Cuộc ly hôn lớn” tỏ ra bi quan khi cho rằng ”bị Hoa Kỳ phản bội, Tokyo và Seoul buộc phải cùng nhau xích gần lại với chế độ độc tài Trung Quốc”.
”Thế giới phức tạp hơn, con người cần nghĩ khác”
Cũng Les Echos có bài ”Sống và hành động trong một thế giới ngày càng trở nên phức tạp hơn” của nhà bình luận Jean-Marc Vittori, không đến mức bi quan như vậy, nhưng nhấn mạnh nhiều hơn đến tính chất biến đổi phức tạp bội phần và ngày càng khó lường của thế giới trong thập niên vừa mở ra.
Đầy bất trắc. Với các căng thẳng như bên bờ vực chiến tranh giữa Mỹ và Iran, tại Trung Đông, khu vực cung cấp khoảng một phần ba nhu cầu dầu mỏ của thế giới. Với cuộc bầu cử tại Đài Loan – hòn đảo được Hoa Kỳ hậu thuẫn – vào cuối tuần này, mà kết quả dự kiến sẽ là một hành động sỉ nhục đối với Bắc Kinh. Với phong trào xã hội chống cải cách hưu trí tại Pháp hay tình hình Brexit hiện chưa biết đi về đâu. Tác giả nhấn mạnh là những biến đổi phức tạp này đòi hỏi mỗi người chúng ta phải ”suy nghĩ và hành động khác”. Bây giờ chính là lúc cần ”sáng tạo lại cách tư duy”.
”Ba cuộc chiến tranh của năm 2020”
Với Le Monde, có ”ba cuộc chiến tranh” đánh dấu tình hình thế giới năm 2020. Thứ nhất là bối cảnh đang ngày càng hội tụ cho một cuộc chiến tranh thực sự bùng phát tại Trung Đông, như chúng ta đang chứng kiến. Thứ hai là ”cuộc chiến tranh lạnh” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, đặc biệt là về công nghệ đỉnh cao. Sau 30 năm tham gia vào ”toàn cầu hóa”, Trung Quốc thoát khỏi nghèo khó, giờ đây tự tin có thể không cần dựa vào công nghệ của phương Tây. Chính quyền Mỹ tuyên chiến với Bắc Kinh trên lĩnh vực thương mại, ”bức màn sắt” sập xuống. Trao đổi thương mại song phương sụt giảm 9%. Đầu tư trực tiếp giảm 60%. Theo nhật báo kinh tế Anh The Economist, việc hai bên cắt quan hệ về công nghệ, khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, gây thiệt hại khoảng 2.000 tỉ đô la, tương đương với khoảng 6% GDP của hai nước. Tiến trình toàn cầu hóa diễn ra hàng thế kỷ qua đang bị đảo ngược.
Cuộc chiến thứ ba, theo Le Monde, là ”cuộc chiến của con người chống lại chính mình”. Một ví dụ tiêu biểu là nạn cháy rừng kinh hoàng tại nước Úc kéo dài từ nhiều tháng nay, nhắc nhở chúng ta rằng một khi Thiên nhiên trả thù, thì hậu quả sẽ tàn khốc như thế nào. Điều đáng lo ngại là, các hiểm họa do Trái đất nóng lên, với bão tố, khô hạn, lũ lụt… tăng vọt, thay vì khiến con người đoàn kết lại, lại đang gây chia rẽ.
Le Monde nhấn mạnh Liên Âu – khối quốc gia xuất khẩu số một thế giới – nằm ở tâm điểm của ba tai họa toàn cầu này. Và cũng chính Liên Âu đang tự đặt ra cho mình mục tiêu hóa giải ba tai họa kinh hoàng, biến những áp lực bảo vệ môi trường thành các điều kiện cho công cuộc chuyển hóa sang nền kinh tế Xanh và đưa lại một tấm gương về một lục địa rộng mở, cho ‘‘phần còn lại của thế giới, đang bị xu thế co cụm, bài ngoại chi phối”. Mong sao Liên Hiệp Châu Âu thành công !
Cải cách hưu trí:
Chính phủ tìm thỏa hiệp với nghiệp đoàn cải cách
Trở lại tình hình nước Pháp, cuộc đàm phán giữa chính phủ với các nghiệp đoàn để tìm giải pháp cho khủng hoảng cải cách hưu trí diễn ra hôm nay. Le Monde ra tối qua chạy tựa trang nhất: ”Thủ tướng Philippe bị đa số đảng cầm quyền áp lực buộc phải đạt được thỏa hiệp”. Nhiều nghị sĩ thiên tả, đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Macron, lên án thủ tướng Edouard Philippe quá cứng rắn với các nghiệp đoàn cải cách, vốn sẵn sàng ủng hộ chính phủ. Theo họ, thủ tướng Philippe làm như vậy là để lấy lòng các cử tri cánh hữu đang ủng hộ ông.
Theo Le Figaro, thì cùng với nhiều nghị sĩ đảng cầm quyền, tổng thống Macron cũng đang gia tăng áp lực lên thủ tướng Philippe. Les Echos thì cho hay thủ tướng Philippe để ngỏ cánh cửa cho thảo luận về ”tuổi về hưu cân bằng” (được hưởng lương hưu cơ bản toàn phần) (tức ”l’âge pivot”). Le Monde cho biết các nghiệp đoàn chống cải cách coi tuần lễ này là một cơ hội tranh đấu quan trọng.
Tinh thần trào phúng Charlie bất diệt !
Về cuộc kỷ niệm 5 năm vụ thảm sát tại tòa báo tuần trào phúng Charlie Hebdo, trong lúc Le Figaro chú ý đến ”đe dọa khủng bố thường trực” tại Pháp, thì báo Libération có hồ sơ nhấn mạnh đến tinh thần tự do của Charlie. Libération chạy tựa ‘‘Charlie còn mãi” trên nền màu đen tang tóc.
Tuần báo trào phúng vẫn ngoan cường, vẫn tiếp tục vẽ. Nhật báo thiên tả ghi nhận là từ 5 năm nay, tờ báo trào phúng chưa bao giờ thôi tiếp tục thổi bùng lên ngọn lửa vì tự do ngôn luận, ”bất chấp không khí cô đơn và những chỉ trích mà Charlie liên tục phải gánh chịu”.
Về phần mình, La Croix ghi nhận 5 năm sau, Charlie nay đã phục hồi, ngọn lửa tự do vẫn cháy. Trang nhất nhật báo Công Giáo đăng chân dung các phóng viên, họa sĩ của Charlie đã qua đời, tất cả lung linh trong ngọn lửa, phía dưới là cây bút chì, cây bút vẽ, cây bút sáng tạo tiếp tục tiếp năng lượng cho ngọn lửa tự do bất khuất.
La Croix vinh danh các nhà báo-họa sĩ với 7 họa phẩm trào phúng. Một trong các bức là hình nấm mồ của ”le politiquement correct” (tạm dịch là : Nơi đây yên nghỉ ”thái độ chính trị giáo điều – cơ hội”). Một số người đồng nhất Charlie với một tạp chí châm biếm tôn giáo (Hồi Giáo hay Thiên Chúa Giáo), nhưng tinh thần châm biếm mọi thái độ độc tài, bảo vệ tự do tư tưởng, bảo vệ sự khác biệt, tôn trọng người khác mình, mới chính là điều làm nên bản sắc của Charlie. Và đây cũng chính là điều đang bị đe dọa từ mọi phía.
Tin tổng hợp
(AFP) - Mỹ định trừng phạt Nga vì gia tăng ủng hộ tổng thống Venezuela.
Ngày 06/01/2020, ông Abrams, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết Washington « đang nghiên cứu sát sao vai trò của Nga » và « tính đến việc trừng phạt thêm về kinh tế nhắm vào những thực thể và các cá nhân », song không nêu thêm chi tiết. Theo ông Abrams, Nga chủ yếu quan tâm đến « nền kinh tế dầu lửa » của Venezuela. Trước đó, Washington từng thông qua một loạt biện pháp trừng phạt chính quyền Maduro sau khi ông được bầu lại làm tổng thống trong kỳ bầu cử bị tố cáo là « gian lận » và bị đối lập tẩy chay.
(AFP) - Thủ tướng Xã Hội Tây Ban có thể tiếp tục điều hành nội các, chấm dứt nhiều tháng tê liệt.
Nếu không có gì bất ngờ trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vòng hai ngày 07/01/2020, thủ tướng Pedro Sanchez sẽ nhận được số phiếu sát sao để thành lập chính phủ liên minh mới. Theo dự đoán, ông có thể được 167 phiếu tín nhiệm trên tổng số 350 nghị sĩ, hơn hai phiếu trong cuộc bỏ phiếu vòng một, Chủ Nhật 05/01.
(Focus Taiwan) - Đài Loan là nhà đầu tư lớn thứ 5 vào Việt Nam.
Theo thống kê, được bộ Kinh Tế Đài Loan công bố ngày 06/01/2010, trong vòng 11 tháng, từ tháng Giêng đến tháng 11 năm 2019, Đài Loan đã đầu tư 850 triệu đô la vào Việt Nam, chiếm khoảng 40% tổng khối lượng đầu tư của hòn đảo vào khu vực Đông Nam Á, trong đó 54,1% số vốn đầu tư vào lĩnh vực chế tạo. Trong những năm trước đó, Đài Loan chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực dệt may, kim loại cơ bản và hóa chất tại Việt Nam.
(AFP) - Pháp : Phu nhân Brigitte Macron khởi động chiến dịch quyên góp « Pièces Jaunes » lần thứ 31.
Người đỡ đầu cho chiến dịch năm 2020 là huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Pháp Didier Deschamps. Buổi lễ được tổ chức tại một bệnh viện ở thành phố Orleans. « Pièces Jaunes » là chiến dịch quyên góp giúp đỡ trẻ em nằm viện. Bà Macron cũng trở thành chủ tịch Hội Các Bệnh Viện Paris-Bệnh Viện Pháp từ tháng 06/2019, sau khi bà Bernadette Chirac từ chức vì lý do sức khỏe.
(AFP) - Khói cháy rừng ở Úc bay sang tận Chilê và Achentina.
Đám khói từ các đám cháy dữ dội ở Úc đã bay đến Chilê và Achentina, cách đấy hơn 12.000km, theo cơ quan khí tượng tại hai quốc gia Nam Mỹ ngày 06/01/2020. Viện khí tượng Chilê cho biết là vào buổi sáng, ánh mặt trời đã nhuốm sắc màu đỏ do một đám mây khói từ hỏa hoạn tại Úc, ở độ cao 6.000m. Còn Achentina công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy đám mây bị chuyển dịch từ Tây sang Đông. Theo công ty khí tượng uy tín Metsul, đám mây thậm chí có thể bay đến bang Rio Grande del Sur ở Brazil.
(AFP) - Tổng thống Hàn Quốc thúc đẩy trở lại ý tưởng mời Kim Jong Un thăm Seoul.
Trong một diễn văn nhân dịp đầu năm Dương Lịch ngày 07/01/2020 tại Phủ tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Jae In bày tỏ hy vọng là lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sẽ thực hiện lời hứa đến Hàn Quốc vào năm nay. Theo ông Moon, đôi bên : “nên cùng phối hợp để tạo điều kiện cho chủ tịch Kim Jong Un đến thăm Hàn Quốc càng sớm càng tốt”. Tổng thống Hàn Quốc còn cho biết : “Sẵn sàng liên tục gặp gỡ và đối thoại, nỗ lực nối lại hoạt động của khu công nghiệp Kaesong và các tour du lịch đến núi Kumgang”.
(AFP) - Phát hiện một hành tinh có kích thước của Trái Đất trong một “vùng có thể ở được”.
Cơ quan Hàng Không Vũ Trụ Mỹ NASA hôm qua, 06/01/2020 loan báo rằng vệ tinh săn tìm hành tinh TESS của Mỹ đã phát hiện ra một hành tinh mới có kích thước bằng Trái Đất, và có thể có nước dưới dạng lỏng. Tại hội nghị mùa đông của Hội Thiên Văn Học Hoa Kỳ mở ra tại Honolulu (tiểu bang Hawaii), Phòng Thí Nghiệm Động Cơ Phản Lực (Jet Propulsion Laboratory) của NASA cho biết là hành tinh mới phát hiện được đặt tên là “TOI 700 d” và tương đối gần Trái Đất : Chỉ cách khoảng một trăm năm ánh sáng !
2020 đau đầu vì thương chiến Mỹ-Trung và Brexit
Thanh Hà
2020, quan hệ giữa Bruxelles với Luân Đôn sẽ còn nhiều sóng gió, nhưng lần này tập trung vào đàm phán gay go về mối quan hệ tương lai giữa Liên Âu với một thành viên cũ trong gia đình sau khi nước Anh chính thức ra đi. Chiến tranh thương mại Mỹ -Trung sẽ còn nhiều pha trồi sụt và thế giới sẽ tiếp tục trả giá trước những đòn bất ngờ từ phía hai ông khổng lồ của thế giới.
Đúng ngày Thứ Sáu 13 tháng 12/2019 Nhà Trắng ồn ào thông báo đạt được thỏa thuận sơ bộ với Trung Quốc sau 18 tháng « chiến tranh ». Tiếp theo đó từ bộ trưởng Tài Chính Mỹ đến Nhà Trắng đều nói đến một « thỏa thuận quan trọng và quy mô » và văn bản này sẽ được nguyên thủ hai nước phê chuẩn vào đầu tháng Giêng năm 2020.
Trước mắt văn bản này chưa được công bố đầy đủ cho báo chí. Chỉ biết là từ hơn ba tuần qua, Bắc Kinh đã thông báo tạm giảm thuế nhập khẩu nhắm vào 850 mặt hàng nhập từ Mỹ kể từ ngày 01/01/2019. Hoa Kỳ khẳng định Trung Quốc sẽ mua thêm 200 tỷ đô la hàng của Mỹ trong hai năm sắp tới, điều này cho phép Mỹ thu hẹp thâm hụt ngân sách với đối tác thương mại châu Á này. Ngoài ra Nhà Trắng đặc biệt nhấn mạnh rằng cùng thời gian, Trung Quốc sẽ mua vào thêm 32 tỷ nông phẩm của Mỹ. Bắc Kinh thận trọng hơn qua lời bộ trưởng Tài Chính Trung Quốc, Lưu Côn khéo léo nhắc lại ràng « nhập khẩu của Trung Quốc tùy thuộc vào nhu cầu tiên thụ nội địa ».
Dù vậy, cả phía Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều ít đi sâu vào chi tiết hai đòi hỏi chính của Washington : một là Bắc Kinh ngừng trợ giá cho các doanh nghiệp nước này, tạo sân chơi bình đẳng giữa các công ty của Trung Quốc và các tập đoàn nước ngoài , và hai là vế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngưng đánh cắp bằng sáng chế và công nghệ cao của Hoa Kỳ.
Cho dù Mỹ và Trung Quốc rộng rãi thông báo về những thành tích đạt được qua thỏa thuận thương mại sơ bộ, nhưng hiệp hội bảo vệ tự do mậu dịch Americans for Free Trade, được hãng tin Bloomberg trích dẫn lưu ý rằng « khoảng 83 % cái giá phả trả do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây nên vẫn tồn tại » cho dù Washington và Bắc Kinh đã đồng ý về « thỏa thuận mậu dịch Giai Đoạn 1 ».
Trả lời đài RFI Tiếng Việt Jean – François Boittin, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh Tế Thông Tin Quốc Tế của Pháp CEPII dứt khoát loại trừ khả năng thỏa thuận sơ bộ Mỹ- Trung về mậu dịch cho phép chấm dứt xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới
Tôi cho rằng thứ nhất, chúng ta phải đợi có được văn bản chính thức thì mới có thể đánh giá về tầm mức của thỏa thuận Mỹ và Trung Quốc vừa đạt được. Thứ hai, là trong mọi trường hợp, đây chỉ một lệnh “ngừng bắn” tạm thời rất khó đoán được là sẽ có hiệu lực trong bao lâu. Chắc chắn là chiến tranh thương mại không khép lại với thỏa thuận mới đạt được. Điểm thứ ba, là cả đôi bên đều đang chịu áp lực rất lớn để đạt đến một thỏa hiệp dù là tạm thời, mà phía Mỹ gọi là một đồng thuận trong Giai Đoạn 1. Phía Trung Quốc thì cần có thỏa thuận vì kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu sang thị trường Mỹ gặp trở ngại. Còn đối với Nhà Trắng, một năm trước bầu cử tổng thống chính quyền Trump bắt buộc phải khoe thành tích. Đặc biệt là cần thuyết phục Trung Quốc mua vào nông phẩm của Hoa Kỳ, bởi vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tác động mạnh nhất đến giới nông gia Mỹ
Đương nhiên đối với ông Tập Cận Bình, thỏa thuận hôm 13 tháng 12 2019 là một tin vui, tối thiểu là trên hai điểm : thứ nhất thỏa thuận ngưng bắn dù chỉ tạm thời được thông báo vào lúc các thống kê dồn dập cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc đang thực sự hụt hơi. Thậm chí tập đoàn ngân hàng Nhật Nomura dự báo tình hình trong năm 2020 sẽ còn « xấu đi thêm ». Tuy là thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc đã tăng chứ không giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ trong năm 2019 giảm 23 %. Điểm thứ nhì khiến ông Tập Cận Bình có thể thanh thản được một chút đó là nhờ có thỏa thuận dù còn chưa được chính thức ký kết, nhưng hôm 15/12/2019 các nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng né được một đợt đánh thuế mới của chính quyền Trump đồng thời Washington đã giảm một nửa mức thuế đánh vào 120 tỷ hàng made in China bán sang Mỹ.
Nhưng không chỉ có phía Trung Quốc hài lòng. Ngay cả các tập đoàn Mỹ cũng đã thờ phào nhẹ nhõm với thỏa thuận Giai đoạn 1 vừa nêu. Chuyên gia Jean – François Boittin giải thích :
Đương nhiên tại Washington mỗi người nhìn vấn đề tùy theo quan điểm chính trị. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy xung đột về thương mại với Trung Quốc khiến mức đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ đóng băng trong cả năm 2019. Ngành sản xuất ngừng các dự án đầu tư vào máy móc, ngưng các kế hoạch về địa ốc. Thành thử khu vực sản xuất và công nghiệp bị tác động mạnh. Điều trớ trêu là ông Trump khi ban hành hàng loạt các biện pháp đánh thuế vào hàng Trung Quốc là để giúp công nghiệp của Mỹ phục hồi. Nhìn tới các hộ gia đình, cho tới nay, giới này tương đối được bảo vệ. Bởi vì các doanh nghiệp Mỹ hứng chịu các khoản tăng thuế nhập khẩu để giữ khách hàng. Tuy nhiên, nếu không có thỏa thuận sơ bộ vừa qua, thì ngày 15 tháng 12, Washington đánh thuế thêm vào 160 tỷ đô la hàng của Trung Quốc và trong số này bao gồm nhiều đồ điện tử, máy tính, điện thoại thông minh và đồ chơi điện tử … Như vậy ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách của các hộ gia đình.
Điều không thể chối cãi là bất chấp chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chỉ số chứng khoán và thị trường lao động tại Hoa Kỳ năng động hơn bao giờ hết. Tuy nhiên nhà nghiên cứu Jean – François Boittin, lưu ý rằng chính quyền Trump đánh thuế hàng Trung Quốc, các doanh nghiệp Mỹ « lãnh đủ »
Có một điều rất rõ ràng, là chính quyền tăng thuế và bên phải gánh chịu các khoản thuế đó là các công ty Mỹ, là người tiêu dùng ở Mỹ. Chứ không phải như tổng thống Donald Trump luôn nhắc đi nhắc lại rằng các tập đoàn Trung Quốc phải trả giá. Bên cạnh đó, cốt lõi của xung đột Mỹ Trung không phải là thương mại, mà đây thực sự là một cuộc đọ sức về công nghệ cao. Tôi muốn nói tới các tập đoàn ZTE và Hoa Vi. Chính quyền Trump đang làm tất cả để chận đường Hoa Vi trên lãnh thổ Hoa Kỳ và kể cả tại châu Âu.
Theo một nghiên cứu độc lập do ngân hàng liên bang New York cùng hai viện đại học Princeton và Colombia thực hiện trung bình trong năm 2019 xung đột về thương mại Mỹ-Trung cướp mất 831 dô la của mỗi hộ gia đình cho cả năm. Điều đáng nói là, có lẽ không liên quan nhiều đến chiến tranh thương mại, tinh thần bài Trung Quốc ở Mỹ trong năm vừa qua thực sự gia tăng. Jean – François Boittin, thuộc CEPII, ghi nhận :
Nhìn chung, tinh thần bài Trung Quốc ngày càng gia tăng tại Mỹ. Phân lớn công luận Mỹ không có thiện cảm với Trung Quốc. Theo thăm dò gần đây của trung tâm nghiên cứu Pew Research, trong vòng một năm, tỷ lệ người bài Trung Quốc đang từ 47 % nhảy vọt lên thành 60 %. Cũng có một số người quan niệm rằng, Trung Quốc bội bạc, bởi vì quốc gia đông dân này ngày nay trở thành cường quốc kinh tế số hai thế giới, một phần là nhờ được Mỹ giúp đỡ. Đâu cũng là quan điểm được trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách khu vực châu Á Thái Bình Dương nêu lên trong một bài phát biểu hôm 12/12/2019.
Brexit : Đường còn dài
Từ hơn ba năm qua, nước Anh chưa bao giờ cận kề với Brexit như từ ngày 12/12/2019. Giành được đa số áp đảo tại Nghị Viện, thủ tướng Boris Johnson rộng đường áp đặt lộ trình chia tay với Liên Hiệp Châu Âu. Không còn trở ngại nào ngăn cản vương quốc Anh ra đi vào cuối tháng Giêng 2020. Với 365 trên tổng số 650 ghế, dự luật về Brexit của thủ tướng Johson sẽ được thông qua vào ngày 09/01/2020 sau ba lần diện Westminster xem xét văn bản về thỏa thuận chia tay.
Dù vậy cột mốc 31/01/2020 chưa phải là điểm đến cuối cùng trong tiến trình Brexit. Đó sẽ là điểm khởi đầu cho một chuỗi dài những vòng đàm phán về quan hệ tương lai giữa Vương Quốc Anh với 27 đối tác còn lại trong Liên Hiệp Châu Âu sau một thời gian 47 năm chung sống. Đâu sẽ là vai trò, trọng lượng của Luân Đôn trên các phương diện từ kinh tế, mậu dịch, ngoại giao và quân sự với Bruxelles ?
Có một điều chắc chắn là sau bầu cử hồi tháng 12/2019 cử tri Anh đã tạo thế mạnh cho thủ tướng Boris Johnson để đàm phán với châu Âu. Ngược lại về phía Bruxelles, nếu như trong ba năm qua, Liên Âu đã đặc biệt bày tỏ đoàn kết trên hồ sơ Brexit, không có gì bảo đảm rằng trong giai đoạn đàm phán sắp mở ra với nước Anh, 27 thành viên còn lại trong Liên Âu sẽ phá rào tìm kiếm lợi thế tốt nhất khi nói chuyện với Luân Đôn. Thí dụ như ưu tiên của nước Đức sẽ là về công nghiệp, trong lúc Paris đặt trong tâm vào lĩnh vực nông nghiệp, Hà Lan hay Tây Ban Nha quan tâm nhiều hơn đến mục tiêu phát triển dịch vụ với nước Anh kể từ ngày 31/12/2020 ; thời điểm mà trên nguyên tắc bruxelles và Luân Đôn chấm dứt đàm phán, kết thúc giai đoạn chuyển tiếp.
0 nhận xét