Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 30/12/2019

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019 14:42 // ,

Tin khắp nơi – 30/12/2019

Mỹ thành lập Hạm đội ma đối phó TQ

Quốc hội Mỹ mới đây thông qua dự luật ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2020, trong đó có 209,2 triệu USD để đóng 2 tàu nổi không người lái cỡ lớn (LUSV) cho Hải quân.
Hải quân Mỹ muốn thông qua FYDP để thành lập điều mà họ gọi là “Hạm đội ma”, gồm 10 tàu nổi không người lái cỡ lớn. Ảnh: Hải quân Mỹ
Theo Defense News, Hải quân Mỹ đã yêu cầu đóng 2 chiếc LUSV – dài 91 m, nặng 2.000 tấn – cho năm 2020 và lên kế hoạch mua thêm 8 chiếc nữa trong khuôn khổ của kế hoạch 5 năm mang tên “Chương trình Quốc phòng Những năm Tương lai (FYDP)”.
Hải quân Mỹ muốn thông qua FYDP để thành lập điều mà họ gọi là “Hạm đội ma” có thể điều khiển được từ xa, hoạt động tự động hoặc bán tự động để tác chiến đơn độc hoặc theo nhóm.
“Với trọng tải lớn, LUSV được thiết kế để tiến hành nhiều chiến dịch tác chiến khác nhau, dù là độc lập hay phối hợp với các tàu chiến có người lái” – yêu cầu đề xuất (RFP) của Hải quân Mỹ khẳng định.
Quốc hội Mỹ đã đáp ứng yêu cầu của Hải quân Mỹ trong năm 2020 nhưng cũng có một số ràng buộc nhất định, bao việc cấm lắp đặt hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng tốn kém.
“Việc nâng cấp để lắp đặt hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng có thể được tiến hành trong những năm tài khóa trong tương lai” – dự luật ngân sách quốc phòng nêu rõ.
Hải quân Mỹ muốn thành lập một “Lực lượng tác chiến” bao gồm những phương tiện dưới nước và tàu nổi không người lái, bên cạnh những chiến hạm khác để đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng đến từ Nga và Tung Quốc. Đây là một sự chuyển biến thực tế và ít tốn kém hơn so với tham vọng thành lập hạm đội 355 chiến hạm mà Washington đề ra cách đây 10 năm.
Hồi tháng 8-2019, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin Bắc Kinh đã triển khai chiến hạm không người lái đa nhiệm JARI – dài 15 m, nặng 20 tấn, có khả năng thực hiện các sứ mệnh tương tự như tàu khu trục Type 052, như phòng không, chống hạm và chống tàu ngầm.
Theo Thời báo Hoàn cầu, “chiếm hạm không người lái hàng đầu thế giới này” có thể được điều khiển từ xa hoặc vận hành tự động.
http://biendong.net/doc-bao-viet/32381-my-thanh-lap-ham-doi-ma-doi-pho-tq.html

Những cuộc khủng hoảng đối ngoại

đợi sẵn Trump năm 2020

Từ đe dọa của Triều Tiên về leo thang hạt nhân đến tình hình ở Syria và Afghanistan, các điểm nóng toàn cầu sẽ tiếp tục sát hạch tài năng lãnh đạo của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong năm tới.
Chính sách đối ngoại hiếm khi là trọng tâm của các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, vì cử tri thường quan tâm đến các vấn đề trong nước sát thực với cuộc sống của họ hơn. Nhưng một cuộc khủng hoảng lớn có thể khiến người Mỹ phải chú ý đến vấn đề đối ngoại.
Triều Tiên
Đây là phép thử đầu tiên của ông Trump ngay từ đầu năm mới.
Bình Nhưỡng dọa sẽ tặng cho Mỹ món “quà Giáng sinh” và cảnh báo sẽ theo đuổi một con đường mới nếu Washington không nhượng bộ trong đàm phán hạt nhân vào cuối năm 2019. Giới chức Mỹ và các nhà phân tích trong khu vực dự đoán món quà đó là một vụ thử tên lửa tầm xa.
Triều Tiên đã tự áp dụng lệnh dừng thử tên lửa tầm xa và đầu đạn hạt nhân kể từ khi bắt đầu đàm phán với Mỹ năm ngoái. Ông Trump đã ca ngợi lệnh dừng này là một dấu hiệu cho thấy các nỗ lực ngoại giao của ông đã mang lại hiệu quả, kể cả Bình Nhưỡng phóng hơn chục tên lửa tầm ngắn trong năm. Ông cũng hạ thấp các mối đe dọa gần đây của Triều Tiên, nói rằng Kim Jong Un “biết tôi có một cuộc bầu cử sắp diễn ra”.
Nhưng nếu Triều Tiên vẫn thử tên lửa tầm xa, thì nhà lãnh đạo Mỹ sẽ có một lựa chọn: Phớt lờ để mọi chuyện yên ổn trong năm bầu cử hoặc trở lại những ngày tháng đe dọa “lửa và cơn thịnh nộ” với Triều Tiên.
Afghanistan và Syria
Giữa lúc đàm phán hòa bình với Taliban được nối lại, Tổng thống Trump được cho là sẽ thông báo giảm quân số binh lính Mỹ ở Afghanistan xuống còn khoảng 8.600 lính.
Trong khi đó, khoảng 600 binh sĩ Mỹ vẫn đang ở Syria sau khi ông Trump gây “bão dư luận” hồi tháng 10 khi ra lệnh rút hết quân khỏi đất nước này.
Chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố rõ ông muốn quân Mỹ rút hết khỏi hai nước này trong mùa bầu cử 2020 để có thể vận động cử tri rằng ông đã thực hiện cam kết chấm dứt “các cuộc chiến tranh mãi mãi”.
Nhưng rút quân toàn bộ khỏi cả hai quốc gia này có thể gây cho Tổng thống Mỹ đương nhiệm một cuộc khủng hoảng cả ở trong và ngoài nước. Các nỗ lực rút quân vấp phải sự chỉ trích gay gắt của các nhà lập pháp của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, và cả một số quan chức trong nội bộ chính quyền, rằng ông hành động quá vội vã.
Trong khi đó, nếu những cảnh báo của các nhà lập pháp và các quan chức đó là đúng thì việc rút quân Mỹ có thể tạo khoảng trống cho các nhóm khủng bố lấp đầy, chẳng hạn như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Thổ Nhĩ Kỳ
Có mối liên hệ chặt chẽ với một cuộc khủng hoảng tiềm tàng ở Syria là Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Trump đã đối mặt với một cuộc khủng hoảng do Thổ Nhĩ Kỳ gây ra trong năm 2019 khi Ankara mở chiến dịch chống các lực lượng người Kurd Syria. Chiến dịch này được xem như một sự trao đổi khi ông Trump ra lệnh rút quân Mỹ khỏi Syria.
Trong những ngày cuối năm 2019, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hiện diện ở đông bắc Syria, nơi người Kurd liên tục cáo buộc họ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn và là nơi Ankara đề xuất tái định cư người tị nạn Syria trong một kế hoạch bị chỉ trích là thanh trừng sắc tộc.
Ở Mỹ, các nhà lập pháp đã mất kiên nhẫn với Thổ Nhĩ Kỳ. Ủy ban Quan hệ Đối ngoại của Thượng viện đã thúc đẩy một dự luật trừng phạt nhằm vào đồng minh NATO này. Và, Chủ tịch ủy ban, ông Jim Risch (đảng Cộng hòa bang Idaho) nói ông sẽ nỗ lực đưa dự luật ra trước toàn Thượng viện sau khi phiên xử luận tội ông Trump kết thúc.
Ankara dọa sẽ trả đũa nếu Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cấm vận, cảnh báo sẽ đuổi lính Mỹ khỏi Căn cứ Không quân Incirlik. Incirlik vốn là một bệ phóng chủ chốt cho các chiến dịch quân sự của Mỹ chống IS và là nơi chứa khoảng 50 quả bom hạt nhân Mỹ.
Iran
Mỹ và Iran đã tiến đến bờ vực chiến tranh không ít lần trong năm 2019, và không có dấu hiệu cho thấy tình hình giữa đôi bên sẽ dịu đi trong năm 2020.
Năm 2019 chứng kiến căng thẳng tăng vọt khi ông Trump siết chặt cấm vận tiếp sau quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với các cường quốc năm 2015.
Iran phản ứng bằng cách lần lượt bỏ qua các giới hạn then chốt của thỏa thuận hạt nhân và dọa sẽ tiếp tục làm như vậy cho đến khi nào Washington từ bỏ cấm vận hoặc EU tìm ra một giải pháp hiệu quả.
Tuần này, Tehran bắt đầu vận hành một mạch thứ cấp tại lò phản ứng nước nặng ở Arak. Dùng mạch thứ cấp không vi phạm thỏa thuận hạt nhân nhưng chứng tỏ Iran đang cải thiện năng lực.
Chừng nào chính quyền Trump vẫn duy trì chiến dịch “áp lực tối đa” đối với Iran và thỏa thuận hạt nhân tiếp tục gặp khó khăn thì nguy cơ  đối đầu quân sự giữa Iran và Mỹ vẫn còn hiện diện.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32375-nhung-cuoc-khung-hoang-doi-ngoai-doi-san-trump-nam-2020.html

‘Chiến binh thương mại’ của Tổng thống Mỹ

không muốn dàn hòa với TQ

Peter Navarro, một cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống Trump, người đã tác động đến chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc và thúc ép duy trì áp dụng thuế quan bất chấp sự phản đối của các cố vấn cấp cao khác, ngay cả khi Tổng thống Trump đã chấp nhận một thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc, theo NYT.
 “Chiến binh” cứng rắn với Trung Quốc
Khi Tổng thống Trump tập hợp các nhà cố vấn kinh tế hàng đầu của mình tại Nhà Trắng để quyết định có nên thực hiện một thỏa thuận với Trung Quốc hay không, Peter Navarro, cố vấn thương mại diều hâu của ông, đã sẵn sàng với một loạt các lập luận chống lại động thái này.
“Một thỏa thuận loại bỏ bất kỳ thuế quan nào của ông Trump sẽ khiến nước Mỹ trông yếu đi”, ông Navarro lập luận tại cuộc họp, và ông đã tuyên bố những người tán thành ý tưởng này là “những người theo chủ nghĩa toàn cầu”, theo một quan chức chính quyền trong phòng họp cho biết.
Đó là một lập luận quen thuộc của Navarro, cố vấn thương mại hàng đầu của ông Trump, người đã dành ba năm qua để thổi bùng bản năng tự vệ của tổng thống và khích lệ ông bắt đầu một cuộc trừng phạt thương mại với Trung Quốc. Những cảnh báo đen tối của ông Navarro về tham vọng của Trung Quốc và mối đe dọa đối với nước Mỹ đã thôi thúc tổng thống Trump sử dụng hàng rào thuế quan, vượt qua sự phản đối của các cố vấn cấp cao khác.
Tuy nhiên, lần này, ông Trump đã không bị thuyết phục. Khi cuộc bầu cử năm 2020 đang đến gần, ông Trump đã bỏ qua những lo ngại của ông Navarro, để lựa chọn một thỏa thuận ban đầu với Trung Quốc, giảm một số thuế đối với hàng hóa Trung Quốc để đổi lấy cam kết từ Bắc Kinh mua thêm sản phẩm của Mỹ và một loạt lời hứa để giải quyết những vấn đề quan ngại.
“Thỏa thuận với Trung Quốc là một thỏa thuận lớn,” ông Trump nói trong một sự kiện tại Nhà Trắng vào tuần trước, và nói thêm: “Không, tôi không phải là người theo chủ nghĩa toàn cầu”.
Ông Navarro từ chối bình luận về cuộc họp. “Những gì xảy ra trong phòng Oval nên ở lại trong phòng Oval, cả về sự tôn nghiêm và an ninh của các cuộc thảo luận nội bộ và vì lợi ích của đất nước”, ông Navarro nói.
Trong suốt ba năm, ông Navarro, 70 tuổi, một chiến binh thương mại của ông Trump, đã thúc đẩy Tổng thống xé bỏ các thỏa thuận thương mại trước đây, viết lại chúng để chúng có lợi hơn cho người lao động Mỹ. Là một học giả có ít kinh nghiệm về chính phủ hoặc doanh nghiệp trước đây, ông Navarro đã tạo ra ảnh hưởng to lớn đối với chính sách thương mại của Hoa Kỳ khi có cùng lập trường với Tổng thống về phản đối toàn cầu hóa và tin rằng Trung Quốc đã cướp bóc của người Mỹ khi mà người Mỹ dường như đã bị bịt mắt.
Các chuyên gia về Trung Quốc có xu hướng xem Navarro là một người cực đoan. Ngay cả các đồng nghiệp của ông cũng đã va chạm với cách tiếp cận mạnh mẽ của ông đối với Trung Quốc và đôi khi đã cố gắng ngăn chặn Navarro tiếp cận Tổng thống.
Tuy nhiên, suy nghĩ của ông Navarro đã trở nên có ảnh hưởng sâu sắc. Ngay cả những người từng không đồng ý với ông về chính sách kinh tế đối với Trung Quốc đã ngày càng tin tưởng ông vì đã dẫn hướng các tranh luận chính trị.
“Đối với tất cả những lời chỉ trích mà ông nhận được từ cánh thương mại tự do của Đảng Cộng hòa, ông là một trong những người đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo về Trung Quốc nhiều năm trước”, ông Stephen Moore, một nhà kinh tế của Quỹ Di sản, người cũng đã tư vấn cho chiến dịch năm 2016 của ông Trump. “Bây giờ tôi nghĩ rằng nhiều người hơn, bao gồm cả bản thân tôi, nhận ra rằng các chính sách thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc là thực sự đắt đỏ và nguy hại về kinh tế.”
Navarro có vị thế quyền lực trong Nhà Trắng và thường tham dự các sự kiện lớn, bao gồm cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Buenos Aires năm 2018 (ảnh: NYT).
Luôn tìm cách kiềm chế Trung Quốc
Với việc ông Trump hoàn tất các thỏa thuận thương mại mới với Canada, Mexico, Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Navarro đã ở một ngã rẽ – “chiến binh thương mại” đang tìm kiếm một cuộc chiến mới.
Ông Navarro đã thực hiện các dự án nhằm kiềm chế sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, bao gồm các nỗ lực tăng cường kiểm tra các gói hàng của Trung Quốc tại các cảng và đàm phán lại phí bưu chính của Trung Quốc. Giới diều hâu tin rằng lịch sử lâu dài của chính phủ Trung Quốc về trốn tránh những cam kết kinh tế sẽ là chứng cứ cho sự mất lòng tin của người Mỹ vào một thỏa thuận mà ít làm thay đổi hành vi của Trung Quốc ở quê nhà.
Greg Autry, giáo sư tại Trường Kinh doanh Marshall của Đại học Nam California và là đồng tác giả với Navarro trong cuốn sách “Chết bởi Trung Quốc”, nói: “Tôi sẽ rất hoài nghi về bất kỳ thỏa thuận quan trọng nào mà họ thực hiện”, “Nếu bạn dành thời gian quan sát người Trung Quốc, bạn sẽ hiểu rằng họ không tôn trọng các thỏa thuận của họ”.
Quan điểm của Navarro bước vào quỹ đạo của ông Trump như thế nào không thể dự đoán chính xác. Một giáo sư kinh doanh tại Đại học California, Irvine, cho biết: Ông Navarro đã từng chạy đua và thua năm cuộc bầu cử với tư cách là một thành viên tiến bộ của đảng Dân chủ – gồm cả các cuộc bỏ phiếu không thành công cho chức thị trưởng San Diego và Hạt bầu cử thứ 49 của California.
Tiếp tục sự nghiệp chính trị, Navarro giảng dạy và viết sách về kinh doanh và đầu tư. Nhưng chẳng bao lâu, sự chú ý của ông đã chuyển sang Trung Quốc và các tập quán thương mại của nó, điều mà nhiều thành viên đảng Dân chủ nghiêng về phía cánh tả, bao gồm cả các nhà lãnh đạo lao động, được tin là đã làm khánh kiệt việc làm của Mỹ.
Sự hoài nghi của ông Navarro, lần đầu nổi lên vào những năm 1970 khi ông còn là một tình nguyện viên của Quân đoàn Hòa bình (Peace Corp) xây dựng và sửa chữa những ao cá ở Thái Lan. Ông đã đi du lịch nhiều nơi ở châu Á và quan sát thấy những ảnh hưởng tiêu cực của Trung Quốc đối với nền kinh tế của các nước láng giềng. Ông ngày càng chỉ trích về cách thức hoạt động thương mại của Trung Quốc tác động đến Hoa Kỳ sau khi nước  này được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, đặc biệt khi nhiều sinh viên ngành kinh doanh của ông phàn nàn về việc mất việc làm do cạnh tranh từ Trung Quốc.
Quan điểm của ông Navarro đã sớm trở nên cứng rắn và ông bắt đầu xuất bản một loạt các ý kiến ​​chống Trung Quốc, bao gồm cả “Những cuộc chiến Trung Quốc sắp tới – Coming China Wars,” cuốn sách mà ông Trump năm 2011 liệt kê là một trong những cuốn sách yêu thích của ông về Trung Quốc, cùng với cuốn “Chết bởi Trung Quốc – Death By China”.
Trong những cuốn sách đó và những phim tài liệu đi kèm, ông Navarro và ông Autry đã chọc tức Trung Quốc khi phơi bày những hành vi kinh tế vô đạo đức và sản xuất các sản phẩm chết người, như đồ lót dễ cháy và Viagra giả. Họ cũng kết tội các công ty đa quốc gia như Walmart vì đã sử dụng Trung Quốc để lấy nguồn hàng giá rẻ khiến các nhà sản xuất Mỹ không còn đất hoạt động.
Quan điểm của ông Navarro đã thu hút sự chú ý của ứng cử viên Donald J. Trump, người đã chia sẻ ý kiến tương tự về tác động của Trung Quốc đối với nền sản xuất của Mỹ và đang tìm kiếm các chuyên gia có quan điểm khác thường phù hợp với ông. Ông Navarro đã tham gia chiến dịch với tư cách là cố vấn kinh tế vào năm 2016 và nhanh chóng nhận được sự tin tưởng của ông Trump, ông gọi Navarro là “người đàn ông thép của tôi về Trung Quốc”.
“Toàn bộ triết lý của tôi trong cuộc sống và trong công việc là theo cách trượt băng của Gretzky – trượt đến nơi nó cần đến, dự đoán những vấn đề mà Tổng thống sẽ muốn giải quyết, và giải quyết chúng,” ông Navarro nói trong một cuộc phỏng vấn .
Gia nhập Nhà Trắng, ông Navarro đã đệ trình nhiều hành động thương mại quyết đoán được viết và sẵn sàng chờ chữ ký của Tổng thống, bao gồm cả chỉ thị rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA. Nhưng sự phản đối từ các cố vấn khác, bao gồm Gary D. Cohn, người từng đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia, đã giữ tay Tổng thống.
Trong nhiều tháng, có vẻ như ông Cohn và các đồng minh đã thành công trong việc làm mờ nhạt vai trò của ông Navarro – chặn ít nhất ba nỗ lực để kích hoạt quy trình rút NAFTA, cũng như một chỉ thị trước đó để áp thuế thép và rút khỏi hiệp định thương mại của Hàn Quốc .
Ông Navarro và đôi khi cả Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, sẽ đề xuất thuế quan, cho rằng chúng sẽ bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước, chứng tỏ Tổng thống rất nghiêm túc trong việc đảo ngược các hiệp định thương mại bất công và tăng nguồn thu. Trong khi đó ông Cohn, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và cựu thư ký Rob Porter thường xuyên hoài nghi những lập luận đó, nói rằng thuế quan sẽ gây tổn hại cho các doanh nghiệp, thị trường chứng khoán và những cơ hội tái đắc cử của Tổng thống.
Để giúp giải quyết vụ việc của mình, ông Navarro đã lập một biểu đồ đỏ – đen – vàng phác thảo về “Các hành vi, chính sách và thực tiễn xâm lược kinh tế của Trung Quốc”, bao gồm cả tội phạm mạng và trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. Ông Navarro cảnh báo ông Trump rằng Trung Quốc đã có lịch sử hứa – và thất hứa – từ lâu, ông nói rằng thuế quan là cách hiệu quả nhất để buộc Bắc Kinh thay đổi và tu chỉnh hành vi của họ.
Vào năm 2018, ông Trump đã sẵn sàng để hành động, và tầm nhìn đối đầu của Navarro với Trung Quốc đã được hiện thực hóa. Thuế 25% ban đầu đối với 34 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc vào tháng 7/2018 đã nhanh chóng leo thang lên mức thuế đối với 360 tỷ đô la sản phẩm cùng với đe dọa đánh thuế gần như mọi sản phẩm của Trung Quốc.
Áp lực kinh tế buộc Bắc Kinh lên bàn đàm phán nhưng cuối cùng ông Trump đã đồng ý với thỏa thuận giai đoạn 1, cắt giảm một số thuế quan và loại bỏ đe dọa về đợt thuế bổ sung để đổi lấy việc Trung Quốc mua thêm hàng nông sản và cho phép các công ty Mỹ tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc. Hầu như không có thay đổi cấu trúc chế độ lớn nào mà ông Navarro đã thúc đẩy được đưa vào thỏa thuận Giai đoạn 1. Ông Trump đã nói rằng những điều đó sẽ được giải quyết trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Trung Quốc, và nhiều mức thuế mà ông Navarro khuyến nghị sẽ luôn sẵn sàng.
Ông Navarro đã tìm ra những cách khác để chống lại Trung Quốc. Đầu năm nay, ông đã tiến hành thành công cuộc chiến chống lại một hiệp ước bưu chính toàn cầu, cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc vận chuyển các gói hàng quốc tế với mức giá rẻ hơn nhiều so với Hoa Kỳ.
Ông đã giúp tăng cường kiểm tra hải quan các gói hàng của Trung Quốc để trấn áp hàng giả trực tuyến và tham gia vào một dự án để hồi sinh các nhà máy đóng tàu của Mỹ. Đầu năm nay, khi các giám đốc điều hành của Crowley Maritime Corp nói với ông Navarro rằng Hải quân đang trong quá trình mua một tàu vận tải từ Trung Quốc mà sẽ được cải biến theo thông số kỹ thuật của Mỹ, ông Navarro đã can thiệp để phá thầu.
Ông đã coi văn phòng của mình giống như một đơn vị lực lượng đặc biệt trong bộ máy liên bang. “Với một văn phòng nhỏ, tôi đã sớm biết sức mạnh thực sự của việc phục vụ Nhà Trắng,” ông nói. “Bạn không cần một bộ máy to lớn. Tất cả những gì bạn cần là sự gọn gàng, ngăn nắp và đủ nhanh nhẹn để khai thác các nguồn lực của cơ quan cho tổng thống và chương trình nghị sự của ông ấy.”
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32371-chien-binh-thuong-mai-cua-tong-thong-my-khong-muon-dan-hoa-voi-tq.html

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung:

Hơn 1 năm giằng co và cái kết bỏ ngỏ

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã vượt qua biên giới hai nước, tác động đến nền kinh tế toàn cầu, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Ngày 6/7/2018, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức “khai hỏa” chiến tranh thương mại với Trung Quốc bằng việc áp thuế quan 25% đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc thiết bị điện tử và công nghệ cao.
Phía Trung Quốc đã lập tức đáp trả bằng cách áp thuế tương ứng 34 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, chủ yếu là các mặt hàng nông sản. Tiếp theo đó là một loạt các đợt áp thuế và trả đũa đến từ cả hai bên. Từ thời điểm đó đến nay, cuộc đối đầu “không khoan nhượng” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã vượt qua biên giới hai nước, tác động đến nền kinh tế toàn cầu, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Cuộc chiến cả 2 bên đều thua
Các nhà kinh tế cho biết, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là tình huống “thua đều” cho cả hai quốc gia và nó sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn nếu các bên không đạt được thỏa thuận. Chiến tranh thương mại kéo dài suốt 18 tháng qua, nhưng đến nay chưa có bất cứ bên nào giành được lợi thế thực sự trước đối phương và không nước nào thu được thành quả đủ lớn để bù đắp cho tổn thất của nền kinh tế.
Về mặt chính trị, Tổng thống Trump có thể “vỗ ngực” tự hào rằng Trung Quốc đã mất nhiều hơn so với Mỹ. So sánh dữ liệu thương mại của 9 tháng đầu năm 2019 với thời điểm cùng kỳ năm 2018, giá trị hàng hóa Mỹ nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 53 tỷ USD, ngược lại xuất khẩu chỉ giảm 14,5 tỷ USD. Tuy nhiên lượng xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Trung Quốc ít hơn nhiều so với nhập khẩu, vì vậy việc sụt giảm trong xuất khẩu là không đáng kể. Trong khi đó, xuất khẩu hàng nông sản của Mỹ giảm 2 tỷ USD. Xuất khẩu thiết bị vận tải giảm 5,8 tỷ USD.
Một phân tích khác của Liên Hợp Quốc cho thấy, người tiêu dùng và các công ty nhập khẩu tại Mỹ đang phải chịu gánh nặng lớn từ mức thuế mà Washington áp với Bắc Kinh bởi giá cả các mặt hàng nhập khẩu đã bị đẩy lên cao hơn. “Người tiêu dùng Mỹ đang phải trả cho thuế quan với mức giá cao hơn. Các nhà nhập khẩu sản phẩm trung gian, chẳng hạn như những công ty nhập khẩu linh kiện và phụ tùng từ Trung Quốc cũng chịu chung số phận”, Alessandro Nicita, nhà kinh tế học tại Diễn đàn Liên Hợp Quốc về Phát triển và Thương mại (UNCTAD) đánh giá. Tuy nhiên, nông dân Mỹ mới là nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Khi cuộc chiến thương mại leo thang, nhiều công ty Trung Quốc đã ngừng mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Điều này khiến nông dân Mỹ mất đi thị trường lớn, bị cắt giảm phần lớn doanh thu và phải xin trợ cấp từ chính phủ.
Về phần mình, Trung Quốc cũng chịu thiệt hại đáng kể bởi trước khi chiến tranh thương mại nổ ra, Bắc Kinh đã phải vật lộn với những thách thức về kinh tế. Theo đánh giá, tăng trưởng GDP quý II năm nay của Trung Quốc là 6,2%, mức thấp nhất kể từ khi chính phủ nước này công bố số liệu hàng quý vào năm 1992. Còn theo tính toán của UNCTAD, Trung Quốc đã chịu thiệt hại 35 tỷ USD vì thương chiến trong nửa đầu năm 2019. Ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là thiết bị liên lạc và máy móc văn phòng, với giá trị xuất khẩu sang Mỹ giảm 15 tỷ USD. Chưa dừng lại ở đó, nhiều công ty nước ngoài
đang có ý định chuyển nhà máy sản xuất tại Trung Quốc sang một quốc gia thứ 3 để mở rộng nguồn cung ứng, tận dụng giá nhân công rẻ và tránh thuế quan.
Nhiều “ông lớn” công nghệ bị cuốn vào vòng xoáy đối đầu
Các ông lớn trong lĩnh vực công nghệ như Apple, Huawei không tránh khỏi bị liên lụy. Từ lâu, chính phủ Mỹ đã có “thành kiến” đối với Huawei, cáo buộc công ty này sản xuất các thiết bị điện tử và viễn thông phục vụ cho mục đích gián điệp. Khi chiến tranh thương mại tăng nhiệt, Mỹ đã liệt Huawei vào danh sách đen với lý do đe dọa an ninh quốc gia và vận động các đồng minh, chủ yếu là những nước phương Tây không sử dụng sản phẩm của công ty này. Do lệnh cấm của Mỹ, nhiều tập đoàn lớn như Google, Intel hay Qualcomm đã hạn chế các giao dịch kinh doanh với Huawei.
Mặc dù là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, Huawei vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp linh kiện của Mỹ, bởi vậy quyết định nói trên khiến công ty này tổn thất nghiệm trọng.
Không chỉ riêng Huawei mà Apple – tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ cũng bị “thiệt đơn thiệt kép”. Doanh số của Apple trên thị trường Trung Quốc đã bị sụt giảm mạnh. Hơn nữa, các sản phẩm của tập đoàn này còn phải chịu thuế nhập khẩu của Mỹ bởi dù được thiết kế tại Mỹ nhưng phần lớn quá trình lắp ráp, sản xuất và hoàn thiện sản phẩm đều được thực hiện tại Trung Quốc.
Những hệ lụy khó lường
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu trong suốt 18 tháng qua và gây bất an cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo các nhà phân tích, Mỹ và Trung Quốc là các bên chịu hệ lụy trực tiếp, nhưng ảnh hưởng của cuộc chiến còn vươn xa hơn với tác động dây chuyền lan tỏa.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra rằng, chính sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung là yếu tố góp phần vào “suy yếu đáng kể của phát triển toàn cầu”. Bên cạnh đó, cuộc chiến này còn làm giảm niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ, gây gián đoạn hoạt động giao thương của các tập đoàn công nghiệp lớn ở châu Á và ảnh hưởng đến những nhà máy có định hướng xuất khẩu tại Châu Âu. Thuế quan đang gây áp lực gia tăng chi phí đối với các công ty đa quốc gia, buộc những công ty này phải tìm cách bù đắp khoản thua lỗ. Hơn nữa, sự không chắc chắn về triển vọng đàm phán Mỹ – Trung cũng gây khó khăn cho các nhà quản lý khi lên kế hoạch kinh doanh.
Qua khảo sát các nhà quản lý mảng kinh doanh tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia cho thấy, đã có sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất tại những quốc gia này vào tháng 8 vừa qua. Tại châu Âu, sự sụt giảm sản xuất được thể hiện rõ nét tại Đức – một trong những nhà cung cấp máy móc và thiệt bị hàng đầu thế giới. Tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới Morgan Stanley cảnh báo, nền kinh tế toàn cầu có thể bị suy thoái nghiêm trọng nếu Trung Quốc và Mỹ tiếp tục trả đũa lẫn nhau.
Nguy hiểm hơn, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn dễ làm bùng nổ chiến tranh tiền tệ. Để đối phó với các đòn thuế quan của Mỹ, Trung Quốc đã áp dụng chính sách hạ giá đồng nhân dân tệ. Vào tháng 8 vừa qua, Bắc Kinh cho phép đồng nhân dân tệ giảm sâu với tỷ giá tham chiếu là 7 CNY/1 USD. Động thái của Trung Quốc làm dấy lên nỗi ám ảnh về một cuộc chiến tranh tiền tệ, nơi các nước lớn đua nhau phá giá đồng tiền của mình.
Thỏa thuận đột phá, gỡ nút thắt cho chiến tranh thương mại
Xét trên quan điểm chính trị, chưa thể phân định rõ thắng thua trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Tuy nhiên, xét về kinh tế, cả Bắc Kinh và Washington  đều thiệt hại nghiêm trọng và đây có lẽ là lý do khiến 2 bên tích cực nối lại đàm phán nửa cuối năm 2019.
Ngày 13/12, Mỹ và Trung Quốc thông báo đã đạt được sự đồng thuận về thỏa thuận giai đoạn 1 để bắt đầu giảm leo thang cuộc chiến thương mại. Trong khuôn khổ thỏa thuận, Tổng thống Trump đã dừng kế hoạch tăng thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đáng ra sẽ được thực hiện từ ngày 15/12 và giảm mức thuế từ 15% xuống còn 7,5% đối với 120 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc cam kết mua 50 tỷ USD hàng nông sản của Mỹ.
Giới phân tích cho rằng thỏa thuận này tạm thời xóa bỏ lo ngại leo thang căng thẳng hơn nữa trong cuộc chiến thương mại nhưng không giải quyết được căn nguyên chính của xung đột giữa hai nước. Cam kết mua thêm hàng nông sản của Trung Quốc là tin tức đáng hoan nghênh nhưng hiện tại, Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra lộ trình cụ thể để thực hiện cam kết của nước này, chẳng hạn các chi tiết về thời gian, giá cả, hàng hóa…
Bên cạnh đó, thỏa thuận hiện tại chỉ giúp giải quyết một số khiếu nại của Mỹ đối với Trung Quốc, trong khi những yêu cầu còn lại được dự đoán sẽ khó khăn hơn nhiều. Nói rộng ra,Washington muốn Bắc Kinh thực hiện các bước để loại bỏ thặng dư thương mại song phương đang ở mức cao, loại bỏ quy định
chuyển giao công nghệ bắt buộc và chấm dứt những hành vi thương mại khác mà Mỹ cho là thiếu công bằng. Những yêu cầu này không thể được thực hiện chỉ trong một sớm một chiều.
Hơn nữa, cả Mỹ và Trung Quốc mới chỉ đạt được thỏa thuận “về mặt nguyên tắc”, nghĩa là chưa có giấy tờ cụ thể được ký kết và cả 2 bên có thể rút lại bất cứ lúc nào. Một số ý kiến cho rằng nếu các bên không nỗ lực hơn nữa trong thu hẹp bất đồng thỏa thuận “giai đoạn 1” nhiều khả năng “chết yểu” như thỏa thuận đình chiến thương mại mà Mỹ và Trung Quốc đạt được vào tháng 10/2019.
Theo dự đoán của giới chuyên gia, chiến tranh thương mại Mỹ- chưa thể kết thúc sớm, mà có khả năng kéo dài đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Giám đốc điều hành của Quỹ tiền tệ quốc tế, ông Kristalina Georgieva cảnh báo, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc có thể khiến các nền kinh tế thế giới thiệt hại 700 tỷ USD vào năm 2020
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32368-chien-tranh-thuong-mai-my-trung-hon-1-nam-giang-co-va-cai-ket-bo-ngo.html

Quan sát Cuộc sống Đó đây

Hồ sơ Mỹ – Triều đang có những kênh liên lạc “mở”

Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien cho biết, vẫn đang có những đường dây liên lạc mở giữa Mỹ và Triều Tiên.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien hôm nay (29/12) cho biết, Mỹ đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Triều Tiên, trong bối cảnh hạn chót Bình Nhưỡng đưa ra cho Mỹ để thay đổi quan điểm đàm phán sắp kết thúc. Tuy nhiên, ông O’Brien khẳng định, vẫn đang có những đường dây liên lạc mở giữa 2 quốc gia.
Vị quan chức Mỹ cho biết thêm, Mỹ luôn mong muốn Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, từng đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều đầu tiên tại Singapore. Ngược lại, Washington sẽ rất thất vọng nếu Triều Tiên những ngày tới tiến hành thử tên lửa đạn đạo tầm xa hoặc hạt nhân.
Ông O’Brien khẳng định, Mỹ – 1 cường quốc số 1 về quân sự và kinh tế, sẽ có “mọi công cụ” để đáp trả các vụ thử của Triều Tiên nếu nó diễn ra.
Cùng ngày, Trang chuyên theo dõi các hoạt động hàng không Aircraft Spots cho biết, Mỹ đã ngừng hoạt động bay giám sát xung quanh Bán đảo Triều Tiên trong ngày hôm nay. Nguồn tin cho biết, đây là lần đầu tiên trong gần 5 ngày qua không có máy bay do tham Mỹ hoạt động phía trên vùng biển ngoài khơi Hàn Quốc.
Trước đó,  Mỹ đã tiến hành hoạt động bay giám sát trên Biển Nhật Bản từ ngày 24-28/12 – động thái được cho là để theo dõi những hành động của Triều Tiên trong dịp lễ Giáng sinh. Các hoạt động do thám của Mỹ nhằm đề phòng món quà Giáng sinh Triều Tiên cảnh báo gửi tặng, cùng 1 “ngã rẽ mới” cho vấn đề hạt nhân của nước này
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32370-quan-sat-cuoc-song-do-day-ho-so-my-trieu-dang-co-nhung-kenh-lien-lac-mo.html

Mỹ tiếp tục

tiến hành các phi vụ giám sát Bắc Triều Tiên

Mai Vân
Bất chấp các thông điệp đe dọa của Bình Nhưỡng, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục cho phi cơ do thám theo dõi tình hình Bắc Triều Tiên. Theo trang theo dõi hoạt động hàng không Aircraft Spots vào hôm nay, 30/12/2019, Mỹ đã triển khai một máy bay giám sát khác đến hoạt động trên bầu trời bán đảo Triều Tiên, Đây là phi vụ mới nhất trong một loạt các hoạt động nhằm phát hiện sớm các hành động khiêu khích mà Bình Nhưỡng có thể tiến hành như phóng tên lửa tầm xa.
Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, báo cáo của Aircraft Spots cho biết là một chiếc RC-135W Rivet Joint của Không Quân Mỹ đã được phát hiện ở độ cao 31.000 feet (9,4 km) trên bầu trời Hàn Quốc. Vào hôm qua, 29/12, một chiếc máy bay do thám E-8C cũng đã bay trên không phận Hàn Quốc độ cao 31.000 feet.
Tuy nhiên, Aircraft Spots không còn phát hiện ra tín hiệu của chiếc RC-135S Cobra Ball, vốn đã thực hiện các phi vụ giám sát quanh bán đảo Triều Tiên trong năm ngày liên tiếp, từ ngày 24 đến 28 tháng 12.
Theo hãng Yonhap, Mỹ như vậy vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ các động thái của Bắc Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng đã cảnh báo rằng họ sẽ có “hướng đi mới” nêu Washington không đưa ra một đề nghị mới trong các cuộc đàm phán hạt nhân trước cuối năm nay.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un được cho là ​​sẽ có bài phát biểu nhân dịp năm mới, trong đó ông có thể công bố một sự thay đổi quan trọng trên hồ sơ phi hạt nhân hóa và các vấn đề ngoại giao khác.
Tại Washington, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã cảnh cáo Bắc Triều Tiên rằng Washington có rất nhiều công cụ để đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích nghiêm trọng nào của Bình Nhưỡng và sẵn sàng sử dụng các phương tiện này nếu cần.
Hội Đồng Bảo An bàn tiếp về đề nghị dỡ bỏ trừng phạt Bình Nhưỡng
Trong lãnh vực ngoại giao, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào hôm nay, 30/12, có kế hoạch mở một phiên họp không chính thức để thảo luận lần thứ hai về đề nghị của Nga và Trung Quốc, muốn dỡ bỏ một loạt các biện pháp trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên.
Theo hãng tin Anh Reuters, đề nghị của Mátxcơva và Bắc Kinh có rất ít hậu thuẫn trong số 15 thành viên Hội Đồng Bảo An.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191230-m%E1%BB%B9-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-ti%E1%BA%BFn-h%C3%A0ng-c%C3%A1c-phi-v%E1%BB%A5-gi%C3%A1m-s%C3%A1t-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn

Irak và Syria: Mỹ oanh kích

vào 5 vị trí của phe thân Iran để trả đũa

Mai Vân
Quân đội Mỹ vào hôm qua, 29/12/2019, đã tiến hành một loạt phi vụ oanh kích ở Irak và Syria, nhắm vào lực lượng Hezbollah thân Iran. Chiến dịch được tung ra sau một vụ pháo kích bằng rocket ở phía bắc Bagdad, làm một lính Mỹ thiệt mạng hôm thứ Sáu 27/12 vừa qua. Chiến dịch hôm qua đã sát hại 19 người trong lực lượng Hezbollah. Bộ Quốc Phòng Mỹ hoan nghênh chiến dịch trả đũa thành công.
Thông tín viên RFI, tại New York, Loubna Anaki tường thuật :
“Các đợt không kích do chiến đấu cơ Mỹ thực hiện đã nhắm vào 3 địa điểm ở Irak và hai ở Syria. Theo Lầu Năm Góc, những nơi bị oanh kích đều có căn cứ và kho vũ khí của của lực lượng gọi là lữ đoàn của Hezbollah, được Iran yểm trợ. Hơn một chục chiến binh trong lực lượng đã bị chết hoặc bị thương.
Chiến dịch đã được tổng thống Mỹ phê chuẩn vào hôm thứ Bảy sau khi một căn cứ ở Irak có lực lượng Mỹ đồn trú bị tấn công: 36 quả rocket đã rơi xuống địa điểm này gần Kirkouk phía bắc Bagdad, giết chết một nhân viên người Mỹ và làm bị thương 6 người lính.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết là đợt oanh kích hôm Chủ Nhật chỉ là bước khởi đầu, nếu lực lượng thân Iran không chấm dứt các cuộc tấn công. Lời cảnh cáo của Mỹ đã không ngăn chặn được 4 quả rocket khác bắn vào một căn cứ khác có lính Mỹ trú đóng.
Những vụ tấn công nhắm vào các cơ sở có người Mỹ đã diễn ra từ nhiều tuần lễ qua ở Irak : 11 cuộc tấn công trong vòng 2 tháng.
Ngay cả đại sứ quán Mỹ nằm trong khu vực xanh ở Bagdad, nơi mà an ninh cực kỳ chặt chẽ, cũng đã bị nhắm.
Cách đây vài tuần, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã cảnh cáo là Iran sẽ phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công do các nhóm vũ trang có liên hệ với chế độ tiến hành.”
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191230-irak-v%C3%A0-syria-m%E1%BB%B9-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-5-v%E1%BB%8B-tr%C3%AD-c%E1%BB%A7a-phe-th%C3%A2n-iran-%C4%91%E1%BB%83-tr%E1%BA%A3-%C4%91%C5%A9a-v%E1%BB%A5-m%E1%BB%99t-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-m%E1%BB%B9-t%E1%BB%AD-

Tổng thống Trump chia sẻ rồi xóa dòng Tweet

tiết lộ tên của người tố giác

Tin từ Washington, D.C. – Vào tối thứ Sáu (27 tháng 12), Tổng Thống Trump đã chia sẻ trên Twitter, nhưng sau đó xóa đi, một bài đăng tiết lộ tên của người tố giác – vốn là tác nhân chính dẫn đến cuộc luận tội Tổng Thống Trump tại Hạ Viện. Vào tối thứ sáu, Tổng Thống chia sẻ tweet của tài khoản @surfermom77 với nội dung nêu tên của người tố giác và cáo buộc người này đã đưa ra những lời khai sai sự thật. Tuy nhiên, đến sáng thứ bảy (ngày 28 tháng 12), dòng tweet này đã bị xóa. Trong nhiều tháng qua, Tổng Thống Trump đã đe dọa tiết lộ danh tính của người tố giác, lập luận rằng tổng thống muốn đối mặt trực tiếp với người đã đệ đơn khiếu nại. Trong vài ngày qua, Tổng Thống cũng tiến gần hơn đến việc tiết lộ danh tính của người này. Vào tối thứ năm (ngày 26 tháng 12), tổng thống chia sẻ một bài báo của tờ Washington Examiner có nhắc đến tên của người tố giác. Cho đến nay, danh tính của người này đã được giữ bí mật vì luật bảo vệ người tố giác, để bảo vệ cho những người đưa ra các cáo buộc về hành vi sai trái của chính phủ. Những người ủng hộ nói rằng sự ẩn danh này rất quan trọng, vì nó bảo vệ những người tố giác khỏi sự trả thù và khuyến khích những người khác lên tiếng vì lẽ phải. Tuy nhiên, Tổng Thống Trump và các đồng minh cho rằng luật bảo vệ nói trên không cấm tiết lộ danh tính của người tố giác.
Luật liên bang chỉ cung cấp sự bảo vệ hạn chế cho những người trong cộng đồng tình báo báo cáo những hành động sai trái của chính phủ và những người trong cộng đồng tình báo thậm chí còn có ít sự bảo vệ hơn so với các đồng nghiệp của họ trong các cơ quan khác. Đạo luật Intelligence Community Whistleblower Protection Act năm 1998 đã không nêu chi tiết về sự bảo vệ nào đối với những người tố giác khỏi việc bị trả thù – thay vào đó chỉ mô tả quá trình để đệ đơn khiếu nại.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-chia-se-roi-xoa-dong-tweet-tiet-lo-ten-cua-nguoi-to-giac/

Cuộc tấn công đẫm máu tại nhà giáo sĩ Do Thái

ở thị trấn Monsey

Tin từ New York – Tối thứ bảy (28/12), trong lễ Hanukkah tại nhà của một giáo sĩ ở ngoại ô thành phố New York đã xảy ra một cuộc tấn công giết người hàng loạt. Các viên chức tuyên bố sẽ nỗ lực ngăn chặn bạo lực. Hung thủ đột ngột xông vào nhà và dùng dao phay đâm nhiều người ở Monsey, sau đó bỏ trốn. Vụ thảm sát xảy ra giữa lúc những cuộc tấn công bài trừ Do Thái gia tăng thời gian gần đây ở khắp New York.
Cảnh sát trưởng Ramapo Brad Weidel nói với AP rằng những người bị thương đã được đưa đến bệnh viện địa phương để điều trị. Theo Foxnews đưa tin, hiện chưa có thông tin về mức độ nghiêm trọng của thương vong. Trong số các nhóm lên án vụ tấn công có Liên minh Do Thái Cộng hòa. Liên minh Do Thái Cộng hòa lên án các nhà cầm quyền ở New York không có đủ biện pháp để bảo vệ công dân Do
Thái ở đây. Văn phòng chống khủng bố của NYPD cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ cuộc tấn công vào thứ bảy tuần này ở Monsey. Liên đoàn chống phỉ báng New York và New Jersey cho biết họ nhận thức được tình hình và đang cử người đến thị trấn. Trong thông báo trên Twitter, Hội đồng Công vụ Do Thái giáo Chính thống (OJPAC) cho biết có 5 người bị đâm, 1 nạn nhân bị đâm 6 nhát, 2 người đang trong tình trạng nguy kịch, đồng thời cho biết sát nhân đã tẩu thoát trên chiếc Nissan Sentra màu xám.
Bộ trưởng tư pháp, thống đốc và thị trưởng thành phố New York cũng lên án gay gắt vụ tấn công trong các bài đăng trên Twitter. Tin giờ chót cho biết nghi can 37 tuổi Grafton Thomas cư dân của thành phố Greenwood Lake, New York đã bị bắt tại Manhattan sau khi tẩu thoát khỏi hiện trường. Hiện nghi can bị giam với 5 cáo cuộc sát nhân và số tiền tại ngoại là $5 triệu Mỹ Kim.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/cuoc-tan-cong-dam-mau-tai-nha-giao-si-do-thai-o-thi-tran-monsey/

Những điểm mới

trong luật kiểm soát súng 2020 của California

Tin từ California – Sang năm 2020, việc mua súng hợp pháp ở California sẽ khó khăn hơn đôi chút. Luật mới bao gồm việc gia hạn thời hạn lệnh cấm mua súng của người phạm luật đang bị lệnh hạn chế. Ngoài ra, người nào phải điều trị tâm thần hơn một lần trong một năm sẽ bị cấm sở hữu súng suốt đời.
Điều luật AB 12 sẽ gia hạn thời hạn một người được phép mua súng lên 5 năm, nếu trước đó họ vi phạm luật kiểm soát súng và nhận lệnh hạn chế. Biện lý quận Ventura cho biết luật mới sẽ giúp cơ quan hành pháp ngăn người gây nguy hiểm cho chính họ hoặc người khác sở hữu súng. Luật cũng sẽ kéo dài thời gian hạn chế để các cơ quan chức năng xác định các vấn đề tâm thần của người vi phạm trước khi đưa ra lệnh hạn chế. Điều luật AB 1968 sẽ cấm một người sở hữu súng suốt đời, nếu như phải điều trị tâm thần ở trung tâm y tế hơn một lần một năm. Tác giả của dự luật, ủy viên hội đồng Evan Low cho biết những người có nguy cơ gây tổn thương cho cá nhân hoặc người khác không nên tiếp cận súng dễ dàng. Điều luật SB 61 sẽ mở rộng việc cấm mua nhiều khẩu súng ngắn mỗi tháng, giờ đây cũng bao gồm cả súng trường bán tự động.
Hội đồng Giám sát quận Ventura đã trích dẫn vụ nổ súng tháng 11/2018 ở quán bar Borderline khiến 12 người thiệt mạng, để nói rằng luật SB 61 sẽ ngăn chặn những thảm kịch tương tự.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/nhung-diem-moi-trong-luat-kiem-soat-sung-2020-cua-california/

Vì sao ngành cần sa hợp pháp ở Canada chưa phát đạt

Robin Levinson-KingBBC News, Toronto
Hơn một năm trước, Canada hợp pháp hóa việc cần sa dùng cho mục đích giải trí. Vậy tại sao nhiều người vẫn tiếp tục mua cần sa ngoài chợ đen?
Khi Canada hợp pháp hóa cần sa cách đây hơn một năm, dường như tất cả những ai ‘có máu mặt’ đều muốn tham gia vào thị trường mới này.
Truyền thông gọi hiện tượng này là “cơn sốt xanh” (green rush) của Canada, với các nhà đầu tư như Snoop Dog và cựu giám đốc cảnh sát Toronto đều háo hức muốn có phần trong ngành công nghiệp hàng tỷ đô la này.
Thế nhưng, giống như cơn sốt vàng thời thập niên năm 1850, sức hấp dẫn của cơn sốt xanh nhanh chóng giảm, khiến các nhà đầu tư chán nản.
Nghề trồng cần sa lậu ở châu Âu và người Việt
Băng đảng Việt bị Anh kết án vì hai tấn cần sa
Trồng cần sa ở Đức có phát triển?
“Chẳng cần phải tài giỏi gì cũng có thể nhận ra rằng cổ phiếu cần sa hợp pháp được giao dịch dựa trên tưởng tượng chứ không phải là dựa trên cơ sở thực tế,” Jonathan Rubin, CEO hãng dịch vụ cung cấp dữ liệu New Leaf Data Services nói.
Với bề dày kinh nghiệp hàng thập kỷ làm việc trong các thị trường hàng hóa năng lượng, ông Rubin nhận ra việc hợp pháp hóa cần sa ở các bang như Colorado và California ở Mỹ (và sau này là Canada) là cơ hội “ngàn năm có một” để kinh doanh một mặt hàng mới toanh.
Thay vì đầu tư vào cần sa, ông Rubin lập ra hãng New Leaf để theo dõi giá cần sa ở các bang mà cần sa giải trí được hợp pháp hóa. Những nhà đầu tư và những người khác trong ngành trả tiền để có được những dữ liệu này.
Mô hình kinh doanh này cho ông Rubin có được quan sát thú vị về thị trường cần sa.
Ở Canada, thị trường cần sa hợp pháp có kết quả đáng thất vọng.
“Nó không đạt được sự phát triển về doanh thu và lợi nhuận như người ta dự tính,” ông nói. “Tôi không muốn nói đó là một thất bại, nhưng chắc chắn là có nhiều điều gây nản lòng.”
Giá bán buôn giảm 17% kể từ khi hãng New Leaf bắt đầu thu thập dữ liệu, thu hẹp lợi nhuận ròng cho các nhà sản xuất cần sa.
Doanh số cũng tụt giảm, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Canada.
Canada chính thức cho phép sử dụng cần sa
Ba thiếu niên Việt được giải cứu khỏi một trại cần sa ở Anh
Điều này dẫn đến dao động lớn trong giá cổ phiếu của các công ty buôn bán cần sa đã lên sàn.
Hồi tháng 5/2018, hãng Canopy Growth của Canada gây nhiều chú ý khi trở thành công ty sản xuất cần sa đầu tiên niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York.
Sáu tháng sau, giá chứng khoán của hãng tăng gấp đôi, lên mức 52,03 USD/cổ phiếu.
Nay, giá chứng khoán tụt trở lại xuống mức ban đầu, và các đối thủ cạnh tranh của hãng cũng bị thua lỗ tương tự.
Nỗi lo ngày một tăng
Đã có những dấu hiệu đáng lo ngại ngay từ đầu.
Ở thời điểm cần sa được hợp pháp hóa vào ngày 17/10/2018, cung không đủ để đáp ứng cầu.
Người sử dụng cần sa phải xếp hàng dài hay chờ rất lâu để nhận được đơn hàng đặt trên mạng. Các nhà sản xuất không biết rõ loại cần sa nào được người dùng chuộng ở địa phương nào, và các nút thắt trong hệ thống phân phối vẫn cần được tháo gỡ.
“Chúng tôi phải tìm hiểu nên trồng giống cần sa nào, dưới dạng nào và số lượng bao nhiêu – chúng tôi làm tốt nhưng không giải quyết được tất cả mọi thứ,” Chủ tịch hãng Canopy Rade Kovacevic nói.
Vì sao các sản phẩm cần sa ngày càng được chuộng?
Nếu muốn hút cần sa mà không bị đuổi việc?
Quy định ở các địa phương cũng khiến cho việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng khó khăn hơn.
Điều này rất rõ ở Ontario, bang đông dân nhất ở Canada.
Thủ tục hành chính và việc hạn chế cấp giấy phép bán lẻ khiến việc triển khai bán cần sa hợp pháp gặp khó khăn ban đầu. Giấy phép kinh doanh bán lẻ được phân phối qua xổ số, và cả tỉnh chỉ có 24 giấy phép, phục vụ cho 14,5 triệu dân.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50947721

Sau 20 năm nắm quyền, hướng đi nào cho ông Putin?

Tính đến ngày 31/12/2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên nắm quyền tròn hai thập kỷ. Hãng tin AP nhận định ông vừa tự hào về những thành tựu của mình nhưng vẫn tỏ ra e ngại về tương lai chính trị – một sự dè dặt làm dấy lên những suy đoán khác nhau về ý định của ông.
Ông Putin ca ngợi sự hồi sinh của nước Nga trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa công nghiệp, xuất khẩu nông nghiệp đang bùng nổ và một quân đội hùng mạnh là những thành tựu trong nhiệm kỳ của ông bắt đầu vào ngày 31/12/1999.
Các nhà phê bình cáo buộc ông Putin đang thực hiện các chính sách giống như thời hậu Xô Viết, trong đó thiết lập sự kiểm soát chặt chẽ đối với tình hình chính trị, hạ uy tín phe đối lập và bóp nghẹt truyền thông.
Họ cáo buộc ông phải chịu trách nhiệm về vụ căng thẳng với phương Tây sau khi Nga sáp nhập Crimea của Ukraina vào năm 2014, một sự kiện giúp ông củng cố sự ủng hộ trong nước nhưng khiến Mỹ và châu Âu tăng cường các lệnh trừng phạt.
Ông Andrei Kolesnikov, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Carnegie Moscow, cho AP biết: “Ông Putin đã ngăn chặn sự phát triển bình thường của Nga như một nền kinh tế thị trường bình thường và một nền dân chủ chính trị bình thường,” và đã biến Nga trở thành “kẻ phá hoại toàn cầu.”
Những người theo dõi điện Kremlin đang cố gắng dự đoán những gì sẽ xảy ra sau khi nhiệm kỳ 6 năm hiện tại của ông Putin kết thúc vào năm 2024. Họ có một điểm chung: ông Putin, nhà lãnh đạo thâm niên nhất của Nga, kể từ thời lãnh tụ độc tài Josef Stalin của Liên Xô, có thể sẽ ở lại cầm quyền.
Ông Putin, 67 tuổi, một người chuyên cần thể dục thể thao, dường như có sức khỏe tốt để để tiếp tục tại vị. Ông thường xuyên luyện tập judo, trượt tuyết và chơi khúc côn cầu trên băng để thể hiện sức mạnh của mình, theo AP.
Ông Putin có thể dễ dàng tận dụng quốc hội như một cơ quan quyền lực bù nhìn để tiếp tục duy trì nhiệm kỳ của ông, nhưng hầu hết các nhà quan sát đều nhận định rằng ông Putin sẽ có “cách tiếp cận đơn giản hơn.”
Đầu tháng này, ông Putin đã gợi ý về những sửa đổi hiến pháp có thể để phân phối lại quyền lực giữa tổng thống, Nội các và quốc hội.
Ông đã không nêu rõ những thay đổi có thể được thực hiện là gì, nhưng tuyên bố này có thể báo hiệu ý định cắt giảm quyền lực của tổng thống và ông tiếp tục cai trị đất nước với tư cách thủ tướng.
Có những khả năng khác. Nhà lãnh đạo lâu năm của Kazakhstan, Nurultan Nazarbayev, đã trở thành hình mẫu trong năm nay khi ông đột ngột từ chức và để thân tín của của ông đắc cử tổng thống trong một cuộc bầu cử sớm. Ông Nazarbayev, 79 tuổi, vẫn duy trì quyền lực với tư cách người đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia.
Ngoài ra, còn có một lựa chọn khác, nhưng kịch tính hơn. Nhiều người ở nước láng giềng nói Kremlin có thể thúc đẩy việc sáp nhập hoàn toàn hai đồng minh trước đây của Liên Xô để cho phép ông Putin trở thành người đứng đầu một nhà nước thống nhất mới.
Gần đây khi được hỏi rằng liệu có đang xem xét việc này, ông Putin đã né tránh câu hỏi. Mỗi một lựa chọn đều ẩn chứa những rủi ro lớn.
Tuyên bố của ông Putin trong tháng này về việc có thể thay đổi hiến pháp để giới hạn chức vụ tổng thống chỉ trong hai nhiệm kỳ được nhìn nhận rộng rãi như là tín hiệu cho thấy ông đang dự tính tạo ra vị trí điều hành mới cho chính mình trong khi giảm quyền lực của người kế nhiệm.
Dù chọn con đường nào, ông Putin khả năng cao sẽ giữ bí mật ý định của mình cho đến phút cuối.
“Sự bất định này có những lợi thế của nó – quý vị có thể để các nhóm lợi ích đấu với nhau, quý vị có thể giữ chân họ trong thế bất định này,” nhà phân tích chính trị tại Moscow, Yekaterina Shulman, cho AP biết.
“Tuy nhiên, việc này không thể kéo dài quá lâu vì nó kích động sự đấu đá trong giới tinh hoa,” bà Shulman cho biết thêm.
Hãng tin Reuters đã điểm lại những nét nổi bật trong 20 năm nắm quyền của ông Putin:
31/12/1999: Tổng thống Boris Yeltsin từ chức do sức khỏe và chỉ định ông Putin làm quyền tổng thống
26/3/2000: Ông Putin thắng cử tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên
3/2004: Putin thắng cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai với hơn 70% phiếu bầu
5/2008: Putin trở thành thủ tướng sau khi ông Dmitry Medvedev, đồng minh của ông, trở thành tổng thống (do hiến pháp quy định một người không thể làm tổng thống hơn hai nhiệm kỳ liên tiếp)
2012: Ông Putin trở lại vị trí tổng thống, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lại với hơn 60% số phiếu sau khi có quyết định gia hạn các nhiệm kỳ tổng thống từ 4 năm lên 6 năm.
19/3/2018: Ông Putin lại giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống và ông sẽ tại vị cho đến năm 2024.
https://www.voatiengviet.com/a/sau-20-nam-nam-quyen-huong-di-nao-cho-ong-putin/5225198.html

Putin cám ơn Trump

về thông tin giúp ngăn chặn khủng bố ở Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 29/12 đã cám ơn người đồng nhiệm Mỹ Donald Trump vì đã chuyển thông tin giúp ngăn chặn “các hành động khủng bố” ở Nga, theo Reuters.
Hãng tin Anh dẫn lại Điện Kremlin nói rằng lời cám ơn của ông Putin được đưa ra trong một cuộc điện đàm.
XEM THÊM:
Putin: ‘Vụ luận tội Tổng thống Trump là bịa đặt’
Tin cho hay, thông tin được chuyển cho phía Nga thông qua các phương thức đặc biệt.
Theo Reuters, Điện Kremlin không đưa ra thêm bất kỳ các chi tiết khác nào khác.
Điện Kremlin nói rằng cả hai nhà lãnh đạo đồng ý tiếp tục quan hệ hợp tác song phương nhằm xử lý vấn đề khủng bố.
https://www.voatiengviet.com/a/%C3%B4ng-putin-c%C3%A1m-%C6%A1n-tt-trump-v%E1%BB%81-th%C3%B4ng-tin-ng%C4%83n-ch%E1%BA%B7n-kh%E1%BB%A7ng-b%E1%BB%91-%E1%BB%9F-nga/5224147.html

Cái giá Nga phải trả khi bán vũ khí cho Trung Quốc

Trọng Nghĩa
Trong những ngày cuối năm 2019, trong một phản ứng bất bình công khai hiếm hoi về quan hệ với Trung Quốc, một quan chức Nga thuộc tập đoàn quốc phòng Rostec đã lên tiếng tố cáo Bắc Kinh sao chép bất hợp pháp hàng loạt những loại vũ khí cùng thiết bị quân sự khác. Đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc bị Nga cáo buộc về tội đánh cắp công nghệ, tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các phản ứng nói trên đã không ngăn cản được đà tăng của các thương vụ bán vũ khí Nga cho Trung Quốc.
Theo tạp chí Nhật Bản Nikkei Asian Review ngày 20/12/2019, trong một tuyên bố gay gắt khác thường hôm 14/12, Yevgeny Livadny, giám đốc phụ trách vấn đề sở hữu trí tuệ thuộc tập đoàn quốc phòng Nga Rostec đã xác định rằng trong vòng gần 20 năm gần đây, việc nước ngoài sao chép trái phép trang thiết bị của Nga là một vấn đề nghiêm trọng.
Trung Quốc bị tố cáo đích danh là kẻ ăn cắp công nghệ vũ khí Nga
Và quan chức Nga này không ngần ngại tố cáo đích danh Trung Quốc : “Đã có 500 trường hợp như vậy trong 17 năm qua. Chỉ riêng Trung Quốc đã sao chép các loại động cơ máy bay, phi cơ Sukhoi, máy bay phản lực dùng trên tàu sân bay, hệ thống phòng không, tên lửa phòng không vác vai và các hệ thống phòng không tầm trung tương tự như hệ thống Pantsir”.
Cáo buộc của Rostec về hành vi sao chép của Trung Quốc được đưa ra vào thời điểm việc buôn bán vũ khí giữa hai nước đang phát triển mạnh.
Theo Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm SIPRI, từ năm 2014 đến 2018, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Trung Quốc, bảo đảm đến 70% lượng vũ khí nhập khẩu của Bắc Kinh.
Ngay cả vũ khí tối tân nhất của Nga cũng được bán cho Trung Quốc, từ hệ thống phòng không S-400 cho đến chiến đấu cơ Su-35.
Cho dù Matxcơva từng lên án Bắc Kinh ăn cắp công nghệ, lượng xuất khẩu vũ khí của Nga sang Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu tuột giảm. Theo giới chuyên gia, những lợi ích địa chính trị và kinh tế đã buộc Nga phải giảm nhẹ tầm mức nghiêm trọng của các hành vi đánh cắp công nghệ mà Trung Quốc tiến hành.
Các biện pháp ngăn chặn của Nga đều vô hiệu
Theo tờ báo Nhật Bản, Trung Quốc từ lâu đã sao chép trái phép nhiều loại vũ khí của Nga, và Matxcơva đã áp dụng một số biện pháp để ngăn chặn việc này nhưng không mấy hiệu nghiệm.
Trong những năm 1990 chẳng hạn, Trung Quốc đã mua các loại vũ khí tiên tiến vào thời ấy của Nga là chiến đấu cơ Su-27 và hệ thống tên lửa S-300. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã nghiên cứu các loại vũ khí này và dùng đó làm mẫu để phát triển loại máy bay chiến đấu J-11 và tên lửa đất đối không HQ-9 của Trung Quốc.
Một ví dụ khác: Tiêm kích J-15 dùng cho hàng không mẫu hạm bị cho là bản sao trái phép của Su-33 Nga.
Hành vi sao chép trắng trợn đó đã buộc Nga phải tìm cách hạn chế việc sao chép công nghệ. Một trong các biện pháp là đòi Trung Quốc phải mua vũ khí với số lượng lớn thay vì chỉ mua một vài mẫu vì việc mua mẫu là dấu hiệu của âm mưu sao chép.
Nga cũng đã đưa vào hợp đồng vũ khí các điều khoản cam kết chống trộm cắp thiết kế, thậm chí còn cố gắng lấy tiền bản quyền từ các bản sao vũ khí Nga của Trung Quốc. Tuy nhiên, những biện pháp này không thực sự hiệu quả, như lời thừa nhận của ông Vadim Kozyulin, đặc trách vấn đề an ninh châu Á tại trung tâm nghiên cứu quốc tế PIR Center ở Nga.
Chính vì quan ngại trước các hành vi đánh cắp công nghệ của Trung Quốc và vào giữa thập niên 2000, Nga đã bắt đầu bớt bán vũ khí cho Trung Quốc. Vào năm 2005 chẳng hạn, Trung Quốc chiếm 60% doanh số vũ khí xuất khẩu của Nga. Qua năm 2012 con số này đã giảm xuống còn 8,7%.
Thế nhưng, sau khi nổ ra khủng hoảng với phương Tây vào năm 2014 về vụ sát nhập vùng Crimée, việc buôn bán vũ khí và hợp tác quân sự giữa Matxcơva và Bắc Kinh đã khởi sắc trở lại.
Bị Trung Quốc đánh cắp, nhưng Mátxcơva phải cam chịu
Hiện nay, Matxcơva được cho là đã chấp nhận việc Trung Quốc sao chép công nghệ của Nga là cái giá không thể tránh khỏi khi làm ăn với Bắc Kinh.
Theo ông Vasily Kashin, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên Cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Nga, thì việc bị đánh cắp công nghệ là một vấn đề chung đối với tất cả các công ty làm ăn với Trung Quốc, nhưng cho đến nay, chưa có một vụ sao chép nào đủ nghiêm trọng để khiến Nga quay lưng lại với một thị trường béo bở như Trung Quốc.
Chuyên gia này còn cho rằng Nga thậm chí còn không cảm thấy bị đe doạ vì Matxcơva vẫn nắm lợi thế công nghệ kể cả khi Trung Quốc “làm nhái” thành công : “Không thể sao chép một số công nghệ trong một khoảng thời gian ngắn, và sao chép công nghệ cũ cũng mất khoảng thời gian ngang với việc phát triển công nghệ mới”.
Do đó, theo ông Kashin : “Chi bằng lấy tiền của Trung Quốc để tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển và cứ để cho Trung Quốc làm bất cứ điều gì họ muốn” với các công nghệ cũ.
Quan hệ đối tác địa chính trị Nga-Trung đang phát triển, cùng nhắm vào các đối thủ chung là Mỹ và đồng minh cũng làm giảm mối lo ngại của Matxcơva về những rủi ro từ phía Bắc Kinh.
Hiểm họa đối với Nga : Bị mất thị trường vũ khí vào tay Trung Quốc
Tuy nhiên, theo báo Nikkei Asian Review, vẫn còn những vấn đề khác, đặc biệt là việc Trung Quốc đang nổi lên thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn, cạnh tranh với Nga nhờ công nghệ vũ khí ăn cắp được và hàng thập kỷ đầu tư mạnh vào quân sự.
Trên vấn đề này, một số nhà phân tích Nga không thấy lo ngại lắm. Ông Andrei Frolov, tổng biên tập báo Arms Exports của Nga giải thích : “Một mặt, Nga lo ngại Trung Quốc sẽ dần dần đẩy Nga ra khỏi thị trường vũ khí truyền thống của mình… Nhưng mặt khác, Trung Quốc có tiền và mong muốn hợp tác, vì vậy đấy có thể là cơ hội để Nga phát triển nhờ có tiền và công nghệ của Trung Quốc”.
Một thách thức khác là làm sao để Trung Quốc vẫn là khách hàng mua vũ khí. Theo ông Vadim Kozyulin, một số tổ hợp công nghiệp quân sự của Trung Quốc đã vượt Nga trong một số lĩnh vực.
“Ngày càng khó có hàng mới để cung cấp cho Trung Quốc. Vì vậy chính sách của Nga lúc này là chuyển từ bán vũ khí sang đồng phát triển”.
Vấn đề là Trung Quốc thích tự sản xuất mọi thứ và chỉ nhập khẩu công nghệ mà thôi.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191230-ca%CC%81i-gia%CC%81-nga-pha%CC%89i-tra%CC%89-khi-ba%CC%81n-vu%CC%83-khi%CC%81-cho-trung-qu%C3%B4%CC%81c

Ukraine và phe ly khai thân Nga

bắt đầu trao đổi tù nhân

Tin từ Kramatorsk, Ukraine – Hôm chủ nhật (29/12), chính quyền Ukraine và phe ly khai được Nga hậu thuẫn ở miền đông nước này bắt đầu một cuộc trao đổi tù nhân. Sự kiện trên xảy ra trong một chiến dịch gây tranh cãi ở Kiev. Cuộc trao đổi trên diễn ra sau khi tổng thống Vladimir Putin và ông Volodymyr Zelensky, nhà lãnh đạo Ukraine tổ chức cuộc hội đàm trực diện đầu tiên tại Paris vào ngày 9/12.
Tại đây, hai nhà lãnh đạo thống nhất một số biện pháp nhằm làm dịu cuộc chiến hiện tại giữa hai nước. Theo tờ Strait Times đưa tin, theo một phần của việc trao đổi, Kiev dự kiến sẽ bàn giao cho phe ly khai một số cảnh sát chống bạo động. Những người này bị nghi ngờ giết hại người biểu tình trong cuộc nổi dậy hồi năm 2014. Theo thông tin được đăng tải trên tài khoản Twitter chính thức của chính quyền tổng thống Ukraine, quá trình trả tự do đã bắt đầu tại trạm kiểm soát Mayorske. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người tham gia vào cuộc trao đổi trên. Một nguồn tin Ukraine cho biết rằng, các bên vẫn đang xác minh danh sách những người được trao đổi. Đại diện của khu vực ly khai Donetsk cho hay, phe ly khai sẽ nhận lại 87 tù nhân, và trao trả 55 người cho Kiev.
Các xe chuyên chở đã di chuyển đến gần làng Odradivka, cách nhà nước Cộng hòa Dân chủ Donetsk tự xưng khoảng 10km, để chuẩn bị cho công cuộc trao trả tù nhân. Vị trí trên được bảo vệ bởi những người đàn ông mặc đồng phục và có trang bị súng máy.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/ukraine-va-phe-ly-khai-than-nga-bat-dau-trao-doi-tu-nhan/

Ukraina: Tranh cãi nổ ra

sau vụ trao đổi tù nhân với phe nổi dậy

Thùy Dương
Vụ trao đổi tổng cộng hơn 200 tù nhân giữa chính quyền Ukraina và phe ly khai thân Nga, đang gây nhiều tranh cãi trong nước. Nhiều người cho là nguyên thủ Ukraina đã trả giá quá đắt khi thả 124 người, kể cả 5 sĩ quan thuộc lực lượng Berkout, bị cho là đã sát hại nhiều người biểu tình Ukraina trong cuộc cách mạng Maidan 2014, để nhận lại chỉ có 76 người, trong đó có 12 quân nhân và 64 thường dân.
Từ Kiev, thông tín viên RFI Stéphane Siohan cho biết thêm chi tiết :
“Có một người Ukraina đặc biệt nhạy cảm về việc bị cầm tù, đó chính là Oleg Sentsov, nhà sản xuất điện ảnh, người đã bị giam cầm suốt 5 năm trong một nhà tù ở Nga.
Được trả tự do hồi tháng 09/2019, Oleg Sentsov hiện nay là một nhà bình luận được rất nhiều người quan tâm lắng nghe. Mặc dù cho đến nay, ở một chừng mực nào đó, Sentsov dường như vẫn tin tưởng vào tổng thống Volodymyr Zelenskiy, nhưng hôm qua, Chủ Nhật, ông đã chỉ trích mạnh cách thức tiến hành vụ trao đổi tù nhân.
Cũng giống như nhiều người Ukraina, nhà sản xuất điện ảnh Oleg Sentsov không hiểu tại sao Kiev thả những người thuộc lực lượng Berkout, những cựu cảnh sát bị nghi ngờ đã phạm tội ác nhưng không hề có liên quan gì đến cuộc chiến ở Donbass.
Oleg Sentsov cũng lấy làm tiếc về việc không có một tù nhân nào có nguồn gốc từ Crimée nằm trong danh sách trao đổi lần này. Ông cũng không hài lòng khi thấy có sự chênh lệch rất lớn về số tù nhân hai bên trao đổi. Số người được phía Ukraina trả tự do nhiều gấp đôi so với số tù nhân được phe nổi dậy thả ra.
Nhìn một cách tổng thể, trong công luận hiện giờ có một hố sâu ngăn cách giữa những người hài lòng, hoan nghênh một quyết định mà họ cho là mang tính nhân văn và cần thiết, với những người cho rằng chính quyền Kiev đã phải đầu hàng trước các điều kiện do Nga áp đặt.”
Trong khi đó, tổng thống Nga Vladimir Poutine và thủ tướng Đức Angela Merkel đều hoan nghênh, gọi đây là một sự kiện “mang tính tích cực”. Theo AFP, trong một thông cáo chung, thủ tướng Đức và
nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron kêu gọi chính quyền Kiev và phe nổi dậy trao đổi “toàn bộ tù nhân có liên quan đến cuộc xung đột” ở miền đông Ukraina.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191230-ukraina-trao-%C4%91%E1%BB%95i-t%C3%B9-nh%C3%A2n-v%E1%BB%9Bi-phe-n%E1%BB%95i-d%E1%BA%ADy-th%C3%A2n-nga-kiev-g%C3%A2y-tranh-c%C3%A3i-trong-n%C6%B0%E1%BB%9Bc

Iran dọa bắn hạ

máy bay do thám tập trận chung với Nga, TQ

Một lãnh đạo cấp cao của quân đội Iran tuyên bố, bất kỳ máy bay do thám nào bị phát hiện tại khu vực đang diễn ra cuộc tập trận của nước này với Nga và Trung Quốc sẽ nhận kết cục thảm khốc.
Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời Chuẩn Đô đốc Habibollah Sayyari, Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang phối hợp của Iran nhấn mạnh: “Nhiều quốc gia chắc chắn đang tìm cách biết việc gì đang diễn ra. Các điệp viên cũng tham gia hành động. Một cuộc tập trận chung không phải trò đùa và đây cũng không phải là vấn đề đùa vui với chúng tôi. Chúng tôi sẽ tấn công bất cứ cỗ máy do thám nào trong khu vực tập trận, dù đó là thủy phi cơ hay máy bay, như chúng tôi đã chứng minh trong quá khứ”.
Theo Sputnik, cuộc tập trận chung giữa Iran, Nga và Trung Quốc mang tên Vành đai an ninh hải quân, kéo dài 4 ngày đã bắt đầu hôm 28/12 tại vùng biển phía bắc Ấn Độ Dương và Vịnh Oman. Trong khuôn khổ cuộc tập trận, quân đội 3 nước sẽ chia sẻ các kinh nghiệm chống khủng bố, cướp biển cũng như thực hiện cứu hộ hàng hải.
Sự kiện diễn ra đúng vào lúc leo thang căng thẳng ở Vùng Vịnh kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế ký năm 2015 với Iran hồi tháng 5 năm ngoái. Đây cũng là cuộc tập trận hải quân quốc tế đầu tiên kiểu này của Iran kể từ khi Cách mạng Hồi giáo nổ ra tại nước này vào năm 1979.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia Iran hồi đầu tuần, Chuẩn Đô đốc Sayyari nhấn mạnh, cuộc tập trận giữa nước này với Nga và Trung Quốc “mang thông điệp hòa bình, tình hữu nghị và an ninh vĩnh cửu thông qua hợp tác và đoàn kết cũng như cho thấy Iran không thể bị cô lập”.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận rất quan tâm tới cuộc tập trận nói trên và sẽ giám sát chặt tình hình. Lầu Năm góc cũng thông báo đang xúc tiến hoạt động “an ninh hàng hải” trong khu vực.
http://biendong.net/doc-bao-viet/32382-iran-doa-ban-ha-may-bay-do-tham-tap-tran-chung-voi-nga-tq.html

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản

sẽ có chuyến thăm Việt Nam vào đầu năm 2020

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản sẽ có chuyến thăm chính thức 4 quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam và sẽ bắt đầu từ ngày 5/1/2020.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 30/12 dẫn nguồn từ giới chức Nhật Bản rằng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật ông Toshimitsu Motegi đến thăm Việt Nam lần này với mục đích nhằm tăng cường sự hợp tác kinh tế giữa Việt nam và Nhật Bản, đặc biệt vấn đề Nhật tiếp nhận nguồn lao động nước ngoài.
Bên cạnh đó, chuyến thăm Việt Nam nhằm khẳng định sự hợp tác giữa hai quốc gia trong việc duy trì và tăng cường một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở.
Theo dự kiến, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật ông Toshimitsu Motegi sẽ ở Việt Nam từ ngày 5/1 – 7/1 và sẽ có các hoạt động giao lưu cùng các cơ quan lãnh đạo cấp cao, người đồng cấp của chính phủ Việt Nam. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam ông Phạm Bình Minh sẽ tham dự lễ ký kết văn bản về việc Nhật cung cấp vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam.
Thống kê của Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội Việt Nam cho thấy Nhật Bản là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất. Số người Việt sang lao động tại Nhật năm 2019 được ghi nhận là hơn 68 ngàn người.
Kể từ tháng tư năm 2019, chương trình tiếp nhận lao động mới của Nhật đối với lao động nước ngoài bắt đầu có hiệu lực. Theo đó thì những lao động khi làm việc theo chương trình này sẽ được hưởng mức lương tương đương lao động Nhật Bản, được làm việc trong thời gian 5 năm tại Xứ Phù Tang và có cơ hội xin lưu trú vĩnh viễn ở Nhật Bản.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/japanese-minister-of-foreign-affairs-of-japan-will-visit-vietnam-in-early-2020-12302019102627.html

Phát hiện chiếc thuyền gỗ với hài cốt

dạt vào bờ biển Nhật

Tin từ Tokyo, Nhật Bản – Theo thông báo của cảnh sát tuần duyên, vào hôm thứ bảy (28 tháng 12), cảnh sát tìm thấy hài cốt của ít nhất 5 người trên một chiếc thuyền gỗ dạt vào bờ biển của một hòn đảo ngoài khơi Nhật Bản. Con tàu này được cho là có nguồn gốc từ Bắc Hàn.
Cảnh sát Kei Chinen cho biết họ đã khám xét chiếc thuyền gỗ vào khoảng 9 giờ 30 sáng thứ bảy (28/12) theo giờ địa phương trên đảo Sado. Khi kiểm tra trên tàu, cảnh sát phát hiện 5 bộ hài cốt và 2 đầu người. Viên chức này cho biết nguyên nhân cái chết của các nạn nhân hiện đang được điều tra. Ông cũng cho biết thêm rằng ở bên ngoài chiếc thuyền có chữ và số được viết bằng tiếng Hàn. Chiếc thuyền được phát hiện lần đầu tiên bởi một cảnh sát vào chiều 27/12, nhưng do điều kiện thời tiết xấu nên cảnh sát phải đợi đến hôm 28/12 mới bắt đầu khám xét. Theo ông Chinen, kể từ tháng 11 năm nay, đây là chiếc thuyền gỗ thứ hai dạt vào bờ biển đảo Sado. Phát hiện kinh hoàng này làm leo thang căng thẳng giữa Nhật Bản, Nam Hàn với nước láng giềng Bắc Hàn. Ba nước vẫn đang có nhiều bất đồng xoay quanh chương trình vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng. Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un đặt hạn chót cho Hoa Kỳ là vào cuối năm nay để đề nghị nhượng bộ trong đàm phán phi nguyên tử hóa bán đảo Triều Tiẻn.
Hôm thứ Sáu (27/12), đài truyền hình Nhật Bản (NHK) đưa tin sai về việc Bắc Hàn phóng một hỏa tiễn rơi xuống vùng biển phía đông quần đảo Nhật Bản. Đài này sau đó đưa ra lời xin lỗi và giải thích rằng đây chỉ là nội dung nhằm mục đích huấn luyện truyền thông.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/phat-hien-chiec-thuyen-go-voi-hai-cot-dat-vao-bo-bien-nhat/

Lãnh đạo Bắc Hàn kêu gọi triển khai

 ‘các biện pháp chủ động và tấn công’

Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un kêu gọi triển khai “các biện pháp chủ động và tấn công” để bảo đảm “chủ quyền và an ninh” quốc gia.
Tên lửa của Bắc Hàn và quyết định ‘quà Giáng sinh’ của Kim Jong-un
Mỹ phủ nhận đàm phán hạt nhân với Bắc Hàn thất bại
Ông Kim Jong-un kêu gọi như vậy trong bài phát biểu tại một hội nghị trung ương của đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng, theo truyền thông nhà nước Bắc Hàn.
Lời kêu gọi được đưa ra giữa bối cảnh căng thẳng đang gia tăng với Hoa Kỳ liên quan đến chính sách hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn.
Trước đó, hôm 29/12, Hoa Kỳ cảnh báo rằng họ sẽ “vô cùng thất vọng” nếu Bắc Hàn tiếp tục thực hiện các vụ thử tên lửa tầm xa hoặc hạt nhân mới.
Hội nghị quan trọng?
Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA, ông Kim đã dự lễ khai mạc Hội nghị toàn thể lần thứ 5 Ủy ban Trung ương khóa 7 đảng Lao động Triều Tiên (WPK) hôm 28/12 và chủ trì phiên họp vào ngày 29/12.
Thông tin cũng nói rằng, cuộc họp sẽ tiếp tục vào thứ Hai 30/12.
Những cuộc hội nghị trung ương như thế này là nơi đảng cộng sản đưa ra các quyết sách quan trọng. Tuy nhiên, người ta cho rằng, phần lớn các quyết sách như vậy chỉ là để cụ thể hoá các quyết định của ông Kim – người nắm quyền lực tuyệt đối ở Bắc Hàn.
Hội nghị diễn ra ngay trước thềm năm mới, thời điểm mà ông Kim trước đó tuyên bố rằng, ông sẽ đưa ra thông báo quan trọng liên quan đến tiến trình phi hạt nhân hoá.
Trở lại với hội nghị trên, tại đây, ông Kim đã nhấn mạnh “sự cần thiết phải có biện pháp chủ động và tấn công” nhằm “bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và an ninh quốc gia, đáp ứng yêu cầu của tình hình hiện nay.”
Nhưng ông không nói rõ “các biện pháp chủ động và tấn công” ấy là gì.
Đàm phán phi hạt nhân hóa đến đâu?
Bắc Hàn bắn tên lửa từ tàu ngầm ra biển Nhật Bản?
Truyền thông Bắc Hàn ca ngợi chuyến thăm ‘tuyệt vời’ của Trump
Bắc Hàn từ chối đàm phán với Nam Hàn
Mỹ phủ nhận đàm phán hạt nhân với Bắc Hàn thất bại
Hôm 29/12, trước khi bài phát biểu của ông Kim được công bố, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien đã nhấn mạnh rằng, Hoa Kỳ có nhiều “công cụ” để đối phó với bất kỳ một cuộc thử nghiệm nào như vậy của Bắc Hàn.
“Hoa Kỳ sẽ hành động như những gì chúng tôi cần làm trong tình huống này,” ông nói với đài ABC.
“Nếu ông Kim Jong-un có cách tiếp cận như vậy thì chúng tôi sẽ hết sức thất vọng và chúng tôi sẽ thể hiện sự thất vọng đó”.
Các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc dự kiến họp vào thứ Hai 30/12 để thảo luận về đề xuất của Nga và Trung Quốc nhằm dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn nhằm cố phá vỡ bế tắc hiện nay.
Trước đó, Washington đã từ chối dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của nước này đối với Bình Nhưỡng.
Hai tuần trước, Đặc phái viên Mỹ tại Bắc Hàn Stephen Biegun thúc giục Bắc Hàn đáp lời kêu gọi đàm phán:
“Hãy hoàn tất cuộc đàm phán này. Chúng tôi đang chờ ở đây,” ông này nói.
“Cho tôi nói thẳng với những người tương nhiệm với tôi ở Bắc Hàn… Hãy hoàn thành việc này đi”
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn xấu đi trong những tháng gần đây.
Hai ông Kim Jong-un và Donald Trump đã có cuộc hội đàm trực tiếp tại Singapore vào tháng 6/2018 và một cuộc khác tại Hà Nội vào tháng 2 năm nay, liên quan đến tiến trình phi hạt nhân hóa.
Cũng trong năm nay, hai nhà lãnh đạo cũng đã tổ chức một cuộc họp ‘ngẫu hứng’ tại khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách Bắc và Nam Hàn vào tháng 6.
Nhưng Bắc Hàn vẫn tiếp tục thử nghiệm tên lửa tầm ngắn – và những ngôn từ thù địch lại được sử dụng.
Bình Nhưỡng gọi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là một ông già lẩm cẩm (dotard).
Điều đó xảy ra sau khi ông Trump một lần nữa gọi ông Kim Jong-un là ‘rocketman’ (anh hùng hoả tiễn).
Bình Nhưỡng đặt ra cho Washington hạn chót là cuối năm nay đối với tiến trình đối thoại về phi hạt nhân.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50943583

Bắc Triều Tiên bàn “biện pháp tấn công”

để bảo vệ chủ quyền

Anh Vũ
Tình hình bán đảo Triều Tiên lại nóng lên những ngày cuối năm với hội nghị Trung ương đảng Lao Động Bắc Triều Tiên. Hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA hôm nay, 30/12/2019, loan báo trong ngày họp thứ hai của hội nghị, trung ương Đảng đã bàn về “các biện pháp tấn công” để bảo đảm chủ quyền và an ninh của đất nước.
Hội nghị toàn thể ban chấp hành Trung ương đảng được triệu tập vài hôm trước ngày đầu năm mới mà như thông lệ, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ có bài diễn văn đang được cả thế giới chờ đợi. Đó có thể sẽ là những thông báo về thay đổi lớn trong chính sách hạt nhân và chủ trương ngoại giao của Bình Nhưỡng.
Theo KCNA, trong ngày họp thứ hai Hội Nghị Trung Ương lần này, Kim Jong Un đã nhấn mạnh “sự cần thiết phải có những biện pháp tích cực và mang tính tấn công nhằm bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ và an ninh đất nước. Trước tình hình cấp thiết hiện nay, lãnh đạo Kim Jong Un đã đề ra nhiệm vụ của khối ngoại giao, công nghiệp vũ khí và lực lượng vũ trang của nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên”.
Kim Jong Un cũng đã định hướng cụ thể để có được bước ngoặt quyết định trong việc phá triển đất nước, cải thiện đời sống nhân dân, với « lập trường độc lập, chống đế quốc rõ ràng và quyết tâm vững chắc ».
Bộ Thống Nhất Hàn Quốc đánh giá kể từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền cuối năm 2011, đây là lần đầu tiên chế độ Bình Nhưỡng triệu tập một hội nghị trung ương dài ngày, vì vậy Seoul đang theo dõi sát phiên họp này của miền Bắc.
Sau một loạt các động thái lên gân, khiêu khích của Bình Nhưỡng trong tháng này, có nhiều đồn đoán cho rằng Bắc Triều Tiên có thể tuyên bố chấm dứt đàm phán giải trừ hạt nhân với Mỹ và quay trở lại các vụ thử tên lửa liên lục địa (ICBM) hoặc hạt nhân.
Cách đây hơn hai năm Bình Nhưỡng tự tuyên bố ngừng các hoạt động nói trên tạo tiền đề để cuộc đối thoại Mỹ -Bắc Triều Tiên mở ra với biểu tượng lớn là thượng đỉnh Trump-Kim, lần thứ nhất tại Singapore tháng 6/2018 và lần thứ 2 tại Hà Nội tháng 2/2019, chưa kể đến cuộc gặp chớp nhoáng tại biên giới hai miền Triều Tiên hồi tháng 6 năm nay.
Tuy nhiên từ đó đến nay các cuộc đàm phán về giải trừ hạt nhân rơi vào bế tắc và căng thẳng lại nhen nhúm trở lại. Washington từng cảnh cáo Bình Nhưỡng nếu khiêu khích sẽ bị “mất tất”, trong khi đó Bắc Triều Tiên đáp lại họ không có gì để mất cả.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191230-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-trung-%C6%B0%C6%A1ng-%C4%91%E1%BA%A3ng-b%C3%A0n-bi%E1%BB%87n-ph%C3%A1p-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-%C4%91%E1%BB%83-b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-ch%E1%BB%A7-quy%E1%BB%81n

Đài Loan: Bắc Kinh càng cứng rắn,

Thái Anh Văn càng hy vọng tái đắc cử

Anh Vũ
Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa đến ngày 11 tháng Giêng 2020, Đài Loan bước vào cuộc bầu cử tổng thống. Ứng viên, tổng thống mãn nhiệm Thái Anh Văn, cái gai trong mắt Bắc Kinh tiếp tục dẫn đầu trong tất cả các cuộc thăm dò dư luận, bỏ xa đối thủ thuộc Quốc Dân Đảng, chủ trương xích lại gần với Hoa Lục. Cơ hội tái đắc cử dường như đang mở rộng với ứng viên có lập trường dứt khoát bảo vệ độc lập hòn đảo, sẵn sàng đương đầu với mọi đe dọa từ Bắc Kinh.
Cách đây một năm, trong cuộc bầu cử địa phương ngày 24/11/2018, đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn đã bị thất bại nặng nề trước đối lập Quốc Dân Đảng. Cuộc cải cách hưu trí và thừa nhận hôn nhân đồng tính đã làm tỷ lệ được lòng dân của Thái Anh Văn sụt giảm xuống mức kỷ lục, từ 70% còn 30%. Không mấy ai nghĩ rằng bà tổng thống có thể tái đắc cử nhiệm kỳ mới.
Thế nhưng tình thế ở cuộc bầu cử tổng thống này đang đảo chiều nhanh chóng. Chính khủng hoảng Hồng Kông, bùng lên từ bàn tay can thiệp thao túng ngày càng sâu của Bắc Kinh và chính sách cứng rắn quyết tâm thu hồi Đài Loan của Trung Quốc đã giúp bà Thái Anh Văn lấy lại uy tín trong dân Đài Loan.
Liên tiếp trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây, ứng viên Thái Anh Văn luôn giữ được 40% đến 50% ý định bỏ phiếu, trong khi đối thủ Hàn Quốc Du của Quốc Dân Đảng chưa bao giờ vượt quá 30% phiếu bầu.
Đề tài xuyên suốt của chiến dịch tranh cử tổng thống Đài Loan lần này là quan hệ với Bắc Kinh. Như đã thấy, từ khi bà Thái Anh Văn lên cầm quyền Bắc Kinh đã liên tục gia tăng sức ép với hòn đảo Đài Loan. Giới quan sát nhận định chính sách cứng rắn với Đài Loan của Tập Cận Bình như là viên đạn tự bắn vào chân mình. Ngày 2 tháng Giêng năm nay lãnh đạo Trung Quốc đã có bài diễn văn dành cho « các đồng bào » của mình ở Đài Loan, nhưng với giọng điệu đầy hăm dọa khi tuyên bố sẽ phải thống nhất Đài Loan với Trung Quốc, không đợi đến thế hệ sau và không loại trừ việc dùng vũ lực để làm việc đó. Theo ông Tập Cận Bình, tương lai của Đài Loan sẽ phải là chấp nhận nguyên tắc « một đất nước hai chế độ », giống như trường hợp của Macao và Hồng Kông.
Hiểu được giá trị của thể chế dân chủ đang có và bài học nhãn tiền khủng hoảng Hồng Kông, người dân Đài Loan không thể chấp nhận được viễn cảnh mà Bắc Kinh vẽ ra.
Cho dù bà Thái Anh văn chưa thể tuyên bố độc lập chính thức cho hòn đảo, nhưng bà vẫn đấu tranh để Bắc Kinh phải tôn trọng chủ quyền của Đài Loan. Trong một mít tinh tranh cử bà đã tuyên bố : « Trung Quốc phải đối mặt với thực tế tồn tại của Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan) và không được phủ nhận hệ thống dân chủ mà người dân Đài Loan đã cùng nhau xây dựng ». Từ sau tuyên bố đó, uy tín của ứng viên Thái Anh Văn tăng lên không ngừng.
Theo nhà nghiên cứu chính trị, Đại học Quốc gia Đài Loan, Vương Nghiệp Lập (Wang Yeh Lih), ở Đài Loan, « tâm lý chống Trung Quốc đã trở thành một nhân tố chủ chốt trong các cuộc thăm dò dư luận » vì thế mà khẩu hiệu gây được tiếng vang nhất của bà tổng thống trong tranh cử là « kháng cự lại Trung Quốc, bảo vệ Đài Loan ».
Chuyên gia Vương Nghiệp Lập giải thích : « Phe của bà Thái gắn cho ông Hàn cái mác ứng viên thân Bắc Kinh và thuyết phục cử tri rằng những gì xảy ra hôm nay ở Hồng Kông có thể diễn ra ở Đài Loan ngày mai ». Thực tế là người Đài Loan quan sát tình hình Hồng Kông trong nhiều tháng qua với nhiều ái ngại. Họ không thể không suy ngẫm đến chiếc bẫy « một đất nước hai chế độ ».
Trong khi đó, ứng viên của Quốc Dân Đảng đưa ra lựa chọn giữa « Hòa bình và khủng hoảng » với Trung Quốc, coi chủ trương xích lại với Bắc Kinh là vì « an ninh cho Đài Loan và giàu có cho người dân ». Ông cũng ủng hộ người biểu tình Hồng Kông từ chối nguyên tắc « một đất nước hai chế độ » cho Đài Loan. Nhưng cử tri Đài Loan hẳn vẫn còn nhớ vòng công du Hồng Kông, Macao rồi qua Hoa Lục hồi đầu năm nay của ứng viên Quốc Dân Đảng.
Đối với ứng cử viên Quốc Dân Đảng, chứng minh những số liệu thăm dò dư luận là sai dường như là nhiệm vụ khó khăn. Từ nay đến ngày 11 tháng Giêng có thể có những đột biến xảy ra với các ứng cử viên. Có điều chắc chắn yếu tố Trung Quốc là nỗi ám ảnh của cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan lần này.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191230-%C4%91%C3%A0i-loan-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-l%E1%BB%91i-c%E1%BB%A9ng-r%E1%BA%AFn-c%E1%BB%A7a-b%E1%BA%AFc-kinh-t%E1%BA%A1o-c%C6%A1-h%E1%BB%99i-t%C3%A1i-%C4%91%E1%BA%AFc-c%E1%BB%AD-cho-th%C3%A1i-anh-v%C4%83n

Ứng viên TT Thái Anh Văn kêu gọi

không để “Đài Loan là Hồng Kông thứ 2″

Anh Vũ
Đài Loan, hòn đảo độc lập với 24 triệu dân luôn bị Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai và đe dọa sẽ lấy lại bằng vũ lực, chuẩn bị bước vào kỳ bầu cử tổng thống ngày 11 tháng Giêng tới. Vấn đề quan hệ với
Trung Quốc là tâm điểm của cuộc vận động tranh cử. Hôm qua 29/12/2017, đã diễn cuộc tranh luận trên truyền hình cuối cùng giữa hai ứng viên trước khi cử tri đi bỏ phiếu.
Mối đe dọa từ Trung Quốc lại nổi lên là chủ đề lớn trong tranh luận giữa ứng viên tổng thống mãn nhiệm Thái Anh Văn và ứng viên Hàn Quốc Du của Quốc Dân Đảng.
Thông tín viên RFI tại Đài Bắc Adrien Simorre cho biết thêm chi tiết:
Làm sao bảo vệ được Đài loan trước áp lực của Trung Quốc ? Câu hỏi này một lần nữa đã được hai ứng cử viên chính của cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan tranh cãi gay gắt.
Ngay khi mở đầu phần phát biểu của mình, ứng viên của Quốc Dân Đảng Hàn Quốc Du đã tấn công vào lập trường ly khai của lãnh đạo đương nhiệm Đài Loan. Bằng phong cách rất kịch, ông tự giới thiệu mình như là người bảo vệ duy nhất Trung Hoa Dân Quốc, tên chính thức của Đài Loan từ khi thành lập năm 1949.
Đối mặt với ông, bà tổng thống mãn nhiệm đã nhắc lại quan điểm chống lại nguyên tắc một nước Trung Quốc duy nhất như Bắc Kinh vẫn đòi hỏi. Bà nói : « Chúng ta sẽ không để Đài loan trở thành Hồng Kông thứ hai » và kêu gọi người Đài Loan hãy bảo vệ hệ thống dân chủ của mình qua lá phiếu.
Cần nói thêm về các cuộc thăm dò dư luận, cử tri dường như đã quyết ủng hộ bà tổng thống với lập trường bảo vệ toàn vẹn chủ quyền. Theo những số liệu mới nhất, tổng thống mãn nhiệm đang bỏ xa ứng viên của Quốc Dân Đảng.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191230-%E1%BB%A9ng-vi%C3%AAn-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-th%C3%A1i-anh-v%C4%83n-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-kh%C3%B4ng-%C4%91%E1%BB%83-%C2%AB-%C4%91%C3%A0i-loan-l%C3%A0-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-th%E1%BB%A9-2-%C2%BB

Hơn 1,000 người tụ tập biểu tình dưới mưa ở Hồng Kông

Tin từ Hồng Kông – Hôm Chủ nhật (29 tháng 12), hơn 1,000 người tụ tập dưới mưa trong một công viên ở quận tài chính của Hồng Kông, hô vang khẩu hiệu dân chủ dưới biển dù. Đám đông có cả người cao niên lẫn thanh thiếu niên nam nữ, mặc đồ đen và đeo khẩu trang để giấu danh tánh trong lúc lắng nghe những người tổ chức đứng trên bục nói trước đám đông.
Bắt đầu từ 6 tháng trước, các cuộc biểu tình đã phát triển thành phong trào dân chủ lan rộng hơn và dữ dội hơn, khi những ngày gần đây cảnh sát liên tục đụng độ với những người biểu tình ở một số trung tâm mua sắm và khu du lịch sầm uất. Hôm thứ Bảy (28 tháng 12), cảnh sát chống bạo động đã bắt giữ khoảng một chục người biểu tình, và dùng hơi cay để phá một nhóm người tụ tập có ý định làm gián đoạn hoạt động kinh doanh bán lẻ gần biên giới Trung Cộng đại lục. Thêm nhiều cuộc biểu tình đã được dự kiến kế hoạch cho vài ngày sắp tới, bao gồm cả buổi đếm ngược đón Năm mới, và một cuộc diễn hành vào 01/01/2020 dự kiến sẽ thu hút đông người tham gia.
Người biểu tình tức giận và cho rằng Bắc Kinh đang can thiệp vào lời hứa cho quyền tự do của Hồng Kông khi Anh Quốc trao trả thuộc địa cho Trung Cộng năm 1997. Trung Cộng đã phủ nhận việc này, nói rằng họ cam kết chính sách “một quốc gia, hai chế độ” có hiệu lực từ lúc đó, và đổ lỗi cho nước ngoài đã gây ra tình trạng bất ổn.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/hon-1000-nguoi-tu-tap-bieu-tinh-duoi-mua-o-hong-kong/

Người Hồng Kông phản đối

khách Hoa lục gom hàng, biểu tình tiếp diễn

Thụy My
Hôm nay 29/12/2019, hơn 1.000 người tập hợp trong một công viên ở khu phố tài chính Hồng Kông dưới cơn mưa tầm tã, hô những khẩu hiệu đòi dân chủ. Reuters cho biết đám đông cả già lẫn trẻ đều mặc trang phục màu đen, đeo khẩu trang che mặt, che những chiếc dù đã trở thành biểu tượng, bày tỏ quyết tâm đấu tranh không ngơi nghỉ.
Tối qua, cảnh sát lại ập vào một trung tâm thương mại gần biên giới Hoa lục, có ít nhất 15 người bị bắt giữ. Người biểu tình đòi dân chủ muốn tố cáo khách du lịch từ Trung Quốc sang gom hàng vì ở Hồng Kông giá rẻ hơn và bảo đảm chất lượng hơn.
Từ Hồng Kông, thông tín viên Stéphane Lagarde tường thuật:
Rõ ràng những người khách từ Hoa lục là đích nhắm của hình thức phản kháng mới được gọi là « shopping ». Những lời kêu gọi trên các ứng dụng tin nhắn mã hóa đề nghị người đấu tranh dân chủ « đi mua sắm » tại nhà ga Thượng Thủy (Sheung Shui). Đây là trạm xe điện ngầm cuối cùng của Hồng Kông trước khi đến Thâm Quyến, thành phố đóng vai trò tủ kính trưng bày cho chủ nghĩa tư bản đỏ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Vào lúc 15 giờ, trên cầu vượt dành cho người đi bộ dẫn đến trung tâm thương mại Land Mark North bên cạnh, những người phản kháng cố gắng ngăn trở hành khách. Một số tung những cú đá vào các túi xách, những tiếng kêu la, những chiếc va li được kéo chạy hỗn loạn cầu cứu, và theo South China Morning Post, có một người đàn ông đã bị thương.
« Quay về Hoa lục ! », « Về Trung Quốc mà mua sắm ! ». Những người biểu tình hô to những câu như vậy, cùng với các khẩu hiệu của phong trào chống chính quyền Hồng Kông đã kéo dài gần bảy tháng.
Đến 16 giờ, đa số các cửa hiệu đã đóng cửa, một số khách hàng vẫn còn ở lại bên trong. Cảnh sát chống bạo động đến can thiệp, bắn hơi cay vào giữa những cửa hàng. Lực lượng cảnh sát tiến hành những vụ bắt người đôi khi rất thô bạo, những hình ảnh này được phổ biến trên các mạng xã hội hôm nay, Chủ nhật, làm tăng thêm oán hận đối với cảnh sát. Từ đầu tuần đến nay, đã có hơn 350 người bị bắt giữ.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191229-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i-kh%C3%A1ch-hoa-l%E1%BB%A5c-gom-h%C3%A0ng-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-ti%E1%BA%BFp-di%E1%BB%85n

Khoa học gia TQ ‘chỉnh sửa gene người’ bị án tù ba năm

Một khoa học gia Trung Quốc, người tuyên bố đã tạo ra những em bé được chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới, vừa bị tù với mức án ba năm.
Ông Hạ Kiến Khuê (He Jiankui) bị kết tội vi phạm lệnh cấm của chính phủ với việc tiến hành thử nghiệm trên phôi người; mục tiêu của ông Hạ là nhằm tìm cách bảo vệ các phôi đó miễn nhiễm HIV.
Hạ Kiến Khuê ‘chỉnh gene trẻ em’ trái quy định
Giới khoa học nghi ngờ kết quả ‘chỉnh sửa gene’ của TQ
Những bộ não tạo từ da người
Ông đã bị quốc tế lên án khi công bố về các thử nghiệm này, và về sự ra đời của cặp song sinh hồi tháng Mười Một năm ngoái.
Tân Hoa Xã nói rằng một em bé thứ ba cũng đã chào đời vào cùng thời điểm, nhưng trường hợp này trước đó chưa được xác nhận.
Chính quyền địa phương tại tỉnh Quảng Đông nói rằng họ đang giữ các bé để theo dõi sức khỏe.
Cùng với việc bị án tù, ông Hạ bị phạt ba triệu nhân dân tệ (430 ngàn đô la Mỹ).
Tòa cũng ra mức án nhẹ hơn đối với hai người nữa, là Zhang Renli và Qin Jinzhou, về tội đồng lõa với ông Hạ trong việc tiến hành các thử nghiệm.
Tòa án ở Thâm Quyến nói rằng những người này đã hành động “nhằm tạo danh tiếng và trục lợi cá nhân”, và đã “gây gián đoạn trật tự y tế” một cách nghiêm trọng, Tân Hoa Xã tường thuật.
“Họ đã đi quá giới hạn đạo đức trong công tác nghiên cứu khoa học và trong nghề y,” tòa án nói thêm.
Chuyện gì đã xảy ra năm ngoái?
Ông Hạ tuyên bố việc ra đời của cặp song sinh đã được chỉnh sửa gene, hai bé được đặt tên là Lula và Nana, trong một video do hãng tin AP quay vào tháng 11/2018.
Y khoa VN và công trình của BS Vương Ngọc Lan
Về các thử nghiệm của mình, ông Hạ nói: “Tôi hiểu rằng công việc của mình sẽ gây tranh cãi, nhưng tôi tin rằng các gia đình cần có công nghệ này, và tôi sẵn sàng vì họ mà nhận những lời chỉ trích.”
Sau khi video được công bố, cộng đồng khoa học ở cả Trung Quốc lẫn trên thế giới đã nhanh chóng phản ứng mạnh mẽ.
Thái Lan: Vụ ”xưởng trẻ em” có kết thúc rối rắm
‘Thà cất trứng còn hơn cưới nhầm chồng’
Chính quyền Trung Quốc đặt ông Hạ dưới sự điều tra của cảnh sát, và ra lệnh ngưng các hoạt động nghiên cứu của ông.
Ông cũng bị sa thải khỏi trường đại học nơi ông là phó giáo sư, Đại học Khoa học Công nghệ Nam Phương tại Thâm Quyến.
Viện Khoa học Trung Quốc ra tuyên bố về ông Hạ, nói viện “kiên quyết phản đối” việc chỉnh sửa gene ở người.
“Trong hoàn cảnh hiện thời, việc chỉnh sửa gene ở phôi thai người vẫn liên quan tới rất nhiều các vấn đề kỹ thuật chưa được giải đáp, có thể dẫn tới các rủi ro không lường trước, và vi phạm tới sự đồng thuật của cộng đồng khoa học quốc tế,” tuyên bố của viện nói thêm.
Kết quả nghiên cứu sau đó cho thấy ông Hạ có thể đã tạo ra ở các bé một thay đổi y học khiến tuổi thọ các em bị rút ngắn đáng kể.
Việc thử nghiệm được thực hiện thế nào?
Ông Hạ tiến hành các thao tác trên một gene có tên là CCR5.
Đây là bộ gene quan trọng đối với hệ miễn dịch, nhưng cũng là cánh cửa để virus HIV đi qua, thông qua các tế bào nhiễm bệnh.
Việc chỉnh sửa CCR5 sẽ đóng cánh cửa đó lại, giúp cho con người chống lại được HIV.
Sửa đổi gene là gì và nó hoạt động như thế nào? (tiếng Anh)
Theo South China Morning Post, ông Hạ đã chọn bảy cặp vợ chồng dị tính muốn có con để tham gia thử nghiệm. Những người chồng bị nhiễm HIV, nhưng những người vợ thì không.
Ông Hạ đã dùng phương pháp thụ tinh nhân tạo IVF để tạo phôi thai, và dùng kỹ thuật chỉnh sửa gene, được biết đến với tên gọi CRISPR-Cas9, để làm thay đổi gene CCR5.
Sau đó, ông làm giả tài liệu để qua mặt được quá trình đánh giá đạo đức bắt buộc, và thêu dệt thông tin để các bác sỹ do không biết mà cấy các phôi thai đã được chỉnh sửa gene vào hai người phụ nữ.
Hậu quả toàn diện đối với các em bé có gene bị chỉnh sửa hiện vẫn chưa rõ là gì, nhưng các tác động của nó là lâu dài.
Bất kỳ việc chỉnh sửa gene nào cũng sẽ được di truyền lại cho các thế hệ sau, dẫn đến việc làm thay đổi nhân chủng vĩnh viễn.
Điều này thậm chí còn phức tạp hơn trong trường hợp thử nghiệm của ông Hạ.
Hồi đầu tháng này, khi nghiên cứu gốc của ông Hạ được công bố lần đầu tiên, các khoa học gia nói rằng các kết quả không cho thấy những gì mà ông Hạ tuyên bố trước đó.
Khi ông Hạ can thiệp vào gene, họ nói, ông ta đã không tạo ra chính xác sự thay đổi cần thiết để giúp các bé miễn nhiễm khỏi HIV.
Thay vào đó, ông Hạ dã tạo ra các chỉnh sửa gene chưa từng được biết đến trước đó, và hậu quả của việc này cho đến nay vẫn chưa rõ sẽ là gì.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50947241

2019: Năm ngoại giao Trung Quốc

tham gia tích cực trên mạng xã hội Twitter

Zhaoyin FengBBC Tiếng Trung, Washington
Có thể nói, ngôn ngữ ngoại giao của Trung Quốc không có tính tự phát.
Giới quan sát Trung Quốc hay nói đùa rằng, sẽ rất dễ chơi lô tô tại các cuộc họp báo của chính phủ nước này. Người ta có thể dễ dàng đoán trước các cụm từ sẽ xuất hiện như:
• phản đối mạnh mẽ chống lại “sự can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc”
• chỉ trích “ý định thâm hiểm không kể xiết” và “bá quyền”
• buộc tội ai đó đã “làm tổn thương cảm xúc của 1,3 tỷ người Trung Quốc”
Nhưng vào năm 2019, một cái gì đó mới mẻ đã bắt đầu, khi các bộ và các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc bắt đầu tham gia Twitter với các tài khoản chính thức và tweet với những giọng điệu hơi thiếu kỷ luật.
Trung Quốc ‘mời Mesut Ozil thăm Tân Cương’
Tổng thống Đài Loan trích thư sinh viên HK: ‘Đừng tin Cộng sản’
Lộ tài liệu TQ ‘tẩy não’ cả dân tộc ở Tân Cương
Nhà máy TQ phủ nhận dùng ‘lao động cưỡng ép’
BBC đã xác định được khoảng 55 tài khoản Twitter được cho là của các nhà ngoại giao, đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc, 32 trong số đó được tạo vào năm 2019.
Trong năm qua, họ viết nhiều tweet có ngôn từ mạnh mẽ, thậm chí đôi khi gồm cả biểu tượng cảm xúc và những từ viết tắt phổ biến trên internet như LOL, kết hợp với hình ảnh hoặc các video clip ngắn.
Bà Rose Luwei Luqiu, nhà báo kỳ cựu và trợ lý giáo sư ngành Truyền thông tại Đại học Baptist Hong Kong, cho biết “Twiplomacy” (kết hợp giữa từ Twitter và diplomacy) cho thấy chiến lược ngoại giao của Trung Quốc đang trở nên “chủ động hơn”.
Bà nói một phần là Trung Quốc đang tìm cách tiếp cận cộng đồng trên toàn thế giới và truyền bá thông điệp của Trung Quốc.
Twitter bị cấm ở Trung Quốc đại lục và hầu hết mọi người không có quyền truy cập vào trang này. Nhưng có vẻ như rõ ràng là các đặc phái viên ở nước ngoài đang được khuyến khích sử dụng Twitter theo một cách hoàn toàn mới.
Nhà ngoại giao thẳng thắn
Triệu Lập Kiên nổi tiếng về chuyện không né tránh các cuộc tranh luận sôi nổi với những người chỉ trích Trung Quốc.
Từng là nhà ngoại giao cấp cao thứ hai của Trung Quốc ở Pakistan, ông Triệu hiện là phó tổng giám đốc bộ phận thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các phương pháp ngoại giao.
Trong phần tự giới thiệu trên tài khoản Twitter của mình, ông viết rằng ông đang cố gắng “kể câu chuyện về Trung Quốc và truyền bá tiếng nói của Trung Quốc”.
Tweet bằng tiếng Anh hoàn hảo, ông Triệu thường chia sẻ những thông điệp tích cực về Trung Quốc, từ đường sắt tốc độ cao của đất nước đến công nghệ zoom quang học của máy ảnh trên điện thoại mới của Huawei.
Ông cũng không ngại phản bác những cái ông ta gọi là “tin giả” và “lời nói dối bẩn thỉu” về Trung Quốc. Nhiều người trên Twitter coi các bài đăng của Triệu là thông điệp tuyên truyền, nhưng một số người ca ngợi ông ta vì đã vạch trần bản chất “sự tuyên truyền của phương Tây”.
Ông Triệu thực ra đã có mặt trên Twitter từ năm 2010.
Ông là một trong những đặc phái viên Trung Quốc đầu tiên tham gia mạng xã hội này, nhưng lượng người theo dõi ông chỉ tăng lên đáng kể từ tháng 7/2019, sau cuộc tranh cãi gay gắt giữa ông với bà Susan Rice, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Trong nỗ lực bảo vệ chính sách của Trung Quốc về việc thành lập các trại “cải tạo” ở Tân Cương, ông Triệu cáo buộc tình trạng phân biệt chủng tộc ở thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ, nơi ông nói những cư dân da đen mới đuổi cư dân da trắng ra khỏi ở một số khu vực nhất định, dẫn đến giá nhà giảm mạnh.
Bà Rice đã trả lời bằng cách gọi ông Triệu là “phân biệt chủng tộc một cách ô nhục”. Ông Triệu phản pháo bằng cách mô tả bà Rice là “ngu dốt đến bất ngờ”, “ô nhục và kinh tởm”. Sau đó, ông đã xóa dòng tweet của mình.
Ông Triệu có hơn 223 ngàn người theo dõi trên Twitter.
Trong một cuộc phỏng vấn với BuzzFeed hồi đầu tháng 12, ông nói rằng đã đến lúc để thể hiện ​​một “sự tự tin mới, nhưng không hung hăng” của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao TQ cũng tham gia
“Gấu trúc khổng lồ nguy hiểm hơn đại bàng đầu trắng? Kung Fu Panda được tất cả mọi người yêu mến.”
Thoạt nhìn, nó có vẻ như một dòng tweet vu vơ của một ai đó, nhưng thực ra đó là một tweet của Bộ Ngoại giao Trung Quốc (MFA), tiếng nói chính thức của Trung Quốc trên Twitter với thế giới bên ngoài.
Dòng tweet này đang phản hồi về các bài báo cảnh báo về điều mà họ gọi là mối lo ngại “hoang tưởng” của quốc tế về Trung Quốc.
@MFA_China bắt đầu tweet bằng tiếng Anh vào đầu tháng 12/2019 và giờ đã có gần 16.000 người theo dõi.
Với lời mời “hãy theo dõi chúng tôi để biết thêm về ngoại giao của Trung Quốc”, tài khoản này chủ yếu chia sẻ các video và tuyên bố được dịch sang tiếng Anh từ các cuộc họp báo của Bộ.
Như nhiều người dùng đã chỉ ra, trang này có giọng điệu khá giống với một người quyền lực trên Twitter hiện nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tài khoản này đả kích Mỹ vì chèn ép công nghệ Trung Quốc và cáo buộc Mỹ bôi nhọ lập trường của Trung Quốc về Hong Kong, Đài Loan và Tân Cương.
Nó cũng chỉ trích Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi, nhắc nhở bà về “nước mắt và máu” của người Mỹ bản địa và cáo buộc – tất cả đều được viết hoa- rằng Hoa Kỳ là “kẻ nói dối siêu phàm về các vấn đề liên quan đến người Hồi giáo”.
‘Tin giả’
Sự gia tăng đột biến số tài khoản Twitter của giới ngoại giao Trung Quốc là vào thời điểm Trung Quốc đang vật lộn với các áp lực quốc tế về các vấn đề như các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong, các trại giam giữ người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) ở Tân Cương và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Một đại sứ cấp cao của Trung Quốc, Thôi Thiên Khải ở Washington, đã chỉ trích những bản tin của giới truyền thông toàn cầu về những vấn đề này.
Trong một bài đăng gồm 5 dòng tweet gần đây, ông Thôi cho rằng “những kẻ đồn đoán” đã bịa ra những “tin giả”, làm “sai lệch nghiêm trọng” về tình hình ở Hong Kong và Tân Cương.
Mặc dù ông Thôi không nói rõ “những kẻ đồn đoán” này là ai, nhưng ông đăng những dòng tweet này sau khi nhiều cơ quan truyền thông quốc tế, bao gồm cả BBC, đưa tin về các tài liệu bị rò rỉ của chính phủ Trung Quốc liên quan đến các trại giam ở Tân Cương.
Trung Quốc tuyên bố rằng các trại được giám sát nghiêm ngặt này là dành cho mục đích giáo dục tự nguyện để chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Tương tự như vậy, đại sứ Trung Quốc tại London, Lưu Hiểu Minh cũng lên tiếng trên Twitter về các cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng tại Hong Kong, một thuộc địa cũ của Anh.
Sau khi những người biểu tình ở Hong Kong châm lửa thiêu một người dân ủng hộ chính phủ, ông Lưu chỉ trích truyền thông Anh và đặt câu hỏi liệu cảnh sát Anh sẽ phản ứng thế nào trước tình huống tương tự.
Lối ngụy biện ”Còn quý vị thì sao”
Một chiến thuật yêu thích của các quan chức Trung Quốc trên Twitter là “whataboutism” (Từ cụm từ ‘What about…’ nghĩa là ‘Thế còn quý vị thì sao…’).
Đây là lối ngụy biện chỉ ra rằng các quốc gia khác cũng có những vấn đề thậm chí còn tồi tệ hơn, và cáo buộc những người chỉ trích là đạo đức giả.
“Whataboutism” là một chiến thuật kinh điển từng được Liên Xô sử dụng trong Chiến tranh Lạnh và đã trở nên phổ biến toàn cầu trong thời đại mạng xã hội.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên tục chỉ trích hành động quân sự của Mỹ ở Afghanistan, Iraq và Syria, để bảo vệ cho chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương và cảnh báo sẽ chống lại những nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc “gây rối” các khu vực của Trung Quốc.
Chẳng hạn, sau vụ tấn công cầu London, @MFA_China bày tỏ sự chia buồn nhưng cũng tranh thủ lập luận rằng, Trung Quốc đang phải chịu “tiêu chuẩn kép” về việc chống khủng bố.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc khác trên Twitter cũng theo cùng một kịch bản như vậy. Chẳng hạn, Tra Lập Hữu, Tổng lãnh sự của Lãnh sự quán Trung Quốc tại Kolkata, Ấn Độ.
Ông Triệu Lập Kiên cũng đã lập luận rằng Hoa Kỳ, chứ không phải Trung Quốc, tạo ra tình trạng bất ổn và hỗn loạn toàn cầu.
Phản ứng của cộng đồng Twitter
Anne-Marie Brady, Giáo sư tại Đại học Canterbury chuyên về chính trị Trung Quốc, nói rằng, Twitter là một chiến trường quan trọng bởi đó là “một con đường trực tiếp định hình quan điểm của giới tinh hoa chính trị ở nhiều xã hội”.
Nhưng tweet của các nhà ngoại giao Trung Quốc đã nhận được nhiều phản hồi khác nhau, với hầu hết là những bình luận tiêu cực.
Nhiều dùng Twitter nói rằng, họ không tin vào “lời nói dối” của Trung Quốc và cho rằng các nhà ngoại giao đang đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những vấn đề của Trung Quốc.
Trong khi một số người khác thì khen ngợi các nhà ngoại giao vì đã nói lên “sự thật”.
Tuy nhiên, cũng có những nghi ngờ về tính chân thành của những bình luận tích cực này.
Chính phủ Trung Quốc vốn được biết là vẫn tuyển dụng các dư luận viên để bình luận trên mạng nhằm gây tác dộng đến dư luận trong nước. Và có những dấu hiệu cho thấy, Bắc Kinh có thể đang thử chiến thuật này trên phạm vi quốc tế.
Vào tháng 8, Twitter và Facebook đã xóa hàng trăm tài khoản khỏi nền tảng của họ, để chặn những gì họ mô tả là một chiến dịch thông tin sai lệch của nhà nước Trung Quốc, liên quan đến các cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Đổi hướng
Tất nhiên, nhiệm vụ của các đại sứ là thúc đẩy và bảo vệ lợi ích của đất nước họ. Nhưng sự gia tăng đột biến của các tweet từ những ngoại giao Trung Quốc có thể cho thấy, có một sự thay đổi cơ bản trong sách lược đối ngoại của Trung Quốc.
Theo các báo cáo, vào tháng 11, Bộ trưởng Ngoại giao nước này Vương Nghị đã chỉ thị cho các nhà ngoại giao phải thể hiện một “tinh thần chiến đấu” – một sự tương phản rõ rệt so với các chỉ thị trước đây là “che giấu sức mạnh và ẩn mình chờ thời”.
Được ban hành từ thời cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình vào năm 1990, chiến lược “che giấu sức mạnh” được nhiều người ở Trung Quốc coi là lỗi thời khi nước này đã phát triển mạnh mẽ.
Trung Quốc cũng rất muốn truyền bá thông tin truyền thông nhà nước đến thế giới phương Tây bằng cách trả tiền để đăng các tweet về các vấn đề như Hong Kong, với nội dung thường đối lập với hầu hết các bản tin của truyền thông toàn cầu.
Truyền thông nhà nước đã trả hàng triệu nhân dân tệ cho các công ty bên thứ ba trong hai năm qua, để quảng bá nội dung tin tức của họ trên YouTube, Facebook, LinkedIn và Twitter, theo hồ sơ chi tiêu công mà BBC Tiếng Trung có được.
Twitter gần đây đã cấm quảng cáo từ các kênh truyền thông nhà nước trên thế giới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rẳng, việc truyền thông Trung Quốc kể câu chuyện của chính họ trên Twitter là hoàn toàn hợp lý.
Nhưng ngoài việc cố gắng định hình cái nhìn của thế giới về Trung Quốc, các nhà ngoại giao có thể còn có một mục tiêu khác trong tâm trí – đó là cam kết trung thành với các nhà lãnh đạo Đảng ở Bắc Kinh.
Khi nói đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc, Đảng Cộng sản, chứ không phải Bộ Ngoại giao, mới là nơi đưa ra quyết định cuối cùng.
Những người đại diện cho đất nước phải hoàn toàn tuân thủ đường lối của Đảng, không được phép tỏ ra yếu đuối hoặc dao động.
Hiếu chiến với phương Tây là cách ngoại giao “chính xác nhất” đối với các quan chức, bà Rose Luwei Luqiu, cũng là một nhà báo kỳ cựu, nói.
Vì vậy, dẫu Chủ tịch Tập Cận Bình có thể không có ngón tay ngứa ngáy để tweet như ông Donald Trump, thì hàng chục nhà ngoại giao Trung Quốc hiện đang tweet những suy nghĩ của ông, hoặc những gì họ tin là suy nghĩ của ông, ra thế giới.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50938176

Ông Tập chỉ mời ông Moon dùng bữa trưa

nhưng mời ông Abe dự tiệc tối:

TQ “nhất bên trọng, nhất bên khinh”?

Trung Quốc đã thể hiện hai cách tiếp đãi khác biệt đối với hai nhà lãnh đạo Hàn-Nhật trong thời gian họ ở thăm nước này.
Vào ngày 23/12, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Theo các phương tiện truyền thông Nhật Bản như Nikkei và Jiji Press, cùng ngày Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặc biệt tổ chức tiệc tối để chiêu đãi Thủ tướng Nhật Bản.
Cũng trong ngày 23/12, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hội kiến ông Tập Cận Bình và hai nhà lãnh đạo cùng nhau dùng bữa trưa.Trước hai động thái khác biệt này, hãng thông tấn Kyodo News (Nhật Bản) chỉ ra, theo nghi thức ngoại giao nói chung, tiệc tối của nguyên thủ quốc gia được coi là một sự kiện có tiêu chuẩn cao hơn tiệc trưa. Do đó, việc ông Tập Cận Bình mời ông Moon Jae-in dùng bữa trưa và mời ông Shinzo Abe dự bữa tối có thể cho thấy, Trung Quốc quan tâm đến Nhật Bản hơn Hàn Quốc.
Tờ JoongAng Ilbo (Hàn Quốc) thì cho rằng, xét về hoạt động ngoại giao lần này, về mặt nghi thức, Hàn Quốc ngang hàng với Nhật Bản nhưng lại thua kém nếu xét về lợi ích. Thông báo Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Nhật Bản được công bố vào đêm trước của Hội nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc lần thứ VIII. Đây có thể nói là một món quà đặc biệt được nước chủ nhà chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Abe.
Ngược lại, Hàn Quốc đã không tìm thấy một bước đột phá nào trong du lịch và làn sóng Hallyu. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh đến sự hợp tác “văn hóa”
song phương, ngụ ý yêu cầu phía Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm làn sóng Hallyu nhưng yêu cầu này dường như đã bị Bắc Kinh “phớt lờ”.
Mặt khác, ông Abe đã đề cập một số vấn đề nhạy cảm trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình. Trong cuộc họp báo vào ngày 23/12, ngay sau cuộc gặp của lãnh đạo Trung-Nhật, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Otaka Masato cho biết, Thủ tướng Abe đã đề cập các vấn đề Hồng Kông, Tân Cương trong cuộc họp. Nói về cuộc gặp này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố nhưng không đề cập đến các vấn đề nhạy cảm nêu trên.
Tổng thống Moon Jae-in cũng đề cập các vấn đề nhạy cảm liên quan đến Hồng Kông và Tân Cương trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo phía Trung Quốc, Tổng thống Hàn Quốc nói với người đứng đầu Trung Nam Hải rằng, dù liên quan đến Hồng Kông hay Tân Cương thì đó là vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo tờ DongA Ilbo (Hàn Quốc), phía Seoul đã phản đối thông cáo của Bắc Kinh và cáo buộc nước này đã “bóp méo” phát biểu của Tổng thống Moon.
Đến ngày 24/12, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc lần thứ VIII tại Thành Đô. Ba nước đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ sau cuộc họp lần này.
Hãng tin BBC (Anh) nhận định, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những nền kinh tế định hướng xuất khẩu, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc chiến thương mại. Trong bối cảnh mâu thuẫn thương mại gia tăng giữa ba nước với các nước khác thì “lợi ích chung” của ba nước này cần phải cùng được tăng cường.
Tờ Handelsblatt (Đức) cho rằng, trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc đang nỗ lực hóa giải nguy cơ ngoại giao với các nước láng giềng. Tại cuộc gặp, hai ông Tập Cận Bình và Shinzo Abe đã cam kết sẽ đưa quan hệ song phương lên một “tầng cao mới”.
Tờ Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) cho rằng, khi cuộc xung đột thương mại Trung-Mỹ tiếp diễn trong thời gian dài, việc Trung Quốc cố gắng tăng cường quan hệ kinh tế với Nhật Bản rõ ràng là để kiềm chế Mỹ.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32379-ong-tap-chi-moi-ong-moon-dung-bua-trua-nhung-moi-ong-abe-du-tiec-toi-tq-nhat-ben-trong-nhat-ben-khinh.html

TQ ‘chơi lớn’ trước thềm bầu cử Đài Loan

Quốc hội Trung Quốc mới đây đã thống nhất sửa luật để đơn giản hóa thủ tục đầu tư cho công ty Đài Loan, một nỗ lực của Bắc Kinh được cho là tạo thiện chí trước cuộc bầu cử ở hòn đảo.
Luật sửa đổi được công bố hôm 29.12 đã loại bỏ một số các bước quan liêu mở đường cho các công ty Đài Loan đầu tư vào đại lục.
Quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc Jiang Chenghua nói với phóng viên rằng chính phủ trung ương “rất chú trọng” đến việc bảo đảm và khuyến khích đầu tư từ Đài Loan và cam kết các công ty của hòn đào sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các cấp cao nhất, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình.
“Mặc dù các điều khoản sửa đổi không nhiều nhưng chúng có ý nghĩa rất lớn và có lợi cho việc tối ưu hóa môi trường đầu tư cho đồng bào Đài Loan ở đại lục, đồng thời mở rộng hơn nữa trao đổi kinh tế, thương mại và hợp tác giữa hai bên bờ”, ông Jing cho biết.
Bản sửa đổi luật phù hợp với luật đầu tư nước ngoài mới có hiệu lực từ ngày 1.1.2020. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn (Zhong Shan) tuần này cho biết ông muốn “đồng bào Đài Loan được hưởng lợi từ sự thay đổi lớn này”.
Trung Quốc với dân số 1,3 tỉ dân, từng là điểm đến đầu tư yêu thích của nhiều doanh nghiệp Đài Loan. Các công ty Đài Loan đã đầu tư hơn 100 tỉ USD kể từ khi Trung Quốc bắt đầu cải cách kinh tế vào cuối những năm 1970 do có chung nền văn hóa và chi phí thấp.
Trung Quốc cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Đài Loan với tổng giá trị thương mại lên tới 226 tỉ USD năm 2018. Ngoài ra, hòn đảo tự trị cũng có thặng dư thương mại lớn với Trung Quốc.
Chính quyền Đài Bắc dưới thời lãnh đạo Thái Anh Văn đã và đang cố thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc và khuyến khích các công ty Đài Loan trở về hòn đảo hoặc chuyển đầu tư sang các nơi khác trên thế giới, đặc biệt là Đông Nam Á.
Nền kinh tế Đài Loan đã được hưởng lợi từ khi công ty của họ chuyển sản xuất về hòn đảo để thoát đòn thuế từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, mặc dù cuộc thương chiến cũng gây ra một số bất lợi đối với kinh tế của hòn đảo.
Theo Reuters, động thái sửa luật để khuyến khích các nhà đầu tư Đài Loan được Trung Quốc đưa ra trước thềm cuộc bầu cử lãnh đạo và cơ quan lập pháp ở hòn đảo ngày 11.1.2020, với mục tiêu cuối cùng là lôi kéo hòn đảo này chấp nhận sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Đáng chú ý, chính quyền hòn đảo đã bắt đầu tái kích hoạt quá trình xem xét dự luật “chống xâm nhập” trước kỳ bầu cử và nó có thể được thông qua trước cuối năm nay. Dự luật chống xâm nhập là một phần của nỗ lực nhiều năm của chính quyền bà Thái và đảng cầm quyền Dân chủ tiến bộ (DPP) nhằm chống lại điều mà nhiều người tại Đài Loan coi là những nỗ lực của Trung Quốc để gây ảnh hưởng chính trị vào tiến trình dân chủ trên hòn đảo mà Trung Quốc từ lâu vẫn luôn xem là một phần lãnh thổ cần thống nhất, không ngừng gây áp lực và không loại trừ phương án thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết.
Theo đó, dự luật này cấm bất cứ ai quyên tiền cho đảng phái chính trị, tác động tới các cuộc bầu cử, hoặc tìm cách gây ảnh hưởng đến chính trị Đài Loan theo sự hướng dẫn hoặc hỗ trợ tài chính từ “các nguồn xâm nhập” – thường được hiểu là từ Trung Quốc. Cơ quan lập pháp Đài Loan dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật trên vào tuần tới. Động thái này kéo theo sự chỉ trích không chỉ của Bắc Kinh mà còn Quốc dân đảng – phe đối lập thân Trung Quốc.
http://biendong.net/doc-bao-viet/32380-tq-choi-lon-truoc-them-bau-cu-dai-loan.html

TQ lại ‘khát’ than

Nhu cầu than tăng khiến Trung Quốc “hụt hơi” trong nỗ lực hạn chế loại nhiên liệu này, kéo theo tai nạn và ảnh hưởng môi trường.
Tiêu thụ than tại Trung Quốc, nước phát thải khí carbon nhiều nhất thế giới, đang trên đà tăng trở lại bất chấp những cam kết cắt giảm của chính phủ nước này. Sau khi giảm từ 2,86 tỷ tấn hồi năm 2015 xuống 2,76 tỷ tấn vào năm 2016, tiêu thụ than ở Trung Quốc liên tục tăng trong các năm tiếp theo, dự kiến đạt 2,85 tỷ tấn tới cuối năm nay và 2,89 tỷ tấn vào năm 2020, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Trong bài phát biểu hồi tháng 10 tại cuộc họp của Ủy ban Năng lượng Quốc gia, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi phát triển ngành than để đảm bảo an ninh năng lượng. Đây được cho là động thái rút lui khỏi những cam kết trước đây của Bắc Kinh.
Giới phân tích đánh giá các biện pháp thúc đẩy kinh tế thông qua đầu tư hạ tầng, nhằm bù đắp tác động của cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ, là một trong những nguyên nhân kích thích tiêu thụ than tại Trung Quốc. Nhu cầu than tăng lần lượt 7% và 11% trong lĩnh vực kim loại và hóa chất, theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch. Việc sử dụng than để sản xuất xi măng và thủy tinh cũng tăng lên.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đang xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất dự kiến lên tới 148 gigawatt, gần bằng toàn bộ công suất điện than của Liên minh châu Âu, theo nhóm Giám sát Năng lượng Toàn cầu, một tổ chức phi chính phủ tại Mỹ.
“Trung Quốc vô cùng thành thật khi tuyên bố sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu về chống biến đổi khí hậu. Nhưng giờ đây tình hình trong nước đã thay đổi, khiến nỗ lực này trở nên khó khăn hơn”, Lauri Myllyvirta, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, nhận định.
Erica Downs, học giả thuộc Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, Mỹ, cho biết chiến tranh thương mại Mỹ – Trung thúc đẩy hai nước theo đuổi sự tự chủ về năng lượng. Bắc Kinh buộc phải trông cậy vào than, loại nhiên liệu có sẵn, do các nguồn năng lượng khác bị phụ thuộc chặt chẽ vào nước ngoài.
Sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc năm ngoái đạt 72%, mức cao nhất trong vòng 50 năm, theo số liệu của công ty năng lượng BP, trong đó phần lớn tới từ Arab Saudi.
Nhu cầu nhập khẩu dầu Arab Saudi ngày càng tăng khi các nguồn khác như Iran và Venezuela bị siết chặt bởi lệnh trừng phạt của Mỹ. Bản thân lượng dầu mỏ Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ cũng giảm do tác động của chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, vụ hai nhà máy dầu Arab Saudi bị tấn công hồi tháng 9 được cho là đã thôi thúc Trung Quốc tăng cường tự chủ năng lượng.
Trung Quốc còn được dự đoán trở thành nhà nhập khẩu khí tự nhiên lớn nhất thế giới vào năm 2020 trong nỗ lực chuyển đổi nguồn nhiên liệu để giảm ô nhiễm. Đường ống khí đốt mới có tên Sức mạnh
Siberia nối với Nga được kỳ vọng giải quyết phần nào vấn đề an ninh năng lượng cho Trung Quốc. Tuy nhiên, dự án này khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt trong năm đầu tiên hoạt động.
Các nhiên liệu hóa thạch như than, xăng và khí tự nhiên thải carbon dioxide vào khí quyển, khiến nhiệt độ tăng lên và làm biến đổi khí hậu, trong đó than là “thủ phạm” lớn nhất. Vì vậy, “cơn khát than” của Trung Quốc được cho là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm tình trạng ấm lên toàn cầu.
Giới quan sát cho biết lượng khí thải carbon của Trung Quốc bắt đầu tăng trở lại trong ba năm qua. Xu hướng này thể hiện trong nửa đầu năm nay, khi lượng khí thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch và sản xuất bê tông của nước này tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, theo phân tích của Myllyvirta dựa trên số liệu của chính phủ Trung Quốc.
Tình trạng này khiến Bắc Kinh bị chỉ trích tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Tây Ban Nha hồi đầu tháng. Đáp lại, Trung Quốc và các nền kinh tế đang phát triển khác cho rằng những nước phát triển cần cung cấp thêm quỹ để giúp họ chuyển sang nguồn năng lượng sạch hơn. Theo Bắc Kinh, việc thực hiện Hiệp định Paris và các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu cần sự hợp tác của toàn thế giới. Tuy nhiên, hội nghị kết thúc mà không có thỏa thuận nào.
Nhu cầu than tăng vọt còn khiến Trung Quốc trả giá bằng tính mạng của các thợ mỏ. Wang Dan, nhà phân tích thuộc Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) chi nhánh Bắc Kinh, cho biết sản xuất than ở Trung Quốc bị hạn chế đáng kể sau khi chính phủ tiến hành các cải cách về công nghiệp hồi năm 2015. Sản lượng than giảm từ 3,97 tỷ tấn hồi năm 2013, mức cao nhất trong lịch sử, xuống 3,41 tỷ tấn hồi năm 2016.
Tuy nhiên, nhu cầu than tăng đã kích thích sản xuất tăng trở lại từ năm 2017. Năm ngoái, sản lượng than của Trung Quốc đạt 3,68 tỷ tấn và đã tăng 4,5% tính tới tháng 11 năm nay, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Giới quan sát lo ngại diễn biến này khiến tai nạn dễ xảy ra hơn, bởi các mỏ than không được sử dụng suốt nhiều tháng hoặc vài năm đột ngột mở cửa trở lại tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, nhưng các nhà khai thác thường bỏ qua. Cheng Wuyi, giáo sư tại Đại học Địa chất Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết các nhà điều hành địa phương muốn tăng năng suất, nhưng công nghệ lại tụt hậu, đe dọa an toàn của các thợ mỏ.
14 thợ mỏ đã thiệt mạng trong một vụ nổ mỏ than ở huyện An Long, tỉnh Quý Châu hôm 17/12. Trước đó ba ngày, 4 người thiệt mạng do một mỏ than ở tỉnh Tứ Xuyên lân cận bị ngập. Theo Cục Giám sát An toàn Mỏ than Quốc gia Trung Quốc, 4 tuần trước vụ nổ ở Quý Châu, 4 tai nạn mỏ than khác cũng khiến 43 người chết.
Dù số người chết vì tai nạn mỏ ở Trung Quốc đã giảm đáng kể so với hồi đầu những năm 2000, mỗi năm vẫn có tới hàng trăm thợ mỏ thiệt mạng. Hiện chưa có thống kê về các tai nạn và thương vong năm nay, nhưng số liệu tính tới thời điểm này cho thấy số sự cố đã gia tăng trong nửa sau của năm.
Sau loạt sự cố gần đây, giới chức thừa nhận các nhà khai thác đang đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn của người lao động. Đơn vị điều hành mỏ than Guanglong, nơi xảy ra vụ nổ ở tỉnh Quý Châu, đã không báo cáo về tai nạn trong khoảng thời gian cần thiết. Theo Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc, tỉnh này cũng hai năm liên tiếp đứng đầu về số người tử vong do tai nạn mỏ than, với 56 người thiệt mạng từ đầu năm đến nay và 49 người chết năm ngoái.
Bất chấp nhiều nỗ lực đầu tư hiện đại hóa sản xuất, các cơ quan phụ trách an toàn lao động những năm qua vẫn phải vật lộn trong việc đảm bảo các nhà khai thác mỏ địa phương tuân thủ tiêu chuẩn an toàn.
Thêm vào đó, việc theo dõi các vụ tai nạn cũng gặp khó khăn do hồ sơ không đầy đủ. “Dữ liệu của Trung Quốc chỉ có tổng số vụ tai nạn, không nêu rõ mức độ nghiêm trọng hay bên nào chịu trách nhiệm. Vì vậy, rất khó để xác định nguyên nhân thực sự”, giáo sư Nie Huihua thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho hay.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32367-tq-lai-khat-than.html

Trung Quốc thử đập thủy điện Cảnh Hồng,

ảnh hưởng hạ lưu Mekong

Tám tỉnh của Thái Lan dọc theo sông Mekong được cảnh báo phải chuẩn bị đề phòng trước nguy cơ mực nước giảm từ ngày 1-4/1/2020 do Trung Quốc thử nghiệm đập tại nhà máy thủy điện Cảnh Hồng (Jinghong) ở tỉnh Vân Nam, theo Bangkok Post hôm 30/12.
Trước đó, hãng tin Nhật Nikkei cảnh báo rằng các hoạt động của đập thủy điện theo sông Mekong đang làm cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là gây nên nạn khô hạn và bóp nghẹt tuyến đường mưu sinh của người dân hạ lưu ở Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Theo Văn phòng Tài nguyên Nước Quốc gia Thái Lan (ONWR), các tỉnh Chiang Rai, Loei, Nakhon Phanom, Nong Khai, Mukdahan, Bung Kan, Amnat Charoen và Ubon Ratchathani dọc theo sông Mekong sẽ có mực nước giảm khi Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm tại đập Cảnh Hồng.
Dựa trên thông báo do Bộ Tài nguyên nước của Trung Quốc gửi, các thử nghiệm này sẽ làm lượng nước giảm từ 1.200-1.400 m³/giây (m/s) xuống còn 800-1.000 m³/giây từ ngày 1/1, theo ONWR.
Cũng theo ONWR, lượng nước xả sẽ tiếp tục giảm xuống còn 504-800m³/giây vào ngày 4/1.
Mực nước dọc sông Mekong có khả năng giảm khoảng 40-60 cm trong giai đoạn đầu của thử nghiệm. Theo tổng thư ký của ONWR, Somkiat Prajamwong, khi dòng chảy bị giới hạn ở 504-800m³/s, mực nước có khả năng giảm thêm 30-50cm.
Hơn nữa, việc nước biển đang xâm nhập làm tình trạng vùng hạ lưu thêm tồi tệ hơn.
Trạm bơm Samlae ở tỉnh miền trung Pathum Thani, Thái Lan, đã ghi nhận độ mặn 1,55g/l trên sông Chao Phraya vào lúc triều cường – cao hơn ngưỡng bình thường 0,25g, theo Bangkok Post.
Tại đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nước mặn đang xâm nhập khiến 800 nghìn người thiếu nước ngọt, 160 nghìn ha lúa bị ảnh hưởng, với độ mặn ghi nhận tại cống Cái Hóp, tỉnh Trà Vinh, là 8,7% vào tuần này, theo báo Giáo dục và Thời đại.
Truyền thông Việt Nam cho biết xâm nhập mặn sẽ diễn ra khắc nghiệt vào tháng 1, 2, 3 năm 2020, trong đó cao điểm vào tháng 3 và dự báo gây ảnh hưởng nặng nề hơn so với năm 2016.
Sông Mekong là tuyến đường huyết mạch đối với nhiều cộng đồng ở Đông Nam Á. Nhưng đợt hạn hán đang hoành hành cùng hàng chục nhà máy thủy điện đang ngăn dòng chảy khiến hệ sinh thái vốn dễ bị tác động lại thêm tồi tệ hơn.
Một báo cáo của Ủy ban sông Mekong (MRC) vào giữa tháng 7 cho rằng mực nước trong tháng trước đã giảm xuống “thấp kỷ lục.”
Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc và chảy ra Biển Đông qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Khoảng 60 triệu người phụ thuộc vào con sông để sinh sống bằng các nghề như đánh cá, canh tác nông nghiệp và vận tải thủy.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-thu-dap-thuy-dien-canh-hong-anh-huong-den-ha-luu-mekong/5225120.html

Sydney vẫn bắn pháo bông đón Năm Mới

bất chấp phản đối

Lễ bắn pháo bông ‘đặc sản’ Sydney vào đêm Giao thừa đón mừng năm mới sẽ vẫn diễn ra, bất chấp những lời kêu gọi hủy bỏ do cuộc khủng hoảng cháy rừng đang diễn ra tại Úc.
Sở Cứu hỏa Nông thôn của bang New South Wales (NSW) đã cho phép các nhà tổ chức miễn áp dụng lệnh cấm toàn bộ các vụ đốt lửa hiện đang có hiệu lực trên toàn vùng.
NSW vẫn đang bị nạn cháy rừng hoành hành, và tình hình càng trở nên căng thẳng do nhiệt độ tăng cao kỷ lục và hạn hán đã kéo dài hàng tháng.
Một số buổi trình diễn pháo bông trên toàn NSW đã bị hủy bỏ.
Các nhà tổ chức buổi trình diễn tại Sydney được thúc giục là hãy hủy bỏ sự kiện này, thay vào đó hãy quyên tiền cho các nhà nông và lực lượng cứu hỏa.
Thỉnh nguyện thư kêu gọi buổi lễ bắn pháo bông ở Sydney nên bị hủy bỏ và nói rằng việc tổ chức buổi trình diễn sẽ gửi ra thông điệp sai vào thời điểm đất nước đang bị các vụ cháy rừng hoành hành – thư này đã thu thập được hơn 270 ngàn chữ ký.
Thỉnh nguyện thư nói khoản tiền 5,8 triệu đô la Úc (4 triệu đô la Mỹ) đã được chi cho buổi trình diễn năm ngoái.
Phó thủ tướng NSW John Barilaro nằm trong số những người kêu gọi hủy buổi trình diễn hôm thứ Ba và nói đó hẳn là “một quyết định rất dễ dàng”.
Tuy nhiên, thị trưởng Sydney Clover Moore nói việc tổ chức buổi lễ “sẽ đem lại chút lợi ích thực tế”.
Quyết định cấp phép tổ chức buổi lễ đã được đưa ra vào tối thứ Hai.
Hàng trăm ngàn người được trông đợi sẽ tụ tập tại khu vực Cầu Cảng Sydney để ngắm màn trình diễn pháo bông lúc nửa đêm, sự kiện nổi tiếng của thành phố, một trong những thứ giúp thu hút du lịch toàn cầu tới Sydney.
Vì sao có lời kêu gọi hủy bỏ?
Trong những tháng gần đây, các đám cháy rừng lan rộng trên toàn Australia. Thời tiết nóng bức, gió lớn và hạn hán khiến tình hình càng trở nên nguy ngập.
NSW, bang có Sydney, là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 100 trận cháy rừng hiện vẫn đang diễn ra.
Tình hình thời tiết xấu dự kiến sẽ làm các vụ cháy càng trở nên tồi tệ hơn tại bang này vào thứ Ba, với nhiệt độ có thể sẽ ở mức khoảng trên 35 độ C tại Sydney.
Thời tiết xấu cùng khói bốc lên từ các đám cháy khiến người ta kêu gọi hủy bỏ buổi trình diễn pháo bông đón Giao thừa tại Sydney và các nơi khác trên NSW.
Thỉnh nguyện thư nói rằng việc bắn pháo bông có thể “gây tổn thương đối với một số người”, những người đang phải đối phó với “đủ mọi loại khói trong không trung”.
Thủ tướng NSW Gladys Berejiklian không đồng ý với ý kiến trên, nhưng thừa nhận là có “sự chịu đựng trong cộng đồng vào lúc này”.
“Sydney là một trong những thành phố đầu tiên trên thế giới chào đón năm mới, và nếu như việc đó an toàn thì chúng ta cần tiếp tục thực hiện như chúng ta đã từng làm trong mọi năm trước,” bà Berejiklian nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50947245

Người dân và khách du lịch được khuyên rời

khỏi nước Úc vì cháy rừng ngày càng trầm trọng

Tin từ Melbourne, Úc – Vào chủ nhật (ngày 29 tháng 12), người dân và khách du lịch tại một phần của tiểu bang Victoria, Úc, đã được khuyên hãy rời khỏi nơi này trước những dự đoán rằng tình trạng cháy rừng sẽ ngày càng trầm trọng. Chính quyền cho biết nhiệt độ hơn 40 độ C, gió mạnh, giông bão và hướng gió thay đổi sẽ xuất hiện trên toàn tiểu bang, đồng nghĩa với việc thứ hai (ngày 30 tháng 12) sẽ là một trong những ngày mà tình trạng cháy rừng trở nên tồi tệ nhất trong lịch sử tiểu bang Victoria.
Ủy viên quản lý khẩn cấp tiểu bang Andrew Crisp thông báo với người dân và hàng chục ngàn người nghỉ hè ở khu vực East Gippsland hãy di tản trước sáng thứ hai. Trước đó vào Chủ nhật, ban tổ chức của một lễ hội âm nhạc ở Victoria đã hủy bỏ sự kiện này, với lý do thời tiết khắc nghiệt dự kiến sẽ diễn ra vào ngày hôm sau. Sự kiện này đáng lẽ sẽ kéo dài cho đến tận đêm giao thừa và khoảng 9.000 người đã cắm trại tại địa điểm sự kiện sẽ diễn ra khi thông báo hủy được ban hành. Tiểu bang New South Wales (NSW) cũng đang phải đối mặt với tình trạng hỏa hoạn nghiêm trọng trong những ngày tới, với nhiệt độ dự kiến sẽ đạt mức cao nhất vào thứ ba.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/nguoi-dan-va-khach-du-lich-duoc-khuyen-roi-khoi-nuoc-uc-vi-chay-rung-ngay-cang-tram-trong/

Nữ học giả Úc bị giam tại Iran vì hoạt động gián điệp

Từ Teheran, Iran – Vào thứ Bảy (28/12), Bộ Ngoại giao Iran nhấn mạnh nữ học giả người Úc đang bị giam ở Iran vì tội gián điệp phải chấp hành án phạt. Đồng thời khẳng định chính quyền Tehran sẽ không bị cuốn vào cuộc chiến tuyên truyền. Sau khi học giả Moore-Gilbert thất bại trong nỗ lực kháng cáo bản án 10 năm tù giam của Iran, cô bắt đầu tuyệt thực tại nhà tù Evin ở Tehran để đòi trao trả tự do.
Chính quyền Úc bày tỏ lo lắng về sự việc này. Ngoại trưởng Marise Payne kêu gọi phía Iran đối xử với nữ học giả một cách công bằng, nhân đạo và phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong một tuyên bố từ Tehran hôm 28/12, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Iran Abbas Mousavi khẳng định “Iran sẽ không bị cuốn vào trò chơi chính trị và tuyên truyền”, nhằm phản ứng lại một số thông tin trên truyền thông Úc. Ông Mousavi khẳng định cô Moore-Gilbert cũng giống như bất cứ cá nhân nào bị kết án tù tại Iran đều phải thi hành hết bản án và vẫn được hưởng đầy đủ các quyền hợp pháp. Theo tờ The straits times đưa tin, việc Iran bắt giữ nữ học giả trên được xác nhận vào tháng 9 vừa qua.
Ông Mousavi thêm rằng Iran sẽ không quên cách đối xử bất hợp pháp của Úc đối với bà Negar Ghodskani, một phụ nữ Iran bị bắt năm 2017 vì vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran. Bà sinh con tại Úc trước khi bị dẫn độ về Hoa Kỳ và được thả ra vào tháng 9 năm sau.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/nu-hoc-gia-uc-bi-giam-tai-iran-vi-hoat-dong-gian-diep/

Bão nhiệt đới Sarai đổ bộ vào Fiji

khiến 1 người thiệt mạng, hàng ngàn người phải di tản

Tin từ Melbourne, Úc – Hôm chủ nhật (29/12), các nhà chức trách Fiji cho biết, 1 người bị thiệt mạng ở Fiji và 1 người khác bị mất tích, khi cơn bão nhiệt đới Sarai đổ bộ vào quốc gia Nam Thái Bình Dương, mang theo gió mạnh và mưa lớn. Văn phòng quản trị thiên tai quốc gia Fiji cho biết, hiện có 1 người đang được chăm sóc đặc biệt, và hơn 2,500 người được chuyển đến 70 trung tâm di tản.
Theo dự báo trước đó, cơn bão nhiệt đới cấp 2 dự kiến không đổ bộ vào Fiji. Nhưng hiện nay, Trung tâm dự báo thời tiết đã đưa ra khuyến cáo bão và lũ lụt cho nhiều khu vực của đất nước. Trung tâm Khí tượng Fiji cho biết, tại khu vực tâm bão, sức gió trung bình lên tới gần 110km/giờ, hoặc có gió mạnh lên đến 150km/giờ. Bão Sarai đang di chuyển về phía đông với tốc độ gần 10km/giờ, và dự kiến sẽ di chuyển vào vùng biển Tongan vào thứ ba tới (31/12). Cơ quan khí tượng Tonga đã đưa ra một khuyến cáo về mưa lớn và lũ quét có thể xảy ra trên cả nước.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/bao-nhiet-doi-sarai-do-bo-vao-fiji-khien-1-nguoi-thiet-mang-hang-ngan-nguoi-phai-di-tan/

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.