Tin Biển Đông – 21/12/2019
Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019
15:38
//
Biển Đông
,
Slider
Báo TQ khoe tàu sân bay mới
có thể đối đầu tàu nước ngoài ở Biển Đông
Báo Trung Quốc hôm 18/12 nói tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này sẽ tập trung nhiệm vụ ở Biển Đông và có thể đối đầu với tàu nước ngoài.
Tàu sân bay mới của Trung Quốc, Sơn Đông, được đưa vào biên chế hôm 17/12 sau thời gian thử nghiệm. “Tập trung chiến lược chính của Sơn Đông sẽ là trên các vùng biển quanh Biển Đông” – bài bình luận viết. Theo SCMP, bài này do một tài khoản mạng xã hội có liên quan với Nhân dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố.
Theo SCMP, báo Trung Quốc ngang nhiên nói: “Gần đây, các tàu quân sự và máy bay từ một số quốc gia đã và đang thực hiện cái gọi là hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, khuấy động rắc rối và thách thức chủ quyền quốc gia của Trung Quốc”.
“Nhóm tàu tấn công do tàu Sơn Đông dẫn đầu sẽ được triển khai đến Biển Đông. Rất có khả năng sẽ có những cuộc đối đầu với các tàu quân sự nước ngoài.”
Bài bình luận không nhắc đến tên cụ thể nước nào, song trước đó Bắc Kinh liên tục tố Mỹ xâm phạm lãnh thổ hàng hải và khiêu khích gây căng thẳng khi cử tàu quân sự và máy bay vào Biển Đông.
Trong khi đó, hôm 17/12, China Daily, tờ báo nhà nước Trung Quốc đăng bài bình luận nói rằng việc nâng cao khả năng của hải quân giúp chính phủ Trung Quốc “thực hiện tốt hơn các trách nhiệm quốc tế, duy trì hòa bình và ổn định thế giới”. Báo này giải thích tàu sân bay mới là “dấu hiệu của tiến bộ, không phải khiêu khích”.
Tàu Sơn Đông tháng 11 (khi đó chưa có tên) đã di chuyển qua eo biển Đài Loan để thực hiện hoạt động “huấn luyện thường lệ và các cuộc thử nghiệm nghiên cứu khoa học”, trước khi đi vào Biển Đông. Đài Loan cáo buộc động thái này của Bắc Kinh là nhằm đe dọa chính quyền Đài Bắc trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc bầu cử chọn lãnh đạo của vùng lãnh thổ này vào tháng 1 năm tới.
Đáng chú ý, động thái này diễn ra song song với cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và người đồng cấp Mỹ Mark Esper bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) tại Bangkok, nơi Trung Quốc kêu gọi quân đội Mỹ “ngừng khoe cơ bắp ở Biển Đông” và “tránh tạo thêm bất ổn mới đối với vấn đề Đài Loan”. Như vậy một mặt lớn tiếng chỉ trích Mỹ, một mặt dường như chính Trung Quốc mới là người “khoe cơ bắp”.
Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây liên tục gia tăng các hoạt động phi pháp trên Biển Đông để củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp, bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của các quốc gia trên thế giới.
Đô đốc Mỹ John Aquilino, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, hôm 13/12 nói rằng Trung Quốc xây dựng các cấu trúc ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế, gây tổn hại đến môi trường, có mục đích quân sự và “cuối cùng là cưỡng chế và bắt nạt các quốc gia trong khu vực”.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản hôm 15/12 chỉ trích hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông và các vùng biển gần Nhật Bản. “Trung Quốc thực hiện các nỗ lực đơn phương và cưỡng chế nhằm thay đổi hiện trạng dựa trên các khẳng định riêng của mình không phù hợp với trật tự quốc tế hiện tại”. Ông khẳng định “Quy tắc luật lệ, điều quan trọng thiết yếu đối với ổn định và an ninh toàn cầu, là một giá trị chung của cộng đồng quốc tế, bao gồm Trung Quốc”, và các nước không được phép mở rộng ảnh hưởng bằng vũ lực.
Hai tàu sân bay Trung Quốc
sẽ hợp lực để giành ưu thế ở Biển Đông?
Hai tàu sân bay Sơn Đông và Liêu Ninh của Trung Quốc có thể hợp thành một nhóm tác chiến để ngăn chặn máy bay, tàu Mỹ tiếp cận Đài Loan trong trường hợp xảy ra chiến tranh, theo tạp chí Naval and Merchant Ships.
Trong số hai tàu nói trên, tàu Sơn Đông là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc mới được đưa vào biên chế hôm 17.12. Tàu này được chế tạo dựa trên tàu Liêu Ninh, được cải tạo từ tàu lớp Kuznetsov mua của Ukraine vào năm 1998 và đưa vào biên chế năm 2012.
Thay vì tác chiến một mình, tàu Sơn Đông sẽ cùng tàu Liêu Ninh tạo thành một nhóm tàu tác chiến nhằm ngăn chặn các tàu Mỹ hoặc Nhật tiếp cận Đài Loan để ủng lực lượng đòi độc lập ở vùng lãnh thổ này, theo tờ Naval and Merchant Ships, một tạp chí có trụ sở ở Bắc Kinh.
“Nhiệm vụ [khác] của [máy bay thuộc nhóm tác chiến] là ngăn máy bay ném bom tầm xa cất cánh từ một căn cứ hải quân ở Guam. Việc này nhằm ngăn chặn máy bay Mỹ nhắm vào các đội hình vận tải của PLA [Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc] và tàu ngầm Trung Quốc”, Naval and Merchant Ships viết.
Ngoài hai tàu sân bay, nhóm tàu tác chiến nói trên còn có 2 khu trục hạm tên lửa tối tân Type 055, 10 tàu hộ vệ, 3 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và một tàu tiếp tế.
0 nhận xét