Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 18/09/2019

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019 15:57 // ,

Tin Việt Nam – 18/09/2019

VN Pharma: Công an khởi tố

 vụ án Thiếu trách nhiệm ở Bộ Y tế

Bộ Công an Việt Nam ra thông báo khởi tố vụ án hình sự: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Thêm cựu lãnh đạo VN Pharma bị bắt vụ thuốc ung thư giả
VN Pharma: phát nhanh, sụp cũng chóng
Theo thông báo, cuộc điều tra xoay quanh vụ án “Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường cùng đồng phạm buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty VN Pharma ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác.
Việc khởi tố vụ án hình sự ngày 18/9 là để điều tra việc thẩm định, xét duyệt, cấp phép và cho thông quan nhập khẩu đối với các thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Công ty Helix Canada và nhãn mác Công ty Health 2000 Canada, theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trước đó, ngày 16/9, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã ký ban hành thông báo kết luận thanh tra về việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty Cổ phần VN Pharma.
Thanh tra Chính phủ nói họ sẽ chuyển kết luận thanh tra sang Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận này.
Đồng thời, kết luận cũng được chuyển đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để phục vụ công tác điều tra liên quan đến việc Công ty Cổ phần VN Pharma nhập khẩu thuốc, bán thuốc H-Capita do Công ty Helix sản xuất và các loại thuốc do Công ty Health 2000 sản xuất.
Theo Thanh tra Chính phủ, Bộ Y tế cần chỉ đạo Cục Quản lý Dược và Vụ Kế hoạch Tài chính tổ chức kiểm điểm và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra những vi phạm trong việc cấp phép nhập khẩu, cấp số đăng ký đối với 10 thuốc, cấp phép hoạt động cho Công ty Helix năm 2014; công tác đấu thầu mua thuốc tại các bệnh viện tuyến trung ương đã được thanh tra.
Sơ thẩm vụ mua bán thuốc ung thư giả
Trong diễn tiến liên quan, dự kiến từ 24 đến 30/9, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ mua bán thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma.
Các bị cáo trong vụ án gồm Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc VN Pharma), Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C), Nguyễn Trí Nhật (nguyên Phó Tổng giám đốc VN Pharma), Ngô Anh Quốc (nguyên Phó Tổng giám đốc VN Pharma), Lê Thị Vũ Phương (Kế toán trưởng), Phan Cẩm Loan (Phó phòng Xuất nhập khẩu Việt Nam Pharma), cùng 6 bị cáo khác.
Các bị cáo cùng bị truy tố tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.
Theo cáo trạng, khoảng giữa năm 2013, bị cáo Hùng và Cường mua thuốc H-Capita (dùng chữa một số loại ung thư).
Do chưa có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam nên Hùng đã chỉ đạo làm giả hồ sơ để đề nghị cấp phép.
Tổng cộng đã có 9.300 hộp thuốc H-Capita được nhập về.
Vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm lần 1 vào cuối tháng 8/2017 với tội danh “Buôn lậu” và “Làm giả giấy tờ”.
Khi đó bị cáo Hùng và Cường cùng nhận mức án 12 năm tù giam về tội “Buôn lậu”.
Tuy nhiên, xử phúc thẩm năm 2017, TAND cấp cao tại TP.HCM đã hủy bản án, yêu cầu điều tra xét xử lại.
Trong vụ xử tới đây, tội danh của các bị cáo được đổi thành “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.
Tội danh này có khung hình phạt lên tới tử hình.
Vào thời điểm vụ việc xảy ra, ông Trương Quốc Cường đang là Cục trưởng Cục quản lý Dược, và hiện ông là Thứ trưởng Bộ Y tế.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49742405

Trở ngại nào trong tiến trình pháp lý

 xin giảm án cho tử tù Đặng Văn Hiến?

“Trại tạm giam tỉnh Đắk Nông không đúng”
Vào tối ngày 17 tháng 9, Luật sư Ngô Ngọc Trai cho RFA biết sau khi gửi văn bản tới Trại tạm giam tỉnh Đắk Nông đề nghị bố trí cho phép luật sư gặp làm việc với tử tù Đặng Văn Hiến, ông đã nhận được văn bản phúc đáp, do Giám thị Trại tạm giam-Đại tá Nguyễn Xuân Bình ký vào ngày 30 tháng 8:
“Chúng tôi nhận được văn bản hồi đáp của Trại tạm giam thì họ có ý kiến rằng muốn vào gặp cần phải được sự đồng ý cho phép của Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông, là nơi đã xét xử sơ thẩm vụ án. Nếu tòa cho phép thì họ sẽ để cho luật sư vào gặp. Nhưng mà, chúng tôi cho rằng cách trả lời như thế của Trại tạm giam là không đúng.”
Vụ án nông dân Đặng Văn Hiến nổ súng bắn vào nhân viên của Công ty Long Sơn khi công ty này ngang nhiên đến cưỡng chiếm đất đai, nhà cửa của ông Hiến hồi hạ tuần tháng 10 năm 2016, tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông làm 3 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương được dư luận đặc biệt quan tâm. Dư luận càng bức xúc khi Tòa án tỉnh Đắk Nông tuyên tử hình đối với ông Đặng Văn Hiến.
Tôi cũng chia sẻ bản thân tôi khi nhận lời tham gia giúp đỡ cho tử tù Đặng Văn Hiến, thì mục đích đầu tiên là đương nhiên tìm cách xin ân giảm án tử hình cho tử tù. Nhưng quan trọng không kém qua vụ án này, chúng tôi muốn phản ánh tới các cơ quan ban ngành Nhà nước cũng như công luận thấy được những bất cập pháp lý chung quanh người tử tù nói riêng và những người thi hành án nói chung
-Luật sư Ngô Ngọc Trai

Ngay sau khi bản án tử hình được tuyên, rất nhiều thành phần trong xã hội, trong đó có giới luật sư và gia đình của các nạn nhân đã lên tiếng cũng như làm đơn xin kháng cáo và miễn tội chết cho ông Đặng Văn Hiến.
Luật sư Ngô Ngọc Trai, thuộc Công ty Luật Trách nhiệm Hữu hạn Công Chính hồi tháng 8 thông báo trên tài khoản Facebook cá nhân rằng ông nhận lời của gia đình tử tù Đặng Văn Hiến để thụ lý hồ sơ xin giảm án cho người nông dân “bất hạnh” này. Tuy nhiên, Luật sư Ngô Ngọc Trai nói với RFA mọi việc được tiến hành một cách đầy trở ngại và khó khăn:
“Chúng tôi cũng có văn bản gửi cho Tòa án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh, là cơ quan xét xử phúc thẩm vụ án, để đề nghị cho phép luật sư chúng tôi được tiếp cận hồ sơ, sao chụp hồ sơ vụ án để nghiên cứu, tìm ra những nghiên cứu pháp lý mà chúng tôi cho rằng rất có thể tòa án các cấp trước đây xét xử đã bỏ sót những điểm cần thiết và đánh chưa thật sự toàn diện, khách quan và chuẩn mực về vụ án. Nhưng rồi văn bản gửi đi cũng không được Tòa án trả lời.”
Do bất cập pháp lý
Liên quan đến văn bản phúc đáp từ Đại tá Nguyễn Xuân Bình, Luật sư Ngô Ngọc Trai lý giải sự sai trái của các cơ quan thuộc ngành tư pháp trong việc thực thi áp dụng các quyền dành cho tử tù. Như trường hợp của tử tù Đặng Văn Hiến, ông cho rằng, một phần là do Luật thi hành án hình sự của Việt Nam hiện nay không có quy định cụ thể rõ ràng người thi hành án được gặp làm việc với luật sư. Đồng thời, theo thông lệ và các quy định hiện hành thì luật sư chỉ được sao chụp hồ sơ vụ án khi vụ án đang trong giai đoạn xét xử và sau khi xét xử xong thì không thể tiếp cận được nữa.
Luật sư Ngô Ngọc Trai nhấn mạnh rằng nếu như bị can sau khi xử xong mà kêu oan hoặc xin ân giảm án hay có đơn giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì luật sư cũng không thể nào xin sao chụp hồ sơ vụ án được và do đó khi hồ sơ đã khép lại thì luật sư không có cách nào để tiếp cận với các hồ sơ vụ án.
“Tôi cũng chia sẻ bản thân tôi khi nhận lời tham gia giúp đỡ cho tử tù Đặng Văn Hiến, thì mục đích đầu tiên là đương nhiên tìm cách xin ân giảm án tử hình cho tử tù. Nhưng quan trọng không kém qua vụ án này, chúng tôi muốn phản ánh tới các cơ quan ban ngành Nhà nước cũng như công luận thấy được những bất cập pháp lý chung quanh người tử tù nói riêng và những người thi hành án nói chung.”
Luật sư Ngô Ngọc Trai khẳng định bất cập pháp lý này gây ra hậu quả là hành lang pháp lý hoạt động của luật sư bị rất nhiều hạn hẹp và trói buộc, cũng như những quy định bất hợp lý đó gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quyền lợi pháp lý và sinh mệnh sống chết của nhiều tử tù hoặc của phạm nhân thi hành án tại Việt Nam.
Mặc dù qua các thông tin mà Luật sư Ngô Ngọc Trai vừa cung cấp liên quan diễn tiến pháp lý xin giảm án cho tử tù Đặng Văn Hiến gặp không ít trở ngại vì những bất cập pháp lý, thế nhưng dư luận vẫn trông chờ từng ngày với mong muốn vụ án được Tòa án Việt Nam nhanh chóng xem xét lại một cách công minh.
Qua trao đổi với một số luật sư ở trong nước, các vị luật sư mà Đài Á Châu Tự Do được tiếp xúc đều cho rằng tử tù Đặng Văn Hiến phải được miễn án tử theo quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam. Luật sư Lê Công Định phân tích một cách chi tiết về mặt pháp lý với RFA:
Trong trường án nông dân Đặng Văn Hiến thì rõ ràng những tình tiết trong vụ án cho thấy ông Hiến không bị đáng tuyên tử hình vì rất nhiều lý do, trong đó có một lý do là ông Hiến phạm tội trong tình trạng bị kích động bởi sự vi phạm pháp luật trắng trợn của đội cưỡng chế đất ở nhà của ông và trước khi ông ngăn chặn việc tấn công của nhân viên đội cưỡng chế đó thì ông đã bắn chỉ thiên, rồi sau đó ông mới bắn vào những người đến tấn công ông cùng những người dân ở khu vực đó. Như vậy, ông Hiến rơi vào vào tình trạng phòng vệ chính đáng. Và có thêm một tình tiết giảm nhẹ nữa là “phạm tội trong khi tinh thần bị kích động”
-Luật sư Lê Công Định
“Trong trường án nông dân Đặng Văn Hiến thì rõ ràng những tình tiết trong vụ án cho thấy ông Hiến không bị đáng tuyên tử hình vì rất nhiều lý do, trong đó có một lý do là ông Hiến phạm tội trong tình trạng bị kích động bởi sự vi phạm pháp luật trắng trợn của đội cưỡng chế đất ở nhà của ông và trước khi ông ngăn chặn việc tấn công của nhân viên đội cưỡng chế đó thì ông đã bắn chỉ thiên, rồi sau đó ông mới bắn vào những người đến tấn công ông cùng những người dân ở khu vực đó. Như vậy, ông Hiến rơi vào vào tình trạng phòng vệ chính đáng. Và có thêm một tình tiết giảm nhẹ nữa là “phạm tội trong khi tinh thần bị kích động”. Những trường hợp đó rất xứng đáng trong quá trình xét xử để cho tòa án cân nhắc, xem xét áp dụng một mức hình phạt vừa phải. Ở đây, ông Hiến gần như là không cố tình giết người cho nên tuyên một bản án tử hình như vậy hoàn toàn trái pháp luật và tôi nghĩ việc giảm án cho ông Hiến là chuyện đương nhiên; cho nên mới có việc cựu Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhận được đơn để xin ân xá và toà án cũng đã đề xuất với luật sư của ông về việc này.”
Bên cạnh đó, các vị luật sư còn cho rằng vì vụ án tử tù Đặng Văn Hiến mang tính chất “chính trị”, liên quan vấn đề nóng bỏng của xã hội là vấn đề người dân bị trưng thu, cưỡng chế đất đai trái pháp luật mà Nhà nước Việt Nam không thể nào giải quyết xuể trong suốt hàng chục năm qua; thế nên vụ án này cần thiết được xem xét một cách thận trọng để tỏ rõ cho công luận thấy được thiện chí của Chính phủ trong việc giải quyết mâu thuẫn đất đai gây bức xúc tột độ trong dân chúng hiện nay.
Còn rất nhiều dân oan khắp từ Bắc đến Nam, trong đó có những làng dân oan như ở Văn Giang, Dương Nội, Thủ Thiêm, Lộc Hưng…đều chia sẻ rằng họ mong đợi một bản án minh oan tội chết cho nông dân Đặng Văn Hiến sẽ được tuyên trong nay mai và đó chính là chỉ dấu cho hy vọng sẽ không còn những “dân oan” trên chính mảnh đất quê nhà của họ.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/which-obstacles-in-the-legal-process-of-reducing-for-death-dangvanhien-09172019132131.html

Xét xử vụ Bảo hiểm xã hội Việt Nam

gây thiệt hại gần 1700 tỷ đồng

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hôm 18/9 đã bắt đầu xử phiên tòa sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà Nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Công ty cho thuê tài chính II.
6 bị cáo ra hầu tòa đều là các quan chức, cán bộ liên quan đến vụ án Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) đầu tư sai quy định cho Công ty cho thuê tài chính II (ALC II, trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Agribank) gây thất thoát cho Nhà nước 1700 tỷ đồng.
Trong số 6 bị cáo, có 5 bị cáo cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” gồm các ông Lê Bạch Hồng (nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nguyên Tổng Giám đốc BHXHVN); Nguyễn Huy Ban (nguyên Tổng Giám đốc BHXHVN); Nguyễn Phước Tường (nguyên Trưởng Ban Kế hoạch-Tài chính, kiêm Kế toán trưởng BHXHVN); Hoàng Hà và Trần Tiến Vỹ nguyên là Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Kế hoạch-Tài chính thuộc BHXHVN.
Riêng bà Trần Thị Thanh Thủy (nguyên là chuyên viên, sau là Phó Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Kế hoạch-Tài chính thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Công ty cho thuê tài chính II (ALC II) được xác định là tổ chức tín dụng phi ngân hàng, và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 không cho phép BHXHVN cho ALC II vay vốn.
Tuy nhiên vào tháng 3 và 4 năm 2008, theo lời đề nghị của ông Vũ Quốc Hảo (khi đó là Tổng Giám đốc ALC II), ông Nguyễn Thế Bình (khi đó là Tổng giám đốc Agribank) đã ký 3 thư bão lãnh thanh toán để ALC II vay vốn của BHXHVN.
Từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2009, các cán bộ BHXHVN đã lập 14 tờ trình yêu cầu BHXHVN cho ALC II vay 1010 tỷ đồng. Việc cho vay này bị Viện Kiểm sát xác định là không đúng đối tượng, nguyên tắc đầu tư, trái với Luật Bảo hiểm xã hội 2006.
Đến ngày 31/7/2018, ALC II tuyên bố phá sản và không có khả năng thanh toán số tiền 1697 tỷ đồng (gồm cả lãi và gốc). ALC II chỉ mới thanh toán 1 hợp đồng trong số 14 hợp đồng vay đã ký với BHXHVN.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Bạch Hồng bị cáo buộc đã ký và chỉ đạo thực hiện 3 hợp đồng cho ALC II vay vốn, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 434 tỷ đồng.
Nguyên Tổng Giám đốc BHXHVN Nguyễn Huy Ban bị cáo buộc đã ký và chỉ đạo thực hiện 11 hợp đồng cho ALC II vay vốn, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1263 tỷ đồng.
Được biết, phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 1 tuần.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội TPHCM, việc sử dụng Quỹ bảo hiểm Y tế tại một số cơ sở Y tế trong 8 tháng đầu năm vượt so với dự toán được giao. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi bệnh nhân BHYT.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TPHCM cho biết hiện BHXH TPHCM phối hợp cùng Sở Y tế báo cáo tình hình tăng chi phí khám chữa bệnh để gửi Bộ Tài Chính, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tổng hợp báo cáo Chính Phủ. Đối với các đơn vị có biểu hiện lạm dụng trục lợi trong việc sử dụng Quỹ BHYT, BHXH TPHCM sẽ gửi hồ sơ có liên quan đến cơ quyan điều tra để giải quyết.
Được biết, năm 2019 là năm đầu tiên các tỉnh, thành phố được Chính phủ giao nguồn kinh phí hoạt động khám chữa bệnh BHYT để phân bổ về các bệnh viện, dựa trên chi phí thanh toán BHYT năm 2018.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-case-of-vietnam-social-insurance-caused-damage-of-nearly-vnd-1700-billion-to-court-09182019090242.html

Hoãn phiên xử vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang

do vắng mặt 120 nhân chứng

Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang, vào ngày 18 tháng 9 mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ gian lận điểm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018, nhưng buộc phải hoãn phiên tòa vì có đến 120 nhân chứng vắng mặt.
Cụ thể, có 5 bị cáo xuất hiện tại tòa bao gồm ông Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng phòng khảo thí), ông Vũ Trọng Lương (nguyên Phó trưởng phòng khảo thí), ông Phạm Văn Khuông (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Hà Giang), bà Lê Thị Dung (nguyên cán bộ Công an tỉnh Hà Giang) và bà Triệu Thị Chính (nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Hà Giang).
Năm bị cáo này bị truy tố về các tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Hội đồng xét xử đã triệu tập 177 nhân chứng tham gia phiên tòa sơ thẩm, tuy nhiên có 60 nhân chứng đã gửi đơn đến tòa xin vắng mặt và 62 nhân chứng khác vắng mặt không có lý do.
Chủ tọa phiên tòa-Thẩm phán Vương Thị Thu Hà quyết định hoãn phiên tòa với lý do sự vắng mặt của quá nhiều nhân chứng sẽ ảnh hưởng đến phiên tòa không được khách quan, cũng như không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo.
Phiên tòa được dự kiến mở lại từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 10 tới đây.
Cũng trong ngày 18 tháng 9, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình cho báo giới biết tỉnh này đã kỷ luật khiển trách đối với 9 cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm thi sai trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018; đồng thời Chính quyền huyện Lạc Thủy đang xem xét kỷ luật tương đương mức xử lý đối với đảng viên.
Tỉnh Hòa Bình, cho đến thời điểm hiện tại, đã kỷ luật 28 cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018.
Hôm 16 tháng 9, phiên tòa dự kiến xét xử vụ gian lận trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Sơn La cũng phải hoãn vì lý do hơn 70 người được triệu tập không đến dự tòa.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-trial-of-hagiang-exam-frauds-case-postponed-cause-of-120-witnesses-absence-09182019082423.html

VN nói cảnh sát quốc tế

truy nã ông chủ Nhật Cường Mobile

Trung tướng Trần Văn Vệ, Chánh Văn Phòng Cơ quan Cảnh Sát Điều Tra, Bộ Công an vào ngày 18 tháng 9 cho biết rằng ông Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Nhật Cường Mobile “đang bị Interpol truy nã đỏ”; tuy nhiên trên website của Interpol không thấy tên ông này. Theo tin truyền thông trong nước thì tại buổi họp báo về Hội nghị Hiệp hội tư lệnh cảnh sát các nước ASEAN (Aseanapol) vào ngày 18 tháng 9, Trung tướng Trần Văn Vệ, Chánh văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an nói rõ: “Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã trong nước và quốc tế, đề nghị Interpol truy nã và được Interpol đưa Bùi Quang Huy vào danh sách “truy nã đỏ”. Việt Nam cũng đã có đề nghị các nước Asean phối hợp để truy nã, nếu bắt được sẽ trao trả về Việt Nam.” Ông Bùi Quang Huy bị khởi tố về tội ”Buôn lậu” và “Trốn thuế” nhưng đươc ghi nhận đã xuất cảnh hồi trung tuần tháng 5/2019. Tiếp đó, đầu tháng 7/2019, ông bị khởi tố thêm tội “Rửa tiền”. Ông Huy bị cáo buộc cầm đầu đường dây buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán tài chính để ngoài sổ sách hàng ngàn tỷ đồng doanh thu. Ông cũng bị các báo dẫn tài liệu của cơ quan điều tra, cáo buộc sử dụng tiền buôn lậu đưa vào Công ty Nhật Cường và Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) để hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi và rửa tiền. Trước khi ông Huy bị khởi tố và truy nã, Nhật Cường Mobile được biết đến là doanh nghiệp tham gia xây dựng 126 dịch vụ công cho Ủy ban nhân dân TP Hà Nội như xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến, phần mềm hộ chiếu online và đặc biệt là giải pháp dịch vụ công trực tuyến liên thông ba cấp, phần mềm quản lý tội phạm. Hôm 18/9, RFA đã thử tìm tên ông Bùi Quang Huy trong danh sách Red Notices trên website Interpol nhưng không thấy tên ông này. Trước đây, hồi tháng 9/2016, Bộ Công an loan báo họ phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế với cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) Trịnh Xuân Thanh về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự”. Ở thời điểm đó, người ta thấy tên ông Trịnh Xuân Thanh trên website của Interpol như thông báo của Bộ Công an Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/cru-oil-im-tax-abo-09182019091758.html/interpol-want-mobile-09182019092846.html

Chủ tịch và giám đốc

công ty cổ phần địa ốc Alibaba bị bắt

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cùng với công an thành phố HCM vào ngày 18/9 tiến hành phong tỏa, kiểm tra và bắt giữ chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện và giám đốc công ty Nguyễn Thái Lĩnh, em trai ông Luyện.
Theo truyền thông Việt Nam đưa tin cùng ngày, trong thời gian gần đây hàng loạt những việc lùm xùm trong lĩnh vực bất động sản liên quan đến công ty Alibaba như vẽ dự án ma ở nhiều tỉnh thành như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận trong khi chưa xin cấp phép dự án, chưa làm thủ tục pháp lý nhưng đã huy động tiền của hàng nghìn khách hàng để chiếm đoạt.
Qua nhiều phản ánh, tố cáo của nhiều khách hàng về công ty này, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành xác minh các sai phạm có dấu hiệu vi phạm xảy ra tại công ty Alibaba và các công ty có liên quan.
Hiện cơ quan điều tra đang tập trung làm rõ hành vi và mở rộng điều tra một số đối tượng liên quan và thu giữ nhiều tài sản. Cơ quan cảnh sát điều tra cho biết hiện đã có 5 nhân viên của công ty địa ốc Alibaba cũng bị bắt giữ điều tra vụ việc.
Công ty địa ốc Alibaba có hai trụ sở chính tại thành phố Hồ Chí Minh, trụ sở thứ nhất nằm tại số 120-122 đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức và trụ sở thứ hai tại 321 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/chairman-and-director-of-alibaba-real-estate-joint-stock-company-arrested-09182019083057.html

Ý kiến sơ khởi về mạng xã hội ‘nhà trồng’ – Lotus

Trên mạng xã hội, một số người nói nên ủng hộ mạng xã hội Lotus do người Việt làm trong khi số khác nói sẽ chỉ dùng Facebook vì sợ bị kiểm soát thông tin.
Mạng xã hội Made in Việt Nam Lotus vừa chính thức ra mắt hôm 16/9 với nhiều hứa hẹn bất chấp nhiều mạng ‘nhà trồng’ trước đó đã bị ‘khai tử’.
Mạng Lotus do các kỹ sư Việt Nam thuộc Công ty Cổ phần VCCorp nghiên cứu và phát triển với chi phí 1.200 tỷ đồng, có tham vọng thu hút được khoảng 50 triệu người dùng thường xuyên, theo truyền thông Việt Nam.
VN: Lotus coi ‘nội dung là vua’ và mong có 4 triệu người dùng
Mạng ‘Facebook Việt’ GAPO sẽ chết yểu?
Tranh cãi về mạng xã hội ‘nhà trồng’ VCNET của Ban Tuyên Giáo
Về mục tiêu VN ‘thay thế Facebook, Google’
Lôi kéo người dùng bằng ‘tiền tip’
Để lôi kéo người dùng, mạng này được quảng bá là “khác với các mạng xã hội khác”, như có “giao diện trực quan và bắt mắt. Các nội dung hiển thị đều được tối ưu dưới dạng hình ảnh nhằm tạo hiệu ứng thị giác ấn tượng cho người xem”, mỗi người dùng đều là một “nhà sáng tạo nội dung”, v.v…
Trong lễ ra mắt rầm rộ trên sân khấu lớn hôm 16/9, với thiệp mời 3D ‘gây sốt’, các nhà quản lý VCCorp hứa hẹn nội dung trên Lotus sẽ ‘mới hơn, đẹp hơn, sinh động hơn’ và có nhiều tính năng tương tác hơn cả “like”, “share”; đồng thời hứa rằng các nhà sáng tạo nội dung trên Lotus sẽ có nguồn thu từ quảng cáo ngay lập tức.
Ngoài ra, Lotus tạo ra hệ thống điểm thưởng (Token). Người dùng càng tích cực hoạt động trên Lotus càng nhận được nhiều Token như một dạng ‘tiền tip’. Với số Token kiếm được, người dùng có thể đổi lấy Voucher mua sắm hoặc để đẩy tăng lượt hiển thị bài viết.
Trong việc xử lí các nội dung xấu độc, theo ông Nguyễn Thế Tân, CEO của VCCorp cho biết, khi xác minh được các thông tin rõ ràng về sai phạm, fake news, hàng hóa bán giả, đa cấp,… thì “sẽ có những biện pháp để sàng lọc”.
Về bảo mật, đại diện VCCorp nói “đảm bảo theo luật pháp Việt Nam” và “chắc chắn Lotus sẽ không tự động đem dữ liệu người dùng đi bán cho bên thứ ba”.
Nhiều mạng Việt đã bị “khai tử”
Trước Lotus, nhiều mạng ‘nhà trồng được’ khác đã ồ ạt ra mắt với các mức đầu tư khủng trong nỗ lực “vượt mặt” Facebook của Bộ Thông tin Truyền Thông.
Hồi tháng Bảy, Việt Nam tung ra mạng xã hội GAPO với mức đầu tư 500 tỷ, kỳ vọng đạt 500 triệu người dùng đến năm 2020, nhưng ngay khi vận hành đã vấp phải phản ứng không mấy lạc quan của người dùng do có nhiều trục trặc kỹ thuật.
Hồi tháng Sáu, mạng xã hội “Made in Vietnam” Hahalolo ra mắt, đặt tham vọng đạt 2 tỉ người dùng trong vòng 5 năm, đồng thời sẽ niêm yết chứng khoán tại Mỹ. Thời điểm đó, báo Việt Nam từng đặt câu hỏi “Mạng xã hội Việt Hahalolo sẽ “đè chết” Facebook, đánh bại Twitter?”
Cũng vào tháng Bảy, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh Việt Nam “cần có mạng xã hội và công cụ tìm kiếm riêng, khác biệt với Google, Facebook”.
Nhưng cũng chính báo Việt Nam sau đó đánh giá dù cả GAPO và Hahalolo đều tham gia vào cuộc đua “đốt tiền để mua người dùng“, nhưng “về công nghệ, cấu trúc cho đến thiết kế giao diện và tính năng đều chưa có gì khác biệt nổi bật và hấp dẫn hơn so với Facebook”.
Tham vọng hình thành một mạng xã hội “made in Vietnam” và mục tiêu “vượt qua Facebook” trước đó cũng từng được loan báo rầm rộ với các mạng xã hội Zingme, Yume.vn, Tamtay.vn, Zalo.vn, Go.vn… và gần đây có Biztime và Gapo, nhưng đến nay đều rơi vào cảnh “vườn không nhà trống”, “rất ít trong số đó tồn tại được quá một năm trước khi phải khai tử”, theo Thanh Niên.
Mạng xã hội nói gì?
Trên mạng xã hội, một số người mới tải Lotus về dùng thử đã kịp có phản hồi, chủ yếu là về việc diễn đàn này tràn ngập các hình ảnh quá khêu gợi.
Facebooker Đăng Hoàng: “Hahaha: đây mới là mạng ảo nè. Hội gái xinh, Gái xinh Châu Á, Thích ngắm gái xinh, Gái xinh free, Trai xinh gái đẹp. Đây là những gì tràn ngập dòng thời gian của mạng xã hội thuần Việt 1.200 tỉ Lotus sáng nay. Xen giữa, có thêm VuiVL, Cup E Việt Nam, OK để coi. Và khi mở ra, cũng lại chỉ toàn gái.”
Facebooker Đào Tuấn: … “Vừa lướt trộm Lotus sáng nay, quả nhiên xịt máu mũi. Toàn hốt gơn, mắt rất đẹp. Hội gái xinh, Gái xinh Châu Á, Thích ngắm gái xinh, Gái xinh free, Trai xinh gái đẹp. Ngập mạng. Xen giữa, có thêm VuiVL, Cup E Việt Nam, OK để coi. Và khi mở ra, cũng lại chỉ toàn hốt gơn. Nhưng những bức ảnh đã cho thấy các CEO của Lotus đã nói đúng. Nó là thảo chứ ko phải ozawa. Nó thuần Việt. Chỉ có điều slogan “nội dung là vua” nên đổi thành là nữ hoàng, cho logic.”
Trước đó, ngay sau khi Lotus ra mắt, đã có hai luồng ý kiến quanh việc ủng hộ mạng xã hội Việt hay chỉ nên dùng Facebook vì lo ngại mạng Việt sẽ kiểm soát thông tin.
Facebooker Hoàng Anh Minh: ”Mạng xã hội Lotus vừa được ra mắt một cách khá rầm rộ trong ồn ã khen ngợi lẫn nghi ngờ. Là người ủng hộ thị trường tự do và kinh tế tư nhân, tôi vỗ tay cho bất cứ kế hoạch làm ăn nào được khởi xướng bởi các nhà đầu tư tư nhân.”
Facebooker Phạm Quốc Thắng: ”Sáng ra, thấy mạng xã hội Hoa Sen (Lotus) được gọi tên đầy mạng xã hội với rất nhiều ý kiến hoài nghi.”
“Hôm qua là lễ ra mắt, cũng xem như thủ tục làm giấy khai sinh. Sự nghi ngờ, khi lớn lên, đứa trẻ thành người tốt được không là bình thường. Đó không chỉ là sự hoài nghi. Trong sự hoài nghi đó có niềm hy vọng. Chỉ là trước đây, người ta đã thất vọng hơi nhiều về mạng xã hội Việt nên niềm hy vọng được thể hiện dưới hình bóng của hoài nghi thôi.”
“Như thế, sự hoài nghi không hẳn đã là một tin xấu cho Lotus. Sự hoài nghi dễ lan tỏa và làm cho cộng đồng biết đến Lotus nhiều hơn. Và là động lực để Lotus vươn lên, tự khẳng định mình.”
“Chỉ cần Lotus sớm có những bước đi chắc chắn, khẳng định các thuộc tính tích cực của mình thì sự hoài nghi sẽ hiện nguyên là niềm hy vọng.”
“Nhất thiết, Việt Nam phải có mạng xã hội Việt Nam bởi đó là kho thông tin khổng lồ. Mà thông tin chính là an ninh quốc gia, không thể giao phó tùy tiện cho các nước khác.”
Facebooker Phạm Vũ Tùng cho rằng đây là “Mạng xã hội đáng mong chờ của người Việt… Một dự án đầy dũng cảm của VCCorp và người anh em Tuan Nguyen. Hãy cổ vũ và động viên mạng xã hội của người Việt bằng cách tham gia Lotus.”
Facebooker Cường Đặng: ”Hahalolo ra mắt cho 2 tỷ người dùng Facebook, nhưng đã 5 năm không ai biết về mạng Xã hội Hahalolo. Vào ngày 16/9/2019 mạng xã hội Việt Nam Lotus sẽ ra mắt cạnh tranh với Facebook Mạng Xã Hội của Mỹ.”
Facebooker Quốc Bảo: ”Đề nghị kỷ luật cán bộ nào không sử dụng mạng xã hội Lotus. Người ta đã tốn biết bao nhiêu công sức để thiết kế ra “cái lồng” dành riêng cho người Việt Nam mà không chịu vào lồng là sao?”
Facebooker Jason Vo: ”Mạng xã hội dùng để giao lưu giữa người Việt với thế giới. Nếu chỉ đóng cửa bảo nhau như cái XHCN thì dùng mạng xã hội làm gì? Hay là lên Lotus để cập nhật status” đảng cộng sản Việt Nam quang vinh, muôn năm?”
Facebooker Tuan Pham: ”Ui mạng này ở Việt Nam chẳng khác gì mạng Trung Quốc! Bị kiểm soát và mù thông tin. Thôi mình dùng Facebook thôi!”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49724373

Mạng xã hội Lotus 1,200 tỷ của CSVN

chỉ toàn là hình ảnh gái hở hang

Tin Vietnam.- Báo Lao động ngày 18 tháng 9 năm 2019 loan tin, mạng xã hội mang tên Lotus của VCcorp với vốn đầu tư 1,200 tỷ đồng được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông CSVN tự hào là “sản phẩm thuần Việt”, để kéo “não” của người Việt trên thế giới về Việt Nam. Tại buổi ra mắt Lotus, ông Hùng còn tuyên bố, đến năm 2020, Lotus sẽ làm cho số lượng người dùng mạng xã hội Việt Nam tương đương với người Việt Nam dùng mạng xã hội của ngoại quốc.
Sau khi ra mắt mới chỉ được 2 ngày nay, trang mạng xã hội này đã thu hút được một lượng đông đảo các tài khoản ghi danh mới, trở thành ứng dụng được nhiều lượt tải nhất trên App Store. Tuy nhiên, chủ các tài khoản chỉ sử dụng Lotus để đưa những hình ảnh khoe thân với những cái tên như: Hội gái xinh, Gái xinh châu Á, Thích ngắm gái xinh, Gái xinh free, Trai xinh gái đẹp.
Báo Lao động bình luận, đến giờ Lotus đã gây sự nhàm chán, nhạt nhẽo khi nó không khác gì một nồi lẩu hổ lốn, và được so sánh là “lẩu gà không ra gà, bò không ra bò”. Trang mạng này với nội dung thông tin toàn gái là gái, mà phần lớn là gái ăn mặc hở hang, thiếu vải. Chính vì vậy, tác giả bài báo cho rằng, mạng xã hội thuần Việt được ông Bộ trưởng Thông tin truyền thông rất tự hào này chẳng có những điều tốt đẹp, không tạo ra cho người đọc những cảm xúc tốt đẹp vì tràn ngập hình ảnh gái hở hang. Lotus được tạo ra bằng cách gom nhặt vài thứ từ mạng xã hội Facebook, vài thứ từ Zalo, vài thứ từ Instagram nên nó như một nồi “lẩu thập cẩm”. Vì vậy, việc ném 1,200 tỷ đồng vào mạng xã hội này như canh bạc khi “hàng hoá” toàn là gái. Và dù Lotus có đạt số lượng 20 triệu, hay 60 triệu khách hàng mà không cho phép xoá tài khoản, thì con số này chỉ thuần tuý là những con số chết.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/mang-xa-hoi-lotus-1200-ty-cua-csvn-chi-toan-la-hinh-anh-gai-ho-hang/

Phi trường Vân Đồn liên tục bị sét đánh

Tin Vietnam.- Báo Tuổi Trẻ ngày 17 tháng 9 năm 2019 loan tin, phi trường Vân Đồn được xây dựng phục vụ mục đích biến nơi đây thành đặc khu Vân Đồn, thuộc tỉnh Quảng Ninh đã được đưa vào khai thác.
Nhưng từ tháng 6 năm 2018 đến nay phi trường này đã bị sét đánh đến 8 lần. Trong đó, có 6 lần sét đánh trúng đường băng, 1 lần sét đánh vào đài hạ cánh của hệ thống dẫn đường tiếp cận chính xác, và 1 lần sét đánh vào khu vực toà nhà điều hành. Mặc dù trước khi đưa vào khai thác, cảng hàng không cũng đã lắp đặt các hệ thống chống sét ở phi trường, nhưng hệ thống này vẫn không ngăn được việc ông “trời đánh” vào nơi đây.
Nguyên nhân của sự việc được phía Cảng hàng không Vân Đồn cho là do địa hình địa chất của phi trường có nhiều quặng, và gần khu vực biển là nơi có nhiều ion muối, tạo môi trường thuận lợi cho việc dẫn tia sét đến phi trường.
Trước sự việc trên, cảng hàng không đang tiếp tục bổ sung thêm hệ thống chống sét tại các vị trí thiết yếu của phi trường.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/phi-truong-van-don-lien-tuc-bi-set-danh/

Quân đội CSVN có thêm hai phó tổng tham mưu trưởng

Tin từ Hà Nội, ngày 18/9/2019: Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định bổ nhiệm hai ông Chuẩn đô đốc Nguyễn Trọng Bình và Trung tướng Phùng Sĩ Tấn làm phó tổng tham mưu trưởng quân đội.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, trước khi được bổ nhiệm, ông Bình là phó tư lệnh quân chủng hải quân, và là đại biểu quốc hội, uỷ viên Uỷ ban quốc phòng và an ninh của quốc hội CSVN. Ông sinh năm 1965, tốt nghiệp cử nhân khoa học quân sự. Ông từng kinh qua các chức vụ trưởng phòng tác chiến, phó tham mưu trưởng quân chủng hải quân và tư lệnh bộ tư lệnh vùng 1 Hải quân.
Ông Tấn, sinh năm 1966 tại Phú Thọ, là tư lệnh quân khu 2 từ cuối năm 2016 và được thăng quân hàm trung tướng tháng 5/2019. Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn với tỉnh Vĩnh Phúc và quân khu 2, từng làm tư lệnh sư đoàn 316.
Quân đội Việt Nam có gần 400 tướng. Gần đây, có ít nhất 5 tướng bị kỷ luật vì bán đất thuộc quyền quản lý của quân đội, trong đó có thứ trưởng quốc phòng kiêm tư lệnh hải quân đô đốc Nguyễn Văn Hiến, và tư lệnh không quân thượng tướng Phương Minh Hoà.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/quan-doi-csvn-co-them-hai-pho-tong-tham-muu-truong/

Trung tướng công an CSVN:

Việt Nam chưa có khủng bố

Tin từ Hà Nội, ngày 18/9/2019: Theo trung tướng Trần Văn Vệ, chánh văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra (bộ công an) thì Việt Nam chưa có khủng bố. Cũng chưa có nước nào đề nghị Hà Nội truy bắt các đối tượng khủng bố, mà chủ yếu là các đối tượng tội phạm hình sự, đối tượng phạm tội về kinh tế…
Báo Công an Nhân dân dẫn lời phát biểu trên của tướng Vệ trong buổi họp báo ngày 18/9 ngay sau buổi khai mạc của Hội nghị Tư lệnh cảnh sát Đông Nam Á lần thứ 39 (ASEANAPOL 39) đang được tổ chức tại Hà Nội.
Ông Vệ cho biết gần đây có một số vụ án thực hiện bởi tội phạm do tư thù cá nhân chứ không liên quan đến khủng bố, và Việt Nam đang hợp tác quốc tế rất tốt để đề phòng ngừa với loại tội phạm nguy hiểm này.
Phát biểu trên của tướng Vệ mâu thuẫn với việc Việt Nam bỏ tù nhiều người với cáo buộc khủng bố, một tội danh nghiêm trọng trong phần An ninh quốc gia của Bộ luật hình sự, với mức án tù nặng nề kéo dài hàng chục năm hoặc bị tử hình.
Năm 2018, an ninh thành phố Sài Gòn bắt giữ 16 người, gắn cho họ tội khủng bố và kết tội 15 trong số họ với mức án từ 5 năm tù đến 16 năm tù giam vì cho rằng họ đặt bom xăng ở gần phi trường Tân Sơn Nhất và đốt một bãi giữ xe vi phạm luật giao thông.
Chế độ cộng sản ở Hà Nội cũng coi Việt Tân, một đảng đấu tranh ôn hoà đòi dân chủ và nhân quyền có trụ sở tại California là tổ chức khủng bố. Một số nhà hoạt động bị kết án với những bản án nặng nề vì bị cho là thành viên của đảng này. Nhiều lần, chính phủ Hoa Kỳ đã xác nhận Việt Tân là một đảng phái hoạt động đúng với luật pháp Hoa Kỳ, không phải là một tổ chức khủng bố.
Ngược laị, rất nhiều nhà hoạt động coi chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay là tổ chức khủng bố. Vì những hành động bạo lực của đảng CSVN tiêu diệt các đảng phái yêu nước khác trong quá khứ, cũng như việc đàn áp giới bất đồng chính kiến hiện tại đích thực là những hành động khủng bố người dân.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/trung-tuong-cong-an-csvn-viet-nam-chua-co-khung-bo/

Tại sao người Việt không chuộng mạng xã hội Việt?

Thêm thời gian khẳng định
Dự án mạng xã hội Lotus được thành lập và đầu tư, triển khai bởi VCCorp với sự tham gia vốn của các doanh nghiệp, tư nhân trong nước. Theo thông tin tại sự kiện, mạng xã hội Lotus đã huy động được 1.200 tỷ đồng vốn đầu tư, với quy mô cho phép hàng triệu người sử dụng cùng một lúc và nhà đầu tư cam kết “giải phóng sức sáng tạo” cho người dùng.
Tại buổi ra mắt ông Nguyễn Thế Tân tổng giám đốc VCCorp chia sẻ rằng, hơn 10 năm qua thông tin trên mạng xã hội (MXH) mà ông đọc không đem đến cho ông cảm giác thoải mái, thỏa mãn.
“Tôi suy nghĩ nhiều làm sao để khi lên mạng chúng ta có cảm giác thoả mãn chứ không phải cảm giác băn khoăn khó chịu với các cuộc tranh luận. Để thấy được những hình ảnh đẹp, đem đến cảm giác hạnh phúc và cảm xúc tốt, chúng tôi cố gắng xây dựng mạng xã hội để làm được việc đó” (trích từ baotintuc.vn ngày 16/9/2019)
Ông Tân khẳng định mạng xã hội Lotus sẽ hướng đến việc: “nội dung là vua, thượng đế là người sử dụng”. Chính những người sử dụng Lotus sẽ mang đến những giá trị tốt đẹp bằng cách lan tỏa những giá trị tích cực, những hình ảnh đẹp và bài viết có giá trị.
Ngay sau những lời “có cánh” quảng bá cho sản phẩm con đẻ của mình từ Tổng giám đốc VCCorp, thì tiếp đến những phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Hùng Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông tại lễ ra mắt MXH này đã khiến dư luận đứng, ngồi không yên. Ông Bộ trưởng Hùng nói: “Tôi cũng có một niềm tin là người Việt Nam có thể làm ra những thứ mà thế giới chưa từng làm. …không có sự sáng tạo nào lớn hơn chính sự sáng tạo của những người dùng và đó là sức mạnh của tất cả người Việt Nam”.
Ngoài ra ông Hùng còn hy vọng số lượng người Việt Nam sử dụng MXH Lotus có thể cao bằng số người sử dụng các mạng xã hội thế giới. Theo số liệu thống kê mới nhất, có khoảng 58 triệu người Việt Nam dùng mạng xã hội Facebook và 62 triệu tài khoản Google. Nghĩa là ý ông Hùng, MXH Lotus sẽ đạt ngưỡng 60 triệu người dùng?
Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Bkav thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội ông Nguyễn Tử Quảng nhận định về điều này rằng:
“Họ có tiềm năng ở chỗ như thế này, hiện nay họ có trong tay rất nhiều tờ báo, trang tin có số lượng người truy cập nhiều, nhiều nội dung được nhiều người quan tâm nên đó là một trong những lợi thế của họ. Nếu họ tận dụng tốt và có chiến lược đúng đắng thì họ có thể thực hiện được điều mà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói. Tuy nhiên cũng còn cần nhiều thời gian mới có thể trả lời được.”
Đồng ý với điều này ông Diệp Quang Văn, giám đốc một công ty công nghệ thông tin, có trụ sở tại Bình Dương, đang sở hữu trang mạng xã hội VietNamTa chia sẻ với chúng tôi qua tin nhắn rằng, giai đoạn đầu do ra mắt và quảng cáo mạnh nên lượng người dùng sẽ tăng nhanh, lọt vào top 1 ứng dụng được tải về. Còn về mặt nội dung và chất lượng thì phải để một thời gian ngắn người dùng sẽ nhận xét là chính xác nhất nhưng suy cho cùng đó cũng là MXH có tiềm năng.
Có tiềm năng nhưng …?
Lãnh đạo VCCorp tại buổi ra mắt cho biết, hiện nay, mạng xã hội Lotus lấy nội dung và trải nghiệm người dùng làm trọng tâm và công bố hợp tác với hơn 500 nhà sáng tạo với 20 lĩnh vực khác nhau như giáo dục, kinh tế, nhiếp ảnh, viết truyện, vlog… và trên 30 nguồn chính luận như thông tấn xã Việt Nam…có 50 nền tảng đa dạng như video, giải trí, hình ảnh, blog, tạp chí, nhạc… giúp chuyển tải các loại nội dung khác nhau cho người đối tượng như làm báo, viết blog, chuyện …Để minh chứng điều đó, ngay sau lễ ra mắt, Lotus sẽ phát hành bản dùng thử trong vòng từ 3 – 6 tháng.
Chuyên gia công nghệ thông tin Lê Ngọc Sơn từ Đức chia sẻ với chúng tôi rằng, MXH này muốn thành công cần phải dựa rất nhiều yếu tố trong đó bài toán kỹ thuật là điều vô cùng khó khăn và hệ sinh quyển truyền thông trên mạng là điều không thể loại bỏ.
“Tôi thật sự muốn có một mạng xã hội của Việt Nam nhưng khả năng thành công của mạng xã hội nói chung và Lotus thì tôi không thấy nó khả dĩ lắm. Bởi vì một số nguyên do, về mặt kỹ thuật chúng ta còn thua xa so với các mạng xã hội hiện nay, thứ hai người ta lo ngại về sinh quyển, đàm luận trên không gian mạng và sự an toàn của nó. Thì những thứ này đang là một dấu chấm hỏi, các nhà phát triển cần phải trả lời vấn đề này một cách sòng phẳng với người tiêu dùng thì khi đó mới có thể dùng được.”
Ngoài ra, ông Lê Ngọc Sơn còn cho hay, mặc dù mạng xã hội này đang cố gắng định hình một bản sắc riêng dựa trên nội dung khi người dùng là vua nhưng đó cũng chỉ là diễn ngôn quảng cáo thôi. Điều quan trọng nhất của MXH là khả năng kết nối người dùng và phải kết nối được nội dung tranh luận. Nếu đủ hai yếu tố đó thì MXH đó mới gọi là King của mạng xã hội.
Chỉ trong một ngày sau khi ra mắt, nhiều người cho RFA biết họ cảm thấy thất vọng với MXH này. Một giám đốc truyền thông quảng cáo tại Sài Gòn nói:
“Cái Lotus nó y hệt như Báo Mới đó, không khác là mấy, có nghĩa nó là nơi kiểm duyệt nội dung, nó sẽ quét từ các báo rồi đưa thông tin người dùng lên. Đối tượng chính của Báo Mới là những người lớn tuổi nên hầu như các độc giả họ đều vào xem Lotus đều các độc giả trẻ mà vào thấy như Báo Mới là họ thoát ra ngay, vì mã quét của Lotus thì 40% sẽ là báo chính thống và nó không khác gì mình đọc tin cả và chưa có người dùng đăng tin của họ. Tức là hệ thống của nó sẽ như thế này, bước đầu họ sẽ đưa các báo lên trước, còn người trên Lotus không có chế độ kết bạn mà chỉ có chế độ theo dõi thôi, nếu mình là một nhà sản xuất nội dung như Vlog chẳng hạn thì mình bấm theo dõi khi nào ra nội dung mới thì có thông báo để xem, như vậy nó rất giống cơ chế của Youtube.”
Ngoài ra, vị này cho biết thêm, đa số người dùng Việt Nam chỉ thích viết và quan tâm những điều gì đó nhanh, dễ dàng câu view chứ bắt người sử dụng MXH phải suy nghĩ để “sản xuất” nội dung và đối chiếu chất lượng thì không nhiều quan tâm.
Điều tương tự được lặp lại?
Trước đây, cũng có một số MXH do người Việt Nam sáng tạo và được truyền thông rộng rãi nhưng một thời gian sau thì không còn ai nhắc đến hay bình luận như Hahalolo, Gapo… MXH Lotus có thể lại sẽ rơi vào tình trạng như các MXH khác không?
Ông Nguyễn Chí Tuyến, một nhà hoạt động xã hội từ Hà Nội cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ hàng Việt người Việt tạo ra nhưng ông nghĩ khó mà đạt được như Facebook. Ông giải thích.
“Thứ nhất bây giờ không phải có cái gì mới là người ta vào dùng vì nó mất thời gian lắm, sử dụng mạng xã hội cũng mất thời gian lắm chứ không phải đơn giản. Thứ hai là Facebook họ có cả một hệ sinh thái, người dùng đã tạo được sự tương tác, liên kết với nhiều bạn bè khác rồi, có người hàng chục ngàn Follow(theo dõi) thì bây giờ sang mạng mới tất nhiên để thiết lập được như vậy thì nó tốn rất là nhiều thời gian và công sức chứ không đơn giản.”
Ngoài ra, ông Tuyến còn khẳng định thêm nguyên do vì sao ông sẽ không bao giờ sử dụng mạng xã hội này. “…vì họ yêu cầu phải đăng nhập bằng tài khoản Facebook, nếu như không có bắt phải gửi 4 tấm ảnh của chứng minh thư (ID), thì việc lấy thông tin cá nhân như thế thì dĩ nhiên chúng tôi chắc chắn không bao giờ sử dụng vì ở VN là một đất nước do công an toàn trị thì dù bất kỳ doanh nghiệp nào đi nữa thì dưới bàn tay sắt của an ninh thì họ chỉ cần ho cái thì buộc các doanh nghiệp phải tuân theo…”
Để buộc người dùng phải bỏ thói quen cũ, đòi hỏi sản phẩm mới phải thật sự tuyệt vời, cả về tính năng sử dụng lẫn phương pháp tiếp cận. Nhưng với những trải nghiệm trong ngày đầu ra mắt theo như người dùng phân tích thì rõ ràng cả hai yêu cầu thứ yếu trên MXH Việt Nam đều không đáp ứng tốt. Cái kết của MXH mới sẽ như thế nào, nói như ông Nguyễn Tử Quảng –cần thời gian mới trả lời được!
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-is-vietnamese-social-network-not-used-by-vietnamese-09172019143623.html

Đại diện Hội Đồng Liên tôn Việt Nam gặp USCIRF

Đại diện Hội đồng Liên Tôn Việt Nam vào sáng ngày 18.9.2019 có cuộc gặp với Đoàn Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF)  tại Chùa Giác Hoa, Sài Gòn.
Một thành viên Hội Đồng Liên Tôn là Chánh Trị Sự Đạo Cao Đài, Ông Hứa Phi, vào chiều ngày 18 tháng 9 cho Đài Á Châu Tự Do biết:
“Hôm nay Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam có họp với Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ tại Chùa Giác Hoa Sài Gòn, có tất cả đồng Chủ tịch của 5 tôi giáo. Chúng tôi đã nêu một số ý kiến về vấn đền tự do tôn giáo tại Việt Nam, chúng tôi cũng nêu lên vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ các nước tự do can thiệp để nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải thả các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, ngoài ra phải bảo vệ biển đảo không cho Trung Cộng chiếm đóng.”
Linh mục Paul Lộc, một thành viên tham dự khác, sau cuộc gặp nêu rõ trên trang Facebook cá nhân, những điều mà ông trình bày với USCIRF. Đó là tự do tôn giáo cho các tù nhân, cho phép các linh mục được thăm gặp và làm mục vụ cho các tù nhân; thực trạng chính phủ can thiệp quá sâu vào việc bổ nhiệm các chức sắc; đặc biệt đối với Công giáo; biện pháp hạn chế, sách nhiễu việc đi lại của các linh mục dấn thân cho công lý-hòa bình; các tôn giáo vẫn chưa chính thức được tự do tham gia vào lãnh vực y tế, giáo dục; tài sản giáo hội bị nhà nước chiếm dụng, sử dụng không đúng mục đích.
Những đề nghị đối cới Hoa Kỳ thông qua USCIRF của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam được cho biết gồm thường xuyên theo dõi tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam; việc viện trợ, giúp đỡ cho một chế độ bị cho là bất chính- bất công cần được cân nhắc cẩn thận nếu không sẽ trở thành tiếp sức cho độc tài, tàn ác; chính phủ Hoa Kỳ cần đặt điều kiện về nhân quyền khi bang giao với Việt Nam dù trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, thương mại, quân sự… và cần đưa ra biện pháp chế tài khi nhà nước Việt Nam có những vi phạm về nhân quyền bị cho là liên tục và nghiêm trọng.
Hội đồng Liên tôn Việt Nam cũng đề nghị Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt vì vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo CPC; Hoa Kỳ cần áp dụng Đạo Luật Nhân quyền Toàn cầu Mgnitsky và dự luật Nhân quyền cho Việt Nam; Hoa Kỳ cần đòi hỏi chính phủ Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân lương tâm; bại bỏ và sửa đổi Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố Tụng Hình sự, Luật An Ninh Mạng và Luật Tín Ngưỡng- Tôn giáo cho phù hợp với các công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị; sửa đổi luật lao động để các công đoàn độc lập được thành lập và hoạt động.
Vào ngày 21 tháng 6 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho công bố phúc trình hàng năm về tình trạng tự do tôn giáo toàn cầu năm 2018. Trong phần Việt Nam, bản phúc trình cho rằng luật pháp Việt Nam có quy định chính phủ được kiểm soát phần lớn các hoạt động tôn giáo với các điều khoản mơ hồ hạn chế quyền tự do tôn giáo vì lý do an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội.
Bên cạnh đó, Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo năm 2016, có hiệu lực vào tháng 1 năm 2018 cũng quy định quyền của các tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân. Trong khi đó lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt từ các nhóm tôn giáo không được công nhận hoặc không được cấp giấy chứng nhận đăng ký, báo cáo cho biết họ bị sách nhiễu, tấn công, bắt giữ, truy tố, giám sát, hạn chế đi lại và tịch thu tài sản.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-interfaith-council-mewt-with-uscirf-09182019095038.html

Bà Đầm Xòe:

‘Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ không xoay về phía Mỹ’

Tác giả một cuốn sách phê phán nhà lãnh đạo Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng ông không tin ông Trọng tới đây “sẽ đi thăm Hoa Kỳ”.
Được hỏi vì sao cuốn sách “Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo” nhà báo Phạm Thành, chủ blog Bà Đầm Xòe, vừa tự xuất bản lại chỉ nói về ông Nguyễn Phú Trọng, tác giả nói với BBC đây là chủ ý của ông từ rất lâu.
Là một nhà báo từng làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà văn Phạm Thành nói ông có điều kiện tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin, cũng như những quan chức chính trị.
Ba khả năng nếu Chủ tịch Trọng thăm Mỹ tới đây
Việt Nam với Giấc mơ Mỹ: Xa hay Gần?
Nhà văn Phạm Thành bị an ninh triệu tập
‘Niềm hy vọng cho tự do sáng tạo’
Ông chọn ông Nguyễn Phú Trọng để ra sách bởi ông Trọng có quá trình lãnh đạo đất nước rất lâu, từ Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội rồi Tống bí thư kiêm Chủ tịch nước.
Nhà báo Phạm Thành tin rằng ông Trọng, ngoài lý luận về chủ nghĩa xã hội, về chủ nghĩa Mác – Lê Nin, là người có quan điểm muốn “bảo vệ Đảng, muốn đất nước độc tài, muốn thân Trung Quốc, muốn kiến thiết đất nước theo đường lối Trung Quốc”.
“Ngay từ năm 2007, khi ông Trọng với tư cách Chủ tịch Quốc Hội sang Trung Quốc và trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, ông khẳng định rằng, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc chưa bao giờ tốt đẹp như bây giờ, trong khi trước đó, máu ngư dân Việt Nam đã đổ trên Biển Đông.
Từ lúc ấy, tôi đã đặt câu hỏi về con người này. Ông ta sẽ thực hiện các chính sách đối nội, đối ngoại như thế nào, và ông ta sẽ gắn với Trung Quốc như thế nào?
“Trong thời chấp chính, ông Trọng ký tới 27 văn bản ghi nhớ hợp tác với Trung Quốc, cả về an ninh, quốc phòng, giáo dục, truyền thông và đặc biệt là đào tạo cán bộ,” ông Phạm Thành nói.
Nỗi sợ vô hình
Khi được hỏi về việc ông có sợ hay không, nhà văn Phạm Thành nói đó chỉ là nỗi sợ vô hình và cho rằng, điều 25 Hiến pháp Việt Nam cho phép quyền biểu đạt tư tưởng.
“Mà quyền biểu đạt tư tưởng là gì nếu không phải là quyền được tự do nói, mình viết ra cái gì thì mình được quyền in. Trên thực tế, 10 năm nay, rất nhiều người đã thực hiện quyền đó rồi. Người ta có tác phẩm, người ta tự in ra, rồi tặng hay phát cho bạn bè.
Trong thời chấp chính, ông Trọng ký tới 27 văn bản ghi nhớ hợp tác làm ăn với Trung Quốc, cả về an ninh, quốc phòng, giáo dục, truyền thông và đặc biệt là đào tạo cán bộNhà báo Phạm Thành
“Không chỉ tôi mà cả Nguyễn Đình Chính, Phạm Viết Đào… người ta cứ ra hiệu photocopy người ta in thôi và chả ai làm sao cả. Hiến pháp đã quy định như vậy, nếu mình có tác phẩm, mình in mỗi lần dưới 50 cuốn, rồi tặng hay phát cho bạn bè.
Bạn bè nhận sách tặng lại tiền cho mình thì đó là quyền của bạn bè. Mình không bị làm sao cả. Năm ngoái tôi in và gửi tới 500 cuốn, gửi qua bưu điện, địa chỉ, số tài khoản tôi ghi thẳng trên bì thư mà có sao đâu.”
”Lần này, tuy tôi không thể in gần nhà vì các tiệm ở Hà Nội không dám in nhưng tôi tìm nơi xa để in, rồi mang sách về nhà mà không ai làm gì tôi. Còn những người cứ nói sợ và không in sách thì theo tôi đó là nỗi sợ vô hình. Theo tôi, ở Việt Nam đang có tự do này, vấn đề là người ta có gì để in không, có dám vượt qua nỗi sợ hay không”- chủ nhân blog Bà Đầm Xòe nói.
Còn cụ thể những gì mà nhà chức trách ở Việt Nam đối xử với ông sau khi hai cuốn sách trước “Cô hồn xã nghĩa” và “hậu Chí Phèo” xuất bản, ông Phạm Thành nói không có gì, mà “chỉ thấy bạn bè khắp nơi chúc mừng.
“Nói thật, sau khi nhận sách, ai trong bạn bè ủng hộ bao nhiêu tiền, tôi đăng ngay lên Facebook mà cũng chẳng thấy có việc gì.”
Nội dung chính cuốn sách “ngoài luồng” này tập trung vào thái độ và hành động của ông Nguyễn Phú Trọng trước Trung Quốc.
“Có rất nhiều người nói rằng, ông Trọng có thể xoay trục sang Mỹ, nhưng tôi không tin, bởi có trục đâu mà xoay. Con người ta một khi đã trưởng thành, họ sẽ sống và hành xử theo tư tưởng của mình, mà ông Trọng thì có tí nào dân chủ, có tí đổi mới, có tí thích phương Tây nào đâu.
Ông ấy là một ‘đại cục,’ đại cục của Trung Quốc. Tôi nói một câu mà có thể sẽ chạm tới tự ái của nhiều người, nhưng những người nói ông Trọng có thể thoát Trung, có thể xoay trục, là chưa trưởng thành về trí tuệ.”
Tôi nói một câu mà có thể sẽ chạm tới tự ái của nhiều người, nhưng những người nói ông Trọng có thể thoát Tàu, có thể xoay trục, là chưa trưởng thành về trí tuệ…Nhà báo Phạm Thành
‘Tôi không tin ông Trọng sẽ đến Mỹ lần thứ hai’
Nhà báo Phạm Thành cũng cho rằng, khả năng ông Trọng đi Mỹ cũng là rất thấp.
“Tôi không tin vào điều này, ngay từ khi Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo về việc ông Donald Trump mời ông Trọng sang thăm Hoa Kỳ trong năm 2019. Ngay khi đó, tôi đã đặt câu hỏi rằng, liệu ông Trọng có lần thứ hai đặt chân lên đất Mỹ. Và tôi khẳng định luôn rằng, khó có khả năng đó, bởi ba lý do.
Thứ nhất, ông Trọng có dám vượt qua chính mình không, tức là có dám vứt bỏ tư tưởng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác-xít để kiến tạo đất nước không;
Thứ hai là ông ta có dám không hỏi ý Trung Quốc để đi hay không.
Thứ ba là ông Trọng nếu muốn được Mỹ mời thì phải có ký kết cụ thể nào đó với Mỹ. Nhưng tôi không tin rằng người Mỹ dưới thời ông Donald Trump có thể mời ông Trọng làm việc đó.
Ông Phạm Thành phủ nhận ý kiến cho rằng, cuốn sách của ông viết về ông Trọng ra đời ngay giữa khi Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành thảo luận nhân sự, chuẩn bị cho Đại hội Đảng 13 là nhằm phục vụ mục tiêu ”đấu tranh phe nhóm”.
Chủ nhân blog Bà đầm xòe nhấn mạnh thực tế là cuốn sách này đáng lẽ xuất bản ngay từ tháng 6, cùng thời điểm với cuốn sách “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế“.
Nếu thăm Hoa Kỳ thì để đạt mục tiêu gì?
Trong tháng 9 này, các tin tức từ Việt Nam và nước ngoài đặt ra khả năng TBT Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ.
Trong khi ý kiến của nhà báo Phạm Thành phản ánh một phần dư luận ở Việt Nam hết niềm tin vào khả năng “thoát Trung”, bỏ mô hình thể chế cũ kỹ để đi theo các giá trị chung trên thế giới, những nhà quan sát nước ngoài vẫn tin rằng lãnh đạo VN đang có đà để nghiêng hơn về phía Hoa Kỳ và các nước Phương Tây cùng Nhật Bản.
Giáo sư Carl Thayer từ Úc gần đây nêu ba khả năng về tiến triển quan hệ Mỹ – Việt nếu Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng sang thăm và hội đàm gặp Tổng thống Trump ở Washington D.C. trong năm nay.
Theo ông, đầu tiên là hai nhà lãnh đạo đồng ý mở rộng (enlarge) quan hệ đối tác toàn diện ký từ 2013.
Hai là họ sẽ công bố đàm phán để nâng quan hệ song phương lên mức quan hệ đối tác chiến lược.
Ba là Mỹ – Việt sẽ đồng ý ký một tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược.
Bất cứ một trong ba khả năng đó đều sẽ là dấu hiệu Việt Nam tiến tới chỗ cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ để phản ứng lại hành đồng đe dọa và bắt nạt của Trung Quốc (Chinese intimidation and bullying) ở Biển Đông trong những tháng qua, theo ông Thayer.
Hồi đầu 2017, ông Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm sang Trung Quốc.
Bản tin của Tân Hoa Xã khi đó đăng tin nói hai nước Trung – Việt tin rằng chuyến đi của TBT Nguyễn Phú Trọng đã “đạt thành công to lớn trong việc nâng cao sự tin cậy chính trị giữa hai bên, thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống, củng cố quan hệ đối tác chiến lược hợp tác toàn diện, và đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49728812

Con tôm độc Singapore

và bài học quốc phòng cho VN

Michael NguyễnGửi cho BBC từ Singapore
Sự kiện nhóm tàu thăm dò địa chất và tàu hải cảnh của Trung Quốc hộ vệ tiến vào vùng biển của Việt Nam (bãi Tư Chính) làm khuấy lên nỗi lo ngại về hòa bình ổn định ở biển Đông cũng như an ninh khu vực và quốc tế.
Sống bên cạnh những hàng xóm “khổng lồ” cả về diện tích lẫn kinh tế, các nước nhỏ hơn nên kiên trì đường lối đối ngoại cân bằng, linh hoạt, thực dụng như của Cộng hòa Singapore để có thể bảo vệ vững chắc chủ quyền và độc lập dân tộc.
Ít ai biết rằng có một “nick name” – xú danh khác của đất nước Singapore, ngoài những cái tên mỹ miều được nhiều người biết đến như “Sư tử biển- The Merlion”, ” Chấm đỏ- The Little Red Dot”, “Con hổ Châu Á – Asian Tiger”.
Đó là “Con tôm độc – The poisonous shrimp”. Xú danh này không ai khác mà do chính Thủ tướng Lý Quang Diệu đặt ra, nó phản ánh chính sách đối ngọai của nước cộng hòa này một cách rất chân thực, rất sinh động.
Singapore ‘đã bỏ xa Việt Nam’ nhiều năm
Ba giá trị định hình Singapore hiện đại
Singapore giải thích vì sao ông Lý Hiển Long nói về Việt Nam
Trên đấu trường quốc tế, nơi mà cá lớn nuốt cá bé và cá bé tìm xơi tôm nhỏ, Singapore với diện tích chỉ 700 cây số vuông thực sự là một con tôm tí xíu.
Để sống yên bình giữa bầy cá lớn nhỏ, nó không thể là một con tôm bình thường, mà phải là con tôm có độc trong mình, đủ mạnh để bất cứ một con cá nào phải e dè và trả giá nếu cố tình xơi nó.
Nọc độc của con tôm Singapore nằm ở đâu?
Thứ nhất, đó là ở chính sách đối ngoại cân bằng. Cân bằng không có nghĩa là đu dây. Cân bằng có nghĩa là cùng tồn tại và bình đẳng với các siêu cường.
Singapore quan hệ tốt với tất cả các siêu cường hiện nay là Mỹ và Trung Quốc. Nước cộng hòa này ủng hộ Mỹ cân bằng quyền lực ở Châu Á – Thái Bình Dương song cũng ủng hộ xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ với Trung Quốc.
Bằng cách này hay cách khác, Singapore xây dựng vị thế của mình trở nên có liên quan, hữu ích và giá trị kết nối với và giữa các siêu cường, giữa các nền kinh tế hay các liên minh kinh tế.
Singapore là thành viên sáng lập ra ASEAN, là nơi đặt Ban thư ký APEC và thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á, Phong trào không liên kết, Khối Thịnh vượng chung các quốc gia.
Khi một nước nhỏ nhưng có nhiều bạn tốt là siêu cường, nguy cơ bị xâm lược sẽ ít hơn. Lý Quang Diệu (1956) nói: “Khó mà ăn cướp một người tuy yếu nhưng lại có những bạn bè khỏe mạnh sẵn sàng cho kẻ ăn hiếp một trận”. (“It is difficult to rob a weaker man if he has strong friends prepared and able to give the robber a hiding”).
Thứ hai, là chính sách tự cường, tự lực cánh sinh. Hơn 3% GDP hàng năm của đảo quốc này, gần 20% chi tiêu của chính phủ (khoảng 12 tỷ USD) được dành cho chi tiêu quân sự.
Thực túc thì binh cường, binh cường thì quốc an. Trang bị quân đội của Singapore hiện nay được các tạp chí và chuyên gia quân sự có uy tín (Janes Defense) đánh giá là hiện đại nhất và là lực lượng vũ trang mạnh trong khu vực.
Điều đặc biệt là quân đội nước này đóng rải rác ở các vùng lãnh thổ khác nhau. Lực lượng hải quân Singapore có căn cứ ở Úc, Đài Loan, không quân đồn trú ở Mỹ, Úc, tạo ra một lực lượng răn đe bên ngoài lãnh thổ cho bất cứ kẻ xâm lược nào.
45 năm quan hệ Singapore và Việt Nam
Singapore: Thịnh vượng nhờ biết ‘khích’ và chăm dân
Ăn món salad Singapore để phát tài
Quân đội Singapore không làm kinh tế. Quân đội không có những công ty thương mại, công ty bình phong. Không trực tiếp thực hiện những hợp đồng kinh tế. Không có quyền giao đất giao cảng. Nhiệm vụ duy nhất của nó là bảo vệ tổ quốc.
Ngay từ 1968 khi xây dựng lực lượng vũ trang từ con số không, Lý Quang Diệu tuyên bố: “Chúng ta sẽ tự bảo vệ tổ quốc. Bất cứ nước nào muốn giúp chúng ta, chúng ta sẽ nói lời cám ơn họ, nhưng xin quý vị hãy nhớ rằng chúng tôi sẽ tự bảo vệ được mình và rất rành mạch về điều này”.
Thứ ba, quan trọng nhất, là chính sách thực dụng. Tổ quốc trên hết. Nước cộng hòa này không hề ảo tưởng bởi bất cứ một “mối quan hệ viển vông, lệ thuộc nào” với bất cứ cường quốc dù là Mỹ hay TQ.
Khi lợi ích quốc gia có thể bị tổn hại, Singapore không ngần ngại phê phán đích danh Trung Quốc tại các diễn đàn an ninh khu vực về Biển Đông và an ninh hàng hải.
Thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long tuyên bố tại Trường Đảng Trung Ương Trung Quốc (là nơi đào tạo các quan chức cấp cao của ĐCS Trung Quốc) vào năm 2012 rằng: “Singapore tin rằng sự hiện diện tiếp tục của Mỹ đem lại an ninh và thịnh vượng trong khu vực. Mỹ có lợi ích hợp pháp và lâu dài tại Châu Á mà không quốc gia nào có được. Đó là lý do tại sao nhiều nước Châu Á – Thái Bình Dương hy vọng Mỹ tiếp tục cống hiến cho hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Tháng 4/2016 tại diễn đàn Shangrila, Singapore lại thẳng thắn chỉ trích Trung Quốc can thiệp vào công việc nội bộ của các nước ASEAN, lôi kéo một số thành viên đi ngược lại đồng thuận chung của cả khối.
Năm 1967, trong chuyến thăm chính thức tới Mỹ, khi được hỏi về việc liệu Singapore có cử quân đội đến giúp Mỹ trong chiến tranh Việt Nam không, Thủ tướng Lý Quang Diệu trả lời dứt khoát: “Singapore không phải là nước chư hầu của Mỹ, không nhận viện trợ gì của Mỹ, tôi không thấy có nghĩa vụ phải đưa nước tôi vào một cuộc chiến mà sẽ kết thúc một cách thảm họa”.
Cũng trong những ngày đầu lập quốc, Singapore đã bắt giữ nhân viên CIA của Mỹ, đòi tiền “chuộc” 100 triệu USD vì hoạt động gián điệp tại nước này. Năm 1990, mặc dù có đơn xin ân xá của Tổng thống Mỹ, chính quyền Singapore vẫn bắt giữ và phạt đòn một công dân Mỹ do vi phạm pháp luật Singapore.
Điều này khiến quan hệ hợp tác Mỹ- Singapore bị đóng băng mất một thời gian dài, nhưng cuối cùng lập trường kiên định về chủ quyền và luật pháp quốc gia của Singapore càng được tăng thêm uy tín. Bạn bè hôm nay có thể là kẻ thù ngày mai, chỉ có quyền lợi quốc gia là vĩnh viễn.
Con tôm Singapore vừa thực dụng, vừa có nọc độc, vừa tồn tại cộng sinh với các con cá lớn, có thể là một tấm gương nho nhỏ cho một vài quốc gia trong khu vực trong những xung đột chủ quyền biển đảo.
Làm một con tôm nhỏ không khó. Làm một con tôm độc cũng không khó.
Đừng xin phép lũ cá !!!
*Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một cây bút tự do và doanh nhân sống ở Singapore nhiều năm.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-49733958

Làm ăn với Trung Quốc –Lợi bất cập hại?

Bài 1: Xuất tiểu ngạch –Phá giá tại “sân nhà”
Mới đây, Bộ Công thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 16,6 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ. Trong đó hầu hết các mặt hàng trong nhóm nông, lâm nghiệp, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm. Thủy sản giảm 2,6% và rau quả giảm 6%. Trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 23,8 tỷ USD, giảm 2,5%.
Thay đổi chính sách giữa dòng
Nguyên nhân xuất khẩu sang Trung Quốc (TQ) giảm một mặt, theo lý giải của Bộ Công thương là do tình hình kinh tế năm 2019 không khởi sắc vì thương chiến Mỹ-TQ đang leo thang, tuy nhiên mặt khác theo các doanh nghiệp (DN) Việt Nam là do nhiều mặt hàng Việt Nam chưa có giấy phép, nghĩa là Chính phủ chưa đàm phán với TQ để nhiều sản phẩm của VN được xuất chính ngạch sang thị trường TQ, mặc dù VN và TQ đã cùng tham gia ký kết Hiệp định ACFTA có hiệu lực từ năm 2010 với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm hàng hóa (trong đó có nông sản).
Tuy vậy, các DN xuất khẩu Việt Nam phần đông cho rằng thời gian gần đây liên tiếp các mặt hàng xuất khẩu của VN đều bị “dội” lại và tồn kho do phía TQ thay đổi chính sách giữa dòng…
Ông Nguyễn Đình Tùng, CEO Vina T&T Group cho biết về tình hình hàng VN xuất sang TQ gần đây gặp khó, ông nói lý do trước tiên vì thương chiến Mỹ-Trung căng thẳng nên phía TQ phải có chính sách tăng tiêu thụ nội địa do đó TQ đưa ra thêm các quy định siết hàng nhập khẩu vào thị trường TQ và vì thế một số mặt hàng VN lâu nay đi đường tiểu ngạch bị ách tắc lại.
Xuất tiểu ngạch đơn giản giấy tờ, trước giờ không áp dụng vì cần lượng hàng cho dân TQ nên dễ dàng, giờ tăng cường tiêu thụ nội địa nên siết hàng nhập khẩu.
Ông đưa ví dụ với trái sầu riêng của Việt Nam. Trước nay sầu riêng VN có mặt ở thị trường TQ rất nhiều nhưng phần đông xuất theo đường tiểu ngạch. Giờ TQ đưa ra hàng rào kỹ thuật nên sầu riêng VN bị “dội”, nhiều tháng nay không xuất sang thị trường TQ được.
Các DN XK lớn vào TQ sẽ bị ảnh hưởng nhiều khi TQ siết trào cản kỹ thuật. Điều này khiến DN Việt bỡ ngỡ vì trước nay TQ là thị trường khá dễ, giờ phải đáp ứng nhiều đòi hỏi, do đó phải cần thời gian.
Ông Nguyễn Việt Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện là Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cũng cho rằng từ nhiều năm nay TQ và VN dễ dãi chấp nhận cách làm ăn theo kiểu “truyền thống” nên nếu một bên tự ý bỏ kiểu làm ăn cũ, chuyển sang làm ăn mới, chắc chắn sẽ tạo ra những khó khăn nhất định. Ông nói:
TQ cố tình tạo ra hai luồng tiểu ngạch và chính ngạch nhưng vừa qua TQ yêu cầu chính ngạch nên tiểu ngạch gặp khó khăn. TQ & VN quen kiểu tiểu ngạch mấy chục năm qua và dân cũng quen. Một vài năm nay, thực hiện một số thủ tục, hàng rào thủ tục, đâu phải tự nhiên cái gì cũng nằm trong danh sách, nên rất nhiều (sản phẩm) cố tìm đường tiểu ngạch.
“Trung Quốc cố tình tạo ra hai luồng tiểu ngạch và chính ngạch nhưng vừa qua TQ lại yêu cầu chính ngạch nên tiểu ngạch gặp khó khăn…Ông Nguyễn Việt Thắng -Chủ tịch Hội nghề cá VN”
Với những lập luận nêu trên, nhìn lại thực tế, Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết trong tháng 8/2019 nhiều loại trái cây ở Tiền Giang bị rớt giá nặng nề như dưa hấu, dừa xiêm và thanh long. Nguyên nhân được Cục chế biến cho biết là do nhu cầu nhập khẩu TQ không ổn định. Gần đây TQ lại kiểm soát chặt chẽ vận chuyển ngay cả đường tiểu ngạch làm cho đầu ra của trái cây bấp bênh.
Cụ thể, dưa hấu VN trước nay nhập khẩu qua TQ tại cửa khẩu đều có lót rơm, nay Hải quan TQ không cho lót rơm mà yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái. Còn trái mít họ yêu cầu dùng giấy dai kraft để bọc hoặc bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc hoặc vải thiều phải đóng gói trong thùng xốp có in tem chìm.
Nhiều thay đổi “không ổn định” của TQ khiến doanh nghiệp VN không cập nhật thông tin nên chưa đáp ứng được, do đó phần đông rơi vào tình trạng khó khăn, ách tắc…
Dễ phá sản do thương lái
Không chỉ đưa ra nhiều quy định mới, mà trước đây, khi còn là thị trường dễ tính, nhiều DN VN cũng “vướng” nhiều “chiêu” trò của thương lái TQ, khiến không ít DN điêu đứng. Một phó giám đốc công ty thương mại tại TPHCM (không muốn nêu tên) từng kể: ngoài việc thương lái TQ ép giá khi DN VN gom hàng từ nông dân vào kho thì việc họ xuống tận vườn thu gom, trả giá, đặt cọc cho nông dân xong nhưng sau đó cao chạy xa bay cũng thường xảy ra. Ông kết luận, do đó nhiều DN phá sản vì “chơi” với thương lái TQ.
Đồng ý với ý kiến trên, ông Nguyễn Đình Tùng, CEO Vina T&T cũng cho biết thêm, lúc trước đơn vị ông cũng hay chọn phương án xuất tiểu ngạch, nghĩa là “chấp nhận” qua thương lái để sản phẩm được xuất, còn về mặt giá cả là do hai bên thương lượng. Tuy nhiên với cách làm này, yếu tố rủi ro rất cao nên đơn vị ông đã không còn “mặn” với thị trường TQ. Tuy nhiên ông cho biết kinh nghiệm:
Trước xuất đường tiểu ngạch, gửi hàng đến cửa khẩu thương lái TQ sang nhận hàng, nhiều người khi hàng đến cửa khẩu rồi thương lái mới định giá, rủi ro cao. Tùy thuộc hoàn toàn vào thương lái TQ.
TQ không phải thị trường DN ưu tiên, chỉ khoảng 10% suất sang TQ sau khi hàng hóa được xuất các thị trường Mỹ, Úc, Canada và tiêu thụ qua kênh nội địa.
Ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, chính vì làm ăn với thương lái TQ nên DN VN mới không quan tâm đến các chính sách thay đổi từ phía đối tác, dẫn đến hàng XK bị cấm cửa mà không biết lý do vì sao. Do đó ông đề nghị Bộ NN&PTNT VN cần học hỏi kinh nghiệm từ Thái Lan trong chiến lược phát triển nông nghiệp sản xuất-xuất khẩu.
Được biết, thời gian qua, ngoài các mặt hàng trái cây, hải sản Việt Nam gặp phải khó khăn với thương lái TQ thì hàng nông sản như củ sắn (khoai mì) cũng đang bấp bênh khi TQ siết nhập khẩu tiểu ngạch.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, Tổng thư ký Hiệp hội Sắn phân tích nguyên nhân khiến sắn, một trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN trong nhiều năm nay đang vướng khó khăn với thị trường TQ. Ông nói, việc xuất khẩu quá nhiều theo đường tiểu ngạch từ nhiều năm nay khiến rủi ro thị trường lớn hơn. Ông cho rằng chất lượng, tiêu chuẩn thấp trong khi chính sách giá không được kiểm soát cao khiến sản phẩm sắn của VN thường bị thương nhân TQ ép giá, kìm giá. Mặc khác các nhà xuất khẩu trong nước không liên kết, không đồng nhất về giá, thậm chí chấp nhận phá giá để xuất tiểu ngạch. Theo ông điều này là không nên.
“Phát triển tiểu ngạch lâu nay đang rất tốt do đường biên dài, nhiều cửa khẩu nhưng vừa rồi do kiểm soát chất lượng vì sắn là một trong những nguyên liệu thực phẩm của TQ nên họ yêu cầu truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Chính vậy, làm cho vấn đề giao thương, XNK biên mậu thay đổi. Trước đây dễ dàng. Thực tiễn giữa biên mậu và chính ngạch có nhiều cái không đồng đều về thuế quan và kiểm soát nên người ta kiểm soát chặt hơn nên việc giao thương hàng hóa khó khăn hơn.
Với những khó khăn trước mắt về hàng rào kỹ thuật từ phía TQ, nông, ngư dân Việt Nam sẽ làm gì để phá vỡ thế bế tắc trước thị trường TQ, trong bài tiếp theo chúng tôi sẽ phân tích vấn đề này.
Bài 2: Xuất khẩu chính ngạch –Mở cánh cửa hẹp…
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/doing-business-with-china-more-harm-than-good-09182019114447.html

Việt Nam sẽ bỏ thuế nhập khẩu

đối với dầu thô kể từ tháng 11 tới đây

VN sẽ bỏ thuế nhập khẩu đối với dầu thô kể từ tháng 11 tới đây. Mức thuế nhập khầu 5% đánh vào mặt hàng này sẽ được bãi bỏ.
Reuters vào ngày 18 tháng 9 dẫn nguồn từ chính phủ Việt Nam đưa ra một ngày trước đó. Tin được loan đi khi mà Việt Nam ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào nguồn dầu thô nhập khẩu cho các nhà máy lọc dầu trong nước.
Thống kê cho thấy trong giai đoạn từ đầu năm nay đến tháng 8 vừa qua, lượng dầu thô nhập khẩu của Việt Nam tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái lên đến hơn 5 triệu 500 ngàn tấn. Trong khi đó thì sản lượng dầu thô của Việt Nam giảm 6,9%.
Hiện nay tại Việt Nam có hai nhà máy lọc dầu với công suất tổng cộng 330 ngàn thùng mỗi ngày. Nhu cầu dầu thô nhập khẩu tăng lên khi mà sản lượng dầu thô trong nước giảm đi. Lý do được cho biết vì các mỏ dầu trong nước khai thác lâu nay không còn nhiều trữ lượng nữa; cũng như thái độ ngày càng hung hang của Trung Quốc tại Biển Đông cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam tại khu vực đó.
Từ đầu tháng 7 cho đến nay, Trung Quốc cho tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 cùng các tàu hải cảnh hộ tống đi vào cùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam bất chấp mọi phản đối của Hà Nội và nhiều nước khác trên thế giới.
Trung Quốc đơn phương vạch ra đường đứt khúc 9 đoạn để tuyên bố chủ quyền gần như trọn Biển Đông. Đường này bị Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế PCA ở La Haye tuyên không có căn cứ cả về pháp lý vẫn lịch sử. Tuy nhiên Bắc Kinh không tuân thủ phán quyết của tò đưa ra hồi tháng 7 năm 2016.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/cru-oil-im-tax-abo-09182019091758.html

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.