Tin Biển Đông – 20/09/2019
Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2019
20:18
//
Biển Đông
,
Slider
Đối phó các đội tàu hạt nhân TQ ở Biển Đông
Chiến lược hạt nhân của Trung Quốc ở biển Đông về lâu dài sẽ rất nguy hiểm.
Mới đây, trên tạp chí The Maritime Issues, TS Satoru Nagao, nhà nghiên cứu tại Viện Hudson (Mỹ), đã đề cập đến khả năng triển khai các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân có mang tên lửa hạt nhân của Trung Quốc (TQ) ở biển Đông. Bài viết nhắc lại lời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe năm 2012, nhận định biển Đông dường như đang bị TQ biến thành “ao nhà” (…) Đây là một vùng biển có độ sâu đủ để hải quân TQ triển khai các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân , có thể vận hành các tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân.
Theo TS Nguyễn Việt Phương, cựu nghiên cứu viên tại Trung tâm Belfer, ĐH Harvard (Mỹ), một chuyên gia hạt nhân, hiện TQ có sáu tàu ngầm đạn đạo hạt nhân và có chiến lược hạt nhân tương đối thận trọng với lực lượng hạt nhân không lớn.
Từ các tàu ngầm hạt nhân
Phóng viên: Vì sao không nhiều người nhắc đến sự nguy hiểm của tàu ngầm hạt nhân của TQ, nhất là khi nước này có ý đồ độc chiếm biển Đông?
+TS Nguyễn Việt Phương (ảnh): Có thể nói rằng nếu so với Mỹ hay Nga (và trước đây là Liên Xô) thì TQ vẫn là quốc gia đi sau trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho tàu biển và tàu ngầm. Trong năm cường quốc là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và cũng là năm cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân thì TQ là quốc gia cuối cùng phát triển thành công tàu ngầm hạt nhân. Theo các thông tin chính thức thì hiện TQ mới có sáu tàu ngầm đạn đạo hạt nhân (một chiếc thuộc lớp Hạ – Type 092 và năm chiếc thuộc lớp Tấn – Type 094) và mới đang bắt đầu phát triển các tàu nổi sử dụng năng lượng hạt nhân. Vì lý do này mà giới nghiên cứu và báo chí cũng chưa thực sự quan tâm.
Các tàu ngầm đạn đạo hạt nhân đóng vai trò gì trong chiến lược hướng biển của TQ?
+ Về chiến lược hạt nhân, cần phải khẳng định rằng nếu so với các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác như Mỹ, Nga, Pháp hay thậm chí là các quốc gia mới sở hữu vũ khí hạt nhân gần đây như Ấn Độ, Pakistan, CHDCND Triều Tiên thì TQ có chiến lược hạt nhân tương đối thận trọng với lực lượng hạt
nhân không lớn. Điều này đến từ nguyên tắc khá nhất quán của TQ từ trước đến nay đó là răn đe hạt nhân (nuclear deterrence) chỉ dùng cho mục đích phòng thủ.
Theo đó, TQ sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công đối phương trước (no-first-use). đây là những chính sách mang tính kiềm chế đáng được khuyến khích trong bối cảnh Mỹ và Nga đang ngấp nghé ở ngưỡng cửa chạy đua hạt nhân trở lại, sau sự đổ vỡ của các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân như ABM, START II và gần đây nhất là INF. Vì lý do này mà đội tàu ngầm đạn đạo hạt nhân của TQ cũng không lớn (tổng số sáu tàu, trong khi Nga có 15 tàu và Mỹ có tới 18 tàu). Nhìn chung sự tồn tại của đội tàu này là để răn đe các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác và đồng minh của họ (như Nhật Bản – đồng minh của Mỹ và được Mỹ bảo vệ về mặt hạt nhân trong chiến lược “ô hạt nhân” của nước này) chứ không nhằm áp chế các quốc gia láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với nước này. Ngược lại, việc TQ đẩy mạnh giành quyền kiểm soát các đảo, đá ở biển Đông một phần chính là để tăng khả năng bảo vệ cho các tàu ngầm đạn đạo hạt nhân này khi di chuyển từ các căn cứ tàu ngầm trên đảo Hải Nam ra khu vực Thái Bình Dương.
Khả năng tấn công bằng các tàu ngầm hạt nhân của TQ thì sao, thưa ông?
+ Ngoài các tàu ngầm đạn đạo hạt nhân – vốn chủ yếu phục vụ mục đích phòng thủ, răn đe hạt nhân, TQ còn sở hữu các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân thuộc lớp Hán (Type 091) và Thương (Type 093). Tuy TQ không thực sự là quốc gia đi đầu trong việc phát triển công nghệ tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân – đặc biệt là trong việc giảm độ ồn hoạt động cho tàu – nhưng chín tàu ngầm lớp Hán và Thương này vẫn là công cụ áp chế hữu hiệu của TQ trong các xung đột trên biển, bởi chúng thừa hưởng những ưu thế vượt trội của việc sử dụng năng lượng hạt nhân như tầm hoạt động gần như là vô hạn, trọng lượng nước rẽ lớn (cho phép chứa nhiều vũ khí lớn và hiện đại hơn như tên lửa hành trình).
Vì vậy, các nước ở biển Đông sẽ phải quan tâm nhiều hơn tới đội tàu này (chứ không phải các tàu đạn đạo hạt nhân), mặc dù hiện nay ít có khả năng TQ sẽ dùng đội tàu này làm công cụ răn đe. Chủ lực của TQ vẫn là các lực lượng truyền thống (hải cảnh, dân quân biển) và đội tàu đang được xây dựng một cách cấp tập, trong đó đặc biệt nguy hiểm là các tàu sân bay Liêu Ninh, tàu sân bay lớp 001A và sắp tới là các tàu sân bay lớp 002, 003.
Đến nhà máy điện hạt nhân nổi
Ngoài tàu ngầm hạt nhân, các nhà máy điện hạt nhân nổi của TQ nguy hiểm ra sao?
+ TQ trong khoảng một thập niên trở lại đây đã bắt đầu ấp ủ tham vọng triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi ra biển Đông. Họ thậm chí nhắc tới việc sẽ đưa cả chục nhà máy dạng này ra các đảo, đá do nước này chiếm đóng để phục vụ việc thăm dò, khai thác dầu và tăng khả năng sinh tồn của các cộng đồng người TQ trên các đảo nhân tạo do họ xây dựng trái phép. Sự nguy hiểm của các nhà máy điện hạt nhân nổi phần lớn đến từ nguy cơ rò rỉ phóng xạ đối với môi trường biển và các đảo trên biển Đông, nhất là khi các nước khác hay các tổ chức quốc tế như Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) chỉ có thể đề nghị giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp việc đảm bảo an toàn của các cơ sở này.
Bên cạnh đó, việc biển Đông có mật độ tàu bè đi lại dày đặc và việc biến đổi khí hậu khiến tần suất, cường độ bão nhiệt đới ở khu vực này ngày càng khó lường cũng làm tăng thêm nguy cơ mất an toàn, an ninh với các nhà máy điện hạt nhân nổi của TQ.
Cuối cùng, tất nhiên sự hiện diện của các nhà máy điện hạt nhân nổi vốn có khả năng cung cấp cả điện năng và nước ngọt sẽ giúp TQ tăng khả năng chiếm giữ các đảo, đá, đảo nhân tạo trên biển Đông, khiến các tranh chấp lãnh thổ tại khu vực này càng trở nên phức tạp và đẩy các quốc gia trong khu vực vào thế yếu trong tranh chấp.
Xin cám ơn ông.
Các nước phải vào cuộc ngay để ngăn Trung Quốc
Theo ông, việc cấp thiết nhất để hạn chế TQ triển khai các loại tàu, nhà máy năng lượng hạt nhân ở biển Đông là gì?
+ Việt Nam và các nước khác cần phải hành động ngay từ lúc này để ràng buộc TQ về mặt pháp lý, dựa trên cơ sở luật biển và các công ước liên quan tới an toàn, an ninh hạt nhân. Mục tiêu cơ bản nhất là giảm tốc độ triển khai lực lượng hạt nhân trên biển của TQ, kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với sự xuất hiện của một yếu tố có thể gây rủi ro về an toàn, an ninh cho khu vực này, không để TQ tạo được “sự đã rồi”.
Đông Nam Á được xem là khu vực tích cực theo đuổi môi trường phi vũ khí hạt nhân. Trong bối cảnh đó, ASEAN nên làm gì?
+ Từ năm 1997, các nước Đông Nam Á đã ký và thông qua hiệp ước cam kết khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân (Hiệp ước Bangkok). Theo đó, các nước Đông Nam Á đã đạt được đồng thuận về việc không phát triển vũ khí hạt nhân, không cho phép các nước khác đặt vũ khí hạt nhân, không thử vũ khí hạt nhân trong khu vực, không đổ chất thải hạt nhân và ngăn chặn các nước khác làm việc tương tự tại vùng biển Đông Nam Á. Cùng với đó, các nước Đông Nam Á cũng đã đề nghị các nước sở hữu vũ khí hạt nhân (trong đó có TQ) ký nghị định thư về việc tôn trọng các điều khoản của Hiệp ước Bangkok và không sử dụng vũ khí hạt nhân để đe dọa hoặc tấn công các nước đã ký Hiệp ước Bangkok. TQ cho đến nay vẫn trì hoãn việc gia nhập nghị định thư của hiệp ước này.
Như vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa việc thuyết phục các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, đặc biệt là TQ, ký kết nghị định thư nói trên để giảm bớt nguy cơ có thể đến từ sự hiện diện của lực lượng hạt nhân của TQ tại biển Đông. Với việc Mỹ, Anh, Pháp đang ngày một quan tâm đến tình hình an ninh khu vực biển Đông, các nước trong khu vực nên đề nghị họ xem xét ký nghị định thư trước để tạo thêm sức ép buộc TQ đồng thuận với Hiệp ước Bangkok.
TQ “vô tình” để lộ vũ khí đối phó
nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông
UAV trinh sát siêu thanh DR-8, vũ khí được cho là trợ thủ đắc lực giúp Trung Quốc đối phó nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông, đã lần đầu tiên xuất hiện vào cuối tuần qua.
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, thông qua những bức ảnh về cuộc diễn tập chuẩn bị cho ngày Quốc khánh Trung Quốc 1/10 diễn ra vào đêm 14/9, nhiều chuyên gia quân sự nhân định ít nhất có hai loại máy bay không người lái (UAV) đã xuất hiện, đó là DR-8 hay còn gọi là Wuzhen 8 và UAV tấn công tàng hình Sharp Sword.
Trong đó, UAV DR-8 được cho sẽ đóng vai trò quan trọng đối với quân đội Trung Quốc nhằm đối phó với các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ hoạt động ở Biển Đông hoặc Tây Thái Bình Dương.
Sự xuất hiện của chiếc UAV trinh sát DR-8 đã thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi UAV Trung Quốc mang một số đặc điểm giống với UAV siêu thanh D-21 mà quân đội Mỹ đã loại biên cách đây hơn 40 năm.
Trước đây, Mỹ từng dùng UAV D-21 để thực hiện các sứ mệnh do thám Trung Quốc và một số chiếc UAV này đã bị rơi trong quá trình hoạt động. Do đó, các bộ phận của UAV D-21 vẫn nằm rải rác ở nhiều nơi trên lãnh thổ Trung Quốc. Thậm chí, một chiếc UAV D-21 bị rơi trong không phận Trung Quốc còn được trưng bày tại Bảo tàng Quân sự Trung Quốc ở thành phố Bắc Kinh cách đây vài năm.
Hiện UAV DR-8 được cho đóng vai trò quan trọng trong quá trình tác chiến của quân đội Trung Quốc nếu không may bùng nổ xung đột với Mỹ. Theo đó, UAV DR-8 sẽ cung cấp thông tin mục tiêu chính xác cho các “sát thủ diệt tàu sân bay” như tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và tên lửa đạn đạo DF-26.
Theo ông Zhou Chenming, nhà bình luận quân sự ở Bắc Kinh, UAV DR-8 có thể di chuyển nhanh hơn cả D-21 với tốc độ tối đa là Mach 3.3. Với tốc độ này, UAV DR-8 có thể xuyên thủng các hàng rào phòng không của đối phương và quay trở về nguyên vẹn với nhiều thông tin tình báo.
Nhà bình luận quân sự ở Thượng Hải, ông Shi Lao cho rằng trước đây, quân đội Trung Quốc từng vài lần sử dụng UAV DR-8 để thu thập thông tin tình báo. Bởi phạm vi hoạt động của UAV DR-8 có thể vươn tới cả những khu vực chiến lược nằm cách xa ở Tây Thái Bình Dương bao gồm đảo Guam .
“Trên thực tế, UAV DR-8 đã được biên chế vào quân đội Trung Quốc trong một thời gian”, ông Shi nhận định.
Một UAV hiện đại khác của Trung Quốc cũng xuất hiện trong cuộc diễn tập chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc là Sharp Sword. UAV Sharp Sword là loại UAV tấn công trang bị tên lửa hoặc bom dùng laser dẫn hướng.
Trong số những bức ảnh hé lộ dàn vũ khí có thể xuất hiện trong lễ kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc 1/10 sắp tới còn có tên lửa siêu thanh DF-17 và tên lửa DF-41 .
Trong đó, DF-41 là tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn và dùng dàn phóng di động có thể mang theo tới 10 đầu đạn hạt nhân và có khả năng tấn công các mục tiêu nằm trên đất liền Mỹ.
Cũng trong buổi diễn tập hôm 15/9, không quân Trung Quốc đã cho bay thử máy bay ném bom chiến lược mới H-6N.
Theo các nhà quan sát, đặc điểm đánh chú ý nhất của H-6N chính là khả năng thực hiện tiếp nhiên liệu trên không. Đặc điểm này sẽ giúp H-6N mở rộng phạm vi hoạt động so với máy bay tiền nhiệm H-6K.
Thượng nghị sỹ Australia ‘hiến kế’
ngăn chặn hành vi gây hấn của TQ trên Biển Đông
Thượng nghị sỹ Australia kêu gọi Canberra sử dụng hải quân, phối hợp cùng các nước thực thi quyền đi lại vô hại trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông.
Trong bài phát biểu trước quốc hội Australia hôm 16/9, Thượng nghị sĩ Đảng tự do Concetta Fierravanti-Wells chỉ trích Bắc Kinh vì không tuân thủ phán quyết mà Tòa Trọng tài thường trực đưa ra năm 2016 vốn cấm cản nước này thăm dò tài nguyên ở các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác.
“Bắc Kinh đã thất bại trong bài kiểm tra trở thành một công dân quốc tế tốt ở Biển Đông. Chúng ta cần nêu tên Trung Quốc và sử dụng hải quân của mình, hợp tác với các quốc gia khác để thực thi quyền đi lại vô hại qua các vùng biển quốc tế. Chính sách nhân nhượng không nên là một lựa chọn”, bà Concetta nhấn mạnh.
Đây là lần đầu tiên một chính trị gia Australia lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc sau các hành động gây hấn thời gian gần đây của Trung Quốc.
Canberra trước đó bày tỏ quan ngại với các diễn biển căng thẳng mới đây trên Biển Đông, nhưng không đề cập trực tiếp tới Bắc Kinh.
Sau khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi tất cả các bên tôn trọng luật pháp quốc tế.
Bà Concetta là người nổi tiếng với các tuyên bố cứng rắn chỉ trích Bắc Kinh. Hồi tháng 10/2018, nữ chính khách này cáo buộc Bắc Kinh đang áp dụng chính sách “ngoại giao bẫy nợ ” để đổi lấy ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quốc đảo ở Thái Bình Dương. Bà khẳng định Bắc Kinh đang lôi kéo các nước bằng các khoản vay không thể chi trả, một chiến lược không cần động binh nhưng vẫn hiệu quả.
Trung Quốc trong vài tháng trở lại đây gia tăng các hành động gây hấn trên Biển Đông. Bắc Kinh 2 lần điều nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 tới xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam bất chấp các tuyên bố phản đối kịch liệt của Hà Nội.
Giữa tháng 8, tàu khảo sát Đông Phương Hồng 3 khiến dư luận Philippines sục sôi khi xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có những hành vi gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa tới hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như khu vực.
Biển Đông: TQ đang bị thách thức chưa từng có?
Các chiến dịch hàng hải, các cuộc thử nghiệm tên lửa, những cuộc tập trận đổ bộ – đây là cách mà Lầu Năm Góc Mỹ đang tăng cường mạnh mẽ các nỗ lực nhằm đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông khi mà Bắc Kinh đang có hàng loạt bước đi gây lo ngại ở vùng biển chiến lược này.
Hồi cuối tuần vừa rồi, một chiến hạm của Mỹ đã tiến đến quần đảo Hoàng Sa trong một chiến dịch nhằm khẳng định “sự tự do hàng hải” ở khu vực. Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc tranh chấp.
Tàu USS Wayne E. Meyer – một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đã đi qua quần đảo Hoàng Sa để bày tỏ sự phản đối đối với đòi hỏi chủ quyền tham lam và phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đây là lần thứ 6 trong năm nay Mỹ tiến hành chiến dịch tự do hàng hải – một chiến dịch đang được Mỹ đẩy mạnh nhằm đối phó với một Trung Quốc ngày càng hung hăng ở Biển Đông.
Trong năm 2017 và 2018, Mỹ thực hiện tất cả 8 chiến dịch tự do hàng hải và chỉ có 6 chiến dịch dưới thời chính quyền của Tổng thống Obama.
Ngoài chiến dịch hàng hải nói trên, cũng trong tuần trước, Thủy quân Lục chiến Mỹ thông báo về việc họ đã thực hiện một cuộc tập trận trên đảo Tori Shima của Nhật Bản. Trong cuộc tập trận này, lực lượng của Mỹ đã diễn tập các cuộc đổ bộ lên những bờ biển của kẻ thù và chiếm giữ các vùng đất. Cuộc tập trận rõ ràng được thiết kể nhằm tăng cường khả năng của quân đội Mỹ trong việc chiếm một hòn đảo tranh chấp và thiết lập một căn cứ hậu cần cho các chiến dịch trên không.
“Kiểu diễn tập này nhằm giúp các tướng lĩnh ở khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương có thể thể hiện sức mạnh và tiến hành các chiến dịch viễn chinh ở môi trường biển tranh chấp”, một sĩ quan của Mỹ cho biết.
Chưa dừng lại ở đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper mới đây cũng không ngần ngại cho biết Mỹ đang nóng lòng muốn triển khai các tên lửa mới đến Châu Á. Ông Esper – người chọn Châu Á trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị ông chủ Lầu Năm Góc, đã khẳng định rõ ràng rằng Mỹ muốn nhanh chóng triển khai các tên lửa mới đến Châu Á, có thể chỉ trong vòng vài tháng nữa, nhằm đối phó với sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc.
Tháng trước, Lầu Năm Góc đã chọn khu vực biển Thái Bình Dương là nơi để họ tiến hành vụ thử tên lửa tầm trung đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Tất cả những động thái trên của Mỹ được cho là nhằm gia tăng sức ép lên Trung Quốc.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Trung Quốc đang ngang nhiên đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông – một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.
Trung Quốc đã và đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và giờ là quân sự hóa ở Biển Đông. Tiếp đó, Trung Quốc liên tiếp cho triển khai vũ khí, trong đó có các tên lửa, đến các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Trong vài tuần trở lại đây, Trung Quốc đang gây quan ngại rất lớn cho cộng đồng quốc tế nói chung và các nước có lợi ích ở Biển Đông nói riêng khi liên tiếp có những động thái xâm phạm chủ quyền của nước khác và gây hấn với các nước có tranh chấp trong khu vực.
0 nhận xét