Tin Biển Đông – 15/09/2019
Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2019
19:36
//
Biển Đông
,
Slider
Trung Quốc nói
đã ‘trục xuất’ tàu Mỹ ra khỏi Hoàng Sa
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói nó đã “trục xuất” một tàu khu trục của Hoa Kỳ ra khỏi quần đảo Hoàng Sa hôm thứ Sáu, 13/9, theo Bưu điện Hoa Nam.
Phát ngôn viên của Chiến khu Nam Bộ thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), Đại tá Lý Hoa Mẫn, nói rằng tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Hải quân Hoa Kỳ USS Wayne E. Meyer đã di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa “mà không có sự cho phép của chính phủ Trung Quốc”.
“Quân đội của chúng tôi sẽ [thực hiện] tất cả các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia và bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định ở Biển Đông.”
Ông Lý cho biết Hải quân và Không quân PLA đã theo sau, xác định, theo dõi, cảnh báo và trục xuất tàu khu trục này.
“Phớt lờ các luật lệ và quy tắc quốc tế, phía Hoa Kỳ đã thực hiện quyền bá chủ trên biển ở Biển Đông trong một thời gian dài. Những hành động như vậy đã làm suy yếu nghiêm trọng các lợi ích có chủ quyền của Trung Quốc, và chứng minh rằng phe Mỹ hoàn toàn thiếu chân thành trong việc duy trì hòa bình toàn cầu cũng như an ninh và ổn định khu vực,” ông Lý nói.
Trước đó, chỉ huy Reann Mommsen, phát ngôn viên của Hạm đội Bảy của Hải quân Hoa Kỳ nói đợt tuần tra mới nhất này nhắm vào việc thách thức các “yêu sách quá mức” của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa, vốn cũng được tuyên bố chủ quyền bởi Đài Loan và Việt Nam.
“Trung Quốc đã cố gắng đòi thêm vùng biển nội địa, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hơn là theo luật quốc tế,” bà Mommsen nói với Reuters.
“Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền với vùng đảo Hoàng Sa. Cả ba yêu cầu phải có sự cho phép hoặc thông báo trước khi một tàu quân sự nước ngoài thực hiện một đường đi ‘vô hại’ qua vùng biển lãnh thổ.
“Việc áp đặt hay yêu cầu thông báo đơn phương của bất kỳ giới cầm quyền nào cho một hoạt động qua lại vô hại (innoccent passage) là điều không được quy định trong luật quốc tế, vì vậy Hoa Kỳ thách thức những yêu cầu này”.
Hoa Kỳ cũng thách thức tuyên bố về đường cơ sở năm 1996 của Trung Quốc về chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, bà Mommsen nói.
Tháng trước, tàu USS Wayne E. Meyer của Mỹ cũng đi qua khu vực trong vòng 12 hải lý của khu vực Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn, hai khu vực đảo nhân tạo lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực quần đảo Trường Sa. Đây là lần đầu tiên tàu chiến Hoa Kỳ thách thức hai tiền đồn của Trung Quốc kể từ khi thực hiện hoạt động tuần tra tự do hàng hải.
‘Các diễn biến nghiêm trọng’ tại Biển Đông
đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực
Trả lời Hãng tin Bloomberg của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định “các diễn biến nghiêm trọng” tại Biển Đông đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định Biển Đông quan trọng đối với các nước trong và ngoài khu vực trong email trả lời câu hỏi của Hãng tin Bloomberg hôm 1-9.
“Biển Đông mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với các nước trong và ngoài khu vực trên bình diện kinh tế, an ninh, cũng như tự do hàng không và hàng hải”, bà Hằng cho biết.
“Việt Nam chào đón và sẵn sàng hợp tác với các nước khác cũng như cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực”, bà nhấn mạnh.
Người phát ngôn Thu Hằng cho biết thêm rằng nhiều quốc gia và tổ chức đã lên tiếng, thể hiện sự lo ngại về các nguy cơ đang đe dọa hòa bình trong khu vực.
Câu trả lời của bà Lê Thị Thu Hằng nhằm đáp lại tuyên bố từ Anh, Pháp và Đức ngày 29-8, Bloomberg cho biết. Nội dung của bản tuyên bố chung này khẳng định các nước này quan ngại về căng thẳng Biển Đông, cũng như lo ngại tình hình “có thể dẫn tới bất ổn về an ninh và ổn định trong khu vực”.
Tuyên bố của ba cường quốc châu Âu trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi tàu hải quân Mỹ triển khai các hoạt động gần những đảo bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) ngày 28-8 đã nêu quan điểm về những diễn biến bất ổn trên Biển Đông thời gian qua.
Người phát ngôn của EU nhấn mạnh sự cần thiết của việc tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, nhất là việc tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam, những quyền của Việt Nam được quy định rõ ràng trong UNCLOS 1982. Bộ Ngoại giao Việt
Nam đến nay đã yêu cầu Trung Quốc rút nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 ra khỏi EEZ và thềm lục địa Việt Nam.
0 nhận xét