Tin Biển Đông – 13/09/2019
Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2019
17:18
//
Biển Đông
,
Slider
Khu trục hạm Hải quân Hoa Kỳ
đi sát quần đảo Hoàng Sa
Khu trục hạm USS Wayne E. Meyer của Hải quân Hoa Kỳ vừa đi qua quần đảo Hoàng Sa, thách thức Trung Quốc, 2 tuần sau khi chiến hạm này đi qua đá Chữ Thập và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Hãng tin Reuters trích lời của người phát ngôn Hạm đội Bảy Reann Rommsen cho biết như vậy hôm thứ Sáu, ngày 13/9.
“USS Wayne E. Meyer thách thức những hạn chế về đi qua vô hại do Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam áp đặt, đồng thời thách thức đòi hỏi của Trung Quốc đối với đường cơ sở thẳng mà Bắc Kinh áp dụng đối với quần đảo Hoàng Sa”, người phát ngôn Hạm Đội 7 được Reuters trích lời cho biết.
Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa lúc đó do chính quyền Nam Việt Nam kiểm soát. Hiện tại, cả Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều đòi chủ quyền đối với quần đảo này.
Từ năm 1996, Trung Quốc đã tuyên bố một loạt đường cơ sở thẳng qua quần đảo Hoàng Sa nhằm mục đích mở rộng phần lãnh hải quanh quần đảo này, thay vì vẽ riêng đường cơ sở thẳng cho từng thực thể theo quy định của luật quốc tế.
Người phát ngôn Hạm đội 7 cho biết các đòi hỏi của Trung Quốc đối với vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhiều hơn so với quy định của luật quốc tế.
Từ năm 2015 đến nay, Hoa Kỳ đã liên tục gửi tàu chiến và máy bay đi qua khu vực Biển Đông trong chương trình tự do hàng hải (FONOP) nhằm thách thức các đòi hỏi về chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Washington thời gian qua đã có những chỉ trích nặng nề đối với Bắc Kinh về những hoạt động quân sự hóa khu vực Biển Đông và có hành động bắt nạt các nước láng giềng trong đó có Việt Nam.
Bắc Kinh nói Hoa Kỳ đang gây bất ổn tình hình trong khu vực và bóp méo sự thật.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-warship-sail-by-paracel-09132019100009.html
Đồng ý hợp tác với TQ khai thác dầu khí trong EEZ,
Duterte bị đả kích
Quan chức Philippines mạnh mẽ đả kích Tổng thống Duterte, đánh đổi chủ quyền biển đảo lấy lợi ích kinh tế và chấp nhận khai thác dầu khí chung với Trung Quốc trong khu dặc quyền kinh tế Philippines trên Biển Đông.
Nói chuyện với các nhà báo ở Philippines hôm thứ Ba 10/9, ông Duterte cho biết ông Tập đã hứa chia cho Philippines phần lợi lớn hơn với một dự án khai thác dầu khí chung trong vùng dặc quyền kinh tế của Philippines.
Ông Duterte lặp lại lời ông Tập hứa hẹn:
“Hãy dẹp sang một bên các tuyên bố chủ quyền. Rồi cho phép mọi người liên kết với các công ty Trung Quốc. Các công ty này sẽ khai thác và nếu tìm được gì, “chúng tôi sẽ rộng lượng, chia cho các ông 60%, chúng tôi chỉ lấy 40%.”
Ông Duterte nói đó là lời hứa của ông Tập, khi hai ông gặp nhau ở Bắc Kinh hồi tuần trước.
Theo Xinhua, cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, ông Tập nói hai nước có thể tiến “một bước dài” trên con đường hợp tác khai thác dầu khí ở ngoài khơi. Xinhua dẫn lời nhà lãnh đạo Trung Quốc nói:
“Miễn là hai bên xử lý đúng đắn vấn đề Biển Đông, bầu không khí của quan hệ song phương sẽ thuận lợi, nền tảng của mối quan hệ sẽ vững chắc, và hòa bình ổn định sẽ được bảo đảm.”
Nhưng hôm thứ Năm, Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo mạnh mẽ đả kích nhà lãnh đạo Philippines là “cực kỳ vô trách nhiệm” khi cân nhắc khả năng gạt sang một bên “chiến thắng vẻ vang của Philippines trước tòa án trọng tài” để hợp tác với Bắc Kinh khai thác năng lượng chung trong khu dặc quyền kinh tế Philippines, theo Reuters.
Bà Leni Robredo, cũng là lãnh đạo phe đối lập, không che dấu sự bất bình của mình. Trang Rappler.com dẫn lời bà phát biểu:
“Bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu chúng ta có lẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất, khó khăn nhất của bất cứ chính phủ nào. Bán rẻ tương lai ấy để đạt một thỏa thuận khai thác dầu khí chung với Trung Quốc là một cách đáng hổ thẹn, để trốn tránh trách nhiệm đó.”
“Bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu có lẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất, khó khăn nhất của bất cứ chính phủ nào. Bán rẻ tương lai ấy để đạt thỏa thuận khai thác dầu khí chung với TQ là một cách đáng hổ thẹn, để trốn tránh trách nhiệm đó.”
Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo
Phó Tổng thống Robredo phản bác lập luận của ông Duterte rằng khẳng định chủ quyền của Philippines trên Biển Tây Philippines (Việt Nam gọi là Biển Đông), sẽ dẫn tới chiến tranh với Trung Quốc.
Bà nói khẳng định chủ quyền lãnh thổ không nhất thiết dẫn tới chiến tranh với Trung Quốc. Bà đơn cử cách xử lý của Việt Nam và Indonesia:
“Chiến tranh không phải là phương tiện duy nhất để khẳng định các quyền của chúng ta đối với khu dặc quyền kinh tế của mình. Các nước láng giềng của chúng ta, Việt Nam và Indonesia, đã nhiều lần chứng minh điều đó.”
Bà chất vấn:
“Tại sao Tổng thống và chính quyền của ông lại chính là những người coi nhẹ chiến thắng dứt khoát của chúng ta trước tòa trọng tài quốc tế năm 2016 với những phát biểu như thế?”
Trước làn sóng chỉ trích, phủ Tổng thống Philippines đã tìm cách biện minh cho ông Duterte. Người phát ngôn của điện Malacañang, Salvador Panelo, giải thích với các nhà báo rằng ông Duterte chỉ muốn nói ông sẽ “để sang một bên” vấn đề, nhưng “không từ bỏ đòi hỏi chủ quyền”.
Người phát ngôn nói phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế là đề tài đang được thảo luận giữa hai nước. Các cuộc thương thuyết đang tiếp diễn một cách hòa bình, nhưng trong khi chờ đợi, Philippines nên tập trung vào những vấn đề khác có lợi cho cả hai nước.
Năm 2016, Tòa án Trọng tài Quốc tế ở La Haye ra phán quyết trao phần thắng cho Philippines trong vụ kiện kéo dài 3 năm do chính phủ tiền nhiệm phát động, một năm sau khi Philippines và Trung Quốc đối đầu nhau tại bãi cạn Scarborough. Phán quyết của tòa trọng tài quốc tế ở La Haye kết luận rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông là ‘không có cơ sở’, nhưng cho tới nay Philippines chưa yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết, trong khi ông Duterte theo đuổi chính sách hòa hoãn với Bắc Kinh.
Tại buổi họp báo hôm thứ Tư, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, không bình luận trực tiếp về phát biểu của ông Duterte. Bà Hoa Xuân Oánh nói:
“Hai bên đã loan báo việc thành lập một ủy ban thường trực liên chính phủ và một toán làm việc giữa các công ty có liên quan từ cả hai nước về vấn đề hợp tác khai thác dầu khí.”
Biển Đông : Ấn Độ « Hướng Đông »
nhưng tránh đối đầu với Trung Quốc
Với chính sách « Hướng Đông », tăng cường quan hệ với Nhật Bản và Nga về an ninh hàng hải, Ấn Độ xây dựng hình ảnh một cường quốc hải quân muốn đóng vai trò quan trọng hơn trong khu vực Biển Đông đang bị Trung Quốc lấn hiếp. Các nước Đông Nam Á trông chờ có thêm một đồng minh. Tuy nhiên, thực tế dường như không phải như thế, theo nhận định « tiếc rẻ » của một chuyên gia Ấn Độ.
Trong những ngày gần đây có hai sự kiện cho phép suy đoán Ấn Độ thay đổi chính sách Biển Đông. Trước hết là bộ trưởng Quốc Phòng Rajnath Singh đến Tokyo hồi tuần trước để cùng xem xét khả năng hợp tác an ninh trong toàn khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng như thảo luận về tình hình căng thẳng tại Biển Đông. Tiếp theo đó, trong cuộc hội kiến với tổng thống Nga Vladimir Putin tại Vladivostok, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ký một bản ghi nhớ mở một con đường hàng hải nối liền nước Nga đến tận thành phố cảng Chennai ở miền đông Ấn Độ.
Hai động tác này phải chăng là bước tiến cụ thể từ khi chính sách « Hướng Đông » được nâng cấp thành « Hành Động Phía Đông » vào tháng 10/2014 thể hiện cuộc chạy đua giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở châu Á?
Theo nhiều nhà phân tích, sự hiện diện của Ấn Độ bên cạnh Nga và các cường quốc khu vực là tín hiệu New Delhi có quyết tâm chống lại ảnh hưởng áp đảo của Bắc Kinh tại Biển Đông. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu địa chính trị Abhijit Singh thuộc Viện Quan Sát (Observer Research Foundation) ở New Delhi, đưa ra một nhận định khác trong bài « Chính sách Biển Đông của Ấn Độ không đổi ».
Ấn Độ Dương của tôi, Biển Đông của anh
Ấn Độ không bỏ chủ trương không can thiệp vào Biển Đông vì ba lý do.
Thứ nhất, Ấn Độ không có chủ quyền bị đe dọa trực tiếp tại đây. Thứ hai, Trung Quốc ở thế mạnh, kiểm soát các đảo chủ yếu, có căn cứ quân sự và vũ khí áp đảo các nước láng giềng. Và thứ ba, có lẽ là lý do quan trọng nhất, Ấn Độ muốn bảo vệ quan hệ tốt với Trung Quốc qua thỏa thuận Vũ Hán. New Delhi hy vọng Bắc Kinh sẽ tôn trọng ảnh hưởng của Ấn Độ tại Ấn Độ Dương, đổi lại, Ấn Độ sẽ tôn trọng quyền lợi của Trung Quốc tại Biển Đông.
Ấn Độ thật ra cũng rất lo ngại trước mối đe dọa của Trung Quốc về giao thông, vận tải, quyền lợi chiến lược năng lượng của mình. Biển Đông là huyết mạch đối với các nhà chiến lược Ấn Độ và họ thấy cần phải tăng cường khả năng tự vệ cho Đông Nam Á. Đó là hai mối ưu tư thúc đẩy NewDelhi phát triển chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương. Thế nhưng, liên quan đến Biển Đông, Ấn Độ không muốn đụng chạm đến Trung Quốc. Hải quân Ấn Độ không tham gia tuần tra tại Biển Đông mà ngay chính phủ Ấn Độ cũng tránh ký tên vào các bản tuyên bố chung lên án Trung Quốc. Điển hình là nhân Diễn đàn an ninh tại Singapore hồi năm 2018, Mỹ, Úc, Nhật kêu gọi xây dựng một trật tự tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương với những « quy tắc chung làm nền tảng ». Ấn Độ, trái lại, chỉ dè dặt đề nghị một hình thức « nối kết ».
Thiếu quyết tâm chính trị
Cho đến cuộc họp lần thứ tư của nhóm « tứ cường » mà thủ tướng Nhật Shinzo Abe gọi là « nhóm kim cương » tại Bangkok, thì lúc đó Ấn Độ mới tiến thêm một bước « chia sẻ ý tưởng hợp tác dựa tên các quy tắc ».
Cũng theo chuyên gia Abhijit Singh, những phóng sự rầm rộ của truyền thông Ấn Độ về tham vọng khai thác dầu khí tại Biển Đông chỉ là hành động quảng cáo. Trên thực tế, tuy Ấn Độ có quyền lợi thương mại trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng quyền lợi này không quan trọng lắm.
Do vậy, tuy New Delhi có vẻ đang tăng cường hợp tác với Mỹ, Nhật, Úc và Việt Nam, thực tế không đúng như thế. Không những Ấn Độ chưa sẵn sàng mở rộng tầm hoạt động hải quân đến Biển Đông mà còn tránh mọi lời nói có thể bị Bắc Kinh xem là khiêu khích.
Chuyên gia Ấn Độ Abhijit Singh lấy làm tiếc là chính quyền của thủ tướng Modi tuy có chính sách « Hành Động Phía Đông » nhưng lại thiếu quyết tâm chính trị ngăn chận hành động xâm lăng của Trung Quốc.
0 nhận xét